label

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ (1.11.2017 – Thứ tư: CÁC THÁNH NAM NỮ)

NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ (1.11.2017 – Thứ tư: CÁC THÁNH NAM NỮ)
Lời Chúa: Mt 5, 1-12a
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng, Người lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Suy nim:

Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh,
hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng.
Các thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong,
mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời.
Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt:
giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp,
hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình...
Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna.
Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein.
Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia.
Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ.
Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh,
vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai.
Các mối phúc là con đường nên thánh.
Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi.
Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành,
nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa,
có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài.
Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta
có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác,
có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành,
có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội,
nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người.
Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại.
Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc.
Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này
trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời.
Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu
dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt.
Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh.
“Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời.”
Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện.
Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài.
Nên thánh là đáp trả lời mời đó.
Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì.
Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống,
là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình
để sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân.
Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa
và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại.
Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao,
là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình,
dắt mình vào thế giới riêng tư của Chúa.
Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và về anh em,
là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình.
Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng.
với sa ngã của quá khứ và mỏng giòn của hiện tại,
với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối.
Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi.
Ước gì đời tôi vén mở một nét nào đó của Chúa.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Chân phước Charles de Foucauld)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT (29.10.2017 – Chúa nhật 30 Thường niên, Năm A)


ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
Lời Chúa: Mt 22, 34-40
Khi nghe tin Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Ðức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn trọng nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.”
Suy nim:
Theo truyền thống hội đường Do thái, Luật gồm 613 điều răn.
365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.
Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu:
“Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?” (c. 36).
Đức Giêsu đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema,
kinh mà người Do thái phải đọc mỗi ngày.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Tl 6, 5).
Và Ngài còn thêm một điều răn thứ hai nữa (c. 39).
“Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18).
Tất cả Luật Môsê nằm trong hai điều răn đó.
Hai điều răn được gói trong một động từ yêu.
Mọi điều cấm làm và mọi điều buộc làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu.
Các bạn trẻ thường nghĩ yêu là chuyện dễ.
Nhưng yêu với tất cả trái tim, tất cả linh hồn, tất cả trí khôn, tất cả sức lực,
nghĩa là yêu với trọn cả con người mình, thì điều đó không dễ.
Đối với người Do thái, trái tim là nơi phát sinh toàn bộ đời sống tinh thần.
Yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả trái tim của mình
là để cho Ngài chi phối mọi tư tưởng, mọi ý muốn, mọi tình cảm.
Tất cả đều nhằm làm cho Ngài được mọi người nhận biết và tôn vinh.
Yêu người thân cận như chính mình cũng là điều rất khó.
Có bao người làm chúng ta đau khổ và bị xúc phạm.
Yêu thương và tôn trọng họ đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ.
Nhưng chúng ta cũng dễ coi mình là trung tâm và qui tất cả về mình.
Chúng ta lạnh lùng trước nỗi đau, thiếu sẻ chia và độc đoán,
đôi khi dùng tha nhân như phương tiện lót đường để ta tiến thân.
Nói chung, dù yêu Chúa hay yêu người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình,
trao đi chính mình và chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu đòi hỏi.
Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến.
Và Ngài đã hoàn thiện Luật này bằng cách đẩy yêu mến đến cùng.
Kitô hữu chẳng những yêu mến Thiên Chúa với trọn con người mình,
mà còn được mời yêu mến Đức Giêsu trên mọi thụ tạo khác,
trên mọi của cải, trên những người ruột thịt, và trên cả mạng sống.
Kitô hữu là người mang mối tình sâu đậm với Đức Giêsu,
“Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20),
đến nỗi họ có thể tuyên xưng như Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.”
Đức Giêsu cũng không chỉ đòi yêu tha nhân như chính mình.
Ngài còn đòi ta phải yêu như Ngài đã yêu (Ga 13, 34-35).
Một tình yêu tha thứ đến vô cùng, một tình yêu đối với cả kẻ thù,
một tình yêu phục vụ như người tôi tớ, một tình yêu dám hiến mạng.
Kitô hữu tự bản chất là người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu.
Tình yêu đích thực với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em.
Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.
Chỉ mong đời tôi đong đưa giữa hai tình yêu đó, để chúng nên một tình yêu.
Cầu nguyn:

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Anh Giáo tuyên bố chấp nhận Tuyên Ngôn về Công Chính Hóa cuả Công Giáo và Tin Lành Luther

Anh Giáo tuyên bố chấp nhận Tuyên Ngôn về Công Chính Hóa cuả Công Giáo và Tin Lành Luther


Một nghị quyết của Hội đồng tư vấn Anh giáo đã đồng ý chấp nhận Tuyên Ngôn về Công Chính Hóa cuả Công Giáo và Tin Lành Luther. Việc chấp nhận này sẽ diễn ra một cách chính thức trong một buổi cầu nguyện tại tu viện Westminster vào ngày thứ Ba 31 tháng 10. Đó là ngày Giáo Hội Anh Giáo kỷ niệm 500 năm việc Martin Luther đóng đinh 95 luận văn chống Giáo Hội Công Giáo trước cửa nhà thờ Các Thánh tại Schlosskirche thuộc xứ Wittenberg, bên Đức.

Hành động của Luther đã mở đầu cho phong trào Cải Cách, dẫn đến những hành động đẫm máu và bạo lực chống lại người Công Giáo, hình thành nên Tin Lành Luther và sau đó là cơ man các hệ phái Kitô khác.

Những cuộc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Tin Lành Luther đã bắt đầu từ năm 1967, nghĩa là liền sau khi bế mạc công đồng Vaticanô II. Sau những đối thoại đại kết không mệt mỏi giữa Hội đồng Giáo hoàng Hiệp Nhất Kitô Giáo và Liên đoàn Thế giới Luther, một Tuyên bố chung về Công Chính Hóa đã được đưa ra vào năm 1999. Thỏa thuận này mở đường cho một mối quan hệ gần gũi hơn giữa người Công Giáo và người Tin Lành Luther, mà đỉnh cao là sự tham gia của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi cầu nguyện chung tại Malmo, Thụy Điển, năm ngoái khi Tin Lành Luther bắt đầu những hoạt động đánh dấu 500 năm cuộc cải cách Tin Lành.

Bản Tuyên Ngôn được ký kết giữa Giáo Hội Công Giáo với Liên đoàn Luther thế giới. Liên đoàn này không thay mặt cho toàn thể các Giáo hội Tin Lành phát sinh từ phong trào Cải cách vì thế nhiều hệ phái Tin Lành vẫn chưa chấp nhận Tuyên Ngôn này. Sau 18 năm kể từ Tuyên Ngôn được công bố, Anh Giáo mới chính thức chấp nhận.

Đặng Tự Do (VCN)

THÁNH LỄ AN TÁNG CHA GIOAN HỒ NGỌC TRỨ

THÁNH LỄ AN TÁNG CHA GIOAN HỒ NGỌC TRỨ

Sáng nay ngày 26/10/2017, Giáo dân giáo xứ Nhơn Mỹ đã quy tụ về ngôi nhà thờ nhỏ bé Nhơn Mỹ để tham dự thánh lễ An táng và tiễn đưa người cha thân yêu Gioan Hồ Ngọc Trứ đến nơi an nghỉ cuối cùng.


Đức cha Phó Giuse Trần Văn Toản đã đến chủ sự thánh lễ  An táng cho cha cố. Cùng hiệp dâng thánh lễ đồng tế với Đức cha có hơn 130 linh mục trong và ngoài giáo phận. Tham dự thánh lễ còn có rất đông quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân thuộc các giáo xứ lân cận mà khi sinh thời, cha Cố Gioan đã từng phục vụ. Ngôi nhà thờ bé nhỏ chỉ đủ chỗ cho quý cha, quý tu sĩ nam nữ và thân nhân. Số giáo dân đi tham dự thánh lễ phần đông chỉ ngồi ở ngoài.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha Phó Giuse đã thay mặt cho Đức cha chánh Giuse cám ơn cha Cố Gioan vì đã cống hiến hết sức mình để phục vụ cho Giáo phận Long Xuyên trong hành trình 38 năm linh mục. Trong bài chia sẻ Lời Chúa, Đức cha đã nêu bật lên điểm son trong cuộc đời của cha cố: đó là một con người rất dung dị; dụng dị trong cách ăn mặc, cách sống và cách giao tiếp với anh em linh mục cũng như anh chị em giáo dân. Cha Gioan được ví như tông đồ Gioan (vị bổn mạng mà cha đã chọn), người được Chúa Giêsu yêu mến cách đặc biệt. Và Đức cha tin tưởng rằng: với tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa đã dành cho cha cố, ngay bây giờ cha cố đã được Thiên Chúa cho tựa đầu vào trái tim của Ngài.

Chúng ta cùng chia sẻ nỗi đau thương với giáo xứ Nhơn Mỹ khi đột ngột mất đi vị chủ chăn hiền lành, và tiếp tục cầu nguyện cho cha Cố Gioan sớm được Chúa ân thưởng Nước trời.



















Thống kê Vatican: Mười quốc gia có nhiều người Công giáo nhất

Thống kê Vatican: Mười quốc gia có nhiều người Công giáo nhất


Mười quốc gia có nhiều người Công giáo chiếm hơn một nửa số người Công giáo trên thế giới.
Theo những con số của Vatican, đó là:

Ba Tây( Brazil) (172,2 triệu),

Mễ Tây Cơ(Mexico) (110,9), 

Phi Luật Tân (83,6),

Hoa Kỳ (72,3),

Ý (58,0), Pháp (48,3),

Pháp (48,3),

Colombia (45,3),

Tây Ban Nha (43,3),

Cộng hòa Dân chủ Congo (43,2) và

Á Căn Đình (Argentina) (40,8).

Theo số liệu toàn cầu, số người Công giáo trên toàn thế giới tăng từ 1.272 triệu năm 2014 lên 1.285 triệu vào năm 2015. Trong số 100 người được rửa tội, 49 người đến từ Hoa Kỳ, 22.2 từ Âu châu, 17.3 từ Phi châu, 11 người từ Á châu và 0.8 người từ Đại Dương châu.

Được xem là những lục địa, 63,7 phần trăm người Hoa Kỳ là người Công giáo, 39,9 phần trăm người Âu châu, 19,4 phần trăm người Phi châu, 26,4 phần trăm người Đại dương châu, và 3,2 phần trăm người Á châu.

Để phục vụ giáo dân, có 5.304 giám mục, 415.656 linh mục, 670.320 nữ tu và 45.255 phó tế vĩnh viễn. Những con số nhức nhối nhất là số nữ tu đã bị giảm sút, chỉ trong 5 năm qua từ 721.935 xuống còn 670.320.

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn


Đức Thánh Cha trò chuyện với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế

Đức Thánh Cha trò chuyện với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế

Đức Thánh Cha trong buổi nối mạng trò chuyện với các phi hành gia - ANSA
27/10/2017 13:47
“Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Đó là những lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phi hành gia của trạm không gian quốc tế vào chiều ngày 26/10 vừa qua.
Vào lúc 3 giờ chiều Roma ngày 26/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 25 phút với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế đang ở trên quĩ đạo. Đức Thánh Cha đã đặt một số câu hỏi cho 6 thành viên của phi đội.
Đức Thánh Cha chào phi hành đoàn và tiến sĩ phi hành gia người Ý Paolo Nespoli. Ngài cám ơn các phi hành gia và tất cả những người đã sắp xếp buổi kết nối hôm nay, đã cho ngài cơ hội “găpcác phi hành gia” và hỏi họ vài điều.
- Câu hỏi đầu tiên của Đức Thánh Cha là: Thiên văn học giúp chúng ta chiêm ngắm những chân trời vô hạn của vũ trụ và gợi lên trong lòng chúng ta những câu hỏi: chúng ta đến từ đâu? Tôi muốn hỏi tiến sĩ Nespoli: dưới ánh sáng những kinh nghiệm ở trong không gian của tiến sĩ, ông nghĩ gì về chỗ của con người trong vũ trụ?
Tiến sĩ Nespoli trả lời: thưa Đức Thánh Cha, đây là một câu hỏi phức tạp. Con nghĩ mình là một kỹ thuật viên, một kỹ sư, con ở giữa các máy móc, với các kinh nghiệm; nhưng khi nói về những điều như “chúng ta đến từ đâu”.. con bị bối rối. Đây là vấn đề khó nói. Con nghĩ là mục đích của chúng con là nhận biết sự hiện hữu của chúng con, để làm đầy sự hiểu biết, hiểu những điều xung quanh chúng ta…Con thích có những người như ngài, không chỉ là các kỹ sư và vật lý gia, nhưng là các thần học gia, triết gia, văn sĩ, thi sĩ có thể đến đây với chúng tôi để khám phá việc một người ở trong không gian có nghĩa gì.
- Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc lại câu nổi tiếng mà thi sĩ Dante đã kết thúc tác phẩm “Hài kịch thần linh”, “tình yêu di chuyển mặt trời và các vì sao khác”. Ngài hỏi các phi hành gia, khi nói tình yêu là sức mạnh di chuyển vũ trụ, điều này có nghĩa gì với họ. Trả lời câu hỏi này của Đức Thánh Cha, phi hành gia người Nga Alexander Misurkin đề cập đến cuốn sách “Hoàng tử nhỏ” của Antoine de Saint-Exupéry, kể về một cậu bé đã sẵn sàng hy sinh sự sống để cứu các cây cối và thú vật trên trái đất và ông nói: một cách căn bản, tình yêu là sức mạnh đem lại cho bạn khả năng trao bạn sự sống của bạn vì một ai đó.
- Câu hỏi thứ ba của Đức Thánh Cha, như ngài nói, là một sự hiếu kỳ. Ngài hỏi: “Điều gì đã thúc đẩy anh em trở thành các phi hành gia? Phi hành gia người Nga Sergei Ryazanskiy cho biết chọn lựa trở thành phi hành gia của ông có liên quan đến ông của mình, một trong những người tiên phong trong ngành không gian và là kỹ sư của phi thuyền không gian Sputnik 1. Sergei muốn theo bước ông của mình vì không gian rất xinh đẹp và lý thú và cũng rất quan trọng đối với con người. Phi hành gia Randy Bresnik người Mỹ nhấn mạnh đến cơ hội có thể nhìn Trái đất “một tí” với đôi mắt của Chúa” và nhìn vẻ đẹp không thể tin nỗi của hành tinh này. Ông cho biết thêm, với vận tốc của quỹ đạo là 10 km/ giây, các phi hành gia nhìn Trái đất với đôi mắt khác: chúng tôi nhìn thấy một Trái đất không có biên giới, nơi mà bầu khí quyển vô cùng mỏng manh, và quan sát Trái đất lúc này chúng tôi nghĩ về con người, nghĩ đến việc chúng ta cùng nhau làm việc thế nào cho một tương lai tốt hơn.
- Câu hỏi thứ 4 của Đức Thánh Cha dựa trên một quan sát: hành trình trong không gian thay đổi nhiều điều, ví dụ như ý niệm “trên” và “dưới”. Có điều gì khi đang sống trong trạm không gian làm anh em ngạc nhiên? Ngược lại, có điều gì đánh động anh em bởi vì nó được xác định ở đó, trong một bối cảnh khác như thế? Phi hành gia người Mỹ Mark T. Vande Hei trả lời: “Điều làm tôi ngạc nhiên là sự kiện “trong không gian bạn thấy các sự vật hoàn toàn khác, dường như là những điều không thể nhận ra được. Ông nói thêm: để hiểu tôi ở đâu, tôi phải quyết định đâu là trên và đâu là dưới và thiết lập mô hình thu nhỏ của tôi.
- Câu hỏi cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: xã hội của chúng ta rất là cá nhân và ngược lại cuộc sống của chúng ta rất cần sự cộng tác với nhau. Các anh có thể nêu vài ví dụ có ý nghĩa về sự cộng tác của anh em trên trạm không gian không? Phi hành gia Joseph Acaba người Mỹ nói rằng “trạm không gian là một ví dụ của sự cộng tác quốc tế”. Có những người Mỹ, người Nga, Nhật, Canada, 9 nước châu Âu … Một điều quan trọng và lý thú là mỗi người có sự khác nhau và tất cả sự khác nhau này được đặt chung làm thành một tổng hợp rất lớn, hơn một người duy nhất. Với nhau, chúng tôi có thể làm nhiều điều tốt hơn nếu chúng tôi chỉ làm một mình.
Sau câu trả lời, Đức Thánh Cha nhận xét: “Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Đây là mẫu gương của anh em đối với chúng tôi.
Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha đã chào và cám ơn các phi hành gia. Ngài nói: “Chúng tôi nhìn nhận anh em như những đại diện của cả gia đình nhân loại trong chương trình nghiên cứu vĩ đaị ở trạm không gian.
Tiến sĩ Nespoli cũng cám ơn Đức Thánh Cha đã đánh giá cao các phi hành gia, đã đưa họ ra khỏi khung cảnh máy móc hàng ngày và đã giúp họ nghĩ đến những điều lớn hơn. (REI 26/10/2017)
Hồng Thủy