label

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Chúc mừng bổn mạng cha sở

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ VÀ QUÍ ÔNG TRONG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ
Lẵng hoa chúc mừng

Hôm nay 29-06 lễ thánh Phêrô và thánh PhaoLô tông đồ bổn mạng của cha sở 
Phêrô Mai Đức Vượng 
và của các ông trong ban Hội đồng mụ vụ giáo xứ:
Ông PhaoLô Trần Văn Bính
Ông Phêrô Trần Văn Tuấn
Ông PhaoLô Nguyễn văn Sang
Ông Phêrô Nguyễn Văn Thiên Sinh
Toàn thể giáo dân Cần Xây xin chúc mừng bổn mạng Cha sở và quí ông, nguyện xin Thiên chúa ban nhiều hồng ân và sức khỏe để cha sở và quí ông giúp xứ đạo ngày càng đi lên. Chúng con cầu nguyện thật nhiều cho cha và quí ông trong ngày hôm nay.
                                                            Giáo dân Cần xây

 Hôm nay giáo xứ cũng vui mừng đón hai cha khách, trong đó có cha Phêrô Xuân tân linh mục và các cha cố có bổn mạng đang sống tại nhà hưu vì thế thánh lễ đồng tế với sự chủ tế của cha sở Phêrô Mai đức Vượng. Trong thánh lễ đại diện giáo dân đã đọc lời chúc mừng cha sở, quí cha cố, quí cha khách, quí vị trong ban Hội đồng mục vụ có bổn mạng cũng như quí giáo dân đã chọn hai thánh làm bổn mạng. Mọi người cùng cầu nguyện cho nhau trong thánh lễ mừng Hai Thánh. Hình ảnh trong thánh lễ sáng nay.
 

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Kitô hữu là thành phần thuộc Giáo Hội là một thân mình và một dân duy nhất

Kitô hữu là thành phần thuộc Giáo Hội là một thân mình và một dân duy nhất



Không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương các anh em khác; không thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không hiệp thông với Giáo Hội và chúng ta không thể là các kitô hữu tốt, nếu không tìm theo Chúa Giêsu cùng với tất cả các anh chị em khác như một dân duy nhất và một thân mình duy nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 25-6-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong số các đoàn hành hương cũng có nhóm 37 người thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn sang Roma dự lễ trao dây Pallium ngày 29-6-2014 cho các Tổng Giám Mục, trong đó có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sài Gòn kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ”tầm quan trọng thuộc về dân Chúa”. Sau khi chào tín hữu ngài nói: hôm nay có một nhóm tín hữu hành hương nối liền với chúng ta trong đại thính đường Phaolô VI. Họ là các tín hữu đau yếu. Bởi vì với thời tiết giữa cái nóng và có thể mưa này họ ở trong đó thì thận trọng hơn. Nhưng họ được nối liền với chúng ta qua màn hình khổng lồ. Và như thế chúng ta hiệp nhất trong cùng một buổi tiếp kiến. Và hôm nay chúng ta tất cả sẽ đặc biệt cầu nguyện cho họ cho bệnh tật của họ. Xin cám ơn anh chị em.

Trong bài giáo lý đầu tiên về Giáo Hội thứ tư tuần trước (18-6-2014), chúng ta đã khởi hành với sáng kiến của Thiên Chúa muốn thành lập một dân đem phước lành của Ngài đến cho mọi dân tộc của trái đất. Ngài bắt đầu với Abraham và với biết bao kiên nhẫn, Thiên Chúa chuẩn bị dân tộc này trong Cựu Ước cho tới khi nơi Đức Giêsu Kitô Ngài đặt để nó như dấu chỉ và dụng cụ sự hiệp nhất của con người với Thiên Chúa và giữa họ với nhau (x. LG, 1). Hôm nay chúng ta tìm hiểu tầm quan trọng thuộc về dân này. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Chúng ta không bị cô lập và không là kitô hữu với tư cách cá nhân mỗi người cho chính mình, không: căn tính của chúng ta là việc thuộc về! Chúng ta là kitô hữu bởi vì chúng ta thuộc về Giáo Hội. Nó như là tên họ: nếu tên gọi là ”tôi là tín hữu kitô”, thì tên họ là ”thuộc về Giáo Hội”. Thật là đẹp ghi nhận rằng sự tùy thuộc này cũng được diễn tả trong tên gọi mà Thiên Chúa gán cho chính mình. Khi trả lời ông Môshê trong vụ hiện ra với ông trong ”bụi gai cháy” (x. Xh 3,15) Ngài tự định nghĩa như là Thiên Chúa của các cha ông, Ngài không nói Ta là Đấng Toàn Năng, không, Ta là Thiên Chúa của Abraham, Igiaac và Giacóp. Trong cách thức này Ngài tự biểu lộ ra như vị Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với cha ông chúng ta và luôn trung thành với giao ước đó và mời gọi chúng ta bước vào trong tương quan đi trước chúng ta ấy. Tương quan này của Thiên Chúa với dân Người đi trước chúng ta tất cả, đến từ thời đó.

Trong nghĩa này, với lòng biết ơn tôi nghĩ tới những người đã đi trước chúng ta và đã tiếp đón chúng ta vào trong Giáo Hội. Không có ai tự mình trở thành kitô hữu! Điều này rõ chưa? Không có ai tự mình trở thành kitô hữu. Người ta không chế tạo tín hữu kitô trong phòng thí nghiệm. Kitô hữu là phần của một dân đến từ xa. Kitô hữu thuộc về một dân gọi là Giáo Hội và Giáo Hội này làm họ trở thành tín hữu kitô ngày Rửa Tội dĩ nhiên, rồi trong lộ trình giáo lý và biết bao điều khác. Nhưng không ai, không ai tự mình trở thành kitô hữu. Nếu chúng ta tin, nếu chúng ta biết cầu nguyện, nếu chúng ta biết Chúa và có thể lắng nghe Lời Ngài, nếu chúng ta cảm thấy Ngài ở gần và nhận ra Ngài trong các anh em khác, là bởi vì trước chúng ta họ đã sống đức tin rồi thông truyền đức tin cho chúng ta, đức tin chúng ta đã nhận được từ cha ông chúng ta và các ngài đã dậy cho chúng ta.

Nếu chúng ta nghĩ kỹ điều đó, ai biết đã có bao gương mặt thân yêu hiện ra trước mắt chúng ta trong lúc này: có thể là gương mặt của cha mẹ là những người đã xin Bí tích Rửa Tội cho chúng ta, gương mặt của ông bà hay của một người trong gia đình đã dậy chúng ta làm dấu Thánh Giá và đọc các kinh đầu tiên - tôi luôn luôn nhớ biết bao gương mặt của nữ tu đã dậy giáo lý cho tôi và gương mặt đó luôn đến - chắc chắn chị ở trên Trời vì chị là một phụ nữ thánh thiện - nhưng tôi luôn nhớ và cảm tạ Thiên Chúa vì nữ tu đó - hay gương mặt của cha xứ, của một linh mục hay một nữ tu, của một giáo lý viên đã thông truyền nội dung đức tin cho chúng ta và đã làm cho chúng ta lớn lên như kitô hữu.

Đấy, đây chính là Giáo Hội: là một đại gia đình, trong đó chúng ta được tiếp đón và học sống như tín hữu và môn đệ của Chúa Giêsu.

Con đường này chúng ta có thể sống không chỉ nhờ các người khác, nhưng cùng với các người khác. Trong Giáo Hội không có chuyện ”tự làm”, không có các ”người đập tự do”. Biết bao lần Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã miêu tả Giáo Hội như là một ”chúng tôi” giáo hội! Đôi khi xảy ra là chúng ta nghe một ai đó nói: ”Tôi tin nơi Thiên Chúa, tôi tin nơi Đức Giêsu, nhưng Giáo Hội thì không, không ăn nhập gì với tôi...” Biết bao lần chúng ta đã nghe điều này? Và điều này không được. Có người cho rằng có thể có tương quan cá nhân, trực tiếp, tức thì với Chúa Giêsu Kitô ngoài sự hiệp thông và trung gian của Giáo hội. Đó là các cám dỗ nguy hiểm và tai hại. Như Đức Phaolô VI vĩ đại đã nói, chúng là các phân chia vô lý. Có đúng thật là cùng nhau bước đi đòi hỏi dấn thân và đôi khi có thể gây mệt nhọc: có thể xảy ra là vài anh chị em gây vấn đề cho chúng ta hay làm gương mù gương xấu cho chúng ta... Nhưng Chúa đã tín thác sứ điệp cứu độ cho những con người, cho tất cả chúng ta, cho các nhân chứng và chính trong các anh chị em của chúng ta với các ơn và các hạn hẹp của họ, Chúa đến gặp gỡ chúng ta và làm cho chúng ta nhận biết Người. Và điều này có nghĩa là thuộc về Giáo Hội. Xin anh chị em hãy nhớ kỹ: là kitô hữu có nghĩa là thuộc về Giáo Hội. Tên là ”kitô hữu”, họ là ”thuộc về Giáo Hội”.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, ơn không bao giờ rơi vào cám dỗ nghĩ rằng có thể làm mà không cần các người khác, có thể làm mà không cần Giáo Hội, có thể tự cứu rỗi một mình, là kitô hữu của phòng thí nghiệm. Trái lại, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương các người anh em, không thể yêu Thiên Chúa ngoài Giáo Hội: Không thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không hiệp thông trong Giáo Hội, và chúng ta không thể là các kitô hữu tốt, nếu không cùng với tất cả mọi người tìm theo Chúa Giêsu như một dân tộc duy nhất, một thân mình duy nhất và đó là Giáo Hội.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương, cách riêng phái đoàn đại học Bếtlêhem về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập đã đem lại nhiều thiện ích cho nhân dân Palestine. Ngài cũng chào các nhóm tới từ Australia, Đài Loan, Ấn Độ, quần đảo Antilles, Việt Nam, Honduras, Colombia, Mêhicô, Argentina và cầu chúc tất cả mọi người các ngày hành hương sốt sắng và bổ ích.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan Đức Thánh Cha nói thứ sáu tới là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đây là dịp ca tụng Thánh Tâm đã yêu thương chúng ta biết bao. Trong cuộc sống càng gặp các khó khăn, lo lắng và vấn đề bao nhiêu, chúng ta hãy càng tín thác nơi Chúa Giêsu bấy nhiêu là Đấng đã mời gọi chúng ta: ”Hãy đến cùng Thầy, hỡi tất cả các con là những người mệt mỏi và bị áp bức và Thầy sẽ bổ sức cho” (Mt 11,28).

Chào các nhóm tiếng Ý Đức Thánh Cha khích lệ mọi người luôn cảm thấy cộng đoàn kitô như là nơi ưu tiên của việc rao truyền Tin Mừng, đào tạo tinh thần và giáo dục bác ái.

Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ luôn tìm thấy nơi Thánh Thể của nuôi tinh thần. Đức Thánh Cha xin các anh chị em đau yếu dâng khổ đau và lời cầu lên Chúa để Ngài tiếp tục trải dài tình yêu trong con tim loài người. Ngài xin các cặp vợ chồng mới cưới hãy tiến tới Thánh Thể với đức tin canh tân để trở thành các gia đình được linh hoạt bởi chứng tá kitô cụ thể.

Buỗi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hàn Quốc


Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hàn Quốc
WHĐ (19.06.2014) – Hôm thứ Tư 18-06, Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hàn Quốc từ ngày 13 đến 18 tháng Tám sắp tới. Đây là chuyến viếng thăm châu Á đầu tiên của Đức Thánh Cha, nhân dịp Đại hội Giới trẻ Á châu lần thứ sáu. Đặc biệt trong chuyến tông du này Đức Thánh Cha sẽ tôn phong chân phước cho 124 vị tử đạo người Triều Tiên Seo So mun.
Chương trình chi tiết (theo giờ địa phương) như sau:
Thứ Tư, 13-08
16g: Khởi hành từ Sân bay Fiumicino, Roma      
Thứ Năm, 14-08
10g30: Đến Căn cứ không quân Seoul
12g00: Cử hành Thánh Lễ riêng, tại Toà Sthần Toà Thánh
15g45: Nghi lễ đón tiếp tại khuôn viên Nhà Xanh (Dinh Tổng Thống) ở Seoul
Viếng thăm xã giao Tổng thống Hàn Quốc
16g30: Gặp giới chức chính quyền tại Sảnh Chungmu của Nhà Xanh
17g30: Gặp các giám mục Hàn Quốc tại trụ sở Hội đồng Giám mục Hàn Quốc
Thứ Sáu, 15-08
8g45: Khởi hành đi Daejeon bằng trực thăng
10g30: Cử hành Thánh Lễ trọng thể kính Đức Mẹ Lên Trời tại Sân vận động “Cúp Bóng đá Thế giới” ở Daejeon – Đọc kinh Truyền Tin
13g30: Dùng bữa trưa với giới trẻ tại Đại chủng viện Daejeon
16g30: Khởi hành đến Đền Solmoe bằng trực thăng
17g30: Gặp gỡ giới trẻ Á châu tại Đền Solmoe
19g15: Trở lại Seoul bằng trực thăng
Thứ Bảy, 16-08
8g15: Viếng Đền thánh Tử đạo Seo So mun
10g00: Cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước cho Tôi tớ Chúa Paul Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo, tại Cổng Gwanghwamun ở Seoul
15g30: Đến Kkottongnae bằng trực thăng
16g30: Thăm Trung tâm phục hồi chức năng của người khuyết tật “Nhà Hy vọng” ở Kkottongnae
17g15: Gặp các cộng đoàn tu sĩ Hàn Quốc tại Trung tâm “Ngôi trường Tình yêu” ở Kkottongnae
18g30: Gặp các nhà lãnh đạo Tông đồ giáo dân tại Trung tâm linh đạo ở Kkottongnae
19g00: Trở lại Seoul bằng trực thăng
Chúa nhật, 17-08
10g00: Khởi hành đi Haemi bằng trực thăng
11g00: Gặp các giám mục Á châu tại Đền Haemi
13g00: Dùng bữa trưa với các giám mục Á châu tại nhà ăn của Đền Haemi      
16g00: Cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Á châu lần thứ sáu, tại Lâu đài Haemi
19g00: Trở lại Seoul bằng trực thăng
Thứ Hai, 18-08
9g00: Gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Toà Tổng giám mục Seoul cũ
9g45: Cử hành Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải, tại Nhà thờ chính toà Myeong-dong ở Seoul
12g45: Nghi ltạm biệt tại Căn cứ không quân Seoul
13g00: Khởi hành đi Sân bay Ciampino, Roma
17g45: Đến Sân bay Ciampino, Roma.
(Theo w2.vatican.va)
 
Minh Đức

Đức Thánh Cha tái bênh vực tự do tôn giáo

Đức Thánh Cha tái bênh vực tự do tôn giáo



VATICAN. Sáng 20-6-2014, ĐTC tái lên tiếng bênh vực tự do tôn giáo và tố giác hiện tượng nhiều tín hữu Kitô vẫn còn bị bách hại trên thế giới ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến dành cho 200 tham dự viên hội nghị quốc tế do Đại học Công Giáo Lumsa ở Roma tổ chức trong hai ngày 20 và 21-6-2014 về đề tài: ”Tự do tôn giáo theo công pháp quốc tế và cuộc xung đột các giá trị trên thế giới”.

ĐTC khẳng định rằng ”Lý trí nhìn nhận trong tự do tôn giáo một quyền cơ bản của con người, phản ánh phẩm giá cao cả nhất, phẩm giá của người có thể tìm kiếm và gắn bó với sự thật, và lý trí nhìn nhận trong tự do ấy một điều kiện không thể thiếu được để phát huy tất cả tiềm năng của mình. Tự do tôn giáo không phải chỉ là tự do tư tưởng hoặc phụng tự riêng tư. Đó là tự do được sống theo các nguyên tắc luân lý đạo đức phù hợp với chân lý đã tìm được, hoặc riêng tư hoặc công khai.”

ĐTC nhìn nhận rằng đây là một thách đố lớn trong thế giới hoàn cầu hóa ngày nay, trong đó tư tưởng yếu cũng hạ thấp trình độ luân lý nói chung và nhân danh quan niệm sai lầm về sự bao dung, người ta đi tới chỗ bách hại những người bảo vệ chân lý về con người và những hệ lụy luân lý đạo đức từ đó mà ra”.

ĐTC nhận xét rằng ”tự do tôn giáo, khi được khẳng định trong các hiến pháp và luật lệ, cũng như được biểu lộ qua những thái độ phù hợp, thì tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các quan hệ tôn trọng nhau giữa các tín ngưỡng và một sự cộng tác lành mạnh với Nhà Nước và xã hội chính trị, không lẫn lộn vai trò và không đối nghịch nhau. Thay vì những xung đột các giá trị trên thế giới, người ta giúp đạt tới sự cộng tác để mưu công ích, đi từ những giá trị được mọi người chấp nhận”.

Cũng trong buổi tiếp kiến, ĐTC mạnh mẽ lên án các cuộc bách hại tôn giáo. ”Sự bách hại này làm thương tổn lý trí, gây thiệt hại cho hòa bình và hạ nhục phẩm giá con người”.

Ngài nói: ”Đối với tôi, thật là một đau khổ lớn lao khi thấy các tín hữu Kitô trên thế giới đang phải chịu rất nhiều các vụ kỳ thị. Sự bách hại các tín hữu Kitô này này lớn lao hơn so với các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, và ngày nay có nhiều Kitô hữu tử đạo hơn cả trước kia. Điều này đang xảy ra 1.700 năm sau chiếu chỉ của Hoàng đế Constantino nhìn nhận tự do của các Kitô hữu được công khai tuyên xưng niềm tin của họ”.

Đại học Lumsa, tức là Đại học tự do Đức Mẹ Mông Triệu (Libera Universit Maria SS Assunta), có trụ sở gần Vatican, được thành lập năm 1939 và hiện gồm các khoa như: nhân văn, truyền thông, huấn luyện, tâm lý, luật khoa. kinh tế, chính trị và ngôn ngữ hiện đại. (SD 20-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chống chủ trương cho sử dụng ”ma túy nhẹ”

Đức Thánh Cha chống chủ trương cho sử dụng ”ma túy nhẹ”



VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 20-6-2014 dành cho 450 tham dự viên hội nghị quốc tế chống ma túy, ĐTC mạnh mẽ phê bình việc cho sử dụng các loại ma túy gọi là nhẹ.

Lên tiếng trong dịp này, ngài cầu chúc hội nghị đạt tới mục tiêu là phối hợp các chính sách chống ma túy, chia sẻ những thông tin liên hệ và phát triển một chiến lược hành động chống lại nạn buôn bán ma túy.

ĐTC bày tỏ lo âu và đau buồn vì sự lan tràn nạn ma túy trên thế giới đồng thời khẳng định rằng: ”Tôi muốn nói thật rõ ràng: không thể chống ma túy bằng ma túy! Ma túy là một điều ác và không thể có thái độ nhượng bộ hoặc thỏa hiệp với điều ác. Tưởng rằng có thể giảm bớt thiệt hại của ma túy bằng cách cho những người sử dụng ma túy dùng những thuốc ảnh hưởng tới tâm lý thì không hề giải quyết được vấn đề. Những luật lệ cho sự dụng những thứ gọi là ”ma túy nhẹ”, kể cả bán phần, không những đáng tranh luận về mặt lập pháp, nhưng còn không đạt được những hiệu quả mà người ta đề ra. Đàng khác, ma túy thay thế như thế không phải là một sự trị liệu đầy đủ, nhưng chỉ là một cách thức trá hình đầu hàng hiện tượng ma túy. Tôi muốn lập lại điều mà tôi đã nói trong một dịu khác: không chấp nhận bất kỳ loại ma túy nào! (Tiếp kiến chung 7-5-2014).

ĐTC nói thêm rằng để phủ nhận ma túy, thì cần chấp nhận bênh vực sự sống, chấp nhận tình thương, chấp nhận tha nhân, giáo dục, công việc làm, và chấp nhận nhiều nguồn mạch công việc làm. Nếu có những thái độ như thế thì sẽ không còn chỗ cho ma túy, cho sự lạm dụng rượu, và những thứ nghiện ngập khác”.

ĐTC cũng nói đến sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo, theo gương Chúa Giêsu đối với người đau khổ, và không bỏ rơi những người sa vào vòng ma túy. ”Giáo Hội cầm tay họ, qua hoạt động của bao nhiêu nhân viên và người thiện nguyện giúp họ tái khám phá phẩm giá cảu mình, giúp họ phục hồi các tiềm năng và năng khiếu bản thân mà ma tùy đã chôn vùi, nhưng không thể hủy hoại vì mỗi người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa” (St 1,26) (SD 20-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Giải thưởng Ratzinger 2014


Giải thưởng Ratzinger 2014
WHĐ (18.06.2014) – Hôm thứ Ba 17-06, Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố danh tính hai học giả được trao giải thưởng Ratzinger năm nay. Cả hai đều là những người hoạt động tích cực trong cuộc đối thoại Công giáoDo Thái giáo.
Người thứ nhất là giáo sư Anne-Marie Pelletier,  người Pháp, đang dạy Thánh Kinh và môn Chú giải tại Chủng viện Notre Dame ở Paris. cũng đã dạy Kinh Thánh tại Học viện châu Âu về Tôn giáo học. từng là Phó Chủ tịch Văn phòng Thông tin Tài liệu Do Thái giáo–Kitô giáo ở Paris. đã tham gia nhiều hội nghị do Toà Thánh tổ chức, và là dự thính viên tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 2001 về vai trò phục vụ Tin Mừng của Giám mục.
Đức hồng y Camillo Ruini, Chủ tịch Uỷ ban khoa học của Quỹ Ratzinger nói: “Vì thế, giáo sư Pelletier là một nhân vật rất quan trọng của Công giáo Pháp đương đại. Nơi bà vừa hội tụ một uy tín khoa học vừa có một sức sống văn hoá lớn và linh hoạt cũng như sự cống hiến đích thực cho những sự nghiệp rất quan trọng đối với chứng tá Kitô giáo trong xã hội."
Người thứ hai là Đức ông Waldemar Chrostowski, người Ba Lan, tổng biên tập tập san thần học Collectanea Theologica, và đã từng là Chủ tịch của Hiệp hội các học giả Kinh Thánh Ba Lan từ năm 2005. Năm 2008 ngài tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về Lời Chúa và sứ vụ của Giáo hội với tư cách chuyên viên. Ngài đã viết nhiều bài báo uyên bác thuộc lĩnh vực ưa thích của ngài là Cựu Ước, đặc biệt là về các Tiên tri; đồng thời ngài còn là một chuyên gia về văn chương thời kỳ giữa Cựu và Tân Ước của Do Thái giáo, cũng như về Do Thái giáo và mối liên hệ với Kitô giáo.
Đức ông Chrostowski làm việc tại Phân khoa Thần học của Học viện Warsawa từ năm 1987. Ngài cũng là thành viên lâu năm của Uỷ ban Đối thoại với Do Thái giáo thuộc Hội đồng Giám mục Ba Lan và thành viên Hội đồng các Kitô hữu và người Do Thái Ba Lan.
Đức hồng y Ruini nói: “Đức ông Chrostowski đã kết hợp tính nghiêm túc trong học thuật với niềm say mê Lời Chúa để phục vụ Giáo hội và chăm lo cho công cuộc đối thoại liên tôn”.
Buổi họp báo cũng cho biết những thông tin mới nhất về việc chuẩn bị Hội nghị lần thứ tư của Quỹ Ratzinger, diễn ra trong hai ngày 2324 tháng 10 năm 2014 tại Đại học Giáo hoàng Bolivariana Medellín, Colombia. Chủ đề của Hội nghị là “Tôn trọng sự sống là đường dẫn đến hoà bình.
Ông German Cardona Gutiérrez, Đại sứ Colombia cạnh Toà Thánh nói rằng: “Ngày nay, thật không may chúng ta gặp phải rất nhiều mối đe dọa đến sự sống con người, nhất đối với những dân tộc dễ bị tổn thương nhất, về nhiều khía cạnh những chiều kích bi thảm. Vì lý do này, điều rất quan trọng là phải không ngừng cổ võ một nền Văn hoá Hoà bình và Bất bạo động như một tập hợp các giá trị, thái độ và hành vi phản ánh sự tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, nhằm góp phần xây dựng một thế giới công bằng hơn, biết quan tâm hơn, đàng hoàng hơn, và thịnh vượng hơn cho mọi người”.
Năm nay là năm thứ tư trao Giải thưởng Ratzinger và là lần đầu tiên một phụ nữ được nhận vinh dự này.
(Vatican Radio)
 
Minh Đức

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Giáo Chủ Anh giáo

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Giáo Chủ Anh giáo



VATICAN. ĐTC Phanxicô tái khẳng định mục tiêu tìm về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa Công Giáo và Anh giáo, đồng thời cổ võ sự cộng tác chung giữa hai cộng đồng Giáo Hội.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 16-6-2014, dành cho Đức Justin Welby, TGM giáo phận Canterbury, Giáo Chủ liên hiệp Anh giáo, cùng với phái đoàn đến thăm ĐTC. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Vincent Nichols, TGM giáo phận Westminster, Chủ tịch HĐGM Công Giáo Anh quốc.
Lên tiếng trong dịp này, ĐTC bày tỏ đau buồn vì tình trạng chia rẽ giữa các tín hữu Kitô và khẳng định rằng: ”Đứng trước cái nhìn từ bi của Chúa, chúng ta không thể làm ngơ không biết rằng sự chia rẽ giữa chúng ta là một gương xấu, một chướng ngại cản trở việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Cái nhìn của chúng ta nhiều khi bị lu mờ vì gánh nặng gây ra do lịch sử những chia rẽ của chúng ta cũng như do ý chí của chúng ta không luôn luôn được giải thoát khỏi tham vọng phàm nhân, thậm chí tham vọng này nhiều khi đi kèm ước muốn loan báo Tin Mừng theo mệnh lệnh của Chúa” (Xc Mt 28,19).
ĐTC xác quyết rằng ”Mục tiêu hiệp nhất trọn vẹn có thể có vẻ là một mục tiêu xa vời, nhưng nó vẫn luôn mà mục tiêu chúng ta phải qui hướng mọi bước đường trong hành trình đại kết thúc ta đang cùng nhau thực hiện.. Sự tiến bộ hướng về hiệp nhất trọn vẹn không phải chỉ là kết quả hành động nhân trần của chúng ta mà thôi, nhưng là món quà tự do của Thiên Chúa. Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta sức mạnh để không nản chí và mời gọi chúng ta hoàn toàn tín thác nơi hoạt động quyền năng của Chúa”.
ĐTC nhắc lại trong lần gặp gỡ đầu tiên với Đức Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo, hai bên đã nói về những quan tâm chung và những tai ương đang đè nặng trên gia đình nhân loại. Ngài nói:
”Đặc biệt chúng ta đã bày tỏ kinh hoàng trước tệ nạn buôn người và những hình thức nô lệ mới mẻ. Tôi cảm ơn Đức Giáo Chủ vì đã dấn thân chống lại tội ác không thể dung thứ này chốn glại phẩm gia con người. Trong lãnh vực hoạt động rộng lớn này và cấp thiết này, nhiều hoạt động cộng tác quan trọng đã được khởi sự, trong lãnh vực đại kết cũng như với các chính quyền dân sự và các tổ chức dân sự quốc tế. Nhiều sáng kiến bác ái đã nảy sinh từ các cộng đoàn của chúng ta và được thực thi quảng đại và can đảm tại nhiều miền trên thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến mạng hành động chống lại nạn buôn phụ nữ do nhiều Hội dòng nữ đề xướng. Chúng ta hãy cùng nhau dấn thân kiên trì trong cuộc chiến chống lại những hình thức nô lệ mới mẻ, với niềm tín thác rằng chúng ta có thể góp phần nâng đỡ các nạn nhân và chống lại thảm trạng buôn người thê thảm như vậy' (SD 16-6-2014)
G. Trần Đức Anh OP


Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN (15.6.2014 – Lễ Chúa Ba Ngôi)

THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN
Lời Chúa: Ga 3, 16-18
Khi ấy, Đức Giêsu nói cùng ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,  nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.  Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.
Suy nim:
Có một điều thường khiến các bạn trẻ băn khoăn,
đó là làm sao nhận ra một tình yêu chân thực,
làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh,
không bị lừa dối bởi những ngọt ngào, để rồi vỡ mộng.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta một số tiêu chuẩn,
khi mời ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa.
Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao:
“Thiên Chúa đã yêu thế gian
đến nỗi đã trao ban Con Một của Người...”
Không phải chỉ là trao một quà tặng,
hay một cái gì ở ngoài mình,
nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu.
Điều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha
là người Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô.
Khi trao cho chúng ta Đấng bị treo trên thập giá,
Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân Ngài.
Ngài chấp nhận Con Ngài phải chết
để nhân loại được sống.
Tình yêu chân thực chẳng hề biết giữ lại cho mình.
Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ,
tình yêu mong hạnh phúc cho người mình yêu :
“... để bất cứ ai tin vào Người Con ấy
thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này.
Được sống là được đưa vào thế giới thần linh,
được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân.
Nếu có ai hư mất hay bị luận phạt
thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác,
nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng tự do con người.
Con người có thể tin hay từ chối,
mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban.
Thánh Gioan đã dám định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu.
Một Tình Yêu chia sẻ chan hòa giữa Ba Ngôi:
Cha trao tất cả cho con, Con dâng tất cả cho Cha.
Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con.
Một Tình Yêu tràn ngập cả vũ trụ:
Thiên Chúa là Tình Yêu sáng tạo
khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài ;
Ngài là Tình Yêu cứu độ
khi Ngài muốn thứ tha cho ta qua Đức Giêsu ;
Ngài là Tình Yêu thánh hóa
khi Ngài muốn ban cho ta sức sống mới trong Thánh Thần.
Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa
nếu chúng ta xa lạ với tình yêu.
“Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8).
Ai không ở lại trong tình yêu
thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. 1 Ga 4,16).
Ước gì đời ta được tưới gội bởi Tình yêu,
để mọi việc chúng ta làm
đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu.
Ước gì chúng ta làm chứng về Thiên Chúa Tình yêu
bằng một đời sống hiến trao và chia sẻ.
Cầu nguyn:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

THIÊN CHÚA TÌNH YÊU

THIÊN CHÚA TÌNH YÊU
Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét.  Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo.  Đạo Phật là đạo xuất thế.  Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời.  Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa.  Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế.  Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh.  Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể.  Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.
 
Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người.  Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm.  Đi tìm tức là có quan tâm.  Xa vắng thì nhớ.  Thấy khổ vì thương.  Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.
 
Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người.  Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.
 
Thiên Chúa là tình yêu.  Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi.  Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh.  Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh.  Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi.  Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.
 
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo.  Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một.”  Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh.  Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha.  Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.  Chúa Giêsu đã quả quyết:“Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu.”  Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.
 
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối.  Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình.  Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp.  Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc.  Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật.  Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu.  Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.
 
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời.  Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.
 
Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa.  Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta.”  Thiên Chúa là tình yêu.  Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương.  Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương.  Cầm thú không có khả năng yêu thương.  Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.
 
Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét.  Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú.  Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa.  Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa.  Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.
 
Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu.  Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình.  Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa.  Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.
 
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt