label

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Đức Tổng Giám Mục Parolin, tân Quốc vụ khanh Tòa Thánh

Đức Tổng Giám Mục Parolin, tân Quốc vụ khanh Tòa Thánh



VATICAN. Hôm 31-8-2013, ĐTC Phanxicô đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, 79 tuổi, và bổ nhiệm Đức TGM Pietro Parolin, Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, lên kế nhiệm.
Thông cáo của Tòa Thánh nói rằng:

”ĐTC đã nhận đơn từ chức của ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, chiếu theo khoản giáo luật số 354, nhưng ngài xin ĐHY ở lại nhiệm vụ cho đến ngày 15-10 tới đây với tất cả những năng quyền của chức vụ này.
”Đồng thời, ĐTC bổ nhiệm, Đức Cha Pietro Parolin, Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela làm tân Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Đức TGM sẽ nhận chức vụ ngày 15 tháng 10 tới đây.

Trong dịp đó, ĐTC sẽ tiếp kiến các cấp trên và chức sắc của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, để công khai cám ơn ĐHY Tarcisio Bertone vì lòng trung thành và quảng đại phục vụ Tòa Thánh, và giới thiệu vị Quốc vụ khanh mới.
Mặt khác cùng ngày 31-8-2013, ĐTC đã tái bổ nhiệm các vị Bề trên tại Phủ Quốc Vụ Khanh, đó là Đức TGM Phụ tá Quốc vụ Khanh Giovanni Angelo Becciu, người Italia; Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti, người Pháp; Đức TGM Chủ tịch Phụ Giáo Hoàng, Georg Gaenswein, người Đức; Đức Ông Phó Phụ Tá Quốc vụ khanh, Peter Wells, người Mỹ, và Đức Ông Thứ trưởng ngoại giao, Antoine Camilleri, người Malta.

Thân thế Đức TGM Parolin

Đức TGM Parolin năm nay 58 tuổi, sinh ngày 17-1-1955 tại Schiavon tỉnh Vicenza, bắc Italia, thụ phong LM năm 1980, gia nhập trường ngoại giao Tòa Thánh năm 1983 (cùng năm với Cha Phêrô Nguyễn Văn Tốt, nay là TGM Sứ thần Tòa Thánh tại Costa Rica). Sau khi đậu tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana với luận án về Thượng HĐGM, Cha Parolin bắt đầu phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ ngày 1-7 năm 1986, trước tiên tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Nigeria, rồi Messico và sau đó tại Bộ ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1992. Ngài thông thạo tiếng Pháp, Anh và Tây Ban Nha, không kể tiếng Ý.

Ngày 30 tháng 11 năm 2002, Đức ông Parolin được bổ nhiệm làm thứ trưởng ngoại giao, thay thế Đức Ông Celestino Migliore, được thăng TGM và làm Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ ở New York.

Trong tư cách thứ trưởng ngoại giao, Đức Ông Parolin đã sang Việt Nam 3 lần để viếng thăm Giáo Hội và làm việc với các quan chức của chính phủ Việt Nam trong những vấn đề có liên hệ với Giáo Hội: lần đầu từ ngày 27-4 đến 2-5-2004; lần thứ hai từ ngày 5 đến 11-3-2007; lần thứ ba từ ngày 16 và 17-2-2009.

Đức Ông Parolin cũng hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh thương thuyết với các quan chức nhà nước Trung Quốc về tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại nước này.

Mùa hè năm 2009, Đức Ông Parolin được bổ nhiệm làm TGM Sứ thần tòa Thánh tại Venezuela và được ĐTC Biển Đức 16 truyền chức GM ngày 12-9 cùng năm 2009.

Đức TGM Parolin là vị Quốc vụ khanh trẻ nhất sau Đức Eugenio Pacelli, sau nay là ĐGH Piô 12. Ngài được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh năm 1930 lúc mới được 54 tuổi.

Trong tuyên ngôn công bố sau khi có tin bổ nhiệm, Đức TGM Parolin nồng nhiệt và kính mến cám ơn ĐTC vì sự tín nhiệm, đồng thời ”tái bày tỏ ý chí và sự sẵn sàng hoàn toàn cộng tác với Ngài và dưới sự hướng dẫn của Ngài để làm vinh danh Chúa hơn, mưu ích cho Hội thánh và sự tiến bộ cũng như an bình của nhân loại, để nhân loại tìm được những lý do để sống và hy vọng”.

Đức TGM cũng nhắc và ghi ơn ĐGH Biển Đức 16, ĐHY Bertone và các Bề trên tại Phủ Quốc vụ khanh. Ngài cũng bày tỏ lòng tín thác nơi ơn Chúa, mặc dù đứng trước nhiệm vụ khó khăn và nhiều đòi hỏi. ”Tôi phó thác cho lòng yêu thương từ bi của Chúa, mà không gì và không ai có thể tách tôi khỏi; tôi cũng phó thác cho lời cầu nguyện của mọi người”.

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Đừng sợ hãi bước qua cửa hẹp

Đừng sợ hãi bước qua cửa hẹp của Chúa Giêsu để gia nhập gia đình của Thiên Chúa



Chúa Giêsu là cửa dẫn chúng ta vào trong gia đình ấm êm của Thiên Chúa và sự hiệp thông với Người. Chúng ta đừng sợ hãi bước qua cửa niềm tin nơi Chúa Giêsu, để cho Người luôn ngày càng bước vào trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta ra khỏi các ích kỷ, các khép kín, các thờ ơ của chúng ta đối với tha nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời khích lệ như trên trước mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 25-8-2013 tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về đề tài ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu đang từ Galilea đi lên thành Giêrusalem và dọc đường, thánh sử Luca kể, có một người nọ tới gần và thưa với Người: ”Lậy Chúa, có ít người được cứu rỗi phải không?” (Lc 13,23). Chúa Giêsu không trả lời cậu hỏi một cách trực tiếp: không là điều quan trọng biết xem có bao nhiêu người đươc cứu rỗi, mà quan trọng hơn biết đâu là con đường của ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu trả lời câu hỏi băng cách nói: ”Các con hãy cố gắng vào cửa hẹp, bởi vì nhiều người sẽ tìm vào mà không thành cộng” (c. 24). Chúa Giêsu muốn nói gì vậy? Đâu là cửa mà chúng ta phải vào? Và tại sao Chúa Giêsu lại nói về cửa hẹp? Đức Thánh Cha trả lời như sau:

Cửa đó là chính Chúa Giêsu (x. Ga 10,9). Người là cửa, là đường cho sự cứu rỗi. Người dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Và cửa là Giêsu không bao giờ đóng, cửa này không bao giờ đóng, nó luôn luôn mở và mở cho tất cả mọi người, không phận biệt, không loại trừ, không đặc ân. Bởi vì anh chị em biết không, Chúa Giêsu không loại trừ ai hết. Có lẽ có ai đó trong anh chị em sẽ có thể nói với tôi rằng: Nhưng mà thưa cha, chắc chắn là con bị loại trừ rồi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi lắm: con đã làm những điều xấu xa, con đã làm biết bao nhiêu, trong cuộc sống...” Không, bạn không bị loại trừ đâu! Chính vì điều đó mà ban là người được ưa thích, bởi vì Chúa Giêsu luôn luôn ưa thích kẻ có tội hơn. Để tha thứ cho họ, để yêu thương họ... Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn để ôm bạn vào vòng tay của Người, để tha thứ cho bạn... Đừng sợ: Ngài chờ đợi bạn. Hãy linh hoạt lên, hãy can đảm bước vào cửa của Người.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói hình ảnh cái cửa hay trở lại trong Phúc Âm, và nhắc nhờ tới cửa nhà, của tổ ấm gia đình, nơi chúng ta tìm thấy an ninh, tình yêu và hơi ấm. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng có một cửa làm cho chúng ta bước vào trong gia đình của Thiên Chúa, trong sự ấm áp của nhà Thiên Chúa, của sự hiệp thông với Người. Tất cả chúng ta đều được mời gọi bước qua cửa đó, bước qua cửa của đức tin và vào trong cuộc sống của Người, để cho Người vào trong cuộc sống của chúng ta, để Người biến đổi nó, canh tân nó, ban cho nó niềm vui tràn đầy và lâu bền.

Ngày nay chúng ta đi qua trước biết bao nhiêu cửa mời gọi vào bằng cách hứa hẹn một hạnh phúc, mà rồi chúng ta nhận ra rằng nó chỉ kéo dài một lát, nó cạn kiệt trong chính nó, và không có tương lai. Nhưng tôi xin hỏi anh chị em: Chúng ta vào qua cửa nào đây? Và chúng ta muốn cho ai vào qua cửa cuộc sống chúng ta? Và Đức Thánh Cha mạnh mẽ mời gọi như sau:

Tôi muốn mạnh mẽ nói rằng: chúng ta đừng sợ hãi bước qua cửa niềm tin nơi Chúa Giêsu, để cho Người ngày càng bước vào hơn trong cuộc sống chúng ta, để ra khỏi các ích kỷ của chúng ta, ra khỏi các đóng kín của chúng ta, ra khỏi các thờ ơ của chúng ta đối với các người khác. Bởi vì Chúa Giêsu soi sáng cuộc sống chúng ta với một ánh sáng không tắt nữa. Nó không phải một pháo bông, không phải là một ánh chớp: không. Nó là một ánh sáng yên tĩnh kéo dài luôn mãi, và trao ban cho chúng ta hòa bình. Chúa Giêsu là ánh sáng mà chúng ta gặp, nếu chúng ta qua cửa của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên cửa của Chúa Giêsu là một cửa hep, không phải bởi vì nó là một phòng tra tấn. Không, không phải vì vậy! Nhưng bởi vì người đòi hỏi chúng ta mở con tim ra cho Người, nhận biết chúng ta là kẻ tội lỗi, cần đến ơn cứu rỗi của Người, sự tha thứ của Người, tình yêu của Người, khiêm tốn tiếp nhận lòng thương xót của Người và để cho Người canh tân chúng ta. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng là tín hữu kitô không phải là một nhãn hiệu! Tôi xin hỏi anh chị em: anh chị em là tín hữu kitô của nhãn hiệu hay của sự thật? Mỗi người hãy tự trả lời trong lòng mình nhé. Không bao giờ là tín hữu kitô của nhãn hiệu! Nhưng là kitô hữu thực thụ của con tim. Là kitô hữu là sống và làm chứng cho đức tin trong lời cầu nguyện, trong các việc bác ái, trong việc thăng tiến công lý, và thực thi điều thiện. Toàn cuộc sống chúng ta phải đi qua cửa hẹp là Chúa Kitô.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, là Cửa Trời, giúp chúng ta đi qua cửa đức tin, để cho Con Mẹ biến đổi cuộc sống chúng ta như đã biến đổi cuộc sống của Mẹ, để đe, tin vui của Phúc Âm tới cho tất cả mọi người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã lại kêu goi hòa bình cho dân nước Siria. Ngài nói: Tôi tiếp tục theo đõi tình hình tại Siria với nỗi đau đớn lớn lao và sự âu lo. Việc gia tăng bạo lực trong một trận chiến huynh đệ với, các tai ương và hành động tàn ác gia tăng, mà chúng ta tất cả cũng đã có thể trông thấy trong các hình ảnh kinh khủng của những ngày này, lại một lần nữa thúc đẩy tôi lên tiếng để cho tiếng súng im lặng. Không phải xung đột cống hiến các viễn tượng hy vọng giúp giải quyết các vấn đề, nhưng là khả năng gặp gỡ và đối thoại.

Từ cùng tận trái tim tôi, tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi của tôi, qua lời cầu nguyên và tình liên đới, với tất cả các nạn nhân của cuộc xung đột này, với tất cả những người đau khổ, đặc biệt là các trẻ em, và tôi xin mời gọi họ luôn giữ cho niềm hy vọng hòa bình cháy sáng. Tôi kêu gọi Cộng đồng quốc tế tỏ ra nhậy cảm hơn đối với tình hình thê thảm này và dấn thân để trợ giúp Quốc gia Sirai thân yêu tìm ra một giải pháp cho một cuộc chiến gieo tàn phá và chết chóc. Chúng ta tất cả cùng cầu nguyện, Chúng ta tất cả cùng xin Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình: Lậy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con. Xin tất cả mọi người: Lậy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau và chúc mọi người trở về với cuôc sống thường ngày an lành và cùng nhau nhìn tương lai với niềm hy vọng.

Linh Tiến Khải

Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô với hàng Giám Mục Mỹ Châu Latinh

Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô với hàng Giám Mục Mỹ Châu Latinh



Lúc 16 giờ chiều Chúa Nhật 28-7-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Giám Mục, trong đó có 45 vị thuộc Ủy ban điều hành Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi.

Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha với các Giám Mục đã là diễn văn dài nhất của ngài kể từ khi lên giữ chức vụ chức Giám Mục Roma kiêm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ.

Trong diễn văn Đức Thánh Cha đã tóm tắt một vài đặc thái của Hội nghị Aparecida triệu tập năm 2007 về đề tài truyền giáo cho châu Mỹ Latinh với hai chiều kích chương trình và mô thức thực hiện cụ thể tại các Giáo Hội địa phương. Ý thức về một Giáo Hội được tổ chức để phục vụ tất cả mọi tín hữu và những người thiện chí. Trong số các thách đố ơn gọi tông đồ thừa sai có việc canh tân nội bộ Giáo Hội và đối thoại với thế giới hiện nay.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đề cập tới vài cám dỗ chống lại ơn gọi tông đồ thừa sai khiến cho Giáo Hội đánh mất đi căn tính đích thật của mình và trở thành một thực thể khác, nhưng không phải là Giáo Hội của Chúa Kitô. Tiếp tục diễn văn nói với các hàng Giám Mục Mỹ châu Latinh, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một vài tiêu chuẩn giáo hội học, giúp hiện thực ơn gọi tông đồ thừa sai trong bối cảnh của Mỹ châu Latinh hiện nay.

Sau đây là nội dung phần đầu bài diễn văn quan trọng này.

Mở đầu bài nói chuyện Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Tôi cảm tạ Chúa về cơ may có thể nói chuyện với anh em, chư huynh Giám Mục, đặc trách Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh CELAM trong nhiệm kỳ 2011-2015. Từ 57 năm qua tổ chức CELAM phục vụ 22 Hội Đồng Giám Mục của Mỹ châu Latinh và vùng Caraibi bằng sự cộng tác một cách liên đới và phụ đới để thăng tiến, kích thích và làm năng động tính cách giám mục đoàn và sự hiệp thông giữa các Giáo Hội của Vùng này với các Chủ Chăn của nó.

Cũng như anh em, tôi là chứng nhân của sức thúc đẩy mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần trong Hội nghị khoáng đại lần thứ V của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh tại Aparecida hồi tháng 5 năm 2007. Hội nghị này tiếp tục linh hoạt các công việc của tổ chức CELAM đối với sự mong ước canh tân của các Giáo Hội riêng rẽ. Việc canh tân đó đã được tiến hành trong nhiều Giáo Hội địa phương. Tôi ước mong tập trung buổi nói chuyện này vào gia tài của cuộc gặp gỡ huynh đệ mà chúng ta tất cả đã coi như là Sứ mệnh truyền giáo đại lục.

Tiếp tục diễn văn Đức Thánh Cha đã ghi nhận vài đặc thái của Hội nghị Aparecida và nói: có bốn đặc thái riêng của Hội nghị lần thứ V này. Chúng như bốn cột trụ của việc phát triển của Hội nghị Aparecida và chúng trao ban cho nó sự độc đáo.

Đặc thái thứ nhất là Hội nghị bắt đầu mà không có tài liệu. Tại các Hội nghị Medellin, Puebla và Santo Domingo, các công việc đã bắt đầu với một lộ trình chuẩn bị đạt tột đỉnh với một loạt tài liệu làm việc giúp khai triển việc thảo luận, suy tư và chấp thuận tài liệu chung kết. Trái lại hội nghị Aparecida đã thăng tiến việc tham dự của các Giáo Hội địa phương như lộ trình chuẩn bị đạt tột đỉnh trong một tài liệu tổng kết. Tài liệu này tuy được dùng như điểm tham chiếu trong Hội nghị lần thứ V, nhưng đã không được coi như tài liệu khởi hành. Công việc khởi đầu bao gồm việc góp chung các ưu tư của các Chủ Chăn trước sự thay đổi của thời đại và việc cần thiết phục hồi cuộc sống tông đồ và truyền giáo mới là mục đích mà Chúa Kitô đã thành lập Giáo Hội.

Đặc thái thứ hai là môi trường cầu nguyện với Dân Chúa. Thật quan trọng nhắc tới bầu khí cầu nguyện được tạo ra bởi việc chia sẻ Thánh Thể hằng ngày và các lúc cử hành phụng vụ khác, trong đó chúng ta đã luôn luôn được Dân Thiên Chúa đồng hành. Đàng khác, bởi sự kiện các công việc được tiến hành dưới hầm Đền Thờ, ”nhạc hoạt động” đệm cho các công việc đó là các thánh ca và lời cầu của tín hữu.

Đặc thái thứ ba là Tài liệu kéo dài trong sự dấn thân, với Sứ mệnh truyền giáo đại lục. Trong bầu khí cầu nguyện và đời sống đức tin đó nảy sinh ước muốn của một lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội và dấn thân Truyền giáo đại lục. Hội nghị Aparecida không kết thúc với một tài liệu, mà kéo dài trong việc Truyền giáo đại lục.

Đặc thái thứ bốn là sự hiện diện của Đức Bà Mẹ của châu Mỹ Latinh. Đây là Hội nghị đầu tiên của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi được nhóm tại Đền Thánh Đức Mẹ.

Nói tiếp trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha trình bầy các chiều kích của việc truyền giáo cho lục địa Châu Mỹ Latinh. Ngài nói: Việc Truyền giáo lục địa được dự phóng trong hai chiều kích: có chương trình và mô thức thực hành.

Truyền giáo có chương trình, như tên của nó nói lên, bao gồm việc thực hiện các hành động có ấn tích truyền giáo. Việc truyền giáo mô thức thực hành trái lại, đòi buộc đặt để các sinh hoạt thông thường của các Giáo Hội địa phương trong chìa khóa truyền giáo. Một cách hiển nhiên, ở đây như là kết quả người ta đưa ra tất cả một năng động cải tổ các cơ cấu giáo hội. Việc ”thay đổi các cơ cấu” (từ tàn lụi sang mới mẻ) không phải là hoa trái của một nghiên cứu về việc tổ chức sự thiết đặt giáo hội hữu hiệu, từ đó sẽ là một việc tái tổ chức tĩnh, nhưng là kết qủa của năng động truyền giáo. Điều khiến cho các cấu trúc hư nát gẫy đỗ, điều dẫn đưa tới chỗ thay đổi con tim của các Kitô hữu, chính là tính cách truyền giáo. Từ đó nảy ra tầm quan trọng của mô thức truyền giáo.

Truyền giáo đại lục có chương trình hay như mô thức truyền giáo đòi hỏi việc tạo ra ý thức của một Giáo Hội được tổ chức để phục vụ tất cả mọi người đã được rửa tội và những người thiện chí. Người môn đệ Chúa Kitô không phải là một người bị cô lập trong một nền tu đức duy nội tại, nhưng là một người sống trong cộng đoàn để tự hiến cho tha nhân. Vì thế truyền giáo đại lục bao hàm việc thuộc về Giáo Hội.

Một định hướng như thế này, bắt đầu với việc là môn đệ truyền giáo và kéo theo việc hiểu biết căn tính của Kitô hữu như là thuộc về Giáo Hội, đòi hỏi chúng ta phải nêu rõ đâu là các thách đố hiện nay của tính cách truyền giáo của việc làm môn đệ. Tôi sẽ chỉ minh nhiên hai thách đố thôi: việc canh tân nội bộ Giáo Hội và đối thoại với thế giới hiện nay.

Đại hội Aparecida đã đề nghị Việc hoán cải mục vụ như là điều cần thiết. Sự hoán cải này bao gồm việc tin vào Tin Mừng, tin nơi Chúa Giêsu Kitô Đấng đem Nước Thiên Chúa đến, tin nơi sự hòa nhập của Người vào lòng thế giới, tin nơi chiến thắng của Người trên sự dữ, tin nơi sự trợ giúp và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tin nơi Giáo hội, Thân Mình của Chúa Kitô và là tổ chức kéo dài năng động của sự Nhập Thể.

Trong ý nghĩa đó như là các Chủ Chăn chúng ta cần đặt ra các câu hỏi quy hướng về các Giáo Hội mà chúng ta chủ trì. Các câu hỏi này dùng như hướng dẫn giúp duyệt xét tình trạng của các Giáo phận trong việc tiếp nhận tinh thần của hội nghị Aparecida và là các câu hỏi thich hợp chúng ta phải thường xuyên đặt ra như là việc xét mình.

Thứ nhất, chúng ta có làm sao để cho công việc của chúng ta và của các Linh Mục của chúng ta có tính cách mục vụ hơn là quản trị không? Ai là người chính yếu được thừa hưởng cộng việc của Giáo Hội. Giáo Hội như là tổ chức hay Dân của Thiên Chúa trong tổng thể của nó?

Thứ hai, chúng ta có vượt thắng được cám dỗ chú ý một cách phản ứng tới các vấn đề phức tạp nảy sinh ra hay không? Chúng ta có tạo ra một thói quen phò tích cực hay không? Chúng ta có thăng tiến các không gian và cơ hội giúp biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa không? Chúng ta có ý thức được trách nhiệm phải duyệt xét lại các sinh hoạt mục vụ và hoạt động của các cơ cấu Giáo Hội, bằng cách tìm thiện ích của tín hữu và của xã hội không?

Thứ ba, trong thực hành, chúng ta có làm cho tín hữu giáo dân trở thành những người tham dự vào Sứ Mệnh truyền giáo không? Chúng ta có cống hiến Lời Chúa và các Bí Tích với lương tâm trong sáng và xác tín rằng Chúa Thánh Thần biểu lộ trong đó không?

Thứ bốn, việc phân định mục vụ bằng cách sử dụng các Hội đồng mục vụ giáo phận có là một tiêu chuẩn quen thuộc hay không? Các Hội đồng ấy, và các Hội đồng mục vụ và hội đồng kinh tế giáo xứ có là các khoảng không đích thực cho việc tham dự của giáo dân vào việc cố vấn, tổ chức và lên chương trình mục vụ hay không? Hoạt động tốt của các Hội đồng là điều định đoạt. Tôi tin rằng chúng ta đang rất chậm trễ trong lãnh vực này.

Thứ năm, chúng ta là các Chủ Chăn, Giám Mục và Linh Mục, chúng ta có ý thức và xác tín về sứ mệnh của giáo dân và để cho họ được tự do để họ phân định sứ mệnh mà Chúa trao phó cho họ, một cách phù hợp với con đường môn đệ của họ hay không? Chúng ta có yểm trợ họ và đồng hành với họ, bằng cách thắng vượt bất cứ cám dỗ lèo lái họ hay bắt họ tùng phục trái phép không? Chúng ta có luôn luôn cởi mở để cho mình được mời gọi trong việc tìm kiếm thiện ích của Giáo Hội và Sứ Mệnh của Giáo Hội trong thế giới không?
Thứ sáu, các nhân viên mục vụ và các tín hữu nói chung có cảm thấy họ là thành phần của Giáo Hội, có tự đồng hóa với Giáo Hội và đem Giáo Hội tới gần với các người đã được rửa tội nhưng sống xa Giáo Hội không?

Như chúng ta có thể hiểu ở đây liên quan tới các thái độ. Việc hoán cải mục vụ một cách chính yếu liên quan tới các thái độ và việc cải tổ cuộc sống. Một sự thay đổi thái độ là năng động cần thiết: ”nước vào tiền đình” và chỉ có thể khơi rãnh cho nó bằng cách đồng hành với nó và phân định. Thật là quan trọng phải luôn chú ý rằng để khỏi đi lạc trên con đường này địa bàn là căn tính công giáo được hiểu như là thuệc về Giáo Hội.

Thách đố thứ hai là đốl thoại với thế giới hiện nay. Cần phải nhớ các lời của Công Đồng Chung Vaticăng II: các niềm vui và các hy vọng, các nỗi buồn và các âu lo của con người thời nay, nhất là của các người nghèo và những ai đau khổ, cũng là các niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và âu lo của các môn đệ Chúa Kitô (GS, 1). Chính đây là nền tảng cuộc đối thoại với thế giới hiện nay.

Câu trả lời cho các vấn nạn hiện sinh của con người ngày nay, đặc biệt của các thế hệ mới, bằng cách chú ý tới ngôn ngữ của họ, bao gồm một sự thay đổi phong phú, cần bước đi với sự trợ giúp của Tin Mừng, của Huấn Quyền và Giáo Lý Xã Hội của Hội Thánh. Các quang cảnh và các nơi rao giảng rất khác nhau. Chẳng hạn, trong cùng một thành phố, có các hình dáng tập thể khác nhau quy định hình dáng ”các thành phố khác nhau”. Nếu chúng ta chỉ ở lại trong các mẫu mực của ”nền văn hóa xưa kia”, nói cho cùng một nền văn hóa của nền tảng đồng quê, kết qủa sẽ là việc hủy bỏ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa ở trong tất cả mọi phía: cần phải biết khám phá ra Người để có thể loan báo Người trong tiếng nói của mọi nền văn hóa; và mỗi một thực tại, mỗi một ngôn ngữ đều có tiết nhịp khác nhau.

Trong phần hai bài nói chuyện với hàng Giám Mục châu Mỹ Latinh Đức Thánh Cha Phanxicô trình bầy vài cám dỗ chống lại ơn gọi tông đồ thừa sai và đề ra một vài tiêu chuẩn Giáo Hội học giúp thực thi ơn gọi đó.

Đức Thánh Cha nói: việc chọn lựa cuộc sống môn đệ thừa sai sẽ bị cám dỗ. Vì thế thật quan trọng phải hiểu biết chiến thuật tinh thần gian ác để có thể phân định. Đây không phải là việc đi ra để xua đuổi qủy dữ, nhưng chỉ là sự sáng suốt và khôn lanh theo tinh thần Tin Mừng mà thôi. Tôi chỉ xin nêu lên một vài thái độ diễn tả gương mặt của một Giáo Hội bị ”cám dỗ”. Đây là việc hiểu biết vài đề nghị nào đó hiện nay có thể giảm thiểu năng động của tông đồ thừa sai, khiến cho tiến trình hoán cải mục vụ dừng lại hay thất bại.

Cám dỗ thứ nhất là ý thức hệ hóa sứ điệp tin mừng. Đây là một cám dỗ mà Giáo Hội đã có ngay từ đầu: tìm một giải thích thực dụng tin mừng vượt ngoài chính sứ điệp của Tin Mừng và Giáo Hội. Một thí dụ, hội nghị Aparecida trong một lúc nào đó đã đau khổ vì cám dỗ này dưới hình thức của sự ”khử trùng”. Người ta dùng phương pháp ”nhìn xem, phán đoán, hành động”. Cám đỗ nằm ở chỗ lựa chọn một “nhìn xem” hoàn toàn lạnh lùng, một ”nhìn xem” trung lập, là điều không thể nào thực hiện được. Việc nhìn xem luôn luôn bị ảnh hưởng bởi cái nhìn. Không có việc giải thích thực dụng lạnh lùng. Khi đó câu hỏi nêu lên là chúng ta đi xem thực tại với cái nhìn nào? Hội nghị Aparecida trả lời: với cái nhìn của người môn đệ. Các số từ 20 tới 31 của tài liệu được hiểu theo nghĩa này. Có các cách ý thức hệ hóa sứ điệp khác và hiện nay xuất hiện tại châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi các đề nghị thuộc loại này. Sau đây tôi xin nhắc tới vài đề nghị:

Thứ nhất, chủ thuyết giản lược xã hội hóa. Đây là ý thức hệ hóa dễ khám phá ra. Trong vài thời điểm nó đã rất mạnh. Nó là một yêu sách giải thích dựa trên một kiểu giải thích của các khoa học xã hội, và bao gồm các lãnh vực khác nhau: từ chủ thuyết thị trường tự do cho tới các loại phạm trù hóa mác xít.

Thứ hai, việc ý thức hệ hóa tâm lý. Đây là một giải thích ưu việt, nói cho cùng nó giản lược việc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, và sự phát triển cuối cùng của nó thành một năng động của việc tự hiểu biết mình. Người ta thường cống hiến nó trong các khóa tu đức, các cuộc tĩnh tâm vv... Và kết cục nó trở thành một thái độ tự tại quy chiếu về mình. Nó không biết gì tới siêu việt, và vì thế không biết gì tới truyền giáo.

Thứ ba là đề nghị ngộ đạo khá gắn bó với cám dỗ kể trên. Nó thường được gặp trong các nhóm ưu việt với một đề nghị tu đức cao hơn, không nhập thể, và kết thúc bằng các thái độ mục vụ của loại ”các vấn nạn của việc thảo luận”. Đó đã là sự lệch lạc đầu tiên của cộng đoàn Kitô tiên khởi, và nó tái xuất hiện trong dòng lịch sử Giáo Hội, với các ấn bản được duyệt lại và sửa chữa. Một cách tầm thường người ta gọi họ là ”các tín hữu công giáo được soi sáng” (để hiện nay là những kẻ thừa tự của nền văn hóa duy quang luận).

Thứ bốn là đề nghị của Pelagio. Nó xuất hiện một cách nền tảng dưới hình thức tái thiết. Trước các bệnh của Giáo Hội người ta chỉ tìm một giải pháp kỷ luật, trong việc tái lập các thái độ và hình thức đã lỗi thời và cũng không có khả năng có ý nghĩa trên bình diện văn hóa. Tại châu Mỹ Latinh nó được hiệm thực trong các nhóm nhỏ, trong một vài dòng tu, trong các khuynh hướng ”an ninh giáo thuyết hay kỷ luật”. Một cách nền tảng nó ở trong thế tĩnh, mặc dù có thể tái hứa hẹn một năng động vào bên trong biến đổi. Nó tìm ”thu hồi” qúa khứ đã mất.

Cám dỗ thứ hai là chủ trương hữu hiệu. Hoạt động của nó trong Giáo Hội gây tê liệt. Hơn là với thực tại của đường đi, nó hứng khởi với ”bảng chỉ đường”. Quan niệm duy hữu hiệu không nhân nhượng mầu nhiệm, nó nhắm sự hữu hiệu. Nó giản lược thực tại của Giáo Hội vào cấu trúc của một tổ chức phi chính quyền. Điều có giá trị là kết qủa có thể nhận thấy được và các thống kê. Từ đó người ta đi tới tất cả các kiểu doanh nghiệp của Giáo Hội. Nó làm thành một loại ”thần học của sự phồn thịnh” trong khía cạnh tổ chức mục vụ.

Cám dỗ thứ ba là chủ thuyết duy giáo sĩ, nó cũng là một cám dỗ rất thời sự tại châu Mỹ Latinh. Một cách kỳ lạ là trong đa số các trường hợp đây là một sự đồng lõa tội lỗi: cha sở giáo sĩ hóa giáo dân, và giáo dân xin cha sở giáo sĩ hóa mình, bởi vì nói cho cùng thì tiện lợi hơn cho họ. Hiện tượng của khuynh hướng giáo sĩ giải thích phần lớn sự thiếu trưởng thành và sự tự do Kitô nơi một phần giáo dân châu Mỹ Latinh. Hoặc là không lớn lên, đó là trường hợp của đa số, hoặc là ru rú dưới các lớp áo của các ý thức hệ hóa như đã thấy, hay có các dáng bề ngoài một phần và hạn chế. Trong các vùng đất của chúng ta có một hình thức tự do giáo dân qua các kinh nghiệm của dân chúng: tín hữu công giáo như là dân chúng. Ở đây người ta thấy có một sự độc lập lớn hơn, nói chung lành mạnh, được diễn tả ra một cách nền tảng trong lòng đạo đức bình dận. Chương nói về lòng đạo đức bình dân trong tài liệu Aparecida miêu tả chiều kích này môt cách sâu xa. Đề nghị của các nhóm kinh thánh, của các cộng đoàn giáo hội cơ bản, và của các Hội đồng mục vụ đi theo hướng vượt thắng chủ thuyết duy giáo sĩ, và làm cho trách nhiệm của giáo dân lớn lên.

Chúng ta có thể tiếp tục miêu tả vài cám dỗ khác chống lại tông đồ truyền giáo nhưng tôi tin rằng các cám đỗ trên đây là các cám dỗ quan trọng nhất và trong lúc này có sức mạnh lớn hơn tại châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi.

Trong phần sau cùng của diễn văn Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị vài tiêu chuẩn có tính cách giáo hội học.

Thứ nhất, việc làm môn đệ thừa sai, mà tài liệu Aparecida đề nghị với các Giáo Hội châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi, là con đường mà Thiên Chúa muốn cho ngày ”hôm nay”. Tất cả dự phóng ảo tưởng (về tương lai) hay việc tái lập (qúa khứ) không phải là tinh thần tốt. Thiên Chúa thực tại và biểu lộ ra trong ngày ”hôm nay”. Hướng về quá khứ, sự hiện diện của Người được ban cho chúng ta như ”ký ức” của công trình cứu chuộc vĩ đại trong dân Người cũng như nơi mỗi một người trong chúng ta; hướng về tương lai nó được ban cho chúng ta như ”lời hứa” và niềm hy vọng. Trong qúa khứ Thiên Chúa đã hiện diện và để lại bước chân của Người: ký ức giúp chúng ta gặp gỡ Người. Trong tương lai nó chỉ là lời hứa... và không ở trong một ngàn lẻ một ”các điều có thể trong tương lai”. Ngày ”hôm nay” là giống với đời đời nhất; còn hơn thế nữa ngày ”hôm nay” là ”tia sáng của vĩnh cửu”. Trong ”Hôm nay” người ta định đoạt cuộc sống vĩnh cửu.

Việc làm môn đệ thừa sai là ơn gọi: được gọi và được sai đi. Nó được ban cho ngày ”hôm nay” nhưng trong sự ”hướng tới”. Không có việc làm môn đệ thừa sai tĩnh một chỗ. Người môn đệ thừa sai không thể chiếm hữu chính mình, cái tự tại của họ hướng tới sự siêu việt của môn đệ thừa sai và sự siêu việt của sứ mệnh đó không chấp nhập việc tự quy chiếu về chính mình: hoặc là họ quy chiếu về Chúa Giêsu Kitô, hoặc họ quy chiếu người dân mà họ phải loan báo Tin Mừng cho. Chủ thể tự siêu việt. Chủ thể dự phóng về cuộc gặp gỡ: cuộc gặp gỡ với Thầy Giêsu, là Đấng xức dầu biến chúng ta thành môn đệ, và cuộc gặp gỡ với những người chờ đợi việc loan báo.

Chính vì thế tôi thích nói rắng thế đứng của người môn đệ thừa sai không phải là một thế đứng trung tâm, nhưng ở ngoại ô: họ sống hướng về các vùng ngoại ô... bao gồm cả các vùng ngoại ô của sự vĩnh cửu trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Trong việc loan báo Tin Mừng, nói về các ”vùng ngoại ô của cuộc sống” là phân tâm, và chúng ta thường sợ hãi ra khỏi trung tâm. Người môn đệ thừa sai được mời gọi đi tới các vùng ngoại ô của cuộc sống.

Tiêu chuẩn Giáo Hội học thứ hai. Giáo Hội là cơ cấu, nhưng khi Giáo Hội đứng lên ở trung tâm, thì nó hoạt động và từ từ biến thành một tổ chức phi chính quyền. Khi đó Giáo Hội yêu sách có ánh sáng riêng của mình, và thôi là ”mầu nhiệm của mặt trăng” như các Giáo Phụ nói với chúng ta. Càng ngày Giáo Hội càng tự lấy mình làm điểm quy chiếu, và sự cần thiết truyền giáo yếu kém đi. Từ ”Cơ cấu” Giáo Hội biến thành ”Công trình”. Giáo Hội thôi là Hiền Thê để sau cùng là Người quản trị, từ Nữ tỳ biến thành ”Người kiểm soát”. Hội nghị Aparecida muốn có một Giáo Hội Hiền Thê, Mẹ, Nữ tỳ, người tạo dễ dàng cho đức tin, chứ không phải người kiểm soát đức tin.

Tiêu chuẩn giáo hội học thứ ba. Tại Aparecida chúng ta đã chú ý đến hai phạm trù mục vụ phát xuất một cách độc đáo từ Tin Mừng, và cũng có thể được dùng như tiêu chuẩn giúp lượng định giá trị kiểu cách, trong đó chúng ta sống ơn gọi môn đệ thừa sai một cách giáo hội: đó là sự gần gũi và việc gặp gỡ.

Không có điều nào mới cả, nhưng chúng làm thành mô thức trong đó Thiên Chúa đã tự mặc khải trong lịch sử. Đó là vì ”Thiên Chúa gần gũi” dân Người, sự gần gũi đạt tột đỉnh với việc nhập thể. Đó là vì Thiên Chúa đi ra để gặp gỡ dân Người. Bên châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi có các mục vụ ”xa cách”, mục vụ kỷ luật, dành ưu tiên cho các nguyên tắc, các thái độ, các tiến trình tổ chức... hiển nhiên là không gần gũi, không dịu hiền, không vuốt ve. Người ta không biết tới cuộc ”cách mạng của sự hiền dịu” khơi dậy sự nhập thể của Ngôi Lời. Có các mục vụ áp đặt với một độ xa cách tới nỗi không có khả năng đưa tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, và với người anh em. Từ loại mục vụ này cùng lắm chỉ có thể chờ đợi một chiều kích chiêu dụ tín đồ, nhưng chúng không bao giờ đưa tới chỗ đạt được việc tháp nhập vào Giáo Hội cũng như thuộc về Giáo Hội. Sự gần gũi chiếm hữu được hình thái đối thoại, và tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ. Bài giảng là một viên đá so sánh giúp điều chỉnh sự gần gũi và khả năng gặp gỡ của một mục vụ. Các bài giảng như thế nào? Chúng đưa chúng ta tới gần gương mẫu của Chúa chúng ta, là Đấng ”nói như ngươi có uy tín”, hay chúng chỉ là giáo điều, xa vằng và trừu tượng?

Tiêu chuẩn giáo hôi học thứ bốn là Giám Mục, Người hướng dẫn mục vụ, hướng dẫn Sứ mệnh đại lục, có chương trình cũng như là mô thức. Vị Giám Mục phải hướng dẫn thì khác với việc ngồi chễm chệ như ông chủ. Ngoài việc nhấn mạnh các gương mặt vĩ đại của hàng Giám Mục châu Mỹ Latinh mà chúng ta tất cả đều biết, tôi ước muốn thêm ở đây vài đường nét liên quan tới chân dung của vị Giám Mục, mà tôi đã trình bầy với các vị Sứ Thần trong cuộc họp chúng tôi đã có tại Roma.

Các Giám Mục phải là các Mục Tử, gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với nhiều hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm như sự tự do trước mặt Chúa, cũng như sự khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ của cuộc sống. Là những người không có ”tâm lý của các ông hoàng”. Là những người không tham vọng và là các phu quân của một Giáo Hội chứ không đợi chờ một Giáo Hội khác. Là những người có khả năng thức tỉnh trên đoàn chiên đã được giao phó, và săn sóc tất cả những gì duy trì doàn chiên hiệp nhất: canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa nó, nhưng nhất là làm cho niềm hy vọng lớn lên: ước gì các Mục Tử ấy có mặt trời và ánh sáng trong tim. Là những người có khả năng nâng đỡ các bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn. Và có ba chỗ của Giám Muc ở với dân mình: hoặc là ở đàng trườc để chỉ đường, hay ở giữa để duy trì đoàn chiên hiệp nhất và trung lập hóa các tán loạn, hoặc ở đàng sau để tránh cho ai đó ở lại đàng sau, nhưng cũng một cách nền tảng, để cho chính đoàn chiên đánh hơi hầu tìm ra các con đường mới.

Tôi không muốn nói nhiều hơn đến các chi tiết sau cùng về con người của vị Giám Mục, nhưng chỉ xin thêm một cách đơn sơ, bao gồm cả tôi nữa trong khẳng định này: là chúng ta hơi chậm trễ trong những gì quy chiếu về sự Hoán cải mục vụ. Thật thích hợp là chúng ta giúp nhau nhiều hơn một chút để làm các bước đi mà Chúa muốn cho chúng ta trong ngày ”hôm nay” này của châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi. Và thật tốt là bắt đầu từ đây.

Tôi xin cám ơn anh em đã kiên nhẫn lắng nghe tôi. Xin tha lỗi cho diễn văn vô trật tự của tôi, và tôi xin anh em, chúng ta hãy nghiêm chỉnh ý

thức về ơn gọi của chúng ta là phục vụ Dân thánh trung thành của Thiên Chúa, vì chính ở đây chúng ta thực thi và cho thấy quyền bính: trong khả năng phục vụ. Xin cám ơn anh em.

(SD 28-7-2013)

Linh Tiến Khải

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Bài giảng trong Thánh lễ an táng Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm

 

Ước mơ Hiệp nhất và Truyền giáo
Bài giảng của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục phụ tá Xuân Lộc,
trong Thánh lễ an táng Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Bùi Chu,
tại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, 21 tháng 8 năm 2013
(Các bài đọc: G 19, 23-27 ; 2 Tim 2, 8-13 ; Ga 17, 20-26)
Trọng kính Đức cha Giuse, người cha rất đáng mến của con cái Bùi Chu,
1. Giờ đây, tất cả chúng con, con cái Bùi Chu, xin được hiệp ý cùng Đức cha Chủ tế: Đức Tổng Phêrô, Chủ tịch HĐGM/VN, Đức Tổng Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh, quý Đức cha, quý cha Tổng đại diện, quý Bề trên các Hội Dòng và Tỉnh Dòng, quý linh mục tu sĩ, đặc biệt quý Cha Dòng Salêsien, quý thân nhân linh tông và huyết tộc và quý khách, chúng con xin kính chào Đức cha, với tất cả lòng kính mến của chúng con.
Chúng con kính chào Đức cha, vì chúng con biết Đức cha vẫn sống và như thể Đức cha đang nói với chúng con qua lời sách Gióp mới được công bố trong Thánh lễ: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống… Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, không còn xác thân này, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người và đôi mắt tôi sẽ chiêm ngắm Người, thân thiện chứ không phải như người xa lạ” (G 19,25-27) .
Trọng kính Đức cha, trong những ngày vừa qua, con cái Bùi Chu, với lòng quý mến và tiếc thương, dìu dắt nhau, ùn ùn về Tòa Giám Mục, đông vô kể, để kính chào Đức cha. Trong giây phút chia ly này, lòng chúng con bồi hồi, xúc động và muốn nói nhiều điều về Đức cha và về những công việc Đức cha đã thực hiện khi còn ở giữa chúng con. Nhưng trong bầu khí linh thiêng của Thánh Lễ, chúng con lại muốn đi vào cõi sầu lắng của tâm hồn để thưa truyện với Đức cha và nhất là để lắng nghe Đức cha. Xin Đức cha dạy bảo chúng con và cắt nghĩa Lời Chúa cho chúng con, như bao lần Đức cha đã từng làm trong những buổi lễ của giáo phận.
2. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ người con yêu quý của ngài là Timôtêô trong bài đọc thứ II: “Con hãy nhớ là Đức Giêsu Kitô, xuất thân từ dòng dõi Đavít, đã sống lại từ cõi chết, như cha vẫn nói trong Tin Mừng cha loan báo. Vì Tin Mừng ấy, cha chịu khổ đến độ phải mang xiềng xích như một tên gian phi… Bởi vậy, cha cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời” (2Tim 2,8-10). Hôm nay, chúng con đón nhận những lời đó như thể là lời nhắn nhủ mà chính Đức cha nói với chúng con. Đó là những lời đem lại niềm vui và niềm cậy trông, đồng thời, dẫn đưa chúng con mở rộng tầm nhìn và đi vào chiều sâu của sứ mệnh tông đồ được Chúa trao phó.
“Con hãy nhớ là Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết” (2Tim 2,8). Còn gì an ủi hơn khi được biết là Đấng mình tin tưởng và tôn thờ vẫn đang sống. Ngài mạnh hơn cả sự chết. Chính Ngài mới thực là nguồn mạch sự sống và Ngài cần được tôn thờ. Sự thật này cần phải nhắc đi nhắc lại cho nhau, nhất là trong hoàn cảnh của một xã hội hôm nay trong đó, người ta đang thi nhau tranh giành quyền lực và tiền bạc, tìm mọi cách để hưởng thụ thú vui cho dù có phải hy sinh danh dự, phẩm giá con người và ngay cả phần rỗi đời đời. Họ như những con thiêu thân trước đống lửa. Chính vì vậy, những lời thánh Phaolô đã nói với người con yêu quý Timôtêô phải là khuôn vàng thước ngọc cho mỗi môn đệ của Chúa, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân.
“Vì Tin Mừng, cha chịu khổ đến độ phải mang xiềng xích như một tên gian phi… Cha cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn” (2Tim 2,9-10). Khi nói đến đời sống kitô và sứ mệnh tông đồ, người ta thường nghĩ ngay đến việc phục vụ, đến các dự án, đến những công tác phải làm và các sinh hoạt phải tổ chức, còn đau khổ thì bị coi thường và còn tìm cách xa lánh. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy, làm phép lạ, chữa lành các bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo. Tất cả những điều đó cần thiết và tốt lành, nhưng không đủ. Cuối cùng, Chúa Giêsu còn phải chấp nhận Tuần Thương Khó, kết thúc với cái chết đớn đau và nhục nhã trên cây Thánh Giá. Đau khổ được đón nhận với lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, với lòng bao dung và tình yêu dâng hiến sẽ trở thành nguồn ơn cứu độ và đem phúc lành đến cho chính mình, cho gia đình mình, cho Giáo hội và thế giới. Chính vì vậy, thánh Phaolô đã thổ lộ với các tín hữu của ngài ở Colossê: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24).
3. Bài sách Tin Mừng thánh Gioan được công bố trong Thánh Lễ tiễn biệt Đức cha đã ghi lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Nhờ vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,20-21). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được công bố hôm nay trở thành như lời nhắn nhủ của Đức cha để lại cho đàn con giáo phận Bùi chu, đang thương tiếc Đức cha: Hiệp nhấttruyền giáo. Đó chính là ước mơ của Chúa Giêsu. Ước mơ đó của Chúa, Đức cha đã đón nhận và hôm nay Đức cha truyền lại cho con cái Bùi Chu, như thể Đức cha muốn nói: “Hỡi tất cả con cái giáo phận Bùi Chu, hãy hiệp nhất trong tình yêu của Chúa để cùng nhau ra đi thông truyền tình yêu đó cho anh chị em lương dân, mà ở giáo phận Bùi Chu chúng ta vẫn còn rất nhiều. Đó là chưa nói đến số anh chị em lương dân trên khắp đất nước Việt Nam và trên thế giới. Làm thế nào để anh chị em lương dân, còn vô vàn vô số, nhận biết ra là Chúa Giêsu đúng là kho tàng quý báu? Ngài quý giá hơn mọi sự quý giá trên đời! Làm thế nào để anh chị em lương dân nếm được niềm vui và sự ngọt ngào của môn đệ Chúa chỉ vì đã gặp được Chúa?”
Ước mơ hiệp nhấttruyền giáo là một công trình còn dang dở, chưa được thực hiện vẹn toàn trước khi Đức cha rời bỏ đàn con giáo phận ra đi. Hôm nay, ước mơ đó, chúng con đón nhận trong Thánh Lễ tiễn biệt Đức cha, như một di chúc Đức cha để lại mà đàn con Bùi Chu sẽ phải ghi tâm tạc dạ để cùng với vị Chủ Chăn mới của giáo phận, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, chung sức thực hiện như nhiệm vụ mà chính Chúa Giêsu, qua Đức cha, ký thác nơi con cái giáo phận Bùi Chu.  
4. Trong giây phút này, con cái Bùi Chu lại nhớ đến khẩu hiệu Giám mục của Đức cha: “Người bảo sao cứ làm vậy” (Ga 2,5). Khẩu hiệu này đã là câu tâm niệm hướng dẫn Đức cha trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ giám mục của Đức cha.
Với khẩu hiệu “Người bảo sao cứ làm vậy”, Đức cha dẫn đưa con cái Bùi Chu vào tâm tư sầu lắng của Chúa Giêsu, Đấng đã lấy việc thi hành Thánh Ý Thiên Chúa Cha như của ăn nuôi sống Ngài (x. Ga 4,34). Đây cũng chính là bí quyết của con đường hạnh phúc thật. Đó là con đường tình yêu, vì khi yêu ai, người ta mong mỏi muốn biết người mình yêu ưa thích điều gì và cố gắng đáp ứng. Thánh vịnh 119 đã reo lên: “Trong Thánh Ý Ngài là niềm vui mừng của chúng con!” (Tv 119,16). Nhưng hỏi mấy ai đã thực sự hiểu và trân trọng bí quyết này và mấy ai thực sự đã muốn bước theo con đường mà chính Chúa đã vạch ra?
Hành trình thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa đặt ra trước mắt hai khó khăn rất lớn. Đó là hiểu và làm theo Thánh Ý Chúa. Để hiểu và vâng theo ý Chúa, cần phải thực sự ao ước và tìm kiếm, mà tìm kiếm với lòng khiêm nhượng, vì, như thánh Phêrô đã nói: “Chúa chống lại những kẻ kiêu căng và ban ơn phúc cho những người khiêm nhượng” (1Pr 5,5). Giáo huấn của thánh Phêrô đã được thánh Gandhi diễn đạt lại cách mạnh mẽ hơn: “Ai muốn tìm kiếm Thiên Chúa là Sự Thật, phải khiêm nhượng, hạ mình xuống như cát bụi. Chỉ khi đó mới hy vọng đón nhận được đôi tia sáng của Sự Thật”.
Khẩu hiệu giám mục của Đức cha cũng chính là lời của Đức Mẹ đã nói với những người giúp việc trong tiệc cưới Cana: “Các anh hãy làm những gì ngài sẽ bảo”. Như vậy, khẩu hiệu giám mục đã cho thấy vị trí và tầm quan trọng của Mẹ Maria trong cuộc đời của Đức cha. Có lẽ không phải là ngoa ngôn nếu nói là mọi con cái Bùi Chu, già trẻ lớn bé, ai cũng nhận ra là Đức cha có lòng yêu mến Đức Mẹ rất tha thiết và luôn phó thác nơi Đức Mẹ. Tên Đức Mẹ luôn ở trên môi trên miệng Đức cha. Khi nghe nói Đức cha được Chúa gọi về Nhà Cha vào ngày thứ Bảy, con cái Bùi Chu đã nói ngay cách hết sức bộc phát: “Đúng là Đức Mẹ đã xuống đón Đức cha về trời vì Đức cha chúng con có lòng mến yêu Đức Mẹ lắm.”
5. Lời cầu nguyện Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha, đã được thánh Gioan ghi lại và hôm nay được công bố trong Thánh lễ tiễn biệt Đức cha: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,25). Ôi những lời ngọt ngào yêu thương, chứa chan hy vọng và niềm vui phát xuất từ chính cửa miệng của Chúa mà mọi con cái Chúa, ai cũng mong muốn được nghe.
Hôm nay, Đức cha đã được nghe những lời đầy yêu thương của Chúa, cùng với các Đức giám mục tiền nhiệm của Đức cha tại Tòa Bùi Chu này. Cả chúng con nữa, chúng con cũng ao ước sẽ được nghe những lời ngọt ngào đầy yêu thương đó, để cùng với Đức cha hưởng hạnh phúc trên Quê Hương Nước Trời, nơi “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt, sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4). Trong khi chờ đợi ngày vui vẻ hạnh phúc đó, đoàn con cái Bùi Chu chúng con, với lòng kính mến và tiếc thương, chúng con xin tạm biệt Đức cha.
 
Gm Giuse Đinh Đức Đạo

Thánh lễ an táng Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục giáo phận Vĩnh Long


Thánh lễ an táng Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục giáo phận Vĩnh Long
Nhà thờ chính toà Vĩnh Long, thứ Năm 22-08-2013. Theo chương trình, 9g30 mới bắt đầu Thánh lễ an táng Đức cha Tôma, nhưng từ sáng sớm tinh sương đã có nhiều đoàn từ khắp nơi trong và ngoài giáo phận đến kính viếng và ở lại tham dự Thánh lễ.
Khuôn viên Nhà thờ chính toà rợp cờ tang với bầu khí tang lễ, nhưng cũng thật ấm cúng vì tình huynh đệ yêu thương nơi các vị giám mục, linh mục đồng môn, đồng song của Đức cha Tôma ở Giáo hoàng Học viện Đà Lạt, ở Italia, các linh mục học trò ở Tiểu chủng viện Vĩnh Long và  Đại chủng viện Thánh Quý (Cần Thơ). Các Hội đoàn thân quen cũng như các Hội dòng từng được Đức cha Tôma dạy dỗ cũng đều có mặt từ rất sớm, nhất là HDMTG Cái Mơn, Cái Nhum, Dòng thánh Phaolô Mỹ Tho, Dòng Bác Ái Vinh Sơn. Quý thầy Dòng Kitô Vua, quý thầy của Đại chủng viện Thánh Quý là những người đã túc trực bên linh cữu Đức cha suốt những ngày qua đã có mặt từ lúc 5g30 sáng để tham dự Thánh lễ và di quan Đức cha. Đông đảo giáo dân ở khắp nơi trong và ngoài giáo phận cũng không quản ngại đường xa đến hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha Tôma.
Theo sắp xếp của Ban Tang lễ, gần một nửa số ghế ngồi trong nhà thờ được dành cho các linh mục đồng tế, tu sĩ nam nữ, quý thầy, thân nhân của Đức cha Tôma và quý khách.
Một giờ trước Thánh Lễ, ngôi nhà thờ với 6.000 chỗ không còn một chỗ trống. Ban tổ chức tang lễ đã thiết kế thêm 4 màn hình lớn trong khuôn viên và 2 màn hình lớn ở nhà nguyện phía dưới nhà thờ để giúp cộng đoàn dễ dàng tham dự Thánh lễ.
Sau khi di quan từ nhà nguyện dưới lên nhà thờ, linh cữu Đức cha Tôma được an vị trên thảm đỏ giữa cung thánh. Đúng 9g30, đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ gồm có vị chủ tế là Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng với Đức Tổng giám Mục Leopoldo Girelli và 18 vị giám mục khác. Đồng tế có hơn 300 linh mục trong và ngoài giáo phận. Theo Ban tổ chức, số giáo dân tham dự –trong và ngoài giáo phận– lên đến hơn 10.000 người.
Bài ca nhập lễ “Con hãy nhớ rằng” của linh mục Kim Long giúp cộng đoàn hướng lòng về Chúa và tin tưởng vào ngày được phục sinh với Chúa Kitô.
Trước khi cử hành Thánh lễ, cha Matthêu Nguyễn Tấn Thụy đọc tiểu sử Đức cha Tôma. Sau đó, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Việt, chánh văn phòng Toà giám mục, đọc điện văn chia buồn của Toà Thánh, của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, của Đức cha chủ tịch HĐGMVN cũng như liệt kê những phân ưu và kính viếng của đại diện các Toà giám mục, dòng tu, tu hội...
Trong tình thân với Đức cha Tôma và với giáo phận Vĩnh Long, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục Mỹ Tho, người mà cách nay không lâu đã chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ an táng Đức cha Giacôbê, nay một lần nữa lại tiếp tục chia sẻ Lời Chúa. Ngài tóm kết cuộc đời của Đức cha Tôma trong châm ngôn giám mục “Ambulate in Dilectione” mà Đức cha Tôma đã chọn:
An ủi lớn nhất trong cuộc đời linh mục và giám mục của Đức cha Tôma là được “làm bạn với Chúa Giêsu” và ở lại trong Tình Thương của Người. Không có gì quý báu và làm cho người môn đệ hạnh phúc bằng tình bằng hữu của Chúa. Chính Tình Thương của Chúa là nguồn vui bất diệt cho Đức cha và cho tất cả chúng ta. Hôm nay, nhân dịp lễ an táng Đức cha Tôma, Chúa Giê su nhắc lại cho tất cả chúng ta và mời gọi chúng ta đón nhận Tình bằng hữu của Người. Hãy để cho Người yêu thương chúng ta, hãy sống trong lòng mến của Người, hãy bước đi trong Tình yêu thương, hãy thực hiện điều răn yêu thương của Người, để thông phần trọn vẹn niềm vui của Người là Con Yêu Dấu đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng và được Chúa Cha yêu thương.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli nói lên tâm tình chia buồn sâu sắc từ Đức Thánh Cha, và của cá nhân ngài dành cho Đức cha Tôma và toàn thể gia đình giáo phận Vĩnh Long. Sau đó, Đức Tổng giám mục đã thay mặt Đức Thánh Cha gửi đến toàn thể cộng đoàn phép lành Toà Thánh.
Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Phêrô Dương Văn Thạnh, Quản hạt Cái Mơn, Trưởng ban tổ chức tang lễ, đại diện giáo phận nói lên lời cảm ơn đến Toà Thánh, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo, Đức Tổng giám mục Đại diện Tòa Thánh, Đức cha chủ tịch HĐGMVN, các Đức giám mục, các cha Tổng đại diện, đại diện Giám mục, quý bề trên dòng, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em giáo dân gần xa.
Kế đến, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục giáo phận Bà Rịa, chủ sự nghi thức từ biệt và phó dâng linh hồn Đức cha Tôma giáo phận Vĩnh Long cho lòng Chúa thương xót.
Linh cữu được di chuyển ra phần mộ ở Đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ. Thánh giá nến cao dẫn đầu đoàn rước, rồi đến các tu sĩ nam nữ, các linh mục và các giám mục, sau cùng là người cháu của Đức cha (một tân linh mục mới được thụ phong tại Thái Lan) với di ảnh của Đức cha Tôma đi trước linh cữu.
Trước khi hạ huyệt, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, giám mục giáo phận Long Xuyên đọc lời nguyện và làm phép huyệt, rảy nước thánh và xông hương. Sau khi hạ huyệt, các Đức cha lần lượt đến tiễn biệt Đức cha Tôma với một nắm đất trong tiếng nhạc trầm lắng du dương.
Các linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng lần lượt đến tiễn đưa vị chủ chăn đáng kính bằng việc cúi mình lặng lẽ trước huyệt mộ. Thế là thân xác ngài sẽ vĩnh viễn nằm lại nơi đây trong sự nhớ thương của đoàn con cái, trong sự mong đợi ngày Phục sinh cùng với Chúa Kitô, Đấng mà ngài đã quyết tâm phụng sự và cùng “hành trình trong Ðức Ái”.













(Theo giaophanvinhlong.net)
 
Giáo phận Vĩnh Long

ĐỨC THÁNH CHA SẼ LOAN BÁO NGÀY PHONG HIỂN THÁNH CHO ĐỨC GIOAN XXIII VÀ ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II

ĐỨC THÁNH CHA SẼ LOAN BÁO NGÀY PHONG HIỂN THÁNH CHO ĐỨC GIOAN XXIII VÀ ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II



RIMINI: Ngày 20-8-2013 Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã xác nhận rằng ngày 30-9-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ loan báo ngày phong hiển thánh cho Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Hồng Y Tổng Trưởng đã trả lời phóng viên Luca Collodi của đài Vaticăng trong cuộc phỏng vấn, khi ngài tham dự buổi khánh thành cuộc triển lãm về thánh Giovanni Battista Piamarta trong khuôn khổ Đại hội các dân tộc tại Rimini trung Italia. Đức Hồng Y cho biết ngày 29-7-2013 trong cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma, Đức Thánh Cha đã cho biết lễ phong thánh sẽ diễn ra trong năm 2014. Và ngài sẽ thông báo thời điểm.

Đức Gioan XXIII đã là một tiên tri lớn và là người đã triệu tập Công Đồng Chung Vaticăng II, trong khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đã thực thi và phát triển các giáo huấn của Công Đồng trong tất cả các khía cạnh và sức mạnh của nó. Hai vị thật là hai cột trụ của nền văn hóa và sự thánh thiện của Kitô giáo (RG 20-8-2013)

Linh Tiến Khải

ĐỐI THOẠI DỰA TRÊN SỰ HIỀN DỊU DẪN ĐƯA TỚI HÒA BÌNH



ĐỐI THOẠI DỰA TRÊN SỰ HIỀN DỊU DẪN ĐƯA TỚI HÒA BÌNH

VATICĂNG: Sáng ngày 21-8-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một nhóm 200 học sinh và giáo sư trường trung học Seibu Gauken Bunri Tokyo trong sân Damaso của nội thành Vaticăng. Ngài khích lệ các bạn trẻ thăng tiến sự gặp gỡ, đối chiếu và đối thoại vì đó là các dụng cụ của sự hiểu biết và hòa bình, đặc biệt khi chúng có nền tảng là sự hiền dịu.

Nhắc tới kinh nghiệm của ngài ngay từ khi còn trẻ đã muốn sang truyền giáo bên Nhật Bản Đức Thánh Cha nói: sự hiểu biết các nền văn hóa khác là cơ may giúp chúng ta lớn lên. Nếu chúng ta bị cô lập trong chính mình, chúng ta chỉ có những gì mình có, mà không thể lớn lên trên bình diện văn hóa. Trái lại, nếu chúng ta đi tìm gặp các người khác, các nền văn hóa khác, các kiểu suy tư khác, các tôn giáo khác, thì chúng ta sẽ ra khỏi chính mình, và bắt đầu cuộc mạo hiểm đẹp biết bao nhiêu là sự đối thoại.

Đối thoại rất quan trọng, vì nó giúp chúng ta lớn lên và trưởng thành. Trái lại, khép kín trong chính mình có thể gây ra các hiểu lầm và cãi nhau. Tuy nhiên, để cho cuộc đối thoại có hiệu qủa, cần phải có thái độ hiền dịu và khả năng tìm ra các con người và các nền văn hóa với sự hòa bình, khả năng đặt ra các vấn nạn thông minh... lắng nghe người khác trước rồi sau đó hẵng nói. Đó là sự hiền dịu. Chính đối thoại đưa tới hòa bình. Trái lại, việc thiếu đối thoại và khép kín trong chính mình chứa đựng các nguy hiểm đối với con người. Mọi chiến tranh, mọi xung khắc và tất cả các vấn đề không thể giải quyết được, nếu thiếu đối thoại. Khi có vấn đề hãy đối thoại, vì đối thoại tạo hòa bình. Các bạn hãy biết đối thoại. Khi đối thoại người ta lớn lên, và đó là điều tôi cầu chúc các bạn.

Một nữ sinh đã đại diện cả nhóm cám ơn Đức Thánh Cha đã cho họ được gặp ngài và hứa là từ nay sẽ thực hành lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ. Vì nữ sinh nói tiếng Ý nên Đức Thánh Cha hỏi: ”Cha cám ơn nhiều lắm. Mà con sinh ở Napoli hay sao mà nói tiếng Ý giỏi vậy?” Sau đó các bạn trẻ đã hát mừng Đức Thánh Cha bằng tiếng Nhật và ca khúc của trường Seibu Gauken Nunri. Đức Thánh Cha khen các bạn trẻ giỏi, hát hay quá! Ngài nói rất tiếc ngài lại không biết hát (RG 21-8-2013)

Linh Tiến Khải

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Thư phân ưu của Đức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam với giáo phận Bùi Chu



 
TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Thư phân ưu của Đức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam với giáo phận Vĩnh Long



 
TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Tòa Giám mục Vĩnh Long: Cáo phó



TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3 tháng 2
Vĩnh Long, Việt Nam

“Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)
CÁO PHÓ
Tòa Giám mục Vĩnh Long 
 trân trọng báo tin:
ĐỨC CHA TÔMA NGUYỄN VĂN TÂN
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long
Khẩu hiệu : AMBULATE IN DILECTIONE
“Hành Trình Trong Ðức Ái”
Sinh ngày 27-12-1940 tại Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, thuộc Họ Đạo Bãi Xan.
– Vào Tiểu Chủng viện Vĩnh Long ngày 01-09-1953.
– Từ tháng 07-1961 đến tháng 06-1970, học Triết và Thần học tại Giáo hoàng Học viện Thánh  Piô X Đà Lạt và tốt nghiệp tại học viện này với văn bằng Cử nhân Thần học.
– Ngày 21-12-1969, thụ phong linh mục, tại Nhà Thờ chính toà Vĩnh Long.
– Từ năm 1970 đến 1971: giáo sư Tiểu chủng viện Vĩnh Long.
– Từ tháng 09-1971 đến tháng 03-1974, học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana, Roma và trở về quê hương với văn bằng Tiến sĩ Thần học.
– Từ tháng 03-1974: giáo sư Ðại chủng viện Vĩnh Long. 
– Từ năm 1980 đến năm 2000: Phụ trách Nhà thờ Chủng viện.
– Từ cuối năm 1988 đến năm 2000: Giáo sư ngoại trú môn Thần học Luân lý tại Ðại chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ. Song song đó Ngài đảm trách các lớp Tiền Ðại chủng viện của giáo phận Vĩnh Long từ 1992 đến năm 2000.
– Ngày 15-08-2000: Giám mục phó giáo phận Vĩnh Long.
– Ngày 03-07-2001: Giám mục chính toà giáo phận Vĩnh Long.

Được Chúa gọi về vào lúc 21 giờ tối thứ Bảy, ngày 17-08-2013
Hưởng thọ 73 tuổi
– Linh cữu Đức cha Tôma được quàn tại Nhà thờ Chính toà Vĩnh Long,
– Nghi thức tẩn liệm vào lúc 16 giờ, Chúa Nhật ngày 18-08-2013

– Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 9 giờ 30, sáng thứ Năm 22-08-2013, 
Ngài sẽ an nghỉ nơi phần mộ tại khuôn viên nhà thờ Chính toà Vĩnh Long.

Xin hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Đức cha Tôma.

(Nguồn: www.giaophanvinhlong.net)
 
Tòa Giám mục Vĩnh Long

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa

Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.



Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ. Sức mạnh đích thật của kitô hữu là sức mạnh của sự thật và tình yêu thương, bao gồm việc từ chối mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không tương hợp với nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 18-8-2013.

Mở đầu bài huấn đụ Đức Thánh Cha nói: Trong phụng vụ hôm nay chúng ta nghe các lời này của thư gửi tín hữu Do thái: ”Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,1-2). Đây là một kiểu diễn tả, mà chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh trong năm Đức Tin này. Áp dụng vào cuộc sống tín hữu Đức Thánh Cha nói:

Cả chúng ta nữa treong suốt năm nay, chúng ta cũng hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu, bởi vì đức tin đến tư Người, là tiếng ”xin vâng” của chúng ta trong tương quan con thảo với Thiên Chúa; chính Người là Đấng trung gian duy nhất của tương quan ấy giữa chúng ta với Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên Trời. Đức Giêsu là Con, và chúng ta là con trong Người.

Nhưng Lời Chúa trong Chúa Nhật này cũng chứa đựng một lời nói của Đức Giêsu khiến cho chúng ta bị khủng hoảng, và nó phải được giải thích, nếu không nó có thể gây ra các hiểu lầm. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Các con tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Không, Thầy bảo cho các con biết, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Điều nay có nghĩa là gì? Và Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Nó có nghĩa là đức tin không phải là một cái gì để trang hoàng, trang sức; không phải là trang hoàng cuộc sống với một chút tôn giáo, hay như chiếc bánh với một chút kem sữa. Không! Đức tin bao gồm việc lựa chọn Thiên Chúa như là tiêu chuẩn nền tảng của cuộc sống, và Thiên Chúa không phải là trống không, không trung lập, Thiên Chúa luôn luôn tích cực, Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu thì tích cực. Sau khi Chúa Giêsu đến trần gian, không còn có thể làm như thể chúng ta không biết Thiên Chúa. Như thể Người là một điều trừu tượng, trống rỗng, quy chiếu thuần túy danh từ, không, Thiên Chúa có một gương mặt cụ thể, có một tên gọi: Thiên Chúa là lòng thương xót. Thiên Chúa là sự trung thành, là sự sống tự trao ban cho tất cả chúng ta. Chính vì vậy Chúa Giêsu nói Thầy đến để đem chia rẽ, không phải Chúa Giêsu muốn chia rẽ con người với nhau, trái lại, Chúa Giêsu là niềm an bình của chúng ta, là sự hòa giải của chúng ta. Nhưng niềm an bình ấy không phải là sự an bình của các nấm mồ, không phải sự trung lập, Chúa Giêsu không đem đến sự trung lập; sự bình an này không phải là một giàn xếp bằng mọị giá. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa đích thực của việc theo Chúa như sau:

Theo Chúa Giêsu bao gồm việc khước từ sư dữ, ích kỷ và lựa chọn sự thiện, chân lý, công bằng, cả khi nó đòi buộc hy sinh và từ bỏ các lợi lộc. Và chính điều này chia rẽ; chúng ta biết, nó chia rẽ cả những tương quan chặt chẽ nhất. Nhưng hãy chú ý: không phải Chúa Giêsu chia rẽ đâu! Người đưa ra tiêu chuẩn: sống cho chính mình, hay sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân; làm cho mình được hầu hạ hay hầu hạ; vâng lời cái tôi của mình hay vâng lời Thiên Chúa. Đó, Chúa Giêsu ”là dấu chỉ sự mẫu thuẫn” là trong nghĩa đó (Lc 2,34).

Như vậy, lời này của Tin Mừng không cho phép sử dụng sức mạnh để phổ biến đức tin. Trái lại: sức mạnh của kitô hữu là sức mạnh của chân lý và của tình yêu, bao gồm tư bỏ mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không tương hợp với nhau. Trái lại, đức tin và sự mạnh mẽ đi đôi với nhau. Tín hữu kitô không bạo lực, nhưng mạnh mẽ. Và với sức mạnh nào? Sức mạnh của sư hiền dịu, sức mạnh của sự hiền dịu, sức mạnh của tình yêu thương.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, cả giữa các người bà con của Chúa Giêsu cũng có vài người cho tới điểm nào đó đã không chia sẻ kiểu sống và giảng dậy của Người; Tin Mừng nói với chúng ta như thế (x. Mc 3,20-21). Nhưng Mẹ Người đã luôn luôn trung thành theo Người, dán chặt cài nhìn trên trái tim Chúa Giêsu, Con Đấng Tối Cao, và trên mầu nhiệm của Người. Và sau cùng, nhờ đức tin của Mẹ Maria, các người bà con của Chúa Giêsu đã bước vào làm thành phần của cộng đoàn kitô tiên khởi (x. Cv 1,14). Chúng ta cũng hãy xin Mẹ Maria trợ giúp chúng ta biết gắn chặt cái nhìn nơi Chúa Giêsu, và theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ.

Anh chị em hãy nhớ: theo Chúa Giêsu không phải là trung lập, theo Chúa Giêsu có nghĩa là để cho mính bị liên lụy,, bởi vì đức tin không phải là một đồ trang sức, mà là sức mạnh của linh hồn!

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phep lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xin mọi người cùng ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ đắm phà bên Philippines, cũng như cho gia đình và thân nhân của họ đang phải chịu đau đớn biết bao nhiêu. Ngài cũng nói chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình bên Ai Cập. Xin anh chị em tất cả cùng nói: ”Ly Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con! Tất cả mọi người: ”Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con!

Đức Thánh Cha đã chào tất cả mọi người hiện diện đặc biệt là nhóm dân ca vũ Ba La đến từ Edmonton bên Canada và nhóm bạn trẻ Brambilla gần Bergamo. Khi nghe họ reo hò Đức thánh Cha nói: ”Cha thấy các con. Cha thấy các con rõ lắm! Rồi ngài nói tiếp: tôi chúc lành cho ngọn đuốc mà các bạn trẻ sẽ đi bộ đem từ Roma về tới nhà họ. Sau cùng ngài đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và bữa trưa ngon miệng.

Linh Tiến Khải

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

GIÁO XỨ CẦN XÂY MỪNG MỪNG BỔN MẠNG LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI



GIÁO XỨ CẦN XÂY MỪNG MỪNG BỔN MẠNG LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI VÀ THAY MẶT GIÁO PHẬN CHẦU THÁNH THỂ

            Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là bổn mạng của giáo xứ lẽ ra vào ngày thứ năm 15/8 nhưng vì là ngày thường nhiều giáo dân còn đi làm xa chưa thể về, nên cha sở cho phép dời lại ngày chủ nhật 18/8/2013 mừng lễ cho long trọng và mọi người trong giáo xứ có thể tham dự được. Hôm nay cũng là ngày chầu lượt của giáo xứ thay mặt địa phận. Ngay từ sáng sớm dòng người đã đổ về dự lễ thật đông và sốt sáng. Trong thánh lễ cha sở cũng nói về Mẹ lên trời, và chính vì Mẹ lên trời đã đem lại niềm hy vọng cho chúng ta ở thế trần và đặc biệt những ai biết cậy trông Mẹ. Nguyện xin Mẹ nâng đỡ và hỗ trợ giáo xứ chúng con, cho mỗi người trong giáo xứ chúng con biết chạy đến với Chúa và Mẹ. Thay đổi tâm hồn những người còn lạc xa Chúa sớm trở về với lòng thương xót của ngài.
            Sau thánh lễ là giờ chầu chung đầu tiên, dù lễ xong trời đã rất sáng nhưng mọi người vẫn ở lại dự giờ chầu chung. Nhìn lên bàn thờ với hào quang Thánh Thể làm cho tâm hồn như lâng lâng về sự tuyệt đối. Lạy Chúa Giê Su Thánh Thể xin cho chúng con luôn được kết hợp với người. Xin cho mỗi người chúng con biết lấy Thánh Thể là lương thực hàng ngày nuôi dưỡng tâm hồn. Sau giờ chầu chung là đến các giờ chầu riêng theo lịch kéo dài cho đến 17 giờ. Mọi thành phần trong giáo xứ và các hội đoàn đã đi chầu theo đúng lịch của mình, nhưng có rất nhiều người rất sốt sáng chầu liện tục nhiều giờ. 
                            
Hào quang rực r