label

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ VÀ QUÍ ÔNG TRONG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ 
VÀ QUÍ ÔNG TRONG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ
kính dâng lên cha sở và quí ông lăng hoa lòng

Ngày 29-06 lễ Thánh Phêrô và Thánh PhaoLô tông đồ bổn mạng của cha sở 
Phêrô Mai Đức Vượng 
và của các ông trong ban Hội đồng giáo xứ:
Ông PhaoLô Trần Văn Bính
Ông PhaoLô Trần Văn Tuấn
Ông PhaoLô Nguyễn văn Sang
Ông Phêrô Nguyễn Văn Thiên Sinh
Toàn thể giáo dân Cần Xây xin chúc mừng bổn mạng Cha sở và quí ông, nguyện xin Thiên chúa ban nhiều hồng ân và sức khỏe để cha sở và quí ông giúp xứ đạo ngày càng đi lên. Chúng con sẽ cầu nguyện thật nhiều cho cha và quí ông trong thánh lễ ngày mai và chúa nhật kính trọng thể hai thánh.
                                                            Giáo dân Cần xây

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Nếu Ngài muốn (28.6.2013 – Thứ sáu Tuần 12 Mùa Thường niên)


Nếu Ngài muốn
Lời Chúa: Mt 8, 1-4
Khi Ðức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa một người bị phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi. Rồi Ðức Giêsu bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”.
Suy nim:
Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu
trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,
dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).
Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin?
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).
Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.
“Nếu Ngài muốn”: anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.
Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.
Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh
cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.
Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.
Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.
Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”
khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.
“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.
“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,
quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,
và da thịt anh phút chốc được lành sạch.
Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,
Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.
Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,
nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).
Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.
Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,
Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),
đó là đưa tay đụng đến người phong.
Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.
Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.
Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.
Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.
Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,
hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.
Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).
Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?
Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?
Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.
Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách :
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa ;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương ;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương ;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này :
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”

(Mẹ Têrêxa Calcutta)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Đức giáo hoàng thành lập một Ủy ban để cải tổ Ngân hàng Vatican


Ông Ernst von Freyberg - Chủ tịch IOR

Đức giáo hoàng thành lập một Ủy ban để cải tổ Ngân hàng Vatican
WHĐ (27.06.2013) – Hôm qua 26-06-2013, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã công bố một lá thư viết tay của Đức giáo hoàng Phanxicô, đề ngày 24-06-2013, trong đó ngài thành lập một Ủy ban gồm năm người, có nhiệm vụ phân tích các hoạt động của Ngân hàng Vatican và đề ra những cải cách. Qua việc này Đức giáo hoàng muốn Ngân hàng Vatican phải được quản lý một cách minh bạch tối đa và hài hòa hơn với sứ mệnh của Giáo hội hoàn vũ.
Ủy ban này do Đức hồng y Raffaele Farina làm Chủ tịch và gồm các thành viên: Đức hồng y Jean-Louis Tauran, một trong năm vị hồng y trong ban quản trị của Ngân hàng; Mary Ann Glendon, giáo sư đại học Harvard Giám đốc Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội; luật sư Juan Ignacio Arrieta, điều phối Ủy ban; và Đức ông Peter Wells, thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, thư ký Ủy ban.
Đức giáo hoàng đã cho phép Ủy ban được quyền truy cập vào tất cả các hồ sơ kết nối với Ngân hàng Vatican. Báo cáo kết quả sẽ được trình lên Đức giáo hoàng càng sớm càng tốt.
Ngân hàng Vatican thường được biết đến với tên gọi Viện giáo vụ (IOR), được thành lập để giúp các tổ chức tôn giáo trong các giao dịch thương mại, và cũng để đảm bảo tài chính của họ không bị sử dụng vào các mục đích phi đạo đức.
Hiện nay, IOR có 112 nhân viên thường xuyên 19.000 tài khoản ngân hàng với số tiền gửi khoảng 6 tỉ euro. Chủ tịch IOR hiện nay là ông Ernst von Freyberg.
 
Huy Hoàng

Đức hồng y Oswald Gracias: Đức Thánh Cha Phanxicô đã mang lại “một mùa xuân cho Giáo hội” tại châu Á


Đức hồng y Oswald Gracias

Đức hồng y Oswald Gracias: Đức Thánh Cha Phanxicô đã mang lại “một mùa xuân cho Giáo hội” tại châu Á

WHĐ (26.06.2013) – Nhân dịp Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn Độ, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu tham dự khóa họp thứ 4 Hội nghị Thường lệ lần thứ XIII của Thượng Hội đồng Giám mục tại Roma (13&14-06-2013), phóng viên Gerard O’Connell (Vatican Insider) đã có bài phỏng vấn ĐHY Gracias về những âm hưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong suốt 100 ngày đầu tiên trong thừa tác vụ Phêrô cũng như nhiệm vụ của 8 vị Hồng y cố vấn của Đức Thánh Cha. WHĐ xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn này.
Đâu là những ảnh hưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Ấn Độ, nói riêng, và ở châu Á, nói chung, trong suốt 100 ngày vừa qua?
Rất tích cực! Rất tích cực ở một điểm này, vì [Ấn Độ] là một đất nước nghèo đang trên đà phát triển, nên Đức Thánh Cha đã có một ảnh hưởng ngay lập tức khi ngài liên tục bày tỏ mối quan tâm đến người nghèo, những người bị loại trừ, và kêu gọi một Giáo hội vì người nghèo. Người Công giáo Ấn Độ cũng như những người ngoài Công giáo rất ấn tượng về những phát biểu của Đức Thánh Cha. Ngài được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông, những phát biểu của ngài được truyền tải trên các trang báo xã hội, hình ảnh của ngài cũng xuất hiện rất thường xuyên.
Đó là ơn lành cho Hội thánh. Nó giống như mùa Xuân của Hội thánh. Đức Thánh Cha đã làm sáng lên bầu khí hân hoan, nhiệt thành và hứng khởi. Đấy là sức sống, sinh khí và nhiệt huyết của Giáo hội hôm nay. Người ta nói rằng đây là Hội thánh mà con người mong ước được thuộc về. Nhiều giáo dân đi lễ và xưng tội vì âm hưởng mà Đức Thánh Cha đã truyền cảm.
Ảnh hưởng của Đức Thánh Cha khá mạnh ở Ấn Độ, thế còn các nơi khác ở châu Á thì sao?
Tôi chưa có nhiều phản hồi, nhưng các giám mục mà tôi đã gặp, từ Pakistan, Sri Lanka, và Đức hồng y Tagle của Philippines, đều cho biết Đức Thánh Cha có rất nhiều ảnh hưởng ở các nước đó.
Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức hồng y [Gracias] vào nhóm tư vấn gồm 8 vị Hồng y. Phản ứng của Đức hồng y khi nhận được tin này như thế nào?
Tôi rất bất ngờ khi Đức hồng y Quốc vụ khanh gọi cho tôi và nói Đức Thánh Cha muốn tôi tham gia vào nhóm 8 hồng y tư vấn cho Đức Thánh Cha. Tôi đã thốt lên rằng tại sao lại là tôi? Tôi thú thật rằng tôi bất xứng và thấp kém, nhưng tôi cũng thấy rằng nhiệm vụ này rất lớn lao và tôi cảm giác như mình đang trốn chạy và đùn đẩy cho người khác. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng nhiệm vụ này rất thiết yếu, quan trọng và đầy trách nhiệm.
Đức hồng y đại diện cho châu Á.
Đúng, chỉ một mình tôi từ châu Á. Hiển nhiên là Đức Thánh Cha muốn thấy diện mạo của châu Á. Đức Thánh Cha biết tôi ở Ấn Độ. Sau Mật tuyển viện, Đức Thánh Cha và tôi có gặp nhau vài lần; chúng tôi có liên hệ cá nhân, trao đổi riêng về nhiều vấn đề của Giáo hội. Ngài biết quan điểm của tôi.
Đức hồng y thấy vai trò của nhóm tư vấn gồm 8 vị hồng y này như thế nào?
Thực sự tôi không biết. Tôi nghĩ nhóm tư vấn có thể làm nên điều khác biệt nếu Đức Thánh Cha muốn. Gần đây tôi đã nghe Đức Thánh Cha nói nhiều đến nhóm này và tôi cảm nhận rằng ngài kỳ vọng khá nhiều nơi chúng tôi. Nó giống như một nhóm tư vấn của các cha giám tỉnh Dòng Tên; nhóm tư vấn do chính giám tỉnh chỉ định. Các tư vấn giúp ngài đưa ra các quyết định, và sẵn sàng khi ngài cần tham vấn. Tôi nghĩ [nhóm tư vấn của Đức Thánh Cha] cũng vậy; đó là phương pháp của truyền thống Inhaxiô. Tôi thấy phương pháp này rất hiệu quả đối với các cha giám tỉnh Dòng Tên, và tôi không thấy lý do nào khiến phương pháp này không thể áp dụng thành công đối với Đức Thánh Cha.
Nhiều người nhìn nhận nhóm [tư vấn] này như một thể thức mới của tính hiệp đoàn.
Đúng, nó là thể thức của tính hiệp đoàn. Trong Công nghị trước Mật tuyển viện, Đức Thánh Cha đã nghe các hồng y phát biểu, và mọi người chia sẻ nhận thức của mình về vị giáo hoàng kế nhiệm sẽ như thế nào, xét về góc độ con người thì một người không thể gánh vác trọng trách và những đòi hỏi của sứ vụ giáo hoàng trong bối cảnh ngày nay, và với rất nhiều cảnh huống, vấn nạn và thách đố thì việc hình thành nhóm tư vấn như thế này rất cần thiết. Nhưng việc chọn một nhóm các tư vấn cụ thể như thế nào tùy thuộc vào Đức Thánh Cha. Đó là điều mà ngài quyết định tốt nhất cho Giáo hội. Đây là một quyết định mạnh mẽ và sáng tạo. Và, ngoại trừ một trường hợp, Đức Thánh Cha đã chọn tất cả các thành viên của nhóm tư vấn này từ thành phần đang thi hành mục vụ, để các ngài có thể nói với Đức Thánh Cha về thực trạng của Giáo hội.
Đây chính là những người mà Đức Thánh Cha tin cậy. Đó là những người sẽ trình bày với Đức Thánh Cha những nhu cầu của Giáo hội, những gì tốt nhất cho Giáo hội. Chắc chắn Đức Thánh Cha được tác động thiêng liêng, nhưng ngài cũng cần có những sự trợ giúp, đảm bảo, những ý tưởng tinh tế, và một tập thể để ngài có thể thử nghiệm các kế hoạch khác nhau.
Trong khuôn khổ Khóa họp ngày 13 tháng Sáu mà Đức hồng y tham dự, Đức Thánh Cha đã để bài diễn văn đã soạn sẵn sang một bên để ứng khẩu, trong đó có đề cập đến một thông điệp về đức tin sẽ sớm được công bố.
Đúng, phong cách của cuộc họp rất khác biệt. Trong quá khứ luôn luôn có bài diễn văn và đáp từ của Đức Thánh Cha. Nhưng ngài đã hành động rất thực tế: ngài bảo rằng “chúng ta hãy tận dụng bài diễn văn, mọi người sẽ nhận được bản văn ấy và có thể đọc sau, bây giờ chúng ta hãy trao đổi với nhau”. Vì thế chúng tôi chia sẻ với Đức Thánh Cha những suy tư của chúng tôi về Đại hội kế tiếp của Thượng hội đồng với những ý tưởng và đề nghị, những đột phá và đóng góp của Thượng hội đồng. Chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ quyết định [dựa trên những trao đổi ấy].
Tôi nghĩ những gì Đức Thánh Cha đã làm [trên đây] rất là hữu hiệu, nhắm vào phương pháp và cách tiến hành hơn là nội dung công việc. Đó là một cách làm việc hoàn toàn mới, có sự tương tác, và Đức Thánh Cha đã đánh tan bầu khí căng thẳng. Ngay từ đầu ngài đã lắng nghe, góp ý và chia sẻ suy tư của ngài. Đức Thánh Cha đã đến chào hỏi từng người lúc bắt đầu buổi họp và ngài cũng làm như thế khi kết thúc. Ngài rất vui vẻ và bình dị.
Ngài đã nói đến thông điệp về đức tin sắp được công bố. Đức Bênêđictô XVI đã khởi sự và Đức Phanxicô vừa hoàn tất thông điệp ấy. Đức hồng y có ngạc nhiên về điều này?
Không! Chúng tôi đã nghe nói đến thông điệp về đức tin mà Đức Bênêđictô đã viết và, tất nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ấn ký. Tôi nghĩ đây là điều bình thường.
Hội nghị sau Thượng hội đồng đã làm việc dựa trên một Tông huấn về Tân Phúc âm hóa, nhưng nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì công việc này và sẽ viết một Tông huấn dựa trên những đề nghị của Thượng hội đồng để xem xét toàn bộ vấn đề “Phúc âm hóa tổng quát” trên bình diện rộng hơn.
Tôi có cảm giác rằng cách làm này sẽ hiệu quả hơn. Tôi có cảm giác rằng chúng ta đang muốn lắng nghe suy tư của Đức Thánh Cha [về Phúc âm hóa]; toàn thể Hội thánh muốn lắng nghe ngài. Ngài sẽ định hướng Giáo hội và chúng ta muốn mọi sự nằm trong định hướng ấy. Tôi muốn thấy quan điểm của Đức Thánh Cha [về giải pháp Phúc âm hóa].
Vậy, Đức hồng y hài lòng về việc Đức Thánh Cha chủ trì việc soạn thảo Tông huấn này?
Vâng, tôi rất hài lòng. Tôi nghĩ điều đó dễ hiểu, các chương trình mục vụ của Giáo hội sẽ được điều hợp tốt hơn. Tông huấn này sẽ không chỉ thuần túy là một tài liệu; đây sẽ là một Tông huấn với phong cách, văn phong và định hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông huấn này sẽ thúc đẩy dân Chúa. Vì thế tôi hài lòng và mong đợi tài liệu này. Ngài sẽ công bố Thông điệp về đức tin trước, sau đó sẽ là Tông huấn có thể được công bố trước cuối năm nay.
Trong bài diễn văn soạn sẵn (đã nói trên), Đức Thánh Cha Phanxicô đã vạch ra “những bước triển khai” từ Thượng hội đồng Giám mục “để thúc đẩy những đối thoại và hợp tác hơn nữa giữa các giám mục với nhau và với giám mục Roma”.
Tôi nghĩ đây là điều mà chúng ta cần phải suy xét. Thượng hội đồng Giám mục đã hình thành từ cách đây 50 năm, vì thế đã đến lúc cần suy xét, lượng giá, để thấy những thành quả đã gặt hái và những gì có thể đạt hiệu quả hơn. Theo tôi thấy, Công đồng Vatican II muốn Thượng hội đồng mang tính liên tục của Công đồng, một khí cụ tiếp nối tinh thần và phương pháp của Công đồng với tính hiệp đoàn [và những giá trị tương tự].
Chắc chắn là Thượng hội đồng đã soạn thảo Tông huấn và ban thư ký đã cố gắng hoàn chỉnh bản văn đó. Nhiều thay đổi đã được điều chỉnh nhưng có thể đã đến lúc cần lượng giá xa hơn để nhận ra phương cách [làm cho Tông huấn] trở nên hữu hiệu hơn.
Trong Khóa họp ngày 13 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến toàn bộ vấn đề hôn nhân, những người trẻ chung sống ngoài hôn nhân, và những liên hệ tương tự như một vấn đề lớn dành cho Giáo hội. Đức Thánh Cha đã nói rằng ngài sẽ tham vấn 8 hồng y tư vấn khi nhóm họp vào tháng 10 sắp tới để tìm ra giải pháp tốt nhất cho toàn bộ vấn đề này: có thể được xem xét ở một Thượng hội đồng hoặc một hình thức khác. Đức hồng y có nhận thấy đây là đề tài nóng?
Đề tài này cũng đã được nhắc đến ở kỳ họp Thượng hội đồng vừa qua. Các giám mục đã trao đổi ở các cuộc thảo luận nhóm, và ngay cả lúc giải lao. Đây là một vấn đề mục vụ cần được nói đến. Tôi biết vấn đề này đã khiến nhiều giám mục lo lắng.
Có phải Đức hồng ý nói đến vấn đề ly dị và tái hôn?
Đúng, đó là vấn đề ly dị và tái hôn, và xử lý vấn đề này như thế nào, chăm sóc mục vụ ra sao? Rõ ràng đây là vấn nạn ở nhiều quốc gia hơn là chỉ ở Ấn Độ, nơi tuy đã có vài trường hợp [nhưng chưa đến mức báo động].
Tôi thấy hài lòng vì Đức Thánh Cha đã suy nghĩ đến vấn nạn này, và vì ngài không bảo rằng đây là vấn đề phải giữ kín. Tôi ngạc nhiên vì Đức Thánh Cha đã đề cập đến vấn đề này. Đó là vấn đề về mục vụ mà chúng ta không thể bỏ qua một bên. Đây là vấn đề liên hệ đến cuộc sống của con người, đến tinh thần, đức tin, đời sống đức tin và đời sống của Hội thánh. Chúng ta phải giải quyết như thế nào? Chúa chúng ta sẽ giải quyết như thế nào?
Có những vấn đề tương tự nào khác mà Đức hồng y muốn được đề cập đến trong trong thời gian này?
Tôi nghĩ đến toàn bộ vấn đề về tính hiệp đoàn và Tối thượng quyền. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng hôm nay là mức độ tự do trao đổi trong tương quan giữa Giáo hội trung ương và các Giáo hội địa phương. Tôi nghĩ có nhiều thứ hơi bị quá tập trung vào Giáo hội trung ương. Vì thế, cần phải suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo hội trở nên hữu hiệu hơn và [thực sự] là Giáo hội.
Trong một Thông điệp về đại kết, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề nghị góp ý để việc thi hành Tối thượng quyền có thể thực hiện cách khác. Có lẽ đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại đề nghị đó. Có thể chúng ta sẽ không tìm ra được một giải pháp, nhưng rất cần bắt đầu suy nghĩ về điều đó. Điều đó có thể giúp cho vấn đề đại kết, nhưng tôi nghĩ nó cũng có thể giúp cho cấu trúc bên trong của Giáo hội.
 
Thiên Phúc chuyển ngữ

Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa

Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa



Giáo Hội là ”nhà của Thiên Chúa”, là đền thờ tinh thần mà chính Chúa Kitô Đền Thờ sống động của Thiên Chúa Cha, xây dựng, trong đó có Chúa Thánh Thần ở, linh hoạt, hướng đẫn và nâng đỡ, và chúng ta là các viên đá sống động.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với 100.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 26-6-2013 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển hình ảnh cuối cùng giúp minh giải mầu nhiệm của Giáo Hội: đó là hình ảnh Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa (LG, 6). Ngài nói: Từ đền thờ khiến chúng ta nghĩ tới một dinh thự, một việc xây cất. Một cách đặc biệt tâm trí của nhiều người trở về với lịch sử của Dân Israel được kể trong Thánh Kinh Cựu Ước. Tại Giêrusalem Đền Thờ của vua Salomon đã là nơi găp gỡ với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện: bên trong Đền Thờ có Hòm Bia Giao Ước, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người; và trong Hòm Bia Giao Ước có các Bảng Lề Luật, có Bánh Manna và cây gậy của ông Aharon: một nhắc nhớ tới sự kiện Thiên Chúa đã luôn luôn ở trong lịch sử của dân Người, đồng hành với họ trên đường và hướng dẫn bước chân họ. Đền Thờ nhắc nhớ lịch sử này.

Cả chúng ta nữa khi chúng ta đến Đền Thờ chúng ta cũng phải nhớ tới lịch sử này, lịch sử của tôi, của mỗi người trong chúng ta, lịch sử của chúng ta, như Chúa Giêsu đã gặp gỡ tôi, như Chúa Giêsu đã đồng hành với tôi, như Chúa Giêsu yêu thương tôi và chúc lành cho tôi.

Đây, điều đã được hình dung trước trong Đền Thờ xưa kia đã được thực hiện bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội: Giáo Hội là ”nhà của Thiên Chúa”, là nơi Người hiện diện, là nơi chúng ta có thể tìm thấy Chúa và gặp gỡ Chúa. Giáo Hội là Đền Thờ trong đó có Chúa Thánh Thần ở, Người là Đấng linh hoạt, hướng dẫn và đỡ nâng Giáo Hội. Nếu chúng ta tự hỏi chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông với Người qua Chúa Kitô ở đâu? Chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi sáng cuộc sống chúng ta ở đâu? Câu trả lời là: trong dân của Thiên Chúa, giữa chúng ta, chúng ta là Giáo Hội. Giữa chúng ta, trong dân của Thiên Chúa và Giáo Hội, trong đó chúng ta gặp Chúa Thánh Thần, chúng ta gặp Thiên Chúa Cha.

Đền thờ xưa kia đã do tay con người làm ra: người ta muốn cho Thiên Chúa ”một ngôi nhà” để có một dấu chỉ hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Với sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa, lời tiên tri ngôn sứ Nathan nói với Vua Đavít (x. 2 Sm 7,1-19) được thành toàn: không phải nhà vua, không phải chúng ta ”cho Thiên Chúa một ngôi nhà”, nhưng chính Thiên Chúa ”xây nhà của Người” để đến ở giữa chúng ta, như thánh Gioan viết trong phần dẫn nhập Phúc âm (x. Ga 1,14). Chúa Kitô là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa Cha, và chính Chúa Kitô xây ”ngôi nhà tinh thần của Người”, là Giáo Hội, được làm không phải bằng các viên đá vật chất, mà bằng các ”viên đá sống động” là chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô nói với các tín hữu Êphêxô rằng: anh em ”đã được xây trên nền tảng của các tông đồ và các ngôn sứ, có cùng ”đá tảng góc tường là chính Chúa Kitô Giêsu. Trong Người toàn công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí (Ep 2,20-22). Điều này thật là đẹp! Chúng ta là các viên đá sống động trong ngôi nhà của Thiên Chúa, hiệp nhất một cách sâu đậm với Chúa Kitô là dá tảng nâng đỡ và cũng là sự nâng đỡ giữa chúng ta với nhau, phải không? Và điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa chúng ta là Đền Thờ, là Giáo Hội, nhưng chúng ta là Giáo Hội sống động, chúng ta là Đền Thờ sống động, và trong chúng ta khi chúng ta hiệp nhất cùng nhau, thì có Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta lớn lên như là Giáo Hội. Chúng ta không cô đơn, chúng ta là dân của Thiên Chúa và Đức Thánh Cha chỉ mọi người hiện diện và nói: đây là Giáo Hội, dân của Thiên Chúa.

Rồi Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần như sau:

Và Chúa Thánh Thần với các ơn của Người chỉ định sự khác biệt: điều này quan trọng. Thế Chúa Thánh Thần làm gì giữa chúng ta? Người chỉ định sự khác biệt, sự khác biệt là sự phong phú trong Giáo Hội và hiệp nhất tất cả và mọi người, để xây nên một ngôi đền tinh thần, trong đó chúng ta không dâng lên các lễ tế vật chất, mà dâng lên chính chúng ta, cuộc sống của chúng ta (x. 1 Pr 2,4-5). Giáo Hội không phải là một giao thoa của các sự vật và các lợi lộc, mà là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, Đền Thờ trong đó Thiên Chúa hoạt động, Đền Thờ trong đó với ơn bí tích Rửa Tội, mỗi một người trong chúng ta là viên đá sống động. Điều này nói với chúng ta rằng không có ai là vô ích trong Giáo Hội cả. Nếu có người tình cờ nói tới ai đó rằng: ”Thôi về nhà đi, bạn là một người vô ích”. Điều này không thật đâu! Không có ai vô ích trong Giáo Hội cả: Tất cả chúng ta đều cần thiết để xây dựng Đền Thờ này. Không có ai là phụ thuộc cả! ”Ô tôi là người quan trọng nhất trong Giáo Hội!” Không. Tất cả chúng ta đều bằng nhau trước mắt Thiên Chúa, tất cả, tất cả. Nhưng mà một ai đó trong anh chị em có thể nói: ”Nhưng mà xin Đức Thánh Cha nghe đây, Đức Thánh Cha đâu có ngàng hàng với chúng con được!” Có chứ, tôi cũng như mọi người trong anh chị em thôi, chúng ta tất cả đều bằng nhau, chúng ta tất cả là anh em với nhau! Không có ai là vô danh cả. Tất cả chủng ta làm thành và xây dựng Giáo Hội. Điều này cũng mời gọi chúng ta suy tư về sự kiện nếu thiếu viên đá cuộc sống kitô của chúng ta, thì thiếu một cái gì đó cho vẻ đẹp của Giáo Hội.

Và vài người cũng có thể nói: ”A, tôi với Giáo Hội à không, tôi không ăn nhập gì tới Giáo Hội cả!” Nhưng mà thiếu viên đá đời bạn trong ngôi Đền Thờ xinh đẹp này! Không ai có thể bỏ đi được, phải không? Tất cả chúng ta đều phải đem đến cho Giáo Hội cuộc sống, con tim, tình yêu tư tưởng công việc làm... Tất cả cùng nhau!

Kết luận bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nêu lên câu hỏi sau đây:

Chúng ta sống sự kiện là Giáo Hội của chúng ta như thế nào? Chúng ta có là các viên đá sống động hay chúng ta là các viên đá mỏi mệt, chán nản, thờ ơ? Mà anh chị em có thấy một kitô hữu mệt mỏi, chán nản, thờ ơ là điều xấu xa không? Một kitô hữu như thế thất là xấu. Không được như vậy! Kitô hữu phải sinh động tươi vui là tín hữu kitô! Phải sống vẻ đẹp là thành phần dân của Thiên Chúa, là Giáo Hội. Vậy chúng ta có rộng mở cho hoạt động của Chúa Thánh Thần để là thành phần tích cực trong các cộng đoàn của chúng ta hay không, hay chúng ta khép kín trong chính mình và nói: ”Tôi có biết bao nhiêu điều phải làm, đó không phải là nhiệm vụ của tôi làm điều này điều nọ?” Đừng khép kín trong chính mình.

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn của Người, sức mạnh của Người để chúng ta có thể hiệp nhất một cách sâu xa với Chúa Kitô, là đá góc, là cột trụ, là đá đỡ nâng cuộc sống chúng ta và toàn cuộc sống của Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu nguyện để được linh hoạt bởi Thần Khí của Người. Chúng ta luôn là các viên đá sống động của Giáo Hội.

Sau khi chào nhiều phái đoàn tín hữu và chúc họ có những ngày hành hương Roma tươi vui và được nhiều ơn ích, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Đức Thánh Cha cũng đã để ra gần một giờ đồng hồ để chào một số Hồng Y Giám Mục tham dự buổi tiếp kiến cũng như tín hữu đứng hai bên khán đài, các cặp vợ chồng mới cưới và đặc biệt là các người tàn tật ngồi trên xe lăn. Hôm qua có nhiều em bé khi được Đức Thánh Cha hôn, cứ ôm chặt và không muốn rời cổ ngài nữa. Tín hữu tặng Đức Thánh Cha đủ thứ. Các em bé thì tặng hình chúng vẽ, cầu thủ các đội banh thì tặng Đức Thánh Cha áo của họ. Nhiều người đem các ảnh tượng, kể cả chén thánh để xin Đức Thánh Cha làm phép. Ngài dừng lại lắng nghe và nói chuyện lâu với một số người và không bao giờ tỏ ra vội vã. Đây là điểm đã thu hút tín hữu rất mạnh.

Linh Tiến Khải

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Thông báo Thường Huấn HĐMVGX, Giáo Họ & Giáo Khu lần 1/2013


GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
ỦY BAN MỤC VỤ GIÁO DÂN
THÔNG BÁO
THƯỜNG HUẤN
TV/HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ
GIÁO HỌ & GIÁO KHU
GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
ĐỢT I/2013
1. Thời gian và nơi thường huấn
Tuần thứ I (gồm 5 hạt): 
Châu Đốc, Long Xuyên, Chợ Mới, Vĩnh An, Vĩnh Thạnh.
Từ ngày 01.7.2013 đến ngày 05.7.2013
Cụ thể như sau:
- Thứ Hai, ngày   01.7.2013:      Hạt Châu Đốc tại Nhà thờ Châu Đốc
- Thứ Ba, ngày    02.7.2013:      Hạt Long Xuyên tại Nhà thờ Năng Gù
- Thứ Tư, ngày    03.7.2013:      Hạt Chợ Mới tại Nhà thờ Cù Lao Giêng
- Thứ Năm, ngày 04.7.2013:      Hạt Vĩnh An  tại Nhà thờ Martino (K.E 1)
- Thứ Sáu, ngày   05.7. 2013:     Hạt Vĩnh Thạnh tại Nhà thờ Thạnh An
Tuần thứ II(gồm 4 hạt): 
Hà Tiên, Rạch Giá, Tân Thạnh, Tân Hiệp.
Từ ngày 08.7.2013 đến ngày 11.7.2013
Cụ thể như sau:
- Thứ Hai, ngày  08.7.2013:    Hạt Hà Tiên tại Nhà thờ Kiên Lương
- Thứ Ba,  ngày   09.7.2013:   Hạt Rạch Giá  tại Nhà thờ Mong Thọ
- Thứ Tư,  ngày   10.7.2013:   Hạt Tân Thạnh tại Nhà thờ  Trung Thành
- Thứ Năm, ngày 11.7.2013:   Hạt Tân Hiệp tại TT Hành Hương Tân Hiệp
2. Học viên
    Ban TV/HĐMVGX: 5 Vị - Giáo Họ (Có Lm. phụ trách) : 5 Vị
    Giáo Họ (Không có Lm. phụ trách): 2 Vị
    Mỗi Khu: 2 Vị
3. Chương trình
Thời gian
Nội dung
Phụ trách
07 : 30
Đón tiếp
Điểm danh
Phân phối tài liệu (1)
TV/HĐMVGX sở tại
TV/HĐMVGX/GH
Ban Thư Ký   
08 : 00
Kinh khai mạc: Hát Kinh Chúa Thánh Thần
Kinh Hai Thánh Bổn Mạng
Dâng lời nguyện kết thúc
MC của Hạt

Cha Ủy Viên Hạt
 08 : 05

 08 : 15

Đại diện chào mừng
Huấn đức
Triển khai: - Nhận thức :
                     Người Giáo Dân Thiên Niên Kỷ Mới
                     Mô Hình Đào Luyện và Nội Dung
Ban Điều Hành HĐMV Hạt
Giáo quyền
Cha Trưởng ban
08 : 45
 
 09 : 15
Tiết 1:  Linh Đạo: (Chúa Kitô và Phúc Âm)
            Chuyên đề: Đức Tin sống động và cá vị
             Thảo luận tại chỗ (Câu hỏi thực tiễn)
Cha Bosco Đình

Đúc kết: Thực hành
09 : 30
Giải lao
Ban Văn Hóa Ẩm Thực sở tại
09 : 45
 
 10 : 15
Tiết 2: Mục Vụ: (Con Người và Môi Trường)
Chuyên đề: Chăm Sóc Con Người và Môi Trường
       Thảo luận tại chỗ (Câu hỏi thực tiễn)
Cha Giuse Hoàng

Đúc kết: Thực hành
10 : 30
 
 11 : 00
Tiết 3: Truyền Giáo: (Đối Thoại và Hòa Giải) 
 Chuyên đề: Truyền Giáo Học Thời Nay
Thảo luận tại chỗ (Câu hỏi thực tiễn)
Cha Giuse Toản

Đúc kết: Thực hành
11 : 15
Viếng Chúa tại chỗ
Cha Bosco Đình
11 : 30
Cơm trưa– nghỉ trưa – Café
Ban Văn Hóa Ẩm Thực sở tại
12 : 45
 12 : 50   
Tập trung tại Hội trường: sinh hoạt, khởi động
Hướng Dẫn và Áp Dụng QC/HĐMVGX
 (Nhiệm vụ của từng người)
MC + A. Ba Hữu
Cha Ủy Viên Hạt
13 : 15

Tiết 4: Truyền Giáo: (Đối Thoại và Hòa Giải) 
 Chuyên đề: Truyền Giáo Học Thời Nay
Cha Giuse Toản

13 : 45

Tiết 5: Mục Vụ: (Con Người và Môi Trường)
Chuyên đề: Chăm Sóc Con Người và Môi Trường
Cha Giuse Hoàng
14 : 15
Giải lao (Chia tổ)
Ban thư ký
14 : 45
Thảo luận 3 đề tài: (Mỗi đề tài 10 phút)
“Linh Đạo - Mục Vụ - Truyền Giáo ”
Quí Cha và Ban Thư Ký
15 : 15
Đúc kết: (mỗi đề tài 10 phút)
C.Đình + C.Hoàng + C. Toản
15 : 45
Thông qua:Thư quyết tâm gởi Q. Chức và Cha xứ 
Cha Hinh
16 : 00
Chầu Thánh Thể:  Chủ sự
Hướng dẫn
Thánh ca
Nghi thức: “Xin trao ban Thánh Thần”
Lời nguyện sai đi”
Cha Quản Hạt
Cha Bosco Đình
A. Ba Hữu
Cha Hinh + Quí Cha (đặt tay)
16 : 15
Kết thúc: Cám ơn
BĐH/GH
(1)  1. Tài liệu
      2.  Cài Huy hiệu HĐMVGX
      3.  Đeo Dây bảng tên

NB.     1. Ban Tổ Chức: Cha Ủy Viên và BĐH/HĐMVGX cấp Giáo Hạt
            2. MC: Cha Ủy Viên cơ sở chịu trách nhiệm
            3. Thư Ký: A. Ba Hữu
            4. Trật tự + Y tế: TV/HĐMVGX sở tại
            5. Giữ giờ: BĐH/HĐMVGX/GH
            6. Ẩm thực: Ban Văn Hóa Ẩm Thực sở tại.
Ngày 20-06-2013
TM/UBMVGD/Gp/LX
Lm. Gioakim Nguyễn Văn Hinh