label

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

LÀM CỚ SA NGÃ (30.9.2012 – Chúa nhật 26 Thường niên, Năm B)


LÀM CỚ SA NGÃ
Lời Chúa: Mc 9, 38-43.45.47-48
Hôm ấy, ông Gioan nói với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Ðức Giêsu bảo: “Ðừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.
Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.
Suy nim:
Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu.
Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông,
tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.
Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu,
khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng.
Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này:
“... thà buộc cối đá lớn vào cổ nó
mà ném xuống biển còn hơn”.
Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu.
Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin.
Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng.
Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.
Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã.
Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan,
không biết hạn chế tự do của mình,
nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.
Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã,
nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.
Ðức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt,
nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội.
Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen
(nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!)
Nhưng chúng ta lại không được coi thường
tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên
nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể
hầu cứu lấy sinh mạng của mình.
Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý
để giữ lại một điều quý hơn.
Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất,
người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân,
những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở.
Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta,
nhưng nay đã trở thành vật cản trở.
Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.
Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau.
Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch
có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay.
Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau,
chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.
Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác
thì cũng cần nhiều cuộc giải phẫu cho linh hồn.
Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ,
mà còn là thay thế:
thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc,
thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.
Ðức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn.
Ðể vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối.
Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời,
và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Ðối.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ




Đề tài Ngày Thế Giới Truyền Thông xã hội 2013


VATICAN. ĐTC đã chọn đề tài cho Ngày Thế Giới truyền thông xã hội thứ 47 vào năm tới, 2013, là: ”Các mạng xã hội: những cánh cửa chân lý và đức tin; không gian mới cho việc truyền giảng Tin Mừng”.

Ngày Thế Giới truyền thông xã hội được cử hành hàng năm vào chúa nhật thứ 3 của tháng năm. Năm tới sẽ là ngày 12-5.

Đề tài này được Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 29-9-2012, kèm theo giải thích, theo đó một trong những thách đố ý nghĩa nhất đối với công cuộc truyền giảng Tin Mừng ngày nay là thách đố nảy sinh từ môi trường kỹ thuật số. Qua đề tài được chọn cho Ngày Thế Giới truyền thông xã hội năm tới, ĐTC muốn lưu ý về vấn đề này trong khuôn khổ Năm Đức Tin.

Các yếu tố để suy tư thật là nhiều và quan trọng: thời đại ngày nay kỹ thuật có xu hướng trở thành mạng liên kết nhiều kinh nghiệm của con người như những liên hệ và kiến thức, ta cần phải tự hỏi: Kỹ thuật ấy có thể giúp con người gặp gỡ Chúa Kitô trong đức tin hay không? Nếu chỉ thích ứng hời hợt ngôn ngữ mà thôi thì không đủ, nhưng cần phải có thể trình bày Tin Mừng như câu trả lời cho câu hỏi ngàn đời của con người về ý nghĩa và về đức tin. Vấn đề ở đây không phải chỉ là dùng Internet như một phương tiện để rao giảng Tin Mừng nhưng là truyền giảng Tin Mừng với ý thức rằng sự sống con người ngày nay cũng được biểu lộ trong môi trường kỹ thuật số”.

Đặc biệt cần để ý đến sự phát triển và thịnh hành mạnh mẽ của các mạng xã hội, chúng tạo cơ hội để nhấn mạnh một kiểu đối thoại và đối tác trong việc truyền thông và trong quan hệ. (SD 29-9-2012
)

G.Trần Đức Anh OP
Bắt đầu xét xử Paolo Gabriele, người cựu hầu cận của Đức Giáo Hoàng


VATICAN. Lúc 9 giờ rưỡi sáng 29-9-2012, tòa án tại Vatican bắt đầu xét xử người cựu hầu cận của ĐTC, Paolo Gabriele, bị cáo về tội ăn trộm các tài liệu mật của Tòa Thánh.

Cùng bị xét xử còn có một người đồng lõa là ông Claudio Sciarpelletti một cựu chuyên gia tin học tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Thẩm phán đoàn gồm ba vị, trong đó chủ tịch là Giáo Sư Giuseppe Dalla Torre di Sanguinetto, cũng là Viện trưởng Đại học Lumba ở Roma và Phó thủ lãnh Hội hiệp sĩ Thánh Mộ Jerusalem. Hai bị can đều có luật sư biện hộ. Bị can Sciarpelletti không có mặt, nhưng được luật sư Gianluca Benedetti đại diện. Thân nhân của Ông Gabriele không tham dự phiên xử.

Có 10 chỗ được dành cho các ký giả, trong đó có 6 chỗ nhất định được dành cho Báo Quan Sát Viên Roma, Đài Vatican, các hãng thông tấn AP của Mỹ, Reuter của Anh, AFP của Pháp và Ansa của Italia. 4 chỗ còn lại được chỉ định theo thể thức bốc thăm.

Sau phiên xử đầu tiên kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, các ký giả có mặt tại phòng xử đến phòng báo chí Tòa Thánh để thuật lại cho hàng trăm đồng nghiệp tại đây về những gì đã xảy ra.

Các nhân chứng đã được gọi trong đó có Đức ông Georg Gaenswein, bí thư thứ I của ĐTC, nhưng ngài không trình diện được vì còn phải ở với ĐTC ở Castel Gandolfo. Các quan tòa cũng quyết định vụ xử Ông Claudio Sciarpelletti được tách rời khỏi vụ xử Gabriele. Phiên tòa tới đây được ấn định vào ngày thứ tư, 2-10-2012, trong đó bị can và 8 nhân chứng sẽ được hỏi. Ngoài Đức Ông Gaenswein còn có chị Cristina Cernetti, thuộc tu hội ”Memores” giúp việc trong dinh Giáo Hoàng, cũng như 8 hiến binh Vatican. Sau 50 phút, các vị thẩm phán rút vào phòng để thảo luận riêng trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Đến giữa trưa, họ tái xuất hiện và cứu xét thêm 10 phút nữa.
Các quan sát viên mô tả ông Gabriele, 46 tuổi, nét mặt xanh xao và căng thẳng. Tuy nhiên, bầu không khí trong phòng xử không căng thẳng.

Chánh án Dalla Torre hy vọng rằng vụ xử này có thể kết thúc sau 4 phiên tòa tới đây.

Hôm 27-9-2012, Ông Giovanni Giacobbe, Chưởng tín, tức là Ủy viên công tố của tòa án tại Vatican đã mở cuộc họp báo về việc tiến hành vụ xét xử này, một biến cố rất họa hiếm.

Nếu bị can Gabriele bị xác nhận tội trạng, ông có thể bị kết án từ 1 đến 4 năm tù và sẽ thi hành bản án trong một nhà tù ở Italia. Và nếu Ông Sciarpelletti bị xác nhận tội thì có thể bị phạt tới 1 năm tù.

Ông Giacobbe cho biết lời thú nhận của ông Gabriele về việc đã lấy trộm tài liệu và trao cho ký giả để phổ biến, không phải là một bằng chứng tuyệt đối, và 3 thẩm phán không thể chỉ dựa trên các lời thú tội ấy.

ĐTC có quyền ân xá cho bị can bị xác nhận tội trạng, ngài cũng có quyền chấm dứt vụ xử trước khi bắt đầu, nhưng sau khi vụ xử bắt đầu, ngài không thể can thiệp. (SD 29-9-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA PHÓ GIÁO XỨ CẦN XÂY



CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA PHÓ 
MICAE PHẠM ĐỨC TƯỜNG

Kính dâng lên Cha lẵng hoa lòng

Hôm nay ngày 29-09-2012 lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bổn mạng của Cha Phó. Cha sở, Hội Đồng mục vụ và toàn thể giáo dân giáo xứ Cần Xây xin chúc mừng bổn mạng Cha. Nguyện xin Thiên Chúa qua thánh bổn mạng ban cho Cha sức khỏe dồi dào, tràn đầy hồng ân của Chúa. Chúng con luôn nhớ cha và cầu nguyện thật nhiều cho Cha, đặc biệt trong thánh lễ.
                                                                              Cha sở HĐMV và toàn thể giáo dân

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Các thiên thần của Thiên Chúa (29.9.2012 – Thứ bảy. Các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabrien, Raphaen)Các thiên thần của Thiên Chúa (29.9.2012 – Thứ bảy. Các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabrien, Raphaen)

Các thiên thần của Thiên Chúa 
Lời Chúa: Ga 1, 47-51
Khi ấy, Ðức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Ðây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Ðức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!”  Ðức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Suy nim:
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian
nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.
Cầu nguyn:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !

Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.

Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 1. Nhận biết Thiên Chúa - Sự sống của con người



TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Dẫn nhập
Loạt bài giáo lý này được gửi đến độc giả như một sự trợ giúp cho việc học hỏi sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) dành cho cá nhân hoặc nhóm. Điều lưu ý là chúng ta phải có cái nhìn tổng thể của mỗi phần trong 4 phần chính của sách giáo lý: Tuyên xưng Đức Tin – Cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo – Đời sống mới trong Đức Kitô – Kinh nguyện Kitô giáo. Loạt bài tìm hiểu này cố gắng đưa ra những yếu tố quan trọng của phần I: Tuyên xưng Đức Tin. Đây chỉ là những gợi ý, nên đòi hỏi cá nhân hoặc nhóm phải tham chiếu trực tiếp sách giáo lý để làm sáng tỏ những nội dung được tìm hiểu.
Đức tin là toàn thể bởi vì chỉ có một trái tim và một trung tâm: đó là Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa, do đó Đức Kitô phải là trung tâm của giáo lý. Mục đích của giáo lý là đưa người ta đi vào trong sự hiệp thông với Đức Kitô. Ngài là Đấng duy nhất có thể dẫn chúng ta đến với tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta được chia sẻ đời sống của Ba Ngôi Chí Thánh (GLHTCG 426), bởi vì “trong Người cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3). Trong một nghĩa nhất định, những yếu tố quan trọng của Đức Tin được khơi nguồn từ kho tàng trái tim Chúa Giêsu. Vì thế, trái tim cực thánh của Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, được coi là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của tình yêu, qua đó Đấng Cứu Chuộc thần linh hằng liên lỉ yêu mến Chúa Cha vĩnh cửu và yêu mến tất cả mọi người. (GLHTCG 478).
Những trình bày tóm tắt và những suy nghĩ trong phần nội dung Đức Tin sẽ đạt được mục tiêu nếu nó dẫn người tín hữu đến chỗ muốn biết rõ hơn về Đấng mình đã tin và hiểu rõ hơn về điều Ngài đã mạc khải; về phần mỗi người, sự hiểu biết sâu xa hơn sẽ dẫn đến một đức tin lớn lao hơn, luôn thấm đậm tình yêu của trái tim Chúa Giêsu (GLHTCG 158, 2669).
Bài 1. NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA – SỰ SỐNG CỦA CON NGƯỜI
“Lạy Cha … sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Những lời này được trích dẫn ngay trong phần mở đầu sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Biết Thiên Chúa chính là để được sống đời đời. Cái biết này là mục tiêu đời sống của chúng ta. Trong Thánh Kinh, mục tiêu đó còn được diễn tả như được “nhìn thấy Thiên Chúa” (số 1028).
Thánh Têrêsa Avila khi còn nhỏ đã nói rằng: “Tôi muốn được thấy Thiên Chúa” và thánh nhân giả định thêm là để thấy Chúa, tôi phải chết đi – “Con nóng lòng được nhìn thấy Chúa, nên con muốn chết” (số 1011). Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với Mô-sê: “ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33,20). Để thấy Thiên Chúa, để biết Thiên Chúa – có nghĩa là để được sống, nhưng sự sống đó không chỉ dừng lại ở trần gian này. Chính vì thế, cuộc sống của chúng ta hiện nay vẫn đang trên con đường hành hương và Thánh Gioan tông đồ đã nhận xét chính xác: “Không ai đã từng thấy Thiên Chúa” (Ga 1,18). Do vậy, cuộc sống trần thế này vẫn chưa phải là cuộc sống tràn đầy, viên mãn. Nó như bông hoa huệ ngoài đồng, như mây bay, chỉ một cơn gió thổi đủ làm nó biến đi, ngay cả khi sự sống đó kéo dài nhiều chục năm.
Tuy nhiên, chúng ta được tạo dựng để được sống đời đời, vận mạng của chúng ta là hướng đến một sự sống khác, một cuộc sống viên mãn. Một hạnh phúc tràn ngập không thể tưởng tượng được. Trong quyển Tự Thú (Confessio), thánh Augustino đã diễn tả về sự sống khác này như sau: “Khi con gắn bó hết mình với Chúa, con sẽ không bao giờ còn phải đau đớn và vất vả nữa, được tràn đầy Chúa, đời con sẽ trở nên sống động” (Confessio 10, 28, 39; GLHTCG 45). Chính vì hạnh phúc này mà chúng ta được tạo dựng, chính vì hạnh phúc này mà tâm hồn chúng ta luôn khắc khoải hướng về cho dến khi được ở bên Thiên Chúa.
Trong sách giáo lý trước đây, câu hỏi đầu tiên là:
Hỏi: “Vì mục đích gì Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta?”
Thưa: “Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta để biết Ngài, yêu mến Ngài và phục vụ Ngài, như vậy chúng ta đạt tới thiên đàng” (GLHTCG 1721).
Một câu hỏi đáp đơn giản này giống như sợi dây an toàn đối với người leo núi để từng bước từng bước chinh phục đỉnh núi cao. Cần có điều gì đó người ta có thể thủ đắc khi hằng ngày con người thường xuyên đối diện với những điều không chắc chắn. Chẳng hạn, có những người không thực hành đời sống tôn giáo trong nhiều năm, ngay cả nhiều chục năm, thế rồi giữa những khủng hoảng sâu xa trong cuộc sống của họ, đột nhiên ký ức xuất hiện với những câu giáo lý được học khi còn bé thơ, những lời được học không phải bằng những suy tư sâu sắc nhưng bằng những câu hỏi thưa thuộc lòng dễ hiểu, dễ nhớ dẫn đưa người đó khám phá lại đâu là điều quan trọng trong cuộc sống con người.
Nói cho cùng, giáo lý là “Con Đường”, con đường giúp nhân loại hướng về một cuộc sống hạnh phúc. Một sự trợ giúp cho cuộc sống, một dấu chỉ đường, một bản đồ hướng dẫn để chúng ta lên đường với một hướng đi chính xác. Đối với các Kitô hữu thời giáo hội sơ khai, đời sống Kitô hữu đơn giản là Con Đường (CVTĐ 9,2-3; 19,9; 24,14). Không phải là con đường giữa nhiều con đường nhưng là “Con Đường” viết hoa, mà chính Thiên Chúa chỉ cho chúng ta. Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa - đã đi Con Đường vượt qua thế gian để về với Chúa Cha, để hướng dẫn chúng ta cách chính xác đi qua cuộc sống đời này, và cho phép chúng ta đạt được mục tiêu một cách chắc chắn. Trong những bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về Con Đường này với tất cả niềm vui và vẻ rực sáng của nó, nhưng cũng có cả những khó khăn và đòi hỏi. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo sẽ phục vụ như một loại bản đồ.
 

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 10 & 11 năm 2012
 
GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN
BƯỚC VÀO NĂM ĐỨC TIN
 
          Anh chị em thân mến,
          Cùng với Đức Cha Cố Gioan Baotixita, tôi xin gửi đến toàn thể anh chị em trong gia đình Giáo Phận lời chào thân ái trong niềm tin vào ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Thiên Chúa Cha, và sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Cha Bênêđictô và Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Phận Long Xuyên cùng nhau bước qua “Cửa Đức Tin – Porta Fidei” để cử hành Năm Đức tin. Chính vì thế, thư mục vụ tháng 10 này có chủ đề “Gia đình Giáo Phận Hiệp Thông với Giáo Hội toàn cầu bước vào năm Đức Tin”.
         
          Thưa anh chị em,
          1. Qua Tự Sắc Porta Fidei – Cánh Cửa Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô thiết lập Năm Đức tin bắt đầu từ ngày 11/10/2012 và kết thúc ngày 24/11/2013. Năm Đức Tin này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vaticanô II (11/10/1962 – 2012) và kỷ niệm 20 năm phát hành cuốn Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (11/10/1992 – 2012) (số 4). Theo Tự Sắc, Năm Đức Tin là một cơ hội suy tư đặc biệt để tái khám phá hành trình đức tin trong cuộc khủng hoảng đức tin trong Giáo Hội (số 2). Vì thế, mục đích của Năm Đức tin: một là tái khám phá ra cốt lõi của Đức Tin, mà nền tảng phải là sự gặp gỡ cá nhân và thân tình với Đức Kitô (số 3); hai là tái khám phá ra ý nghĩa các tài liệu của Công Đồng Vaticanô II cho công cuộc canh tân Giáo Hội (số 5); và ba là tái khám phá ra đức tin được hệ thống hóa trong Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, nhờ đó Giáo Hội tuyên xưng niềm tin, cử hành niềm tin trong phụng vụ, sống niềm tin bằng sự hoán cải, và dấn thân làm chứng công khai cho niềm tin bằng các hành động bác ái (Số 11).
          Để đạt được mục tiêu này, ĐTC đã đề ra những việc cần được thực hiện. Thứ nhất, đọc lại các văn kiện Công Đồng Vaticanô một cách đúng đắn (số 5), và học hỏi nội dung cơ bản trong Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (PD số 11). Thứ hai, đọc lại lịch sử đức tin trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh Công Giáo; đó là việc ngắm nhìn Chúa Kitô Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin; đó là chiêm ngắm gương mẫu đức tin của Mẹ Maria, của các Tông Đồ, của cộng đoàn tín hữu tiên khởi, của các vị tử đạo, của các thánh tu sĩ, của toàn thể các thánh nam nữ trên Thiên Quốc; đó còn là những Kitô hữu rải rác trên toàn thế giới đang thực hiện cuộc lữ hành đức tin (số 13). Cuối cùng, tăng cường làm chứng niềm tin bằng những hành động thực thi bác ái để sẵn sàng dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng (số 14).
 
          2. Hiệp thông với 25 giáo phận của Giáo Hội Việt Nam, Giáo Phận Long Xuyên sẽ khai mạc Năm Đức Tin vào ngày 18/10/2012. Cử hành Năm Đức Tin, Giáo Phận ý thức về những nguy cơ có thể sẽ gây ra sự khủng hoảng đức tin trong Giáo Phận. Thật vậy, sự tục hóa trong tôn giáo hiện nay không chỉ là do những ảnh hưởng tiêu cực của trào lưu tục hóa, nhưng rất có thể là do chính các phần tử trong tôn giáo đang tiếp tay làm cho các mầu nhiệm thánh và các sinh hoạt thiêng liêng của Hội Thánh trở thành bị tục hóa. Trong bầu khí tục hóa này, sự ích kỷ cá nhân cùng với những cám dỗ kiếm tìm những giá trị vật chất và trần thế đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đức tin; cụ thể là quyền lực và tiền của có thể trở thành động lực chính trong việc chọn lựa và thực hiện các hoạt động tôn giáo. Hệ quả tất yếu là thái độ loại trừ thập giá, tử đạo, khổ chế, hy sinh trong việc dấn thân làm chứng cho những giá trị Tin Mừng trong một thế giới “không cần các thầy dạy, nhưng cần các chứng nhân, mà nếu họ tin vào các thầy dạy, vì các thầy dạy cũng là những chứng nhân” (ĐGH Phaolo VI).
 
          3. Trong bối cảnh trên, đường hướng của giáo phận cử hành Năm Đức Tin là đón nhận Năm Đức Tin như một hồng ân để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế trong an bình và hy vọng. Thật vậy, cộng đồng dân Chúa của Giáo Phận sẽ thực hiện cuộc lữ hành trần thế với đức tin được tái khám phá soi chiếu, với đức tin triển nở trong đức ái là động lực, và với đức tin trong hiệp thông làm thành một cộng đoàn cùng nhau thi hành sứ vụ. Như vậy, Giáo Phận cần liên kết giữa đời sống tu đức chiêm niệm và đời sống hoạt động tông đồ.
          Cụ thể hơn, đường hướng tu đức của Giáo Phận trong Năm Đức Tin sẽ là “trong chiêm niệm lắng nghe Lời Chúa”, đặc biệt là từ thư gửi cho các Hội Thánh Axia trong trong chương I, II và III của sách Khải Huyền. Với đường hướng này, trong cầu nguyện với Lời Chúa, Giáo Phận sẽ củng cố và canh tân niềm tin vào Chúa Kitô. Trong chiêm niệm với Lời Chúa, Giáo Phận sẽ thực hiện cuộc hành trình hoán cải theo mô hình Chúa Kitô. Trong cử hành Phụng vụ và các sinh hoạt đạo đức, Giáo Phận nghe được lời mời gọi bước theo Chúa Kitô. Và trong nỗ lực sống Lời Chúa trong cuộc sống thường nhật, con cái của Giáo Phận đang cùng nhau thực hiện cuộc lữ hành Đức tin, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bước theo Chúa Kitô, để xây dựng Nước Thiên Chúa. Năm Đức Tin trở thành cuộc tĩnh tâm của hoán cải và đổi mới để trở thành Con Yêu Dấu của Thiên Chúa.
 
          4. Theo đường hướng trên, Giáo Phận sẽ cử hành năm Đức Tin theo mô hình của Giáo Hội sơ khai – Cv 2. 42-47. Cụ thể như sau:
          * Tuyên Xưng Đức Tin: “Các tín hữu chuyên cần học hỏi giáo huấn của các tông đồ” (c. 42): Mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận được khích lệ đọc, nghiên cứu và học hỏi giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II và giáo lý công giáo. Điều thiết yếu của việc tìm hiểu đức tin là phải hướng đến cuộc gặp gỡ Đức Kitô.
          * Cử hành Đức Tin: Các tín hữu luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng (c.42): Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Hòa Giải, và các cuộc tĩnh tâm là những sinh hoạt phụng tự được nhấn mạnh trong Năm Đức tin tại các cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, đoàn thể. Nòng cốt của việc cử hành phụng tự là sự hoán cải nội tâm trở về với Đức Kitô.
          * Thực hành Đức tin: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17): Đức tin triển nở thành yêu thương phục vụ trong đời sống cộng đoàn Giáo Phận. Lý tưởng là với niềm tin Chúa Kitô phục sinh đang hiện diện trong cộng đoàn, cộng đoàn gia đình xây dựng thành Hội Thánh tại gia; cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, đoàn thể xây dựng thành Hội Thánh tại thế. Thiết yếu trong việc thực hành đức tin là đức bác ái hiệp thông (eros) và chia sẻ (agape) để “trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn” (Cv 4, 34).
          * Loan truyền đức tin: “Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn ngày có thêm những người được cứu độ” (c. 47). Với đức tin được tái khám phá và canh tân, cộng đoàn Giáo Phận sống mầu nhiệm Chúa Kitô, để trở thành hiện thân của Chúa Kitô là muối cho đời, là men giữa trần thế, là ánh sáng cho trần gian. Đàng khác, với đức tin, người Kitô hữu nhận ra Chúa Kitô nơi anh chị em đồng loại, đặc biệt là nơi những người bé mọn, để “phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
          * Đối tượng của năm Đức Tin mà Giáo Phận quan tâm là giới trẻ, đặc biệt sinh viên học sinh và thiếu nhi. Giáo Phận hướng về giới trẻ để thi hành tác vụ giáo dục đức tin, làm cho đức tin của thanh thiếu niên được hiểu biết, đào sâu và cảm nghiệm trong cuộc lữ hành cuộc đời, nhờ đó, người trẻ nhiệt tâm và quảng đại trở thành nhân chứng đáng tin cậy cho Đức Kitô Phục Sinh, và có thể chỉ cho con người đương thời biết cánh cửa đức tin – Porta Fidei” dẫn vào Nước Thiên Chúa.
          Khai mạc năm Đức Tin trong tháng Mân Côi kính Đức Mẹ, Giáo Phận sẽ noi gương Mẹ tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin, và loan truyền đức tin nhờ suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi. Đây là cách Giáo Phận cùng Mẹ thực hiện cuộc hành trình Đức tin, sống mầu nhiệm Chúa Kitô Nhập Thể (Mầu Nhiệm Sự Vui), Nhập Thế (Mầu Nhiệm Sự Sáng), Khổ Nạn (Mầu Nhiệm Sự Thương), và Phục sinh (Mầu Nhiệm sự Mừng).
          Chúng ta cùng hẹn gặp nhau vào ngày khai mạc Năm Đức Tin 18/10/2012 tại Trung Tâm Hành Hương Đài Đức Mẹ Tân Hiệp. Xin Chúa và Mẹ Maria chúc lành toàn thể anh chị em.
 
        + GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
 
Trang nhà > Giáo Hội >  2012-09-27 16:29:40
A+ A- In trang này



Đức Thánh Cha kêu gọi các bác sĩ chống lạm dụng y khoa trong thể thao


CASTEL GANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các bác sĩ thể thao không những phục vụ các vận động viên về phương diện chuyên môn, nhưng còn góp phần thăng tiến luân lý, tinh thần và văn hóa trong ngành thể thao.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27-9-2012, dành cho 120 bác sĩ, đến từ 117 nước 5 châu, tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 32 về y khoa thể thao (FIMS), nhóm lần đầu tiên tại Roma trong những ngày này.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhìn nhận tầm quan trọng và sự thu hút của các cuộc tranh tài thể thao, đồng thời ngài nhắc đến sự thành công, danh tiếng, huy chương và sự theo đuổi tiền bạc đôi khi trở thành động lực chủ yếu, hoặc độc nhất, của các cuộc tranh tài thể thao. Nhiều khi thái độ muốn thắng giải với bất kỳ giá nào đã thay thế tinh thần đích thực của thể thao và đưa tới những lạm dụng hoặc sự dụng sai trái các phương tiện mà y khoa tân thời mang lại”.

ĐTC nói: “Trong tư cách là các bác sĩ thể thao, các bạn cũng ý thức về cám dỗ đó và tôi biết các bạn cũng thảo luận về vấn đề quan trọng này trong Hội nghị này”.

ĐTC cũng nhắc đến lời thánh Phaolô Tông đồ trong thư thứ I Corintô (9,25) trong đó Người nhắn nhủ các tín hữu hãy tập luyện trong đời sống thiêng liêng. Thánh nhân nói: ”mỗi vận động viên tập luyện tự chế trong mọi sự. Họ làm như thế để nhận được một vòng hoa chiến thắng mau qua, còn chúng ta nhận được vòng hoa không hư nát”. Các bạn thân mến, đó là lý do tại sao tôi khuyến khích các bạn tiếp tục nhớ đến phẩm giá của những người mà các bạn phục vụ qua hoạt động y khoa của các bạn. Như thế, các bạn sẽ trở thành những người không những chữa lành thể lý và giúp đạt những thành quả tuyệt hảo về thể thao, nhưng còn giúp phục hồi về luân lý, tinh thần và văn hóa nữa” (SD 27-9-2012)


G. Trần Đức Anh OP
Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước LHQ chống các tội phạm chống các nhà ngoại giao


NEW YORK. Tòa Thánh tham gia hiệp ước của LHQ về việc phòng ngừa và trừng phạt những tội ác chống lại các nhà ngoại giao.

Văn kiện tham gia của Tòa Thánh đã được Đức TGM Ngoại trưởng Dominique Mamberti nạp nơi ông Tổng thư ký LHQ chiều ngày 26-9-2012.
Trong thông cáo hôm 27-9-2012, Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng khi thực hiện cử chỉ trên đây, Tòa Thánh tuyên bố muốn góp phần thêm một cách cụ thể vào sự dấn thân của thế giới trong việc phòng ngừa và chống lại các tội phạm chống lại các nhà ngoại giao. Ngoài ra Văn kiện tham gia của Tòa Thánh nhắc nhớ rằng việc thăng tiến các giá trị huynh đệ, công lý và hòa bình giữa con người và các dân tộc là điều được Tòa Thánh đặc biệt quan tâm. Sự tham gia này cũng khẳng định sự chú ý của Tòa Thánh đối với các văn kiện quốc tế về sự cộng tác tư pháp trong vấn đề chống tội ác, như Hiệp ước này là một thí dụ.
Vì thế quyết định tham gia này không những biểu lộ ước muốn của Tòa Thánh cộng tác vào việc bảo vệ thích hợp các nhân viên ngoại giao, trước tiên là các nhân viên của mình và các nhà ngoại giao được ủy nhiệm nơi Tòa Thánh, nhung còn trợ giúp cộng đồng quốc tế duy trì ở mức độ cao sự cảnh giác chống lại những nguy cơ khủng bố.
Sau cùng, đây là một sáng kiến trong khuôn khổ và theo chiều hướng của tiến trình đã được khởi sự từ lâu để thích ứng hệ thống luật pháp của Vatican với các tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế nhắm chống lại tệ nạn trầm trọng là các tội ác chống lại các nhà ngoại giao. (SD 27-9-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Giải pháp phòng chống ngộ độc do lạm dụng rượu


(SKDS) - Trước tình trạng số người bị ngộ độc thực phẩm do rượu và tai nạn giao thông liên quan đến rượu liên tục tăng, ngày 13/9/2012, tại Quảng Bình, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo “Phòng chống ngộ độc rượu và tác hại của lạm dụng rượu” nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và trật tự an toàn xã hội.
Hội thảo đã nghe báo cáo và nhiều ý kiến thảo luận của cơ quan chức năng, hiệp hội, địa phương tập trung vào việc đánh giá thực trạng, nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do rượu, tai nạn giao thông liên quan đến uống rượu, kinh nghiệm công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, tác hại của lạm dụng rượu và các kiến nghị về bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh rượu, phòng chống ngộ độc thực phẩm và tác hại của lạm dụng rượu.
 Điều trị ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.  Ảnh: Khánh Linh
Kết luận hội thảo, 4 nhóm giải pháp đã được thống nhất như sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn như: xây dựng thông điệp cảnh báo, tuyên truyền, tập huấn về biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu, không lạm dụng rượu, không sử dụng rượu theo kinh nghiệm dân gian, rượu giá rẻ, rượu không bảo đảm an toàn. Chú trọng đối tượng truyền thông phù hợp với vùng miền.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhằm ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu không bảo đảm an toàn thông qua các hoạt động liên ngành của các địa phương; tập trung kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, hộ gia đình, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; xây dựng mô hình ký cam kết giữa các hộ kinh doanh rượu với chính quyền địa phương trong việc kinh doanh rượu có nguồn gốc; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin.
Nâng cao năng lực kiểm soát an toàn đối với rượu trên địa bàn; xây dựng và duy trì hệ thống quản lý, giám sát và phòng chống độc thực phẩm do rượu như: đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn ở các cấp trong phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa; trang bị test kit phát hiện độc tố, thuốc đặc trị, phác đồ xử lý ca bệnh, kinh phí hoạt động.
Tăng cường phối hợp các tổ chức chính trị, xã hội trong việc giám sát sản xuất, kinh doanh rượu an toàn, phòng chống lạm dụng rượu, ngộ độc do rượu.                  

  Lê Hương

Ông này là ai? (27.9.2012 – Thứ năm Tuần 25 Thường niên)


Ông này là ai?
Lời Chúa: Lc 9, 7-9
Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Ðó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Ðó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách thấy mặt Ðức Giêsu.
Suy nim:
Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.
Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Liệu có chỗ cho máy tính bảng trong phụng vụ?



Liệu có chỗ cho máy tính bảng trong phụng vụ?
Một vị bề trên tu viện nhắc nhở một tu sĩ trẻ đang sử dụng máy tính bảng thay thế cho sách nguyện trong giờ kinh sáng hãy dùng sách nguyện như các người khác. “Nhưng -vị bề trên nói tiếp-, tôi tự hỏi tại sao tôi lại phản ứng như vậy. Việc sử dụng một máy tính bảng không thích hợp bằng việc sử dụng một cuốn sách ở chỗ nào?”
Các giám mục New Zealand đã có câu trả lời không do dự trong một bức thư được công bố hồi tháng sáu vừa qua: “Các ứng dụng phụng vụ trên iPad, máy tính bảng cảm ứng, điện thoại cầm tay và máy đọc sách thật tuyệt hảo cho việc học tập nhưng không thích hợp trong cử hành phụng vụ”.
Máy tính bảng không chỉ là một phương tiện trợ giúp mới mà còn cung cấp một cảm nhận mới về việc đọc. Sách điện tử trở thành một dụng cụ lai ghép đưa thêm âm nhạc, hình ảnh, các cải tiến… vào bản văn. Qua việc phá vỡ mối liên hệ kết nối lời kinh và phương tiện trợ giúp, sách nguyện điện tử buộc ta phải xem lại các cử chỉ phụng vụ và các khái niệm được gắn với quyển sách trong khuôn khổ của việc đọc kinh nhật tụng. Đây là homo liturgicus (con người phụng vụ) tiếp nhận homo numericus (con người kỹ thuật số): liệu có nhất thiết phải có một sự rối loạn trong không gian thánh? Chẳng nhẽ các nhà “liturgeeks” (người mê kĩ thuật số tham dự cử hành phụng vụ) không có quyền có sách nguyện của họ sao?
Cũng đã có những sự dè dặt khi lần đầu tiên thánh lễ được truyền hình
Trong lĩnh vực phụng vụ, người ta thường rất dè dặt với cái mới mẻ. Năm 1494, vào thời sách in được phổ biến một cách rộng rãi, Jean Trithème, viện phụ Dòng Biển Đức ở Sponheim, phàn nàn là sách bằng giấy chóng hư hơn là bằng giấy da và, theo nghĩa này, không phù hợp lắm đối với phụng vụ. Những sự dè dặt này làm người ta nghĩ tới các vụ phản đối nổi lên vào năm 1948, khi lần đầu tiên thánh lễ được truyền hình.
Sách thánh là một sự bày tỏ lòng sùng kính đối với Thiên Chúa. Sách thánh là một tác phẩm đồng thời là một công trình tôn vinh sự vĩ đại của Thiên Chúa, qua sự lộng lẫy của nó. Là dụng cụ để chuyển tải lời Chúa và vật phẩm dùng trong phụng tự, Sách thánh phải xứng với hoạt động phụng vụ được dành cho nó. Sách cũng chẳng phải là vật thiêng hơn máy tính bảng, nếu một ngày nào đó “cải biên” được loại máy tính bảng chỉ dùng trong phụng tự.
Tôi hiểu được sự cảnh giác của các giám mục ở chỗ máy tính bảng cung cấp rất nhiều chức năng khiến người đọc có thể đi ra ngoài cấu trúc của bản văn. Phụng vụ không chấp nhận sự bất định về văn bản. Nhưng liệu màn hình có làm tín hữu mất khả năng suy xét đến như vậy chăng? Tôi không tin. Phụng vụ gắn với việc loan báo Lời Chúa và quy định về Sách thánh. Chính yếu là để cho văn bản đọc thấm nhuần, bởi vì “Sách thánh lớn lên cùng với người đọc”  (Thánh Grêgôriô Cả).
Để nghe được một tiếng Nói
Việc đọc làm cho người ta quen dần với Lời của Thiên Chúa, Đấng ban lời cho người đọc (và cho cộng đoàn) để tỏ lộ Hữu thể thâm sâu của Ngài. Màn hình không phá bỏ cũng không làm mất đi dòng chảy của Lời nhập thể. Việc sử dụng trong phụng vụ một cuốn sách hay một máy tính bảng dẫn đến việc nghe và thấy: sách và máy tính khiến ta nghe được một tiếng Nói, làm mọi tiếng xôn xao của chợ búa phải lặng im, và thấy được Dung mạo của Thiên Chúa qua nét mặt con người, là “chữ viết đẹp nhất của Lời Ngài” (Serge Beaurecueil).
(Sylvain Gasser, La-Croix, 21-09-2012)
Mai Tâm chuyển dịch, 25-09-2012
 
Mai Tâm chuyển dịch

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

CÓ ĐỨC MẸ ĐỒNG HÀNH CHÚNG TA SẼ KHÔNG SỢ BẤT CỨ ĐIỀU GÌ!


... Ơn gọi Linh Mục của tôi trước tiên là ơn gọi thánh mẫu. Lý do là vì tôi nhận ra tiếng Chúa gọi vào một ngày trong Năm Thánh Mẫu 1987. Như thế, ơn gọi Linh Mục của tôi trước tiên thuộc về THIÊN CHÚA nhưng đồng thời cũng thuộc về Đức Mẹ MARIA. Vì thế, ngay sau khi thụ phong linh mục, tôi tức khắc dâng hiến trọn cuộc đời và trọn hoạt động mục vụ của tôi cho Đức Mẹ. Tôi khẩn xin Đức Mẹ MARIA dẫn dắt chỉ dạy trên từng đường đi nước bước.

Khi nhận trách vụ coi sóc giáo xứ Cefalà Diana thuộc Tổng Giáo Phận Palermo trên đảo Sicilia (Nam Ý) tôi hoạch định ngay chương trình rước Tượng thánh du Đức Mẹ Fatima về thăm giáo xứ. Và chúng tôi đã thực hiện nguyện ước này trong vòng tám ngày tròn từ 16 đến 23 tháng 7 năm 2006.

Chúng tôi cẩn thận phân chia chương trình kính viếng tượng Đức Mẹ Fatima không chỉ riêng cho giáo xứ chúng tôi mà còn cho tất cả các Cộng Đoàn và các giáo xứ chung quanh chúng tôi nữa.

Mỗi Cộng Đoàn đều có giờ dâng Thánh Lễ và sau Thánh Lễ có nghi thức trọng thể dâng hiến toàn Cộng Đoàn cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Trong vòng 8 ngày, mỗi ngày nhà thờ giáo xứ mở cửa từ lúc 8 giờ sáng cho đến 1 giờ rưỡi trưa. Sau đó mở cửa từ 3 giờ chiều đến 2 giờ khuya.

Liên tục suốt ngày các tín hữu đến quì cầu nguyện trước Tượng thánh du Đức Mẹ Fatima. Tôi có thể tin chắc chắn rằng tất cả các tín hữu đều nhận lãnh dồi dào ơn lành của Đức Mẹ. Tôi so sánh sự hiện diện của Đức Mẹ MARIA giữa chúng tôi với Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia: ”Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mệnh Ta trao phó” (55,10-11).

Đó cũng là điều xảy ra cho giáo xứ Cefalà Diana. Trong những ngày Tượng thánh du Đức Mẹ Fatima ở giữa chúng tôi, giống như thể Trời Cao mở rộng và tuôn đổ trên chúng tôi không biết bao nhiêu ơn lành. Sự hiện diện của Đức Mẹ lôi cuốn mọi người con hiếu thảo tuôn về với Mẹ.

Không phải chỉ có người già, người lớn, nhưng có rất đông bạn trẻ và em bé đến trước bức tượng Đức Mẹ và cầu nguyện. Trước kỷ niệm khó quên này, tôi muốn nói lớn với mọi người rằng. Hãy tiếp rước Đức Mẹ vào lòng, vào gia đình và vào môi trường xã hội nơi chúng ta làm việc. Có Đức Mẹ đồng hành, chúng ta sẽ bước đi trong an ninh và không sợ hãi bất cứ điều gì. Tiến bước với Đức Mẹ và được Đức Mẹ chở che, chắc chắn chúng ta sẽ gặp được Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Bởi vì, Đức Mẹ MARIA luôn luôn cầm tay dắt chúng ta đến với Đức Chúa GIÊSU. Nếu có ai nói mình yêu Đức Mẹ MARIA hơn Đức Chúa GIÊSU KITÔ, thì chúng ta đừng lo lắng bận tâm vô ích. Bởi lẽ, tình yêu chúng ta dành cho Đức Mẹ sẽ được chính Đức Mẹ dâng lên cho Đức Chúa GIÊSU, Con Chí Thánh của Mẹ.

Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI, khi xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng sau khi được bầu Giáo Hoàng, đã nói: ”Chúng ta hãy can đảm tiến bước vì có Đức Mẹ MARIA ở với chúng ta”. Phần tôi, tôi muốn mượn lời thánh Phaolô: ”Nếu Đức Chúa KITÔ ở với chúng ta thì ai sẽ chống lại đưc chúng ta?” (Roma 8,31) để đổi thành: “Nếu Đức Mẹ MARIA ở với chúng ta thì ai còn chống lại được chúng ta?” Không ai hết! Bởi vì, qua Đức Chúa GIÊSU KITÔ, chúng ta là kẻ chiến thắng, nghĩa là những người được cứu rỗi. Trong khi qua Đức Mẹ, chúng ta có thể chiến đấu. Có Đức Mẹ MARIA bên cạnh thì đường chúng ta đi sẽ trở nên an toàn. Có Đức Mẹ đồng hành chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, công chính và huynh đệ.

Đức Chúa GIÊSU KITÔ là hòa bình, công bằng và tình yêu. Như thế, hòa bình, công bằng và tình yêu đối với chúng ta mang một tên gọi và có một khuôn mặt. Khuôn mặt đó là Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Như thế, có Đức Mẹ MARIA ở trong lòng và cùng đi với Đức Mẹ, đồng nghĩa với việc chúng ta có Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Người là Hòa Bình duy nhất của chúng ta. Như vậy, chúng ta hãy can đảm tiến bước vì có Đức Mẹ MARIA ở với chúng ta!


(”Spunti”, Filiale Padova Periodico di collegamento con gli associati al progetto ”Luci sull'Est”, Febbraio 2007, trang 11-12)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt