label

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

THƯỜNG HUẤN LINH MỤC ĐỢT 1



THƯỜNG HUẤN LINH MỤC ĐỢT 1

Sáng nay ngày 29/05/2017, khoảng 100 linh mục trẻ (phần đông xuất thân từ ĐCV Thánh Quý, Cần Thơ) đã quy tụ về Tòa Giám Mục Giáo phận để tham dự 3 ngày Thường huấn định kỳ trong năm.


Mở đầu cho 3 ngày Thường Huấn, Quý Đức cha đã nhắn nhủ các anh em linh mục hãy cố gắng tận dụng thời gian để nghỉ ngơi và học hỏi những nét mới trong Tông Huấn Amoris Laetitia, nhằm có thể giúp đỡ các gia đình trong giáo xứ cũng như các gia đình đang cần đến chúng ta. Đức cha Phụ tá Giuse nhấn mạnh rằng: trong những ngày này, anh em linh mục ngoài việc học hỏi Tông huấn, hãy biết dùng thời gian này để cầu nguyện cho cha mẹ - những người đã sinh ra và nuôi dưỡng ơn gọi của ta. Cầu nguyện cho những ân nhân và thân nhân, những cánh tay nối dài cho sứ vụ linh mục của ta, đặc biệt là những người nghèo, họ không có gì để giúp ta nhưng lại là những người luôn nhớ đến ta trong lời cầu nguyện. Hãy nhớ đến các gia đình trong giáo xứ mà ta có bổn phận phải đồng hành và giúp đỡ họ sống tốt đời sống gia đình.

Trong thánh lễ khai mạc tuần Thường huấn, Đức cha Phụ tá Giuse đã chia sẻ những ưu tư nhân ngày kỷ niệm 3 năm ngài được tấn phong Giám mục: 3 năm là thời gian để trả món nợ tình yêu đối với Thiên Chúa và Giáo hội nhưng cũng là thời gian có nhiều thách đố đối với bản thân vì rất có thể đời mình sẽ lạc hướng vì danh, lợi, thú. Ba năm sống trong chức vụ Giám mục là thời gian tốt để làm vinh Danh Chúa, nhưng cũng có thể là thời gian mình đã phản bội ơn gọi của mình khi lấy mình làm trung tâm.

Đức cha nhắn nhủ bản thân ngài cũng như anh em linh mục hãy cố gắng trung thành các giờ kinh, giờ cầu nguyện và kết hợp với chuỗi Mân côi. Đây là những phương thế để giúp ta sống tốt ơn gọi giám mục cũng như linh mục.










Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Canada

Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Canada

Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Canada
30/05/2017 14:05
VATICAN. Sáng ngày 29-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau.
 Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết sau khi gặp ĐTC, thủ tướng Trudeau đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có sự hiện diện của Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.
 Trong hai cuộc hội kiến thân mật ấy, có nói đến quan hệ tốt giữa Tòa Thánh và Canada, và sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo trong đời sống xã hội của nước này. Rồi các vị đề cập đến vấn hệ hội nhập và hòa giải, cũng như tự do tôn giáo và các vấn đề luân lý đạo đức hiện nay.
 Sau cùng, có đề cập đến một vài vấn đề quốc tế, dưới ánh sáng kết quả hội nghị thượng định của 7 cường quốc kinh tế, G-7, mới tiến hành tại Taormina ở miền nam Italia, đặc biệt về tình hình ở Trung Đông và các vùng xung đột.
 Theo báo chí Canada, trong cuộc hội kiến, thủ tướng Justin Trudeau đã mời ĐTC đến viếng thăm Canada trong những năm tới đây để chính thức xin lỗi các thổ dân bản xứ vì trách nhiệm của các thừa sai Công Giáo đối với những vụ lạm dụng xảy ra trong các ký túc xá dành cho các học sinh thổ dân bản xứ xưa kia.
 Vấn đề xin lỗi trên đây là một trong 94 lời kêu gọi hành động, do Ủy ban sự thật và hòa giải của Canada đề ra. Phúc trình này được công bố hồi tháng 12 năm 2015 yêu cầu có những lời xin lỗi chính thức được chính ĐGH đưa ra.
 Từ lâu vấn đề các học sinh thổ dân Canada bị đưa ra khỏi môi trường văn hóa của họ, sống trong các ký túc xá của các thừa sai Kitô: Công Giáo, Anh giáo và Tin Lành, đã được bàn đến nhiều tại Canada. Các thổ dân bị mất văn hóa và căn tính, và cũng có những vụ lạm dụng xảy ra trong các ký túc xá.
 Hồi năm 2009, ĐGH Biển Đức 16 đã bày tỏ đau lòng vì sự đối xử mà các thổ dân bản xứ phải chịu trong các ký túc xá, nhưng không xin lỗi.
 Chính phủ của thủ tướng Trudeau hiện bị sức ép, bị dư luận phê bình vì sự chậm trễ trong cuộc điều tra toàn quốc về các phụ nữ và trẻ nữ bị mất tích hoặc bị ám sát (Tổng hợp 29-5-2017)
 G. Trần Đức Anh OP

Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Chúa Kitô phục sinh cho thế giới

Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Chúa Kitô phục sinh cho thế giới

ĐTC Phanxicô cháo tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 28-5-2017 - AFP
28/05/2017 15:26
Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Chúa Kitô phục sinh cho thế giới và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.
ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật hôm qua. Tong bài huấn dụ ĐTC đã nói về ý nghĩa lễ Chúa Giêsu lên trời được cử hành tại Italia và nhiều nước khác trên thế giới. Ngài nói:
Trang Tin Mừng kết thúc Phúc Âm thánh Matthêu (Mt 28,16-20), trình bầy với chúng ta lúc Chúa Phục Sinh vĩnh viễn giã từ các môn đệ Ngài. Cảnh được lồng khung tại Galilea, là nơi Chúa Giêsu đã kêu gọi họ theo Ngài và thành lập cốt lõi đầu tiên của cộng đoàn mới của Ngài. Giờ đây các môn đệ ấy đã trải qua ngọn lửa của cuộc khổ nạn và sự sống lại. Khi trông thấy Chúa phục sinh,  họ phủ phục trước mặt Ngài nhưng còn có vài người nghi ngờ. Chúa Giêsu để lại cho cộng đoàn sợ hãi đó nhiệm vụ mênh mông rao truyền Tin Mừng cho thế giới, và cụ thể hoá nhiệm vụ này với lệnh truyền giảng dậy và rửa tội nhân danh Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần (c. 19).
Vì thế việc lên Trời của Chúa Giêsu làm thành điểm cuối sứ mệnh mà Chúa Con đã nhận từ Chúa Cha, và khởi sự việc thực thi sứ mệnh ấy từ phía Giáo Hội. Thật thế, từ lúc này trở đi sự hiện diện của Chúa Kitô  trong thế giới được trung gian bởi  các môn đệ Ngài và bởi những người tin nơi Ngài và loan báo Ngài. Sứ mệnh ấy sẽ kéo dài cho tới tận cùng lịch sử và sẽ hưởng nhờ sự trợ giúp của Chúa phục sinh mỗi ngày, là Đấng đã bảo đảm: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế” (c. 20). ĐTC quảng diễn sự hiện diện ấy của Chúa Kitô như sau:
Sự hiện diện của Ngài  đem lại sức mạnh trong các bách hại, ủi an trong các khốn khổ, nâng đỡ trong các hoàn cảnh khó khăn mà sứ mệnh và việc loan báo Tin Mừng gặp phải. Lễ Thăng Thiên nhắc cho chúng ta biết  sự trợ giúp đó của Chúa Giêsu và của Thần Khí Ngài là Đấng trao ban sự tin tưởng và chắc chắn cho chứng tá kitô của chúng ta trong thế giới. Nó cũng vén mở cho thấy tại sao Giáo Hội hiện diện: Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng! Giáo Hội là chúng ta tất cả những người đã được rửa tội. Ngày hôm nay chúng ta được mời gọi hiểu biết hơn rằng  Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta phẩm giá và trách nhiệm lơn lao là loan báo Ngài cho thế giới, khiến cho Ngài đến được với nhân loại. Đó là phẩm giá của chúng ta. Đó là vinh dự lớn lao nhất trong Giáo Hội.
Trong ngày lễ Thăng Thiên này trong khi chúng ta hướng cái nhìn về trời, nơi Chúa Kitô đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, chúng ta hãy củng cố các bước chân trên trái đất để tiếp tục  với lòng hăng say can đảm con đường, sứ mệnh làm chứng của chúng ta và sống Tin Mừng trong mọi môi trường. Tuy nhiên chúng ta cũng ý thức rằng điều này không tuỳ thuộc nơi các sức lực của chúng ta, hay các khả năng tổ chức và các tài nguyên nhân loại. Chỉ với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần chúng ta mới có thể chu toàn một cách hữu hiệu sứ mệnh của chúng ta là khiến cho ngườì khác ngày càng biểu biết và sống kinh nghiệm tình yêu và sự dịu hiền của Chúa Giêsu hơn.
Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria trợ giúp chúng ta chiêm ngưỡng các kho tàng trên trời mà Chúa hưá ban cho chúng ta và trở thành các chứng nhân ngày càng đáng tin cậy hơn của sự Phục sinh, của Cuộc Sống thật.
Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Lậy Nư Vương Thiên Đàng và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Sau kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ĐTC Phanxicô đã chia buồn với Đức Thượng Phụ Tawadros và toàn cộng đoàn  chính thống Ai Cập vì vụ khủng bố chống lại các kitô hữu hành hương cầu nguyện tại Menyah ngày 26 tháng 5 khiến cho 28 người chết. Ngài xin Thiên Chúa đón nhận các chứng nhân can đảm này vào trong sự bình an của Chúa và hoán cải trái tim của  các kẻ bạo lực. ĐTC cũng chia buồn với vụ khủng bố kinh hoàng tại Manchester bên Anh quốc hôm thứ hai khiến cho 22  người chết và 59 người bị thương trong đó có nhiều trẻ em. Ngài gần gũi các thân nhân và những ai than khóc họ.
Chúa Nhật hôm qua cũng là Ngày truyền thông quốc tế về đề tài “Đừng sợ hãi bởi vì Ta ở cùng con” (Is 43,5). ĐTC nói: các phương tiện truyền thông xã hội cống hiến khả thể chia sẻ và phổ biến lập tức các tin một cách chi tiết. Các tin tức này có thể đẹp hay xấu, thật hay giả. Chúng ta hãy cầu nguyện để việc truyền thông trong mọi hình thức của nó thực sự xây dựng, phục vụ sự thật,  khước từ các thành kiến và phổ biến niềm hy vọng và sự tin tưởng trong thời đại chúng ta.
ĐTC đã chào mọi người đặc biệt là các tín hữu đến từ bang Colorado Hoa Kỳ, các nhóm dân ca vũ vùng Bayern nam Đức kỷ niệm 100 năm lễ Đức Mẹ Bổn Mạng vùng này, cũng như các tham dự viên cuộc hành hương đền thádnh Piekary, các thừa sai dòng Comboni mừng 150 thành lập dòng, các nữ tu bệnh viện Ascoli Piceno và các đoàn hành hương đến từ nhiều nơi khác nhau ở Italia. Ngài cũng đặc biệt chào và khích lệ đại diện các hiệp hội thiện nguyện thăng tiến việc hiến các cơ phận là một cử chỉ cao thượng đáng tưởng thưởng (Giáo Lý s. 2296). Chào nhóm nhân công của tổ chức Mediaset ĐTC cầu mong tình trạng công việc của họ được giải quyết với mục đích thiện ích của hãng và tôn trọng các quyền của mọi người chứ không phải chỉ chú ý tới lợi nhuận mà thôi. Sau cùng ĐTC cám ơn tín hữu tổng giáo phận Genova đã dành cho ngài sự tiếp đón nồng hậu trong ngày viếng thăm hôm thứ bẩy vừa qua.
Linh Tiến Khải

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Donald Trump

Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Donald Trump




VATICAN. Lúc 8 giờ rưỡi sáng 24-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Đoàn xe của Tổng thống Mỹ gồm 60 chiếc đã tiến vào Nội thành Vatican qua cửa bên hông vì Quảng trường Thánh Phêrô đã có 30 ngàn tín hữu hiện diện chờ tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC
 Sau khi hội kiến riêng trong vòng 30 phút, ĐTC đã chào thăm đoàn tùy tùng của Tổng thống Trump gồm 12 người, trong đó có phu nhân Melanie và ái nữ Ivanka và con rể Jared Kushner.
 Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Trump và các cộng sự viên đã gặp và trao đổi trong 50 phút ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.
 Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: trong các cuộc hội kiến thân mật, hai bên bày tỏ hài lòng vì tương quan song phương tốt đẹp giữa Tòa Thlánh và Hoa kỳ, cũng như sự dấn thân chung bênh vực sự sống, tự do tôn giáo và lương tâm. Tòa Thánh cầu mong có sự cộng tác thanh thản giữa Nhà Nước và Giáo hội Công Giáo tại Hoa kỳ, Giáo Hội dấn thân phục vụ dân chúng trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục và trợ giúp người di dân.
 Hai bên cũng trao đổi quan điểm về một số vấn đề thời sự quốc tế, và thăng tiến hào bình, đặc biệt là tình hình Trung Đông và bảo vệ các cộng đoàn Kitô (SD 24-5-2017)
 G. Trần Đức Anh OP

Sứ thần Tòa Thánh Christophe Pierre, người chuẩn bị cuộc gặp của TT Mỹ với Đức Giáo hoàng

Sứ thần Tòa Thánh Christophe Pierre, người chuẩn bị cuộc gặp của TT Mỹ với Đức Giáo hoàng




Theo Sứ thần Tòa Thánh Christophe Pierre tại Mỹ cho biết, thì “chuyến đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều dấu hiệu tích cực”.
Sứ thần Christophe Pierre trong buổi tiếp kiến với Đức Phanxicô tại Vatican ngày 21 tháng 4-2016

Để đến Tòa Sứ thần, chỉ cần đến đại lộ Massachusetts, đi quá tượng Mandela đặt trước Sứ quán Nam Phi và ngừng trước mặt tư dinh Phó tổng thống là đến. Sứ thần Christophe Pierre ở và làm việc tại tòa nhà có lá cờ trắng-vàng Vatican bay phất phới. Ngài là giám mục người Pháp, người gốc miền Breton và được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào chức vị này cách đây một năm.


Nước Mỹ có gần 80 triệu người công giáo. Sứ thần là người đại diện Đức Giáo hoàng bên cạnh nhà cầm quyền Mỹ và bên cạnh Giáo hội Mỹ. Ngài cho biết, nhiệm vụ của ngài là giúp đỡ Giáo hội trong việc quản trị. Sau khi làm việc trên mười nước trên thế giới, việc bổ nhiệm ngài tại Washington là một sự tôn vinh. Ngài mỉm cười trả lời: “Chắc chắn đây là một chức vụ quan trọng, nhưng có phải đó là chức vụ có thế giá nhất không? Tôi không trả lời được…”.

Trên bàn làm việc của ngài là hồ sơ chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống Mỹ và Đức Giáo hoàng. Ngày 24 tháng 5-2017, Đức Phanxicô sẽ gặp Donald Trump tại Vatican. Chúng ta còn nhớ các chỉ trích của Đức Giáo hoàng trong thời tranh cử của Donald Trump và các lời trả đũa của tổng thống tương lai, căng thẳng này chưa hoàn toàn chấm dứt. Nhưng Sứ thần Christophe Pierre muốn nhìn khía cạnh lạc quan, ngài giải thích: “Đức Giáo hoàng lúc nào cũng chủ trương đối thoại và ngài sẽ đối thoại. Và sự việc Donald Trump đến để đối thoại là đã khá tích cực”.

Chỉ còn vài ngày là đến buổi tiếp kiến, ngoài việc cùng các nhà ngoại giao ở Vatican lo dữ liệu và thủ tục để tránh các vấp váp trước ống kính, sứ thần còn phải tổng hợp các tin tức cần thiết cho Đức Giáo hoàng để chuẩn bị cho cuộc gặp này. Hai người sẽ họp kín về nhiều vấn đề tế nhị.

Về vấn đề di dân, Giáo hội công giáo vẫn chống đối dự án xây Tường của Donald Trump, sứ thần Christophe Pierre đã từng làm sứ thần ở Mêhicô trong mười năm, ngài am tường vấn đề này. Ngài cho biết: “Người dân không bao giờ vui khi đi ra khỏi xứ mình, đó là bứng đi gốc rễ của họ. Và một nước cũng không thể nào khép kín hoàn toàn”.

Nhưng sứ thần Christophe Pierre cũng nhận thấy “khía cạnh tích cực trong chính quyền của ông Trump” trên một hồ sơ quan trọng của Giáo hội, đó là tự do tôn giáo. Việc cải cách trong chương trình bảo vệ xã hội dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama buộc các chủ nhân phải trả chi phí ngừa thai và phá thai cho nhân viên. Các Dòng tu – tiêu biểu là Dòng Tiểu muội lo cho người nghèo – sẽ bị phạt nặng vì họ chống đối chương trình này. Khi lên nắm chính quyền, Tổng thống Donald Trump đã bỏ việc phạt này.

Sứ thần cho biết: “Khi hai nhân vật có trách nhiệm lớn lao gặp nhau thì sẽ có khả năng mở ra các cánh cửa. Đức Giáo hoàng luôn chủ trương đối thoại và ngài sẽ đối thoại, hơn nữa ngài không theo một đảng phái nào”.

Giữa các hồ sơ làm việc, người mang cây thánh giá nặng ở cổ đi dạo ở khu phố xanh tươi chung quanh đại lộ “huy hoàng” Massachusetts, nhưng từ thủ đô Washington, ngài mỉm cười nói ngài biết nhiều nhất là “con đường từ nhà ra phi trường”, con đường dẫn người mục tử đi sứ vụ khắp nơi trên nước Mỹ.


Gốc rễ của ngài vẫn ở Pháp, sau 45 năm trong sự nghiệp ngoại giao của Tòa Thánh thì “đi đến đâu tôi không bao giờ cảm thấy mình nhớ nhà, nhưng đúng là khi tôi về Saint-Malo, tôi cảm thấy mình ở nhà mình”.

Marta An Nguyễn dịch

Khi trái tim khép kín, Chúa Thánh Thần không thể ngự vào

Khi trái tim khép kín, Chúa Thánh Thần không thể ngự vào

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 22.05.2017
22/05/2017 12:38
Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy cho chúng ta tuyên xưng rằng: Đức Giêsu là Chúa. Chúng ta cần mở lòng cho Chúa Thánh Thần, để có thể sống cuộc đời làm chứng cho Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Chúa Thánh Thần là bạn đồng hành của Hội Thánh
Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy cho chúng ta ca khen rằng: Đức Giêsu là Chúa. Nếu không có Thánh Thần, chẳng ai có thể nói điều ấy, chẳng ai có thể cảm nhận điều ấy, chẳng ai có thể sống điều ấy. Có lần Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần rằng: Ngài sẽ dẫn anh em tới Sự Thật toàn vẹn, và Ngài sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em, Ngài sẽ dạy anh em mọi điều. Thế đó, Chúa Thánh Thần là người bạn đồng hành của mỗi người tín hữu Kitô, Ngài cũng là bạn đồng hành của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần chính là quà tặng quý giá mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta.
Hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần!
Chúa Thánh Thần là món quà tuyệt vời Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Nhưng mà Chúa Thánh Thần ở đâu? Trong bài đọc thứ nhất trích sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta gặp hình ảnh của người phụ nữ tên là Lydia. Bà là một trong những người biết làm thế nào để cho Chúa có thể mở rộng tâm hồn mình, để đón nhận Lời Chúa.
Chúa đã mở rộng tâm hồn bà, Chúa Thánh Thần ngự vào, và biến đổi bà trở thành người môn đệ. Nơi tất cả cõi lòng mình, là nơi chúng ta mang lấy Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà Giáo Hội gọi Chúa Thánh Thần là vị khách ngọt ngào của tâm hồn. Nhưng nếu trái tim ấy khép kín, thì Chúa Thánh Thần không thể ngự vào. À, ở đâu bạn có thể mua chìa khóa để mở cửa tâm hồn? Không. Đó là một món quà, là quà tặng từ Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin mở cửa tâm hồn con, để Chúa Thánh Thần có thể ngự vào và giúp con hiểu được rằng: Đức Giêsu là Chúa. Có lời cầu nguyện mà chúng ta phải nhẩm đi nhắc lại trong những ngày này là: Lạy Chúa, xin mở rộng cõi lòng con để con có thể hiểu được điều Người đang dạy con, để con có thể khắc ghi Lời Người, để con có thể sống theo Lời Người, và để con có thể tiến gần đến sự thật toàn vẹn.
Con có thực sự mở cửa tâm hồn đón Chúa?
Chúng ta cần mở rộng tâm hồn, khi đó Chúa Thánh Thần sẽ ngự vào và chúng ta lắng nghe tiếng nói của Ngài. Có hai câu hỏi mỗi người trong chúng ta có thể tự hỏi lòng mình. Trước hết, tôi có nài xin ân sủng của Chúa để trái tim tôi có thể rộng mở hay không? Thứ hai, tôi có cố gắng lắng nghe Chúa Thánh Thần, lắng nghe những gợi ý của Ngài, lắng nghe những gì Ngài nói trong trái tim tôi, lắng nghe để tôi có thể tiến bước trong cuộc sống người Kitô, lắng nghe để tôi có thể sống chứng nhân cho Chúa Giêsu?
Hãy suy nghĩ về hai điều ấy trong ngày hôm nay. Tâm hồn tôi đang rộng mở hay khép kín? Tôi có cố gắng lắng nghe điều Chúa Thánh Thần đang ngỏ lời trong lòng tôi hay không? Và khi làm như thế, khi mở rộng tâm hồn và lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ tiến bước hướng về phía trước trong đời sống người Kitô hữu, để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.
Tứ Quyết SJ  

Một chủng sinh liều mạng sống cứu Mình Thánh Chúa

Một chủng sinh liều mạng sống cứu Mình Thánh Chúa khỏi bị khủng bố xúc phạm

Mình Thánh Chúa - AP
23/05/2017 17:52
Khi Martin Baani 24 tuổi, chủng sinh này đã liều mạng sống cứu Mình Thánh Chúa khỏi cuộc xâm chiếm của bọn khủng bố Hồi giáo ở thành phố quê nhà. Hiện nay. Baani đã trở thành linh mục và quay về làng quê để sẵn sàng phục vụ dân chúng qua Thánh lễ.
Ngày 6 tháng 8 năm 2014, một người bạn gọi cho thầy Baani và báo là ngôi làng bên cạnh đã rơi vào tay quân khủng bố ISIS và thị trấn Karamlesh có lẽ sẽ là điểm kế tiếp bị ISIS chiếm đóng. Thầy Baani ngay lập tức chạy đến nhà thờ San Addai và mang Mình Thánh Chúa đi, để phòng hờ các chiến binh sẽ xúc phạm Mình Thánh. Thầy Baani đã cùng với cha sở và ba linh mục khác chạy lánh nạn bằng xe hơi. Thầy Baani là người cuối cùng rời Karamlesh, với Mình Thánh Chúa trong tay.
Dù những đe dọa từ ISIS, thầy Baani chọn ở lại Iraq thay vì chạy sang Hoa kỳ với gia đình. Thầy tiếp tục học ở chủng viện thánh Phêrô ở Erbil, thủ phủ của người Kurd Iraq. Tháng 9 năm 2016, thầy Baani được thụ phong linh mục với 6 thầy khác.
Vài tháng trước khi chịu chức linh mục, thầy Baani nói với tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ: “mỗi ngày tôi đi đến trại tị nạn để đồng hành với các gia đình. Chúng tôi là những Kitô hữu tị nạn. Bọn ISIS muốn loại trừ Kitô giáo khỏi Iraq nhưng tôi đã quyết định ở lại. Tôi yêu Chúa Giêsu và tôi không muốn lịch sử của chúng tôi biến mất.”
Gần 1 năm sau, sau khi các làng ở bình nguyên Ninivê được giải phóng, cha Baani khẳng định quyết định ở lại Iraq để “phục vụ dân của tôi và Giáo hội của tôi.” Cha nói: “Bây giờ tôi hạnh phúc cử hành Thánh lễ ở Iraq. (CAN 24/05/2017)
Hồng Thủy

Cha thánh Piô được Đức Mẹ Fatima chữa lành ung thư màng phổi

Cha thánh Piô được Đức Mẹ Fatima chữa lành ung thư màng phổi

cha thánh Piô - AFP
18/05/2017 13:14
Cha Thánh Piô làng Pietrelcina, một tu sĩ dòng Capuchinô nổi tiếng làm nhiều phép lạ, lúc còn sống cũng như khi đã qua đời, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên hàng hiển thánh vào năm 2002, là người có lòng sùng kính Mẹ Maria cách đặc biệt. Lòng sùng kính của ngài không phải chỉ là một tình cảm thoáng qua, nhưng dựa trên nền tảng vững chắc, có nguồn gốc từ mạc khải Kinh Thánh và trong lịch sử cứu độ. Đối với cha thánh, Mẹ Maria chính là sợi dây liên kết chặt chẽ và chắc chắn giữa ngài và Chúa Giêsu. Ngài thường cầu khẩn Mẹ với các tước hiệu trạng sư, đấng trợ giúp, người cứu chữa, vị trung gian, vv. Đối với cha thánh Piô, tháng năm là tháng của ân sủng, ngài vui mừng khi tháng năm đến, vì đó là tháng dành cho Mẹ, tháng để nói về tình yêu thương dịu dàng và vẻ đẹp của Mẹ. Là người con hết lòng yêu kính Đức Mẹ, cha thánh Piô đã nhân được sự chăm sóc hiền mẫu của Mẹ trong cuộc sống của ngài. Chính cha Piô đã được phép lạ lành bệnh ung thư màng phổi khi cầu khẩn cùng Mẹ Fatima.
Năm 1959, Hội đồng Giám mục Italia công bố năm cầu nguyện để chuẩn bị bước sang thập niên mới. Để đánh dấu sự kiện này, tượng Mẹ Maria đang được kính tại đền thờ ở Fatima sẽ được đưa đến các thành phố lớn nhỏ của nước Ý. Ngày 25 tháng 4 năm, khi tượng được đưa ra khỏi đền thờ ở Fatima, cha Piô đã ngã bệnh. Vì long kính mến đối với cha Piô, hội đồng Giám mục Ý đã quyết định đưa tượng Đức Mẹ đến tu viện của các cha dòng Capuchinô ở San Giovanni Rotondo, nơi cha Piô đang sống lúc bấy giờ. Như thế, ngoài các địa điểm chính của tỉnh Poggia được đón tiếp tượng Đức Mẹ, tu viện của các cha Piô được hưởng một ngoại lệ, đón tiếp tượng Đức Mẹ. Để chuẩn bị cho việc đón thánh tượng Mẹ Fatima, nhiều buổi giáo lý được tổ chức và do chính cha Piô giảng dạy, dù lúc đó cha đã bị bệnh nặng. Trước ngày mùng 5 tháng 8, ngày tượng Đức Mẹ được đưa đến, mỗi chiều, từ phòng của mình, cha Piô cầm micro, kêu gọi các tín hữu chuẩn bị tâm hồn cho cuộc viếng thăm của Mẹ Maria.
Ngày mùng 6 tháng 8, tượng Đức Mẹ được đưa đến phòng thánh của nhà thờ của tu viện. Cha Piô, ngồi trên một chiếc ghế, được đưa đến phòng thánh. Để đến được nhà thờ, cha phải dừng lại nhiều lần, vì sức khỏe của cha đã rất yếu và cha đang mang một căn bệnh trầm trọng trong người.Cha cúi mình hôn tượng Đức Mẹ cách trìu mến, rồi đặt vào tay Đức Mẹ một chuỗi Mân Côi mà cha đã được một nhóm cầu nguyện tặng, để tỏ long con thảo yêu quý Mẹ. Sau đó cha được đưa trở lại phòng của cha. Trước khi rời thị trấn San Giovanni Rotondo, tượng Mẹ Maria được đưa đến các phân khoa của bệnh viện cho các bệnh nhân kính viếng và cuối cùng, từ sân thượng của bệnh viện, trực thăng chở tượng rời bệnh viện, rời thị trấn San Giovanni Rotondo bé nhỏ này.
 Trước đó 44 năm, ngày 1 tháng 5 năm 1912, cha Piô đã viết thư cho cha Augustin, nói về tình cảm trìu mến đối với Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội: “Con ao ước có một giọng nói mạnh mẽ để mời gọi các tội nhân trên toàn thế giới yêu quý Mẹ. Nhưng vì điều này không nằm trong khả năng của con, nên con đã cầu nguyện, sẽ cầu nguyện thiên thần bé nhỏ của con làm giúp con điều này.”
Cha Piô được các tu sĩ trong dòng đưa đến một ban công của nhà thờ, gần một cửa sổ. Từ cửa sổ của ca đoàn ở nhà thờ, cha Piô có thể nghe thấy tiếng reo hò của đám đông dân chúng và tiếng ồn ào của trực thăng. Lúc này, đôi mắt ngấn lệ vì xúc động, Cha Piô quay về Mẹ Maria và than thở trong sự phó thác của người con: “Mẹ ơi, Mẹ của con, con bị bệnh khi Mẹ đến thăm nước Ý; giờ mẹ bỏ đi, Mẹ để con lại vẫn đau bệnh, không chữa lành cho con sao?” Các phi công đang lái máy bay rời San Giovanni Rotondo. Bất ngờ, phi công thứ hai yêu cầu quay lại và bay 3 vòng trên đầu tu viện như cách chào tạm biệt cha Piô. Ngay trong giây phút ấy, cha Piô cảm thấy một cơn rùng mình chạy khắp người và cha được lành khỏi bệnh mà các bác sĩ trước đó chẩn đoán: ung thư màng phổi.
Cha Augustinô, một người bạn và linh hướng cho cha Piô ngay từ khi cha còn là chủng sinh, đã xác minh việc cha Piô được chữa lành ngay lúc đó. Cha nói: “Trong một khoảnh khắc, cha Piô cảm thấy như có một sức mạnh huyền nhiệm trong thân thể ngài và ngài nói với các anh em cùng dòng: ‘Tôi được chữa lành!’”
Bác sĩ Giuseppe Sala cũng làm chứng về việc khỏi bệnh lạ lùng của cha Piô. Ông xác nhận: “Vào lúc đó, cha Piô đã được lành bệnh ung thư màng phổi. Cha cần nghỉ ngơi hàng tháng trời, trừ khi có biến chứng, và buộc phải ngưng các hoạt động thường làm. Bác sĩ Sala nhận thấy rằng “cha Piô đã hồi phục cách bất ngờ. Một nhóm bác sĩ có dịp thăm khám cho cha Piô đã hoàn toàn xác nhận đó là một cuộc khỏi bệnh ngay tức khắc và nhanh chóng, mà  cha Piô tin là nhờ khẩn cầu với Đức Mẹ Maria. Đức Mẹ đã đến đây, bởi vì Mẹ muốn chữa lành cho Cha Piô.” (Papaboys 27/04/2017)
Hồng Thủy