label

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Chúc mừng kỷ niệm 20 năm ngày chịu chức linh mục của cha sở Mai Đức Vượng

CHÚC MỪNG CHA SỞ 20 NĂM CHỊU CHỨC LINH MỤC


    Ngày mai 31-05-2011 là ngày kỷ niệm 20 năm chịu chức linh mục của cha, Hội Đồng Mục Vụ và toàn thể giáo dân giáo xứ Cần xây chúng con xin chúc mừng cha. Nguyện xin Thiên Chúa đã gìn giữ Cha vượt qua những bước thăng trầm trong 60 năm cuộc đời và 20 năm linh mục, xin Người tiếp tục nâng đỡ cha, ban nhiều hồng ân trên cha để cha đi trọn vẹn con đường mà Chúa đã giao phó. Chúng con luôn sát cánh bên cha, chia sẻ và cầu nguyện cho cha, xin dâng lên cha lẵng hoa chúc mừng của đoàn con thảo.
Hội đồng mục vụ giáo xứ Cần xây

    Cũng nhân ngày kỷ niệm 20 năm chịu chức linh mục của ngài tôi muốn mọi người hiểu rằng để trở thành linh mục, Ngài đã phải hy sinh thật nhiều, có những lúc cô đơn khủng khiếp khi không có người thân, khi đau ốm, khi bị giáo dân phản bội, có lúc đau khổ tột cùng, có lúc phải chiến đấu với bản thân tưởng rằng ngã gục thế mà ngài đã vượt qua tới ngưỡng cửa 20. Đường còn dài và càng lớn tuổi những chiến đấu, cô đơn, đau khổ càng tăng gấp bội. Xin mọi người hãy cầu nguyện, đồng hành, chia sẻ với linh mục của Chúa. Để mọi người hiểu rõ hơn về linh mục tôi xin gởi đến quí vị bài:" Hai mặt của một cuộc đời Linh Mục"của Gs Thiện Nhân


Hai Mặt Của Một Cuộc Đời Linh Mục



    Thoáng nhìn vào cuộc sống của Linh mục, ai ai cũng cảm thấy đời sống đó thật đơn giản, thoải mái, dễ chịu và sung túc về mọi mặt. Nhưng nhìn kỹ và đi sâu vào cuộc sống của Linh mục, chúng ta mới thấy rõ được những ngổn ngang, phức tạp, những trăn trở, giằng co, và những nhức nhối, khó khăn về nhiều mặt cả Đạo lẫn Đời.

   Con người Linh mục chắc hẳn không phải là thần thánh, là thiêng liêng, mà thật sự là một con người như muôn người khác đang sống giữa dòng đời - phải bôn ba, va chạm và giao tiếp với mọi hạng người. Có những người hiểu và thông cảm, nhưng cũng có nhiều kẻ không hiểu và chẳng muốn cảm thông gì cả !

    Chính vì Linh mục là “con người”, nên cũng mang thân phận của con người với một thân xác nặng nề, yếu hèn, dễ vấp ngã như mọi người, và cũng có hỉ - nộ - ái - ố và  tham - sân - si… không thể nào khác hơn “ông bà nguyên tổ, A-đam  -  E-và trong vườn Địa Đàng, mặc dù đã được Thiên Chúa ưu đãi đó”.  Đặc biệt là những cám dỗ thật hấp dẫn của thời đại về: Tiền - Tài - Tình, từ đó phá hủy con người chúng ta ra tro bụi cách dễ dàng !

Mặt khác, Linh mục là con người nhưng mà phải làm những việc thần thiêng “Một Kitô khác” (Alter Christus), để đem thế giới loài người phàm trần tạm bợ này về với Thế Giới Thiên Đường vĩnh cửu mà Thiên Chúa Ba Ngôi cực Thánh đang chờ đón những thành quả của các ngài.

Về mặt con người

    Linh mục có một cuộc sống độc thân : nên phải tự chăm lo mọi sự trong ngoài cho đời sống của mình, để có đủ điều kiện sức khoẻ thân thể cũng như tinh thần minh mẫn mà hoạt động cho Cộng đoàn Giáo hữu luôn được tốt đẹp. Và chính đời sống độc thân đó mới tích cực giúp Linh mục gặt hái được những thành quả cách mỹ mãn, công bằng và không bị chi phối bởi bất cứ ai hay điều gì ràng buộc cả ! Và cũng chính đời sống độc thân này giúp cho Linh mục không phải lo lắng, ưu tư gì về cuộc sống vật chất hiện tại hay tương lai sẽ ra sao ! 

Một mình chẳng nghĩ chẳng lo,

Đặt mình là ngáy kho kho ngủ liền.

Tâm tư chẳng nghĩ gì tiền,

Tương lai, hiện tại chẳng phiền vào thân !



   Và từ đời sống độc thân đó, Linh mục là của mọi người, không thuộc về bất cứ ai hết, và cũng chẳng là của phe nhóm nào cả !

    Nếu ý thức được như thế, mọi người chúng ta sẽ tích cực giúp các Linh mục có một đời sống thật trong sáng, thoải mái, vui tươi và hạnh phúc trong Tình Yêu duy nhất của Thiên Chúa, để từ đó các ngài chiếu giãi Thiên Chúa Tình Yêu đến cho mọi người bằng chính “đời sống gương sáng” là Chứng nhân đích thực của Chúa Kitô giữa trần gian.
    Quả thật, Xây Dựng thì khó, mà phá đổ thì quá dễ ! vì thế, tuỳ khả năng và thời giờ mà mỗi người giáo hữu chúng ta phải tiếp tay, cộng tác, đóng góp và giúp sức với Linh mục, để cùng xây dựng một Giáo Hội tươi sáng, thánh thiện và bác ái  ngay ở trần gian này.
    Đó là cách truyền giáo hữu hiệu nhất và là dấu hiệu mọi người nhận biết tất cả chúng ta là Môn đệ của Chúa Kitô : vì “Các con yêu thương nhau” (Jn.13,35;15,9-17), nên sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi việc cho vinh Danh Chúa.

Còn về mặt thần thiêng

Thánh chức, Linh mục là vị Đại Diện của Thiên Chúa trên trần gian, để ban phát các Ơn thánh qua Bảy Bí tích và các Á Bí tích nữa, hầu cho con người được sự trợ lực linh thiêng mà vượt thắng mọi gian tà thế tục.

   Và cũng là người hướng dẫn tinh thần, để mọi người sống đúng Lời Chúa mà giáo Hội “vị Hiền Thê của Chúa Kitô” mới am tường và chỉ dạy cách trung thực cho tất cả chúng ta được hiểu biết rõ ràng và đem ra thực hành trong cuộc sống và hoàn cảnh cụ thể của riêng mỗi người.

    Chính đây là mặt tích cực, luôn luôn lôi kéo Linh mục tiến lên và vượt thẳng đến mức độ toàn thiện, như Chúa Giêsu Kitô đã khẳng định : “các con hãy nên trọn lành, như Cha các con trên Trời là Đấng trọn lành” (Mt.5,48).

    Nếu các Linh mục luôn hăng hái vun tưới và ươm trồng cây thánh thiện này mỗi ngày một mạnh mẽ hơn, thì chắc chắn Ơn Thánh của Chúa được tràn ngập nơi các ngài, và từ đó tưới gội trên toàn thể mọi người chung quanh qua việc gặp gỡ, giao tế, trò chuyện và bàn hỏi cách thiết thực, làm cho cuộc sống tạm bợ này được biến đổi thành một Hạnh Phúc vĩnh cửu ngay từ tại thế.

    Còn nếu  Linh mục quên đi cái mặt tích cực này, thì thật là một thảm họa cho mọi người mọi nơi, không hưởng được Ơn Thánh dồi dào và không thể có một Hạnh Phúc chân thật nơi trần gian này. Và từ đó, sinh ra nhiều giống tội, và làm thiệt hại cho Giáo Hội là Mẹ của chúng ta, không thể sinh hoa kết trái  thánh thiện được nơi dương thế này, và như vậy làm sao chúng ta có thể mai sau cùng hưởng Hạnh Phúc bất diệt tuyệt vời trên Nước Trời được !!!

    Nếu mọi người chúng ta đều hiểu rõ Hai khía cạnh của Một cuộc đời Linh mục như thế, thì chắc chắn chúng ta phải cùng nhau tích cực hỗ trợ, giúp sức , và góp phần cải thiện cho các Linh mục mỗi ngày một hoàn hảo, thánh thiện, sáng ngời và tươi đẹp hơn, bằng những hành động cụ thể :

- Cùng Linh mục, chúng ta tích cực góp phần mình để xây dựng mọi mặt của Giáo Hội được tốt đẹp hơn.

- Cùng Linh mục, chúng ta luôn luôn chia sẻ mọi gánh nặng, mọi công việc cả Đạo lẫn Đời mỗi ngày cho được hoàn thành cách mỹ mãn như ý Chúa muốn nơi chúng ta.

- Ý thức Linh mục có chức thánh, chúng ta phải tỏ lòng kính trọng và giúp các ngài hoàn thành chức vụ mỗi ngày một thêm thánh thiện hơn.

- Ý thức Linh mục cũng là con người yếu hèn như chúng ta, nên chúng ta phải giúp các ngài xa tránh mọi dịp : “nhàn cư vi bất thiện” - “ăn chơi cách phàm tục quá độ” (kiểu Tứ đổ tường), và đặc biệt đừng làm cớ vấp phạm cho các ngài, nhất là nữ giới.Vậy các giáo dân nữ nên ăn mặc kín đáo hơn, không nên phơi bày quá đáng những nét đẹp của mình trước mặt các vị tu hành, cũng như hạn chế mọi giao tiếp không cần thiết, vô bổ, và những cử chỉ thân mật với các ngài. Chúng ta tin rằng việc làm này sẽ có ảnh hưởng rất tích cực trong việc giúp các ngài đi trọn quãng đường dâng hiến cho Chúa. Đó cũng là một việc hi sinh lớn lao giúp các Linh mục được luôn sống thánh thiện. Và chúng ta chắc rằng sự hi sinh đó sẽ được thánh Phêrô ghi công  để rồi ngài sẽ mở cửa Thiên Đàng đón mừng các thánh nữ  sau này.

- Trong tinh thần anh em của Chúa Kitô, chúng ta sẵn sàng đóng góp ý kiến xây dựng chân tình,cụ thể và đầy thánh thiện, để mọi thành phần Dân Chúa được trở nên hoàn thiện.
Ước gì Cuộc đời Linh mục sống giữa trần gian, nhưng không bị biến dạng, đổi thay vì thời gian, và cũng không bị nhuốm mùi đời mà trái lại thêm “Hương” cho đời, giống như BÔNG HOA SEN ở giữa đầm lầy : 

Trong đầm gì đẹp bằng Sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.

Nhụy vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.



     Mặc dầu, Linh mục là con người, nhưng được mang sứ mệnh của Chúa Kitô, nên phải hoàn tất con đường Thập Giá của Chúa Kitô đến cùng, và mang lại Ơn Cứu Rỗi cho muôn dân nữa: 

Đã mang thân kiếp con người,

Ốm đau, yếu đuối, biếng lười thường xuyên.

Ân cần giúp đỡ lời khuyên,

Chớ nên ăn nói huyên thuyên hại đời.

Linh mục là của mọi người,

Chúa Trời ban tặng cho đời thêm Ơn :

An bình, Hạnh Phúc đẹp hơn,

Thiên Đàng sum họp cô đơn không còn !



    Hy vọng đôi dòng suy tư cùng chia sẻ với mọi người về Cuộc đời Linh mục có Hai mặt phải trái nói trên, sẽ giúp mọi người chúng ta ý thức hơn và đóng góp thêm những kinh nghiệm cụ thể, để cuộc sống Linh mục mỗi ngày được thêm phong phú và tuyệt vời hơn.



Gs. Thiện Nhân

Sáng nay trong thánh lễ đồng tế với tâm tình cảm tạ vì những hồng ân Chúa đã thương ban nâng đỡ suốt 60 năm cuộc đời và 20 năm linh mục, đồng thời xin lỗi chúa vì những thiếu sót trong quang thời gian qua. Cha sở Mai Đức Vượng nhìn lại những chặng đường đầy gian khổ khi được bổ nhiệm về Nhơn Mỹ một nơi còn hoang sơ, nhà thờ op ẹp, ngập nước, đất nước đầy biến động, niềm hy vọng chịu chức linh mục mơ hồ. Thế mà hồng ân Chúa vẫn bao phủ trên cha và nâng đỡ cha trở thành linh mục của Chúa, lại gìn giữ cha bước tiếp và vượt qua sóng gió của 20 năm linh mục. Mặc dù hôm nay là ngày thường nhưng thánh lễ rất đông giáo dân tham dự, ngoài ra còn có bà con thân thuộc của cha, một số anh chị em giáo dân của xứ Thánh Tâm Hố Nai. Trong thánh lễ này ông chủ tịch Hội đồng mục vụ đã thay mặt giáo dân đọc lời chúc mừng cha và hứa cùng cộng tác với cha thật tốt, cầu nguyện thật nhiều cho cha. Xin Chúa luôn ở bên cha mãi mãi

hội đồng mục vụ đọc lời chúc mừng và tặng quà





Maria ở lại độ ba tháng (31.5.2011 – Đức Maria thăm viếng bà Êlisabeth)


Maria ở lại độ ba tháng
Lời Chúa: Lc 1, 39-56
Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabeth. Bà Êlisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
Bà Maria ở lại với bà Êlisabeth độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Suy nim:
Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria.
Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem,
một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho,
cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây.
Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh.
Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con.
Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị.
Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabeth già nua đang mang thai,
Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường.
Chị muốn đem đến cho bà Êlisabeth sự hiện diện của Chị.
Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự.
Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria.
Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào,
nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabeth
một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ.
Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria,
Êlisabeth thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44).
Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần.
Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao
đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này.
Êlisabeth lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất.
Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42),
và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45).
Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabeth kêu lên :
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43).
Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabeth đã biết.
Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai,
Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình.
Một sự hiện diện mang tính phục vụ.
Maria đã ở với bà Êlisabeth độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở.
Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất.
Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38),
khi bà Êlisabeth gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43),
thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên.
Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc.
Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó.
Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần.
Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị.
Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48).
Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân.
Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh.
Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh,
vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người.
Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ.
Cầu nguyn:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Tin Mừng đem lại sự sống như nước khiến cho đất khô cằn xanh tươi.

Tin Mừng đem lại sự sống
như nước khiến cho đất khô cằn xanh tươi

Vatican (Vat. 29/05/2011) - Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô được loan báo ở đâu, thì đem lại sự sống ở đó, như nước khiến cho vùng đất khô cằn được xanh tươi. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trong buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Ðàng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 29 tháng 5 năm 2011.
Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Anh chị em thân mến, sách Công Vụ các Tông Ðồ có kể rằng sau một cuộc bách hại gắt gao, ngoại trừ các Tông Ðồ ra, cộng đoàn kitô Giêrusalem phân tán ra các miền chung quanh; và Philiphê, một trong các Phó Tế, đã tới một thành phố vùng Samaria. Ở đó ông rao giảng Chúa Kitô phục sinh và lời loan báo của ông đã được đi kèm bằng nhiều vụ khỏi bệnh, khiến cho kết luận của trình thuật rất có ý nghĩa: "Và trong thành người ta rất vui mừng" (Cv 8,8). Kiểu nói này gây ấn tượng nơi chúng ta, vì trong nòng cốt nó thông truyền cho chúng ta một một ý nghĩa của niềm hy vọng như thể nói với chúng ta rằng: đó là điều có thể được! Nhân loại có thể biết tới niềm vui đích thực bởi vì Tin Mừng đi tới đâu, thì sự sống nở hoa ở đó, như một mảnh đất khô cằn được nước mưa tưới gội, lại trở nên xanh tươi. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Philiphê và các môn đệ khác đã làm trong các làng mạc đất Palestina những gì mà Chúa Giêsu đã làm: họ rao giảng Tin Mừng và làm các dấu lạ. Chính Chúa đã hành động qua họ. Như Chúa Giêsu đã loan báo Nước Thiên Chúa đến, các môn đệ cũng loan báo Chúa Kitô phục sinh, bằng cách tuyên xưng rằng Người là Ðức Kitô Con Thiên Chúa, bằng cách rửa tội nhân danh Người và xua trừ mọi bệnh tật trên thân xác cũng như trong tâm hồn.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: "Và trong thành người ta rất vui mừng". Khi đọc đoạn này tự nhiên chúng ta nghĩ tới sức mạnh chữa lành của Tin Mừng, dọc dài các thế kỷ đã "tưới gội" như dòng sông ân phúc biết bao nhiêu dân tộc. Một vài vị Thánh Nam Nữ lớn đã đem lại hy vọng và hòa bình cho nhiều thành phố: chúng ta hãy nghĩ tới thánh Carlo Borromeo tại Milano, trong thời diịch hạch; tới chân phước Terexa thành Calcutta; và biết bao nhiêu thừa sai khác. Thiên Chúa biết tên tuổi của các vị là những người đã hiến cuộc sống để loan báo Chúa Kitô và làm nở hoa niềm vui sâu xa giữa con người.
Rồi Ðức Thánh Cha nêu bật sự khác biệt của các người loan báo Tin Mừng với những kẻ quyền thế của thế giới này như sau: Trong khi các người quyền thế của thế giới này tìm chinh phục các miền đất mới vì các lợi lộc chính trị và kinh tế, thì các sứ giả của Chúa Kitô ra đi khắp nơi, với mục đích đen Chúa Kitô tới cho con người và đem con người tới với Chúa Kitô, vì biết rằng chỉ có Chúa mới vó thể trao ban sự tự do đích thật và sự sống vĩnh cửu cho con người. Cả ngày nay nữa, ơn gọi của Giáo Hội là loan báo tin Mừng cho các dân tộc chưa được nước hằng sống của Tin Mừng tưới gội, cũng như cho các dân tộc có gốc rễ kitô, nhưng cần nhựa sống để sinh ra các hoa trái mới và tái khám phá ra vẻ đẹp và niềm vui của đức tin.
Ðức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, chân phước Goan Phaolo II đã là một nhà truyền giáo lớn, như một cuộc triển lãm đang tổ chức tại Roma này chứng minh. Người đã tái phát động việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, đồng thời đã thăng tiến việc tái truyền giảng Tin Mừng. Chúng ta hãy phó thác cả hai công cuộc này cho lời bầu cử của Mẹ Maria Rất Thánh. Xin Mẹ Chúa Kitô luôn đồng hành khắp nơi với việc loan báo Tin Mừng, để trên thế giới nhân lên nhiều và nới rộng các khoảng không, trong đó con người tìm lại được niềm vui sống như là con cái của Thiên Chúa.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Nữ Vương Thiên Ðàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Chào các tín hữu và du khách hành hương Ðức Thánh Cha đã nhắc tới một nữ tu được phong chân phước ngày 27-5 vừa qua: đó là nữ tu Maria Serafina của Thánh Tâm Chúa Giêsu, tên đời là Clotilde Micheli, người vùng Trentino đông bắc Italia, sáng lập viên dòng các Nữ tu Bác ái các Thiên Thần tại Campania nam Italia. Ðức Thánh Cha nói: Trong khi chúng ta kính nhớ một trăm năm ngày chân phước sinh vào quê trời, chúng ta cùng vui mừng với các con cái thiêng liêng của chân phước và với tất cả những ai tôn kính người.
Bằng tiếng Pháp Ðức Thánh Cha nói chúng ta tất cả đều được mời gọi không ngừng loan báo Tin Vui Cứu Ðộ cho tất cả mọi người. Ðừng sợ nói về Chúa Kitô cho những người sống chung quanh chúng ta, và làm cho họ khám phá ra vẻ đẹp của Tin Mừng.
Ngài nhắn nhủ các tín hữu nói tiếng Tậy Ban Nha tươi vui canh tân niềm hy vọng kitô nảy sinh từ mầu nhiệm phục sinh, để đương đầu với các khó khăn, đẩy lui sự chán nản, và gia tăng nỗ lực xây dựng một thế giới xứng đáng hơn với con người, theo các ước muốncủa Thiên Chúa.
Chào các tín hữu Ba Lan Ðức Thánh Cha nói ngày 28 tháng 5 (năm 2011) vừa qua kỷ niệm 30 năm qua đời của Ðức Hồng Y Stefan Wyszynzki, Giáo Chủ của ngàn năm mới. Trong khi cầu nguyện cho ơn cuộc pohong chân phước cho người, chúng ta hãy học hỏinơi người sự tín thác hoàn toàn cho Mẹ Thiên Chúa với khẩu hiệu của người "Con đã đặt để mọi sự nơi Mẹ".
Bằng tiếng Ý Ðức Thánh Cha chào các giáo sư và sinh viên Học Viện Thánh Nhạc trong những ngày này đang mừng kỷ niệm 100 năm thành lập. Sau cùng Ðức Thánh Cha cũng thương mến chào các trẻ em bị bệnh sưng hoành cách mô và cha mẹ các em. Ngài cũng nhắc rằng Chúa Nhật hôm qua là Ngày toàn quốc Italia liên đới với các bệnh nhân. Ðức Thánh Cha đã chúc tất cả mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành.

Linh Tiến Khải

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

CUNG NGHINH TƯỢNG MẸ KẾT THÚC THÁNG HOA

CUNG NGHINH TƯỢNG MẸ KẾT THÚC THÁNG HOA

 Sáng nay ngày 29-05-2011 giáo xứ Cần Xây đã cung nghinh tượng Mẹ trong khuôn viên thánh đường để kết thúc tháng hoa. Tượng mẹ đã được đoàn rước, rước từ nhà thờ ra khuôn viên thánh đường và trở về nhà thờ để dâng hoa lên mẹ. Dẫn đầu đoàn rước là thánh giá nến cao, tiếp sau là đoàn tiến hoa gồm các chị hiền mẫu, các em thiếu nhi. Đi sát tượng Mẹ là trống chầu và các em tung hoa. Kiệu Mẹ hôm nay rất đẹp và được bốn chị hiền mẫu trong trang phục áo dài khiêng. Sau tượng Mẹ là cha sở, các em gíup lễ và toàn thể giáo dân. Đoàn rước rất đông thánh giá nến cao đi gấn tới cửa thánh đường mà phía sau mới vừa ra khỏi nhà thờ khoảng 50 mét. Đoàn rước đi rất nghiêm trang với muôn sắc màu áo dài làm lộng lẫy cả khuôn viên thánh đường. Mọi người cảm thấy hòa quyện trong tiếng thánh ca du dương hướng lòng về Mẹ. Kiệu Mẹ đã lên tới cung thánh và đặt trên bàn thờ quay xuống giáo dân, khi mọi người đã vào hết thánh đường đoàn tiến hoa bắt đầu tiến ra dâng hoa lên Mẹ với tâm tình của người con thảo. (hình ảnh và clip buổi tiến hoa)

 










































Chắc chắn ai cũng đều biết tháng hoa đã được Giáo hội dành riêng để tôn kính Đức Mẹ. Trong cuộc sống hàng ngày người ta tặng hoa cho nhau để tỏ tình yêu, để chúc mừng người thành đạt hay người vừa mới hồi phục sau cơn bệnh, vừa thoát khỏi hiểm nguy; người ta tặng hoa cho những ca sĩ, cầu thủ, tài tử điện ảnh, người ta tặng hoa cho những người khải hoàn trở về sau khi hoàn thành một công việc nào đó; người ta cũng còn gửi vòng hoa để bày tỏ sự thương tiếc đối với người qúa cố hay bày tỏ sự chia sẻ đối với thân nhân của người qúa cố. Hoa đã trở thành biểu tượng của tình yêu, của sự qúy mến, kính trọng, sự biết ơn, ngưỡng mộ hay thương tiếc… Trong tháng hoa người Công giáo dâng lên Đức Mẹ những đoá hoa với tâm tình của con cái tôn kính Mẹ Lành.
Theo Linh mục Đinh Lập Liễm trong một bài viết về tháng hoa thì trong các loại hoa có tới: 234 loại hoa màu trắng, 220 loại hoa màu vàng, 144 loại hoa màu chàm, 72 loại hoa màu tím, 39 loại hoa màu xanh, 12 loại hoa màu vàng cam, 4 loại hoa màu da mận, 2 loại hoa màu đen. Không kể những hoa nhuộm màu.
 Tuy nhiên trong các buổi dâng hoa ta thường chỉ thấy có 5 sắc hoa tượng trưng cho 5 nhân đức của Đức Mẹ là:
- Hoa trắng chỉ sự trong sạch của tâm hồn
- Hoa tím chỉ sự tuân phục thánh ý Chúa
- Hoa vàng chỉ đức mến vẹn toàn
- Hoa xanh chỉ sự trọn lành thánh thiện
- Hoa đỏ chỉ sự hy sinh hãm mình.
Người Công giáo Việt Nam vốn có lòng mộ mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Chỉ cần nhìn vào con số người hàng năm hành hương đến La Vang, Trà Kiệu, Bãi Dâu, Tà Pao v.v. hay nhìn vào con số người ngày ngày đứng trước hang đá Đức Mẹ ở khắp các giáo xứ đủ thấy lòng tin của người Công giáo Việt Nam vào Đức Mẹ mãnh liệt đến chừng nào.
Nhiều người hay nói rằng mỗi khi có điều gì muốn tâm sự, muốn thổ lộ nỗi lòng hay muốn xin ơn, người ta thích chạy đến với Đức Mẹ. Thật vậy khi ta chạy đến kêu cầu cùng Đức Mẹ cũng chính là nhờ Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp với Chúa. Quyền năng mà Đức Mẹ có được để ban phát cho ta ơn này ơn nọ tất cả đều từ Thiên Chúa mà ra. Thiên Chúa chắc chắn sẽ hài lòng khi thấy Đức Mẹ được tôn kính. Giáo hội đã dành đến hai tháng (tháng hoa và tháng Mân côi) và nhiều ngày khác nữa trong lịch Phụng vụ để tôn vinh Đức Mẹ cho thấy Giáo hội muốn con cái mình dành nhiều thời gian để tôn kính Mẹ Maria. Vì vậy việc sùng kính Đức Mẹ không có gì cần phải bàn cãi.
Trong tháng hoa, để tỏ lòng tôn kính Mẹ, ta hãy dâng lên Đức Mẹ những bông hoa tươi thắm. Đồng thời ta cũng cần dâng lên Đức Mẹ những bó hoa thiêng liêng được đan kết bằng những hy sinh, hãm mình, bác ái v.v. Trong đời sống hàng ngày nếu ta biết chấp nhận nghịch cảnh và coi đó như những đoá hoa đem dâng cho Đức Mẹ thì chắc chắn sẽ rất đẹp lòng Đức Mẹ.
Hãy nhìn lại tháng hoa gần sắp hết nhưng ta đã làm được gì, có dâng cho Mẹ đóa hoa lòng không? Có siêng năng lần chuỗi môi khôi không? Có dành ra mỗi ngày ít phút để nhìn ngắm và tâm tình với Mẹ không? Hãy đến với Mẹ vì Mẹ là máng thông ơn đến cho chúng ta. Hãy trông cậy Mẹ, dù Chúa chưa muốn ban ơn cho chúng ta nhưng chỉ cần Mẹ nói là Chúa ban liền. Điển hình là tiệc cưới Cana Chúa nói “giờ con chưa tới” nhưng vì Mẹ Chúa đã làm phép lạ hóa nước thành rượu.
Thiên Sinh