label

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

KHAI MẠC TUẦN TĨNH TÂM NĂM CỦA LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN 2018

KHAI MẠC TUẦN TĨNH TÂM NĂM CỦA LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN 2018

Sáng nay, hơn 250 anh em linh mục trong toàn Giáo phận đã quy tụ về Tòa Giám mục để cùng với quý Đức cha tham dự tuần tĩnh tâm thường kỳ.

Chủ đề tĩnh tâm năm nay được cha Giuse Phạm Thanh Liêm SJ. nguyên Giám tỉnh Dòng Tên triển khai mang tên “Mục Tử Như Lòng Chúa Mong Ước – Được Thánh Hiến Để Yêu Thương Phục Vụ” với 5 đề tài: Hãy Là Thánh, Không Động Lòng Thương Là Tội, Truyển Giáo, Ơn Gọi & Sứ Mạng và Để Thiên Chúa Dùng Tôi.

Từ sáng sớm, quý cha đã được Ban Tiếp tân đón tiếp nồng nhiệt tại sân Trung Tâm Mục Vụ với không gian rộng, thoáng mát và đầy tiếng cười. Sau nghi thức chào hỏi thông thường và tuyên bố khai mạc tuần tĩnh tâm, Quý Đức cha và quý cha dâng thánh lễ xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa cũng như dâng trọn thời gian, tâm hồn và thể xác để CTT hướng dẫn. Trong bài chia sẻ Lời Chúa, Đức cha phó Giuse đã hướng dẫn quý cha ý thức vai trò lãnh đạo của người mục tử dựa trên cách sống của Chúa Giêsu qua tinh thần sám hối, tình huynh đệ cộng đoàn và thái dộ tự hủy để phục vụ.

Mở đầu cho phần triển khai đề tài 1, Cha Giảng phòng giúp cho anh em linh mục ý thức lời kêu gọi của Chúa, đó là Hãy Là Thánh. Các linh mục có khao khát được nên thánh không? Nên thánh có khó không? Đâu là những khó khăn cản bước ta nên thánh? Ta có ước ao nên thánh thật sự không? Linh mục có giúp con chiên của mình trở thành thánh không? Có giúp họ học cách để nên thánh không? Cuối cùng, ngài khuyên các linh mục biết cầu nguyện và thưa chuyện với Chúa, đặc biệt qua các giờ sám hối và nhìn lại sau một ngày sống.

Buổi tối, anh em linh mục có 30 phút Chầu Thánh Thể và xét mình xưng tội. Đây là giây phút lắng đọng cần thiết sau ngày tĩnh tâm đầu tiên. Xin Chúa chúc lành cho anh em chúng con tĩnh tâm sốt sáng trong những ngày này để mang lại lợi ích cho bản thân và cho cộng đoàn dân Chúa mà chúng con đang phục vụ. Xin mọi người tiêp tục cầu nguyện cho linh mục đoàn giáo phận trong tuần tĩnh tâm này.













Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

Hôm 26-11-2018, ĐTC đã nhóm họp các vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh và bàn về nhân sự của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
 Không có thông cáo chính thức nào được công bố sau khóa họp. Nhưng theo mạng thông tin Vatican Insider, đã có 2 bài tường trình mở đầu do ĐHY Angelo Becciu, nguyên là Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh trong 7 năm trời và nay là Tổng trưởng Bộ Phong Thánh; tiếp đến là bài của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican.
 Thặng dư trong nhân sự
 Cụ thể, khóa họp bàn về vai trò của hơn 4.500 nhân viên Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican, trong đó có các giáo dân, tu sĩ nam nữ và linh mục, tỷ lệ khác nhau, ví dụ trong số 2 ngàn nhân viên tùy thuộc Phủ Thống Đốc Vatican, 90% là giáo dân.
 Giảm chi
 Trong cuộc họp, các vị hữu trách bàn về việc giảm bớt chi phí, giới hạn việc thu nhận nhân viên mới để thay thế các nhân viên về hưu, những nhu cầu mới do việc gộp các cơ quan Tòa Thánh trong các năm gần đây, có những trường hợp cần các nhân viên mới, chuyên môn hơn và biết sinh ngữ.
 Tiêu chuẩn rõ ràng khi thu nhận nhân viên mới
 Quan tâm của ĐTC là, ngoài sự minh bạch, công bằng và những tiêu chuẩn rõ ràng để thu nhận nhân viên, còn phải quan tâm đến việc săn sóc mục vụ và tinh thần cho những người phục vụ tại Tòa Thánh, đồng hành thích hợp trong những hoàn cảnh gia đình khó khăn.
 Giới hạn thời gian phục vụ của LM ở Vatican
 Về các linh mục, nhất là các vị trẻ, các vị được mời gọi thi hành các hoạt động mục vụ tại các giáo xứ ở Roma vào cuối tuần. Ngoài ra, cũng có đề nghị ưu tiên dành cho việc ký hợp đồng 5 năm, có thể gia hạn, đối với các LM đến từ các giáo phận, để không giữ các vị ở lâu trong giáo triều, và tối đa là 10 năm. Nhờ điều kiện này, các GM có thể dễ dàng hơn trong việc gửi linh mục thuộc quyền đến phục vụ tại giáo triều Roma. (Vatican Insider 27-11-2018)

Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng

Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng

“Lời cầu nguyện cho những kẻ tham nhũng là cầu cho có một trận động đật có thể lay động họ đến độ họ nhận ra rằng thế giới này không được bắt đầu với họ và sẽ không kết thúc với họ.” Đó là lời ĐTC Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn của cha Marco Pozza được phát sóng trên đài truyền hình Tv2000 tối thứ ba 27.11.2018.
Hồng Thủy - Vatican
Nói về chủ đề tham nhũng trong buổi phát sóng thứ 7 trong chương trình “Ave Maria”, ĐTC nói rằng nếu tôi nói đó không phải là kẻ tội lỗi thì tôi sẽ là kẻ tham nhũng hơn.”
Những kẻ tham nhũng
ĐTC nói: “Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng bởi vì họ bán đi người mẹ, bán đi sự thuộc về dân tộc, thuộc về gia đình. Họ chỉ tìm lợi ích kinh tế, trí tuệ và chính trị của riêng họ. Họ chọn lựa cách ích kỷ, tôi có thể nói nó thuộc về satan. Họ đóng cánh cửa từ bênt rong và Mẹ Maria không thể vào được. Họ không để cho người mẹ đi vào.” ĐTC giải thích: “Vì thế, họ khép kín chính mình, họ không cần một người mẹ, không cần người cha, không cần thuộc về dân tộc, quốc gia, hay gia đình. Họ sống trong chủ nghĩa cá nhân và cha của thứ này, kẻ dạy cho họ điều này, chính là ma quỷ.”
ĐTC cầu nguyện rằng “cầu cho có một trận động đất có thể lay chuyển họ đến mức họ nhận ra rằng thế giới không này không được bắt đầu với họ và sẽ không kết thúc với họ.”
Mẹ Maria đón nhận tất cả
Tuy nhiên, Đức Mẹ đón chào tất cả. ĐTC giải thích thêm về điều này, ngài nói: “Đức Maria đồng hành với chúng ta là những kẻ tội lỗi, mỗi người với tội lỗi của mình và cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi chúng ta. Chúng ta phải nói với Mẹ Maria: ‘Con là kẻ tội lỗi, nhưng xin Mẹ gìn giữ con.’ Và Đức Mẹ gìn giữ chúng ta”.
ĐTC minh chứng điều này bằng câu chuyện về tuổi thơ của ngài. Ngài kể: “Mẹ của tôi, khi nói với 5 đứa con chúng tôi, bà nói: ‘Các con của tôi giống như các ngón tay của bàn tay: tất cả đều khác nhau, nhưng nếu một ngón tay của tôi bị thương thì nó cũng đau như thể một ngón tay khác bị thương.”

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

25.11.2018 – Chúa nhật 34 TN Năm B - Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ

25.11.2018 – Chúa nhật 34 TN Năm B - Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ


  •  
  •  
  •  
25.11.2018 – Chúa nhật 34 TN Năm B - Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ
Lời Chúa: Ga 18, 33b-37

Khi ấy, Philatô trở vào dinh, cho gọi Ðức Giêsu và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Ðức Giêsu đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Philatô trả lời: “Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Ðức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này”.
Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Ðức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.

Suy niệm:

Từ sau vụ nổ big-bang, vũ trụ được thành hình,
và càng ngày càng bành trướng.
Trái đất chỉ là một hạt bụi nhỏ xíu trong vũ trụ,
nhưng nó lại lớn lao vô cùng,
vì là hành tinh được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc.
Con Thiên Chúa đã ghi dấu chân mình trên mặt đất,
đã sống trọn phận người bên cạnh nhân loại anh em.

Mừng lễ Ðức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ,
chúng ta được mời gọi ngắm nhìn trái đất tròn.
Ðây là vũ trụ của hơn 7 tỉ người đang sống.
Vũ trụ này sẽ đi về đâu? Lịch sử này sẽ đi về đâu?
Tất cả sẽ được hội tụ và biến đổi nơi Ðức Kitô,
để rồi Ngài sẽ dâng lại tất cả cho Thiên Chúa Cha.

Tuy Ðức Giêsu không nói rõ mình là vua,
cũng không chịu để dân chúng tôn vương mình,
nhưng Ngài lại nói nhiều về Nước của Ngài.
Nước đó, Philatô chẳng có gì phải sợ.
Một nước không có quân đội để chiến đấu,
không có lãnh thổ trên bản đồ, không thuộc về thế gian.
Nhưng Nước đó lại có những công dân thực sự.
Bất cứ ai đứng về phía sự thật thì thuộc về Nước này.
Họ bắt gặp sự thật nơi lời chứng của Ðức Giêsu.
Họ đã nghe tiếng Ngài và theo Ngài tiến bước.
Có những người chưa biết Ðức Giêsu, nhưng đã ở rất gần Ngài.

Nước của Vua Giêsu là Nước của sự thật.
Sống theo sự thật chẳng bao giờ dễ dàng.
Kẻ trung thực thường thua thiệt, lại bị coi là dại dột.
Sự dối trá nhiều khi được coi là khôn ngoan.
Người ta dối trá một cách trơn tru, không chút áy náy.
“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
Chúng ta không nghe được tiếng Chúa,
chỉ vì ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật,
như Philatô muốn giữ ghế ngồi hơn là cứu người vô tội.
Lương tâm bị băng hoại, lòng tin vào nhau bị đổ vỡ.

Cuối cùng chính chúng ta là nạn nhân của mình,
của một thế giới xây dựng trên những đồ giả.
Mừng lễ Ðức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ,
ta đặt mình trước một thế giới bề bộn bao vấn đề:
ô nhiễm môi trường, tăng dân số, aids, thất nghiệp, ma tuý,
mafia, tham nhũng, nghèo đói, lạc hậu, bất công...
Thế lực của sự dữ và tội ác có vẻ thắng thế,
ích kỷ, hận thù, bạo lực tung hoành khắp nơi.
Chúng ta không chỉ cầu xin cho Nước Chúa mau đến,
mà còn đưa tinh thần Ðức Kitô vào mọi cơ cấu trần gian:
chính trị, xã hội, nghệ thuật, giáo dục, thể thao, giải trí...
Càng làm cho sự thật và tình yêu thắng thế
thì Nước Chúa càng lớn dần lên
cho đến lúc thành tựu viên mãn vào ngày tận thế.
Xin Ðức Giêsu làm vua cả vũ trụ loài người
nhờ làm vua tiểu vũ trụ là cõi lòng từng Kitô hữu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

ĐTC Phanxicô: Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

Hai giới răn cuối cùng của Mười Giới răn, theo một nghĩa nào đó, tóm gọn toàn bộ Mười Giới răn. Các giới răn này mời gọi chúng ta thôi ảo tưởng về chính mình và nhận ra mình cần được cứu độ, biết mở lòng đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và qua đó tỏ cho người khác thấy lòng thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được nơi Chúa Kitô.
Hồng Thủy - Vatican
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21/11, ĐTC Phanxicô đã giải thích về các lệnh truyền cuối cùng trong Mười Giới răn: chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người. Ngài nhấn mạnh rằng những lời cuối cùng của Mười Điều răn không chỉ là những lời kết thúc bản văn nhưng nó hoàn tất cuộc hành trình xuyên suốt Mười Giới răn, khi đi đến trọng tâm của tất cả những gì Mười Giới răn dạy chúng ta. Hai lệnh truyền cuối cùng này không phải là một nội dung mới được thêm vào, vì các chỉ dẫn “chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người” đã tiềm ẩn trong các giới răn chớ ngoại tình và chớ trộm cắp.
Gốc rễ của tội lỗi là các ham muốn xấu
ĐTC giải thích ý nghĩa của hai giới răn này, ngài nói: tất cả các lệnh truyền đều nhắm chỉ ra ranh giới của cuộc sống, giới hạn mà nếu vượt qua nó thì con người hủy hoại chính mình và tha nhân của mình, làm hư hoại mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Những lời cuối cùng của Mười Giới răn nhấn mạnh rằng mọi sự vi phạmđều phát sinh từ một gốc rễ chung là “các mong muốn gian ác.”
Theo ĐTC, mọi tội lỗi xuất phát từ ham muốn xấu. Ham muốn đó lay động trái tim con người và người ta bị cuốn vào cơn sóng đó và vi phạm giới luật. Nó không phải là một vi phạm bình thường mà là vi phạm luật pháp: khi vi phạm giới luật, người ta làm thương tổn chính mình và người khác.
Cần giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa
ĐTC nhắc rằng trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói rõ rằng: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,21-23).
Do đó chúng ta hiểu rằng tất cả hành trình của Mười Giới răn sẽ không có ích lợi gì nếu không đạt đến mức độ trái tim con người. Mười Giới răn nói một cách rõ ràng và sâu sắc về điểm này: điểm đến của hành trình là trái tim con người. Nếu trái tim không được tự do thì những điều khác không giúp được gì. Đây là một thách đố: Giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa. Những giới luật của Chúa có thể bị giảm nhẹ đến mức chỉ còn là bề mặt đẹp đẽ của một cuộc sống mà thật ra chỉ còn là nô lệ chứ không phải là con cái. Đàng sau chiếc mặt nạ giả hình của sự đúng đắn làm cho người ta ngộp thở thường có che đậy điều gì đó xấu xa và không được giải quyết.
Hai giới răn cuối giúp nhận ra sự nghèo khó thiêng liêng
ĐTC nhắc nhở chúng ta phải để cho mình được các giới răn về ước muốn này lột đi lớp mặt nạ, để  chúng có thể chỉ cho chúng ta thấy sự nghèo khó của chúng ta và dẫn chúng ta đến một sự khiêm hạ thánh thiện. Mỗi người chúng ta tự hỏi. nhưng những ao ước xấu xa nào thường xuất hiện nơi tôi? Ganh tị, tham lam, nói hành? Tất cả những điều này xuất phát từ trong lòng tôi. Con người cần sự khiêm nhường được chúc phúc này: nhờ sự khiêm hạ này con người khám phá ra rằng tự mình không thể giải phóng chính mình, mà với sự khiêm hạ này, con người kêu lên cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Thánh Phaolô đã giải thích điều này một cách tuyệt với khi nói đến giới răn đừng ham muốn (x. Rm 7,7-24).
Để sửa mình, cần có ơn Chúa Thánh Thần
Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nhấn mạnh đến ơn Chúa Thánh Thần trong việc hoán cải sửa mình vì thật là vô ích khi nghĩ rằng mình có thể tự sửa mình. Cũng thật vô ích khi nghĩ rằng mình có thể thanh tẩy con tim của mình bằng nỗ lực to lớn theo ý chí của mình. Cần cởi mở mình ra trong tương quan với Thiên Chúa, trong sự thật và trong tự do: chỉ như thế những mệt mỏi của chúng ta mới có thể sinh kết quả, bởi vì chúng ta có thể tiến bước khi có Chúa Thánh Thần.
Giới luật đưa con người đến với chân lý - nhận ra sự nghèo khó của mình
ĐTC giải thích về vai trò của các giới luật như sau: Luật lệ thánh kinh không phải để khiến cho con người ảo tưởng rằng chỉ cần vâng lời cách triệt để, từng chữ thì có thể được hưởng ơn cứu độ nhân tạo mà sẽ không thể đạt được bằng cách khác. Giới luật là để đưa con người đến với chân lý, tức là sự nghèo khó của mình, một sự nghèo khó chân thật và của cá nhân, được mở ra trước lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng biến đổi và canh tân chúng ta. Chỉ mình Thiên Chúa có thể canh tân con tim chúng ta miễn là chúng ta mở lòng ra với Người; đó là điều kiện duy nhất: Chúa làm tất cả nhưng chúng ta phải mở lòng ra với Người.
Những lời cuối cùng của Mười Giới răn dạy chúng ta nhận biết mình là những người hành khất, những kẻ ăn mày; nó giúp chúng ta đặt mình trước sự hỗn loạn của con tim mình, để thôi sống cách cá nhân ích kỷ và để trở thành những người nghèo trong tinh thần, những người nghèo thật sự bên cạnh Chúa Cha khi để cho mình được Chúa Con cứu chuộc và được Chúa Thánh Thần dạy dỗ. Chúa Thánh Thần là thầy dạy chúng ta: chúng ta hãy để cho Người giúp chúng ta. Chúng ta là những người ăn mày, chúng ta xin ơn nhận ra điều này.
Thông cảm và thương xót vì chính mình đã được xót thương
ĐTC kết thúc bài giáo lý bằng những lời trong Tám mối Phúc thật: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (MT 5,3). Đúng thế. Phúc cho những ai thôi lừa dối mình khi tin rằng mình có thể được cứu độ nhờ sự yếu đuối mà không cần lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể chữa lành. Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành được con tim. Phúc cho những ai nhận ra những ước muốn xấu của mình và với con tim thống hối và khiêm nhường, họ không đứng trước Thiên Chúa và tha nhân như những người công chính, nhưng như các tội nhân. Điều thánh Phêro thưa với Chúa Giêsu thật hay: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Thật là đẹp lời cầu nguyện này: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Đây là những người biết có sự thương cảm, lòng thương xót với người khác bởi vì chính họ đã trải nghiệm điều đó.
Cầu nguyện cho các nữ tu chiêm niệm
Trong lời chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường, ĐTC cũng nhắc rằng hôm nay phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ Maria dâng mình vào Đền thánh, chúng ta cử hành ngày “Vì đời sống cầu nguyện”, được dành để nhớ đến các cộng đoàn dòng tu chiêm niệm. Đây là cơ hội thuận tiện hơn lúc nào hết để tạ ơn Chúa về món quà bao nhiêu người. trong các đan viện cũng như những nơi ẩn tu, dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong thinh lặng và trong sự ẩn mình. ĐTC mời gọi của toàn thể Giáo hội đừng quên yêu thương, gần gũi và trợ giúp cả về vật chất cho các cộng đoàn đan tu.

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

ĐTC mời gọi các ca đoàn và các ca viên Công Giáo trở thành những chứng nhân về chiều sâu của Lời Chúa, và hãy dành ưu tiên cho các thánh ca cộng đồng.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-11-2018 dành cho 7 ngàn tham dự viên Đại hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo, kết thúc vào chúa nhật hôm nay, 25-11-2018 sau 3 ngày tiến hành ở Roma.
 Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao tầm quan trọng của thánh nhạc và thánh ca trong phụng vụ, ĐTC nói: ”Âm nhạc và thánh ca của anh chị em là một dụng cụ đích thực để loan báo Tin Mừng, theo mức độ anh chị em trở thành những chứng nhân về chiều sâu của Lời Chúa, đánh động tâm hồn con người, và anh chị em giúp cho việc cử hành các bí tích, nhất là Thánh Lễ, làm cho tín hữu cảm nghiệm được vẻ đẹp của Thiên Đàng. Anh chị em đừng bao giờ ngừng lại trong sự dấn thân quan trọng như thế đối với đời sống của các cộng đoàn chúng ta”.. 
 Đừng phô trương cá nhân
 ĐTC cũng cảnh giác các ca viên ”đừng rơi vào cám dỗ muốn trở thành những người nắm vai chính, tỏ ra mình là quan trọng, mà làm sự dấn thân của anh chị em bị lu mờ và làm giảm bớt sự tham gia tích cực của dân chúng vào việc cầu nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người linh hoạt thánh ca của toàn thể cộng đoàn và đừng thay thế họ, khiến cho dân Chúa không được hát với anh chị em và làm chứng về một kinh nguyện của Giáo Hội và cộng đoàn”.
 Đừng giảm bớt các hình thức lòng đạo đức bình dân
 Sau cùng, ĐTC cũng nhắc nhở các ca viên đừng làm giảm giá trị của những hình thức khác biểu lộ lòng đạo đức bình dân, như các lễ bổn mạng, các cuộc rước, các điệu vũ và các bài ca đạo của dân chúng, vì đó cũng là một gia sản lòng đạo đức đích thực cần được đề cao giá trị và nâng đỡ, vì đó cũng là một hành động của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn Giáo Hội”.
 Chương trình kế tiếp của Đại hội
 Ban chiều cùng ngày 24-11-2018, từ lúc 6 giờ, có buổi hòa nhạc của các ca đoàn để kính thánh nữ Cecilia. Trên sân khấu sẽ có hơn 600 ca viên và 70 nhạc công, họ sẽ ca hát vùng với hơn 8 ngàn ca viên khác trong đại thính đường.
 Sáng chúa nhật 25-11, lúc 10 giờ, Đức TGM Rino Fisichella, sẽ chủ sự thánh lễ với phần thánh ca do các viên đảm trách. (Rei 24-11-2018)

Photogallery

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo