label

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Giáo xứ Cần Xây chuẩn bị tâm hồn trong tuần Thánh

     CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH

     Bắt đầu tuần thánh giáo xứ đã long trọng cử hành nghi thức làm phép lá và rước lá kỷ niệm ngày xưa dân Do Thái đón rước Chúa vào thành Giêrusalem trước sân thánh đường. Để dọn tâm hồn từ tuần thứ I đến tuần thứ V mùa chay, ngày Chúa nhật trước các thánh lễ cha sở đều ngồi tòa cho những ai muốn thanh tẩy tâm hồn. Riêng các ngày thứ 2, 3, 4 tuần thánh từ 16 giờ có các cha cố nhà hưu dưỡng ngồi tòa đến 18 giờ và sau đó là tĩnh tâm cho các giới, thứ 2 cho các bà hiền mẫu, thứ 3 cho giới trẻ, thứ 4 cho gia trưởng, có cha khách làm lễ và giảng tĩnh tâm. 
    Do giáo xứ có nhiều người đi làm công nhân nên thánh lễ tiệc ly chiều thứ 5 và nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó Chúa chiều thứ 6 sẽ được cử hành vào lúc 18 giờ. Thánh lễ mừng phục sinh được cử hành vào lúc 19 giờ. Điều kiện đã có mỗi người chúng ta hãy dọn tâm hồn để cùng đồng hành với cuộc thương khó của Chúa. Hãy đón nhận tình yêu của Ngài, một tình yêu hy sinh chính mạng sống vì người mình yêu. Trước khi tắt thở Chúa đã nói ta khát, khát đây là khát nhân loại, khát những người còn xa Chúa. Hãy đáp lại sự khao khát nhân loại của Ngài. Chúc mọi người có một tuần thánh sốt sáng và đón nhận được nhiều hồng ân.
                                                                              Thiên sinh

Trời đã tối (31.3.2015 – Thứ ba Tuần Thánh)

Trời đã tối
Lời Chúa: Ga 13, 21-33.36-38
Khi ấy, Ðức Giêsu tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Ðức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Ðức Giêsu. Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào ngực Ðức Giêsu và hỏi: “Lạy Thầy, ai vậy?” Ðức Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simon Ítcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Ðức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. Vì Giuđa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Ðức Giêsu nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.
Khi Giuđa đi rồi, Ðức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bấy giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Ông Simon Phêrô nói với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Ðức Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Ông Phêrô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!”  Ðức Giêsu đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”
Suy nim:
Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.
Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến
trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27).
Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).
Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).
Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến
khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).
Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.
Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội.
Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình.
Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22).
Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy,
nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai.
Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội.
Ngài chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra.
Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.
Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.
Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy,
như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc.
Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại.
Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không?
Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi.
“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27).
Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa.
Thầy đã rửa chân cho anh và còn cho anh tham dự bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27).
Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27).
Giuđa ra đi lúc trời đã tối.
Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần.
Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).
Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình.
Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ.
“Thầy đi đâu?”, tiếng Latinh là “Quo vadis?” (c. 36).
Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai.
Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma,
anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy: “Thầy đi đâu vậy?”
Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.
Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Thống kê Giáo hội Công giáo tính đến cuối năm 2013





Thống kê Giáo hội Công giáo tính đến cuối năm 2013
WHĐ (26.03.2015) – Theo thống kê của Toà Thánh Vatican, trong năm 2013, số tín hữu Công giáo trên thế giới và số linh mục và phó tế vĩnh viễn tăng nhẹ, trong khi số tu sĩ nam và nữ giảm.
năm thứ hai liên tiếp, con số ứng sinh lên chức linh mục cũng giảm.
Các số liệu này trích từ Sách Thống kê Giáo hội Thường niên (Annuarium Statisticum Ecclesiae), được hoàn tất vào tháng Hai và công bố vào tháng Ba. Số liệu của các giáo hội trên toàn thế giới trong Sách Thống kê được tính đến ngày 31 tháng Mười Hai 2013.
Đến cuối năm 2013, số người Công giáo trên toàn thế giới đã vượt quá 1 tỉ 253 triệu, tăng khoảng 25 triệu hoặc 2%, trong khi tốc độ gia tăng dân số toàn cầu trong năm 2013 vào khoảng 1%.
Tỉ lệ tín hữu Công giáo vào khoảng 17,7% dân số toàn cầu, tăng nhẹ so với năm trước (17,49%).
Cũng như những năm trước, Sách Thống kê Giáo hội Thường niên mới nhất của Vatican ước tính có khoảng 4,8 triệu người Công giáo không được tính đến vì họ sống trong các quốc gia không thể gửi báo cáo chính xác cho Toà Thánh, như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Tính theo châu lục, khu vực có tỉ lệ người Công giáo đông nhất là ở châu Mỹ (chiếm 63,6% dân số châu lục), rồi đến châu Âu (39,9%). Châu Á có tỷ lệ thấp nhất với 3,2%.
Sách Thống kê cũng cho biết, trong năm 2013, có hơn 16 triệu trẻ em và người lớn được rửa tội. Tuy nhiên, có một xu hướng giảm chung về số trẻ em được rửa tội, theo sát xu hướng giảm tỷ lệ sinh ở hầu hết các quốc gia. Tỷ lệ trẻ em dưới 7 tuổi được rửa tội so với tổng số tín hữu Công giáo đã giảm ở mọi châu lục kể từ năm 2008.
Số giám mục trên thế giới hiện nay là 5.173, tăng thêm 40 vị so với năm trước.
Tổng số linh mục giáo phận và dòng tu trên toàn thế giới đã tăng từ 414.313 n 415.348, với sự gia tăng đều đặn trong hàng linh mục giáo phận hiện nay ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ, và tiếp tục giảm sút ở châu Âu.
Số phó tế vĩnh viễn 43.195, tăng hơn 1.000 so với năm trước.
Snam tu sĩ giảm nhẹ: cuối năm 201355.253 tu sĩ, so với 55.314 vào cuối năm 2012.
Số nữ tu có xu hướng tiếp tục giảm. Trong năm 2013 693.575 nữ tu khấn tạm và vĩnh viễn, giảm 1,2% so với năm trước và giảm 6,1% kể từ năm 2008. Mức giảm lớn nhất trong thời gian năm năm qua là tại Bắc Mỹ (giảm 16,6%), và châu Âu (giảm 12,6%).
Con sđại chủng sinh –thuộc cả giáo phận và các dòng tu, đang học triết học và thần học tiếp tục giảm sút. Số chủng sinh giảm từ 120.051 vào cuối năm 2012 xuống còn 118.251 vào cuối năm 2013. Từ năm 2003 đến 2011 mỗi năm đều có sự gia tăng nhẹ về số chủng sinh, khi ấy có 120.616 đại chủng sinh.
(Theo CNS)
 
Minh Đức

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Lá

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh 2015

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Lá - AP
29/03/2015 16:14
VATICAN. Trong Lễ Lá sáng chúa nhật 29-3-2015 tại Vatican, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương lối sống khiêm hạ của Chúa Cứu Thế.
 Dưới bầu trời nắng xuân và trước sự hiện diện của 50 ngàn tín hữu, ĐTC Phanxicô đã chủ sự lễ lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc tương khó của Chúa sau đó. Số người hiện diện lên tới 80 ngàn người khi đọc kinh Truyền Tin.
 Chúa nhật 29-3 cũng là Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 30 được cử hành ở cấp giáo phận về chủ đề ”Phúc cho những ai có tâm hồn thanh khiết vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”. Vì thế, tham dự cuộc rước lá với ĐTC từ giữa Quảng trường Thánh Phêrô tiến lên lễ đài trên thềm Đền thờ có hơn 400 bạn trẻ, gồm 100 người thuộc giáo phận Roma, 200 bạn trẻ từ các nơi khác trên thế giới, 50 bạn trẻ do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân chọn, và sau cùng là 50 người trẻ thuộc Trung tâm thánh Lorenzo, gần Quảng trường.
 Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống từ thế kỷ 16. Các cành lá này được ĐTC, các HY, GM, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.
 Đồng tế với ĐTC và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.
 Lên tới bàn thờ, ĐTC đã cử hành thánh lễ theo nghi thức thông thường, đặc biệt là với bài Thương khó theo Tin Mừng thánh Marco do 3 thầy Phó tế công bố.
 Bài giảng của ĐTC
 Trong bài giảng tiếp đó, ĐTC đặc biệt khai triển đề tài sự hạ mình của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa và mời gọi các tín hữu cũng hãy noi theo lối sống khiêm hạ của Chúa. Ngài nói:
 ”Nơi trung tâm buổi lễ trọng thể này, có một lời chúng ta đã nghe trong thư gửi tín hữu thành Philipphê: ”Người hạ mình xuống” (2,8). Sự hạ mình của Chúa Giêsu.
 ”Lời này tỏ cho chúng ta lối cư xử của Thiên Chúa và của Kitô hữu: đó là sự khiêm nhường. Một lối sống không bao giờ ngưng gây ngạc nhiên cho chúng ta và đặt chúng ta ở trong tình trạng khủng hoảng: chúng ta không bao giờ trở nên quen với sự kiện một vị Thiên Chúa khiêm hạ!
 ”Hạ mình xuống trước tiên là lối sống của Thiên Chúa: Thiên Chúa hạ mình để đồng hành với dân Ngài, để chịu đựng những bất trung của dân. Chúng ta thấy rõ điều đó khi đọc sách Xuất Hành: Thiên Chúa hạ mình dường nào khi nghe tất cả những lời lẩm bẩm, than trách ấy! Những lời than trách chống ông Môisê, nhưng thực ra là chống lại Chúa, chống lại Cha của họ, Đấng đã đưa họ ra khỏi tình trạng nô lệ và hướng dẫn họ trên con đường tiến qua sa mạc tìm về đất tự do.
 ”Trong tuần Thánh này, tuần lễ dẫn đưa chúng ta đến lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ đi trên con đường hạ mình của Chúa Giêsu. Chỉ như thế, tuần này mới là Tuần Thánh đối với cả chúng ta!
 ”Chúng ta sẽ nghe thấy những lời khinh bỉ của các thủ lãnh dân và những mưu mô gian xảo của họ để làm cho Chúa ngã xuống. Chúng ta sẽ chứng kiến sự phản bội của Giuđa, một trong 12 môn đệ, người sẽ bán Thầy với 30 đồng bạc. Chúng ta sẽ thấy Chúa bị bắt và giải đi như một kẻ bất lương; bị các môn đệ bỏ rơi; bị điệu ra trước Công nghị Do thái, bị kết án tử hình, bị đánh đập và lăng mạ. Chúng ta sẽ nghe Phêrô, ”đá tảng” của các môn đệ, chối bỏ Chúa 3 lần. Chúng ta sẽ nghe những tiếng gào thét của đám đông, do các thủ lãnh xúi giục, họ xin tha cho Barabba, còn Chúa thì họ đòi đóng đanh. Chúng ta sẽ thấy Ngừơi bị quân lính nhạo cười, họ cho Người mặc áo đỏ, đầu đội mão gai. Và rồi, dọc theo con đường đau khổ, dưới thập giá, chúng ta sẽ nghe những lời lăng mạ của dân chúng và các thủ lãnh nhạo cười vua của họ và Con Thiên Chúa.
 ”Đó là con đường của Thiên Chúa, con đường khiêm hạ. Đó là con đường của Chúa Giêsu và không có con đường nào khác. Không có sự khiêm nhường mà không có hạ mình.
 ”Theo đuổi đến cùng con đường ấy, Con Thiên Chúa đã nhận lấy ”hình hài người tôi tớ” (Xc Pl 2,7). Thực vậy, khiêm nhường có nghĩa là phục vụ, dành khoảng trống cho Thiên Chúa cởi bỏ chính mình, trở nên trống rỗng, như Kinh Thánh nói (v.7). Đó là một sự hạ mình lớn nhất.
 ”Có một con đường trái ngược với con đường của Chúa Kitô: đó là tinh thần thế tục. Tinh thần này mang lại cho chúng ta con đường háo danh, kêu ngạo, thành công... Đó là con đường khác. Quỷ cũng đã đề nghị con đường với cả Chúa Giêsu trong 40 ngày ở trong sa mạc. Nhưng Chúa Giêsu đã bác bỏ không chút do dự. Và cùng với Ngài, cả chúng ta cũng có thể chiến thắng cám dỗ ấy, không những trong những dịp lớn, nhưng cả trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống.
 ”Chúng ta được trợ giúp và khích lệ nhờ tấm gương của bao nhiêu người nam nữ, trong thinh lặng và âm thầm, hằng ngày từ bỏ bản thân để phục vụ tha nhân: một người thân bị bệnh, một người già cô đơn, một người khuyết tật...
 ”Chúng ta cũng hãy nghĩ đến sự tủi nhục của bao nhiêu người vì trung thành với Tin Mừng nên bị kỳ thị và phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Và chúng ta nghĩ đến bao nhiêu anh chị em chúng ta bị bách hại vì là Kitô hữu, những vị tử đạo ngày nay: họ không chối bỏ Chúa Giêsu và can đảm chịu đựng những lời lăng mạ và xúc phạm. Họ theo Chúa Giêsu trên đường của Người. Chúng ta có thể nói đó là ”đám mây các chứng nhân” (Xc Dt 12,1).
 ”Cả chúng ta cũng hãy quyết liệt tiến bước trên con đường ấy, với lòng yêu mến nhiệt thành đối với Ngừơi là Chúa và là Đấng Cứu độ chúng ta. Chính tình yêu hướng dẫn và mang lại sức mạnh cho chúng ta. Nơi nào có Chúa, chúng ta cũng sẽ ở với Người (Xc Ga 12,26). Amen
 Lời nguyện giáo dân
 Trong phần lời nguyện phổ quát, bằng 5 thứ tiếng Ba Lan, Pháp, Indonesia, tiếng Hoa và Swahili bên Phi châu, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, luôn can đảm loan báo Tin Mừng không chút dè dặt cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại, cho họ được tham phần vào công trình cứu độ của Chúa; cầu cho các bạn trẻ được tâm hồn thanh khiết, không phân chia và quảng đại; cầu cho những người đang tìm kiếm chân lý được cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hướng dẫn nhận biết rằng Người thực là Con Thiên Chúa; sau cùng cầu cho những người nghèo khổ, để họ được săn sóc các vết thương và nhóm lên niềm hy vọng nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.
 Kinh Truyền Tin
 Cuối thánh lễ, lúc 11 giờ rưỡi, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ ngay tại thềm Đền thờ thánh Phêrô. Số người hiện diện tại Quảng trường lúc này lên tới 80 ngàn người.
 Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC nói:
 ”Vào cuối buổi lễ này, tôi thân ái chào thăm tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, đặc biệt là các bạn trẻ. Các bạn trẻ thân mến, tôi khuyên nhủ các bạn hãy tiếp tục theo đuổi hành trình của các bạn trong các giáo phận, hoặc trong cuộc lữ hành qua các đại lục, dẫn đưa các bạn đến Cracovia vào năm tới, nơi quê hương của thánh Gioan Phaolô 2, Người đã khởi xướng Ngày Quốc Tế giới trẻ. Đề tài của cuộc gặp gỡ lớn này là ”Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7), một đề tài rất phù hợp với Năm Thánh Thương Xót. Các bạn hãy để cho mình được tràn đầy sự dịu dàng của Chúa Cha, để phổ biến quanh các bạn!
 ”Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, xin Mẹ giúp chúng ta sống Tuần Thánh này trong đức tin. Mẹ cũng đã hiện diện khi Chúa Giêsu tiến vào thành Jerusalem được dân chúng hoan hô; nhưng con tim của Mẹ, giống như trái tim của Con, sẵn sàng chịu hy sinh. Chúng ta hãy học cùng Mẹ là Trinh Nữ trung thành, theo Chúa cả khi con đường dẫn đến thập giá.
 ”Tôi phó thác các nạn nhân tại nạn máy bay hôm thứ ba vừa qua (24-3, tại Pháp) cho sự chuyển cầu của Mẹ, trong số đó cũng có một nhóm học sinh người Đức.
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Một vài khám phá khác trên Tấm Khăn Liệm thành Torino

Một vài khám phá khác trên Tấm Khăn Liệm thành Torino

Ngoài dấu vết các đồng tiền tìm thấy trên hai mắt của hình người in trên Tấm Khăn Liệm, hai ông bà giáo sư Alan và Mary Whanger cũng khẳng định đã nhận ra dấu vết các dụng cụ của cuộc khổ nạn: các đinh, một lưỡi đòng, một miếng bọt biển và một sợi dây, hai chiếc kìm vv… Họ cho rằng mọi vật dụng này đã được đặt trong mộ  với Chúa Giêsu vì có dính máu của Ngài. Thói quen do thái thường chôn máu với người chết; còn các loại hoa thơm là dùng để át mùi xác thối rữa. Hai giáo sư Alan và Mary Whanger đã gặp rất nhiều dụng cụ cuộc khổ nạn được vẽ trên nhiều cảnh Đóng đinh trong thời gian sau năm 1350, khi Tấm Khăn Liệm được trưng bầy tại Lirey, và chúng thường có hình giống các hình ở trên Tấm Khăn Liệm. Hai người giả thiết rằng vì tiến trình vải gai từ từ ngả mầu vàng, nhất là sau vụ hoả hoạn năm 1532, vào thời đó hình trên Tấm Khăn Liệm rõ ràng hơn hiện nay, và các vật dụng này cũng đã được quan sát trên khăn và được các họa sĩ vẽ lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên viên khăn liệm học coi Tấm Khăn là thật cũng ghi ngờ các khám phá này. 
Liên quan tới hình sau lưng, năm 2002 trong dịp thay thế tấm vài đệm bên dưới Khăn Liệm người ta cũng đã chụp hình phiá sau Khăn Liệm không trông thấy được cho tới lúc đó. Các hình chụp cũng cho thấy hình, nhưng yếu hơn nhiều  so với phiá trước. Đặc biệt phiá sau Khăn Liệm người ta thấy hình mặt và các tay, nhưng không thấy một hình tương đương với dấu lưng.
Về kích thước hình người trên Khăn Liệm, ngay trong các thế kỷ qua người ta đã tìm cách đo chiều cao. Nhà Savoia thường đưa cho các khách thăm viếng các dải băng dài tương đương với chiều cao của hình trên Khăn Liệm là 183 cm, đúng như sử gia Bisantin Niceforo Callisto đã cho biết hồi thế kỷ XIV. Sự kiên này củng cố giả thuyết cho răng Tấm Khăn Liệm thành Torino cũng là Tấm Khăn Liệm đã được giữ tại Costantinopoli cho tới năm 1204.
Các vụ đo mới sau này cho thấy một chút khác biệt từ gót chân lên tới đầu là 184 cm theo giáo sư G. Judica Cardiglia và 188 cm theo giáo sư Luigi Gedda. Nhưng sự xê xích này là do sự kiện tấm khăn đã bị gấp nhiều lần. Đa số các chuyên viên cho rằng chiều cao của Người trên Tấm Khăn Liệm là giữa 178 cm và 185 cm.
Liên quan tới các phấn hoa năm 1973 chuyên viên tội phạm học người Thụy Sĩ ông Max Frei Sulzer, cựu giám đốc cảnh sát khoa học Zurich, đã dùng băng keo dán để lấy các mẫu bụi và phấn hoa trên Tấm Khăn Liệm và nghiên cứu trên kính hiển vi điện tử. Năm 1976 ông đã công bố kết qủa các cuộc phân tích của mình. Ông Frei đã không cho biết tìm đuợc bao nhiêu phấn hoa, nhưng chỉ hạn chế trong việc kê khai ra 60 loại phấn hoa khác nhau, trong đó có 21 loại đặc thù của đất Palestina, 6 loại vùng Anatolia và 1 loại vùng Costantinopoli. Từ đó ông đi đến kết luận là ngoài Pháp và Italia ra, Tấm Khăn Liệm đã được giữ tại Palestina cũng như bên Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này phù hợp với việc dựng lại lịch sử Tấm Khăn Liệm trước thế kỷ XIV.
Việc nghiên cứu của ông Max Frei đã bị nhiều học giả phê bình, vì cho rằng ông đã không chú ý tới các ô nhiễm từ các khách hành hương, vì trong bao thế kỷ Tấm Khăn Liệm đã được hằng trăm ngàn bàn tay tín hữu sờ vào. Ngoài ra theo các học giả, không thể xác định loại của một cây có phấn hoa, trừ vài trường hợp rất họa hiếm. Bình thường phấn hoa chỉ cho phép xác định các nhóm loại, hay giống, hoặc gia đình thôi. Giáo sư Baruch đã duyệt xét lại các nghiên cứu của ông Frei và giản luợc xuống còn ba loại phấn hoa, trong khi đối với các phấn hoa khác chỉ có thể nhận diện giống. Vào năm 2000 các kết luận của giáo sư Baruch bị giáo sư V. M. Bryant phản đối, vì ông Baruch dã chỉ dùng một kính hiển vi quang học, chứ không phải là kính hiển vi điện tử. Thế rồi các phấn hoa dính keo khó có thể được phân tích.
Mặc dù có các nghi ngờ, các kết qủa nghiên cứu của ông Max Frei đã được lấy lại trong các năm 1997-1998 bởi vài học giả coi Tấm Khăn Liệm là thật, và họ cho rằng nơi phát xuất Tấm Khăn Liệm là một vùng rất gần với Giêrusalem. Tuy nhiên, việc nhận diện các loại phấn hoa khác nhau tự nó không chỉ cho thấy nơi chốn, nếu không quy chiếu quang phổ của nó, nghĩa là các giá trị phần trăm của tùng loại phấn hoa hiện diện trong chất liệu nghiên cứu. Giáo sư Gaetano Ciccone khẳng định rằng ông Frei đã không đo quang phổ phấn hoa, mà chỉ liệt kê các phấn hoa và gọi chúng môt cách không đúng là quang phổ phấn hoa. Ngoài ra các phấn hoa không thể chống lại một môi trường có khí hằng trăm năm. Nếu phấn hoa bị trưng bầy ngoài không khí, thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ bị phá hủy, vì dưỡng khí làm hao mòn khiến cho phấn hoa sẽ bị phá hủy bởi các thứ nấm và vi khuẩn. Giáo sư Marta Mariotti Lippi thử tìm đo việc duy trì của phấn hoa, và cho biết chỉ sau hai tháng các phấn hoa mất đi 77%.
Hồi năm 2010 giáo sư Danin đã duyệt xét toàn bộ các phân tích của ông Frei và kết luận rằng khó có thể chỉ dùng các phấn hoa để xác định vùng địa lý phát xuất ra Tấm Khăn Liệm.
Mới hơn nữa là việc phân tích của giáo sư Litt qua kính hiển vi quang học tân tiến và kính hiển vi đồng tiêu cự dựa trên tia hồng ngoại đã chứng minh cho thấy không thể xác định các phấn hoa trên bình diện giống, và lại càng không thể xác định loại của chúng.
Giáo sư Raymond Rogers đã đề nghị một phương pháp hóa học dể định tuổi Tấm Khăn Liệm bằng cách đo chất vanillina hiện diện trên khăn. Theo ông chất vanillina hiện diện trong chất gỗ của tế bào vải gai  mất đi rất chậm chạp theo thời gian. Nó phải hiện hữu, nếu Khăn Liệm thuộc thời Trung Cổ. Nếu không có sự hiện diện của nó, thì khăn cổ xưa hơn. Dựa trên kết quả do ông công bố năm 2005 Tấm Khăn Liệm thuộc thời gian năm 1000 tới 700 sau công nguyên. Ông Rogers dùng phương trình của Arrhenius để phỏng đoán thời gian cần thiết cho việc mất đi 95% vanillina, 1319 năm với nhiệt độ thường hằng là 25 độ C, 1845 năm với nhiệt độ 23 độ C, và 3095 năm với nhiệt độ 20 độ C, bằng cách coi các nhiệt độ này của các ước lượng nhiệt độ hữu lý, trong đó Tấm Khăn Liệm được giữ gìn.
Nhiều nhà nghiên cứu khác đã lưu ý rằng chất vanillina mất đi nhanh chóng hơn khi gia tăng nhiệt độ, và họ cho rằng các nhiệt độ do ông Rogers đưa ra không chính xác. Việc gia tăng 5 độ C so với 25 độ C do ông Rogers giả thuyết, nghĩa  là khi ở 30 độ C, sẽ khiến mất đi 95% vanillina chỉ nội trong 579 năm. Nhưng sự kiện Tấm Khăn Liệm được giữ ở nhiệt độ 30 hay 25 độ C trong bao thế kỷ, ngày đêm mùa hè cũng như mùa đông, là điều không thật. Nhiệt độ trung bình hằng năm tại Torino là dưới 15 độ C.
Việc trưng bầy Tấm Khăn Liệm dưới ánh sáng của các ngọn đuốc cũng có thể lấy mất đi chất vanillina. Tuy nhiên, thời gian trưng bầy cộng chung lại chỉ kéo dài vài tháng, cả khi có cho nó là một năm đi nữa, để cho hiệu qủa việc  tiêu thụ 95% chất vanillina này xảy ra thì phải gia tăng nhiệt độ tới 75 độ C là nhiệt độ qúa mức.
Các nhiệt độ khác mà Tấm Khăn Liệm phải chịu, khoảng 200 độ trong vụ hỏa hoạn năm 1542, đã khiến cho chất vanillina mất đi rất nhanh. Chẳng hạn ở nhiệt độ 200 độ C thì chỉ cần trong vòng 7 phút. Nhưng ông Rogers luận cứ rằng vụ hỏa hoạn năm 1542 đã không ảnh hưởng nhiều trên chất vanillina, vì vải gai dẫn nhiệt rất thấp, và Tấm Khăn Liệm ở xa chỗ cháy. Nhưng cần phải trả lời câu hỏi tại sao trong các mẫu dùng để thử Carbon 14 chất vanillina đã không bị mất. Do đó các nghiên cứu của ông bị coi là “rất nghèo nàn” và thiếu sót trên bình diện phương pháp dưới ba khía cạnh. Thứ nhất, phương pháp đã dùng để kiểm thực các dấu vết vanillina trong các sợi vải gai: ông Rogers đã dùng thử nghiệm phẩm để xác định các kết quả về lượng. Thứ hai, việc kiểm soát: trong việc tìm tòi ông Rogers đã không dùng các mẫu kiểm soát. Thứ ba, tính tái thực hiện các thí nghiệm: các phân tích của ông Rogers đã chỉ được làm có một lần, vì thế thiếu các kiểm soát cần thiết để đo một lề sai lầm trong việc định tuổi Tấm Khăn Liệm.
Khi chấp nhận Tấm Khăn Liệm là một di tích thực sụ liên quan tới một người đã sống bên Palestina vào thế kỷ thứ I, có vài nhà nghiên cứu đã thử tính xác xuất người đó không tương ứng với Đức Giêsu Kitô dựa trên các đặc thái của Tấm Khăn Liệm. Năm 1902 ông Yves Delage, giáo sư giải phẫu học so sánh thuộc đại học Sorbone, đã trình bầy cho Hàn lâm viện Khoa học một bản tường trình trong đó ông đã duyệt xét các sự kiện được biết cho tới lúc đó về Tấm Khăn Liệm và các đặc thái vật lý và giải phẫu học của hình người và lượng định một cách chủ quan rằng việc Tấm Khăn Liệm không phải là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu, theo ông, chỉ dưới 1 trên 10 tỷ lần.
Vào thập niên 1970 ông Bruno Barberis, giáo sư đại học Torino, và là giám đốc Trung tâm quốc tế Khăn Liệm học, cũng đã đưa ra nhận xét chủ quan như thế, dựa trên các dữ kiện mới. Xác xuất mà ông giả thiết là 1 trên 200 tỷ lần. Đây cũng đã là các lượng định chủ quan của nhà toán học và khăn liệm học Tino Zeuli, nguyên giáo sư đại học Torino. Nghĩa là các giáo sư nói trên cho rằng Tấm Khăn Liệm thành Torino đã là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, cần minh xác rằng các lượng định giả thiết trên đây là các ý kiến chủ quan dựa trên các lý luận loại suy, chứ không phải dựa trên các tính toán khoa học, thống kê hay toán học trong nghĩa kỹ thuật của các từ này.
Linh Tiến Khải

Giáo Hội không bao giờ bỏ rơi nhưng luôn săn sóc và chữa lành gia đình

Giáo Hội không bao giờ bỏ rơi nhưng luôn săn sóc và chữa lành gia đình

ĐTC Phanxicô chúc lành cho một tín hữu hành hương trong buổi tiếp kiến chung - AFP
Giáo Hội là mẹ không bao giờ bỏ rơi gia đình, cả khi nó bị ngã qụy, mang thương tích và bị hành nhục trong biết bao nhiêu cách thế đi nữa. Cả khi nó rơi vào tội lỗi hay xa rời Giáo Hội, Giáo Hội sẽ luôn luôn làm tất cả dể tìm săn sóc và chữa lành, và mời gọi gia đình hoán cải và hoà giải gia đình với Chúa.
 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 20.000 tín hữu và du khách hanh hương tham dự buổi tiếp kiên chung sáng thứ tư hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Chào mọi người ĐTC nói chúc anh chj em một ngày tốt, nhưng ngày hôm nay trời không đẹp lắm vì mưa. Ngài cũng mời mọi người vỗ tay chào các anh chị em bệnh nhân theo dõi buổi tiếp kiến trong đại thính đường Phaolô VI. Nghe tiếng vỗ tay yếu ớt ĐTC nói tay phải cầm dù thì khó vỗ tay lắm.
Như đã biết, hôm qua Giáo Hội cử hành lễ trọng Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria. ĐTC tạm ngưng loạt bài giáo lý về gia đình để nói về ngày lễ này, nhưng trong một hình thái hơi đặc biệt của lời cầu nguyện. Ngài nói:
Thật vậy, ngày 25 tháng 3 Giáo Hội long trọng cử hành lễ Truyền Tin, khai mào mầu nhiệm Nhập Thể. Tổng lãnh Thiên thần Gabriel viếng thăm thiếu nữ khiêm hạ thành Nagiarét và báo cho biết nàng sẽ thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa. Với lời loan báo đó Chúa soi sáng và củng cố đức tin của Đức Maria, cũng như người sẽ làm với chồng nàng là ông Giuse, để cho Đức Giêsu có thể sinh ra trong một gia đình nhân loại. Đây là điều rất hay đẹp: một cách sâu xa dường nào nó cho chúng ta thấy mầu nhiệm Nhập Thể như Thiên  Chúa đã muốn, không chỉ bao gồm  việc thụ thai trong lòng mẹ, nhưng cũng cho thấy việc tiếp đón trong một gia đình đích thật nữa. Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em chiêm ngắm vẻ đẹp của mối dây này, của sự chiếu cố của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể cùng nhau làm nó bằng cách cùng nhau đọc Kinh Kính Mừng, là lời kinh trong phần đầu lấy lại các lời của Thiên Thần chào Đức Trinh Nữ. ĐTC và mọi người đã đọc Kinh Kính Mừng.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói khiá cạnh thứ hai là trong ngày lễ Truyền Tin nhiều nước trên thế giới cử hành Ngày cho sự sống. Chính vì thế cách đây 20 năm Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ký Thông điệp “Tin Mừng sự sống”. Để kỷ niệm biến cố này hôm nay tại quảng trường thánh Phêrô hiện diện nhiều thành viên các Phong trào bảo vệ sự sống. Trong Thông điệp Tin Mừng sự sống gia đình chiếm một chỗ trung tâm, trong nghĩa nó là cung lòng sự sống con người. Lời của vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi nhắc cho chúng ta nhớ rằng cặp vợ chồng được Thiên Chúa chúc phúc ngay từ đầu để làm thành một cộng đoàn tình yêu và sự sống, được giao phó cho sứ mệnh truyền sinh. Khi cử hành bí tích Hôn Phối, các cặp vợ chống kitô tự khiến cho mình sẵn sàng vinh danh phước lành đó trong suốt cuộc đời, với ơn thánh của Chúa Kitô. Về phía mình, Giáo Hội long trọng dấn thân  săn sóc gia đình nảy sinh từ đó, như là món qùa Thiên Chúa ban cho chính sự sống của nó, trong số phận tốt cũng như xấu: mối đây giữa Giáo Hội và gia đình là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. ĐTC khẳng định thêm như sau:
Giáo Hội là mẹ không bao giờ bỏ rơi gia đình, cả khi nó bị ngã qụy, mang thương tích và bị hành nhục trong biết bao nhiêu cách thế đi nữa. Cả khi nó rơi vào tội lỗi hay xa rời Giáo Hội, Giáo Hội sẽ luôn luôn làm tất cả dể tìm săn sóc và chữa lành, và mời gọi gia đình hoán cải và hoà giải gia đình với Chúa.
Nếu đó là nhiệm vụ, thì rõ ràng là Giáo Hội  cần biết bao nhiêu lời cầu nguyện để có thể chu toàn sứ mệnh này trong mọi thời đại. Một lời cầu nguyện tràn đầy tình yêu đối với gia đình và sự sống. Một lời cầu nguyện biết vui với người vui, đau khổ với người đau khổ.
Vì thế cùng với các cộng sự viên của tôi chúng tôi đã nghĩ tới việc hôm nay đề nghị canh tân lời cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình. Chúng ta hãy phát động dấn thân này cho tới tháng 10 tới đây, khi sẽ diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục bình thường dành cho gia đình. Tôi muốn rằng lời cầu nguyện này, cũng như toàn lộ trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục, được linh hoạt bởi lòng từ bi của Mục Tử Nhân Lành đối với đoàn chiên, một cách đặc biệt các người và các gia đình, mà vì nhiều lý do đang “mệt mỏi, kiệt sức, như chiên không có người chăn” (Mt 9,36) Như vậy, được ơn thánh Chúa nâng đỡ và linh hoạt , Giáo Hội sẽ còn có thể  dấn thân hơn và hiệp nhất hơn trong chứng tá sự thật và tình yêu của Thiên Chúa và của lòng thương xót Ngài đối với các gia đình trên thế giới, không loại trừ gia đình nào, bên trong cũng như bên ngoài ràn chiên.
ĐTC nơi thêm trong bài huấn dụ: Tôi xin anh chị em đừng thiếu lời cầu nguyện của mình cho ý chỉ đó. Tất cả mọi người: Giáo Hoàng, các Hồng Y, Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tất cả chúng ta đều được mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục. Cần lời cầu nguyện chứ không cần các bép xép! Tôi mời cầu nguyện cả các người cảm thấy xa vắng hay không còn có thói quen cầu nguyện nữa. Lời cầu này cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình là thiện ích cho tất cả mọi người. Tôi biết là sáng nay đã được phát cho anh chị em một ảnh nhỏ, chắc hơi bị ươt một chút, mà anh chị em có trên tay. Tôi xin mời anh chị em giữ nó và đem nó theo trong mình, như thế trong các tháng tới anh chị em có thể năng đọc lời kinh này với sự nài nỉ thánh thiện, như Chúa Giêsu đã xin chúng ta. Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau đọc lời cầu ấy:
“Lậy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, nơi các Ngài chúng con chiêm ngưỡng ánh quang của tình yêu chân thật, chúng con hưóng lên các Ngài với lòng cậy tin.
Ôi Thánh Gia Nagiarét, xin cũng hãy làm cho các gia đình của chúng con trở thành các nơi hiệp thông và các nhà tiệc ly cầu nguyện, các trường học Tin Mừng đích thực và các Giáo Hội tại gia nhỏ.
Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin đừng bao giờ có kinh nghiệm bạo lực, khép kín và chia rẽ trong gia đình nữa: ước chi ai đã bị tổn thương hay bị gương mù gương xấu mau chóng biết hòa giải và chữa lành.
Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới có thể thức tỉnh nơi mọi người ý thức về tính cách thánh thiêng, bất khả xâm phạm của gia đình và vẻ đẹp của nó trong chương trình của Thiên Chúa. Lậy Chúa Giêsu Mẹ Maria và Thánh Giuse, xin hãy lắng nghe và nhận lời van nài của chúng con. Amen”.
ĐTC đã chào các tín hữu đến từ các nưóc Bắc Mỹ và tây âu, cũng như các doàn hành hương Qatar, Indonesia, Australia, Uruguay, Colombia, Argentina và Mêhicô. Ngài xin mọi người nhớ cầu nguyện nhiều cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay. ĐTC cầu chúc chuyến hành hương về Roma củng cố đức tin và cuộc sống gia đình họ.
Ngỏ lời với đông đảo các đoàn hành hương Ý ĐTC đặc biệt chào Phong trào bảo vệ sự sống, các hiệp hội “Cùng Mẹ Maria bênh vực sự sống”, và “Hồng ân sự sống”, phong trào Cầu vồng Thánh Maria Sầu Bi”, ca đoàn nhà thờ chính toà Padova, đại diện câu lạc bộ “Các khu xóm đẹp nhất Italia” và các Câu lạc bộ sinh viên Italia.
ĐTC cũng chào các công nhân tỉnh Vibo Valentia đang phải sống giai đoạn kinh tế khó khăn. Hiệp ý với các can thiệp của ĐC Luigi Renzo, GM địa phương ngài bầy tỏ âu lo và sự gần gũi với các vấn đề của họ. ĐTC kêu gọi các giới hữu trách để cho luận lý của tình liên đới và công bằng chiến thắng cái luận lý của lợi nhuận. Con người và phẩm giá của nó phải là trung tâm của mọi vấn đề, đặc biệt vấn đề công ăn việc làm. Khi không có công ăn việc làm để có của nuôi thân, con người cũng mất đi phẩm giá của mình. Rất tiếc đây là thảm cảnh của thời đại chúng ta, đặc biệt là của người trẻ. Không có việc làm họ không có viễn tượng tương lai và có thể dễ dàng trở thành mồi ngon của các tổ chức tội phạm.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nói trong Ngày lễ Truyền Tin chúng ta nhận ra trong mầu nhiệm này chương trình của Thiên Chúa làm cho chúng ta chia sẻ sự sống bất tử của Ngài và thái độ sẵn sàng quảng đại của Mẹ Maria tiếp nhận lời loan báo của thiên thần với lòng tin. ĐTC cầu chúc mọi người noi gương Mẹ Maria lớn lên trong thái độ sẵn sàng quảng đại đó đối với Chúa.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải