label

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

CÁC GIỚI CHỨC CHÍNH QUYỀN PHẢI BIẾT THƯƠNG DÂN NHƯ CHA MẸ

CÁC GIỚI CHỨC CHÍNH QUYỀN PHẢI BIẾT THƯƠNG DÂN NHƯ CHA MẸ

YANGON: Chúng tôi chờ mong các giới chức chính quyền biết yêu thương dân như cha mẹ yêu thưong con cái. Theo truyền thống và nền văn hóa của chúng ta các người cai trị có quyền và có bổn phận thăng tiến hạnh phúc của toàn dân.
ĐHY Charles Bo, TGM thủ đô Yangon của Myanmar, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong các ngày vừa qua. Sứ điệp ĐHY gửi hàng lãnh đạo chính trị dân sự Myanmar được công bố nhân Ngày Phụ Mẫu trong nước. Sứ điệp của ĐHY có đoạn viết: “Trong vòng 50 năm, trong những ngày đen tối của chế độ độc tài, nhân dân đã không có gia đình. Khi nền dân chủ đến, chúng tôi đã hy vọng nó đem lại tinh thần gia đình cho mọi người. Nhiều ngưỡng vọng lớn lao đã được đặt nơi hàng lãnh đạo: toàn nước hướng nhìn họ dể làm cho đất nước này trở thành một gia đình đích thật. Nhưng đã xảy ra quá nhiều khó khăn cản ngăn thực tại đó. Hệ thống kinh tế của chúng ta đang đập nát gia đình. Hàng triệu người trẻ bị tách rời khỏi cha mẹ. Các khó khăn đã khiến cho chúng ta nghèo đi và sự toàn vẹn của gia đình bị soi mòn bởi nạn nghèo túng của quốc gia. Tinh thần gia đình yếu ớt. Đa số con cái Myanmar là người nghèo. Cuộc kiểm kê dân số mới đây cho thấy thảm cảnh này. 40% tổng số dân sống dưới mức nghèo túng, và trong các vùng đất của người Chin và người Rakine dân nghèo chiếm 70%. Nạn nghèo túng làm nảy sinh ra hiện tượng di cư, khiến cho trong nhiều làng chỉ còn có người già và trẻ em nhỏ tuổi. Gia đình lại còn bị tàn phá thêm vì nạn buôn người trong các thành phố gần biên giới. Các gia đình tan nát vì thiếu giáo dục, bị đe doạ bởi nạn xì ke ma túy, hay các xung đột vũ trang. Theo ĐHY các vị lãnh đạo không ở mức cao các chờ mong của người dân. Họ đã trở thành những người che chở một chế độ tư bản khách hàng, và coi lợi nhuận như động lực duy nhất của nền kinh tế, như ĐTC đã tố cáo trong chuyến công du ba nước Mỹ Latinh hồi thượng tuần tháng 7 vừa qua.
Tiếp tục sứ điệp ĐHY Bo đưa ra câu hỏi: Giới lãnh đạo là thủ lãnh cho tất cả mọi người hay chỉ cho một ít người? Trong bao thế kỷ chúng ta đã sống như anh chị em với nhau, tuy khác niềm tin,  nhưng chúng ta sống trong hòa hợp. Trong 5 thập niên  Myanmar đã là mô thức của một xã hội cảm thương, cả khi nhân dân có bị đàn áp bởi những kẻ hung dữ. Nhưng từ năm 2010 đến nay hàng lãnh đạo là cha mẹ dân đã tỏ ra bất lực không kiểm soát được các biểu lộ thù hận do các tầng lớp tôn  giáo quá khích phổ biến. Chiến tranh tiếp diễn tại nhiều nơi trong nước. Các anh chị em thuộc mọi tôn giáo và chủng tộc của chúng ta bị  tấn công bởi sự thù ghét đó. Trong nước có 200.000 người phải di tản vì bạo lực. Liệu giới lãnh đạo của chúng ta có biết tránh mọi kỳ thị chủng tộc hay tôn giáo không? Có biết chấp nhận bình đẳng và xây dựng một quốc gia hiệp nhất như môt gia đình duy nhất không. Ngoài ý chí của họ, họ cần lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hàng lãnh đạo cha mẹ của chúng ta (FIDES 20-7-2015)
Linh Tiến Khải

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Thư mục vụ của Đức giám mục giáo phận - tháng 8 năm 2015

Thư mục vụ của Đức giám mục giáo phận - tháng 8 năm 2015


GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
TÂN PHÚC ÂM HÓA CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ
CHĂM SÓC MỤC VỤ - HUẤN LUYỆN GIÁO DÂN

Anh chị em thân mến
Các giám mục chúng tôi xin gửi đến toàn thể cộng đoàn Dân Chúa trong giáo phận lời chào chúc bình an, niềm vui và hy vọng của Chúa Kitô. Liên kết với thư mục vụ tháng 3 với chủ đề “Tân Phúc Âm hóa Đời Sống Người Giáo Dân trong Giáo Xứ”,  xin gửi đến anh chị em thư mục vụ tháng 8 có chủ đề “Tân Phúc Âm Hóa Cộng Đoàn Giáo Xứ Với Sinh Hoạt Chăm Sóc Mục Vụ - Huấn Luyện Người Giáo Dân”.
 
“Cả anh chị em nữa, hãy vào làm vườn nho cho tôi đi” (Mt 20, 3-4). Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng lời mời gọi trên của chủ vườn nho để mở đầu cho tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân – Christifideles Laici. Trong đó, ngài khẳng định rằng việc huấn luyện giáo dân phải được coi là ưu tiên của giáo phận trong chương trình hoạt động mục vụ; sao cho tất cả mọi cố gắng của cộng đoàn, của giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, đều phải qui hướng về mục đích này. Như vậy, công cuộc huấn luyện giáo dân là quan trọng trong việc Tân Phúc Âm Hóa công đoàn giáo xứ (số 57).
 
Cũng theo tông huấn, huấn luyện người giáo dân thiết yếu là để họ đạt tới sự trưởng thành, nên giống Đức Kitô, theo ý muốn của Thiên Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, mục tiêu nền tảng của việc huấn luyện là, người giáo dân được hướng dẫn nhằm khám phá ra mỗi ngày mỗi rõ ràng hơn về phẩm giá của mình và trở nên can đảm dấn thân thi hành sứ vụ được giao (CL số 58). Như vậy, kiên trì tìm biết ý Chúa, tự do chọn lựa ý Chúa, và nhiệt tình dấn thân thực hiện ý Chúa trong cuộc sống là mục tiêu cụ thể của việc huấn luyện giáo dân.
 
Đây là công cuộc huấn luyện toàn diện: Những giá trị Kitô giáo, và những giá trị nhân bản, cùng với học thuyết xã hội của Hội Thánh (số 60) là những lãnh vực trong chương trình huấn luyện người giáo dân. Tuy nhiên, huấn luyện thiêng liêng phải chiếm một vị trí đặc biệt. Trong công cuộc huấn luyện thiêng liêng này, sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô phải được nuôi dưỡng và phát huy nhờ các sinh hoạt huấn giáo, phượng tự, và phục vụ của Hội Thánh. Trong tương quan mật thiết với Chúa và Hội Thánh, họ biến cuộc sống thường ngày trở thành lời tuyên xưng những giá trị của Tin Mừng, trở thành cơ hội sống Tin Mừng, và dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng bằng tinh thần yêu thương và phục vụ.
 
Đây là công cuộc đào tạo thường xuyên, kéo dài suốt cuộc đời trong từng giai đoạn đời Kitô Hữu. Như vậy, nhờ công cuộc huấn luyện của Giáo Hội, người giáo dân có thể dùng ánh sáng Lời Chúa để đọc được những dấu chỉ của thời đại và tìm sứ điệp của Chúa dành cho mình trong từng giai đoạn của cuộc đời. Tuy nhiên, đời người vẫn có những thời điểm có ý nghĩa đặc biệt và có tính cách quyết định để phân định ý Chúa cho cuộc hành trình kế tiếp với sứ vụ đặc biệt Chúa trao. Vì thế, Giáo Hội ước mong được đồng hành với người trẻ trên bước đường khám phá lời mời gọi của Chúa cho cuộc đời và sứ vụ của mình đối với Hội Thánh và đối với thế giới ngày nay.
 
Cụ thể hơn, trong công cuộc huấn luyện giáo dân của mình, giáo phận Long Xuyên đặc biệt quan tâm tới 4 sắc thái sau đây:
Thứ nhất, trong chương trình huấn luyện giáo dân tại các giáo xứ, các linh mục phụ trách các cộng đoàn trong giáo phận đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của hiền mẫu và gia trưởng và sự cộng tác huấn luyện của giáo lý viên và của huynh trưởng thiếu nhi Thánh Thể. Giáo phận cũng rất trân trọng sự hiện diện của con cái mình là những giáo chức đang góp phần trong hệ thống giáo dục của xã hội. Tuy nhiên, ý tưởng làm định hướng cho chương trình huấn luyện là, mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, nghĩa là giáo dân, chủng sinh, tu sĩ, linh mục và giám mục, tất cả chúng ta đều là học trò được Chúa Thánh Thần đào tạo, mà đồng thời cũng là cộng tác viên của Chúa Thánh Thần đạo tạo lẫn nhau. Như vậy, giáo phận là trường học của Chúa Thánh Thần huấn luyện toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.
 
Thứ hai, những môi trường huấn luyện mà giáo phận thường xuyên quan tâm là giáo xứ, gia đình, các đoàn thể trong giáo xứ. Giáo phận cũng cổ vũ cho sự cộng tác với xã hội trong công cuộc huấn luyện thanh thiếu niên, đó là các lớp học tình thương, các trường lớp mẫu giáo, các nhà trẻ, các lưu xá học sinh sinh viên. Đặc biệt, giáo phận quan tâm đặc biệt đến chủng viện, tiền chủng viện, các lưu xá… và cổ vũ tinh thần đồng trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa góp phần huấn luyện ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ. Như vậy, những môi trường huấn luyện trên đây đều có thể trở thành những lớp học cho người giáo dân được huấn luyện.
 
Thứ ba, mọi sinh hoạt của giáo xứ, như các sinh hoạt huấn giáo, các sinh hoạt phượng tự, các sinh hoạt lãnh đạo, đều là cơ hội để thực hiện công cuộc huấn luyện người giáo dân. Một chia sẻ ngắn trong thánh lễ hằng ngày, một cuộc quy tụ lần chuỗi trước đài Đức Mẹ, một sự hiện diện của linh mục thăm viếng mục vụ gia đình, tổ chức cho các thiếu nhi vui chơi trong dịp hè… tất cả đều trở thành cơ hội để Chúa Thánh Thần huấn luyện. Như vậy, tất cả mọi sinh hoạt trong giáo xứ đều có thể được coi như những tiết học để huấn luyện người giáo dân.
 
Cuối cùng, đường hướng đào tạo người giáo dân của giáo phận phải hướng về sứ vụ Loan Báo Tin Mừng theo đường hướng của Đức Giáo Hoàng Phanxico trong số 28 của tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Trong mọi hoạt động của mình, giáo xứ cổ vũ và huấn luyện các thành viên của mình trở thành những người loan báo Tin Mừng… Giáo xứ là một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo”. Đức Thánh Cha than thở: “Phải nhìn nhận rằng, lời kêu gọi duyệt lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ đến gần người dân hơn, biến các giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo”.
 
Anh chị em thân mến,
Ngày 15.8, Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Giáo phận phó thác công cuộc huấn luyện giáo dân cho Mẹ Maria. Xin Mẹ là gương mẫu cho chúng ta, Mẹ vừa là Mẹ Thiên Chúa, vừa được biến đổi nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Mẹ vừa là Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, vừa là môn đệ bước theo Chúa Kitô. Xin Mẹ tiếp tục đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế, và huấn luyện chúng ta thành những công dân Nước Trời như Mẹ.
 
+ Giuse Trần Văn Toản                             + Giuse Trần Xuân Tiếu
    Giám Mục Phụ Tá                        Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên
 
 

Tuyên hứa nhậm chức HĐMVGX khóa II

Thánh lễ tạ ơn và tuyên hứa nhậm chức HĐMVGX khóa II nhiệm kỳ 2015-2019

 
 
Sáng nay 26/07/2015, tại Trung Tâm Hành Hương  Giáo xứ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu cùng quý cha đã dâng thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phê-rô Đoàn Công Quý và Emmanuel  Lê Văn Phụng, bổn mạng của Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ giáo phận Long Xuyên.
 
Trong ngày trọng đại này, Đức cha chính Giuse với tư cách là Chủ tịch UBGD trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã cử hành nghi thức Tưởng Lệ và Tuyên Hứa Nhậm Chức HĐMVGX khóa 2 nhiệm kỳ 2015-2019. Toàn bộ 926 quý chức của 9 giáo hạt, 194 giáo xứ và giáo họ đã quy tụ về đây để tạ ơn Thiên Chúa và để được nghe lời chia sẻ của Đức cha Giáo phận như một lời nhắn nhủ và khích lệ các quý chức trong công việc phục vụ mới.
 
Nhiệm kỳ 4 năm làm việc của HĐMVGX là thời gian các quý chức phải hy sinh rất nhiều. “ Vì thế các quý chức hãy cố gắng bắt chước gương sáng của Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng- vị thánh mà khi còn sống cũng làm ông trùm, ông biện như các quý chức hôm nay, đó là hãy cố gắng hợp tác với cha xứ trong việc điều hành giáo xứ và giáo họ, đặc biệt là trong công việc truyền giáo”. Lời Đức cha nhắn nhủ trong thánh lễ.
 
Thánh lễ kết thúc với nghi thức Đón Nhận Thánh Thần và Lời Nguyện Đặt Tay Sai Đi rất cảm động. Hy vọng qua thánh lễ và những nghi thức cử hành hôm nay, các quý chức sẽ biết tự đào luyện chính bản thân mình trở thành những người có tài đức trong công việc điều hành giáo xứ và  hăng say làm việc tông đồ.
BTT
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Trung Quốc: Chính phủ công nhận bằng tú tài do Chủng viện cấp


Chủng viện quốc gia Trung Quốc


Trung Quốc: Chính phủ công nhận bằng tú tài do Chủng viện cấp
WHĐ (26.07.2015) – Sáu Đại chủng viện tại Trung Quốc được chính phủ cấp phép hoạt động vừa kết thúc năm học với việc cấp bằng tú tài cho 79 chủng sinh hoàn thành chu kỳ đầu của chương trình học.
Ngay sau khi kết thúc năm học nhận bằng, các chủng sinh được gửi đến các giáo xứ và các cộng đoàn giáo hội cơ bản để thi hành công tác mục vụ và các hoạt động khác của Giáo hội.
Theo thông tin Fides được biết, 79 chủng sinh thuộc nhiều chủng viện như sau: 28 chủng sinh của chủng viện quốc gia, 16 chủng sinh của chủng viện Hà Bắc, 8 chủng sinh của chủng viện Trung ương Trung Quốc, 15 chủng sinh của chủng viện Thẩm Dương, 9 chủng sinh của chủng viện Thiểm Tây, 3 chủng sinh của chủng viện Bắc Kinh. Hai chủng viện Cát Lâm Tứ Xuyên không có chủng sinh nào được nhận bằng.
Bắt đầu từ năm nay, bằng Tú tài do các chủng viện cấp sẽ được chính thức công nhận. Điều này cho phép các chủng sinh tiếp tục học tại các trường đại học của chính phủ trong các lĩnh vực có liên quan với sứ vụ mục vụ.
Ngoài ra, việc chính phủ công nhận bằng tốt nghiệp do chủng viện cấp sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các cựu chủng sinh tiếp tục theo học tại các trường không thuộc Giáo hội, khi họ rời khỏi chủng viện, không tiếp tục con đường hướng tới chức linh mục nữa, sau khi đã phân định ơn gọi của mình.
Cần nói thêm rằng ở Trung Quốc, các Đức Giám mục cũng cho phép mở các trung tâm đào tạo linh mục và tu sĩ nam nữ khác nữa. 
(Agenzia Fides)
 
Minh Đức

Sống luận lý trao ban và chia sẻ như Thiên Chúa

Sống luận lý trao ban và chia sẻ như Thiên Chúa

Kinh Truyền Tin 26.07.2015 - RV
26/07/2015 16:16
VATICAN. Chúa nhật 26.07.2015, ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin vào lúc 12h trưa trước sự hiện diện của khoảng vài chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Ngài nhắn nhủ mọi người hãy sống luận lý trao ban và chia sẻ cho người khác giống như Thiên Chúa.
Sau đây là nội dung chính bài giảng của ĐTC, Ngài nói:
“Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Ga 6, 1-15) đề cập đến dấu chỉ vĩ đại của việc hóa bánh ra nhiều, theo trình thuật của tác giả Gioan. Đức Giêsu đang ở biển hồ Galilê và một đám rất đông người đang bao quanh Ngài “vì đã chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (c.2). Nơi Ngài năng lực thương xót của Thiên Chúa được tỏ lộ để chữa lành mọi bệnh tật phần xác cũng như phần hồn. Nhưng Đức Giêsu không chỉ đơn thuần là Đấng chữa lành, nhưng còn là một bậc thầy. Từ điểm này, Đức Giêsu biết rõ Ngài cần làm gì để thử thách các môn đệ. Cần phải làm gì để làm no thỏa tất cả bằng ấy người? Phi-líp-phê, một người trong Nhóm Mười Hai, đã làm tính rất nhanh: làm một cuộc lạc quyên thì có thể thu được tối đa là 200 bạc để mua bánh, tuy nhiên từng ấy là không đủ để làm cho năm ngàn người ăn no.”
Nhắc đến khác biệt trong cái nhìn của các môn đệ và Đức Giêsu khi đối diện với đám đông đang đói, ĐTC nói:
“Các môn đệ lập luận theo ngôn ngữ của “thị trường”, nhưng Đức Giêsu đã thay thế luận lý của mua sắm  bằng một luận lý khác, luận lý của trao ban. Và vì thế, An-rê, một người khác trong nhóm Mười Hai, anh em của Si-môn Phê rô, đã giới thiệu một em bé vốn đóng góp tất cả những gì mình có: năm chiếc bánh và hai con cá; nhưng chắc chắn là - như An-rê nói - chẳng thấm vào đâu so với ngần ấy người (c.9). Nhưng Đức Giêsu chỉ chờ có thế. Truyền lệnh cho các môn đệ bảo dân chúng ngồi xuống, và Ngài cầm lấy bánh và cá, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha và rồi phân phát cho những người ngồi đó (c.11). Những cử chỉ này tiên báo trước về những cử chỉ trong Bữa Tiệc Ly, vốn sẽ mang lại ý nghĩa đích thực nhất cho tấm bánh của Đức Giêsu. Tấm bánh của Thiên Chúa chính là thân mình Đức Giêsu. Hiệp lễ với Đức Giêsu, chúng ta lãnh nhận sự sống của Ngài vào trong ta và trở nên con cái của Cha trên trời và làm anh em với nhau. Lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta gặp gỡ nhau trong Đức Ki tô đích thực đã sống lại và hằng sống. Tham dự Thánh Lễ có nghĩa là bước vào trong luận lý của Đức Giêsu, luận lý của sự cho không, của sự chia sẻ. Và mặc cho chúng ta có nghèo đi nữa, tất cả chúng ta vẫn có thể cho đi một điều gì đấy. Hiệp lễ cũng có nghĩa là kín múc từ Đức Kitô ân sủng khiến chúng ta có thể chia sẻ với người khác điều mà chúng ta là và điều mà chúng ta có.
Đám đông bị đánh động bởi sự tuyệt vời của việc hóa bánh ra nhiều; nhưng món quà mà Đức Giêsu trao ban cho họ lại là sự sống sung mãn cho những ai đói ăn. Đức Giêsu không chỉ làm no thỏa cơn đói vật chất, nhưng còn thỏa mãn sự đói khát về chiều sâu, sự đói khát về ý nghĩa của cuộc sống, đói khát chính Thiên Chúa. Đối diện với các nỗi đau khổ, với sự cô đơn, với sự nghèo khó và ngay cả những khó khăn của biết bao người, chúng ta có thể làm gì đây? Than phiền không giải quyết được gì, nhưng chúng ta có thể dâng hiến những điều ít ỏi mà chúng ta có được, như em bé trong bài Tin Mừng. Ắt hẳn chúng ta có một vài tiếng đồng hồ, một chút tài năng, một vài năng lực nào đấy...Ai trong chúng ta mà lại chẳng có “năm chiếc bánh và hai con cá” của mình? Tất cả chúng ta đều có!"
Nhắc đến bổn phận của chúng ta đối với những ai thiếu thốn, ĐTC nói:
“Nếu chúng ta sẵn sàng trao những gì mình có vào tay của Thiên Chúa thì như thế đã là đủ bởi vì trong thế giới sẽ có thêm một chút tình thương, an bình, công lý, và trên hết là niềm vui. Điều cần thiết là niềm vui trong thế giới! Thiên Chúa đủ khả năng để nhân lên những cử chỉ bé nhỏ của sự liên đới của chúng ta, và việc chúng ta dấn thân tham dự vào quà tặng của Ngài.”
Kết thúc bài giảng, ĐTC nói: “Lời cầu nguyện của chúng ta sẽ phù trợ bổn phận chung này bởi vì chẳng ai phải bao giờ thiếu thốn Bánh bởi trời vốn ban sự sống vĩnh cữu và tính thiết yếu của một cuộc sống có phẩm giá. Cũng nhờ Bánh Bởi trời, người ta sẽ góp phần phổ biến luận lý của sự chia sẻ và của tình yêu. Đức Trinh Nữ Maria đồng hành cùng chúng ta nhờ sự chuyển cầu từ mẫu.”
---
Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha với một cử chỉ mang tính tượng trưng, Ngài bấm vào một máy tính bảng, để là người đầu tiên đăng ký tham dự Đại hội giới trẻ thế giới tại Crác-cô-vi-a. Ngài cũng mời gọi các bạn trẻ tham dự vào Đại hội này sẽ diễn ra tại quê hương của Thánh Gioan Phaolô 2 vào năm tới. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi mọi người nhớ đến dân tộc Si-ri-a đang phải chịu thử thách bởi một cuộc xung đột xem chừng chẳng có hồi kết. Cụ thể, Đức Thánh nhắc nhớ tới lời kêu gọi giải thoát cho linh mục Dòng Tên Paolo Dall’Oglio, đã bị bắt cóc trong hai năm qua, và tất cả những con tin khác đang bị giam giữ trong những vùng đang có xung đột. Kết thúc buổi đọc kinh, nhân lễ kính hai thánh Gioakim và Anna, ĐTC cũng gửi lời chào đến tất cả ông bà và bày tỏ lòng biết ơn vì sự hiện hữu quý giá của họ trong các gia đình và những thế hệ nối tiếp.

Jos. Nguyễn Huy Mai

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

THÁNH LỄ CHO 45 EM XƯNG TỘI RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU

THÁNH LỄ CHO 45 EM XƯNG TỘI RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

Sau nhiều tháng được học giáo lý do cha sở, quí dì, các huynh trưởng dạy các em đủ tiêu chuẩn đã được xưng tội rước lễ lần đầu. Trong niềm mong chờ đón nhận Chúa các em đến nhà thờ từ 4 giờ sáng chủ nhật 26/4/2015 để chuận bị cho thánh lễ. Các em rất rộn ràng và háo hức chờ lúc được đón nhận Chúa. Đúng 5 giờ cha sở tiến ra đón các em vào thánh đường dâng thánh lễ. Trong thánh lễ phần bài giảng Ngài đã đại diện giáo xứ chúc mừng các em, cả giáo xứ vỗ tay, toàn thể các em đứng lên đồng loạt nói lời cám ơn. Cha sở cũng nhắc nhở các em luôn giữ tâm hồn trong sạch để đón Chúa mỗi ngày.
Một số hình ảnh trong thánh lễ













Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

ĐTC KHÍCH LỆ BÊNH VỰC SỰ SỐNG TRONG MỌI GIAI ĐOẠN

ĐTC KHÍCH LỆ BÊNH VỰC SỰ SỐNG TRONG MỌI GIAI ĐOẠN

- ANSA
24/07/2015 16:19
VATICĂNG: Mức tiến bộ của một nền văn minh được đo lường bởi khả năng giữ gìn và bênh vực sự sống từ lúc thụ thai cho tới khi chết tự nhiên, và đặc biệt trong những giai đọan giòn mỏng nhất.
ĐTC đã khẳng định như trên trong sứ điệp gửi “Ngày sự sống” bênh Anh quốc được cử hành vào ngày Chúa Nhật 26 tháng 7 này về đề tài: “Vun trồng sự sống, chấp nhận cái chết”. Ngày này nằm trong chiến dịch do HĐGM Anh quốc và vùng Galles phát động nhân dịp Quốc Hội Anh thảo luận về dự luật cho phép trợ tử vào ngày 11 tháng 9 tới đây. Dự luật này cho phép những người trưởng thành bị bệnh vào thời kỳ cuối lựa chọn kết thúc sự sống bằng việc trợ tử.
ĐTC Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề “làm cho chết êm dịu lén lút” của biết bao nhiêu người già và người yếu đuối. Ngài khẳng định rằng “Mỗi một người già, cả khi tàn tật hay ở trong những ngày cuối đời, đều mang nơi mình gương mặt của Chúa Kitô. Sư sống luôn luôn bất khả xâm phạm. Không có một cuộc sống có  phẩm giá ý nghĩa hơn một cuộc sống khác. Không có các sự sống cần gạt bỏ. Tư tưởng thống trị đôi khi đề nghị  một sự “cảm thưởng giả dối” cho rằng trợ tử là một cử chỉ bảo vệ phẩm giá con người. Trái lại, cần phải săn sóc con người, nhất là khi nó khổ đau, giòn mỏng và không được bệnh đỡ.
ĐTC nhắc lại rằng Giáo Hội luôn luôn lựa chọn bênh đỡ những người rốt hết, những người mà xã hội gạt bỏ và vứt đi. Trong số đó có cả các thai nhi, là những người không được bảo vệ và vô tội nhất, mà ngày nay người ta muốn khưóc từ phẩm giá là người để có thể sử dụng như người ta muốn, bằng cách lấy mất đi sự sống của chúng và thăng tiến các luật lệ để không ai có thể ngăn cản việc giết người ấy. ĐTC mạnh mẽ khẳng định rằng: yêu sách giải quyết các vấn đề bằng cách loại bỏ một sự sống con người không phải là tiến bộ. Đó là thái độ của các tay “tội phạm mafia”: “Có một vấn đề, chúng ta hãy loại bỏ tên này…” Và nó cũng không phải là một chinh phục khoa học “sản xuất” một đứa con được coi như một quyền, thay vì tiếp đón nó như mọt món quà; hay sử dụng các mạng sống như vật thí nghiệm để cứu sống những người khác. Lòng trung thành với Tin Mừng sự sống đôi khi đòi hỏi các lựa chọn can đảm đi ngược dòng, mà trong các tình huống đặc biệt, có thể dẫn tới chỗ phản kháng vì lý do lương tâm. Đây không phải là một vấn đề tôn giáo như vài người tưỏng nghĩ, nó là một vấn đề khoa học, bởi vì ở trong đó có sự sống con người. Nó cũng không phải là một vấn đề của sự tân tiến, bởi vì trong tư tưởng cũ hay trong tư tưởng tân tiến từ “giết người” vẫn mang cùng một ý nghĩa.
Sau cùng, ĐTC nhấn mạnh rằng mức độ tiến bộ của một nền văn minh được đo lường bởi khả năng giữ gìn sự sống, nhất là trong các giai đoạn giòn mỏng nhất, và chiến đấu chống lại các mưu sát sự sống trong tất cả mọi khiá cạnh của nó. Nạn phá thai là mưu sát sự sống. Để cho các anh chị em của chúng ta chết trên các con thuyền trong kênh Sicilia là mưu sát sự sống. Chết trong khi làm việc vì không có sự tôn trọng các điều kiện an ninh tối thiểu là mưu sát sự sống. Chết vì thiếu dinh dưỡng là mưu sát sự sống. Khủng bố phá hoại, chiến tranh, bạo lực là mưu sát sự sống, nhưng làm cho chết êm dịu cũng là mưu sát sự sống. Yêu sự sống là luôn luôn săn sóc tha nhân, muốn cho họ được hạnh phúc, vun trồng và tôn trọng phẩm giá siêu việt của họ (RG 23-7-2015).
Linh Tiến Khải

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Các giám mục Canada giải thích về Hồi giáo




Các giám mục Canada giải thích về Hồi giáo
WHĐ (23.07.2015) – Để giúp các Kitô hữu hiểu đức tin của anh chị em tín đồ Hồi giáo, các giám mục Canada đã cho xuất bản một tập sách mỏng gồm các câu hỏi đáp về các điểm chính của Hồi giáo.
Các giám mục Canada trong Uỷ ban toàn quốc Liên lạc giữa các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo (CLNCM) hy vọng việc phát hành tập sách mỏng này sẽ “tạo thuận lợi cho việc hiểu biết và đối thoại giữa các thành phần khác nhau trong dân chúng”.
Dưới hình thức hỏi đáp đơn giản, tập sách mỏng gồm vỏn vẹn tám trang lần lượt giới thiệu với người đọc: người Công giáo cần phải hiểu biết về Hồi giáo; nguồn gốc của Hồi giáo; giáo huấn và năm trụ cột của Hồi giáo; các niềm tin được người Công giáo và Hồi giáo cùng chia sẻ (một Thiên Chúa Tạo dựng duy nhất, kẻ chết sống lại…) và các sự khác biệt giữa hai bên. Người Hồi giáo tôn kính Đức Giêsu như một tiên tri, trong khi người Công giáo thờ kính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa; trong Hồi giáo, Thiên Chúa bày tỏ ý muốn của Ngài, trong khi đối với Công giáo, Thiên Chúa không chỉ truyền đạt ý muốn của Ngài, mà còn trao ban chính mình Ngài…) v.v...
Lưu ý cạm bẫy của từ ngữ
“Cảnh giác đối với cạm bẫy của từ ngữ là điều quan trọng”, tập sách mỏng này nhấn mạnh đến việc cả hai – Kitô hữu và người Hồi giáo – có thể sử dụng cùng một thuật ngữ (cầu nguyện, bố thí hay hành hương…) hay nói về cùng một nhân vật (Abraham, Môisen, Giêsu…) nhưng với một ý nghĩa khác nhau. “Do đó, trong các cuộc đối thoại, cần phải có những cuộc thảo luận rõ ràng và cởi mở để tránh những hiểu lầm”.
Tập sách của Hội đồng Giám mục Canada cũng đưa ra một bức tranh tổng quát về sự hình thành và hiện trạng của cuộc đối thoại liên tôn, qua bốn hình thức thường được gợi lên: (1) trong cuộc sống; (2) bằng hành động, (3) trao đổi thần học giữa các chuyên gia; và (4) đối thoại về kinh nghiệm tôn giáo tạo thuận lợi cho tình liên đới trong cầu nguyện.
Tương lai thế giới tuỳ thuộc ở mối quan hệ hòa bình giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo
Lần lượt trích dẫn Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng chung Vatican II về quan hệ giữa Giáo hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đặc biệt là người Hồi giáo, Đức Gioan Phaolô II, trong một diễn văn tại Kaduna (Nigeria) hồi tháng 2/1982, Đức Bênêđictô XVI trong chuyến viếng thăm Đền thờ Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006, và cả Đức giáo hoàng Phanxicô trong một diễn văn tại Ankara vào tháng 11/2014, tập sách của các Đức giám mục Canada gợi lên cho thấy rằng mỗi người đều có thể góp phần vào cuộc đối thoại giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu. “Số tín đồ của hai tôn giáo này chiếm phân nửa dân số thế giới. Nếu không có hòa bình và công lý giữa hai cộng đồng tôn giáo này, trên thế giới sẽ không thể có được nền hòa bình có ý nghĩa. Tương lai của thế giới tùy thuộc vào hòa bình giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo”.
Được thiết lập từ hơn mười lăm năm nay, Uỷ ban Liên lạc này (CLNCM) đã được biết đến qua nhiều dự án khác nhau, chẳng hạn “Gia đình gặp gỡ gia đình” (sự kết nghĩa giữa hai gia đình Hồi giáo và Kitô giáo để hiểu rõ nhau hơn qua hành động xã hội) và “Bữa ăn tối nhận biết nhau” (một người Hồi giáo và một Kitô hữu được cám ơn vì đóng góp của họ vào việc hiểu biết nhau giữa tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo). Vào tháng 3/2015, CLNCM đã tổ chức một cuộc tọa đàm công cộng về “Các quyết định trong việc chăm sóc giờ phút cuối đời”, nhằm tạo dịp để các quan điểm của Hồi giáo và Kitô giáo cọ sát nhau.
Tập sách mỏng này của Hội đồng Giám mục Canada nằm trong khuôn khổ của một loạt sách có tên gọi “Một Giáo hội đối thoại”. Hai tập sách khác đã được xuất bản có nhan đề “Dấn thân đại kết của Công giáo”“Tiến tới việc tái lập sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu”.
Có thể tải về tập sách này tại trang web của Hội đồng Giám mục Canada:
 
 
Mai Tâm

ĐTC CẢNH BÁO CÁC HỆ LỤY TIÊU CỰC CỦA NẠN TÀN PHÁ MÔI SINH

ĐTC CẢNH BÁO CÁC HỆ LỤY TIÊU CỰC CỦA NẠN TÀN PHÁ MÔI SINH

ĐTC Phanxicô khích lệ các giới chức lãnh đạo dân sự toàn thế giới ý thức săn sóc môi sinh - RV
22/07/2015 15:45
VATICĂNG: ĐTC Phanxicô khích lệ các giới chức lãnh đạo dân sự toàn thế giới ý thức săn sóc môi sinh và đừng tàn phá thụ tạo, vì các hệ lụy tiêu cực đảo lộn cuộc sống con người.
ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến hàng trăm thị trưởng và giới chức lãnh đạo dân sự các thành phố lớn toàn thế giới, tham dự hai hội nghị về các đề tài “Nô lệ mới và các thay đổi khí hậu: dấn thân của các thành phố”, “Sự phong phú, các dân tộc và hành tinh”, do Hàn lâm việc các Khoa học và Khoa học xã hội Tòa Thánh tổ chức. Phát biểu buông trong buổi gặp gỡ mọi người tại phòng Thượng Hội Đồng Giám Mục trong nội thành Vaticăng chiều ngày 21 tháng 7 vùa qua ĐTC khẳng định rằng săn sóc môi sinh  có nghĩa là có một thái độ của môi sinh nhân bản. Không thể tách rời con người khỏi môi sinh, vì môi sinh bao giờ cũng toàn vẹn và liên quan tới con người. Sự quân bình trong tương giao hai chiều ấy vô cùng quan trọng, vì khi thiên nhiên bị khai thác tàn bạo không thương tiếc và bị đối xử tàn tệ, thì nó sẽ nổi loạn chống lại con người. Đó là điều tôi đã đề cập đến trong Thông điệp “Laudato si’”. Nó không phải là một thông điệp “xanh” như có người nói, mà là một thông điệp xã hội. Khi môi sinh không được săn sóc và các thành phố lớn lên qúa khổ, thì sẽ tao ra các khu xóm nghèo ổ chuột ven biên, nơi dân chúng không có cơ may tại đồng quê tìm về sinh sống. Nạn tôn thờ chế độ kỹ thuật ăn cướp công ăn việc làm và tạo ra cảnh thất nghiệp là tệ nạn ngày càng phổ biến hiện nay. Có những nơi có tới 40%, 47%, 50% người trẻ 25 tuổi trở lên thất nghiệp. Tương lai của họ là một bóng ma sinh ra biết bao nhiêu tệ nạn khác: buồn nản, nghiện ngập, tuyệt vọng vì cuộc sống vô nghĩa, tự tử, trở thành du kích quân hay chạy theo một lý tưỏng tiêu cực nào khác. Chế độ kỹ thuật trị, việc sử dụng các hóa chất trong các lãnh vực kỹ nghệ nông nghiệp khiến cho không khí và các nguồn nước bị nhiễm độc gây ra mọi thứ tật bệnh cho con người. Việc tàn phá hai vùng Amazzonia và Congo, là hai lá phổi lớn của thế giới, gây ra hiện tượng phá rừng và nạn di cư. Nạn di cư làm nảy sinh ra tệ nạn làm việc lậu, buôn bán người và nô lệ trong việc khai thác các quặng mỏ, dùng các khoáng chất tẩy lọc gây bệnh giết dân chúng. Bên cạnh đó là nạn khai thác tình dục trẻ em tại các nước có chiến tranh. Và chiến tranh cũng lã yếu tố gây ô nhiễm và tan phá môi sinh vv…
Thiên Chúa truyền cho con người phải săn sóc thiên nhiên. Khi con người không săn sóc thiên nhiên, nhưng chiếm đoạt nó, thì việc không vun trồng nó sẽ hủy diệt con người. ĐTC xin Chúa cho mọi người ý thức đuợc vấn đề tàn phá mà chính con người đang làm, khi không biết săn sóc môi sinh nhân bản và không có ý thức về môi sinh như món quà Thiên  Chúa ban cho, để biến cái không vun trồng ban đầu trở thành việc vun trồng, và dừng lại, để không biến việc vun trồng trở thành không vun trồng (SD 21-7-2015)
Linh Tiến Khải

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Máy bay trực thăng của Vatican: chở Đức giáo hoàng và cấp cứu trẻ em




Máy bay trực thăng của Vatican: chở Đức giáo hoàng và cấp cứu trẻ em
WHĐ (19.07.2015) – Một trong những bệnh viện nhi tốt nhất của châu Âu, Bệnh viện Bambino Gesù Roma, bây giờ có thể sử dụng máy bay trực thăng của Vatican để chuyên chở các bệnh nhân, nhân viên và trang thiết bị y tế trong các trường hợp cấp cứu.
Thỏa thuận này đã được bệnh viện và Phủ Thống đốc Nhà nước Vatican công bố hôm thứ Sáu 17 tháng Bảy vừa qua, và nằm trong sáng kiến sử dụng máy bay trực thăng trong khu vực vào các trường hợp cấp cứu.
Giám đốc Bệnh viện Bambino Gesù, bà Mariella Enoc, phát biểu: “Chúng tôi rất biết ơn Toà Thánh, Phủ Quốc vụ khanh và đặc biệtPhủ Thống đốc Nhà nước Vatican, với chính Đức giám mục Fernando Vergez AlzagaTổng thư ký Phủ Thống đốc, về cơ hội dành cho bệnh viện Bambino Gesù, và đặc biệt cho nhiều bệnh nhi trên khắp nước Ý cần chuyển gấp đến bệnh viện của chúng tôi
nói thêm: “Đây thật là một cử chỉ bác ái rất có ý nghĩa cho nhu cầu y tế cơ bản: sự gần gũi giữa Nhà nước Vatican và trụ sở của chúng tôi trên đồi Janiculum, trên thực tế, sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, góp phần cứu mạng nhiều trẻ em
Chiếc máy bay trực thăng đậu một sân nhỏ trong Vườn Vatican và thỉnh thoảng được dùng để chở các Đức giáo hoàng và các vị đứng đầu nhà nước khác trong các chuyến bay ngắn đi từ Vatican, và đến Castel Gandolfo, biệt điện nghỉ hè của giáo hoàng. Chiếc  trực thăng này được Đức giáo hoàng Phaolô VI sử dụng lần đầu tiên vào năm 1976.
Bambino Gesù là bệnh viện và trung tâm nghiên cứu nhi khoa lớn nhất ở châu Âu. Bệnh viện cung cách đón tiếp rất ân cần và coi trọng trẻ em, đồng thời hoạt động theo các nguyên tắc luân lý và đạo đức của đức tin Công giáo.
Bệnh viện được xây dựng năm 1869 và là bệnh viện nhi lâu đời nhất ở Italia. Bệnh viện thuộc sở hữu của Toà Thánh và thường được gọi là Bệnh viện của Đức giáo hoàng. Bambino Gesù cũng phục vụ trẻ em trên khắp thế giới. Đức Thánh Cha là một người rất quen thuộc ở bệnh viện này, các trẻ em có thể viết thư cho ngài được biết nhiều điều về Đức Thánh Cha: những lời ngài giảng, quê hương của Đức Thánh Cha và đội bóng đá mà ngài yêu thích… 
Hồi tháng Mười Hai 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm bệnh viện nhân dịp lễ Chúa Giáng sinh, sau khi được các em ở đây gửi tặng các tranh vẽ và xin ngài đến thăm chúng. Các Đức giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI cũng đều đã đến thăm Bambino Gesù. Trong lần đầu tiên đến thăm bệnh viện này hồi tháng Chín năm 2005, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói ngài đến để làm chứng rằng Chúa Giêsu yêu thương các trẻ em
Năm 2010, các bác sĩ của Bệnh viện Bambino Gesù đã thực hiện ca ghép tim nhân tạo vĩnh viễn đầu tiên trên thế giới cho một bé trai 15 tuổi, và từ năm 2013 đã tiến hành nghiên cứu về một bệnh tim hiếm gặp.
(Theo CNA)
 
Minh Đức

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

CHẠNH LÒNG THƯƠNG (19.7.2015 – Chúa nhật 16 Thường niên, Năm B)


CHẠNH LÒNG THƯƠNG 
Lời Chúa: Mc 6, 30-34
Sau khi giảng dạy lần đầu tiên trở về, các Tông đồ tụ họp chung quanh Ðức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, các ngài xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Suy nim:
Sau một cuộc hành trình truyền giáo,
các tông đồ phấn khởi trình bày cho Ðức Giêsu
những gì mình đã làm và đã dạy.
Ðức Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn công việc.
Ngài biết các tông đồ giờ đây cần gì.
Họ cần một chút nghỉ ngơi cho thân xác.
Họ cần một chút riêng tư, trầm lắng cho tâm hồn,
để nhìn lại phía sau, để nhìn về phía trước,
để tách mình ra khỏi công việc bề bộn nơi đám đông,
để sống tình thầy trò ấm áp.
“Hãy đi riêng ra, đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút”.
Chỉ cần một chút thôi, năm phút, mười phút...
Ai trong chúng ta cũng cần một chút lặng lẽ mỗi ngày,
để trở lại chỗ sâu nhất của lòng mình,
để nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa.
Cần tìm một chỗ lặng lẽ trong nhà,
để tôi có thể ngồi với tôi, trước nhan Chúa.
Cuộc sống hôm nay không để cho ta một chút nghỉ ngơi.
Các tông đồ cũng bị cuốn vào cơn lốc của công việc.
Cần phải phấn đấu để có được một chút mỗi ngày.
Một chút lắng sâu đủ nuôi cả ngày.
Một chút êm ả khi ta đã làm mình rỗng không
khỏi bao điều đã nghe và thấy, đã nói và ước mơ.
Phải xuống thuyền để đi đến nơi nghỉ ngơi.
Phải ra khỏi chỗ mình đang sống.
Thầy trò đã lên thuyền, nhưng kế hoạch bất thành.
Có lẽ vì ngược gió nên thuyền đi chậm.
Một số người đã chạy đến trước nơi Thầy trò sắp ghé vào.
Ðức Giêsu sững sờ khi thấy đám đông.
Những bước chân nôn nao, hối hả của họ
đã khiến Ngài rung động tận cõi lòng.
Ngài biết họ cần Ngài và Ngài thương họ.
Cái cần của tập thể thật cấp bách
đến nỗi nhu cầu chính đáng của cá nhân phải hy sinh.
Ðức Giêsu mang trái tim của người mục tử nhân hậu,
nhói đau trước sự bơ vơ của đoàn chiên.
Bơ vơ là tâm trạng của con người mọi thời,
nhất là của người trẻ hôm nay.
Bơ vơ khi bị ném vào cuộc đời lọc lừa, xảo trá.
Bơ vơ khi bị nghiền nát bởi những thủ đoạn gian manh.
Bơ vơ khi bị sa sảy, không sao đứng lên được.
Bơ vơ khi những thần tượng lần lượt tan vỡ.
Bị bơ vơ dẫn đến chán chường và buông trôi,
mặc cho mình bị kéo vào những cái bẫy nghiệt ngã.
Làm thế nào để người bạn trẻ gặp được Giêsu,
để lấy lại niềm tin, để tìm được hướng sống,
để vững vàng bình an giữa sóng gió cuộc đời.
Tôi phải giới thiệu Ðức Giêsu cho người khác,
nhưng tôi cũng phải trở thành một Giêsu gần gũi
để đến với những ai bơ vơ quanh tôi.
Cầu nguyn:

Giữa những ồn ào của đám đông,
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại,
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng,
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó,
trầm lắng và bình an.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ