label

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

MỪNG LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

MỪNG LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 

Hoài Thanh's photo.
Các Thánh trên Nước Thiên Đàng
Hưởng Nhan Thánh Chúa đầy tràn hân hoan
Xưa kia ở chốn trần gian
Cuộc sống đạo hạnh, vô vàn kỳ công
Với bao thử thách cam lòng
Hy sinh chịu đựng quyết không đổi dời
Kính mến Thiên Chúa cao vời
Yêu người nhân thế, cho đời niềm vui
Đôi khi thầm lặng ngậm ngùi
Vượt qua gian khó đến nơi an bình
Dù cho bao nỗi cực hình
Đọa đày tra tấn, thân mình nát tan
*
Giờ đây vinh phúc vô vàn
Quây quần bên Chúa ánh quang rạng ngời
Hiệp đoàn Thiên sứ trên trời
Hoan ca chúc tụng bao lời kính tôn
Các Thánh hạnh phúc trường tồn
Đoái thương đến các linh hồn tạm giam
Luyện ngục nung nấu nóng ran
Được lên cõi phúc chư đoàn hiển vinh
Cũng xin nhìn đến sinh linh
Sống nơi trần thế khấn xin nguyện cầu
Ngày mai đoàn tụ bên nhau
Cuộc sống vĩnh cửu muôn màu đẹp tươi
*
Các Thánh đang ở trên Trời
Hợp đoàn bên Chúa muôn đời phúc vinh
Đoàn con dưới thế nguyện xin
Đoái thương phù hộ: đức tin vẹn toàn
Ngày mai rộn rã ca vang
Chúc tụng Thiên Chúa vô vàn yêu thương
Được cùng hưởng phúc Thiên Đường
Là do cuộc sống noi gương Các Ngài
HOÀI THANH

Vatican xác nhận cuộc đàm phán mới với Bắc Kinh

Vatican xác nhận cuộc đàm phán mới với Bắc Kinh

 
Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã xác nhận báo cáo về các cuộc đàm phán mới giữa Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc.
 
 
Đức Hồng Y Pietro Parolin nói với các phóng viên hôm 29 tháng 10 rằng một phái đoàn của Vatican đã đến Bắc Kinh hồi đầu tháng này. Ngài cho rằng sự phát triển này là "rất tích cực".
 
Đức Hồng Y nói:
"Đây là một phần của một quá trình nhằm vào bình thường hóa quan hệ". Đức Hồng Y từ chối suy đoán về kết quả của cuộc gặp gỡ ngoại giao này, nhưng cho biết: "Thực tế không thể phủ nhận được là chúng tôi đang có thể nói chuyện với nhau. Bản thân điều đó đã rất có ý nghĩa".
 
Như chúng tôi đã đưa tin, vòng đàm phán thứ hai Trung Quốc-Vatican đã được tổ chức từ 11 tháng 10 tại Bắc Kinh. Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh một cuộc đàn áp tôn giáo quy mô lớn đang diễn ra ở Trung Quốc, trong đó nhà cầm quyền trung ương tìm cách thúc đẩy chính sách "Trung Hoa hóa" về tôn giáo ở nước này. Nhà nước tìm cách hạn chế, nếu không thể loại bỏ hoàn toàn, những ảnh hưởng từ bên ngoài.
 
Các báo cáo từ tỉnh Tứ Xuyên cho biết nhà cầm quyền Trung quốc đã buộc các linh mục phải viết một “bản tự kiểm” giải thích về sự hiểu biết của các ngài đối với chính sách Trung Hoa hóa và làm thế nào để vận dụng chính sách này trong các hoạt động mục vụ của họ.
 
Phái đoàn Vatican đã rời Trung Quốc hôm 14 tháng 10. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã từng tham dự cuộc đàm phán vòng thứ nhất tại Trung Quốc vào năm 2009 khi ngài còn là thứ trưởng ngoại giao của Vatican.
Đặng Tự Do

Đức Giáo hoàng một lần nữa lay chuyển Giáo hội Ý

Đức Giáo hoàng một lần nữa lay chuyển Giáo hội Ý

 
 
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã một lần nữa làm ngạc nhiên và chấn động giáo hội Ý, bằng việc bổ nhiệm vào tòa tổng giám mục Bologna và Palermo, 2 mục tử ‘mang mùi của chiên.’
 
Đức cha Matteo Zuppi
 Đức Phanxicô đã chỉ định đức cha Matteo Zuppi, giám mục phụ tá Roma, kế nhiệm cho hồng y Carlo Caffarra làm tổng giám mục Bologna, và đồng thời cũng nâng cha Corrado Lorefice, 53 tuổi, từ linh mục địa phận ở giáo phận Noto, Sicily, kế nhiệm hồng y Paolo Romeo làm tổng giám mục Palermo. Cả hai hồng y trên đều đã quá tuổi nghỉ hưu.
 
Hai tân tổng giám mục là những con người khiêm nhượng và cầu nguyện, được biết đến vì những việc làm cho người nghèo, người ngoài rìa xã hội, những ai đang gặp khó khăn (Zuppi) và những ai đang mắc kẹt trong cạm bẫy mại dâm và di dân (Lorefice). Cả hai vị đều không phải loại người tham danh vọng, và được biết đến là luôn cởi mở với những ai cần kíp.
 
Tân tổng giám mục Zuppi, 59 tuổi, nổi tiếng là ‘Don Matteo’ ở Roma, là linh mục đầu tiên được truyền chức ở cộng đoàn Sant’Egidio mà ngài gia nhập từ thời trung học. Là một con người thân thiện và ân cần, ngài nổi tiếng và được yêu mến với những người nghèo, người ngoài rìa xã hội, dân du mục, những người già và người trẻ bị bỏ mặc ở Roma, ngài đã dành cả đời để phục vụ họ. Ngài có bằng thần học từ Đại học Lateran, Roma, và bằng triết học và ký tự từ đại học Roma.
 
Ngài làm linh mục giáo phận Roma trong 29 năm, sau đó là linh mục phó xứ rồi quản xứ tại nhà thờ Santa Maria ở Trastevere (nhà thờ đầu tiên kính Đức Mẹ ở phương Tây). Trong suốt thờ gian đó, ngài đóng một vai trò then chốt trong việc hỗ trợ chấm dứt nội chiến Mozambique, và ngài cũng góp phần trong việc chấm dứt xung đột ở Burundi và vài nơi khác. Năm 2010, ngài được bổ nhiệm đến một giáo xứ vùng ven Roma, hằn dấu nghèo khổ, tội ác và thuốc phiện, và ngài phục vụ ở đó đến năm 2012, khi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI phong ngài làm một trong các giám mục phụ tá của Roma. Đức cha Zuppi luôn luôn gần gũi với các linh mục trong giáo phận, trước hết khi còn làm linh mục, và sau đó là trong 3 năm làm giám mục. Ngài thường đi xe đạp để đi lại trong giao thông nhiều khi hỗn loạn của Roma, bây giờ chắc chắn chuyện này sẽ dễ dàng hơn nhiều cho ngài khi chuyển đến Bologna.
 
 
Tân tổng giám mục của Palermo, Corrado Lorefice, 53 tuổi, lại không mấy nổi tiếng ở Ý, dù ngài đã dành 25 năm đứng đầu tiền tuyến chống nạn buôn người, và đặc biệt là chống nạn mãi dâm ở Sicily. Ngài cũng giúp đỡ nhiều cho các di dân, những người thường bị bóc lột. Và bây giờ, ngài có một vị thế mới để làm được nhiều hơn cho hai tiền tuyến này.
 
Được truyền chức linh mục ở tuổi 24, ngài có bằng tiến sỹ thần học và vừa lo việc giáo xứ vừa dạy thần học luân lý trong vài năm. Từ năm 2010, ngài làm linh mục quản xứ cho đến bây giờ. Trong những năm qua, cha Lorefice đã viết một số sách, trong đó có quyển về Don Pion Pugliese, linh mục bị mafia Palermo ám sát, và một quyển về Công đồng Vatican II. Các linh mục và thanh niên giáo phận Noto yêu mến, bây giờ, ngài dấn bước vào tổng giáo phận nơi mà cha Pugliese từng làm việc và là một nơi không thiếu thách thức.
 
Hai bổ nhiệm mới nhất này, là một phần trong nỗ lực đang diễn ra của Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn cải tổ giáo hội Ý. Các đây không lâu, ngài đã chọn một linh mục quản xứ từ Mantova, cha Claudio Cipolla, làm giám mục Padova, giáo phận lớn thứ tư ở Ý. Cuộc cải cách này của Đức Phanxicô mở đầu vào cuối năm 2013, khi ngài bổ nhiệm giám mục Galantino làm Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Ý. Rồi sau đó, trong hai hội nghị hồng y đầu tiên của mình, ngài phá vỡ truyền thống mà trao mũ đỏ cho 3 giám mục không thuộc các tòa được xem là tòa hồng y, và lại bỏ qua các tòa thường được kỳ vọng là Venice và Turin. Cuộc cải tổ này, vẫn đang tiếp diễn, cũng như việc cải tổ Giáo triều Roma vậy.
 
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 29.10.2015/
America Mag – Gerard O’Connell – 27/10/2015

Thư của Đức Thánh Cha gửi Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh về các vấn đề liên quan đến cải tổ Giáo triều Rôma





Thư của Đức Thánh Cha gửi Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh về các vấn đề liên quan đến cải tổ Giáo triều Rôma
WHĐ (29.10.2015) – Ngày 27-10, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin liên quan đến nhiều vấn đề nảy sinh trong tiến trình cải tổ cơ cấu Giáo triều Rôma.
Sau đây là toàn văn bức thư đề ngày 14-10-2015 của Đức Thánh Cha:
***
Kính gửi người anh em thân mến
Hồng y Pietro Parolin,
Quốc vụ khanh Toà Thánh,
Trong khi công cuộc cải tổ các cấu khác nhau của Giáo triều Rômamà Hội đồng Hồng y do tôi thiết lập ngày 28 tháng Chín 2013 đang xem xét–, vẫn tiếp tục tiến hành theo chương trình đã hoạch định, cần phải lưu ý rằng có một số vấn đề đã phát sinh, tôi muốn có hành động ngay với các vấn đề này.
Trước hết tôi muốn nói rằng giai đoạn chuyển tiếp hiện nay không phải là một giai đoạn vacatio legis (Chú thích của người dịch: phi luật lệ). Tôi khẳng định rằng Tông hiến Pastor bonusnhững tu chính bổ sung vẫn còn nguyên hiệu lực, cùng với các Quy định Chung của Giáo triều Rôma.
Vì việc tuân thủ các quy tắc chung là cần thiết vừa để bảo đảm việc điều hành công việc trong Giáo triều Rôma và trong các tổ chức thuộc Toà Thánh được trật tự, vừa để bảo đảm đối xử công bằng với các nhân viên và cộng tác viên, c về mặt kinh tế, tôi truyền lệnh rằng: các điều khoản trong các tài liệu nói trên, cũng như trong các Quy định đối với nhân viên giáo dân của Toà Thánh và của Quốc gia Vatican các Quy định của Uỷ ban độc lập thẩm định việc tuyển dụng nhân viên giáo dân trong Tòa Thánh, phải được tuân thủ một cách chặt chẽ.
Theo đó, mọi tuyển dụng và thuyên chuyển nhân viên phải được thực hiện trong những giới hạn do các kế hoạch về nhân sự đã thiết lập, loại trừ bất kỳ tiêu chí nào khác, với sự phê chuẩn của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh và phù hợp với các thủ tục đã quy định, gồm cả những gì liên quan đến hệ thng lương bổng đã thiết lập.
Mọi điều trên đây cũng được áp dụng cho Phủ Thống đốc Quốc gia Vatican và các tổ chức phụ thuộc của Toà Thánh - ngoại trừ Viện Giáo vụ, trong phạm vi tương thích với các Điều lệ của các cơ quan này, mặc dù không được chỉ ra một cách rõ ràng trong Tông hiến Pastor bonus.
Vì thế, thưa Đức hồng y, tôi yêu cầu các quy định tôi đã nói đến phải được sự lưu tâm của tất cả các vị đứng đầu các Cơ quan và các Văn phòng của Giáo triều Rôma, Phủ Thống đốc, cũng như các Uỷ ban các tổ chức phụ thuộc, cách riêng nhấn mạnh đến các khía cạnh cần quan tâm đặc biệt, và phải giám sát việc tuân thủ các quy định này.
Tôi cảm ơn Đức hồng y đã cộng tác với tôi, và hiệp thông trong lời cầu nguyện, tôi thân ái chào Đức hồng y trong Chúa.
Vatican, ngày 14 tháng Mười 2015
Phanxicô
(Huy Hoàng chuyển ngữ theo bản tiếng Anh của VIS)
 
ĐGH Phanxicô

Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn 500 tín hữu El Salvador

Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn 500 tín hữu El Salvador

Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoán 500 tín hữu El Salvador - OSS_ROM
30/10/2015 15:33
 VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu mong cho tấm gương của chân phước Oscar Romero khích lệ nhân dân El Salvdor canh tân sự loan báo Tin Mừng.
 Ngài bày tỏ mong ước trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 30-10-2015, dành cho phái đoàn 500 tín hữu El Salvador về Roma hành hương và cám ơn ĐTC vì đã cho phép tiến hành lễ phong chân phước cho Đức cố TGM Oscar Romero tử đạo, ngày 23-5 năm nay tại thủ đô San Salvdor, nơi vị chân phước là chủ chăn và đã bị sát hại ngày 24-3 năm 1980 trong lúc cử hành thánh lễ. Phái đoàn do các GM El Salvador hướng dẫn, cùng với nhiều LM, tu sĩ.
 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc nhở mọi người về vai trò của vị tử đạo: ”Vị tử đạo không phải là người ở lại trong quá khứ, một hình ảnh đẹp chúng ta trang trí ở các đền thờ, và chúng ta tưởng nhớ một cách nào đó. Không phải vậy, vị tử đạo là một người anh, người chị tiếp tục tháp tùng chúng ta trong mầu nhiệm hiệp thông các thánh, và hiệp với Chúa Kitô, cảm thông cuộc lữ hành của chúng ta trên mặt đất, những đau khổ và lo âu của chúng ta”.
 ĐTC nói thêm rằng: ”Chỉ còn vài tuần nữa là khai mạc Năm Thánh đặc biệt lòng Chúa Thương Xót, ước gì tấm gương của Đức TGM Romealo là một khích lệ cho đất nước El Salvador yêu quí để canh tân việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, loan truyền Tin Mừng ấy để mọi người nhận biết, để tình yêu thương xót của Chúa Cứu Thế tràn đầy mọi tâm hồn và cuộc sống của những người dân tốt lành”.
 ĐTC cũng nói rằng ngài đón nhận những tâm tình của chân phước TGM Romero làm của ngài, mong ước cho El Salvador sớm được thấy thời điểm hạnh phúc trong đó không còn thảm trạng đau khổ kinh khủng của nhiều anh chị em chúng ta vì oán thù, bạo lực và bất công. Xin Chúa đổ tràn lòng thương xót và từ nhân, cùng với dòng ơn thánh, biến đổi con tim của mọi người và đất nước tươi đẹp của anh chị em...”
 Đức Cha José Luis Escovar Ales, TGM San Salvador, Chủ tịch HĐGM El Salvador, cho biết ngài cùng với tất cả các GM và ngoại trưởng Hugo Martinez của El Salvador hướng dẫn phái đoàn 500 tín hữu về Roma hành hương, đồng thời bày tỏ ước nguyện được ĐTC đến viếng thăm El Salvodar và phong hiển thánh cho chân phước Oscar Romero.
 Theo giáo luật, để vị chân phước được phong hiển thánh, cần phải có một phép lạ được chứng thực. Giáo quyền El Salvador đã gửi về Bộ phong thánh ở Roma hồ sơ 3 vụ khỏi bệnh lạ lùng, để xin cứu xét và công nhận đó là phép lạ nhờ lời chuyển cầu của chân phước Romero.
 Đức TGM Escobar gọi Đức Cha Romero là ”vị tử đạo của Mỹ Châu”, Đức TGM đã bị đạo quân tử thần sát hại trong lúc dâng thánh lễ tại nhà nguyện của một nhà thương dành cho các bệnh nhân ung thư ở vùng thủ đô San Salvador. Tội ác ấy mở đầu cuộc nội chiến dài 12 năm làm cho 75 ngàn người chết, hơn 12 ngàn người bị mất tích (SD 30-12-2015)
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

CÁO PHÓ (BÀ HAI TRẤU)

CÁO PHÓ


Một người con của giáo xứ
Bà MATTA  NGUYỄN THỊ HUỐI (bà hai Trấu), sinh năm 1927. Hiện ngụ tại khu 5, giáo xứ Cần Xây
vừa được Chúa gọi về lúc 20 giờ 00 ngày 27/10/2015
HƯỞNG THỌ 89 TUỔI 
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 19 giờ ngày 28-10-2015
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ Cần Xây vào lúc 8 giờ ngày 30-10-2015,
 sau đó an táng tại đất Thánh Giáo Xứ Cần Xây.

Trong tinh thần hiệp thông xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn Bà Matta sớm về với Chúa

Thượng Hội đồng kết thúc với chiến thắng lớn của Đức Phanxicô

Thượng Hội đồng kết thúc với chiến thắng lớn của Đức Phanxicô

 
Sau ba tuần thảo luận, Đức Giáo hoàng có được khả năng cho người ly dị tái hôn rước lễ xét theo từng trường hợp một.
 
Từ ba tuần nay, các giám mục họp Thượng Hội đồng ở Rôma về các vấn đề hôn nhân và gia đình, họ đã bỏ hai phần ba số phiếu quy định cho tất cả các điều khoản của hồ sơ cuối cùng và, nếu Đức Giáo hoàng chấp nhận thì sẽ có thể cho những người ly dị tái hôn rước lễ, xét theo từng trường hợp một.
 
Cuộc bỏ hiếu này đánh dấu một bước chiến thắng quan trọng của vị giáo hoàng cải cách, sau lần họp đầu tiên năm ngoái bị một phần các giám mục từ chối.
 
Điều khoản số 85 của tài liệu nói về việc cho người ly dị tái hôn được rước lễ theo một vài điều kiện. Trên 94 điều khoản thì điều khoản này nhận được ít số phiếu bầu nhất, với 178 phiếu thuận và 80 phiếu chống – nhưng vẫn đạt được đa số hai phần ba ấn định là 177 phiếu thuận trên tổng số 265 phiếu bầu.
 
Tuy không phải là chủ đề trọng tâm của cuộc họp các giám mục toàn thế giới nhưng vấn đề người ly dị tái hôn là chủ đề sôi động và được tranh cãi nhiều nhất.
 
Không phải bật đèn xanh cho tất cả các trường hợp, tuy nhiên chính đề nghị của các giám mục Đức cuối cùng đã có được hai phần ba số phiếu, dù có sự chống đối rất mạnh trong suốt thời gian thảo luận.Và vẫn còn chống đối mạnh, đặc biệt là với các giám mục Phi châu và Ba Lan.
 
Nhóm nói tiếng Đức đã đưa ra một loạt các «tiêu chuẩn» để lượng định – dưới trách nhiệm của giám mục địa phương – từng trường hợp của các cặp ly dị tái hôn xem họ có thật sự muốn nhận các bí tích trong Giáo hội không. Tất cả đã cùng nhau quyết định cho những người này được xưng tội và rước lễ. Và được nhấn mạnh, mỗi lần, đây phải là công việc «nhận định» đặc biệt cho từng trường hợp.
 
Như thế, Thượng Hội đồng đã chính thức trao cho Đức Giáo hoàng  «tài liệu» cuối cùng này và Đức Giáo hoàng sẽ quyết định lên chương trình cho mục vụ mới này của Giáo hội, một mục vụ vẫn còn là mầm chia rẽ giữa các cộng đoàn.
 
Dĩ nhiên là Đức Giáo hoàng sẽ đi trong chiều hướng này, vì ngay từ đầu triều của mình, ngài đã muốn triệu tập hội đồng để thông qua biện pháp này.
 
Đức Giáo hoàng sẽ trình bày trong một «tông thư», trong một «huấn dụ hậu thượng hội đồng» hay dưới một hình thức khác vì ngài là người có quyền tối thượng trong việc dùng hình thức công bố; ngài sẽ công bố trong «năm thánh lòng thương xót» sẽ mở ra tại Rôma vào ngày 8 tháng 12 sắp tới để giúp Giáo hội thay đổi trong văn hóa của mình.
 
Đó là điều mà giám mục Bỉ Van Looy tóm như sau: «Đây là sự chấm dứt phê phán con người. Đây là sự kết thúc của một Giáo hội phê phán và bắt đầu mở ra một Giáo hội lắng nghe và nói chuyện. Chúng ta có một Giáo hội của tình âu yếm cho tất cả. Điều này có thể là bước đầu của một Giáo hội mới.»
 
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(phanxico.vn)

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Nữ Tu nhìn lại để xác tín hơn vai trò của mình

Nữ Tu nhìn lại để xác tín hơn vai trò của mình

 
Là nữ tu, chúng tôi vẫn luôn gắn kết với thân phận phụ nữ. Cuộc đời dâng hiến sẽ phong phú và ý nghĩa hơn biết bao khi các nữ tu sống hết mình với thiên chức phụ nữ của mình
 
 
Vai trò của người nữ
“Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ”. Victor Hugo
Là nữ tu, chúng tôi vẫn luôn gắn kết với thân phận phụ nữ. Cuộc đời dâng hiến sẽ phong phú và ý nghĩa hơn biết bao khi các nữ tu sống hết mình với thiên chức phụ nữ của mình. Thật vậy, dù thừa nhận hay không, thực tế người phụ nữ luôn chiếm vị trí quan trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Và có lẽ không mấy ai phủ nhận rằng: “Nếu một người đàn ông hư hỏng thì chỉ hư hỏng một người, nhưng một người phụ nữ hư hỏng thì cả nhà hư hỏng”.
 
Biết bao thế hệ nữ tu đã tiếp nối nhau phục vụ, làm muối cho đời, men trong bột
Đức Phanxicô, vị cha chung của chúng ta nhiều lần đã nói lên quan điểm của mình: “Phụ nữ ở bất cứ thời đại nào, quốc gia nào, dân tộc nào cũng giữ vai trò trọng yếu trong việc sáng tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc”. Ngài còn bày tỏ: “Cha mạnh mẽ mong ước rằng (cơ hội và trách nhiệm) mở ra hơn nữa cho sự hiện diện và tham dự của nữ giới trong Giáo hội cũng như trong xã hội và các lãnh vực chuyên môn”.
Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (EG 103), ngài khẳng định: “Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với xã hội, bởi sự nhạy cảm, trực giác và một số khả năng của họ… Tôi vui mừng vì biết bao phụ nữ chia sẻ trách nhiệm mục vụ với các linh mục, đang đóng góp phần vào việc giúp đỡ các cá nhân, gia đình hoặc các nhóm và có các đóng góp mới về sự suy tư Thần học. Nhưng chúng ta còn phải mở rộng không gian cho một sự hiện diện quyết định hơn của phụ nữ trong Hội Thánh. Bởi vì thiên tài của phụ nữ là điều cần thiết trong tất cả các hình thức của đời sống xã hội…”.
Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục TGP.TPHCM đã đưa ra những đặc nét của phụ nữ như: “Sự dịu dàng của người phụ nữ có tác dụng thay đổi một con người tính khí bất thường và chính là chứng tá cho sự dịu dàng của Thiên Chúa. Lòng nhân hậu của người phụ nữ luôn luôn nhạy cảm trước những nỗi đau khổ bất hạnh của người khác, là hiện thân của lòng thương xót Chúa Kitô…” (10 tiêu chuẩn về một người phụ nữ đạo hạnh và tốt lành).
Dù có nhiều ưu điểm và giới hạn, người phụ nữ dù ở bất cứ bậc sống nào - độc thân, tu trì hay lập gia đình thì cũng đều được kêu mời “làm tông đồ cho tương lai nhân loại” bằng những phương cách thích hợp khác nhau, tùy vị thế và môi trường sống.
Vai trò của nữ tu
Song song với vai trò “bất khả thay thế” trong mỗi gia đình của phụ nữ, còn có những ngưỡi nữ chọn đời sống hiến thân phụng sự Thiên Chúa, Giáo hội và xã hội.
Ngay từ khi Giáo hội khai sinh trên đất nước Việt Nam, một nhóm phụ nữ tận hiến đã âm thầm len lỏi giữa dân thường bất kể đạo đời để phục vụ. Chính nhóm này là tiền thân của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, những người dấn thân làm những việc phước, việc lành. Qua năm tháng, nhiều dòng nữ với những linh ân khác nhau đã hiến thân phụng sự dân chúng trong các lãnh vực bác ái, y tế, giáo dục…, góp phần cải thiện đời sống những kẻ cùng khổ, bất hạnh, thay đổi cách nhìn và lối sống của biết bao người. Chính các nữ tu đã liên lỉ tận tụy và âm thầm đảm nhận biết bao công việc trong Giáo hội và xã hội rất hiệu quả. Ngay cả những ai chọn đời chiêm niệm cũng sống hy sinh hãm mình, làm việc và cầu nguyện cho việc truyền giáo và lợi ích của tha nhân.
Cho đến nay, biết bao thế hệ nữ tu đã tiếp nối nhau phục vụ, làm muối cho đời, men trong bột, là ánh sáng (Mt 5, 13-14), là mẫu mực dấn thân giữa lòng quê hương.
 
Lập trường của Giáo hội
Sứ mệnh của đời sống thánh hiến chính là phục vụ bác ái (Servitium caritatis), theo gương Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Như các môn đệ sau khi chiêm ngắm Chúa biến hình, được mời gọi xuống núi để phục vụ, nữ tu cũng được mời gọi biểu lộ tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian. Đặc sủng của bất cứ hội dòng nào cũng thôi thúc người được thánh hiến thuộc trọn về Chúa, hiệp thông với Ngài trong đời sống thân mật vui tươi, noi gương Ngài quảng đại phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em.
Chính đời sống như thế đem lại hoa quả cho công cuộc truyền giáo của những hội dòng chuyên lo làm việc tông đồ lẫn những hội dòng sống đời chiêm niệm. Bởi chưng, ý thức truyền giáo luôn là ưu tiên số một của mọi hình thức tu trì (TH. ĐSTH số 19, 25, 72, 75). Trong đó, người tu sĩ không chỉ phá đổ cái xấu mà còn gieo mầm cái tốt, đưa con người đến gần Đấng là Chân Thiện Mỹ hơn. Có như vậy, theo ĐHY Martinez Somalo, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ thì người thánh hiến mới đáp ứng được ba khát vọng của thời đại: khát vọng về giá trị tinh thần, khát vọng về tình tương trợ, liên đới và khát vọng về bác ái vô vị lợi.
 
Thái độ khi dấn thân
Tông huấn Đời sống Thánh hiến đặc biệt nối kết hai ý niệm thánh hiến và sứ mệnh. Hai yếu tố này bổ túc và đan quyện vào nhau, tạo nên căn tính của đời sống thánh hiến. Không thể hiểu cái này nếu không có cái kia. Người tận hiến không thể yêu Chúa, mà lại không yêu người thân cận (Mt 22, 34-40). Thánh hiến để được sai đi. (số 32 - 35).
Người tận hiến càng sống một đời hoàn toàn hiến dâng cho Chúa Cha (Ga 4, 34), được Chúa Con chiếm hữu (Ga 15, 16), được tác động bởi Chúa Thánh Thần (Lc 24, 49), thì càng cộng tác hữu hiệu vào sứ mệnh của Chúa Kitô (Ga 20, 21) và góp phần đặc biệt vào việc canh tân thế giới”. (số 25)  Những người tận hiến luôn phải nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt thành truyền giáo. Lòng nhiệt thành đó phải đến do “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách” (2 Cr 5, 14), vì sứ mệnh của thánh hiến là hoạt động khắp nơi trên trái đất để củng cố và mở rộng nước Chúa mọi nơi, cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất”. (số 78). Người tu sĩ theo Đức Phanxicô cần đến với anh em với một con tim nồng nhiệt luôn tự vấn: “Tôi có để cho sức mạnh của niềm khắc khoải về Thiên Chúa, về Lời Chúa dẫn tôi “bước ra” đến với người khác?”,  vì chưng: “...Một tình yêu khắc khoải bao giờ cũng khiến chúng ta đi ra và gặp gỡ những người khác, mà không cần chờ họ xin giúp đỡ. Một tình yêu khắc khoải đem đến cho chúng ta món quà là hoa trái mục vụ, và mỗi người chúng ta phải tự hỏi mình: hoa trái thiêng liêng của tôi, hoa trái mục vụ của tôi là gì?” (Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong Lễ khai mạc Tổng tu nghị Dòng Thánh Augustinô 2013).
Để có thể chu toàn sứ vụ chứng tá trong một xã hội đang đổi thay siêu tốc, các nữ tu cần vận dụng tối đa khả năng trực giác, trí thông minh và lòng nhân hậu để tìm ra những cách thế tông đồ và mục vụ mới, sẵn sàng cùng với Ngài rửa chân cho những người nghèo khổ. Điều này đòi hỏi thái độ can đảm dấn thân, dám liều, dám đầu tư nén bạc Thiên Chúa trao ban, cho dù có nhiều hiểm nguy trắc trở. Chúa không muốn chúng ta chôn giấu những nén bạc Ngài trao (Mt 25, 14-30) mà phải hành động để sản sinh lợi ích cho mình và tha nhân cùng làm phong phú và phát triển trái đất Ngài tạo dựng.
 
Sứ vụ thực tế của nữ tu trong môi trường Xã hội Việt Nam
Lúa chín đầy đồng và “thợ gặt” của Giáo hội Việt Nam so với các nơi khác tương đối khá dồi dào.  Vấn đề là chúng ta đã chuẩn bị hành trang cho nhóm “thợ” như thế nào về tinh thần, phương hướng cùng phong cách làm việc sao cho đem lại hiệu quả nhất chưa. Tuy chúng ta không có những thuận lợi để dấn thân trong mọi lãnh vực của đời sống dân chúng, nhưng với hết nhiệt tình và sáng kiến cùng sự quyết tâm, chúng ta vẫn có nhiều hy vọng. “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Nên chăng thỉnh thoảng chúng ta cần dừng lại để tự vấn xem mình đã tận dụng tất cả cơ hội đang có trong tầm tay chưa. Chúng ta đã có bao nhiêu cơ hội gặp gỡ, gần gũi trẻ em, người nghèo, nông dân thợ thuyền, người cao tuổi, người khuyết tật, kẻ bất hạnh và thậm chí đơn giản là những người trẻ, người giáo dân sống quanh ta? Chúng ta đã dốc hết TÂM, LỰCvì lợi ích đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của họ chưa?
Dẫu biết rằng Thiên Chúa đã ban cho người phụ nữ nhiều ơn, nhưng phận nữ vẫn là phận người mong manh. Nếu không tận dụng hết những ơn ban thì sứ vụ của chúng ta sẽ nghèo nàn biết bao. Để hạn chế bớt nhược điểm và tăng hiệu quả cho sứ vụ, xin được đề nghị ba lãnh vực cần quan tâm sau đây:
- Chuẩn bị và trang bị:
Ta cần ý thức là mình đang mong muốn đem lại điều gì cho những người anh chị em lương giáo. Ai cũng biết là ta “không thể cho điều mình không có”, vậy muốn trao gì, trước hết chúng ta cần được trang bị và đào luyện hoặc tự thân lo cho mình những giá trị và vốn liếng cần thiết trong những lãnh vực mà sứ vụ chúng ta cần đến. Ngoài việc tăng hiệu quả công việc, chuẩn bị còn là một hình thức tôn trọng đối tượng phục vụ.
- Vun đắp lòng nhiệt thành và sự tận tụy:
Thành tâm thiện chí của người tận hiến có lẽ không thiếu, nhưng lòng nhiệt thành mới là yếu tố làm nên những kỳ tích. Heywood đã nói: “Không có gì là không làm được với một con tim đầy nhiệt tâm”. H. Bordeaux lại quả quyết: “Giá trị con người trước hết là do bầu nhiệt huyết của họ”. Lòng nhiệt thành tạo nên niềm vui sống, hoặc như một kích thích tố để phát huy và kết hợp mọi người trong tình thân ái. Lòng nhiệt thành còn là yếu tố chủ chốt để khởi sự và hoàn thành công việc. Vì thế, “phải tin tưởng vào những điều mình làm và làm với tất cả lòng nhiệt thành” (Olle Laprune). “Con người chỉ trở nên cao cả khi họ dám xả thân cho một cái gì lớn hơn bản thân mình” (Saint Exupery), và đó chính là hoa quả của lòng nhiệt thành.Nhiệt thành với công việc, nhiệt tình với mọi người, nhiệt tâm với trách vụ sẽ giúp con người sống một cách sung mãn và đáng yêu trong mỗi giây phút hiện tại của đời mình.
Chúng ta chỉ “làm theo Thánh ý Chúa thôi thì chưa đủ, mà còn phải làm một cách vui vẻ và nhiệt tình” (Francois De Sale). Sự dâng hiến nào cũng phải là sự dâng hiến của con tim nhiệt tình, bừng cháy lên ngọn lửa yêu mến, “vì nhiệt tâm nhà Chúa” (Tv 69).
Nhiệt thành đòi hỏi ta học cách giữ vững bầu nhiệt huyết trong mọi tình huống và kiên trì cho đến cùng, không nao núng trước mọi thách đố hoặc thất bại. Để tận tụy ta cần tìm ra từ sự yêu thích, đam mê và quyết tâm trong công việc để “Bất cứ làm việc gì ta cũng có thể làm tận tâm như thể làm cho Chúa” (Cl 3, 23)
- Một con tim nhạy cảm, và tấm lòng rộng mở:
Điều con người cần nhất chính là ở tấm lòng. Người Việt Nam rất coi trọng chữ “Tâm” và xem trọng nó hơn cả những tài năng, của cải.  “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”(Trịnh Công Sơn). Tấm lòng đó là lòng bao dung, nhân ái, chân thành và tình cảm tha thiết đối với nhau. Sống có lòng là biết chia sẻ, cảm thông, hiểu và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn; làm sao để “gió cuốn” tấm lòng ấy bay xa mãi, giúp ta mở rộng lòng mình ra tới những chân trời có những anh chị em đang cần sưởi ấm, cảm thông, đang cần thêm nghị lực để vươn dậy trong cuộc sống… Chính tấm lòng sẽ làm đẹp cho đời, cho cuộc sống những người anh em và cho cả chính bản thân ta.
M Thécla Trần Thị Giồng - Dòng Đức Bà
 
"...Tại Việt Nam với hơn 16.500 tu sĩ nam nữ (13.500 nữ tu và 3000 nam tu) sinh sống và hoạt động trong 175 Dòng tu, tu Hội đời, Tu đoàn Tông đồ (46 Dòng nam và 129 Dòng nữ), họ làm thành một gia sản thiêng liêng quý báu của Giáo hội, một sức mạnh tinh thần vô song, sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi sự dữ, sự ác, tàn bạo và bất công đang lan tràn khắp nơi trên thế giới..."
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Đệ Chủ tịch Ủy Ban Tu Sĩ trực thuộc HĐGMVN
 
 
Nguồn tin: cgvdt.vn

Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận Sắc lệnh thành lập Học viện Công giáo Việt Nam





Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận Sắc lệnh thành lập Học viện Công giáo Việt Nam
WHĐ (26.10.2015) – Theo Thông báo số 09/15/HVCG của Uỷ ban Giáo dục Công giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, thứ Tư 21-10-2015 vừa qua Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh đã trao Sắc lệnh thành lập Học viện Công giáo Việt Nam cho Hội đồng Giám mục Việt Nam nhân dịp Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục và Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục Công giáo sang Roma tham dự Thượng Hội đồng Giám mục. Sắc lệnh được ấn ký ngày 14 tháng 9 năm 2015, lễ Suy tôn Thánh Giá.
Cũng nên nhắc lại rằng trước đó, ngày 06-08-2015, tại Trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công giáo Việt Nam. Quyết định của Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận cho Giáo hội Công giáo Việt Nam mở Học viện Công giáo đã được ông Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao cho Ðức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục.
 
WHĐ

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người du mục

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người du mục

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người du mục - AFP
26/10/2015 14:02
VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi loại trừ mọi thành kiến và nghị kỵ đối với những người dân du mục.
 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 26-10-2015 dành cho 7 ngàn người du mục, từ các nước về Roma tham dự cuộc hành hương quốc tế từ ngày 23 đến 26 tháng 10 nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chuyến viếng thăm của Đức Phaolo 6 tại một trại tạm trú dành cho người du mục ở Pomezia, mạn nam Roma ngày 26.10.1965. Cuộc hành hương này do Hội đồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ người di dân và lưu động tổ chức.
 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận ơn gọi linh mục và tu sĩ gia tăng nơi các cộng đồng người du mục trên thế giới, và hiện diện trong dịp này có Đức Cha Devprasa Ganava bên Ấn độ, và nhiều linh mục, nữ tu cũng là dân du mục. Ngài nói:
 ”Tôi cầu mong cho dân tộc anh chị em bắt đầu một trang sử mới. Nay đã đến lúc nhổ bỏ mọi thành kiến ngàn đời, những thiên kiến và sự nghi kỵ lẫn nhau, thường đưa tới sự đối xử phân biệt, kỳ thị chủng tộc và bài người nước ngoài. Không ai phải cảm thấy mình bị cô lập và không ai được phép chà đạp phẩm giá và các quyền của người khác.. Chúng ta hãy để cho Tin Mừng từ bi đánh động lương tâm chúng ta và cởi mở tâm hồn và đôi tay của chúng ta cho những người túng thiếu nhất, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bắt đầu từ những người ở cạnh chúng ta”.
 ĐTC nói thêm rằng: ”Các bạn thân mến, các bạn đừng tạo dịp cho các cơ quan truyền thông và dư luận nói xấu về các bạn. Chính các bạn hữu giữ vai chính trong hiện tại và tương lai của các bạn. Giống như mọi công dân, các bạn hãy góp phần vào an sinh và sự tiến bộ của xã hội bằng cách tôn trọng luật pháp, chu toàn các nghĩa vụ của các bạn và hội nhập qua sự dấn thân của các thế hệ trẻ”.
 ĐTC không quên cổ võ anh chị em du mục quan tâm và đẩy mạnh việc giáo dục và phát triển người trẻ. Ngài nói: ”Việc học vấn chắc chắn là nền tảng để có một sự phát triển lành mạnh cho con người. Ai cũng biết trình độ học vấn thấp nơi nhiều người trẻ của anh chị em ngày nay là một trở ngại chính cản trở sự gia nhập thế giới công ăn việc làm. Điều quan trọng là gia đình, các cha mẹ và ông bà thúc đẩy con cháu đạt tới một nền học vấn cao hơn”.
 Đầu buổi tiếp kiến, ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ người di dân và lưu động đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và cho biết hiện có 1 GM và hàng trăm LM, tu sĩ nam nữ đang góp phần làm việc mục vụ cho các cộng đoàn người du mục ở các nước trên thế giới (SD 26-10-2015)
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Dấu chỉ thời đại

Dấu chỉ thời đại

Thánh Lễ Sáng Ngày 23-10-2015 - OSS_ROM
23/10/2015 16:16
Giảng trong thánh lễ sáng hôm nay (23-10) tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: “Thời đại đổi thay, mỗi Kitô hữu cũng phải không ngừng đổi mới. Điều này mời gọi mỗi người chúng ta – với một sự tự do và khồng hề sợ hãi – hãy vượt thoái khỏi một thứ chủ nghĩa an tâm (cho rằng chỉ cần làm theo những gì luật dạy là đủ) và một định kiến (chỉ biết kiên vững tin tưởng vào Đức Giêsu và chân lý của Tin Mừng), để biết uyển chuyển không ngừng mà nhận xét những dấu chỉ của thời đại.
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với những suy tư về các bài đọc, đặc biệt là bài trích thư Rôma. Đức Thánh Cha nói: “Thánh Phao-lô đã rao giảng cách rất hùng hồn rằng chúng ta đã được nhận lãnh ân sủng của sự tự do nơi Đức Giêsu. Đó là ân sủng được giải thoát khỏi tội lỗi, được tự do, được trở nên con cái của Thiên Chúa như Đức Giêsu. Chính ân sủng của sự tự do này khiến chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa: ‘Cha ơi!’ Vì có tự do nên chúng ta phải mở lòng ra trước quyền năng của Thánh Thần và phải thấu hiểu những gì đang xảy ra trong nội tâm cũng như xung quanh bên ngoài chúng ta. Nếu như trước đây, chúng ta đã ‘nhìn vào trong’ để phân định những chuyển động nội tâm như: đâu là thần lành và điều gì đến từ sự thôi thúc của vị thần lành ấy; ngày hôm nay với đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta được mời gọi hãy ‘nhìn ra ngoài’ để biết nhận xét những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta.”
Đức Thánh Cha tiếp tục bài giảng: “Mỗi người chúng ta đều có tự do để phân định. Nhưng để có thể phân định được, chúng ta phải biết rõ điều gì đang diễn ra.” Rồi ngài đặt vấn đề: “Vậy chúng ta có thể thực hiện việc phân định này như thế nào? Chúng ta có thể phân định điều mà Giáo Hội gọi là ‘nhận biết những dấu chỉ thời đại’ ra sao? Quả thật, thời đại thực sự đang đổi thay. Và một Kitô hữu khôn ngoan là người biết nhận xét những thay đổi này, biết nhận ra những khác biệt của thời đại và biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ trong thời đại ấy. Điều này có nghĩa là gì, hàm ý của điều kia thật sự ra sao? Chúng ta hãy luôn phân định như thế với một sự tự do, chứ đừng sợ hãi, run rẩy.”
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng ý thức rằng đây không phải là một chuyện dễ dàng, vì có quá nhiêu yếu tố ngoại cảnh tác động và thậm chí những yếu tố ấy đã đưa lối khiến nhiều người rơi vào trạng thái dễ dãi, chấp nhận, không muốn phân định. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta thường có thói quen bằng lòng với những điều người ta nói; với những điều mà ta đã nghe, đã đọc… Chúng ta cảm thấy thỏa mãn và dừng lại với những điều ấy. Tuy nhiên, chúng ta có tự do. Chúng ta có quyền để nhận xét, để phận định. Chúng ta phải hỏi chính mình rằng: Đâu là sự thật? Đâu mới là thông điệp mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta ngang qua những dấu chỉ của thời đại này?
Với những câu hỏi ấy, Đức Thánh Cha cũng đề xuất một gợi ý rất thực tế: “Để hiểu những dấu chỉ thời đại, điều cần thiết trước hết là phải biết thinh lặng: hãy thinh lặng và quan sát. Sau đó, hãy suy tư và phản tỉnh. Ví dụ, tại sao ngày hôm nay chiến tranh lại xảy ra liên miên như vậy? Đâu là lý do khiến một điều gì đó diễn ra? Tiếp đến, chúng ta hãy cầu nguyện. Như vậy, có ba bước trong việc phân định: tĩnh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện. Chỉ khi làm như thế, chúng ta mới có thể hiểu được những dấu chỉ của thời đại. Dấu chỉ đó cũng chính là điều mà Đức Giêsu muốn ngỏ cùng chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể sẽ bị cám dỗ mà lí luận rằng: ‘Làm sao tôi có thể phân định được, vì tôi đâu có được học hành nhiều. Tôi đâu có được đến trường, đâu có được học đại học…’ Nhưng việc phân định hay hiểu ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại không phải là công việc dành riêng cho những người ưu tuyển hay những người học cao biết rộng. Không hề có một ngoại lệ nào cả. Thật vậy, Đức Giêsu đã không nói: ‘Kìa, hãy nhìn xem những sinh viên đại học, những tiến sỹ, những bậc trí thức đang phân định như thế nào mà học tập’. Nhưng trái lại, Ngài nói: ‘Hãy xem những người nông dân chân chất. Tuy họ đơn sơ mộc mạc nhưng lại có thể biết khi nào mưa đến, khi nào cây mọc. Họ có thể phân biệt được cỏ dại với lúa đồng’. Như vậy, với sự đơn sơ, chân thành cộng với việc thinh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện; chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại. Thời đại thay đổi và chúng ta, những Kitô hữu, cũng phải không ngừng đổi mới. Chúng ta đừng chỉ mãi nhắc lại điệp khúc “phải kiên vững vào niềm tin nơi Đức Giêsu, phải xác tín vào chân lý Tin Mừng’ nhưng chúng ta còn phải có đôi mắt rộng mở và một thái độ luôn biết uyển chuyển theo những dấu chỉ của thời đại. Nói khác đi, chúng ta đừng lấy lý do là phải ‘tin tưởng vào Đức Giêsu và phải xác tín vào chân lý Tin Mừng’ mà quên đi việc nhận xét, phân định những biến chuyển của thời đại.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha lập lại ý tưởng mà ngài đã triển khai lúc ban đầu: “Chúng ta tự do. Chúng ta tự do vì chính Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta ân sủng của sự tự do. Bởi thế, chúng ta không chỉ nhìn xem xét những chuyển động bên trong chúng ta. Chúng ta không chỉ phân định những suy nghĩ, tình cảm nội tâm nhưng còn biết phân định tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, biết phân định cả những dấu chỉ của thời đại. Chúng ta có thể làm được điều đó bằng sự thinh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện” (SD 23-10-2015).
Vũ Đức Anh Phương

Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới

Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới - REUTERS
25/10/2015 11:50
VATICAN. Trong thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thế giới về gia đình, ĐTC mời gọi toàn Giáo Hội tiếp tục tiến bước noi gương lòng cảm thương của Thiên Chúa.
 Sau 3 tuần làm việc khẩn trương, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về ”ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay” đã kết thúc với thánh lễ 10 giờ sáng chúa nhật 25-10-2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô.
 Có 314 vị đồng tế với ĐTC, gồm các nghị phụ và các linh mục dự thính viên và cộng tác viên, trong số này có 71 Hồng Y, 7 vị Thượng Phụ, 4 vị Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, và 174 Giám Mục, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu. Có nhiều người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình lớn đặt tại quảng trường thánh Phêrô.
 Bài giảng của ĐTC
 Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nói:
 ”Tất cả 3 bài đọc của Chúa nhật này đều trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Thiên Chúa, tình phụ tử của Chúa, được biểu lộ chung kết trong Đức Giêsu.
 Ngôn sứ Gêrêmia, giữa thảm họa của đất nước, loan báo Chúa đã cứu dân Ngài, phần còn lại của dân Israel (31,7).. Đoạn thư gửi tín hữu Do thái cũng trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Chúa Giêsu. Chúa mặc lấy những yếu đuối của chúng ta để cảm thương những người ở trong sự u mê, lầm lạc..
 ĐTC diễn giải nhiều về bài Tin Mừng kể lại Chúa Giêsu chữa lành người mù Bartimeo. Ngài nói:
 ”Có một chi tiết đặc biệt hay. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Ngài đi gọi Bartimeo. Các môn đệ nói với người mù bằng hai kiểu nói mà Chúa Giêsu sử dụng trong phần còn lại của bài Tin Mừng. Trước hết các môn đệ nói với người mù: ”Hãy can đảm lên!”, một từ có nghĩa đen là ”hãy tin tưởng, hãy phấn khởi!”. Thực vậy, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới mang lại cho con người sức mạnh để đương đầu với những tình cảnh trầm trọng nhất. Thành ngữ thứ hai là: ”Hãy đứng lên!” giống như Chúa Giêsu nói với bao nhiêu bệnh nhân, cầm tay họ và chữa lành họ. Các môn đệ của Ngài không làm gì khác hơn là lập lại những lời khích lệ và có sức giải thoát của Chúa Giêsu, dẫn người mù đến thẳng với Chúa, mà không giảng giải gì. Cả các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay cũng được kêu gọi làm như vậy, nhất là ngày nay: nghĩa là đặt con người tiếp xúc với lòng Thương Xót cảm thương cứu độ. Khi tiếng kêu của nhân loại trở nên mạnh mẽ hơn, như nơi ông Bartimeo, không có câu trả lời nào khác ngoài những lời nói của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận làm của mình và nhất là noi theo tâm hồn của Chúa. Những tình trạng lầm than và xung đột, đối với Thiên Chúa, là những dịp thực hành lòng thương xót. Ngày nay là thời kỳ của lòng thương xót!
 Nhưng có một số cám dỗ đối với những người theo Chúa Giêsu. Tin Mừng làm nổi bật ít là 2 cám dỗ. Không có môn đệ nào dừng lại như Chúa Giêsu đã làm. Họ tiếp tục tiến bước, tiến hành như thể không có gì xảy ra. Nếu ông Bartimeo là người mù, thì họ là những người điếc: vấn đề của ông không phải là vấn đề của họ. Tình trạng này cũng có thể là nguy cơ của chúng ta; đứng trước những vấn đề liên lỉ, tốt hơn nên tiếp tục tiến bước, không để cho mình bị phiền toái. Theo cách thức ấy, giống như các môn đệ, chúng ta ở với Chúa Giêsu, nhưng không suy nghĩ như Chúa. Ta ở trong nhóm của Ngài, nhưng nếu ta không cởi mở tâm hồn, thì sẽ mất đi lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn và lòng nhiệt thành, và có nguy cơ trở thành những người quen thuộc với ơn thánh. Chúng ta có thể nói về Chúa, làm việc với Chúa, nhưng sống xa tâm hồn của Chúa, một tâm hồn hướng về ngừơi bị thương. Đó là một cám dỗ: một thứ linh đạo ảo ảnh: chúng ta có thể tiến qua sa mạc của nhân loại mà không thấy điều thực sự hiện hữu, nhưng chỉ thấy điều chúng ta muốn thấy; chúng ta có khả năng kiến tạo những quan niệm về thế giới, nhưng chúng ta không chấp nhận điều mà Chúa đặt trước mắt chúng ta. Một niềm tin không biết ăn rễ trong đời sống của dân chúng thì nó khô cằn, và thay vì là một ốc đảo xanh tươi, thì lại tạo nên những sa mạc khác.
 ĐTC nói tiếp:
 ”Có một cám dỗ thứ hai, đó là rơi vào một đức tin đã hoạch định. Chúng ta có thể tiến bước với dân Chúa, nhưng chúng ta đã có lịch trình tiến hành, qui định trước tất cả: chúng ta biết đi đâu và cần bao nhiêu thời gian; tất cả đều phải tôn trọng nhịp độ của chúng ta, và mọi điều bất tiện đều làm phiền chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở thành những người trong Tin Mừng mất kiên nhẫn và khiển trách ông Bartimeo. Trước đó họ đã khiển trách các trẻ em (Xc 10,13), nay họ trách người hành khất mù: ai gây phiền toái hoặc không thích hợp thì bị loại bỏ. Trái lại Chúa Giêsu muốn bao gồm, nhất là những người bị gạt ra ngoài lề và kêu lên Ngài. Những người, như Bartimeo, có đức tin, vì biết mình cần ơn cứu độ là cách thức tốt nhất để gặp Chúa Kitô.
 Và sau cùng, Bartimeo lên đường theo Chúa Giêsu (Xc v.52). Không những ông ta phục hồi được thị giác, nhưng còn hiệp với cộng đoàn những người đồng hành với Chúa Giêsu.
 Anh chị em tham dự Thượng Hội đồng thân mến, chúng ta đã đồng hành với nhau. Tôi cám ơn anh chị em vì con đường chúng ta đã đi chung với cái nhìn hướng về Chúa và anh chị em, trong sự tìm kiếm những con đường mà Tin Mừng chỉ cho thời đại chúng ta ngày nay để loan báo mầu nhiệm tình yêu gia đình. Chúng ta hãy tiếp tục con đường mà Chúa muốn. Chúng ta hãy xin Chúa một cái nhìn được chữa lành và cứu độ, biết loan truyền ánh sáng, vì nhắc nhớ vẻ huy hoàng đã soi chiếu. Không bị lu mờ vì sự bi quan và tội lỗi, chúng ta hãy tìm kiếm và thấy vinh quang của Thiến Chúa, chiếu tỏa trong con người đang sống”.
 Trong phần lời nguyện giáo dân bằng các thứ tiếng: Hoa, Pháp, Ba Lan, Anh và Hindi, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và các GM, cho các gia đình Kitô, các vị lãnh đạo chính quyền, kinh tế và công nghệ, những người nghèo, người đau khổ và cô đơn, sau cùng là cho các thừa sai.
 Sau thánh lễ, ĐTC đã lên lầu 3 của dinh Giáo Hoàng để đọc kinh truyền Tin lúc 12 giờ trưa với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nhắc đến Thượng HĐGM thế giới về gia đình vừa kết thúc và cũng gợi lại bài Tin Mừng, nói lên sự quan tâm và lòng thương xót của Chúa đối với dân của Người.
 G. Trần Đức Anh OP

Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục

Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục

Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục - OSS_ROM
25/10/2015 09:35
VATICAN. Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 đã kết thúc tốt đẹp và đã thông qua Phúc trình chung kết, với những hướng đi tích cực cho việc mục vụ gia đình trong hoàn cảnh xã hội ngày nay.
 Trong phiên họp khoáng đại thứ 18 và là phiên cuối cùng chiều thứ bẩy, 24-10 vừa qua, các nghị phụ Thượng HĐGM đã bỏ phiếu về bản tường trình chung kết gồm 94 đoạn. Toàn bộ đã được thông qua với đa số 2 phần 3, tức là tối thiểu 177 phiếu trên 265 nghị phụ hiện diện. Đây là văn kiện được các nghị phụ đệ lên ĐTC và ngài đã cho phép công bố.
 Phúc trình mô tả gia đình là ánh sáng trong bóng đen của thế giới. Thực vậy gia đình ngày nay tuy có bao nhiêu khó khăn, nhưng cũng có khả năng rất lớn đương đầu và phản phản ứng trước những khó khăn ấy.
 Phúc trình chung kết mạch lạc và đón nhận rất nhiều sửa chữa tài liệu làm việc do các nghị phụ đề nghị, và do đó phản ánh tiếng nói của Thượng HĐGM.
 Những đoạn bàn về các gia đình ở trong tình trạng khó khăn:
 Đặc biệt có hai đoạn được chấp thuận với 178 và 180 phiếu, vừa đủ để được thông qua với 2 phần 3 số phiếu. Trong những đoạn này có nói về phương thức mục vụ dành cho các gia đình bị thương tổn hoặc ở trong những tình trạng ”bị rối”, không hợp với giáo luật và kỷ luật của Giáo Hội, cụ thể là những cặp sống chung không kết hôn, những cặp chỉ kết hôn dân sự, những người ly dị tái hôn dân sự và cách thức mục vụ dành cho những trường hợp này trong thái độ tích cực và tiếp đón.
 Văn kiện tái khẳng định đạo lý về sự bất khả phân ly của bí tích hôn phối, đặc tính này không phải là cái ách, nhưng là hồng ân của Thiên Chúa, là chân lý dựa trên Chúa Kitô và mối liên hệ của Người với Giáo Hội. Đồng thời các nghị phụ nhấn mạnh rằng chân lý và lòng từ bi thương xót đều đồng qui trong Chúa Kitô. Từ đó, Thượng HĐGM kêu gọi đón tiếp các gia đình bị thương. Tuy không nói rõ ràng về việc cho những người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, nhưng Thượng HĐGM nhắc nhớ rằng họ không bị vạ tuyệt thông và để tùy sự phân định của các vị mục tử, phân tích tình trạng gia đình phức tạp của họ. Các nghị phụ nhấn mạnh rằng sự phân định này phải được thực hiện theo giáo huấn của Hội Thánh, trong niềm tín thác lòng thương xót của Chúa không bị phủ nhận đối với bất kỳ một ai.
 Đối với những người sống chung, Văn kiện tái khẳng định rằng cần phải cứu xét tình trạng của họ một cách tích cực, tìm cách biến hoàn cảnh ấy thành cơ hội hoán cải, tiến đến sự viên mãn của hôn nhân và gia đình, dưới ánh sáng Tin Mừng.
 Về những người đồng tính luyến ái
 Văn kiện khẳng định rằng không được kỳ thị những người có xu hướng đồng tính luyến ái, nhưng đồng thời cho biết Giáo Hội chống lại sự kết hiệp giữa những người đồng phái và không chấp nhận những sức ép từ bên ngoài trên Giáo Hội về vấn đề này.
 Có những đoạn đặc biệt nói về những người di dân, tị nạn, bị bách hại, gia đình của họ bị phân tán và họ có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Thượng HĐGM kêu gọi đón tiếp họ, tái khẳng định các quyền và cả nghĩa vụ của họ đối với những nước đón nhận họ.
 Đề cao giá trị phụ nữ, bảo vệ trẻ em và người già
 Văn kiện chung kết của Thượng HĐGM cũng trình bày những suy tư đặc thù về phụ nữ, người nam, trẻ em, là những bản lề của đời sống gia đình, đồng thời tái khẳng định sự bảo vệ và đề cao giá trị những vai trò của họ.
 Đối với các phụ nữ, Thượng HĐGM cầu mong họ nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trong tiến trình huấn luyện các thừa tác viên thánh chức, trong khi đối với các trẻ em, các vị đề cao vẻ đẹp của sự nhận con nuôi và ủy thác, tái tạo những mối liên hệ gia đình bị gián đoạn. Thượng HĐGM cũng không quên những người góa bụa, người khuyết tật, người già, các ông bà nội ngoại là những người giúp thông truyền đức tin trong gia đình và cần phải bảo vệ họ chống lại nền văn hóa gạt bỏ. Cả những người không kết hôn cũng được nhắc đến vì sự dấn thân của họ trong Giáo Hội và trong xã hội.
 Cuồng tín, cá nhân chủ nghĩa, nghèo đói..
 Văn kiện chung kết Thượng HĐGM cũng bàn đến những bóng đen của thời đại ngày nay đang đè nặng trên gia đình: trước tiên là thái độ cuồng tín về chính trị và tôn giáo thù nghịch đối với Kitô giáo, trào lưu cá nhân chủ nghĩa gia tăng, ý thức hệ về giống (gender), các cuộc xung đột, bách hại, nạn nghèo đói, công ăn việc làm bấp bênh, nạn tham ô hối lộ, những cưỡng bách kinh tế loại trừ gia đình khỏi lãnh vực giáo dục và văn hóa, hiện tượng hoàn cầu hóa sự dửng dưng đặt tiền bạc chứ không phải con người ở trung tâm xã hội, nạn dâm ô và sự suy giảm dân số.
 Tăng cường chuẩn bị hôn phối
 Thượng HĐGM đặc biệt kêu gọi tăng cường việc chuẩn bị hôn phối, nhất là đối với những người trẻ dường như lo sợ đối với hôn nhân: cần có một sự huấn luyện thích hợp cho họ về tình cảm, tập nhân đức khiết tịnh, và tự chủ. Trong viễn tượng này, các nghị phụ nhắc nhở về mối liên hệ giữa hành vi tính dục và hành vi sinh sản giữa vợ chồng, trong đó con cái là hoa trái quí giá nhất, vì chúng mang trong mình ký ức và hy vọng của một hành vi yêu thương. Một liên hệ khác cũng được tái khẳng định là liên hệ giữa gia đình và ơn gọi sống đời gia đình và ơn gọi sống đời thánh hiến. Cả việc giáo dục về tính dục, về thể xác và thăng tiến việc làm cha làm mẹ theo tinh thần trách nhiệm theo giáo huấn của Đức Phaolô 6 trong Thông Điệp ”Humanae vitae” (Sự sống con người) cũng là điều chủ yếu, cũng vậy vai trò hàng đầu của các cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái.
 Bảo vệ sự sống từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên
 Thượng HĐGM kêu gọi các chính quyền hãy ”thăng tiến và nâng đỡ các chính sách gia đình, trong khi các tín hữu Công Giáo dấn thân trong chính trị được nhắn nhủ bảo vệ gia đình và sự sống vì xã hội nào lơ là đối với gia đình thì sẽ mất viễn tượng tương lai của mình. Về vấn đề này, Thượng HĐGM tái khẳng định sự thánh thiêng của cuộc sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên và cảnh giác chống lại những đe dọa trầm trọng đối với gia đình như nạn phá thai và làm cho chết êm dịu.
 Những đoạn cuối cùng dành cho các hôn nhân hỗn hợp, trong đó các nghị phụ nhấn mạnh các khía cạnh tích cực đối với việc thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Rồi tái khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ tự do tôn giáo và quyền phản kháng lương tâm trong xã hội.
 Giáo hội cần canh tân ngôn ngữ đễ loan báo Tin Mừng
 Văn kiện chung kết trình bày một suy tư dài về sự cần thiết phải thay đổi ngôn ngữ của Giáo Hội, làm cho nó có ý nghĩa hơn để việc loan báo Tin Mừng gia đình đáp ứng thực sự những mong đợi sâu xa nhất của con người. Thực vậy, vấn đề ở đây không phải chỉ là trình bày một qui tắc, nhưng là loan báo ơn mang lại khả năng sống những thiện hảo của gia đình
 Gia đình là bến cảng chắc chắn cho các tình cảm sâu xa nhất
 Sau cùng, Phúc trình chung kết nhấn mạnh vẻ đẹp của gia đình: Giáo Hội tại gia dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, tế bào cơ bản của xã hội mà Giáo Hội góp phần làm tăng trưởng, là bến cảng chắc chắn cho những tâm tình sâu xa nhất, là điểm duy nhất liên kết, trong một thời đại bị phân hóa, là thành phần của sinh thái học con người, gia đình cần được bảo vệ, nâng đỡ và khích lệ, kể cả từ phía các chính quyền
 Thỉnh cầu ĐTC ban hành một văn kiện về gia đình
  Các nghị phụ đệ trình phúc trình lên ĐTC để ngài cứu xét xem có nên tiếp tục hành trình với một văn kiện của ngài, dựa trên Thượng HĐGM này, để đào sâu thêm đề tài gia đình theo hướng đi mà ngài đã đề ra. Chúng ta tiếp tục tiến bước”
 G. Trần Đức Anh O.P