label

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Mẹ Têrêxa và Đức Gioan-Phaolô II: “Rất tâm đầu ý hợp”

Mẹ Têrêxa và Đức Gioan-Phaolô II: “Rất tâm đầu ý hợp”
 
Chứng từ của ông Joaquin Navarro Valls cựu phát ngôn viên Tòa Thánh.
 
 
“Có một sự tâm đầu rất lớn” giữa Mẹ Têrêxa và Đức Gioan-Phaolô II, “chúng ta có thể thấy rõ khi hai người gặp nhau”: ông Joaquin Navarro Valls phát biểu trên Radio Vatican vài ngày trước ngày phong thánh Mẹ Têrêxa, chúa nhật 4 tháng 9 sắp tới. Ông là cựu phát ngôn viên Tòa Thánh dưới triều Đức Gioan-Phaolô II. Mẹ Têrêxa và Đức Gioan-Phaolô II có “các mục đích và có một sự thông hiểu nhau lạ thường”, theo ông Joaquin Navarro Valls: “Đó là chuyện hiển nhiên ngoài các công việc chính thức, trong thân tình nơi căn hộ của Đức Giáo hoàng hay vào năm 1986, lúc Đức Gioan-Phaolô II đi chuyến đi đầu tiên đến Kaligath, Ấn Độ, nơi có hai căn phòng lớn dính với một ngôi chùa phật giáo”, nơi Mẹ Têrêxa “thu gom tất cả những người Mẹ gặp ngoài đường ở thành phố Calcutta đem về đây”.
 
Ông Joaquin Navarro Valls còn cho biết, “năm 1988, hai năm sau Đức Gioan-Phaolô II đi Ấn Độ, căn nhà tiếp cư “Ơn Mẹ Maria” do các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái quản trị đã được khánh thành ở Vatican. Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ, một cách nào đó, Đức Gioan-Phaolô II cảm hứng từ những gì ngài thấy ở Ấn Độ.” “Đương nhiên, chuyện đó thật lạ lùng!, ông ngạc nhiên. Bởi vì rất hiếm khi có một Dòng ở nội thành Vatican – căn nhà này ở ngay trong Vatican – nơi tiếp cư những người ngoài đường, ngủ ngoài đường, những người không có gia đình, những người bệnh.”
 
Dù giữa Calcutta và Rôma có “rất nhiều khác biệt”, ông Navarro Valls cho biết, “hai thành phố đều có rất nhiều người đau khổ, họ cũng là những con người bị mọi người bỏ rơi”. Khi quyết định thành lập một ngôi nhà cho các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái ở ngay Vatican, Đức Gioan-Phaolô II “đã không ngần ngại một giây”, ông Navarro-Valls xác nhận.
 
Ông nhấn mạnh sự trùng hợp mang nhiều ý nghĩa của việc Mẹ Têrêxa được phong thánh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ông nói, sứ điệp của sự kiện này là: “Bác ái  ở trọng tâm của Giáo hội và của đời sống của mọi tín hữu kitô.” Ông nói tiếp: “Bác ái là một yếu tố hình thành tính chất chung của nhân cách một người, mang lại ý nghĩa cho đời sống người đó và để phục vụ người khác.”
 
Cựu phát ngôn viên Tòa Thánh còn nhớ nụ cười “gần như con nít, một nụ cười rất tự nhiên” của Mẹ Têrêxa. Ông kể tiếp, “sau khi Mẹ chết, sau khi các thư Mẹ viết cho các cha hướng dẫn thiêng liêng Mẹ được công bố, nói lên tâm trạng khô héo, đêm tăm tối mà Mẹ chịu đựng trong nhiều năm … sự tương phản thật lạ thường nơi người phụ nữ này!”
 
Vào cuối buổi phỏng vấn, ông Joaquin Navarro Valls cho biết, ông luôn nghĩ đến hình ảnh Mẹ Têrêxa khi nghĩ đến “vai trò của phụ nữ trong Giáo hội”: “Trên lãnh vực này, Mẹ đã làm một công việc rất lớn, ngoài ý muốn của mình, để trở thành một người lãnh đạo đích thực của thế giới…  Tất cả những gì Mẹ làm trong vai trò phụ nữ, với tính nhạy cảm của một người đàn bà, một phụ nữ trong Giáo hội, đã tạo cảm hứng cho đời sống, cho công việc của rất nhiều hồng y, giám mục, linh mục trong lòng Giáo hội.”
 
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch(phanxico.vn)

Tượng Đức mẹ Đồng trinh nhỏ 'nước mắt' ở Honduras

Tượng Đức mẹ Đồng trinh nhỏ 'nước mắt' ở Honduras

Hình ảnh bức tượng Đức mẹ Đồng trinh liên tục nhỏ "nước mắt" trong một nhà thờ tại Danli, Honduras, khiến nhiều người đi lễ kinh ngạc.

tuong-duc-me-dong-trinh-nho-nuoc-mat-o-honduras
Linh mục Lopez lau "nước mắt" nhỏ xuống từ tượng Đức mẹ Đồng trinh. Ảnh: Mirror.
Theo Mirror, người đi lễ lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng lạ xảy ra với tượng Đức mẹ Đồng trinh ở nhà thờ Santiago trong khuôn viên Đại học Thiên Chúa giáo Honduras vào cuối tuần trước.
Trong video do người đi lễ quay được, những giọt nước tràn ra ở mắt bức tượng trước khi lăn xuống má và được linh mục Lopez lau bằng khăn giấy.
Linh mục Juan Angel Lopez khẳng định cảnh bức tượng "khóc" chắc chắn không phải là giả, nhưng ông không rõ nguyên nhân dẫn đến sự việc khác thường này.
Linh mục Lopez, người giữ chức mục sư ở nhà thờ Iglesia Santo Domingo Savio tại thành phố Tegucigalpa gần đó, cho biết ông đã tận mắt quan sát tượng Đức mẹ Đồng trinh trong sân St James ở El Paraiso của trường đại học.
"Tôi cho rằng không có sự giả mạo bởi tôi biết những người điều hành nhà thờ Santiago. Tôi biết rõ sự nghiêm túc của người quay video và họ sẽ không làm giả việc tượng khóc", Lopez nói.
Phương Hoa

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người sáng lập Facebook

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người sáng lập Facebook

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người sáng lập Facebook - ANSA
29/08/2016 14:49
Vatican – Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Mark Zuckerberg, sáng lập viên và CEO của Face book, và vợ của ông, vào sáng thứ 2 hôm nay, trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican.
Thông cáo của phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: Đức Giáo hoàng và ông Zuckerberg đã nói chuyện với nhau về cách thế sử dụng các kỹ thuật truyền thông để xoá bớt nghèo khổ, khuyến khích một nền ván hóa gặp gỡ và giúp chuyển đạt một sứ điệp của hy vọng, đặc biệt cho những người bị thiệt thòi nhất”.
Ông Zuckerberg đã viết trên Facebook: “Priscilla và tôi đã có vinh dự gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican. Chúng tôi đã kể với ngài chúng tôi rất ngưỡng mộ sứ điệp thương xót và hiền dịu của ngài và cách ngài tìm ra những cách thức mới để giao tiếp với con người của mọi tôn giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng nói về tầm quan trọng của việc nối kết con người, đặc biệt tại những phần trên thế giới mà người ta không có kết nối internet”.
Hai vợ chồng ông Zuckerberg đã tặng Đức Giáo Hoàng một mẫu Aquila, là một máy bay nhỏ sử dụng năng lượng mặt trời để phân phát kết nối internet đến những vùng không có kết nối.
Ông chia sẻ them: “Chúng tôi còn chia sẻ về hoạt động của sáng kiến Chan Zuckerberg nhắm giúp con người trên toàn thế giới”.
Và ông kết luận: “Đó là một cuộc gặp gỡ mà chúng tôi không bao giờ quên. Bạn có thể cảm thấy sự ấm ấp và tử tế của ngài và trong tim ngài lòng muốn sâu sắc giúp đỡ con người.” (SD và AGI 29/08/2016)
Hồng Thủy

Chương trình Lễ Phong Thánh Mẹ Têrêsa Calcutta

Chương trình Lễ Phong Thánh Mẹ Têrêsa Calcutta

 
ROMA -- Các nữ tu Thừa sai Bác ái ở Roma đã công bố chương trình mừng lễ và tôn kính thánh tích Mẹ Têrêxa Calcutta, sẽ được Đức Thánh Cha (ĐTC) tôn phong hiển thánh vào Chúa nhật 04-9-2016 tới đây.
Lễ Phong Thánh sẽ được ĐTC cử hành lúc 10g30 tại Quảng trường Thánh Phêrô và cũng là lễ kết thúc cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho những người hoạt động trong các tổ chức bác ái Công giáo, những công việc lòng thương xót.
 - Thứ Năm, 01-9-2016, sẽ có lễ hội dành cho người người và gia đình thừa sai bác ái, trong đó cũng có phần âm nhạc dựa trên đời sống của Mẹ Têrêsa Calcutta.
 - Thứ Sáu, 02-9-2016, sẽ có các Thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ tại Vương cung thánh đường thánh Anastasia ở khu Palatino, và tôn kính thánh tích. Ban chiều có buổi canh thức và chầu Mình Thánh Chúa trọng thể tại Đền thờ thánh Gioan Laterano, do ĐHY Giám quản Roma, Agostino Vallini, chủ sự.
 - Sáng thứ Bảy, 03-9-2016, có buổi tiếp kiến với bài huấn giáo của ĐTC Phanxicô, nhân dịp Ngày Năm Thánh của những người hoạt động trong lãnh vực bác ái và từ thiện. Ban chiều cùng ngày có buổi suy niệm và canh thức tại Đền thờ thánh André della Valle, sau đó là nghi thức tôn kính thánh tích Mẹ Têrêsa và thánh lễ.
 - Sáng Chúa nhật 04-9-2016, ĐTC sẽ chủ sự lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa và ban chiều, các tín hữu có thể tôn kính thánh tích vị tân Hiển thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano.
 - Ngày thứ Hai, 5-9, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, sẽ chủ sự Thánh lễ tạ ơn tại Đền thờ Thánh Phêrô và cũng là lễ kính lần đầu tiên Thánh Têrêsa Calcutta. Các tín hữu có thể tôn kính thánh tích của thánh nữ vào ban chiều cũng tại Đền thờ thánh Gioan Laterano. Việc tôn kính này sẽ được tiếp tục ngày hôm sau cũng tại Đền thờ này.
Sau cùng, trong hai ngày từ mùng 7 đến 8-8-2016, thánh tích thánh nữ Têrêsa sẽ được tôn kính tại Nhà thờ thánh Gregorio Cả, và có thể viếng phòng của thánh nữ tại tu viện cạnh thánh đường này (CNS 5-8-2016)
Trần Đức Anh .OP

Quý vị có biết là Mẹ Têrêsa đã được thị kiến Chúa Giêsu?

Quý vị có biết là Mẹ Têrêsa đã được thị kiến Chúa Giêsu?

Vatican City,(EWTN News/CNA) - Ngay cả cha Sebastian Vazhakala, một người bạn hơn 30 năm của Mẹ Têrêsa cũng không hề biết rằng Mẹ đã trò chuyện và thị kiến Chúa Giêsu trước khi thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Mãi đến khi Mẹ qua đời, cuộc sống nội tâm của Mẹ mới được tiết lộ. Cha Vazhakala, linh mục của Dòng Thừa Sai Bác Ái đã nói với đài phát thanh EWTN như vậy.

 
Việc Mẹ đã trò chuyện và gặp gỡ Chúa Giêsu chỉ được biết đến khi hồ sơ phong thánh của Mẹ Têrêsa được mở ra sau hai năm Mẹ qua đời vào năm 1997, qua các tài liệu đã được tìm thấy trong các kho lưu trữ của các tu sĩ Dòng Tên ở Calcutta, qua cha linh hướng và những linh mục gần gũi với Mẹ và cũng như văn phòng của tòa Giám Mục. 

Cha Vazhakala, người đồng sáng lập chi nhánh chiêm niệm Dòng Thừa Sai Bác Ái cùng với Mẹ Têrêsa đã nói rằng ngài đang giữ bản viết tay của chính Mẹ Têrêsa ghi lại nơi và những chi tiết thảo luận của Mẹ với Chúa Giêsu trong thời gian Mẹ bị ngất trí và thị kiến.

Cha Vazhakala cũng nói rằng trong khoảng thời gian từ ngày 10 tháng Chín năm 1946 đến ngày 3 tháng Mười Hai năm 1947, Mẹ Têrêsa đã liên tục được đối thoại bằng lời và được thị kiến Chúa. Tất cả những việc này đã xảy ra khi Mẹ là nữ tu truyền giáo trong dòng Irish có tên là Các Nữ Tu Loreto, đảm nhận việc dạy học tại trường Thánh Mary ở Calcutta. 

Mẹ Têrêsa đã viết rằng một ngày khi rước lễ, Mẹ đã nghe thấy tiếng Chúa Giêsu nói “ Ta muốn những nữ tu Ấn Độ, nạn nhân tình yêu của Ta, những người sẽ là Mary và Martha sẽ hợp lại cùng với Ta để chiếu tỏa tình yêu của Ta trên các linh hồn.” 

Chính qua những cuộc đối thoại trong phép Thánh Thể này Mẹ Têrêsa đã được hướng dẫn để lập ra cộng đoàn Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Cha Vazhakala giải thích “Mẹ đã gắn bó với Chúa Giêsu vô cùng mật thiết đến nỗi Mẹ có khả năng chiếu tỏa không phải tình yêu của Mẹ, mà là tình yêu của chính Chúa Giêsu qua Mẹ và qua sự biểu lộ của con người với nhau.” 

“Chúa Giêsu đã chỉ cho Mẹ những nữ tu nào Ngài muốn nhà dòng của Mẹ để thực hiện những khao khát “Ta muốn các nữ tu xa rời vật chất để mang lấy cái nghèo khó của Thánh Giá, Ta muốn các nữ tu biết vâng phục để mang lấy sự vâng phục của Thánh Giá, Ta muốn các nữ tu đầy yêu thương để thực thi bác ái của Thánh Giá.”

Cũng theo cha Vazhakala, Chúa Giêsu đã nói với Mẹ vào năm 1947, “Con không thể làm việc này cho Cha sao? Cha không thể một mình đến với người nghèo, con có thể mang cha trong con để đến với họ.” 

Sau thời gian vui mừng và được an ủi, vào khoảng năm 1949 Mẹ Têrêsa bắt đầu trải nghiệm một giai đoạn “đêm đen và khô khan khủng khiếp” xảy ra trong tâm hồn của Mẹ. Và mới đầu Mẹ nghĩ rằng đó là vì tình trạng tội lỗi của Mẹ, sự bất xứng và sự yếu đuối của Mẹ.” 

Lúc này cha linh hướng đã giúp Mẹ hiểu được rằng tình trạng khô khan về tinh thần là một cách Chúa Giêsu muốn Mẹ chia sẻ sự nghèo khổ với những kẻ khốn cùng ở Calcutta.

Giai đoạn này đã kéo dài gần 50 năm mãi cho đến khi Mẹ qua đời và Mẹ rất đau khổ về sự khô khan này. Mẹ đã chia sẻ với cha Vazhakala rằng “Nếu sự tối tăm và sự khô khan của tôi có thể là ánh sáng cho một số linh hồn nào đó thì xin hãy cho tôi chịu như thế. Nếu cuộc đời tôi, những đau khổ của tôi sẽ cứu được một số linh hồn nào đó, thì từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế tôi xin thà được đau khổ và chết.”

Cha Vazhakala nói rằng mọi người trên toàn thế giới đều thấy những việc bác ái Mẹ Têrêsa đã làm cho người cùng khổ, kẻ ốm đau trong các khu ổ chuột ở Calcutta, nhưng “đời sống nội tâm của Mẹ thì không ai được biết.” 

Phương châm của Mẹ Têrêsa, cũng như cộng đoàn của Mẹ là những lời của Chúa Giêsu “Ta Khát”. Và họ có thể làm dịu cơn khát của Chúa bằng cách đưa nhiều linh hồn đến với Ngài. “Và trong mỗi nhịp thở, trong mỗi tiếng thở dài, trong mỗi hành động của trí óc sẽ là hành động của tình yêu Thiên Chúa. Đó là lời nguyện hằng ngày của Mẹ. Đó là những gì đã thúc đẩy Mẹ và tất cả những hy sinh, ngay cả mãi đến khi đã 87 tuổi, Mẹ vẫn luôn theo đuổi mà không một chút nghỉ ngơi sao lãng.” 

Mẹ Têrêsa đã không bao giờ ngơi nghỉ trong suốt quãng đời trần thế của Mẹ, và Mẹ tiếp tục “ làm việc”cho phần rỗi của các linh hồn khi Mẹ ở Thiên Đàng. “ Khi tôi chết và trở về nhà với Chúa, tôi sẽ mang nhiều linh hồn về với Chúa”. 

Mẹ Têrêsa nói “Tôi sẽ kh
ông ngủ khi ở Thiên Đàng, nhưng tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn bằng cách khác.”

Giuse Thẩm Nguyễn(VCN)

Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh hy vọng mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sẽ được cải thiện


Đức hồng y Pietro Parolin



Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh hy vọng
mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sẽ được cải thiện
WHĐ (29.08.2016) Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, cho biết ngài “hy vọng và mong đợi những bước phát triển mới và những cơ hội mới trong mối quan hệ giữa Toà Thánh và Trung Quốc”. Đức hồng y Parolin đã phát biểu như trên tại hội thảo về tác phẩm của Đức hồng y Celso Costantin, diễn ra tại chủng viện giáo phận Pordenone, Italia, hôm thứ Bảy 27-08.
Bài phát biểu của Đức hồng y Quốc vụ khanh –đề cập nhiều đến lịch sử bang giao giữa Trung Hoa và Toà Thánh – nhấn mạnh về vai trò làm người bắc nhịp cầu của Đức hồng y Celso Costantini.
Đức hồng y Celso Costantini sinh năm 1876 tại Castions di Zoppola, là công dân danh dự của Pordenone và Aquileia. Ngài được Đức giáo hoàng Piô XI bổ nhiệm làm Khâm sứ Toà Thánh đầu tiên tại Trung Hoa từ 1922 đến 1933.
Đức hồng y Parolin nói: “Đức hồng y Celso Costantini đã hoàn thành mỹ mãn sứ mạng đặc biệt quan trọng này: ngài đã dựng “chiếc cầu” giữa Toà Thánh và Trung Hoa, và Đức Thánh Cha, cũng như người dân và chính quyền Trung Quốc, rất lưu tâm đến cầu nối này.
Nhật ký của Đức hồng y Celso Costantini, nhan đề là Những bí mật của một vị hồng y Toà Thánh Vatican: Nhật ký của Celso Costantini trong giai đoạn chiến tranh, 1938-1947, được giữ kín đến năm 2010 mới xuất bản, cho biết một số chuyện về việc ngài được bổ nhiệm tại Trung Hoa.
Trong phần kết luận, Đức hồng y Parolin đã phát biểu như sau:
“Từ một số suy tư về những sự kiện chung quanh mối liên hệ của Đức hồng y Celso Costantini với “lục địa” Trung Hoa rộng lớn. có thể thấy một trong những khả năng độc đáo của ngài là “bắc cầu”, nghĩa là khả năng nhận biết, tôn trọng, gặp gỡ, và đối thoại giữa các thế giới vốn rất cách xa nhau, ít nhất là bề ngoài.
Ngày nay, hơn bao giờ hết, có nhiều hy vọng và mong đợi cho những bước phát triển mới và cơ hội mới cho mối quan hệ giữa Toà Thánh và Trung Quốc, vì lợi ích không chỉ đối với những người Công giáo tại quê hương của Khổng Tử mà còn đối với toàn thể đất nước vốn tự hào là một trong số những nền văn minh lớn nhất địa cầu. Tôi có thể quả quyết những mối quan hệ này sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống chung trong trật tự, hoà bình và thịnh vượng của các dân tộc và quốc gia trên thế giới, cũng như của chính chúng ta, vốn đã đổ vỡ vì những căng thẳng và xung đột. Tôi thấy rất cần phải nhấn mạnh: Khôi phục sự hy vọng và tái lập quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc – bao gồm quan hệ ngoại giao, nếu Chúa muốn! – không phải là mục đích tự thân, cũng chẳng phải nhằm đạt đến sự thành công “thế gian”. Theo đuổi những hy vọng và nỗ lực này – không chút run sợ vì đó là những công việc của Giáo Hội thuộc về Chúa – tôi nhắc lại, theo đuổi vì lợi ích của người Công giáo Trung Hoa, lợi ích của người dân Trung Hoa, và vì sự hoà hợp của toàn xã hội, và mưu cầu hoà bình cho thế giới.
Đức giáo hoàng Phanxicô, và các vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, thấu hiểu tình cảnh cộng đồng Công giáo tại Trung Quốc phải gánh trên vai những đau khổ, hiểu lầm, vẫn thường lặng lẽ chịu tử đạo: cả một lịch sử nặng nề! Nhưng Đức Thánh Cha cũng biết, cùng với những khó khăn trong ngoài, là cả một niềm ao ước được hiệp thông trọn vẹn với Đấng Kế vị Thánh Phêrô, biết bao tiến bộ và nỗ lực đã được thực hiện, để làm chứng cho lòng mến Chúa yêu người, nhất là yêu người yếu thế và cùng cực, vốn là điểm chung của mọi cộng đoàn Kitô giáo. Đức Thánh Cha cũng biết và khích lệ, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, hãy tha thứ cho nhau, hoà giải giữa những anh chị em đã từng chia rẽ, và hãy phấn đấu để hiểu biết, cộng tác và yêu thương nhau!
Tất cả chúng ta đều được mời gọi hãy đồng cảm, tôn trọng, khiêm nhường, và trên hết hãy cầu nguyện, để đồng hành với Giáo hội tại Trung Quốc trên lộ trình này, bằng cách nhìn về phía trước với niềm tín thác vào sự Quan phòng của Thiên Chúa và với tinh thần hiện thực lành mạnh nhằm bảo đảm một tương lai cho người Công giáo Trung Hoa cảm nhận sâu sắc mình là người Công giáo –sẽ thấy rõ hơn mình được neo chắc vào Phêrô đã được ý Chúa đặt làm đá tảng– và hoàn toàn là người Trung Hoa, không còn phải chối bỏ hoặc xem nhẹ tất cả những gì là chân thật, cao quý, tinh tuyền, đáng yêu, đáng kính (x. Pl 4, 8) nơi những gì đã được lịch sử và nền văn hóa của mình đã và tiếp tục sinh ra. Công đồng Vatican II nhắc chúng ta nhớ không có gì thực sự của con người lại không vang vọng nơi trái tim những môn đệ của Chúa Kitô! (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 1).
Thực tế phải nhìn nhận rằng giữa Toà Thánh và Trung Quốc không ít vấn đề cần được giải quyết, và những vấn đề vốn phức tạp đó có thể phát sinh những quan điểm và định hướng khác nhau. Tuy nhiên, những vấn đề này không hoàn toàn khác những vấn đề đã tích cực giải quyết 70 năm trước. Vì thế, Đức hồng y Celso Costantini vẫn là nguồn cảm hứng và kiểu mẫu còn nguyên vẹn tính thời sự. Do đó, xin cảm ơn quý vị đã tham gia hội nghị này, đồng thời cũng xin cảm ơn vì đã mang lại cho tôi cơ hội được tìm hiểu kỹ hơn về chân dung và tác phẩm của Đức hồng y Costantini, cũng như những việc khác giáo phận này đã và đang làm.
Trên bước đường sắp tới, với niềm tin tưởng vô biên, chúng ta phó thác cho Mẹ là “Đức Bà phù hộ các giáo hữu, Auxilium christianorum”. Năm 1924, Đức hồng y Costantini đã tôn vinh ảnh Đức Mẹ Xà Sơn, gần Thượng Hải.
Ngày 22 tháng Năm 2016, nhân lễ Đức Bà phù hộ các giáo hữu được mừng kính tại Xà Sơn, Đức Thánh Cha đã bày tỏ ước mong về “một nền văn hóa đích thực của sự gặp gỡ và hài hoà trong mọi xã hội, sự hài hoà vốn được người Trung Hoa rất mến mộ”. Tinh thần này cũng là tinh thần của các Giám mục Roma vốn hằng rất lưu tâm, hết sức dấn thân và bày tỏ lòng quý mến vô hạn đối với nhân dân Trung Hoa”.
(Theo Vatican Radio)
 
Thành Thi chuyển ngữ

Tòa Thánh công bố đề tải cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2017

Tòa Thánh công bố đề tải cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2017


VATICĂNG: Sáng ngày 26 tháng 8 vừa qua Toà Thánh đã công bố đề tài cho Ngày hoà bình thế giới lần thứ 50 cử hành ngày mùng 1 tháng giêng năm 2017 đó là: “Không bạo lực: kiểu của một nền chính trị cho hoà bình” .
Thông cáo viết: “Bạo lực và hoà bình là nguồn gốc của hai kiểu xây dựng xã hội trái nghịch nhau. Sự kiện nhiều tổ bạo lực bùng nổ gây ra các hậu quả xã hội tiêu cực và trầm trọng khiến cho ĐTC gọi đó là Đệ tam thế chiến từng mảnh”. Trái lại hoà bình có các hiệu quả tích cực và cho phép thực hiện một tiến bộ thực sự.  Vì thế cần phải di chuyển trong các không gian có thể bằng cách thương thuyết các con đường hoà bình, cả tại những nơi các con đường ấy xem ra cong queo  hay không thể đi được. Trong kiểu này không bạo lực sẽ có thể có một ý nghĩa rộng rãi và mới mẻ hơn: không chỉ là uớc mong, ngưỡng vọng, khước từ bạo lực, các hàng rào cản, các thúc đẩy tàn phá, mà cũng là kiểu thự thi chính trị thực tiễn, rộng mở cho hy vong.
Đây là một kiểu làm chính trị dựa trên sự tối thượng của quyền lợi. Nếu quyền lợi và sự bình đẳng phẩm giá của mỗi bản vị con người được cứu vãn không kỳ thị và phân biệt, thì hiệu qủa là bất bạo động được hiểu như đường lối chính trị  có thể là một con đường thực tế giúp thắng vượt các xung đột vũ trang. Trong viễn tượng này thật là quan trọng luôn luôn thừa nhận sức mạnh của quyền lợi, chứ không phải quyền lợi của sức mạnh.
Với sứ điệp này một lần nữa ĐTC Phanxicô chỉ cho thấy một bước nữa, một con đường hy vọng thích hợp với các hoàn cảnh lịch sử: đó là giải quyết được các tranh chấp qua đối thoại, tránh cho chúng không trở thành xung đột vũ trang. Đàng sau viễn tượng này cũng có việc tôn trọng đối với nền văn hóa và căn tính của các dân tộc, nghĩa là sự thắng vượt ý tưởng cho rằng một phần cao hơn phần kia trên bình điện luân lý. Đồng thời điều này không có nghĩa là một quốc gia thờ ơ với các thảm kịch của một quốc gia khác. Tri lại nó có nghĩa là thừa nhận quyến tối thượng của ngoại giao trên tiếng của súng đạn. Việc buôn bán vũ khí trên thế giới rộng lớn nhưng thường bị đánh giá thấp. Chính việc buôn khí giới lậu yểm trợ cho không ít các xung đột trên thế giới. Chính vì thế bất bạo động như đường lối chính trị có thể góp phần rất nhiều vào việc loại trừ tệ nạn này.
Ngày hoà bình thế giới đã do ĐGH Phaolô VI cử hành lần đầu tiên ngày mùng 1 tháng giêng năm 1968, và sứ điệp của ĐGH được gửi tới các  chính quyền trên toàn  thế giới (SD 26-8-2016).
Linh Tiến Khải

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

CHỖ CUỐI (28.8.2016 – Chúa nhật 22 Mùa Thường niên, Năm C)


CHỖ CUỐI
Lời Chúa: Lc 14, 1.7-14
Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Rồi Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Suy nim:
Phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời
thường xoay quanh những chiếc ghế.
Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng.
Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.
Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình.
Người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường.
Giacôbê và Gioan thích ngồi hai bên tả hữu Thầy Giêsu.
Philatô cho đóng đinh Ðức Giêsu vô tội, vì ông sợ mất ghế.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các khách dự tiệc
cứ chọn ghế nhất mà ngồi.
Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế.
Chiếu trên, chiếu dưới chẳng phải là chuyện xưa ở đình làng.
Ngày nay vẫn có những bạn trẻ
cố kiếm được mảnh bằng và chỗ làm lương cao
để ung dung hưởng thụ một chỗ đứng trong xã hội.
“Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo,
sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống.
Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ,
sẽ được Thiên Chúa tôn lên.”
Ðức Giêsu mời ta vượt qua thói háo danh, để sống khiêm tốn.
Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên.
Khiêm tốn không phải là coi thường mình hay sợ người khác.
Khiêm tốn không phải là rụt rè, không dám nhận trách nhiệm.
Khiêm tốn là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa,
và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.
Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay ghế nhất.
Chiếc ghế không phải là mục đích họ cần chiếm được,
nhưng là phương tiện để phục vụ mọi người.
Chức vụ cho họ cơ hội cúi xuống thật gần
với nỗi đau của nhân loại đang chờ họ giúp đỡ.
Người khiêm tốn không tự tìm vinh quang cho mình,
họ hồn nhiên vô tư để Thiên Chúa tự do định liệu.
Chúng ta dễ đánh giá người khác dựa trên ghế của họ.
Nhưng một người quét đường có lương tâm
còn giá trị hơn một giám đốc tham ô lãng phí.
Ðức Giêsu nói đến việc chọn khách để mời ăn.
Ngài khuyên nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền,
hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có.
Ngài đưa chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi,
để đi vào thế giới của những người bất hạnh.
Chúng ta thường thích giao du với người có thế giá,
có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả khi cần.
Chính vì thế xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi,
vì nghèo túng, kém cỏi về mọi mặt.
Hãy ra khỏi thế giới quen thuộc của mình,
để đến với những người cần chúng ta hơn.
Bao trẻ em ở vùng xa cần giáo viên.
Bao bệnh viện ở các huyện cần bác sĩ.
Ước gì chúng ta hạnh phúc khi cho không tính toán
vì thấy mình đã nhận được gấp trăm điều mình cho.
Cầu nguyn:
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.  
 

Vatican đưa ra các hướng dẫn về giáo dục quan hệ tình dục của mình

Vatican đưa ra các hướng dẫn về giáo dục quan hệ tình dục của mình

Cố gắng đi trước thời cuộc khi bàn về giáo dục giới tính cho trẻ em, Vatican đã đưa ra một cách khác các cách giải quyết tiêu chuẩn. Dự án mới tìm cách tránh các phương pháp giảng dạy, quá nhiều hoặc quá ít, về tình dục của con người để gây ấn tượng cho giới trẻ.
Giữa sự cuồng nhiệt của Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế, trong đó hàng triệu thanh niên tụ họp tại Krakow, Ba Lan vào cuối tháng bảy, Đức Tổng Giám mục Ý Vicenzo Paglia – người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình – đã đưa ra một trang web có tên “Tụ điểm: Dự án hình thành tình cảm và tình dục”, gồm nhiều tài liệu cho cả học sinh lẫn các nhà giáo dục.
Tổng Giám mục Paglia đã viết trong lời giới thiệu dự án: “Các dự án văn hóa, pháp luật và giáo dục trực tiếp hoặc gián tiếp thách thức cái nhìn của Kitô hữu về cơ thể, về sự khác biệt và bổ sung giữa người nam và người nữ, việc thực hành tình dục, hôn nhân và gia đình.”
Ngài viết, các dự án này nhằm hợp pháp hóa các phương cách khác nhau, trong đó tình dục là sinh động trong xã hội, “bằng cách đề ra các góc nhìn tạo nên sự thay đổi thực sự về nhân chủng học, cái nhìn đang cản trở việc khẳng định bản sắc tình dục, đạo đức, các giá trị và thái độ hội nhập của thể xác và tình cảm trong ơn gọi của tình yêu, mà tình yêu là cơ sở của toàn bộ kế hoạch của cuộc sống con người và của cuộc sống tốt đẹp theo Tin Mừng. “
Ngày 1 tháng 9, văn phòng Tổng Giám mục Paglia sẽ được sát nhập vào một bộ mới và lớn hơn của Vatican, đó là Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, do Giám Mục Hoa Kỳ Kevin Farrell đứng đầu. Tổng Giám mục Paglia gần đây đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm đứng đầu Học viện Giáo hoàng về cuộc sống và Viện Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II về nghiên cứu hôn nhân và gia đình.
Dự án, được chia thành sáu đơn vị, là một đáp ứng cho Tông huấn Niềm Vui Yêu thương (Amoris Laetitia) của Đức Phanxicô về gia đình. Đức Giáo Hoàng viết trong một đoạn văn: “Điều đó không phải là dễ dàng để tiếp cận các vấn đề giáo dục giới tính ở một thời mà tình dục có xu hướng bị tầm thường hóa và nghèo nàn hóa. Điều đó chỉ có thể được nhìn thấy trong một khuôn khổ rộng lớn hơn của một nền giáo dục về tình yêu, tự-hiến cho nhau. “
Các tài liệu mới này – được gọi là “Tụ điểm: Dự án hình thành tình cảm và tình dục” – nhằm cung cấp “một lộ trình giáo dục trong tình yêu. sẽ giúp giới trẻ khám phá ra vẻ đẹp của sự tự-hiến cho nhau và mưu cầu hạnh phúc thông qua món quà của thể xác và tinh thần.” Dự án đã được viết ra với sự cộng tác của Đại học Công giáo San Antonio ở Murcia, Tây Ban Nha. Các tài liệu được phát miễn phí bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Bồ Đào Nha, bao gồm các văn bản dành cho học sinh và giáo viên, sách sinh hoạt và những lời khuyên bảo về phim ảnh.
Các tài liệu này được gửi đến các trường trung học như một “bổ sung hoặc phụ giúp cho trách vụ của phụ huynh.”
Trong những năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo Công giáo, kể cả Đức Phanxicô, đã lên tiếng ở một vài nơi rằng quyền cha mẹ giáo dục con cái mình về các vấn đề tình dục đã không được tôn trọng đầy đủ. Trong một buổi tiếp kiến chung thứ tư hàng tuần, ngài tuyên bố “quan hệ đối tác giáo dục” giữa cha mẹ và trường học đang bị đổ vỡ.
Ngày 20 tháng 5 năm 2015, Đức Phanxicô chỉ trích những “phê bình thông minh” – mà Ngài nói – đã “làm tắt tiếng” phụ huynh để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi bị tổn hại thật sự hay tưởng tượng. Ngài cũng lấy làm tiếc nhà trường thường có ảnh hưởng lớn hơn gia đình trong việc hình thành tư duy và giá trị của trẻ em, khi các bậc cha mẹ không có tiếng nói về những gì nhà trường dạy cho các em.
Đức Phanxicô nói: “Nếu giáo dục gia đình lấy lại ưu thế của mình, nhiều điều sẽ thay đổi để được tốt hơn. Đó là lúc để cho cha mẹ trở về từ cuộc sống xa rời của họ – họ đã tự xa rời khỏi việc giáo dục con cái của mình – và từ từ đảm nhận lại vai trò giáo dục này.”
Ngài cũng thường xuyên than phiền về các chương trình học mà Ngài cho là áp đặt một “thực dân ý thức hệ” bằng cách truyền bá cho trẻ em “lý thuyết về giới tính”, và ngài đã nhiều lần phản ánh về những gì Ngài xem là thất bại của Giáo hội Công giáo trong việc chuẩn bị người trẻ kết hôn (thậm chí có lần Ngài còn gợi ra, trong lời bình luận ngẫu hứng, rằng hầu hết các cuộc hôn nhân của lớp trẻ ngày nay là không hợp lệ).
Các tài liệu Vatican đưa ra không có ý định thay thế vai trò của cha mẹ, cho rằng đó là “phạm vi gia đình, nơi các liên hệ cá nhân và tình cảm quan trọng nhất được phát triển, được kêu gọi, là để chuyển tải những ý nghĩa cơ bản của tình dục.”
Theo trang web, các tài liệu đưa ra nhằm cung cấp “một nền giáo dục tình dục tích cực và cẩn trọng” dựa trên sự tiến triển của tâm lý học, sư phạm và giảng dạy, nhưng được xem “trong bối cảnh giáo dục của tình yêu, đây là một quà tặng. Qua cách này, ngôn ngữ của tình dục không được xem là buồn tẻ nghèo nàn, nhưng là trong sáng.”
Về giáo dục giới tính, chương trình nhấn mạnh đến việc phải giữ trong đầu, các giai đoạn khác nhau “của việc xây dựng cá tính trong tương quan với sự hình thành ‘bản sắc tình dục’ của mình hoặc kiến thức trưởng thành về tình dục của chính mình, với những giai đoạn được phân biệt khác nhau tùy theo giới.”
Tài liệu trích dẫn đầy đủ Tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia), hai vị tiền nhiệm gần đây của Đức Phanxicô có một chỗ đứng lớn: Thần học của cơ thể của Thánh Gioan-Phaolô II và những cảnh báo về tính tương đối của Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI cũng được trích dẫn. Trong số các tài liệu của giáo hội, tài liệu rút ra từ một số các văn bản của Đức Gioan-Phaolô II gồm Tông huấn Gia đình Kitô hữu (Familiaris Consortio), tương tự nhưTông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia), đã được viết như là kết luận của Thượng hội đồng giám mục về gia đình.
Các tài liệu cũng trích dẫn Thông điệp Sự sống (Humanae Vitae) của Đức Phaolô VI, trong đó giữ nguyên lệnh cấm ngừa thai của Giáo Hội; Hướng dẫn Giáo dục về Tình Yêu Con Người của Hội đồng Giáo Dục Công Giáo; và Thông điệp Bác ái trong Chân lý (Deus caritas est) của Đức Bênêđictô XVI.
Các bài viết có cùng một chủ đề, ẩn dụ về con người như một cái “lều”. Các bài viết đều nói: Trải qua “cuộc hành trình”, người trẻ sẽ khám phá các yếu tố khác nhau của cái lều – những tấm bạt, dây, cọc lều, cột, nóc – như kích thước của con người: cơ thể của mình, tình dục, tình cảm, tự do, ý chí và chiều kích luân lý. Mỗi phần tử của cái lều tương ứng với một chiều kích của con người.
Các kế hoạch chi tiết cho khóa học được trình bày trong tầm nhìn tổng quan có tiêu đề là “Khám phá kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình”, và được dựa trên giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân: một kết hợp giữa một người nam và một người nữ, bất khả phân ly, và mở ra cho cuộc sống.
Giáo dục tình dục được định nghĩa là “không có gì khác hơn là một nền giáo dục về đạo đức khiết tịnh.”
Một số các chủ đề mà sáu bài viết bàn luận là:
– “Giới tính hay tình dục?”
– “Hành động của tôi có hậu quả gì không?”
– “Tại sao kết quả không biện minh cho phương tiện?”
– “Hai ý nghĩa của của hành vi vợ chồng: hiệp nhất và sinh sản.”
– “Đa tính dục, chủ nghĩa khoái lạc, thủ dâm, tuổi dậy thì.”
– “Sự đè nén của tính e lệ.”
– “Phân biệt giữa tình yêu và tình dục” và “giữa tình yêu và sinh sản.”
– “Tội như là từ chối món quà của Thiên Chúa.”
– “Nói không”.
– “Gia đình”.
Trong một vài môi trường, tài liệu của Vatican được tiếp nhận một cách e dè.
Chẳng hạn, Liên minh Truyền thông Công giáo có trụ sở tại Mỹ kêu gọi tín hữu phản đối “chương trình giáo dục về tình dục gợi cảm và lộ liễu” này. Hiệp Hội Đời Sống Mỹ, cũng có trụ sở tại Mỹ, đã đưa ra một bản kiến nghị “chống lại chương trình giáo dục về tình dục của Vatican.” Judie Brown, chủ tịch của Hội Đời Sống Mỹ, đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí: “Thật là khá xấu khi Planned Parenthood đẩy các hình thức sai lầm của giáo dục giới tính vào trong các trường học chúng ta. Đối với Vatican, nhảy lên chiếc xe đang chạy là một cơn ác mộng. Có người lái xe đang ngủ, đã đến lúc phải thức họ dậy! “
Cả hai nhóm đều than phiền về các “hình ảnh khiêu dâm”, chẳng hạn như bức hình của một nhóm đi cắm trại, trong đó có một nam trại viên đặt tay lên mông một cô gái trẻ; một cặp mỉm cười trước tượng tả cảnh làm tình; và hình ảnh một trái cây được mô tả như bộ ngực trong một quảng cáo.
Trương Ngọc Thạch chuyển ngữ(phanxico.vn)

Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc: Mẹ Giáo hội không bao giờ quên con cái của mình


Đức giám mục Giuse Nguỵ Cảnh Nghĩa




Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc: Mẹ Giáo hội không bao giờ quên con cái của mình
WHĐ (27.08.2016) – Trong một bài phân tích khá dài viết bằng tiếng Hoa đề ngày 31-07-2016 nhan đề “Sự hiệp thông của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc với Giáo hội hoàn vũ”, Đức hồng y Gioan Thang Hán, giám mục Hong Kong, đã đưa ra một giải thích chi tiết về những lý do khiến Toà Thánh tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh: để bảo đảm bảo tự do tôn giáo hơn nữa cho các cộng đồng Công giáo; đặt lại các giám mục không được chính quyền công nhận các giám mục bị giam giữ; phục hồi các giám mục được truyền chức mà không được Đức giáo hoàng bổ nhiệm.
Đức hồng y Thang Hán cũng ca ngợi “Thư của Đức giáo hoàng Bênêđictô gửi người Công giáo Trung Quốc năm 2007” là rất giá trị. Và ngài kết luận: “Những nguyên tắc đề ra trong Thư này là hoàn toàn đúng đắn. Không chỉ Thư của Đức giáo hoàng Bênêđictô gửi người Công giáo Trung Quốc năm 2007, các văn kiện của Công đồng Vatican II cũng kêu gọi đối thoại giữa các thành viên trong Giáo hội, đối thoại với những người ở ngoài Giáo hội, kể cả chính quyền dân sự”.
Dựa vào bài viết của của Đức hồng y Thang Hán, trang WHĐ đã có bài điểm qua những nét chính yếu trong tiến trình đối thoại giữa Toà Thánh và Trung Quốc, để học hỏi kinh nghiệm giải quyết những khó khăn trong đời sống Giáo hội [Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc và sự hiệp thông với Toà Thánh].
Cũng dựa trên bài viết của Đức hồng y Thang Hán, phóng viên Gianni Valente của Vatican Insider đã đặt một số câu hỏi với Đức cha Giuse Nguỵ Cảnh Nghĩa, một giám mục thuộc “Giáo hội Trung Quốc thầm lặng” tại Tề Tề Cáp Nhĩ, thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc. Trong quá khứ, Đức cha Giuse Nghĩa đã ba lần bị bắt giam và hạn chế các quyền tự do cá nhân, thời gian lâu nhất hơn hai năm: từ tháng Chín 1990 đến tháng Mười Hai 1992.
Đức cha Giuse Nguỵ Cảnh Nghĩa đã trả lời một cách thoải máivới sự nhạy cảm của một mục tử chăm sóc các linh hồn. Đức cha khẳng định rằng vì muốn trung thành với Toà Thánh mà ngài chấp nhận trở thành một giám mục “chui”, thế nên giờ đây ngài sẵn sàng đón nhận những chỉ thị của Toà Thánh. Ngài cũng bày tỏ hy vọng rằng giai đoạn của những thay đổi có thể có và đáng ước mong này “sẽ kéo theo những hoa trái của sự hoán cải nơi mọi người chúng ta”.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
***
– Thưa Đức cha, Đức cha là một giám mục Trung Quốc, điểm nào tác động đến Đức cha nhiều nhất trong bài viết của Đức hồng y Thang Hán về những khả năng có thể xảy ra trong quan hệ giữa Toà Thánh, Giáo hội tại Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các giám mục?
Bài viết của Đức hồng y Thang Hán v “Sự hiệp thông của Giáo hội tại Trung Quốc với Giáo hội hoàn vũ gây ấn tượng cho tôi về tính mới mẻ của nó. Điều tôi ấn tượng nhất là ánh sáng mà Đức hồng y Thang Hán đã nhận được từ trời cao, ánh sáng ấy đã soi sáng cho ngài giúp ngài nhìn toàn bộ vấn đề với đôi mắt mới. Ngài bắt đầu từ cách thức Thiên Chúa đã chọn để giao tiếp với con người, và ngài gợi ý rằng chúng ta cũng hãy sử dụng nhãn quan tương tự để nhìn vào cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Bắc Kinh. Vì thế Đức hồng y có thể nhìn thấy trước những phát triển rất quan trọng và tích cực.
Đức hồng y Thang Hán viết rằng Toà Thánh có quyền xác định những phương thức thích hợp nhất cho việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc, và Đức Thánh Cha “có thẩm quyền cụ thể xem xét các điều kiện đặc biệt của Giáo hội bên trong quốc gia và thiết lập những luật lệ đặc biệt, không vi phạm các nguyên của đức tin và không phá hủy sự hiệp thông của Giáo hội. Vậy các giám mục được coi là “thuộc Giáo hội thầm lặng”, trong đó có Đức cha, sẵn sàng nhìn nhận thực tế này?
Khi thực thi quyền của mình trong các vấn đề này, Đức Thánh Cha và Toà Thánh chắc chắn sẽ không mâu thuẫn với đức tin và sẽ không làm phương hại đến sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội. Các tín hữu Trung Quốc sống ở Trung Quốc, dù thuộc Giáo hội thầm lặng hay Giáo hội công khai, đều là người Công giáo. Và người Công giáo thì trung thành với Toà Thánh. Chính vì muốn trung thành với Toà Thánh tôi chấp nhận trở thành một giám mục “chui”! Giờ đây sao tôi lại có thể từ khước những gì Toà Thánh chỉ thị? Chính vì chúng tôi muốn tuyên xưng rõ ràng lòng trung thành với Đức Thánh Cha và Toà Thánh mà chúng tôi đã trở thành một cộng đoàn “chui”, hay đúng hơn là không chính thức có tên trong hệ thống dân sự. Và vì thế, giờ đây sao chúng tôi lại từ chối những gì đến từ Đức Thánh Cha và Toà Thánh?
Trong bài viết khá dài ấy, Đức hồng y Thang Hán viết: Một số người lo ngại rằng các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Vatican sẽ dẫn đến việc loại bỏ các giám mục không chính thức [không được chính quyền công nhận]”. Đức cha là một giám mục không được chính quyền công nhận Đức cha nghĩ sao?
Tôi tự hỏi: đâu là những đặc quyền hợp pháp của các cộng đoàn “chui” vốn có nguy cơ sẽ trở thành mâu thuẫn hoặc chuốc lấy thất vọng trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Toà Thánh? Có giáo luật và có dân luật, nhưng từ cả hai quan điểm này, cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và chính phủ Trung Quốc sẽ không hy sinh một đòi hỏi chính đáng nào của các cộng đoàn “chui”. Về lo ngại rằng Toà Thánh, trong khi đàm phán, có thể bỏ quên các giám mục đang bị giam trong tù – những lo ngại ấy xem ra hoàn toàn vô căn cứ. Làm sao Giáo hội là một người mẹ, lại có thể quên được con cái của mình, những đứa con tuyên xưng đức tin đến mức phải trả giá bằng đau khổ? Điều đó không thể xảy ra, vì không thể có chuyện Chúa Thánh Thần bỏ rơi Giáo hội.
Đức hồng y Thang Hán viết rằng Toà Thánh, với thoả thuận mà chúng ta đang nói đến, mong muốn thúc đẩy sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội tại Trung Quốc, và đã hình dung ra một Hội đồng Giám mục quy tụ tất cả các giám mục hiệp thông với Đức giáo hoàng, sau khi trường hợp các giám mục được truyền chức trái phép và bị vạ tuyệt thông được giải quyết. Liệu sẽ có sự chống đối trong các cộng đồng Công giáo Trung Quốc không, sau nhiều thập kỷ chia rẽ?
Giáo hội của Thiên Chúa, trong cuộc lữ hành qua lịch sử, gồm những tội nhân. Nếu Giáo hội ấy mang hình dạng –một Hội đồng Giám mục Trung Quốc hiệp thông với Đức giáo hoàng– thì tất cả các giám mục này sẽ những người đã hoán cải để cùng nhau đi về Vương quốc của Thiên Chúa. Lối nhìn này, nhãn quan này, thật là đẹp. Đây là điều chúng tôi mong được nhìn thấy từ lâu rồi, là điều chúng tôi đã cầu nguyện nhiều. Cộng đồng các tín hữu Trung Quốc sẽ không phản đối. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng điều này sẽ kéo theo những hoa trái của việc hoán cải nơi tất cả mọi người chúng tôi. Đây lúc tất cả mọi người chúng ta phải nhìn vào tình trạng cụ thể của đứa con hoang đàng, như Tin Mừng đã thuật lại: đứa con bỏ nhà ra đi trong nhiều năm, rồi cuối cùng để sống còn đã phải đi chăn heo. Chúng ta có thể hình dung ra thân thể đứa con ấy đầy mùi của heo, nên khi trở về nhà, phải tắm rửa càng sớm càng tốt, bởi vì không ai muốn ở gần người bốc mùi hôi. Chúng ta không muốn thấy đứa con hoang đàng, sau khi được người cha ôm lấy, lại trở về với tình trạng bẩn thỉu của đàn heo, lại ngụp lặn trong đống bùn nhơ, và không muốn được thoát khỏi rác rưởi và hôi hám. Nếu ai có thái độ ấytrở về với bùn nhơ, thì có nghĩa là kẻ ấy không có căn tính, không có cảm giác thuộc về, và ai cũng sẽ xa lánh kẻ ấy.
– Đức cha có nghe nói liên quan đến nội dung của các cuộc đàm phán giữa Toà Thánh và chính phủ Trung Quốc không?
Chúng tôi không biết chi tiết, nhưng chúng tôi biết rằng họ đang làm việc, công việc đang tiến hành, và thế có nghĩa là mọi thứ đang tiến triển. Không cần phải vội , bởi vì sẽ rất tốt nếu công việc tiếp diễn đều đặn. Nhưng đồng thời, chúng tôi hy vọng rằng hai bên sẽ sớm đạt được một kết quả cụ thể, điều đó sẽ tốt cho tất cả mọi người. Và điều này càng đến sớm càng tốt.
Theo một số nhà bình luận, đối thoại là không thực tế và còn có hại nếu trước hết không loại bỏ áp lực của Hi Công giáo Yêu nước. Có phải như thế không?
Khi Toà Thánh và Trung Quốc bắt đầu đàm phán, họ phải được tự do nói về tất cả mọi thứ. Kể cả Hi Công giáo Yêu nước. Nhưng không được áp đặt điều kiện tiên quyết. Chúng ta phải nói những gì chúng ta nghĩ, và cũng nêu ra những đề nghị, nhưng trước hết Đức Thánh Cha phải cảm thấy được chúng ta ủng hộ hoàn toàn, và tin tưởng vào ngài. Chúng ta không được áp đặt các điều kiện cho ngài, bảo ngài làm cái này hay không làm cái kia, kể cả mong muốn áp đặt những ý tưởng của chúng ta cho ngài. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô nhiệm vụ củng cố anh em mình trong đức tin. Chúa Giêsu cũng nâng đỡ Đức giáo hoàng trong nhiệm vụ này. Và chúng ta đừng mong dạy cho Đức giáo hoàng làm như thế nào.
Nhưng nếu có ai đó vẫn cứ hoài nghi thì sao?
Các tiêu chí phải theo không phải là ý kiến của riêng ai, nhưng Tin Mừng và đức tin của các Tông đồ. Không ai được tin rằng ý tưởng của mình vượt trên lời Chúa Giêsu đã nói. Và Chúa Giêsu, trong Tin Mừng, cũng bảo chúng ta hãy tin vào Phêrô, vị Tông đồ đã phản bội Người, và đã được Người tha thứ, bởi vì Phêrô ủng hộ Người. Chắc chắn, chúng ta phải đi theo chân lý mà chúng ta nhận thức trong lương tâm mình. Nhưng chính đức tin soi sáng cho lương tâm của chúng ta, chứ không phải ngược lại.
Đâu là những cơ hội lớn và c những cạm bẫy nguy hiểm nhất mà Đức cha nhìn thấy, với tư cách một mục tử, trong hiện tại và tương lai của Giáo hội tại Trung Quốc?
Lúc này, trong xã hội Trung Quốc, người ta cho rằng cần những điểm tham chiếu về đạo đức, bởi vì tham nhũng tàn phá và hủy diệt mọi thứ. Vì vậy, khắp nơi đều gợi lên một khát vọng về điều thiện hảo, làm việc tôn trọng người khác và lợi ích chung. Và như thế, theo ý kiến ​​của tôi, đang có một bầu khí thuận lợi cho tinh thần Tin Mừng. Chúng tôi thấy rằng chúng tôi có thể cùng nhau làm việc. Xã hội Trung Quốc hy vọng vào sự đóng góp tích cực và xây dựng của người Kitô hữu chúng ta. Nguy cơ là chúng ta sẽ không tận dụng được hoàn cảnh thuận lợi này, bởi vì chúng ta bị phân tâm và lạc lối trong nhiều chuyện khác. Giống như từ chối loan báo Tin Mừng, đúng vào lúc nhiều người có thể hoan hỉ đón nhận.
Cách nay một vài tháng, Đức hồng y Thang Hán đã tái khẳng định cần phải “Trung Quốc hoá” Giáo hội tại Trung Quốc, để Giáo hội không bị coi là một hình thức của thực dân tôn giáo. Đây có phải là một tiến trình khó khăn?
Nhưng Matteo Ricci đâu có đem “Tin Mừng của Ý” hay Tin Mừng của Pháp đến Trung Quốc. Ông đã đem Tin Mừng. Và ông đã theo cách thức của Trung Quốc để đem Tin Mừng vào Trung Quốc.
Liệu rồi người ta có thể dễ dàng nghe được các bài giảng và lời của Đức Thánh Cha Phanxicô Trung Quốc?
Chắc chắn như thế. Những lời ấy đã được công bố trên nhiều trang web, và được người này chuyền cho người khác. Chúng tôi đang theo dõi từng bước tất cả các đề nghị liên quan đến Năm Thánh Lòng Thương xót. Trên internet, tôi cũng thấy nhiều người Trung Quốc gặp Đức Thánh Cha trong các buổi Tiếp kiến chung Roma, họ gặp ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha thường chào hỏi họ. So với trước đây, người Trung Quốc dễ dàng đến Roma hơn để nhìn thấy chào Đức Thánh Cha nữa. Có một sự gần gũi hữu hình với Đức Giám mục Roma, mà trước đây không có. Mọi thứ đã thay đổi và còn tiếp tục thay đổi.
Liệu vai trò của Hi Công giáo Yêu nước cũng sẽ phát triển?
Cá nhân tôi hy vọng rằng rồi nó sẽ trở thành chuyện của quá khứ. Bởi vì rất nhiều người chẳng còn nhớ Hội này có vai trò trong rất nhiều hoàn cảnh. Điều quan trọng là phải tìm ra những phương cách mới để giúp người Công giáo bày tỏ tình yêu của mình với đất nước.
Đức cha đã không nghi ngờ gì sau câu chuyện của Đức cha Tađêô Mã Đạt Khâm, Giám mục Thượng Hải, và ý kiến ​​của Đức cha Tađêô về vai trò tích cực của Hội Công giáo Yêu nước. Nhưng có người đã gọi Đức cha Tađêô là một kẻ đào ngũ, một kẻ phản bội.
Không ai có đủ tư cách để đánh giá, phỉ báng và thoá mạ người khác là kẻ phản bội. Không ai có quyền làm điều đó, và bất cứ ai làm thế, là làm một điều rất xấu xa. Chúng ta có thể biết về điều đang diễn ra trong tâm hồn của Đức cha Mã Đạt Khâm, sau kinh nghiệm mà ngài đã trải qua, và sau khi ngài bị ngăn cản thi hành tác vụ giám mục suốt bốn năm?
Đức cha có thể hình dung được, hay hơn chúng con, điều đã diễn ra trong tâm hồn của Đức cha Mã Đạt Khâm.
Tôi không có kinh nghiệm như Đức cha Mã Đạt Khâm. Nhưng cô đơn thì có, và còn có một thực tế là bị chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Trong những trường hợp ấy, bạn không bao giờ cô độc: bạn trước mặt Thiên Chúa, và điều bạn nghĩ và làm, bạn nghĩ và làm trước mặt Thiên Chúa. Có lẽ các tín hữu không thấy được những điều này, có lẽ những người khác đã phản bội bạn, nhưng bạn luôn trước mặt Thiên Chúa. Và điều đó đáng giá hơn. Chúng tôi cầu nguyện cho Đức cha Mã Đạt Khâm với lòng tôn trọng ngài, nhưng không cho phép mình phán xét tâm hồn người khác.
Cha Lombardi, khi còn là Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã nói rằng Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Đức cha Mã Đạt Khâm và cho mọi người Trung Quốc.
– Đức Thánh Cha là một người cha; ngài nhìn và phán đoán sự việc với con mắt của một người cha. Đức cha Mã Đạt Khâm là một con người cầu nguyện, Đức Thánh Cha biết điều này và ngài tin tưởng Đức cha. Đối với một người cha, điều quan trọng nhất là thể hiện tình yêu thương với con cái mình.
-o0o-
 
Minh Đức chuyển ngữ