label

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Bài giảng Lễ Các thánh Nam Nữ (cha sở Mai Đức Vượng)


LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

            Anh chị em thân mến,
            Hôm nay, ngày khởi đầu của tháng tưởng nhớ và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, GH muốn mời chúng ta hướng lòng về trời, để cùng chiêm ngưỡng  và mừng kính tất cả các thánh, những người đã chiến thắng và giờ này đang được hưởng hạnh phúc đời đời bên Chúa.
            Trong một năm, GH đã dành rất nhiều ngày để kính nhớ riêng từng vị..nhưng không phải chỉ có những vị được kính nhớ, hay được đặt tên trong kinh cầu các thánh mới là thánh, nhưng có thể nói : Con số các thánh đông vô cùng. Bởi vì phàm ai được rỗi linh hồn, được lên thiên đàng đều là thánh.
            Sở dĩ GH kính nhớ một số vị, vì các ngài có đường lối nên thánh đặc biệt, hoặc gần gũi với cuộc sống, với thời đại chúng ta..để chúng ta dễ bắt chước.
            Thật vậy, qua bài đọc thứ nhất, chúng ta vừa nghe T. Gioan kể, trong một thị kiến, Chúa cho ngài thấy Các Thánh đông vô cùng “ không thể đếm được”. Các ngài thuộc mọi nước mọi dân, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm cành thiên tuế , biểu tượng của sự chiến thắng.
           Mừng lễ Các Thánh, nhiều người tự  hỏi : Các Thánh là ai ?
            * Thưa Các thánh là những con người cũng mang xác thịt yếu đuối, bệnh tật như ta. Nhiều vị còn tầm thường và âm thầm lặng lẽ hơn ta. Có khi nhiều vị ta đã gặp, đã từng quen biết, đã chung sống, giao tiếp với ta. Cuộc đời của Các ngài, sách Thánh nói gọn : Họ là những người “đã từ đau khổ lớn lao mà đến”, có nghĩa là các ngài đã suốt đời âm thầm chịu đựng đau khổ, do phải chiến đấu trường kỳ gian khổ với ba thù là Ma quỷ, Thế gian và Xác thịt để giữ vững lòng trung thành với Chúa.
            * Các Thánh còn là những người hiểu rõ và xác tín vào Lời Chúa hơn ai hết. Lời đó là : “Hạt giống gieo xuống đất nếu không mục nát đi thì nó sẽ trơ trọi một mình” . Các ngài hiểu : Các Ngài là Hạt Giống được Chúa gieo vào giữa lòng đời, có chịu vùi dập, mục nát mới nẩy mầm, đâm bông, kết trái…
            - Các Thánh cũng là những người đã hiểu, đã tin vào Lời Chúa : “Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được nó đến cõi đời đời” , nên đã hi sinh, đã chịu thua thiệt và đã giữ được  tên tuổi đến đời đời.
            - Các Thánh cũng là những người tin rằng : “ Đường lên thiên đàng là Đường hẹp. Cửa vào thiên đàng là cửa hẹp, Đường Thập giá..” Nên cuộc đời các ngài là đường núi sọ, vai vác thập giá đời mình, chân đạp lên chông gai, tay gạt nước mắt mà vẫn vững bước.

            Hôm nay mừng kính Các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy bắt chước T. Augustinô khi còn sống, mỗi lần nghĩ đến các thánh, Ngài thường tự nói với chính mình : “Ông nọ bà kia nên thánh được, tại sao Augustinô này lại không thể ”.
            Chúng ta hãy nhớ kỹ điều này là :
            - Tất cả chúng ta đều được Chúa mời gọi nên thánh : “ Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng Thánh”       - Tất cả chúng ta đều được Chúa ban đủ ơn cần thiết để nên thánh, như  Lời Chúa nói : “Ơn Ta đủ cho con ”..
            Như vậy, nếu chúng ta không nên thánh, mà thành Quỷ, thành Ma là tại ta từ chối lời mời gọi của Chúa Không cộng tác với Ơn Chúa.
            Mỗi người chúng ta có một thánh Bổn mạng,
            Hôm nay chúng ta cũng mừng kính Ngài, Cầu nguyện nhiều với Ngài và bắt chước Ngài.
            Lạy Các Thánh nam nữ, xin vì công nghiệp của các Ngài, xin hãy bầu cử cho chúng con, những kẻ còn đang phải vất vả chiến đấu ở trần gian này, được biết tin vào Lời Chúa, được can đảm và kiên trì thắng vượt mọi cơn cám dỗ… để khi kết thúc cuộc chiến đời này, chúng con được hợp đòan cùng các thánh trên nơi hạnh phúc trường sinh. Amen.

AI LOAN BÁO TIN MỪNG, CẦN PHẢI SỐNG LỜI CHÚA

AI LOAN BÁO TIN MỪNG, CẦN PHẢI SỐNG LỜI CHÚA

Quý vị thính giả thân mến,

Rô-ma đã vào thu, trời thật đẹp, trong không khi se lạnh của buổi sáng Chúa nhật, quảng trường thánh Phê-rô lại tiếp đón khách hành hương lúc 12 giờ trưa để cùng đọc Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha. Trong bài huấn dụ ngắn, như thường lệ, Đức Thánh Cha gợi ý một vài điểm chính yếu trong phụng vụ Lời Chúa và chủ đề của ngày hôm qua là thái độ sống Lời Chúa và mời gọi hành xử theo gương của Chúa Giê-su,

Anh chị em thân mến,

Từ các bài đọc của phụng vụ Lời Chúa, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta lắng nghe Tin Mừng "không phải như lời của người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa" (1Tx 2,13). Trong thế giới hôm nay, chúng ta có thể đón nhận trong đức tin những cảnh báo của Chúa Giê-su gợi lên trong tâm cảm để hành xử như Ngài. Trình thuật Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giê-su khiển trách các luật sĩ và người Pha-ri-sêu, là những người có vai trò giáo huấn trong cộng đoàn, rằng họ đã sống hoàn toàn trái ngược với những gì họ giảng dạy. Chúa Giê-su nhấn mạnh đó là những người "nói mà không làm (Mt 23,3); thậm chí "họ bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào (Mt 23,4). Giáo huấn đã được đón nhận nhưng có nguy cơ bị phủ nhận bởi một lối sống đi ngược lại giáo huấn ấy. Vì vậy Chúa Giê-su nói: "Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo" (Mt 23,3). Thái độ sống của Chúa Giê-su thì hoàn toàn trái ngược với thái độ sống của các kinh sư và người Pha-ri-sêu: trước tiên Ngài đã sống giới răn yêu thương rồi mới dạy người ta sống như vậy. Ngài có thể nói ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng chính là bởi Ngài giúp chúng ta và cùng chúng ta mang lấy ách của mình (x. Mt 11,29-30).

Về gánh nặng của quyền lực, thánh Bonaventura chỉ ra ai là người Thầy đích thực khi ngài khẳng định: "Không ai có thể giảng dạy, hành động, hay đạt tới sự thật nếu không phải là Con Thiên Chúa" (Sermo I de Tempore, Dom. XXII post Pentecosten, Opera omnia, IX, Quaracchi, 1901, 442). "Chúa Giê-su ngự trên "toà" như ông Mô-sê người đã loan truyền Giao Ước cho các dân tộc" (Gesù di Nazaret, Milano 2007, 89). Và chỉ có Chúa Giê-su là vị Thầy duy nhất đích thực của chúng ta! Chúng ta vì thế được mời gọi bước đi theo Con Thiên Chúa, Ngôi lời nhập thể. Người đã bày tỏ chân lý trong lời dạy của mình ngang qua lòng trung thành với thánh ý Chúa Cha, ngang qua chính quà tặng là bản thân Người. Chúa Giê-su cũng lên án kẻ ham danh vọng và hành xử "cốt để cho thiên hạ thấy" (Mt 23,5); như thế họ chỉ nhắm đến sự chú ý của người ta và đặt để công việc của mình trên những giá trị phù du.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giê-su đã đến thế gian như người tôi tớ, đã hạ mình xuống và hiến mình trọn vẹn trên thập giá, đó là bài học hùng hồn về khiêm tốn và yêu thương. Từ mẫu gương của Người, vọt lên lời mời gọi của sự sống: "Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em" (Mt 23,11). Với sự chuyển cầu của Mẹ Rất Thánh Maria, chúng ta cùng cầu xin, cách đặc biệt cho các cộng đoàn tín hữu được mời gọi để thi hành sứ vụ giáo huấn, để họ luôn luôn làm chứng bằng hành động chân lý mà họ loan báo.


Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha bày tỏ sự liên đới đặc biệt tới người dân Thái Lan ở những vùng bị ngập lụt, đồng thời tại một số vùng ở Italia, người dân cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Đức Thánh Cha không quên họ trong lời cầu nguyện của ngài.

Với khách hành hương nói tiếng Pháp, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hướng về Mẹ Maria với lòng tin tưởng và nơi Mẹ chúng ta học biết Chúa Giê-su, Con của Mẹ để bước theo sát gót bước của Người. Đức Thánh Cha nguyện chúc từng người, đặc biệt những ai đang phải chịu đau khổ và thử thách, cảm nghiệm được tình mẫu tử dịu dàng và sự che chở của Mẹ Thiên Chúa .
Với khách hành hương nói tiếng Anh, Đức Thánh Cha nêu lên sự cấp bách trong Tin Mừng về việc kết hợp giữa sự khiêm tốn và phục vụ bác ái đối với anh chị em đồng loại trong thế giới hôm nay. Quả vậy, ngài mời gọi tín hữu luôn bắt chương mẫu gương phục vụ của Chúa Giê-su và coi đó như khuôn mẫu hoàn hảo nhất.

Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc lành và gởi lời chào thăm đến mọi người với tất cả lòng yêu mến.



Đặng Thế Nhân

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI CHỐNG NẠN PHÙ THỦY Ở ANGOLA

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI CHỐNG NẠN PHÙ THỦY Ở ANGOLA


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các GM Angola và São Tomé dành ưu tiên cho việc mục vụ gia đình, bài trừ nạn phù thủy và óc phe phái bộ tộc.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-10-2011, dành cho 26 GM thuộc HĐGM Angola và Sao Tomé nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến và đề cao kế hoạch mục vụ các GM Angola đề ra từ 3 năm nay, đứng trước tình trạng con số các hôn phối đạo tại nước này trở nên hiếm hoi, nhiều cặp nam nữ ”làm bạn” với nhau mà không hết hôn, trái ngược với kế hoạch của Thiên Chúa về sự sinh sản và gia đình nhân loại. ĐTC cầu chúc cho kế hoạch của các GM mang lại nhiều thành quả. Ngài nói: ”Anh em hãy giúp các đôi vợ chồng được trưởng thành đầy đủ về nhân bản và tinh thần, để họ lãnh nhận sứ vụ làm vợ chồng và cha mẹ trong tinh thần trách nhiệm, nhắc nhở cho họ rằng tình yêu vợ chồng phải có đặc tính một vợ một chồng và bất khả phân ly như giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Cần phải bảo tồn kho tàng quí giá này với bất kỳ giá nào”.

ĐTC cũng nhắc đến sự kiện nhiều tín hữu Công Giáo tại Angola tuy là Kitô hữu mà vẫn thực hành những thói tục không thể dung hợp với việc theo Chúa Kitô, với hậu quả là họ sát hại cả các trẻ em và người già bị những phù thủy kết án. Ngài nói: ”Anh em GM thân mến, ý thức về tính chất thánh thiêng của sự sống con người trong mọi giai đoạn và hoàn cảnh, anh em hãy lên tiếng bênh vực các nạn nhân. Ngoài ra, vì đây là một vấn đề trong toàn miền, hãy liên kết nỗ lực của các cộng đoàn Giáo Hội bị thương tổn vì tai ương này, cố gắng xác định ý nghĩa sâu xa của các thói tục đó, vạch rõ những nguy hiểm về mặt mục vụ và xã hội của các tệ nạn ấy, để đi tới một phương pháp hoàn toàn loại trừ chúng, với sự cộng tác của chính quyền và xã hội dân sự”.

Sau cùng, ĐTC nói đến óc bộ tộc phe phái khiến cho các cộng đoàn có xu hướng khép kín, không muốn chấp nhận những người thuộc bộ tộc khác. Ngài cám ơn và đề cao những GM, LM và tu sĩ chấp nhận làm việc mục vụ bên ngoài biên giới ngôn ngữ và bộ tộc của mình. ĐTC nói: ”Trong Giáo Hội, như một gia đình mới của những người tin nơi Chúa Kitô, không có chỗ cho bất kỳ sự chia rẽ nào (Xc Mc 3,31-35). Biến Giáo Hội thành căn nhà và trường dạy sự hiệp thông, đó chính là thách đố lớn mà chúng ta phải đương đầu vào đầu Ngàn Năm mới này, nếu chúng ta trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa và đáp lại những mong đợi sâu xa nhất của thế giới” (Gioan Phaolô 2, Tông thư Bắt Đầu Ngàn Năm Mới, 43). Quanh bàn thờ, có những người nam nữ thuộc các bộ lạc, ngôn ngữ và chủng tộc khác nhau, họ chia sẻ cùng Mình và Máu Chúa Giêsu trong Thánh Thể, trở nên anh chị em đích thực với nhau (Xc Rm 8,29). Mỗi giây huynh đệ này mạnh mẽ hơn những liên hệ của các gia đình trần thế và của các bộ lạc anh em” (SD 29-10-2011)


G. Trần Đức Anh OP

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

“Tinh thần Assisi” tại Tổng giáo phận Tp. HCM: Ngày Hội ngộ “Chung tay Xây dựng Bình An”



“Tinh thần Assisi” tại Tổng Giáo phận Tp. HCM:
Ngày Hội ngộ“Chung tay Xây dựng Bình An”
“Chung tay Xây dựng Bình An” là chủ đề của Ngày Hội ngộ 27-10-2011, tại Trung tâm mục vụ TGP Tp. HCM, nhân kỷ niệm 25 năm Ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa bình tại Assisi. Cuộc gặp gỡ hôm nay do Gia đình Phan Sinh Việt Nam phối hợp với Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP đồng tổ chức, nhằm gây ý thức và khích lệ các thành phần Dân Chúa sống “Tinh thần Assisi” trong thành phố mà 10% người Công giáo sống giữa 90% tín đồ các tôn giáo khác và những anh chị em không có niềm tin tôn giáo.
Thành phần tham dự mang tính tiêu biểu, đến từ 200 giáo xứ, các đoàn thể, nhiều dòng tu, học viện và Đại chủng viện sinh hoạt trên địa bàn giáo phận.
Ngày gặp gỡ được xây dựng trên ba trục tương quan chính yếu:
– Đối thoại giữa các thành phần Dân Chúa trong Giáo hội Công giáo
– Đối thoại giữa người Kitô hữu với tín đồ các tôn giáo khác
– Đối thoại với Thiên Chúa hay Thực tại Siêu Việt để cầu nguyện cho hòa bình.
Những thắc mắc nêu lên sau 3 bài thuyết trình buổi sáng [(1) “Mục vụ Đối thoại liên tôn” -  (2) “Lịch sử và ý nghĩa “Tinh thần Assisi” (3) “Thánh Phanxicô và tinh thần hòa bình”], diễn tả ước mong áp dụng tinh thần khoan hòa và việc đối thoại liên tôn tại giáo xứ cũng như trong đời sống hằng ngày.
Các chia sẻ vào buổi chiều của bốn đại diện đạo Baha’i, Cao Đài, Công giáo và Minh Lý đã làm chứng về sự đa dạng, phong phú của kinh nghiệm gặp gỡ liên tôn, nhưng cũng rất gần gũi với đời thường của mọi tín đồ. Phát biểu của Đức Hồng y TGM Giáo phận kêu gọi sự hợp tác xây dựng thiện ích cho cộng đồng và sự hiện diện của Đức Giám mục Chủ tịch Ủy ban Giáo lý - Đức Tin đã khuyến khích mọi người sống tinh thần Assisi.
Ngày Hội ngộ đạt đến đỉnh cao với lời cầu nguyện theo niềm tin riêng của 6 tôn giáo cho hòa bình trên thế giới và trong tâm lòng con người. Riêng phía Công giáo, gần 500 anh chị em giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ đã cùng Hát Kinh Hòa bình để khấn xin Thiên Chúa, nguồn mạch sự bình an, ban hòa bình cho mọi người.
Ngoài việc trao đổi và lắng nghe nhau, các tham dự viên còn được cảm nhận “Tinh thần Assisi” qua ngôn ngữ nghệ thuật (điêu khắc, tranh sơn dầu và ảnh sinh hoạt tôn giáo) và văn hóa nơi vài đầu sách-báo tiêu biểu của các tôn giáo tại gian triển lãm của TTMV.









 
Ban Mục vụ ĐTLT TGP Tp.HCM

Bài giảng chúa nhật XXXI thường niên (cha sở Mai Đức Vượng)


KHIÊM TN

            Sau một trận bão, một cơn giông…người ta thường thấy những cây cao bị đổ, gẫy la liệt, trái lại những cây nhỏ cây thấp chỉ ngả nghiêng rồi lại đứng thẳng như cũ.
      Sau một cuộc đảo chính, một cuộc cách mạng ví dụ biến cố 30/04/75 hay gần nhất biến cố Đại tá Gadaffi, nhà lãnh đạo độc tài suốt 42 năm của nước Syrie bị lật đổ, những kẻ quyền cao chức trọng thì mất chức mất quyền, bị tù đày và có khi mất mạng, còn những người dân thường, những kẻ thấp cổ bé miệng thì trước sau cũng vẫn là thường dân…
       Ấy thế mà thời nào, xã hội nào, tổ chức nào người ta cũng tranh nhau chức vụ cao, để được hưởng lợi lộc nhiều hoặc ít nữa là để có danh vọng. Mâm cao thì cỗ đầy. Chức vị càng lớn thì bổng lộc càng nhiều và được trọng vọng kính nể nhiều. Ngày xưa thì võng cáng, lọng che…ngày nay thì môtô hộ tống, cảnh sát còi hụ dẹp đường, trải thảm chào đón.
       Cái thói ham danh vọng ấy, không tha cả những người lãnh đạo các tôn giáo. Vì thế mà các chức sắc đạo Do thái ngày xưa cũng thích mặc áo lụng thụng, may những tua áo lòng thòng, đeo những thẻ kinh lỉnh kỉnh, thích ngồi ghế đầu ở Hội đường, ngồi mâm trên tại các buổi tiệc (Mt23,5; Mc12,38; Lc20,45), Chúa Giêsu không ngại lên tiếng chỉ trích họ.
       Hôm nay, khi lên tiếng chỉ trích nhóm biệt phái về thói giả hình, kiêu căng…Chúa Giêsu muốn dạy dân chúng và các môn đệ bài học KHIÊM TỐN.
     Đối với Chúa Giêsu : Lòng Khiêm tốnbiết thương xót người khác chính là nền tảng của đạo đức. Nói cách khác kẻ kiêu căng và không biết thương xót người khác là kẻ vô đạo đức. Ngài mời gọi chúng ta học ở Người hai đức tính ấy.
       Đức Giêsu mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Người tự hạ mình như người tôi tớ, hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn dân (Mt 20,28).
     Trong bữa Tiệc ly, bữa ăn sau cùng trước khi nộp mình chịu chết, Người đã dạy các tông đồ : (Mt23,11). “ Phần anh em, ai lớn nhất trong anh em phải trở nên kẻ nhỏ nhất…Ai làm đầu thì phải hầu hạ mọi người. Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”
           
Nhưng lòng khiêm tốn mà thôi, tự nó chưa phải là một giá trị tích cực. Nếu khiêm tốn như một thái độ ẩn mình chỉ vì muốn an thân, tránh những trách nhiệm mà tập thể trao cho, hay lười biếng không muốn phục vụ hoặc khiêm tốn để mị dân, để lấy lòng người khác, lấy tiếng là khiêm tốn, thì chẳng phải là khiêm tốn. Lòng khiêm tốn phải đi đôi với lòng Bác ái, với tinh thần Phục vụ mới có giá trị.
     Chúa đã quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ. Ngài làm thế là để dạy các ông bài học yêu thương phục vụ sau bài học Khiêm tốn. Người hạ mình không phải chỉ vì thích hạ mình, mà để phục vụ, để nâng đỡ gánh nặng của người khác.

      Người ta kể một câu chuyện châm biếm có thật :
    Có một người đàn ông đi du lịch Đất Thánh Palestin, một hôm mỏi chân, ông ngồi nghỉ ở một băng đá…Ông thấy ai đi qua cũng ngả nón chào ông. Ông ngạc nhiên. Ở cái xứ xa lạ này, mình là một du khách sao ai cũng biết mình. Phải chăng họ thấy nơi mình có hào quang gì khác thường chiếu tỏa ra khiến họ cung kính.. Thỉnh thỏang có người còn quỳ gối, cúi đầu rất nghiêm trang. Ông nhìn chung quanh mình xem có luồng ánh sáng nào không, nhưng chẳng có hào quang nào hết ! Ông hãnh diện lắm vì cho rằng mình là người quan trọng…Ngồi thật lâu để tận hưởng cái niềm hãnh diện đó, rồi ông đứng lên đi tiếp. Trước khi bước đi, ông đảo mắt một vòng chung quanh chỗ ông ngồi . Phía đằng sau chiếc băng đá là một cây Thánh giá có treo tượng Chúa đóng đinh. Ông mắc cở vì hiểu ra rằng, người qua lại cúi chào tượng Chúa, chứ không phải chào ông .
     Tự kiêu về những điều mình có đã là đáng ghét, huống chi tự kiêu về những gì mình không có càng đáng ghê tởm hơn..

      Xin Chúa dạy mỗi người chúng ta biết thực hành Lời Chúa dạy hôm nay : là Khiêm tốn, hạ mình phục vụ anh em như người tôi tớ.. vì chính khi chúng ta làm như thế, Chúa sẽ kể chúng ta là người môn đệ đích thực của Ngài. Amen.


   LM. Pr. MAI ĐỨC VƯỢNG
Chúa Nhật XXXI Năm A.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Ngồi chỗ cuối (29.10.2011 – Thứ bảy Tuần 30 Thường niên)


Ngồi chỗ cuối
Lời Chúa: Lc 14, 1.7-11
Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này.” Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho.” Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.” Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Suy nim:
Khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất,
Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên đối với họ (cc. 8-10).
Mới nghe những lời khuyên này,
ta có cảm tưởng đây chỉ là những lời dạy cách ứng xử khôn khéo.
Nên chọn ngồi chỗ cuối,
vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc,
bạn có cơ hội được mời lên chỗ trên.
Thà ngồi dưới rồi được đưa lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống.
Như thế ngồi chỗ cuối rốt cuộc chỉ là một giả vờ,
để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên.
Ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một xấu hổ, sỉ nhục,
và nhắm đến một vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10).
Đức Giêsu có ý khuyên dạy người ta như thế không?
Chắc là không.
Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể gây hiểu lầm trên đây (c. 7),
Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều.
Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra:
Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang,
nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53).
Các Mối Phúc choKhốn cho cũng nói lên sự đảo ngược này.
Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than.
Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng (6, 20-26).
Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31).
Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến.
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.
Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11).
Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều hổ nhục.
Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều.
Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn mãi.
Để thực hành lời khuyên của Đức Giêsu cho đúng đắn,
thánh Basiliô cho ta một soi sáng như sau:
“Chúng ta phải để cho chủ tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời.
Như thế chúng ta mới nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái,
đối xử với nhau trong sự kính trọng,
xa tránh mọi tìm kiếm hư danh và khoe khoang.
Chúng ta không giả vờ khiêm tốn.
Bởi lẽ thích tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo
còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.”
Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền uy.
Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra.
Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác.
Thèm muốn vinh dự, chức tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội.
Chỉ mong tôi thực sự hạ mình trước anh em tôi.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.

Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.

Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.

Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.

Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.

Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

“Tinh thần Assisi” tại Philippines




“Tinh thần Assisi” tại Philippines

WHĐ (28.10.2011) – Các nhà lãnh đạo giáo hội Manila đã tổ chức một buổi Hội ngộ liên tôn để cầu nguyện cho hòa bình thế giới, trong tinh thần “liên đới” với các tham dự viên của các tôn giáo khác nhau được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời tham dự Ngày Thế giới cầu nguyện cho Hòa bình tại Assisi (27.10.2011).

Buổi cầu nguyện có sự tham dự của người dân địa phương và các đại diện của nhiều tôn giáo.

Trong bài diễn văn, Đức giám mục phụ tá Tổng giáo phận Manila Bernardino Cortez nói rằng cuộc gặp gỡ với Đức giáo hoàng tại Assisi biểu hiện mong ước của ngài tiếp tục sáng kiến của người tiền nhiệm, Chân phước Gioan Phaolô II.

Đức Tổng Giám mục Fernando Capalla – Tổng giáo phận Davao, cựu chủ tịch Ủy ban giám mục về Đối thoại liên tôn nói: “Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khởi xướng Ngày Thế giới cầu nguyện cho Hòa bình năm 1986 “cho các nhà lãnh đạo tôn giáo để trợ giúp đối thoại, và cũng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và hòa hợp trên thế giới thông qua việc tôn trọng các truyền thống tôn giáo khác nhau”.

Năm 2002, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tổ chức một cuộc gặp gỡ thứ hai sau cuộc tấn công khủng bố năm 2001 ở Mỹ, để lên án chủ nghĩa khủng bố và xâm lược vũ trang và để các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng nhau làm chứng rằng các tôn giáo cam kết thúc đẩy hòa bình, công lý và sự hiểu biết.

Sau các bài phát biểu của nhiều nhà lãnh đạo là một đoạn video ngắn trình chiếu cuộc hành hương Assisi. Mọi người thinh lặng trong giây lát, tặng  hoa, nến và biểu tượng của hòa bình cho nhau. Lần lượt mỗi nhóm tôn giáo dâng lời cầu nguyện của mình.

Các tham dự viên đã ký vào một tuyên bố chung để xây dựng hòa bình, công lý, sự tha thứ, tôn trọng phụ nữ cùng lên án bạo lực và khủng bố trong khi cầu nguyện liên tín ngưỡng. Các cuộc tụ họp riêng biệt được tổ chức tại Davao và các giáo phận khác.

Đức Tổng giám mục Antonio Ledesma, Tổng giáo phận Cagayan de Oro, Chủ tịch Ủy ban Đối thoại liên tôn của Hội đồng Giám mục, cho biết cuộc tụ họp này là “một cách để nói rằng việc Loan báo Tin Mừng  ngày nay không chỉ là rao giảng mà còn là đối thoại, và chia sẻ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cũng có thể mang hình thức đối thoại với các tôn giáo khác”.

(UcaNews, 27-10-2011)
 
Huy Hoàng

Ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện tại Assisi cho Công lý và Hòa bình.

Ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện
tại Assisi cho Công lý và Hòa bình


Assisi (27/10/2011) - Hôm 27 tháng 10 năm 2011, tại Assisi, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã cử hành ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện cùng với hơn 300 vị lãnh đạo các tôn giáo đến từ hơn 50 quốc gia, cho công lý và hòa bình, nhân kỷ niệm đúng 25 năm cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới do Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã triệu tập.
Ngày suy tư này có chủ đề "Những người lữ hành của chân lý, những người lữ hành của hòa bình".
Trong số các tham dự viên, có 30 phái đoàn của các Giáo Hội Kitô, gồm 17 phái đoàn từ các Giáo Hội Ðông phương, đứng đầu là Ðức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, Về phía các Cộng đồng Giáo Hội Kitô ở Tây Phương, có 13 phái đoàn, đứng đầu là Ðức Tổng Giám Mục Robert Williams, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo. Thêm vào đó, có Phái đoàn của Ủy ban quốc tế tham khảo liên tôn thuộc tòa Ðại Rabbi trưởng của Israel do Rabbi David Rosen hướng dẫn, các tổ chức quốc tế Do thái giáo; Do thái giáo Italia do Rabbi Trưởng Cộng đoàn Do thái ở Roma, tiến sĩ Riccardo Di Segni đại diện.
Có 176 người không thuộc Kitô và Do thái giáo. Trong số này, người ta ghi nhận lần đầu tiên có một phái đoàn Phật giáo từ Trung Quốc. Sau cùng, cũng có 4 nhân vật không tín ngưỡng cũng đến tham dự cuộc gặp gỡ ở Assisi, trong đó có bà giáo sư Julia Kristeva, 70 tuổi, sinh tại Bulgari nhưng sống tại Pháp từ 45 năm nay. Bà là một nhà ngữ học, phân tâm học, triết gia và văn sĩ của Pháp và là tác giả của khoảng 30 cuốn sách. Trong số 3 người còn lại có 2 triết gia và 1 nhà kinh tế.
Ðức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tôn giáo đã khởi hành từ nhà ga Vatican. Khi xe hỏa tiến qua các nhà ga của các thành phố Terni, Spoleto và Foligno, xe chạy chậm lại với vận tốc 10 cây số 1 giờ, để các Giám Mục và đông đảo tín hữu thuộc các Giáo Hội địa phương chào mừng Ðức Thánh Cha và các vị lãnh đạo, bày tỏ sự tham gia và tình liên đới với sáng kiến của các vị.
Ðến nơi vào lúc 10 giờ, Ðức Thánh Cha đã được Ðức Giám Mục sở tại Domenico Sorrentino, cùng với vị đại diện chính quyền trung ương Italia, Ông Gianni Letta, Thứ trưởng tại Phủ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cùng với các quan chức chính quyền địa phương, chào đón. Ðặc biệt là 4 Linh Mục Bề trên Tổng quyền của 4 ngành dòng nam Phanxicô đã đón tiếp Ðức Thánh Cha ngay tại thềm Vương cung thánh đường. Và đến lượt Ðức Thánh Cha, ngài đón tiếp các vị thủ lãnh phái đoàn các tôn giáo do 3 vị Hồng Y chủ tịch các cơ quan liên hệ của Tòa Thánh giới thiệu.
Trong số những người ngồi chật Thánh đường, còn có 25 Hồng Y và hơn 50 Giám Mục Công Giáo.
Sau lời chào mừng của Ðức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý Hòa bình và cũng là trưởng ban tổ chức, mọi người đã xem chiếu lại một video kỷ niệm cuộc gặp gỡ cách đây 25 năm và các sinh hoạt kế tiếp. Rồi Ðức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, cũng là Giáo Chủ danh dự chung của Chính Thống Giáo đã lên tiếng phát biểu. Sau đó là các bài phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục Rowan Williams, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, Ðức Tổng Giám Mục Norvan Zakarian, Tổng Giám Mục giáo phận Arméni Tông truyền tại Pháp..
Rồi đến các bài của Mục Sư Tổng thư ký Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève, Rabbi David Rosen Ðại diện tòa Ðại Rabbi của Israel, cùng một số vị khác, đặc biệt là Hòa Thượng Ja-Seung, Chủ tịch Hội phật giáo Jogye của Hàn Quốc. Sau cùng là bài của bà giáo sư Julia Kristeva, người Pháp gốc Bulgari, Ðại diện cho những người không tín ngưỡng.
Cứ sau 3 bài phát biểu lại có một lúc tạm ngưng với một bản nhạc vĩ cầm do một cha dòng Phanxicô thực hiện. Các vị phát biểu bằng tiếng Pháp, Anh, cũng có vị bằng tiếng Hàn quốc và Arập.
Bài phát biểu của Ðức Thánh Cha
Sau cùng là bài phát biểu của Ðức Thánh Cha. Ngài nói bằng tiếng Ý nhưng văn bản bài này được phát cho các tham dự viên không rành ngôn ngữ này để các vị theo dõi, qua đó Ðức Thánh Cha mạnh mẽ phê bình việc lạm dụng tôn giáo để thi hành bạo lực, những hành vi khủng bố dựa vào tôn giáo, và những chủ trương loại trừ tôn giáo. Ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Thưa quí vị trưởng đoàn và đại diện các Giáo Hội và các cộng đoàn Giáo Hội, và các tôn giáo thế giới, các bạn thân mến!
25 năm đã trôi qua từ khi lần đầu tiên, Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 mời các đại diện tôn giáo thế giới đến Assisi để cầu nguyện cho hòa bình. Ðiều gì đã xảy ra từ đó? Chính nghĩa hòa bình ngày nay ra sao rồi? Hồi đó đe dọa lớn cho hòa bình trên thế giới xuất phát từ sự phân chia trái đất thành hai khối đối nghịch nhau. Biểu tượng tỏ tường của sự phân chia đó chính là bức tường Berlin; bức tường này xuyên qua giữa thành phố, xác định biên giới giữa hai thế giới. Năm 1989, tức là 3 năm sau cuộc gặp gỡ tại Assisi, bức tường đó sụp đổ mà không có đổ máu. Ðột nhiên, những kho võ khí khổng lồ ở đàng sau bức tường đó không còn ý nghĩa nữa. Chúng đánh mất khả năng làm cho người ta kinh hoàng sợ hãi. Ý muốn của các dân tộc mong được tự do mạnh mẽ hơn những kho võ khí của bạo lực. Câu hỏi về những nguyên do gây ra sự đảo lộn ấy thật là phức tạp và không thể tìm được một câu trả lời đơn giản. Nhưng bên cạnh các sự kiện kinh tế và chính trị, nguyên nhân sâu xa nhất của biến cố ấy là yếu tố tinh thần: đàng sau quyền lực vật chất không còn xác tín tinh thần nào nữa. Ước muốn được tự do rốt cuộc mạnh mẽ hơn nỗi lo sợ trước bạo lực, thứ bạo lực vốn không có sự sắc thái tinh thần nào cả. Chúng ta biết ơn vì chiến thắng ấy của tự do, trước tiên đó cũng là một chiến thắng của hòa bình. Và cũng cần nói thêm rằng trong bối cảnh đó không phải chỉ có tự do tin tưởng như nguyên nhân chủ yếu, tuy rằng trong đó cũng có tự do tín ngưỡng. Vì thế, chúng ta có thể liên kết tất cả những điều đó, một cách nào đó, với việc cầu nguyện cho hòa bình.
Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi:
"Nhưng điều gì đã xảy ra sau đó? Rất tiếc là chúng ta không thể nói rằng từ đó tình hình được tự do và hòa bình. Tuy chúng ta không thấy có sự đe dọa của cuộc đại chiến, nhưng rất tiếc là thế giới đầy những bất hòa. Ðây không phải chỉ là sự kiện đây đó vẫn có chiến tranh xảy ra - bạo lực như thế vẫn luôn hiện diện và là thân phận của thế giới chúng ta. Tự do là một điều thiện hảo lớn lao. Nhưng thế giới tự do phần lớn tỏ ra không có định hướng, và nhiều người hiểu lầm tự do là tự do gây bạo lực. Sự bất hòa mang những khuôn mặt mới mẻ và đáng sợ; và cuộc chiến đấu cho hòa bình phải kích thích tất cả chúng ta một cách mới mẻ.
Chúng ta hãy tìm cách xác định rõ hơn những khuôn mặt mới của bạo lực và bất hòa. Theo ý tôi, nói một cách tổng quát, người ta có thể vạch rõ hai loại khác nhau của bạo lực mới, chúng hoàn toàn đối ngược nhau về động lực và được biểu lộ rất khác nhau về chi tiết. Trước tiên là nạn khủng bố, trong đó thay vì đại chiến, có những cuộc tấn công nhắm mục tiêu rõ ràng, đánh vào những điểm quan trọng của đối phương, để tàn phá, mà không để ý gì tới những sinh mạng vô tội bị sát hại dã man hoăc bị thương trong cuộc khủng bố như thế. Dưới mắt những kẻ trách nhiệm, đại chính nghĩa gây thiệt hại cho kẻ thù là điều biện minh được cho mọi hình thức tàn ác. Người ta loại bỏ tất cả những gì trong công pháp quốc tế vốn được mọi người nhìn nhận và phê chuẩn như giới hạn bạo lực. Chúng ta biết rằng nhiều khi nạn khủng bố được thúc đẩy bằng lý do tôn giáo và chính tính chất tôn giáo của những cuộc tấn công được coi như một sự biện minh cho tành trạng tàn ác vô nhân đạo, người ta cho rằng có thể gạt bỏ những qui luật của công pháp để đạt tới cái gọi là "điều thiện ích" mà họ theo đuổi. Tôn giáo ở đây không phục vụ cho hòa bình nhưng để biện minh cho bạo lực.
"Sự phê bình tôn giáo, từ thuyết soi sáng, vẫn thường chủ trương rằng tôn giáo chính là nguyên nhân gây ra bạo lực và vì thế họ xách động sự thù nghịch đối với tôn giáo. Sự kiện tôn giáo trong thực tế gây ra bạo lực là điều phải làm cho chúng ta lo âu sâu xa. Theo một thể thức tinh tế hơn, nhưng luôn tàn ác, Chúng ta thấy tôn giáo như nguyên nhân gây ra bạo lực, một cách tinh vi hơn, nhưng luôn tàn ác, khi bạo lực ấy được những người bảo vệ tôn giáo sử dụng để chống lại những người khác. Các vị đại diện các tôn giáo tụ tập tại Assisi năm 1986 tại Assisi muốn khẳng định - và chúng ta muốn mạnh mẽ cương quyết lập lại- rằng: đó không phải là bản chất chân thực của tôn giáo. Trái lại đó là sự xuyên tạc tôn giáo và nó góp phần tiêu diệt tôn giáo. Chống lại lời khẳng định này, người ta nêu vấn nạn: nhưng từ đâu mà bạn biết đó là bản chất đích thực của tôn giáo? Phải chăng lập trường của quí vị không xuất phát từ sự kiện nơi quí vị sức mạnh của tôn giáo đã bị tắt lịm? Và có những người khác cũng vặn lại: phải chăng có một bản chất chung của tôn giáo, được diễn tả trong tất cả các tôn giáo và vì thế có giá trị đối với tất cả các tôn giáo? Những câu hỏi này chúng ta phải trả lời nếu chúng ta muốn chống lại một cách thực tiễn và đáng tin việc sử dụng bạo lực vì những lý do tôn giáo. Ở đây có nghĩa vụ cơ bản của việc đối thoại liên tôn - một nghĩa vụ cần phải được tái nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ này.
"Về điểm này, trong tư cách là tín hữu Kitô, tôi muốn nói rằng: đúng vậy, trong lịch sử, người ta cũng đã nhân danh đức tin Kitô để sử dụng bạo lực. Chúng ta rất xấu hổ mà nhìn nhận điều đó. Nhưng một điều tuyệt đối rõ ràng, đó là đức tin Kitô bị lạm dụng, một cách trái ngược rõ ràng với bản chất đích thực của đức tin này. Thiên Chúa là Ðấng mà các tín hữu Kitô chúng tôi tin, chính là Ðấng Tạo Hóa và Cha của tất cả mọi người, do đó mọi người là anh chị em với nhau và họp thành một gia đình duy nhất. Thập giá của Chúa Kitô đối với chúng tôi chính là dấu hiệu của vị Thiên Chúa, thay vào bạo lực, Ngài đặt sự đau khổ với người khác và yêu thương tha nhân. Danh xưng của Ngài là "Thiên Chúa của tình thương và hòa bình" (2 Cr 13,11). Nghĩa vụ của tất cả những người có trách nhiệm nào đó đối với đức tin Kitô là phải liên tục thanh tẩy tôn giáo của các Kitô hữu từ chính trung tâm của mình, để mặc dù có những yếu đuối của con người, Kitô giáo thực sự là dụng cụ hòa bình của Thiên Chúa trong thế giới.
Tiếp tục bài phát biểu trong cuộc gặp gỡ liên tôn sáng hôm qua tại Assisi, Ðức Thánh Cha nói:
"Nếu một thứ bạo lực cơ bản ngày nay được thúc đẩy bằng tôn giáo, và qua đó đặt các tôn giáo đứng trước vấn đề về bản chất của tôn giáo và buộc tất cả chúng ta phải thanh tẩy, thì một loại bạo lực thứ hai, đa diện, có động lực hoàn toàn ngược lại: đó là hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa: sự phủ nhận Ngài và đánh mất nhân loại tính đi song song với nhau. Những kẻ thù của tôn giáo - như chúng ta đã nói - coi tôn giáo là một nguồn mạch chính gây ra bạo lực trong lịch sử nhân loại và vì thế họ chủ trương tiêu diệt tôn giáo. Nhưng sự phủ nhận Thiên Chúa đã tạo nên sự tàn ác và bạo lực vô độ, điều ấy có thể xảy ra là vì con người không còn nhìn nhận một qui luật hoặc vị thẩm phán nào ở trên mình, trái lại họ coi mình là qui luật. Những kinh hoàng trong các trại tập trung chứng tỏ thật rõ ràng những hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa.
"Nhưng ở đây tôi không muốn dừng lại chủ thuyết vô thần do Nhà Nước áp đặt; đúng hơn tôi muốn nói về sự "sa đọa" của con người, do hậu quả sự chối bỏ Thiên Chúa mà người ta âm thần thực hiện và nó nguy hiểm hơn, đó là một sự thay đổi bầu không khí tinh thần. Sự tôn thờ tiền bạc, của cải và quyền lực thực là một sự chống tôn giáo, trong đó con người không còn đáng kể nữa, mà chỉ có tư lợi mới đáng kể. Chẳng hạn, ước muốn hạnh phúc biến thành một sự ham hố vô độ và vô nhân đạo được biểu lộ trong sự thống trị của ma túy với những hình thức khác nhau của nó. Có những người lớn, buôn bán ma túy, rồi bao nhiêu người bị nó cám dỗ và hư hỏng, trong thể xác và trong tâm hồn. Bạo lực trở thành một điều bình thường và đe dọa hủy hoại giới trẻ của chúng ta tại một số nơi trên thế giới. Vì bạo lực trở thành điều bình thường, nên hòa bình bị tàn phá và trong sự thiếu hòa bình ấy, con người tự hủy diệt chính mình.
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng:
"Sự chối bỏ Thiên Chúa đưa tới sự sa đọa con người và nhân loại. Nhưng Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta có biết Ngài không và chúng ta có thể tái bày tỏ ngài cho nhân loại để thiết lập một nền hòa bình chân thực hay không? Trước tiên chúng ta hãy tóm tắt những suy tư cảu chúng ta cho đến nay. Tôi đã nói rằng có một quan niệm và một sự lạm dụng tôn giáo qua đó, tôn giáo trở thành một nguồn bạo lực, trong khi sự qui hướng con người về Thiên Chúa, được sống ngay chính, là một sứ mạnh hòa bình. Trong bối cảnh đó, tôi tái khẳng định sự cần thiết phải đối thoại, và tôi nói về sự cần phải luôn luôn thanh tẩy tôn giáo được sống thực. Ðàng khác tôi đã quả quyết rằng sự chối bỏ Thiên Chúa làm băng hoại con người, khiến con người không còn mẫu mực nữa, và dẫn họ đến bạo lực.
Bên cạnh hai thực tại tôn giáo và phản tôn giáo ấy, trên thế giới có sự bành trướng chủ thuyết bất khả tri (agnosticismo), và có một hướng đi cơ bản khác: những người không được ơn để tin nhưng họ đang tìm chân lý, đang tìm kiếm Thiên Chúa. Những người ấy không nói rằng: "Chẳng có Thiên Chúa nào cả". Họ đau khổ vì sự vắng bóng của Thiên Chúa, và khi tìm kiếm sự thật và sự thiện, trong nội tâm họ, họ đang hành trình tiến về Ngài. Họ là "những người lữ hành của chân lý, những người lữ hành của hòa bình". Họ đặt câu hỏi cho phía này hay phía khác. Họ tước bỏ sự chắc chắn giả tạo của những người vô thần đấu tranh, những người xác quyết mình biết là không có Thiên Chúa. Thay vì bút chiến, họ mời gọi những người vô thần trở thành những người tìm kiếm; họ không đánh mất niềm hy vọng rằng có chân lý và chúng ta có thể và phải sống theo chân lý ấy. Tuy nhiên họ cũng gọi hỏi tín đồ các tôn giáo, để đừng coi Thiên Chúa như một tài sản thuộc về họ đến độ cảm thấy được phép thi hành bạo lực đối với người khác. Những người ấy tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa thực, tìm hình ảnh của Chúa nhiều khi bị mai một trong các tôn giáo, vì cách thức mà tín đồ thực hành các tôn giáo ấy. Sự kiện họ không tìm thấy Thiên Chúa cũng tùy thuộc các tín hữu, vì tín hữu thu hẹp hình ảnh về Thiên Chúa và làm biến thái hình ảnh ấy. Như thế cuộc chiến đấu nội tâm của họ và sự tự hỏi của họ cũng là một lời kêu gọi các tín hữu hãy thanh tẩy chính đức tin của mình, để Thiên Chúa, Thiên Chúa chân thật, trở nên gần gũi mọi người. Chính vì thế, tôi đã cố ý mời đại diện của nhóm người thứ ba này tham dự cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Assisi. Ðây không phải chỉ là cuộc hội các vị đại diện của các tôn giáo. Ðúng hơn đây là cuộc họp nhau trên hành trình tiến về chân lý, với sự dấn thân quyết liệt cho phẩm giá con người, và cùng nhau đảm nhận chính nghĩa hòa bình chống lại mọi hình thức bạo lưc phá hủy công pháp. Ðể kết luận, tôi muốn cam đoan với quí vị rằng Giáo Hội Công Giáo không từ bỏ cuộc chiến chống bạo lực, quyết tâm xây dựng hòa bình trên thế giới. Chúng ta được linh hoạt nhờ cùng một ước muốn chung, ước muốn trở thành "Những người lữ hành của chân lý, những người lữ hành của hòa bình".
Suy tư và cầu nguyện
Sau bài phát biểu của Ðức Thánh Cha, các vị lãnh đạo tôn giáo cùng với ngài tiến vào nhà ăn của tu viện Phanxicô, để cùng dùng bữa trưa thanh đạm lúc 1 giờ trưa. Bữa ăn đơn sơ này này diễn tả sự liên kết với nhau trong tình huynh đệ, đồng thời chia sẻ nỗi đau khổ của bao nhiêu người không được hưởng hòa bình.
Ngồi cạnh Ðức Thánh Cha trong bữa ăn là Ðức Thượng Phụ Bartolomaios và Ðức Tổng Giám Mục Williams, Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo. Cùng bàn còn có 12 vị lãnh đạo tôn giáo khác. Thực đơn chỉ có cơm, rau, xà lách và trái cây, còn đồ uống thì có nước trái cây.
Sau bữa ăn, từ 1 giờ 45 đến 3 giờ rưỡi là thời giờ thinh lặng, suy tư và cầu nguyện của mỗi người. Mỗi vị đại diện tôn giáo được một phòng riêng trong nhà trọ cạnh tu viện Ðức Mẹ các Thiên Thần.
Lúc gần 2 giờ chiều, các bạn trẻ đã khởi sự đi bộ từ Vương cung Ðức Mẹ các Thiên Thần tiến về quảng trường thánh Phanxicô cách đó 4 cây số, ở phía trước Thánh đường nơi có mộ thánh nhân.
Lúc 3 giờ 15 đến lượt phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo đi xe minibus đến quảng trường và an tọa tại nơi được dành cho họ, trong khi đó các ca đoàn của Phong trào Gen xanh và Gen đỏ cũng như ca đoàn Liên Phan Sinh và ca đoàn giáo phận Assisi trình diễn các bài thánh ca và các hoạt cảnh.
Sau cùng, Ðức Thánh Cha và 10 vị thủ lãnh các phái đoàn đã đi bộ từ Ðền thờ Ðức Mẹ các Thiên Thần đến quảng trường Los Angeles, và từ đây các vị đi xe đến Quảng trường thánh Phanxicô để tham dự cuộc gặp gỡ kết thúc. Hơn 2 ngàn người đã hiện diện tại đây, trong đó có nhiều người trẻ.
Mở đầu là các bài ca và hoạt cảnh do các bạn trẻ thuộc phong trào Focolari Gen xanh và Gen đỏ trình diễn, tay cầm đèn sáng, nói lên niềm hy vọng hòa bình.
Tiếp đến, sau lời dẫn nhập của Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, đến phần long trọng lập lại quyết tâm dân thân cho hòa bình.
Giữa tiếng nhạc đệm, bằng các thứ tiếng khác nhau, các vị lãnh đạo tôn giáo, bắt đầu là Ðức Thượng Phụ Bartolomaios I, rồi đến các trưởng phái đoàn của Tin Lành Luther, đạo Sikh, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva, Tin Lành Baptiste, Hồi giáo, Chính Thống Siri, Khổng giáo, Phật giáo, Do thái giáo, Tin Lành Cải Cách, và giáo sư Guillermo Hurtado, đại diện những người không tin, lần lượt long trọng bày tỏ quyết tâm xây dựng hòa bình, bênh vực quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác của mọi người. Sau cùng đến lượt Ðức Thánh Cha kết thúc bản quyết tâm dân thân cho hòa bình và ngài mời gọi mọi người giữ một phút thinh lặng, cầu nguyện và quyết tâm.
Cuộc gặp gỡ được tiếp nối với một cử chỉ tượng trưng: đó thắp lên những ngọn đèn và trao cho các vị trưởng phái đoàn.
Rồi Ðức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô ngỏ lời với mọi người trước khi các đại biểu và các tham dự viên chúc bình an cho nhau. Một số chim bồ câu cũng được thả ra trong dịp này.
Ðức Thánh Cha đã ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người, từ thành Assisi, cho đến giáo phận Assisi sở tại, các cộng đoàn con cái thánh Phanxicô, cho đến các bạn trẻ đã hành hương đi bộ, nói lên quyết tâm của các thế hệ trẻ dấn thân xây dựng hòa bình.
Cuộc gặp gỡ kết thúc với bài thánh ca của "các thụ tạo" do ca đoàn giáo phận Assisi trình bày. Rồi Ðức Thánh Cha và một số vị trưởng phái đoàn đã vào Vương cung Thánh đường và dừng lại trước mộ Thánh Phanxicô.
Sau cùng lúc gần 7 giờ, các vị trở lại nhà ga xe hỏa Assisi để đáp xe hỏa giờ về Roma vào lúc gần 9 giờ tối.

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Một cây Oliu Nazareth trong vuờn Vatican.

Một cây Oliu Nazareth
trong vuờn Vatican


Roma [Zenit 25/10/2011] - Israel tặng cho Tòa thánh một cây Oliu từ Nazareth.
Ðại sứ Israel bên cạnh Tòa thánh đã loan báo rằng Quỹ Do Thái, mà mục đích chính là trồng cây rừng tại Israel, đã quyết định tặng cho Ðức thánh cha Benedicto XVI một cây Oliu.
Cây Oliu 200 tuổi này đã vượt qua 2 ngàn cây số từ Israel đến Ý và đã được trồng trong vườn Vatican hôm thứ Tư 26 tháng 10 năm 2011.
Trong chuyến viếng thăm Ý mới đây, thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã hứa sẽ tặng cho quốc gia Vatican một cây cổ thụ.
Trước đây, vào năm 1993, Israel cũng đã tặng cho Tòa thánh một cây Oliu nhân dịp Israel và Tòa thánh thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo một thông cáo của tòa đại sứ Israel bên cạnh Tòa thánh, việc tặng cây Oliu mới này tượng trưng cho tình hữu nghĩ ngày càng lớn mạnh giữa hai quốc gia.
Ðược biết cây Oliu nói trên cao 4 thước và rộng hai thước đã được trồng trên đồi Nazarẹth, vùng Hạ Galilea, vốn là một địa danh rất quen thuộc đối với các tín hữu kito.
Quỹ Do Thái hiện đang sở hữu và quản lý hàng trăm mẫu đất tại Israel.

RVA.