label

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

ĐTC gửi sứ điệp cho Hội nghị quốc tế thần học luân lý

ĐTC gửi sứ điệp cho Hội nghị quốc tế thần học luân lý

Cần có các cá nhân và cơ cấu đảm trách việc lãnh đạo giúp tái khám phá ra và sống một các đúng đắn hơn trong thế giới qua việc chia sẻ cùng một số phận chung với tinh thần trách nhiệm và liên đới.
Linh Tiến Khải - Vatican
ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên trong sứ điệp gửi các tham dự viên hội nghị quốc tế về thần học luân lý triệu tập tại Sarajevo bên Bosni Erzegovina trong hai ngày 26-27 tháng 7 vừa qua. Trong sứ điệp ĐTC nêu bật giá trị biểu tượng của con đường hòa giải của thành phố này, sau cuộc chiến khốc liệt đã gây ra biết bao khổ đau cho dân chúng vùng này.
Sarajevo là thành phố của các cây cầu. Hội nghị cũng lấy nguồn cảm hứng từ đó và nhắm tới việc tái thiết một bầu khí chia sẻ và làm cho các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo, các quan điểm và định hướng chính trị xích lại gần nhau hơn. Với đề tài “xây các cầu chứ không xây các bức tường” hội nghị củng cố niềm hy vọng tiếp nhận mọi dấu chỉ và huy động mọi năng lực giúp loại trừ các bức tường chia rẽ và xây các cây cầu huynh đệ trên thế giới.
Trong một thời đại nguy hiểm như hiện nay cần chú ý tới thách đố của môi sinh, vì nó chứa đựng các khía cạnh có thể gây ra các mất quân bình trầm trọng, không phải chỉ trên tương quan giữa con người và thiên nhiên mà cả trên các tương quan giữa các thế hệ và các dân tộc nữa. Thách đố đó là chân trời của việc hiểu biết luân lý môi sinh và luân lý xã hội. Do đó việc chú ý tới đề tài của người di cư tỵ nạn rất nghiêm trọng và khơi dậy một sự hoán cải liên quan tới suy tư thần học luân lý trước khi liên quan tới các thái độ mục vụ thích hợp và các thực hành chính trị có tinh thần và ý thức trách nhiệm. Để nền luân lý thần học có thể góp phần đặc thù của mình, cần tạo ra một mạng lưới quy tụ người trên năm châu chuyên dấn thân suy tư và tìm ra các câu trả lời mới và hữu hiệu qua các phân tích, thực hành thương xót và chú ý tới thảm cảnh của con người, đồng hành và săn sóc nó với lòng thương xót. Để có thể thực hiện mạng lưới này cần xây các cây cầu, chia sẻ lộ trình và tăng tốc việc tiến đến gần nhau. Đây không phải là chuyện đồng nhất hóa quan điểm, nhưng là kiếm tìm sự đồng quy các ý hướng, rông mở đối thoại và đối chiếu các viễn tượng.
ĐTC mạnh mẽ kêu gọi và khích lệ các chuyên viên thần học môi sinh thực hiện được mạng lưới đó tận dụng các kinh nghiệm của nhiều hội nghị trước đó tại Padova và Trento, cũng như kinh nghiệm của các đại hội vùng miền đó đây trên thế giới giúp sống kiểu chia sẻ đem lại hoa trái cho toàn thể Giáo Hội (REI 27-7-2018)
 

Photogallery

ĐTC ở Sarajevo 6/2015

Hồng y McCarrick không còn là Hồng y nữa!

Hồng y McCarrick không còn là Hồng y nữa!

Bị cáo buộc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên khi còn là một linh mục ở New York cách đây 45 năm, ĐHY McCarrick đã trình thư từ chức HY và ĐGH Phanxicô đã nhận thư từ chức của ngài.
ĐHY Theodore McCarrick, 88 tuổi, tổng Giám mục hưu trí của Washington, không còn là Hồng y nữa.
Sáng ngày 28/07, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết là chiều ngày 27/07, ĐTC đã nhận được thư của ĐHY Theodore McCarrick xin từ chức Hồng y. Thông cáo viết tiếp: “ĐGH Phanxicô đã nhận đơn từ chức từ ĐHY và đã ra lệnh cho ngài ngưng thực thi bất kỳ sứ vụ công khai nào, cùng với việc buộc ngài phải ở lại trong một ngôi nhà sẽ được chỉ định cho ngài, để sống một cuộc đời cầu nguyện và sám hối, cho đến khi các cáo buộc chống lại ngài được làm rõ theo tiến trình thông thường của giáo luật.”
Những cáo buộc đáng tin và có nền tảng
Hồi tháng trước, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, theo chỉ thị của ĐGH Phanxicô, đã yêu cầu ĐHY McCarrick không thực thị bất cứ sứ vụ linh mục nào cách công khai. Quyết định được đưa ra sau khi Ủy ban của tổng giáo phận New York kết luận rằng những cáo buộc chống lại ĐHY McCarrich, cáo buộc ngài lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, là đáng tin và có nền tảng. ĐHY McCarrick đã chấp nhận quyết định dù nói rằng mình vô tội.
ĐHY O’Malley yêu cầu có thủ tục rõ ràng đối với các hành xử không thích hợp của linh mục, tu sĩ và hồng y
ĐHY Sean Patrick O’Malley, Tổng giám mục Boston và cũng là chủ tích Ủy ban Giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên, bức xúc trước những tin tức liên quan đến ĐHY McCarrick, trong đó có cáo buộc về các hành xử không thích hợp với cả người lớn nữa. ĐHY O’Malley khẳng định rằng những hành động này không thể chấp nhận về luân lý và không thích hợp với vai trò của linh mục, giám mục hay hồng y.
ĐHY O’Malley nói rằng những trường hợp này và những trường hợp khác giống như thế đòi hỏi điều khác hơn là những lời xin lỗi. Ngài lưu ý rằng khi có các cáo buộc chống lại một Giám mục hay một Hồng y, thì có một sự thiếu sót lớn trong chính sách của Giáo Hội liên quan tới cung cách hành xử và việc lạm dụng tính dục. Giáo Hội Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách “không khoan nhượng” liên quan tới việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ phía các linh mục, nhưng cần có các thủ tục rõ ràng hơn đối với các trường hợp liên lụy tới các Giám Mục. Vì thế Giáo Hội cần có môt chính sách mạnh mẽ toàn diện để đối phó với các vụ vi phạm lời khấn độc thân từ phía các Giám Mục trong các vụ tội phạm lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và trong các vụ liên quan tới người lớn. Một cách cụ thể cần có các thủ tục trong sáng và trung thực để bảo đảm công lý cho các nạn nhân và trả lời cho sự phẫn nộ chính đáng của tín hữu.
Với việc ĐHY McCarrick từ chức, Hồng y đoàn còn 224 vi, trong đó có 124 Hồng y cử tri và 100 Hồng y trên 80 tuổi không có quyền bỏ phiếu.

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Thư mục vụ tháng 8 của Giám mục Giáo phận Long Xuyên

Thư mục vụ tháng 8 của Giám mục Giáo phận Long Xuyên


  •  
  •  
  •  
Thư mục vụ tháng 8  của Giám mục Giáo phận Long Xuyên
Thư mục vụ tháng 8
Linh mục Giáo phận Long Xuyên
Tử đạo trong sinh hoạt thường huấn

Anh chị em thân mến!
Thư mục vụ tháng 8 tập trung vào chủ đề thường huấn của linh mục đoàn giáo phận. Lý do cụ thể để giáo phận chọn chủ đề này là vì ngày 4/8 là lễ Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng của các linh mục trong toàn Giáo hội. Ngài là gương mẫu sống động cho các linh mục trong hoàn cảnh ngày nay về sự thăng tiến không ngừng trên con đường nên thánh, đặc biệt là bằng một cách sống khổ chế cách nhiệm nhặt của một vị thánh tử đạo trong đời sống và tác vụ linh mục. Hơn nữa, Giáo hội Việt Nam đang sống trong năm thánh kỷ niệm 30 năm 117 vị tử đạo tại Việt Nam được tuyên thánh, trong đó có 8 giám mục, 40 linh mục, đặc biệt là cha thánh Phêrô Đoàn Công Quý là cha sở của họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng). Chính vì thế, chủ để thư mục vụ tháng 8 là “Linh mục Giáo phận Long Xuyên tử đạo trong sinh hoạt thường huấn.
Ba ý tưởng chính từ Lời Chúa (Mt 5, 13-20) soi sáng cho chủ đề của Thư mục vụ:
"Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi”(c.13). Ơn gọi linh mục luôn phải đối phó với nguy cơ biến chất từ bản tính yếu đuối của con người. Một cách cụ thể và thực tế, những nguy cơ đó phát xuất từ những bản năng thấp hèn được liệt kê trong 7 mối tội đầu. Theo ý nghĩa này, việc thường huấn của linh mục trở thành thiết yếu như một giai đoạn không thể thiếu, tiếp nối công cuộc đào tạo khai tâm trong chủng viện. Đồng thời, việc thường huấn cũng là một cuộc chiến đấu liên lỉ nhằm chống lại với bản năng tự nhiên của bản thân trong suốt cuộc hành trình ơn gọi; cuộc chiến với chính mình luôn là một cuộc chiến cam go mang tính tự hủy và tử đạo. Như vậy, trung thành với việc thường huấn để trung tín và thăng tiến trong ơn gọi linh mục là cuộc tử đạo của đời linh mục.
"Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (c.14, 16). Là hiện thân của Đức Kitô, linh mục thi hành sứ vụ đem ánh sáng Tin Mừng của Thiên Chúa cho một thế giới luôn thay đổi. Để sứ vụ đem lại hiệu quả, linh mục được đòi hỏi luôn được cập nhật và canh tân; cập nhật và canh tân sự nhiệt tình tông đồ; cập nhập và canh tân kỹ năng tông đồ; cập nhật và canh tân những hình thức diễn tả; cập nhật và canh tân những tương quan tông đồ. Đặc biệt là trong một xã hội bị tục hóa trầm trọng muốn loại trừ Thiên Chúa và kết án Giáo hội, sống trung thành với chương trình thường huấn là sự chọn lựa tử đạo vì là sự tự hủy để trở thành dụng cụ của Chúa Thánh Thần nhằm “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Như vậy, thiện ý và thiện chí trong sứ vụ linh mục đòi hỏi sự tử đạo trong thường huấn.
“Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phẩy trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”(c.18, 19). Trong một bầu khí đề cao sự tự do cá nhân và quảng cáo cho sự thụ hưởng ích kỷ, linh mục thực hiện ơn gọi và tác vụ linh mục như một ngôn sứ và như một chứng nhân giữa cộng đoàn nhân loại và hội thánh. Đây là một cuộc hành trình đòi hỏi một cách sống nghiêm túc và khổ chế. Sự nghiêm túc và khổ chế được biểu hiện rõ nét trong cuộc sống thường nhật nhờ sự chọn lựa triệt để thi hành những lời khuyên phúc âm là vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh. Theo ý nghĩa này, lý tưởng mà người linh mục sống tu đức trong ơn gọi linh mục phải đạt đến là “Nếu mắt con, nếu tay con, nếu chân con nên dịp tội cho con, hãy móc nó, hãy chặt nó và quăng nó đi…”. Lý tưởng sống này đòi hỏi thường xuyên tự đào tạo chính mình, để được cắt tỉa và lột xác trong ơn gọi và sứ vụ linh mục. Đó là thánh giá tử đạo của đời linh mục.
Thánh Gioan Maria Vianney, 8 thánh giám mục và 50 thánh linh mục Tử Đạo Việt Nam, cụ thể là thánh Phêrô Đoàn Công Quý, đã sống ơn gọi và thi hành tác vụ linh mục với cây thập giá thường huấn trên vai. Theo gương thánh Gioan Maria Vianney, các linh mục Long Xuyên được mời gọi đi vào con đường tử đạo nhờ chương trình thường huấn trong đời sống thường nhật. Cách cụ thể, đó là chỉnh chu trong việc dọn giảng. Đó là nhiệt tình ngồi tòa giải tội. Đó là nghiêm trang chuẩn bị dâng lễ và cám ơn sau rước lễ. Đó là sự khổ chế và đơn giản trong ăn mặc và đồ dùng cá nhân. Đó là quên mình để đáp ứng những nhu cầu của tha nhân…Đây là cách các linh mục đáp lại lời mời gọi của Thầy Chí Thánh: “Ai muốn theo Ta hãy tử bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”. Vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chính là biến chương trình sống hằng ngày thành chương trình thường huấn.
Theo gương Thánh Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý, các linh mục Long Xuyên được mời gọi đi vào con đường tử đạo nhờ chương trình thường huấn trong đời sống cộng tác với giáo dân phục vụ cộng đoàn giáo xứ. Thật vậy, Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, với tư cách là cha sở, đã xây dựng cộng đoàn nhờ cộng tác với hàng tu sĩ tại họ đạo Cái Mơn (nay thuộc giáo phận Vĩnh Long), và cộng tác với hàng giáo dân, điển hình là ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng tại họ đạo Cù Lao Giêng. Với đức ái mục tử của một cha sở, Thánh Phêrô Quý đã chấp nhận nguy hiểm tính mạng, để hiện diện giữa cộng đoàn, để phục vụ nhu cầu tâm linh của cộng đoàn, để khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ bảo bọc của cộng đoàn, để chia sẻ cuộc sống khó khăn và nguy hiểm với cộng đoàn…Phần thưởng của cha Thánh Quý là cùng chịu đau khổ và được tử đạo với giáo dân. Đây là cách linh mục Long Xuyên kiên trì thực hiện lý tưởng của Thầy Chí Thánh giữa công đoàn: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người”
 Theo gương 8 thánh giám mục và 50 linh mục tử đạo Việt Nam, trong đó có 21 vị thừa sai gốc Tây Ban Nha và Pháp, hàng giáo sĩ Long Xuyên được mời gọi sống đời tử đạo nhờ vào chương trình thường huấn trong sứ vụ ra đi ngoại biên loan báo Tin Mừng. Quả thật, trong địa bàn giáo phận, chỉ có trên 230.000 người Kitô hữu trong tổng số trên 4.200.000 dân cư; chiếm khoảng 5%. Lệnh lên đường Loan báo Tin Mừng vẫn là khẩn cấp cho Giáo phận, đặc biệt là cho hàng giáo sĩ.  Như các vị thánh thừa sai tử đạo, hàng giáo sĩ luôn làm mới sự nhiệt tâm truyền giáo nhờ vào chương trình thường huấn, cụ thể là cầu nguyện cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng; thăm viếng các giáo xứ, giáo họ, giáo điểm truyền giáo; cổ vũ cho nhiều người góp phần vào sứ vụ Loan báo Tin Mừng; hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho công cuộc Loan báo Tin Mừng. Đặc biệt là khi có cơ hội chọn lựa hay khi được mời gọi, với tinh thần rũ bỏ để ra đi, các linh mục sẵn sàng để mình được sai đi thi hành sứ vụ Loan báo Tin Mừng, trong giáo phận hay ngoài giáo phận. Đây là cách linh mục Long Xuyên động viên nhau thực hiện cuộc tử đạo khi thực hiện lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Các con hãy ra đi khắp tứ phương thiên hạ…”. Ước gì hàng giáo sĩ Long Xuyên tiếp tục vác thánh giá thường huấn trong đời linh mục, để cho dân Chúa được sống và được sống dồi dào.
Riêng anh chị em tu sĩ và giáo dân thân mến,
Trách nhiệm đối với việc thường huấn dành cho các linh mục không chỉ là của đương sự linh mục, của linh mục đoàn, hay của các Đức giám mục giáo phận, mà còn là của giáo dân, của cộng đoàn giáo xứ, của thân bằng quyến thuộc của các linh mục nữa. Chính vì thế, xin anh chị em tu sĩ và giáo dân góp phần của mình trong việc thường huấn của các linh mục, bằng cầu nguyện, bằng hy sinh, và bằng chính những hành vi bác ái dành cho các linh mục.
Giáo phận Long Xuyên phó dâng chương trình thường huấn của các linh mục trong Giáo phận cho Chúa, qua lời bầu cử của Thánh Gioan Maria Vianey, bổn mạng các cha sở, của các thánh tử đạo Việt Nam, đặc biệt là Thánh linh mục Phêrô Đoàn Công Quý và Thánh giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng, để nhờ ơn Chúa như là nguồn lực, chính việc thường huấn như là sự trợ lực, các linh mục phát huy được chính nội lực của mình, hầu sống trọn vẹn căn tính linh mục, với các thừa tác vụ: ngôn sứ, tư tế, và lãnh đạo cộng đoàn, trong niềm xác tín như Thánh Gioan Maria Vianey: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn”.
  + Giuse Trần Văn Toản
 Giám mục phó Giáo phận
                                                                                 + Giuse Trần Xuân Tiếu
                                                                           Giám mục Chính tòa Giáo Phận

BỔ NHIỆM VÀ CHUYỂN ĐỔI NHIỆM VỤ VÀ NHIỆM SỞ THÁNG 7/2018

BỔ NHIỆM VÀ CHUYỂN ĐỔI NHIỆM VỤ VÀ NHIỆM SỞ
THÁNG 7/2018
***
Đấng Bản Quyền giáo phận Long Xuyên đã quyết định bổ nhiệm và chuyển đổi nhiệm vụ và nhiệm sở các linh mục có tên sau đây:

1/ Cha Antôn Phạm Duy Tân
  • Nhiệm sở cũ: Đi học ở Mỹ
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Ngọc Thạch
2/ Cha Vinhsơn Vũ Viết Võ
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Lạng Sơn – Tân Thạnh
  • Nhiệm sở mới: Cha Quản sở Giáo họ Thuận Tiến, Hà Tiên
3/ Cha Gioan B. Nguyễn Công Lệnh
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Tri Tôn – Châu Đốc
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Thánh Gia - K.Thầy Ký – Vĩnh Thạnh
4/ Cha Stephanô Nguyễn Quốc Thắng
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Trung Thành – Tân Thạnh
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Cù Lao Gieng – Chợ Mới
5/ Cha Boscô Trần Hoàng Đăng Tâm
  • Nhiệm sở cũ: Giáo Xứ Núi Tượng – Long Xuyên
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Núi Sập – Long Xuyên
6/ Cha Giuse Huỳnh Phong Phú
  • Nhiệm sở cũ: giáo xứ Môi Khôi Láng Sen – Vĩnh An
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Thạnh An – Vĩnh Thạnh

7/ Cha Giuse Dinh Phi Thoàn
  • Nhiệm sở cũ: Gx Đài Đức Mẹ Tân Hiệp – Tân Hiệp
  • Nhiệm sở mới: Phó Gx Bình Châu K8 A – Tân Thạnh
8/ Cha Giuse Nguyễn Đức Thịnh
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Quý Phụng – Rạch Giá
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo Xứ Cần Xây – Long Xuyên
9/ Cha Martinô Trịnh Ngọc Thạch
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Antôn K.1a – Tân Hiệp
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Núi Tượng – Long Xuyên

 10/ Cha Gioan B. Nguyễn Bỉnh Khiêm
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Ngọc Thạch – Vĩnh Thạnh
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Đài Đức Mẹ - Tân Hiệp
11/ Cha Phêrô Phạm Đức Toàn
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Ngọc Chúc – Rạch Giá
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ An Tôn – K.1a – Tân Hiệp

​12/ Cha Giuse Vũ Thiện Mỹ
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Tân Bình,Tràm Chẹc - Rạch Giá
  • Nhiệm sở mới: Quản sở Giáo họ Xẻo Dinh - Rạch Giá
13/ Cha Giuse Giang Hòa Vinh
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Tân Long, K 2a
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Châu Đốc - Châu Đốc

14/ Cha Giuse Đỗ Quang Thái Hà (SDB)
  • Nhiệm sở cũ: Tu sở Vĩnh Hiệp – Rạch Giá
  • Nhiệm sở mới: Phó giáo xứ Trung Thành K.8 – Tân Thạnh
15/  Cha Giêrônimô Nguyễn Trung Cương, CRM
  • Nhiệm sở cũ: Giáo Xứ Mong Thọ - Rạch Giá
  • Nhiệm sở mới: Quản sở Giáo họ Xẻo Tam - Rạch Giá
16/ Cha Phanxicô X. Trần Đình Hoành, CRM
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Hòa Hưng – Rạch Giá
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Giuse An Bình, Đầu KF– Vĩnh An
 17/ Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Thức, CRM
  • Nhiệm sở cũ: Giáo xứ Đền Thánh Giuse An Bình
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Mong Thọ - Rạch Giá

​18/ Cha Phanxicô Assisi M. Nguyễn Trung Tín, CRM
  • Nhiệm sở cũ: Nhà dòng Thủ Đức
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Hòa Hưng - Rạch Giá
19/ Cha Martino - Thinh M.  Hoàng Văn Đình, CRM
  • Nhiệm sở cũ: Nhà dòng, Thủ Đức
  • Nhiệm sở mới: Phó Giáo xứ Minh Châu - Rạch Giá

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Thánh Lễ an táng Đức Hồng y Jean Louis Tauran

Thánh Lễ an táng Đức Hồng y Jean Louis Tauran

ĐTC rảy nước thánh trên quan tài ĐHY Tauran
12/07/2018 15:32
Sáng ngày 12707, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Hồng y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự Thánh lễ an táng Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, qua đời ngày 05/07 vừa qua.
Cùng đồng tế với ĐHY Sodano, có các Hồng y, tổng Giám mục và Giám mục. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng hiện diện trong Thánh lễ. Bà Geneviève Duber, chị gái của ĐHY Tauran cũng có mặt trong Thánh lễ. Cũng có sự hiện diện của khoảng 1000 tín hữu, những người có liên hệ với Đức cố Hồng y cách này hay cách khác.
Trong bài giảng Thánh lễ, ĐHY Sodano đã nhắc về vị Hồng y “không thể quên Tauran, người đã phục vụ Giáo hội của Chúa Kitô cách can đảm cho dù chịu gánh nặng nề của bệnh tật. ĐHY Sodano nói: “Trong Tin mừng, Chúa Giêsu nhắc chúng ta về những Mối Phúc thật của các Kitô hữu. Thật luôn cảm động khi nghe những Mối Phúc này được công bố trong Giáo hội. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Phúc cho những ai hiền lành. Phúc cho những người có lòng thương xót. Phúc cho những ai có tâm hồn thanh sạch. Phúc cho những người kiến tạo hòa bình. Đó là các Mối Phúc đã soi sáng cuộc đời của người anh em yêu dấu đã qua đời như những vì sao chiếu sáng hành trình của ngài.” ĐHY Sodano nhấn mạnh rằng ĐHY Tauran đã là chứng nhân về tinh thần tông đồ vĩ đại trong nhiều năm.
ĐHY niên trưởng Hồng y đoàn cũng đề cao con người tuyệt vời của Đức Hồng y Tauran trong thiên chức linh mục, giám mục và Hồng y, và ngài đã dâng hiến cuộc sống để phục vụ Tòa Thánh, Giáo hội và cuối cùng, cho cuộc đối thoại với những người thiện chí. ĐHY Sodano nói: “Bằng cách đó, ngài đã theo đường lối được Công đồng đại kết Vatican II đưa ra trong sự dấn thân – theo Hiến chế Vui mừng và Hy vọng” – để “là anh em và do đó được kêu gọi trở thành một ơn gọi hiển nhiên duy nhất, nhân bản và thần thánh”, khi hoạt động cùng nhau “không bạo lực, không lừa dối” cho việc kiến tạo một thế giới thật sự hòa bình.”
ĐHY Sodano nhắc với cộng đoàn: “Chúng ta hiện diện thật đông ở đây để tạ ơn Chúa đã ban ngài (ĐHY Tauran) cho chúng ta, trong khi nhắc lại lời cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, chúng con không than khóc bởi vì Chúa đã đưa ngài (ĐHY Tauran) rời xa chúng con, nhưung chúng con tạ ơn Chúa bởi vì đã ban ngài (ĐHY Tauran) cho chúng con.
Cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức từ biệt.
ĐHY Jean Louis Tauran qua đời ngày 05/07 khi đang chữa bệnh tại Hartford, Hoa kỳ, sau thời gian lâu dài bị bệnh Parkinson, hưởng thọ 75 tuổi. (Vatican News 12/07/2018)
Hồng Thủy