label

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Khóa học trừ quỷ và cầu nguyện giải thoát

Khóa học trừ quỷ và cầu nguyện giải thoát

Phỏng vấn Cha Benigno Palilla
Trong các ngày ngày 13-18 tháng 4 khóa học lần thứ 10 về “Trừ qủy và cầu nguyện giải thoát “ đã khai diễn tại Đại học Nữ Vương Các thánh Tông Đồ của dòng Đạo Binh Chúa Kitô ở Roma. Năm nay có 160 tham dự viên gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Khóa học gồm nhiều bài thuyết trình và các cuộc thảo luận bàn tròn, liên quan tới các vấn đề như: Thuyết công truyền, ma thuật, thần bí, tôn thờ Satan và trừ qủy trong các tài liệu của vài Hội Đồng Giám Mục; Trừ quỷ và việc tái rao giảng Tin Mừng; Các thiên thần và ma quỷ trong Thánh Kinh và trong huấn quyền của Giáo Hội; Ma quỷ và việc trừ quỷ trong các nền văn hóa và tôn giáo đông phương; Ma qủy và việc trừ qủy trong Hồi giáo; Việc phân định hoạt động ngoại thường của qủy; Các dấu hiệu thiết định của Sách Nghi thức Roma giúp nhận biết qủy nhập; Lời cầu nguyện giải thoát; Lời cầu nguyện giải thoát: việc tiếp cận thần học và mục vụ; Việc cử hành trừ quỷ: Thực hành phụng vụ và luật đức tin; Các vấn đề pháp lý của việc trừ quỷ; Vài khiá cạnh trên bình diện luật phụng vụ và giáo luật; Các bản chất tâm lý hoạt động trong các nhóm duy linh và các phụng tự tàn phá; Các khía cạnh tâm lý của việc lèo lái trí óc; Các rối loạn tâm lý và việc lượng định khác biệt; Các khía cạnh tâm thần: chẩn đoán khác biệt giữa các hiện tượng thuộc trật tự tự nhiên và một trật tự khác; Thuyết thần bí: giữa các giáo phái tôn thờ Satan và các biểu lộ ma quỷ; Các nghi lễ ma thuật-thần bí và ảnh hưởng của ma quỷ; Các khiá cạnh tội phạm của chủ thuyết tôn thờ Satan; Các khía cạnh tư pháp và luật lệ; Thần học về việc trừ quỷ như bí tích; Các khiá cạnh ma thuật và bói toán của vài liệu pháp thay thế; Các Thánh và các giáo phụ của sa mạc và hoạt động ngoại thường của ma quỷ; Các khía cạnh mục vụ và tu đức của việc trừ quỷ; Các tiêu chuẩn phân định liên quan tới các kỹ thuật đông phương và việc chữa lành; Các đóng góp khoa học và điều tra đối với thừa tác trừ quỷ; Hội luận bàn tròn với các chuyên viên trừ quỷ.
Mục đích khóa học do Bộ Giáo Sĩ bảo trợ là cống hiến cho các tham dự viên sự hiểu biết về mục vụ trừ quỷ trên bình diện thần học và khoa học, đồng thời cũng cảnh báo mọi người chống lại việc phổ biến khoa huyền bí, bí truyền và tôn thờ Satan. ĐTC Phanxicô hay đề cập tới ma qủy, nhưng trong Giáo Hội nói chung xem ra người ta càng ngày càng ít nói tới ma quỷ, như cha Benigno Palilla, một trong các thuyết trình viên tham dự khóa học  khẳng định trong bài phỏng vấn dành cho phái viên Federico Piana của đài Vaticăng ngày 11 tháng 4 vừa qua.
Ma qủy không còn là một tưởng tượng của thời trung cổ nhưng là một đe dọa cụ thể và thời sự hơn bao giờ hết. Chính các thuyết trình viên các khóa học trừ quỷ khẳng định như thế. Bằng chứng là con số các lời xin can thiệp cho những người bị quỷ nhập gia tăng.
Khóa học chỉ có giá trị hàn lâm, để có thể thực hành việc trừ qủy các linh mục tu sĩ cần phải có phép của các Giám Mục liên hệ.
Linh Mục Cesar Truqui, thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô, cho biết  không thể nói rằng số người bị qủy nhập gia tăng, nhưng trong mười năm qua số lần xin can thiệp đã gia tăng khá nhiều, đến độ trong giáo phận Roma chẳng hạn một trên ba ba cú điện thoại gọi tới là để xin trừ quỷ. Có nhiều dấu hiệu khác nhau cho biết việc qủy nhập, hay quỷ ám: từ sự im lặng khăng khăng cho tới các biểu lộ sức mạnh phi thường, cho tới khả năng nói thông thạo các thứ tiếng không biết và không học bao giờ, hay các thay đổi nhiệt độ trong người vv… Trong số những người bị ma quỷ cám dỗ nhiều nhất có người trẻ và rất trẻ. Cha Truqui nói nguy cơ đối với giới trẻ liên quan tới các hoạt động cực đoan. Trong các tổ chức tôn thờ Satan lưu hành rất nhiều chất ma tuý và tình dục vượt ngoài mọi kiểm soát là những thứ rất lôi cuốn giới trẻ. Người ta đề nghị với người trẻ thành công không công trạng gì, giầu có mà không phải làm việc, và thú vui vô hạn: đó là giấc mơ của mọi người trẻ, nhưng đó là những điều không hiện hữu.
Một vị khác có nhiệm vụ tổ chức khóa học cho biết Ma quỷ rất thông minh, nó thay đổi các chiến thuật. Khuynh hướng công truyền, thần bí, tôn thờ Satan và các hình thức ma thuật khác nhau rất hiện diện trong các phương tiện truyền thông và các mạng lưới xã hội lôi cuốn người trẻ và dẫn họ tới các lựa chọn nguy hiểm có thể làm hại họ. Các hiểm nguy cũng đến từ các mạng Internet và âm nhạc che dấu các sứ điệp mời gọi tôn thờ Satan và theo các nghi thức có thể trở thành bạo lực. Việc trừ quỷ có thể giúp các bạn trẻ này thoát khỏi các hiện diện ma quỷ.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của cha Benigno Palilla.
Hỏi: Thưa cha, tại sao trong Giáo Hội nói chung chúng ta lại ít nói tới ma quỷ  như vậy, trong khi ma qủy liên lỉ hoạt động và đánh phá Giáo Hội và cuộc sống con người?
Đáp: Lý do có lẽ là vì chính chúng tôi là các linh mục tu sĩ mà chúng tôi cũng ít khi đề cập đến thực tại này, khi Phụng Vụ cho phép chúng tôi làm điều đó. Ma quỷ hiện hữu thực sự, như dậy trong sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo công bố dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nghĩa là cả khi người bình luận về Kinh Lậy Cha “xin giải thoát chúng con khỏi kẻ dữ”. Malum trong tiếng Latinh là kẻ dữ. Và Giáo Lý giải thích rằng nó là một bản vị: là kẻ dữ, là kẻ cám dỗ mà Chúa Giêsu nói tới. Tôi ý thức được rằng ai đã không tiếp xúc với thực tại này, thì đương nhiên là gặp khó khăn. Như là chuyên viên kinh thánh tôi cũng đã có kinh nghiệm vì đã tham dự ba vụ trừ qủy. Tôi đã không bao giờ trừ quỷ, nhưng tôi đứng chứng kiến và tôi tự nhủ thầm: “Coi đấy, một đàng là học trong sách vở, đàng khác là găp gỡ thực tại này”. Vũ khí nguy hiểm nhất trong tay ma quỷ không phải là việc chiếm hữu, xúc phạm và làm ô nhiễm con người, vũ khí nguy hiểm nhất mà ma qủy cầm trong tay là cám dỗ con người phạm tội. Với tội lỗi ma quỷ thực sự chiếm hữu được chúng ta, và chúng ta bước vào trong quyền lực của nó.
Hỏi: Trừ qủy là gì? Rất thường khi người ta im lặng không nói tới đề tài này: có phải người ta chối bỏ ma qủy, rồi người ta cũng chối bỏ luôn việc trừ qủy và cầu nguyện giải thoát hay không thưa cha?
Đáp: Trừ qủy là một lời cầu công khai của Giáo Hội và vì thế là lời cầu của Phụng Vụ. Trong lúc đó vị trừ qủy đại diện toàn thể Giáo Hội xua trừ qủy dữ, nhân danh Thiên Chúa, qua một lễ nghi rất chính xác. Trái lại, lời cầu nguyện giải thoát thì khác, bởi vì lời cầu nguyện giải thoát là một lời cầu nguyện tư, nghĩa là cá nhân cầu nguyện, nhưng không phải với lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội, nhưng có thể là một lời cầu nguyện tự phát hay có thể lấy vài thánh vịnh trong Thánh Kinh, một lời cầu nguyện riêng tư.
Hỏi: Vậy người ta chỉ trừ qủy trong những trường hợp đặc biệt thôi hay sao thưa cha?
Đáp: Chắc chắn rồi, không thể bắt đầu tiến trình trừ qủy, nếu không chắc chắn là chúng ta đang đứng trước một vụ qủy nhập, một vụ qủy xúc phạm. Trừ qủy trong hình thức cầu khấn – tôi không nói tới hình thức ra lệnh – có thể cũng được dùng như là một dụng cụ chẩn đoán, có nghĩa là vài yếu tố, tiêu biểu của một sự chiếm hữu của qủy hay việc xúc phạm của nó, xuất hiện nhất là trong khi trừ qủy. Nghĩa là trong việc trừ quỷ, ma quỷ nếu có thì bị lột mặt nạ một cách dễ dàng.Thế rồi nhất là chúng tôi nhận ra sự kháng cự của người bị quỷ nhập hay quỷ ám đối với sự thánh thiêng. Thêm vào đó tôi còn có một yếu tố mà vị thầy của tôi là cha Matteo Ragrua đã dậy cho tôi: đó là các câu trả lời từ phiá người bị  quỷ nhập , mà một bác sĩ sẽ nói rằng đó là hiện tượng nhân đôi nhân vật, nhưng các câu trả lời này đôi khi rất sâu sắc trên bình diện thần học.
Hỏi: Các câu trả lời cả trên bình diện thần học nữa, vì Ma Quỷ là một nhà thần học tinh tế, chúng ta phải nói như thế có đúng không thưa tu huynh?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Vì thế chúng ta hiểu ngay đó không phải là một bệnh hay hiện tượng nhân đôi nhân vật, nhưng chính là nhân vật mà Thánh Kinh nói tới, tức là ma quỷ. Chẳng hạn tôi nhớ có một trường hợp chuyên biệt, trong hoàn cảnh đó người này, như là nhân vật được nhân đôi, nói với tôi rằng: “Người này là của tao, tao không cho mày đâu”. Tôi đã nói: “Coi này, nếu Chúa Giêsu đã nói thì tao sẽ hiểu, bởi vì Ngài đã trao ban sự sống. Mày đã làm gì cho người này để có thể nói họ là của mày?”. Nó trả lời: “Tao thù ghét”. “Nhưng mà khi thù ghét thì mày được lợi lộc gì?” “Chẳng được lợi lộc nào cả”.
Trên bình diện thần học, một người có bệnh không thể đưa ra câu trả lời này. Bởi vì cũng như Thiên Chúa không thể làm gì khác hơn là yêu thương – và khi yêu thương thì Ngài không được cái gì hết, bởi vì Ngài hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng, Ngài không thể dùng tất cả điều này cho hạnh phúc của Ngài – cũng thế Quỷ không biết làm gì khác hơn là thù ghét và khi thù ghét nó không được lợi gì hết, vì nó là sự thù ghét tinh tuyền.
Hỏi: Làm thế nào để tự bảo vệ khỏi tất cả những điều này thưa cha?
Đáp: Tôi nghĩ rằng, cũng như các Giám Mục đã nói với chúng tôi, cần phải rao truyền Tin Mừng, rao truyền Tin Mừng, rao truyền Tin Mừng. Bởi vì có biết bao nhiêu người đi theo chủ thuyết huyền bí cũng là những người lui tới nhà thờ. Điều đó có nghĩa là việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta không thích đáng, cần phải nhấn mạnh trên điều này.
(RG 11-4-2015)
Linh Tiến Khải

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

CÓ ĐƯỢC XƯNG TỘI VỚI CHÚA MÀ KHÔNG CẦN QUA TRUNG GIAN CỦA LINH MỤC KHÔNG?

CÓ ĐƯỢC XƯNG TỘI VỚI CHÚA MÀ KHÔNG CẦN QUA TRUNG GIAN CỦA LINH MỤC KHÔNG?
Như tôi đã có đôi lần nói rõ là chỉ có trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) mới  có đầy đủ bảy Bí Tích hữu hiệu mà Chúa Kitô đã thiết lập và ban cho Giáo Hội xử dụng để thánh hóa và ban ơn cứu độ của Chúa cho những ai muốn lãnh nhận để được cứu rỗi.
 
Liên quan đến Bí Tích hòa giải (penance= reconciliation) Chúa Kitô đã ban quyền tha tội cho các Tông Đồ và cho Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh Tông Đồ như sau :“anh  em tha cho ai, thì người ấy được tha, anh  em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” ( Ga 20: 23)
 
Như thế rõ ràng cho thấy là Chúa muốn cho con người phải chạy đến với những người trung  gian  thay mặt Chúa là các Tông Đồ xưa kia và các vị thừa kế các Tông  Đồ ngày nay  là  các Giám Mục trong Giáo hội để nhận lãnh ơn tha thứ qua bí tích Hòa giải. Các giám mục lại ban quyền tha tội  này  cho các linh mục là những cộng sự viên thân cận  trực thuộc  cũng  được chia sẻ Chức linh Mục đời đời của Chúa Kitô. ( Linh mục chia sẻ một phần, Giám Mục chia sẻ trọn vẹn Chức Linh Mục đó).
 
Nếu chỉ cần xưng tội trưc tiếp với Chúa mà không qua trung gian ai thì Chúa Giêsu đã không nói với các Tông Đồ những lời trên đây sau khi Người từ cõi chết sống  lại và hiện ra với các ông, cũng như  trước đó  đã không phán bảo Phêrô những lời  sau đây :
 
 “ Thầy sẽ  trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gỡ điều gì , trên trời cũng sẽ tháo gỡ như vậy.” (Mt 16: 19)
Với quyền to lớn trên đây, Giáo Hội- cụ thể là Đức Thánh Cha- có quyền ra hình phạt nặng nhất là  vạ tuyệt thông ( ex-communication) và tháo gỡ vạ này.
 
Như vậy, muốn được ơn tha thứ của Chúa,  thì  buộc phải xưng tội cá nhân với một linh mục đã được chịu chức thành sự ( validly) và đang có năng quyền ( priestly Facultíe) được tha tội nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi). Sở dĩ thế, vì nếu một linh mục đang bị Giám mục của mình rút năng quyền  - hay gọi nôm na là bị treo chén ( suspension. x. giáo luật số 1333)- thì tạm thời không được phép cử hành bí tích này và các bí tích khác cho đến khi được trao lại năng quyền đầy đủ .( trừ trường hợp khẩn cấp nguy tử thì linh mục – dù đang bị “treo chén” vẫn được phép tha tội cho hối nhân đang lâm nguy mà không tìm được linh mục khác để xưng tội và lãnh phép lành sau hết. (x. giáo luật số 976).
 
Giáo lý  và giáo luật  của Giáo Hội cũng dạy phải xưng tội cá nhân với một linh mục như sau:
 
 “Thú nhận tội lỗi của mình với vị linh mục là một điều chủ yếu của bí tích Giải tội. Khi xưng tội, các hối nhân phải kể ra tất cả các tội trọng mà  mình biết đã phạm, sau khi xét mình cách nghiêm chỉnh, dù các tội này rất kín đáo và chỉ phạm đến hai giới răn sau cùng của bản thập giới; bởi vì các tội này làm cho linh hồn bị trọng thương hơn hết , và nguy hiểm hơn các tội ta phạm mà người khác biết rõ.”( x, SGLGHCG số:1456; giáo luật số 960).
 
Như thế chắc chắn  không thể nói như anh  em Tin Lành là chỉ cẩn xưng tội trực tiếp với Chúa mà không cần qua trung gian của ai. Dĩ nhiên Chúa tha tội khi ta thực tâm sám hối và xin Chúa thứ tha. Nhưng vẫn cần phải xưng tội với một linh mục  thay mặt Chúa để tha tội, vì Chúa đã ban quyền ấy cho các Tông Đồ trước tiên và cho Giáo Hội ngày nay.
 
Nghĩa là  khi Giáo Hội thi hành lời Chúa để cử hành các bí tích- cách riêng bí tích Hòa giải để tha tội cho con người  nhân danh Chúa Kitô( in persona Christi), thì chúng ta phải nghe và tuân theo ý muốn của Giáo Hội, cũng là ý muốn của Chúa, là xưng tội  với một linh mục  để  nhận lãnh   ơn tha thứ của Chúa qua trung gian của các thừa tác viên con người là Giám mục và  linh mục. Đây là điều các anh  em Tin Lành không  đồng ý với  chúng ta nên họ dạy  các tín đồ của họ  chỉ cẩn xưng tội trực tiếp với Chúa mà thôi.
 
Dĩ nhiên khi ta xưng tội với một linh mục, thì cũng xưng tội với Chúa để xin Người tha thứ cho ta qua trung gian của linh mục. Và đây là ý muốn của Chúa Giêsu   khi Người trao quyền tha tội cho các Tông Đồ xưa và cho Giáo hội ngày nay. Và đó là tất cả ý nghĩa lời Chúa dạy  sau đây:
 
 “ai nghe anh  em là nghe Thầy.
  Ai khước từ anh  em là khước từ Thầy
  Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” ( Lc 10: 16)
 
Kinh nghiệm thiêng liêng của mỗi người chúng ta cho ta biết rằng  mỗi khi xưng tội – đặc biệt là tội trọng- cách thành thật và với tinh thần sám hối , thì  ta cảm thấy nhẹ nhõm và an vui trong  tâm hồn, một cảm giác mới lạ của an vui sung sướng,    khác hẳn với  tâm tình sẵn  có trước khi xưng tội. Điều này chứng  minh cụ thể là Chúa đã tha thứ cho ta qua trung gian của linh mục. Ngược lại, khi có tội trọng hay nhẹ  mà chỉ xin Chúa tha thứ  nhưng  không đi xưng tội,  thì không bao giờ cảm nghiệm được sự an vui nội tâm như khi xưng tội với một linh mục và nhận lãnh ơn tha thứ ( absolution).
 
Các anh em tin Lành không thể có được cảm nghiệm thiêng liêng này, dù cho họ có ca tụng lòng thương xót  của Chúa, có sám hối nội tâm và  xin Chúa tha thứ mà không đi xưng tội như người Công giáo. Họ không đi xưng tội vì trước hết họ không công nhận vai trò trung gian của Giáo Hội trong việc ban phát các ơn sủng của Chúa cho con người, cho nên họ chủ trương đi thẳng tới Chúa là vì vậy.
 
Vả lại, tất cả  các nhánh Tin Lành và Anh Giáo ( Anglican Communion) đều không có nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession)  nên không có chức linh mục và giám mục để cử hành hữu hiệu các bí tích quan trọng như Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải,  Sức dầu nệnh nhân và truyền Chức Thánh. Chính vì họ không có chức linh mục hữu hiệu, nên họ không thể có bí tích Thánh Thể và  tha tội cho ai được. Đó là lý do tại sao họ  giảng dạy  chỉ  cần xưng tội trực tiếp với Chúa vì họ cho rằng  các thừa tác viên con người như linh mục và giám mục không có năng quyền tha tội cho ai như Giáo Hội Công Giáo tin và dạy..
 
Tóm lại, là người Công giáo,  chúng ta phải nghe và thi hành những gì Giáo Hội là Mẹ dạy bảo thay mặt Chúa Kitô để bỏ ra ngoài tai những gì không phù hợp với giáo lý, tín lý, luân lý và phụng vụ của Giáo Hội.
 
2-Khi nào được xưng tội tập thể (communal confessions)?
 
Thông thường thì phải xưng tội cá nhân, nghĩa là xưng tội riêng với một linh mục sau  khi đã xét mình nghiêm chỉnh và sám hối nội tâm.
 
Tuy nhiên, trong thực tế, có những hoàn cảnh mà linh mục không thể giải tội cá nhân cho nhiều người trong một thời lượng hạn chế. Thí dụ, khi có thiên tai, bão lụt, đắm tầu hay động đất gây nguy tử cho nhiều người  ở một địa phương nào, khiến linh mục không thể  có đủ  giờ để nghe từng hối nhân muốn xưng tội trong những hoàn cảnh ấy,.
 
Lại nữa, trong những dịp trọng đại như Lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh là những dịp có rất nhiều người muốn xưng tội. Nhưng chỉ có một mình cha xứ phải làm mục vụ cho một giáo xứ lớn hay nhiều xứ nhỏ họp lại,thì không thể nào giải tội cá nhân cho một số lớn hối nhân trong một thời gian ngắn được. Do đó, vì nhu cầu mục vụ và  vì lợi ích thiêng liêng của giáo dân, linh mục được phép cử hành bí tích hòa giải tập thể. Nghĩa là cho gom giáo dân lại và giúp họ xét mình, thống hối ăn năn,  rồi ban phép tha tội tập thể cho họ. Nhưng việc này phải được phép trước  của giám mục giáo phận. Vì thế,  ở mỗi giáo phận, giám mục địa phận sẽ cho phép trường hợp nào có thể giải tội tập thể.Nghĩa là, linh mục không thể tự ý  giải tội tập thể  mà không có phép của giám mục  giáo phận; trừ trường hợp nguy tử  như đắm tầu, động đất, chiến tranh,  khiến nhiều người- trong đó có người công giáo-  có thể chết mà không kịp xưng tội  cá nhân. Nên nếu linh mục có mặt, thì được phép giải tội tập thể cho các tin hữu công giáo trong cơn nguy tử đó.  Nhưng dù được tha tội tập thể trong những trường hợp trên,  nếu ai xét mình có tội trọng thì- sau khi qua cơn nguy biến-   vẫn buộc phải xưng tội cá nhân sau đó với linh mục.( giáo luật số 961-62).
 
Ước mong  giải đáp trên đây thỏa mãn những câu hỏi đặt ra.
 
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

ĐGH CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN CỦA TRẬN ĐỘNG ĐẤT KINH HOÀNG Ở NEPAL

ĐGH CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN CỦA TRẬN ĐỘNG ĐẤT KINH HOÀNG Ở NEPAL
Một trận động đất lớn tới 7.9 độ Richter đã làm rung chuyển Nepal vào trưa ngày thứ Bảy 25 tháng Tư, gây thiệt hại lớn cho các khu đông dân cư ở thung lũng Kathmandu. Các giới chức chính quyền lo ngại hàng trăm người đã chết. ( hiện đã có khoảng 1900 người thiệt mạng, theo vnexpress.net)
 
Tâm chấn của trận động đất nằm cách thủ đô Kathmandu 80 km về phía tây bắc. Trận động đất này đã lật nhào một ngôi đền 100 năm tuổi, chia cắt các trục lộ giao thông, và san bằng nhiều nhà cửa của dân chúng và các tòa nhà.
 
Trong số những nơi bị thiệt hại có cả tháp Dharahara, một di tích quốc gia, được xây dựng bởi hoàng gia Nepal từ những năm 1800. Các quan chức ước tính ít nhất 50 người bị mắc kẹt bên trong các cấu trúc bị đổ sập.
 
Các trận động đất đã gây tuyết lở ở vùng núi Everest của dãy Hi Mã Lạp Sơn và chấn động có thể cảm thấy tận thủ đô New Delhi của nước láng giềng Ấn Độ.
 
Đài phát thanh Vatican đã có cuộc đàm thoại với Cha Piô Perumana, một nhân viên cứu trợ của Caritas Nepal ở Kathmandu. Cha Perumana nói khu vực nhà dân chật cứng ở trong thành phố đã bị sụp đổ và những người sống sót cần được chăm sóc y tế khẩn cấp cũng như những nơi cư trú tạm.
 
"Tôi tìm mọi cách và cuối cùng cũng đến được Kathmandu, mặc dù những con đường đã bị chặn ... họ vẫn đang tìm kiếm người sống sót. Các báo cáo sẽ vẫn tiếp tục được gởi đến ... Tình hình thiệt hại cụ thể vẫn chưa rõ ràng,"
 
Đây là trận động đất thứ hai tồi tệ nhất của Nepal kể từ năm 1934, khi một trận động đất 8.0 độ richter đã phá hủy một lúc ba thành phố là Kathmandu, Patan và Bhaktapur.
Đặng Tự Do

Tuyên ngôn của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn




Tuyên ngôn của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn
WHĐ (24.04.2015) / VIS – Sáng thứ Tư 22 tháng Tư 2015, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đã công bố Tuyên ngôn sau đây:
Các biến cố mới xảy ra khiến nhiều người trong chúng ta đặt câu hỏi: Liệu có còn chỗ cho đối thoại với người Hồi giáo hay không? Câu trả lời là: có, còn hơn bao giờ hết.
Trước hết, vì đại đa số người Hồi giáo không ủng hộ các hành vi man rợ hiện nay.
Thật không may là ngày nay từ tôn giáo thường gắn liền với từ bạo lực, đang khi các tín hữu phải chứng tỏ rằng các tôn giáo được đòi hỏi phải trở nên những sứ giả của hoà bình chứ không phải bạo lực.
Nhân danh tôn giáo để giết người không chỉ là một hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa, mà còn là một thất bại của nhân loại. Ngày 09 tháng Giêng 2006, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, khi ngỏ lời với các phái đoàn ngoại giao và nói về mối nguy hiểm của các cuộc đụng độ giữa các nền văn minh và đặc biệt là nạn khủng bốtổ chức, đã khẳng định rằngKhông thể biện minh cho hành vi tội ác như vậy, hành vi làm ô nhục chính những kẻ thực hiện nó, và lại còn còn ghê tởm hơn khi tội ác ấy núp bóng tôn giáo, và vì thế nó kéo chân lý tinh khiết của Thiên Chúa xuống tình trạng quáng và đồi bại đạo đức của những kẻ khủng bố’.
Đáng tiếc là trong những ngày gần đây, chúng ta đã chứng kiến ​​tình trạng các cộng đồng và tôn giáo trở nên cực đoan, kéo theo nguy cơ gia tăng hận thù, bạo lực, khủng bố, đồng thời sự kỳ thị người Hồi giáo và tôn giáo của họ cũng tăng thêm trở thành điều bình thường.
Trong một bối cảnh như vậy, chúng ta được kêu gọi củng cố đối thoại và tình huynh đệ. Các tín hữu có tiềm năng xây dựng hòa bình rất lớn, nếu chúng ta tin rằng con người được Thiên Chúa tạo dựng và nhân loại là một gia đình duy nhất; và còn hơn thế, nếu chúng ta tin như người Kitô hữu chúng ta vẫn tin–, rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Vẫn cứ dấn thân đối thoại, thậm chí cả khi gặp bách hại, có thể trở thành một dấu chỉ của hy vọng. Các tín hữu không muốn áp đặt quan điểm của mình về nhân loại và lịch sử, nhưng họ tìm cách đề nghị tôn trọng những khác biệt, tự do tư tưởng và tôn giáo, bảo vệ phẩm giá con người, và yêu mến sự thật.
Chúng ta phải có can đảm xét lại phẩm chất đời sống gia đình, các phương pháp giảng dạy tôn giáo và lịch sử, và nội dung các bài giảng của chúng ta những nơi thờ tự. Trên hết, gia đình và trường học là điều then chốt để bảo đảm rằng thế giới ngày mai sẽ đặt nền tảng trên sự tôn trọng lẫn nhau và tình huynh đệ.
Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi tuyên bố: ‘Bạo lực nào lấy tôn giáo để biện minh cũng đáng bị lên án mạnh mẽ,Đấng Toàn Năng là Chúa của sự sống và bình an. Thế giới mong đợi những ai nhận mình là người thờ phượng Thiên Chúa phải những con người của hoà bình, những con người có khả năng sống như anh chị em, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, văn hoá hay tư tưởng(Ankara, ngày 28-11- 2014).
 
Huy Hoàng

Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại





Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại
WHĐ (25.04.2015) – Cũng như mọi năm, vào dịp đại lễ Vesak của Phật giáo, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đều gửi một Sứ điệp chúc mừng đến các tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn cho ngày lễ Vesak năm nay (nhằm ngày 01 tháng Sáu 2015 - Phật lịch 2559) có chủ đề Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại.
Sau đây là toàn văn Sứ điệp:
Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn
Sứ điệp nhân ngày lễ Vesak / Hanamatsuri 2015 của Phật giáo
Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại
Các bạn Phật tử thân mến,
1. Một lần nữa Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn lại hân hạnh gửi đến tất cả các Bạn lời chúc tốt đẹp nhất của chúng tôi nhân dịp các Bạn mừng lễ Vesak. Việc hoan hỉ kỷ niệm ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca – đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn – cho chúng ta cơ hội suy nghĩ về những người bất hạnh và tất cả những ai đang đau khổ, đồng thời dấn thân mang lại cho họ niềm an ủi và hạnh phúc qua những hành động từ bi bác ái.
2. Sứ điệp chúng tôi viết cho các bạn trong năm nay lấy cảm hứng từ “Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2015” của Đức giáo hoàng Phanxicô, có chủ đề “Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”. Đức giáo hoàng nhận định rằng, trong lịch sử, chế độ nô lệ đã từng được mọi người chấp nhận và dẫn đến việc “loại trừ người khác, ngược đãi họ, xúc phạm nhân phẩm và các quyền cơ bản, và tình trạng bất bình đẳng được thể chế hóa” (số 2). Theo đó, “người ta có thể mua bán, cho hoặc tìm kiếm một nô lệ, như thể người nô lệ ấy là một món hàng” (số 3). Đức giáo hoàng còn nói thêm, mặc dù chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ chính thức trên toàn thế giới, nhưng ngày nay vẫn còn có “hàng triệu người – trẻ em, người lớn, nam và nữ, thuộc mọi lứa tuổi – đang bị tước đoạt tự do và buộc phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ” (số 3).
3. Đức giáo hoàng Phanxicô đưa ra những ví dụ của nạn nô lệ thời nay: các lao động nam, nữ và trẻ em; người di dân bị lạm dụng thân xác, tình cảm và tình dục trong khi làm việc trong những điều kiện lao động đáng xấu hổ; những người bị buộc phải mại dâm, nhiều người trong số đó là trẻ vị thành niên, cũng như những nô lệ tình dục nam và nữ; những người bị những kẻ khủng bố bắt cóc và buộc phải tham chiến, và những người bị tra tấn, bị cắt xén thân thể hoặc bị giết chết. Tâm hồn con người bị méo mó bởi tham nhũng và, theo Đức Thánh Cha, sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân gây ra những sự ác khủng khiếp chống nhân loại ấy. Khi tâm hồn bị băng hoại, con người không còn nhìn người khác như “những con người có cùng phẩm giá, như anh chị em cùng chia sẻ một cộng đồng nhân loại, mà là những đồ vật” (số 4).
4. Các bạn thân mến, chúng tôi chia sẻ xác tín rằng chế độ nô lệ hiện đại và nạn buôn người là những tội ác nghiêm trọng, là những vết thương chưa lành trên cơ thể của xã hội hiện nay. Trong một chương của “Bát Chánh Đạo” – cụ thể là “Chánh Mạng” – Đức Phật nói rằng mua bán con người, gồm cả nô lệ và người mại dâm, là một trong năm nghề không được làm (Kinh Tăng Chi Bộ 5.177). Ngài dạy rằng của cải phải được đắc thủ một cách an hoà, lương thiện và bằng các phương tiện hợp pháp, chứ không ép buộc, dùng bạo lực hoặc lừa gạt, và bằng các phương tiện không gây ra tổn hại hoặc đau khổ (x. Kinh Tăng Chi Bộ 4.47; 5.41; 8.54). Như thế, Phật giáo khuyến khích tôn trọng sự sống và tự do của mỗi người.
5. Là những Phật tử và Kitô hữu tha thiết tôn trọng sự sống con người, chúng ta phải hợp tác với nhau để chấm dứt dịch bệnh xã hội này. Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta vượt thắng thói vô cảm và thiếu hiểu biết, bảo đảm “trợ giúp cho các nạn nhân trong việc phục hồi chức năng tâm lý và giáo dục, và tái hội nhập họ vào xã hội nơi họ sinh sống hoặc nơi họ rời bỏ” (số 5).
6. Chúng tôi cầu xin cho việc cử hành đại lễ Vesak của các Bạn, với những nỗ lực đặc biệt nhằm mang lại hạnh phúc cho những người kém may mắn ở giữa chúng ta, sẽ là thời gian suy nghĩ sâu xa về các phương cách khác nhau mà chúng ta có thể cộng tác với nhau để Không Còn Người Nô Lệ nữa, nhưng là Anh Chị Em sống trong tình huynh đệ, sự thiện hảo và lòng từ bi đối với hết mọi người.
Một lần nữa xin thân ái chào các Bạn và chúc tất cả các Bạn một lễ Vesakh hạnh phúc.
Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
Lm. Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Thư ký
 
Huy Hoàng chuyển ngữ

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Cuba vào tháng Chín 2015




Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Cuba vào tháng Chín 2015
WHĐ (23.04.2015) – Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cha Federico Lombardi, S.J., đã xác nhận: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Cuba trước khi ngài viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng Chín 2015.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư, cha Lombardi nói: Tôi xin xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được lời mời của chính quyền dân sự và của các giám mục Cuba; ngài đã nhận lời và quyết định sẽ đến thăm đảo quốc này trước khi đến Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm đã được công bố trước đây.
Chuyến viếng thăm Cuba của Đức Thánh Cha Phanxicô là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh vai trò của ngài trong các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba. Các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia đã công khai cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về những giúp đỡ của ngài trong các cuộc đàm phán.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Cuba, sau Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II (năm 1998) và Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI (năm 2012).
Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Cuba diễn ra trước Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VIII tổ chức tại Philadelphia, Hoa Kỳ, mà ngài cũng sẽ tham dự. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha cũng sẽ đến Washington, D.C. và thành phố New York.
Chi tiết về chuyến viếng thăm ​​của Đức Thánh Cha đến Cuba chưa được công bố.
 
Minh Đức

Cần trả lại danh dự cho hôn nhân và gia đình

Cần trả lại danh dự cho hôn nhân và gia đình

ĐTC chào một cụ bà ngồi trên xe lăn trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 22-4-2015 - OSS_ROM
22/04/2015 15:16
Cần trả lại cho hôn nhân và gia đình chỗ đứng danh dự
Cần trả lại cho hôn nhân và gia đình chỗ đứng danh dự. Sự kiện xã hội không đánh giá cao khế ước ổn định và truyền sinh của người nam và người nữ chắc chắn là một mất mát lớn đối với tất cả mọi người. Kitô hữu được mời gọi dấn thân say mê giữ gìn giao ước này của người nam và người nữ, cả khi họ là những người tội lỗi và bị thương tích, lẫn lộn và bị hạ nhục, mất tin tưởng và không chắc chắn.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữa và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói trong bài giáo lý trước ngài đã suy tư về việc tạo dựng con người theo trình thuật chương thứ nhất sách Sáng Thế khẳng định rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh Ngài: “theo hình ảnh Ngài Thiên Chúa tạo dựng nên họ; nam nữ Ngài tạo dựng nên họ” (St 1,27). Trong bài giáo lý này ngài muốn suy tư về trình thuật thứ hai trong chương hai sách Sáng Thế. Ở đây sau khi tạo dựng trời và đất, Thiên Chúa “nắn ra con người với bụi đất và thổi sinh khí vào lỗ mũi con người và con người trở thành một sinh linh. Rồi Thiên Chúa đặt con người vào trong một ngôi vườn rất xinh đẹp để con người vun trồng và giữ gìn nó” (St 2, 15).
Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh ứng toàn Thánh Kinh, trong một lúc chỉ gợi lên hình ảnh của người nam, không có người nữ. Và Người gợi lên tư tưởng của Thiên Chúa, hầu như là tâm tình của Thiên Chúa là Đấng nhìn con người, quan sát Ađam một mình trong vườn: ông đẹp, đế vương… nhưng cô đơn. Và Thiên Chúa thấy rằng điều này không tốt: nó như là một sự thiếu thốn hiệp thông, một sự thiếu thốn cái tràn đầy. “Thiên Chúa nói: Không tốt và thêm: “Ta muốn làm cho con một sự trợ giúp tương xứng với con” (St 2,18).
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Khi đó Thiên Chúa giới thiệu với con người mọi thú vật: con người cho mỗi thú vật một tên – và đây là một hình ảnh khác của quyền làm chủ của con người trên thụ tạo – nhưng con người không tìm thấy nơi bất cứ thú vật nào người khác giống nó. Sau cùng khi Thiên Chúa giới thiệu người nữ, người nam vui sướng nhận ra rằng thụ tạo đó và chỉ có nàng thôi, là phần của mình “xương từ xương tôi, thịt từ thịt tôi” (St 2,23). Sau cùng có một sự phản chiếu, một sự hỗ tương. Và khi một người – đây là một thí dụ giúp hiểu điều này – khi một người muốn giơ tay ra cho một người khác, thì phải có người khác trước mặt: nếu một người giơ tay ra và không có gì, không có ai, thì bàn tay ở đó, vì thiếu sự hỗ tương. Con người cũng thế, nó thiếu cái gì đó để đi tới sự toàn vẹn, nó thiếu sự hỗ tương. Và ĐTC định nghĩa người nữ như sau:
.Người nữ không phải là một “lập lại” của người nam; nhưng đến trực tiếp từ cử chỉ tạo dựng của Thiên Chúa. Thật ra hình ảnh “chiếc xương sườn” không diễn tả sự thấp kém hay sự lệ thuộc, nhưng trái lại, nó diễn tả rằng người nam và người nữ có cùng bản thể và bổ túc cho nhau. Họ cũng có sự hỗ tương này. Và sự kiện đó là – luôn luôn trong dụ ngôn – Thiên Chúa nắn ra người nữ trong khi người nam ngủ, nó nhấn mạnh rằng người nữ không phải là một thụ tạo của con người, nhưng là của Thiên Chúa. Nó cũng gợi lên một điều khác: để tìm người nữ và chúng ta có thể nói rằng để tìm thấy tình yêu nơi người nữ, để tìm ra người nữ, người nam phải mơ nàng trước và rồi tìm ra nàng.
Sự tin tưởng của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ, mà Ngài giao phó trái đất cho họ, thật quảng đại, trực tiếp và trọn vẹn. Nhưng này đây kẻ dữ đưa vào trong tâm trí họ sự nghi ngờ, không tin và mất tin tưởng. Và sau cùng nó đi tới chỗ bất phục tùng lệnh truyền che chở họ. Họ rơi vào trong sự mê sảng của sự toàn năng làm ô nhiễm mọi sự và phá hủy sư hài hòa. Tất cả chúng ta nữa đã cảm thấy trong chính mình điều này biết bao lần. ĐTC quảng diễn thêm biến cố phạm tội của con người như sau:
Tội lỗi làm nảy sinh ra sự nghi ngờ và chia rẽ giữa người nam và người nữ. Tương quan của họ sẽ bị giăng bẫy bởi hàng ngàn hình thức thực hiện sai trái chức vụ và bắt phục tùng, rủ rê lừa dối và chuyên quyền hạ nhục nhau cho tới các hình thức thê thảm và bạo lực nhất. Lịch sử mang đầy các dấu vết của chúng. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ tới các thái qúa tiêu cực của các nền văn hóa theo chế độ phụ hệ. Chúng ta hãy nghĩ tới nhiều hình thức đề cao nam giới, trong đó nữ giới bị coi như hạng hai. Chúng ta hãy nghĩ tới việc lèo lái và buôn bán thân xác nữ giới trong nền văn hóa truyền thông ngày nay. Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới nạn dịch mớí đây liên quan tới sự mất tin tưởng, chủ thuyết nghi ngờ, và cả thù nghịch đang lan tràn trong nền văn hóa của chúng ta – đặc biệt bắt đầu một thái độ nghi ngờ có thể hiểu được của các chị em phụ nữ - đối với một khế ước giữa ngưòi nam và người nữ có khả năng tinh luyện sự hiệp thông thân tình và giữ gìn phẩm giá của sự khác biệt.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Nếu chúng ta không tìm ra một phản ứng của sự thiện cảm đối với giao ước này, có khả năng che chở  các thế hệ mới khỏi sự mất tin tưởng và sự thờ ơ, thì con cháu chúng ta sẽ chào đời ngày càng bị mất gốc ngay từ trong lòng mẹ. Sự kiện xã hội không đánh giá cao khế ước ổn định và truyền sinh của người nam và người nữ chắc chắn là một mất mát lớn đối với tất cả mọi người. Chúng ta phải đưa hôn nhân và gia đình trở về chỗ danh dự của chúng. Và Thánh Kinh nói một điều hay đẹp: người nam tìm thấy người nữ. họ gặp gỡ nhau, và người nam phải bỏ điều gì đó để tìm thấy người nữ một cách trọn vẹn. Và vì thế người nam bỏ cha mẹ mình để đến với người nữ. Thật là đẹp! Điều này có nghĩa là bắt đầu một lộ trình. Người nam là tất cả cho người nữ và người nữ là tất cả cho người nam.
Như thế, việc giữ gìn giao ước này của người nam và người nữ, cả khi họ có là những người tội lỗi và bị thương tích, lẫn lộn và bị hạ nhục, mất tin tưởng và bị thương đi nữa, đối với tất cả chúng ta là một ơn gọi dấn thân say mê trong điều kiện ngày nay. Chính trình thuật về việc tạo dựng và tội lỗi, vào đoạn cuối của nó, trao ban cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp: “Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ mình các áo quần bằng da và mặc cho họ” (St 3,21). Đó là một hình ảnh sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với cặp vợ chồng tội lỗi khiến cho chúng ta ngạc nhiên há miệng. Đó là một hình ảnh của sự giữ gìn hiền phụ đối với cặp vợ chồng. Chính Thiên Chúa lo lắng và che chở kỳ công của Ngài.
ĐTC đã chào nhiều nhóm hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ là Canada và Hoa Kỳ, cũng như các nhóm và Tây âu, đặc biệt nhiều nhóm đến từ Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai len, Phần Lan, Na Uy. Cũng có các nhóm đến từ Nam Phi, Australia, Trung quốc, Nhật Bản, hay từ châu Mỹ Latinh như Argentina, Mêhicô và Brasil.
Chào các nhóm Ba Lan ĐTC nói ngày hôm nay Giáo Hội cử hành lễ kính thánh Adalberto tử đạo cách đây hơn 1000 năm. Thánh nhân đã trở thành nền tảng của Giáo Hội và quốc gia Ba Lan. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng người là “một vị gợi hứng khôn sánh cho những ai xây dựng một Âu châu được canh tân trong lòng trung thành với các căn cội văn hóa và tôn giáo của mình.” Xin Thánh bổn mạng từ trời cao che chở và củng cố anh chị em trong đức tin và bầu cử cho quê hương anh chị em được hòa bình và phát triển thịnh vượng.
Với các nhóm Italia ĐTC đặc biệt chào các nữ tu trẻ tham dự đại hội đào tạo của Liên hiệp các dòng nữ Italia, các tu sĩ dòng Thánh Tâm và các đại chủng sinh nhiều giáo phận Italia. ĐTC cầu chúc mọi người biết tươi vui làm chứng cho ơn gọi đã nhận lãnh và dấn thân rao truyền Tin Mừng.
Ngài cũng nhắc cho mọi người biết hôm qua là “Ngày bảo vệ Trái dất” và khích lệ mọi người biết nhìn thế giới với đôi mắt của Thiên Chúa Tạo Hóa. Trái đất là môi sinh và là ngôi vườn cần vun trồng. Uớc gì tương quan giữa con người với thiên nhiên không được hướng dẫn bởi lòng tham, việc lèo lái và khai thác, nhưng duy trì sự hài hòa thiên linh giữa các thụ tạo và thiên nhiên trong cái luận lý của sự tôn trọng và săn sóc để trái đất phục vụ mọi người kể cả các thế hệ tương lai.
Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắn nhủ mọi người biết noi gương Mẹ Maria sống Mùa Phục Sinh này bằng cách lắng nghe Lời Chúa và thực thi bác ái yêu thương, sống tươi vui như các môn đệ của Chúa Kitô phục sinh.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp 120 thành viên Quỹ Gioan Phaolô 2

Đức Thánh Cha tiếp 120 thành viên Quỹ Gioan Phaolô 2

 VATICAN. Sáng ngày 25-4-2015, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến và khích lệ các thành viên và thân hữu của Quỹ Gioan Phaolô 2.
 Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Stanislaw Rylko người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân.
 Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cám ơn ”các sáng kiến có tính chất giáo dục do Quỹ Gioan Phaolô 2 dành cho giới trẻ, qua đó Quỹ góp phần làm cho đoàn sủng và tình phụ tử của thánh Gioan Phaolô 2 tiếp tục mang lại nhiều thành quá. Quỹ cũng cống hiến cho các linh mục và giáo dân cơ hội được huấn luyện, được chuẩn bị hơn để tháp tùng các cộng đoàn, trong việc đương đầu với các thánh đố văn hóa và mục vụ thời nay.”
 Sau cùng, ĐTC không quên nhắn nhủ các thành viên của Quỹ Gioan Phaolô 2 ”sống tình liên đới với nhau, luôn nuôi dưỡng tình liên đới bằng tình huynh đệ Kitô, và bằng kinh nguyên, tinh thần ngoan ngoãn đối với Lời Chúa”.
 Quỹ Gioan Phaolô 2 là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận, được thành lập với sắc lệnh của ĐGH ngày 16-10 năm 1981 với mục đích hỗ trợ và thực hiện các dự án giáo dục, khoa học, văn hóa, tôn giáo và bác ái có liên hệ tới triều đại của ĐTC Gioan Phaolô 2. Quỹ này cũng có mục đích bảo tồn và phát huy gia sản tinh thần của Đức Gioan Phaolô 2 và văn hóa Kitô, thiết lập các tài liệu và nghiên cứu về triều đại Giáo Hoàng và phổ biến giáo huấn của Đức Gioan Phaolô 2. Cho đến nay Quỹ đã cấp học bổng cho hơn 700 sinh viên Đông Âu, trong số này 3 người đã trở thành giáo sư và 67 người đạt bằng tiến sĩ (SD 25-4-2015)
 G. Trần Đức Anh OP

Đừng xin dự lễ riêng của Đức Thánh Cha

Đừng xin dự lễ riêng của Đức Thánh Cha

VATICAN. Ban Bí thư riêng của Đức Thánh Cha xin các tín hữu đừng xin dự lễ riêng của ĐTC vì Ban không thể đáp ứng yêu cầu nữa.
 Thông cáo phổ biến cho các cơ quan truyền thông Vatican ngày 21-4-2015 có nội dung như sau:
 ”Ban Bí thư riêng của Đức Thánh Cha gửi lời kính chào và xin thông báo rằng: rất tiếc vì con số những đơn xin đến từ các nơi trên thế giới quá nhiều, nên không thể đón nhận lời xin tham dự Thánh Lễ tại Nhà Nguyện nhà trọ Thánh Marta ở Vatican.
 ”Ai muốn, có thể tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha mỗi ngày thứ tư, bằng cách xin vé tại Phủ Giáo Hoàng (Prefettura della Casa Pontificia - 00120 Città del Vaticano - Fax 06.698.85863).”
 ”Ban Bí thư riêng này mời gọi nhớ đến Đức Thánh Cha Phanxicô trong kinh nguyện, và cầu chúc mọi điều tốt lành trong Chúa, đồng thời gửi lời chào thân ái nhất.”
 Cũng nên nhắc lại rằng từ khi làm Giáo Hoàng, mỗi buổi sáng ĐTC Phanxicô vẫn cử hành Thánh Lễ thường nhật dưới dạng bán chính thức tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta với sự tham dự của một nhóm tín hữu tối đa khoảng 80 người. Cuối thánh lễ, ngài thường đứng cuối nhà nguyện, bắt tay chào thăm từng người.
 Hồi tháng 2-2014, trong bài giảng, ĐTC đã có nhận xét này: tham dự thánh lễ ban sáng của ngài ”không phải là một cuộc dã ngoại du lịch”, nhưng cũng như mọi buổi lễ phụng vụ khác, đó là ”một cuộc đi vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa”
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Thánh tích Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Cuba





Thánh tích Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Cuba
WHĐ (20.04.2015) – Mười bảy năm sau chuyến viếng thăm Cuba lịch sử (1998), vị giáo hoàng người Ba Lan một lần nữa trở lại đất nước này, nhưng với thánh tích của ngài. Theo thông tin trên trang web của Hội đồng Giám mục Cuba, thánh tích vài giọt máu của vị thánh chứa trong một chiếc lọ nhỏ, trong thời gian cuối cùng ngài nằm bệnh viện, không lâu trước khi thánh nhân qua đời vào ngày 02-04-2005.
Thánh tích được rước đến Cuba nhờ các nữ tu Dòng “Tôi tớ Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria”, sau khi đã đi qua nhiều thành phố ở Hoa Kỳ và Guatemala.
Trước hết thánh tích được tôn kính từ ngày 07 đến 09 tháng Tư tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Bác Ái ở El Cobre, thành phố Santiago de Cuba. Sau đó được rước đến Camaguey từ ngày 10 đến 12.
Đức ông Slawomir Oder, thỉnh nguyện viên vụ án phong thánh cho Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã uỷ thác cho các nữ tu Dòng “Tôi tớ Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria” chịu trách nhiệm rước hòm thánh tích trong cuộc hành hương đi qua nhiều nước.
Dòng “Tôi tớ Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria” là Dòng giáo phận, do Mẹ Adela Galindo thành lập năm 1990 tại Tổng giáo phận Miami. Đặc sủng của Dòng “trở nên hình ảnh sống động và sự hiện diện của Trái tim Mẹ Maria trong lòng Hội Thánh”.
Các giám mục Cuba cũng cho biết các ngài đã mời Đức hồng y Beniamino Stella, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ đến thăm Cuba, và chuyến viếng thăm đã được ấn định từ 22 đến 28 tháng 4 sắp tới.
Đức hồng y Beniamino Stella từng giữ chức vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Cuba từ năm 1993 đến 1999. Theo chương trình, Đức hồng y Stella sẽ gặp gỡ các giám mục, thăm một số giáo phận và cuối cùng sẽ có cuộc gặp gỡ chính thức giới chức chính quyền dân sự.
 
Minh Đức