label

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

DI DỜI TÀNG CỐT ĐƯỜNG

DI DỜI TÀNG CỐT ĐƯỜNG

Từ trong suy nghĩ sống có cái nhà, chết có cái mồ mà Cha sở và Hội đồng mục vụ luôn tìm mọi cách tốt nhất để tân trang cho Đất thánh và Tàng cốt đường được khang trang, tôn nghiêm, dễ gần không còn cảm giác sợ hãi mà như đến công viên giao lưu giữa người sống và người chết. Chính vì thế mà trong những năm qua giáo xứ đã xây dựng xong đất thánh, còn lại Tàng cốt đường nằm khuất sau tháp chuông, hơi thấp, dễ bị lợi dụng làm chuyện xấu. Để trang nghiêm hơn, Cha sở, Hội đồng mục vụ quyết định di dời ra phía ngoài, nâng cao lên, hành lang chung quanh lớn lên, phía trước để bàn thờ làm lễ mỗi thứ hai đầu tháng lúc 18 giờ. Thế là công trình đã được tiến hành sau khi nhà xứ, nhà khách hoàn thành. Đến nay công trình đã gần hoàn thành, có thể trong tháng năm sẽ dâng lễ được ngoài Tàng cốt đường. Xin các linh hồn hiển vinh cầu cho giáo xứ ngày càng phát triển, cho các giới biết rằng rồi ngày nào đó thân xác chúng ta sẽ đến nằm ở nơi đây còn linh hồn về đâu? Trình diện Chúa và trả lời Chúa về quá khứ của chúng ta. Hãy nhìn vào những tấm gương tốt lành của những người đi trước để rèn luyện và tích lũy hành trang trình diện Chúa. Hãy làm ngay kẻo không kịp vì Chúa có thể gọi ta bất cứ giờ nào, già, trẻ, đang khi khỏe mạnh, khi ốm đau. Chúng ta cũng đừng quên cầu cho các linh hồn nơi luyện hình vì các ngài rất cần lời cầu nguyện của chúng ta.
Sau đây là một số hình ảnh.

     
Nhà xứ, nhà giáo lý, nhà khách

Tàng cốt đường đã được di dời tới vị trí mới

Nhà thờ, tháp chuông, tàng cốt đường nhìn từ ngoài vào

Tàng cốt đường gần hoàn thành

Tàng cốt đường đã có bàn thờ
đất thánh đã xây dựng xong
Nơi làm lễ ngoài đất thánh
                  

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Tường thuật thánh lễ phong thánh

Tường thuật thánh lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2





Lễ phong thánh Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2
VATICAN. ĐTC Phanxicô đã long trọng tôn phong hai vị tiền nhiệm Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 lên bậc hiển thánh, trước sự tham dự rất đông đảo của các Hồng Y, Giám Mục, LM và giáo dân đến từ các nước.

Chúa nhật 27-4-2014 thực là một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Giới báo chí gọi là ”Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”: lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim và một vị cựu, cùng hiện diện trong buổi lễ, Đức Phanxicô và Đức Biển Đức 16.


Buổi lễ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô được sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện tại khu vực Đền Thờ và vùng phụ cận, không kể hàng chục ngàn người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình khổng lồ được bố trí tại một số nơi ở Roma, cũng như tại Quảng trường trước Nhà Thờ chính tòa Milano, cách Roma khoảng 500 cây số. Theo đô trưởng Roma, Ông Ignazio Marino, hàng tỷ khán thính giả trên thế giới cũng theo dõi buổi lễ đặc biệt này qua truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.


Trên thềm Đền thờ, bên trái lễ đài từ dưới nhìn lên, được dành cho 150 Hồng Y và 700 Giám Mục, còn bên phải được dành cho các vị Quốc trưởng, thủ tướng, các quan chức và đại sứ thuộc 120 phái đoàn chính thức của các nước và nhiều cơ quan quốc tế, các đại diện tôn giáo, Chính Thống, Anh giáo, và cả Hồi giáo.

Hàng ngàn tín hữu đã qua đêm tại khu vực cạnh Quảng trường Thánh Phêrô, để lúc gần 6 giờ sáng, vừa khi được phép, họ tiến ngay vào khu vực dự lễ. Bầu trời Roma mây dầy, nhưng phần lớn thời gian không có mưa, nên tránh được nhiều vụ cảm nắng.

Sơ lược tiểu sử hai vị tân Hiển Thánh

- Đức Giáo Hoàng Gioan 23

Đức Gioan 23 tên đời là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25.11.1881 tại Bergamo, Bắc Italia, trong một gia đình 13 người con, Angelo là người thứ tư. Bé Angelo đã được rửa tội ngay ngày chào đời và đã sống thời thơ ấu trong bầu khí Đức Tin mạnh mẽ của gia đình và giáo xứ. Sau khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức và rước lễ lần đầu năm 1889, Angelo gia nhập chủng viện Bergamo và theo học tại đây cho đến hết năm thần học thứ hai. Cũng trong thời gian này thầy bắt đầu viết một loạt nhật ký thiêng liêng kéo dài suốt cuộc đời, sau này được xuất bản với tựa đề Nhật ký của linh hồn. Từ năm 1901 đến 1905, thầy học tại đại chủng viện Roma và trong thời gian này, đã chu toàn bổn phận quân dịch bắt buộc. Ngày 10.08.1904, thầy Angelo Roncalli thụ phong linh mục tại nhà thờ Thánh Maria trên núi thánh ở quảng trường Nhân Dân trung tâm Roma. Nhiệm vụ đầu tiên của cha Roncalli là thư ký cho Đức Cha Giacomo Radini Tedeschi, tân GM Bergamo, tháp tùng Đức Cha trong các chuyến công du, phụ tá ngài trong mọi hoạt động mục vụ đồng thời, giảng dạy các bộ môn giáo sử, giáo phụ học và hộ giáo tại chủng viện giáo phận. Trong thế chiến thứ nhất, cha Roncalli bị tổng động viên tái nhập ngũ trong ngành quân y rồi tuyên úy các bệnh viện hậu phương. Sau thế chiến cha mở nhà sinh viên và được chỉ định làm linh hương chủng viện vào năm 1919.

Từ năm 1921, bắt đầu giai đoạn 2 trong đời cha Roncalli: giai đoạn phục vụ Tòa Thánh. ĐGH Benedetto XV gọi cha về bộ Truyền Giáo và 4 năm sau đó, 1925, Đức Pio XI chỉ định cha làm Kinh Lược tông tòa Bulgari và nâng cha lên hàng GM. Mười năm sau, Đức Cha được chỉ định làm Đại Diện Tông Tòa tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Những năm làm việc tại những môi trường thật khó khăn này đã giúp Đức Cha thu thập những kinh nghiệm hay đẹp, nhưng cũng đã làm cho Đức Cha chịu nhiều hiểu lầm đau khổ. Trong thời thế chiến thứ hai, Đức Cha đã cứu được nhiều người Do Thái nhờ tư cách ngoại giao. Năm 1953, Đức Cha Roncalli được nâng lên hàng HY và 5 năm sau đó, khi ĐGH Pio XII qua đời, HY đoàn đã bầu ĐHY Roncalli vào nhiệm vụ chủ chăn giáo hội hoàn vũ với tên gọi là Gioan 23. Suốt triều đại giáo hoàng của Ngài, Đức Gioan 23 đã được toàn thế giới yêu mến, xem là hình ảnh đích thật nhất của một chủ chăn nhân lành, đơn sơ nhưng can đảm, hiền hòa những đầy sáng kiến, nổi bật nhất là quyết định triệu tập Công Đồng chung Vatican II. ĐGH Gioan 23 qua đời chiều ngày 03.06.1963. Ngài được Đức Gioan Phaolo 2 tôn phong chân phước ngày 03.09 năm tháng 2000 tại quảng trường Thánh Phêrô.

- Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2

Karol Jozef Wojtyla sinh ngày 18.05.1920 tại Wadowice bên Ba Lan. Tuổi thơ của Karol mang nhiều tang tóc. Bà mẹ Emilia qua đời năm 1929, Karol vừa lên 9 tuổi, Năm 1932, đến lượt người anh trai bác sĩ Edmund và năm 1941, Karol mồ côi cha. Năm lên 9 tuổi, Karol được rước lễ lần đầu và lãnh bí tích thêm sức năm 18 tuổi. Năm 1938, sau khi hoàn tất bậc trung học tại Wadowice, Karol ghi danh vào trường đại học Jagellonica tại Cracovia. Năm sau 1939, quân Đức quốc xã xâm lăng đóng cửa các trường đạo học Ba Lan. Karol phải đi làm công nhân trong một xưởng đẽo đá rồi trong hãng hóa học Solvay để sống và để tránh khỏi bị lưu đày sang Đức. Đồng thời Karol cũng phát triển tài năng kịch nghệ bẩm sinh. Giữa bao nhiêu khó khăn cấm cản của quê hương Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng, Karol khám phá ra ơn gọi tu trì và quyết định xin theo các khóa huấn luyện đào tạo linh mục lén lút tại Cracovia, do ĐTGM Adam Stefan Sapieha điều động.

Chiến tranh chấm dứt, thầy Karol tiếp tục việc học tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học đại học Jagellonica cho đến khi thụ phong linh mục ngày 01.11.1946. Sau đó cha được gửi sang Roma tiếp tục học tiến sĩ thần học. Năm 1948, cha trở về quê hương làm phụ tá trong các giáo xứ phụ cận Cracovia, linh hướng sinh viên, giảng dạy các bộ môn thần học luân lý đạo đức tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học Lublino. Tháng 7 năm 1958, ĐGH Pio XII chỉ định cha làm GM phụ tá Cracovia. Tháng giêng năm 1964, Đức Cha Wojtyla được ĐTC Phaolo VI chỉ định làm TGM Cracovia và 3 năm sau đó, 1967, nâng lên hàng HY. ĐC tham gia các hoạt động của Công đồng chung Vatican 2, cộng tác vào việc soạn thảo hiến chế Vui Mừng và hy vọng. Khuôn mặt và hoạt động của ĐC nổi bật lên trong môi trường Giáo hội Ba Lan đang nằm trong kềm kẹp của xã hội cộng sản bấy giờ.

Ngày 16.10.1978, ĐHY Wojtyla được HY đoàn bầu lên làm Giáo Hoàng với tên hiệu là Gioan Phaolo 2 và chính thức nhậm chức ngày 22 tháng 10 sau đó. Ngày 13.05.1981, ĐGH Gioan Phaolo 2 đã bị mưu sát nhưng thoát chết nhờ bàn tay che chở của hiền mẫu Maria. Ngài đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình và ý thức là đã được ban cho một cuộc sống mới, người đã miệt mài hoạt đông phục vụ không biết mỏi mệt. Chưa có vị Giáo Hoàng nào đã viếng thăm gặp gỡ với tín hữu nhiều như Đức Gioan Phaolo 2. Ngài qua đời lúc 21 giờ 37 ngày 02.04.2005 tại dinh tông tòa trong nội thành Vatican. Lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo 2 đã được vị kế nhiệm là ĐGH Benedetto XVI, từng là cộng sự viên của ngài trong nhiều năm trời, chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô ngày 01.05.2011.


Thánh Lễ

Lúc quá 9 giờ 30, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 tiến vào địa điểm hành lễ, giữa tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Ngài ngồi ở ghế đầu dành cho các Hồng Y, phía sau đã có 700 GM trong phẩm phục đồng tế ngồi sẵn.

Các tín hữu cũng cảm động vỗ tay như vậy khi tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, và phu nhân đến chào ngài, khi đến khu vực dành cho các vị nguyên thủ quốc gia.

10 giờ kém 5 phút, trong khi ca đoàn và mọi người hát kinh cầu các thánh, đoàn 150 Hồng Y đồng tế bắt đầu tiến từ bên trong đền thờ Thánh Phêrô tiến ra lễ đài, đi trước là các vị Thượng Phụ và TGM trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương. Đi sau cùng là ĐTC Phanxicô. Ngài xông hương bàn thờ xong và tiến lại chào vị tiền nhiệm Biển Đức 16 của ngài, trước khi tiến đến bái kính tượng Đức Mẹ và đến ngai tòa.

Nghi thức phong hiển thánh bắt đầu với 3 lần ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin ĐTC ghi tên hai chân phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 vào Sổ Bộ các thánh. Sau lời thỉnh cầu thứ I, ĐTC mời gọi toàn thể các tín hữu cầu xin Thiên Chúa toàn năng nhờ Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, nâng đỡ chúng ta bằng ơn thánh điều mà chúng ta sắp thực hiện. Sau lời thỉnh cầu thứ hai, ĐTC mời gọi cộng đoàn hát kinh Cầu Xin Chúa Thánh Linh. Sau lời xin thứ 3 của ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh, ĐTC đã tuyên đọc công thức phong thánh:

”Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 là Hiển Thánh, và chúng tôi ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo (Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa), trong khi đó, thánh tích của hai vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ. Thánh tích của Đức Gioan 23 là một mảnh da của Người, và của Đức Gioan Phaolô 2 là một ống nhỏ đựng máu của thánh nhân.

Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng bằng tiếng la tinh và hy lạp, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng về việc Thánh Tôma tông đồ được Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi động chạm đến những vế thương để tin và đừng cứng lòng nữa. ĐTC nói đến lòng can đảm của hai vị thánh Giáo Hoàng không hổ thẹn về những vết thương của Chúa, ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh trong việc hướng dẫn Dân Chúa, và ĐTC đặc biệt cầu xin Đức Gioan Phaolô 2, vị Giáo Hoàng của gia đình, hướng dẫn hành trình của Thượng Hội đồng GM về gia đình.

Toàn văn bài giảng của ĐTC

”Nơi trọng tâm chúa nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, mà Đức Gioan Phaolô 2 đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, có những vết thương vinh hiển của Chúa Giêsu Phục sinh.

”Chúa đã tỏ các vết thương ấy lần đầu tiên khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ, chính buổi chiều tối ngày sau ngày sabát, ngày Phục sinh, nhưng chiều tối hôm ấy không có tông đồ Tôma; và khi nhưng vị khác kể lại với ông là đã thấy Chúa, ông trả lời là sẽ không tin nếu không nhìn thấy và động chạm đến các vết thương của Ngài. 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra tại Nhà Tiệc Ly, giữa các môn đệ, và có cả Tôma; Ngài ngỏ lời với ông và mời ông chạm đến các vết thương của Ngài. Bấy giờ con người chân thành ấy, con người quen đích thân kiểm chứng, liền quỳ xuống trước Chúa Giêsu và thưa: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).

”Những vết thương của Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế nơi thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh, những vết thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: ”Từ những vết thương của Người, anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24; Xc Is 53,5).

”Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã can đảm nhìn những vết thương của Chúa Giêsu, động chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua. Các vị đã không hổ thẹn vì thân thể của Chúa Kitô, không vấp phạm về Chúa, về thập giá của Ngài Is 58,7); không hổ thẹn vì thân mình của người anh em (Xc 58,7), vì nơi mỗi người đau khổ, các vị nhìn thấy Chúa Giêsu. Hai vị là những người can đảm, đầy ơn táo bạo (parresía) của Chúa Thánh Linh, và đã làm chứng cho Giáo Hội và thế giới về lòng từ nhân của Thiên Chúa, về lòng từ bi của Chúa. Các vị đã là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã sống những thảm trạng, nhưng không để chúng lướt thắng. Nơi các vị, Thiên Chúa mạnh mẽ hơn; niềm tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa tể của lịch sử mạnh mẽ hơn; nơi các vị sự gần gũi từ mẫu của Mẹ Maria mạnh mẽ hơn. Nơi hai vị là những người chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô và là chứng nhân về lòng từ bi của Chúa có một ”niềm hy vọng sinh động”, cùng với một ”niềm vui khôn tả và vinh hiển” (1 Pr 1,3.8). Niềm hy vọng và niềm vui mà Chúa Kitô phục sinh ban cho các môn đệ của Ngài, và không ai và không gì có thể làm cho họ bị thiếu những hồng ân ấy. Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh, được thanh luyện qua cái lò từ bỏ, loại trừ sự gần gũi tội lỗi cho đến tột cùng, đến độ cảm thấy buồn nôn vì chén đắng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị Thánh Giáo Hoàng đã lãnh nhận như hồng ân từ Chúa phục sinh và tiếp đến, các vị đã trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, và được lòng biết ơn đời đời của họ.

”Niềm hy vọng và niềm vui này được cảm nghiệm trong cộng đoàn đầu tiên của các tín hữu ở Jerusalem, như sách Tông đồ công vụ kể lại (Xc 2,42-47). Đó là một cộng đoàn trong đó nòng cốt của Tin Mừng được sống thực, nghĩa là tình thương, lòng từ bi, trong đơn sơ và huynh đệ.

”Và đó là hình ảnh Giáo Hội mà Công đồng chung Vatican 2 đã có trước mắt. Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã cộng tác với Chúa Thánh Linh để phục hồi và canh tân Giáo Hội theo dạng thức nguyên thủy, dạng thức mà các thánh qua các thế kỷ đã mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã làm cho Giáo Hội tiến bước và tăng trưởng. Trong việc triệu tập Công đồng chung Vatian 2, Đức Gioan 23 đã chứng tỏ một thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã để cho Chúa hướng dẫn, và đối với Giáo Hội, Người là một vị mục tử đối với Hội Thánh, một vị hướng đạo được hướng dẫn. Đó chính là một sự phục vụ cao cả Người dành cho Giáo Hội; Người là một vị Giáo Hoàng ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh.

”Trong việc phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của gia đình. Chính Người đã có lần nói là muốn được nhắc nhớ đến như vị Giáo Hoàng của gia đình. Tôi vui lòng nhấn mạnh điều đó trong lúc chúng ta đang sống hành trình Thượng HĐGM về gia đình và với các gia đình, một hành trình mà từ trời cao, chắc chắn Người đang tháp tùng và hỗ trợ. xin cả hai vị tân Hiển Thánh Mục Tử của Dân Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong hai năm hành trình Thượng HĐGM này, Giáo hội ngoan ngoãn tuân theo chỉ dạy của Chúa Thánh Linh trong việc phục vụ mục vụ gia đình. Xin cả hai thánh nhân dạy chúng ta đừng coi các vết thương của Chúa Kitô như cớ vấp phạm, tập trung vào mầu nhiệm từ bi của Chúa, luôn hy vọng, luôn tha thứ, luôn yêu thương”.

Lời nguyện phổ quát và chào thăm
Trong phần lời nguyện phổ quát bằng 5 thứ tiếng Tây Ban Nha, Arập, Anh, Hoa, và Pháp, cộng đoàn đã cầu xin Chúa cho vẻ đẹp của đời sống mới luôn rạng ngời trong Giáo Hội và cho mỗi người nhận biết Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống; cầu xin Chúa Cha đổ Thần Trí trên các tội nhân và những người lầm lạc trong tâm hồn và trong đêm tối được gặp Chúa Phục Sinh; cầu cho những người mới được tái sinh nhờ ơn thánh của các nhiệm tích Vượt Qua được Chúa giữ gìn trong sự thánh thiện và qua hoạt động của họ, mọi người thấy được công việc của Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống. Ý nguyện thứ tư: nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan 23, xin Chúa Cha lôi kéo tư tưởng và quyết định của các vị thủ lãnh các dân nước ra khỏi cái vòng oán thù và bạo lực, và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống chiến thắng trong các quan hệ của con người với nhau. Sau cùng, nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Phaolô 2, xin Chúa Cha luôn khơi lên nơi những người thuộc giới văn hóa, khoa học và chính quyền lòng say mê bênh vực phẩm giá con người và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống được phụng sự nơi mỗi người.

Trong phần rước lễ, 70 phó tế đã mang Minh Máu Thánh đến cho các HY, GM đồng tế, trong khi 700 LM và phó tế khác phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu tại Quảng trường cũng như tại đường Hòa giải.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự phần đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đang. Trong bài huấn dụ ngắn trước đó, ngài nồng nhiệt chào thăm và cám ơn các Hồng Y, đông đảo các GM và LM đến từ các nơi trên thế giới. Ngài cũng cám ơn các phái đoàn chính thức đến từ bao nhiêu nước, đến đây để tôn kính hai vị Giáo Hoàng đã góp phần không thể xóa nhòa cho chính nghĩa phát triển các dân tộc và hòa bình. Ngài không quên cám ơn chính quyền Italia về sự cộng tác quí giá, cũng như thân ái chào thăm các tín hữu thuộc giáo phận Bergamo và Cracovia nguyên quán của hai vị Giáo Hoàng và tất cả các tín hữu tham dự trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thống thánh lễ phong thánh này.

Thánh lễ kéo dài 2 giờ 10 phút và kết thúc lúc 12 giờ 10. ĐTC đặc biệt chào thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 trước khi chào các vị trưởng phái đoàn của các nước.
G. Trần Đức Anh OP, Mai Anh

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Hai vị giáo hoàng lên hàng Thánh


Hàng triệu tín đồ Công giáo sẽ tề tựu về Quảng trường Thánh Phêrô để chờ đón lễ phong Thánh
Ngày hôm nay (27/04), Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ phong thánh cho hai vị tiền nhiệm của mình là Đức cố Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.
Hàng ngàn người Công giáo – trong đó có nhiều người Việt Nam – từ khắp năm châu sẽ về Roma tham dự sự kiện trọng đại này.
Với Giáo hội Công giáo, hai Đức Giáo hoàng này là những mục tử khiêm nhường, tốt lành, thánh thiện, khôn ngoan, cởi mở và đầy lòng quả cảm. Dưới sự hướng dẫn của các Ngài, Giáo hội đã mạnh dạn mở cửa ra với thế giới bên ngoài và tích cực dấn thân vào đời sống xã hội, trần thế.
Nhưng không chỉ có người Công giáo mà nhiều lãnh đạo các quốc gia, tổ chức, tôn giáo trên thế giới cũng sẽ hiện diện trong thánh lễ phong Thánh này.
Các phương tiện truyền thông quốc tế cũng sẽ đổ về Roma để tường thuật sự kiện có một không hai này.
Sinh thời, cả hai vị được coi là những lãnh đạo tinh thần rất có ảnh hưởng đối với thế giới. Họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thăng tiến nhân phẩm và kiến tạo hòa bình trong nửa sau của thế kỷ 20 – khi thế giới phải đối diện với nhiều nguy cơ chiến tranh và phẩm giá con người bị coi nhẹ, chà đạp.

Gioan XXIII: ‘Mở cửa’ Giáo hội

Giáo hoàng Gioan XXIII chỉ trị vì trong một khoảng thời gian ngắn ngủi
Đức Gioan XXIII – tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25/11/1881 trong một gia đình nông dân đạo đức, thánh thiện có đến 11 người con ở miền bắc nước Ý – được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 28/10/1958, khi Ngài đã sang tuổi 77.
Vì được bầu lên ngôi vị đó khi tuổi đã cao và sau triều đại dài của Đức Piô XII (1939-1958), Ngài được coi là ‘Giáo hoàng tạm thời’.
Nhưng vị ‘Giáo hoàng chuyển tiếp’ này đã có một quyết định làm thay đổi toàn bộ đời sống của Giáo hội và mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới.
Vào ngày 25/01/1959 – tức chưa đầy ba tháng sau khi trở thành người lãnh đạo Giáo hội – trước sự ngỡ ngàng của giáo triều và toàn thể Giáo hội, Ngài đã loan báo việc triệu tập một Công đồng chung đại kết cho cả Giáo hội.
Khi loan báo quyết định ấy Ngài mời gọi Giáo hội: ‘Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu, nhìn xem những dấu chỉ thời đại. Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ, băn khoăn, thao thức của họ’.
Với một quyết định, ý hướng như vậy, Ngài không chỉ triệu tập các Hồng y, Giám mục và các nhà thần học Công giáo có uy tín trên thế giới mà còn mời đại diện các Giáo hội Kitô giáo anh em khác đến tham dự.
Công đồng Vatican II – kéo dài hơn ba năm, từ 11/10/1962 đến 08/12/1965 – đã mang đến một làn gió mới, sức sống mới, đường hướng mới cho Giáo hội.
Hình ảnh Giáo hoàng Gioan XXIII được thể hiện tại một nhà thờ ở quê hương Ngài
Cụ thể, Công đồng không chỉ giúp Giáo hội canh tân đời sống đức tin của mình và mà còn khuyến khích Giáo hội mạnh dạn đối thoại với thời đại, dấn thân vào xã hội, để qua đó có thể góp phần thăng tiến nhân phẩm và xây dựng một thế giới công bằng, huynh đệ, nhân bản hơn.
Một di sản quan trọng khác mà Đức Gioan XXIII để lại là thông điệp ‘Hòa bình trên thế giới’ (Pacem in terris), được công bố ngày 11/04/1963 – chưa đầy ba tháng trước khi Ngài qua đời (03/06/1963) – và được gửi đến không chỉ người Công giáo mà còn tất cả ‘những ai thành tâm thiện chí’ trên toàn thế giới.
Ra đời trong bối cảnh thế giới đang ‘nóng’ vì Chiến tranh lạnh lúc ấy, thông điệp Pacem in terris đã kêu gọi mọi người, đặc biệt lãnh đạo các quốc gia, hãy tôn trọng tự do, nhân phẩm, công lý và loại bỏ các hình thức kỳ thị, đặc quyền đặc lợi và đặc biệt ngừng chạy đua vũ trang và chấm dứt chiến tranh.
Ở thời điểm đó, người ta vẫn nghĩ rằng ‘hòa bình chỉ có thể thực hiện được dựa trên sự quân bình về vũ trang’. Nhưng Ngài đã chỉ ra rằng ‘logic chạy đua vũ trang’ sẽ đẩy nhân loại vào ngõ cụt ‘đau thương tàn khốc’.
Vì vậy, Ngài kêu gọi thế giới ‘khẩn cấp ngưng các cuộc chạy đua vũ trang, hủy bỏ vũ khí nguyên tử’ và nhấn mạnh rằng hòa bình thế giới chỉ đạt được khi nó ‘được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau’ chứ không phải ‘dựa trên sự quân bình vũ khí’.
Tang lễ Giáo hoàng John XXIII
Xem ra một thông điệp như vậy vẫn còn rất ý nghĩa cho thế giới ngày hôm nay khi – như những gì diễn ra tại Đông Á trong thời gian qua hay cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện tại cho thấy – khuynh hướng dùng sức mạnh vũ lực để giải quyết tranh chấp vẫn còn phổ biến.
Bình luận về thông điệp đó lúc ấy, ông U Thant – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lúc đó – đã nói ông rất sung sướng khi đọc ‘Pacem in Terris’ và bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Giáo hoàng vì Ngài ‘đã hết sức khôn ngoan, sáng suốt và không ngừng hoạt động cho hòa bình và cho sự tồn tại của nhân loại’.
Ngoài việc đưa ra những quyết định, thông điệp lớn, chính Ngài cũng có những cử chỉ ‘nhỏ’ nhưng đánh động lòng người và mang ý nghĩa lớn.
Chẳng hạn, ‘ông già vui vẻ’ – một trong những tên mà người ta gán cho Ngài một phần vì vị Giáo hoàng lớn tuổi này có khuôn mặt rất phúc hậu, luôn vui vẻ, tươi cười – đã nhiều lần rời Vatican để đi thăm tù nhân, bệnh nhân, trẻ mồ côi tại các nhà tù, bệnh viện và cô nhi viện ở Roma.
Khi thăm nhà tù Ara Colei vào tháng 12 năm 1958, Ngài đã nhắc nhở mọi người phải biết ‘luôn luôn tôn trọng phẩm cách của người sống xung quanh mình, từ kẻ cao sang nhất đến người hèn mọn nhất’.
Vì lòng nhân hậu ấy, Ngài còn được gọi là ‘Giáo hoàng tốt lành’.

Gioan Phaolô II: Đến với mọi người

Giáo hoàng Gioan Phaolô à người có vai trò lớn trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan
Trong số những nghị phụ tham dự Công đồng Vatican II và góp phần quan trọng trong việc soạn thảo ‘Tuyên ngôn về tự do tôn giáo’ và Hiến chế mục vụ ‘Vui mừng và Hy vọng’ – hai trong những văn bản quan trọng nhất của Công đồng – có một vị Giám mục rất trẻ đến từ một quốc gia cộng sản.
Đó là Karol Jozef Wojtyla, Tổng Giám mục Krakow, Balan, và Giáo hoàng tương lai Gioan Phaolô II.
Được bầu làm Giáo hoàng ngày 16/10/1978 – khi Ngài mới 50 tuổi, Đức Gioan Phaolo II là vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo đầu tiên không phải là người Ý trong gần 500 năm.
Nếu Đức Giáo hoàng Gioan XXIII là người ‘mở cửa’ Giáo hội và khuyến khích con cái mình đến với mọi người, với thế giới thì có thể nói Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II là người sống trọn vẹn lời mời gọi đó.
Trong gần 27 năm trên ngôi vị Giáo hoàng, với 104 chuyến tông du ngoài nước ý và đặt đến 129 quốc gia khác, lãnh thổ khác nhau, Ngài đã không ngại mệt mỏi đi ‘đến tận cùng bờ cõi trái đất’ – như Đức Giáo hoàng Benedictô XVI nói trong lễ phong chân phước cho Ngài cách đây bốn năm.
Trong những quốc gia Ngài thăm viếng, có nhiều quốc gia xa xôi, nghèo đói ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, hoặc chưa bao giờ có một Giáo hoàng đặt chân đến hay quốc gia cộng sản như Cuba.
Qua những chuyến đi như vậy, Ngài gặp gỡ hàng triệu người thuộc mọi thành phần, địa vị khác nhau thuộc mọi tôn giáo, chính kiến và nền văn hóa khác nhau.
Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đi đến rất nhiều nơi trên thế giới
Đi đến đâu Ngài cũng được người dân vui mừng đón tiếp vì Ngài yêu quý họ, thông hiểu, tôn trọng và đón nhận các phong tục, nghi thức văn hóa, truyền thống của họ. Khi đặt chân xuống bất cứ quốc gia nào, việc đầu tiên Ngài làm là quỳ xuống hôn đất để bày tỏ sự quý mến của Ngài đối với đất nước đó.
Ngoài việc thăm viếng, nâng đỡ con cái mình, trong những chuyến đi đó, Ngài luôn luôn nhấn mạnh sự hòa giải, đối thoại, tình huynh đệ, bác ái, kêu gọi hòa bình, lên tiếng bảo vệ những người bị bắt bớ, bỏ rơi, bất hạnh, lên án chiến tranh và các hình thức phân biệt đối xử, bóc lột, bất công khác.
Đặc biệt, đến từ một quốc gia cộng sản và chứng kiến cảnh người dân của mình – trong đó hầu hết là người Công giáo – mất quyền tự do, bị chế độ toàn trị đàn áp, Ngài quyết liệt phản đối các chế độ cộng sản, độc tài, toàn trị.
Ngài được coi là người đóng vai trò quan trọng trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan và các nước Đông Âu vì chính sự cổ võ, nâng đỡ tinh thần của Ngài người dân Ba Lan đã mạnh dạn đứng lên chống lại bất công, bạo quyền.
Đây cũng là điều nổi bật nơi Ngài. Ngài có thể truyền cảm cho bất cứ ai Ngài gặp. Các kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới – do Ngài khởi xướng năm 1985 và sau đó được tổ chức tại nhiều thành phố khác trên thế giới hai hoặc ba năm một lần – luôn quy tụ hàng triệu bạn trẻ đến từ khắp năm châu.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô cũng là một con người rất khiêm tốn. Ngài đã đích thân đến nhà tù để thăm Ali Agca – người đã ám sát mình. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ.
Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng từng gặp lãnh tụ Cuba Fidel Castro
Nhưng trên hết, đối với người Công giáo, Ngài là một người có một niềm tin sắt đá. Tất cả mọi hành động của Ngài đều quy hướng về – và bắt nguồn từ – một người. Đó là Đức Kitô.
Câu nói đầu tiên của Ngài trên cương vị giáo hoàng – và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các thông điệp khác của Ngài là ‘Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô’. Chính Ngài luôn sống và cũng luôn mời mọi người sống tinh thần ấy.
Vì không ‘sợ’, Ngài đã đến với tất cả mọi người – trong đó có nhiều người bé mọn, yếu thế và những người có thái độ thù ghét đối với mình – và đã làm tất cả để xây dựng một thế giới huynh đệ, bác ái, liên đới.
Cũng vì điều đó Tạp chí Time đã bầu chọn Ngài là một trong bốn nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX và XXI. Lễ an táng của Ngài cách đây 9 năm đã có hàng trăm lãnh đạo, đại diện của các quốc gia, tổ chức quốc tế và tôn giáo tham dự.
Chắc nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh Ngài nằm trong quan tài bằng gỗ (cây bách – biểu tượng của sự bất tử) mộc mạc – không sơn phết, không chạm trổ – và được đặt trơ trọi trên thảm (không vòng hoa) phía bên ngoài của Quảng trường Thánh Phêrô ngày hôm đó.
Ít hay nhiều hình ảnh đó nói lên được lòng khiêm tốn, đơn sơ, hy sinh và niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối của Ngài. Và vì nhờ những điều đó, Ngài được tưởng nhớ, tôn vinh.
Bằng chính việc phong thánh ngày hôm nay, Giáo hội muốn ghi nhận, tôn vinh những công đức của Ngài và Đức Gioan XXIII và khuyến khích con cái mình noi gương các Ngài.

Quan tâm đến Việt Nam

Hai vị Giáo hoàng được phong Thánh có nhiều công sức trong việc xây dựng Giáo hội ở Việt Nam
Đức cố Giáo hoàng Gioan và Gioan Phaolô cũng rất quan tâm đến Việt Nam và người Công giáo Việt Nam nói riêng.
Đức Gioan XXIII đã cử Ðức Hồng y Gregorio Pietro Agagianian làm đặc sứ đến Việt Nam tham dự Đại Hội Thánh Mẫu được tổ chức vào tháng 2 năm 1959 tại Sài Gòn.
Hơn một năm sau đó, vào ngày 24/11/1960, qua Tông sắc Venerabilium Nostrorum, Ngài đã quyết định thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam và thiết lập 3 Giáo tỉnh mới ở ba miền Bắc, Trung, Nam, với ba Tòa tổng Giám Mục là Hà Nội, Huế và Sàigon.
Riêng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, Ngài có một tình cảm sâu đậm đối với Việt Nam và mối liên hệ rất gần gũi với Giáo hội Việt Nam.
Lúc Ngài đăng quang giáo hoàng cũng là lúc có nhiều người Việt bỏ nước ra đi. Ngài đã mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi thế giới cứu giúp người Việt tỵ nạn.
Chỉ sau ít năm trên ngôi vị giáo hoàng, Ngài đã bổ nhiệm Đức ônng Vincent Trần Ngọc Thụ làm thư ký riêng cho Ngài.
Ngày 19/06/1988, trước sự hiện diện đông đảo của các tín hữu khắp năm châu – trong đó có rất nhiều người Việt đến từ Mỹ và các nước trên thế giới – Ngài đã tôn phong 117 anh hùng tử đạo lên hàng hiển thánh.
Trong bài giảng tại đại lễ phong thánh ấy, Ngài đã ‘gửi lời chào thân ái tới toàn thể dân tộc Việt Nam và nói cả Giáo Hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc Việt Nam được muôn phần an lành’.
Khi Đức Tổng Giám mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận ra tù và rời Việt Nam, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa Đức Tổng Thuận về Vatican và trao cho Đức Tổng nắm giữ một ví trị quan trọng, rất ý nghĩa tại một bộ có nhiều ảnh hưởng ở giáo triều. Đó là Phó – và sau đó – Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình.
Chưa hết, vào tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 – cũng là Năm Thánh của Giáo hội – Ngài mời Đức Tổng Thuận giảng tĩnh tâm cho Ngài và giáo triều.
Hồng y Nguyễn Văn Thuận được Giáo hoàng Gioan Phaolô II đưa về Vatican
Ngài dành cho Đức Tổng Thuận sự ưu ái đó một phần vì muốn bày tỏ sự kính trọng đối với Đức Tổng Thuận một phần vì muốn nói lên tình cảm của mình đối với Việt Nam.
Được biết, khi Đức Tổng Thuận bước lên để nhận mũ và nhẫn Hồng y, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã hai lần thốt lên: ‘Việt Nam!’ ‘Việt Nam!’.
Trong thánh lễ an táng Đức Hồng y Thuận, Ngài đã nói: ‘Tôi nghĩ đến Giáo Hội Việt Nam yêu qúy, nơi Đức Hồng y đã sinh ra trong đức tin và tôi cũng nghĩ đến toàn thể dân tộc Việt Nam mà Đức Hồng Y đáng kính đã công khai nhắc đến trong chúc thư thiêng liêng và khẳng định tấm lòng luôn luôn yêu mến’.
Một quyết định khác của Ngài làm nhiều người bất ngờ – và cũng được coi là một cử chỉ ưu ái Ngài dành cho Việt Nam – là việc Ngài phong Hồng y cho Đức Tổng Giám mục Giáo phận Sài gòn Phạm Minh Mẫn năm 2003.
Việc nâng Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn thành Tòa Hồng y làm ngay cả Đức Hồng y Mẫn ngạc nhiên vì so với các quốc gia châu Á khác như Nam Hàn hay Philippines, Việt Nam vẫn ít người Công giáo hơn hay tỷ lệ người Công giáo thấp hơn.
Chính vì tình cảm sâu nặng ấy đối với dân tộc, đất nước Việt Nam, được biết Ngài đã nhiều lần bày tỏ ước muốn được đến Việt Nam. Nhưng ước nguyện đó không bao giờ trở thành hiện thực đối với Ngài.
Trong khi đó Ngài đã được mời tới thăm một số nước trong vùng như Philippines (1981, 1995), Nhật (1981), Thái Lan (1984), Nam Hàn (1984, 1989) Singapore (1986), Indonesia (1989).
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một cây bút người Công giáo, đang sinh sống và làm việc tại Anh quốc.

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP LỄ TUYÊN THÁNH 2 ĐỨC GIÁO HOÀNG

TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP LỄ TUYÊN THÁNH 2 ĐỨC GIÁO HOÀNG
Mời xem truyền hình trực tiếp lễ tuyên thánh 2 Đức Giáo Hoàng
http://thanhlinh.net/node/69115

Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ tham dự Thánh lễ tôn phong hiển thánh ngày 27-04-2014



Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ tham dự Thánh lễ tôn phong hiểnthánh ngày 27-04-2014
WHĐ (27.04.2014) – Ngày đại lễ của đức tin với việc tôn phong hiển thánh hai Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã bắt đầu vào tối thứ Bảy. Tại nhiều nhà thờ ở trung tâm Roma, các buổi cầu nguyện diễn ra suốt đêm, từ đêm thứBảy cho đến lễ tuyên thánh vào sáng Chúa nhật. Từ 9 giờ sáng Chúa nhật, các tín hữu sẽ lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, xen kẽ với việc đọc các tài liệu về hai vị tân hiển thánh. Vào khoảng 10 giờ sáng, Đức giáo hoàng Phanxicô cùng với đoàn rướcsẽ tiến ra tiền sảnh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong bài hát Kinh cầu các thánh.
Hiện diện cùng với Đức giáo hoàng Phanxicô có khoảng 150 vị hồng y, một ngàn giám mục, sáu ngàn linh mục, và hai trăm phó tế. Trong số các vị đồng tế, năm vị sẽ hiện diện cùng với Đức giáo hoàng quanh bàn thờ là Đức hồng y Agostino Vallini, giám quản giáo phận RomaĐức hồng Stanisław Dziwisz, Tổng giám mục giáo phận Krakow - là giáo phận của Đức Gioan Phaolô II trước khi ngài được bầu làm Giáo hoàngĐức Tổng giám mục Francesco Beschi, giám mục giáo phận Bergamo - là quê hương của Đức Gioan XXIIIĐức hồng y Angelo Sodano, nguyên Quốc vụ khanh Toà Thánh và Đức hồng Giovanni Battista Re, nguyên Bộ trưởng Bộ Giám mục.
Toà Thánh cũng đã xác nhận Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ có mặt trong số các hồng y và giám mụcĐức nguyên giáo hoàng đã nhận lời mời của Đức giáo hoàng Phanxicô; ngài sẽ hiện diện trong Thánh lễ tôn phong hiển thánh cho hai vị giáo hoàng tiền nhiệmSáng thứ Bảy, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã loan báo rằng Đức nguyên giáo hoàng sẽ đồng tếThánh Lễ, nhưng không đứng cạnh Đức giáo hoàng Phanxicômà đứng chung với các hồng y và giám mục ở phía bên trái củatiền sảnh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Ngày 1 tháng 5 năm 2012Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô đã tôn phong Chân phước cho vị tiền nhiệm của ngài, mà ngài là cộng tác viên thân thiết, đặc biệt trong thời gian ngài đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 1981 đến2005.
Ngoài ra, nhiều đoàn đại biểu chính thức sẽ hiện diện tại buổi lễ. 93 quốc gia sẽ tham dự với 24 nguyên thủ quốc gia và 35 người đứng đầu chính phủ. Sau thánh lễ Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp họ tại quảng trường.
Tại tiền sảnh Vương cung thánh đường, ở các hàng phía trên có các vị Tổng thống của Bosnia, Bulgaria, Cameroon, Croatia, Ecuador, Gabon, Guinea Xích Đạo, Honduras, Hungary, ItaliaKosovo, Lebanon, Liechtenstein, Lithuania, Paraguay, Ba Lan, El Salvador, Slovakia và Zimbabwe. Trong số các Thủ tướng Chính phủ, có Thủ tướng Pháp Manuel Valls, Thủ tướng Ireland Enda Kenny và Thủ tướng Ucraina Arseniy Yatsenyuk.
Quốc vương và hoàng hậu Tây Ban Nhacựu hoàng đế Bỉ Albert II và Đại công tước Luxembourg cũng sẽ có mặt.
Đại diện các tổ chức châu Âu tham dự buổi lễ có Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso và Phó Chủ tịch Quốc hội Châu Âu Miguel Angel Martinez.
Ngoài ra còn có một số vị đứng đầu Nhà nước trước đâynhư cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà Henry Konan Bédié; và đặc biệt,một nhà chính trị mà tên tuổi gắn liền với hình ảnh của Đức Gioan Phaolô II là cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa. Trong số các vị chức trách còn có Tổng quyền Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Malta Matthew Festing và Đức Tổng giám mục Joan EricVives Sicilia - Đồng quốc vương Andorra.
Các vị lãnh đạo Kitô giáo cũng sẽ tham dự, bao gồm các nhà lãnh đạo Giáo hội Anh giáo và các Giáo hội Chính Thống, cũng như các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và Hồi giáo.
Toà Thánh Vatican nhắc lại rằng Toà Thánh không đưa ra lời mời tham dự lễ tuyên thánh, nhưng tất cả các vị nguyên thủ quốc gia và các vị đứng đầu Chính phủ đều được chào đón.
(Vatican Radio)


Đức Thánh Cha công du Nam Hàn

Một vài phản ứng về tin Đức Thánh Cha công du Nam Hàn





Ngày 10-3-2014, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã chính thức loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Nam Hàn từ 14 đến 18 tháng 8 năm nay, và chủ sự Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ VI trong giáo phận Daejeon. Đức Thánh Cha cũng sẽ chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho 124 vị tử đạo Nam Hàn.

Trong một thông cáo Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn đã bầy tỏ niềm vui và khẳng định rằng: ”Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một cuộc viếng thăm toàn lục địa Á châu”. Tin này đặc biệt khiến cho các anh chị em nghèo khổ bần cùng trong các thành phố lớn vui sướng. Và Giáo Hội Nam Ham đã bắt tay vào việc chuẩn bị ngay cho chuyến viếng thăm lịch sử này.

Cộng hòa Nam Hàn thành hình năm 1948 sau khi Đại Hàn bị chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Nam Hàn có khoảng 50 triệu dân sống trên diện tích rộng hơn 99.300 cây số vuông. Tín hữu Kitô được khoảng 13,7 triệu trong đó có 63% theo các Giáo Hội Tin Lành, và 37% thuộc Giáo Hội Công Giáo. Số còn lại theo Phật giáo, Khổng giáo hay các phong trào tôn giáo khác, nhưng có rất nhiều người không theo tôn giáo nào.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số phản ứng về tin vui Đức Thánh Cha Phanxicô công du Nam Hàn.

Trước hết là bài phỏng vấn cha Vincenzo Bordo, thừa sai thuộc dòng Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, giám đốc một trong các trung tâm Caritas quan trọng nhất Nam Hàn. Hằng ngày trung tâm của cha tiếp đón 500 người vô gia cư.

Hỏi: Thưa cha Vincenzo, cha đã cảm thấy gì khi nghe tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công du Nam Hàn?
Đáp: Chúng tôi đón nhận tin này với niềm hăng say và niềm vui lớn, nhất là tại nơi đây là nơi chúng tôi có một trung tâm cho những người ăn xin, người vô gia cư và sống lang thang trên các hè phố. Khi biết tin tất mọi người đều vui lắm.

Thật thế, khi Đức Thánh Cha mừng sinh nhật ngài đã mời ba người ăn xin và một con chó của họ dùng bữa trưa với ngài. Tôi đã phổ biến tin này cho tất cả các khách của chúng tôi. Khi nghe tin Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Nam Hàn họ đã nói: ”Như thế thì Đức Thánh Cha cũng sẽ đến thăm chúng ta! Nếu ngài đã mời các người ăn mày đến nhà ngài, thì ngài cũng sế đến đây với chúng ta là 500-600 người cơ mà”. Vì thế, có sự chờ đợi rất lớn từ phía tất cả các anh chị em ăn xin, vô gia cư và bụi đời, mà cử chỉ của Đức Thánh Cha cho thấy sự tôn trọng và thừa nhận đối với những người sống trên đường phố.

Hỏi: Cha và các khách của cha chuẩn bị như thế thế nào cho chuyến viêng thăm này?
Đáp: Trước hết bằng cách làm cho người khác biết Đức Phanxicô là ai. Ở đây chúng tôi sống trong một mội trường không công giáo và không kitô, và dân chúng biết rất ít về Đức Thánh Cha và về Giáo Hội công giáo. Điều đầu tiên là làm cho người ta biết Đức Giáo Hoàng là ai, ngài làm gì và Giáo hội công giáo là gì. Vì thế sẽ có việc chuẩn bị giáo lý cho các người này, là việc loan báo đầu tiên, bởi vì họ không biết Chúa Giêsu cũng không biết Giáo Hội, và lại càng không biết Đức Giáo Hoàng là ai nữa. Do đó đây sẽ là một dịp rao giảng Tin Mừng.

Hỏi: Là người không quen với cảnh tồi tệ và bần cùng mà chúng ta gặp trên các con đường của các thành phố của chúng ta cha đã có tương quan thường ngày với những người rốt hết trong xã hội. Và cha cũng đã lấy sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô làm sứ điệp của cha ngay từ khi nảy sinh ra trung tâm Caritas này. Một thừa sai diễn tả lời kêu gọi của Đức Thánh Cha ”đi ra các vùng ngoại biên”, cha có các tâm tình nào?

Đáp: Tôi đã cảm thấy niềm vui rất lớn, khi nghe các lời này của Đức Thánh Cha, bởi vì tôi đã làm công tác mục vụ này từ 22 năm nay - đôi khi tôi cảm thấy bị chế nhạo, bị bỏ rơi và bị nguyền rủa nữa. Đức Thánh Cha là người thừa nhận công việc này, và nói rằng các người này là các anh chị em đau khổ. Các lời này của Đức Thánh Cha trao ban cho tôi biết bao can đảm và trao ban biết bao can đảm cho các người phải sống trên hè phố. Họ nói: ”Đức Thánh Cha là một người quan trọng như vậy mà ngài nhớ đến chúng ta sao?” Đây là các tình trạng đau khổ mà bình thường người ta không trông thấy hay không muốn trông thấy. Sự kiện Đức Thánh Cha nhận thức được và đề nghị mọi người chú ý tới các tình trạng ấy trao ban an ủi, hy vọng và niềm vui cho tất cả các bạn hữu của chúng tôi là những người sống trên vìa hè đường phố.

Hỏi: Thưa cha Vincenzo, từ năm 1989, là năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II viếng thăm Nam Hàn lần thứ hai cho tới nay, Nam Hàn đã thay đổi như thế nào?
Đáp: Giáo Hội đã thay đổi rất nhiều trong các năm này, xã hội đã thay đổi biết bao vì thế Giáo Hội cũng thay đổi nhiều. Tôi đến Nam Hàn hồi năm 1990 và số tín hữu đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật hồi đó là 80%. Khi đến nhà thờ người ta không chỉ thấy tín hữu lớn tuổi, nhưng thấy rất đông người trẻ. Hai mươi năm đã trôi qua, giờ đây số người tham dự thánh lễ Chúa Nhật được khoảng 25-30% và chỉ là người già. Như thế, vấn đề tục hóa rất là lớn. Cần phải tái truyền giảng Tin Mừng và có một hình ảnh mới về Giáo Hội. Phải có các kiểu mới cho một thực tại đã thay đổi, vâng đúng thế, và đây là điều rất cần thiết.

Sau đây là vài nhận xét của cha Timoteo Jung, giám đốc đền thánh ”Jeoldunsan” ”Đồi chặt đầu”, nơi nhiều vị tử đạo đã bị hành quyết. Xác các vị sau đó bị ném xuống sông. Trên đỉnh đồi tín hữu đã xây một nhà nguyện như chứng tá cái chết vì đức tin của các vị và sự hiện diện của Giáo Hội tại Đại Hàn. Đền thánh này đã trở thành đích điểm hành hương của tín hữu công giáo Nam Hàn. Hàng năm có nửa triệu tín hữu kính viếng đền thánh, đa số là tín hữu công giáo, nhưng cũng có các tín hữu tin lành, phật giáo và cả người vô thần nữa. Các tín hữu thường ở lại nghỉ ngơi vài giờ trong công viên cạnh đền thánh.

Hỏi: Thưa cha, toàn dân Nam Hàn đang nôn nóng chờ đợi chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau 25 năm lại có một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng: điều này có nghĩa gì đối với tín hữu Nam Hàn?
Đáp: Chúng tôi tín hữu công giáo cũng như tất cả mọi người dân Nam Hàn đều cảm thấy Đức Thánh Cha Phanxicô rất yếu mến dân nước Đại Hàn. Chúng tôi cảm thấy rằng đó là một sứ điệp hòa bình và hòa giải.

Hỏi: Qúy vị sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha như thế nào, xét vì đền thánh ”Jeoldusan” là một trong các nơi cầu nguyện được viếng thăm nhiều nhất, đặc biệt trong Năm Đức Tin vừa qua?
Đáp: Chúng tôi sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha trong cách thế tốt nhất, với con tim rộng mở. Chắc chắn là các tín hữu công giáo, nhưng mà toàn dân Đại Hàn nữa, tất cả chúng tôi đều muốn tiếp đón Đức Giáo Hoàng, không phải như là Thủ Lãnh của Giáo Hội công giáo, nhưng như là vị lãnh đạo của thế giới, vị lãnh đạo của toàn nhân loại. Giáo phận Daejeon đã tổ chức mọi sự, và cùng với Hội Đồng Giám Mục chúng tôi đang tiến hành các chuẩn bị và nghĩ tới Đức Thánh Cha Phanxicô như là một người đơn sơ, luôn luôn gần gũi dân nghèo.

Sau cùng là vài phản ứng của Linh Mục John Kim Jong-Su, giám đốc Giáo hoàng học viện Đại Hàn tại Roma. Học viện này được thành lập năm 1990 và được Đức Gioan Phasolô II khánh thành năm 2001. Học viện tiếp đón các linh mục và chủng sinh Nam Hàn tu học tại Roma.

Hỏi: Thưa cha Kim, cộng đoàn hoc viện Đại Hàn đã đón nhận tin Đức Thánh Cha công du Nam Hàn như thế nào?

Đáp: Chúng tôi tất cả đều hài lòng và sung sướng. Chuyến viếng thăm này sẽ là một bước tiến tới hòa bình giữa hai miền Nam Bắc Hàn vẫn còn đang sống trong tình trang căng thẳng với nhau. Vì thế mọi người dân Đại Hàn: không phải chỉ có tín hữu công giáo thôi mà cả những người không tin đều tiếp đón Đức Thánh Cha.

Hỏi: Cha có thể trình bày ngắn gọn về Giáo Hội Đại Hàn hay không?
Đáp: Giáo Hội Đại Hàn có một lịch sử đôc nhất vô nhị. Đạo Công Giáo tại Đại Hàn đã đo các người không tin, không phải là công giáo đưa vào. Có một nhóm nhà thông thái Đại Hàn đã học đạo Công Giáo như là một triết lý, một khoa học tây phương. Sau khi học thì họ đã tìm ra một điều khác là đức tin. Rồi một người trong bọn họ đã được rửa tội tại Bắc Kinh bên Trung Hoa. Sau đó ông trở về Đại Hàn, và đã rửa tội cho một người bạn khác. Và đạo Công Giáo tại Đại Hàn bắt đầu từ đó. Đây là lịch sử duy nhất trên thế giới. Tại Đại Hàn đạo Công giáo là tôn giáo duy nhất đang lớn lên. Trong nước có biết bao nhiêu tôn giáo khác: phổ biến nhất là Phật giáo, rồi tới Khổng giáo, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, Giáo Hội Tin Lành có 8 triệu tín hữu và Giáo Hội Công Giáo có 5 triệu. Nhưng Giáo Hội công giáo có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Đại Hàn. Giáo Hội Đại Hàn đã nhận sự trợ giúp từ người khác, nhưng giờ đây Giáo Hội đang trợ giúp các Giáo Hội khác bằng cách gửi các thừa sai về hướng Đông, sang Phi châu và Âu châu.

Hỏi: Tình hình giữa hai miền Nam Bắc Hàn hiện nay ra sao thưa cha? Giáo Hội đã dấn thân như thế nào trong lãnh vực này?

Đáp: Tình hình tại Đại Hàn rất bình an, nhưng có căng thẳng. Có hòa bình nhưng có căng thẳng. Giáo Hội Đại Hàn quyết định dấn thân trong việc tái hiệp nhất Nam Bắc Hàn, nhưng cuộc đối thoại giữa hai chính quyền gặp khó khăn. Giáo Hội phải tìm một bước khác, một con đường khác, bằng cách trợ giúp kinh tế, trợ giúp nhân đạo. Giáo Hội phải tiếp tục trợ giúp Bắc Hàn. Con đường này trong tương lai có thể mở ra cho việc hiệp nhất hai miền Nam Bắc Hàn.

(RG 11.23-3-2014)

Linh Tiến Khải

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại liên tôn gửi các Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak năm 2014



HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH VỀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak năm 2014 (Phật lịch 2557)
WHĐ (26.04.2014) – Nhân dịp Đại lễ Vesak 2014 (Phật lịch 2557) của Phật giáo, nhằm ngày 13-05-2014, Đứchồng y Jean-Louis Tauran đã gửi một sứ điệp chúc mừng đến các Phật tử trên toàn thế giới.
Toàn văn sứ điệp như sau:
Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau cổ vũ tình huynh đệ
Các bạn Phật tử thân mến,
1. Thay mặt Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, một lần nữa tôi lại vui mừng gửi đến Phật tử trên khắp thế giớinhững lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp Đại lễ Vesak của các bạn.
2. Năm nay lời chúc của chúng tôi dựa trên Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2014 của Đức giáo hoàng Phanxicô với chủđề: Tình huynh đệ: nền tảng và đường dẫn đến hòa bình. Trong đóĐức giáo hoàng Phanxicô đã nhận định rằngTình huynh đệ là một chiều kích thiết yếu của con người, vì con người là một hữu thể có tương quan. Ý thức sâu sắc về các mối tương quan dẫn chúng ta đến việc nhìn nhận  đối xử với mỗi người như người anh chị em thực sự; nếu không sẽ không thểxây dựng được một xã hội công bằng, một nền hoà bình vững chắc và lâu dài (số 1).
3. Các bạn thân mến, truyền thống tôn giáo của các bạn tin tưởng rằng các tương quan bằng hữu, đối thoại, bố thíchia sẻ quan điểm một cách hài hòa và tôn trọng sẽ dẫn đến một thái độ thiện hảo và yêu thươngvà đối lạithái độ ấy lại tạo ra các mốitương quan đích thực và huynh đệ. Các bạn cũng tin rằng nguồn gốc của nhiều tệ nạn là do vô minh và ngộ nhậnhậu quả của tham sân sivà sẽ dẫn đến sự phá vỡ các mối quan hệ huynh đệ. Chẳng may, tính ích kỷ hng ngày là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh và nhiều bất công, ngăn cản chúng ta nhìn những người khác như những hữu thể được dựng nên cho tương quan hỗ tương, hiệp thông và trao ban”. (Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới năm 2014, số 2)Thói ích kỷ ấy chắc chắn sẽ dẫn đến việc xem người khác như một mối đe dọa.
4. Là các Phật tử và Kitô hữu, chúng ta đang sống trong một thế giới thường xuyên bị xâu xé bởi áp bức, ích kỷ, tính cục bộ,đấu tranh sắc tộc, bạo lực và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Một thế giới mà “người khác” bị xem và đối xử như một người thấpkém, một kẻ phi ngã vị, hoặc một người đáng sợ và, nếu được cần phải loại trừ. Tuy nhiên, chúng ta được kêu gọi, trong tinh thần hợp tác với tất cả mọi người hành hương thiện chí khác, tôn trọng và bảo vệ cả nhân loại trong sự khác biệt về kinh tế- xã hộichính trị và tôn giáo. Đâm rễ sâu trong niềm tin tôn giáo khác nhau của mình, chúng ta được đặc biệt kêu gọi công khai tố cáo các tệ nạn xã hội làm phương hại đến tình huynh đệ; chữa lành cho tha nhân khỏi những gì ngăn cản họ lớn lên với lòngquảng đại bất vụ lợi; và trở nên những người hoà giải, phá vỡ các bức tường chia rẽ trong xã hội, và phát huy tình huynh đệ thực sự giữa các cá nhân và các tập thể với nhau.
5. Thế giới của chúng ta ngày nay đang ​​ngày càng cảm nhận về một nhân loại chung và cùng tìm kiếm một thế giới công bằng, hoà bình và thân thiện hơn. Nhưng việc thực hiện được những niềm hy vọng này lại tùy thuộc vào sự nhìn nhận các giá trị phổ quát. Chúng tôi hy vọng rằng công cuộc đối thoại liên tôn, bằng việc nhìn nhận những nguyên tắc nền tảng của đạo đức phổ quát, sẽ giúp thúc đẩy một cảm thức mới mẻ về sự hiệp nhất sâu xa và tình huynh đệ, giữa mọi thành viên của gia đình nhân loạiThật vậymỗi người chúng ta được kêu gọi trở thành một nghệ nhân xây dựng hòa bình, bằng cách đoàn kết thay vì chia rẽ, dập tắt thay vì nuôi dưỡng hận thù, bằng việc khai mở con đường đối thoại thay vì dựng nên những bức tường ngăn cáchmới! Hãy đối thoại với nhau, gặp gỡ nhau để thiết lập một nền văn hóa đối thoại, nền văn hoá gặp gỡ trên thế giới” (Diễn văncủa Đức giáo hoàng Phanxicô tại Hội nghị quốc tế về hòa bình do Cộng đồng Thánh Egidio tổ chứcngày 30-09-2013).
6. Các bạn thân mến, để xây dựng một thế giới huynh đệ, điều hết sức quan trọng là chúng ta hợp sức với nhau để hướng dẫn mọi người, nhất là người trẻ, biết ưu tiên tìm kiếm tình huynh đệ, sống trong tình huynh đệ và can đảm xây dựng tình huynh đệhơn. Chúng tôi cầu nguyện cho việc cử hành đại lễ Vesak của các bạn trở nên một cơ hội để tái khám phá và cổ vũ cho tình huynh đệ, đặc biệt nơi các xã hội đang chia rẽ.
Một lần nữa xin gửi lời chào thân hữu và mến chúc tất cả các bạn một Đại lễ Vesak hạnh phúc!
Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
Lm. Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Thư ký

Huy Hoàng chuyển ngữ