label

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

THÁNH LỄ MỪNG 24 NĂM LINH MỤC CỦA CHA SỞ MAI ĐỨC VƯỢNG

THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ KẾT THÚC THÁNG HOA VÀ CHÚC MỪNG 24 NĂM LINH MỤC CỦA CHA SỞ MAI ĐỨC VƯỢNG

Sáng nay 31-5-2015 thánh lễ kết thúc tháng hoa. Sau lần chuỗi môi khôi cha sở đại diện giáo dân tâm tình với Mẹ, tiếp theo là dâng hoa lên đức mẹ, cha sở dẫn đầu, tiếp đến là lễ sinh, các sơ, hội đồng mục vụ và toàn thể dân chúa giáo xứ tiến về bàn thờ Mẹ, dâng lên mẹ những bông hoa tươi và tấm lòng của đoàn con bé nhỏ, tội lỗi. Kết thúc dâng hoa thánh lễ bắt đầu đoàn đồng tế tiến về bàn thờ, đại diện hội đồng mục vụ và một em thiếu nhi tiến lên và đọc lời chúc mừng Cha sở, dâng hoa chúc mừng cha. Đáp từ cha đã xúc động nói về đời linh mục của ngài vô cùng chông gai và đôi lúc tưởng chừng như ngã gục, nhưng Chúa đã đồng hành với cha để hôm nay đã đi được một đoạn đường 24 năm với thiên chức linh mục. Trong bài giảng ngài cũng chia sẻ đề tài linh mục là ai? Sau khi phân tích nhiều mặt của linh mục và để làm tốt vai trò của linh mục đòi hỏi người linh mục phải phấn đấu mỗi ngày, nhưng linh mục cũng là con người, cũng có nhưng yếu đuối và thiên chức đó đang được đặt trong bình sành dễ bể. Xin mọi người hãy nâng đỡ và cầu nguyện thật nhiều cho Ngài. Một số hình ảnh thánh lễ













Hinh ảnh tiệc liên hoan





Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

CHÚC MỪNG CHA SỞ 24 NĂM CHỊU CHỨC LINH MỤC

CHÚC MỪNG CHA SỞ 24 NĂM CHỊU CHỨC LINH MỤC


  Ngày mai 31-05-2015 là ngày kỷ niệm 24 năm chịu chức linh mục của cha, Hội Đồng Mục Vụ và toàn thể giáo dân giáo xứ Cần Xây chúng con xin chúc mừng cha. Nguyện xin Thiên Chúa đã gìn giữ Cha vượt qua những bước thăng trầm trong 64 năm cuộc đời và 24 năm linh mục, xin Người tiếp tục nâng đỡ cha, ban nhiều hồng ân trên cha để cha đi trọn vẹn con đường mà Chúa đã trao phó. Chúng con luôn sát cánh bên cha, chia sẻ và cầu nguyện cho cha, xin dâng lên cha lẵng hoa chúc mừng của đoàn con thảo.

Hội đồng mục vụ giáo xứ Cần xây

Đức Thánh Cha tố giác những hành vi chống lại sự sống

Đức Thánh Cha tố giác những hành vi chống lại sự sống

Đức Thánh Cha tố giác những hành vi chống lại sự sống con người - OSS_ROM
30/05/2015 14:23
 VATICAN. ĐTC Phanxicô tố giác những hành động chống lại sự sống: từ phá thai cho đến thái độ bỏ mặc cho các thuyền nhân chết trên biển cả, khủng bố, chiến tranh, bạo lực..
 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 30-5-2015 dành cho 400 tham dự Hội nghị của Hiệp hội Khoa học và sự sống (Scienza e Vita) ở Italia, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp Hội này.
 ĐTC ca ngợi sự dấn thân của hội Khoa học và sự sống nhắm bảo vệ sự sống con người ngay từ lúc mới bắt đầu, thăng tiến nền văn hóa sự sống, chống lại thứ văn hóa gạt bỏ. Ngài nhận xét rằng:
 ”Mức độ tiến bộ của một nền văn minh được đo lường theo khả năng giữ gìn sự sống, nhất là trong các giai đoạn mong manh nhất của sự sống, chứ không phải tùy theo sự phổ biến các dụng cụ kỹ thuật. Khi chúng ta nói về con người, không bao giờ chúng ta được quên tất cả những vụ tấn công đặc tính thánh thiêng của sự sống con người”. Và ĐTC liệt kê một số những tấn kích sự sống con người và khẳng định rằng:
 ”Tệ nạn phá thai là một cuộc tấn công sự sống. Để cho các anh chị em chúng ta chết trên những con thuyền tại kênh Sicilia là tấn công sự sống. Tấn công sự sống cũng là để cho các công nhân bị thiệt mạng trong lúc làm việc vì không tôn trọng những điều kiện tối thiểu để bảo đảm an ninh. Bỏ mặc cho chết vì suy dinh dưỡng là tấn công sự sống. Khủng bố, chiến tranh, bạo lực, và cả việc làm cho chết êm dịu (eutanasia) cũng là tấn công sự sống. Yêu sự sống là luôn luôn săn sóc tha nhân, muốn cho họ được sự thiện, vun trồng và tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người” (SD 30-5-2015)
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI TỪ BỎ LÒNG QUYẾN LUYẾN CỦA CẢI

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI TỪ BỎ LÒNG QUYẾN LUYẾN CỦA CẢI
Ngài đưa ra lời cảnh giác trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 25-5-2015 tại Nguyện đường Nhà trọ thánh Marta ở Nội thành Vatican.
 
Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng về cuộc gặp gỡ của chàng thanh niên giàu có với Chúa Giêsu. Anh ta chăm chỉ giữ các giới răn nhưng khi Ngài mời gọi anh ta bán của cải để đi theo Ngài, thì anh ta buồn rầu bỏ đi. Trước tình trạng đó, Chúa nói: ”Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”.
 
ĐTC nhận xét rằng: ”Thế là niềm vui và hy vọng nơi chàng thanh niên giàu sang ấy tan biến, vì chàng ta không muốn từ bỏ của cải của mình. Sự quyến luyến của cải là khởi đầu mọi thứ hư hỏng, ở mọi người: hư hỏng bản thân, hư hỏng trong kinh doanh, cả thứ hư hỏng cỡ nhỏ trong thương mại, hư hỏng của những người giảm bớt cân lượng đúng đắn, hư hỏng chính trị, hư hỏng trong giáo dục.. Tại sao? Vì những người sống gắn bó với quyền lực, giàu sang của mình thì tưởng mình đang ở trên thiên đàng rồi. Họ khép kín, không có chân trời, không có hy vọng. Rốt cục họ phải rời bỏ tất cả”.
 
ĐTC nhắc lại một khu phố ngài đã thấy trong thập niên 1970, khu phố của những người giàu sang, họ phải xây hàng rào chung quanh để bảo vệ chống lại trộm cắp... Sống không có chân trời là một cuộc sống son sẻ, sống không có hy vọng là một cuộc sống buồn thảm. Sự quyến luyến với của cải làm cho chúng ta buồn thảm và son sẻ. Tôi nói ”quyến luyến” chứ không nói ”quản trị tốt của cải”, vì của cải là điều để mưu công ích cho mọi người. Nếu Chúa ban của cải cho một người là để họ mưu ích cho tất cả mọi người, chứ không phải cho bản thân họ mà thôi, không phải để họ khép kín của cải trong tâm hồn, để rồi trở nên hư hỏng và buồn sầu”.
 
ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Của cải mà không có lòng quảng đại làm cho chúng ta tưởng mình quyền năng, như Thiên Chúa. Nhưng rốt cục chúng tước đoạt của chúng ta điều tốt đẹp nhất, là niềm hy vọng”
 
LM Trần Đức Anh OP

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN

Suy niệm - Suy tư » Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN (24.5.2015 – Chúa nhật – Chúa Thánh Thần hiện xuống)
HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN 
Lời Chúa: Ga 20, 19-23
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
Suy nim:
Lúc đến Êphêsô, Phaolô hỏi một số môn đệ ở đó:
“Khi vào đạo, các ông đã nhận lãnh Thánh Thần chưa?”
Họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần,
chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói tới” (Cv 19,1-2).
Chúng ta đã được nghe nói và đã lãnh nhận Thánh Thần,
nhưng có thể Ngài vẫn là Ðấng xa lạ với ta.
Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp,
nhưng nó không làm ta ý thức về sự hiện diện của Thánh Thần,
Ðấng đang ở trong ta và sai ta đi làm chứng.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
Ngài đã làm một việc quan trọng,
đó là mời họ tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã bắt đầu.
“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
“Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Trong Tin Mừng hôm nay, Ðấng phục sinh nói với các môn đệ:
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)
Ðức Giêsu cho các môn đệ được tham dự vào sứ mạng của mình.
Chỉ có một sứ mạng duy nhất
là sứ mạng Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha.
Sứ mạng của các môn đệ nối dài sứ mạng duy nhất ấy.
Ai sẽ giúp các ông thực hiện sứ mạng này?
Ai sẽ cho các ông sức sống để dám mở toang cánh cửa
mà lên đường loan báo Tin Mừng phục sinh?
Sức sống ở nơi hơi thở.
Ðức Giêsu phục sinh đã trao hơi thở của mình,
hơi thở của sức sống thần linh cho các môn đệ.
Khi được trao ban Thánh Thần,
họ trở thành con người mới, sẵn sàng lên đường.
Thánh Thần chẳng ở xa mỗi người chúng ta.
Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa,
và muốn sống Lời Chúa trong đời thường.
Ngài có mặt khi ta gọi tên Chúa Giêsu trên môi (1Cr 12,3),
và gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15).
Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước mới
trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống thiêng liêng.
Thánh Thần chẳng ở xa Giáo Hội.
Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất
bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người
để họ phục vụ lợi ích chung.
Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội,
nhưng Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân.
Ngài hiện diện trong các bí tích, trong mỗi thánh lễ.
Ngài thánh hóa bánh rượu để chúng trở nên Mình và Máu Ðức Kitô.
Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội;
không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đáng ngờ.
Nếu chúng ta mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt,
nếu chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân,
nếu chúng ta đừng dập tắt tiếng của Ngài,
thì chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Thánh Thần,
xin Ngài hãy đến như cơn gió mát
thổi vào đời con,
thổi vào Giáo Hội,
thổi vào thế giới,
để đem lại cho chúng con
sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.

Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong
chảy vào đời con,
chảy vào Giáo Hội,
chảy vào thế giới,
để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi,
và làm bật dậy
những mầm xanh sự sống nơi chúng con.

Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng
chiếu sáng đời con,
chiếu sáng Giáo Hội,
chiếu sáng thế giới,
để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm,
nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng,
đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Công Giáo tại Trung Quốc

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Công Giáo tại Trung Quốc

 VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc và cổ võ tham gia buổi canh thức cầu nguyện cho tự do tôn giáo do HĐGM Italia đề xướng.
 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-5-2015, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:
 ”Ngày 24-5 này, với lòng sùng mộ, các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc khẩn cầu Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu Kitô, được tôn kính tại Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn (Sheshan) ở Thượng Hải. Nơi pho tượng được đặt trên Đền Thánh, Đức Mẹ giơ cao Chúa Con, giới thiệu Người cho thế giới, với đôi tay rộng mở, như một cử chỉ yêu thương và từ bi. Cả chúng ta cũng sẽ khẩn cầu Mẹ Maria phù giúp các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc luôn luôn là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu thương xót của Chúa giữa lòng dân tộc của họ và sống hiệp nhất trong tinh thần với Đá Tảng Phêrô, trên đó Giáo Hội được thiết lập”.
 ĐTC nói thêm: ”HĐGM Italia đã đề nghị rằng trong các giáo phận, nhân buổi canh thức áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta nhớ đến bao nhiêu anh chị em lưu vong hoặc bị sát hại chỉ vì họ là Kitô hữu. Tôi cầu mong buổi cầu nguyện ấy gia tăng ý thức rằng tự do tôn giáo là một nhân quyền bất khả nhượng, gia tăng sự nhạy cảm về thảm trạng của các tín hữu Kitô bị bách hại trong thời đại chúng ta ngày nay và chấm dứt được tội ác không thể chấp nhận ấy”.
 Trong thư gửi các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc công bố hồi năm 2007, ĐGH Biển Đức 16 đã đề nghị toàn thể Giáo Hội chọn ngày 24-5 hàng năm, lễ Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu, làm ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục.
 Trong những năm qua, vào ấy này, Nhà cầm quyền Trung Quốc thường cấm cản không cho các tín hữu Công Giáo từ những nơi khác ở Trung Quốc đến Đền Thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở ngoại ô Thượng Hải để hành hương và cầu nguyện kính Đức Mẹ.
 Riêng giáo phận Thượng Hải, sau khi Đức Cha Alois Kim Lỗ Hiến qua đời ngày 3-5-2013 qua đời lúc 97 tuổi, Giáo phận này không có chủ chăn chính thức. Đức GM Phụ Tá Tadeo Mã Đại Thanh (Ma Daqin), vì tuyên bố ngưng hoạt động cho Giáo Hội Công Giáo yêu nước vào cuối buổi lễ thụ phong GM, nên ngài bị Nhà Nước Trung Quốc quản thúc tại Đại chủng viện Xà Sơn và không cho ngài thi hành sứ vụ thánh. (SD 20-5-2015)
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội chống lại chia rẽ, ghen tương

Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội chống lại chia rẽ, ghen tương

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu Kitô hiệp nhất và chống lại tinh thần chia rẽ, ghen tương, và chiến tranh.
 Trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 21-5-2015 tại nguyện đường nhà trọ Thánh Marta ở Vatican, ĐTC đã diễn giải những lời trăn trối của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi ra đi chịu khổ nạn. Chúa cầu xin Chúa Cha cho Giáo Hội được hiệp nhất, được nên một ”như Cha và Con”, đồng thời Chúa Giêsu cũng cảnh giác chống lại những cám dỗ chia rẽ. ĐTC nói:
 ”Chúa Giêsu cũng biết rằng tinh thần thế gian là một tinh thần chia rẽ, chiến tranh, ganh tị, ghen tương, cả trong các gia đình, các gia đình dòng tu, trong các giáo phận, và trong toàn thể Giáo Hội: đó là một cám dỗ lớn. Cám dỗ ấy đưa tới những vụ nói hành nói xấu nhau, gán cho nhau những nhãn hiệu, chụp mũ người khác. Tất cả những thái độ ấy Chúa Giêsu yêu cầu loại trừ.”
 ”Chúng ta phải hiệp nhất, phải nên một, như Chúa Giêsu và Chúa Cha là một. Đó chính là thách đố đối với tất cả các tín hữu Kitô chúng ta. Đừng để chia rẽ có chỗ đứng trong chúng ta, đừng để cho tinh thần chia rẽ, cha của sự gian dối đi vào trong chúng ta. Hãy luôn tìm kiếm sự hiệp nhất. Mỗi người có những cá tính khác biệt, nhưng luôn tìm cách sống trong hiệp nhất. Chúa Giêsu đã tha thứ cho bạn ư? Bạn cũng hãy tha thứ cho mọi người. Chúa Giêsu cầu nguyện để chúng ta được nên một. Và Giáo Hội đang rất cần kinh nguyện hiệp nhất này”.
 ĐTC cũng nhận xét rằng ”không có một thứ Giáo Hội được gắn với nhau bằng ”keo”, vì sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu yêu cầu là ”một ơn phúc của Thiên Chúa” và là ”một cuộc chiến đâu” trên trần thế này. ”Chúng ta phải dành chỗ cho Chúa Thánh Linh để Ngài biến đổi chúng ta như Chúa Cha ở trong Chúa Con, là một”.
 ”Có một lời khuyên khác Chúa Giêsu để lại trong những ngày Ngài từ giã, đó là ”ở lại trong Ngài”: ”Các con hãy ở lại trong Thầy”. Chúa cầu xin ơn ấy, để tất cả chúng ta ở lại trong Chúa. Chúa nói rõ ràng: ”Lạy Cha, con muốn những người Cha đã ban cho con, cũng được ở với con nơi con đang ở”, nghĩa là những người ấy ở lại trong con. Ở lại trong Chúa Giêsu, nơi trần thế này, cũng là ở lại trong Người, ”để họ chiêm ngắm vinh quang của con”
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Bài viết về đêm trực của một bác sĩ

Bài viết về đêm trực của một bác sĩ
  
Một người đàn ông đến cấp cứu vì đau quặn bụng. Khi mình đến khám, ông ta cứ luôn miệng nói : Tôi quen anh giám đốc A. Tôi có làm ăn với chị trưởng phòng B. Có lẽ do ông ta nghĩ rằng, khi nói ra những mối quan hệ ấy, mình sẽ làm việc chu đáo hơn. Mình đã đáp lời rằng : 
- Anh có thể thôi nói tên và chức vụ của người khác. Anh hãy nói về chính anh đi, tên, chức vụ và bệnh của anh. 
Ông ta trố mắt ra nhìn mình, phải mất vài phút sau ông ta mới có thể bắt đầu khai bệnh.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng hay như vậy, bạn nhỉ? Cứ vỗ ngực tự hào chứng tỏ với nhau rằng : tôi là con ông D, cháu bà C, tôi quen biết ông E và có mối quan hệ thân thiết với bà F, thay vì chúng ta nói về chính mình. 
Nhưng một người trưởng thành thật sự lại là người luôn tự đứng vững trên đôi chân mình, can đảm chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, không dựa vào ai cả, không đổ thừa ai cả.
0 giờ 30 phút
Một người phụ nữ 70 tuổi, được đưa đến phòng cấp cứu trong tình trạng suy kiệt nặng, da xanh niêm nhạt, thở ngáp cá, toàn thân khai mùi phân dãi. Khi mình xử trí cấp cứu xong, mình hỏi hai người con gái ăn bận rất bảnh bao và thơm tho : Bệnh nhân bị bệnh gì trước đây, điều trị ở đâu, và diễn tiến nặng bao lâu rồi?
Mình đã ngỡ ngàng khi nhận được một câu trả lời : Bệnh tim mạch và u hạch gì đó không rõ, mẹ tôi đã khó thở cả tháng nay rồi, nhưng tôi nghĩ không sao nên không đưa đi khám bệnh. 
- Hai chị là con ruột?
- Ừ con ruột.
Mình im lặng thở dài khi kết quả xét nghiệm và MSCT trả về là bệnh Lymphoma ác tính di căn não, di căn phổi, đái tháo đường, suy thận... Làm sao mà cứu chữa? Mẹ thì chỉ có một trên đời. 
Tuần trước mình có đi dự đám tang của một bệnh nhân rất thân. Và đã chứng kiến những giọt nước mắt ăn năn của người con út.
- Bác sĩ biết sao không, cả bốn tháng nay tôi chưa gặp mẹ, dù nhà tôi và nhà mẹ cách có vài bước chân. Ai ngờ trưa hôm thứ 7, nhận điện thoại báo mẹ đã mất rồi... Giá như tôi ...
Thật, càng lớn tuổi, mình càng sợ trực cấp cứu. Không phải vì sức khoẻ vì chuyên môn hay vì áp lực phải tiếp xúc phơi nhiễm với những bệnh lây nhiễm hay vì có thể bị hành hung bất cứ lúc nào. Mà vì cứ phải chạm vào thật sâu bên sau mỗi con người dù mình không muốn...
 
1 giờ sáng 
Bệnh nhân nam 23 tuổi, cơ thể gầy teo, nấm trắng đầy miệng đến cấp cứu vì tiêu chảy. Khi mình giải thích tình hình bệnh và đề nghị nhập viện thì bệnh nhân không chịu vì không có tiền. 
- Em điện thoại kêu ba mẹ vào viện đi. 
- Ba mẹ em li dị hồi em còn nhỏ xíu. Em sống với bà, mà bà ở tuốt dưới Vĩnh Long, em nói thiệt, em bị nghiện ma tuý đá và bị nhiễm HIV.
- Nhưng nếu em không nằm viện thì phải làm sao?
- Em cũng không biết nữa.
Nhìn cơ thể bệnh nhân chi chít những hình xăm, mái tóc nhuộm vàng khè ... sao mà khác quá với cách bệnh nhân trả lời. 
- Em chỉ nghĩ mình đau đến đây để bác sĩ cấp cứu...
Mình lại thở dài, dù tiếng thở dài chẳng làm đêm ngắn lại. Phần lớn những người sa ngã và lầm lạc thường được lớn lên trong gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ ly dị, hay nghiện rượu, cờ bạc và thuốc lá. Có bao giờ mỗi bước chân đi, mỗi quyết định trong cuộc đời, chúng ta đều cẩn trọng?
Sinh con rất dễ, nhưng nuôi dưỡng con lại rất khó! Khó vô cùng.
 
2 giờ sáng
Một thanh niên xỉn rượu đến để may những vết thương vùng mặt và lưng do bị chém. Khi điều dưỡng hỏi phần hành chính, thì anh ta nạt nộ đập bàn : Sao không khâu liền đi, cứ hỏi mấy cái vớ vẩn làm gì? 
- Muốn khâu thì phải làm hồ sơ khai tên tuổi bị đánh ở đâu chứ, rồi còn phải kí tên yêu cầu khâu chứ.
- Tao đ* khai. Bây giờ tao hỏi tụi mày có khâu không thì bảo? Tụi mày có tin tao chém tụi mày bây giờ không?
Mấy anh bảo vệ nghe ồn ào, báo ngay cho công an. Và thanh niên xỉn rượu vừa thấy bóng công an lập tức bỏ chạy. Mới đó còn hùng hổ đòi đâm đòi chém ...
Thật, những người có xu hướng hung bạo và dễ kích động thường là những người sống trong sự sợ hãi và yếu đuối. 
Vì sao khi đi trên phố mấy thanh niên trẻ hay nẹt bô rồ ga? Vì sao giữa đám đông mấy người trung niên kia ăn bận diêm dúa trang điểm cầu kì?
Bởi vì trong sâu thẳm họ khát khao được chú ý, khát khao được công nhận... nhưng họ chẳng có gì đặc biệt, buộc họ phải hành động như thế. Họ lạc loài! 
3 giờ sáng
 
Một người đàn ông, 50 tuổi được đưa vào cấp cứu vì đau đớn vùng hạ sườn phải. Ông ta la hét inh ỏi : 
- Bác sĩ đâu rồi? Tụi bây chết hết rồi hả? Tao vào bệnh viện cả tiếng rồi mà chẳng thấy tụi bây đâu...
- Bác sĩ đây, anh mới vào mà, y tá còn chưa kịp lấy dấu hiệu sinh tồn...
Người nhà vội nói bệnh nhân và quay qua nói với mình : Bác sĩ thông cảm, tại ảnh bệnh ung thư đường mật di căn gan, di căn hạch giai đoạn cuối rồi nên đau đớn và hay la hết. Bệnh Viện C đã cho về, khuyên gia đình, bệnh nhân muốn ăn gì thì cứ cho...
Đêm dường như sâu hơn với tiếng thở dài.
Nỗi đau niềm thống khổ là có thật, luôn hiện diện bên trong mỗi con người. Ai cũng đau cũng khổ, có người nhờ nỗi đau mà vượt lên được chính mình, tìm ra được con đường giải thoát và an lạc, nhưng cũng có người bị chết chìm trong đó.
Lẽ thường, khi người ta gần đến bên kia con dốc cuộc đời, cận kề cái chết, người ta sẽ buông bỏ hết những sân si, người ta sẽ chấp nhận và mỉm cười... Đằng này ...
Bốn giờ sáng
 
Một người phụ nữ đến cấp cứu vì đau đầu ngủ không được. Trong khi mình đang viết bệnh án thì nghe bà ta kêu lên : Chú bác sĩ và cô y tá kia, mau trả điện thoại lại cho tôi. 
- Bà coi lại cẩn thận đi, tụi con đâu có lấy điện thoại của bà.
- Cô nói gì? Chỉ có cô và chú bác sĩ kia lại gần tôi... Không cô thì chú kia lấy. Báo bảo vệ hay công an ngay đi.
Bệnh nhân ngồi bật dậy, khác với lúc mới vào nhăn nhó khó chịu mệt mỏi. 
- Ôi mẹ ơi, mẹ nói cái gì kì lạ vậy? Con giữ điện thoại của mẹ đây. Tại con đi đóng tiền tạm ứng nhập viện nên mẹ không biết.
- Vậy hả? Tao tưởng hai đứa này nó ăn cắp.
Bé Khánh vừa định lên tiếng, mình vội ngăn lại và thì thầm : Thôi bỏ đi em.
Mình nhớ một câu chuyện trong Phúc Âm, có người đến hỏi : Nếu ai đó tát vào má con thì sao? Chúa Giêsu đã trả lời : Con hãy đưa luôn má còn lại cho người ta tát. Và nếu có ai xin con cái áo khoác bên ngoài, con cũng hãy cởi luôn cái áo khoác bên trong mà cho.
Thường chúng ta chỉ đến với Thượng Đế khi bị đau khổ, mất mát, muốn mà chưa được...
Và khi chúng ta bị ức hiếp bị bắt nạt, chúng ta mong là luật công bằng, luật nhân quả được thực thi. 
Nhưng Thượng Đế luôn im lặng. Ngài dạy : Hãy tha thứ, hãy cho đi nhiều hơn. 
Bởi chỉ những người yếu đuối, thiếu thốn, bị bỏ rơi ... mới dùng đến bạo lực và đi xin. 
Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói : Cây lúa nào hạt non hạt lép thì nó đứng thẳng vươn cao. Còn những cây lúa nặng trĩu hạt luôn oằn mình xuống dưới thấp.
Cái Tôi của ai nhỏ bé thì tâm lượng người đó mênh mông!
 
- Vô Thường -
 
nguồn page GS. Tôn Thất Tùng

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICO MẶC ÁO MỚI CHO NỀN NGOẠI GIAO CŨ

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICO MẶC ÁO MỚI CHO NỀN NGOẠI GIAO CŨ
 
Từ khi được bầu lên ngai tòa Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã nối lại tinh thần đi du hành để giao tiếp của Đức Gioan-Phaolô II. Thân cận với ngài là các nhà ngoại giao tinh nhuệ, ngài biết cách giao tiếp, biết cách làm dịch chuyển các đường phân ranh.
Từ đảo Lampedusa với người di dân ở Ý đến nạn diệt chủng của người Armênia, Đức Phanxicô chứng tỏ mình dám làm hơn bất cứ nguyên thủ quốc gia nào, tuy nhiên đường lối chính trị của ngài vẫn là đường lối chính trị thực tiễn cổ điển.
 
Cách đây vài tháng, trong một buổi trình ủy nhiệm thư, Đức Phanxicô đã cho thấy tầm nhìn về đường lối ngoại giao của mình. “Công việc của người đại sứ là làm từng bước nhỏ, những việc nhỏ, nhưng cuối cùng họ luôn kết thúc bằng việc xây dựng hòa bình, xích lại gần tâm hồn mọi người, gieo tình huynh đệ giữa mọi người.”
 
Và để gieo tình huynh đệ, Đức Phanxicô không ngại khi phải cố gắng hết sức để làm. Trong hai năm triều giáo hoàng của mình, ngài đã đi đến Đất Thánh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Hàn, Ba Tây, Albania, Nghị viện Âu Châu, Sri Lanka, Phi Luật Tân. Sắp đến ngài sẽ đi các nước Mỹ, Bosnia, Châu Mỹ La Tinh, Cuba, Phi Châu và Pháp.
 
Đức Phanxicô dẫn dắt một nền ngoại giao được giới truyền thông nói đến rất nhiều, đáng kể nhất là quan hệ của ngài với giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka và giáo sư Hồi giáo Omar Abboud, cả hai là bạn người Argentina của Đức giáo hoàng, đã đi theo ngài đến Giêrusalem năm 2014 và một sự việc cũng đáng kể khác là ngài mời Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestina Mahmoud Abbas đến Vườn Vatican cầu nguyện.
 
Tuy vậy Đức Thánh Cha lại đi theo dấu vết xưa cổ nhất, đây cũng là  một nền ngoại giao cực mạnh nhất của thế giới, một nền ngoại giao áp dụng các đức tính chủ yếu là cẩn thận và ôn hòa với sự có mặt tòa đại sứ của mình ở 180 nước, có quy chế Quốc gia nghĩa là có quan sát viên trong các thể chế quốc tế như ONU, UNESCO, OMC, AIEA. Bây giờ, lịch làm việc của ngài về mặt chính trị chủ yếu chú trọng đến việc xây dựng hòa bình, bảo vệ môi trường và những vấn đề lớn khác về mặt xã hội, tôn giáo và kinh tế, nơi ngài nắm uy quyền về mặt đạo đức, vừa công giáo vừa từ bán cầu phía Nam chống lại sự “dửng dưng toàn cầu”.
 
Thành công trong vụ Cuba
 
Một trong những thành công nổi bật nhất của nền ngoại giao này là cú xích lại ngoạn mục giữa Washington và La Havana. Vatican quả thật có đặc tính độc đáo riêng của mình, không quan tâm đến những chuyện nhất thời, không đòi lãnh thổ và xa tất cả những hệ lụy thương mại. Ở Cuba, các Đức ông, các giám chức của Giáo triều đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington mà chúng ta vừa thấy. Vatican là nơi để thực hiện các trao đổi tuyệt mật, nơi đón tiếp để có những cuộc thảo luận giữa Raul Castro và Barack Obama. Đức Phanxicô, là hình ảnh của nhà làm cách mạng, đã theo bước chân của Đức Gioan XXIII, người giữ một vai trò trọng tâm trong cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962 giữa tổng thống người công giáo Kennedy và chủ tịch xô-viết vô thần Khrouchtchev. Đức Gioan XXIII đã cho đăng lời kêu gọi hòa bình trên nhật báo xô-viết Pravda và đã tiếp kiến riêng con gái của Tổng bí thư Khrouchtchev ở Vatican. Cuộc khủng hoảng tên lửa đe dọa thế giới trên bờ chiến tranh nguyên tử lại khai thông cho một giai đoạn hòa hoản giữa hai cường quốc. Năm vừa qua, Đức Phanxicô đã phong thánh cho Đức Gioan XXIII. Trước khi Đức Gioan XXIII qua đời vì bệnh ung thư, ngài đã ký Thông điệp Hòa bình Dưới thế (Pacem in Terris), một thông điệp ngài ấp ủ trong lòng. Và bây giờ ở Châu Mỹ La Tinh, nền ngoại giao của Rôma ở Colombia vẫn còn hoạt động mạnh trong các cuộc thương thuyết hòa bình giữa chính quyền và các nhóm phiến quân nổi loạn.
 
Đức Phanxicô tiếp kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào năm 2013
Một thế giới đang ở trong cơn khủng hoảng
Số phận của các tín hữu Kitô ở Trung Đông trên chính trường quốc tế là một trong những vấn đề đau đớn nhất của Vatican. Vào đầu thế kỷ 20, vùng này có từ 12 đến 15 % dân số là tín hữu Kitô, bây giờ số tín hữu này chỉ còn 4 đến 5 %, các tín hữu ở Irak và Syria đã phải đi trốn trong những điều kiện thảm thiết nhất.
 
Đức Phanxicô cố gắng làm cho các chính quyền Tây phương quan tâm đến các cộng đoàn xưa cổ này ở Trung Đông và Cận Đông. Thực tế là lời xin nâng đỡ này không được mọi người nghe theo. Tình trạng này quả đã củng cố các quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo hội Chính thống ở Moscova. Từ lâu quan hệ giữa hai Giáo hội rất khó khăn nhưng dưới thời Đức Bênêđictô XVI đã có một bước ngoặc. Giáo hoàng người Đức kế vị giáo hoàng người Ba Lan, ngài đã biết xích lại gần Thượng phụ Kiril. Khi vừa được bầu chọn, Đức Phanxicô tự giới thiệu mình là giám mục địa phận Rôma chứ không phải là lãnh đạo Giáo hội toàn vũ vì thế đây là món quà tượng trưng cho anh em chính thống. Trong cơn khủng hoảng ở Ukrainia, cùng với Thượng phụ Báctôlômêô của Constantinople, Đức Phanxicô chỉ đơn giản xin hai bên “tìm một con đường để đối thoại và phải tôn trọng luật quốc tế”.
 
 
Trong quá khứ, Giáo hội Công giáo luôn dành ưu tiên cho các giáo phái miền Tây Ukrainia (giáo phái công giáo theo nghi thức Hy Lạp), xem đó như mảnh đất của sứ vụ, và do đó đã làm phức tạp các quan hệ của hai bên, bên Ukrainia và bên Nga xô. Ngày nay, Rôma giữ một thái độ trung lập, không muốn làm tổn hại đến quan hệ vừa mới được thiết lập với giáo trưởng Moscova, người ít mặn nồng với đại kết.
 
Một nền chính trị thực tiễn của Dòng Tên
 
Rôma cũng quan tâm đến hàng triệu tín hữu công giáo ở Á Châu. Sau chuyến đi Nam Hàn, nơi có 10% tín hữu (tăng 30% trong vòng 10 năm) bây giờ đến lượt Trung quốc, nơi cộng đoàn Kitô có từ 5 đến 14 triệu tín hữu mà chính sách ngoại giao của Vatican đang hoạt động rất cẩn thận. Vatican và Bắc Kinh chưa có quan hệ chính thức nên cần phải làm tròn các góc cạnh để hy vọng một ngày hai Giáo hội sẽ kết hiệp lại với nhau, một giáo hội gọi là giáo hội “yêu nước” được nhà nước kiểm soát, còn giáo hội kia là giáo hội “chui” hoàn toàn trung thành với Rôma. Trong chuyến đi Rôma của Đức Đạt Lai Lạt Ma tháng 12 năm 2014, Đức Phanxicô đã không gặp ngài, trước hết là để khỏi làm mất lòng Bắc Kinh mà quan hệ đang còn khó khăn và rắc rối. Ở đây, Đức Phanxicô cho thấy, đàng sau cách nói chuyện mạnh, ngài cũng hơi “cáo” như ngài đã tự nói về mình như vậy. Dĩ nhiên Đức Phanxicô sẽ có ít nguy cơ khi cho “bài học đạo đức” trên các chủ đề tương hợp với các nghị sĩ của Nghị viên Âu Châu hơn là nói chuyện với Đảng cộng sản Trung quốc, một Đảng vẫn còn tiếp tục loại trừ, canh chừng và thậm chí bỏ tù tín hữu công giáo Trung quốc.
 
Trong các tháng sắp tới, Đức Thánh Cha sẽ tiến hành việc phong thánh cho linh mục Matteo Ricci, một linh mục Dòng Tên ở thế kỷ 16 được các vua nhà Minh kính trọng vì sự hiểu biết và vì tình yêu của ngài đối với đất nước Trung quốc. Tuy nhiên đường lối chính trị thực tiễn này không ngăn ngài gọi đúng tên đúng việc. Trong thánh lễ ngày 12 tháng 4 vừa qua, Đức giáo hoàng đã nói đến vụ diệt chủng người Armênia cách đây một thế kỷ, một vụ diệt chủng mà Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận nên đã làm cho họ giận. Tuy nhiên cũng đã có một tiền lệ: Năm 2000 Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc đến việc dân tộc này bị tử đạo, nhưng ngài chỉ viết.
 
Các nhà ngoại giao ở các vị trí chủ chốt
 
Trên tất cả các hồ sơ này, Đức Phanxicô biết mình phải ở gần các nhà ngoại giao giỏi. Ngay từ khi vừa được bầu chọn, ngài đã bổ nhiệm các nhà ngoại giao ở những địa vị chủ chốt của Giáo triều La Mã, một trong những mạng ngoại giao có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Ông Bernard Lecomte, chuyên gia Vatican học cho biết: “Vừa là giám chức, vừa là đại sứ của giáo hoàng, mạng lưới này gồm các hồng y và các giám mục, những người ở hàng đầu biết được tin tức tận nguồn gốc về tình trạng thế giới”. Tân Quốc vụ khanh, tương đương với chức Thủ tướng, hồng y Pietro Parolin là một giám chức người Ý. Nhà ngoại giao lỗi lạc này từng là sứ thần Tòa Thánh ở Việt Nam, sau đó là ở Venezuela, những xứ ngài đã biết cách cải thiện các quan hệ mà lúc đó rất tệ hại. Ông Bernard Lecomte nhấn mạnh đến sự liên hợp mà “Đức Gioan-Phaolô II và Quốc vụ khanh Agostino Casaroli của ngài đã thành tựu được”, trong thời Chiến tranh lạnh, Quốc vụ khanh Casaroli còn được gọi là “phó giáo hoàng”. Một nhà ngoại giao thân cận với Quốc vụ khanh Parolin là giám mục người Anh Paul Richard Gallagher, 61 tuổi, tân “bộ trưởng Ngoại giao” của Vatican. Cả hai người này biết nhau nhiều – Parolin sửa tiếng Ý cho Gallagher khi họ còn là sinh viên ở ghế nhà trường ngoại giao của Tòa Thánh. Giám mục Gallagher là người “Anglo-saxon” đầu tiên ở địa vị này. Đức giáo hoàng đã xin Giám mục Gallagher sáng tạo và dấn thân trong “văn hóa của đối thoại”.
 
Chính nhờ làm việc với các chuyên gia lớn này mà Đức Phanxicô đã chuẩn bị được hai cuộc gặp gỡ rất quan trọng. Cuộc gặp gỡ đầu tiên có tính biểu tượng cao là cuộc gặp gỡ ở Sarajevo ngày 6 tháng 6 sắp tới và buổi nói chuyện trước Nghị viện Mỹ vào tháng 9 năm nay. Đức giáo hoàng sẽ ngỏ lời ở một đất nước có một phần tư dân số là người công giáo nhưng họ lại theo chủ nghĩa vật chất và đường lối chính trị quốc tế của họ thường bị Vatican lên án như việc đưa quân vào Irak năm 2003. Được ông John Boehner, lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Hạ Viện và bà Nancy Pelosi, lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Hạ Viện mời, cả hai đều là người công giáo, Đức Phanxicô phải rất ngoại giao. Nhưng nếu ngài muốn đánh thức họ thì ngài phải nói đến các vấn đề làm cho họ giận: tình trạng người di dân latino-mỹ và việc hợp thức hóa hôn nhân đồng tính mà Barack Obama mong muốn.
 
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 13.05.2015/ lemondedesreligions.fr, Antoine Colonna, 11-05-2015)