label

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các tham dự viên Đại hội toàn thể Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các tham dự viên Đại hội toàn thể Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn
Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô
cho các tham dự viên Đại hội toàn thể
Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn
Hội trường Clementine
Thứ Năm,  28-11-2013
WHĐ (30.11.2013) – Từ ngày 25 đến 28-11-2013, Đại hội toàn thể Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn đã diễn ra tại Vatican với chủ đề “Thành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau trong xã hội dân sự”. Trong dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho 50 tham dự viên Đại hội một buổi tiếp kiến vào sáng 28-11-2013 tại Hội trường Clementine.
Sau đây là nội dung huấn từ của Đức Thánh Cha.
***
Thưa quý Hồng y,
Quý anh em thân mến trong hàng giám mục,
Anh chị em thân mến,
Trước hết tôi xin lỗi vì đến trễ. Buổi tiếp kiến đã bị hoãn. Cảm ơn anh chị em đã kiên nhẫn chờ đợi. Tôi rất vui được gặp anh chị em trong bối cảnh của Đại hội toàn thể của anh chị em: xin thân ái chào từng người và cảm ơn Đức hồng y Jean-Louis Tauran đã thay mặt anh chị em ngỏ lời với tôi.
Giáo hội Công giáo ý thức giá trị của việc thăng tiến tình hữu nghị và sự tôn trọng giữa mọi người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau. Càng ngày chúng ta càng hiểu rõ tầm quan trọng của điều này, vì thế giới, theo một nghĩa nào đó, trở thành nhỏ hơn, vì hiện tượng di dân làm gia tăng mối liên lạc giữa các cá nhân và cộng đồng thuộc các truyền thống, văn hóa tôn giáo khác nhau. Thực tế này thách đố lương tâm Kitô giáo của chúng ta, và là thách đ cho đức tin, cho đời sống cụ thể của các Giáo hội địa phương, các giáo xứ, và các tín hữu. Vì thế nó liên quan đặc biệt đến chủ đề của Đại hội của anh chị emThành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau trong xã hội dân sự”.
Như tôi đã nói trong Tông huấn Evangelii Gaudium, một thái độ cởi mở trong chân lý và tình yêu phải là nét đặc trưng trong cuộc đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo ngoài Kitô giáo, dù có nhiều trở ngại và khó khăn, đặc biệt là những hình thái cực đoan chủ nghĩa của cả hai bên” (số 250). Trong thực tế, trên thế giới có những tình huống mà việc chung sống là khó khăn: thường là do những lý do chính trị hay kinh tế cùng với những khác biệt về văn hóa và tôn giáo, cũng như những hiểu lầm và những sai lạc trong quá khứ: mọi sự có thể gây ra nghi ngờ và sợ hãi. Chỉ có một cách vượt qua nỗi sợ này, đó là đối thoại, gặp gỡ với tình bằng hữu và sự tôn trọng. Đi theo con đường này là đi theo con đường của nhân loại.
Đối thoại không có nghĩa là từ bỏ căn tính của mình khi đến với người khác, và cũng không phải là chấp nhận thỏa hiệp về đức tin và luân lý Kitô giáo. Trái lại, sự cởi mở đúng nghĩa bao hàm việc kiên định trong những xác tín sâu xa nhất của mình, rõ ràng và tươi vui trong căn tính của mình” (số 251);vì vậy tin rằng việc gặp gỡ người khác có thể đem lại cơ hội để lớn lên trong tình huynh đệ, để phong phú hoá để làm chứng.
Vì thế đối thoại liên tôn và loan báo Tin Mừng không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Chúng ta không áp đặt bất cứ điều gì, chúng ta không sử dụng những chiến lược mánh khoé để lôi kéo tín hữu, nhưng chúng ta loan báo Tin Mừng với ​​niềm vui và lòng đơn sơ về những gì chúng ta tin tưởng và những gì chúng ta cảm nghiệm. Thật vậy, một cuộc gặp gỡ mà trong đó mỗi người bỏ qua một bên điều mình tin, giả vờ từ bỏ những gì là quý giá nhất với mình, chắc chắn không phải là cuộc gặp gỡ đích thực. Người ta gọi đó là tình huynh đệ giả tạo. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải nỗ lực vượt qua nỗi sợ, luôn sẵn sàng đi bước trước, không nản chí trước những khó khăn và hiểu lầm.
Cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau cũng giúp vượt qua một nỗi sợ hãi khác, mà thật không may, chúng ta thấy đang gia tăng trong những xã hội bị tục hóa nặng nề nhất: đó là sợ các truyền thống tôn giáo khác nhau và sợ chính tôn giáo. Tôn giáo bị coi như điều gì đó vô dụng hoặc thậm chí nguy hiểm, khi các Kitô hữu bị buộc phải từ bỏ các xác tín về tôn giáo và đạo đức của mình ở nơi làm việc (x. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Diễn văn với Ngoại giao đoàn, 10-01-2011). Nhiều người tin rằng chỉ có thể chung sống nếu che giấu căn tính tôn giáo của mình, gặp nhau ở nơi trung lập, không liên quan gì đến siêu việt. Nhưng làm sao có thể xây dựng các mối quan hệ thực sự, kiến tạo một xã hội là ngôi nhà chung đích thực, nếu đòi hỏi các thành viên phải gạt sang một bên những gì thiết thân với mình? Không thể nghĩ ra một tình huynh đệ “trong phòng thí nghiệm. Chắc chắn, tất cả những điều này phải diễn ra trong sự tôn trọng niềm tin của người khác, kể cả những người không tin, nhưng chúng ta phải có can đảm và sự kiên nhẫn để gặp gỡ đến với nhau như chúng ta vốn là.
Tương lai nằm trong sự cùng tồn tại trong đa dạng và tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải trong sự đồng nhất một tư tưởng trung lập có tính lý thuyết. Vì thế, việc công nhận quyền tự do tôn giáo quyền căn bản, trong mọi chiều kích của quyền này, là điều thiết yếu. Về vấn đề này, trong những thập kỷ gần đây đã có những nỗ lực rất lớn để trình bày Huấn quyền của Giáo hội. Chúng ta tin rằng đây là con đường để xây dựng hòa bình trên thế giới.
Tôi cảm ơn Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn những phục vụ quý báu của Hội đồng, và tôi xin Chúa ban dồi dào ân phúc xuống trên từng người anh chị em. Xin cảm ơn!
(Minh Đức chuyển ngữ)
 
ĐGH Phanxicô

2015 sẽ là năm về Đời Sống Thánh Hiến

Đức Thánh Cha cho biết năm 2015 sẽ là năm về Đời Sống Thánh Hiến



VATICAN. Trong buổi gặp gỡ 120 Bề trên Tổng quyền các dòng nam hôm 29-11-2013, ĐTC Phanxicô loan báo năm 2015 sẽ là năm về Đời Sống Thánh Hiến.

Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam nhóm Đại hội lần thứ 82 tại trung tâm Salesianum của dòng Don Bosco ở Roma từ ngày 27 đến 29-11-2013. Các vị đã xin được gặp ĐTC như một buổi tiếp kiến, trái lại ngài đã dành cho các vị một cuộc gặp gỡ trao đổi dài 3 tiếng đồng hồ và trả lời những câu hỏi do các Bề trên nêu lên, ví dụ về căn tính và sứ mạng của đời sống thánh hiến, tình trạng ơn gọi bị sa sút tại một số nước, v.v.

ĐTC nhận định rằng có những Giáo Hội trẻ đang mang lại những hoa trái mới. Điều này dĩ nhiên buộc phải nghĩ lại việc hội nhập đoàn sủng. Giáo Hội phải xin lỗi và xấu hổ nhìn những thất bại trong việc tông đồ vì những hiểu lầm trong lãnh vực này, như trường hợp cha Matteo Ricci ở Trung Quốc (bị cấm không được hội nhập văn hóa). Cuộc đối thoại liên văn hóa phải thúc đẩy việc du nhập trong việc cai quản các dòng tu những người thuộc các nền văn hóa khác nhau diễn tả bằng những cách thức khác nhau cách sống đoàn sủng của dòng.

ĐTC nhấn mạnh rất nhiều về việc đào tạo. Và theo ngài, việc đào tạo này phải dựa trên bốn cột trụ chính là huấn luyện tu đức, trí thức, cộng đồng và tông đồ. Cần tránh mọi hình thức giả hình và duy giáo sĩ, nhờ một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở về mọi khía cạnh của đời sống. ĐTC nói: ”Việc huấn luyện là một công trình 'thủ công' chứ không có tính chất 'cảnh sát': mục tiêu là huấn luyện các tu sĩ có một con tim hiền dịu, và không chua như dấm. Tất cả chúng ta là người tội lỗi, nhưng không ung thối. Người ta chấp nhận kẻ tội lỗi nhưng không chấp nhất người ung thối”.

Các Bề trên cũng hỏi ĐTC về tương quan giữa các tu sĩ với các Giáo hội địa phương nơi các tu sĩ hoạt động. Ngài nói là do kinh nghiệm ngài biết có những vấn đề có thể xảy ra. ĐTC nói: ”Các GM chúng tôi phải hiểu rằng những người thánh hiến không phải là chất liệu trợ tá, nhưng là những đoàn sủng làm cho các giáo phận được phong phú thêm”.

Sau cùng ĐTC cho biết sẽ dành năm 2015 tới đây là Năm Về đời sống tu trì thánh hiến. Khi từ giã các bề trên ngài nói: ”Cám ơn anh em về những gì anh em đang làm và về tinh thần đức tin, cũng như sự tìm kiếm phục vụ. Cám ơn vì chứng tá của anh em cũng như vì những tủi nhục mà anh em đã phải trải qua” (SD 29-11-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Ai sống bác ái và thương xót thì không sợ chết

Ai sống bác ái và thương xót thì không sợ chết



Nếu chúng ta mở cửa cuộc sống và con tim cho các anh chị em bé nhỏ nhất, thì khi đó cả cái chết của chúng ta cũng sẽ trở thành một cánh cửa dẫn chúng ta bước vào trời, vào quê hương diễm phúc.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 60.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 27-11-2013. Sau khi chào mọi người Đức Thánh Cha khen ngợi tín hữu can đảm vì đứng trong trời lạnh tại quảng trường. Từ mấy ngày nay trời Roma rất lạnh và có gió buốt.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài ”chết trong Chúa Kitô”. Ngài nói:

Giữa chúng ta có một kiểu nhìn sai lầm về cái chết. Cái chết liên quan tới tất cả chúng ta và cật vấn chúng ta một cách sâu xa, đặc biệt khi nó đụng chạm tới chúng ta từ gần, hay khi nó đánh trúng những người bé nhỏ, không được bênh đỡ trong một cách thế gây gương mù gương xấu. Đối với tôi câu hỏi đã luôn luôn đánh động tôi đó là: Tại sao các trẻ em đau khổ? Tại sao các trẻ em chết? Nếu được hiểu như là việc kết thúc mọi sự, cái chết khiến cho chúng ta hoảng sợ, nó đánh chúng ta ngã gục trên đất, nó biến thành sự đe dọa, bẻ gẫy mọi tương quan và cắt đứt mọi con đường. Điều này xảy ra, khi chúng ta coi cuộc sống như một thời gian khép kín trong hai cực: sinh ra và chết đi; khi chúng ta không tin nơi một chân trời vượt xa hơn chân trời hiện tại; khi người ta sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu. Quan niệm này về cái chết là quan niệm đặc biệt của tư tưởng vô thần, giải thích cuộc sống như là một hiện diện tình cờ trong thế giới và như một con đường tiến về hư không. Nhưng cũng có một chủ thuyết vô thần thực tiễn, chỉ sống cho các lợi lộc riêng tư và các sự vật trần gian. Nếu chúng ta để cho quan niệm sai lầm này về cái chết nắm bắt, thì chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc che dấu cái chết, khước từ nó, hay tầm thường hóa nó, để nó không làm cho chúng ta sợ.

Nhưng trái tim con người, ước mong vô tận mà chúng ta tất cả đều có, nỗi nhớ nhung vĩnh cửu mà tất cả chúng ta đều có, nổi loạn đối với giải pháp giả này. Như thế, đâu là ý nghĩa kitô của cái chết? Nếu chúng ta nhìn vào các lúc khổ đau của cuộc sống, khi chúng ta đã mất đi một người thân - cha mẹ, một người anh chị em, một người phối ngẫu, một đứa con, một người bạn - chúng ta nhận ra rằng cả trong thảm cảnh mất mát ấy, cả khi bị xâu xé vì sự chia lìa, từ con tim vang lên một xác tín rằng nó không thể là hết tất cả, rằng thiện ích đã cho và đã nhận đã không uổng công. Có một bản năng mạnh mẽ trong chúng ta, nói với chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta không kết thúc với cái chết. Điều này thật đó: cuộc sống của chúng ta không kết thúc với cái chết!.

Nỗi khát khao sự sống đó đã tìm thấy câu trả lời đáng tin cậy nơi sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Sự sống lại của Chúa Giêsu không chỉ trao ban sự chắc chắn của sự sống bên kia cái chết, mà cũng còn soi sáng chính mầu nhiệm cái chết của từng người trong chúng ta nữa. Nếu chúng ta sống hiệp nhất với Chúa Giêsu, trung thành với Ngài, chúng ta sẽ có khả năng đương đầu với việc bước qua cái chết với niềm hy vọng và sự thanh thản. Thật thế Giáo Hội cầu nguyện rằng: ”Nếu sự chắc chắn phải chết khiến cho chúng con buồn sầu, thì lời hứa sự bất tử mai sau ủi an chúng con”. Đây thật là một lời cầu đẹp của Giáo Hội! Một người hướng tới chết như đã sống. Nếu cuộc sống của tôi đã là một lộ trình bước đi với Chúa, tin tưởng nơi lòng thương xót của Ngài, tôi sẽ được chuẩn bị chấp nhận giây phút cuối cùng của cuộc đời dương thế như là sự phó thác vĩnh viễn trong bàn tay tiếp nhận của Người, trong khi chờ đợi chiêm ngưỡng gương mặt Ngài diện đối diện. Đây là điều đẹp nhất có thể xảy ra: chiêm ngưỡng mặt đối mặt gương mặt tuyệt vời của Chúa. Nhưng trông thấy Ngài như Ngài là: xinh đẹp, tràn đầy ánh sáng, tràn đầy tình yêu, tràn đầy sự dịu hiền. Chúng ta đi tới điểm này: đó là tìm được Chúa.

Trong chân trời này chúng ta hiểu lời Chúa Giêsu mời gọi hãy luôn luôn sẵn sàng và tỉnh thức. Khi biết rằng cuộc sống trên trần gian này được ban cho chúng ta cũng là để chuẩn bị cuộc sống khác, cuộc sống với Thiên Chúa Cha ở trên trời. Và Đức Thánh Cha chỉ cho thấy có một con đường chắc chắn như sau:

Và có một con đường chắc chắn cho điều này: đó là tự chuẩn bị tốt cho cái chết, bằng cách ở gần Chúa Giêsu. Đó là sự chắc chắn. Tôi chuẩn bị mình cho cái chết băng cách ở gần Chúa Giêsu. Và chúng ta ở gần Chúa Giêsu như thế nào? Với lời cầu nguyện, trong các Bí Tích và cả trong việc thực thi bác ái nữa. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa hiện diện nơi các người yếu đuối và cần được trợ giúp. Ngài đã đồng hóa chính mình với họ, trong dụ ngôn nổi tiếng của sự phán xét sau hết, khi Ngài nói: ”Ta đói các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống, Ta là khách lạ các con đã tiếp đón, Ta trần truồng các con đã cho mặc, Ta đau yếu các con đã viếng thăm, Ta ở tù các con đã đến tìm ... Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây là các con đã làm cho chính Ta” (Mt 25,35-36).

Vì thế một con đường chắc chắn là phục hồi ý nghĩa của tình bác ái kitô và của sự chia sẻ huynh đệ, lo lắng cho các vết thương trên thân xác và trong tinh thần của tha nhân. Tình liên đới trong việc cảm thương nổi khổ đau và trao ban hy vọng là tiền đề và là điều kiện để nhận được gia tài Nước Trời được chuẩn bị cho chúng ta. Ai thực thi lòng thương xót thì không sợ cái chết.

Xin anh chị em hãy nghĩ tới điều đó nhé! Ai thực thi lòng thương xót thì không sợ chết. Anh chị em có đồng ý không? Chúng ta hãy cùng nhau nói lên đièu đó để không quên: Ai thực thi lòng thương xót thì không sợ chết. Một lần nữa nào: Ai thực thi lòng thương xót thì không sợ chết. Bởi vì họ nhìn thẳng mặt nó nơi các vết thương của các anh chị em khác và thắng vượt nó với tình yêu của Chúa Giêsu Kitô.

Nếu chúng ta mở cửa cuộc sống và con tim cho các anh chị em bé nhỏ nhất, thì khi đó cả cái chết của chúng ta cũng sẽ trở thành một cánh cửa dẫn chúng ta bước vào trời, vào quê hương diễm phúc, nơi chúng ta hướng tới bằng cách khát khao ở luôn mãi với Thiên Chúa là Cha chúng ta, với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, cũng như từ Á châu như đoàn hành hương Philippines, và từ châu Mỹ Latinh như các đoàn hành hương Mêhicô, Guatemala, Argentina. Ngài đã chào đặc biệt hàng ngàn tín hữu Ucraine cùng với Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shcevchuk, các Giám mục và tín hữu công giáo Hy Lạp hành hương tới mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô trong Năm Đức Tin và nhân kỷ niệm năm mươi năm di đời xác thánh Giosaphat trong Đền thờ thánh Phêrô. Gương của thánh nhân hiến mạng sống cho Chúa Giêsu và cho sự hiệp nhất của Giáo Hội là lời mời gọi tất cả mọi người dấn thân mỗi ngày cho tình hiệp thông giữa các tín hữu.

Chào các bạn trẻ Đức Thánh Cha khích lệ họ chuẩn bị tâm lòng đón Chúa Giêsu Cứu Thế. Ngài nhắn nhủ các anh chị em bệnh nhân dâng các khổ đau cho Chúa để mọi người nhận biết nơi lễ Giáng Sinh cuộc gặp gỡ của Chúa Kitô với bản tính nhân loại yếu hèn. Đức Thánh Cha khuyên các cặp vợ chồng mới cưới sống đời hôn nhân như phản ánh tình yêu của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha cũng đã chào, ôm hôn và ủy lạo rất nhiều người tàn tật ngồi trên xe lăn và chào các trẻ em bị bệnh chậm trí. Ngài cũng dừng xe xuống chào một đám học sinh gân cổ réo gọi tên ngài, khiến cho các em vô cùng sung sướng, níu kéo không muốn để cho ngài đi.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Bài giảng lễ chủ nhật Chúa Giê Su Vua Vũ trụ

MỘT ÔNG VUA KÌ LẠ

            Tại viện bảo tàng ở Bruxelles, nước Bỉ, người ta còn lưu giữ một bức họa nổi tiếng. Bức tranh rất đẹp, vẽ hình Napoléon, vua nước Pháp vào những ngày cuối đời,ông bị lật đổ và bị lưu đày ở đảo Saint Hélène.
            Bức tranh rất sống động, vẽ khuôn mặt Napoléon hốc hác, bơ phờ, đôi mắt trợn trắng đầy vẻ sợ hãi. Trước mặt ông là một biển người. Họ là những người lính, đã chiến đấu dưới cờ của ông đang giơ cao nắm tay như đe dọa, như tố cáo, căm thù ông đã dẫn họ đến chỗ chết vì tham vọng của ông.. Napoléon là một danh tướng, rồi sau lên làm vua tiếng tăm lừng lẫy của nước Pháp. Thế nhưng ông đã kết thúc cuộc đời bằng chuỗi ngày lưu đày cô độc nơi hoang đảo, không một tên lính quèn hầu hạ.
            Một bạo Chúa Néron, một Thành cát Tư Hãn, một Tần Thủy Hòang quyền uy, giàu sang và tàn ác nhất thiên hạ, rồi gần hơn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và còn biết bao vua chúa khác, chỉ nghe tên thôi, nhiều kẻ  cùng thời với họ đã phải rụng rời, khiếp vía !
Thế nhưng nay họ đâu hết rồi ?
Thưa tất cả đã theo nhau chui xuống mồ. Ngai vàng của họ đã bị nối tiếp nhau sụp đổ, chôn vùi tất cả quyền uy, sự giàu sang, tàn ác của họ dưới ba tấc đất. Thời gian đã xóa sạch mọi dấu vết của họ trên trần gian này.
Nhưng lịch sử lòai người một ông Vua, một ông Vua kỳ lạ !
* Không có hòang cung mà cũng chẳng có ngai vàng.
* Không có triều thần, mà cũng chẳng có lãnh thổ đất đai.. thậm chí không có một cục đất để gối đầu.
* Không có lính tráng, quân đội, mà cũng chẳng có vũ khí.
* Cận thần của ông chỉ có vỏn vẹn 12 anh thuyền chài dốt nát, nhút nhát, quê mùa.
* Vũ khí, chiến lược của ông chỉ là “ yêu thương, tha thứ”.
* Ngày ông đăng quang, ngày ông lên ngôi chính là ngày ông bị truất phế, bị giết chết.
* Ngày ông thật sự Cai trị, chính là ngày ông bị thế gian lọai trừ, như ông đã nói trước : “ Khi nào ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự theo..”
Và thật thế, ngày ông vua ấy bị hành quyết, Nước của ông bắt đầu lan rộng, lan nhanh và lan mạnh như thác lũ. Càng chận đứng, càng bắt bớ, chèn ép nó càng lan rộng, càng tỏa xa ! Máu của những người bị giết vì theo ông, là hạt giống nảy sinh thêm hàng hàng, lớp lớp những thế hệ nối tiếp !
Thật vậy cho đến hôm nay, khắp trên mặt đất này, đã có, đang có và sẽ có hằng tỷ người tin theo ông, là công dân của ông. Họ đang giơ cao nắm tay, không phải để óan hờn ông như binh lính của Napoléon, mà để biết ơn, để tôn vinh ông đã giải phóng, đã cứu độ, đã đưa họ đến sự sống trường sinh.
Ông VUA ấy là ai, chắc anh chị em đã hiểu rồi. Đó chính là Đức Giêsu Kitô mà hôm nay, ngày Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, GH long trọng tôn vinh.
Anh chị em thân mến,
Giữa lúc nhân lọai ngày nay người ta chán chê chế độ quân chủ độc tài phong kiến.. Người ta lật  đổ hầu hết ngai vàng của các vua chúa từ đời này qua đời khác , cha truyền con nối đàn  áp người dân. Còn chăng, lác đác vài nước còn Vua, thì những ông vua sót lại ấy cũng chỉ mang tính biểu tượng, chứ không có thực quyền.
Nhân lọai ngày nay đòi dân làm chủ. Họ muốn tự làm chủ cuộc đời, làm chủ vận mệnh của mình. Người lãnh đạo phải là người phục vụ họ, chứ không phải là kẻ thống trị. Trước bối cảnh như thế, mà GH vẫn cứ duy trì Lễ Chúa Kitô là Vua, vẫn mạnh dạn tôn vinh Chúa là Vua.
Phải chăng GH bảo thủ, lạc hậu, muốn lội ngược dòng tiến bộ của nhân lọai ? Tôi tin chắc rằng, cho đến ngày tận thế, GH vẫn tôn vinh Chúa là VUA, vì không có một ông VUA nào đáng tôn thờ như Chúa !
- Xưa nay chỉ có người dân chết cho vua chúa, chứ không hề có ông vua nào chết cho thần dân như  Chúa.
- Xưa nay vua chúa là kẻ thống trị, đè đầu đè cổ người dân, chứ chưa hề có ông vua nào hầu hạ thần dân như Chúa. Ngài nói :Ta đến để phục vụ chứ không phải để cai trị..Người làm lớn phải là người tôi tớ..
- Xưa nay vua chúa thẳng tay trừng trị những kẻ tội lỗi, chứ không có Vua nào tìm kiếm những kẻ tội lỗi mà yêu thương, tha thứ như Vua Giêsu.
- Vua chúa trần gian chỉ hứa hẹn , chỉ cố gắng đem lại cho thần dân một cuộc sống vật chất, tạm bợ ở trần gian là khá lắm rồi, chứ không một ông vua nào dám đảm bảo cho người dân một cuộc sống hạnh phúc đời đời như Vua Giêsu..
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm VUA tâm hồn, cuộc đời và gia đình con. Con muốn được mãi mãi là công dân của Chúa đến suốt đời. Amen

                                                                                                                   LM Phêrô Mai Đức Vượng

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Đại lễ mừng kỷ niệm 100 năm giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng


Đại lễ mừng kỷ niệm 100 năm giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng
LẠNG SƠN (21.11.2013) – Hôm nay, 21-11-2013, hàng ngàn trái tim của mọi thành phần Dân Chúa giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng chung nhịp đập hướng về Nhà thờ Chính toà của giáo phận trong ngày hân hoan cử hành Đại lễ Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Toà Thánh thiết lập Phủ Doãn Tông Toà Lạng Sơn – Cao Bằng.
Những cơn mưa rả rích cùng với tiết trời lạnh miền sơn cước không làm vơi đi niềm vui, không làm chùn bước chân của dòng người từ khắp các nẻo đường của giáo phận về tham dự Đại lễ. Đoàn xa xôi nhất đến từ giáo xứ Thánh Tâm Hà Giang vượt qua chặng đường 450 km đã về từ sáng sớm ngày hôm qua, 20-11. Dẫu đường sá xa xôi với bao khó khăn nhưng sự háo hức và niềm vui của mọi người không hề thuyên giảm. Nhà thờ Chính toà đã thực sự trở nên mái nhà chung và diễn tả sống động một bầu khí gia đình thật đẹp nơi giáo phận truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng.
Ngay từ rạng sáng, nhiều người đã đến Nhà thờ Chính toà để cộng tác chuẩn bị mừng Đại lễ Năm Thánh Giáo phận, tùy theo khả năng.
Trong phòng khách Toà Giám mục, Đức cha Giuse đón tiếp phái đoàn của các giáo phận, các đoàn thể và ban ngành, các đại diện Chính quyền từ Trung ương đến Tỉnh, thành phố và phường sở tại… đến chúc mừng và chia vui với gia đình giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng nhân dịp Đại lễ Năm Thánh.
Đúng 9g51, đồng hồ và các chuông trên tháp Nhà thờ Chính toà ngân lên rộn ràng, báo hiệu giờ cử hành Thánh lễ. Đoàn đồng tế gồm Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli và quý Đức Tổng giám mục, quý Đức giám mục, quý linh mục và phó tế từ khuôn viên Toà Giám mục rước qua quảng trường Nhà thờ Chính toà, tiến lên lễ đài chính. Tham dự Thánh lễ đặc biệt long trọng này có trên 3.500 người gồm quý khách, quý tu sĩ và giáo dân khắp nơi.
Sau khi đoàn đồng tế đã tiến lên lễ đài, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, thay mặt cho mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận phát biểu chào mừng các vị khách quý. Hiện diện trong Thánh lễ có Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli – Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến và Đức cha Lorenso Chu Văn Minh; các cha Tổng Đại diện các giáo phận, quý cha bề trên Dòng và rất đông quý cha trong và ngoài giáo phận. Đức cha Giuse cũng chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của đại diện Chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương, các ban ngành đoàn thể, quý vị đại diện các Tôn giáo bạn và các vị khách từ nhiều giáo phận trong cả nước, đoàn đến từ Tổng giáo phận Nam Ninh (Trung quốc)…
Với tư cách vị mục tử của giáo phận, Đức cha Giuse vui mừng chào đón mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng đã trở về mái nhà chung của giáo phận họp mừng Đại lễ và cộng tác để công việc được tốt đẹp.
Trong diễn văn chào mừng, Đức cha Giuse đã khái lược dòng lịch sử 100 năm của giáo phận truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng qua những mốc quan trọng và những thời điểm đáng ghi nhớ. Từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trong một cách thức rất đặc biệt, miền đất Lạng Sơn – Cao Bằng này đã trở nên một dấu chỉ tình thương và sự yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Hành trình 100 năm qua là hành trình đi trong ân sủng và phúc lành gìn giữ của Thiên Chúa. Hành trình trước mắt mang nhiều dấu chỉ của niềm vui và hy vọng về một mùa lúa thiêng liêng dồi dào cho cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát nhưng đang ngày một khởi sắc. Dấu mốc lịch sử 100 năm của giáo phận là một thời khắc quan trọng để giáo phận nhìn lại quá khứ với niềm tri ân cảm tạ, chấn hưng hiện tại với niềm vui và bình an, hướng tới tương lai với niềm hy vọng và xác tín.
Đúng 9g45, Thánh lễ đại trào mừng 100 năm Toà Thánh thiết lập Phủ doãn Tông Toà Lạng Sơn – Cao Bằng được chính thức cử hành do Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli chủ sự. Cộng đoàn phụng vụ tham dự trong niềm sốt sắng, trang nghiêm và tâm tình đầy xúc động.
Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hoá, đã có bài chia sẻ đầy ý nghĩa. Ngài điểm qua một vài kỷ niệm khi đến thăm giáo phận thời khó khăn với một vị giám mục, một linh mục, một nữ tu và số giáo hữu khiêm tốn, đời sống giáo phận nghèo nàn, cơ sở vật chất tiêu điều, một bầu khí cô quạnh, đìu hiu. Tưởng chừng như có những thời điểm giáo phận truyền giáo này chỉ còn là danh nghĩa. Nhưng, ơn Chúa quan phòng đầy tình thương đã luôn gìn giữ và nâng đỡ bằng nhiều cách thức khác nhau, khi âm thầm, khi mãnh liệt, để rồi hôm nay, giáo phận bừng lên sức sống mới, một sự hồi sinh đến bất ngờ. Giai đoạn lịch sử 100 năm đánh dấu bao thăng trầm trong đời sống giáo phận, nhưng đó cũng là những năm tháng hạt giống Tin Mừng được âm thầm gieo vãi và chờ ngày kết trái đơm bông. Đức cha Giuse bày tỏ hy vọng và xác tín rằng với ơn Chúa và nỗ lực của mọi thành phần Dân Chúa nơi đây, ánh sáng Tin Mừng sẽ được chiếu toả mạnh mẽ hơn, xuyên qua từng dãy núi, chiếu toả trên núi rừng và thấm đẫm vào từng bản làng, thôn xóm.
Sau phần hiệp lễ và lời nguyện của vị chủ tế, cha Tổng đại diện Giuse Trần Đức Hạnh, thay mặt cho mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, nói lên tâm tình tri ân và niềm cảm tạ tới Đức Tổng giám mục Đại diện Toà Thánh, quý Đức Tổng giám mục, quý Đức giám mục, quý cha, quý tu sĩ, quý khách đã đến chúc mừng, chia sẻ niềm vui với giáo phận nhân dịp Đại lễ Năm Thánh kỷ niệm 100 năm của giáo phận truyền giáo. Với sự quan tâm ưu ái của Toà Thánh, của các đấng bậc trong Hội Thánh và của các vị mục tử, con thuyền giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng đã vượt qua được những thăng trầm và thách đố khắc nghiệt của hoàn cảnh và thời cuộc, để hôm nay, giáo phận có những sự hồi sinh và những phát triển đáng khích lệ. Ngày Đại lễ Năm Thánh hôm nay được diễn ra thật tốt đẹp và cảm động. Đó là bằng chứng rõ nét tình thương Thiên Chúa và tấm lòng của quý đấng bậc, quý khách đối với giáo phận nhỏ bé xa xôi này. Cha Giuse cũng cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của các giáo xứ, dòng tu và các đoàn hội cùng mọi thành phần Dân Chúa cho ngày đại lễ hôm nay.
Những bó hoa tươi như gói ghém bao tâm tình tri ân của con cái xứ Lạng được kính tặng Đức Tổng giám mục Đại diện Toà Thánh, quý Đức Tổng, quý Đức cha hiện diện.
Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli bày tỏ sự vui mừng và cảm kích khi lần thứ ba được đến thăm giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng và nhất là hiện diện, chủ sự Thánh lễ mừng bách chu niên giáo phận. Nhìn vào bầu khí long trọng của Thánh lễ này, cũng như đêm Diễn nguyện đầy ý nghĩa hôm trước, ngài nói lên sự phát triển đầy khích lệ của giáo phận, cũng như sự nỗ lực với tất cả nhiệt tâm của Đức cha Giuse, quý cha và toàn thể Dân Chúa nơi đây. Một giáo phận truyền giáo nhỏ bé nhất của Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam, nhưng đang có những sự vươn lên đầy hy vọng. Lạng Sơn – Cao Bằng được ví như hai con mắt thật đẹp của Giáo hội Việt Nam hôm nay.
Ngài ví von một cách thật ấn tượng: hôm nay chúng ta thấy trời mưa nên quảng trường này được che bằng hai chiếc ô rất lớn, tượng trưng cho Lạng Sơn và Cao Bằng, nhưng chúng ta chỉ có một mái thật rộng để che lễ đài này, nói lên chỉ có một Giáo hội duy nhất, và tất cả chúng ta quy tụ nơi đây để bày tỏ một tinh thần Gia đình duy nhất. Chúng ta hãy hết sức gìn giữ những giá trị quý báu của tiền nhân đi trước đã dầy công vun trồng, và hôm nay hãy tiếp tục chăm sóc cho cánh đồng truyền giáo có được những mùa gặt bội thu.
Sau lời huấn từ, Đức Tổng giám mục chủ sự và quý Đức Tổng, quý Đức cha đã long trọng ban phép lành cho toàn thể Cộng đoàn hiện diện. Thánh lễ kết thúc lúc 11g15, mọi người cất cao lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và chia sẻ với nhau niềm hân hoan vui mừng trong ngày Đại lễ.
















(Nguồn: giaophanlangson.org)
 
Ban Truyền thông Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha tội cho chúng ta qua các linh mục

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha tội cho chúng ta qua các linh mục



Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta; qua chức thừa tác của linh mục Thiên Chúa lại ôm chúng ta trong vòng tay, tái sinh chúng ta và cho phép chúng ta đứng dậy và tiếp tục lộ trình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-11-2013 tại quảng trường thánh Phêrô, trong đó có rất nhiều người trẻ. Họ không ngớt reo hò và réo gọi Đức Thánh Cha. Khi Đức Thánh Cha quay qua một bên hơi lâu một chút, thì tín hữu phía bên kia lại réo gọi. Cũng như mọi lần đã có hàng chục trẻ em được các cận vệ bế đưa lên cho Đức Thánh Cha hôn và xoa đầu các em. Đức Thánh Cha đã chào thăm, hôn, vuốt ve an ủi hàng trăm bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi ngồi trên xe lăn.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tài tha tội, nhưng liên quan tới ”quyền trao chìa khóa”, là biểu tượng kinh thánh Chúa Kitô đã ban cho các Tông Đồ.

Điều cần nhớ trước tiên đó là Chúa Thánh Thần là Tác Nhân của ơn tha tội. Người là nhân vật chính! Trong lần hiện ra đầu tiên với các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu phục sinh đã thổi hơi trên các ông và nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần; các con tha tội cho ai thì người đó sẽ được tha, các con không tha tội cho ai, thì tội sẽ không được tha” (Ga 20,22-23). Đức Thánh Cha giải thích quyền này như sau:

Chúa Giêsu được biến hình trong thân xác Người, từ nay là người mới, cống hiến các ơn phục sinh, hoa trái cái chết và sự phục sinh của Người: và các ơn này là gì? Là hòa bình, niềm vui, ơn tha tội, sứ mệnh truyền giáo và nhất là ơn Thánh Thần, Đấng là suối nguồn của tất cả những điều đó. Tất cả các ơn này đến từ Chúa Thánh Thần. Hơi thở của Chúa Giêsu, được đi kèm bởi các lời, qua đó Người thông truyền Thần Khí, ám chỉ việc thông truyền sự sống, sự sống mới được tái sinh bởi ơn tha tội.

Nhưng trước khi làm cử chỉ thở hơi và trao ban Thần Khí, Chúa Giêsu cho thấy các vết thương trên tay và cạnh sườn Người: các vết thương ấy diễn tả giá của ơn cứu chuộc chúng ta. Chúa Thánh Thần đem đến cho chúng ta ơn tha tội của Thiên Chúa, qua các vết thương của Chúa Giêsu. Các vết thương này mà Người đã muốn duy trì.

Cả trong lúc này nữa, trên trời, Ngài cho Thiên Chúa Cha trông thấy các vết thương qua đó Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Và nhờ sức mạnh của các vết thương ấy các tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Như vậy Chúa Giêsu đã trao ban sự sống của Người cho sự bình an và niềm vui của chúng ta, cho ơn thánh trong linh hồn, cho ơn tha tội của chúng ta. Và thật là rất đẹp khi nhìn Chúa Giêsu như vậy.

Yếu tố thứ hai là Chúa Giêsu cho các Tông Đồ quyền tha tội. Nhưng mà điều này xảy ra làm sao? Bởi vì thật hơi khó hiểu: làm thế nào một người có thể tha tội. Chúa Giêsu ban quyền. Giáo Hội là nơi gìn giữ quyền chìa khóa tha tội, có thể mở và đóng, tha tội. Thiên Chúa tha tội cho mọi người trong lòng thương xót cao cả của Ngài, nhưng chính Ngài đã muốn rằng những kẻ thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài, nhận ơn tha tội qua các thừa tác viên của Cộng đoàn. Qua chức thừa tác tông đồ, lòng xót thương của Thiên Chúa đến với tôi, các tội lỗi của tôi được tha, và niềm vui được ban cho tôi.

Trong cách thế đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống sự hòa giải cả trong chiều kích giáo hội, cộng đoàn nữa. Và điều này thật là đẹp! Giáo Hội là thánh nhưng đồng thời cần sám hối, đồng hành với con đường hoán cải của chúng ta trong suốt cuộc sống. Giáo Hội không phải là chủ của quyền tha tội, nhưng dùng chức thừa tác của lòng thương xót và vui mừng vì tất cả những lần có thể cống hiến ơn này của Thiên Chúa.

Rồi Đức Thánh Cha đề cập tới lý do khiến cho nhiều người không hiểu chiều kích giáo hội của ơn tha tội và nói:

Có lẽ biết bao nhiêu người ngày nay không hiểu chiều kích giáo hội của ơn tha tội, bởi vì chủ thuyết cá nhân, khuynh hướng chủ quan luôn thống trị, và kitô hữu chúng ta cũng cảm thấy điều đó. Dĩ nhiên Thiên Chúa tha thứ cho mọi kẻ có tội thống hối một cách cá nhân, nhưng kitô hữu được gắn liền với Chúa Kitô, và Chúa Kitô hiệp nhất với Giáo Hội. Đối với kitô hữu chúng ta, có một ơn hơn nữa và cũng có một dấn thân hơn nữa: một cách khiêm tốn nó đi qua chức thừa tác của Giáo Hội. Chúng ta phải đánh giá cao nó! Nó là một ơn và cũng là sự chữa trị, một che chở và cũng là an ninh mà Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi. Tôi tới với người anh em linh mục và nói: ”Thưa Cha, con đã làm điều này...” ”Nhưng tôi tha tội cho bạn: chính Thiên Chúa tha tội, và tôi xác tín trong lúc đó rằng Thiên Chúa đã tha cho tôi.” Đây là điều thật đẹp! Đó là có được sự chắc chắn mà chúng ta luôn luôn nói: ”Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta. Ngài tha thứ không mệt mỏi!”

Chúng ta phải không mệt mỏi đến xin tha thứ. ”Nhưng thưa Cha, con xấu hổ đi nói tội của con...” Nhưng coi đây, các bà mẹ của chúng ta, các phụ nữ nói rằng đỏ mặt một lần thì tốt hơn là vàng mặt một ngàn lần”. Bạn đỏ mặt một lần, Người tha tội cho bạn, và hãy tiến lên.

Điểm thứ ba, linh mục là dụng cụ của ơn tha tội. Sự tha thứ của Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Giáo Hội, nó được ban cho chúng ta qua chức thừa tác của một người anh em là linh mục; cả linh mục cũng là một người cần đến lòng thương xót như chúng ta, và thực sự trở thành dụng cụ của lòng thương xót, bằng cách trao ban cho chúng ta tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.

Cả các linh mục cũng phải xưng tội, cả các Giám Mục nữa: tất cả chúng ta đều là kẻ có tội. Cả Giáo Hoàng cũng xưng tội hai tuần một lần, bởi vì Giáo Hoàng cũng là tội nhân! Và Cha giải tội nghe những điều tôi nói và khuyên nhủ tôi và tha thứ cho tôi, bởi vì chúng ta tất cả đều cần sự tha thứ này.

Đôi khi xảy ra là chúng ta nghe có người cho rằng họ xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa... Đúng, như tôi đã nói, Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe bạn, nhưng trong bí tích Hòa Giải Ngài gửi một người anh em đem ơn tha tội đến cho bạn, nhân danh Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nêu bật các thái độ mà linh mục giải tội phải có như sau:

Sự phục vụ mà linh mục cống hiến như thừa tác viên, từ phía Thiên Chúa để tha tội rất tế nhị. Đó là một phục vụ rất tế nhị, và nó đòi hỏi vị linh mục phải có sự bình an trong tim; không xử tệ với các tín hữu, nhưng khiêm tốn, nhân từ, và thương xót; biết gieo vãi hy vọng trong các con tim và nhất là ý thức rằng người anh chị em đến với bí tích Hòa Giải tìm ơn tha thứ, và họ làm điều đó như biết bao người đã tới gần Chúa Giêsu để Ngài chữa lành họ. Vị linh mục không có năng khiếu tinh thần này, thì tốt hơn là không nên ban bí tích này, cho tới khi nào linh mục ấy sửa mình. Các tín hữu có bổn phận? Không, họ có quyền! Chúng ta có quyền, tất cả mọi tín hữu có quyền tìm thấy nơi các linh mục các người phục vụ ơn tha tội của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, như là chi thể của Giáo Hội - tôi xin hỏi - chúng ta có ý thức được vẻ đẹp của ơn mà chính Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta hay không? Chúng ta có cảm thấy niềm vui của sự chữa lành này, của sự chú ý hiền mẫu mà Giáo Hội có đối với chúng ta hay không? Chúng ta có biết đánh giá cao sự chú ý đó với lòng đơn sơ hay không? Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta; qua chức thừa tác của linh mục Thiên Chúa lại ôm chúng ta trong vòng tay, tái sinh chúng ta và cho phép chúng ta đứng dậy và tiếp tục lộ trình.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau và cầu chúc mọi người có những ngày hành hương Roma tươi vui, bổ ích, giúp trung thành đi theo Chúa.

Ngỏ lời với nhóm các linh mục tuyên úy Ba Lan đặc trách mục vụ cho các người di cư Ba Lan đó đây trên thế giới, Đức Thánh Cha khích lệ các vị nhiệt thành đáp ứng các nhu cầu của họ và phát triển cuộc sống thiêng liêng cho họ. Vì di cư, bởi bất cứ lý do gì, cũng bao gồm các lo âu, vấn đề và nguy hiểm, vì người di cư bị bẻ gẫy với các nguồn gốc lịch sử văn hóa và cả gia đình nữa. Do đó, các linh mục tuyên úy phải giúp họ duy trì đức tin và là chứng nhân trong các xã hội họ sinh sống.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết tháng 11 là tháng kính các đẳng linh hồn. Ngài khuyên mọi người cầu nguyện nhiều cho những người thân yêu và ân nhân đã qua đời, cách trợ giúp tinh thần tốt nhất là xin lễ cầu nguyện cho họ, đặc biệt là những người bị quên lãng nhất.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Chúc mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam Kính chúc quí thầy cô khỏe mạnh, sức khỏe, hoàn thành tốt thiên chức được giao

Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng ông bà và người già

Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng ông bà và người già



VATICAN. ĐTC kêu gọi tôn trọng các ông bà và những người già. ”Dân tộc nào không tôn trọng các ông bà” thì không có ký ức và vì thế không có tương lai”.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng 19-11-2013 tại nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta ở Vatican. ĐTC diễn giải bài đọc trích từ sách Macabê kể lại chuyện cụ Eleázaro thà chết chứ không bỏ đạo và không có thái độ mập mờ hoặc giả hình, trái lại quyết liệt trung thành và nghĩ đến các thế hệ trẻ, để lại cho họ nghĩa cử can đảm, để lại một gia sản cao thượng.

ĐTC nói: ”Chúng ta đang sống trong một thời đại mà người già không được coi trọng, bị gạt bỏ. Nhưng người già là những người mang lại cho chúng ta lịch sử, mang lại đạo lý và đức tin làm gia sản. Họ là những người - như rượu cũ là rượu ngọn, - có một sức mạnh nội tâm để cho chúng ta một gia sản cao quí”.

ĐTC nói thêm rằng ”Đôi khi tuổi già gây khó chịu vì những bệnh tật đi kèm, nhưng sự khôn ngoan mà các ông bà nội ngoại chúng ta có chính là một gia sản chúng ta phải đón nhận. Dân tộc nào không giữ gìn các ông bà, dân tộc nào không tôn trọng ông bà thì không có tương lai, vì không có ký ức, vì đã đánh mất ký ức.

ĐTC bày tỏ đau buồn vì nhiều ông bà bị con cháu bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão. Họ thực là kho tàng của xã hội chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ông bà chúng ta, bao nhiêu lần họ đã có một vai trò anh hùng trong việc thông truyền đức tin trong thời kỳ bách hại. (SD 19-11-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Đức Thánh Cha cảnh giác chống tiên tri giả

Đức Thánh Cha cảnh giác chống tiên tri giả và kêu gọi cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại



VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 17-11-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC cảnh giác các tín hữu đối với các tiên tri giả và kêu gọi cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng chúa nhật thứ 33 thường niên năm C hôm qua về ngày tận thế, với lời Chúa cảnh giác chống lại những tiên tri giả và hãy sống trong tỉnh thức và hy vọng. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Lc 21,5-19) chứa đựng phần thứ nhất bài giảng của Chúa Giêsu về thời sau hết. Chúa Giêsu nói bài này ở Jerusalem, gần Đền Thờ; và dịp để ngài nói chính là sự kiện dân chúng lúc ấy đang nói về đền thờ và ca ngợi vẻ đẹp của Đền này. Đền thờ bấy giờ thật là đẹp. Bấy giờ Chúa Giêsu nói: ”Sẽ đến ngày Đền thờ mà anh chị em đang thấy sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” (Lc 21,6). Dĩ nhiên họ hỏi ngài: ”Khi nào thì điều ấy xảy ra? Đâu là những dấu hiệu? Nhưng Chúa Giêsu chuyển sự chú ý của họ đối với những khía cạnh cụ thể - bao giờ xảy ra? sẽ như thế nào?- sang những vấn đề đích thực. Có hai vấn đề. Thứ nhất: là đừng để mình bị những tiên tri giả đánh lừa, và đừng để mình bị tê liệt vì sợ hãi. Thứ hai: sống thời gian chờ đợi như thời gian làm chứng và kiên trì. Và chúng ta đang ở trong thời gian chờ đợi, chờ đợi Chúa đến.

Diễn văn này của Chúa Giêsu luôn có tính chất thời sự, kể cả đối với chúng ta là những người đang sống trong thế kỷ 21. Chúa lập lại với chúng ta: ”Các con hãy coi chừng, đừng để mình bị đánh lừa. Thực thế, nhiều người sẽ đến mạo danh Thầy” (v.8). Đó là một lời mời gọi phân định, đây là nhân đức Kitô giáo hiểu đâu là tinh thần của Chúa và đâu là thần dữ. Đúng vậy, ngày nay cũng có những kẻ cứu thế giả, toan tính thay thế Chúa Giêsu: thủ lãnh của thế gian này, các đạo sĩ giả, cả những tên phù thủy, những nhân vật muốn thu hút về mình tâm trí của người khác, nhất là của những người trẻ. Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta: ”Các con đừng đi theo chúng!”.

Và Chúa cũng giúp chúng ta đừng sợ hãi: đứng trước chiến tranh, cách mạng, và cả những thiên tai, dịch tễ, Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi thái độ cam chịu số phận, khỏi những quan niệm sai trái về tận thế.

Khía cạnh thứ hai gọi hỏi chúng ta trong tư cách là Kitô hữu và như là Giáo Hội, đó là Chúa Giêsu loan báo trước những thử thách đau thương và bách hại mà các môn đệ của ngài sẽ phải chịu vì Ngài. Nhưng Ngài trấn an: 'Dù một sợi tóc trên đầu các con không rơi xuống' (v.18). Chúa nhắc nhở rằng chúng ta hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa! Những nghịch cảnh chúng ta gặp vì đức tin và vì lòng gắn bó của chúng ta với Tin Mừng là những cơ hội để làm chứng tá; chúng không được làm cho chúng ta xa Chúa, nhưng thúc đẩy chúng ta càng phó thác hơn cho Chúa, cho sức mạnh của Thánh Linh và ơn thánh của Ngài.

Trong lúc này đây, tôi nghĩ, và tất cả chúng ta cùng nghĩ tới bao nhiêu anh chị em Kitô hữu chúng ta đang chịu đau khổ vì bị bách hại đức tin. Và có bao nhiêu người bị như vậy. Có lẽ nhiều hơn cả những thế kỷ đầu tiên. Chúa Giêsu đang ở với họ. Cả chúng ta cũng liên kết với họ bằng lời cầu nguyện và lòng quí mến. Cả chúng ta cũng ngưỡng mộ lòng can đảm và chứng tá của họ. Họ là anh chị em chúng ta, đang chịu đau khổ tại bao nhiêu nơi trên thế giới vì trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta thành tâm chào thăm họ với lòng quí mến.

Sau cùng Chúa Giêsu nói lên một lời hứa là bảo đảm chiến thắng: ”Với lòng kiên trì, các con sẽ cứu được mạng sống mình” (v. 19) Biết bao nhiêu hy vọng trong những lời này! Đó là một lời kêu gọi hy vọng và kiên nhẫn, biết chờ đợi những thành quả chắc chắn của ơn cứu độ, tín thác nơi ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và lịch sử: những thử thách và khó khăn là điều thuộc về một kế hoạch rộng lớn hơn; Chúa là chủ tể lịch sử, ngài hướng dẫn mọi sự đến chỗ viên mãn. Dầu có những xáo trộn và tai ương làm chao đảo thế giới, nhưng kế hoạch từ nhân và thương xót của Thiên Chúa sẽ viên mãn! Và đây là niềm hy vọng của chúng ta: tiến bước như thế trên con đường này, trong ý định của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành. Đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Sứ điệp này của Chúa Giêsu làm cho chúng ta suy tư về hiện tại của chúng ta và mang cho chúng ta sức mạnh đương đầu với hiện tại trong can đảm và hy vọng, được Mẹ Maria tháp tùng, Mẹ luôn đồng hành với chúng ta.

Chào thăm

Sau phép lành, ĐTC chào thăm các tất cả các gia đình, các hiệp hội và các nhóm đến đây từ Roma, Italia, và bao nhiêu khác trên thế giới như Tây Ban Nha, Pháp, Phần Lan, Hòa Lan. Ngài nói: Tôi đặc biệt chào thăm các tín hữu đến từ Vercelli, Salerno, Lizznello, v.v.

Ngài cũng nhắc đến cộng đoàn người Eritrea Phi châu ở Roma đang mừng lễ thánh Micae và chân thành chào thăm họ.

ĐTC nói rằng hôm nay là ngày tưởng niệm các nạn nhân lưu thông. Tôi cầu nguyện cho họ và khuyến khích theo đuổi quyết tâm phòng ngừa vì sự thận trọng và tôn trọng các luật lệ lưu thông là hình thức đầu tiên bảo vệ bản thân và tha nhân.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến và khuyến khích một sáng kiến do Đức TGM Konrad Krajewski, Chánh sở từ thiện của ngài đề ra, gọi là sáng kiến thuốc tinh thần. Ngài nói: có lẽ có người nghĩ DGH làm dược sĩ hay sao? Đây là thứ thuốc đặc biệt để cụ thể hóa thành quả Năm Đức Tin sắp chấm dứt. Đây là một thứ thuốc gồm 59 hạt liên kết thành một chuỗi. Một thứ thuốc tinh thần gọi là ”Từ Bi”. Có một hộp nhỏ trong đó có chuỗi 59 hạt, Trong hộp này có chứa đựng thứ thuốc ấy và một số người thiện nguyện sẽ phát cho anh chị em khi rời quảng trường này. Anh chị em hãy dùng thuốc đó. Đó là một chuỗi mân côi, anh chị em có thể dùng để cầu nguyện kể cả xâu chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, một trợ lực tinh thần cho tâm hồn và để phổ biến khắp nơi tình thương, sự tha thứ và tình huynh đệ. Anh chị em đừng quên dùng thuốc này, vì nó mưu ích cho anh chị em. Nó có ích cho con tim, cho tâm hồn và trọn cuộc sống của anh chị em.

Hộp thuốc có in bằng 4 thứ tiếng cách sử dụng thuốc tinh thần: hãy mang lòng từ bi vào tâm hồn, và cảm thấy sự thanh thản trong con tim. Hiệu năng của thuốc này được bảo đảm nhờ lời Chúa giêsu. Hãy sử dụng thuốc này khi muốn cho các tội nhân hoán cải, khi cảm thấy cần được trợ lực, khi thấy thiếu sức mạnh để chống lại cơn cám dỗ, khi không thể tha thứ được cho một người, khi muốn lòng từ bi Chúa cho một ngừơi sắp chết và khi muốn thờ lạy Chúa vì tất cả những ơn lành đã lãnh nhận.

20 ngàn hộp thuốc tinh thần đã được phân phát cho mọi người

G. Trần Đức Anh OP