label

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

CÁO PHÓ (ông Nguyễn Tiến Đạm)



Một người con của giáo xứ
  
Ông Batôlômêô NGUYỄN TIẾN ĐẠM, sinh năm 1933.
Hiện ngụ tại khu 5, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 12 giờ 50 ngày 27/09/2017
HƯỞNG THỌ 84 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
28-09-2017
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 04 giờ30 ngày 29-09-2017, sau đó an táng tại đất nhà
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông Batôlômêô sớm hưởng thánh nhan Chúa

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Gia Đình Vinh Sơn Phaolô

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Gia Đình Vinh Sơn Phaolô

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Gia Đình Vinh Sơn Phaolô - RV
28/09/2017 12:31
VATICAN. ĐTC cám ơn và khuyến khích toàn thể Đại gia đình dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô và ngài đề cao giá trị và thời sự tính của Thánh Nhân.
 ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố hôm 27-9-2017, lễ kính Thánh Vinh Sơn Phaolô và cũng là dịp kỷ niệm 400 năm đoàn sủng của thánh nhân, dấn thân phục vụ và săn sóc người nghèo.
 ĐTC nhắc đến sự kiện năm 1617, Thánh Vinh Sơn Phaolô bấy giờ 40 tuổi, đã khám phá ơn gọi, đoàn sủng, cứu giúp những người nghèo. Trong tư cách là một cha sở miền quê, ngài chứng kiến tình trạng lầm than trầm trọng về vật chất cũng như tinh thần của các nông dân. Được gọi đến bên giường của một người thợ xay bột sắp qua đời, cha xúc động đến tận thẳm sâu trong tâm hồn. Vinh Sơn Phaolô trước đó đã vào hàng giáo sĩ với chủ ý tiến thân trên đường ”công danh sự nghiệp”, nay ngài ý thức về sứ mạng đích thực là loan báo Tin Mừng và cứu giúp những người nghèo khổ.
 Trong sứ điệp sau khi gợi lại những nét nổi bật trong cuộc đời và hoạt động bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô, ĐTC khẳng định rằng: ”Nơi trọng tâm Gia đình Vinh Sơn có sự tìm kiếm ”những người lầm than nhất và bị bỏ rơi”, với ý thức quyết liệt rằng mình không xứng đáng cung cấp cho họ những việc phục vụ khiêm tốn nhất của chúng ta” (Correspondance, Entretiens, documents, XI, 392).
 ”Chứng tá bác ái của thánh Vinh Sơn mời gọi chúng ta luôn tiến bước, sẵn sàng để cho mình được cái nhìn và Lời Chúa làm cho ngạc nhiên. Chứng tá ấy yêu cầu chúng ta hãy có tâm hồn bé nhỏ, hoàn toàn sẵn sàng và khiêm tốn ngoan ngãn, thúc đẩy chúng ta sống hiệp thông huynh đệ và can đảm thi hành sứ mạng trên thế giới. Chứng tá của thánh Vinh Sơn cũng yêu cầu chúng ta loại bỏ những ngôn ngữ phức tạp, những thứ hùng biện tự tham chiếu và những gắn bó với an ninh vật chất, có thể trấn an nhất thời, nhưng không phú an bình của Thiên Chúa và thậm chí còn cản trở sứ mạng”.
 ĐTC cũng viết rằng: ”Đức bác ái không hài lòng với những tập quán tốt lành quá khứ, nhưng biết biến đổi hiện tại. Đó là điều càng cần thiết ngày nay, trong những biến chuyển phức tạp của xã hội hoàn cầu hóa, trong đó một số hình thức làm phúc bố thí và trợ giúp, tuy được những ý hướng quảng đại thúc đẩy, nhưng chúng có nguy cơ nuôi dưỡng những hình thức bóc lột và bất hợp pháp, không mang lại những lợi ích thực sự và lâu bền”.
 Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng ”Tấm gương của thánh Vinh Sơn thúc đẩy chúng ta dành chỗ và thời giờ cho người nghèo, những người nghèo mới này nay, quá nhiều người nghèo hiện nay, biến những tư tưởng và cơ cực của họ thành của chúng ta, vì một Kitô giáo không có tiếp xúc với những người đau khổ thì trở thành một Kitô giáo thiếu thực tế, không có khả năng động chạm đến thân mình Chúa Kitô. Gặp gỡ người nghèo, dành ưu tiên cho người nghèo, mang lại tiếng nói cho người nghèo, để sự hiện diện của họ không bị thứ văn hóa phù du bóp nghẹt. Tôi nồng nhiệt hy vọng việc cử hành Ngày Thế giới người nghèo vào chúa nhật 19-11 tới đây sẽ giúp chúng ta ”trong ơn gọi theo Chúa Giêsu nghèo”, ngày càng trở thành dấu chỉ cụ thể rõ ràng hơn về tình bác ái của Chúa Kitô đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất, và phản ứng chống lại thứ văn hóa gạt bỏ và phung phí” (Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế giới người nghèo 13-6-2017)
 G. Trần Đức Anh OP

Đức TGM Hàn Đại Huy, Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp

Đức TGM Hàn Đại Huy, Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp

Đức TGM Hàn Đại Huy, Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp
28/09/2017 13:06
VATICAN. Hôm 28-9-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai-Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo, làm Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.
 Đức TGM Hàn Đại Huy dòng Don Bosco, năm nay 67 tuổi, sinh ngày 21-10 năm 1950 tại Hong Kong, thụ phong linh mục năm 1982 và năm 2010, ngài được ĐGH Biển Đức 16 bổ nhiệm làm TGM Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo.
 Sự kiện một vị không xuất thân từ trường ngoại giao Tòa Thánh được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh, là điều khá họa hiếm.
 Cùng ngày 28-9, ĐTC bổ nhiệm Cha Ryszart Szmydki, OMI, làm tân Phó Tổng thư ký Bộ truyền giáo.
 Cha Szmydki người Ba Lan, năm nay 66 tuổi (1951), gia nhập dòng Hiến Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) năm 1970. Cha từng làm giáo sư tại Đại Học Công giáo Lublino ở Ba Lan, và làm thừa sai tại Camerun 2 năm. Năm 2010, Cha được bầu làm Giám tỉnh dòng OMI ở Ba Lan và tái cử năm 2013. Nhưng năm sau đó thì được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội truyền bá đức tin, một trong 4 Hội Giáo hoàng truyền giáo. Ngoài tiếng Ba Lan, Cha Szmydki biết tiếng Ý, Pháp và Anh.
 Hai bổ nhiệm trên đây cũng có liên hệ tới Giáo Hội tại Việt Nam vì nhiều hồ sơ, hoặc vấn đề, qua tay vị Phó Tổng thư ký và Tổng thư ký trước khi lên tới cấp cao hơn (Rei 28/9/2017)
 G. Trần Đức Anh OP 

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

THƯ MỤC VỤ Đức Giám Mục Giáo Phận Tháng 10 năm 2017



GIÁO PHẬN LONG XUYÊN SỐNG SỨ ĐIỆP FATIMA
LẦN HẠT MÂN CÔI – DẤN THÂN RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

***
Anh chị em thân mến,
Từ tháng Năm, giáo phận Long Xuyên đã khích lệ nhau sống sứ điệp Fatima nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, cụ thể là siêng năng lần hạt Mân Côi. Trong tháng Mười này, cách đây đúng 100 năm, Đức Mẹ đã hiện ra lần cuối cùng vào ngày 13/10/1917. Đây cũng là tháng toàn thể Giáo Hội dành Chúa Nhật 22/10 để cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Riêng giáo phận cũng đang thực hiện chương trình 5 năm loan báo Tin Mừng để chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận (1960-2020). Vì thế, xin gửi thư mục vụ tháng Mười với chủ đề: Giáo Phận Long Xuyên Sống Sứ Điệp Fatima - Lần Hạt Mân Côi – Dấn Thân Trong Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng Bằng Sự Tín Nhiệm.

Như chúng ta đã biết, số Kitô hữu của giáo phận Long Xuyên là trên 230.000 trong tổng số trên 4 triệu dân cư, chỉ chiếm khoảng 5% dân số. Nhưng đoàn chiên nhỏ bé này đang tích cực hiện diện rải rác trên phần đất của tỉnh An Giang, Kiên Giang và 2 quận huyện của thành phố Cần Thơ (quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh). Ngay trên phần đất của huyện Vĩnh Thuận, huyện Giang Thành, và huyện đảo Thổ Chu thuộc tỉnh Kiên Giang chưa có nhà thờ, nhưng đã có sự hiện diện của các Kitô hữu. Trong bối cảnh này, dù là đoàn chiên nhỏ bé và nhiều giới hạn, Chúa cũng vẫn tín nhiệm trao cho giáo phận sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vì thế, mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận Long Xuyên được mời gọi rao giảng Tin Mừng. Trong thư mục vụ này, chúng ta tập trung vào Tin Mừng về sự Tín Nhiệm.

Thật vậy, xã hội ngày nay, cụ thể tại Việt Nam, đang bị khủng hoảng về sự tín nhiệm. Cuộc khủng hoảng này đang tàn phá các tương quan trong mọi lãnh vực nhân sinh, tương quan trong gia đình giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau; tương quan trong gia tộc giữa thế hệ cha ông và con cháu; tương quan trong trường học giữa thầy và trò, giữa bạn học với nhau; tương quan trong bệnh viện giữa lương y và bệnh nhân; tương quan tại hàng quán giữa người bán và kẻ mua; tương quan trong các xí nghiệp nhà máy giữa những người thuộc giai cấp làm chủ và giai cấp công nhân; tương quan trong các công sở giữa những người hành sử quyền bính và dân chúng. Sự khủng hoàng này cũng có những dấu hiệu đang hiện diện trong các cộng đoàn Kitô hữu của giáo phận. Biểu hiện của sự khủng hoảng tín nhiệm này là thái độ nghi ngờ lẫn nhau và đối phó ngay cả với những người thân. Kết quả là sự cô đơn và ích kỷ, bất hạnh và thất vọng đến tuyệt vọng.  Kết quả nữa là một cộng đồng bất an, bất ổn và nỗi loạn.

Trong bối cảnh xã hội này, giáo phận Long Xuyên được sai đến để loan báo Tin Mừng. Trong tháng Mân Cội, giáo phận được mời gọi lần chuỗi Mân Côi để suy tư, cầu nguyện, và xin ơn biến đổi, với nền tu đức đi ra ngoại biên để loan báo Tin Mừng, Tin Mừng về một cộng đoàn như gia đình của Thiên Chúa, trong đó mọi người bày tỏ yêu thương và tín nhiệm.

Thật vậy, suy gẫm mầu nhiệm năm sự Vui, người thừa sai của giáo phận Long Xuyên nhận ra gương mẫu cho mình về sự tín thác vào Thiên Chúa và sự tín nhiệm vào tha nhân trong mầu nhiệm Nhập Thể để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vì tín thác và tín nhiệm, Đức Kitô, vị Thừa Sai của Thiên Chúa, đã trở thành một bào thai trong cung lòng của một phụ nữ, trở thành một hài nhi trong một gia đình nghèo hèn, trở thành một thanh thiếu niên trong một xã hội đang bị đô hộ. Đây là cách sống xây dựng sự tín nhiệm bằng hiện diện để chia sẻ, cảm thông. Vì người thừa sai là Emmanuel -Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Kết quả là một cộng đoàn mới được hình thành trong sự tín nhiệm, đó là cộng đoàn của những người đơn sơ bé nhỏ, tín thác vào Chúa và tín nhiệm lẫn nhau như Maria, Giuse, Isave, Giacaria, các mục đồng, các nhà đạo sĩ, cụ ông Simeon, cụ bà Anna.

Suy gẫm mầu nhiệm năm sự Sáng, người thừa sai của giáo phận Long Xuyên được mời gọi noi gương Chúa Kitô, vị thừa sai của Thiên Chúa, vì tín thác vào Thiên Chúa và vì tín nhiệm đối với con người, đã sống màu nhiệm Nhập Thế để biến đổi cộng đoàn nhân loại trở thành cộng đoàn yêu thương phục vụ. Ở đây, người thừa sai đến với con người bằng sự tín nhiệm đối với tha nhân, và khiêm tốn tranh thủ sự tín nhiệm của con người dành cho mình để xây dựng Nước Thiên Chúa, mà mọi người được hưởng sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.

Suy gẫm mầu nhiệm năm sự Thương, người thừa sai của giáo phận Long Xuyên noi gương mẫu Chúa Kitô đã loan báo Tin Mừng bằng chấp nhận những thách đố về sự tín nhiệm từ Thiên Chúa “Lạy Cha, sao Cha bỏ con”, cũng như thách đố từ con người “các con sẽ bỏ Thầy một mình” mà vẫn sống tín thác vào Thiên Chúa “Con phó thác hồn Con trong tay Cha” và vẫn sống tín nhiệm vào tha nhân như cần những sự an ủi của những Verônica, Madalêna, Simong, Nicôđemô, Giuse. Kết quả là ơn cứu độ tuôn tràn từ cạnh sườn bị đâm thủng, và một công đoàn mới được khai sinh, cộng đoàn Hội Thánh Chúa Kitô.

Suy gẫm mầu nhiệm năm sự Mừng, người thừa sai của giáo phận Long Xuyên sống niềm vui và hy vọng Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng đã tín nhiệm trao ban Chúa Thánh Thần cùng với sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ. Ở đây, niềm tin vào sự phục sinh đã quy tụ những người tín thác vào Chúa Phục Sinh và tín nhiệm vào tha nhân để hình thành một cộng đoàn hiệp thông, hiệp thông với lời giáo huấn của các tông đồ, hiệp thông trong nghi thức bẻ bánh và lời cầu nguyện, hiệp thông trong tình bác ái huynh đệ, và hiệp thông trong sứ vụ loan báo Tin Mừng từ chính Thầy Chí Thánh. Hiệp thông trong cuộc hành trình trần gian, để hiệp thông trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa như gương mẫu của Mẹ Maria, hồn xác về trời.
Một cách cụ thể, giáo phận Long Xuyên thực hiện việc ra đi để loan báo Tin Mừng, tin mừng về sự tín nhiệm, theo gương mẫu của Mẹ Maria trong những màu nhiệm kinh Mân Côi

1- Như mầu nhiệm thứ hai trong năm sự Vui, Mẹ Maria ra đi thăm viếng gia đình bà Isave, các linh mục, các tu sĩ, các chủng sinh, các hội đồng mục vụ giáo xứ, các đoàn thể trong giáo phận, được khích lệ thăm viếng các các cộng đoàn truyền giáo của anh chị em mình đang chịu đựng nắng nội khó nhọc suốt ngày trên cánh đồng truyền giáo ở vùng sâu vùng xa trong giáo phận. Thăm viếng cùng với lời cầu nguyện, những chia sẻ khích lệ, những giúp đỡ vật chất.

2- Như mầu nhiệm thứ hai trong năm sự Sáng, Mẹ Maria ra đi hiện diện tại tiệc cưới Cana, cộng đoàn giáo phận, cá nhân và tập thể, sẽ ra khỏi tính ích kỷ bản thân để phục vụ anh chị em mình, đáp ứng những nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh theo khả năng của mình. Đồng thời, thi hành sự tín nhiệm, chúng ta cũng được mời gọi là cộng tác với những người thành tâm thiện chí thuộc mọi tôn giáo và niềm tin, miễn sao Chúa Kitô trong những người bé nhỏ nhất được phục vụ

3- Như mầu nhiệm thứ Năm trong năm sự Thương, Mẹ Maria ra đi hiện diện dưới chân thập giá Chúa Giêsu, các cộng đoàn giáo xứ giáo họ của giáo phận Long Xuyên sẽ ra đi hiện diện bên cạnh các bệnh nhân, những người già cả, những người hấp hối, và các gia đình có tang chế. Tính cách cộng đoàn và tình liên đới trong trường hợp này, nhất là trong tổ chức đám tang công giáo là cách thế hữu hiệu chúng ta loan báo tin mừng của sự tín nhiệm và hy vọng.

4- Như mầu nhiệm thứ Ba trong năm sự Mừng, Mẹ Maria ra đi hiện diện và xây dựng sự hiệp thông của giáo hội thời sơ khai, mọi thành phần dân Chúa của giáo phận Long Xuyên, sẽ tích cực tham gia hiệp thông đồng trách nhiệm để xây dựng cộng đoàn thành một cộng đoàn thừa sai, quảng đại góp phần mình, tinh thần và vật chất lo cho công cuộc loan báo Tin Mừng của giáo phận.
Giáo phận xin đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, và sống tín nhiệm lẫn nhau, theo gương Mẹ Fatima để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Tin Mừng về sự tín nhiệm.
    
+ Giuse Trần Văn Toản                                                      + Giuse Trần XuânTiếu
Giám Mục Phó                                                           Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên

GIÁO LUẬT: GIÁM MỤC PHÓ

GIÁO LUẬT: GIÁM MỤC PHÓ

Ngày 25/08/2017 vừa qua, Tòa Thánh đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Trần Văn Toản,  Giám mục phụ tá, làm Giám mục phó Giáo phận Long Xuyên.


1- BỔ NHIỆM
1.1 Thủ tục Giáo luật
Điều 377 §3: “Trừ khi luật đã ấn định hợp lệ cách khác, mỗi khi phải bổ nhiệm một Giám mục giáo phận hoặc một Giám mục phó, thì đối với danh tính ba vị được đề nghị lên Tông Toà, Đặc sứ giáo hoàng điều tra từng vị một và thông báo cho Tông Toà biết ý kiến riêng của mình và những ý kiến của Tổng Giám mục và các Giám mục trong giáo tỉnh mà giáo phận ấy trực thuộc hay được sáp nhập vào, cũng như của chủ tịch Hội đồng Giám mục; ngoài ra, Đặc sứ giáo hoàng phải hỏi ý kiến những thành viên của ban tư vấn và của hội kinh sĩ nhà thờ chính toà, và nếu xét thấy thiết thực, phải bàn hỏi riêng rẽ và cách kín đáo với một số thành viên thuộc hàng giáo sĩ dòng và triều, cũng như với những giáo dân có tiếng là khôn ngoan”.

2.1 Giám mục phó với quyền kế vị
Giám mục phó (episcopus coadjutor) là Giám mục được đặt để giúp cho Giám mục giáo phận, với quyền kế vị:
“Nếu xét thấy thuận lợi, Toà Thánh có thể chiếu theo chức vụ đặt một Giám mục phó với những năng quyền đặc biệt; Giám mục phó có quyền kế vị (Điều 403 §3).
“Trong việc điều khiển giáo phận, cần phải lo liệu cho phận sự mục vụ của các Giám mục thế nào để ích lợi cho đoàn chiên Chúa luôn luôn là quy tắc tối cao. Để ích  lợi đó được thể hiện đúng mức, nhiều khi cần phải thiết lập các Giám mục phụ tá, vì Giám mục giáo phận một mình không thể chu toàn mọi chức vụ giám mục như ích lợi các linh hồn đòi hỏi; hoặc do giáo phận quá rộng lớn, nhân số quá đông, hoặc do những hoàn cảnh đặc biệt của hoạt động tông đồ hay vì nhiều lý do khác. Hơn nữa, đôi khi nhu cầu đặc biệt đòi hỏi phải thiết lập Giám mục phó để giúp đỡ Giám mục giáo phận” (Christus Dominus, 25).
Bởi vì Giám mục phó đương nhiên và luôn luôn có quyền kế vị, nên mỗi giáo phận chỉ có thể bổ nhiệm một Giám mục phó mà thôi.

2- NHẬM CHỨC
Bởi vì Đức Cha Giuse Trần Văn Toản đã được tấn phong giám mục rồi (ngày 29/5/2014) nên không có nghi thức tấn phong giám mục mà chỉ còn nhận giáo vụ. Điều 404:
“§l. Giám mục phó nhậm chức khi ngài đích thân hoặc nhờ một người đại diện trình tông thư bổ nhiệm cho Giám mục giáo phận và ban tư vấn, trước sự hiện diện của vị chưởng ấn toà giám mục, và vị này lập biên bản về việc nhậm chức”.
“§3. Trong trường hợp Giám mục giáo phận bị ngăn trở hoàn toàn, Giám mục phó cũng như Giám mục phụ tá chỉ cần trình tông thư bổ nhiệm cho ban tư vấn, trước sự hiện diện của vị chưởng ấn toà giám mục”.
Do quyết định của Bộ Giám mục ngày 31/08/1976, các Giám mục phó sẽ mang danh hiệu của chính giáo phận nơi mình phục vụ. Khi nhậm chức Giám mục phó, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản không còn là Giám mục hiệu tòa Acalisso, mà sẽ mang danh hiệu là Đức Giám mục phó Giáo phận Long Xuyên.
Đối với Đức Giám mục giáo phận, Giáo luật quy định: “Việc nhậm chức theo giáo luật rất được khuyến khích thực hiện trong một nghi thức phụng vụ tại nhà thờ chính toà, trước sự hiện diện của hàng giáo sĩ và giáo dân” (Điều 382 §4). Đối với Giám mục phó và phụ tá, Giáo luật không quy định gì và chắc chắn cũng không phản đối việc các ngài nhậm chức theo giáo luật trong một nghi thức phụng vụ với sự tham gia của cộng đoàn dân Chúa.

3- BỔN PHẬN VÀ QUYỀN LỢI CỦA GIÁM MỤC PHÓ
Điều 405 quy định:
-          Giám Mục phó có những bổn phận và quyền lợi được ấn định trong các điều khoản trong Bộ Giáo luật và được xác định trong văn thư bổ nhiệm (Điều 405 §l).
-          Giám Mục phó giúp đỡ Giám mục giáo phận lãnh đạo toàn giáo phận và thay thế ngài khi ngài vắng mặt hoặc bị ngăn trở (Điều 405 §2).
“Các Giám mục phó và Giám mục phụ tá phải được những đặc  quyền thích hợp sao  cho trong  khi  vẫn  giữ được sự duy  nhất  của  việc điều  khiển  giáo phận và duy trì quyền Giám mục giáo phận, các ngài hành động thêm hữu hiệu hơn và chức phẩm riêng của các Giám mục được bảo toàn hơn” (Christus Dominus, 25).

3.1. Tổng Đại Diện
Giám mục phó phải được Giám mục giáo phận đặt làm Tổng Đại diện (x. Ðiều 406 §1)
“Giám mục phó, là đấng được bổ nhiệm với quyền kế vị, luôn luôn phải được Giám mục giáo phận đặt làm Tổng Đại diện. Trong những trường hợp đặc biệt, ngài còn có thể được Thẩm quyền ban cho những đặc quyền rộng hơn (Christus Dominus, 26).

3.2. Trong việc mục vụ giáo phận
Điều 407 quy định:
- Nhằm cổ vũ lợi ích hiện tại và tương lai của giáo phận một cách tối đa, Giám mục giáo phận, Giám mục phó và Giám mục phụ tá với những năng quyền đặc biệt, phải hội ý với nhau trong những vấn đề quan trọng hơn (x. Điều 407 §1).
- Vì được mời gọi chia sẻ trách nhiệm với Giám mục giáo phận, nên Giám mục phó phải thi hành nhiệm vụ của mình thế nào để có sự hiệp nhất với Giám mục giáo phận trong tinh thần cũng như hành động (x. Điều 407 §3).
“Ngoài ra, vì được mời gọi chia sẻ mối lo lắng của Giám mục giáo phận, các Giám mục phó và Giám  mục phụ tá  phải thi hành nhiệm vụ của mình để hành động được  hiệp  nhất với Giám mục giáo phận trong mọi công việc. Hơn nữa, các ngài phải tỏ lòng tuân phục và kính trọng Giám mục giáo phận. Còn phần Giám mục giáo phận cũng hãy lấy tình huynh đệ mà yêu mến và quý mến các Giám mục phó và Giám mục phụ tá (Christus Dominus, 25).

3.3. Nghi lễ đại triều và các nghi lễ khác
Mỗi khi được Giám mục giáo phận yêu cầu và nếu không bị ngăn trở chính đáng, Giám mục phó buộc phải cử hành các nghi lễ đại triều và các nghi lễ khác thuộc bổn phận của Giám mục giáo phận (x. Điều 408 §1).
Giám mục giáo phận không được thường xuyên ủy thác cho người khác những quyền lợi và những nhiệm vụ thuộc về Giám mục mà Giám mục phó (hoặc Giám mục phụ tá) có thể thi hành (x. Điều 408 §2).

3.4. Quyền kế vị
Khi Toà giám mục khuyết vị[1], Giám mục phó đương nhiên và tức khắc trở thành Giám mục của giáo phận vì đó mà ngài đã được đặt lên, không cần thủ tục nào cả, miễn là ngài đã nhậm chức hợp lệ (Điều 409 §1).

3.5. Cư sở
Giám mục phó buộc phải cư trú trong giáo phận, và chỉ được rời giáo phận trong thời gian ngắn, trừ khi phải thi hành một nhiệm vụ ngoài giáo phận hoặc khi đi nghỉ, nhưng kỳ nghỉ không được quá một tháng (x. Điều 410).

3.6. Một số bổn phận và quyền lợi khác của Giám mục phó
- Tham dự Công đồng chung và địa phương (Điều 339 §1 và 443 §1, 20).
- Thành viên đương nhiên của Hội đồng Giám mục (Điều 450 §1).
- Đương nhiên có quyền biểu quyết trong các phiên họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục (Điều 454 §1).
- Thành viên công nghị giáo phận (Điều 463 §1, 10).
- Thành viên của ban tư vấn (Điều 473 §4).
- Khi Tòa Giám mục bị cản trở (sede impedita), nếu Tòa Thánh không dự liệu cách khác, việc lãnh đạo giáo phận thuộc quyền Giám mục phó (Điều 413 §1).
- Có quyền giảng Lời Chúa khắp mọi nơi, kể cả trong các nhà thờ và nhà nguyện của các hội dòng thuộc luật giáo hoàng, trừ khi Giám mục địa phương đã minh nhiên cấm giảng trong những trường hợp đặc biệt (Điều 763).
- Thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức (Điều 882).
- Năng quyền giải tội ở khắp nơi trên thế giới, trừ khi Giám mục giáo phận từ chối điều đó trong một trường hợp đặc biệt (Điều 967 §1).
- Thừa tác viên của bí tích Truyền Chức Thánh (Điều 1012).
- Thừa tác viên cử hành việc thánh hiến và cung hiến ((Điều 1169 §1 và 1206).
- Thừa tác viên ban phép lành dành riêng cho các Giám mục (Điều 1169 §2).
- Có quyền thiết lập cho mình một nhà nguyện tư và lưu giữ Thánh Thể tại nhà nguyện tư của Giám mục (Điều 1227; Điều 934 §1, 20).
- Có quyền tha hình phạt tiền kết do luật thiết lập nhưng chưa được tuyên bố ở tòa ngoài, và nếu Tông Tòa không dành riêng việc giải cho mình, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải Tội (Điều 1355 §2).
- Giám mục được dành riêng cho Đức Giáo Hoàng quyền xét xử trong những vụ án hình sự (Điều 1405 §1, 30).
- Giám mục được dành riêng cho Tòa Thượng Thẩm Roma quyền xét xử trong những vụ án hộ sự (Điều 1405 §3,10).
- Người nào dùng vũ lực thể lý chống lại một người có chức giám mục, thì bị vạ cấm chế tiền kết; nếu người ấy là giáo sĩ, thì còn bị vạ huyền chức tiền kết nữa (Điều 1370 §2).

Lm LG Huỳnh Phước Lâm




[1] Toà giám mục khuyết vị khi Giám Mục giáo phận qua đời, khi sự từ nhiệm của ngài được Đức Giáo Hoàng chấp thuận, khi ngài được thuyên chuyển và khi lệnh bãi nhiệm được thông báo cho ngài ( Điều 416).

Đức Thánh Cha ca ngợi tấm gương can đảm của Chân Phước Rother

Đức Thánh Cha ca ngợi tấm gương can đảm của Chân Phước Rother

Đức Thánh Cha ca ngợi tấm gương can đảm của Chân Phước Rother - AP
25/09/2017 12:32
VATICAN. ĐTC ca ngợi tấm gương can đảm của Chân phước LM Stanley Francis Rother tử đạo người Mỹ, được tôn phong chân phước sáng ngày 23-9-2017 tại thành phố Oklahoma, Hoa Kỳ.
 Ngỏ lời với các tín hữu vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 24-9-2017 tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nói:
 ”Hôm qua, 23-9, tại thành phố Oklahoma, Hoa kỳ, đã có lễ phong chân phước cho Cha Stanley Francis Rother, LM thừa sai, bị giết vì sự oán ghét đức tin, cha hoạt động loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, bênh vực những người nghèo nhất tại Guatemala. Ước gì tấm gương anh dũng của cha giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm của Tin Mừng, dấn thân bênh vực phẩm giá con người”.
 Cha Stanley Rother đến truyền giáo tại Guatemala năm 1968, phục vụ các thổ dân bản xứ ở Santiago Atillan, dịch Kinh Thánh ra thổ ngữ Tzutuhil của thổ dân Maya, thiết lập một đài phát thanh Công Giáo đầu tiên, và một nhà thương nhỏ, dấn thân để các trẻ em thổ dân được giáo dục tốt đẹp hơn.
 Ngày 28-7 năm 1981, ít lâu trước khi làn sóng bạo lực chống các thổ dân bùng nổ, cha Stanley Rother bị các dân quân cực hữu bắn vào đầu, lúc ấy cha mới được 46 tuổi đời.
 Lễ phong chân phước cho cha Stanley được ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh chủ sự, trước sự hiện diện của 50 GM, 200 LM, 200 phó tế và 20 ngàn tín hữu ngồi đầy trung tâm Hội nghị Cox ở Oklahoma City. Đây là lễ phong thánh tử đạo đầu tiên tại Hoa Kỳ.
 Trong bài giảng thánh lễ, ĐHY Amato nhận định rằng: ”Tuy cái chết của chân phước Stanley Rother làm cho chúng ta đau buồn, nhưng cũng mang làm cho chúng ta vui mừng được ngưỡng mộ lòng từ nhân, quảng đại và can đảm của Cha như một vĩ nhân trong đức tin.. Tại Guatemala Cha luôn được nhớ đến như một hình ảnh vinh hiển cuộc tử đạo của Chúa Kitô, một ngọn đuốc sáng chân thực về hy vọng Giáo Hội và thế giới”.
 ĐHY Amato cũng đề cao tấm gương tha thứ của vị chân phước và nói rằng: ”Được huấn luyện trong trường của Tin Mừng, Cha Stanley coi những kẻ thù như những con người. Cha không oán ghét, nhưng yêu thương. Cha không phá hủy, nhưng xây dựng. Đó là lời mời gọi của Chân Phước Stanley Francis Rother được kéo dài cho chúng ta ngày hôm nay, trở thành những chứng nhân và thừa sai của Tin Mừng. Xã hội ngày nay đang cần những người gieo vãi sự tốt lành” (CNS 24-9-2017)
 G. Trần Đức Anh OP