label

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

ĐTC canh thức cầu nguyện với hàng triệu bạn trẻ

ĐTC canh thức cầu nguyện với hàng triệu 

bạn trẻ

ĐTC cùng các bạn trẻ tiến qua Cửa Thánh tại Canh Đồng Lòng Thương Xót - ANSA
31/07/2016 08:45
Đức Thánh Cha canh thức cầu nguyện với hàng triệu bạn trẻ
 CRACOVIA. Trong buổi canh thức cầu nguyện với hàng triệu bạn trẻ tại Cánh đồng Lòng Thương Xót ở Cracovia, ĐTC mời gọi họ hãy nắm giữ vai chính và đừng ”sống vật vờ như người ngái ngủ”.
 Buổi canh thức bắt đầu lúc 7 giờ rưỡi tối, nhưng từ 2 giờ rưỡi chiều, nhiều đoàn trẻ đã đi bộ 15 cây số đến Cánh đồng Lòng thương xót, nhận chỗ trong khu vực dành cho mình, trong khi từ trên lễ đài có những ban nhạc giúp linh hoạt bầu không khí.
 Cánh đồng Lòng Thương Xót (Campus Misericordiae) ở khu vực Brzegi Wieliczka mạn nam thành Cracovia, trước đây là vùng bùn lầy, nơi ”những kẻ thù của nhân dân” trong thời cộng sản xô viết được gửi đến để cải tiến đất đai. Với dự án gặp gỡ giữa ĐTC và các bạn trẻ quốc tế, khu vực này càng được làm sạch hơn. Công binh Ba Lan cũng được huy động thiết lập 4 cây cầu bắc qua sông để phòng khi bất trắc.
 Lúc 6 giờ rưỡi chiều ngày thứ bẩy 30-7-2016, ĐTC đã rời tòa TGM Cracovia để tới Cánh đồng Lòng Thương Xót, cách đó 12 cây số.
 Khi ĐTC đến cánh đồng Thương Xót, một quả chuông nặng nửa tấn, tên là Chuông Lòng Thương Xót đã được đánh lên để chào mừng ngài.
 Sau khi cùng với 5 bạn trẻ đại diện 5 châu cầm tay nhau tiến qua cửa Năm Thánh, ĐTC đã dùng xe papamobile để tiến qua các lối đi ở cánh đồng để chào thăm các bạn trẻ và cả các tín hữu Ba Lan. Ban tổ chức nói rằng số người tham dự lên tới 1,6 triệu. Trước lễ đài có khu vực dành riêng cho hàng trăm GM. Bên phải lễ đài được dành cho ca đoàn gồm hàng ngàn ca viên. Cũng ở phía này có bức ảnh lớn diễn tả Chúa Giêsu Thương Xót được ghép thành bằng hàng chục ngàn hình chụp các bạn trẻ từ các nơi gửi đến ban tổ chức.
 Canh thức
 Buổi canh thức bắt đầu lúc 7 giờ rưỡi với chủ đề ”Chúa Giêsu, nguồn mạch Lòng Thương Xót” và diễn ra qua 5 hồi với 5 tiểu đề: niềm tin cho người nghi ngờ, niềm hy vọng cho người nản chí, tình yêu cho người dửng dưng lãnh đạm, sự tha thứ cho người đã làm sự ác, niềm vui cho những người sầu muộn. 5 tiểu đề lần lượt được diễn ra qua các video, các hoạt cảnh, và các chứng từ bằng tiếng Ba Lan, Anh và Tây Ban Nha. Có một video chiếu lại cảnh tàn phá hai ngọn tháp song đôi ngày 11-9 ở New York. Một video và hoạt cảnh khác diễn lại cảnh ĐGH Gioan Phaolô 2 tha thứ cho tên Ali Agca kẻ mưu sát ngài ngày 13-5-1981.
 Các bạn trẻ, tuy thuộc các ngôn ngữ khác nhau, nhưng có thể hiệu qua hệ thống thông dịch trựa tiếp được truyền đi qua các làn sóng khác nhau mà họ có thể nhận được qua điện thoại di động.
 Ba chứng từ
 1. Chứng từ thứ I là của cô Natalia, người Ba Lan. Hồi năm 2012, cô Natalia là chủ bút của một tạp chí về thời trang ở Lodz, thành phố lớn thứ 3 của Ba Lan. Cô thành công trong nghề nghiệp, quen biết nhiều bạn đẹp trai, trải qua hết lễ này đến lễ khác, ăn chơi thoải mái và coi đó như ý nghĩa cuộc đời. Cho đến một hôm ngày 15-4-2012, cô tỉnh dậy với nỗi lo lắng băn khoăn vì lối sống của mình không có gì là tốt đẹp. Natalia kể: Con hiểu rằng mình cần phải đi xưng tội ngay trong ngày hôm đó. Con không biết rõ phải xưng tội phải phép như thế nào. Con tìm trong trang mạng google từ ”confessione, xưng tội”. Trong một bài, con đọc được câu này: Thiên Chúa đã chết vì yêu thương chúng ta. Con hiểu rõ hoàn toàn ý nghĩa câu đó.. Chúa đã chết vì tình yêu đối với con, Chúa muốn ban cho con sự sống trọn vẹn, trong khi con khép mình trong sự dửng dưng. Con vào bếp và hút một điếu thuốc.
 Con thấy rõ tình trạng của con trong lúc đó và con bật khóc. Con lấy một tờ giấy và bắt đầu liệt kê các tội của con. Các tội ấy thật là rõ ràng trước mắt con, và con thấy mình đã phạm chống lại tất cả 10 giới răn. Con cảm thấy nhu cầu cấp thiết cần nói với một linh mục ngay. Con tìm trên Internet và thấy lúc 3 giờ chiều có giải tội ở Nhà thờ chính tòa. Con chạy lại đó, tâm hồn rất sợ sẽ bị linh mục nói với con rằng: Tội của con quá nặng, cha không thể làm gì cho con”. Dầu vậy, con cũng tìm được can đảm và đến xưng tội. Khi con vừa chấm dứt, vì linh mục nói: Đây thật là một sự xưng tội thật đẹp!. Con không hiểu vị linh mục muốn ám chỉ điều gì, trong những điều con xưng thú chẳng có gì là đẹp cả!
 Cha giải tội hỏi con: ”Con có biết hôm nay là ngày gì không? Là Chúa nhật lòng thương xót. Con có biết mấy giờ rồi không? Là đúng 3 giờ chiều, giờ của lòng thương xót. Con có biết con đang ở đâu không? Ở nhà thờ chính tòa, nơi mà thánh nữ Faustina Kowalska vẫn cầu nguyện hằng ngày khi người sống tại thành phố Lodz này. Bấy giờ Chúa hiện ra với thánh nữ và nói là Ngài muốn tha thứ trong ngày ấy tất cả các tội lỗi, dù nặng nề đến đây đi nữa. Các tội của con đã được tha, con đừng để chúng trở lại trong đầu óc con nữa. Hãy bứng chúng khỏi đầu con”. Đó là những lời thật mạnh mẽ. Con đi xưng tội tưởng là mình sẽ đánh mất sự sống đời đời... Con bước ra khỏi nhà thờ như từ một bãi chiến trường trở về: rất mệt nhưng đồng thời con hết sức vui mừng, với một tâm tình chiến thắng và xác tín rằng chính Chúa Giêsu đang trở về nhà cùng với con”.
 2. Chứng từ thứ hai do cô Rand Mittri, 26 tuổi người Siria ở thành phố Aleppo, một thành phố bị tàn phá, hoang tàn. Ý nghĩa cuộc sống bị xóa bỏ. Thành phố bị quên lãng. Cô trình bày chi tiết về cuộc sống người dân tại thành này bị chết chóc đe dọa.
 Cô Rand phục vụ tại trung tâm Don Bosco ở Aleppo, đón nhận và giúp đỡ hơn 700 thanh thiếu niên nam nữ tìm đến đó để mong được thấy một nụ cười, nghe được một lời an ủi.. Anh xin ĐTC và mọi người cầu nguyện cho đất nước Siria yêu quí của anh.
 3. Chứng từ thứ ba của anh Miguel 34 tuổi người Paraguay, ở thủ đô Asunción của nước này. Từ năm 11 tuổi Miguel bắt đầu nghiện ngập ma túy và sau đó vào tù ra khám nhiều lần, có lần phạm tội nặng Miguel bị án tù 6 năm.
 Một lần sau khi ra khỏi tù, Miguel được một linh mục bạn của gia đình mời đến thăm một nơi gọi là Nông trại Hy vọng. Anh chấp nhận đến đó, và tại đây anh cảm thấy được chấp nhận và sống như trong một gia đình. Trong cộng đồng này, phương pháp chữa trị là Lời Chúa, sống lời Chúa.. Miguel cũng học cách tha thứ và dần dần anh được giao trách nhiệm trong cộgn đoàn. Từ 3 năm nay, Miguel đặc trách nhà ”Quo vadis, Thầy đi đâu” trong nông trại Hy vọng ở Cerro Chato bên Uruguay”.
 Huấn dụ của ĐTC
 Trong bài huấn dụ, ĐTC đã dựa vào chứng từ của 3 người trẻ, ngài bắt đầu từ chứng từ can đảm và cảm động của cô Rand người Siria với lời xin mọi người cầu nguyện cho đất nước của cô.
 ĐTC nhận xét rằng: chúng ta đến từ các phương trời trên thế giới, có những nước đầy chiến tranh, xung đột, có những người mà chúng ta chỉ biết những thực tại đau thương đó qua tin tức, báo chí, truyền hình. Ngài nói: Ngày hôm nay chiến tranh tại Siria là sự đau khổ của bao nhiêu người, bao nhiêu người trẻ như cô Rand can đảm đang ở giữa chúng ta và xin lời cầu nguyện”.
 ”Các bạn thân mến, tôi mời các bạn cùng nhau cầu nguyện vì bao nhiêu nạn nhân chiến tranh, để một lần cho tất cả, chúng ta có thể hiểu rằng không có gì biện minh được cho việc sát hại một người anh em, không gì quí giá hơn một người đang ở cạnh chúng ta.
 ”Ở đây chúng ta không kêu gào chống lại ai, chúng ta không cãi vã, không muốn tàn phá. Chúng ta không muốn chiến thắng oán thù bằng cách gia tăng hận thù, không muốn thắng bạo lực bằng một bạo lực lớn hơn. Câu trả lời của chúng ta cho thế giới đang ở trong chiến tranh có một danh xưng, đó là tình huynh đệ, hiệp thông, gia đình. Chúng ta mừng sự kiện chúng ta đến từ các nền văn hóa khác nhau và chúng ta hiệp nhất để cầu nguyện. Lời tốt đẹp nhất của chúng ta là hiệp nhau trong kinh nguyện. Chúng ta hãy im lặng trước mặt Chúa và cầu nguyện.
 Sau khi mọi người cầu nguyện trong thinh lặng, ĐTC nói tiếp:
 ”Chúng ta đã nghe 3 chứng từ, chúng ta đã động chạm đến lịch sử và cuộc sống của họ. Chúng ta đã thấy 3 chứng nhân đã sống trong sợ hãi lo âu như các môn đệ bị cảm thấy đe dọa và bách hại.. Sợ hãi và lo âu như anh Rand ra khỏi nhà mà biết rằng có thể mình không còn được thấy những người thân yêu nước, hoặc lo sợ vì không cảm thấy được quí chuộng và yêu mến, hay không có cơ may nào khác nữa. Họ đã chia sẻ với chúng ta cùng kinh nghiệm như các môn đệ đã trải qua. Khi sợ hãi nằm vùng trong tâm hồn, thì nó luôn có một đồng chí tháp tùng, đó là sự tê liệt, cảm thấy mình bị tê liệt. Cảm thấy rằng trong thế giới này, trong các thành thị của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, không còn chỗ cho sự tăng trưởng, mơ ước, kiến tạo, nhìn về chân trời nữa để sống. Sự tê liệt như vậy là một trong những điều tệ hại có thể xảy ra cho chúng ta trong cuộc sống. Sự tê liệt làm cho chúng ta không còn hứng thú để gặp gỡ, không muốn tình bạn, không cảm thấy thích cùng nhau mơ ước, đồng hành với người khác.
 Trong cùng chiều hướng trên đây, ĐTC cảnh giác các bạn trẻ về một sự tê liệt càng nguy hiểm hơn nữa và khó nhận diện ra chúng: đó là sự tê liệt mà ngài gọi là “hạnh phúc với chiếc ghế bành để nằm”, người ta nghĩ mình được hạnh phúc với sự thoải mái, tiện nghi, an ninh, tự do hưởng thụ. Chiếc đi-văng chống đủ mọi thứ đau đớn và sợ hãi khiến ta khép mình trong nhà, chẳng phải vất vả lo lắng gì. Đi văng hạnh phúc có lẽ là một sự tê liệt âm thầm làm hại chúng ta hơn cả, vì dần dần chúng ta ngủ thiếp đi, để cho những người khác quyết định về tương lai chúng ta.
 ĐTC ứng khẩu hỏi các bạn trẻ:
 - Các bạn có muốn là những người trẻ ngái ngủ, choáng váng, chóng mặt hay không? [họ thưa: không!]
 - Các bạn có muốn người khác quyết định tương lai thay cho các bạn không? [họ thưa: không!]
 - Các bạn có muốn tự do không? [họ thưa: có!]
 - Các bạn có muốn tỉnh táo, mau lẹ không? [họ thưa: có!]
 - Các bạn có muốn chiến đấu cho tương lai các bạn không? [họ thưa: có!]
 ĐTC nói: câu trả lời của các bạn có vẻ không xác tín lắm! Các bạn có muốn chiến đấu cho tương lai các bạn không? Họ gào to: có!
 ”Các bạn thân mến! Các bạn không sinh ra trong trần thế để sống vật vờ, vất vưởng, sống thoải mái trên chiếc ghế bành dài. Trái lại các bạn vào đời để thi hành một cái khác. Khi chúng ta chọn tiện nghi thoải mái, lẫn lộn hạnh phúc với tiêu thụ, thì cái giá mà chúng ta phải trả thật là đắt đỏ: chúng ta đánh mất tự do!
 Ma túy gây hại cho chúng ta, đó là điều chắc chắn, nhưng có nhiều thứ ma túy khác mà xã hội chấp nhận, nhưng rốt cuộc chúng làm cho chúng ta trở thành một thứ nô lệ. Cả hai thứ ma túy ấy đều làm cho chúng ta mất đi một điều quí giá nhất, đó là tự do.
 Các bạn thân mến, Chúa Giêsu là Chúa của rủi ro, luôn đi xa hơn. Chúa Giêsu không phải là Chúa của tiện nghi thoải mái, an ninh.. Để theo Chúa Giêsu cần có can đảm, cần quyết định thay đổi cái ghế bành thoải mái bằng đôi giày giùúp bạn tiến bước trên những con người chưa hề mơ ước, và cũng chẳng nghĩ tới, tiến trên những con đường có thể mở ra những chân trời mới, có khả năng làm cho vui mừng lan tỏa, niềm vui nảy sinh từ tình yêu Chúa, niềm vui để lại trong tâm hồn các bạn mọi cử chỉ, mọi thái độ từ bi.
 Và ĐTC kết luận rằng:
 ”Ngày hôm nay, Chúa Giêsu là đường, đang kêu gọi bạn hãy để lại dấu vết của Ngài trong lịch sử. Ngài mời gọi bạn hãy để lại một dấu vết làm đầu sức sống lịch sử của bạn và của bao nhiêu người khác. Chúa là sự thật, Ngài mời gọi bạn hãy từ bỏ những con đường chia cách, chia rẽ, vô nghĩa. Các bạn có sẵn sàng không? Tay chân bạn trả lời thế nào cho Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống?”
 Sau bài huấn dụ của ĐTC, mọi người đã sốt sắng thờ lạy Mình Thánh Chúa được rước lên đặt trên bàn thờ ở lễ đài. Hàng triệu ngọn nến sáng các bạn trẻ cầm ở tay lung linh trong đêm tối, trong khi ca đoàn Ba Lan lần lượt hát các kinh Lòng Thương Xót và kính Mình Thánh Chúa.
 Buổi canh thức của ĐTC với các bạn trẻ kết thúc lúc quá 9 giờ tối. ĐTC trở về tòa TGM để dùng bữa tối và nghỉ đêm, trong khi các bạn trẻ ngủ lại tại cánh đồng Lòng Thương Xót để tham dự thánh lễ bế mạc vào sáng chúa nhật hôm sau vào lúc 10 giờ.
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Đức Thánh Cha ngã trong thánh lễ tại Czestochowa

Đức Thánh Cha ngã trong thánh lễ tại Czestochowa

 
Sau khi cầu nguyện trước bức ảnh Đức Bà Đen, Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ kỷ niệm 1050 năm nước Balan “chịu phép rửa”. Vào buổi đầu lễ, khi đang đi trên lễ đài, Đức Thánh Cha đã ngã xuống trước bàn thờ. Sau đó, Ngài tiếp tục cử hành Thánh Lễ.
 

 
PopeFrancis-08.jpg

PopeFrancis-10.jpg

PopeFrancis-02.jpg

PopeFrancis-01.jpg

PopeFrancis-03.jpg

PopeFrancis-04.jpg

PopeFrancis-05.jpg

PopeFrancis-06.jpg PopeFrancis-07.jpg

PopeFrancis-09.jpg

PopeFrancis-11.jpg

PopeFrancis-12.jpg
 
tổng hợp: Internet, dongten.net
 

NHỮNG KHO LỚN HƠN (31.7.2016 – Chúa nhật 18 Mùa Thường niên, Năm C)


NHỮNG KHO LỚN HƠN
Lời Chúa: Lc 12, 13-21
Một hôm, có người trong đám đông nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.”
Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”  Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Suy nim:
Cái kho là quan trọng.
Kho bạc quan trọng đối với một đất nước.
Kho lẫm cần cho người làm nghề nông.
Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng.
Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng.
Mọi lợi nhuận đều thu vào kho.
Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng.
Sau một vụ mùa bội thu,
mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ ngôn
là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình,
vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa.
Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này:
phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn,
rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó,
khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm.
Khi nhà kho đã an toàn
thì tương lai của ông vững vàng ổn định.
Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm.
Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn uống.
Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến ai.
Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc.
Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc 12,34).
Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy.
Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở.
Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác.
Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa kho.
Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho.
Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan,
nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya,
hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả.
Cái kho không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ.
Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay.
Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho.
Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu lên,
chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới.
Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai này.
Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không xấu.
“Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”  (12,15).
Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình,
để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi,
nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân.
Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích.
Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa
là người biết mở kho để trao đi
và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại.
Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa,
chúng ta thấy kho của mình trống trơn
vì vừa mới cho đi tất cả.
Cầu nguyn:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen. 
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho linh mục, tu sĩ Ba Lan

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho linh mục, tu sĩ Ba Lan

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho các linh mục, tu sĩ Ba Lan - ANSA
30/07/2016 12:21
CRACOVIA. Sáng ngày 30-7-2016, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho 2 ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Ba Lan. Ngài mời gọi họ ra đi thi hành sứ mạng, và sống tín thác nơi Chúa.
 Giã từ Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót lúc gần 10 giờ sáng, ĐTC đến Đền Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, chỉ cách đó 1 cây số. Đền thánh thứ hai này được ĐHY Dziwisz cựu bí thư của Đức Cố Giáo Hoàng cho khởi công xây cất trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2015. Ngoài thánh đường còn có Bảo Tàng viện Gioan Phaolô 2, một tháp quan sát, một trung tâm diễn thuyết và hội nghị, một nhà trọ cho các khách hành hương, và một trung tâm chỉnh hình.
 Khu vực Đền Thánh cũng có liên hệ tới Đức Gioan Phaolo 2: nơi này trước kia có hãng hóa học ”Solvay”: khi còn là một sinh viên trong thời thế chiến thứ hai, Karol Wojtila, vị Giáo Hoàng tương lai, đã làm việc tại đây như công nhân, cho đến tháng 9 năm 1940 thì làm việc trong mỏ đá ở địa phương, năm sau đó, Người được chuyển đến làm việc trong xưởng lọc nước bẩn.
 Đền thánh có hai tầng: phần trên là Nhà thờ chính với 6 nhà nguyện quanh gian chính. Phần dưới là Nhà thờ có hình bát giác, gồm nhiều nhà nguyện nhỏ, chứa đựng các thánh tích liên quan đến thánh Gioan Phaolô 2, nhất là một ống đựng máu của vị thánh Giáo Hoàng, do các bác sĩ ở bệnh viện Gemelli trao lại cho ĐHY Dziwisz bấy giờ còn là bí thư riêng của Đức Gioan Phaolô 2. Thánh tích này được đặt tại bàn thờ bằng cẩm thạch ở trung tâm Nhà thờ các thánh tích.
 Trong thánh đường, ngoài các LM, tu sĩ và chủng sinh cũng có hàng chục GM Ba Lan đồng tế với ĐTC. Hàng ngàn người khác tham dự thánh lễ từ quảng trường bên ngoài.
 Bài giảng của Đức Thánh Cha
 Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan đoạn 20 kể lại biến cố 8 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, cửa nhà đóng kín. Chúa đứng giữa họ và chúc lành, trao ban bình an và Thánh Thần, cùng với ơn tha thứ tội lỗi cho họ, nghĩa là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng sai các môn đệ: ”Như Cha đã sai thầy, Thầy cũng sai các con đi” (v.21). ĐTC mời gọi các LM tu sĩ hãy ra khỏi mình, đừng khép kín, trái lại hăng say ra đi; và hãy tiếp tục viết lên những trang Tin Mừng bằng cách hành động từ bi bác ái. ĐTC nói:
 ”Chúa Giêsu sai đi. Ngay từ đầu Chúa muốn Giáo Hội đi ra ngoài, đi tới thế giới. Chúa muốn Giáo Hội cũng làm như Ngài đã làm, như Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần thế: không phải như một kẻ hùng mạnh, nhưng trong thân phận người tôi tớ (Xc Pl 2,7), không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (Mc 10,45) và để mang Tin Vui (Xc Lc 4,18). Những người được Chúa sai đi trong mọi thời đại cũng phải như vậy. Chúng ta thấy một điều trái nghịch này: trong khi các môn đệ đóng kín cửa nhà vì sợ hãi, thì Chúa Giêsu sai họ ra đi thi hành sứ mạng; Chúa muốn các cánh cửa mở toang và các môn đệ đi ra ngoài để phổ biến ơn tha thứ và an bình của Thiên Chúa, với sức mạnh của Chúa Thánh Linh.
 ĐTC khẳng định rằng:
 ”Lời kêu gọi này cũng được dành cho chúng ta. Làm sao không nghe thấy vang vọng lời mời gọi long trọng của thánh Gioan Phaolô 2: ”Hãy mở cửa!”?. Nhưng trong đời sống linh mục và thánh hiến của chúng ta có thể thường xảy ra cám dỗ muốn phần nào khép kín trong chính mình hoặc trong các môi trường của mình, vì sợ hãi hoặc vì thoải mái, tiện lợi. Nhưng hướng đi mà Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta chỉ có một chiều mà thôi: đó là ra khỏi chính mình. Đó là một cuộc xuất hành không có vé trở về. Đây là thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình, mất mạng sống vì Chua (Xc Mc 8,35), đi theo con đường hiến thân.
 ”Đàng khác, Chúa Giêsu không thích những con đường được đi nửa chừng, những cánh cửa để hé mở, những lối sống nước đôi. Ngài yêu cầu hãy lên đường nhẹ nhàng, ra đi, từ bỏ những an ninh của mình, và chỉ tìm chắc chắn nơi một mình Chúa mà thôi.
 ”Nói khác đi, cuộc sống của các môn đệ thân thiết nhất như chúng ta được kêu gọi trở thành, được dệt bằng tình yêu cụ thể, nghĩa là phục vụ và sẵn sàng; một cuộc sống không có những không gian khép kín và tư sản để sống thoải mái. Ai đã chọn làm cho cuộc sống của mình hoàn toàn phù hợp với cuộc sống của Chúa Giêsu thì không chọn nơi riêng tư, nhưng đi tới nơi nào mình được sai đến; sẵn sàng đáp lại vị kêu gọi mình, và cũng chẳng chọn thời giờ riêng. Nhà mà họ ở không thuộc về họ, vì Giáo Hội và thế giới là những nơi mở rộng cho sứ mạng của họ. Kho tàng của họ là đặt Chúa ở trung tâm cuộc sống, không tìm kiếm sự gì khác cho mình. Họ xa tránh những hoàn cảnh lợi lộc, đặt họ ở vị trí trung tâm, họ không đứng lên những bục cao lung lay của quyền lực trần thế, không tìm cuộc sống tiện nghi làm suy yếu việc loan báo Tin Mừng, không phí phạm thời gian để đề ra những dự phóng tương lai vững chắc và nhiều lợi nhuận, để khỏi bị nguy cơ trở nên cô lập và u tối, khép kín mình trong những bức tường chật hẹp của sự ích kỷ vô vọng và thiếu niềm vui. Hài lòng trong Chúa, họ không mãn nguyện với cuộc sống tầm thương, nhưng nồng nhiệt khát khao làm chứng ta và đi đến người khác; họ thích rủi ro và ra ngoài, không bị bó buộc phải theo những lộ trình đã vạch sẵn, nhưng cởi mở và trung thành với những lộ trình được Chúa Thánh Linh chỉ dẫn: họ không chấp nhận sống vất vưởng, nhưng vui tươi loan báo Tin Mừng”.
 ĐTC cũng nhấn mạnh sự gắn bó của môn đệ đối với Chúa Giêsu và khẳng định rằng:
 ”Đối với chúng ta là môn đệ Chúa, điều rất quan trọng là đặt nhân tính của chúng ta tiếp xúc với thân mình của Chúa, nghĩa là mang trọn con người của chúng ta đến với Chúa, với lòng tín thác và hoàn toàn chân thành, cho đến tận cùng. Như Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina, Ngài hài lòng khi chúng ta nói tất cả với Chúa, Chúa không mệt mỏi vì cuộc sống của chúng ta mà Ngài đã biết, Chúa đợi chúng ta chia sẻ, thậm chí kể lại cuộc sống hằng ngày của chúng ta cho Chúa (Xc Nhật ký, 6-9-1937). Như thế chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa, trong một kinh nguyện trong sáng, và không quên phó thác những lầm than, cơ cực và cả những chống cự của chúng ta. Trái tim Chúa Giêsu bị chinh phục bằng sự cởi mở chân thành, do những tâm hồn biết nhìn nhận và khóc lóc vì những yếu đuối của mình, tín thác rằng chính tại đó mà lòng thương xót của Chúa sẽ hành động.
 Trong phần cuối của bài giảng, ĐTC nói về câu cuối cùng của Tin Mừng theo thánh Gioan theo đó có nhiều dấu lạ khác được Chúa Giêsu thực hiện (v.30) những không được ghi chép trong sách này. Sau phép lạ vĩ đại về lòng thương xót của Chúa, chúng ta có thể nghĩ là không cần phải thêm điều lạ nào khác. Tuy nhiên, vẫn còn một thách đố, một khoảng trống cho các dấu chỉ được chúng ta thực hiện, chúng ta là những người đã lãnh nhận Thánh Thần Tình Yêu và chúng ta được kêu gọi phổ biến lòng thương xót. Ta có thể nói rằng Tin Mừng, cuốn sách sinh động về lòng thương xót của Chúa, cần phải được đọc đi đọc lại liên tục, sách nào có những trang chưa viết ở cuối: đó là cuốn sách vẫn còn bỏ trống, chúng ta được kêu gọi viết lên với cùng một lối sống, nghĩa là thực hiện những công việc từ bi bác ái. Tôi hỏi anh chị em: những trang sách của mỗi người chúng ta như thế nào? Chúng có được viết hằng ngày không? Hay là chúng ta để trắng các trang sách ấy?
 Xin Mẹ Maria giúp chúng ta trong công tác này! Mẹ là Đấng đã hoàn toàn đón nhận Lời Chúa trong cuộc sống (Xc Lc 8,20-21), xin Mẹ ban cho chúng ta ơn trở thành những văn sĩ sống động của Tin Mừng; xin Mẹ Từ Bi Thương Xót dạy chúng ta chăm sóc cụ thể những vết thương cảu Chúa Giêsu nơi các anh chị em chúng ta đang ở trong tình trạng túng thiếu, những người xa gần, người bệnh cũng như người di dân, vì chính khi phục vụ người đau khổ chúng ta tôn kính thần mình của Chúa Kitô.
 Cuối thánh lễ, ĐHY Dzwisz, TGM sở tại và cũng là vị đặc trách về giáo sĩ thuộc HĐGM Ba Lan, đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC.
 Sau phép lành, ĐTC đã trở về tòa TGM Cracovia, để dùng bữa trưa tới 12 bạn trẻ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: mỗi châu lục có 1 người nam và một người nữ đại diện, cộng thêm với 2 bạn trẻ nam nữ người Ba Lan.
 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót

Đức Thánh Cha viếng Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót

Đức Thánh Cha viếng Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót - OSS_ROM
30/07/2016 12:17
CRACOVIA. Sáng thứ bẩy, 30-7-2016, trong lúc các bạn trẻ Ba Lan và quốc tế đi bộ khoảng 15 cây số từ Cracovia đến Cánh đồng Lòng Thương Xót, thì ĐTC tiếp tục cuộc viếng thăm của ngài, bắt đầu là cuộc kính viếng Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót.
 ĐTC đến nhà nguyện Thánh Nữ Faustina Kowalska, ở Lagiewniki, một khu vực của thành Cracovia, cách tòa TGM 6 cây số. Tại đây có tu viện của các nữ tu dòng Đức Mẹ Maria Thương Xót, nơi thánh nữ Faustina đã sống 5 năm quan trọng nhất với những mạc khải thần bí thánh nữ nhận được. Thánh Gioan Phaolô 2 đã 3 lần viếng thăm nơi này và ĐTC Biển Đức 16 đến đây một lần vào năm 2006.
 Thánh nữ Faustina
 Thánh nữ Faustina Kowalska sinh năm 1905, tục danh là Helena. Năm lên 7 tuổi, cô bé đã cảm thấy có ơn gọi sống đời tu trì, nhưng không được cha mẹ chấp thuận, nên cô tìm cách bóp nghẹt ơn gọi đó. Tuy nhiên, năm lên 20 tuổi, Helena được Chúa Kitô đau khổ mời gọi trong một thị kiến, nên chị đã tới thủ đô Varsava, và ngày 1-8 năm 1925, để gia nhập tu viện các nữ tu Đức Maria Thương Xót, và được nhận tên dòng là Maria Faustina. Trong 13 năm, chị lần lượt được bổ tới 3 tu viện của dòng, đảm nhận công việc làm bếp, làm vườn và coi cổng. Bên ngoài, không có dấu hiệu gì chứng tỏ đời sống thần bí lạ thường của chị trong nội tâm. Chị Faustina chuyên cần chu toàn mọi công việc, trung thành tuân giữ luật dòng, và sống âm thầm, nhưng đồng thời luôn tỏ ra đầy tình thương dịu hiền và vị tha.
 Đàng sau cuộc sống đều đều và thầm lặng của chị Faustina có một cuộc kết hiệp sâu xa khác thường với Chúa. Chị được những ơn lạ thường, với những mạc khải, thị kiến, mang thánh tích bí ẩn, tham gia vào cuộc thương khó của Chúa. Chị cũng được ơn ở nhiều nơi cùng một lúc, ơn đọc được tâm hồn của tha nhân, ơn kết hôn thần bí với Chúa và ơn nói tiên tri. Chị đã tiên báo Thế chiến thứ hai 8 năm trước khi biến cố này xảy ra, cũng như nói tiên tri về việc bầu Đức Karol Wojtila người Ba Lan làm Giáo Hoàng. Nhiều người không do dự ví chân phước Faustina với Cha Pio ở Italia xét về số lượng những ơn lạ.
 Chúa đã chọn nữ tu Faustina làm tông đồ về lòng từ bi thương xót của ngài, để phổ biến cho thế giới chân lý về tình thương của Chúa. Sứ mạng của chị gồm có 3 nghĩa vụ: thứ nhất là rao giảng cho thế giới chân lý được mạc khải trong Kinh Thánh về lòng từ bi của Thiên Chúa đối với mỗi người; thứ hai là cầu xin lượng từ bi của Thiên Chúa cho thế giới, nhất là những người có tội. Việc cầu xin này được thực hiện dưới những hình thức mới về sự tôn kính Lòng Từ Bi Chúa; thứ ba là khởi xướng phong trào tông đồ của Lòng Từ Bi Chúa, cầu nguyện cho thế giới.
 Sứ mạng của Chị Faustina được mô tả trong cuốn ”Nhật Ký” chị viết theo đề nghị của các cha giải tội. Trong các tập này, chị trung thành ghi chép tất cả những lời của Chúa và bộc lộ những tiếp xúc của linh hồn chị với Chúa. Trong cuốn Nhật Ký thứ sáu, chị viết: ”Một lần kia tôi cầu nguyện cho Ba Lan và tôi nghe thấy những lời này: Ta yêu thương Ba Lan một cách đặc biệt và nếu Ba Lan tuân theo ý Ta, Ta sẽ nâng Ba Lan lên hàng hùng cường và thánh thiện. Từ đó sẽ nảy sinh ra tia lửa chuẩn bị thế giới cho sự giáng lâm cuối cùng của Ta”.
 Chị Faustina phải chịu nhiều bệnh tật và đau khổ, nhưng chị vui lòng chấp nhận tất cả như lễ hy sinh để cầu cho tội nhân. Chị qua đời ngày 15-10 năm 1938 tại Cracovia, lúc mới 33 tuổi.
 Bản thân ĐTC Gioan Phaolô 2, khi còn là một thanh niên Karol Wojtila, ngài thường đến kính viếng mộ nữ tu Faustina ở Cracovia, vì mỗi ngày, ngài vẫn đi qua đó trên đường tới làm việc tại hãng hóa học Solvay. Ít lâu sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã cho thu hồi biện pháp cấm cản của Bộ giáo lý đức tin đối với việc tôn sùng lòng Thương Xót Chúa do Chị Faustina truyền bá.
 Ngài đã phong chân phước cho nữ tu Faustina ngày 18-4-1993, rồi phong hiển thánh ngày 30-4 năm thánh 2000 tại Quảng trường thánh Phêrô trước sự hiện diện của 200 ngàn tín hữu từ nhiều nơi trên thế giới tựu về.
 Đức Gioan Phaolô đã đích thân cung hiến và khánh thành Vương cung thánh đường Lòng Chúa Thương Xót ngày 19-8-2002 trong cuộc quê hương Ba Lan lần thứ 9. Đền thánh này cao 25 mét, dài 75 mét, rộng 45 mét, có hai tầng và tháp cao và có thể chứa được 5 ngàn người.
 Viếng thăm
 Khi đến khu vực gần tu viện của các nữ tu dòng Đức Mẹ Thương Xót ở Lagienewki, ĐTC đã được Nữ tu Bề trên Tổng quyền, cũng như Bề trên tu viện tiếp đón tại cửa nhà nguyện, trước sự hiện diện của 300 người trong đó có 80 trẻ nữ được nhà dòng trợ giúp. Tiến vào bên trong nhà nguyện Thánh Nữ Faustina, trước sự hiện diện của 150 nữ tu, ĐTC cầu nguyện trước bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót và bên dưới bàn thờ tại đó mộ của thánh nữ Faustina. Bức ảnh được vẽ theo chính lời Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ trong lần hiện ra vào năm 1931 trong phòng của thánh nữ ở thành phố Plock. Do sự chỉ dẫn của thánh nữ Faustina, họa sĩ Eugeniusz Kazimirowski ở Vilnius đã họa bức ảnh này lần đầu tiên vào năm 1934 bên dưới có ghi hàng chữ 'Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa'. Về sau nhiều bức ảnh khác cũng được vẽ ra theo bức ảnh này.
 Từ nhà nguyện thánh nữ Faustina, ĐTC tiến ra Đền Thánh mới kính Lòng Thương Xót của, chỉ cách đó 200 mét. Ngài đứng ở sân thượng trước thánh đường, chào thăm và chúc lành cho hàng ngàn tín hữu chờ đợi bên dưới, rồi chào thăm một số gia đình với những người con nhỏ bị bệnh tật, trước khi Bước qua Cửa Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.
 Liền đó, ĐTC đã ngồi giải tội cho 8 bạn trẻ được chọn theo 3 ngôn ngữ: Italia, Tây Ban Nha và Pháp.
 Sau khi giải tội và quì cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, và chào thăm hàng ngàn tín hữu hiện diện trong thánh đường. Ngài cũng nhắn nhủ rằng: 'Ngày hôm nay, Chúa muốn cho chúng ta cảm thấy sâu đậm hơn nữa lòng thương xót bao là của Ngài. Chúng ta đừng bao giờ lìa xa Chúa Giêsu! Cho dù chúng ta nghĩ tội lỗi và thiếu sót của chúng ta lớn lao nặng nề.. Chúng ta hãy lợi dụng ngày này để lãnh nhận lòng thương xót Chúa. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ từ bi thương xót”.
 G. Trần Đức Anh OP

Tưòng thuật ngày chứ ba chuyến công du của ĐTC bên Ba Lan

Tưòng thuật ngày chứ ba chuyến công du của ĐTC bên Ba Lan

ĐTC Phanxicô ban phép lành cho các bạn trẻ sau buổi đi đàng Thánh Giá tại cánh đồng Blonia chiều 29-7-2016 - AFP
29/07/2016 20:38
ĐTC khích lệ các bjan trẻ trở thành những ngưởi gieo vãi niềm hy vọng
Thứ sáu 29 tháng 7 hôm qua là ngày thứ ba ĐTC Phanxicô viếng thăm mục vụ Ba Lan nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 31 tại Cracovia. ĐTC đã có bốn sinh hoạt chính: viếng thăm hai trại tập trung đức quốc xã  là Auschwitz và Birkenau, nhà thương nhi đồng Prokocim, và vào ban chiều chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá với giới trẻ tại bãi đất trống “Blonia (đọc là Buonie). Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của ĐTC.
Lúc 7 giờ sáng ĐTC đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện toà Tổng Giám Mục Cracovia. Sau đó vào lúc 8 giờ 15 ngài đi xe đến phi trường Balice cách đó 16 cây số để lấy trực thăng quân sự bay đến Oswiecim cách đó 30 cây số. Máy bay đã tới nơi sau nửa giờ bay.
Đón tiếp ĐTC có ĐC Roman Pindel, GM Bielsko Zywiec, và ông thị trưởng thành phố. ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, cũng theo đoàn tuỳ tùng trong cuộc viếng thăm này.
Oswiecim là một trong những thành phố lâu đài cổ xưa nhất Ba Lan, nằm gần sông Sola, có gốc gác hồi thế kỷ XII, và có biểu tượng là lâu đài trên đồi, ngày này là một viện bảo tàng. Lịch sử của thành phố này bị ghi dấu bởi các biến cố thê thảm của Đệ Nhị Thế Chiến. Tại đây quân đức quốc xã đã xây dựng trại tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại: đó là trại tập trung Auschwwitz Birkenau, nơi có hơn một triệu một trăm ngàn người bị giết trong các năm 1940-1945. Ngày nay thành phố có hơn 40 ngàn dân cư, là trung tâm của nhiều sáng kiến hoà bình và nơi gặp gỡ của con người thuộc nhiều quốc tịch và tôn giáo khác nhau. Năm 1998 Liên Hiệp Quốc đã tặng nó tước hiệu “Sứ giả hoà bình”. Giáo phận Bielsko-Zywiec là một trong bốn giáo phận thuộc tổng giáo phận  Cracovia, có hơn 800 ngàn dân cư, 90% theo Công Giáo và 80 ngàn theo các tôn giáo khác. Giáo phận gồm 210 giáo xứ với 525 linh mục triều, 121 linh muc dòng, 136 tu huynh, 450 nữ tu và 69 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 32 học viện giáo dục và 11 trung tâm bác ái.
Lúc 9 giờ 20 phút ĐTC đi xe đến viện bảo tàng Auschwwitz cách đó 700 mét.
** Ngược dòng lịch sử ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939 quân đức quốc xã xâm lăng Ba Lan và đổi tên Oswiecim thành Auschwitz, và thành lập trại tâp trung gần thành phố. Mười bẩy ngày sau hồng quân Liên Xô tiến chiếm nửa còn lại của Ba Lan. Trại tập trung hoạt động từ ngày 14 tháng 6 năm 1940 đến ngày 27 tháng giêng năm 1945 và gồm ba phần: Auschwwitz I có các dẫy nhà bằng gỗ cũ kỹ, Birkenau hay Auschwwitz II và khoảng 40 trại phụ thuộc gần các nhà máy và các nông trại của Đức. Trong thời gian đầu quân đức quốc xã tàn sát 150.000 tù nhân chính trị gồm các thành phần ưu tú của xã hội Ba Lan. Với thời gian họ cũng bắt đầu gửi vào trại các tù nhân thuộc các nước khác  và từ mùa xuân năm 1942 quân đức quốc xã bắt đầu tàn sát hàng loạt người Do thái. Chính tại đây đã có hơn 1 triệu người Do thái bị giết, 23 ngàn người Rom, 15 ngàn tù nhân chiến tranh liên xô và hàng ngàn người thuộc các quốc tịch khác. Trong số các vị tử đạo tại Auschwitz có cha Massimiliano Maria Kolbe và thánh nữ Teresa Benedetta Thánh Giá Edith Stein, gốc do thái.
Ngày giải phóng trại tập trung Suschwitz 27 tháng giêng được Liên Hiệp  Quốc tuyên bố là Ngày Quốc Tế tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng. Ngày 27 tháng 7 năm 1947 chính quyền Ba Lan quyết định duy trì khu vực của trại tập trung và thành lập viện bảo tàng quốc gia Auschwwitz-Birkenau trên một vùng rộng 191 mẫu. Năm 1979 Liên Hiệp Quốc đưa nó vào trong danh sách của “Gia tài nhân loại”. Cho đến nay đã có hơn 30 triệu người viếng thăm viện bảo tàng này. Năm 2000 chính quyền Ba Lan đã cho thành lập Uỷ ban quốc tế gồm 22 thành viên thuộc nhiều nước khác nhau để bảo trợ các hoạt động kỷ niệm của khu vực này.
Vài tháng sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, có một nhóm cựu tù binh người Ba Lan bắt đầu phát động việc tưởng niệm các nạn nhân của trại tập trung Auschwitz. Vài người đến khu vực này thành lập một Hội đồng thường trực của trại tập trung Auschwitz và cung cấp sự trợ giúp cho hàng ngàn người hành hương kéo nhau đến đây để tìm dấu vết của các thân nhân, bạn bè bị sát hại, cầu nguyện và tưởng niệm những người đã bị giết tại các nơi này. Viện bảo tàng Auschwitz Birkenau bao gồm các khu vực của trại tập trung Auschwitz I tại Oswiecim và trại tập trung Birkenau Auschwitz II ở Brzezinka và tất cả những nơi khác bao gồm các dụng cụ tàn sát hàng loạt người Do thái và hơn 150 loại cơ cấu gồm các dinh thự và các nhà gỗ  cho tù nhân, nhà tiêu, dinh thự cho các nhân viên hành chánh và người chỉ huy trại tập trung, các nhà cho mật vụ đức quốc xã, bàn giấy ghi danh các tù nhân mới tới, các tháp canh, cổng trại tập trung, vài cây số hàng rào kẽm gai, các con đường bên trong trại và đường rầy xe lửa. Viện bảo tàng cũng bao gồm những hố chôn tập thể vài trăm tù nhân bị giết trước khi hồng quân liên xô vào trại tập trung, hay chết sau khi trại được giải phóng. Nghĩa là tất cả những chứng tích và các vật dụng tội phạm của Đức Quốc Xã, tiếp tục nghiên một cách khoa học các dấu tích ấy để trình bầy cho công chúng  kết qủa các nghiên cứu này. Nhưng trước hết trại tập trung Auschwitz Birkenau là một nghĩa trang  và một nơi tưởng niệm, một đài tưởng niệm, một trung tâm giáo dục và tìm hiểu tình trạng của những người đã bị sát hại tại đây. Từ khi được thành lập đã có hơn 30 triệu người thuộc hơn 100 quốc gia đến viếng thăm viện bảo tàng. Nơi tưởng niệm cũng bao gồm các sưu tầm lịch sử, văn khố và bộ sưu tập lớn nhất thế giới các tác phẩm nghệ thuật dành cho Auschwitz.
** ĐGH Gioan Phaolô II đã viếng thăm Auschwitz trong chuyến công du Ba Lan lần đầu tiên ngày mùng 7 tháng 6 năm 1979 và đã cầu nguyện trong căn phòng để đói, nơi thánh Massimiliano Maria Kolbe đã chết. Trong bài giảng thánh lễ cử hành bên ngoài trại tập trung hồi đó Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi không thể không đến đây như Giáo Hoàng…Tôi đến một lần nữa để nhìn vào mắt lý do của con người, cùng với anh chị em, một cách độc lập với niềm tin của anh chị em. Đặc biệt tôi cùng anh chị em, hỡi những người thân mến tham dự vào cuộc  gặp gỡ này, dừng lại trước tấm bia khắc tiếng Do thái. Bản khắc này gợi lên ký ức của dân tộc mà con cái bị chỉ định cho sự tiêu diệt hoàn toàn. Trước tấm bia này không ai được phép đi qua với sự thờ ơ. Auschwitz là một tính sổ với lương tâm nhân loại qua các bia khắc làm chứng cho các nạn nhân của các dân tộc, mà người ta không chỉ viếng thăm, mà cũng cần suy nghĩ với sự sợ hãi; suy nghĩ tới điều này là một trong các ranh giới của thù hận. Auschwitz là một chứng tá của chiến tranh. Chiến tranh đem theo mình một gia tăng không cân xứng của thù hận, huỷ hoại và tàn ác”.
Ngày 28 tháng 5 năm 2006 ĐTC Biển Đức XVI cũng đã viếng thăm trại tập trung Auschwitz Birkenau vào cuối chuyến tông du Ba Lan. Phát biểu trong dịp này ngài nói: “Lên tiếng tại nơi của sự kinh hoàng, của tội phạm chồng chất chống lại Thiên Chúa và chống lại con người, chưa từng thấy trong lịch sử, hầu như là điều không thể làm được. Và nó đặc biệt khó khăn và đè nén đối với một kitô hữu, một Giáo Hoàng đến từ nước Đức. Trong một nơi như nơi này các lời nói giảm đi, nói cho cùng chỉ còn có một sự thinh lặng kinh hoàng – một sự thinh lặng là một tiếng kêu nội tâm lên Thiên Chúa: Lậy Chúa, tại sao Ngài lại thinh lặng? Tại sao Ngài lại đã có thể khoan nhượng với tất cả điều này? Chính trong thái độ thinh lặng này mà chúng ta cúi đầu sâu thẳm trong thầm kín trước hàng hàng lớp lớp những người đã khổ đau và bị giết: tuy nhiên, sự thinh lặng này sau đó lớn tiếng trở thành lời xin tha lỗi, hòa giải, một tiếng kêu lên Thiên Chúa hằng sống xin đừng bao giờ cho phép một điều như vậy xảy ra nữa. Đức Gioan Phaolô II đã đến đây như là người con của dân tộc bên cạnh dân tộc Do thái đã phải khổ đau hơn tại nơi này, nói chung, trong thời chiến tranh… Hôm nay tôi đến đây như người con của dân tộc Đức, và chính vì thế tôi phải và có thể nói như ngài: Tôi đã không thể không tới. Tôi đã phải tới. Nó đã và đang là một bổn phận trước sự thật và quyền lợi của những người đã khổ đau, một bổn phận trước mặt Thiên Chúa”.
** Cuộc viếng thăm đã bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi. Xe chở ĐTC đã dừng bên ngoài cổng chính của trại tập trung bên trên có hàng chữ “Lao động khiến tự do”. ĐTC đã được ông giám đốc Viện bảo tàng tiếp đón. Ngài đi bộ vào bên trong, rồi lên chiếc xe nhỏ  chạy bằng điện để đến Khu số 11. Khi đến sân Gọi, tên là sân nhỏ nơi mật vụ đức quốc treo cổ các tù nhân, ĐTC đã dừng lại cầu nguyện rồi hôn cây cột gỗ. Đây là nơi cha Massimiliano Kolbe đã hy sinh nhận chết thế cho một người cha gia đình. Bà Thủ tướng Beata Maria Szydlo đã đón tiếp ĐTC trước cửa vào khu 11. Ngài đã gặp 11 nạn nhân sống sót của trại tập trung, ôm hôn và nói chuyện với từng người. Người cuối cùng trao cho ngài một cây nến. ĐTC đã cầm cây nến thắp ngọn đèn dầu ngài tặng cho  trại tập trung và thinh lặng cầu nguyện trước bức tường nơi quân đức quốc xã đã xử bắn hàng ngàn tù nhân trong hai năm, bằng cách bắn vào đầu họ rồi lôi xác vào lò hoả thiêu, từ mùa thu năm 1941 đến mùa thu năm 1943. Sau đó các vụ xử bắn được chuyển qua trại tập trung Birkenau. Bức tường này đã bị phá nhưng năm 1946 các cựu tù binh của trại đã xây lại.
Sau khi tưởng niệm các nạn nhân đã bị xử bắn tại đây, ĐTC vào thăm căn phòng nơi cha Massimilano Kolbe bị bỏ chết đói. Hình phạt bỏ đói được quân đức quốc xã dùng trong thời gian ban đầu. Các tù nhân được chọn trong nhóm có một người tù bỏ trốn, bị bỏ chết đói trong các phòng bên duới lòng đất. Cha Kolbe đã chết đói trong phòng số 18.  ĐTC được cha Bề trên tổng quyền và cha bề trên tỉnh dòng Phanxicô viện tu hèn mọn tiếp đón, rồi ngài xuống các phòng bỏ đói thăm căn phòng nơi cha Kolbe qua đời. Ngài đã vào ngồi trên ghế và thinh lặng cầu nguyện một lúc lâu. Hiện nay có một bản khắc kỷ niệm cái chết hy sinh của ngài, bên cạnh có một cây nến do Đức Gioan Phaolô II để lại. Trước khi rời khu nhà số 11 ĐTC đã ký tên vào sổ lưu niệm. Ngài viết bằng tiếng Tây Ban Nha: “Lậy Chúa xin thuơng xót dân Ngài, Lậy Chúa xin tha thứ cho biết bao tàn ác”. Tiếp đến ĐTC đi xe sang thăm trại tập trung Birkenau cách đó 3 cây số. Trại  tập trung này rộng 175 mẫu và là trại tập trung lớn nhất cũng gọi là Auschwitz II. Nó được quân đức quốc xã bắt đầu xây năm 1941 trong làng Brzezinka. Dân làng bị đuổi đi nơi khác và nhà cửa của họ bị tàn phá để lấy chỗ cho trại tập trung. Tại Birkenau quân đức quốc xã đã xây dựng các hệ thống tiêu diệt tinh vi nhất gồm 4 lò hoả thiêu với các phòng hơi ngạt, 2 phòng hơi ngạt tạm thời trong nhà của dân. Có khoảng 300 dẫy nhà bằng gỗ và gạch làm nơi ở cho các tù nhân bị trưng dụng cho lao động và để cho chết dần chết mòn. Vào tháng 8 năm 1944 số tù nhân tại Birkenau lên tới 100.000 người. Tưởng cũng nên biết rằng trong thời đệ nhị thế chiến đã có 1.000 linh mục Ba Lan cứu sống người Do thái. Các nữ tu đã cho người Do thái tá túc trong 300 tu viện và cơ cấu khác nhau trên toàn nước Ba Lan. Hồi năm 1939 số linh mục tu sĩ Ba Lan là 18.000. Hàng giáo sĩ bị quân đức quốc xã bách hại một cách có hệ thống, khiến cho 4.000 vị và 6 Giám Mục đã bị nhốt trong các trại tập trung, và ít nhất có 2.800 vị đã chết.
** Trước đài tưởng niệm các nạn nhân có 1.000 người gồm thân nhân của các nạn nhân và một số các tù nhân còn sống sót chờ ĐTC. Đài tưởng niệm này đã được khánh thành năm 1967 giữa lò hoả thiêu số II và số III. Có 426 dự án đã được đề ra. Dự án vĩnh viễn đã do các kiến trúc sư Ba Lan và Italia thực hiện. Toàn đài tưởng niệm gồm nhiều lớp, khiến ta nghĩ tới các hòm chôn người chết và các bia mộ, trong khi yếu tố cao nhất biểu tượng cho ống khói của lò hoả thiêu. Trước đài tưởng niệm có các tấm bia tưởng niệm bằng 23 thứ tiếng khác nhau của các tù nhân. Bảng tưởng niệm viết: “Hãy luôn mãi để nơi này là tiếng thét của tuyệt vọng và là một cảnh cáo cho nhân loại, nơi quân đức quốc xã đã giết chết 1,5 triệu người, phụ nữ, trẻ em, đa số là người Do thái, đến từ các nước Âu châu. Auschwitz Birkenau 1940-1945”.
Sau khi đi bộ qua cổng chính, ĐTC đã lên xe chạy bằng điện tiến vào trại. Ngài đã được bà Thủ tướng và ông giám đốc trại tiếp đón. Một rabbi do thái hát thánh vịnh 130, sau đó ĐTC đã đến trước các tấm bia thinh lặng cầu nguyện rồi thắp lên một ngọn nến. Ngài tiếp tục thăm hết các bia tới tấm bia cuối cùng có tên của 25 người được coi là “Các người công chính của các quốc gia”.
Sau khi thăm đài tưởng niệm ĐTC đã tặng tràng hạt mân côi  cho các nạn nhân sống sót ngồi ở mấy hàng ghế đầu. Tiếp đến ngài đi xe tới sân trực thăng bay  về Balice cách đó 45 cây số, rồi về toà tổng giám mục Cracovia để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi trước khi đi thăm nhà thương nhi đồng Prokocim vào ban chiều.
** Đây là nhà thương nhi đồng lớn nhất Ba Lan, do các tu sĩ  Dehoniani điều khiển, hàng năm chữa trị cho khoảng 30.000 trẻ em và khám bênh phát thuốc cho 200.000 em. Việc xây cất nhà thương đã do các người Ba Lan sống bên Hoa Kỳ đề xướng, và được chính quyền Hoa Kỳ tài trợ. Trong 5 thập niên qua nhà thương đã chữa trị cho 900.000 trẻ em. Nhà thương này nổi tiếng vì chuyên giải phẫu tách rời các trẻ em sinh đôi dính vào nhau, chữa phỏng và các thứ bệnh về tim của trẻ em.
Đức Gioan Phaolô II  cũng đã thăm nhà thương ngày 13 tháng 8 năm 1991. Nhà nguyện của nhà thương còn giữ vài thánh tích của ngài. Hàng ngày tại đây đều có thánh lễ cho trẻ em, cha mẹ, các nhân viên y tế và sinh viên y khoa, vì nhà thương cũng là đại học. Mình Thánh Chúa cũng được chầu suốt ngày tại đây.
 Lúc 4 giời rưỡi chiều ĐTC đã đi xe díp đến nhà thương cách toà tổng giám mục 9 cây số. Ngài đã được bà thủ tướng và vị giám đốc nhà thương tiếp đón tại sảnh đường. Hiện diện có 50 trẻ em bệnh nhân, cha mẹ các em, các bác sĩ y tá và sinh viên y khoa.
Đáp lời chào của bà thủ tướng ĐTC nói lên lý do ngài đến thăm nhà thương:
Tôi muốn ở gần mỗi trẻ em đau yếu một chút, bên cạnh giường các em, ôm các em vào lòng, từng em một, lắng nghe từng em một, mỗi em một chút, và cùng nhau thinh lặng trước các câu hỏi không có câu trả lời tức khắc. Và cầu nguyện.
Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu gặp gỡ các người đau yếu, tiếp đón họ và Ngài cũng sẵn lòng đi tìm họ. Ngài luôn luôn nhận ra họ, nhìn họ như một bà mẹ hiền nhìn đứa con không khoẻ mạnh, và cảm thương họ. Như là các kitô hữu tôi uớc mong biết bao có khả năng gần gũi người bệnh theo kiểu của Chúa Giêsu, trong thinh lặng, với một cái vuốt ve, với lời cầu nguyện. Rất tiếc xã hội của chúng ta bị ô nhiễm bởi nền văn hóa “gạt bỏ” chống lại nền văn hoá tiếp đón. Và các nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ chính là những người yếu đuối nhất, giòn mỏng nhất; và đó là một sự tàn ác. Trái lại, thật là đẹp trông thấy rằng trong nhà thương này các trẻ em bé nhỏ và cần được giúp đỡ được tiếp đón và săn sóc. Nhờ dấu chỉ này của tình yêu mà anh chị em cống hiến cho chúng tôi! Đó là dấu chỉ của nền văn minh đích thực, nhân bản và kitô: đặt để các người bị thiệt thòi nhất vào trung tâm của sự chú ý xã hội chính trị.
Tiếp tục bài phát biểu ĐTC nói:
Đôi khi các gia đình phải một mình lo lắng cho chúng. Phải làm gì đây? Từ nơi này trong đó tôi trông thấy tình yêu cụ thể , tôi muốn nói: chúng ta hãy nhân nhiều lên các công trình của nền văn hóa tiếp đón, các công trình được linh hoạt bởi tình yêu kitô, tình yêu đối với Chúa Giêsu bị đóng đinh, đối với thịt xác của Ngài. Phục vụ với tình yêu thương, dịu hiền những người cần sự giúp đỡ khiến làm cho chúng ta tất cả lớn lên trong nhân bản; và nó mở ra cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu: ai chu toàn các việc lành phúc đức, thì không sợ hãi cái chết.
Tôi khích lệ tất cả những ai đã khiến cho lời mời gọi của Tin Mừng trở thành một lựa chọn cuộc đời: các bác sĩ, y tá, tất cả những ai làm việc trong lãnh vực y khoa cũng như các tuyên uý và các người thiện nguyện. Xin Chúa giúp anh chị em chu toàn công việc của mình, tại đây cũng như tại mọi nhà thương trên toàn thế giới. Và xin Người thưởng công cho anh chị em, bằng cách ban cho anh chị em sự an bình nội tâm và một con tim luôn luôn có khả năng dịu hiền.
Xin cám ơn tất cả mọi người về cuộc gặp gỡ này! Tôi mang anh chị em trong tim và trong lời cầu nguyện. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.
ĐTC đã tặng nhà thương bức tranh “Trước cửa” của nghệ sĩ Piero Casentini, diễn tả một cảnh trong cuộc đời Chúa Giêsu: thánh Phêrô và các tông đồ đương đầu với người bệnh đi tìm Chúa Giêsu thấp thoáng đàng sau cánh cửa của một căn nhà. Các gương mặt được trình bầy theo rẻ quạt để người nhìn có thể quan sát từng gương mặt một.
ĐTC đã nói chuyện và vuốt ve các trẻ em trong đó nhiều em bị bệnh ung thư, trước khi đi thăm vài khu vực của nhà thương đại học. Tiếp đó ngài lên nhà nguyện và được linh mục tuyên uý Lucjan Szezepaniak tiếp đón. ĐTC viếng Mình Thánh Chúa và quỳ cầu nguyện một lát.
Lúc 17 giờ 30  ĐTC đi xe đến cánh đồng Blonia cách đó 10 cây số để chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá với giới trẻ.
Ba giờ trước khi ĐTC tới, hơn 1 triệu bạn trẻ đã tham dự chương trình gặp gỡ gồm các màn trình diễn nhạc cảnh, chiếu phim, chia sẻ các chứng từ, cầu nguyện và hát thánh ca. Các bạn trẻ được xem các phim video nối liền với các cử hành tại nhiều nơi khác liên quan tới lòng thương xót trong thành phố Cracovia.
** Buổi đi đàng Thánh Giá được cử hành bằng 5 thứ tiếng: Ba Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Ở mỗi chặng, thánh giá được các bạn trẻ thuộc 14 hiệp hội và phong trào khác nhau vác theo thứ tự gồm: chặng thứ I cộng đồng thánh Egidio; chặng thứ II Hiệp hội trợ giúp các người vô gia cư thánh Alberto Chmielowski; chặng thứ III Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ; chặng thứ IV Nhà bà mẹ cô đơn “Cửa sổ của sự sống”; chặng thứ V Cộng đoàn Con tầu; chặng thứ VI Hiệp hội trợ giúp nhau “Con tầu” tái hội nhập các tù nhân, trợ giúp người thất nghiệp và vô gia cư; chặng thứ VII Chương trình “Madalena” của các nữ tu dòng Đức Bà Thương Xót, tức dòng của thánh nữ Faustina Kowalska, gồm nhà tiếp đón các bà mẹ trẻ và các bà mẹ cô đơn; chặng thứ VIII “Trạm ngừng Giêsu” là phong trào rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ sống xa Chúa; chặng thứ IX Cộng đoàn “Nhà Tiệc Ly” chuyên giúp tái hội nhập các người nghiện ma tuý; chặng thứ X Hiêp hội trợ giúp của cha thánh Pio giúp đỡ vật chất, tâm lý, tinh thần và tư pháp với hai trung tâm và 7 nhà tại Cracovia; chặng thứ XI các nữ tu Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta; chặng thứ XII Cộng đoàn “Bánh sự sống” chuyên trợ giứp trẻ em, người nghèo và người tàn tật cũng như cấp học bổng cho trẻ em nghèo với 7 nhà cho người già và vô gia cư gồm 1000 người; chặng thứ XIII “Nhà thương tại gia” là phong trào chống tệ nạn mại dâm và các hình thức phổ biến cuộc sống tính dục tháo thứ trong xã hội; chặng thứ XIV “Nhà thánh Ladarô” trợ giúp các bệnh nhân nan y cuối đời.
Mỗi chặng đều có hoạt cảnh minh họa, một đoạn Phúc Âm, và phần suy niệm quy chiếu cuộc sống ngày nay.
Ngỏ lời với các bạn trẻ ĐTC trích lại lời Chúa Giêsu nói trong ngày phán xét: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." Các lời này của Chúa Giêsu gặp gỡ câu hỏi nhiều lần vang lên trong con tim chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?. Thiên Chúa ở đâu, nếu trong thế giới có sự dữ, nếu có những người đói khát, không nhà cửa, các người di cư tỵ nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi các người vô tội chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu khi bệnh tật không thương xót bẻ gẫy các mối dây của sự sống và yêu thương? Hay khi các trẻ em  bị khai thác bóc lột, bị hạ nhục và khổ đau vì các bệnh tật? Thiên Chúa ở đâu trước nỗi âu lo của những người nghi ngờ và các thống khổ của tâm hồn? Có các vấn nạn mà con người không có câu trả lời. Chúng ta chỉ có thể nhìn lên Chúa Giêsu và hỏi Ngài. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là đây: “Thiên Chúa ở trong họ” Chúa Giêsu ở trong họ, tự đồng hoá một cách sâu xa với từng người. Ngài kết hiệp với họ như thể làm thành “một thân thể duy nhất” với họ.
** Chính Chúa Giêsu dã lựa chọn tự đồng hóa với các anh chị em này, bị thử thách bởi khổ đau và âu lo, bằng cách chấp nhận bước đi trên con đường khổ nạn tiến lên núi sọ. Khi chết trên thập giá, Ngài phó thác mình trong tay của Thiên Chúa Cha, và vác lên mình và trong mình với tình yêu thương trao ban, các vết thương thể lý, luân lý và tinh thần của toàn nhân loại. Khi ôm lấy gỗ của thập giá, Chúa Giêsu ôm lấy sự trần trụi, đói khát và cô đơn, khổ đau và cái chết của con người thuộc mọi thời đại. Chiều hôm nay, Chúa Giêsu, và chúng ta cùng với Ngài, ôm lấy với tình yêu đặc biệt các anh chị em Siri, trốn chạy chiến tranh. Chúng ta chào đón họ và tiếp nhận họ với tình yêu thương huynh đệ và thiện cảm.
Khi bước đi trở lại Con đường Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta tái khám phá ra tầm quan trọng của việc tự đồng hóa với Ngài, qua 14 việc làm của lòng thương xót. Chúng giúp chúng ta rộng mở cho lòng xót thương của Thiên Chúa, xin ơn hiểu rằng không có lòng thương xót con người không thể làm được gì, không có lòng thương xót bạn, tôi, chúng ta tất cả không thể làm được gì hết. Trước hết chúng ta hãy nhìn vào 7 công việc thương xót thân xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người trần trụi áo quần để mặc, cho khách hành hương đỗ nhà, thăm viếng kẻ yếu đau, người tù tội, chôn xác kẻ chết. Chúng ta đã nhận được một cách nhưng không, chúng ta hãy cho đi một cách nhưng không. Chúng ta được mời gọi phục vụ Chúa Giêsu bị đóng đinh trong mọi người  bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, sờ mó thịt xác của Ngài được chúc phúc nơi người bị loại trừ, đói khát, trần truồng, bị tù đầy, đau yếu, thất nghiệp, bị bách hại, di cư tỵ nạn. Ở đó chúng ta tìm thấy Thiên  Chúa của chúng ta, chúng ta đụng chạm tới Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói điều này, khi giải thích đâu sẽ là cung cách dựa trên đó chúng ta sẽ bị phán xử: mỗi lần chúng ta đã làm điều này cho các anh em bé nhỏ nhất của Ngài là chúng ta đã làm cho chính Ngài (x. Mt 25,31-46).
Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Thêm vào các việc thương xót phần xác là các việc thương xót tinh thần: cố vấn cho người nghi hoặc, dậy dỗ kẻ dốt nát, cảnh cáo người tội lỗi, an ủi kẻ ưu phiền, tha thứ các xúc phạm, kiên nhẫn chịu đựng các người sách nhiễu, cầu nguyện với Thiên Chúa cho kẻ sống và kẻ chết. Tính cách đáng tin cậy của chúng ta như là kitô hữu là ở nơi việc tiếp đón người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội bị thương tích trên thân xác, và ở nơi việc tiếp đón kẻ có tội bị thương tích trong tâm hồn.
** Ngày nay nhân loại cần đến những người nam nữ, và một cách đặc biệt người trẻ như các bạn, những người không muốn sống cuộc đời mình “một nửa”, những người trẻ sẵn sàng tiêu hao cuộc đời trong việc phục vụ các anh chị em nghèo túng và yếu đuối nhất, noi gương Chúa Kitô , là Đấng đã trao ban tất cả chính mình cho sự cứu rỗi của chúng ta. Truớc sự dữ , khổ đau và tội lỗi, câu trả lời duy nhất có thể có đối với người môn đệ Chúa Giêsu là trao ban chính mình, cả cuộc sống, theo gương Chúa Kitô; đó là thái độ phục vụ. Nếu một người nói mình là kitô hữu – mà không sống để phục vụ, thì không ích lợi để sống. Với cuộc sống của mình họ khước từ Chúa Giêsu.
Các bạn trẻ thân mến, chiều nay Chúa canh tân lời mời gọi các bạn trở thành các tác nhân trong việc phục vụ; Ngài muốn làm cho các bạn trở thành một câu trả lời cụ thể cho các nhu cầu và các khổ đau của nhân loại; Ngài muốn rằng các bạn là một dấu chỉ tình yêu thương xót của Ngài cho thời đại chúng ta! Để chu toàn sứ mệnh này Ngài chỉ cho các bạn con đường dấn thân cá nhân và hy sinh chính mình: đó là Con đường thập giá. Con đường thập giá là con đường của hạnh phúc theo Chúa Kitô cho tới cùng, trong các hoàn cảnh thường khi thê thảm của cuộc sống thường ngày; đó là con đường không sợ hãi các thất bại, các gạt bỏ ngoài lề, hay các cô đơn, bởi vì nó làm tràn đầy trái tim con người với sự tràn đầy của Chúa Giêsu. Con đường thập giá là con đường  của cuộc sống và kiểu của Thiên  Chúa, mà Chúa Giêsu đã đi, cả qua các lối đi của một xã hội đôi khi chia rẽ, bất công và thối nát.
Con đường thập giá là con đường duy nhất đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết, bởi vì nó đổ vào ánh sáng rạng ngời của sự sống lại, bằng cách mở ra các chân trời của cuộc sống mới tràn đầy. Đó là Con đường của niềm hy vọng và của tương lai. Ai buớc đi trên nó với lòng quảng đại và niềm tin, thì trao ban hy gọng và tương lại cho nhân loại. Tôi muốn các bạn trở thành những người gieo vãi hy vọng.
Các ban trẻ thân mến, trong Ngày Thứ Sáu ấy nhiều môn đệ đã buồn bã trở về nhà họ, những người khác thì thích về căn nhà ở đồng quê để quên đi thập giá. Tôi xin hỏi các bạn: chiều nay các bạn muốn trở về nhà mình, về chỗ mình trọ như thế nào? Chiều nay các bạn muốn trở về để gặp gỡ chính mình như thế nào? Mỗi người hãy tự trả lời trong tim cho thách đố của câu hỏi này.”
Sau khi ban phép lành toà thánh cho các bạn trẻ ĐTC lên xe trở về toà Tổng Giám Mục cách đó 2 cây số, để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ ba chuyến viếng thăm mục vụ Ba Lan.
Thứ bẩy hôm nay ĐTC sẽ kính viếng đền thánh Lòng Thương Xót Chúa tại Lagiewniki, ban bí tích Hoà giải cho vài bạn trẻ, rổi cử hành thánh lễ với các linih mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh gần đền thánh Gioan Phaolô II. Vào ban chiều ngài sẽ cũng 5 bạn trẻ bước qua Cửa Thánh và chủ sự buổi canh thức cầu nguyện với thánh Gioan Phaolô II tại “Cánh đồng thương xót” bên ngoài thành phố Cracovia. Chúng tôi sẽ tường thuật các biến cố này trong các buổi phát ngày mai.
Linh Tiến Khải

Điểm báo Ba Lan ngày 30/7

Điểm báo Ba Lan ngày 30/7


Ngắm Đàng Thánh giá tại Ngày Quốc tế Giới trẻ Cracovia - AFP
30/07/2016 12:17

Ngày thứ sáu hôm qua (29/7) là một ngày bận rộn với Đức Thánh Cha Phanxicô, với các cuộc viếng thăm các trại tập trung của Đức quốc xã ở Ba Lan – nơi tưởng niệm cuộc diệt  chủng do Đức quốc xã gây nên đối với hàng triệu người Do thái, Ba Lan, và các quốc tịch khác; cuộc viếng thăm bịnh viện nhi và cuộc Ngắm Đàng Thánh giá vào ban chiều với hàng trăm ngàn bạn trẻ. Ngày hôm nay, cũng như những ngày vừa qua, các báo chí Ba Lan đồng loạt đăng các tin tức và hình ảnh về hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày hôm qua. Sau đây là tin tức được đăng trên 3 tờ báo lớn của Ba Lan sáng hôm nay:
Tờ Gazeta Krakowska: ở trang đầu là tấm hình lớn của Đức Thánh Cha tại bịnh viện nhi đồng với tựa đề: “Chúng ta hãy ở bên cạnh từng em trong số các trẻ em bị bịnh này”. Tờ báo này đã dành 11 trang và toàn phần phụ trương cho cuộc viếng thăm và cho Ngày Giới trẻ. Có rất nhiều hình ảnh. Bài đầu tiên nói về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại trại tập trung Auschwitz với tựa đề về “sự im lặng cảm động” của ngài. Tiếp theo là bài viết về cuộc viếng thăm các bịnh nhân nhi đồng tại bịnh viện nhi đồng, có tựa đề về việc dấn thân chống lại “nền văn hóa loại trừ”. Sau đó là bài viết về buổi Ngắm Đàng Thánh giá với nhiều hình ảnh được đăng. Cũng có một trang viết về nữ tu Cristiana, là một nữ tu ca sĩ người Italia và đang tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ. Một số gương chứng nhân được đăng tiếp sau đó. Còn có một bài viết về câu chuyện cửa sổ của Tòa Tổng Giám mục, từ Đức Karol Wojtyla (Giáo hoàng Gioan Phaolô) đến Đức Phanxicô. Các bài khác viết về việc các gia đình Ba Lan đón tiếp các bạn trẻ.
Tờ Dziennik Polski:  Đàng Thánh giá ở Blonia được đăng trên trang đầu với tựa đề: “Đau khổ, sự tàn ác, lòng thương xót”. Báo này dành 6 trang nói về cuộc viếng thăm và Ngày Quốc tế Giới trẻ. Trang 4 viết về cuộc viếng thăm trại tập trung Auschwitz của Đức Giáo hoàng – “Lời kêu gọi (cách) thinh lặng lòng thương xót”, trong khi trang 5 viết về cuộc thăm bịnh viện nhi đồng với lời của Đức Thánh Cha: “Cha muốn gần mỗi người các con” (nói đến các trẻ em). Bài báo nói Đàng Thánh giá là một cảnh tượng rất sâu sắc.
Tờ Gazeta Wyborcza: hình Đức Thánh Cha Phanxicô nổi bật ở trang bìa và các trang. Báo có tựa đề: “Cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ thay đổi Ba Lan?”. Toàn trang 3 viết về cuộc viếng thăm thinh lặng tại trại tập trung Auschwitz, trong khi trang 4 viết về Đàng Thánh giá và cuộc viếng thăm bịnh viện nhi đồng. Từ trang 12-15 tập trung vào cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô. Tựa đề là câu hỏi: “Ba Lan sẽ có sự đổi mới?”. Nhiều đề tài được khảo cứu. Cũng có một phụ trương 8 trang về Ngày Quốc tế Giới trẻ, về Đức Giáo Hoàng và Lòng Thương xót, cuộc viếng thăm Auschwitz, và những khoảnh khắc khác của Ngày Quốc tế Giới trẻ.
P. Gesiak / A. Gisotti phái viên Đài Vatican ở Cracovia

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

NGÀY TIỄN CHA PHÊ RÔ MAI ĐỨC VƯỢNG



NỖI NHỚ NIỀM THƯƠNG
NGÀY TIỄN CHA PHÊ RÔ MAI ĐỨC VƯỢNG

Sáng 24/7/2016 lúc 9 giờ 30 là thánh lễ nhận xứ của cha Phêrô Mai Đức Vượng tại giáo xứ Chợ Thủ, nhưng tại giáo xứ Cần Xây ngay từ 6 giờ 30 rất nhiều người đã tập trung về khuôn viên thánh đường để đến giáo xứ Chợ Thủ dự lễ nhận xứ và tiễn cha thân yêu của mình làm nhiệm vụ ở giáo xứ mới. Đoàn xe về Chợ Thủ hôm nay bao gồm 05 xe lớn và nhiều xe Honda. Mọi người đều háo hức mong đi nhanh để sớm gặp được cha sở của mình. Khi gặp lại, cha con tay bắt mặt mừng xen lẫn cả nước mắt, câu chuyện hàn huyên rộn ràng yêu thương, trìu mến làm như đã xa nhau lâu lắm rồi mới được gặp lại. Thế rồi thánh lễ bắt đầu với các nghi thức nhận Bài sai của Giám Mục, nhận ghế chủ tế, mở cửa nhà tạm, nhận tòa giải tội, lên bục giảng, lời từ biệt cha sở cũ và lời chào đón cha sở mời của đại diện Hội đồng mục vụ giáo xứ Chợ Thủ. Cuối cùng là đôi lời tâm sự của cha với mọi người. Trong bài phát biểu ngài có đôi lời với bà con giáo xứ Cần Xây đưa tiễn ngài, ngài nói “Một ngày nên nghĩa chuyến đò nên quen” nhưng tôi đã ở với anh chị em tám năm vì vậy mà tôi đã thật gắn bó với anh chi em. Khi đi nhận xứ vụ mới tôi vẫn nhớ anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Thật vậy cứ nghe những tiếng sụt sùi trong thánh lễ và nhìn vào những đôi mắt đỏ hoe của những người đưa tiễn đã nói lên tình cảm thế nào của cha con khi phải chia ly. Vẫn biết rằng lúc sống với nhau đôi khi có những bất đồng trong suy nghĩ nhưng tất cả chỉ là thoáng qua và đến lúc chia ly mới thấy giá trị thật của tiếng lòng. Rất nhiều người muốn đưa tiễn cha và được nhìn thấy nơi ở mới của cha nhưng thiếu phương tiện, tuy nhiên số người đưa tiễn cha rất đông và thánh lễ nhận xứ của cha cũng kín cả nhà thờ. Đoàn đồng tế trên 30 vị đặc biệt là các cố nhà Hưu, tuổi già, sức yếu nhưng vẫn hiện diện trong thánh lễ này. Kết thúc thánh lễ là bữa cơm thân mật, cha đến từng bàn cám ơn nhưng chẳng ai dám nói nhiều vì sợ không cầm được nước mắt. Thế rồi giờ chào tạm biệt đã đến, chẳng ai nói được gì chỉ bằng những cử chỉ luyến lưu và những giọt nước mắt lã chã rơi. Cha con dường như không thể xa cách, có những người đứng từ xa lau mắt vì không dám lại để nói lời tạm biệt. Chúc cha mọi sự tốt đẹp trong sứ vụ mới.
Tình cha con chẳng thể quên
Nhớ cha con khóc nguyện cầu bình yên
                                                                                                Thiên Sinh