label

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Trung quốc báo động vì sự phát triển của Giáo Hội Công Giáo, 20.000 người rửa tội vào lễ Phục sinh năm nay

Nhà cầm quyền Trung quốc báo động vì sự phát triển của Giáo Hội Công Giáo, 20.000 người rửa tội vào lễ Phục sinh năm nay


Ước tính có khoảng 20.000 người đã được rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh” tại Trung quốc, AsiaNews tường thuật.
 

Mặc dù có sự phản đối của chế độ cộng sản, những người cải đạo tiếp tục nhập Giáo Hội với một tốc độ đáng ngạc nhiên. AsiaNews nêu rõ, nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Bắc Kinh, nơi 100 người lớn được rửa tội vào đêm canh thức Phục Sinh; và một ít giáo xứ bên ngoài Thượng Hải, 27 người tân tòng gia nhập một cộng đồng chỉ khoảng 100 người Công giáo.
Rửa tội cũng diễn ra vào dịp Giáng Sinh, Lễ Ngũ Tuần, và lễ Đức Mẹ Lên Trời, nâng tổng số người lớn được rửa tội lên đến 100.000 người mỗi năm. Những nhà thờ Tin Lành bí mật thậm chí đang tăng trưởng ấn tượng hơn.
 
Chế độ Bắc Kinh xem sự tăng trưởng nhanh chóng của Kitô giáo với mức độ báo động. AsiaNews tường thuật: “Một số ước tính con số Kitô hữu vào khoảng 100 triệu người, nhiều hơn so với số lượng thành viên của đảng Cộng sản Trung quốc, ước tính chỉ có khoảng 85 triệu người.”
 
Jos. Tú Nạc, NMS
 

Thư mục vụ của Đức giám mục giáo phận tháng 4 năm 2016

Thư mục vụ của Đức giám mục giáo phận tháng 4 năm 2016


 
 
GIÁO PHẬN LONG XUYÊN SỐNG MÙA PHỤC SINH
VỚI
TỰ SẮC CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHÚA GIÊSU THẨM PHÁN NHÂN TỪ
MITIS JUDEX DOMINUS JESUS
***
Chúa đã sống lại thật, Alleluia!
 
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đã bước vào Mùa Phục Sinh. Hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu trong năm Thánh Lòng Thương Xót, giáo phận Long Xuyên reo vang niềm vui Phục Sinh. Và hơn thế nữa, gia đình giáo phận còn ước mong các anh chị em ly dị tái hôn và con cái của họ, cũng được hiệp thông trọn vẹn trong niềm vui Phục Sinh. Chính vì thế, toàn thể dân Chúa trong giáo phận được khích lệ sống mùa Phục Sinh với tự sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô “Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ - Mitis Judex Dominus Jesus”. Đó cũng là chủ đề của thư mục vụ tháng Tư này.
Tự sắc “Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ” nhằm cải tổ thủ tục giáo luật tuyên bố sự vô hiệu của hôn nhân trong bộ giáo luật. Ba (03) điểm chính được rút ra từ Tự Sắc:
Thứ nhất, Tự Sắc nhằm canh tân thủ tục để có thể tiến hành vụ án vô hiệu của hôn nhân được nhanh chóng hơn và đơn giản hơn. Như vậy, những lý do hay nền tảng để xác nhận sự vô hiệu của hôn nhân vẫn không thay đổi. Nghĩa là, sự thánh thiêng và sự bất khả phân ly của bí tích hôn phối vẫn phải được tôn trọng.
Thứ hai, Tự Sắc ngăn ngừa và sửa chữa sự tách biệt hay xa rời khỏi Giáo Hội. Đối tượng đặc biệt của tự sắc là những người li dị tái hôn, đang sống trong tình trạng tách biệt khỏi sinh hoạt Giáo Hội, đang sống trong nguy cơ rời bỏ đức tin. Vì thế, Giáo Hội phải thể hiện tình mẫu tử để tìm cách đến gần và cứu giúp con cái mình.
Thứ ba,Tự Sắc đẩy mạnh việc mục vụ đối với người ly dị tái hôn. Bản Hướng Dẫn nhắc nhở: “Giám Mục có nghĩa vụ phải giữ lòng nhiệt thành tông đồ đối với những đôi bạn đã ly thân hay đã ly dị, có lẽ vì hoàn cảnh sống mà bỏ việc thi hành đạo. Vì thế, ngài phải cùng với các linh mục quản xứ chia sẻ nỗi ưu tư mục vụ đối với các tín hữu trong hoàn cảnh khó khăn”.
Về mặt tâm linh, từ Tự Sắc Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ, giáo phận chúng ta như vẫn nghe tiếng thét từ cây thập giá “Ta Khát” của Chúa Giêsu đang hiện thân nơi những con cái của giáo phận, là những anh chị em đang sống trong tình trạng ly dị tái hôn và các con cái của họ. Thật vậy,
Họ là những người đã cử hành bí tích hôn phối, nhưng vì nhiều lý do, đang nài van Giáo Hội tuyên bố hôn phối của họ vô hiệu. Họ đang khát sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh.
Chúng là những thanh thiếu niên, được sinh ra từ cha mẹ đang sống trong tình trạng ly dị tái hôn. Chúng đang khát sống trong một gia đình với cha mẹ hợp pháp trước mặt Chúa, trước mặt Hội Thánh và trước mặt xã hội.
Nhất là, chúng là những bào thai, vì chính tình trạng hôn phối của cha mẹ, mà chúng bị giết chết ngay khi còn là thai nhi vô tội. Chúng đang khát được sống trong cõi đời này.
Đó là những vang vọng tiếng thét “Ta Khát”của Chúa Kitô trên Thập Giá. Xin cho chúng ta đang reo vang Chúa đã phục sinh, cũng biết lắng nghe những tiếng thét này, nhờ đó, chúng ta trở thành hiện thân của lòng Chúa Thương Xót theo Tự Sắc Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ. Chính vì thế, giáo phận Long Xuyên có 4 điểm nhấn mục vụ và tu đức: 
  1. Với trách nhiệm là các giám mục trong giáo phận, chúng tôi sẽ thành lập tòa án giáo phận, để phục vụ các gia đình gặp khó khăn, đặc biệt là các anh chị em đang sống trong tình trạng ly dị tái hôn. Ngoài ra, với sự cộng tác của Ủy Ban Gia Đình, các cha hạt trưởng và các cha phụ trách các cộng đoàn, chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc gặp gỡ với các gia đình đang gặp khó khăn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Chúng tôi ước mong được như người cha nhân hậu “Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để…” (Lc 15, 20).
  2. Với trách nhiệm là các mục tử phục vụ các cộng đoàn Kitô Hữu, các linh mục cần được hướng dẫn học hỏi về tự sắc để có thể cộng tác với tòa án giáo phận phục vụ cách hữu hiệu hơn. Cha Tổng Đại Diện và các cha trong tòa án giáo phận sẽ thực hiện điều này. Ngoài ra, tại các giáo xứ giáo họ, cần có chương trình mục vụ cho các đôi hôn phối gặp khó khăn, đặc biệt là những đôi hôn phối có ý định nộp đơn kháng nghị hôn nhân.
  3. Với trách nhiệm của mọi thành phần dân Chúa, mọi người đều cảm thông và chia sẻ với các anh chị em đang sống trong tình trạng gia đình khó khăn. Mọi người đều có trách nhiệm cầu nguyện. Kết hợp với cầu nguyện là hy sinh và chay tịnh. Đồng thời cũng cần thực hiện những hành vi bác ái, đặc biệt với anh chị em đang sống trong tình trạng ly dị tái hôn và với con cái của họ.
  4. Với trách nhiệm đối với sự sống thánh thiêng của các thai nhi, giáo phận cổ vũ cho những hoạt động nhằm cứu sống các thai nhi, những hoạt động rửa tội (nếu còn có thể) và chôn cất các thai nhi bị giết chết. Mọi người Kitô hữu, nhất là hàng giáo sĩ và tu sĩ, đều phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa và lương tâm về những tiếng thét của các thai nhi vô tội là nạn nhân cho sự độc ác và ích kỷ của con người thời đại.
Với anh chị em đang đợi chờ giải pháp từ Chúa và Giáo Hội, các Đức Cha giáo phận muốn nói với chúng con rằng: Thiên Chúa là Cha, luôn yêu thương các con, Giáo Hội như người mẹ muốn ôm ấp các con vào lòng, và giáo phận như một gia đình luôn mở rộng để đón mừng các con hiện diện. “Đừng để mình bị đánh mất niềm hy vọng”.
Ước mong toàn thể giáo phận không trừ ai, cùng reo vang Thiên Chúa đang Phục Sinh trong tâm hồn của mỗi người trong cộng đoàn chúng ta.
 
 
+ Giuse Trần Văn Toản                                               + Giuse Trần Xuân Tiếu
    Giám Mục Phụ Tá                                                Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên

Hầm, mái tròn Đền thờ Thánh Phêrô và Dinh Tông Toà

Hầm, mái tròn Đền thờ Thánh Phêrô và Dinh Tông Toà

Hầm, mái tròn Đền thờ Thánh Phêrô và Điện Vaticăng
Tiếp tục loạt bài giới thiệu vương cung thánh đường Thánh Phêrô, hôm nay chúng ta viếng thăm hầm Đền thờ hay cũng gọi là Hang Vaticăng, mái tròn và Điện Vaticăng.
Hồi năm 324 khi khởi công xây đền thờ trên mộ thánh Phêrô hoàng đế Costantino đã ra lệnh lấp toàn bộ nghĩa trang cổ Roma trên đồi Vaticăng. Đền thờ thứ hai xây trên đền thờ thứ nhất. Phần cổ xưa nhất của hầm đền thờ thuộc thế kỷ thứ VII bao quanh bàn thờ tuyên xưng đức tin và nằm bên trong cung thánh của đền thờ do hoàng đế Costantino xây. Vào cuối thế kỷ XVI các hang Vaticăng được nới rộng thêm ba gian với một vòng cung lớn bao quanh cung thánh đền thờ Costantino. Sau cùng ĐGH Pio XII cho xây thêm 10 phòng khác để chứa các quan tài đá thời kitô tiên khởi tìm thấy dưới đền thờ, cũng như các dấu tích kiến trúc và đền đài còn lại thuộc đền thờ Costantino.
Tính tới nay có 148 Giáo Hoàng được chôn cất trong hầm Đền thờ. Các vị thuộc thế kỷ XX là Dức Pio X, Biển Đức XV, Pio XI, Pio XII, Gioan XXIII, Phaolô VI Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II. Khi được phong chân phưóc xác Đức Gioan XXIII đã được đưa lên đặt dưới bàn thờ có bức tranh thánh Giêrôlamo rước lễ, gần tượng đồng Thánh Phêrô ở trụ cột bên phải nâng mái tròn đền thờ. Sau 37 năm qua đời xác ngài còn nguyên vẹn không hư nát. Xác thánh Gioan Phaolô II cũng đã được đưa lên trên đặt dưới bàn thờ thứ hai phía Cửa Thánh.
Như thế không phải mọi Giáo Hoàng đều được chôn tại hầm Đền thờ thánh Phêrô. Lý do vì có nhiều vị không qua đời tại Roma nhưng ở nhiều nơi khác, như ở Avignon bên Pháp, hay tại nhiều thành phố khác trong nước Italia và cả bên Đức. Riêng tại Roma có 13 vị được chôn trong nghĩa trang Thánh Callisto, 7 vị trong Đền thờ Đức Bà Cả, 16 vị trong Đền thờ Gioan Laterano, 5 vị trong Đền thờ Đức Bà Minerva, 4 vị trong đền thờ thánh Lorenzo ngoại thành.
Lối xuống hầm đền thờ ở phiá trái nơi cột trụ có tượng thánh Anrê tông đồ. Hầm Vaticăng trải dài từ cung thánh cho tới gian giữa đền thờ.
Nhà nguyện thứ nhất là nhà nguyện Đức Bà của các phụ nữ sinh con có bức bích họa Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng của Melozzo da Forli thuộc thế kỷ XV. Tiếp đến là nhà nguyện Đức Bà della Bocciata, với bức bích họa của P. Cavallini thuộc thế kỷ XIII; mộ ĐGH Pio XII; nhà nguyện Thánh Phêrô với lối vào xuyên ngang qua tường cung thánh đền thờ Costantino. Bàn thờ nằm ngay trên mộ thánh nhân. Dọc theo hành lang hình bán nguyệt có 5 bức chạm nổi diễn tả cuộc đời hai thánh Phêrô và Phaolô. Xen kẽ chung quanh hành lang bán nguyệt có các nhà nguyện của vài  quốc gia đông âu. Tiếp đến là hai phòng chứa các bịa mộ.
Trong phần hầm mộ được thăm viếng có mộ của các Giáo Hoàng: Callisto III, Bonifacio VIII, là vị Giáo Hoàng công bố Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội năm 1300, Nicola III, Innocente IX, Nicola V, Phaolo II, Marcello II, Phaolo VI, Gioan Phaolo I, Innocente IX.
Tuy nhiên trong hầm Vaticăng cũng có mộ của vài vị không phải là Giáo Hoàng như mộ ĐHY Rafael Mery den Val, cộng sự viên của ĐGH Pio X, ĐHY Josef Beran và hai hoàng hậu công giáo là Carlotta I đảo Chypre và Cristina Thuỵ Điển.
Muốn lên mái tròn đền thờ hiện nay phải ra phiá trước đền thờ và vào lối bên phải để lấy thang máy. Chặng một là mái đền thờ, nơi có nhà dành cho thợ chuyên trông coi sửa sang đền thờ. Từ đây có thể trông thấy mái vòm chính vươn cao lên trời 95 mét. Hai mái tròn nhỏ chỉ để trang hoàng chứ không thông với bên trong đền thờ. Đi ra phía mặt tiền đền thờ bạn có được cái nhìn tổng quát xuống quảng trường, đại lộ Hoà Giải và thành phố Roma.
Vào bên trong mái tròn từ trạm thứ nhất (53 mét) và từ trạm thứ hai (73 mét) bạn có thể nhìn xuống dưới đền thờ và chiêm ngắm nền đền thờ lát cẩm thạch mầu và các tác phẩm trang hoàng để nhận ra các chiều kích khổng lồ của công trình kiến trúc có một không hai trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Khi áp tai vào vách của mái vòm được khảm đá mầu, dù đứng rất xa nhau bạn vẫn có thể nghe người khác thì thầm tên bạn trên tường.
Bắt đầu từ chân lồng đèn lối leo vất vả, khó khăn hơn và càng ngày càng hẹp. Từ trên đỉnh đền thờ bạn có cái nhìn tuyệt diệu bao quát nước Vaticăng và toàn thành phố Roma. Về phía mặt tiền bạn trông thấy đại lộ Hoà Giải thẳng tắp ra tới sông Tevere, hai cánh có các hàng cột với mái che bọc quảng trường tựa như hai cánh tay của Mẹ Giáo Hội giang ra đón tiếp đoàn con từ khắp nơi trên thế giới tiến về lòng thủ đô Giáo Hội. Sông Tevere chảy lững lờ với các cây cầu Vittorio Emmanuele, San Angelo và Umberto. Rồi lăng tẩm của hoàng đế Adriano xây năm 135 hay lâu đài Thiên Thần, Dinh Công Lý, bên trái là khu phố Prati di Castello, bên phải là đài kỷ niệm và bàn thờ tổ quốc Vittorio Emanuele, đàng sau là mặt tiền của đền thờ Gioan Laterano. Về phiá trái là Dinh Quirinale tức tổng thống phủ Italia, xưa kia là dinh thự nghỉ mát của các Giáo Hoàng; đàng sau là các mái tròn và tháp chuông đền thờ Đức Bà Cả. Tiếp đến phía bên trái là mầu xanh mát rượi của đồi Pincio, biệt thự Borghese, biệt thự Giulia. Phiá bên phải mặt tiền đền thờ bạn thấy đồi Gianicolo, bên trên là trường Truyền Giáo, nơi có nhiều thế hệ chủng sinh Việt Nam tu học. Tựa vào đồi Gianico chỗ có tượng Chúa Giêsu Vua là nhà tổng quyền của của Dòng Tên. Xa hơn trên đồi là đài kỷ niệm Garibaldi. Xa hơn nữa là đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Khi trời trong xanh bạn có thể nhìn thấy biển Ostia.
Từ nóc mái vòm bạn có thể thấy rõ mọi dinh thự trong nước và vườn thành phố Vaticăng. Bắt đầu từ bên trái mặt tiền: Dinh San Ufficio, đại thính đường Phaolô VI, trường Teutonico, nhà của các Kinh Sĩ đền thờ, trạm bán xăng, văn phòng của lực lượng Hiến Binh Vaticăng sát  với nhà của các cha giải tội, nhà thờ thánh Stefano degli Abissini, trường nghệ thuật khảm đá mầu, nhà ga xe lửa, Dinh Thống Đốc, phiá sau là trường Etiopi, hang đá Lộ Đức, Tháp thánh Gioan, đàng trước tháp là trụ sở cũ của đài phát thanh Vaticăng. Trong góc xa nhất vườn là bãi đậu trực thăng.
Góc chéo bên phải Dinh Thống Đốc là phông ten Aquilone, Hàn lâm viện khoa học Tòa Thánh, biệt thự Pia. Gần cánh phải đền thờ là Dinh Zecca. Tiếp theo là mái nhà nguyện Sistina, có ống khói nhỏ, nơi Hồng Y Đoàn họp mật nghị bầu Tân Giáo Hoàng. Các dinh thự dài nối tiếp là Viện bảo tàng Vaticăng, Dinh Tông Toà, Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Về phía cửa Angelica có bưu điện, nhà in, nhà băng, siêu thị, tiệm thuốc tây, nhà băng, nhà của các cận vệ Thuỵ Sĩ, Văn phòng cấp các phép lành toà thánh, tòa báo Quan Sát Viên Roma.
Bên phải Đền thờ Thánh Phêrô là Điện Vaticăng. Trên toàn thế giới không có một đền đài dinh thự nào có thể vượt Điện Vaticăng về tầm quan trọng lịch sử và nghệ thuật. Đây là một tổng hợp các công trình kiến trúc thuộc nhiều thời đại khác khau, trải dài trên một diện tích rộng 55.000 mét vuông, phân nửa dành cho 20 sân trong. Có tất cả trên dưới 1.400 phòng gồm cả các nhà nguyện lớn nhỏ. Đức Giáo Hoàng và các cơ quan trung ương Tòa Thánh chỉ chiếm một phần không đáng kể, còn lại là dành cho Viện Bảo Tàng và Thư Viện.
Cho tới thế kỷ XIII các Giáo Hoàng sống ở Điện Laterano, cạnh đền thờ Gioan Laterano hiện nay. Trong thời gian này bên cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô chỉ có một dinh thự rất đơn sơ từ thời ĐGH Simmaco (494-514). Vào thế kỷ XII thấy dinh thự sắp sập, các Giáo Hoàng Eugenio III, Celestino III và Innocente III cho sửa sang và nới rộng ra. Sau trận hoả hoạn năm 1308 Điện Laterano không thể ở được nữa, vả lại ĐGH bị quân Pháp bắt về Avignon. Năm 1377 khi từ Avignon trở về  ĐGH Gregorio XI đến sống tại đây và cũng từ ngày đó Điện Vaticăng thay thế Điện Laterano.
Trong ba thế kỷ liên tiếp các Giáo Hoàng cho xây cất sửa sang các phòng ốc chung quanh. ĐGH Alessandro V cho xây tường có lối đi bên trong nối liền Dinh Tông Toà với Pháo đài Thiên Thần. Khi Vaticăng bị tấn công ĐGH chạy vào ẩn nấp trong Pháo đài này.
Dinh Tông Toà nơi các Giáo Hoàng ở là Dinh mới do kiến trúc Domenico Fontana xây theo lệnh của ĐGH Sisto V hồi thế kỷ XVI.
Quốc gia thành phố Vaticăng chiếm trọn qủa đồi, xưa kia đã có nhiều đền đài dinh thự do các hoàng đế Roma xây cất. Hoàng đế Cesare đã hoạch định chương trình xây các trung tâm thể thao thể dục tại đây. Hoàng đế Augusto đã cho xây Naumachia, nghĩa là một loại vận động trường có hồ sâu để diễn lại các trận thủy chiến lịch sử, trong đó các diễn viên là các nô lệ, các thủy thủ được thuê mướn lúc đó, các tù nhân hay các kẻ tội phạm bị kết án. Họ mặc áo giáp của các nước khác nhau lâm chiến. Từ năm 37 tới 41 hoàng hậu Agrippa mẹ hoàng đế Caligula cho xây vườn ngự uyển trên đồi Vaticăng. Dòng họ Domitiano cũng xây vườn ngư uyển tại đây. Sau này hoàng đế Caligula xây cất một hí trường và một trường đua ngựa. Hí trường này đã được hoàng đế Neron hoàn thành. Bút tháp hiện đặt giữa quảng trường thánh Phêrô xưa kia được đặt trong hí trường nói trên. Từ năm 54 đến 68 hoàng đế Neron thửa hưởng hết các đền đài dinh thự trên đồi Vaticăng. Sáu trận hỏa hoạn thiêu rụi Roma năm 64 do chính ông gây ra, hoàng đế Neron cho tổ chức các buổi dạ hội vui chơi cho dân chúng tại đây.  Sử gia Tacitus kể lại rằng có rất nhiều kitô hữu đã chịu tử đạo: người thì bị đóng đinh, kẻ khác bị tẩm dầu thiêu sống làm đuốc sáng cho các cuộc vui chơi do hoàng đế Neron tổ chức. Thánh Phêrô cũng đã chịu tử đạo tại hí trường này và được chôn cất trong nghĩa trang bên cạnh, hiện ở bên dưới hầm đền thờ thánh Phêrô.
Linh Tiến Khải

Lòng thưong xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

Lòng thưong xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

ĐTC Phanxicô hôn các trẻ em trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tu 30-3-2016 - ANSA
30/03/2016 15:00
Lòng thương xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

Chúng ta tất cả đều cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa giải thoát khỏi sự dữ, tội lỗi và cái chết. Dù chúng ta có lỗi phạm gì đi nữa, thì lòng thương xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với ĐTC sáng thứ tư hôm qua.  ĐTC đã kết thúc các suy tư về lòng thương xót trong Cựu Ước với thánh vịnh 51, là lời cầu sám hối xưng thú lỗi lầm và xin tha tội, trong đó người cầu nguyện để cho tình yêu của Chúa thanh tẩy và trở thành một thụ tạo mới, có khả năng vâng lời, có tinh thần vững mạnh và chúc tụng chân thành.
Tựa đề do truyền thống do thái cổ xưa đặt cho thánh vịnh ám chỉ vua Đavít và tội nhà vua phạm với bà Betsabea,vợ ông Urigia người Híttít. Chúng ta biết rõ chuyện của vua Đavít, được Thiên Chúa kều gọi chăn dắt và hướng dẫn dân trên các con đường tuân phục Lề Luật của Chúa, nhưng nhà vua đã phản bội sứ mệnh của mình, và sau khi đã phạm tội ngoại tình với bà Betsabea, ông đã sát hại chồng bà. Thật là tội xấu xa! Ngôn sứ Nathan đã vén mở tội của vua và giúp vua nhận ra lỗi lầm. Đây là lúc giao hoà với Thiên Chúa trong việc xưng thú tội lỗi của mình. Chính ở đây vua Đavít đã khiêm tốn và cao cả! ĐTC nói:
Ai cầu nguyện với Thánh vịnh này được mời gọi có cùng các tâm tình sám hối và tin tưởng nơi Thiên Chúa mà vua Đavít đã có khi ông nhìn lại mình,  và tuy là vua, ông đã hạ mình xuống mà không sợ xưng thú tội lỗi và cho Chúa thấy sự bần cùng của ông, nhưng xác tín về lòng thương xót của Ngài. Và điều vua đã làm không phải là một tội nhỏ, một lời nói dối nhỏ: ông đã là một kẻ ngoại tình và giết người!
Thánh vịnh bắt đầu với các lời khẩn nài sau đây:
“ Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
 tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51,3-4).
Lời khẩn nài hướng tới Thiên Chúa của lòng thương xót, để được thúc đẩy bởi một tình yêu lớn lao như tình yêu của một người cha người mẹ, Ngài thương xót, nghĩa là ban ơn thánh, cho thấy ân huệ của Ngài với lòng tốt và sự cảm thông. Đó là một lời kêu than đau đớn lên Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể giải thoát con người khỏi tội lỗi. Nhiều hình ảnh rất linh động được sử dụng: xoá bỏ, rửa sạch con, làm cho con được tinh tuyền. Trong lời cầu này nhu cầu đích thật của con người được biểu lộ: điều duy nhất mà chúng ta thật sự cần có trong cuộc sống đó là được tha thứ, được giải thoát khỏi sự dữ và các hậu quả chết chóc của nó. Rất tiếc cuộc sống khiến cho chúng ta kinh nghiệm biết bao lần các tình trạng này; và còn hơn thế nữa trong các tình trạng đó chúng ta phải tín thác nơi lòng thương xót. ĐTC nhấn mạnh lòng thương xót Chúa như sau:
Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta! “Thưa cha, con không biết nói sao, con đã phạm biết bao nhiêu tội, mà là những tội nặng!” Thiên Chúa cáo cả hơn tất cả những tội mà chúng ta có thể phạm. Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có cùng nhau nói lên điểu này không? Tất cả cùng nhau: “Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta!” Một lần nữa: “Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta!” Một lần nữa: “Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta!” Và tình yêu của Ngài là một dại dương trong đó chúng ta có thể dìm mình mà không sợ hãi bị chìm nghỉm: đối với Thiên Chúa tha thứ có nghĩa là trao ban cho chúng ta sự chắc chắn rằng Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Bất cứ gì chúng ta có thể trách cứ chính mình, Ngài vẫn luôn luôn cao cả hơn tất cả (Gr 3,20), bởi vì Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta.
Trong nghĩa này ai cầu nguyện với Thánh vịnh này tìm kiếm sự tha thứ, xưng thú tội lỗi mình, nhưng khi thừa nhận nó họ cử hành công lý và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thế rồi ông còn xin ơn thánh và lòng thương xót nữa. Tác giả thánh vịnh tín thác nơi lòng lành của Thiên Chúa, ông biết rằng ơn tha thứ của Chúa vô cùng hữu hiệu, bởi vì nó tạo ra điều nó nói. Nó không che dấu tội lỗi nhưng huỷ diện và xóa bỏ tội lỗi; Ngài xóa bỏ tận gốc rễ, không phải như người ta làm trong tiệm giặt, khi chúng ta đem quần áo tới và họ tẩy các vết bẩn. Không! Thiên Chúa xóa bỏ tội lỗi chúng ta tận gốc rễ, xóa bỏ tât cả! Vì thế người sám hối lại trở nên trong trắng, mọi vết nhơ bị loại bỏ và giờ đây họ trắng hơn tuyết không bị ô nhiễm. Tất cả chúng ta là những người tội lỗi. Điều này đúng có phải không? Nếu có ai trong anh chị em không cảm thấy mình là người tội lỗi, thì giơ tay lên… Không có ai hết! Tất cả chúng ta đều tội lỗi.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta những kẻ tội lỗi, với ơn tha thứ, chúng ta trở nên các thụ tạo mới, tràn đầy thần khí và niềm vui. Giờ đây một thực tại mới bắt đầu cho chúng ta: một con tim mới, một tinh thần mới, một cuộc sống mới. Chúng ta những người tội lỗi đã được tha thứ, chúng ta đã đón nhận ơn thánh Chúa, chúng ta cũng có thể dậy cho người khác đừng phạm tội nữa. “Nhưng mà thưa cha, con yếu đuối, con ngã, con ngã”. “Nhưng nếu bạn ngã,  thì hãy đứng lên! Đứng lên!”. Khi một đứa bé ngã, nó làm gì?” Nó giơ tay cho mẹ cho cha để kéo nó đứng lên. Chúng ta cũng hãy làm như thế! Nếu bạn ngã vì yếu đuối trong tội lỗi thì hãy giơ tay lên: Chúa cầm lấy nó và sẽ giúp bạn đứng lên. Đó là phẩm giá sự tha thứ của Thiên  Chúa! Phẩm giá trao ban cho chúng ta sự tha thứ của Thiên Chúa là phẩm giá đứng lên, luôn luôn đứng lên, bởi vì Ngài đã tạo dựng người nam và người nữ để họ đứng thẳng.
Tác giả thánh vịnh nói: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một
tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ… Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.” ( Tv 51,12.15).
Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, ơn tha thứ của Thiên Chúa là điều mà chúng ta tất cả cần đến và là dấu chỉ lớn lao nhất lòng thương xót của Ngài. Một ơn mà mỗi một người tội lỗi được tha thứ được mời gọi chia sẻ với mọi anh chị em mình gặp gỡ. Tất cả những ai mà Chúa đặt để bên cạnh chúng ta, các người thân trong gia đình, bạn bè, bạn cùng làm việc, tín hữu giáo xứ… tất cả như chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật là đẹp được tha thứ, nhưng bạn, nếu bạn muốn được tha thứ,  thì đến lượt mình cũng hãy thứ tha. Hãy thứ tha!
Xin Chúa cho chúng ta, qua lời bầu cử của mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót, là các chứng nhân của sự tha thứ, thanh tẩy con tim và biến đổi cuộc sống.
Hôm qua đã có rất nhiều đoàn hành hương do các Giám Mục giáo phận hướng dẫn về Roma mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. ĐTC đã chào các nhóm đến từ Pháp, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Luxembourg, Anh quốc, Ai Len, Na Uy, Đức, trong đó có nhóm tín hữu giáo phận Regensburg do ĐC Rudolf Vordeholzer hướng dẫn, và các tín hữu  Hoà Lan trong đó có nhóm các đại chủng sinh giáo phận Rolduc, do ĐC Franz Wiertz hướng dẫn. ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Nigeria, Australia, Indonesia, Pakistan và Hoa Kỳ.
Trong các đoàn hành hương Tây Ban Nha có nhóm tín hữu giáo phận Barbastro-Monzón do ĐC Angel Javier Perez Pueyo hướng dẫn, và đoàn hành hương giáo phận León do ĐC Julián López Martín hướng dẫn.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương Croat, Bosni Erzegovina, đặc biệt nhóm các liinh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân tổng giáo phận Rijeka do ĐC Ivan Devčić hướng dẫn,  cũng như các đoàn hành hương Ba Lan.
Ngài chúc mừng lễ Phục Sinh tất cả và cầu mong chuyến hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót củng cố niềm tin và lòng trung thành của mọi người với Chúa Kitô, để ai nấy tươi vui làm chứng cho lòng thương xót Chúa trong môi trường cuộc sống thường ngày.
Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào nhóm các tân Phó tế Dòng Tên mới được truyền chức chiều thứ ba vừa qua, trong đó có thầy Agostino Nguyễn Thái Hiệp, cũng nhu các bề trên và thân nhân; các nhóm bạn trẻ đến từ nhiều giáo xứ các giáo phận Milano, Cremona, Ravenna- Cervia, Bari; các nữ tu dòng Phan Sinh thừa sai kết thúc Tổng tu nghị. Ngài cầu chúc chuyền hành hương Roma đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ĐTC xin mọi người nhìn lên Chúa phục sinh, Đấng đã chiến thắng cái chết để hiểu giá trị cuộc sống và khổ đau như dịp quý báu của ơn cứu độ.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Sự lạ Thứ Sáu Tuần Thánh: chiếc gai cuả Chuá ở Andria lại chảy máu

Sự lạ Thứ Sáu Tuần Thánh: chiếc gai cuả Chuá ở Andria lại chảy máu

 
Kể từ năm 1633 là lúc mà người ta bắt đầu ghi chép những biến cố xảy ra cho chiếc gai cuả Chuá thì từ đó đến nay, không hề sai trật, hễ cứ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mà lại trùng hợp với ngày Lễ Truyền Tin, tức là ngày 25 tháng 3, thì chiếc gai lại rỉ máu.
 
 
Lần chót sự lạ này xảy ra là vào năm 2005, và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay cũng trùng với lễ Truyền Tin, cho nên chiếc gai lại chảy máu nữa.
 
Ngày lễ Truyền Tin thường là ngày 25 tháng 3, tuy nhiên để tránh trùng hợp với Tuần Thánh cho nên Hội Thánh Công Giáo và nhiều giáo phái Tin Lành thường di dời ngày lễ này qua một ngày khác một cách tạm thời cho năm đó, nhưng những nơi theo Nghi Lễ đông Phương thì vẫn giữ y như thế.
 
Sự trùng hợp giữa hai ngày lễ này thì không nhiều, chúng ta may mắn được chứng kiến tới 2 lần trong vòng 10 năm qua, nhưng lần sau thì phải đợi tới 141 năm nữa, tức là năm 2157.
 
'Chiếc gai cuả Chuá' là một chiếc gai nhọn, tương truyền là lấy được từ chiếc 'mão gai' mà quân lính Roma đã đội cho Chuá trong cuộc Thương Khó cuả Người. Lai lịch đích xác về chiếc gai này thì không được xác định theo phương pháp khoa học hay lịch sử, người ta chỉ biết là nó đã xuất hiện và được tôn kính tại nhà thờ chính toà của thành phố Andria của Ý từ năm 1308.
 
Vì có sự lạ như thế cho nên mỗi lần có sự trùng hợp giữa hai ngày lễ thì người ta lập một hội đồng gồm nhiều giáo sĩ và khoa học gia để quan sát chiếc gai.
 
Năm nay cũng vậy, một hội đồng đông đảo đã đến quan sát tại chỗ, và sau cùng thì Đức Giám Mục về hưu là Raffaele Calabro, ở Andria, đã tuyên bố chiếc gai đã bắt đầu chảy máu nữa.
 
Theo sự đồng thuận của ủy ban thì đây là một phép lạ, với 3 giọt trông như "đá hồng ngọc" xuất hiện và đọng trên chiếc gai, ở dưới chiếc đĩa cũng có những giọt 'hồng ngọc' khác nữa nhưng họ cho rằng đó là những vật thể đã xuất hiện từ phép lạ năm 2005 và bây giờ thì được 'tái sinh'.
 
Sau khi mở ra quan sát xong, người ta đã cẩn thận niêm phong 'thánh tích' lại.
 
Đức Giám Mục Calabro đã dâng lời cảm tạ Chúa "về những hồng ân, là một phép lạ và cũng là một món quà tình yêu của Thiên Chúa, mà Ngài đã ban cho cộng đồng này."
 
Xem video cuộc khảo sát chiếc gai:
(Trần Mạnh Trác, VCN 26.03.2016)

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng, có Ông Bà Đại Sứ Hàn Quốc

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng, có Ông Bà Đại Sứ Hàn Quốc

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng, trong đó có Ông Bà Đại Sứ Hàn Quốc - ANSA
28/03/2016 10:36
VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 26-3-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 12 dự tòng gồm 6 người Albani, 2 người Hàn quốc, 1 người Hoa, phần còn lại là người Camerun và Ấn độ.
 Trong số các tân tòng có Đại sứ Hàn quốc cạnh chính phủ Italia, Ông Stefano Yong-Joon Lee (Lý Vĩnh Tuấn) 60 tuổi, và Phu nhân Stella Hee Kim (Kim Hỉ) 54 tuổi. Ông bà Đại Sứ Hàn quốc cạnh Tòa Thánh, Francesco Kim Kyung-Surk, làm cha mẹ đỡ đầu cho hai đồng hương của mình.
 Người trẻ nhất trong các tân tòng là cô Mary Stella Trương Lý (Li Zhang) người Hoa, 22 tuổi.
 Đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y, 30 GM và 300 linh mục, trong đó có một số là người Việt, trước sự tham dự của khoảng 9 ngàn tín hữu.
 Như thường lễ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô.
 Trong bài giảng, ĐTC mời gọi các tín hữu sống niềm hy vọng đi từ biến cố Chúa Phục Sinh. Ngài phân tích hai thái độ của thánh Phêrô và các phụ nữ chạy tới mộ Chúa, đặc biệt là lời các thiên thần nói: ”Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những người chết” (Xc v.5).
 ĐTC nói: ”Cả chúng ta, như thánh Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể tìm được sự sống nếu cứ buồn sầu và không hy vọng, tự giam mình làm tù nhân nơi chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở rộng những ngôi mộ đóng kín của chúng ta, để Chúa Giêsu đi vào và ban sự sống; chúng ta hãy mang đến cho Chúa những tảng đá cay đắng và những khối đá của quá khứ, những gánh nặng của yếu đuối và sa ngã. Chúa muốn đến và cầm tay chúng ta, để kéo chúng ta ra khỏi lo âu. Tảng đá đầu tiên phải lăn đi khỏi trong đêm nay, đó là sự thiếu hy vọng khép kín chúng ta nơi chính mình. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy kinh khủng này, khỏi tình trạng là những Kitô hữu không hy vọng, sống như thể Chúa không sống lại, và thái độ coi những vấn đề của chúng ta là trung tâm cuộc sống”.
 ĐTC cũng nhắn nhủ rằng: ”Hôm nay là ngày lễ hy vọng của chúng ta, là ngày cử hành xác tín này: không bao giờ một điều gì và không ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô” (Xc Rm 8.39) (SD 26-3-2016)
 G. Trần Đức Anh OP 

Bên trong Đền thờ Thánh Phêrô

Bên trong Đền thờ Thánh Phêrô

Bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Khi bước qua Cửa Thánh ngay bên phải là nhà nguyện Pietà, có tượng Đức Mẹ bồng xác Chúa Giêsu do Michelangelo tạc năm 1.500, lúc ông 24 tuổi. - RV
23/03/2016 16:34
Giới thiệu bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô
Lần trước chúng ta đã tìm hiểu quảng trường, các nét đại cương Đền Thờ Thánh Phêrô và Dinh Tông Toà. Hôm nay xin mời quý vào thăm bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Bên trên Cửa Thánh là bức khảm đá mầu hình thánh Phêrô theo họa đồ của Ciro Ferri năm 1675.
Khi bước qua Cửa Thánh ngay bên phải là nhà nguyện Pietà, có tượng Đức Mẹ bồng xác Chúa Giêsu do Michelangelo tạc năm 1.500, lúc ông 24 tuổi. Đây là một trong các bức tượng gây xúc cảm nhất trong tất cả các tác phẩm điêu khắc do chính ông ký tên - giữa ngực và vai trái của Đức Mẹ. Năm 1975 có một chàng loạn óc đã cầm búa đập khiến tượng Đức Mẹ bị gẫy mũi và tay. Tượng đã được tu sửa, và cũng từ ngày đó có kính chắn đạn bên ngoài, không ai có thể đến gần hơn. Tranh trên vòm nhà nguyện diễn tả cảnh Thánh Giá chiến thắng do Lanfranco vẽ.
Tiếp đến là nhà nguyện Thánh Giá bên trong có cây thánh giá gỗ thời Trung Cổ rất quý của Cavallini. Bên dưói bàn thờ có quan tài của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Giữa nhà nguyện 2 và 3 của gian phải là tượng ĐGH Leo III do Fabris tạc năm 1836. Bên trái là đài kỷ niệm hoàng hậu Christina nước Thụy Điển do Carlo Fontana xây. Phần này hiện được trưng dụng làm phòng thánh nơi ĐGH và các Hồng Y, Giám Mục mặc phẩm phục cử hành thánh lễ.
Bước sang gian giữa đền thờ, bạn cảm nhận được sự cân đối hoà hợp khiến chúng ta có cảm tưởng đền thờ không lớn lắm. Nhưng bạn thử đến gần bồn nước thánh có hai thiên thần bé chầu hai bên, bạn sẽ biết mình cao lớn tới mức nào.
Trần đền thờ cong, mạ vàng, trang hoàng hình hộp nhưng cũng dùng để phóng thanh. Gian giữa dài 187 mét, gian ngang 137 mét 50. Gần cửa gian chính giữa có một phiến đá vân ban tròn, xưa kia đặt trước bàn thờ chính. Dịp lễ Giáng Sinh năm 800 hoàng đế Carlo Magno đã quỳ trên  đó để được ĐGH Leo III  đội triều thiên phong làm Hoàng Đế Tây Phương. Xa hơn chút nữa là các tấm kim loại có ghi chiều kích các nhà thờ chính ở Âu châu, nhưng không chính xác. Bốn vòm khổng lồ rộng 13 mét, cao 23 mét nâng đỡ trần đền thờ dựa trên các cột trụ lớn, gồm hai cột kiểu Côrintô có sọc chụm vào nhau. Trong các vòm đục sâu vào các trụ là tượng của các thánh lập dòng.
Nhà nguyện thứ hai bên phải là nhà nguyện kính thánh Sebastiano có tượng ĐGH Pio XI. Trên bàn thờ có bức khảm đá mầu thánh Sebastiano tử đạo. Giữa nhà nguyện 3 và 4 là đài kỷ niệm ĐGH Innocente XII. Bên trái là đài kỷ niệm nữ bá tước Matilde della Toscana do Bernini xây.
Tiếp đến là nhà nguyện Thánh Thể. Cửa thép do Borromini vẽ kiểu. Nhà tạm bằng đồng mạ vàng là tác phẩm của Bernini. Trên bàn thờ có bức tranh Chúa Ba Ngôi của Pietro da Cortona. Từ khi lên làm Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II xin nữ tu các dòng thay phiên nhau chầu Mình Thánh Chúa từ sáng tới chiều tại mọi vương cung thánh đường ở Roma, xin cho có nhiều ơn gọi linh mục tu sĩ, vì đại chủng viện Roma hồi đo hầu như không có  chủng sinh. Sau vài năm số chủng sinh đã gia tăng và có năm đã lên tới 150 thầy. Bàn thờ bên phải kính thánh Phanxicô thành Assisi. Bên trái có cửa dẫn lên Dinh Tông Toà. Cạnh nhà nguyện bên phải là đài kỷ niệm ĐGH Gregorio XIII do Rusconi tạc. Bên trái là mộ ĐGH Gregorio XIV.
Trên bàn thờ cạnh cột trụ lớn nâng mái vòm đền thờ có tranh vẽ thánh Giêrôlamô rước lễ. Bên dưới bàn thờ là xác của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Sau 37 năm qua đời, khi được phong chân phước xác ĐGH vẫn còn y nguyên không hư nát.
Phiá bên phải hiện nay có các toà giải tội bằng nhiều thứ tiếng khác nhau nên không thể thăm viếng.
Tựa trụ cột khổng lồ bên phải nâng mái vòm đền thờ là tượng đồng Thánh Phêrô ngồi trên ngai cẩm thạch bên trên có tàn che bằng đồng. Tượng do nhà điêu khắc Arnolfo di Cambio tạc hồi thế kỷ XIII. Vào các dip lễ lớn tượng được mặc áo choàng đỏ và đội mũ ba tầng rất đẹp. Tín hữu có thói quen hôn kính và vuốt chân thánh nhân nên sau bao thế kỷ hai chân ngài mòn láng.
Mái tròn của đền thờ có chu vi 42 mét, cao 119 mét, là một kỳ công kiến trúc nổi tiếng với những đường nét đơn sơ nhưng oai nghiêm hùng vĩ và chan hoà ánh sáng từ bên ngoại rọi vào qua 16 cửa sổ lớn. Vòm mái chia ra thành 16 rải  quạt với 6 hàng các bức đồ khảm đá mầu rực rỡ do Cavalier d’ Arpino vẽ kiểu diễn tả Chúa Cứu Thế, Mẹ Maria, các Thánh Tông Đồ vv… trên chóp đỉnh là Thiên Chúa Cha.
Mái vòm dựa trên 4 cột trụ khổng lồ chu vi 71 mét, được trang hoàng với các tượng cao 5 mét. Từ bên phải là thánh Longino cầm đòng đâm cạnh sườn Chúa do Bernini tạc; đối diện là thánh nữ Elena mẹ hoàng đế Costantino đã tìm ra thánh giá Chúa năm 326 khi đi hành hương Thánh Địa, do Bolgi tạc; bên trái là thánh nữ Veronica người đã lau mặt Chúa trên đường khổ nạn, do Mochi tạc; và đối diện là thánh Anrê, em thánh Phêrô, bị đóng đinh trên thánh giá hình chữ X, do Duquesnoy tạc.
Trên 4 góc cột trụ là các bức khảm đá mầu diễn tả 4 Thánh Sử Mátthêu, Marcô, Luca và Gioan. Trên nữa bên trong vòng tròn là hàng chữ Latinh: “Con là đá, trên đá này Ta sẽ xây Giáo Hội Ta và Ta sẽ trao cho con chià khóa Nước Trời”. Rồi có Kinh Tin Kính chạy dọc quanh đền thờ.
Chính giữa là Bàn thờ tuyên xưng đức tin nơi ĐGH cử hành thánh lễ. Ngoài bàn thờ chính có 29 bàn thờ cạnh. Chiếc tàn khổng lồ bằng đồng lấy từ cửa đồng Pantheon cao 29 mét do Bernini đúc và chạm trổ giữa các năm 1624-1633. Bốn cột hình vặn cong theo kiểu các cây cột trong nhà nguyện Pietà. Triều thiên bên trên được trang hoàng với 4 thiên thần, mỗi vị cao 3 mét 50.
Phía trước bàn thờ là nhà nguyện Tuyên Xưng Đức Tin do kiến trúc sư Maderno xây, chung quanh có 95 ngọn đèn đốt sáng liên lỉ. Bên dưới là tượng ĐGH Pio VI quỳ cầu nguyện.
Thẳng dưới bàn thờ Tuyên Xưng Đức Tin là hòm đựng hài cốt thánh Phêrô. Các cuộc đào bới khảo cổ giữa các năm 1940-1949 đã đưa ra ánh sáng nghĩa trang cổ thuộc thế kỷ thứ II-III  và mộ thánh Phêrô. Hài cốt thánh nhân được gói trong một miếng vải điều có sợi vàng quý giá và đặt trong một hộc xây sâu vào tường, bên ngoài có đề chữ Hy lạp “Petros eni” , nghĩa là “Phêrô ở đây” hay “Phêrô ở trong này”. Hộc này thuộc tầng trên của đài kỷ niệm dâng kính thánh nhân.
Đàng sau bàn thờ chính là ngai toà thánh Phêrô do Bernini xây năm 1656. Chiếc ngai khổng lồ bên trong đựng chiếc ghế gỗ khảm xà cừ của thánh Phêrô được 4 thánh Giáo Phụ nâng trên tay: phía trước là thánh Agostino và thánh Ambrogio của Giáo Hội Latinh, phía sau là thánh Atanasio và thánh Gioan Kim Khẩu của Giáo Hội Hy lạp.
Bên trên ngai có một hào quang rực rỡ bằng cẩm thạch, chính giữa có hình Chim Bồ Câu biểu tượng cho Chúa Thánh Thần là Đấng luôn soi sáng và hướng dẫn Giáo Hội.
Bên phải ngai toà thánh Phêrô là đài kỷ niệm ĐGH Urbano VIII do Lorenzo Bernini tạc, với tượng một bộ xương người, Đức Urbano VIII và hai tượng biểu trưng cho hai nhân đức Bác Ái và Công Bằng. Phụ nữ dang cho con bú tượng trưng cho Đức Bác Ái là Costanxa Bonarelli người tình của kiến trúc sư Bernini.
Bên trái ngai tòa là đài kỷ niệm ĐGH Phaolo III, vị Giáo Hoàng triệu tập Công Đồng Chung Trento chống lại phong trào Cải cách của Luther, do Guglielmo della Porta tạc: phiá trên có tượng bằng đồng của ĐGH, đang cúi xuống ban phép lành cho tín hữu, bên dưới là hai tượng biểu trưng cho nhân đức Cẩn Trọng là hình của thân mẫu ĐGH bà Giovannella Caetani và nhân đức Công Bằng, là hình của Giulia Farnese, em gái ĐGH.
Gian ngang cánh phải của đền thở hiện có các toà giải tội bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, không thể thăm viếng. Đây đã là nơi họp Công Đồng Chung Vatican I năm 1870. Ở phía này còn có các nhà nguyện Gregorio, nhà nguyện kính Tổng lãnh thiên thần Micae, nhà nguyện kính thánh nữ Petronilla, nhà nguyện Cây cột, nơi còn giữ lại một cây cột đền thờ do hoàng đế Costantino xây hồi thế kỷ thứ IV.  Bên phải là bàn thờ và mộ ĐGH Leo Cả và bức tranh tả cảnh ĐGH gặp hoàng đế Attila do họa sĩ Algardi vẽ năm 1650. Chính giữa là bia mộ ĐGH Leo XIII, tiếp đến là đài kỷ niệm ĐGH Alessandro VII do Bernini tạc có bộ xương người và bên dưới có cửa ra, qua đó quan tài các Hồng Y được đưa đi an táng  sau thánh lễ. Trên bàn thở đối diện là bức tranh Thánh Tâm Chúa hiện ra với thánh nữ Margherita Maria Alacoque của họa sĩ Muccioli.
Gian ngang cánh trái có nhà nguyện kính thánh Giuse với các bức tranh thánh Giuse, thanh Toma và thánh Phêrô. Tiếp đến là lối vào phòng mặc áo và kho tàng đền thờ. Ỏ đây có bảng danh sách 148 Giáo Hoàng được chôn cất dưới hầm đền thờ thánh Phêrô, trong đó có các Giáo Hoàng thuộc thế kỷ XX là Pio X, Biển Đức XV, Pio XI, Pio XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II. Bảo tàng viện Kho  tàng  đền thờ có từ thời hoàng đế Costantino, nhưng qua bao vụ cướp bóc của quân rợ Sarazin năm 846 và vụ cướp bóc Roma năm 1572, các vụ trả nợ theo thoả hiệp Tolentino năm 1797 và dưới thời cộng hòa 1848, khiến cho kho tàng mất đi rất nhiều báu vật.
Tiếp đến trong gian dọc bên trái là nhà nguyện Gregorio hay nhà nguyện Clementina, nhà nguyện Ca đoàn, nhà nguyện Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, bên dưói bàn thờ có xác của Thánh Giáo Hoàng Pio X qua đời năm 1914, còn nguyên ven không hư nát, và sau cùng là nhà nguyện giếng rừa tội.
Linh Tiến Khải

Đền thờ và quảng trường thánh Phêrô

Đền thờ và quảng trường thánh Phêrô

Đền Thờ và quảng trường Thánh Phêrô
Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong mục Sinh Hoạt hôm nay và các lần tới chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị các vương cung thánh đường lớn tại Roma, bắt đầu là Đền Thờ Thánh Phêrô.
Đền thờ Thánh Phêrô được xây trên mộ của thánh nhân, tử đạo dưới thời hoàng đế Neron năm 64. Chương 12 sách Công Vụ kể rằng sau khi ra lệnh chém đầu Giacôbê là anh của Gioan, vua Hêrôđê thấy việc này làm vừa lòng người Do thái nên ra lệnh bắt cả Tông đồ Phêrô là Thủ lãnh Giáo Hội. Nhưng đêm trước ngày bị đem ra xử, thiên thần Chúa đã giải thoát Phêrô. Ông đến nhà bà Maria, mẹ của Marcô, kể lại việc Chúa đã đưa ông ra khỏi tù như thế nào. Thánh nhân xin họ báo tin cho Giacôbê và các Tông Đồ khác biết, rồi đi đến một nơi khác. Rời bỏ đất Palestina thánh Phêrô sang tới Roma rao giảng Tin Mừng cho dân chúng tại đây. Cộng đoàn Kitô Roma đã không do các Tông Đồ thành lập, nhưng chắc chắn do các lính Roma, trong đó có quan bách quản Cornelio, ông Longino là người lính đã cầm đòng đâm cạnh sườn Chúa Giêsu,  và những người Roma đã tin theo Chúa Giêsu, cũng như các thương gia hay các nô lệ biết Chúa tin Chúa nên truyền bá Tin Mừng cho những người khác, và hình thành ra cộng đoàn kitô Roma, bao gồm nhiều nô lệ.  Vào thế kỷ thứ Nhất tại Roma có tới 1 triệu nô lệ thuộc đủ mọi quốc tịch và giai tầng xã hội, kể cả người trí thức. Đa số các đền đài thành quách của đế quốc được xây dựng với xương máu của các nô lệ.
Vào năm 64 hoàng đế Nêron muốn xây một thành Roma mới nên ra lệnh cho lính đốt các khu xóm ổ chuột. Vụ hoả hoạn cố ý này đã khiến cho dân chúng Roma nổi loạn. Hoàng đế liền vu khống cho các kitô hữu và bắt đầu bách hại họ. Nhớ lời Chúa Giêsu dặn: khi họ bắt bớ các con ở thành này, hãy trốn qua thành khác, thánh Phêrô bỏ Roma đi ra ngoài thành theo đường Appia Antica, là con lộ nối liền trung tâm đế quốc Roma với các vùng khác: lên phía bắc dọc ven biển qua Tiểu Á và xuống phía nam qua tới Phi châu. Nhưng khi vừa ra khỏi thành khoảng 500 mét, thánh nhân gặp Chúa Giêsu đi vào ngược chiều nên ngài hỏi: “Domine, quo vadis, Lậy Thầy Thầy đi đâu?”. Chúa Giêsu trả lời: “Ta vào thành để chết một lần nữa.” Hiểu ý thánh Phêrô quay vào thành và liền bị hoàng đế Neron bắt, đem ra xử ở quảng trường trong khu phố do thái, hiện có nhà thờ Đức Bà in Trastevere, rồi bị điệu đi đóng đinh tại hí trường Neron trên đồi Vaticăng. Hí trường này hiện ở bên dưới đại thính đường Phaolô VI. Khi bị đóng đinh Thánh Phêrô nói với các lý hình là ngài không xứng đáng chết như Thầy mình nên xin họ giộng ngược đầu thánh giá xuống đất. Tín hữu đã chôn cất thánh nhân ngay trong nghĩa trang cổ của Roma nằm cạnh hí trường. Hiện nay nghĩa trang này ở bên dưới Đền Thờ thánh Phêrô.
Trong các năm 77-88 ĐGH Anacleto đã cho xây một nhà nguyện nhỏ dâng kính thánh Phêrô. Năm 313 hoàng đế Costantino ký sắc lệnh bỏ bắt bớ Kitô giáo và năm 324 khi  cho xây vương cung thánh đường nguy nga đầu tiên kính thánh nhân ngay trên mộ ngài, hoàng đế đã ra lệnh lấp đất toàn bộ nghĩa trang này. Đền thờ được ĐGH Silvestro thánh hiến năm 326, dài bằng hai phần ba đền thờ hiện nay gồm 5 gian dọc, còn dấu tích các bức tường và một số cột ở bên dưới đền thờ hiện nay. Đền thờ đã chỉ hoàn tất năm 349, sau 25 năm kiến trúc dưới thời hoàng để Costanzo, con của hoàng đế Costantino. Trong các thế kỷ sau đó đền thờ đã được tu bổ và trang hoàng với nhiều chất liệu khác nhau như đá cẩm thạch quý lấy từ các đền đài ngoại giáo ở Roma hay từ Đông Phương, kể cả gỗ bá hương của Libăng. Trước bàn thờ chính có một tảng đá vân ban tròn. Chính tại đây năm 800 hoàng đế Carlo Cả đã quỳ để được ĐGH Leo III thánh hiến phong vương. Tảng đá này hiện còn được gắn trên nền đền thờ hiện nay, cách cửa vào hơn chục thước.
Cho tới năm 1308, các ĐGH cư ngụ trong dinh gần Đền Thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính toà của Roma. Nhưng năm 1308 quân Pháp đánh Italia và bắt ĐGH về Avignon. Các Giáo Hoàng sống tại Avignon cho tới năm 1377, khi thánh nữ Catarina thành Siena viết thư cho ĐGH nói rằng chỗ của ĐGH là tại Roma. Trong thời gian này đền thờ thánh Phêrô đã hầu như bị bỏ hoang nên hư hại rất nhiều.
Vào năm 1452 thấy đền thờ muốn sập, ĐGH Nicolo V quyết định xây đền thờ mới và giáo nhiệm vụ cho kiến trức sư Bernardo Rossellino. Nhưng phải đợi cho đến năm 1502 công việc xây cất mới tiến triển với ĐGH Giulio II. Kiến trúc sư Donato Bramante bỏ đồ hình thánh gia latinh của Rossellini để theo đồ hình thánh giá hy lạp 4 cánh bằng nhau, với một mái tròn lớn chính giữa và hai mái nhỏ hai bên. Năm 1515 Raffaello lấy lại đồ hình thánh gia latinh. Petruzzi theo đồ hình thánh gia Hy lạp. Sangallo lấy lại họa đồ thánh gia latinh. Năm 1546 khi ĐGH Phaolo III giao cho Michelangelo việc xây cất ông lại theo đồ hình thánh giá hy lạp. Khi Michelangelo qua đời năm 1564, Vignola hoàn thành hai mái tròn nhỏ, trong khi các kiến trúc sư Pirro Ligorio, Giovanni della Porta và Domenico Fontana hoàn thành mái tròn lớn. ĐGH Palolo V truyền cho Carlo Maderno nối dài gian chính giữa đền thờ thành hình thánh giá latinh với hành lang và mặt tiền như thấy hiện nay. Ngày 18 tháng 11 năm 1626 ĐGH Urbanbo VIII long trọng thánh hiến đền thờ mới nhân kỷ niệm 1.300 năm ngày thánh hiến đền thờ cũ. Kiến trúc sư Bernini xây thêm hai tháp chuông nhỏ, nhưng phải phá đi một cái, vì vết nứt dưới chân móng.
Đền thờ thánh Phêrô có diện tích 15.160 mét vuông, trong khi nhà thờ chính toà Milano chỉ có 11.700 mét vuông, Saint Paul ở Luân Đôn 7.875 mét vuông, thánh nữ Sophia ở Costantinopoli là 6.890 mét vuông Koeln 6.166 mét vuông, Nhà thờ Đức Bà Paris 5.966 mét vuông. Tất cả các nhà thờ khác lọt thẳm trong đền thờ thánh Phêrô.
Đền thờ dài 211 mét 50 kể cả mặt tiền. Gian giữa cao 46 mét 20 , rộng 27 mét 50. Gian ngang bên trong dài 137 mét 50. Mái tròn kể cả thánh giá cao 132 mét 50, chu vi 42 mét, nhỏ hơn mái tròn của Pantheon 1 mét 40.
Mặt tiền đền thờ dài 114 mét 69, cao 45 mét 44, kiểu barốc, có 4 trụ chính và 8 cây cột nâng mái tiền đường, với hàng chữ dâng kính có từ thời ĐGH Phaolo V. Bên trên có 5 cửa và 5 bao lơn. Bao lơn chính giữa là nơi ĐGH ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới trong các dịp lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh và Đầu Năm mới. Cũng từ bao lơn này Hồng Y niên trưởng công bố tên của Đức Tân Giáo Hoàng sau khi được Mật nghị Hồng Y bầu.
Trên cùng là sân thượng trang hoàng với các bức tượng cao 5 mét 70: Chúa Giêsu, thánh Gioan Baotixita và 11 Tông Đồ, không có thánh Phêrô, và hai chiếc đồng hồ do kiến trúc sư Giuseppe Valadier làm năm 1822. Dưới đồng hồ  bên trái là quả chuông có chu vi 7 mét 50 nặng 9 tấn 3.
Tiền đường dẫn vào đền thờ dài 71 mét, rộng 13 mét. Bên trái là tượng hoàng đế Carlo Cả, bên phải là tượng hoàng đế Costantino do Bernini tạc năm 1670. Cửa thứ nhất bên phải là Cửa Thánh chỉ mở trong các Năm Thánh. Đối diện với cửa chính giữa là bức khảm đá mầu nổi tiếng của Giotto tựa là “Con thuyền nhỏ” hay “Dẹp yên bão tố”, tượng trưng cho con thuyền Giáo Hội lênh đênh giữa sóng gió trần gian, nhưng luôn có Chúa hiện diện hộ phù.
Cánh cửa đồng chính giữa thuộc đền thờ cũ do Filarete chạm trổ giữa các năm 1439-1445 diễn tả Chúa Giêsu Đức Mẹ, hai thánh Phêrô Phaolô và cảnh các ngài tử đạo: thánh Phêrô bị đóng đinh ngược và thánh Phaolô bị chặt đầu. Các bức vẽ trên cao diễn tả các cảnh thần thoại và cảnh Roma, thú vật, hoa trái và chân dung các hoàng đế. Cửa thứ hai và thứ 5 là của nhà điêu khắc Giacomo Manzù.
Năm 1950 Đức Giáo Hoàng Pio XII cho đào khảo cổ nghĩa trang bên dưới và người ta đã tìm thấy xương của thánh Phêrô được gói trong một miếng nhung đỏ viền chỉ vàng đặt trong một hộc có bảng viết “Petros Eni” Phêrô ở đây. Xương thánh nhân hiện được đặt trong một hòm ở hầm đền thờ, thẳng bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin.
Quảng trường thánh Phêrô là một trong các quảng trường rộng và đẹp nhất thế giới, dài 340 mét rộng 240 mét. Chính giữa hình bầu dục, hai đầu hình thang. Quảng trường do kiến trúc sư Bernini xây giữa các năm 1656-1667. Nó biểu tượng cho trung tâm Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ và gồm hai hàng hiên giống như đôi cánh tay Mẹ hiền Giáo Hội giang rộng đón chào các đoàn con từ khắp nơi trên thế giới tuốn về. Hai hàng hiên có mái che gồm 88 trụ cột lớn và 280 cây cột kiểu đô rích xếp thành 4 hàng, bên trên được trang hoàng với 140 bức tượng các thánh và huy hiệu của ĐGH Alessandro VI. Phần lớn trong số các cây cột này được lấy từ các đền đài ngoại giáo, chẳng hạn như đền Septizionium thời hoàng đế Settimo Severo, cai trị Roma từ năm 193 tới 211.
Chính giữa quảng trường là tháp bút nham thạch đỏ cao 25 mét 50 lấy từ thành phố Heliopolis bên Ai Cập, và được hoàng đế Caligula đặt ở chính giữa hí trường trên đồi Vatican. Ngày 10 tháng 9 năm 1586 ĐGH Sisto V truyền cho kiến trúc sư Domenico Fontana dựng tháp bút giữa quảng trường. Ông đã phải huy động 800 công nhân, 150 con ngựa và rất nhiều máy móc mới dựng nổi. Chung quanh tháp bút là hình hoa hồng gió bốn phương. Giữa tháp bút và hai phông ten có một tảng đá tròn, từ đó có thể trông thấy bốn hàng cột của mái hiên sắp thành hàng thẳng tắp như thể chỉ có một cột.
Hai phông ten hai bên  cao 14 mét, cái bên phải xây hồi thế kỷ XVI dưới thời ĐGH Sisto V, cái bên trái hồi thế kỷ XVIII dưới thời ĐGH Clemente XI. Kể từ thời ĐGH Pio IX tượng thánh Phêrô do De Fabris tạc và tượng thánh Phaolô do Tadolini tạc thay thế hai bức tượng của Paolo Romano. Bên phải quảng trường là Cửa Đồng dẫn lên Dinh Tông Toà. Cửa sổ thứ hai tầng trên cùng là nơi ĐGH thường đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu mỗi trưa Chúa Nhật và trong vài ngày lễ. Phiá nối tiếp có mái xanh là Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Đàng sau là mái cuả nhà nguyện Sistina nơi các Hồng Y bầu Đức Tân Giáo Hoàng. Trên mái có ống khói nhỏ. Khi chưa bầu xong, các phiếu được đốt với một thứ dầu ra khói đen. Khi bầu xong rồi, các phiếu được đốt với một thứ dầu ra khói trắng, như dấu chỉ đã có Tân Giáo Hoàng. Sau đó từ bao lơn chính giữa mặt tiền đền thờ ĐHY niên trưởng sẽ công bố cho tín hữu đợi dười quảng trường biết “Habemus Papam Chúng ta có Giáo Hoàng” với danh tánh và tên gọi của ngài. Sau đó Đức Tân Giáo Hoàng ra mắt chào và ban phép lành đầu tay cho dân chúng.
Quảng trường thánh Phêrô có thế chứa được hơn 200.000 người. Nếu đứng chật ở cả quảng trường Piô XII và Đại Lộ Hoà Giải thì được hơn 300.000.
Đại lộ Hoà Giải được xây năm 1937 trên các khu xóm thời Trung Cổ và Phục Hưng, sau khi Toà Thánh và nước Italia ký thỏa hiệp Laterano ngày 11 tháng 2 năm 1929 thừa nhận Quốc gia Thành Phố Vatican. Vatican là quốc gia độc lập, trong đó ĐGH là quốc trưởng, có một Hồng Y thống đốc điều hành các việc hành chánh dân sự, có toà án, nhà in, nhà băng, tiền, tem thư, bưu điện, siêu thị, nhà ga xe lửa, viện bảo tàng và đài phát thanh. Nước ĐGH chỉ gồm 44 héc ta là quốc gia nhỏ bé nhất thế giới, bao gồm Đền Thờ Thánh Phêrô, Điện Vaticăng các đền thờ Đức Bả Cả, Thánh Gioan Laterano, Thánh Phaolô ngoại thành, Dinh Bộ Truyền Giáo, các Giáo hoàng học viện trực thuộc Bộ, và một số dinh thự khác.  Thành phố quốc gia Vatican đã chi là nơi ở của các Giáo Hoàng từ năm 1377, khi ĐGH từ Avignon trở vể Roma. Trưóc đó cho tới năm 1309 các vị sống trong dinh Laterano cạnh đền thờ, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma.
Sát quảng trường Pio XII bên phải là Bộ Phụng Tự và một số bộ khác, bên trái là Bộ Giáo Dục công giáo, Bộ Giáo Sĩ và các dòng tu.  Một số dinh thự hai bên đại lộ cũng là tài sản của Toà Thánh. Nhà thờ Traspontina thuộc thế kỷ XI. Dinh thự cuối cùng bên trái là Đài phát thanh Vatican, đối diện với Lâu đài Thiên Thần. Dinh thụ bên phải là trụ sở của một số tổ chức trong đó có Hội Đồng Toà Thánh bảo vệ sự sống.
Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha công bố sứ điệp Phục Sinh và phép lành toàn xá

Đức Thánh Cha công bố sứ điệp Phục Sinh và phép lành toàn xá

Phép lành Urbi et Orbi 2016 - AFP
27/03/2016 17:44
VATICAN. Trong sứ điệp Phục Sinh công bố trưa chúa nhật 27-3-2016, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu tín thác nơi Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.
 Ngài xác quyết chỉ có lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa mới có thể lại ơn cứu độ cho nhân loại đang ở trong vực thẳm lầm than, mang lại hy vọng và giải thoát cho bao nhiêu người đang ở trong sầu khổ, nô lệ và áp bức. Ngài cũng nhắc đến những quốc gia đang gặp thử thách nặng nề trong cộng đồng thế giới.
 Buổi công bố sứ điệp Phục Sinh diễn ra sau thánh lễ ĐTC cử hành lúc 10 giờ sáng tại Quảng Trường Thánh Phêrô.
 Theo một truyền thống từ 30 năm nay, khu vực trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô và quanh bàn thờ được các nhà trồng hoa ở Hòa Lan trang điểm với hơn 35 ngàn hoa và cây hoa, biến nơi này giống như một mảnh vườn với hoa muôn sắc, được hàng triệu khán thính giả truyền hình trên thế giới chiêm ngưỡng. Năm nay, việc chọn lựa và bố trí các bông hoa và cây được thực hiện theo tinh thần sứ điệp Năm Thánh Lòng Thương Xót. Một toán 25 nhà trồng hoa được gửi tới Roma để trưng bày các hoa đã được chuẩn bị trước từ tháng 2.
 Lúc đúng ngọ, ĐTC đã xuất hiện trên bao lơn chính của đền thờ thánh Phêrô, có hai vị hồng y phó tế tháp tùng là ĐHY Renato Martino, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, và ĐHY Franc Rodé, nguyên tổng trưởng Bộ Các Dòng Tu. Quảng trường thánh Phêrô lúc này đầy người tham dự, tràn ra tới đường Hòa Giải.
 Sau khi hai ban quân nhạc đã trổi quốc thiều Vatican và Italia, ĐTC đã đọc sứ điệp.
 Sứ điệp Phục Sinh
 ”Hãy chúc tụng Chúa vì Chúa nhân từ,
 Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135,1)
 Anh chị em thân mến, chúc mừng lễ Phục Sinh!
 Chúa Giêsu Kitô, hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa, vì tình thương, đã chết trên thập giá và vì yêu thương đã sống lại. Vì thế, ngày hôm nay, chúng ta hãy tuyên xưng: Đức Giêsu là Chúa!
 Cuộc phục sinh của Ngài thể hiện trọn vẹn lời tiên tri của Thánh Vịnh: lòng thương xót của Thiên Chúa là vĩnh cửu, tình thương của Ngài mãi mãi trường tồn, không bao giờ dứt. Chúng ta có thể hoàn toàn tín thác nơi Chúa và chúng ta cảm tạ Chúa vì đã đi xuống tận cùng hố sâu vì chúng ta.
 Đứng trước những vực thẳm tinh thần và luân lý của nhân loại, đứng trước những trống rỗng trong các tâm hồn và chúng khơi lên oán thù và chết chóc, chỉ có lòng thương xót vô biên mới có thể mang lại cho chúng ta ơn cứu độ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những trống rỗng ấy bằng tình thương của Ngài, lấp đầy những vực thẳm ấy, và làm cho chúng ta không bị lún sâu, nhưng tiếp tục cùng nhau tiến bước hướng về miền Đất tự do và sự sống.
 Lời loan báo hân hoan của lễ Phục Sinh: Chúa Giêsu, Đấng đã bị đóng đanh, không còn ở đây, Ngài đã sống lại (Xc Mt 28,5-6) mang lại cho chúng ta niềm xác tín đầy an ủi rằng vực thẳm của sự chết đã bị vượt qua, và cùng với nó, tang tóc, khóc than và vất vả nhọc nhằn cũng bị đánh bại (Xc Kh 21,4). Chúa đã chịu đựng sự bỏ rơi của các môn đệ, gánh nặng của bản án bất công và tủi nhục của một cái chết nhục nhã, giờ đây Ngài cho chúng ta được tham dự cuộc sống bất tử của Ngài và ban cho chúng ta cái nhìn dịu hiền và cảm thương đối với những người đói khát, người ngoại kiều và các tù nhân, những người bị gạt ra ngoài lề và bị loại bỏ, các nạn nhân của cường quyền và bạo lực. Thế giới đầy những người đau khổ trong thân xác và tinh thần, trong khi thời sự hằng ngày đầy những tin về các tội ác ghê tởm, nhiều khi xảy ra ngay trong bốn bức tường gia đình, và về những cuộc xung đột võ trang đại qui mô tạo nên những thử thách khôn tả cho toàn bộ nhiều dân tộc.
 Chúa Kitô phục sinh chỉ đường hy vọng cho nước Siria yêu quí, quốc gia bị xâu xé vì một cuộc xung đột dài dẵng, với một loạt đau thương những cuộc tàn phá, chết chóc, coi rẻ công pháp nhân đạo, và làm băng hoại cuộc sống giữa những người dân với nhau. Chúng ta hãy phó thác cho quyền năng của Chúa các cuộc thương thảo hiện nay, để nhờ thiện chí và sự cộng tác của tất cả mọi người, những thành quả hòa bình có thể đạt được và khởi sự công trình kiến tạo một xã hội huynh đệ, tôn trọng phẩm giá và các quyền của mỗi công dân. Ước gì sứ điệp sự sống vang dội qua miệng của Sứ Thần cạnh tảng đã bị lật sang một bên ở cửa mộ, đánh bại sự chai cứng của các tâm hồn và thăng tiến một cuộc gặp gỡ phong phú giữa các dân tộc và các nền văn hóa ở những vùng khác thuộc lưu vực Địa Trung Hải và miền Trung Đông, đặc biệt là tại Irak, Yemen và Libia.
 Ước gì hình ảnh con người mới, rạng ngời trên khuôn mặt của Chúa Kitô, tạo điều diện thuận lợi tại Thánh Địa cho sự sống chung giữa người Israel và Palestine, cũng như sự sẵn sàng kiên nhẫn và sự dấn thân hằng ngày hoạt động để xây dựng những nền tảng cho một nền hòa bình công chính và lâu dài nhờ một cuộc thương thuyết trực tiếp và chân thành. Xin Chúa tể của sự sống cũng tháp tùng những nỗ lực nhắm đạt tới một giải pháp chung cục cho chiến tranh ở Ucraina, soi sáng và nâng đỡ các những sáng kiến cứu trợ nhân đạo, trong đó có việc trả tự do cho những người bị cầm tù.
 Chúa Giêsu, là an bình của chúng ta (Ep 2,14), khi sống lại Ngài đã chiến thắng sự chết và tội lỗi, trong dịp lễ Phục Sinh này, xin Chúa kích thích sự gần gủi của chúng ta với các nạn nhân bị khủng bố, hình thức mù quáng và tàn bạo của bạo lực không ngừng gây đổ máu người vô tội tại nhiều nơi trên thế giới, như đã xảy ra trong các vụ khủng bố mới đây tại Nigeria, Ciad, Camerun, Côte d'Ivoire; xin Chúa cho những men hy vọng và những viễn tượng hòa bình tại Phi châu đạt tới thành quả tốt đẹp; tôi đặc biệt nghĩ đến Burundi, Mozambique, Cộng hòa dân chủ Congo, và Nam Sudan, đang phải chịu những căng thẳng về chính trị và xã hội.
 Với những khí giới tình thương, Thiên Chúa đã đánh bại lòng ích kỷ và sự chết; Đức Giêsu Con của Ngài là cánh cửa lòng thương xót được mở rộng cho mọi người. Ước gì Sứ điệp Phục Sinh của Người càng chiếu dọi trên nhân dân Venezuela trong những hoàn cảnh khó khăn họ đang phải chịu và trên những người nắm giữ vận mạng đất nước, để họ có thể làm việc mưu cầu công ích, tìm những môi trường đối thoại và cộng tác với tất cả mọi người. Ước gì ở mọi nơi, người ta đều hoạt động để cổ võ nền văn hóa gặp gỡ, công lý và tôn trọng nhau, là những điều duy nhất có thể bảo đảm an sinh tinh thần và vật chất cho mọi người dân.
 Chúa Kitô Phục Sinh, là lời loan báo sự sống cho toàn thể nhân loại vang dội qua các thế kỷ và mời gọi chúng ta đừng quên những người nam nữ đang tiến bước, tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, đoàn ngũ những người ấy ngày càng đông đảo với những người di dân và tị nạn - trong đó có nhiều trẻ em - trốn chạy chiến tranh, đói nghèo, và bất công xã hội. Những người anh chị em ấy của chúng ta, trên đường đi thường gặp chết chóc hoặc ít là phải chịu sự từ khước của những người có thể tiếp đón và giúp đỡ họ. Ước gì cuộc hẹn Hội nghị Thượng Đỉnh thế giới sắp tới về nhân đạo không quên đặt nơi trung tâm con người với phẩm giá của họ và đề ra những chính sách có thể giúp đỡ và bảo vệ các nạn nhân các cuộc xung đột và những tình trạng cấp thiết khác, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất và những người bị bách hại vì lý do bộ tộc và tôn giáo.
 Trong ngày vinh hiển này, ”trái đất tràn ngập ánh quang lớn lao dường ấy hãy vui lên” (Xc Bài công bố Phục Sinh), nhưng trái đất này bị ngược đãi và coi rẻ vì bị bóc lột do lòng tham lam lợi lộc, khiến cho sự quân bình của thiên nhiên bị lệch lạc. Tôi đặc biệt nghĩ đến những vùng bị những hậu quả của nạn thay đổi khí hậu, nhiều khi gây ra nạn hạn hán hoặc những vụ lụt lội dữ dội, với cuộc khủng hoảng lương thực tiếp đó tại nhiều miền trên trái đất.
 Với những anh chị em chúng ta đang bị bách hại vì đức tin và vì lòng trung thành của họ với danh Chúa Kitô và đứng trước sự ác dường như lướt thắng trong cuộc sống của bao nhiêu người, chúng ta hãy nghe lại lời an ủi của Chúa: ”Các con đừng sợ! Thầy đã chiến thắng thế gian!” (Ga 16,33). Hôm nay là ngày rạng ngời của chiến thắng ấy, vì Chúa Kitô đã đè bẹp sự chết và với sự phục sinh của Ngài, Ngài là làm cho sự sống và bất tử chiếu tỏa rạng ngời (Xc 2 Tm 1,10). ”Ngài đã đưa chúng ta đi từ nô lệ tới tự do, từ sầu muộn đến vui mừng, từ tang tóc đến đại lễ hân hoan, từ tăm tối đến ánh sáng, từ nô lệ đến ơn cứu chuộc. Vì thế chúng ta hãy reo lên trước Ngài: Alleluia!” (Melitone di Sardi, Bài giảng lễ Phục Sinh).
 Với những người trong xã hội chúng ta đã mất mọi hy vọng và niềm vui sống, với những người già quá cơ cực, trong cô đơn họ cảm thấy kiệt lực, với những người trẻ cảm thấy thiếu tương lai, với tất cả mọi người, tôi lập lại một lần nữa những lời của Đấng Phục Sinh: ”Này đây, Ta đổi mới mọi sự... Ta sẽ cho người khát được uống nước nhưng không từ nguồn mạch sự sống” (Kh 21,5-6). Ước gì sứ điệp trấn an này của Chúa Giêsu giúp mỗi người chúng ta tái khởi hành với lòng can đảm mạnh mẽ hơn để kiến tạo những con đường hòa giải với Thiên Chúa và với anh chị em mình.
 Phép lành với ơn toàn xá cho Roma và thế giới
 Phần cuối của buổi đọc sứ điệp giáng sinh trưa hôm qua là nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới. Phép lành này được ban cho các tín hữu mỗi năm hai lần vào dịp lễ giáng sinh và phục sinh. ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng Phó Tế, nhắc nhở rằng: Tất cả mọi tín hữu đều có thể được lãnh nhận, kể cả những người theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, miễn là giữa các điều kiện thường lệ là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐTC.
 Tiếp đến ĐTC đã đọc lời nguyện với kinh xá giải: Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen. Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen. Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa thánh thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen. Và tiếp theo là phép lành của ĐTC.
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

- THỨ 2 NGÀY 21/3 TĨNH TÂM CHO GIỚI NỮ 
       14 giờ 30 xưng tội (các cha nhà hưu dưỡng ngồi tòa)
       18 giờ Cha khách giảng phòng và thánh lễ
- THỨ 3 NGÀY 22/3 THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA LONG XUYÊN 
- THỨ 4 NGÀY 23/3  TĨNH TÂM CHO GIỚI NAM
       14 giờ 30 xưng tội (các cha nhà hưu dưỡng ngồi tòa)
       18 giờ Cha khách giảng phòng và thánh lễ
- THỨ 5 NGÀY 24/3 18 GIỜ LỄ TIỆC LY VÀ NGHI THỨC RỬA CHÂN. SAU THÁNH LỄ LÀ CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA ĐẾN 23 GIỜ.
- THỨ 6 NGÀY 25/3 18 GIỜ NGHI THỨC THƯỞNG NIỆM CHÚA CHỊU CHẾT VÀ HÔN CHÂN CHÚA.
- THỨ 7 NGÀY 26/3 19 GIỜ CANH THỨC PHỤC SINH SAU ĐÓ LÀ THÁNH LỄ MỪNG CHÚA SỐNG LẠI

Thánh lễ Truyền Dầu tại nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên


Thánh lễ Truyền Dầu tại nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên

 
 
Sáng nay ngày 22/03/2016 thứ ba Tuần Thánh, quý đức cha và hơn 250 linh mục trong giáo phận đã quy tụ về nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên để cử hành thánh lễ Truyền Dầu.
 
 
Tham dự thánh lễ hôm nay còn có rất đông quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh và bà con giáo dân ở các xứ đạo lân cận vùng Long Xuyên. Thánh lễ Truyền Dầu hàng năm là dịp để các linh mục cùng với giám mục của mình lập lại lời tuyên hứa ngày chịu chức linh mục:Tuyên hứa gắn bó hơn với Chúa Giê-su và từ bỏ bản thân, tuyên hứa noi gương Chúa Kito để thi hành chức vụ của mình một cách nhiệt thành và vô vị lợi. Chính vì ý nghĩa thánh thiện và đặc biệt này mà trong bài giảng, Đức cha Phụ tá cũng xin mọi người cầu nguyện thật nhiều cho các linh mục, để các ngài  luôn sống theo gương  người Mục tử Nhân Lành là chính Chúa Gie-su. Đức cha Phụ tá cũng đại diện cho Đức cha chánh xin lỗi các anh em linh mục vì rất có thể quý đức cha đã chưa làm gương tốt cho các linh mục trong công việc mục vụ, và thành thật xin lỗi anh chị em giáo dân vì các linh mục của chúng tôi đã không làm trọn bổn phận khi phục vụ anh chị em.
 
Ước mong sau thánh lễ Truyền Dầu và nghi thức lập lại lời tuyên hứa, các linh mục sẽ sống tốt hơn với lời khấn hứa và bước vào Tam Nhật Thánh với tâm hồn thánh thiện.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chia sẻ:

Thượng phụ Bartholomaios I kêu gọi các Giáo hội Chính thống hiệp nhất





Thượng phụ Bartholomaios I kêu gọi các Giáo hội Chính thống hiệp nhất
WHĐ (21.03.2016) Cuộc gặp gỡ lịch sử các Giáo hội Chính thống sẽ diễn ra tại Kriti, Hy Lạp, vào tháng Sáu tới. Hơn 50 năm sau đề nghị của Thượng phụ Athenagoras, 14 Giáo hội Chính thống sẽ gặp nhau từ ngày 16 đến 27 tháng Sáu 2016 để bàn về các vấn đề như các cộng đồng Chính thống sống tản mác, quyền tự trị của các Giáo hộicách thực thi quyền này, bí tích hôn nhân và những ngăn trở, tầm quan trọng của việc chay tịnháp dụng vào ngày nay, sứ vụ của Giáo hội Chính thống trong thế giới hiện nay cũng như mối tương quan của Giáo hội Chính thống với các Giáo hội Kitô giáo khác.
Trong một Thông điệp được đọc tại các nhà thờ Chính thống giáo vào Chúa nhật 20 tháng 3, Thượng phụ Constantinopolis, Bartholomaios I, đưa ra lời kêu gọi hiệp nhất [các Giáo hội Chính thống] để nêu gương cho nhân loại đang bị giằng xé bởi những chia rẽ và xung đột. Thời gian đã rất cấp bách, Thượng phụ Constantinopolis viết, vì thế các tín hữu Chính thống phải nỗ lực đồng tâm nhất trí với nhau. Mục tiêu chính của Công đồng này để chứng tỏ rằng Giáo hội Chính thống dứt khoát hiệp nhất trong các mầu nhiệm, trong Thánh Thể và đức tin, và c trong tính hiệp đoàn nữa.
Một tính hiệp đoàn thể hiện trên toàn thế giới
Cuộc gặp gỡ quan trọng này đã được chuẩn bị bởi các Ủy ban đặc biệt và các Hội nghị Tiền Công đồng để các tài liệu và các quyết định có thể được nhất trí thông qua. Các vấn đề sẽ được bàn luận chủ yếu liên quan đến cấu và đời sống của Giáo hội Chính thống, mà theo Thượng phụ Bartholomaios I, đòi phải tái tổ chức ngay lập tức. Thế giới muốn nghe tiếng nói của Chính thống giáo về các vấn đề nóng đối với nhân loại, nhưng Giáo hội Chính Thống phải bắt đầu dọn dẹp nhà mình trước khi công khai bày tỏ ý kiến. Vì vậy, sau nhiều thế kỷ, Chính thống giáo sẽ thể hiện tính hiệp đoàn của mình trên toàn thế giới.
Đây là bước đầu tiên có tính quyết định để những người khác làm theo, Thượng phụ Bartholomaios nhấn mạnh. Hai trung tâm Chính thống lớn, cụ thể là hai Toà Thượng phụ Moskva và Constantinopolis, đã đặc biệt không đồng ý về phương thức biểu quyết tại Công đồng. Cuối cùng đi đến quyết định rằng các quyết định phải được cả 14 Giáo hội đồng ý.
Những nhà quan sát ngoài Chính thống giáo, đặc biệt là người Công giáo, cũng được mời tham dự các phiên khai mạc và bế mạc Công đồng. Các giáo hội Chính thống có một nền thần học chung nhưng lại chia rẽ nhau do các truyền thống văn hóa khác nhau.
(Vatican Radio)
 
Minh Đức