label

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Đức Thánh Cha gặp các vị lãnh đạo Phật Giáo Myanmar

Đức Thánh Cha gặp các vị lãnh đạo Phật Giáo Myanmar

Đức Thánh Cha gặp các vị lãnh đạo Phật Giáo Myanmar - EPA
29/11/2017 12:29
YANGOON. Trong cuộc gặp gỡ Hội đồng tối cao của Phật giáo Myanmar ngày 29-11-2017, ĐTC cổ vũ sự cộng tác xây dựng hòa bình.
Chiều ngày thứ tư vừa qua (29-11), ĐTC đã đến trung tâm Kaba Aye, cách tòa TGM Yangoon gần 10 cây số để gặp gỡ các vị lãnh đạo Phật Giáo Miến.
Kaba Aye có nghĩa là ”Chùa Hòa Bình thế giới”, một trong những chùa Phật Giáo được tôn kính nhất tại miền Đông nam Á và được thiết lập dưới thời thủ tướng U Nu của Miến hồi năm 1952 để tiếp đón Đại hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ 6, diễn ra tại đây từ năm 1954 đến 1956. Chùa cao 36 mét, với chu vi ở dưới bệ là 34 mét, có mái vòm bằng vàng được 6 cột trụ chống đỡ, tượng trưng cho 6 Đại Hội kết tập kinh điển trong lịch sử Phật Giáo. Bên trong và bên ngoài Chùa có rất nhiều tượng Phật.
Trung Tâm Kaba Aye cũng có Hội trường Maha Pasana Guha, nghĩa đen là động lớn, nơi diễn ra các khóa họp của Đại Hội kết tập kinh điển thứ 6, một thứ ”Công đồng chung” của Phật Giáo, để xác định kinh điển và giáo pháp. Các phòng họp dài 67 mét rộng 34 mét, được xây trong một cái động, nhắc nhớ sự kiện Đại Hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần đầu tiên diễn ra trong một cái động ở Ấn Độ sau khi Đức Phật nhập niết bàn cách đây khoảng 2.500 năm. Tại khu vực chùa này cũng có một số bảo tàng viện nghệ thuật Phật giáo, Trung tâm học vấn Phật Giáo và một hồ cá mèo lớn, các tín đồ mang thực phẩm cho cá ăn như một dấu chỉ tôn kính.
ĐTC đến trung tâm Kaba Aye để ban lãnh đạo Ủy ban nhà nước Tăng Đoàn Maha Nayaka, là Ủy ban trung ương gồm 47 tăng sĩ Phật giáo cấp cao, do Bộ tôn giáo vụ Myanmar bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, và cứ ba năm thì thay đổi một phần 3 các thành viên. Ủy ban này được thành lập năm 1980 để điều hành các tăng ni ở Myanmar, và có nhiệm vụ kiểm chứng sự tuân giữ của các tăng ni đối với các giới pháp của Phật Giáo, đồng thời loại trừ sự can dự của tăng đoàn vào thế sự.
Khi đến Trung tâm Kaba Aye, ĐTC đã được Bộ trưởng Tôn giáo vụ và văn hóa, Ông Thura U Aung Ko, đón tiếp và hướng dẫn vào bên trong để gặp gỡ Hội đồng Tối Cao Tăng Đoàn Phật Giáo, đứng đầu là Hòa Thượng Tăng thống Bhaddanta Kumarabhivamsa.
Phát biểu của Hòa Thượng Tăng Thống
Trong lời chào mừng, Hòa Thượng Bhaddanta đã giới thiệu Phật giáo tại Myanmar: trong số 51 triệu dân tại đây có hơn 87% là tín đồ Phật giáo, hơn nửa triệu tăng sĩ và sa di. Hơn 1.200 đại biểu của Tăng đoàn được bầu cho các vùng liên hệ, trong số này có 300 đại biểu thuộc ủy ban trung ương Nhà Nước. Các vị này lại bầu 47 tăng sĩ vào Hội đồng tối cao của Phật giáo Myanmar,
Hòa thượng cũng bày tỏ xác tín tất cả các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau đều đi cùng một con đường mang lại thiện ích cho nhân loại, và có thể mang lại hòa bình và thịnh vượng. Trong thế giới chúng ta ngày nay, thật là đáng tiếc khi thấy nạn khủng bố và cực đoan hoành hành nhân danh tín ngưỡng tôn giáo. Chúng tôi xác tín rằng các trào lưu này xuất phát từ sự giải thích sai trái giáo huấn nguyên thủy của tôn giáo liên hệ. Vì thế, các vị lãnh đạo tôn giáo chúng ta có trách nhiệm dạy cho các tín đồ giáo huấn chân thực của tôn giáo, và không để cho mình bị thống trị vì 4 chướng ngại cản trở sự tư duy ngay chính.
Hòa thượng cũng nói rằng ”Tất cả chúng ta phải tố giác bất kỳ những diễn văn kích động oán thù, tuyên truyền gian dối, xung đột và chiến tranh viện cớ tôn giáo, và quyết liệt lên án những kẻ hỗ trợ các hoạt động đó. Chúng ta cần quyết tâm xây dựng một xã hội nhân loại hòa hợp, theo giáo huấn tôn giáo của mình.. cần kiến tạo sự cảm thông, tôn trọng và tín nhiệm đối với nhau, để đạt tới một xã hội nhân loại an bình, và thịnh vượng. Chúng ta cần dè dặt và tránh xen mình vào những công việc của các tôn giáo khác, và cộng tác để kiến tạo những nhịp cầu hòa bình trên thế giới. Tất cả mọi con đường và truyền thống tôn giáo đều có giá trị như nhau.. Trách nhiệm của chúng ta trong mọi trường hợp là công khai chống lại việc lạm dụng tôn giáo”.
Diễn văn của ĐTC
Tiếp lời Hòa Thượng Tăng Thống Bhaddanta, Chủ tịch Ủy ban Tăng Đoàn của Nhà Nước Miến, ngài nói:
”Cuộc gặp gỡ của chúng ta là một cơ hội quan trọng để canh tân và củng cố các mối dây thân hữu và tôn trọng giữa các tín hữu Phật giáo và Công Giáo. Đây cũng là cơ hội để khẳng định sự dấn thân của chúng ta cho hòa bình, tôn trọng phẩm giá con ngừơi và công lý cho mọi người nam nữ. Không những tại Myanmar này nhưng trên toàn thế giới, dân chúng đang cần chứng tá chung này từ phía các vị lãnh đạo tôn giáo. Vì nếu chúng ta có cùng một tiếng nói, khẳng định các giá trị ngàn đời công lý, hòa bình và phẩm giá căn bản của mỗi người, chúng ta cống hiến một lời hy vọng, chúng ta hãy giúp các Phật tử, các tín hữu Công Giáo và mọi người chiến đấu cho sự hòa hợp bao quát hơn trong các cộng đoàn liên hệ.
ĐTC nhận xét rằng: ”Thách đố lớn ngày nay là làm sao giúp con người cởi mở đối với siêu việt, có khả năng nhìn bản thân trong chiều sâu và nhận thực chính mình để có thể nhận ra những tương quan hỗ tương với tha nhân, ý thức mình không thể cô lập với ngừơi khác. Nếu chúng ta được kêu gọi liên kết với nhau, thì chúng ta phải vượt thắng tất cả mọi hình thức hiểu lầm, bất bao dung, thành kiến và oán ghét. Nhưng chúng ta có thể làm điều đó như thế nào? Những lời của Đức Phật trong kinh Pháp Cú cống hiến cho chúng ta một chỉ dẫn: ”Lấy không giận thắng giận, lấy thiện thắng không thiện, lấy quảng đại thắng hà tiện, lấy chân thật thắng gian dối” (Dhammapada, XVIII, 223).
Những tâm tình tương tự được kinh nguyện của thánh Phanxicô Assisi diễn tả: ”Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục (..), để con đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.
Ước gì sự khôn ngoan, trí huệ (sapienza) này tiếp tục soi sáng mọi nỗ lực thăng tiến kiên nhẫn và cảm thông, chữa lành các vết thương do những xung đột, qua bao năm đã chia rẽ dân chúng thuộc các nền văn hóa, chủng tộc và xác tín tôn giáo. Những cố gắng đó không bao giờ là đặc quyền quyền các vị lãnh đạo tôn giáo, và cũng chẳng thuộc thẩm quyền của Nhà Nước. Đúng hơn, đó là nghĩa vụ của toàn thể xã hội. Tất cả những người hiện diện giữa lòng cộng đoàn đều phải tham gia công cuộc khắc phục xung đột và bất công. Nhưng trách nhiệm đặc biệt là của các vị lãnh đạo dân sự và tôn giáo, làm sao để mỗi tiếng nói được lắng nghe, để những thách đố và nhu cầu của lúc này có thể được hiểu rõ ràng và đối chiếu với nhau trong một tinh thần không thiên tư và liên đới với nhau.
Trước Hội đồng tối cao của Phật giáo Miến, ĐTC cũng cổ vũ sự cộng tác của các vị lãnh đạo tôn giáo với nhau và nói rằng:
”Để những cố gắng đó mang lại những thành quả lâu bền, cần phải có sự cộng tác nhiều hơn giữa các vị lãnh đạo tôn giáo. Về điểm này, tôi mong ước quí vị biết rằng Giáo Hội Công Giáo là người đối tác sẵn sàng. Những cơ hội gặp gỡ và đối thoại giữa các vị lãnh đạo tôn giáo là một nhân tố quan trọng trong việc thăng tiến công lý và hòa bình ở Myanmar. Tôi được biết hồi tháng 4 năm nay, HĐGM Công Giáo Myanmar đã tổ chức một cuộc gặp gỡ hai ngày về hòa bình, với sự tham dự của các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo khác nhau, cùng với các vị đại sứ và đại diện các tổ chức phi chính phủ. Những cuộc gặp gỡ ấy không thể thiếu được, nếu chúng ta được kêu gọi đào sâu những tương quan giữa chúng ta và vận mệnh chung. Công lý chân chính và hòa bình lâu dài chỉ có thể đạt được nếu chúng được bảo đảm cho tất cả mọi người.”
ĐTC kết luận với lời cầu mong các Phật tử và tín hữu Công Giáo có thể cùng nhau tiến bước theo con đường chữa lành, làm việc sát cánh với nhau cho thiện ích của mỗi người dân tại nước này”.
Trước khi giã từ, ĐTC đã tặng cho Hội đồng lãnh đạo tối cao của Phật giáo Myanmar pho tượng Con chim Bồ câu hòa bình màu trắng bằng hợp chất magnesio rất nhẹ. Chim Bồ câu cũng diễn tả tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. Hòa Thượng Tăng Thống đã tặng cho ngài bức tranh có hình Chùa Kaba Aye.
G. Trần Đức Anh OP

    150 ngàn tín hữu Myanmar tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha

    150 ngàn tín hữu Myanmar tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha

    150 ngàn tín hữu Myanmar tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha
    29/11/2017 12:25
    YANGOON. Sáng ngày 29-11-2017, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Yangoon, cố đô của Myanmar, trước sự tham dự của 150 ngàn tín hữu. Đây là thánh lễ đông đảo tín hữu nhất trong lịch sử Giáo Hội tại Myanmar.
    Lúc gần 7 giờ rưỡi sáng, ĐTC rời tòa TGM để tới sân vận động Kyaikksan, cách đó 6 cây số để cử hành thánh lễ cộng đồng đầu tiên trên đất Myanmar. Sân thể thao này rộng 60 hécta ở trung tâm thành phố, tại đây có tới 30 bộ môn thể thao được thực hành, từ bóng đá, tới bóng rổ, bóng chuyền, đua xe đạp, bắn tên và cả các bộ môn võ thuật. Sân Kyaikkasan được thành lập hồi đầu thế kỷ 20, dưới thời người Anh đô hộ đất nước này và được dùng làm trường đua ngựa.
    Đến sân vận động vào lúc gần 8 giờ, ĐTC đã đi xe mui trần chào thăm các tín hữu dự lễ. Thánh lễ được cử hành sớm hơn nửa tiếng so với chương trình dự định ban đầu, để tránh trời nóng. Số người tham dự chiếm tới gần hơn phần 4 tổng số tín hữu Công Giáo tại Myanmar. Nhiều người đi từ các bang xa xăm ở miền bắc, đông bắc và tây bắc về đây bằng mọi phương tiện có thể, kể cả đi bộ. Đặc biệt trong số các tín hữu dự lễ cũng có 50 LM và 1 ngàn giáo dân đến từ Việt Nam.
    Thánh lễ được cử hành bằng tiếng la tinh, Anh và Miến. Đồng tế với ĐTC có hơn 30 HY và GM trong phẩm phục màu xanh lá cây của mùa thường niên, hàng trăm linh mục và đông đảo các phó tế.
    Bài giảng của ĐTC
    Trong bài giảng thánh lễ bằng tiếng Ý, và được dịch ra tiếng Miến, ĐTC đề cao sức mạnh chữa lành của sự khôn ngoan thần linh từ thập giá Chúa Kitô, và mời gọi các tín hữu vượt thắng cám dỗ báo thù vì những bất công phải chịu. Ngài cũng ca ngợi sức sinh động và lòng nhiệt thành, cũng như các hoạt động bác ái của Giáo hội tại Myanmar. ĐTC nói:
    ”Trước khi đến nước này, tôi đã chờ đợi từ lâu giờ phút này. Nhiều người trong anh chị em đến từ xa, và từ những vùng núi xa xăm, và cũng có một số người đi bộ. Tôi đến đây như như một người lữ hành để nghe và học hỏi nơi anh chị em, và để cống hiến anh chị em vài lời hy vọng và an ủi.”
    Tiếp đến ĐTC đã diễn giải ý nghĩa 2 bài đọc thánh lễ: bài thứ I trích từ sách Daniel cho thấy sự khôn ngoan hạn hẹp của vua Baldassar và các thày bói của ông. Họ biết ca ngợi ”các thần tượng bằng vàng bạc, bằng đồng, bằng sắt và gỗ đá” (Dnl 5,4), nhưng lại không có sự khôn ngoan để chúc tụng Thiên Chúa, Đấng nắm giữ mạng sống và hơi thở của chúng ta. Trái lại, Daniel được sự khôn ngoan của Chúa và có khả năng giải thích các mầu nhiệm cao cả của Ngài.
    ĐTC giải thích rằng: ”Vị giải thích chung kết các mầu nhiệm Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Ngài chính là hiện thân sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Xc. 1 Cr 1,24). Chúa Giêsu không dạy chúng ta sự khôn ngoan của Ngài bằng những diễn văn dài hoặc qua những biểu dương hùng mạnh quyền lực chính trị và trần thế, nhưng bằng cách hiến mạng sống của Ngài trên thập giá. Đôi khi chúng ta có thể rơi vào cạm bẫy cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, nhưng sự thực là chúng ta có thể dễ bị lạc hướng. Trong lúc ấy cần nhớ lại rằng chúng ta có một địa bàn chắc chắn trước mặt chúng ta, đó là Chúa Chịu Đóng Đanh. Trong thập giá chúng ta tìm được sự khôn ngoan có thể hướng dẫn cuộc sống chúng ta với ánh sáng đến từ Thiên Chúa”.
    ĐTC đề cao quyền năng chữa lành từ thập giá của Chúa Giêsu và áp dụng vào hoàn cảnh của Myanmar. Ngài nói:
    ”Tôi biết rằng nhiều người ở Myanmar này đang mang những vết thương vì bạo lực, hữu hình cũng như vô hình. Cám dỗ là đáp trả những vết thương ấy bằng một sự khôn ngoan trần tục, một sự khôn ngoan bị hư hỏng sâu đậm, như thứ khôn ngoan của nhà vua trong bài đọc thứ I. Chúng ta nghĩ rằng phương dược trị liệu vết thương có thể đến từ sự giận giữ và báo thù. Nhưng con đường báo thù không phải là con đường của Chúa Giêsu.
    “Con đường của Chúa hoàn toàn khác hẳn. Khi oán ghét và phủ nhận dẫn đưa Ngài đến cuộc khổ nạn và cái chết, Chúa Giêsu đáp lại bằng sự tha thứ và cảm thương.. Với ơn của Chúa Thánh Linh, Chúa Giêsu làm cho mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sự khôn ngoan của Ngài, chiến thắng trên sự khôn ngoan của thế gian này, trở thành dấu chỉ lòng thương xót của Chúa, thoa dịu cả những vết thương đau đớn nhất”.
    Ca ngợi Giáo hội tại Myanmar
    Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói:
    ”Tôi biết rằng Giáo hội tại Myanmar đang làm rất nhiều để mang thuốc thơm lòng thương xót có năng lực chữa lành của Thiên Chúa cho tha nhân, nhất là những người túng thiếu. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, dù với những phương tiện hạn hẹp, nhiều cộng đoàn công bố Tin Mừng cho các nhóm dân bộ lạc thiểu số khác, không bao giờ bó buộc hoặc cưỡng bách ai, nhưng luôn mời gọi và đón nhận. Giữa bao nhiêu nghèo túng và khó khăn, nhiều người trong anh chị em giúp đỡ cụ thể và liên đới với những người nghèo khổ. Qua sự chăm sóc hằng ngày của các GM, LM, tu sĩ và giáo lý viên của anh chị em, đặc biệt qua công việc của tổ chức bác ái Công Giáo Karuna Myanmar và sự trợ giúp quảng đại do các Hội Giáo Hoàng truyền giáo cung cấp, Giáo Hội tại đất nước Myanmar này đang giúp đỡ nhiều người nam nữ, trẻ em, không phân biệt tôn giáo hoặc chủng tộc. Tôi có thể làm chứng rằng Giáo hội tại đây sinh động, Chúa Kitô sinh động và ở đây cùng với anh chị em, cũng có các anh chị em thuộc các cộng đồng Kitô khác. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục chia sẻ với tha nhân sự khôn ngoan vô giá anh chị em đã nhận lãnh, đó là tình thương của Thiên Chúa trào dâng từ Trái Tim Chúa Giêsu.”
    ĐTC nói thêm rằng: ”Chúa Giêsu muốn trao tặng dồi dào sự khôn ngoan này. Chắc chắn Ngài sẽ thưởng công những cố gắnh của anh chị em trong việc gieo vãi những hạt giống chữa lành và hòa giải trong gia đình, cộng đoàn và trong xã hội rộng lớn hơn của đất nước này... Sứ điệp tha thứ và thương xót của Chúa dùng đường lối và tiêu chuẩn mà không phải tất cả mọi người đều muốn hiểu và sứ điệp ấy sẽ gặp những chướng ngại, nhưng tình thương của Chúa Giêsu, được biểu lộ trên thập giá là điều chung kết, không thể chặn lại được”. Tình thương của Chúa Giêsu giống như ”máy chỉ đường GPS thiêng liêng” hướng dẫn chúng ta tiến bước không sai lầm vào đời sống thân mật của Thiên Chúa và hướng về tâm hồn tha nhân của chúng ta”.
    Phần lời nguyện giáo dân được xướng lên bằng 6 thứ tiếng bộ tộc có đông tín hữu Công Giáo hơn cả, từ tiếng Shan, tới tiếng Chin, Tamil, Karen, Kachin và Kayan..
    Cuối thánh lễ, trong lời cám ơn ĐTC, ĐHY Charles Bo, TGM Yangoon, đã gọi đây là một biến cố lịch sử. Cách đây một năm, không người nào ở Myanmar dám nghĩ tới sự kiện các tín hữu có thể tham dự thánh lễ với ĐTC như thế này. ĐHY nói: ”Cuộc sống của chúng con sẽ không còn như trước. Chúng con trở về nhà vơi một nghị lực thiêng liêng đặc biệt”.
    Sau thánh lễ, ĐTC đã về tòa TGM Yangoon lúc 11 giờ để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi, chuẩn bị hoạt động ban chiều là gặp gỡ Hội đồng tối cao của Phật giáo Miến.
    G. Trần Đức Anh OP

    Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

    Tín hữu Myanmar đi 3 ngày 2 đêm để nhìn thấy Đức Giáo hoàng

    Tín hữu Myanmar đi 3 ngày 2 đêm để nhìn thấy Đức Giáo hoàng

    logo chuyến viếng thăm Myanmar của Đức Giáo hoàng Phanxicô - RV
    24/11/2017 12:56
    Yangon – “Chúng tôi mệt nhừ, nhưng chúng tôi sẽ được đền bù bằng việc nhìn thấy Đức Thánh Cha. Nhìn thấy ngài, đối với chúng tôi, như là nhìn thấy gương mặt của Chúa Giêsu. Đây là một ơn phúc và chúc lành.” Đó là lời của một số phụ nữ trong nhóm 200 khách hành hương đã đi xe lửa 3 ngày 2 đêm từ bang Kachin đến Yangon, Myanmar, tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đến thăm Myanmar vào tuần tới.
    Sáng nay, 24/11, sau hành trình dài 3 ngày 2 đêm, nhóm 200 khách hành hương này đã đến giáo xứ thành Phanxicô Assisi ở Yangon. Tất cả họ đều thuộc sắc dân Kachin, là sắc tộc có số Kitô hữu đông nhất ở Myanmar, đến từ miền cực bắc của đất nước, nơi bị tàn phá tan hoang vì cuộc xung đột giữa quân đội sắc tộc và quân đội chính phủ. Nhóm khách hành hương này mang theo lời cầu nguyện và đau khổ của tất cả những người Kachin mà vì lý do kinh tế và an ninh không thể tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành vào ngày 29/11 tới đây.
    Dù thật khó khăn để đến được Yangon, nhưng các tín hữu hành hương vẫn tỏ rõ niềm vui của họ. Cụ Petru Longgam, 83 tuổi nói: “Những người Kachinh chúng tôi như thế, chúng tôi thích nói chuyện, chúng tôi là những người cởi mở. Lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi theo đạo, chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy một đức giáo hoàng. Thật là không tin nổi!”
    Ngày mai giáo xứ thánh Phanxicô sẽ đón tiếp một nhóm 500 tín hữu hành hương khác và ngày sau nữa, một nhóm 700. Giáo xứ này cũng như các giáo xứ ở Yangon, cộng tác với Hội đồng giám mục để trợ giúp tất cả khách hành hương. Mỗi giáo xứ muốn đóng góp phần của mình. Có các tình nguyện viên chăm lo cho khách hành hương. Có những người lo ăn uống, tắm giặt, ghi danh, vv.
    Cha xứ Jacob chia sẻ về thời điểm này: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một phép lạ. Mọi người vui vẻ giúp đỡ nhau, nó là một ngày hội tuyệt vời. Sự kiện này khuyến khích củng cố đức tin và tình yêu. Giáo xứ chúng tôi có 1300 tín hữu và sẽ đón tiếp số khách hành hương tương tự. Tất cả vui vẻ đón tiếp họ, cả người Hồi giáo và Phật giáo sống ở đây cũng thế. Đây là dấu chỉ rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể là thời khắc đối thoại và có thể đóng góp cho tiến trình hòa giải quốc gia. Niềm tin Công giáo liên kết, chứ không chia rẽ. Tôi là một ví dụ: tôi thuộc sắc tộc Kharen, cha tôi là Phật tử còn mẹ là Công giáo.” (Asia News 24/11/2017)
    Hồng Thủy

    NGÀY THỨ 2 & 3 TRONG TUẦN TĨNH TÂM NĂM CỦA LINH MỤC ĐOÀN

    NGÀY THỨ 2 & 3 TRONG TUẦN TĨNH TÂM NĂM CỦA LINH MỤC ĐOÀN


    Khởi đầu ngày thứ 2 & 3 trong  tuần tĩnh tâm Năm, Quý Đức cha và Quý cha đã cùng nhau đọc Giờ kinh Phụng vụ ban sáng. Sau đó, cha giáo Đaminh Hoàng Quốc Việt đã giúp mọi người suy niệm 30 phút với chủ đề: Bổn phận nên thánh của các linh mục giáo phận.

    Với đề tài 1, Linh mục nên thánh trong chức năng tiên tri: nghĩa là thừa hành tác vụ lời Chúa. Cha Đaminh đã giúp quý cha hiểu rõ chức năng tiên tri của linh mục là nói Lời Chúa cho người khác, để qua đó, dẫn họ đến một tình yêu gắn bó với Đức Kitô.
    Sáng nay với đề tài 2, linh mục nên thánh trong chức năng tư tế: nghĩa là thừa tác vụ bí tích. Cha Đaminh kêu mời quý đức cha, quý cha nên siêng năng xưng tội trong các dịp tĩnh tâm để khơi lên ý thức về tội nơi người giáo dân và khuyến khích họ đến với bí tích giải tội.

    Sau 30 phút nguyện gẫm, quý cha cùng dâng thánh lễ đồng tế với quý đức cha để xin Chúa tiếp tục thánh hóa những ngày tĩnh tâm. Trong 2 thánh lễ này, quý Đức cha và quý cha đã cầu nguyện đặc biệt cho Đức cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ và các vị tiền bối và các linh mục đã qua đời. Những vị này đã có công để xây dựng và phát triển giáo phận trong những ngày đầu của giáo phận. Đồng thời, quý cha cũng cầu nguyện đặc biệt cho cha mẹ và những người thân yêu của mình.

    Đúng 8g các buổi sáng và 2g chiều, Đức cha giảng phòng tiếp tục triển khai 4 để tài còn lại. Sau khi nghe giảng, quý cha đã dành 30 phút thinh lặng để cầu nguyện với các đề tài sau:

    2/ linh mục người môn đệ truyền giáo
    3/ Linh mục, con người cầu nguyện và phục vụ
    4/ Linh mục, con người của niềm vui Tin mừng
    5/ Linh mục, con người của giáo hội trong Thánh Thần.

    Song song với các đề tài được triển khai trong tuần tĩnh tâm, Đức cha phó Giuse cũng có 2 buổi tu đức cho quý cha với chủ đề: Tác vụ rao giảng của linh mục.
    Vào buổi tối, quý cha cùng nhau chầu Thánh Thể, xưng tội, đọc kinh tối và nghỉ đêm lúc 21g.
    Nhờ ơn Chúa, hai ngày tĩnh tâm dành cho quý cha đã đi qua trong bình an, lắng đọng và sốt sáng. Xin Chúa tiếp tục đổ tràn ơn thánh của Người trên chúng con, để chúng con có thể gặt hái được nhiều hoa quả của Thánh Thần trong 2 ngày còn lại.

    Cùng nhau đọc GKPV

    Thánh hóa đầu giờ và triển khai đề tài





    Lời cám ơn và kết thúc phần triển khai chủ đề





    TUẦN TĨNH TÂM NĂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN

    TUẦN TĨNH TÂM NĂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN

    Hôm nay thứ Hai ngày 27/11/2017, linh mục đoàn giáo phận Long Xuyên đã quy tụ về Tòa Giám mục để bắt đầu bước vào Tuần Tĩnh tâm Năm 2018 với chủ đề Linh mục giáo phận “nên thánh trong mục vụ”.


    Tuần tĩnh tâm này qui tụ hơn 250 linh mục (dòng và triều) dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục phụ tá TGP Sài Gòn.
    Trước thánh lễ khai mạc, Quý cha đã được Quý Đức cha giáo phận nhắn nhủ và hướng ý để bước vào Tuần tĩnh tâm với một tâm hồn lắng đọng và quảng đại dành nhiều thời gian cho Chúa. Đúng 10g, Quý Đức cha và quý cha đã dâng thánh lễ xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa tuần tĩnh tâm.

    Chiều nay, Đức cha giảng phòng bắt đầu hướng ý cho quý cha cầu nguyện và chiêm niệm với đề tài: Linh mục gặp gỡ Chúa Phục sinh trong Giáo hội.

    Xin anh chị em trong Giáo phận cũng như quý bạn đọc cầu nguyện đặc biệt cho quý cha trong tuần tĩnh tâm này được bình an, được ơn biến đổi và gặp được Chúa trong lời cầu nguyện.

    Chào đón quý cha đến tĩnh tâm và hướng ý tĩnh tâm





    Thánh lễ khai mạc




    Chào mừng cha giảng phòng và triển khai đề tài 1





    Bầu khí Đón Đức Thánh Cha Phanxicô tại Myanmar, 27.11.2017

    Bầu khí Đón Đức Thánh Cha Phanxicô tại Myanmar, 27.11.2017




    Tường thuật ngày thứ hai chuyến ĐTC viếng thăm Myanmar

    Tường thuật ngày thứ hai chuyến ĐTC viếng thăm Myanmar

    ĐTC Phanxicô bắt tay bà Aung San Suu Kyi trong buổi gặp gỡ các giới chức lãnh đạo và ngoại giao đoàn chiều 28-11-2017 - EPA
    28/11/2017 19:30
     Thứ ba 28 tháng 11 là ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Myanmar. Trước tiên vào lúc 10 giờ ngài gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo  của nước này tại Toà tổng giám mục Yangon. Sau đó ĐTC cử hành thánh lễ riêng, trước khi ra phi trường Yangon đáp máy bay lên thủ đô Nay Pyi Taw (No Pi To). Tiếp đến là cuộc tiếp đón chính thức tại dinh tổng thống cũng như thăm xã giao tổng thống và gặp gỡ bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi. Liền đó ngài gặp gỡ các giới chức chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cũng tại thủ đô vào lúc 3 giờ rưỡi chiều giờ địa phương.
    Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.
    Trước tiên tại Toà tổng giám mục Yangon ĐTC đã gặp gỡ các vị lãnh đạo các tôn giáo ở Myanmar. Cuộc gặp gỡ này không có trong chương trình ban đầu. Mười bẩy vị lãnh đạo Phật giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Tin lành Baptist, Anh giáo và đại diện Công giáo địa phương đã gặp gỡ ĐTC trong vòng 40 phút.
    Sau lời giới thiệu vắn tắt của Đức Cha John Hsane Hgyi, GM công giáo của giáo phận Pathein, mọi người đã trao đổi vắn tắt với nhau, rồi ĐTC lên tiếng bằng tiếng Tây Ban Nha có một Đức Ông thuộc bộ ngoại giao Toà Thánh người Anh gốc Gibraltar là lãnh thổ cạnh Tay Ban Nha, thông dịch lại bằng tiếng Anh cho mọi người.
    Đại ý ĐTC nói: trước tiên tôi chân thành cám ơn quý vị đã đến đây. Tôi muốn thăm từng người trong quý vị, nhưng quý vị đã quảng đại đến đây, làm cho công việc của tôi được dễ dàng hơn. Xin cám ơn. Tôi nghĩ đến một lời kinh thánh vịnh, theo đó tất cả chúng ta là anh chị em với nhau, sự hiệp nhất nhưng không phải là sự đồng nhất. Mỗi người chúng ta có giá trị riêng, những phong phú và cả những thiếu sót của mình. Mỗi tôn giáo có những phong phú, các truyền thống, những điều phong phú để trao tặng. Nhưng điều này chỉ có thể, nếu chúng ta sống an bình với nhau. Và hoà bình được xây dựng trong sự khác biệt, sự hiệp nhất luôn bao hàm sự khác biệt. Một người trong quý vị đã dùng từ “hoà hợp”, đó thực là hòa bình. Chúng ta đang cảm thấy có một xu hướng tiến đến sự đồng nhất, và điều này đang đè nặng trên nhân loại. Đó thực là một thứ thực dân văn hoá. Chúng ta phải trải rộng, phổ biến sự phong phú của chúng ta về những khác biệt bộ tộc, tôn giáo, bình dân, từ những khác biệt đó chúng ta có sự đối thoại. Mỗi người coi nhau như anh chị em giứp đỡ nhau xây dựng đất nước này, là một quốc gia xét về địa lý có biết bao phong phú. Chúng ta có một vị cha chung, chúng ta là anh chị em với nhau, chúng ta thảo luận, tranh luận với nhau như anh em, nhưng rồi chúng ta hoà giải với nhau, luôn luôn muốn là anh chị em với nhau, tôi nghĩ đó là hoà bình.
    Một lần nữa xin cám ơn quý vị đã viếng thăm tôi, tôi là người viếng thăm quý vị, cùng nhau chúng ta xây dựng hoà bình, không phải bằng sự thực dân hoá. Chúng ta thực hiện nó qua những khác biệt. Và xin quý vị cho phép tôi đọc lên một  kinh nguyện: Lạy Chúa, xin chúc lành và bảo vệ chúng con. Xin để cho ân phúc của Chúa chiếu sáng trên chúng con và ban cho chúng con sự bình an”.
    Sau cuộc gặp gỡ chung 17 vị lãnh đạo tôn giáo ĐTC còn gặp riêng vị thủ lãnh phật giáo Sitagu Sayadaw, để đặc biệt khích lệ hoà bình và việc sống chung trong an bình, “như con đường hoà bình duy nhất”.
    Sau cuộc gặp gỡ trên đây lúc 11 giờ 15 phút ĐTC đã cử hành Thánh Lễ riêng tại Toà tổng giám mục Yangon, sau đó ngài dùng bữa trưa,  rồi đi xe ra phi trường Yangon cách đó 18 cây số rưỡi để đáp máy may đi tới thủ đô Nay Pyi Taw, cách đó 341 cây số.
    Máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã tới phi trường quốc tế Nay Pyi Taw sau hơn một giờ bay.
    Thủ đô No Pi To có nghĩa là “trụ sở của các vua” nằm bên bờ hồ Shan, cách thủ đô cũ Yangon 320 cây số vế hướng bắc, và là tân thủ đô của Mayanmar từ năm 2005. Thủ đô được xây giữa các ruộng lúa và đồn diền trồng mía có hơn 1 triệu 30 ngàn dân cư . Dinh tổng thống và Quốc hội nằm cách xa nhau và có hào sâu bao quanh, vì lý do phòng vệ an ninh. Tân thủ đô gồm 8 quận trải dải trên một diện tích rộng hơn 7.000 cây số vuông với các dinh thự thuộc các bộ của chính quyền, các trung tâm thương mại và khách sạn. Hệ thống đường lưu thông có tới 20 lằn cho xe chạy và trải dài mút mắt. Trong số các dinh thự quan trọng nhất có chùa Uppatasanti, xây theo mẫu của chùa Shwedagon ở Yangon hồi năm 2009. Trong chùa có giữ một chiếc răng của Đức Phật. Tiếp đến là Quốc hội Myanmar gồm 31 dinh thự, Dinh tổng thống và Toà thị sảnh. Thành phố cũng có một công viên Safari, một vườn bách thú và bốn sân Golf.
    Tổng giáo phận Mandalay rộng hơn 212 cây số vuông có 9,7 triệu dân, trong đó có 21.500 giáo dân, gồm 35 giáo xứ do 45 linh mục trông coi. Bên cạnh đó có 26 nữ tu, 28 chủng sinh, 60 tu huynh, 98 thành viên các dòng nữ. Giáo Hội điều hành 8 cơ sở giáo dục và 22 trung tâm bác ái. ĐTGM Mandalay là ĐC Nicholas Mang Thang.
    ** Tiếp đón ĐTC tại phi trường No Pi To có bộ trưởng dặc phái của tổng thống. ĐTC đã cùng ông bộ trưởng duyệt qua hàng chào danh dự. Tiếp đến ngài lên xe đến dinh tổng thống cách đó 35 cây số rưỡi.
    Dinh tổng thống được xây cất năm 2005 khi chính quyền quyết định rời thủ đô về No Pi To. Dinh nằm trong số 31 dinh thự rất giống nhau dành cho các bộ gọi là Pyidaungsu Hluttaw. Các dinh thự của chính quyền tách biệt hẳn khu dân cư thủ đô, và chung quanh có hào sâu với nhiều cây cầu bắc ngang dẫn vào bên trong. Các cầu rất xa nhau, mục đích là để bảo đảm an ninh cho khu vực của chính quyền khỏi bị tấn công. Bên trong dinh tổng thống có các văn phòng của Uỷ ban hành pháp và nhà ở của tổng thống và các giới chức chính quyền. Chung quanh dinh tổng thống có nhiều vườn rộng rất đẹp. Dinh được xây theo kiểu tân cổ điển, có một cầu thang mầu đỏ rộng. Mặt tiền có nhiều cột mầu trắng với các đầu cột được trang hoàng mạ vàng. Bên trong dinh tổng thống có 100 phòng.
    Lễ nghi tiếp đón chính thức diễn ra tại quảng trường trước dinh tổng thống, có hàng chào danh dự. Sau khi ban nhạc cử quốc thiều Vaticăng và Myanmar ĐTC và tổng thống đuyệt qua hàng chào danh dự, và hai bên giới thiệu phái đoàn cho nhau. Tổng thống Myanmar ông Htin Kyaw sinh năm 1946, là con của nhà văn và thi sĩ Min Thu Wun. Ông đã từng theo học tại đại học Yangon, tại Đại học trung ương vi tính, bên Luân Đôn và Trường Liên hiệp vi tính Á châu Nhật Bản. Năm 1975 ông là phó giám đốc Bộ Kỹ nghệ và phân bộ liên lạc kinh tế hải ngoại, và đã là cộng sự viên thân tín của bà Aung San Suu Kyi, và năm 2000 cũng đã bị chính quyền quân phiệt bỏ tù 6 tháng, vì tội đã tháp tùng bà ra khỏi thủ đô Yangon. Sau khi đảng Liên minh quốc gia dân chủ thắng cử năm 2016, ông đã được bầu làm tổng thống Maynmar. Ông có vợ là bà Su Su Lwin, nhưng không có con.
    Sau lễ nghi chào đón chính thức ĐTC và tổng thống đã bước vào trong dinh theo sau là  phái đoàn của hai bên. ĐTC đã ký tên vào sổ vàng và chụp hình lưu niệm với tổng thống. Sau đó hai vị hội kiến riêng với nhau. Tiếp đến tổng thống giới thiệu phu nhân, và tặng quà lưu niệm. ĐTC đã tặng tổng thống một bức tranh tả lại 7 cảnh trong cuộc đời của Đức Phật. Đây là một thủ bản vẽ trên giấy  được cất giữ trong Thư Viện Vaticăng.
    Tiếp đến tổng thống tháp tùng ĐTC sang phòng Ngoại giao đoàn, nơi bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi chờ tiếp đón ngài. Bà Aung San Suu Kyi sinh năm 1945 tại thủ đô Yangon và là con của tướng Aung San, thư ký đảng cộng sản Birmania bị các đối thủ chính trị ám sát năm 1947, và bà Khin Kyi đại sứ Birmania bên Ấn Độ hồi thập niên 1960. Bà có tiến sĩ kinh tế, Khoa học chính trị và Triết học tại đại học Oxford năm 1967. Bà học và làm việc tại Liên Hiệp Quốc năm 1969 và thành lập đảng Liên minh quốc gia dân chủ, theo tinh thần bất bạo động của Mahatma Gandhi, và cũng chính vì thế bà bị kết án và quản thúc tại gia từ năm 1989 tới 2010. Năm 1991 bà được giải Nobel Hoà Bình và được trả tự do năm 2010. Năm 2012 đảng của bà chiếm được 1 ghế trong Quốc hội và năm 2015 đảng của bà đã thắng cử. Bà đã từng giư các chức vụ Bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng Điện năng và Năng lượng, Bộ trưởng giáo dục, Bộ trưởng văn phòng tổng thống và ngoại trưởng năm 2016. Năm 2008 bà đã nhận được huy chương danh dự bảo vệ các quyền con người cuả Quốc hội Hoa Kỳ và đã đi lãnh giải Nobel hoà bình tại Oslo năm 2012. Bà goá chồng và có hai con.
    ** Sau khi hội kiến với bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi ĐTC đi xe đến Trung tâm hội nghị quốc tế cách đó 11 cây số để gặp gỡ các giới chức  lãnh đạo chính quyền, xã hội   và ngoại giao đoàn.
    Trung tâm này tọa lại tại khu vực Zabuthin rộng 16 mẫu, và có diện tích 95 ngàn mét vuông. Thính phòng bên trong có chỗ cho 1.900 người. Trung tâm do Cộng hoà dân chủ Trung hoa xây cất và hoàn thành năm 2010, có các phòng họp, phòng tiếp tân, phòng diễn thuyết, khu vực giải trí.  
    Mặt tiền trang hoàng các cột phía sau đó là một bức tường bằng kính trong suốt. Bên ngoài trung tâm hội nghị quốc tế được trang hoàng bằng các vườn hoa và một phông ten nước rất lớn treo cờ nhiều mầu.
    Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 5 giờ 15 phút chiều giờ Myanmar. ĐTC được bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tiếp đón cùng với vài trẻ em mặc y phục truyền thống thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Các em đã tháp tùng ĐTC cho tới khán đài. Lên tới khán đài các em đã chụp hình lưu niệm với ĐTC.
    Bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi đã đọc diễn văn chào mừng ĐTC.
    Ngỏ lời với hàng lãnh đạo chính trị dân sự và ngoại giao đoàn, ĐTC cám ơn lời mời của chính quyền và HĐGM Myanamar, và  bầy tỏ lòng biết ơn tất cả những ai đã liên tục làm việc vất vả để tổ chức chuyến viếng thăm này. ĐTC xác định mục đích chuyến viếng thăm của ngài như sau:
    Nhất là tôi đến để cầu nguyện với cộng đoàn công giáo bé nhỏ nhưng sốt mến của quốc gia để củng cố nó trong đức tin và khích lệ nó trong sự góp phần mệt nhọc cho thiện ích của đất nước. Tôi rất vui mừng vì chuyến viếng thăm của tôi được thực hiện sau việc thiết lập các liên lạc ngoại giao giữa Myanmar và Toà Thánh. Tôi muốn coi quyết định này như dấu chỉ dấn thân của quốc gia theo đuổi sự đối thoại và cộng tác xây dựng bên trong cộng đoàn quốc tế to lớn hơn, cũng như của sự canh tân tế bào xã hội dân sự.
    ** Tôi cũng muốn rằng chuyến viếng thăm của tôi có thể ôm trong vòng tay toàn dân Myanmar và cống hiến một lời khích lệ cho tất cả mọi người đang làm việc để xây dựng một trật tự xã hội công bằng, hoà giải và bao gồm mọi người. Myanmar đã được chúc phúc với một vẻ đẹp ngoại thường và nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng kho tàng lớn lao nhất của nó chắc chắn là dân tộc của nó, đã đau khổ và còn đang đau khổ vì các xung đột nội bộ và thù nghịch đã kéo dài quá lâu và đã tạo ra các chia rẽ sâu xa. Bởi vì giờ đây quốc gia dấn thân tái lập hoà bình, chữa lành các vết thương đó, nên nó cần được coi như một ưu tiên chính trị và tinh thần nền tảng. Tôi chỉ có thể bầy tỏ sự trân trọng của tôi đối với các cố gắng của chính quyền trong việc đương đầu với thách đố này, cách đặt biệt qua Hội nghị hoà bình Panglong, quy tụ đại diện của nhiều nhóm trong nỗ lực chấm dứt bạo lực, xây dựng sự tin tưởng và bảo đảm việc tôn trọng các quyền của tất cả những người coi vùng đất này là nhà của mình.
    Thật thế, tiến trình xây dựng hoà bình và hoà giải quốc gia cam go  chỉ có thể tiến tới qua dấn thân cho công bằng và tôn trọng các quyền con người. Sự khôn ngoan của các hiền nhân đã định nghĩa công bằng như ý chí thừa nhận cho từng người điều phải có cho họ, trong khi các ngôn sứ xưa kia đã coi nó như nền tảng của hoà bình đích thật và lâu bền. Các trực giác được xác nhận bởi kinh nghiệm thê thảm của hai thế chiến, đã đưa tới việc thành lập Liên Hiệp Quốc và Bản tuyên ngôn đại đồng về các quyền con người như nền tảng cho các cố gắng của cộng đồng quốc tế thăng tiến công lý, hoà bình và phát triển nhân bản trên khắp thế giới, và để giải quyết các xung đột qua đối thoại chứ không phải với việc sử dụng sức mạnh. Trong nghĩa này, sự hiện diện của Ngoại giao đoàn giữa chúng ta không chỉ làm chứng cho thế đứng mà Myanmar có giữa các quốc gia, nhưng cũng làm chứng cho dấn thân của quốc gia trong việc duy trì và tuân giữ các nguyên tắc nền tảng này.
    Tiếp tục diễn văn ĐTC khẳng định tuơng lai của Myanmar như sau:
    Tương lại của Myanmar phải là hoà bình, một nền hoà bình xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá và các quyền lợi của mỗi một thành phần xã hội, trên việc tôn trọng mỗi nhóm chủng tộc và căn tính của nó, trên việc tôn trọng nhà nước pháp quyền và một trật tự dân chủ cho phép mỗi cá nhân và mỗi nhóm – không loại trừ ai – cống hiến phần đóng góp hợp pháp của mình cho công ích.
    ** Trong việc hoà giải và hoà hợp quốc gia các cộng đoàn tôn giáo của Myanmar có một vai trò đặc ân cần chu toàn. Các khác biệt tôn giáo không được là nguồn gốc cho chia rẽ và không tin tưởng, nhưng phải là một sức mạnh cho sự hiệp nhất, cho sự tha thứ, cho lòng khoan nhượng và việc khôn ngoan xây dựng Quốc gia. Các tôn giáo có thể nắm giữ một vai trò ý nghĩa trong việc chữa lành các vết thương cảm xúc, tinh thần và tâm lý của những người đã khổ đau trong các năm xung khắc. Khi kín múc nơi các giá trị đâm rễ sâu, chúng có thể giúp nhổ tận gốc rễ các lý do của xung đột, xây các cây cầu đối thoại, tìm kiếm công lý và là tiếng nói ngôn sứ cho những kẻ khổ đau. Thật là một dấu chỉ hy vọng lớn lao, khi giới lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo khác nhau của quốc gia này đang dấn thân cùng nhau làm việc cho hoà bình, để cứu giúp dân nghèo và giáo dục sống các gia trị tôn giáo và nhân bản đích thật với tinh thần hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau. Trong việc tìm kiếm xây dựng một nền văn minh của sự gặp gỡ và liên đới, chúng góp phần vào thiện ích chung, và đặt các nền tảng luân lý cần thiết cho một tuơng lai hy vọng và thịnh vượng cho các thế hệ sẽ đến.
    Tương lai đó ngày nay còn ở trong tay của giới trẻ của quốc gia. Các người trẻ là món quà cần yêu thương và khích lệ, một đầu tư sẽ chỉ sinh lời trước các cơ may có việc làm thực sự và một nền giáo dục tốt. Đây là một đòi hỏi cấp thiết của công bằng giữa các thế hệ. Tương lai của Myanmar trong một thế giới tiến triển mau lẹ và liên hệ với nhau, sẽ tuỳ thuộc nơi việc đào tạo  người trẻ của mình, không chỉ trong các lãnh vực kỹ thuật, mà nhất là trong các giá trị luân lý đạo đức của sự liêm chính, toàn vẹn, và tình  liên đới nhân bản, có thể bảo đảm cho việc củng cố nền dân chủ và lớn lên của sự hiệp nhất và nền hoà bình trên mọi bình diện xã hội. Ngoài ra, sự công bằng giữa các thế hệ cũng đòi buộc rằng các thế hệ tương lai có thể thừa hưởng một môi sinh không bị ô nhiễm bởi lòng tham và cướp bóc của con người. Thật cần thiết rằng các người trẻ của chúng ta không bị đánh cắp niềm hy vọng và khả thể dấn thân lý tưởng và các tài năng của họ  trong việc dự phóng tương lai của đất nước họ, còn hơn thế nữa của toàn gia đình nhân loại.
    ** Thưa bà ngoại trưởng, các bạn thân mến, trong các ngày này tôi ước mong khích lệ các anh chị em công giáo của tôi kiên trì trong đức tin, và tiếp tục diễn tả sứ điệp hoà giải và tình huynh đệ qua các công tác giáo dục và nhân đạo, mà toàn xã hội được hưởng. Và niềm hy vọng của tôi đó là trong việc cộng tác trân trọng tín hữu các tôn giáo khác  và với mọi người thiện chí, họ góp phần mở ra một kỷ nguyên mới của hoà hợp và tiến bộ cho các dân tộc của quốc gia yêu quý này. Myanmar muôn năm! Tôi xin cám ơn quý vị vì sự chú ý và với các lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho việc phục vụ của quý vị cho công ích, tôi khẩn nài trên tất cả quý vị các phúc lành của Thiên Chúa, sự khôn ngoan, sức mạnh và hoà bình.
    Sau buổi gặp gỡ bà ngoại trưởng đã tháp tùng ĐTC ra xe đi phi trường No Pi To cách đó 20 cây số. Máy bay chở ĐTC đã rời phi trường lúc 6 giờ 20 phút và về đến phi trường Yangon sau hơn một giờ bay. Từ phi trường ĐTC đã đi xe về Toà Tổng Giám Mục dùng bữa tối và nghỉ qua đêm .
    Thư tư 29 tháng 11 hôm nay ĐTC có ba sinh hoạt chính. Lúc 8 giờ rưỡi sáng ngài chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại trung tâm thể thao thể dục Kyaikhasan. Đây là vùng đất rộng 60 mẫu nơi có bộ thể thao và bao gồm nhiều bộ môn thể thao thể dục khác nhau, gồm cả trường đua ngựa. Từ thập niên 1960 cho tới nay đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội như Ngày hiệp nhất, Ngày của giới nông dân, Ngày lao động vv… Năm 1992 trường đua ngựa cũ được biến thành Học viện thể thao thể dục. Vùng đất này có thể chứa được 250.000 người.
    Vào ban chiều ĐTC đến trung tâm Kaba Aye để gặp gỡ Hội đồng tối cao Sangha của các nhà sư Phật giáo. Sau cùng là buổi gặp gỡ các Giám Mục Myanmar tại toà tổng giám mục Yangon.
    Trần Đức Anh Linh Tiến Khải