label

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Diễn từ chào mừng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski của Chủ tịch HĐGM VN

Diễn từ chào mừng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski của Chủ tịch HĐGM VN


Trọng kính Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski,
Đối với Giáo hội Việt Nam, cách riêng là với Hội đồng Giám mục Việt nam, ngày 21 tháng 5 năm 2018 là một ngày lịch sử, ngày mà Đức Tổng được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Đại diện không thường trú tại Việt Nam. Chúng con xin chúc mừng và kính chào Đức Tổng.   
Từ đó, chúng con vẫn ngong ngóng chờ ngày Đức Tổng đến chính thức ra mắt Giáo hội và chính phủ Việt Nam. Sau 11 tháng chờ đợi tính từ ngày Đức Tổng Leopoldo ra đi và sau hơn 4 tháng kể từ ngày Đức Tổng Marek Zalewski được bổ nhiệm, ngày 11/09/2018 vừa qua, Đức Tổng đã đặt chân xuống phi trường thủ đô Hà nội, mở đầu cho sứ mệnh của ngài tại Việt nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đức Tổng đã đi thăm Giáo tỉnh Hà Nội và hiện nay đang thăm Giáo tỉnh Sài Gòn. Bản thân con là Tổng Giám mục Huế, rất ước mong được đón tiếp Đức Tổng tại Giáo tỉnh Huế, đặc biệt là tại linh địa La Vang, nơi sẽ diễn ra lễ bế mạc năm thánh tôn vinh các thánh Tử đạo Việt Nam ngày 24/11/2018.

Kính thưa Đức Tổng,
Sau 18 năm bị chia đôi, đất nước Việt Nam đã được thống nhất năm 1975. Nhưng đó cũng là lúc Việt nam cắt đứt quan hệ ngoại giao với Toà Thánh Vatican. Mãi đến năm 2011 mới có một vị đại diện Toà Thánh đầu tiên, đó là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, nhưng chỉ với quy chế ngoại giao thấp nhất là đại diện không thường trú. Suốt 6 năm sứ vụ tại Việt Nam, Đức Leopoldo Girelli đã làm hết sức mình để đưa quan hệ ngoại giao Vatican-Việt Nam lên hàng đại diện thường trú. Nhưng mãi tới nay, khi Đức Tân Đại diện về nhận nhiệm vụ, quy chế không thường trú vẫn tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, chúng con nghĩ rằng nhiệm kỳ của Đức Tổng có thể sẽ mở ra một niềm hy vọng. Chúng con tin tưởng rằng những gì vị tiền nhiệm đã gieo sẽ sinh hoa kết trái trong nhiệm kỳ của Đức Tổng. Đúng như lời thánh Phaolô đã nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô : “Tôi trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6). Chính Thiên Chúa mới là vị đạo diễn tối cao.
Về nguồn gốc, Đức Tổng là người đến từ một thế giới khác nên thoạt nghĩ, chúng con đặt ra câu hỏi không biết Đức Tổng có thể am hiểu được tình hình của một nước đặc thù như Việt Nam không. Nhưng nhìn kỹ lại quá trình hoạt động của Đức Tổng, chúng con thấy tin tưởng hơn. Chúng con không thể tưởng tượng được chỉ với 55 tuổi đời, và chỉ mới 23 năm trong ngành ngoại giao, Đức Tổng lại kinh qua nhiều nhiệm sở, nhiều nước và nhiều châu lục đến thế : từ những nước nghèo đói Phi châu như Trung Phi, Zimbabwe, cho đến một tổ chức đẳng cấp nhất hành tinh như Liên hiệp Quốc ở New York, những quốc gia Âu châu của nền văn hoá Kitô giáo như Anh Quốc, Đức Quốc, cho đến những khu vực văn hoá Trung Quốc như Thái Lan, Singapore và Malasia. Như vậy, cả thế giới đã in dấu chân của Đức Tổng. Vốn liếng và kinh nghiệm ngoại giao của Đức Tổng quả là đa dạng và phong phú.

Ngoài ra, Đức Tổng còn là người Ba Lan, đất nước quê hương của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đầy can đảm và khôn ngoan, đất nước đã từng có chung một thể chế chính trị như Việt Nam hiện nay. Với tất cả những yếu tố nêu trên, chúng con tin tưởng Đức Tổng sẽ vượt qua mọi khó khăn vốn là những tồn đọng của thời chiến tranh ý thức hệ trước đây.
Chúng con cũng cảm thấy rất ấm lòng khi Đức Tổng về tham dự kỳ họp thường niên này với Hội đồng Giám mục Việt Nam. Sự hiện diện của Đức Tổng là một bằng chứng cho mối dây hiệp thông hữu hình giữa Toà Thánh và Giáo hội Việt Nam, là tín hiệu báo trước một cuộc đồng hành tận tình của Đức Tổng với Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chúng con cầu chúc Đức Tổng thành công trong sứ vụ tại Đông nam á, cách riêng là tại Việt Nam.


Sau đây, trước khi nhường lời cho Đức Tổng đáp từ, với tư cách chủ tịch khi bắt đầu hội nghị thường niên và theo thông lệ, con xin có đôi lời với các thành viên của Hội đồng Giám mục Việt nam.
Kính thưa Đức hồng y Phêrô và quý Đức cha,
Người anh em giám mục đón tiếp chúng ta là Đức cha Phêrô Nguyễn văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho. Chúng con xin cám ơn Đức cha và Giáo phận Mỹ tho đã đón tiếp chúng con tại trung tâm mục vụ này. Chúng con cũng xin chúc mừng Đức cha và giáo phận năm vừa qua đã hoàn thành được công trình vĩ đại mà mọi thành phần Dân Chúa từ bao thế hệ hằng mong đợi. Về Mỹ Tho, chúng con có dịp đi lại dấu chân mục tử của Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, hiện đang hưu dưỡng tại Sài Gòn. Chúng con cũng hiệp ý với Giáo phận Mỹ Tho để cầu nguyện cho Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, qua đời tại Rôma trong chuyến viếng thăm Ad limina tháng 3/2018.

Kỳ họp thường niên lần này, chúng ta có thêm một tham dự viên mới, đó là Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường. Ngày 27/06 vừa qua ngài đã chính thức nhận nhiệm vụ chủ chăn Giáo phận Thanh Hoá. Đây là lần đầu tiên ngài tham dự hội nghị thường niên của HĐGM. Ngài cùng với Đức cha Luy Nguyễn anh Tuấn, Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Phụ tá Xuân Lộc, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục Phó Đà Lạt, vừa kết thúc khoá tu nghiệp dành cho các tân giám mục tại Roma. Xin cầu chúc các đấng nhờ những hành trang mới tiếp thu, sẽ được vững tin hơn trong tác vụ giám mục.
Chúng con cũng xin chúc mừng Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên và Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng sẽ lên đường đi dự Thượng hội đồng Giám mục từ ngày 3-28/10/2018 tại Roma. Dự khuyết là Đức cha Giuse Vũ văn Thiên nên chúng con xin cầu chúc hai vị kia khoẻ mạnh để Đức cha Thiên được an tâm công tác ở nhà.

Hội nghị thường niên lần này diễn ra trong bối cảnh chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa qua đời. Ngày 27/09/2018 tới đây, Đức tân Đại diện Marek Zalewski sẽ bay ra Hà Nội để kính viếng. Ông chủ tịch là yếu nhân cấp thượng tầng nên lẽ ra, nếu không có gì trở ngại, ban thường vụ sẽ thay mặt HĐGM làm nhiệm vụ phúng viếng, nhưng vì bận hội nghị, chúng con mạo muội đề xuất Đức hồng y Phêrô, người có tước vị cao nhất vừa ở Hà Nội, cùng với Đức cha Giuse Nguyễn Năng, đồng hương Ninh Bình với ông Trần Đại Quang tháp tùng Đức Khâm sứ ra Hà Nội.

Kính thưa hội nghị,
Mỗi lần chúng ta nhóm họp hội nghị, chúng ta thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình thương mục tử của chúng ta đối đàn chiên Giáo hội Việt Nam. Thế giới ngày nay thay đổi quá nhanh khiến cho sứ mệnh chúng ta mỗi lúc một khó khăn hơn. Chúng ta không biết có thể làm hết được những gì Chúa và Giáo hội trao phó không. Nhưng điều chắc chắn là tất cả những gì chúng ta sẽ thảo luận và quyết định trong kỳ họp này đều nhằm mục đích lợi ích của Dân Chúa trên quê hương Việt Nam. Cũng vì thế, hội nghị của chúng ta mang chở niềm hy vọng cho các Kitô hữu Việt Nam, cho các giáo phận và cho các dòng tu nam nữ.

Kính thưa hội nghị,
Trong niềm vui được đón tiếp Đức tân Đại diện Toà Thánh, trong tình hiệp thông cố hữu của các thành viên Hội đồng Giám mục Việt Nam, con xin cầu chúc hội nghị đạt kết quả như mong muốn và xin long trọng tuyên bố khai mạc hội nghị thường niên HĐGM kỳ II/2018 tại Mỹ Tho.

 + Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch HĐGM VN







ĐTC dâng Thánh lễ tại quảng trường đền thánh Mẹ Thiên Chúa ở Aglona, Lettoni

ĐTC dâng Thánh lễ tại quảng trường đền thánh Mẹ Thiên Chúa ở Aglona, Lettoni

ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria, dám dấn thân đón nhận nhau, nâng đỡ người sa ngã đứng dậy và tha thứ cho nhau.
Giuse Trần Đức Anh - Vatican
 Đền thánh Đức Mẹ Aglona cách thủ đô Riga 190 cây số về hướng đông nam. Aglona chỉ có 874 dân cư và thổ ngữ địa phương có nghĩa là ”cây thông”. Làng này thuộc vùng gọi là Latgavia, nghĩa là ”Lãnh thổ của Mẹ Maria” và Đền thánh tại đây quen được gọi là ”Lộ Đức của Lettoni”: mỗi năm vào dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, 15-8, có khoảng 100 ngàn tín hữu hành hương đến đây.
Trong đền thánh tôn kính Bức Ảnh Đức Mẹ đang bồng Chúa Giêsu, theo tương truyền đã được một hiệp sĩ mang về đây từ thành Constantinople, nay thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ. Danh tiếng bức ảnh Đức Mẹ làm phép lạ này được lan rộng tới những vùng lân cận ở Nga, Bạch Nga và Lituani. 
 Hồi năm 1993, ĐGH Gioan Phaolô 2 cũng đã cử hành thánh lễ tại đây trước sự hiện diện của khoảng nửa triệu tín hữu.
 Khi đến Aglona vào lúc 4 giờ chiều, ĐTC đã được các tín hữu tiếp đón nồng nhiệt và ngài tiến qua các lối đi để chào thăm hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại đây.
 ĐTC đã cùng với các GM Lettoni và hàng trăm LM cử hành thánh lễ đồng tế kính Đức Mẹ, theo chủ đề của chuyến viếng thăm là câu: ”Xin Mẹ tỏ ra là Mẹ chúng con”. Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đặc biệt quảng diễn ý nghĩa lời Chúa Giêsu trên thánh giá trăn trối Mẹ Ngài cho thánh Gioan và dạy môn đệ yêu quí hãy nhận Mẹ Maria. Ngài nói:
Mẹ Maria đững vứng dưới chân thánh giá - Mẹ gần gũi với người đau khổ
Tin mừng theo thánh Gioan chỉ kể lại 2 lúc trong cuộc đời Chúa Giêsu gặp Mẹ ngài: tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12) và lúc Mẹ đứng cạnh thập giá (19,25-27). Dường như thánh sử Phúc Âm muốn tỏ cho chúng ta thấy Mẹ Chúa Giêsu trong những tình cảnh có vẻ đối nghịch nhau trong cuộc sống: một bên là niềm vui của một lễ cưới và  bên kia là nỗi đau khổ vì cái chết của một người con.
 Điều đầu tiên thánh sử Phúc Âm lưu ý là Mẹ Maria đứng vững cạnh con của Mẹ. Đó không phải là một cách đứng khơi khơi, cũng chẳng phải là cách tránh né, và càng không phải là một thế đứng nhát đảm. Nhưng là đứng vững, như đóng đinh dưới chân thập giá, như cho thấy không gì hoặc không ai có thể đẩy Mẹ ra khỏi nơi ấy. Qua sự kiện đó, Mẹ chứng tỏ sự gần gũi với những người đau khổ, với những người mà thế gian xa tránh, Mẹ ở cạnh những người bị mọi người phán đoán, lên án, lưu đày... Cùng với họ, có Mẹ, bị đóng chặt vào thập giá vì sự thiếu cảm thông và đau khổ.
 ”Động chạm” đến đau khổ của tha nhân
Mẹ Maria cũng tỏ cho chúng ta một cách thức ở cạnh những thực tại ấy: đó không phải là một cuộc đi dạo hoặc một cuộc viếng thăm chớp nhoáng, và càng không phải là một ”cuộc du lịch liên đới”. Điều cần là những người đang chịu đau khổ cảm thấy chúng ta ở cạnh họ và đứng về phía họ, một cách kiên vững; tất cả những người bị xã hội gạt bỏ có thể cảm thấy Mẹ gần gũi họ một cách tế nhị, vì nơi người đau khổ vẫn còn những vết thương mở rộng của Chúa Giêsu Con của Mẹ. Mẹ đã học điều đó dưới chân thập giá. Cả chúng ta cũng được kêu gọi ”động chạm” đến đau khổ của tha nhân. Chúng ta hãy đến gặp dân chúng để an ủi và đồng hành với họ; chúng ta đừng sợ cảm nghiệm sức mạnh của sự dịu dàng, đừng sợ can dự vào cuộc sống của tha nhân. Như Mẹ Maria, chúng ta hãy đứng kiên vững: với tâm hồn hướng về Thiên Chúa và can đảm, nâng người bị ngã trỗi dậy, nâng nghèo khiêm hạ, giúp chấm dứt bất kỳ tình trạng áp bức nào khiến họ sống như bị đóng đanh.
  Mẹ Maria - mẫu gương tha thứ 
ĐTC cũng nêu cao gương tha thứ của Mẹ Maria: Mẹ tỏ ra là một phụ nữ sẵn sàng tha thứ, gạt bỏ những cay đắng và nghi kỵ; .. Mẹ Maria tin nơi Chúa Giêsu và đón nhận người môn đệ, vì những tương quan chữa lành và giải thoát chúng ta cũng chính là những tương quan làm cho chúng ta cởi mở đối với cuộc gặp gỡ và tình huynh đệ với tha nhân, vì những tương quan ấy giúp khám phá nơi tha nhân chính Thiên Chúa.
Gương tha thứ của  Đức Cha Sloskans
Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt nhắc đến Đức Cha Sloskans được an táng tại đền thánh này: sau khi bị bắt và lưu đày, Đức cha đã viết cho song thân: ”Tự đáy lòng, con xin ba má đừng để cho sự báo thù hoặc sự phẫn nộ mở đường vào tâm hồn ba má. Nếu chúng ta để cho những tâm tình ấy làm như thế, thì chúng ta không phải là những Kitô hữu chân thực, nhưng là những người cuồng tín”.
 Thời nay, dường như đang tái xuất hiện não trạng kêu mời chúng ta hãy nghi kỵ tha nhân; có những người dùng các con số thống kê để chứng tỏ rằng chúng ta sẽ an ninh hơn, thịnh vượng hơn, được an ninh hơn nếu chúng ta sống cô lập một mình, nhưng Mẹ Maria và các môn đệ ở phần đất này mời gọi chúng ta hãy đón nhận, tái tin tưởng nơi người anh em, nơi tình huynh đệ đại đồng.
Không chỉ ở bên cạnh người đau khổ nhưng còn cần dấn thân đón tiếp và chia sẻ cuộc sống với họ
Sau cùng, ĐTC nhận xét rằng: Mẹ Maria cũng tỏ ra là một phụ nữ để cho mình được đón nhận, khiêm tốn chấp nhận trở nên thành phần của những gì thuộc về người môn đệ. Trong đám cưới bị thiếu rượu, với nguy cơ buổi lễ đầy những nghi thức nhưng lại khô cạn tình thương và niềm vui, chính Mẹ đã yêu cầu họ hãy làm điều Chúa Giêsu nói với họ (Xc Ga 2,5). Giờ đây, như một nữ môn đệ vâng phục, Mẹ để cho mình được đón tiếp, thuyên chuyển, thích ứng với nhịp của người trẻ hơn.
 Sự hòa hợp thích ứng vẫn luôn là điều hỏi phải hy sinh khi chúng ta khác biệt nhau, khi tuổi tác, thân thế và những hoàn cảnh khiến chúng ta có những cách thức cảm nghĩ khác nhau, và làm những điều mà thoạt xem có vẻ là đối nghịch.. Trong đức tin, khi chúng ta đón nhận lệnh truyền phải đón tiếp và để được đón tiếp, ta có thể kiến tạo sự hiệp nhất trong khác biệt, vì những khác biệt không ngăn cản và cũng chẳng phân rẽ chúng ta, nhưng chúng ta có thể nhìn xa hơn, thấy tha nhân trong phẩm giá sâu xa nhất của họ, như những người con cùng một Cha” (Evangelii gaudium, 228),
 Và ĐTC kết luận rằng: ”dưới chân thập giá, Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta niềm vui được nhìn nhận như những người con của Mẹ và Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đưa Mẹ về nhà, đặt Mẹ ở trung tâm cuộc sống chúng ta. Mẹ muốn ban cho chúng ta lòng can đảm và kiên cường của Mẹ. Lòng khiêm tốn của Mẹ đã giúp Mẹ thích ứng với những tình cảnh xảy ra trong mọi thời điểm của lịch sử, và Mẹ lên tiếng để trong Đền thánh này, tất cả chúng ta dấn thân đón nhận nhau, không phân biệt ai, và tất cả mọi người tại Lettoni biết rằng chúng ta sẵn sàng dành ưu tiên cho những người nghèo nhất, nâng đỡ những người bị ngã trỗi dậy và đón tiếp tha nhân như họ đến và trình diện trước chúng ta”.
 Cuối thánh lễ, Đức TGM Janis Bulis, GM giáo phận Rezekne-Anglona đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và nhân dịp này, ĐTC đã tặng cho nhà thờ Thánh Giá bức ảnh có hình Thánh Giá Chúa bằng bạc được sáng tác hồi đầu thập niên 1990.
 Sau khi Thánh lễ kết thúc vào lúc quá 6 giờ chiều, ĐTC đã ra bãi đáp trực thăng; tại đây Tổng thống cộng hòa Lettoni đã chào tiễn biệt ngài.
 ĐTC đã đáp máy trực thăng để bay 100 cây số về lại Vilnius để dùng bữa tối và qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh như hai ngày trước đó

Photogallery

Những hình ảnh đẹp trong Thánh lễ ĐTC Phanxicô cử hành tại Aglona

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Ba điều đáng lưu ý về thoả thuận tạm giữa Tòa Thánh và Trung Quốc

Ba điều đáng lưu ý về thoả thuận tạm giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục



Nhận định về thoả thuận tạm công bố hôm qua giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, ký giả John Allen cho rằng đối với cuộc tranh luận từ trước đến nay với hai luồng ý kiến trái ngược: một coi thoả thuận như “một phản bội không thể tin được” và một coi nó như “một sự kiện tích cực cho người Công Giáo Trung Hoa”, thì thỏa thuận tạm chỉ nói được một điều, đó là một thoả thuận đã được ký, nhưng nó không hề nhắc đến điều thoả thuận này thực sự chứa đựng. Thí dụ, người ta không rõ liệu chính phủ Trung Quốc sẽ chọn 1 giám mục trong số các ứng viên do Vatican đề nghị hay Vatican sẽ chọn từ một danh sách do Trung Quốc đề nghị, hoặc liệu Đức Giáo Hoàng sẽ có một thứ “quyền phủ quyết” hay không. 
 
Ta cũng chỉ biết một phần của thỏa thuận, đó là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đồng ý sẽ chấp nhận 8 giám mục do chính phủ bổ nhiệm trước đây mà không có sự chấp thuận của Vatican, một vị nay đã qua đời. Tuyên bố của Vatican cho hay Đức Phanxicô làm thế “hy vọng rằng, với các quyết định này, một diễn trình mới có thể bắt đầu giúp cho các vết thương quá khứ được vượt qua, dẫn tới việc hiệp thông trọn vẹn của mọi người Công Giáo Trung Hoa”. 

Thiếu loại thông tin trên, ta không thể đánh giá chính xác Vatican đã thực sự nhượng bộ bao nhiêu quyền lực trong việc bổ nhiệm các giám mục, chứ đừng nói các hệ quả dài hạn của việc này. 

Điều cũng đáng nhấn mạnh rằng đây là một “thỏa thuận tạm” nghĩa là có thể được tái duyệt; điều này có thể cho thấy: không phải mọi người thuộc phía Trung Hoa có lập trường trọn vẹn, thẳng thừng và dứt khoát đối với thỏa thuận. Các nhà quan sát Trung Hoa từ lâu vốn cảm thấy giai cấp cai trị đang chia rẽ giữa người ôn hòa ủng hộ thoả thuận, và những người Cộng Sản kiên định coi nó như đang đe dọa việc đảng nắm được xã hội và do đó nắm được quyền lực.

Tuy nhiên, dù thiếu chi tiết, vẫn có ba điểm có thể nhận định.

Thứ nhất, bất kể các bạn nghĩ gì, đây vẫn là một chiến thắng ngoại giao của Đức Phanxicô và nhóm làm việc của ngài. Bất kể người ta nghĩ gì về công tội khi ký thoả thuận này, điều rõ như ban ngày đây là ưu tiên hàng đầu của Đức Phanxicô.

Giai cấp cai trị Trung Quốc, xét về căn bản vốn hài lòng với hiện trạng, thành thử họ cố gắng kéo dài sự việc ra, và không muốn chính thức kết thúc đối thoại. Nhưng thực sự, họ không bao giờ có ý định ký kết điều gì chính thức cả.

Trên thực tế, nay hai bên đã ký một điều gì đó, bất kể sau đó là điều gì. Xét vì Vatican đã đầu tư nhiều uy tín ngoại giao để tiến tới điểm hiện nay, nên nguyên sự kiện đạt được một điều gì đó, cũng kể là một thắng lợi rồi. 

Thứ hai, thỏa thuận này nhiều người coi là thành quả độc đáo của Đức Phanxicô, nhưng thực ra ngài hành động hoàn toàn tiếp nối công trình của hai vị tiền nhiệm. Cả Đức Gioan Phaolo II lẫn Đức Bênêđíctô XVI đều muốn có tiến bộ trong liên hệ ngoại giao với Trung Quốc, và sẵn lòng làm bất cứ điều gì để đạt được điều này. Chính dưới triều Đức Gioan Phaolô, chứ không phải triều Đức Phanxicô, Đức Hồng Y quốc vụ khanh đã tuyên bố rằng Vatican sẽ đóng cửa tòa đại sứ của mình ở Đài Loan “không phải ngày mai, mà ngay ngày hôm nay” nếu lời mời đến từ Bắc Kinh.

Theo tính toán ngoại giao và địa chính trị của Vatican, muốn hành xử như tiếng nói lương tâm trên diễn đàn hoàn cầu, cần phải bắt tay với Trung Quốc, vì nước này ngày càng trở thành một siêu cường với ảnh hưởng hoàn cầu to lớn. Hơn nữa, Vatican thấy sự chia rẽ giữa giáo hội chính thức và giáo hội hầm trú ở Trung Hoa có hại cho sự lành mạnh của Giáo Hội và từ lâu muốn hàn gắn sự chia rẽ này. 

Để đạt được hai mục tiêu trên, Vatican, từ lâu, vốn cảm thấy bất cứ thỏa thuận nào cũng tốt hơn là không có thỏa thuận nào, một lập trường không hẳn của riêng triều giáo hoàng hiện nay. 

Thứ ba, hoàn toàn không có gì rõ ràng tuyên bố hôm nay nhất thiết có nghĩa các liên hệ ngoại giao chính thức giữa Rôma và Bắc Kinh đang thập thò đâu đó, hay một ngày mới đang ló rạng về phương diện tự do tôn giáo cho gần 13 triệu người Công Giáo ở Trung Hoa.

Về ngắn hạn, sự việc có thể tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn, căn cứ vào chính sách có tiếng của chính phủ Trung Quốc “một bước tiến, hai bước lùi” trên nhiều mặt trận. Hơn nữa, nếu các căng thẳng trong nội bộ đảng đối với chính sách tôn giáo gia tăng do thỏa thuận này gây ra, những người cứng rắn có thể tìm cơ hội để tái khẳng định quyền kiểm soát bằng cách thắt chặt các hạn chế hiện có. 

Nói cách khác, lời nói khách quan nhất nghe được trong ngày công bố thỏa thuận có lẽ là của phát ngôn viên Vatican, Greg Burke, khi ông phát biểu rằng thoả thuận này “không phải là kết thúc một diễn trình, nhưng là khởi đầu”.
Vũ Văn An (VCN)