label

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Bỏ mọi sự vì Thầy (1.3.2011 – Thứ ba Tuần 8 Thường niên)


Bỏ mọi sự vì Thầy
Lời Chúa: Mc 10, 28-31
Khi ấy, ông Phêrô lên tiếng thưa Đức Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Ðức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau. Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
Suy nim:
Bình thường con người làm gì cũng ít nhiều nghĩ đến cái lợi cho mình.
Không lợi vật chất thì cũng lợi tinh thần.
Không lợi đời này thì cũng lợi đời sau.
Không lợi cho cá nhân mình
thì cũng lợi cho gia đình mình, tôn giáo của mình, quê hương của mình.
Con người dám hy sinh bỏ cái này để được cái kia lớn hơn.
Nếu biết giữ cho đúng mực, khuynh hướng này không phải là xấu.
Anh thanh niên giàu có đã không dám bán và cho tất cả tài sản
để nhẹ nhàng thanh thản bước theo Thầy Giêsu.
Đối với anh, cái mất ở đời này lớn quá so với cái được ở tương lai.
Ngược lại, các môn đệ đã bỏ gia đình và nghề nghiệp ổn định
để đi theo một vị Thầy không chỗ tựa đầu,
sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn.
Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy,
Phêrô đại diện anh em đặt câu hỏi:
“Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (c. 28).
Vậy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19, 27).
Thầy Giêsu không coi thường hay gạt bỏ câu hỏi này của Phêrô.
Thầy còn muốn long trọng trả lời câu hỏi này
cho cả những người ở thế hệ kế tiếp.
Bất cứ ai vì Thầy và vì Tin Mừng
mà bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống
như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái,
như phương tiện để sống và sống còn: nhà cửa, ruộng đất (c. 29),
những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này,
sẽ được gấp trăm về những điều đã mất.
Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau (c. 30),
điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước.
Nhưng Thầy cũng không giấu những bách hại đang chờ đợi họ.
Hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà đất, vợ con.
Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình xưa của họ.
Nơi cộng đoàn Kitô này, gia đình nào cũng là nhà của họ,
mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình.
Và rõ ràng họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa.
Hạnh phúc đến ngay từ đời này khi con tim và vòng tay rộng mở.
Hạnh phúc này chỉ là hưởng trước chút hạnh phúc đời sau.
Người kitô hữu hôm nay sống ở thế kỷ hai mươi mốt
cũng có lúc nghĩ về cái mất, cái được của việc một đời theo Giêsu.
Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài.
Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình phải bỏ thế gian với bao quyến rũ.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình không thể chiều theo cái tự nhiên.
Nhưng theo Giêsu, chúng ta được điều lớn hơn cả.
Đó là chính Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày : những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ : thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết : các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa : sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Giáo Hội Công giáo tại Libya trong cơn chính biến


ĐGM Sylvester Magro

Giáo Hội Công giáo tại Libya trong cơn chính biến
WHĐ (28.02.2011) – Tiếp theo Tunisia và Ai Cập, làn sóng phản kháng chính quyền, đòi tự do dân chủ đang bùng phát mạnh mẽ tại Libya, kéo dài từ ngày 15 tháng Hai đến nay. Người biểu tình đã tập trung quanh hai thành phố lớn nhất của Libya là thủ đô Tripoli ở phía tây và Benghazi ở phía đông.
Như đã biết, chính quyền Libya hiện do ông Muammar Ghadafi lãnh đạo trong suốt 42 năm qua.
Ngày 18 tháng Hai, những người tham gia biểu tình, được sự hợp tác của cảnh sát và những đơn vị quân đội rã ngũ, đã kiểm soát được gần toàn bộ Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya.
Tính đến nay, đã có hàng vạn người thương vong.
Ngày 21 tháng Hai, máy bay chiến đấu của không quân Libya đã tấn công những người biểu tình tại Tripoli. hành động này lập tức gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong công luận quốc tế.
Nhiều quốc gia lên án chính phủ của Gaddafi đã sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình, giết chết hàng trăm người Libya. Hoa Kỳ đã đặt lệnh trừng phạt đối với Gaddafi. Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết phong tỏa tài sản của Gaddafi, con trai và con gái của ông, cùng 10 thành viên thân cận. Nghị quyết cũng áp đặt lệnh cấm đi lại đối với những người này.
Tình hình tại Libya hiện hết sức căng thẳng.
Các nguồn tin quốc tế cho hay, hàng trăm ngàn người Libya và các ngoại kiều đã tìm cách rời khỏi Libya.
Phóng viên Alan Holdren của hãng tin Catholic New Agency (CNA) đã có bài tường thuật từ thủ đô Tripoli ( Libya), với nhan đề:
Giữa lúc diễn ra những cuộc cuộc biểu tình dữ dội, các vị thừa sai Công giáo vẫn tiếp tục công việc truyền giáo tại Libya.
Sau đây là nội dung bài viết:
“Giữa lúc đang diễn ra cuộc chạm trán dữ dội giữa những người phản kháng và lực lượng quân sự bảo vệ chính quyền, các vị thừa sai Công giáo vẫn tiếp tục thi hành phận sự của mình.
Nhà lãnh đạo quốc gia, ông Muammar Ghadafi, đã cố hết sức dập tắt cuộc nổi dậy của những người chống đối đang xuống đường đòi tự do. Benghazi và các thành phố khác thuộc miền đông hiện do những người biểu tình kiểm soát với sự hậu thuẫn của quân đội.
Tripoli vẫn còn là điểm nóng của cuộc xung đột. Các cơ quan thông tấn quốc tế vẫn tiếp tục loan tải các tin tức về những cuộc đánh bom và giết người tràn lan của phe chính phủ. Việc xác nhận tin tức cũng như mở các đường thông tin liên lạc vẫn còn bị hạn chế.
Ước tính, đến nay có khoảng từ 1 ngàn đến 10 ngàn người bị thiệt mạng. Cũng có nhận định cho rằng các cuộc đụng độ sẽ trở thành cuộc nội chiến. Hàng ngàn người dân, đặc biệt là công dân nước ngoài cư trú tại Libya, đã được sơ tán với số lượng lớn.
Linh mục Mussie Zerai, thuộc tổ chức cứu trợ Habeshia của Ý, nói với hãng tin Misna: một số người Phi châu nhập cư bất hợp pháp bị bắt giam trong các nhà tù, nay đang bị ép buộc phải chọn lựa, hoặc trở thành lính đánh thuê hoặc sẽ bị giết.
Ngoài ra còn có các nguồn tin cho biết, những người đàn ông nhập cư bị cảnh sát đến tận nhà, bắt đi đánh thuê, trở thành bia đỡ đạn cho Ghadafi.
Cơ quan thông tấn SIR tường thuật, Giáo Hội Công giáo đang giúp cho khoảng 500 người nhập cư, phần lớn là người Eritrea, được di tản khỏi Libya.
Các linh mục và tu sĩ Công giáo đang đương đầu với bão tố chính trị theo cách riêng của mình. Các vị vẫn làm việc. Nhiều nữ tu đã làm việc thêm giờ, tiếp nhận những ca thương vong trong những cuộc đụng độ.
Từ Benghazi, nữ tu Elisabeth, Dòng Bác Ái Đức Mẹ Vô Nhiễm, nói với phóng viên Misna: “Chúng tôi vẫn được an toàn, tiếp tục công việc của mình, mặc dù tình hình vẫn không sáng sủa và cũng chẳng biết ai đang lãnh đạo thành phố”.
Chị cho biết: “Cảnh sát và quân đội đã biến mất, mọi người đều nghĩ đến sự an toàn của mình, bảo vệ nhà cửa, công ăn việc làm và họ hàng thân thích”.
Nữ tu Elisabeth nói chị không rõ có bao nhiêu người bị thương hoặc bị giết, nhưng tin là rất nhiều.
Chị nói thêm: “Người dân Libya đã rất mệt mỏi”.
Đức cha Sylvester Magro, Đại diện Tông tòa giáo phận Benghazi, trong một cuộc trả lời điện thoại phóng viên CNA, nói mối quan tâm chính của Giáo Hội tại Libya là “đến với các bệnh nhân và những người chịu đau khổ”, đó là “cách đóng góp rất quý báu của chúng tôi, vì được gần gũi với con người”.
Đức cha nói, vào lúc này, người Công giáo Libya đang chia sẻ số phận với mọi người Libya.
Đức cha Giovanni Innocenzo Martinelli, Đại diện Tông tòa Tripoli, hôm 23-02-2011, đã nói với hãng tin Fides: “Cộng đoàn Công giáo tại Libya hoàn toàn là những người nước ngoài”.
Trong khi phần lớn những kiều dân Âu châu đều đã di tản, thì những người Philippines, chủ yếu là y tá bệnh viện, đã ở lại. Còn những người Phi châu nhập cư là “những người cần được giúp đỡ nhất”.
Đức cha Martinelli cho biết, ngài tin rằng “rất nhiều người chỉ mong được hòa bình”.
Ngài cũng nói Giáo hội tại Tripoli không gặp bất kỳ rắc rối nào: “Chúng tôi thậm chí đã nhận được những biểu hiện của sự liên đới từ nhiều người Libya, qua hình thức giúp đỡ đối với các nữ tu cũng như đối với giáo dân, như các y tá Philippines đang phục vụ tại các bệnh viện địa phương”.
Ngài thuật lại hiện đang theo dõi tình hình của các cộng đoàn tu sĩ. Đối với những người đang làm việc suốt ngày đêm để điều trị cho các nạn nhân, họ đều nhận được thông báo có thể di tản nếu thấy có sự bất ổn về tinh thần hoặc thể chất.
Đức cha Martinelli cũng nói, một nhóm nữ tu làm việc với những người nhập cư tại Tripoli có thể sớm được rời khỏi thành phố, vì “tình hình thật quá bấp bênh”.
Đức cha Martinelli và Magro là hai vị giám mục đang cai quản và phối hợp các hoạt động của Giáo Hội tại các giáo phận Tông tòa Tripoli, thủ đô, thuộc phía tây Libya, và giáo phận Tông tòa Benghazi, phía Đông.
Để phục vụ các cộng đồng di dân lớn và đa dạng, ít nhất cũng phải tổ chức một Thánh lễ mỗi tuần cho 10 nhóm ngôn ngữ và quốc tịch khác nhau.
Các người Hàn Quốc, Ấn Độ, Eritrea và Philippines chọn dự Thánh lễ được cử hành tiếng Anh, tiếng Ý, Pháp, Ba Lan và Ả Rập.
Các hoạt động giáo xứ do các linh mục dòng Phan sinh đảm trách. Tại nhiều thành phố và thị trấn, cũng đã có các cộng đoàn tu sĩ, nhất là tại thủ đô Tripoli và thành phố lớn Benghazi.
Hiện cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn và con số thương vong có thể thấy trước sẽ rất bi đát.
Ông Gianni Pitella, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, nói với Đài phát thanh Vatican rằng, Nghị viện đã nhận được báo cáo xác nhận có đến 10.000 người thiệt mạng. Ông cũng lưu ý, con số sẽ còn tăng lên từng giờ.
Ông nói: “Chế độ đang điên cuồng áp dụng mọi biện pháp, kể cả những biện pháp bạo liệt nhất, nhằm ngăn cản các công dân đang có mặt tại các quảng trường, trên những đường phố, không cho họ được nhìn thấy ước mơ tự do của mình thành hiện thực”.

 
PV

Tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tin tưởng vào tình thương
và sự quan phòng của Thiên Chúa

Vatican (Vat. 27/02/2011) - Kính thưa quý vị và các bạn. Tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa là sứ điệp chính yếu trong phụng vụ lời Chúa của ngày Chúa nhật thứ VIII thường niên 27 tháng 2 năm 2011. Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã nhắc lại và nêu bật tầm quan trọng của sứ điệp ấy trước sự hiện diện đông đảo của các phái đoàn hành hương, là những người cùng tham dự giờ Kinh Truyền Tin với Ðức Thánh Cha tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói:

Anh chị em thân mến
Phụng vụ ngày hôm nay cho chúng ta nghe lại một trong những lời cảm động nhất của Kinh Thánh. Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta những lời ấy ngang qua ngòi bút của tác giả mà chúng ta vẫn gọi là "Isaia đệ nhị". Ðể an ủi dân Chúa trước sự kiện thành Giêrusalem bị tàn phá, tác giả này đã viết: "Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ"(Is 49, 15). Ðó là lời mời gọi tin tưởng vào tình yêu không bao giờ phôi phai của Thiên Chúa.
Lời mời gọi này cũng được đề cập đến trong Tin Mừng Mat-thêu, khi Ðức Giêsu dạy các môn đệ của mình tin tưởng vào sự quan phòng của Cha trên trời, Ðấng nuôi dưỡng mọi loài chim trời và điểm trang cho hoa huệ ngoài đồng, là Ðấng thấu biết mọi điều cần thiết của chúng ta (x. Mt 6, 24-34). Vị Thầy của chúng ta đã dạy: "Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó."
Trước tình cảnh còn vô số những người đang phải sống trong đau khổ, dù là những người gần gũi hay những người xa lạ, những lời này của Ðức Giêsu có vẻ như ít thực tiễn, nếu không muốn nói là lẫn tránh thực tế. Thế nhưng đúng ra, Ðức Giêsu muốn chúng ta hiểu rõ rằng không ai có thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và sự giàu có. Ai tin vào Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương yêu dành cho con cái mình, người ấy sẽ đặt lên hàng đầu việc tìm kiếm nước của Thiên Chúa và Thánh Ý của Người. Ðiều này rất khác với chủ thuyết định mệnh hay với một khuynh hướng nhân nhượng ngây thơ. Quả thế, niềm tin vào sự quan phòng không thế chỗ cho những nỗ lực chiến đấu để hướng đến một cuộc sống đúng với phẩm giá con người, nhưng giải phóng chúng ta khỏi những nỗi bận tâm hướng đến vật chất và những nỗi sợ hãi hướng về ngày mai.
Lời giáo huấn này của Ðức Giêsu luôn chính đáng và chân thực đối với tất cả mọi người. Lời ấy được áp dụng vào cuộc sống với những cách thế khác nhau, ứng với những ơn gọi khác nhau, chẳng hạn: các tu sĩ dòng Phanxicô có thể bước theo lời giáo huấn này cách tận căn hơn; trong khi đó, một người gia trưởng của một gia đình thì luôn phải để ý đến những phận vụ của mình đối với vợ và con cái của mình... Dù trong trường hợp nào đi nữa, điểm đặc biệt của một người kitô hữu đó là: thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa là Cha Trên Trời, như Ðức Giêsu đã thể hiện. Chính nhờ mối liên hệ với Thiên Chúa là Cha đã mang đến một ý nghĩa đặc biệt cho cuộc sống của Ðức Giêsu, cho những lời rao giảng và những cử chỉ cứu độ của Người, cho cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người.
Chính Ðức Giêsu đã thể hiện cho chúng ta thấy một cung cách sống đặc biệt: đôi chân đặt vững vàng trên mặt đất, lưu tâm đến những tình huống cụ thể của những người thân cận; nhưng đồng thời, luôn giữ vững con tim mình hướng về Trời, chìm sâu vào trong lòng thương xót của Thiên Chúa.
Các bạn thân mến,
Dưới ánh sáng của Lời Chúa trong ngày Chúa nhật hôm nay, tôi mời gọi các bạn hãy kêu cầu với Ðức Trinh Nữ Maria với tước hiệu là Mẹ Quan Phòng. Trong tay Mẹ, chúng ta phó thác cuộc sống của chúng ta, phó thác cuộc lữ hành của Giáo hội chúng ta, và phó thác cả những diễn biến của lịch sử. Cách đặc biệt, chúng ta hãy kêu xin sự chuyển cầu của Mẹ để tất cả chúng ta biết sống một lối sống đơn sơ giản dị trong những công việc thường ngày, và trong sự tôn trọng các tất cả các tạo vật mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta chăm sóc.

Lưu Minh Gian

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Tôi phải làm gì? (28.2.2011 – Thứ hai Tuần 8 Thường niên)

Tôi phải làm gì?
Lời Chúa: Mc 10, 17-27
Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.
Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
Suy nim:
“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”
Một anh thanh niên vội vã chạy đến, quỳ trước mặt Đức Giêsu
và hỏi Ngài như thế khi Ngài vừa lên đường.
Rõ ràng anh đang háo hức và thao thức
tìm kiếm một lối sống phù hợp ở đời này,
để nhờ đó được hưởng hạnh phúc vững bền mãi mãi.
Anh đã đến với Thầy Giêsu tốt lành để hỏi câu hỏi này,
và anh thực sự chờ nơi Thầy câu trả lời.
Thầy nhắc anh về những giới răn liên quan đến tha nhân.
Đây là những điều anh đã biết, và hơn nữa,
anh thú nhận mình đã giữ chúng từ khi còn nhỏ (c. 20).
Thầy Giêsu như bị cuốn hút bởi con người đạo đức của anh.
Đưa mắt nhìn anh, Thầy đem lòng yêu mến (c. 21).
Đúng là anh đã không làm hại gì đến tha nhân.
Nhưng anh còn thiếu một điều quan trọng, đó là:
Đi. Bán những gì mình có. Cho người nghèo.
Rồi đến. Và theo Thầy Giêsu.
Thầy mời anh đi một vòng, rồi trở lại.
Lúc trở lại với Thầy, anh sẽ nhẹ hơn nhiều,
vì mọi của cải đã được phân phát cho người nghèo khó.
Thầy Giêsu muốn anh trở nên môn đệ của mình,
sau khi đã trở nên tay trắng, không còn gì để nương tựa.
Anh thanh niên sẽ có kho tàng trên trời,
khi anh được giải phóng khỏi kho tàng của anh dưới đất.
Tiếc thay anh đã từ chối lời mời của vị Thầy có lòng mến anh,
và đã chỉ cho anh điều phải làm.
Lúc nãy anh chạy đến với Thầy, bây giờ anh lại bỏ đi (c. 22).
Lúc nãy anh háo hức, vui tươi, bây giờ anh sa sầm nét mặt.
Anh không ngờ Thầy lại đòi hỏi tận căn đến thế.
Anh mong sự sống vĩnh cửu, anh thích làm môn đệ Thầy Giêsu,
nhưng anh lại không muốn bỏ chỗ dựa là của cải đời này.
Lòng gắn bó với của cải đã là một trở ngại khiến anh mất tự do.
Không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải,
nhưng thực ra, vì của cải đã chiếm hữu anh.
Thầy Giêsu chắc còn buồn hơn anh thanh niên,
vì Thầy bị mất một người mà Thầy ưng gọi làm môn đệ.
Đến bao giờ anh thanh niên mới nguôi ngoai nỗi buồn?
Lời mời của Thầy tốt lành vẫn đeo đuổi tâm trí anh.
Anh vẫn suốt đời thiếu một điều.
Khi về nhà, khi tiếp xúc với của cải dư dật,
có khi nào anh lại thao thức đặt câu hỏi :
Tôi phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời?
Có khi nào anh nghĩ đến chuyện chia sẻ cho người nghèo?
Có khi nào anh lại muốn đến với Thầy Giêsu?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Ðức Thánh Cha bênh vực tiếng nói lương tâm.

Ðức Thánh Cha bênh vực
tiếng nói lương tâm

Vatican (SD 26-2-2011) - Trong buổi tiếp kiến sáng 26 tháng 2 năm 2011, dành cho Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 bênh vực tiếng nói lương tâm của con người và kêu gọi các bác sĩ chống lại sự lừa đảo về sự phá thai trị liệu.
Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống nhóm khóa họp toàn thể lần thứ 17 từ ngày 24 đến 26 tháng 2 năm 2011 tại Nội thành Vatican, dưới quyền chủ tọa của Ðức Cha Chủ tịch Ignacio Carrasco de Paula, và bàn về chấn thương hậu phá thai và các ngân hàng giữ máu giây rún.
Ngỏ lời với 250 người hiện hiện tại buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha nhận định rằng "Ðề tài hiệu chứng hậu phá thai, nghĩa là trạng thái khó chịu trầm trọng về tâm lý mà phụ nữ thường cảm thấy sau khi phá thai, biểu lộ tiếng nói không thể bóp nghẹt của lương tâm và vết thương rất nặng nề mà lương tâm phải chịu mỗi khi hoạt động của con người phản bội ơn gọi bẩm sinh làm điều thiện".
Ðức Thánh Cha cũng nói rằng: "Với những người muốn chối bỏ sự hiện hữu của lương tâm nơi con người, coi tiếng nói của lương tâm chỉ là kết quả những ảnh hưởng từ bên ngoại hoặc một hiện tượng hoàn toàn là cảm xúc, cần phải tái khẳng định rằng phẩm chất luân lý của hành động con người không phải là một giá trị bên ngoài hoặc giá trị tùy ý, và cũng không phải chỉ là đặc quyền của các tín hữu Kitô hay của những người có tín ngưỡng, nhưng nó là điều chung cho tất cả mọi người. Trong lương tâm, Thiên Chúa nói với mỗi người và mời gọi bênh vực sự sống trong mọi giai đoạn. Trong quan hệ bản thân này với Ðấng Tạo Hóa, có phẩm giá sâu xa của lương tâm và lý do tại sao không thể vi phạm lương tâm".
Ðức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi các bác sĩ đừng quên thi hành "nghĩa vụ hệ trọng là bảo vệ lương tâm của các phụ nữ chống lại sự lường gạt: các phụ nữ này nghĩ là có thể tìm được nơi sự phá thai giải pháp cho những khó khăn về gia đình, kinh tế, xã hội hoặc cho các vấn đề sức khỏe của thai nhi. Ðặc biệt trong trường hợp này, phụ nữ thường bị thuyết phục, nhiều khi do chính các bác sĩ, để nghĩ rằng phá thai không những là một chọn lựa hợp luân lý, nhưng thậm chí nó còn là một hành vi trị liệu cần phải thi hành, để tránh đau khổ cho hài nhi, và cho gia đình mình, cũng như tránh một 'gánh nặng' bất công cho xã hội.
"Trong bối cảnh văn hóa có sự lu mờ ý nghĩa sự sống, và trong đó nhiều người không còn cảm nhận tính chất trầm trọng của phá thai và của những hình thức khác chống lại sự sống con người, các bác sĩ cần có một lòng can đảm đặc biệc để tiếp tục khẳng định rằng phá thai chẳng giải quyết gì cả, trái lại nó giết hại trẻ em, hủy hoại phụ nữ và làm cho lương tâm của cha hài nhi trở nên mù quáng, nhiều khi làm tan rã đời sống gia đình".
Ðức Thánh Cha ca ngợi nhiều sáng kiến của cộng đồng Kitô giúp đỡ phụ nữ có thai để họ tránh giải pháp này, cũng như để nâng đỡ về tâm lý và tinh thần, giúp phụ nữ đã phá thai được phục hồi.
Sau cùng, ngài cũng cổ võ thành lập những ngân hàng máu giây rún, với mục đích trị liệu và nghiên cứu. Ðức Thánh Cha nói: "Cần cổ võ những nghiên cứu có giá trị về mặt luân lý đạo đức và giá trị tình liên đới của mỗi người trong việc tham gia vào những nghiên cứu nhắm cổ võ ích chung". Ngài phê bình hiện tượng ngày càng có nhiều ngân hàng tư giữ máu của các giây rún, để chỉ dùng riêng, mà thiếu tinh thần liên đới chân thực, vốn là điều cần phải có trong việc tìm kiếm công ích".
Trong những ngày nhóm họp, 2 đề tài nói trên đã được khai triển trong các phiên họp nhóm, được sự gợi ý trước đó của một số bài thuyết trình của các chuyên gia: Ðức ông Jacques Suaudeau định nghĩa các loại tế bào, giáo sư Justo Azanar thuộc Viện khoa học sự sống ở Valencia, Tây Ban Nha, nói về những đặc tính và hình thái phục vụ của các ngân hàng công và tư máu giây rún, bác sĩ Carlo Petrini, nghiên cứu gia tại Học viện cao đẳng y tế ở Roma nói về khuôn khổ luật pháp Âu Châu về vấn đề này. Trong số các chuyên gia trình bày về hậu quả chấn thương hậu phá thai có giáo sư Theresa Burke, sáng lập hội "Rachel's Vineyard Minitries" chuyên nâng đỡ tinh thần và tâm lý cho các phụ nữ đã phá thai; Nữ tu Marie-Luc Rollet, giáo sư tại Nhà thương Saint-Vincent de Pual ở Bourgoin, bên Pháp, nói về những lý thuyết và chính thực tại chấn thương hậu phá thai. (SD 26-2-2011)

G. Trần Ðức Anh, OP

Phụ nữ càng thường xuyên đến nhà thờ càng sống hạnh phúc.

Phụ nữ càng thường xuyên
đến nhà thờ càng sống hạnh phúc

Roma [Zenit 24/2/2011] - Một cuộc điều tra mới đây cho thấy phụ nữ càng thường xuyên đến nhà thờ càng sống hạnh phúc.
Ông Alexander Ross, thuộc một Viện tâm lý học tại Hoa kỳ, là tác giả của cuộc điều tra nói trên. Ông đặc biệt nghiên cứu về hiện tượng "mất hạnh phúc" của người phụ nữ Hoa kỳ trong 36 năm vừa qua.
Ông Ross khám phá rằng thường xuyên đến nhà thờ là một yếu tố quan trọng mang lại hạnh phúc cho người phụ nữ. Ông ghi nhận rằng trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến năm 2008, vì ít đến nhà thờ cho nên nhiều phụ nữ không có được cuộc sống hạnh phúc.
Trái lại, theo ông, những phụ nữ nào thường xuyên đến nhà thờ đều nói rằng họ được trang bị nhiều hơn để đương đầu với những khó khăn của cuộc sống.
Tuy nhiên cuộc nghiên cứu, được phổ biến trên một tờ báo nghiên cứu về tôn giáo xuất bản tại Hoa kỳ, cho thấy rằng việc đến nhà thờ không ảnh hưởng đến hạnh phúc của người đàn ông.
Ông Alexander Ross kết luận rằng "thánh Augustino sẽ không ngạc nhiên về cuộc nghiên cứu của ông, bởi vì thánh nhân dạy rằng Thiên Chúa là Thiện Hảo cao cả nhứt đối với nhân loại".

CV.

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Suy niệm lời Chúa (27.2.2011 – Chúa nhật 8 Thường niên, Năm A)

ĐỪNG LO LẮNG (27.2.2011 – Chúa nhật 8 Thường niên, Năm A)
Lời Chúa: Mt 6, 24-34
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?
Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.
Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
Suy nim:
Dường như sự  tiến bộ về nhiều lãnh vực
không làm con người trên thế giới cảm thấy thanh thản hơn.
Trái lại, nó tạo ra những mối lo âu mới,
khiến con người sống trong trạng thái bất an, căng thẳng.
Bao nhiêu triệu người phải đối mặt với nạn thất nghiệp do khủng hoảng,
với nạn đói và thiếu nước, với những bệnh mới chưa có thuốc chữa.
Bao nhiêu triệu gia đình sống trong bạo hành, bị tan vỡ;
giới trẻ bơ  vơ, rơi vào nghiện ngập dưới đủ mọi hình thức.
Con người phải sống trong một thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt,
nên thiên nhiên tốt lành lại trở nên kẻ thù đe dọa con người.
Các nước lớn phải chạy đua vũ trang để giữ vị thế quân sự.
Nói chung người giàu, kẻ nghèo, nước giàu, nước nghèo
đều không sao thoát được nỗi lo âu trước tương lai
với bao bài toán mới chưa có lời giải đáp. 
Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã dạy môn đệ Ngài đừng lo.
Xem ra nỗi lo âu đã có từ xa xưa rồi.
Người xưa cũng phải lo những nhu cầu căn bản: lo ăn, lo mặc (c. 25).
Đức Giêsu mời môn đệ nhìn ngắm những đàn chim trời (c. 26).
Chúng có vẻ thảnh thơi, không vất vả làm việc, cũng không tích trữ.
Nhưng chúng vẫn sống no đủ, vì được Cha trên trời dưỡng nuôi.
Ngài còn mời môn đệ nhìn ngắm những bông huệ ngoài đồng (c. 28),
ngắm vẻ đẹp của chiếc áo Thiên Chúa mặc cho chúng,
đơn sơ nhưng sang trọng hơn cả áo vua Salomon.
Khi ngắm chim trời và  hoa huệ, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái,
vì Cha quan tâm săn sóc đến cả những sinh vật bé bỏng và  tầm thường.
Khi biết mình có giá trị hơn chúng nhiều, được Cha quý hơn nhiều,
chúng ta được giải phóng khỏi nỗi lo canh cánh về đời sống vật chất. 
Thật ra kitô hữu không phải là người ngây thơ, không biết lo.
Họ cũng chẳng phải là hoa huệ hay chim trời sống vô tư, thụ động.
Kitô hữu cũng phải lo: lo liệu, lo toan, thậm chí lo xa nữa.
Nhưng họ lo mà  như không lo, lo trong bình an thanh thản,
vì đó là cái lo của một người con biết Cha trên trời đã lo cho mình,
biết Cha thấu rõ  nhu cầu thầm kín của mình và sẽ cung cấp  đủ (cc. 32-33).
Đó không phải là cái lo âu, lo lắng xao xuyến, hay lo sợ bồn chồn
của người dân ngoại không có đức tin (cc. 30. 32).
Nhưng đó là cái lo của một người con có tinh thần trách nhiệm.
Kitô hữu không phải là kẻ ăn xổi ở thì, sống chỉ biết hôm nay.
Nhưng họ lại không để mình bị nỗi lo âu về ngày mai đè nặng,
đơn giản vì tương lai của họ ở trong tay Thiên Chúa. 
Sống tín thác vào sự  quan phòng của Chúa không phải là khoanh tay
nhưng là nỗ lực làm mọi sự hết mình trong bình an.
Hãy để mọi nỗi lo toan của ta ở dưới và ở sau nỗi lo toan về Nước Chúa.
Hãy để cho đời mình chỉ phụng sự một chủ là Thiên Chúa (c. 24).
Khi dành ưu tiên cho Thiên Chúa, ta sẽ thấy mình chẳng thiếu gì.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên
bao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

3 cột trụ của Mùa Chay.

3 cột trụ của Mùa Chay

Roma [La Croix 22/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong cuộc họp báo giới thiệu sứ điệp mùa chay năm 2011 của Ðức thánh cha Benedicto XVI, Ðức hồng y Robert Sarah, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh "Cor Unum" [đồng tâm] nói rằng sứ điệp là một "kim chỉ nam" để làm sinh động sự sống siêu nhiên đã được thông ban cho chúng ta trong bí tích rửa tội.
Trong mùa chay năm 2011, thời gian phụng vụ mà ngài xem là rất quý giá và quan trọng, Ðức thánh cha đã duyệt lại giá trị và ý nghĩa của 3 cột trụ của mùa chay là chay tịnh, "bố thí" và cầu nguyện. Ngoài ra, Ðức thánh cha cũng dựa vào các bài Tin Mừng của 5 Chúa nhựt Mùa Chay Năm A để trình bày một bài giáo lý thiết thực về các giai đoạn của khai tâm Kitô giáo.
Trước hết, dựa vào bài Tin Mừng của Chúa Nhựt thứ nhứt Mùa Chay, Ðức thánh cha nói đến cuộc chiến thắng của Chúa Giesu đối với các cơn cám dỗ trong sa mạc. Ðức thánh cha nhắc lại rằng đức tin Kitô bao gồm "một cuộc chiến đấu chống lại các sức mạnh tăm tối của thế gian này."
Kế đó, bài Tin Mừng của Chúa nhựt thứ hai mùa chay năm A tường thuật cuộc hiển dung của Chúa Giesu. Theo Ðức thánh cha, biến cố này mời gọi người tín hữu hãy "rời bỏ những ồn ào của cuộc sống hằng ngày" để "chìm đắm trong sự hiện diện của Thiên Chúa."
Với cuộc gặp gỡ của Chúa Giesu với người phụ nữ Samaria được ghi lại trong Tin Mừng Chúa nhựt thứ 3 mùa chay năm A, Ðức thánh cha khẳng định rằng chỉ có nước hằng sống mới có thể xoa dịu được nỗi khao khát của các tín hữu.
Sang đến Chúa nhựt thứ 4 mùa chay, bài Tin Mừng kể lại phép lạ Chúa Giesu chữa người mù từ lúc mới sinh. Theo Ðức thánh cha, Chúa Giesu là Ðấng "soi sáng mọi bóng tối của cuộc sống".
Cuối cùng, với bài Tin Mừng của Chúa nhựt thứ 5 mùa chay tường thuật việc Chúa Giesu cho ông Lazaro sống lại, Ðức thánh cha giải thích rằng phép lạ này chuẩn bị các tín hữu Kitô "vượt qua trở ngại của sự chết" để "sống vĩnh cửu" trong Chúa Kito.
Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh "Cor Unum", 5 bài Tin Mừng của Mùa Chay là "5 điểm hẹn cụ thể" trên con đường được Ðức thánh cha đề nghị nhằm giúp cho hạt giống được gieo trồng trong bí tích rửa tội được sinh hoa kết trái.
Với chủ đề được trích từ thư của thánh Phaolo gởi cho giáo đoàn Colosse đoạn 2 câu 12 "được mai táng cùng với Chúa Kito trong Phép rửa, anh chị em cũng sống lại với Người", sứ điệp mùa chay năm 2011 của Ðức thánh cha khuyến khích các tín hữu "dìm mình" vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kito để được giải thoát khỏi gánh nặng của của cải vật chất.
Như vậy, một lần nữa, với sứ điệp mùa chay năm 2011, Ðức thánh cha cũng trở lại với 3 cột trụ nền tảng của Mùa Chay là ăn chay, "bố thí" và cầu nguyện.
Trước hết, theo Ðức thánh cha, việc chay tịnh đối với người tín hữu Kitô có một ý nghĩa tôn giáo sâu xa. Nói cách khác, việc chay tịnh có mục đích giúp các tín hữu thẳng vượt được tính ích kỷ để sống hiến thân và yêu thương. Ðức thánh cha kêu gọi đề cao cảnh giác trước sự tôn thờ của cải vật chất khiến cho con người bị trống rỗng và khốn khổ. Ðối lại với con cám dỗ của chiếm hữu và ham muốn tiền của, Ðức thánh cha khuyến khích thực hành sự "bố thí".
Theo Ðức thánh cha, "ăn chay, bố thí và cầu nguyện" là những thực hành cho phép người tín hữu có được một nhận thức mới về thời gian và dành nhiều thời giờ hơn cho Thiên Chúa. Ðức thánh cha viết rằng "thời gian không phải là một nhịp điệu đưa bước chúng ta tiến tới một chân trời không có tương lai".
Là người đứng đầu cơ quan của giáo triều chuyên điều hợp và giám sát các hoạt động bác ái của Ðức thánh cha, Ðức hồng y Robert Sarah, người Guinea, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh "Cor Unum" đã được ủy thác cho việc giới thiệu sứ điệp Mùa Chay năm 2011 của Ðức thánh cha.
Nhân dịp này, Ðức hồng y đã đưa ra lời kêu gọi đóng góp vào công cuộc bác ái của Ðức thánh cha. Ngài trình bày một số hoạt động cứu trợ của Hội đồng Cor Unum, đặc biệt trong những tháng gần đây. Ðức hồng y nhấn mạnh rằng: "tại Haiti, Sahel, Châu Mỹ Latinh và Caribe cũng như tại bất kỳ nơi nào khác trên thế giới cần có một sự trợ giúp cụ thể, Giáo hội Công giáo luôn đi hàng đầu trong việc trợ giúp khẩn cấp. Bao nhiêu lần, trong những trường hợp thiên tai, chúng ta đã nghe Ðức thánh cha kêu gọi các cộng đồng Giáo hội và cộng đồng thế giới, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc hoặc chính kiến hãy trợ giúp bằng vật chất..."
Sau khi mời gọi mọi người nhìn nhận vai trò tiên phong của Giáo hội trong việc trợ giúp nhân đạo khẩn cấp, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Cor Unum cũng khuyến khích mọi người đừng chỉ nhìn thấy và nói đến "những sai lầm do một số thành phần của Giáo hội mắc phải".

CV.

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

CHÚC MỪNG NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM NĂM 2011

CHÚC MỪNG THẦY THUỐC
Mến tặng đặc biệt cho Thầy Thuốc nhân ngày 27-02-2011


                                
     Chân thành cám ơn các thầy thuốc của phường Bình Đức, Bệnh viện Thành phố Long Xuyên,  Bệnh viện Tim Mạch, Bệnh viện Hạnh Phúc, Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang và các nhân viên y tế nói chung. Trong năm qua không ít thì nhiều giáo dân giáo Xứ Cần Xây đã được quí vị chăm sóc sức khỏe. Nhân ngày 27-02 chúng tôi xin chúc mừng các thầy thuốc và ghi nhận những đóng góp quí báu của quí vị. Cầu chúc quí vị sức khỏe dồi dào, có bàn tay phục dược và luôn là người bạn thân thiết của nhân dân.
 
 Hình ảnh những con người ngày đêm quên mình để phục vụ 


Thân tặng các thầy thuốc nhân dịp 27/2

Tà áo trắng vẫn một màu trắng toát
Lời dịu dàng và ánh mắt dịu êm
Dáng đi vẫn nhẹ nhàng thanh thoát
Người bệnh nào cũng cảm thấy bình yên.
Khi đặt ống nghe lên trái tim người bệnh
Tim phập phù làm đau nhói tim ta
Tiếng của mạch như là mệnh lệnh
Khó khăn nào cũng tìm cách vượt qua!
Ta chưa phải giàu sang chi lắm
Còn bận lo toan lắm thứ việc nhà
Con đi học bao khoản tiền phải đóng
Bố mẹ nghèo vất vả ở quê xa.
Nhưng tất cả những gì tốt đẹp
Ta dành cho người bệnh hôm nay
Ai không biết có trời xanh kia biết
Khi trời xanh đang tỏa sáng đất này.
Vì lẽ đó mà ta không từ chối
Dù đêm khuya điện réo gọi đi liền
Vì người bệnh lòng ta không thoái thác
Cứu được người ta cảm thấy bình yên.
(Lê Duy Phương)
                                                                                                              Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ

Ngài ôm các trẻ em (26.2.2011 – Thứ bảy Tuần 7 Thường niên)


Ngài ôm các trẻ em
Lời Chúa: Mc 10, 13-16
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu với trẻ em.
Chắc các em còn nhỏ nên cần có người đưa các em đến với Ngài.
Đó có thể là cha mẹ hay một người trong gia tộc.
Những người đưa các em đến phải có lòng tin vào Đức Giêsu.
Họ đưa con của họ đến gặp Đấng mà họ tin là Người của Thiên Chúa.
Họ không mong Thầy Giêsu chữa bệnh hay cho con mình bánh kẹo.
Điều họ mong là được Ngài chạm tay vào chúng (c. 13).
Một cái chạm tay rất nhẹ của Thầy, một cái chạm nhẹ của Thiên Chúa.
Họ mong có sự tiếp xúc giữa chính tay Thầy với thân xác con cái họ.
Ơn phúc lành đến qua tay, qua sự tiếp xúc đơn sơ.
Thầy Giêsu rất vui lòng làm chuyện đó.
Nhưng các môn đệ lại không nghĩ như vậy.
Họ nghĩ chơi với trẻ em chỉ tổ mất thì giờ, bị quấy rầy vì ồn ào, lộn xộn.
Vả lại, trẻ em thì đâu có xứng đáng để được gặp Thầy.
Bởi vậy họ đã ngăn cấm không cho các em đến với Đức Giêsu.
Nói chung họ vẫn chưa hiểu ra bài học mới đây của Thầy (Mc 9, 36-37).
Khi thấy các môn đệ ngăn cản, Thầy Giêsu đã nổi giận thực sự.
Chắc Ngài giận vì không hiểu được sao các ông vẫn hẹp hòi đến thế,
sao các ông vẫn chưa đổi được cái nhìn của mình về trẻ em.
“Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (c. 14).
 Đây là một mệnh lệnh nghiêm chỉnh và có giá trị mãi.
Trẻ em có chỗ trong trái tim Giêsu.
Thầy Giêsu dù bận bịu nhưng vẫn có giờ cho các em gặp gỡ.
Ngài không coi chuyện chơi với các em là phiền phức.
Chúng ta chẳng những không được ngăn cản,
mà còn phải giúp đưa các em đến với Thầy Giêsu.
Chúng ta là cha mẹ, là thầy của các em,
nhưng mặt khác chúng ta lại là học trò để học hỏi nơi các em.
“Vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (c. 14).
Chúng ta cần học nơi các em lòng biết ơn, sự cậy dựa và khiêm nhu.
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em,
thì sẽ chẳng được vào” (c. 15).
Như thế phải học cách đón lấy Nước Trời như trẻ thơ,
nghĩa là đón lấy như một quà tặng mà mình không xứng,
đón lấy với sự ngỡ ngàng, ca ngợi, tri ân.
Hãy nhìn Thầy Giêsu bồng các em nhỏ trên cánh tay (c. 16; Mc 9, 36).
Hãy nhìn nét mặt hạnh phúc của Thầy.
Thầy chẳng những chạm đến các em, mà còn bồng các em.
Thầy còn trịnh trọng chúc lành bằng cách đặt hai bàn tay trên các em.
Rõ ràng Thầy Giêsu quý các em, và Ngài không muốn ta làm hư các em.
Thế giới hôm nay có bao điều ngăn cản không cho trẻ em gặp Chúa.
Bao trẻ thơ đã bị lạm dụng từ nhỏ, bị ngược đãi, bị bắt làm nô lệ,
bị thất học, bị bỏ rơi, bị ném vào cuộc đời quá sớm.
Bao trẻ thơ bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tật và chết khi còn trong lòng mẹ.
Bao trẻ thơ thèm được chút hơi ấm của tình thương gia đình.
Nhất là có những trẻ em đã sớm mất tuổi thơ
và dính vào thói hư của người lớn như nghiện ngập, phạm tội hình sự.
Hãy giúp các em làm quen với Giêsu và đừng làm gương xấu cho các em.
Hãy đón tiếp các em để gặp được chính Thầy Giêsu
và gặp được chính Thiên Chúa (Mc 9, 37).
Cầu nguyn:
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

7 tấn tràng hạt Mân côi được chuẩn bị phân phát trong Đại hội Quốc tế Giới trẻ Madrid 2011



7 tấn tràng hạt Mân côi được chuẩn bị phân phát trong Đại hội Quốc tế Giới trẻ Madrid 2011
WHĐ (25.02.2011) – Trang web chính thức của Đại hội Giới trẻ Madrid 2011 (madrid11.com) vừa đưa tin: 7 tấn tràng hạt Mân côi đã được làm xong và sắp được chuyển đến Madrid (Tây Ban Nha).
7 tấn tràng hạt này được sản xuất tại Quito (thủ đô nước Ecuador, Nam Mỹ) từ bàn tay khéo léo của những phụ nữ nghèo khổ mong được kiếm thêm thu nhập.
Hội Tông đồ Family Rosary,có mặt khắp thế giới, trụ sở đặt tại Hoa Kỳ, tài trợ cho dự án 7 tấn tràng hạt cho Đại hội Quốc tế Giới trẻ 2011, nhằm mục đích cổ võ việc đọc Kinh Mân côi, đặc biệt tại các gia đình.
Cha Phalan, người đứng đầu dự án, cho biết: “Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta: Tràng chuỗi Mân côi là ngôi trường Đức Maria. Chính nhờ Mẹ, chúng ta học biết cách chiêm ngắm dung mạo của Đức Kitô. Chúng ta biết, hàng trăm ngàn bạn trẻ sẽ đến Madrid tìm gặp Đức Kitô. Chúng tôi muốn mang đến viên gạch của mình góp vào công trình xây dựng. Biết bao người trẻ đi tìm nhưng không gặp thấy đường đi. Tràng hạt Mân côi là một phương thế đơn giản nhưng hữu hiệu, giúp nhận ra con đường đi đến với Chúa”.
Được biết Tràng hạt Mân côi sẽ được phân phát cho các tham dự viên trong danh sách đã đăng ký.
Tràng hạt được để sẵn trong một ba-lô hành hương, gồm: Cẩm nang Hành hương, sách Hướng dẫn tham dự Đại hội, quyển YouCat (sách giáo lý được biên soạn đặc biệt dành cho giới trẻ), Giấy Thông hành cho phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thành phố, mũ và quạt nhựa.
Tuần qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhận được chiếc ba-lô hành hương Đại hội Quốc tế Giới trẻ do Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco Varela, Tổng Giám mục Madrid, kính tặng.

 
PV