label

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Đức Thánh Cha cảm ơn mọi người tham gia tổ chức các hoạt động Năm Thánh Lòng Thương Xót





Đức Thánh Cha cảm ơn mọi người tham gia tổ chức các hoạt động Năm Thánh Lòng Thương Xót
WHĐ (29.11.2016) Hôm thứ Hai 28-11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các giới chức đạo đời đã tham gia tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót - mới bế mạc vào Chúa nhật vừa qua, gồm các vị trong Hội đồng Toà Thánh Tân Phúc âm hóa, đứng đầu là Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, ngoài ra còn có các cảnh sát trưởng và các viên chức Italia phụ trách an ninh tại địa phương và khu vực miền.
Nói về ý tưởng mở Năm Thánh phát sinh như thế nào, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ban đầu “đơn thuần là trực giác” rồi được Chúa biến đổi thành cuộc cử hành đức Tin và niềm vui dành cho các cộng đoàn Kitô giáo khắp thế giới.
Việc mở cửa lòng thương xót tại rất nhiều nhà thờ chính toà và đền thánh, Đức Thánh Cha nói tiếp, giúp mọi người cảm nghiệm một cách không gò bó về tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Thành quả của biến cố ngoại thường này giờ đây phải dự phần vào cuộc sống đời thường của chúng ta, Đức Thánh Cha nói, sao cho lòng thương xót thực sự trở thành lối sống thường trực của mọi Kitô hữu.
Đức Thánh Cha gửi lời cảm ơn tất cả các cá nhân và tổ chức đã ra sức bảo đảm Năm Thánh Lòng Thương Xót, vừa được bế mạc vào ngày 20 tháng Mười Một, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, được diễn ra an toàn và tốt đẹp.
Đặc biệt Đức Thánh Cha nhắc đến ngài Bộ trưởng Nội vụ, giới chức khu vực miền Lazio và các cảnh sát trưởng địa phương đã cộng tác với Vệ binh Toà Thánh, cảnh sát Vatican và các văn phòng khác của Toà Thánh nhằm bảo đảm an toàn và thoải mái cho hàng triệu khách hành hương đến Roma trong suốt năm qua.
Sau cùng, Đức Thánh Cha không thể không cảm ơn Hội đồng Toà Thánh Tân Phúc âm hóa và tất cả các tình nguyện viên từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới đã ra sức làm cho sự kiện này trở thành thời điểm thật sự mang lại hồng ân. Mong sao những nỗ lực của anh chị em, Đức Thánh Cha kết luận, được ân thưởng từ chính cảm nghiệm của anh chị em về lòng thương xót mà Chúa sẽ không quên ban cho anh chị em.
(Nguồn: Radio Vatican)
 
Thành Thi chuyển ngữ

Ba Lan chính thức tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua trị vì nước mình

Ba Lan chính thức tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua trị vì nước mình

Trong một nghi lễ cử hành tại Nhà thờ Lòng thương xót Chúa ở Krakow, Tổng thống Andrzej Duda, cùng với các Giám mục Ba Lan, chính thức tuyên bố Chúa Kitô là Vua nước Ba Lan.
 
BaLan.jpg
Trong nghi lễ, tổng thống thay mặt nhà chức trách hiện thời xin Chúa Kitô cai trị trên quốc gia, người dân và các lãnh đạo của Ba Lan.
 
“Vua Bất diệt mọi Thời đại, Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và Đấng Cứu độ, chúng con cúi đầu trước Chúa, Vua Vũ trụ, chúng con nhìn nhận quyền thống trị của Chúa trên toàn Ba Lan, trên những sự sống trên quê hương chúng con và toàn thế giới. Chúng con nguyện xin cho chúng con thờ phượng Chúa quyền năng và vính quang,.Với đức tin và đức mến, chúng con kêu lên: Lạy Chúa Kitô, xin thống trị chúng con!”
 
Nghi lễ tôn vinh Chúa Kitô là Vua Ba Lan đã diễn ra vào ngày 19-11, với sự hiện diện của Tổng thống Andrzej Duda, và sau đó được cử hành lại tại mọi nhà thờ chính tòa và các giáo xứ của Ba Lan trong ngày chúa nhật 20-11.
 
Cách đây 350 năm Vua John Casimir đã tôn vinh Đức Trinh nữ Maria là Nữ vương Ba Lan. Theo Freethinker.co.uk, quyết định này đã được Quốc hội phê chuẩn, với sự ủng hộ của Liên hiệp Gia đình Ba Lan, Đảng Luật pháp và Công lý, cùng Đảng Nông dân.
 
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 28.11.2016/
Aleteia | Daniel Esparza)
 

Một giáo dân bị giết ngay trong Thánh lễ ở Colombia

Một giáo dân bị giết ngay trong Thánh lễ ở Colombia

Cali, Colombia – Đức Tổng giám mục Dario de Jesus Monsalve Mejia của Cali đã lên án việc sát hại một tín hữu trong Thánh lễ.
Chiều thứ 3 ngày 22/11 vừa qua, tại giáo xứ thánh Cecilia, khi các giáo dân của khu phố Ciudad Cordoba và các vùng lân cận đang tụ họp để cử hành lễ mừng thánh quan thầy, một người đàn ông đã vào nhà thờ và bắn vào Fernando Padilla, một giáo dân 35 tuổi. Anh Padilla bị giết trong lúc Đức Tổng giám mục đang giảng lễ, chỉ đứng cách anh một khoảng ngắn.
Trong thông tin gửi đến hãng tin Fides, Đức tổng viết: “Lợi dụng việc tụ họp trong các nhà thờ để giết một giáo dân và tạo nên sự hoảng sợ giữa các tín hữu thì vượt quá mọi suy xét của lý trí… Ngay cả sự kính sợ Chúa cũng không cản được sự hoàn toàn coi thường sự sống con người, là điều có gốc rễ trong tâm hồn của phần lớn xã hội Colombia của chúng ta.”
Cách đây hai năm, cũng trong chính nhà thờ này, 2 người đã bị sát hai. Đức Tổng giám mục lúc ấy cũng đã lên án các vụ bạo lực tại những nơi thánh thiêng. (Agenzia Fides 24/11/2016)
Hồng Thủy

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

HÃY SẴN SÀNG (27.11.2016 – Chúa nhật 1 Mùa Vọng, Năm A)


HÃY SẴN SÀNG 
Lời Chúa: Mt 24, 37-44
Ðức Giêsu nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người rằng: “Thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
Suy nim:

Vào một ngày của tháng 10 năm 1992,
một số người Nam Hàn tụ tập ở các nhà thờ
để chờ ngày tận thế đến vào lúc nửa đêm.
Có người đã bán nhà và xin nghỉ việc,
nhưng dĩ nhiên đó không phải là ngày tận thế.
Kinh Thánh chẳng hề nói tận thế đến vào lúc nào.
Ðức Giêsu cũng bảo là Ngài không biết (Mt 24,36).
Chính vì thế Kitô hữu không tin những lời đồn thổi,
nhưng kiên tâm chờ đợi trong hy vọng.
Ðây không phải là thứ nơm nớp chờ đợi, khoanh tay,
nhưng là thứ chờ đợi bằng cách sống hết mình
để chuẩn bị cho trái đất đón Chúa trở lại.

Mùa vọng là thời gian đặc biệt để tập sống chờ đợi.
Không phải chỉ là chờ mừng lễ Giáng sinh
mà nhất là chờ đợi Chúa đến kết thúc dòng lịch sử.
Ngày tận thế và ngày Chúa quang lâm là một.
Ðó là một ngày đáng sợ,
không phải vì những hiện tượng kinh khủng sẽ xảy ra,
nhưng vì là ngày Chúa đến phán xét kẻ sống người chết.
Ngày đó còn là một ngày hội vui:
ngày vui của Chúa Giêsu toàn thắng vinh quang,
ngày vui của những người được cứu chuộc,
ngày vui của cả vũ trụ vật chất được giải phóng.
Tận thế là cánh cửa mở ra trời mới đất mới.
Tất cả được đưa vào thế giới vĩnh cửu.

Có lẽ chúng ta hôm nay mong chờ Chúa đến
ít hơn các Kitô hữu thuở ban đầu.
Chẳng ai thích nghĩ đến ngày tận thế.
Tận thế bị coi là chuyện tương lai xa vời.
Cuộc sống hiện tại có vô số mối lo âu và hy vọng:
ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, làm ruộng, xay bột
Thật ra, nghĩ đến ngày tận thế
cũng cần như nghĩ đến cái chết của mình.
Cái chết dạy người ta biết cách sống.
Ngày tận thế dạy người ta biết cách xây dựng thế giới
trên nền tảng vĩnh cửu, trên những giá trị trường tồn.

Ðối với Kitô giáo, ngày tận thế không phải là ngày buồn,
ngày của hủy diệt và tang tóc,
nhưng là ngày của thân xác được sống lại,
ngày khai sinh một thế giới mới
không bị hận thù và chết chóc đe dọa.
Ngày tận thế là ngày Chúa quang lâm.
Chúng ta phải sẵn sàng ra đón Ngài.
Sẵn sàng là cùng với Chúa
xây dựng một trái đất đầy tình thương và công lý.
Sẵn sàng là biến trái đất thành con đường dẫn tới Thiên đàng.

Ngày Chúa quang lâm là một ngày bất ngờ,
nhưng nó sẽ ít bất ngờ
đối với những ai biết sẵn sàng chờ đợi.  
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

GIÁO PHẬN LONG XUYÊN THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2016


 
CHIÊM NGẮM HÀI NHI GIÊSU
ĐẤM NGỰC SÁM HỐI VỀ TỘI PHÁ THAI
 
Anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta kết thúc niên lịch phụng vụ 2016 và bước vào niên lịch phụng vụ 2017, cũng là niên lịch phụng vụ năm A theo chu kỳ phụng vụ 3 năm.
Để sống Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh năm nay, giáo phận được mời gọi đặc biệt quan tâm đến hình ảnh của Chúa Hài Nhi Giêsu bị loại trừ nơi các thai nhi trong tình trạng có nguy cơ bị giết chết ngay trong lòng mẹ.
Theo thống kê trên trang mạng, mỗi năm trên thế giới có 42 triệu ca phá thai, 20 triệu ca phá thai không an toàn, 70.000 ca tử vong bà mẹ, 5 triệu ca khuyết tật. Có những quốc gia đã hợp pháp hóa tội ác phá thai. Riêng tại Việt Nam, có trên 300.000 ca phá thai hàng năm. Con số mỗi năm mỗi tăng, và đây chỉ là con số thống kê được, còn trong thực tế là bao nhiêu? Đây là một câu hỏi không có câu trả lời. Điều cần lưu ý trong thống kê là trên 20% phá thai tại Việt Nam là ở lứa tuổi từ 15 đến 19.
Đối diện với tình trạng phá thai này, các Kitô hữu cần ý thức rằng, trong Cựu ước (Xh 2, 1-10), đã có lệnh vua Pha-ra-ô truyền cho phải giết các con trai của gia đình người Do Thái. Một hài nhi là Môisen được gia đình cứu, đã trở thành vị lãnh đạo bậc nhất giải phóng dân tộc mình thoát cảnh nô lệ. Trong Tân ước (Mt 2, 13-18), cũng có lệnh của vua Hêrôdê truyền phải giết các hài nhi nam tại làng Belem và vùng phụ cận, hài nhi Giêsu được Thánh Giuse và Đức Mẹ cứu thoát, chính là Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại khỏi nô lệ của tội và ma quỷ.
Mùa vọng năm nay, khi chuẩn bị tâm hồn và trang trí bên ngoài mừng lễ Giáng Sinh, toàn thể dân Chúa của giáo phận Long Xuyên được mời gọi ““Chiêm ngắm Hang Đá Belem, đấm ngực sám hối về tội phá thai”
Khi chiêm ngắm Chúa Hài Nhi trong máng cỏ, hãy liên tưởng đến hàng triệu thai nhi bị nạo phá trên thế giới hàng năm, và rất nhiều thai nhi được cứu sống nhưng không được cha mẹ nuôi dưỡng, để đấm ngực xin ơn tha thứ về sự ác tâm mất nhân tính của con người ngày nay.
Khi chiêm ngắm Mẹ Maria đang hạnh phúc âu yếm Chúa Hài Nhi, hãy liên tưởng đến các bà mẹ, nhất là các bà mẹ vị thành niên, và cảm phục họ, vì lương tâm và tình mẫu tử, họ đã quyết định giữ lại bào thai trong lòng mình, cho dù phải chấp nhận nhiều tủi nhục và khó khăn trong hiện tại và tương lai.
Khi chiêm ngắm Thánh Giuse đang an bình chăm lo cho Chúa Hài Nhi, cho dù đây không phải là con ruột của mình, hãy liên tưởng đến biết bao tâm hồn thiện chí, là giáo sĩ, là tu sĩ, là giáo dân, là anh chị em tôn giáo bạn… trong đó có bác sĩ, y sĩ, y tá, nhân viên y tế… đang nỗ lực tham gia vào các hoạt động rất đa dạng, để tôn trọng sự sống như chôn cất các thai nhị bị giết chết…, bảo vệ sự sống như tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bà mẹ có thai bất đắc dĩ, giữ lại bào thai con mình…, chăm sóc sự sống như chăm sóc các hài nhi được cứu sống khỏi bị giết chết…
Khi chiêm ngắm những con bò, con chiên đang thở hơi ấm cho Chúa Hài Nhi, hãy tự nhủ “đến như con vật còn biết trân trọng sự sống…”, và liên tưởng đến lời mời gọi, hãy có trách nhiệm chăm sóc các thai nhi và hài nhi, kể cả những thai nhi bị giết chết.
Khi chiêm ngắm các đạo sĩ từ phương đông đến thờ lạy và dâng lễ vật lên Chúa Hài Nhi, hảy tự nhủ, “đến như lương dân còn dâng tặng cho hài nhi…” hãy liên tưởng đến lời mời gọi, hãy quảng đại đóng góp tài chánh để chăm lo cho các thai nhi, các hài nhi, các bà mẹ trẻ gặp khó khăn…
Một cách cụ thể:
1.      Xin các cha trong các bài giảng Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh tập trung vào Tin Mừng tôn trọng sự sống,
2.      Các cộng đoàn giáo xứ giáo họ, các đoàn thể… rất nên tổ chức các buổi tĩnh tâm, xét mình,  xưng tội … trong Mùa Vọng chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, với nội dung nhấn mạnh đến trách nhiệm bảo vệ sự sống từ điều răn thứ năm “Chớ giết người”.
3.      Mọi thành phần dân Chúa có trách nhiệm cổ vũ cho việc bảo vệ các thai nhi và tạo điều kiện để các thai nhi không bị nạo phá, được sinh ra, và được nuôi dưỡng… Khi cần, xin liên hệ với văn phòng TGM, TGM có những địa chỉ của các cộng đoàn dòng tu tại Thành Phố Hồ Chí Minh, và xa hơn như tại Miền Trung… sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thai nhi được giữ lại và được nuôi dưỡng một cách hợp pháp, an toàn và không bị lợi dụng.
4.      Tòa Giám Mục khuyến khích các cộng đoàn giáo xứ, giáo họ… tránh tổ chức lễ Giáng Sinh, với những trang trí tốn kém, những buổi diễn nguyện hào nhoáng, những bữa tiệc linh đình… Ngược lại, TGM cổ vũ các cộng đoàn hãy tổ chức lễ Giáng Sinh một cách có ý nghĩa và đem lại lợi ích thiêng liêng, bằng cách hãy dành một phần tài chánh trong chi phí tổ chức mừng lễ Giáng Sinh của Chúa Hài Nhi bằng tượng ảnh tại cộng đoàn, để mừng lễ Giáng Sinh của Chúa Hài Nhi sống động nơi các thai nhi và hài nhi bị loại trừ.  
5.      Giáo Phận cũng khích lệ các cộng đoàn tổ chức quyên góp tài chánh trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, để hỗ trợ cho các hoạt động tôn trọng sự sống. Tùy sáng kiến của mỗi cộng đoàn để có cách thế quyên góp cho có hiệu quả thiết thực.  Số tiền này được gửi về Cha quản lý vào dịp tĩnh tâm tháng Giêng, để TGM gửi đóng góp cho các cộng đoàn thiện nguyện đang có những hoạt động bảo vệ các thai nhi và hài nhi.
6.      Những giáo xứ, giáo họ, tùy hoản cảnh, có thể tổ chức tại Đất Thánh một phần riêng dành cho các thai nhi, và định kỳ (ví dụ hàng tháng…) có những nghi thức sám hối và cầu nguyện về tội ác phá thai.
Các giám mục của anh chị em xin chúc toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận, sống Mùa Vọng và Mùa  Giáng Sinh (*) với hình ảnh của Chúa Kitô trong các Thai Nhi và Hài Nhi - Christus in vobis, (*) với Giới Luật Yêu Thương dành cho các thai nhi và hài nhi - Mandatum Novum, và (*)với Tinh Thần Hiệp Thông với quyền sống nơi các thai nhi và hài nhi - Ut Sint Unum. Đây là cách cả giáo phận đang cùng với các thiên thần ca vang: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Xin Chúa Hài Nhi, Đức Mẹ và Thánh Giuse đón nhận những thiện chí nhỏ bé của giáo phận và xin chúc lành cho chúng ta.
 
+ GM. Giuse Trần Văn Toản
+ GM. Giuse Trần Xuân Tiếu

Sa hỏa ngục đời đời có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa

Sa hỏa ngục đời đời có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 25.11.2016 - OSS_ROM
25/11/2016 13:44
Khi chọn lựa rời xa Thiên Chúa mãi mãi, thì có nghĩa là sa hỏa ngục đời đời. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha cảnh báo: đừng bao giờ nói chuyện với ma quỷ vì nó chuyên lừa dối con người, nhưng hãy để lòng khiêm tốn mà chuẩn bị gặp Chúa trong ngày Phán Xét.
Trong hai ngày cuối của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh tiếp tục mời gọi các tín hữu suy tư về ngày cánh chung. Đức Thánh Cha diễn giải khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền. Cuộc Phán Xét sẽ như thế nào? Chúng ta muốn gặp Chúa Giêsu trong ngày ấy như thế nào?
Thần dữ luôn quyến rũ bạn để phá hoại cuộc đời bạn, đừng bao giờ nói chuyện với nó
Kẻ đầu tiên bị phán xét là “con rồng” được nói tới trong sách Khải Huyền, tức là ma quỷ. Thiên thần từ trời xuống, bắt lấy nó, trói nó lại và ném xuống vực thẳm, vì nó chuyên lừa dối người ta, vì nó là kẻ lừa dối. Nó còn là cha của sự dối trá. Nó tạo ra những gian dối. Nó làm cho bạn tin rằng, nếu ăn trái táo này thì sẽ nên giống Thiên Chúa. Nhưng kì thực, nó hủy hoại cuộc sống của bạn. “Nhưng, lạy Cha, làm thế nào để chúng con không bị ma quỷ lừa gạt?” Chúa Giêsu dạy chúng ta: không bao giờ nói chuyện với ma quỷ. Chúa Giêsu làm gì với ma quỷ? Người đuổi nó đi, hỏi tên nó nhưng không nói chuyện với nó.
Ngay cả trong sa mạc, khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu không tự dựa vào lời của riêng bản thân mình vì Người ý thức về những hiểm nguy. Trong ba câu trả lời, Chúa Giêsu đều nại tới Lời Thiên Chúa, Lời Kinh Thánh. Vì tên cám dỗ đang tìm cách tiêu diệt chúng ta.
Bài đọc trích sách Khải Huyền kể tiếp về những linh hồn các vị tử đạo. Đó là những người khiêm nhường và làm chứng cho Chúa Giêsu. Họ không chiều theo tên cám dỗ và những kẻ ăn theo, không thờ lạy nó để được tiền bạc, danh vọng xã hội, phù vân và những gì mà cuộc sống ấy mang lại.
Sa hỏa ngục có nghĩa là xa cách Thiên Chúa mãi mãi
Chúa sẽ phán xét kẻ lớn cũng như người nhỏ, và những ai đáng bị nguyền rủa sẽ bị ném vào hồ lửa. Đây là cái chết lần hai. Trầm luân đời đời, không có nghĩa là tra tấn, mà có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa. Những người bị kết án như thế, là người không được nhận vào Nước Thiên Chúa, vì họ không đến gần Thiên Chúa. Họ luôn đi trên con đường riêng của họ. Họ luôn ở xa đường lối Thiên Chúa. Họ khuất mặt Thiên Chúa và đi khỏi ánh sáng để vào trong tối tăm.
Sa hỏa ngục đời đời, có nghĩa là tiếp tục rời xa Thiên Chúa, có nghĩa là vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ban hạnh phúc, là Đấng yêu thương chúng ta quá nhiều. Thế mà, khi phải xa cách Ngài mãi mãi, thì đó chính là hình phạt đời đời. Thế nhưng, hình ảnh cuối trong bài đọc trích sách Khải Huyền mở ra niềm hy vọng.
Hãy khiêm tốn mở tâm hồn đón Chúa Giêsu vì Người sẽ ban ơn cứu độ
Nếu chúng ta mở rộng cõi lòng, như Chúa Giêsu mời gọi, nếu chúng ta không còn đi theo đường lối của riêng mình, thì chúng ta sẽ có niềm vui ơn cứu độ. Đó là trời mới đất mới mà sách Khải Huyền nói tới. Không kiêu căng nhưng với đầy hy vọng, bạn hãy đón nhận sự quan tâm và ơn tha thứ từ Chúa Giêsu.
Niềm hy vọng mở rộng tâm hồn để gặp gỡ Chúa Giêsu. Đây là điều chúng ta chờ đợi: Gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều này thật đẹp, rất đẹp! Người chỉ cần chúng ta khiêm tốn nói: “Chúa ơi!” Người chỉ cần ngần ấy thôi, phần còn lại Người sẽ làm.
Tứ Quyết SJ

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

BỐN ĐẶC NÉT TRONG CÁC BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ

BỐN ĐẶC NÉT TRONG CÁC BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ
 
Ông Pietro Grasso, chủ tịch Thượng viện Ý cho biết một sự thay đổi tận căn của Giáo hội đang tiến hành. Ông nêu lên bốn đặc nét trong các bài giảng của Đức Phanxicô.
 
Một ngôn ngữ “đơn giản, giàu hình ảnh, tác động lên đời sống hàng ngày” của nhiều người, một ngôn ngữ nhắm đến một sự “thay đổi tận căn” của Giáo hội: đó là các đặc nét trong cách truyền thông của Đức Phanxicô dưới cái nhìn của ông Pietro Grasso, chủ tịch Thượng viện Ý.
Ngày 16-6-2014, một hội nghị bàn tròn đã được tổ chức ở tòa báo của Dòng Tên, tờ Civilta cattolica, chung quanh tác phẩm của linh mục giám đốc tờ báo, cha Antonio Spadaro, sj, «Đức Phanxicô. Sự thật của một cuộc gặp gỡ. Các bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta” (“Papa Francesco. La verità è un incontro. Omelie da Santa Marta”) được nhà xuất bản Rizzoli xuất bản bằng tiếng Ý.
Các nhân vật tham dự gồm có: Pietro Grasso, chủ tịch Thượng viện Ý, Monica Maggioni, nữ giám đốc Đài Truyền hình RaiNews và linh mục  Federico Lombardi, sj, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh.
Lời nói đi thẳng vào lòng người
Trong một nhận xét về các lời tuyên bố trước công chúng của Đức Phanxicô, ông Pietro Grasso đã nhấn mạnh đến bốn khía cạnh.
Trước hết là khía cạnh phong cách: “giáo hoàng thích những câu có phối hợp, ngắn gọn, thiết yếu. Ngài cảm nhận sự cấp thiết của truyền thông, phải được hiểu, phải lay động cử tọa”. Nhưng sự đơn giản trong ngôn ngữ của ngài “không phải là sự đơn giản của lý luận: nó đi thẳng vào trọng tâm các vấn đề, mang đến trên bề mặt những gì thật thâm sâu”, ông nhận xét.
Khía cạnh thứ hai là ngài “dùng các biểu tượng, các hình ảnh” có một “sức mạnh biểu tượng không thể tưởng tượng được”: một ngôn ngữ thích ứng với trí tưởng tượng “về thị giác” hiện nay.
Khía cạnh thứ ba:  Đức giáo hoàng chọn các “chủ đề có tính thời sự lớn”, như “cái đẹp, sự thật, công chính để chống với nạn mafia”. Nhưng ngài cũng chọn đề tài “hòa bình, đối thoại, dịu dàng, lòng thương xót, quan tâm đến đau khổ và nghèo khó”, đối diện với “nạn văn hóa vứt bỏ”.
Cuối cùng, khía cạnh thứ tư là khía cạnh hữu hình của ngôn ngữ, không những bằng lời mà còn bằng “cử chỉ của một tấm lòng đón nhận và cởi mở”. Đức Phanxicô là một “giáo hoàng làm cho lòng người xúc động, ngài vuốt ve, nghiêng mình và ôm hôn”, ông Pietro Grasso nói tiếp.
Giữa các chủ đề Đức Phanxicô thường hay nói, ông chủ tịch Thượng viện nhấn mạnh đến đề tài tham nhũng, ghi nhận sự khác biệt về các lời của Đức Phanxicô và lời của các chính trị gia: các chính trị gia có một “ngôn ngữ khép kín, cường điệu khoa trương, những slô-gan trống rỗng, không triển khai mà chỉ quy về mình” và cuối cùng là “xa dân”. Ngược lại, “dân chúng hiểu ngay lập tức trọng tâm lý luận của Đức Phanxicô”.
Cũng vậy, về cách chọn các đề tài, các chủ đề của Đức Phanxicô là các chủ đề nói về “đời sống hàng ngày, các chủ đề gần với dân chúng, chứng tỏ có sự quan tâm đến các nhu cầu thật sự của dân chúng”. Các chính trị gia có thể “đưa ra các phân tích” nhưng không có cảm nhận của “người đã sống kinh nghiệm đó, không đặt mình vào địa vị người nghe”: họ không biết “hương vị và sự thiếu tiện nghi của biên giới, chỉ biết môi trường khử trùng của phòng thí nghiệm”.
Một thay đổi đang tiến hành
Pietro Grasso ca ngợi sự nhanh chóng trong việc thay đổi Giáo hội kể từ ngày Đức Phanxicô được bầu chọn vào tháng 3, 2013: “Chỉ trong vài tháng, ngài đã lật ngược các truyền thống, bứt phá các rào cản, làm mới lại ngôn ngữ, phủi bụi thói quan liêu, cùng một lúc cổ động tinh thần làm việc đồng đội… Sứ điệp của ngài rõ và mạnh: chúng ta không được để các nguyên tắc và giá trị của tôn giáo chỉ giới hạn trong lời cầu nguyện và trong nguyện ngắm, nhịp sống hàng ngày của chúng ta phải được xây dựng trên sự đón tiếp, vào lòng tin tưởng, hy vọng và tình đoàn kết.”
Trích lời của linh mục Spadaro, ông Pietro Grasso mô tả Đức Phanxicô như “người lên võ đài, nơi mình phải chiến đấu, phải theo luật chơi – biết nhận định – không sợ phải chiến đấu với chính mình để thực hiện điều không tưởng của việc thay đổi”, một việc “cấp bách”.
Ông nêu lên phẩm chất của nhiều cấu trúc trong ngôn ngữ của Đức Phanxicô: “nguôn gốc Châu Mỹ La Tinh, được đào tạo theo truyền thống Dòng Tên, có đức tính cởi mở, hiểu được nhu cầu phải tiếp xúc với cộng đoàn, chọn lựa các chủ đề có tính thời sự cấp bách, có khả năng làm cho người nghe hiểu mình qua các hình ảnh đơn giản nhưng mang tính biểu tượng cao, tất cả phối hợp trong khả năng mang tính bản năng khi dùng các hình thức và khí cụ truyền thông để đi thẳng vào lòng giáo dân”.
Ông Grasso kết luận, “Tất cả những điều này không quy riêng về ngài nhưng để phục vụ cho một chương trình hoạch định cải cách có tầm sâu cho Giáo hội: một thay đổi tận căn về mặt chính trị và thiêng liêng mà truyền thông là một trụ cột nền tảng và cần thiết.”
Nguyễn Tùng Lâm dịch
 

MƯỜI ĐIỀU RĂN CỦA CHỦNG SINH

MƯỜI ĐIỀU RĂN CỦA CHỦNG SINH
 
Chủng viện không phải chỉ là một nơi chốn. Nó còn hơn thế rất nhiều, một kinh nghiệm duy nhất! Xin mời các bạn khám phá mười điều răn của chủng sinh…
 
 
1/ Thì giờ của chủng sinh là thì giờ tìm tòi sâu đậm về Chúa Kitô, về cuộc gặp gỡ với Chúa và với một chân trời: để cho Chúa nắm lấy mình, sau đó nói với người, là một với Người và sống với Người.
2/ Chủng viện không chỉ là một nơi chốn! Nó còn hơn thế rất nhiều. Đó là kinh nghiệm duy nhất. Là ốc đảo thanh bình, nơi đó người chủng sinh để mình dần dần hình thành một hình ảnh về Chúa Giêsu, làm sáng tỏ các ý của Ngài và nhất là đào sâu ước muốn được là môn đệ của Chúa Kitô.
3/ Giống như Ba Vua, người chủng sinh có cái nhìn của mình về Thiên Chúa; tặng vật cho Chúa là tuổi trẻ của mình hay đời sống của mình được dâng lên trước Đấng Hài Đồng, tuy còn nhỏ nhưng sẽ là Đấng Cứu rỗi cho nhân loại. Giống như Ba Vua, người chủng sinh không được đánh mất “ngôi sao hướng dẫn đức tin” của mình.
4/ Chúa Giêsu thích có đồng đội. Ngài không muốn đơn độc loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, người chủng sinh phải để mình được tháp tùng, được yêu thương, được hướng dẫn, được phát triển chiều sâu qua các người sống với mình: các nhà đào tạo, các giáo sư, bạn bè, linh mục, gia đình…
5/ Người chủng sinh biết công việc của mình là hoàn thiện việc đào tạo về mặt thiêng liêng, nhân bản và văn hóa của mình. Họ cần các nguồn lực để đến ngày họ nằm dưới đất, họ sẵn sàng là linh mục của Chúa, phục vụ Giáo hội và con người.
6/ Tình yêu và sự hiểu biết Sách thánh, tình yêu Giáo hội và khái niệm về lịch sử sẽ phải đưa đến và thúc đẩy họ hiểu Thiên Chúa đã mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô.
7/ Thời gian được đào tạo ở chủng viện là thời gian thuận lợi để rèn luyện nhân cách của người linh mục tương lai. Một giai đoạn để đánh tan các hoài nghi, các sợ hải, giai đoạn mình không còn cảm thấy mình đầy cả sức mạnh vì người chủng sinh noi gương một Chúa Giêsu khiêm nhường, Đấng muốn mình tham dự vào cuộc sống của ngài.
8/ Ai không khám phá ra được Chúa Giêsu họ có nói được về Ngài không? Họ có khả năng để làm chứng cho Nước Trời và cho công chính của Chúa không? Sống với Chúa Kitô, thấm nhập vào chiều sâu tâm hồn Ngài thì con đường phiêu lưu của người chủng sinh sẽ không bao giờ xong. Không ai có thể hiểu được Thiên Chúa cũng như hiểu được Ngài hoàn toàn. Với tất cả mọi phương tiện cần thiết, người chủng sinh được khuyến khích, nâng đỡ để họ có khao khát ngày càng hiểu Chúa Kitô hơn.
9/ Kính yêu Đức Mẹ là đón nhận một trong những ý muốn cuối cùng của Chúa Giêsu: “Đây là mẹ con!”. Người chủng sinh không cảm thấy mình cô độc trên thập giá, trong các thử thách, trong đêm đen tối. Đức Mẹ luôn tháp tùng chúng ta. Đức Mẹ nâng đỡ vì Đức Mẹ biết người chủng sinh yêu và muốn đi theo bước chân Con của mình.
10/ Ba Vua sau khi thờ phượng Hài Nhi đã về nhà mình bằng một con đường khác. người chủng sinh, sau thời gian được đào tạo, thờ phượng, hiểu biết, cầu nguyện và tăng trưởng cá nhân… họ quay về cuộc sống bằng những con đường khác nhau theo những gì thế giới mong muốn. Và nhất là trên hết, họ là một “Kitô khác”.
(phanxico.vn)
 

Đức Thánh Cha tiếp Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam Trần Đại Quang

Đức Thánh Cha tiếp Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam Trần Đại Quang

Đức Thánh Cha tiếp kiến Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam Trần Đại Quang - OSS_ROM
24/11/2016 11:34
VATICAN. Chiều thứ tư 23-11-2016, ĐTC đã tiếp kiến Chủ tịch Nhà Nước Việt Nam, Ông Trần Đại Quang.
Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói rằng:
 ”Chiều hôm nay, 23-11-2016, ĐTC đã tiếp kiến Chủ tịch Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam, Ông Trần Đại Quang. Sau đó, Ông đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, cùng với Đức TGM Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh.
 ”Trong các cuộc nói chuyện thân mật, có nhắc đến những quan hệ tốt đẹp hiện có giữa Tòa Thánh và Việt Nam, được hỗ trợ bằng một tinh thần chung đối thoại và liên tục tìm kiếm những phương thế thích hợp hơn để những quan hệ ấy có thể tiến triển thêm, và cũng nêu bật sự cộng tác giữa Giáo Hội và Nhà Nước trong các lãnh vực khác nhau của xã hội địa phương”.
 Ngoài thông cáo chính thức trên đây của Tòa Thánh, giới báo chí cũng ghi nhận trong cuộc trao đổi quà tặng, Chủ tịch Trần Đại Quang đã tặng cho ĐTC một cái trống đồng, và ĐTC tặng lại cho ông trước tiên là bức tranh bằng đồng do một nữ tu nghệ sĩ thực hiện diễn tả sa mạc được biến thành vườn xây canh tươi, một câu trích từ sách ngôn sứ Isaia, đoạn 55. Tiếp đến là 3 văn kiện của ngài ấn bản tiếng Pháp, đó là Tông Thư ”Niềm Vui Tin Mừng”, Thông điệp ”Laudato sì” về việc bảo vệ căn nhà chung, và sau cùng là Tông Huấn ”Niềm vui yêu thương” (SD 24-11-2016)
 G. Trần Đức Anh OP

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Cái chết không còn là đáng sợ nếu chúng ta trung thành với Chúa

Cái chết không còn là đáng sợ nếu chúng ta trung thành với Chúa


Trung thành với Chúa sẽ không làm chúng ta thất vọng. Ngay cả trong giờ chết hoặc giờ phán xét, nếu chúng ta trung tín, chúng ta không còn sợ hãi. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha nhắc nhở về sự tha hóa, về những những người sống như thể không bao giờ chết. Ngài mời gọi mọi người hãy nghĩ về từng bước đường đời.
 
PopeFrancis-22Nov2016-06.jpg
 
 
Đây là lời gọi mời của Chúa: là hãy suy nghĩ cách nghiêm túc về ngày cuối cùng, về ngày cuối đời của mỗi người, bởi vì mọi người đều sẽ có ngày kết thúc. Đó cũng là điều Giáo hội mời gọi phản tỉnh trong tuần cuối của Năm Phụng Vụ.
Chúng ta nghĩ về dấu vết mà chúng ta để lại trong đời
Tôi không thích nghĩ về những điều ấy, nhưng đó lại là sự thật. Khi mỗi người qua đời, khi những năm tháng trôi đi, hầu như chẳng còn ai nhớ tới chúng ta nữa. Tôi có một danh sách về nơi chốn và ngày giờ của những người qua đời, và mỗi ngày tôi thấy những dịp kỉ niệm những lễ giỗ, tôi thấy cách thế mà thời gian trôi qua. Điều này buộc chúng ta phải nghĩ về những gì chúng ta để lại, về những dấu vết của cuộc đời chúng ta. Vào ngày sau hết, như được nói tới trong sách Khải Huyền của thánh Gioan, sẽ có cuộc phán xét cho từng người chúng ta.
Thật là tốt cho chúng ta để nghĩ rằng: Tôi sẽ ra thế nào trong ngày đứng trước Chúa Giêsu? Khi Người hỏi tôi về những nén bạc Người trao cho tôi, về những gì tôi đã làm với nén bạc ấy; khi Người hỏi tôi về tình trạng tâm hồn tôi, về những hạt giống được gieo vãi trong trái tim tôi, những hạt giống ấy nảy sinh hoặc bị bóp nghẹt, như được kể trong Dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Tôi có một trái tim rộng mở không? Tôi làm sinh lợi từ những nén bạc hay lại đem giấu đi?
Tất cả chúng ta sẽ ra trước tòa phán xét
Do đó, mỗi người chúng ta sẽ đứng trước Chúa Giêsu trong Ngày Phán Xét. Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối!” Có những thứ lừa dối, ví như sự tha hóa, ví như sự dửng dưng lạnh lùng, những thứ hời hợt, những thứ không còn dành chỗ cho điều gì là linh thiêng, những thứ nói cho người ta như thể người ta không chết. Chúa sẽ đến khi nào?
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, khi đi học giáo lý, tôi được dạy có 4 sự sau cùng: sự chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Sau khi phán xét thì không còn khả thể nào nữa, không thể… “Nhưng thưa cha, nói thế là để dọa chúng con, để làm cho chúng con sợ…” – “Không, đó là sự thật!” Bởi vì nếu bạn không chăm sóc tâm hồn bạn, thì dù Chúa luôn ở cùng bạn mà bạn lại luôn sống xa Ngài. Đó là một sự nguy hiểm, và có một hiểm nguy là bạn tiếp tục xa Ngài mãi mãi. Điều này thật quá tệ phải không!
Chúng ta không còn sợ chết nếu chúng ta trung thành với Chúa
Trung thành với Chúa sẽ không làm chúng ta thất vọng. Nếu mỗi người trong chúng ta trung thành với Chúa, thì khi cái chết đến, chúng ta sẽ nói như Thánh Phanxicô nói: “Chị chết đến”… Đừng sợ. Khi ngày phán xét đến, chúng ta nhìn thấy Chúa và thưa rằng: “Lạy Chúa, con có quá nhiều tội lỗi, nhưng con đã cố gắng trung thành”. Chúa thì luôn nhân lành. Tôi xin đưa ra lời khuyên và đây là lời khuyên của Chúa trong sách Khải Huyền: “Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống.” (Kh 2,10). Với lòng trung thành, chúng ta không còn lo ngại, không còn sợ hãi trong ngày cuối cùng, trong ngày kết thúc cuộc đời, trong ngày phán xét chung.
 
 PopeFrancis-22Nov2016-01.jpg

PopeFrancis-22Nov2016-02.jpg

PopeFrancis-22Nov2016-03.jpg

PopeFrancis-22Nov2016-04.jpg

PopeFrancis-22Nov2016-05.jpg

PopeFrancis-22Nov2016-07.jpg
PopeFrancis-22Nov2016-08.jpg

PopeFrancis-22Nov2016-09.jpg

 
 
(Tứ Quyết SJ, RadioVaticana 22.11.2016)

Chủ đề ba Ngày Giới trẻ Thế giới 2017, 2018 và 2019

Chủ đề ba Ngày Giới trẻ Thế giới 2017, 2018 và 2019
WHĐ (22.11.2016) – Hôm nay 22-11-2016, Phòng Báo chí Toà Thánh phổ biến Thông cáo của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống về Chủ đề của ba Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới (2017-2019) như sau:
Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 32 (năm 2017): Đấng Toàn Năng đã làm những cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,49);
Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 33 (năm 2018): Maria, đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa (Lc 1,30);
Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 (năm 2019, tại Panama): “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).
Đây là những chủ đề đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn cho hành trình ba năm của Ngày Giới trẻ Thế giới với cao điểm là Ngày Giới trẻ Thế giới cử hành cấp quốc tế sẽ diễn ra tại Panama vào năm 2019.
Hành trình tâm linh này được Đức Thánh Cha đề ra tiếp nối suy tư đã khởi sự với ba Ngày Giới trẻ Thế giới trước (2014-2016), tập trung vào các Mối phúc thật. Như chúng ta biết, Đức Maria là người được mọi thế hệ ca tụng là người có phúc (x. Lc 1,49). Trong bài huấn từ soạn sẵn cho buổi gặp gỡ các tình nguyện viên của Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về thái độ của Mẹ Chúa Giêsu như một mẫu gương để noi theo. Sau đó, trong bài huấn từ ứng khẩu, ngài mời gọi người trẻ nhớ lại quá khứ, can đảm đối mặt với hiện tại và hy vọng vào tương lai.
Như thế, ba chủ đề đã được công bố nhằm đem lại một ý nghĩa Thánh mẫu học rõ ràng cho hành trình tâm linh của ba Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới. Đồng thời cũng đưa ra hình ảnh của người trẻ lên đường giữa quá khứ (2017), hiện tại (2018) và tương lai (2019), lấy cảm hứng từ ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến.
Hành trình được đề nghị cho người trẻ cũng cho thấy có sự phù hợp với suy tư mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã uỷ thác cho Thượng Hội đồng Giám mục lần tới: Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi.
(Nguồn: press.vatican.va)
 
Minh Đức