label

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Thư Mục Vụ Đức Giám Mục Giáo Phận tháng 9 năm 2011


THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 9 năm 2011


NGƯỜI KITÔ TÍN HỮU CỦA GIÁO ĐOÀN LONG XUYÊN
TRONG TINH THẦN THAM GIA,
HIỆP THÔNG VÀ ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
***

 
Anh chị em thân mến,
Trong bầu khí giáo phận Long Xuyên đang vui mừng và hy vọng đón chờ Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trực của Toà Thánh tại Việt Nam, chính thức đến viếng thăm giáo phận vào đầu tháng 10 sắp tới, tôi xin gửi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa lời chào chúc bình an của Chúa Kitô.
Tiếp tục triển khai đường hướng của giáo phận sau năm hồng phúc kỷ niệm Kim Khánh giáo phận và của Giáo Hội Việt Nam trong thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa tại Việt Nam, tôi xin gửi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận thư mục vụ của tháng 9 với chủ đề “Người Kitô Tín Hữu của Giáo Đoàn Long Xuyên trong Tinh Thần Tham Gia, Hiệp Thông và Đồng Trách Nhiệm”. Như vậy, đối tượng mà thư mục vụ nhắm đến là toàn thể cộng đoàn người Kitô Hữu Giáo Dân, một tập thể chiếm đại đa số trong Hội Thánh.
Anh chị em thân mến,
Trước tiên, giáo phận cần lưu tâm đến những tình trạng làm suy yếu sự tham gia, hiệp thông và đồng trách nhiệm của người Kitô hữu giáo dân.
Tình trạng thứ nhất là người giáo dân trở thành thụ động, thậm chí là người đứng ngoài lề đối với những sinh hoạt của giáo hội.
Tình trạng kế tiếp là sự hiện diện của người Kitô hữu giáo dân bị giới hạn trong khuôn viên nhà thờ, và vai trò của người giáo dân trong các sinh hoạt mục vụ giáo xứ chỉ dành cho một nhóm nhỏ tín hữu thiện chí thường xuyên lui tới nhà xứ.
Tình trạng thứ ba là người Kitô hữu giáo dân trở thành những cá nhân lo phần rỗi linh hồn cho riêng mình theo luật hay theo lương tâm chủ quan của mình. Tình trạng trên là rất xa lạ với căn tính và vai trò của người giáo dân trong giáo hội sơ khai thời các tông đồ (Cv 2, 42-47; 4, 32-35).
Thật ra, giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt công đồng Vaticanô II, tông huấn “Người Kitô Hữu Giáo Dân”, và tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” đã làm nổi bật căn tính và vai trò của giáo dân. Hiệp thông với giáo huấn của giáo hội hoàn vũ, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa tại Việt Nam viết: "Trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam, giáo dân đã và đang góp phần thật phong phú và quảng đại cho đời sống và sứ vụ của giáo hội, như mang Tin Mừng của Chúa đến những vùng xa xôi hẻo lánh, chia sẻ công sức và tiền của, nhất là những lời cầu nguyện và bao hy sinh âm thầm để xây dựng đời sống hưng thịnh và sinh động của cộng đồng Dân Chúa. Thật đáng trân trọng những đóng góp quí giá này. Nay Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng các tổ chức các khoá huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ. Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội” (Số 27).
Còn giáo phận Long Xuyên, với đường hướng Tham Gia, Hiệp Thông và Đồng Trách nhiệm, chúng ta ước mong giáo phận được xây dựng thành Hội Thánh theo mô hình của giáo đoàn Philadenphia trong chương 3 của sách Khải Huyền, với những sắc thái đặc biệt sau đây:
1) Một Hội Thánh biết đặt Đức Kitô, với dự phóng qui tụ mọi người từ bắc chí nam, từ đông sang tây vào Nước Thiên Chúa, là lý do và tâm điểm của sự hiện diện của mình trong lịch sử nhân loại.
2) Một Hội Thánh trong đó tác vụ linh mục, thừa tác cũng như phổ quát, hiệp nhất và hỗ tương với nhau để cùng xây dựng một cộng đoàn bác ái, yêu thương, như dấu chỉ cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa.
3) Một Hội thánh trong đó người Kitô hữu giáo dân khám phá ra vẻ đẹp về sứ mạng của họ khi cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ sống giá trị của Tin Mừng được cô đọng trong tinh thần của Tám Mối Phúc Thật.
4) Một Hội Thánh trong đó có nhiều giáo dân sẵn sàng cống hiến các tài năng của mình, để cùng với mọi người thành tâm thiện chí thuộc mọi niềm tin và triết lý sống, trở thành dụng cụ của Chúa Thánh Thần, cùng nhau xây dựng một xã hội luôn triển nở về công chính, bình an, và hoan lạc.
Để thực hiện được ước mơ trên, tôi mời mọi người trong cộng đoàn giáo phận, không trừ ai, cùng thực hiện chương trình tu đức và mục vụ dành cho người giáo dân của giáo phận.
* Về đường hướng tu đức, người giáo dân được cổ vũ thực hiện con đường tu đức tập trung vào Đức Kitô, để thực hiện các giáo huấn của Người, để sống theo gương mẫu của Người, và để làm chứng cho sự hiện diện của Người; tất cả được cô đọng trong Tám Mối Phúc Thật. Đặc biệt người giáo dân của giáo phận Long Xuyên được khích lệ ưu tiên chọn lựa sống ba (03) Phúc Thật được coi là phù hợp với nền văn hoá sông nước của miền đồng bằng sông Cửu Long.
Đó là Phúc Thật thứ Hai, sống hiền lành như những dòng sông luôn trao tặng yêu thương và phục vụ trong một thế giới đầy bạo lực; Phúc Thật Thứ Năm, sống thương xót và cảm thông như những túp lều tranh nghèo vật chất nhưng giầu tình người để luôn rộng mở đón nhận người lữ khách trong một thế giới đầy hận thù và ích kỷ; và Phúc Thật Thứ Bảy, sống liên đới và hoà giải trở thành cây cầu nối giữa con người với con người, và giữa con người với Thiên Chúa trong một thế giới nhiều chia rẽ và loại trừ nhau. Sống Tám Mối Phúc Thật, người giáo dân đang thực sự tham gia, hiệp thông và đồng trách nhiệm tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô, là ngôn sứ, là tư tế, và là vương đế. Thật vậy, với tính chất trần thế của mình, người Kitô hữu giáo dân thực sự đang biến đời mình trở thành lời rao giảng để thi hành tác vụ ngôn sứ rao giảng, đang hiến dâng đời mình thành của lễ và lời cầu nguyện để thi hành tác vụ tư tế thánh hoá, và đang biến đổi bộ mặt thế giới chuẩn bị cho ngày quang lâm của Đức Kitô để thi hành tác vụ vương đế lãnh đạo. Như vậy, mỗi ngươi Kitô hữu giáo dân trở thành hiện thân của Chúa Kitô sống Mầu Nhiệm Nhập Thể, Nhập Thế, và Vượt Qua trong môi trường sống và làm việc của mình.
* Về chương trình mục vụ, giáo phận tập trung vào 3 lãnh vực để cổ vũ cho sự tham gia, hiệp thông và đồng trách nhiệm của người Kitô hữu giáo dân.
Lãnh vực thứ nhất là gia đình. Ở đây, với ơn của bí tích Thánh Tẩy và Hôn Phối, người giáo dân được mời gọi xây dựng gia đình thành một Hội Thánh Tại Gia, để sống đạo, để truyền thông những giá trị của Tin Mừng qua các thế hệ, và để là chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa và Hội Thánh được nhập thể trong các tương quan nhân loại.
Lãnh vực thứ hai là các đoàn thể của giáo xứ. Nhờ các đoàn thể, người giáo dân được tiếp tục hướng dẫn, để ngày càng trưởng thành hơn trong nhận thức về căn tính và vai trò của mình. Cũng chính nhờ các đoàn thể, người giáo dân có cơ hội thi hành sứ mệnh của mình, và đồng trách nhiệm với mọi thành phần dân Chúa tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô và Hội Thánh.
Cuối cùng là trong lãnh vực giáo dục và đào tạo. Trong khi Giáo Hội bị đặt ngoài lề trong công cuộc giáo dục con người cho tương lai, thì sự hiện diện của người giáo dân là cần thiết cho sứ mạng của Giáo Hội đối với xã hội. Tôi muốn nói tới đội ngũ đông đảo của các giáo viên công giáo đang hiện diện trong hệ thống giáo dục của nhà nước. Tôi cũng muốn nói tới sự hiện diện của người giáo dân trong vai trò là phụ huynh trong các tổ chức và sinh hoạt của phụ huynh học sinh. Tôi cũng muốn nói tới những người giáo dân đang góp phần mình cách quảng đại trong sự nghiệp giáo dục, bằng cách tổ chức các lưu xá cho sinh viên học sinh, lập quĩ học bổng cho các học sinh sinh viên nghèo vượt khó, góp phần tiếp sức mùa thi… Nhờ những sự hiện diện tích cực này, Giáo Hội, trong giới hạn của mình, vẫn là dấu chỉ cho tình yêu của Mẹ và Thầy đối với thế hệ tương lai, là muối ướp mặn cho đời, là ánh sáng giữa đêm tối, là men biến đổi xã hội.
Hiệp thông với ĐC Cố Gioan Baotixita, tôi thân ái gửi phúc lành của Thiên Chúa Ba Ngôi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa, đặc biệt đến tập thể giáo dân, cùng với lời mời gọi của Chúa Kitô: “Cả anh chị em nữa, cũng hãy đi làm vườn nho cho tôi” (Mt 20,7).
 
Thân ái chào anh chị em,
 
+ GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

Phải loan báo Tin Mừng (31.8.2011 – Thứ tư Tuần 22 Thường niên)

Phải loan báo Tin Mừng
Lời Chúa: Lc 4, 38-44
Khi ấy, Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Ðức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt rời khỏi bà: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.
Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Ðấng Kitô.
Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Ðám đông tìm Người, đến tận nơi Người đang ở và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giuđê.
Suy nim:
Sáng ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.
Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực.
Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).
Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.
Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.
Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.
Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.
Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).
Lập tức cơn sốt phải rút lui.
Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.
Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.
Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,
làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.
Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.
Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ,
người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.
Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).
Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.
Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.
Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.
Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha,
Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.
Đức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,
Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.
Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.
Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,
là những điều có thể giữ chân người tông đồ.
Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,
Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.
Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.
Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.
Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.
Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).
Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.
Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…
Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.
Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Lời có uy quyền (30.8.2011 – Thứ ba Tuần 22 Thường niên)

Lời có uy quyền
Lời Chúa: Lc 4, 31-37
Khi ấy, Đức Giêsu xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì Người nói năng có thẩm quyền.
Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Ðức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Nỗi kinh ngạc trùm lên mọi người, và họ nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
Suy nim:
Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,
diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).
Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,
bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c. 32).
Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,
vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.
Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”
Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.
Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến không cân sức.
Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là ai.
Nó biết được điều mà dân chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.
Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,
mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).
Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.
Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).
“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này !”
Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,
vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.
Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra.
Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa.
Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.
Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,
nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).
Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.
Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.
Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.
Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,
chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người.
Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.
Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến thắng.
Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể giấu mặt.
Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi đầu.
Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.
Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.
Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.
Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

“Linh mục, thừa tác viên của lòng Chúa thương xót” – Sách mới của Bộ Giáo sĩ



“Linh mục, thừa tác viên của lòng Chúa thương xót”
Sách mới của Bộ Giáo sĩ
WHĐ (27.08.2011) – “Cần trở về với tòa giải tội như là một nơi cử hành bí tích Hòa Giải, nhưng cũng là nơi “ở lại” thường xuyên hơn, để người tín hữu gặp được lòng thương xót, lời khuyên và sự an ủi, để cảm thấy mình được Chúa yêu thương và thấu hiểu, cũng như cảm nghiệm sự hiện diện của Lòng Chúa Thương Xót bên cạnh sự hiện diện thực sự của Người trong bí tích Thánh Thể”.
Trên đây là lời trích huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các tham dự viên Khóa học về Tòa trong do Tòa Ân giải tối cao tổ chức ngày 11-03-2010, được dùng để mở đầu cho phần Giới thiệu của quyển sách Bộ Giáo sĩ vừa phát hành.
Quyển sách dày 70 trang có nhan đề “Linh mục, thừa tác viên của lòng Chúa thương xót – Trợ giúp các linh mục giải tội và linh hướng” do Nhà xuất bản Tòa Thánh Vatican ấn hành.  
Ngoài phần Dẫn nhập và kết luận, sách gồm 2 phần chính: Thừa tác vụ sám hối và giao hòa theo quan niệm về sự thánh thiện Kitô giáo; và Thừa tác vụ linh hướng.
Cuối sách còn có thêm 2 phụ lục: Hướng dẫn các linh mục xét mình và Kinh đọc trước và sau khi ban bí tích Hòa giải.
Cử hành bí tích Hòa giải tại Ngày Giới trẻ Thế giới Madrid, 2011
Lời giới thiệu viết tiếp:
“Những lời này (của Đức Thánh Cha) cho thấy tầm quan trọng và cấp bách của việc tái khám phá bí tích Hòa Giải, về phía hối nhân cũng như thừa tác viên.
Cùng với việc dâng lễ hằng ngày, việc linh mục sẵn sàng ngồi tòa để gặp các hối nhân và đồng hành thiêng liêng với họ khi họ cần, thực sự là thước đo đức ái mục vụ của linh mục. Khi sẵn sàng ngồi tòa, các linh mục làm chứng cho niềm vui và trong một nghĩa nào đó các ngài đảm nhận căn tính thực sự của mình, đã được tái xác định trong bí tích Truyền chức và không giảm thiểu vào một nghĩa vụ đơn thuần.
Linh mục là thừa tác viên, nghĩa là vừa là đầy tớ vừa là người quản lý khôn ngoan Lòng Chúa Thương Xót. Ngài được giao trách nhiệm quan trọng “tha tội hay buộc tội” (x. Gioan 20, 23). Qua ngài, và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần – là Chúa và là Đấng ban Sự Sống, trong Giáo Hội ngày nay các tín hữu có thể cảm nghiệm niềm vui của người con hoang đàng, sau khi sống đời tội lỗi đã trở về nhà cha như người tôi tớ, nhưng lại được đón tiếp với phẩm giá của người con.
Nhằm đáp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và trình bày ý định sâu sắc của ngài, quyển sách trợ giúp này còn là một hoa trái khác của Năm Linh Mục, là một công cụ hữu ích để tiếp tục đào tạo các giáo sĩ và giúp tái khám phá giá trị thiết yếu của bí tích Hòa Giải và của việc linh hướng.
 
PV

Suy nghĩ theo ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận thập giá.

Suy nghĩ theo ý muốn của Thiên Chúa
là chấp nhận thập giá


Castel Gandolfo (Vat. 28/08/2011) - Suy nghĩ theo ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận thập giá, trong khi suy nghĩ theo con người trần gian là gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên và không chấp nhận chương trình tình yêu của Người.
Kính thưa qúy vị, thưa các bạn, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên với gần 2,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28 tháng 8 năm 2011 trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.
Mở đầu bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: "Anh chị em thân mến, trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng Người phải "đi Giêrusalem và chịu đau khổ nhiều vì các bô lão, các thủ lãnh các tư tế và các ký lục, bị giết chết và sống lại ngày thứ ba" (Mt 16,21). Tất cả xem ra bị đảo lộn trong con tim của các môn đệ. Làm sao mà "Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (c. 16) lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Tông đồ Phêrô nổi loạn, không chấp nhận con đường ấy, nên mới lên tiếng nói với Thầy rằng: " "Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp chuyện ấy" (c. 22). Ðức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:
Xem ra là điều hiển nhiên, sự khác biệt giữa chương trình tình yêu của Thiên Chúa Cha, đi tới chỗ ban Con Một trên thập giá để cứu chuộc nhân loại, và các chờ mong, các ước muốn, các dự án của các môn đệ. Và sự đối chọi ấy ngày nay cũng lập lại nữa: khi việc thực hiện cuộc đời mình chỉ hướng tới chỗ thành công xã hội, sự giầu sang vật lý và kinh tế, thì nó không lý luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người (c. 23). Suy tư như thế giới là gạt bỏ Thiên Chúa ra một bên, không chấp nhận chương trình tình yêu của Người, và hầu như ngăn cản Người chu toàn ý muốn khôn ngoan của Người. Vì thế Chúa Giêsu mới nói với Phêrô một lời đặc biệt cứng cỏi: "Hãy lui ra đàng sau Ta, Satan! Con là cớ gây vấp phạm cho Thầy" (ibi.). Chúa dậy cho biết rằng "con đường của các môn đệ là theo Người, Ðấng Bị Ðóng Ðanh". Nhưng trong tất cả ba Phúc Âm Người đều giải thích việc đi theo đó trong dấu chỉ của thập giá... như con đường "đánh mất chính mình", là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình" (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: "Cũng như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ, ngày nay Người cũng mời gọi chúng ta: "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính minh, vác thập giá mình và theo Thầy" (Mt 16.24). Và Ðức Thánh Cha minh giải như sau: Tín hữu kitô theo Chúa, khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, xem ra nó là một thất bại và là việc "đánh mất đi sự sống" (x. c.25-26), vì họ biết rằng mính không vác thập giá một mình, nhưng chia sẻ cùng con đường hiến dâng đó với Chúa. Vị Tôi tở Chúa Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận ... chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo" (Es. ap. Gaudete in Domino (9 maggio 1975, AAS 67 (1975) 300-301). Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn nhân loại. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: "Thập giá chiến thăng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại" (Catechisis Illuminandorum XIII,1; de Christo crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).
Rồi Ðức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: "Chúng ta hãy phó thác lời cầu nguyện của chúng ta cho Ðức Trinh Nữ Maria và thánh Agostino mà hôm nay chúng ta kính nhớ, để cho mỗi một người trong chúng ta biết theo Chúa trên con đường thập giá, và để cho mình được biến đổi bởi ơn thánh Chúa, bằng cách canh tân kiểu suy tư "hầu có thể phân định ý muốn của Thiên Chúa, biềt điều nào tốt, hoàn hảo và đẹp lòng Chúa" (Rm 12,2).
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Ngài đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha và Ba Lan.
Bằng tiếng Ý ngài chia vui và chúc mừng 40 năm linh mục của Ðức Cha Marcello Semeraro, Giám Mục giáo phận Albano, cũng như Ðức Cha Bruno Musarò mới được chỉ định làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba, Ðức Cha Filippo Santoro, Giám Mục Petropolis bên Brasil và 17 Linh Mục hiện diện trong buổi đọc kinh Truyền Tin.
Bằng tiếng Pháp Ðức Thánh Cha nói con đường theo Chúa cam go, vì nó đòi hỏi một sự hoán cải con tim thường hằng, bằng cách để cho ý muốn của Thiên Chúa uốn nắn. Nhưng chúng ta đừng sợ hãi dấn thân, vì đó là con đường của sự sống.
Bằng tiếng Anh ngài đã chào các tín hữu thuộc hiệp hội Ðức Maria mẹ người nghèo, cũng như các bạn trẻ Nam Phi và các sinh viên mới của trường Bắc Mỹ.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

ĐỨC CHA VỀ THĂM VÀ BAN BÍ TÍCH THÊM SỨC TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY


TƯỜNG THUẬT NGÀY ĐỨC CHA VỀ THĂM
VÀ BAN BÍ TÍCH THÊM SỨC TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

Mặc dù thánh lễ chỉ bắt đầu vào lúc 9 giờ 30 nhưng từ 7 giờ 30 đông đảo bà con giáo dân, các em thêm sức, Hội đồng mục vụ, ban hành sự các khu đã có mặt trong bầu không khí vui tươi phấn khởi chờ đón Đức cha. Nhiệm vụ đã được phân công và ai nấy đều ý thức công việc và vị trí của mình. Người trật tư, người giữ xe, người chuẩn bị đón Đức cha…Đúng 08 giờ 40 xe Đức cha và các cha đến. Xe dừng lại trước cổng nhà thờ, mặc dù trời mưa lâm râm nhưng Đức Cha cũng bước xuống xe và giơ tay vẫy chào, cha sở và các vị trong ban mục vụ tiến lại chào đức cha và choàng vòng hoa cho Ngài, đồng thời che dù cho Đức Cha cùng tiến vào thánh đường. Đức cha tiến tới cửa nhà thờ hôn thánh giá mọi người trong nhà thờ đêu hân hoan vỗ tay cúi chào đức cha trong tình con thảo. Đức Cha vừa đi vừa rảy nước thánh trên giáo dân. Tới cung thanh đức cha quỳ xuống cầu nguyện trước khi lên nói chuyện với giáo dân. Đức Cha nhắc nhở mọi người cùng đồng hành, cùng trách nhiệm, cùng giáo dục, kết hợp với vị chủ chăn trong mọi lãnh vực đặc biệt là giáo dục con cái về nhân bản và nền tảng đạo đức. Đức cha cũng lưu ý đến những sự việc vừa xẩy ra trong giáo xứ nếu mọi người biết đồng hành thì không có những sự việc đáng tiếc xẩy ra. Sau bài nói chuyện là đôi lời cám ơn của cha sở. Kết thúc Đức Cha vẫy chào và về nhà xứ chuẩn bị cùng đoàn đồng tế dâng thánh lễ.
    Đúng giờ thánh lễ đoàn đồng tế được rước từ nhà xứ đi ra dẫn đầu là thánh giá nến cao, các hội đoàn, ban trị sự các khu, sau cùng là đoàn đồng tế. Đoàn đồng tế đã tiến lên bàn thờ cha sở kính mời đức cha, quí cha an tọa, sau đó một vị đại diện trong hội đồng mục vụ đã lên đọc bài chúc mừng đức cha và dâng lên Đức Cha lẵng hoa của lòng con thảo. Sau đây là toàn văn bài pháp biểu chúc mừng đức Cha:

PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI DIỆN GIÁO DÂN DỊP THÊM SỨC

Trọng kính Đức Cha,
Kính thưa Cha Đại diện, Cha Quản Hạt, Quý Cha Cố và Quý Cha,
Hôm nay, ngày vui mừng của Giáo xứ Cần Xây, vì được Đức Cha về thăm .
Mặc dù là một giáo xứ gần Đức Cha nhất, nhưng rất nhiều người trong chúng con, hôm nay mới được gặp lại Đức Cha, người Cha chung của mình, sau ba năm xa cách.
Chúng con cũng rất hân hạnh được Cha Đại diện, Cha Quản hạt và Quý Cha không quản ngại ngày Chúa nhật bận rộn, vất vả, cũng đã đến thăm…
Chúng con xin dâng lên Đức Cha và Quý Cha lời Chào kính với tất cả lòng biết ơn của chúng con ( vỗ tay ).

Xin Đức Cha cho phép chúng con được có đôi lời về Giáo xứ Cần Xây :
Giáo xứ Cần Xây, một giáo xứ tuy đã có gần 50 năm qua, nhưng phải nói là một giáo xứ ít nề nếp và truyền thống nhất giáo phận.
Ban đầu là một họ lẻ thuộc Chắc Cà Đao, sau đó được tách ra thành một Giáo xứ với các trào cha sở liên tiếp đổi thay, phần lớn là già yếu, thậm chí có khi là một cố hưu dưỡng kiêm nhiệm. 
Giáo dân cho đến nay trên dưới 2000, gồm đủ ba miền : Bắc Trung Nam. Đủ mọi thành phần : lính tráng xuất ngũ, nông dân, công nhân, buôn thúng bán bưng, bốc vác, nói chung cuộc sống nửa quê, nửa thành, công việc làm ăn bấp bênh, không ổn định như những giáo xứ thuần nông khác… Chính vì thế, tinh thần đạo đức cũng thiếu nề nếp và truyền thống từ trong gia đình và cả giáo xứ, ít sự đòan kết, hiệp nhất, yêu thương.
Từ ngày được Cha sở Phêrô Nguyễn tấn Khoa về coi sóc, Ngài bắt đầu xây dựng cả vật chất lẫn con người, đưa giáo xứ vào nề nếp. Tiếp đến là Cha sở Phêrô Mai Đức Vượng, Ngài cũng tiếp nối và phát huy những gì Cha tiền nhiệm đã gầy dựng, bằng tất cả tâm huyết và nhiệt tình : Ngài tranh thủ thành lập đủ các Hội đòan công giáo tiến hành, các Ban phục vụ trong giáo xứ. Đặc biệt ngài rất quan tâm đến việc giảng dạy, giúp chúng con dễ hiểu Lời Chúa, nhắc nhở chúng con hãy sống đoàn kết yêu thương, nhiệt tâm xây dựng giáo xứ : Cố gắng sống sao cho xứng đáng với lòng tin cậy của Đức Cha, vì Cần Xây là một giáo xứ gần Tòa Giám Mục và là Cửa ngõ của một thế giới lương dân, với một tôn giáo mẫu mực về từ thiện-bác ái và đòan kết, là anh em Hòa Hảo.
Chúng con đang nỗ lực từng ngày, nhắc bảo nhau sống Hiệp nhất-Yêu thương để trở thành giáo xứ truyền giáo. Chúng con đã dành trọn tuần lễ vừa qua để hướng về Chúa Thánh Thần, học hỏi và cầu xin Ngài thay đổi lòng dạ chúng con.
Chúng con cầu mong dịp Đức Cha về thăm và ban Bí tích Thêm sức lần này, không phải chỉ là lễ Hiện Xuống cho 35 em lãnh nhận Bí tích Thêm sức, mà là một Lễ Hiện Xuống Mới đối với từng người, từng gia đình và cả giáo xứ chúng con.

Vắn tắt đôi nét về Giáo xứ Cần Xây, Chúng con tha thiết xin Đức Cha và Quý Cha thương cầu nguyện với Chúa Thánh Thần thật nhiều cho chúng con.

Một lần nữa, xin Đức Cha và Quý Cha nhận cho tấm lòng biết ơn, luôn kính yêu và vâng phục của tất cả chúng con.

Chúng con xin dâng lên Đức Cha lẵng Hoa tượng trưng cho lòng hiếu thảo của đòan con Cần Xây của Đức Cha.

Thánh lễ tiếp diễn, và trong bài giảng Đức cha một lần nữa nhắc nhở mỗi người phải biết đồng hành, sống đạo, hành đạo. Đặc biệt là các em thiếu nhi nói chung và các em chịu phép thêm sức nói riêng phải biết đem Chúa cho mọi người bằng đời sống và hành động của mình.
Cuộc đời người Kitô hữu không thể gặp Đức Giêsu mà không có Thánh giá. Đời sống đạo với biết bao gian truân, thử thách đòi buộc ta phải chọn lựa, phải vượt qua, phải tử bỏ mình để vác lấy thập giá. Điều này hoàn toàn trái ngược với lối sống tục hoá hôm nay, người ta chạy theo hưởng thụ, sung sướng, tiện nghi. Theo Chúa, chúng ta phải chọn Chúa hơn tất cả. Với các em hôm nay đầy dẫy cạm bẫy từ nơi học đường đến ngoài xã hội, chúng ta hãy cầu xin cho các em có được sức mạnh và lớn lên trong Chúa Thánh Thần để biết chọn lựa sao cho đúng và đẹp ý Chúa. Đồng thời mỗi người chúng ta cũng hãy ý thức mình phải làm chứng cho Chúa trong Hội Thánh và trong xã hội để mọi người nhận biết Chúa.
    Sau bài giảng Đức Cha ban bí tích thêm sức cho 35 con em của giáo xứ.
Kết thúc thánh lễ Đức cha và các cha dừng lại chụp hình chung với các em.
Đức cha và các cha cũng còn lưu lại dùng với giáo xứ một bữa cơm đạm bạc trong tình thân thương.
                                                                            Thiên Sinh


Thêm chú thích













Ðức Thánh Cha bổ nhiệm Ðức Hồng Y Tomko làm đặc sứ kỷ niệm Phép lạ Thánh Thể.

Ðức Thánh Cha bổ nhiệm
Ðức Hồng Y Tomko làm đặc sứ
kỷ niệm Phép lạ Thánh Thể

Vatican (SD 27-8-2011) - Hôm 27 tháng 8 năm 2011, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố sắc thư Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 bổ nhiệm Ðức Hồng Y Jozef Tomko, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, làm Ðặc Sứ của ngài đến chủ sự các buổi lễ bế mạc năm kỷ niệm 600 năm Phép lạ Thánh Thể tại Ludbreg, thuộc Cộng hòa Croát, mừng vào ngày 4 tháng 9 năm 2011.
Phép lạ Thánh Thể xảy ra năm 1411 tại thị trấn Ludbreg thuộc giáo phận Varazdin. Một linh mục, trong lúc cử hành thánh lễ tại nhà nguyện trong lâu đài của bá tước Batthyany, đã nghi ngờ sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong hình bánh và hình rượu sau khi truyền phép. Rượu trong chén thánh đã biến thành máu. Vị linh mục ấy đã giấu kín chén ấy với Máu Thánh phía sau bàn thờ rồi xây bít lại, và chỉ tiết lộ điều này lúc gần chết.
Khi tin này được loan ra, các tín hữu bắt đầu đến hành hương tại lâu đài. Tòa Thánh cũng quan tâm đến phép lạ này; thánh tích được đưa về Roma và giữ lại vài năm trước khi đưa trở lại Ludbreg. Ðức Giáo Hoàng Giulio II đã thành lập một ủy ban điều tra về phép lạ Thánh Thể này và những vụ khỏi bệnh có liên hệ. Ngày 14 tháng 4 năm 1513, Ðức Thánh Cha Lêô 10 ban sắc chỉ cho phép tôn kính thánh tích.
Hồi thế kỷ 18, một nạn dịch bộc phát tại Croát và quốc hội nước này, trong một phiên họp tại Varazdin ngày 15 tháng 12 năm 1739, đã khấn hứa sẽ xây một nhà nguyện ở Ludbreg để kính nhớ phép lạ nếu bệnh dịch chấm dứt, và thực tế đã xảy ra như vậy. Ngày nay, hằng năm vào đầu tháng 9 có đại lễ kỷ niệm phép lạ Thánh Thể.
Trong sắc thư bổ nhiệm Ðức Hồng Y Tomko làm Ðặc Sứ, Ðức Thánh Cha nhắc đến sự tích trên đây và ngài đề cao tầm quan trọng của Thánh Thể như nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô (LG 11): "nếu không có Thánh Thể chúng ta không thể là Kitô hữu đích thực và Giáo Hội cũng không thể được xây dựng để mưu phần rỗi cho con người." Ngài nhắn nhủ Ðức Hồng Y Ðặc Sứ hãy nhắc nhở cho các tín hữu ngày càng học hỏi, tôn kính và lãnh nhận Thánh Thể để cuộc sống tại thế của chúng ta được nuôi dưỡng và ngày càng kết hiệp thâm sâu với Chúa Kitô, sống như Chúa đã sống và yêu thương như Chúa đã yêu, để xứng đáng đi vào cuộc sống vĩnh cửu".
Ðức Hồng Y Tomko người Slovak, năm nay 87 tuổi, đã làm Tổng trưởng Bộ truyền giáo trong 16 năm trời, rồi làm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về các Ðại hội Thánh Thể quốc tế. (SD 27-8-2011)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Hội thảo về “Vai trò của thần học trong công cuộc Tân Phúc âm hóa”


Giáo sư Ratzinger và học trò cũ: hồng y Schönborn

Hội thảo về “Vai trò của thần học trong công cuộc Tân Phúc âm hóa”
WHĐ (26.08.2011) – Cũng như mọi năm, các thành viên “Câu lạc bộ sinh viên của Hồng y Ratzinger” sẽ gặp nhau tại Castel Gandolfo trong ba ngày, từ thứ Sáu 26 đến Chúa nhật 28 tháng Tám 2011 để hội thảo về chủ đề “Vai trò của thần học trong công cuộc Tân Phúc âm hóa”.
Khoảng 40 người sẽ tham gia hội thảo, trong đó có Đức Hồng y Christoph Schönborn, Tổng giám mục Vienna; Đức cha Hans-Jochen Jaschke, giám mục phụ tá Hamburg, và Đức ông Barthelemy Adoukonou, thư ký Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa.
Cha Stephan Otto Horn, cựu trợ lý của giáo sư Ratzinger ở Regensburg, điều phối viên của câu lạc bộ cho biết Đức giáo hoàng sẽ chủ sự Thánh lễ Chúa nhật 28-08.
Có hai vị khách giáo dân được mời thuyết trình về Tân Phúc âm hóa. Một người là nữ thần học gia, tiến sĩ Hanna-Barbara Gerl-Falkowitz. Bài thuyết trình của bà sẽ tập trung vào những khó khăn và những chống đối mà việc rao giảng Kitô giáo ngày nay gặp phải.
Người thứ hai là thành viên của Cộng đoàn Emmanuel, ông Otto Neubauer, người Áo, giám đốc Viện truyền giáo ở Vienna.
“Câu lạc bộ sinh viên của Hồng y Ratzinger” đầu tiên chỉ gồm các học trò của giáo sư Ratzinger từ Bonn, Münster, Tübingen, Regensburg. Mới đây Câu lạc bộ này được mở rộng thêm, bao gồm các sinh viên không trực tiếp học với giáo sư Ratzinger nhưng là những nhà thần học nổi tiếng về nghiên cứu thần học của Ratzinger, chẳng hạn một trong những người đoạt giải thưởng Ratzinger là cha Heim. Năm nay họ tham gia khóa hội thảo mùa hè ở Castel Gandolfo cùng với “Câu lạc bộ” đầu tiên của các sinh viên trực tiếp, từng quy tụ với nhau từ năm 1977 bên giáo sư Ratzinger.
Cuộc họp đầu tiên của giáo sư Ratzinger với các học trò cũ của ngài diễn ra hồi tháng ba năm 1977, khi Đức giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Munich-Freising. Sau khi được bầu làm giáo hoàng năm 2005, giáo sư Ratzinger vẫn tiếp tục gặp gỡ các học trò của mình hằng năm tại Castel Gandolfo.
Năm đó, họ hội thảo về đạo Islam, năm 2006 và 2007 về sự tiến hóa và các thuyết tiến hóa, năm 2008 về Chúa Giêsu lịch sử và cuộc khổ nạn của Người, năm 2009 về sứ vụ và về đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa, và năm 2010 về khoa chú giải (Kinh Thánh) của Công đồng Vatican II.
(Theo Zenit.org, 25-08-2011)
 
PV

Phó tế của Giáo hạt tòng nhân hát bài Tin Mừng tại Ngày Giới trẻ thế giới


Thầy phó tế James Bradley

Phó tế của Giáo hạt tòng nhân hát bài Tin Mừng tại Ngày Giới trẻ thế giới
WHĐ (25.08.2011) – Tại buổi lễ chào đón Đức Thánh Cha trong Ngày Giới trẻ Thế giới 2011 vừa qua ở quảng trường Cibeles ngày 18 tháng Tám, có một chi tiết đáng chú ý. Đức Thánh Cha Bênêđictô đã chọn thầy phó tế người Anh James Bradley hát Tin Mừng trong buổi cầu nguyện khi ngài gặp gỡ các bạn trẻ. Đó là một cử chỉ thật ý nghĩa, vì thầy James là một phó tế của Giáo hạt tòng nhân Đức Bà Walsingham. Cách nay vài tháng, thầy James đã chuẩn bị chịu chức trong Giáo hội Anh giáo. Đây là bằng chứng cho thấy Đức giáo hoàng luôn quan tâm đặc biệt đến các tín hữu Anh giáo tái gia nhập Giáo hội Công giáo.
Thầy phó tế nhớ lại cảm xúc của mình: “Khi tôi hát bài Tin Mừng trước mặt Đức Thánh Cha và nửa triệu bạn trẻ, tôi thấy Giáo hội thật sống động.”
Thầy cho biết: “Chỉ không đầy một tháng trước, khi tôi đang ăn tối với một người bạn thì nhận được tin nhắn của cha Stephen Langridge: “James, tôi đã sắp xếp cho thầy đọc Phúc âm trong buổi lễ chào đón Đức Thánh Cha tại Ngày Giới trẻ Thế giới. Cho tôi biết nếu có vấn đề.”
Khi đã lấy lại bình tĩnh và ngồi ngay ngắn trên ghế, tôi trả lời rằng tôi thật quá hạnh phúc và sẵn sàng nhận lời. Tối hôm qua (18-08), ở Madrid này, cơ hội tuyệt vời ấy đã trở thành hiện thực.

Sau hàng giờ tập nghi thức phụng vụ, kiểm tra âm thanh và các lối đi, tôi nghĩ rằng tôi đã rất sẵn sàng cho nghi thức phụng vụ, nhưng không chắc mình đã chuẩn bị đầy đủ chưa để đón nhận niềm vui khôn tả này.
Có người hỏi điều gì đã đánh động tôi lúc xin Đức Thánh Cha chúc lành. Tất cả những gì tôi thực sự có thể nói là tôi nhận ra ngay lập tức Đức Thánh Cha thật là quảng đại và ngài luôn chăm sóc cho Giáo hội. Đây là điều mọi người chúng ta đều thấy trong việc ngài canh tân phụng vụ và đưa ra quy chế cho các tín hữu Anh giáo tái gia nhập Giáo hội Công giáo, không phải trong ý nghĩa xa xôi nhưng theo một cách thực tế và hữu hình. Ngài thực sự là một mục tử và chính nhân cách của ngài toát ra điều ấy.
Như Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trong bài giảng, chúng ta được thách đố xây dựng đời mình trên Chúa Kitô, trong và qua Giáo hội của Người, “bén rễ trong Chúa Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức tin”. Tôi cầu xin cho việc thiết lập Giáo hạt tòng nhân Đức Bà Walsingham sẽ giúp cho nhiều người đón nhận được lời mời gọi ấy một cách đầy đủ nhất có thể.
Sau khi Đức Thánh Cha rời Cibeles để đến Tòa Sứ thần, một cha nói với tôi rằng tôi nên thường xuyên suy nghĩ về cảm nghiệm này, hãy luôn nhớ rằng Chúa đã dùng giọng nói của tôi để cho hàng triệu người nghe lời của Người. Tôi biết quá rõ là bản thân tôi không xứng đáng thi hành nhiệm vụ đó, nhưng được tham gia vào phụng vụ –cùng với và ngay bên cạnh Đức Thánh Cha và trước sự hiện diện của rất nhiều tín hữu Công giáo trẻ– sẽ luôn giúp tôi nhớ rằng chính là cùng với và qua Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, trong mối hiệp thông và bình an trọn vẹn với đá tảng Phêrô mà công trình Tin Mừng được thực hiện”.
(Tổng hợp)
 
Huy Hoàng

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Cuộc gặp gỡ tại Madrid đã là một biểu lộ đức tin tuyệt vời.

Cuộc gặp gỡ tại Madrid
là một biểu lộ đức tin tuyệt vời


Castel Gandolfo (Vat. 24/08/2011) - Cuộc gặp gỡ tại Madrid đã là một biểu lộ đức tin tuyệt vời. Vì số đông người trẻ đến từ khắp nơi trên trái đất, nó đã là một dịp đặc biệt giúp suy tư, đối thoại, trao đổi các kinh nghiệm tích cực và nhất là để cầu nguyện với nhau và canh tân dấn thân đâm rễ sâu đời mình trong Chúa Kitô, Người Bạn trung thành.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 3,000 tín hữu va du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 24 tháng 8 năm 2011 tại Castel Gandolfo. Vì Ðức Thánh Cha vừa mới công du Tây Ban Nha về, nhân Ngày Quốc Tế Giới trẻ lần thứ XXVI tại Madrid, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với mọi người một vài cảm tưởng về chuyến viếng thăm.
Ðức Thánh Cha đã định nghĩa biến cố này như sau: Như anh chị em biết, đó đã là một biến cố giáo hội gây xúc động; khoảng 2 triệu người trẻ đến từ mọi đại lục đã tươi vui sống một kinh nghiệm tình huynh đệ, gặp gỡ Chúa, chia sẻ và lớn lên trong đức tin: một thác ánh sáng đích thật. Tôi cảm tạ Thiên Chúa về ơn qúy báu trao ban hy vọng cho tương lai Giáo Hội: các bạn trẻ với ước muốn vững vàng chân thành đâm rễ sâu trong Chúa Kitô, kiên vững trong đức tin, và cùng nhau tiến bước trong Giáo Hội. Dĩ nhiên, tôi không thể miêu tả trong ít lời các giờ phút sâu đậm mà chúng tôi đã sống. Tôi còn có trong trí niềm hăng say không thể kìm hãm được của người trẻ khi họ tiếp đón tôi tại quảng trường Cibeles, các lời nói của họ diễn tả sự chờ mong, ước muốn mãnh liệt hướng tới chân lý sâu thẳm và bén rễ sâu trong đó, chân lý mà Thiên Chúa đã cho chúng ta biết trong Chúa Kitô.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã duyệt qua các cuộc gặp gỡ khác nhau của ngài. Trong tu viện El Escorial đồ sộ đầy ắp lịch sử tu đức và văn hóa, ngài đã gặp các nữ tu trẻ và các giáo sư đại học trẻ tuổi. Với các nữ tu Ðức Thánh Cha đã nhắc cho các chị nhớ tới vẻ đẹp của ơn gọi sống trung thành, và tầm quan trọng của công tác phục vụ tông đồ cũng như chứng tá ngôn sứ. Ðức Thánh Cha nói ngài bị ấn tượng bởi sự hăng say của các chị, bởi một đức tin trẻ trung, tràn đầy can đảm đối với tương lai, cũng như ý chí phục vụ nhân loại của các chị. Ngài đã nhắn nhủ các giáo sư trẻ tuổi hãy là các nhà đào tạo các thế hệ mới bằng cách hướng dẫn họ trong việc tìm kiếm chân lý, không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả cuộc sống nữa, ý thức rằng Chân Lý là chính Chúa Kitô. Khi gặp Chúa Kitô là chúng ta gặp chân lý. Vào ban chiều trong buổi đi đàng Thánh Giá, một đám đông người trẻ khác nhau đã sống việc tham dự sâu xa vào các cảnh cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô: thánh giá Chúa Kitô trao ban nhiều hơn những gì nó đòi hỏi, nó trao ban tất cả, bởi vì nó dẫn đưa chúng ta tới Thiên Chúa.
Ngày hôm sau là thánh lễ trong nhà thờ chính tòa Almudena với các đại chủng sinh, là những người trẻ muốn đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô để khiến cho Người hiện diện mai sau như là các thừa tác viên của Chúa. Tôi cầu mong các chủng sinh lớn lên trong ơn gọi linh mục của họ! Trong số các chủng sinh có vài người đã lắng nghe tiếng Chúa mời gọi trong các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ trước đây. Và tôi chắc chắn rằng tại Madrid Chúa cũng đã gõ cửa trái tim của nhiều người trẻ, để họ theo Ngài trong chức thừa tác linh mục hay cuộc đời tu sĩ với lòng quảng đại.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói cuộc viếng thăm một trung tâm các người trẻ tàn tật đã cho tôi thấy sự kính trọng và tình yêu thương lớn lao đối với mọi người và đã là dịp để tôi cám ơn hàng ngàn người thiện nguyện làm chứng cho Tin Mừng bác ái và sự sống trong thinh lặng.
Buổi canh thức ban chiều và thánh lễ kết thúc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là hai thời điểm rất sâu đậm: vào ban chiều rất đông đảo người trẻ đã tưng bừng, không sợ hãi trước mưa gió, thinh lặng thờ lậy Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể, để chúc tụng Ngài, cảm tạ Ngài, xin ơn trợ giúp và ánh sáng. Rồi trong ngày Chúa Nhật giới trẻ đã biểu lộ niềm vui tràn đầy của họ khi cử hành Chúa trong Lời Ngài và trong Bí tích Thánh Thể, để ngày càng được tháp nhập vào Chúa hơn, và củng cố đức tin và cuộc sống kitô của họ. Sau cùng trong bầu khí hăng say tôi đã gặp các người thiện nguyện và cám ơn họ vì sự quảng đại của họ. Với các lễ nghi tạm biệt tôi đã rời đất nước Tây Ban Nha và ghi khắc trong tim các ngày lớn lao này như một ơn vĩ đại.
Ðức Thánh Cha đã tóm tắt kinh nghiệm chuyến đi Tây Ban Nha để chủ sự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ như sau.
Các bạn thân mến, cuộc gặp gỡ tại Madrid đã là một biểu lộ đức tin tuyệt vời đối với nước Tây Ban Nha và trước nhất là đối với toàn thế giới. Vì số đông người trẻ đến từ khắp nơi trên trái đất, nó đã là một dịp đặc biệt giúp suy tư, đối thoại, trao đổi các kinh nghiệm tích cực và nhất là để cầu nguyện với nhau, và canh tân dấn thân đâm rễ sâu đời mình trong Chúa Kitô, Người Bạn trung thành. Tôi chắc chắn rằng các bạn trẻ đã trở về nhà mình với quyết tâm là men trong đám đông, bằng cách đem lại cho họ niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin. Về phần tôi, tôi tiếp tục đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện, để họ trung thành với các dấn thân đã cam kết. Tôi xin phó thác các hoa trái của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ này cho sự bầu cử hiền mẫu của Ðức Maria.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã loan báo đề tài các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới như sau:
Giờ đây tôi muốn loan báo các đề tài cho các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tới đây như sau. Ngày Giới Trẻ năm tới diễn ra trong các giáo phận sẽ có khẩu hiệu là "Anh em hãy vui luôn trong Chúa!" rút ra từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê (4,4); trong khi Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2013 sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro. Khẩu hiệu sẽ là lệnh truyền của Chúa Kitô: "Hãy ra đi làm cho các dân tộc trở thành môn đệ của Thầy" (x. Mt 28,19). Ngay từ bây giờ tôi xin tín thác nơi lời cầu nguyện của mọi người việc chuẩn bị các thời điểm quan trọng này.
Trước đó, Ðức Thánh Cha đã không quên cảm ơn các giới chức đạo đời, Hội Ðồng Giám Mục Tây Ban Nha, các Giám Mục các nơi khác trên thế giới, Hội Ðồng Tòa Thánh Giáo Dân, các linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ. Ngài cũng lập lại lời cám ơn hoàng gia, chính quyền và các cơ cấu hiệp hội Tây Ban Nha, toàn dân nước và tất cả những ai đã cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài.
Trước khi cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người Ðức Thánh Cha đã chào các nhóm bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Ý.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)