label

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Khi gặp thử thách, hãy tiến bước trên đường thánh thiện

ĐTC Phanxicô: Khi gặp thử thách, hãy tiến bước trên đường thánh thiện

Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta
Trong những lúc gặp khó khăn, đừng quay trở lại với những cách sống lối nghĩ của thế gian, vì nó cướp đi tự do của chúng ta.  Ngược lại, cần phải tiếp tục bước đi trên con đường hướng đến sự thánh thiện. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc như thế trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng thứ ba, 29/05/2018.
Một vị thánh không phải là người có gương mặt như trong hình ảnh
Trong bài đọc thứ nhất trích từ thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ (1Pr 1,10-16), thánh Phêrô mời gọi tiến đến sự thánh thiện. Đó là lời mời gọi nên thánh, là lời mời gọi bình thường, lời mời gọi sống như một Kitô hữu. Sống như một Kitô hữu, nói một cách khác, là sống như một vị thánh. Nhiều lần, chúng ta nghĩ về sự thánh thiện giống như một điều phi thường, giống như là có những thị kiến hay có những lời cầu nguyện cao siêu … hay vài người nghĩ rằng thánh nhân là người có một gương mặt giống như trong những tấm hình các thánh,… Không phải vậy. Thánh thiện là một điều khác. Đó là bước đi trên con đường mà Thiên Chúa dạy chúng ta về sự thánh thiện. Bước đi trên con đường thánh thiện là gì? Thánh Phêrô trả lời: “anh em hãy đặt tất cả hy vọng của anh chị em vào ân sủng sẽ được ban cho anh chị em khi Chúa Giêsu Kitô tỏ hiện.”
Bước đến ánh sáng
Do đó, hành trình hướng đến sự thánh thiện bao gồm việc hướng đến ân sủng đó, hướng đến niềm hy vọng, hướng đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Giống như khi người ta bước đến ánh sáng, nhiều lần người ta không nhìn thấy rõ đường đi bởi vì ánh sáng làm chúng ta lóa mắt. Nhưng chúng ta không sai đường, bởi vì chúng ta nhìn thấy ánh sáng và chúng ta biết đường đi. Ngược lại, khi người ta bước đi với ánh sáng trên đôi vai, người ta thấy rõ đường đi. Tuy nhiên, trong thực tế, trước mặt chúng ta chỉ có bóng tối, không có ánh sáng.
Đừng trở lại với những kiểu cách của thế gian
Để tiến đến sự thánh thiện, cần phải tự do và cảm thấy tự do. Có nhiều điều biến chúng ta thành nô lệ. Vì lý do đó, thánh Phêrô mời gọi đừng chiều theo những đam mê của thời gian khi mà chúng ta còn ở trong sự mê muội, thiếu hiểu biết. Cả thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Roma cũng nói: “anh chị em đừng rập khuôn”, nghĩa là “đừng theo những dự định chương trình”.
Đây là cách dịch đúng nghĩa của những lời khuyên này – anh chị em đừng đi theo các kiểu cách của thế gian, đừng theo các chương trình, theo cách nghĩ của thế gian, theo cách nghĩ và cách phán xét mà thế gian dạy cho anh chị em, bởi vì điều này làm cho anh chị em mất tự do. Và để tiến đến sự thánh thiện, cần phải được tự do: sự tự do bước đi và ngắm nhìn ánh sáng, tự do tiến bước. Và khi chúng ta quay lại đàng sau, như nói ở đây, quay lại với cách sống mà chúng ta đã có trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hay khi chúng ta trở lại với những kiểu cách của thế gian, chúng ta đánh mất tự do.
Không có tự do thì không thể nên thánh
Trong sách Xuất hành chúng ta thấy, nhiều lần Dân Chúa không muốn hướng nhìn về phía trước, về ơn cứu độ, nhưng họ muốn quay lại phía sau. Họ than trách và tưởng tượng cuộc sống tươi đẹp mà họ đã trải qua ở Ai cập, nơi họ được ăn hành ăn thịt. Trong những thời khắc khó khăn, dân chúng đã quay lại phía sau, họ mất tự do. Đúng thật là họ được ăn những thức ăn ngon, nhưng là thức ăn của sự nô lệ.
Trong những thời điểm của thử thách, chúng ta luôn bị cám dỗ quay lại phía sau, ngắm nhìn những kiểu cách của thế gian, những cách sống mà chúng ta đã có trước khi bắt đầu hành trình của ơn cứu độ, không có tự do. Không có tự do thì người ta không thể nên thánh. Tự do là điều kiện để có thể bước đi và ngắm nhìn ánh sáng ở phía trước. Đừng đi theo các cách sốngcủa thế gian. Nhưng tiến bước, ngắm nhìn ánh sáng là lời hứa, trong niềm hy vọng. Đây là lời hứa, như dân Chúa trong sa mạc. Khi họ nhìn về phía trước, họ bước đi vững vàng. Khi họ nhớ nhung Ai cập vì không được ăn những thức ăn ngon người ta cho họ ở Ai cập, họ đã lạc bước và quên rằng ở đó họ không có tự do.
Các mô hình của thế gian hứa hẹn tất cả nhưng không cho thứ gì. Cho nên Thiên Chúa mời gọi trở nên thánh mọi ngày. Có hai thông số để biết chúng ta có đang trong hành trình hướng đến sự thánh thiện hay không. Trước hết, chúng ta có ngắm nhìn ánh sáng của Chúa trong niềm hy vọng được gặp Người và thứ hai, khi gặp thử thách, chúng ta có hướng về phía trước và không đánh mất tự do bằng cách từ chối các kiểu sống của thế gian, những thứ hứa hẹn cho chúng ta tất cả nhưng rồi không cho chúng ta điều gì. Anh chị em hãy nên thánh vì Thiên Chúa là Đấng thánh thiện: đó là lệnh truyền của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy cầu xin ơn Chúa để hiểu biết con đường của sự thánh thiện là gì. Đó là con đường của tự do nhưng đầy hy vọng về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúng ta cũng cầu xin để hiểu rõ đi theo các cách sống của thế gian mà chúng ta đã có trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu nghĩa là gì. (Rei 29/05/2018)
Hồng Thủ
y

Bí Tích Thêm sức ban cho tín hữu các ơn của Chúa Thánh Thần

Bí Tích Thêm sức ban cho tín hữu các ơn của Chúa Thánh Thần

ĐTC chào các tín hữu thổ dân Brasil trong buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư 30-5-2018 - REUTERS
Sáng thứ tư hôm qua đã có gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với ĐTC. Trong bài huấn dụ ngài tiếp tục giải thích ý nghĩa của Bí tích Thêm Sức, và nêu bật sự nối kết chặt chẽ của bí tích này với toàn việc khai tâm kitô (Sacrosanctum Concilium, 71). ĐTC nói:
Trước khi nhận việc xức dầu tinh thần xác nhận và củng cố ơn của Bí tích Rửa Tội, các người nhận bí tích Thêm Sức được mời gọi canh tân các lời hứa do các cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu đã làm ngày họ được rửa tội. Giờ đây chính họ tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, sẵn sàng thưa “con tin” với các câu hỏi của vị Giám Mục; đặc biệt sẵn sàng tin vào “Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống, và là Đấng, hôm nay qua bí tích Thêm Sức, được ban cho họ một cách đặc biệt, như đã được ban cho các Tông Đồ ngày lễ Ngũ Tuần” (Lễ nghi Thêm Sức, s. 26).
Vì việc Chúa Thánh Thần xuống đòi hỏi các con tim phải cầm trí trong lời cầu nguyện (x. Cv 1,14) sau lời nguyện thinh lặng của cộng đoàn, vị Giám Mục giơ tay trên các người chịu phép Thêm Sức, khẩn nài Thiên Chúa đổ tràn đầy Thánh Thần An Ủi của Ngài trên họ. Chỉ có một Thần Khí duy nhất (x. 1 Cr 12,4), nhưng khi đến với chúng ta, Ngài mang theo các ơn phong phú: khôn ngoan, thông minh, cố vấn, hùng dũng, hiểu biết, đạo hạnh và kính sợ Thiên Chúa (Lễ nghi Thêm Sức, cs.28-29). Chúng ta đã nghe đoạn kinh thánh với các ơn mà Chúa Thánh Thần đem tới.
Theo ngôn sứ Isaia  (11,2) đó là 7 ơn của Thánh Linh được đổ tràn đầy trên Đấng Messia cho việc thành toàn sứ mệnh của Người. Cả thánh Phao lô cũng miêu tả hoa trái dư tràn của Thần Khí là “ bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22). Thần Khí duy nhất  ban phát nhiều ơn làm giầu cho Giáo Hội duy nhất: Ngài là Tác Giả của sự khác biệt, nhưng đồng thời cũng là Đấng Tạo dựng nên sự hiệp nhất.
** Như thế, Thần Khí ban tất cả các ơn phong phú khác nhau này, nhưng đồng thời cũng làm nên sự hòa hợp, nghĩa là sự hiệp nhất của tất cả các phong phú tinh thần, mà chúng ta là ki tô hữu có được.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Do truyền thống được các Tông Đồ chứng thực Thần Khí bổ túc ơn của Bí Tích Thánh Thể  được thông ban qua việc đặt tay (x. Cv 8,15-17; 19,5-6; Dt 6,2). Để diễn tả một cách tốt đẹp hơn việc đổ tràn đầy Thần Khí thấm nhuần những người lãnh nhận nó, một cách mau chóng được thêm vào cử chỉ kinh thánh này việc xức dầu thơm gọi là “crisma”, vẫn còn được dùng cho tới nay, bên Đông Phương cũng như bên Tây Phương (x. GLCG, 1289).
Dầu ô liu – dầu thánh - là chất chữa bệnh và săn sóc sắc đẹp, khi thấm vào thân thể nó chữa lành các vết thương và khiến cho các chi thể được thơm tho; vì các đặc tính này nó được biểu tượng kinh thánh và phụng vụ sử dụng để diễn tả hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng thánh hiến và thấm nhập người được rửa tội, và trang sức cho họ với các đặc sủng. Bí Tích Thêm Sức được ban qua việc xức dầu thánh trên trán, do vị Giám Mục thực thi với việc đặt tay và qua các lời nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần được ban cho con”. Thánh Thần là ơn vô hình được rộng ban, và dầu thánh là dấu ấn hữu hình. ĐTC giải thích thêm ý nghĩa xức dầu trên trán tín hữu như sau:
Như vậy, khi nhận dấu thánh giá trên trán với dầu thơm, người được thêm sức nhận một dấu ấn tinh thần không thể xóa nhòa, họ nhận lấy đặc tính khiến cho họ hoàn toàn đồng hình dạng với Chúa Ki tô và ban cho họ ơn tỏa lan “hương thơm tốt lành” của họ giữa loài người (z. 2 Cr 2,15).
** Chúng ta hãy nghe lại lời thánh Ambrogio mời gọi các người mới được thêm sức như sau: “Hãy nhớ rằng bạn đã nhận lấy dấu ấn tinh thần… và hãy duy trì điều bạn đã nhận lãnh. Thiên Chúa Cha đã ghi dấu bạn, Chúa Ki tô đã đã củng cố bạn, và Thần Khí đã đặt trong tim bạn bảo chứng ấy” (De mysteriis 7,42; CSEL 73,106; X. Glcg 1303). Thần Khí là một ơn nhưng không, cần tiếp nhận với lòng biết ơn, bằng cách dành chỗ cho óc sáng tạo không bao giờ cạn kiệt của Ngài. Đó là một ơn cần sốt sắng giữ gìn, cộng tác với sự ngoan ngoãn, bằng cách để cho mình được nhào nặn, như sáp bởi tình mến nồng cháy của Ngài “để phản ánh Chúa Giê su Kitô trong thế giới ngày nay” (Gaudete et exultate, 23).
ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt là các sinh viên học sinh các tỉnh Nice, Avignon và Seix. Ngài cũng chào các nhóm hành hương nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Ê cốt, Đại Hàn, Indonesia, Singapore, Australia và Hoa Kỳ. Có một nhóm võ sĩ của cả hai miền Nam Bắc Hàn đã biểu diễn Taikuando. Họ kết thúc với việc giăng hai biểu ngữ viết: “Một thế giới, một Taikuando”, “Hòa bình quý báu hơn chiến thắng”. Mọi người đã hào hứng theo dõi màn biểu diễn. ĐTC nói: tôi xin cám ơn các lực sĩ Đại Hàn về màn biểu diễn ý chí hòa bình: hai miền Đại Hàn cùng nhau! Đó đã là một sứ điệp hòa bình cho toàn nhân loại. Xin cám ơn các bạn. Ngài đặc biệt chào nhóm các nữ tu Feliciane đang họp tổng tu nghị tại Roma. Ngài xin Chúa ban hòa bình và niềm vui cho mọi người và gia đình họ.
Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nhóm đến từ châu Mỹ Latinh, đặc biệt các đoàn hành hương Brasil đến từ Criciuma, Imbui, và Trindade, cũng như sinh viên trường Horizonte di Vita Nova de Gaia. Ngài cầu chúc mọi người ngày càng ý thức hơn đối với các ơn của Chúa Thánh Thần, và trung thành lắng nghe Chúa Thánh Linh để can đảm sống đời chứng nhân kitô.
Chào các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nêu bật tầm quan trọng của việc lãnh nhận bí tích Thêm Sức để sống tràn đầy ơn của bí tích Rửa Tội và là các nhân chứng đích thật của Chúa Kitô giữa lòng thế giới.
** Với các nhóm Ba Lan ngài cầu mong chuyến hành hương Roma củng cố họ trong đức tin đức cậy và đức mến. ĐTC đặc biệt chào mừng các thành viên tham dự cuộc gặp gỡ của giới trẻ tại Lednica vào thứ bẩy tới này để suy tư về các lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày”. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ đừng quên rằng họ là kho tàng quý báu cho thế giới. Hãy biết nhìn lên gương mặt của Con Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và trong mọi lúc của cuộc đời. Hãy hiến dâng cho Chúa mọi sự tâm trí, đôi tay thân xác để đi đến với tất cả những ai cần họ trợ giúp. Khi cử hành kỷ niệm 100 năm độc lập của Ba Lan, như thánh Gioan Phaolô II đã thường làm, xin các bạn hãy hôn đất Ba Lan thay tôi. Tôi xin phó thác các bạn cho sự che chở hiền mẫu của Đức Maria Nữ Vương Ba Lan.
Trong các nhóm Italia ĐTC đặc biệt chào các nữ tu dòng thánh Felice da Cantalice đang họp tổng tu nghị tại Roma, các linh mục và chủng sinh các trường Roma cũng như các Phó tế trường Urbano của Bộ Truyền giáo và các nữ tu sinh viên trường truyền giáo Mater Ecclesiae tại Castel Gandolfo và nhóm Ordo Viduarum. Ngài cũng chào nhiều đoàn hành hương của các giáo xứ, cách riêng Hiệp hội Roller House Osimo do ĐGM sở tại Claudio Giuliodori hướng dẫn, các sĩ quan và hạ sĩ quan trường Cảnh sát Velletri, Hiệp hội tinh thần hành tinh và Học viện Castelli tỉnh Brescia bắc Italia.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết ngày hôm nay là kết thúc tháng kính Đức Mẹ. Ngài xin Mẹ là nơi ẩn náu cho họ trong những lúc vui cũng như trong những khi gặp khó khăn, và hướng dẫn gia đình họ để chúng là tổ ấm của lời cầu nguyện và thông cảm lẫn nhau.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khả
i

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Số linh mục gia tăng ở Brazil

Số linh mục gia tăng ở Brazil

Theo một cuộc điều tra của Trung tâm Khảo sát xã hội và thống kê Tôn giáo (Ceris) dành cho Hội đồng các giám mục Brazil, vào năm 2017 Giáo hội Brazil có 27.300 linh mục so với 3 năm trước đó là 24.600 linh mục, tăng 11%.
Một linh mục cho 7.802 cư dân
Bước nhảy vọt này không đơn giản là kết quả của việc gia tăng dân số của quốc gia. Theo tờ báo Folha De Sao Paulo, trong năm 2014, một linh mục phục vụ cho 8.130 cư dân so với năm 2017 là 7.802 cư dân - ở Pháp, tỷ lệ này là một linh mục cho 5.500 cư dân.
Vào đầu những năm 2000, Giáo hội Công giáo Brazil có 16.000 linh mục.
Tuy nhiên, với số dân ở Brazil là hơn 200 triệu thì số linh mục vẫn còn khiêm tốn và có sự khác nhau giữa các vùng. Đức cha Erwin Kraütler, nguyên Giám mục của Xingu, Giáo phận lớn nhất nước, trong một buổi tiếp kiến tại Vatican vào tháng Tư năm 2014 đã trình bày với Đức Thánh Cha rằng Giáo phận này chỉ có 27 linh mục phục vụ cho 700.000 tín hữu .
Ơn gọi muộn
Nhưng làm thế nào giải thích bước nhảy vọt này của sự gia tăng ơn gọi vì số người Công giáo trong nước có xu hướng giảm?  Theo các cuộc thăm dò khác nhau thì người Công giáo dao động từ 50 đến 60% dân số. Tương tự như vậy, tỷ lệ "không tôn giáo" vẫn còn rất nhiều nơi dân tộc thiểu số, mức tăng khoảng 10%.
Sự gia tăng số linh mục được giải thích phần lớn bởi sự gia tăng của các ơn gọi trễ. Ngày càng có nhiều người đàn ông trung niên quyết định vào chủng viện. Xu hướng này đã được thảo luận tại cuộc họp gần đây của Hội đồng Giám mục Brazil. Vì có nhiều tiến bộ trong cuộc sống của họ, các chủng sinh này đã có thể đào sâu thêm ước muốn trở thành linh mục và tăng cường sự lựa chọn của họ.
Tại buổi gặp gỡ của các Giám mục Brazil, Đức cha Jaime Spengler, Tổng Giám mục Porto Alegre hoan nghênh sự gia tăng ơn gọi trong một "bối cảnh đa nguyên tôn giáo ở Brazil", ngay cả khi nó không "đáp ứng nhu cầu" của  Giáo hội Công giáo Brazil. (Sismografo 26-5-2018)
Ngọc Yến

Đức Thánh Cha tiếp pháI đoàn bác sĩ Công Giáo quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp pháI đoàn bác sĩ Công Giáo quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp pháI đoàn bác sĩ Công Giáo quốc tế
28/05/2018 11:31
 VATICAN. ĐTC kêu gọi các bác sĩ Công Giáo đừng trở thành những người chỉ thi hành ý muốn của bệnh nhân hoặc những đòi hỏi của chế độ y tế nơi mình làm việc.
 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 28-5-2018, dành cho phái đoàn 22 bác sĩ lãnh đạo Liên hiệp quốc tế các bác sĩ Công Giáo đến gặp ĐTC trước khi Hội nghị lần thứ 25 của Liên hiệp sẽ tiến hành tại Zagreb thủ đô Croát từ ngày 30-5 đến 2-6-2018 về đề tài: “Tính chất thánh thiêng của sự sống và nghề y sĩ: từ thông điệp 'Sự sống con người' (Humanae vitae) đến thông điệp Laudato sì về việc bảo vệ thiên nhiên”.
 Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC ca ngợi lòng trung thành của Liên hiệp quốc tế các bác sĩ Công Giáo đối với Giáo huấn của Giáo Hội và ngài nói: ”Anh chị em được kêu gọi khẳng định vị thế trung tâm của bệnh nhân như nhân vị và phẩm giá với các quyền bất khả nhượng của họ, đứng đầu là quyền sống. Cần chống lại xu hướng hạ giá người bệnh thành một chiếc máy cần sửa chữa, không tôn trọng các nguyên tắc luân lý, và khai thác những người yếu thế nhất, loại bỏ những gì không đáp ứng ý thức hệ hiệu năng và lợi lộc. Sự bảo vệ chiều kích nhân vị của bệnh nhân là điều thiết yếu và nhân bản hóa y khoa.”
 ĐTC nói thêm rằng: ”Anh chị em hãy dấn thân cả trong những cuộc thảo luật liên quan đến các luật lệ về các vấn đề luân lý tế nhị như phá thai, sự kết thúc mạng sống con người và y khoa về hệ di truyền. Anh chị em hãy dấn thân cả trong việc bảo vệ tự do lương tâm của các bác sĩ và các nhân viên y tế. Một điều không thể chấp nhận được, đó là vai trò của anh chị em bị thu hẹp thành người chỉ thi hành ý muốn của bệnh nhân hoặc những đòi hò của hệ thống y tế, nơi anh chị em làm việc”.
 Liên hiệp các bác sĩ Công Giáo được thành lập năm 1966 với mục đích thăng tiến hoạt động y tế và xã hội phù hợp với Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và nâng đỡ tinh thần và luân lý cho các thành viên để họ biết khẳng định đức tin trong khi thi hành nghề nghiệp y khoa và mang các nguyên tắc luân lý đạo đức Kitô vào việc nghiên cứu khoa học.
 Liên hiệp hiện qui tụ 53 hiệp hội toàn quốc các bác sĩ Công Giáo tại 66 quốc gia, trong số này có 25 nước Âu Châu và 13 nước Á châu. (Rei 28-5-2018)
 G. Trần Đức Anh OP

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Gia đình, cái nôi của ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến

Gia đình, cái nôi của ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến

Giám mục, linh mục và tu sĩ ở Dar es Salaam - RV
Dar es Salaam - Đức cha Flavian Kasala, Giám mục Geita,  thành viên của Hiệp hội các Giám mục Công giáo Đông Phi (AMECEA), trong một cuộc họp gần đây ở Dar es Salaam nói: "Các gia đình là các trường mẫu giáo, từ đây sẽ có các linh mục, tu sĩ, cha mẹ và tín hữu tốt lành". Đức Giám mục quan sát rằng các gia đình có trách nhiệm bảo đảm và dự đoán một sự huấn luyện cho con cái của họ trước khi họ đến trường hoặc lãnh nhận các bí tích; Ngài nói: "Nếu con cái được giáo dục đúng cách, sẽ giúp họ dễ dàng đáp trả  ơn gọi của họ". Theo tường thuật của báo chí địa phương, Đức cha Kasala kêu gọi tất cả các bậc phụ huynh truyền đạt các giá trị Phúc Âm cho con cái của họ thông qua một sự huấn luyện vững chắc  về mặt nhân bản và Kitô, nhằm phá vỡ sự suy đồi đạo đức giữa những người trẻ trong xã hội.
ĐGM nhấn mạnh: "Xu hướng hiện nay của các người trẻ là không muốn kết hôn trong nhà thờ hoặc linh mục từ bỏ chức vụ của mình. Các sự kiện này sẽ khiến chúng ta suy nghĩ nghiêm túc và giải quyết những thách thức này một cách tốt nhất có thể”. Và Ngài khẳng định nhu cầu cấp bách cần đầu tư vào việc huấn luyện trong gia đình vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Đồng thời, Đức cha Kasala ca ngợi các cặp vợ chồng, cha mẹ, linh mục, tu sĩ nam nữ, những người sống ơn gọi của mình một cách nghiêm túc và tận tâm. Ngài chia sẻ: "Chúng tôi đã thấy những cuộc hôn nhân và gia đình ổn định, các linh mục và tu sĩ can đảm. Một số ít những người chống lại lời kêu gọi nên thánh không làm cho chúng ta thay đổi kỷ luật Giáo hội đã tồn tại trong nhiều năm".  Ngài cũng không quên lời có kêu gọi các tín hữu đi tiên phong cộng tác với chính quyền trong việc bảo vệ các trẻ vị thành chống lại lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Năm nay, Giáo hội ở Tanzania kỷ niệm 150 năm truyền giáo, trong sự tưởng nhớ  những người truyền giáo đầu tiên đã đến trên bờ biển của đất nước, tại Bagamoyo (25/5/2018 Agenzia Fides)
Ngọc Yế
n

Đức Giáo hoàng Phanxicô: Giáo hội không có nhiệm vụ thay đổi chính phủ


Đức Giáo hoàng Phanxicô: Giáo hội không có nhiệm vụ thay đổi chính phủ




VATICAN – Cuộc phỏng vấn Đức giáo hoàng Phanxicô cho thấy ngài có một đường lối tương tự với đường lối của vị tiền nhiệm của ngài.


Trong một cuộc trao đổi với giám đốc nhật báo L’Eco di Bergamo của Italia (được đăng trên báo này trong số ra ngày 24/5/2018), Đức giáo hoàng Phanxicô nói rằng ở cấp độ toàn cầu, ngài lo ngại về “tình trạng mất quân bình, vốn luôn gắn liền với nạn bóc lột vô tội vạ: bóc lột cả con người lẫn thiên nhiên”. Và ngài nói thêm: “Tuy nhiên, nhiệm vụ thực sự của Giáo hội không phải là thay đổi chính phủ, mà là đem luận lý của Tin Mừng vào tư duy và hành động của những người cầm quyền”. 
Những lời soi sáng này nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh đặc biệt của Giáo hội, vì Giáo hội không phải là và không bao giờ nên được coi là một “thực thể chính trị”, và mục tiêu hành động của Giáo hội không bao giờ là thúc đẩy việc thay đổi chính quyền hay chế độ. Tất nhiên, như thế không có nghĩa là im lặng trước những bất công hay kêu gọi người Kitô hữu cứ sống bình lặng và bàng quan. Nhưng nghĩa là không bao giờ được quên bản chất thật sự của Giáo hội là gì và phải tránh đừng để cho Giáo hội bị lợi dụng.

Những lời của Đức giáo hoàng Phanxicô cho chúng ta chiếc chìa khóa để hiểu được thái độ của Toà thánh đối với chính phủ Bắc Kinh chẳng hạn. Cuộc đàm phán lâu dài và khó khăn được tiến hành bởi các cộng sự viên gần gũi nhất của Đức giáo hoàng nhằm đạt được thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục không phải được thúc đẩy bởi bất kỳ một động cơ “chính trị” nào, mà hoàn toàn chỉ có mục tiêu Phúc âm, đó là vun trồng sự hiệp nhất của Giáo hội ở Trung Quốc qua mối liên kết không thể thiếu với người kế vị Thánh Phêrô, một yếu tố nền tảng của chính Giáo hội, và do đó cho phép tín hữu Công giáo Trung Quốc được sống đức tin của mình.

Điều này đã được Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà thánh Pietro Parolin giải thích, khi nói về các cuộc đàm phán với Bắc Kinh: “Tôi muốn nhắc lại một lần nữa những lời của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Thư gửi người Công giáo Trung Quốc. Ngài dạy rằng sứ mệnh của Giáo hội không phải là thay đổi cơ cấu hay sự quản lý của Nhà nước, mà là công bố cho mọi người biết Chúa Kitô, Đấng Cứu rỗi thế gian, nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Giáo hội ở Trung Quốc không muốn thay thế Nhà nước, nhưng muốn được bình an đóng góp cách tích cực cho thiện ích của tất cả mọi người. Do đó, sứ điệp của Toà thánh là một sứ điệp thiện chí, với hy vọng tiếp tục cuộc đối thoại đang được thực hiện để đóng góp cho đời sống của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, cho thiện ích của người dân Trung Quốc và cho hoà bình trên thế giới”.

Đức hồng y Parolin đề cập đến cách đối thoại của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI với Trung Quốc. Một cung cách phù hợp với những lời của Đức giáo hoàng Phanxicô. Vào tháng Mười Một 2016, Đức hồng y Jaime Ortega y Alamino, nguyên Tổng giám mục Havana, đã thổ lộ một cuộc nói chuyện của ngài với Đức giáo hoàng Ratzinger vào mùa hè năm 2012, tức là mấy tháng trước khi Đức giáo hoàng từ nhiệm. Đó là cuộc nói chuyện về Cuba và các mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ Cộng sản trên đảo Caribê.

Đức hồng y Ortega nói: “Trong cuộc đàm thoại cuối cùng của chúng tôi vào tháng Sáu hay tháng Bảy 2012, Đức giáo hoàng Bênêđictô nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài đến Cuba và nói: “Cuộc gặp gỡ Chủ tịch Raul Castro thật thú vị. Ông ấy là người muốn thực hiện nhiều thay đổi. Chúng ta phải giúp ông ấy. Giáo hội phải nhắm đến đối thoại. Giáo hội không ở trong thế gian để thay đổi các chính phủ, nhưng để đi vào trái tim của mọi người bằng Tin Mừng. Đó luôn là con đường của Giáo hội”. Ngài nói như thế khi nhìn nhận một thực tế là ngài đã có thể đến thăm Cuba, và trước đó là Đức Gioan Phaolô II, bởi vì chúng ta đã vẫn giữ quan điểm đối thoại này. Ngài nói rằng không có con đường nào khác”. Mấy tháng sau, trong Mật nghị Hồng y năm 2013, Đức hồng y Ortega kể lại lời của Đức giáo hoàng Ratzinger cho Đức hồng y Bergoglio, và Đức hồng y người Argentina đáp lại: “Câu nói của Đức giáo hoàng Bênêđictô cần được in trên biểu ngữ và đặt ở lối vào của mọi thành phố trên thế giới”.

(Vatican Insider, 25/5/2018)
Minh Đức

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (27.5.2018 – Chúa Nhật - Lễ Chúa Ba Ngôi)

Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (27.5.2018 – Chúa Nhật - Lễ Chúa Ba Ngôi)

  •  
  •  
  •  
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (27.5.2018 – Chúa Nhật - Lễ Chúa Ba Ngôi)
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
Lời ChúaMt 28, 16-20
Hôm ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Suy nim:
“Nếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất,
bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa.
Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn,
bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa”.
Nhiều người đã gặp thấy Ngài nhờ chiêm niệm suy tư.
Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa,
cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài.
Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc.
Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa?
Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài?
Phải là Ðấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa,
Ðấng ấy là Ðức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Nhờ Ðức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở,
nhờ Ngài mà chúng ta biết
có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị
là Cha, Con và Thánh Thần.
Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Tình Yêu,
Ngài duy nhất nhưng không đơn độc.
“Ta và Cha là một” (Ga 14,10).
“Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 16,15).
Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần.
Trong niềm hạnh phúc sung mãn,
Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình
và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa.
“Ðến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con
và trong Chúa Thánh Thần”:
đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.
Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy
và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy
và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23).
“Cha sẽ ban cho các anh một Ðấng Phù Trợ khác
để Ngài ở với các anh luôn mãi” (Ga 14,16).
Chúng ta cần có tương quan riêng với từng Ngôi!
Chúa Cha, Ðấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người.
Chúa Con, Ðấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống.
Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hoá và dẫn dắt Giáo Hội.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
là sống hiệp thông và chia sẻ,
là ở lại trong Tình Yêu
vì “ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
Mỗi ngày chúng ta làm dấu nhiều lần trên thân xác
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi
trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.
Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi,
nhưng làm Phép Rửa cho muôn dân
vẫn còn là ước mơ Ðức Giêsu chờ ta thực hiện.
Cầu nguyn:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ