label

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

TỪ TRÁI TIM CTON NGƯỜI (30.8.2015 – Chúa nhật 22 hường niên, Năm B)


TỪ TRÁI TIM CON NGƯỜI 
Lời Chúa: Mc 7, 1-8.14-15.21-23
Hôm ấy, có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Ðức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.
Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Ðức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.
Sau đó, Ðức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”.
Suy nim:
Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một chuyện nhỏ,
chuyện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn.
Ðối với người Pharisêu, sau khi ra nơi phố chợ,
người ta thường trở nên ô uế do đụng chạm.
Phải rửa tay, vì tay ô uế làm đồ ăn ô uế,
và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ô uế.
Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định:
“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người
lại có thể làm cho con người ra ô uế” (c.15).
Khẳng định này là một cuộc cách mạng trong Do Thái giáo,
bởi lẽ đời sống người Do Thái bị bao vây bởi nhiều cấm kỵ:
không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt;
không được đụng vào xác chết, vào người phong cùi;
không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi...
Ðụng vào hay ăn vào là ô uế ngay.
Ðức Giêsu đã phạm nhiều điều cấm kỵ,
đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu - người tốt,
dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do...
Ngài hồn nhiên đến với những người bị coi là ô uế
để làm họ nên sạch.
Thật ra Ðức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay,
nhưng Ngài thấy nó có vẻ giả hình
vì người ta chẳng để ý đến chuyện tẩy rửa trái tim.
Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện,
tránh khỏi phải rửa tâm hồn là điều khó hơn.
Ðức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự
lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống.
Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái tim mỗi người.
Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong ra.
Ngài kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ trái tim,
ý định xấu dẫn đến hành động không đẹp (cc.21-22).
Cần trở về với trái tim của mình.
Ðó không phải là một cuộc dạo chơi,
nhưng là một thách đố dám nhìn cái tôi sau lớp mặt nạ.
“Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31).
Ðó là lệnh truyền của Ðức Chúa,
nhưng con người chẳng thể tự mình thay tim.
“Ta sẽ thanh tẩy các ngươi.
Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25tt).
Ðổi được trái tim là đổi được tất cả.
Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở Hội Thánh.
Truyền thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết,
nhưng không được quên điều cốt tủy của luật Chúa là yêu thương.
Tôn kính Thiên Chúa qua phụng vụ là điều phải làm,
nhưng phải đặt trái tim và cuộc sống mình trong đó.
Chúng ta vẫn có thể lẫn lộn cái chính với cái phụ.
“Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ” (c.14).
Ðó là lời Ðức Giêsu nhắn nhủ đám đông ngày xưa
và chúng ta hôm nay.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Tại sao Giáo hoàng quan trọng?

Tại sao Giáo hoàng quan trọng?


Khoảng gần 1triệu rưỡi người sẽ dự thánh lễ với Giáo hoàng Phanxicô, ngày 27 tháng 9, đỉnh điểm của Đại hội Gia đình Thế giới ở Philadelphia. Con số rất đông những người quy tụ đã tạo nên một từ mới là ‘Popeapocalypse’ [ngày tận thế kiểu giáo hoàng]
 
Các đại học đóng cửa, người hành hương ngủ trong các túi ngủ chờ sẵn nơi Vườn Bách thú Philadelphia, vé tàu giờ như chuyện xổ số, và các phụ nữ sắp đến ngày sinh dự định phải dời đến các thành phố khác – tất cả đều là dự liệu cho ngày giáo hoàng Phanxicô công du đến đây.
 
Không có một lãnh đạo chính trị, tôn giáo, hay giải trí nào còn sống ngày nay có thể có được sự hưởng ứng như của giáo hoàng, và đây thật khiến nhiều người vò đầu gãi tai hỏi tại sao?
 
Tại sao giáo hoàng lại có tầm quan trọng đến vậy?
 Ngài là một Lãnh đạo Chính trị Xuyên Quốc gia
 
Là thủ lãnh của Giáo hội Công giáo La Mã, giáo hoàng giữ một vị trí mà không một lãnh đạo tôn giáo nào có được. Hầu hết các tôn giáo lớn đều không có cơ cầu phẩm trật nhìn nhận rõ ràng một lãnh đạo hiện thể toàn bộ truyền thống, như kiểu giáo hoàng trong Công giáo. Giáo hoàng là đầu của một tổ chức xuyên quốc gia có tính cố kết, đã tồn tại suốt gần 2000 năm. Giáo hội có một chuỗi nối kết từ Vatican đến tận các giáo xứ địa phương, có thể truyền đạt thông tin, tư tưởng và cả của cải vật chất đi khắp thế giới.
 
Ngược lại, các tôn giáo khác hầu như phân mảnh thành nhiều phái khác nhau, với các lãnh đạo khác nhau. Và thậm chí nếu các tôn giáo khác có tồn tại hàng phẩm trật, như trong Anh giáo, thì con số cũng không thể sánh được với 1.2 tỷ người Công giáo La Mã.
 
Tác động của Giáo hội Công giáo còn tăng thêm vì vị thế của Vatican, một thành quốc độc lập, bang giao với các quốc gia trên toàn thế giới. Là lãnh đạo của Vatican, nên khi đến thăm một quốc gia, giáo hoàng không chỉ là một lãnh đạo tôn giáo, nhưng là một nguyên thủ. Điều này khiến cho giáo hoàng khác với hầu hết các lãnh đạo khác, dù là bên đạo hay bên chính trị, không kể các vị trí mang tính thuần nghi lễ, như của nữ hoàng Anh quốc, vừa là lãnh đạo danh nghĩa của Giáo hội Anh giáo, vừa là lãnh đạo của Khối Thịnh vượng chung, nhưng lại không có mấy ảnh hưởng. Ngược lại, giáo hoàng là thẩm quyền hiển hiện của các tước này, và ngài có thể gây ảnh hưởng trong vai trò của mình.
 
Giáo hội Công giáo không chỉ có tầm xuyên quốc gia, nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, Giáo hội có một vai trò đầy ảnh hưởng đối với đời sống dân sự và chính trị. Các giáo hội địa phương này được lãnh đạo bởi các giám mục, tổng giám mục, và hồng y bản tại, tất cả đều được giáo hoàng chỉ định và chịu trách nhiệm trước mặt ngài. Điều này nghĩa là những ưu tiên hàng đầu và chú tâm của giáo hội Công giáo địa phương, chịu ảnh hưởng nhiều từ những người đứng đầu do chính giáo hoàng sắp đặt.
 
Ngài có một Tầm Ảnh hưởng Tôn giáo Quốc tế
 
Ngoài uy thế chính trị và ngoại giao, quyền lực mềm của giáo hoàng còn ấn tượng hơn nữa. Với một phần lớn nhân loại, suốt 2 thiên niên kỷ, Giáo hội Công giáo đã là đường dẫn đến với Thượng Đế, và đã đem lại câu trả lời cho các câu hỏi về một đời sống ý nghĩa và đạo đức là thế nào.
 
Là đầu của Giáo hội Công giáo La Mã, thẩm quyền của giáo hoàng gắn với thánh Phêrô, một trong các tông đồ của Chúa Giêsu, và được Giáo hội Công giáo xem là giáo hoàng đầu tiên. Các tuyên bố của giáo hoàng có sức nặng và ngài có tác động lớn trên nhận thức của người Công giáo về sự thánh thiện, ví dụ như ngài có vai trò then chốt trong việc quyết định phong thánh. Giáo hoàng là đại diện cao nhất của Giáo hội Công giáo với các truyền thống đức tin khác, cho dù đó là các phái cùng trong Kitô giáo, các tôn giáo khác, hay thậm chí là thế giới thế tục.
 
Những tuyên bố và hoạt động của giáo hoàng không chỉ được truyền tải trên các kênh Công giáo, nhưng còn là mục tiêu chú ý của truyền thông và được theo sát chặt chẽ. Khi giáo hoàng nói về Tin mừng Kitô, như trong ngày thứ tư tiếp kiến chung hay buổi đọc kinh Truyền tin ngày chúa nhật tại quảng trường thánh Phêrô, hay bằng các tông thư và những tài liệu ít chính thức hơn, thì ngài thường liên hệ thông điệp thiêng liêng và tôn giáo này không chỉ với sự cứu rỗi và đạo đức riêng của mỗi người, nhưng còn là với các vấn đề xã hội và đời sống chính trị. Điều này thường khơi lên các lập trường hay tranh cãi ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới và trong các sự kiện quốc tế lớn.
 
Do bởi uy quyền tột cùng của cương vị giáo hoàng, nên bất kỳ giáo hoàng nào cũng đều quan trọng. Tuy nhiên, khi cương vị này được nắm giữ bởi một người như giáo hoàng Phanxicô, thì tầm quan trọng còn hơn nữa.
 
Ngay từ lúc tân giáo hoàng ra mắt đám đông ở quảng trường thánh Phêrô, và danh hiệu ngài chọn được công bố, PHANXICÔ, thì tinh thần mọi chuyện đều có thể đang lan rộng suốt Giáo hội Công giáo La Mã.
 
Triều giáo hoàng đặc biệt của Giáo hoàng Phanxicô
 
Đức Phanxicô đã trở thành một trong những nhân vật phi thường nhất thế kỷ XXI. Ngay từ đầu, khi ngài từ chối Dinh thự Tông Đồ để ngụ lại một nhà khách mở đơn sơ, khi ngài dùng một chiếc Hyundai thay vì xe Mercedes, và khi ngài tuyên bố rằng ngài những ước mong một giáo hội nghèo và vì người nghèo, thì Đức Phanxicô đã chiếm lĩnh các mặt báo, với những lời nói việc làm đầy kinh ngạc của ngài.
 
Trong vòng một năm đầu triều, Giáo hoàng đã cử hành Phụng vụ Thứ năm Tuần thánh bằng việc rửa chân cho các tù phạm, có cả phụ nữ và người Hồi giáo, rồi ngài nói rằng người vô thần có thể được cứu rỗi, ngài cho rằng giáo hội đã sa đà quá nhiều về hôn nhân đồng tính và phá thai, ngài khiển trách bộ máy quan liêu đang mang bệnh Alzheimer tinh thần, ngài tuyên bố thị trường tài chính toàn cầu đang ‘áp bức người nghèo’ và tất nhiên, là có cả câu trả lời đầy thâm thúy của ngài về những người đồng tính: ‘Tôi là ai mà phán xét?’
 
Ngài đã dùng cương vị của mình để đặt biệt nêu bật cảnh ngộ của các di dân, những người vô gia cư, người nghèo, vấn đề hòa bình Trung Đông, nạn bách hại các Kitô hữu, và mới nhất là vấn đề đạo đức môi sinh trong tông thư ‘Laudato Si’
 
Giáo hoàng chiếm lĩnh mặt báo, nhưng những ưu tiên hàng đầu của ngài phát tiết trong nền chính trị và xã hội thế giới.
 
Giáo hoàng chính là người đã góp phần hàn gắn quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, hai quốc gia ngài sẽ viếng thăm trong chuyến công du sắp đến, vang vọng lại hành động của thánh Gioan Phaolô II, người đã tác động để phá vỡ Bức màn sắt bằng chuyến công du về quê hương Ba Lan hồi 1979, khi có đến 2 triệu người quy tụ chào đón giáo hoàng đầu tiên đến một nước cộng sản.
 
Ở Hoa Kỳ, câu ‘Tôi là ai mà phán xét?’ của Giáo hoàng Phanxicô được thượng nghị sỹ Công giáo bang Illinos trích lại trong thảo luận bỏ phiếu cho hôn nhân đồng tính hồi năm 2013. Ngược lại, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, Jeb Bush lại bẻ lại các tuyên bố của Đức Phanxicô về môi trường và kinh tế. ‘Tôi không điều chỉnh chính sách kinh tế theo các giám mục, hay hồng y, hay giáo hoàng của tôi.’
 
Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng đầu tiên nói chuyện với Lưỡng viện Hoa Kỳ, và chắc chắn sẽ đưa ra những thách thức với các nhân vật chính trị của cả hai đảng. Dường như chuyến công du của giáo hoàng và các lời nói của ngài sẽ được dẫn chứng trong các vòng bỏ phiếu sơ bộ và chung để bầu tổng thống.  Thật khó để chỉ ra được một nhân vật nào khác, thẳng thắn về các vấn đề môi trường, kinh tế và nhập cư hơn Giáo hoàng Phanxicô.
 
Ngài giúp cải tổ Giáo hội Công giáo
 
Bên trong Vatican, Đức Phanxicô đã và đang tích cực cố gắng cải tổ và ‘dọn dẹp’ Giáo triều cũng như ngân hàng Vatican. Sự hiệu quả của ngài trong các nỗ lực này, cũng như trong việc giải quyết những mảnh đời bị xâm hại do các giáo sỹ, được mọi người theo dõi sát sao. Trong khi nhiều người lo rằng nhịp độ cải tổ vẫn còn chậm, thì có vẻ như dưới thời Đức Phanxicô, giáo hội đang có một bộ khung đúng đắn, và bắt đầu đi theo đường hướng đúng, nhất là trong bộ phận ngân hàng.
 
Như đã nói ở trên, giáo hoàng có quyền khá là tuyệt đối trên hàng giáo phẩm giáo hội. Một phần trách nhiệm của ngài là chỉ định các hồng y mới, những người về sau sẽ bỏ phiếu bầu giáo hoàng, cũng như chỉ định và thay thế các giám mục và tổng giám mục, những người lãnh đạo giáo dân Công giáo trên các quốc gia toàn thế giới. Đức Phanxicô đã dùng uy quyền của mình để mở rộng sự hiện diện và sức mạnh của nam bán cầu, bằng cách chỉ định nhiều hồng y đến từ các vùng nghèo nhất trên thế giới. Ngài cũng sắp xếp lại vai trò của hàng giáo sỹ lãnh đạo ở Hoa Kỳ, và cất nhắc một vài nhân vật ôn hòa trong hàng lãnh đạo, cũng như nhanh chóng giáng chức giám mục Tebartz-van Elst ở Đức vì chi tiêu hoang phí.
 
Một trong những biến đổi đáng chú ý nhất dưới thời Đức Phanxicô, là về địa hạt truyền thông xã hội. Bậc tiền nhiệm của ngài cũng dùng Twitter, với tên @Pope2YouVatican, và bị Jon Stewart giễu cợt trong chương trình của mình. Bây giờ thì không có chuyện đó nữa. Dưới thời Đức Phanxicô, tài khoản Twitter của ngài được tăng sức nặng với tên @Pontifex, với nhiều thứ tiếng (kể cả La Tinh) và Đức Phanxicô chính là một trong những người có ảnh hưởng nhất trên Twitter suốt 2 năm qua.
 
Tuy nhiên, chính sự hiện diện đời thực của giáo hoàng mới thực sự cho thấy ngài có tầm quan trọng đến thế nào.
 
Trong các buổi hội kiến riêng, hay trước 3 triệu người ở Rio, thì tinh thần mục tử khiêm nhượng, nồng ấm của Đức Phanxicô đều được đồng hưởng từ mọi người, dù là Công giáo hay không Công giáo. Trong thế giới này, nơi cả người có đạo và không có đạo đều đang đói khát một tâm thức nối kết, đang khao khát làm rõ vấn nạn bất bình đẳng, và thiết tha làm việc vì một thế giới có tình, hòa bình, và công bằng hơn, thì những lời nói và hành động của Giáo hoàng thực sự rất quan trọng.
 
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 25.08.2015/
The Huffington Post – Paul Brandeis Raushenbush – 08/20/2015)

Thư mục vụ của ĐGM giáo phận - tháng 9 năm 2015

Thư mục vụ của ĐGM giáo phận - tháng 9 năm 2015


GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
TÂN PHÚC ÂM HÓA CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ TÁI RAO GIẢNG TIN MỪNG TIẾN TỚI SỰ HOÁN CẢI  
 
Anh chị em thân mến
Các Giám mục chúng tôi xin gửi đến anh chị em lời chào chúc bình an của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.  Tiếp nối thư mục vụ tháng 8 về chương trình mục vụ nhấn mạnh đến công tác huấn luyện giáo dân, thư mục vụ tháng 9 nhấn mạnh đến việc tái rao giảng Tin Mừng cho các tín hữu không còn tích cực thực hành đức tin. Vì thế, thư mục vụ tháng 9 có chủ đề “Tân Phúc Âm Hóa Cộng Đoàn Giáo Xứ Với Sinh Hoạt Tái Rao Giảng Tin Mừng Tiến Tới Sự Hoán Cải”.
 
Trước hết toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong giáo phận cần luôn ý thức rằng ưu tiên chọn lựa trong sứ vụ của Chúa Giêsu là “đến với chiên lạc con cái nhà Israel” (Mt 10,6). Điển hình như trường hợp của tông đồ Matthêu (Mt 8,9-13), của ông Giakêu (Lc 19,1-10), người phụ nữ Samaria (Ga 4,1-42).
 
Theo các bài trình thuật của Tin Mừng, bước đầu tiên thực hiện sứ vụ tái rao giảng Tin Mừng là Chúa Giêsu đã đi bước trước đến gặp gỡ con người. Chúa đến gặp họ ngay tại môi trường sống của họ. Chúa gặp ông Giakêu khi ông đang ở trên cây sung và được tiếp đón vào nhà của ông. Chúa gặp người phụ nữ Samaria tại bờ giếng, nơi mà hàng ngày chị đến múc nước. Chúa gặp ông Matthêu tại bàn thu thuế, và đã đồng bàn với ông cùng các bạn thu thuế của ông tại nhà ông.
 
Chúa đến gặp gỡ để đưa họ vào cuộc đối thoại. Đối với ông Giakêu, đây là lời ngỏ ý muốn thăm nhà ông và ông đã đáp lại bằng nhiệt tình tiếp đón Chúa. Đối với tông đồ Matthêu, đây là lời mời gọi “hãy theo Ta”, và ông đã lập tức rời bỏ bàn thu thuế và gia nhập nhóm 12 tông đồ. Riêng trường hợp của người phụ nữ Samaria là một cuộc đối thoại dài về những vấn đđề nhân sinh của con người và bà đã tìm lại được chính mình. 
 
Kết quả của cuộc gặp gỡ đối thoại là sự hoán cải và biến đổi bản thân. Ông Giakêu quyết tâm sống một cuộc sống công bình và bác ái. Người phụ nữ Samaria trở thành môn đệ và loan truyền niềm tin của mình cho những người đồng hương. Và ông Matthêu rời bỏ bàn thu thuế để trở thành tông đồ bước theo Chúa.
 
Đây là mô hình tái rao giảng Tin Mừng bằng sự tháp tùng thiêng liêng. Có 4 đặc điểm trong sự tháp tùng của Chúa Giêsu. Thứ nhất, đây là nền giáo dục đức tin dựa trên sự cảm thông, tình bác ái, và lòng thương xót. “Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ”. Thứ hai, nền giáo dục đức tin này tập trung vào mối tương quan của con người với Chúa và với anh em. “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải lưu lại tại nhà ông”. Thứ ba, nền giáo dục đức tin này nhằm giúp con người biết cách nhìn về những vấn đề căn bản của con người với đức tin. “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”. Và thứ tư, nền giáo dục này nhằm biến đổi con người thành môn đệ của Chúa Giêsu. “Chị hãy gọi chồng chị, rồi hãy trở lại đây”.
 
Sự tháp tùng thiêng liêng để tái rao giảng Tin Mừng là một công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng cần nhiều kiên nhẫn và sáng kiến của con người để phát hiện những thiện chí qua những dấu chỉ thống hối và sự biến đổi. Dấu chỉ thống hối và sụ biến đổi từng bước được thực hiện qua 4 tác động. Một là sự thừa nhận tình trạng tội lỗi của mình và đồng thời tin tưởng vào lòng xót thương của Thiên Chúa và của Hội Thánh. Hai là cử hành tâm tình thống hối và sự hoán cải trong bí tích Giải Tội, để giao hòa với Chúa và với anh chị em. Ba là với trải nghiệm của sự tha thứ và đón nhận, người hoán cải sống tình yêu trong tương quan với Chúa và với anh chị em. bốn là thi hành sứ vụ xây  dựng Nước Thiên Chúa bằng sự chia sẻ cảm nghiệm về tình yêu xót thương của Thiên Chúa dành cho mình.
 
Một cách cụ thể, giáo phận Long Xuyên được mời gọi thực hiện công cuộc tái rao giảng Tin Mừng với các đề nghị sau đây:
1- Trước hết, các linh mục phụ trách các cộng đoàn tín hữu, với đức ái mục tử, sẽ noi gương Thầy Chí Thánh, thực hiện chương trình thăm viếng các gia đình giáo dân trong cộng đoàn. Thực hiện điều này, các linh mục là hiện thân của Chúa Kitô đi bước trước đến gặp gỡ giáo dân ngay trong môi trường sống của họ. Ngoài ra, các linh mục cũng cần sẵn sàng tiếp đón giáo dân khi họ cần sự hướng dẫn, nhất là những hướng dẫn thiêng liêng, của người mục tử.  Ở đây, các mục tử dùng Lời Chúa để đưa ra những giải pháp cho những vấn đề của người giáo dân. Nhất là, các linh mục luôn sẵn sàng và quảng đại trao ban bí tích hòa giải cho giáo dân. Ở đây, các linh mục là người cha tiếp đón những người con của Thiên Chúa trở về.
 
2- Kế đến, mọi người trong cộng đoàn Kitô hữu, giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, với tình huynh đệ trong gia đình của Thiên Chúa, noi gương cộng đoàn Giáo Hội thời sơ khai, luôn cởi mở và tiếp đón mọi người. Mọi người đều có trách nhiệm xây dựng cho cộng đoàn một bầu khí yêu thương, kính trọng, cảm thông, và đồng hành. Thiết yếu phải là trong cộng đoàn này, không một người nào bị kết án và bị loại trừ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã than: “Tôi rất đau lòng khi thấy một số cộng đoàn Kitô hữu, thậm chí cả những người thánh hiến, có thể dung dưỡng những hình thức thù nghịch, chia rẽ, vu khống, nói xấu, oán thù, đố kỵ và ước muốn áp đặt một số ý tưởng bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng các hành động bách hại giống như những cuộc săn lùng phù thủy thực sự” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 100).
 
3- Lời tuyên xưng “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế” cần phải được thực hành trong các cơ cấu, tổ chức, sinh hoạt cũng như những quy định luật lệ của cộng đoàn giáo xứ giáo họ. Tái rao giảng Tin Mừng là một lời mời gọi vượt ranh để chúng ta đến với anh chị em mình đang ở vùng ngoại biên cộng đoàn. Đây cũng là thái độ mở rộng cửa để đón nhận anh chị em trở về với cộng đoàn, và cùng nhau đến với Chúa và thi hành sứ vụ của Hội Thánh trong thế giới hôm nay.
 
Các con thiếu nhi yêu quý!
Tết Trung Thu năm nay vào Chúa Nhật 27.9. Các Đức Cha dâng tập thể thiếu nhi cho Thiên Chúa tình yêu. Xin gửi đến chúng con phúc lành của Hội Thánh. Cầu chúc chúng con được hưởng trọn hạnh phúc của tuổi thơ.
+ Giuse Trần Văn Toản                             + Giuse Trần Xuân Tiếu
Giám Mục Phụ Tá                        Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên
 

Bốn quốc gia sẽ nắm vai trò chủ động trong Đạo Công Giáo Thế Kỷ 21

Bốn quốc gia sẽ nắm vai trò chủ động trong Đạo Công Giáo Thế Kỷ 21


 
Giáo hội Hàn Quốc
Năm 2001, Jim O’Neill của Goldman Sachs tạo ra kiểu nói “Các Quốc Gia BRIC” để chỉ các nước Brazil (Ba Tây), Russia (Nga), India (Ấn Độ) và China (Trung Hoa), là các nước được người ta cho sẽ là các siêu cường mới của địa cầu. Hiện nay, kiểu nói đó đã được biến thành BRICS để thêm vào South Africa (Nam Phi).
 
O’Neill và nhiều người khác, mới đây, còn thêm kiểu nói các quốc gia MINT để chỉ các quốc gia Mexico (Mễ Tây Cơ), Indonesia (Nam Dương), Nigeria và Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) vì cả mấy quốc gia này cũng đang trở thành những tay chủ chốt đang mọc lông mọc cánh trong bàn cờ kinh tế và chính trị hoàn cầu.
 
Trong tinh thần ấy, nhà báo John Allen đề xuất kiểu nói các quốc gia PINS để chỉ các cộng đồng Công Giáo chủ chốt trên thế giới trong tương lai, đó là Philippines (Phi Luật Tân), India (Ấn Độ), Nigeria và South Korea (Nam Hàn). Tại bốn nước này, tương lai của Đạo Công Giáo thế kỷ 21, nhất là đối với những người nói tiếng Anh, đang ló dạng.
 
Tại cả 4 quốc gia nói trên, tiếng Anh đều giữ vai chủ chốt và tổng số người Công Giáo lên tới 130 triệu người, trong đó, 80.2 triệu người Công Giáo Phi, 19.7 triệu người Công Giáo Ấn, 25.5 triệu người Công Giáo Nigeria, và 5.3 riệu người Công Giáo Nam Hàn.
 
Tổng số người Công Giáo của bốn quốc gia nói trên gộp lại lớn hơn tổng số người Công Giáo của Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Anh, Úc, và Tân Tây Lan gộp lại mà truyền thống vốn coi là cái nôi của Đạo Công Giáo nói tiếng Anh. Và các tuyến xu thế đang chuyển vần theo hướng ngược lại: trong khi đức tin của nhóm sau đang chao đảo, thì đức tin của nhóm trước đang phát triển rầm rộ.
 
Cả bốn quốc gia trên đều có một nền kinh tế đang lớn mạnh, dù khác nhau về mức độ phát triển, một ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn lao hơn, và một số người khá lớn di dân ra khắp thế giới. Cùng với cánh tay vươn dài ra khắp thế giới ấy, lối sống Đạo Công Giáo của họ cũng đang được biểu lộ ở khắp mọi nơi.
 
Hoa Kỳ là một điển hình. Càng ngày nước này càng lệ thuộc các linh mục xuất thân từ ngoại quốc để giữ cho Giáo Hội tại đây sống còn; hàng năm, nước này tiếp nhận khoảng 300 linh mục ngoại quốc. Tại nhiều giáo phận Hoa Kỳ, nếu phải để các linh mục Phi, Ấn, Nigeria và Đại Hàn về nước của họ, thì có lẽ Giáo Hội ở đây phải yêu cầu vị cuối cùng tắt đèn trước khi ra đi vì đã đến lúc “hết làm ăn” được rồi.
 
Dưới đây là mấy dòng cho thấy mỗi quốc gia trong bốn quốc gia trên trở thành chủ yếu ra sao đối với Đạo Công Giáo thế kỷ 21.
 
Phi Luật Tân
 
Phi Luật Tân là quốc gia Công Giáo lớn thứ ba trên thế giới, và có lẽ là xã hội thấm nhập Đạo Công Giáo bậc nhất. Hơn 80 phần trăm dân số là Công Giáo, với trình độ đức tin và thực hành vượt xa các tiêu chuẩn Tây Phương.
 
Dù sao, chúng ta cũng đang nói tới một nước mà mỗi trung tâm buôn bán đều có nhà nguyện và thành phố nào cũng có những bảng chỉ dẫn viết đại khái: “Nên lưu ý: Các Thánh Lễ và Buổi Cầu Nguyện đang Luôn Luôn Diễn Ra”.
 
Ngày nay, tại rất nhiều nơi trên thế giới, người Phi Luật Tân tạo nên nhóm người dấn thân hơn cả trong số giáo dân Công Giáo tại đó. Như tại Saudi Arabia chẳng hạn, hiện có tới 1.5 triệu người Công Giáo mà phần đông là người Phi Luật Tân, xa quê hương, đang làm việc trong kỹ nghệ dầu hỏa hay trông nom việc nhà.
 
Phi Luật Tân hiện cũng đứng hàng 30 trong số các nước đứng đầu thế giới về kinh tế, dù hố phân cách giầu nghèo vẫn còn rất lớn. Nhưng nó cũng là nơi chủ nghĩa duy tục và sự đa dạng trong lối sống đang xuất hiện một cách dồn dập. Thành thử, Phi Luật Tân có cơ hội trở thành nơi trong đó, vai trò mới trong khung cảnh xã hội đa nguyên và thế tục sẽ được lên khuôn cho Giáo Hội.
 
Ấn Độ
 
Người Công Giáo chỉ chiếm 1.6 phần trăm dân số Ấn Độ, nhưng nước này dù rất lớn vẫn đang bức xúc với con số đáng kể gần 20 triệu người Công Giáo. Số người Công Giáo này lại đang có một khuôn mạo xã hội “quá khổ” (outsized) tại Ấn Độ, một phần vì hệ thống to lớn gồm nhiều trường học và dịch vụ xã hội của họ, và phần khác, vì sự sùng kính công cộng đối với Mẹ Têrêxa, vị thánh đã thành huyền thoại của người nghèo.
 
Song song với Trung Hoa, Ấn Độ là một trong các siêu cường đúng nghĩa của Á Châu, nhất là trong lãnh vực tiến bộ kinh tế nhanh chóng của nó. Phân tích gia tài chánh Nicholas Varney nói về sự biến đổi của Ấn Độ như sau: “Trong thập niên 1970, trẻ em tại Hoa Kỳ được dạy phải ăn hết thực phẩm trong đĩa ăn của chúng vì người ta đang chết đói tại Ấn Độ. Ngày nay, chúng được dạy phải làm xong bài làm ở nhà vì trẻ em bên Ấn Độ đang học hành chăm chỉ hơn và sẽ lấy hết việc làm của chúng”.
 
Ngoài cơ hội giúp điều hướng việc phát triển của một cường quốc mới của hành tinh, Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ có thể đóng một vai trò chủ yếu ít nhất trong hai phạm vi sau:
 
1. Đa số dân chúng là người Dalit, nghĩa là người “không thể đụng tới” theo hệ thống đẳng cấp cũ, và người “bộ lạc” nghĩa là thành viên các cư dân nguyên thủy của xứ sở. Cả hai nhóm này đều rất nghèo và bị đẩy qua bên lề; điều này có nghĩa người Công Giáo Ấn Độ có cơ hội khai triển một dịch bản Á Châu cho nền “thần học giải phóng”, có tiềm năng tránh được các thái quá ý thức hệ từng ngăn cản không cho phong trào thần học này phát triển trong Đạo Công Giáo Mỹ Châu La Tinh trước đây.
 
2. Các Kitô hữu Ấn Độ thường xuyên bị sách nhiễu và bách hại; tình thế này càng có cơ nguy hại hơn với một chính phủ do những người Ấn Giáo duy quốc gia đầy nhiệt tình lãnh đạo. Ấy thế nhưng, Ấn Độ cũng là nền dân chủ lớn nhất trên thế giới và là một quốc gia tự hào với gia tài hợp hiến trong tư cách một quốc gia thế tục; điều này có nghĩa người Công Giáo Ấn Độ có thể giúp hướng dẫn đất nước trong việc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số. Vào lúc này đây, khi việc bách hại tôn giáo đang là một thách thức có tính hoàn cầu, điều vừa nói quả là một điển hình có giá trị.
 
Nigeria
 
Nigeria là quốc gia lớn nhất của Phi Châu ít nhất về ba phương diện: dân số, kinh tế, và mức sản xuất dầu hỏa. Nước này ý thức rất rõ vai trò một lực lượng vùng và cả hoàn cầu nữa của mình, trong cả việc lãnh đạo Công Giáo lẫn thành phần ưu tú của nó về chính trị và kinh tế.
 
Hiện nay, có 25 triệu người Công Giáo tại Nigeria, nhưng phối hợp các ước tính của Liên Hiệp Quốc về mức gia tăng dân số nói chung với tỷ lệ người lớn trở lại đạo trên trung bình, người ta cho rằng sẽ có khoảng 50 triệu người Công Giáo tại Nigeria vào năm 2050. Sự gia tăng này sẽ biến Nigeria thành nước Công Giáo lớn thứ 7 trên thế giới, vuợt cả Ý lẫn Pháp.
 
Nigeria tự hào có 7 chủng viện Công Giáo với trung bình từ 400 tới 500 người trẻ ghi danh học làm linh mục. Chủng Viện Bigard ở đông nam Nigeria, với sĩ số hơn 1,000 chủng sinh, được coi là chủng viện Công Giáo lớn nhất thế giới.
 
Mà không chỉ đúng với Công Giáo: với 19 triệu tín đồ, Nigeria có nhiều tín hữu Anh Giáo hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, trừ Anh Quốc nơi số tín hữu là 26 triệu. Ấy thế nhưng, vì các dị biệt về mức xác tín và hoạt động tôn giáo giữa Nigeria và Anh Quốc, người ta hầu như chắc chắn rằng Nigeria có số tín hữu thực hành Anh Giáo cao nhất so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
 
Một phạm vi trong đó, Nigeria sẽ đóng một vai trò hàng đầu là các liên hệ giữa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo.
 
Giáo Sĩ Sani Isah của Đền Thờ Đường Waff ở Kaduna, thủ phủ miền bắc do Hồi Giáo chiếm đa số, hay nói rằng theo quan điểm tôn giáo, Nigeria là Saudi Arabia và Vatican hòa vào với nhau thành một. Nhưng đây là một hòa trộn khá bấp bênh vì có cả hàng chục triệu người Hồi Giáo bị khích động cao độ, và số người Công Giáo nhiệt thành thì cũng không kém. Đức TGM John Onaiyekan của Abuja có lần định nghĩa Nigeria, nước có số dân cao nhất Phi Châu: 140 triệu người, là “quốc gia Hồi và Kitô Giáo lớn nhất trái đất” vì đây là một đất nước có độ tập trung người Hồi Giáo và người Kitô Giáo lớn nhất trong cùng một khu vực.
 
Điều mà Nigeria có thể cung hiến cho thế giới là một mô thức liên hệ Hồi Kitô Giáo vừa có tính thực tiễn vừa có tính cân bằng hơn. Các Kitô hữu Nigeria biết chung sống hòa bình với người Hồi Giáo vì phần đông có hàng xóm, đồng nghiệp và bằng hữu theo Hồi Giáo. Đồng thời, kinh nghiệm vốn dạy họ tin rằng để cư xử với những người quá nhiệt thành, ưa bắt nạt về tôn giáo, phải dùng sức mạnh trả đũa sức mạnh.
 
Dưới ảnh hưởng Nigeria, cách tiếp cận của Công Giáo trong thế kỷ 21 với người Hồi Giáo và các cộng đồng tôn giáo khác chắc chắn sẽ phối hợp cả đối thoại và hợp tác thực tiễn trong các chính nghĩa bác ái và xã hội, đồng thời phải mạnh mẽ bảo vệ đức tin và sẵn sàng hơn trong việc đẩy lui các lạm dụng và bách hại hiện thời.
 
Nam Hàn
 
Nam Hàn có lẽ là quốc gia ngoại vi hơn cả trong số các quốc gia của khối PINS, vì cộng đồng Công Giáo ở đây chỉ có 5.3 triệu người. Ấy thế nhưng, vì nền kinh tế phát triển cao của họ và khuôn mạo tương đối giầu có và giáo dục cao của người Công Giáo ở đây, Giáo Hội hiện đang đóng một vai trò đáng kể trong sinh hoạt quốc gia và cả vùng.
 
Đạo Công Giáo phát triển nhanh ở đây, với hàng ngũ tín hữu nhẩy vọt 70 phần trăm giữa các năm 2004 và 2014. Sự gia tăng này phần lớn do các nhân tố: hình ảnh tích cực của Giáo Hội trong việc lãnh đạo phong trào phò dân chủ của Đại Hàn, mạng lưới rộng lớn các dự án phúc lợi xã hội và cách tiếp cận đầy kính trọng đối với nền linh đạo cổ truyền của đất nước.
 
Nói chung, Nam Hàn là một ngoại lệ đối với chuẩn mực Á Châu ở điểm Kitô Giáo không phải là một thiểu số nhỏ. Kitô hữu chiếm một phần ba dân số quốc gia, và đại diện cho một cộng đồng tôn giáo đơn thuần lớn nhất, nếu tính đến việc khoảng 45% người Đại Hàn không thực hành bất cứ thứ tôn giáo nào.
 
Giáo Hội ở Nam Hàn hiện ở trong tư thế có thể đóng góp ít nhất trong hai lãnh vực sau đây:
 
1. Kinh nghiệm phát triển Kitô Giáo của Đại Hàn độc đáo ở chỗ đức tin tới bán đảo này không nhờ các nhà truyền giáo ngoại quốc, mà là nhờ chính người giáo dân Đại Hàn, phần lớn là học giả và thương nhân, là những người đã gặp gỡ tôn giáo này tại Trung Hoa. Đạo Công Giáo thực sự đã phát triển tại Đại Hàn hơn một thế kỷ trước khi vị linh mục truyền giáo ngoại quốc đầu tiên đặt chân tới đây. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới thăm xứ này hồi tháng Tám năm 2014, ngài thúc giục người Đại Hàn giúp hướng dẫn Giáo Hội hoàn vũ trong việc khai triển các mô thức mới cho việc lãnh đạo của giáo dân.
 
2. Người Công Giáo ở Nam Hàn cũng có cơ hội đặt nền cho đại kết bằng cách sáng tạo các phương cách mới mẻ để bắt tay với một hình thức Kitô Giáo trên thế giới đang lớn mạnh rất nhanh nhưng chưa định hình rõ rệt là Phái Ngũ Tuần.
 
Theo cuộc nghiên cứu năm 2006 của Tổ Hợp Pew Hoàn Cầu, từ non 6 phần trăm tổng số Kitô hữu giữa thập niên 1970, Phái Ngũ Tuần đã chiếm tới gần 20% dân số Kitô Giáo thế giới vào cuối thế kỷ 20.
 
Nam Hàn là một trong các trung tâm đang phát triển của Phái này. Cộng đoàn lớn nhất thế giới hiện nay chính là Nhà Thờ Phúc Âm Trọn Vẹn Yoido, một nhà thờ Ngũ Tuần tọa lạc tại một hòn đảo thuộc thủ đô Hán Thành. Mỗi Chúa Nhật, khoảng 250,000 tín hữu đã tới tham dự 9 buổi cử hành được dịch sang 16 ngôn ngữ cùng một lúc.
 
Sự kiện rất nhiều người Công Giáo và Ngũ Tuần cùng sống cạnh nhau và cả hai nhóm cùng có mức thành đạt cao về vật chất và giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, về lý thuyết, đã giúp họ có đủ sự gần gũi và tài nguyên để tạo ra các hình thức hiểu nhau mới mẻ hơn.
 
Vũ Văn An

Cuba chuẩn bị nơi cử hành Thánh Lễ của Đức Thánh Cha

Cuba chuẩn bị nơi cử hành Thánh Lễ của Đức Thánh Cha

Quảng trường Cách Mạng Cuba chuẩn bị đón Thánh Lễ của Đức Thánh Cha - EPA
28/08/2015 09:56
LA HABANA. Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô La Habana của Cuba đã được chuẩn bị cho thánh lễ ĐTC Phanxicô sẽ cử hành tại đây sáng chúa nhật 20-9 sắp tới.
 Một bàn thờ lớn và một nhà mặc áo lễ với màu cờ vàng trắng của Vatican, cùng với 3 bục cao dành cho giới báo chí, và ca đoàn cũng đã được chuẩn bị xong hôm 26-8 vừa qua.
 Giới báo chí ghi nhận rằng từ hơn 40 ngày nay, khoảng 50 công nhân đã làm việc để chuẩn bị cho khu vực ĐTC sẽ cử hành thánh lễ vào ngày hôm sau khi ngài từ Roma bay đến Cuba.
 Cũng tại Quảng trường Cách mạng này, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã cử hành thánh lễ hồi năm 1998 và ĐGH Biển Đức 16 hồi năm 2012. Quanh Quảng trường có nhiều trụ sở của các bộ và tượng đài Ông José Marti, anh hùng độc lập của Cuba.
 Theo báo chí địa phương, chỉ cần thiết lập một số dụng cụ trang trí và các hàng rào cho buổi lễ.
 Chủ tịch Raoul Castro đứng đầu trong số 4 ngàn khách mời dự lễ, cùng với hàng trăm ngàn tín hữu.
 Sau thủ đô La Habana, ĐTC sẽ đến thăm và cử hành thánh lễ tại giáo phận Holguin ở mạn đông bắc Cuba, trước khi bay đến thành phố Santiago de Cuba ở mạn cực nam Cuba, nơi có Đền thánh Đức Mẹ bác ái mỏ đồng, bổn mạng của nước này. Theo các cơ quan truyền thông Cuba, công việc chuẩn bị đón tiếp ĐTC tại các nơi này cũng đang được hoàn thành (AFP 26-8-2015)
 G. Trần Đức Anh OP

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện

ĐTC chào các tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung - ANSA
26/08/2015 12:17
Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện
Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện. Một con tim có tình yêu thương đối với Thiên Chúa biến thành lời cầu nguyện cả một tư tưởng không lời, hay một lời khẩn cầu trước một ảnh tượng thánh hay một nụ hôn gửi về phía nhà thờ.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ Hoà Kỳ và Canada, có nhiều đoàn hành hương đến từ các nước Âu châu như Pháp, Đức, Áo, Anh, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, cũng có các nhóm tín hữu đến từ Trung Quốc, Dubai, Nigeria, hay từ Mỹ Latinh như Brasil.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý thời giờ cầu nguyện trong gia đình. Đề cập đến lời than thông thường nhất liên quan tới việc cầu nguyện ĐTC nói:
Lời than thông thường nhất của các kitô hữu liên quan tời thời giờ là: “Con muốn cầu nguyện nhiều hơn… con muốn làm điều đó, nhưng con thiếu giờ”. Sự khó chịu này chắc chắn là thành thật, bởi vì trái tim con người luôn luôn kiếm tìm lời cầu nguyện, cả khi không biết nó. Và nếu nó không tìm ra lời cầu nguyện, nó không có sự bình an.  Nhưng để gặp nhau, cần phải vun trồng trong con tim một tình yêu “nồng cháy” đối với Thiên  Chúa, một tình yêu trìu mến.
Chúng ta có thể tự đặt cho mình một câu hỏi rất đơn sơ. Tin nơi Thiên Chúa với tất cả con tim, tốt rồi, hy vọng rằng Chúa trợ giúp chúng ta trong các khó khăn, tốt rồi, cảm thấy có bổn phận phải cám ơn Chúa, tốt rồi. Tất cả đều chính đáng. Nhưng chúng ta có yêu Chúa một chút không? Tư tưởng về Thiên Chúa có làm cho chúng ta cảm động không, có khiến chúng ta ngạc nhiên không, có làm cho chúng ta hiền dịu không?
Chúng ta hãy nhớ tới công thức của giới răn lớn nâng đỡ mọi giới răn khác: “Con hãy yêu Chúa Thiên Chúa của con với hết con tim, hết linh hồn và sức lực con” (Đnl 6,5, x. Mt 22,37). Công thức dùng ngôn ngữ mạnh mẽ của tình yêu, bằng cách đổ dồn nó về cho Thiên Chúa. Đó, tất cả tinh thần của lời cầu nguyện trước hết là ở đây. Và nếu nó ở đây, thì nó chiếm hữu tất cả thời gian và không bao giờ ra khói đó nữa.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Chúng ta có thành công nghĩ tới Thiên Chúa như cái vuốt ve giữ gìn chúng ta sống, mà trước đó không có gì không? Một cái vuốt ve mà không gì, kể cả cái chết, có thể tách rời chúng ta không? Hay chúng ta chỉ nghĩ Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đã làm ra mọi sư, là vị Thẩm Phán kiểm soát mọi hành động của chúng ta? Dĩ nhiên tất cả đều đúng. Nhưng chỉ khi Thiên  Chúa là sự trìu mến của tất cả mọi trìu mến của chúng ta, ý nghĩa của các lời này mới tràn đầy. Khi đó chúng ta cảm thấy hạnh phúc và cũng hơi xấu hổ một chút, bởi vì Ngài nghĩ tới chúng ta và nhất là yêu thương chúng ta. Đây lại không phải là điều hay đẹp sao? Ngài đã có thể làm cho mình được nhận biết một cách đơn sơ như Đấng Tối Cao, ban các giới răn và chờ đợi các kết quả thôi. Nhưng Thiên Chúa đã và đang làm hơn điều này, một cách vô tận.
Nếu lòng trìu mến đối với Thiên Chúa không thắp lên ngon lửa, tinh thần cầu nguyện không suởi ấm thời gian. Chúng ta cũng có thể thêm “nhiều lời” như dân ngoại làm, như Chúa Giêsu nói; hay cả đến trình bầy các lễ nghi của chúng ta “như các  người Pharisêu làm” (x. Mt 6,5.7). Rồi ĐTC miêu tả một con tim có Chúa ngự trị như sau:
Một con tim được ở bởi sự trìu mến đối với Thiên Chúa, nó biến thành lời cầu nguyện cả môt tư tưởng không lời, hay một khẩn cầu trước ảnh tuợng thánh, hoặc một nụ hôn gửi tới nhà thờ. Thật đẹp biết bao khi các bà mẹ dậy cho các con nhỏ gửi một cái hôn tới cho Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Trong lúc đó trái tim của các trẻ em biến thành nơi cầu nguyện. Và đây là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên xin ơn này cho từng người trong chúng ta! Thần Khí của Thiên Chúa có kiểu đặc biệt nói trong con tim chúng ta “Abba Cha ơi” như Chúa Giêsu nói, một kiểu mà chúng ta sẽ không bao giờ một mình tìm ra được (x. Gl 4,6). Ơn này của Chúa Thánh Thần  chính trong gia đình mà chúng ta học xin và đánh giá cao. Nếu bạn học nó với cùng sự tự phát, mà bạn học gọi “mẹ “ hay “cha”, bạn đã học được luôn mãi. Khi điều này xảy ra, thòi gian của toàn cuộc sống gia đình bị lôi cuốn vào cung lòng tình yêu của Thiên Chúa và tự động tìm ra giờ cầu nguyện.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta biết thời giờ của gia đình là một thời giờ phức tạp và đầy sinh hoạt, bận rộn và lo lắng. Nó luôn luôn ít, và không bao giờ đủ. Ai có một gia đình thì mau chóng học giải quyết một phương trình mà cả các nhà toán học giỏi  nhất cũng không giải được: trong vòng 24 giờ người ta làm cho nó thành gấp đôi. Có những người cha và người mẹ đáng lãnh giải Nobel về diều này!
Tinh thần cầu nguyện trả lại thời giờ cho Thiên Chúa, nó ra khỏi nỗi ám ảnh của một cuộc sống luôn luôn thiếu thời giờ, tìm lại được niềm an bình của các việc cần thiết, và khám ra niềm vui  của các món quà không chờ đợi. Hai chị em Marta và Maria, mà Phúc Âm nói tới,  là những người hướng dẫn tốt trong việc này. Họ học được từ Thiên Chúa sự hài hòa của các tiết nhịp gia đình: vẻ đẹp của các ngày lễ, sự thanh thản của công việc làm, tinh thần cầu nguyện (x. Lc 10,38-42). Cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu mà họ rất yêu mến đã là ngày lễ của họ. Tuy nhiên, một ngày kia Marta học biết rằng sự hiếu khách, tuy quan trọng, nhưng không là tất cả, nhưng lắng nghe Chúa, như Maria đã làm, đã là điều thực sự nòng cốt, là phần nhất của thời gian. Lời cầu nguyện vọt lên từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, từ việc đọc Tin Mừng, từ chỗ tin tưởng nơi lời Chúa. Trong gia đình có sự tin tưởng này không? Chúng ta có sách Phúc Âm trong nhà không? Chúng ta có thỉnh thoảng mở ra để đọc chung với nhau không? Chúng ta có suy gẫm trong khi lần hạt Mân Côi không? Tin Mừng được đọc và suy gẫm trong gia đình giống như bánh ngon dưỡng nuôi con tim của mọi người. Vào ban sáng và ban chiều, khi chúng ta ngồi vào bàn ăn, hãy tập cũng nhau đọc một lời cầu nguyện rất đơn sơ: đó là Chúa Giêsu đến giữa chúng ta, như Ngài đã đến nhà của Marta, Maria và Ladarô vậy.
Trong lời cầu nguyện của gia đình, trong những lúc mạnh khỏe cũng như trong những lúc khó khăn, chúng ta hãy tín thác nơi nhau, mỗi người được gìn giữ bởi tình yêu của Thiên Chúa.
ĐTC đã kêu gọi tín hữu Roma và du khách hành hương tham dự “Ngày quốc tế cầu nguyện cho việc săn sóc thụ tạo” mùng 1 tháng 9 tới đây. Ngài nói: Trong niềm hiệp thông với các anh em chính thống và với mọi người thiên chí, chúng ta muốn cống hiến phần đóng góp của chúng ta cho việc thắng vượt cuộc khủng hoảng mà nhân loại đang sống.
Trên toàn thế giới trong các thực tại khác nhau của các Giáo Hội địa phương người ta đã đề ra các sáng kiến thích hợp cầu nguyện và suy tư  để làm cho Ngày này trở thành một thời điểm mạnh mẽ nhằm có các kiểu sống trung thực.
Với các Giám Mục, linh mục, các người sống đời thánh hiến và tín hữu giáo dân của các cơ quan trung ương Tòa Thánh chúng ta sẽ gặp nhau trong đền thờ thánh Phêrô lúc 17 giờ cho buổi cử hành Lời Chúa, mà ngay từ bầy giơ tôi mời tín hữu Roma cũng như du khách hành hương và những ai muốn, cùng tham dự.
ĐTC đã chào các nhóm hành hương và cầu mong chuyến viếng thăm Roma củng cố đức tin và giúp họ đồng cảm với Giáo Hội. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho gia đình.
Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các nữ tu dòng Thánh Nhan và các nữ tu Preziosine tỉnh Monza, cả hai dòng đang tham dự tổng tu nghị, cũng như các thành viên Tu hội đời Gia đình Phan sinh nhỏ”.
Ngài nhắc cho mọi người biết hôm nay lễ nhớ thánh nữ Monica, mẹ của thánh Agostino. Chúng ta hãy phó thác các đôi tân hôn và cha mẹ kitô cho lời bầu cử của hai thánh, để họ noi gương các ngài đồng hành với con cái qua gương sống và lời cầu nguyện. Ngài cũng phó thác cho các vị các anh chị em đau yếu và những người cần ủi an và chú ý. Ngài cầu mong các bạn trẻ noi gương thánh Agostino hướng tới Chân Lý và tình Yêu tràn đầy.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải

Khác biệt giữa Đức Biển Đức 16 và Phanxicô về đại kết

Khác biệt giữa Đức Biển Đức 16 và Phanxicô về đại kết

Khác biệt giữa Đức Biển Đức 16 và Phanxicô về đại kết - ANSA
25/08/2015 12:31
  Trong lãnh vực đại kết Kitô, ĐGH Phanxicô ít chú trọng về đối thoại thần học và nhấn mạnh nhiều hơn đến quan hệ thân hữu, huynh đệ và sự cộng tác, nhất là trong lãnh vực xã hội.
 Trên đây là nhận định của ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng Công Giáo ”katholische.de” truyền đi từ thành phố Bonn hôm 24-8-2015.
 ĐHY Koch nói: ”Trong lãnh vực đại kết, ĐGH Phanxicô theo đuổi một lối tiếp cận khác với vị tiền nhiệm. Ngài nhấn mạnh nhiều hơn đến việc cầu nguyện chung, những hoạt động chung và những cuộc gặp gỡ. Qua đó có hàm chứa một nhận định thực tiễn, theo đó trong lãnh vực đại kết, chúng ta không thể chỉ tiến bước với cuộc đối thoại thần học”. Những tương quan huynh đệ là điều kiện phải có trước đó để có thể đi vào những vấn đề thần học khó khăn”.
 Đối với ĐGH Phanxicô, điều quan trọng là một Giáo Hội thừa sai, mang Tin Mừng đến cho thế giới. ”Và ĐGH muốn rằng chúng ta làm tất cả những gì có thể làm chung, cả những gì chúng ta đã cộng tác với nhau”.
 Các Giáo Hội Kháng Cách
 Về các Giáo Hội Kháng Cách (Protestant), ĐHY Koch nhận xét rằng thế giới Tin Lành hiện nay đang có một ”sự phân hóa kinh khủng: càng này càng có những Giáo Hội mới được khai sinh”. Thêm vào đó có sự gia tăng mới mẻ của các phong trào Tin Lành (Evangelical), Phong trào Ngũ Tuần. Hiện nay các Giáo Hội Ngũ Tuần (Pentekostalismus) đứng thứ hai sau Giáo Hội Công Giáo về số tín đồ. Có lẽ người ta phải nói đến một hình thức thứ tư của Giáo Hội: Công Giáo, Chính Thống, Thệ Phản và Pentecostal”. Trong các Phong trào này có những thành kiến kinh khủng chống ĐGH và Giáo Hội Công Giáo. Ở đây ĐGH Phanxicô cũng có những tiếp xúc bản thân.
 Trong cuộc đối thoại với các tín hữu Luther, Giáo Hội Công Giáo theo đuổi mục đích đạt tới một lập trường chung về Giáo Hội, về Thánh Thể và chức vụ trong Giáo Hội. ”Tôi hy vọng sẽ có một tuyên ngôn chung, trên bình diện hoàn cầu, giữa Liên hiệp các Giáo Hội Luther thế giới và Giáo Hội Công Giáo”. Đây sẽ là một bước tiến mới và rất lớn, sau tuyên ngôn chung liên quan đến Giáo lý về sự công chính hóa hồi năm 1999”.
 Công Giáo và Do thái
 ĐHY Koch, 63 tuổi, cũng là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh liên lạc với Do thái giáo. Ngài mô tả quan hệ này ”ổn đỉnh đến độ có thể cùng nhau đáp ứng và giải quyết những đòi hỏi và những vấn đề đang nảy sinh”. Trong số các Rabbi Do thái có một ước muốn mạnh mẽ, không những nói về các vấn đề chính trị và lịch sử, nhưng còn bàn về các vấn đề thần học một cách khẩn trương hơn”.
 Quan hệ với Chính Thống giáo
 ĐHY Kurt Koch nhận định rằng ”những vấn đề căng thẳng nội bộ của Chính Thống giáo đang chặn đứng cuộc đối thoại đại kết”. ĐHY hy vọng Công đồng Liên Chính Thống giáo dự kiến sẽ bắt đầu họp từ lễ Chúa Thánh Thần 2016 sẽ giúp đào sâu sự hiệp nhất giữa các tín hữu Chính Thống.
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Tượng Đức Mẹ cao nhất thế giới được khánh thành ở một nước Hồi giáo lớn nhất thế giới


Tượng Đức Mẹ cao nhất thế giới được khánh thành ở một nước Hồi giáo lớn nhất thế giới

  • Tượng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cao 42 mét được dựng lên ở đảo Java, Nam Dương [Indonesia] là tượng Đức Mẹ cao nhất thế giới.
 
 
“Gua Maria”, hay Hang đá Đức Mẹ là đền thờ kính Đức Mẹ lớn nhất Nam Dương. Ngày 16 tháng 8-2015, ở Ambarawa miền Trung đảo Java, đền thờ Đức Mẹ đã kỷ niệm 61 năm thành lập của mình một cách huy hoàng: Thánh lễ có bảy giám mục, 15 linh mục đồng tế với vào khoảng 30 000 giáo dân tham dự, họ đã rất xúc động khi dự lễ làm phép bức tượng này.
 
Ba nhà điêu khắc địa phương
 
Tượng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là tác phẩm của ba nhà điêu khắc địa phương, ba anh em Kuncoro – Adi, Nugroho và Agung –, đây là bức tượng lớn nhất thế giới; điều đáng kể là bức tượng không được dựng lên ở một nước có truyền thống công giáo, nhưng được dựng lên ở Nam Dương, một nước có số người theo đạo Hồi giáo lớn nhất hành tinh: trên 250 triệu dân (Ba Tây chỉ có 203 triệu dân) thì đã có 87,2% là người Hồi giáo. Người công giáo chỉ chiếm 3% tổng số dân, vào khoảng 7.5 triệu tín hữu.
 
Hòa bình và đối thoại liên tôn
 
Đặc biệt là tượng Đức Mẹ được “sinh ra” trong bối cảnh hòa bình và đối thoại liên tôn: vài ngày trước ngày làm phép tượng, Tòa giám mục Semaranga tổ chức ở đền thờ Đức Mẹ một buổi gặp gỡ liên tôn với các tôn giáo khác, một sáng kiến nhận được sự hỗ trợ của các đảng phái chính trị địa phương.
 
Sau buổi gặp gỡ, Tổng giám mục địa phận Semarang, Johannes Pujasumarta đã phát biểu trước công chúng, ngài cám ơn nhà cầm quyền cổ động cho cuộc gặp gỡ liên tôn và xin dân chúng niềm nở tiếp đón hàng ngàn người hành hương đến đền thánh. Hàng ngàn người đi hành hương đã đổ về nơi đây, riêng lễ làm phép bức tượng, con số người tham dự cũng vượt hơn 10 000 người con số dự trù của ban tổ chức, đến mức một phần ba người không rước lễ được vì thiếu bánh lễ.
 
… Và Tổng giám mục đã phải dùng xe cần trục nâng lên cao để làm phép bức tượng!