label

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

RỒI LÀ LINH MỤC

RỒI LÀ LINH MỤC

Trên bức hình truyền thống kỷ niệm ngày chịu chức, tôi để hình thánh giá Camargue tượng trưng cho ba đức tính chính yếu giúp chúng tôi gắn kết với Chúa: Đức Tin theo dạng của thập giá, Đức Cậy theo dạng mỏ neo, Đức Ái là quả tim. 


Ngày chịu chức sắp đến. Để chuẩn bị chịu chức tôi đi tĩnh tâm ở một ẩn thất trong dãy núi Montmorin, Alpes. Ở đó có một ngôi làng gồm nhiều tịnh thất nhỏ do linh mục Emmanuel xây dựng, cha đã qua đời. Tôi được hân hạnh ở trong tịnh thất của cha. Tôi chỉ mang theo sách nhật tụng, quyển Thánh Kinh và tài liệu “Sứ vụ và đời sống linh mục” được viết dưới triều giáo hoàng Gioan-Phaolô II.
Trong tuần tĩnh tâm này, trong đầu tôi lướt qua tất cả các nghề khi còn nhỏ tôi mơ lớn lên mình sẽ làm. Khi còn rất nhỏ, tôi mơ làm tổng thống Pháp. Khi đó tôi nghĩ: “Ít nhất là mẹ sẽ không còn vấn đề!”, nhưng khi tôi nhận ra mình không thể làm tổng thống suốt đời thì tôi không thích làm nghề này nữa. Khoảng tám, chín tuổi, tôi đổi nghề: tôi mơ làm mục đồng. Vào thời đó, tôi đi thăm một người bạn chăn một đàn chiên lớn ở Camargue, tôi thấy cuộc sống của bạn êm đềm và tốt đẹp. Và sau đó là thời gian tôi sống với Martial. Đôi khi luật sư của ông đến nhà. Tôi quyết định mình sẽ làm luật sư, ý định này tôi vẫn còn giữ trong đầu cho đến ngày tôi trở lại. Bây giờ, tôi buồn cười khi nghĩ lại, ơn gọi linh mục của tôi cũng giống như làm tất cả các nghề này: “tổng thống” vì linh mục làm lễ, “mục đồng” thì chăn đàn chiên Chúa giao, “luật sư” của Chúa Lòng Lành mà công việc thì không ngừng bị đem ra trước tòa án thế gian.
Ngày chịu chức đến, ngày 26 tháng 6, 1994 ở Nîmes. Chúng tôi là ba linh mục chịu chức ngày hôm đó: Alain và Jacques ở giáo phận Nîmes, còn tôi thuộc giáo phận Albi. Đúng ra là ở Tarn, cộng đoàn của tôi được giáo luật công nhận khi thành lập tất cả các linh mục của cộng đoàn dù ở đâu cũng thuộc giám mục Albi.
Nhà thờ chính tòa chật ních. Các bài hát cảm động. Giám mục Jean Cadilhac giảng bài giảng đúng với con người của ngài: vừa thiêng liêng vừa hiện thể. Rồi đến giây phút phong chức. Chúng tôi nằm trước bàn thờ, cộng đoàn hát Kinh cầu Các thánh. Quá nhiều Các thánh đi trước chúng tôi trên con đường nhỏ hẹp theo Chúa Giêsu này. Gương của các thánh thật vĩ đại và lời cầu bàu của các ngài thật cần thiết.
Đọc kinh cầu xong, chúng tôi quỳ. Giám mục đến gần và im lặng đặt tay trên chúng tôi. Rồi tất cả các linh mục đều làm như vậy. Các linh mục truyền cho chúng tôi những gì họ đã được nhận, như thế từ bao nhiêu thế kỷ, chính Chúa Giêsu cũng làm như vậy với các tông đồ của mình. Tôi quá xúc động, nước mắt chảy ròng ròng trên má. Tôi đã thật sự mong muốn có giây phút này. Và bây giờ tôi là linh mục!
Trên bức hình truyền thống kỷ niệm ngày chịu chức, tôi để hình thánh giá Camargue tượng trưng cho ba đức tính chính yếu giúp chúng tôi gắn kết với Chúa: Đức Tin theo dạng của thập giá, Đức Cậy theo dạng mỏ neo, Đức Ái là quả tim. Ở mặt trước tôi chọn câu 16 chương 4 thư thứ nhất của Thánh Gioan: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” Mặt sau tôi chọn câu của nhà thần nghiệm Marthe Robin: “Vác thập giá mình không phải mang xiềng vào chân nhưng mang đôi cánh ở quả tim, đôi cánh của niềm vui, của hạnh phúc, của thiên đường trong cuộc sống của mình.”
Câu này tôi thấy trên một tấm hình mà từ năm 1984, nó không rời quyển nhật tụng của tôi. Cô Françoise đã cho tôi khi tôi ở trung tâm từ thiện Cực Thánh. Đúng là tấm hình bà Marthe Robin sống sự Thương Khó. Máu chảy trên khuôn mặt bình thản nhẹ nhàng một cách lạ lùng như hàng nước mắt chảy. Bà có vẻ như đang ngủ. Đôi môi như mỉm cười. Vậy mà máu chảy. Thập giá và niềm vui. Cả một chương trình, chương trình của linh mục?
Khi đi ra khỏi nhà thờ, Mireille đến gần tôi. Bà là cô giáo của tôi ở Villefort. Bà 73 tuổi nhưng khuôn mặt điệu đàng của bà không thay đổi! Chúng tôi bặt tin từ nhiều năm nhưng khi tôi ở Phi châu, mẹ tôi có cho bà tin tức của tôi và chúng tôi viết cho nhau. Từ đó chúng tôi là bạn bè. Tôi đưa cho bà bức hình, bà cầm bức hình và xúc động nói:
– René-Luc, con biết đó, trẻ con thì cô thấy dưới mắt cô rất nhiều! Nhưng con thì cô không bao giờ quên. Điều làm cho cô nhớ con nhiều nhất là trong các bức vẽ của con: khi nào con cũng bôi đen cả trang giấy, nhưng khi nào con cũng dành một góc cho bầu trời xanh.
Dấu chỉ của số phận chăng?
** *
Ngày hôm sau tôi làm lễ “mở tay”. Tôi giảng. Đây không phải là chuyện mới vì trong suốt năm làm thầy sáu, chúng tôi đã học giảng, đã học dâng thánh lễ. Nhưng lần đầu tiên tôi dâng bánh và rượu, lần đầu tiên tôi đọc lời nguyện Thánh Thể, lòng tôi bồi hồi, tim tôi đập thình thịch. Và đến giây phút thánh hiến, linh mục đọc lời của chính Chúa Giêsu:
– Vì Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con…
“Hiến mình” và “trao cho” chính thân mình, miệng lưỡi mình, bàn tay mình để Chúa tiếp tục hiến mình cho nhân loại, thật là cả một huyền nhiệm cao lớn!
Chúa nhật kế tiếp, tôi muốn dâng thánh lễ ở nhà thờ Saintes-Maries-de-la-Mer, hai mươi bảy năm sau ngày tôi được rửa tội ở đó. Linh mục rửa tội cho tôi có mặt ở đây  vì cha nghỉ hưu ở thành phố này. Cha còn nhớ hoàn cảnh của mẹ tôi thời đó. Nếu cha phải cá độ tất cả các em bé cha đã rửa tội, đứa nào sẽ làm linh mục thì chắc chắn trong danh sách cá độ này không có tôi…
Vài tháng sau ngày chịu chức, tôi về Camargue với bạn linh mục Jean-Marie. Người bạn mê thể thao, mê xe mô-tô, mê mạo hiểm, anh là người chuẩn bị cho các xe đua khi Chúa Lòng Lành nhảy dù trúng anh! Anh bị té mô-tô. Anh, không phải Chúa! Nặng, rất nặng. Trực thăng cứu cấp phải chở anh đến bệnh viện. Cầu nguyện, một lời kêu cầu nguyện bay lên nhan Chúa và đời của anh đã thay đổi. Giã từ bạn gái và vào chủng viện! Chúng tôi hợp nhau ngay. Trong các kỳ hè của hai chúng tôi, nhờ anh tôi biết được các băng trượt phủ tuyết cao ngất ngưỡng ở Thụy Sĩ, tôi thích trượt bằng ván trượt, nhất là trượt ngoài băng! Anh đưa tôi leo lên vài đỉnh, đặc biệt là các đỉnh Dents du Midi.
Và đến lượt tôi, tôi mời anh đến đồng bằng quê tôi, bằng phẳng như đỉnh của anh trên cao! Để vừa tiện lợi vừa dễ chịu, chúng tôi đi mô-tô: anh trên chiếc mô-tô của người anh rể: chiếc BMW 1 000 đã từng đi vòng đua Paris-Dakar. Tôi trên chiếc mô-tô cũ của bạn Thierry: chiếc DR 800 cũ chỉ chạy loanh quanh… đường làng!
Chúng tôi khởi hành từ Les Saintes-Maries-de-la-Mer và đến cầu nguyện ở hang đá, trước thánh tích của Thánh Sara, bổn mạng những người du mục. Rồi tôi đưa anh lên mái nhà thờ có kính thánh tích của Thánh Marie Jacobé và Thánh Marie Salomé. Sau đó chúng tôi đến sườn Salins de Giraud để thăm trang trại thời thơ ấu của tôi. Tôi đưa anh đến xem chỗ chúng tôi ở ngày xưa. Bên phải là kho lúa nơi chúng tôi trốn để nhân viên xã hội khỏi gặp. Phía bên kia đường là nhà nguyện của trang trại được dùng để làm chuồng gà. Không còn gà, nhưng tất cả mọi sự vẫn còn nguyên. Trong nhà tạm còn ổ rơm. Ai biết được có bao nhiêu quả trứng được đẻ ra nơi thiêng liêng này? Quét một nhát, vài cành hoa trang trí và chúng tôi dâng thánh lễ. Tôi dâng lễ cầu nguyện cho cả gia đình. Từ đó, các anh em họ của tôi đã mua lại trang trại, họ làm lại mái nhà, phục hồi lại nhà nguyện. Bây giờ mà nhà nguyện lại thành chuồng gà thì chỉ là chuyện hảo huyền, tôi hy vọng chuyện này chỉ xảy ra khi gà có răng!
* * *
Vào thời tôi chịu chức năm 1994, ơn gọi ở Pháp không nhiều và phải nói thẳng là rất thấp. Bây giờ thì cũng vậy. Làm thế nào để giải thích cảnh hoang vắng này? Chỉ các chuyên gia hiểu rõ vấn đề hơn tôi mới phân tích được chuyện này. Điều làm cho tôi tin tưởng ở tương lai là khi đọc lại lịch sử dân hêbrơ trong Cựu Ước. Rất nhiều lần họ đi lưu đày. Thậm chí Đền thờ còn bị phá hủy và các linh mục bị thanh trừng bằng kiếm. Cứ mỗi lần như vậy, vào thời điểm ít mong chờ nhất thì dân hêbrơ lại trở về Đất Hứa, họ xây lại Đền thờ và các linh mục lại sốt sắng phục vụ hơn bao giờ hết! Có thể sẽ có một ngày như vậy với Giáo hội yêu quý của chúng ta. Chúng ta cũng có thể nói, những gì xảy ra năm 1989 với các nước đông Âu thì cũng được xem như một cuộc trở về sau thời gian lưu đày. Khi chúng ta nghĩ đến các nhà thờ bị đóng cửa, các tín hữu kitô bị bách hại, các linh mục bị ám sát ở phía bên kia bức màn sắt… Ai có thể nghĩ mọi thứ đã thay đổi chỉ trong vài tháng?
Ngày nay ở Pháp và ở một vài nước Tây Âu, chúng ta có cảm tưởng như có một bức màn sắt đang chầm chậm buông xuống. Không phải bức tường ngăn mọi người đi ra, nhưng đúng hơn đây là bức màn: bức màn kim loại giống loại cửa sắt dùng để đóng cửa hàng: cửa kiếng trưng bày ơn gọi cũng chầm chậm đóng, chầm chậm nhưng chắc chắn.. À không! Có thể tôi không tưởng, nhưng tôi tin bức màn sắt này cũng sẽ biến mất như bức màn sắt của chế độ cộng sản. Tôi không biết nó sẽ đóng như thế nào và khi nào đóng. Ngay cả khi tôi thuộc về phần Còn Lại nhỏ bé, tôi chắc chắn Chúa sẽ khơi dậy ơn gọi bằng những con đường mà chúng ta không thể ngờ.
Trong khi chờ đợi, tôi cầu nguyện với ý chỉ này. Vì chính Chúa Giêsu đã loan báo, lúa chín đầy đồng nhưng thợ gặt thì ít. Giải pháp trước hết là sốt sắng cầu nguyện. Thêm nữa khi chúng ta cầu nguyện ý chỉ này trong gia đình thì lẽ tự nhiên sẽ phát sinh ơn gọi. Như hồng y Godfried Daneels giáo phận Bruxelles đã nói: “Khi sữa sôi nó sẽ trào ra , nhưng khi nó chưa sôi…” Vậy chúng ta sốt sắng cầu nguyện và tin tưởng ở Chúa!
Marta An Nguyễn dịch
Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2019 của HĐGM Việt Nam

Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2019 của HĐGM Việt Nam


  •  
  •  
  •  
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2019 của HĐGM Việt Nam

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Khai mạc Hội nghị thường niên kỳ I/2019 tại Bãi Dâu

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Khai mạc Hội nghị thường niên kỳ I/2019 tại Bãi Dâu


  •  
  •  
  •  
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Khai mạc Hội nghị thường niên kỳ I/2019 tại Bãi Dâu

Tối thứ hai, 22/4/2019, trong niềm vui của Mùa Phục Sinh, các thành viên Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã qui tụ và cử hành giờ Chầu Thánh Thể và Kinh Tối tại Nhà nguyện Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, giáo phận Bà Rịa.

Tất cả 30 giám mục của 27 giáo phận đã hiện diện và tham dự Hội nghị thường niên kỳ I/2019 diễn ra từ 22 đến 26/4/2019. Tham dự Hội nghị còn có Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - nguyên Tổng Giám mục Hà Nội và Đức cha Laurensô Chu Văn Minh - nguyên Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội.

Hội nghị hân hoan chào đón Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam đến thăm và hiện diện. 

Sau Thánh lễ Khai mạc sáng ngày 23/4, toàn thể Hội nghị đã chúc mừng giáo phận thứ 27 và Đức cha tiên khởi của giáo phận Hà Tĩnh, mừng các vị chủ chăn mới của các giáo phận: Hà Nội, Vinh và Long Xuyên.

Hội nghị thường niên lắng nghe vị Đại diện Toà Thánh chia sẻ những thông tin, đề tài của Giáo hội hoàn vũ và những quan tâm của Giáo hội địa phương; Chủ tịch HĐGM tường trình về Hội nghị bảo vệ trẻ em do Toà Thánh tổ chức vào tháng 2 vừa qua; quý Đức cha phụ trách các Uỷ ban chuyên trách cũng sẽ trình bày những sự vụ liên hệ đến phụng tự, giáo dục, giáo lý, truyền giáo... Hội nghị cũng sẽ bàn thảo về chương trình và chủ đề mục vụ chung cho Hội Thánh tại Việt Nam trong những năm sắp tới 2019-2022.

Xin các thành phần Dân Chúa cầu nguyện cho Hội nghị đạt được hoa trái như lòng Chúa mong ước. 

Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM Việt Nam

THƯ MỤC VỤ THÁNG 5: HƯỚNG VỀ 60 NĂM KỶ NIỆM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN LONG XUYÊN Ý THỨC VỀ HỒNG ÂN ƠN THIÊN TRIỆU

THƯ MỤC VỤ THÁNG 5:
HƯỚNG VỀ 60 NĂM KỶ NIỆM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
Ý THỨC VỀ HỒNG ÂN ƠN THIÊN TRIỆU

Anh Chị Em thân quý,

Chúng ta cùng Giáo hội bước vào Tháng Hoa tôn kính Mẹ Maria. Trong tháng Năm, Giáo phận tập trung vào việc cử hành Chúa Nhật IV Phục Sinh (12/5/2019)- ngày cầu cho Ơn Thiên Triệu. Chính vì thế, thư mục vụ tháng Năm có chủ đề “Hướng về kỷ niệm 60 năm thành lập, Giáo phận Long Xuyên ý thức về hồng ân Ơn Thiên Triệu.”

Trước hết, chúng ta dùng Lời Chúa soi sáng cho chủ đề của thư mục vụ. Lời Chúa trong Chương 10 của Phúc âm thánh Gioan vẽ nên khuôn mặt của người Mục Tử Tốt Lành là Chúa Giêsu, làm khuôn mẫu cho các linh mục giáo phận, và chắc chắn cũng là khuôn mẫu cho việc đào tạo các linh mục tương lai. Thứ nhất, giữa đàn chiên, Vị Mục Tử Nhân Lành hiện diện để đồng hành và chia sẻ. “Chiên nghe tiếng của anh ta (Người mục tử); anh ta gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh ta”(c.3-4).  Thứ hai, cho đàn chiên, Vị Mục Tử Nhân Lành yêu thương và phục vụ. “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”Thứ ba, vì đàn chiên, Vị Mục Tử Nhân Lành tự hủy và tự hiến. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (c. 14-15). Và thứ tư, với đàn chiên, Vị Mục Tử Nhân Lành đi ra ngoại biên kiếm tìm chiên lạc và chiên mới. “Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (c.16). Cử hành Thánh Thể trên bàn thờ và sống Thánh Lễ trong cuộc đời, các linh mục được mời gọi diễn tả hình ảnh của Vị Mục Tử Nhân Lành. Bởi nhờ Thánh Thể như hy lễ cuộc đời, các linh mục trở thành hiện thân của Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành của Thiên Chúa, tuyên bố: “Này là Mình Thầyy, các con hãy lãnh nhận mà ăn. Này là chén Máu Thầy, các con hãy lãnh nhận mà uống”.  

Giáo phận Long Xuyên đang dồi dào ơn gọi. Bên cạnh hàng giáo sĩ có 309 linh mục và 14 phó tế, giáo phận còn có 107 chủng sinh, 31 dự tu tiền chủng viện, trên 100 dự tu sinh viên, và trên 300 dự tu học sinh cấp III và cấp II. Đây là con số đáng kể mà Giáo phận luôn luôn tạ ơn Chúa. Tuy nhiên, Giáo phận cũng đang phải đối diện với những thách đố cho sinh hoạt cổ vũ Ơn Gọi và tháp tùng Ơn Gọi.  Nhìn chung, trước hết, con người ngày nay quá bận rộn kiếm tìm những giá trị trần thế để chiếm hữu và hưởng thụ những khoái lạc trần gian, hơn là dấn thân cho những giá trị tinh thần và tâm linh để hoan hưởng hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Kế đến là thanh thiếu niên ngày nay xem ra được cung phụng nên trở thành ích kỷ, và chỉ nghĩ đến quyền lợi tích lũy cho riêng mình mà không quan tâm đến bổn phận trao tặng cho tha nhân. Cách riêng cho Giáo phận Long Xuyên, một thách đố lớn cho sinh hoạt mục vụ ơn gọi là tình trạng di dân từ nông thôn đến các phố thị học tập hay làm việc với nhiều thách đố cho đời sống tâm linh và tôn giáo, cũng như cho việc giáo dục đức tin. Đây là những thách đố cho sinh hoạt Mục Vụ Ơn Gọi.

Ý thức được những thách đố trên, Giáo phận cổ vũ cho sinh hoạt Mục Vụ Ơn Gọi tại các cộng đoàn. Các cộng đoàn đây được hiểu là gia đình, là giáo xứ, là giáo phận, là các đoàn hội đạo đức… Riêng Ủy Ban Linh Mục Chủng Sinh và Ơn Gọi của Giáo phận đang hình thành một chương trình cổ vũ và tháp tùng ơn gọi, từ việc cổ vũ Ơn Gọi trong sinh hoạt Lễ Sinh, đến giai đoạn đào tạo Mở Đường là các dự tu, rồi giai đoạn Khai Tâmtại chủng viện, và đến giai đoạn Thường Huấn dành cho các linh mục. Một cách đặc biệt, bắt đầu từ năm nay như đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận, Giáo phận đã quyết định thực hiện chương trình tháp tùng các dự tu học sinh tốt nghiệp cấp III tập trung tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Long Xuyên. 

Với chương trình trên, Giáo phận thể hiện tâm tình tạ ơn với ý thức trách nhiệm về Hồng Ân Ơn Gọi qua sự cộng tác của toàn thể Giáo phận, các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ-giáo họ, các đoàn thể, đặc biệt là qua sự cộng tác không thể thiếu được của linh mục đoàn Giáo phận, cách riêng là các cha hạt trưởng và các cha phụ trách các cộng đoàn. Năm nay, ngày cầu cho ơn gọi linh mục được UB. Linh Mục Chủng Sinh và Ơn Gọi tổ chức liên giáo hạt. Ước mong có sự tham dự đông đảo của các dự tu và phụ huynh tại các điểm tổ chức. Ước mong các cha hạt trưởng, các cha trong Ban Mục Vụ ơn gọi tại các giáo hạt, các cha sở và cha phó, và toàn thể cộng đồng dân Chúa trong giáo phận tích cực góp phần tổ chức ngày này đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng trong lãnh vực mục vụ Ơn Gọi trong Giáo phận.

Cách riêng, với các Dự tu và Chủng sinh yêu quý của Giáo phận! 

Giáo phận tạ ơn Chúa đã gửi chúng con đến và đang làm nên một mùa xuân hy vọng cho Giáo phận. Vì, các chủng sinh và các dự tu đang định hình cho tương lại của Giáo phận. Giáo phận cũng cám ơn chúng con vì đang nhiệt tâm khám phá Ơn Gọi Linh Mục để quảng đại đáp trả và dấn thân bước theo. Giáo phận coi chúng con là những người môn đệ Chúa yêu như thánh Gioan Tông Đồ. Với hình ảnh này, Giáo phận kỳ vọng nơi chúng con, là những môn đệ Chúa yêu với 5 đặc điểm sau đây: 1) Một là để Chúa đào tạo và biến đổi từ người có nhiều tham vọng muốn ngồi bên hữu và bên tả Thầy, trở thành người môn đệ Chúa Yêu, sẵn sàng uống chén đắng của Thầy; 2) Hai là yêu mến Thánh thể như Gioan trong bữa Tiệc Ly tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu; 3) Ba là yêu mến Đức Mẹ như Gioan dưới chân Thánh Giá lãnh nhận Đức Mẹ về nhà mình; 4) Bốn là tôn trọng quyền bính trong Giáo hội như Gioan tôn trọng thánh Phêrô, để Thánh Phêrô gặp Chúa Phục Sinh trước tại bờ hồ Tiberia; 5) Và năm làdùng hết khả năng của mình để phục vụ Hội Thánh như Gioan đã viết phúc âm thứ IV để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Giáo phận yêu chúng con và tự hào về chúng con.

Anh chị em thân mến, 
Trong tháng Năm này, với các buổi dâng hoa kính Đức Mẹ, các cộng đoàn cũng dâng các linh mục, các chủng sinh và dự tu của Giáo phận lên Đức Mẹ như những bông hoa muôn sắc hương. Các Đức Giám mục trong giáo phận xin Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho anh chị em, đặc biệt là Dự tu và Chủng sinh.

+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo phận Long Xuyên

Lễ Mừng thọ 100 tuổi và An táng Đức cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ

Lễ Mừng thọ 100 tuổi và An táng Đức cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ




  • Nhân dịp kỷ niệm Giỗ 10 năm ( 2009 - 2019) Đức cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ - Giám mục tiên khởi của giáo phận Long Xuyên, BTT xin giới thiệu lại hình ảnh Lễ Mừng thọ 100 tuổi và An táng của ngài. 




119 tín hữu Công Giáo Sri Lanka bị giết trong Thánh Lễ

119 tín hữu Công Giáo Sri Lanka bị giết trong Thánh Lễ

Trong số 310 người bị giết trong vụ khủng bố hàng loạt tại Sri Lanka hôm lễ Phục Sinh 21-4 vừa qua, có 119 tín hữu Công Giáo trong lúc họ tham dự thánh lễ Phục Sinh tại 2 thánh đường.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
 Tại nhà thờ Thánh Sebastiano
 Đó là 91 tín hữu tại Nhà thờ thánh Sebastiano, một trong những thánh đường Công Giáo lớn nhất tại thành phố Negombo, cách thủ đô Colombo 30 cây số về hướng bắc. Một tên khủng bố tự sát đã cho bom trong người hắn nổ trung tại đây trong lúc 800 tín hữu dự thánh lễ phục sinh. Máy thu hình cho thấy một người mang một sắc đeo lưng nặng bước vào thánh đường trong lúc thánh lễ được cử hành. Hắn cho bom nổ tung, giết chết 91 người và làm bị thương 104 người khác.
 Tại Đền thánh Antôn
 Tại Đền thánh Antôn Padova ở khu vực Kochchikade thuộc thủ đô Colombo, bom nổ vào cùng giờ đã làm cho 28 người chết và hơn 100 người bị thương.
 Nhà thờ thánh Antôn Padova là một thánh đường cổ kính ở khu vực khía bắc thủ đô Colombo, được thánh hiến cách đây 175 năm (1834) và có giữ thánh tích là lưỡi của thánh Antôn dòng Phanxicô được đặt trong một khám đặc biệt cạnh tượng thánh nhân. Nhà thờ này được nâng lên hàng Đền Thánh Quốc Gia (National Shrine) nơi có đông đảo các tín hữu đến hành hương.
 Ông Pradeep Kumar, một tín hữu Ấn giáo sống gần Đền thánh cho biết là đã nghe bom nổ trong nhà thờ lúc 8 giờ 45 phút sáng. Khi chạy đến thánh đường, Ông thấy nhiều người chết và bị thương. Ông giúp chuyên chở những ngừơi bị thương tới bệnh việc và mang chăn mền đến phủ xác những ngừơi thiệt mạng.
 Tại nhà thờ Tin Lành Zion ở thành phố Batticaloa là cố đô của Sri Lanka, có 25 tín hữu bị thiệt mạng trong cuộc khủng bố.
 Tổng số các nạn nhân của loạt khủng bố này lên tới 310 người, trong đó có ít nhất 36 người nước ngoài và 500 người bị thương.
 Cho đến hôm 23-4-2019, cảnh sát Sri Lanka đã bắt giữ 40 người để điều tra. Báo chí cho biết Chính phủ Sri Lanka nghi rằng thủ phạm các vụ khủng bố này là nhóm Thánh chiến Hồi giáo Singalais (National Thowheed Jamath), gọi tắt là NTJ. Chính phủ Sri Lanka đã bổ nhiệm một Ủy ban 3 người để điều tra về vụ khủng bố và phải phúc trình kết quả trong vòng 2 tuần lễ. Hôm qua, 23-4, cả nước Sri Lanka đã cử hành lễ tưởng niệm các nạn nhận (Cath.ch, KNA 22-4-2019)

Photogallery

119 tín hữu Công Giáo Sri Lanka bị giết trong Thánh Lễ

Thông Điệp Phục Sinh và Phép Lành Toàn Xá 2019-04-21

Đức Thánh Cha Phanxicô - Thông Điệp Phục Sinh và Phép Lành Toàn Xá 2019-04-21

Sau khi kết thúc Thánh lễ, vào đúng 12 giờ trưa, ĐTC bắt đầu phần thứ 2 của buổi lễ, tức là nghi thức công bố sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới, gọi là ”Urbi et Orbi”.
Trần Đỉnh, SJ - Vatican News
Đức Thánh Cha xuất hiện trên bao lớn chính của đền thờ thánh Phêrô, với hai Hồng y phó tế tháp tùng hai bên giữa tiếng vỗ tay hân hoan của các tín hữu, trong khi ban nhạc của quân đội Italia và tòa thánh trổi quốc thiều Vatican và Italia. Số người hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô và dọc đường Hòa Giải vào lúc giữa trưa đã lên đến khoảng 100 ngàn người. Buổi công bố sứ điệp này cũng được gửi tới hàng trăm triệu người theo dõi qua các đài truyền hình tại hàng chục quốc gia 5 châu.
 Sau đây là toàn văn sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, mừng lễ Chúa Phục Sinh!
Hôm nay, Giáo hội lặp lại lời tuyên xưng của các môn đệ đầu tiên: "Chúa Giêsu đã sống lại!" Và hết thảy mọi miệng lưỡi và con tim, hãy vang lên lời tán tụng: "Alleluia! ... Alleluia! " Vào buổi sáng Phục sinh này, thanh xuân bất tận của Giáo Hội và toàn thể nhân loại, tôi muốn gửi đến mỗi người trong chúng ta những lời đầu tiên của Tông Huấn mới đây đặc biệt nói về người trẻ:
 “Chúa Kitô sống. Ngài là niềm hy vọng của chúng ta và là thanh xuân tươi đẹp nhất của thế giới này. Mọi thứ Ngài chạm tới đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ và tràn đầy sức sống. Vì thế, những lời đầu tiên tôi muốn nới với mỗi người trẻ [và với mỗi] Kitô hữu là: Đức Kitô đang sống và Ngài muốn bạn sống! Ngài ở trong bạn, Ngài ở cùng bạn và Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ bạn. Bao lâu bạn tìm cách lánh xa, thì chính Đấng Phục Sinh ở gần bên bạn, mời gọi và chờ đợi bạn làm lại từ đầu. Khi bạn cảm thấy sự già nua vì buồn bã, thù hận, sợ hãi, nghi ngại hay thất bại, Ngài sẽ ở đó để một lần nữa trao cho bạn sức mạnh và hy vọng”. (Christus vivit, 1-2).
Anh chị em thân mến, thông điệp này được gửi tới cho tất cả mọi người và cho cả thế giới. Biến cố Chúa Kitô Phục Sinh là nguyên lý và khởi đầu của một cuộc đời mới cho mọi người nam cũng như người nữ, bởi vì sự đổi mới thực sự luôn bắt đầu nơi con tim, từ lương tâm trong sạch. Nhưng lễ Phục Sinh cũng là khởi đầu của một thế giới mới, một thế giới được giải thoát khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và cái chết: thế giới ấy rốt cục cũng được mở ra với Nước Thiên Chúa, Vương quốc của tình yêu, của hòa bình và huynh đệ.
Chúa Kitô sống và Người ở với chúng ta. Người chiếu toả ánh sáng trên khuôn mặt Phục sinh của Người và không bỏ rơi những ai đang trong cơn thử thách, đau khổ và buồn phiền. Chính Người, Đấng vẫn đang sống, là hy vọng cho dân tộc Syria yêu dấu. Họ là nạn nhân của cuộc xung đột đang diễn ra, với nguy cơ khiến chúng ta ngày càng phải cam chịu và thậm chí là thờ ơ. Thay vào đó, đã đến lúc phải đổi mới cam kết cho một giải pháp chính trị, nhằm đáp ứng những khát vọng tự do, hoà bình và công lý chính đáng; để đối mặt với những khủng hoảng nhân đạo và tạo điều kiện cho những người phải di tản, cũng như những người phải lánh nạn sang các nước láng giềng, đặc biệt tại Lebanon và Jordan được trở về an toàn.
Lễ Phục Sinh hướng chúng ta nhìn về Trung Đông, nơi đang bị giằng xé bởi những chia rẽ và những căng thẳng liên tục. Các Kitô hữu trong những vùng ấy không ngừng làm chứng với sự nhẫn nại bền bỉ cho Chúa Kitô Phục Sinh và sự chiến thắng của sự sống trên sự chết. Tôi dành sự quan tâm đặc biệt đối với nhân dân Yemen, đặc biệt là các trẻ em, bị kiệt sức vì đói lả và chiến tranh. Xin ánh sáng phục sinh chiếu soi trên các nhà cầm quyền và các dân tộc vùng Trung Đông, bắt đầu từ người Israel và Palestine. Ước gì ánh sáng ấy thúc đẩy họ giảm bớt khổ đau và tiến tới một tương lai hoà bình và ổn định.
Các lực lượng vũ trang, hãy chấm dứt việc biến Libia thành biển máu. Trong những tuần gần đây, nhiều người vô tội, không võ khí ở Libia đã phải chết, nhiều gia đình đã buộc phải rời bỏ nhà cửa. Tôi kêu gọi các bên liên quan hãy chọn đối thoại thay vì khủng bố. Đừng mở lại vết thương của một thập kỷ xung đột và bất ổn chính trị nữa.
Xin Chúa Kitô hằng sống ban bình an của Người cho tất cả những con người Phi Châu yêu dấu. Ở đó, vẫn còn bị ngập chìm trong những căng thẳng xã hội, xung đột và nhiều khi là bạo lực cực đoan. Chúng để lại sự bất an, tàn phá và chết chóc, đặc biệt tại Burkiana Faso, Mali, Nigeria và Camaroon. Tâm trí tôi cũng hướng về Sudan, nơi đang trải qua thời điểm bất ổn về chính trị. Tôi mong ước rằng tất cả những thỉnh nguyện và đề nghị có thể tìm thấy tiếng nói và mỗi người cố gắng để cho đất nước tìm thấy tự do, phát triển và thịnh vượng đáng mong ước từ lâu.
Xin Chúa Kitô Phục Sinh đồng hành với những nỗ lực đã đạt được của chính quyền dân sự và tôn giáo tại Nam Sudan, được nâng đỡ bởi những hoa trái của cuộc tĩnh tâm được tổ chức vài ngày trước tại Vatican. Ước gì nó có thể mở ra một trang sử mới trong lịch sử của đất nước, mà trong đó tất cả các thành phần chính trị, xã hội và tôn giáo dấn thân tham gia vì lợi ích chung và vì sự hoà giải dân tộc.
Xin cho những người dân ở Đông Ucraina, đang phải gánh chịu những cuộc xung đột vẫn tiếp tục diễn ra, được tìm thấy niềm an ủi trong lễ Phục Sinh này. Xin Thiên Chúa thêm sức cho những sáng kiến nhân đạo và những người theo đuổi hoà bình lâu dài.
Trong lễ Phục sinh này, ước gì nhân dân các khu vực phía đông Ukraine sẽ tìm thấy sự an ủi, nơi tiếp tục phải chịu đựng cuộc xung đột đang diễn ra. Xin Thiên Chúa khuyến khích các sáng kiến nhân đạo nhằm tiến tới nền hòa bình lâu dài.
Xin cho niềm vui Phục sinh đổ tràn con tim của người dân châu Mỹ, đang phải gánh chịu hậu quả của những tình cảnh khó khăn về chính trị và kinh tế. Tôi đặc biệt nghĩ tới người dân Venezuela: nhiều người đang thiếu những điều kiện tối thiểu để có một cuộc sống xứng đáng và an toàn, bởi cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra và ngày càng trầm trọng hơn. Xin Thiên Chúa ban cho những người có trách nhiệm chính trị biết cố gắng phấn đấu để chấm dứt những bất công xã hội, lạm dụng và bạo lực; cũng như biết thực hiện những bước tiến cụ thể để tiến tới hoà giải những chia rẽ và cung ứng cho nhân dân những sự trợ giúp cần thiết.
Xin Chúa phục sinh soi sáng cho những nỗ lực đang được thực hiện tại Nicaragua sớm tìm thấy một giải pháp thương lượng và hoà bình vì lợi ích của tất cả những người dân Nicaragua.
Trước nhiều đau khổ của thời đại chúng ta, xin Thiên Chúa của sự sống đừng để chúng ta thờ ơ và lạnh lùng. Xin Người làm cho chúng ta trở nên những người xây những cây cầu, chứ không phải những bức tường. Và xin Người, Đấng ban bình an của Người cho chúng ta, ngăn chặn những cuộc đụng độ vũ trang, trong những vùng chiến tranh và trong các thành phố. Xin Người soi sáng cho những nhà lãnh đạo các quốc gia biết dấn thân để chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang và buôn bán vũ khí, đặc biệt tại các nước tiên tiến. Xin Đấng Phục Sinh, Đấng đã mở toang cánh cửa của những ngôi mộ, cũng mở con tim của chúng ta trước những nhu cầu của những người thiếu thốn, người không được bảo vệ, người nghèo đói, người thất nghiệp, người vô gia cư, những người gõ cửa ngôi nhà chúng ta để xin đồ ăn, xin một nơi ẩn náu, và xin được nhìn nhận phẩm giá của mình.
Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đang sống! Ngài là niềm hy vọng và thanh xuân cho mỗi chúng ta và cho cả thế giới. Chúng ta hãy để mình được Ngài đổi mới! Chúc mừng lễ Phục sinh!
 Sau khi Đức Thánh Cha công bố sứ điệp, ĐHY tuyên bố chủ ý của Đức Thánh Cha ban phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá cho các tín hữu hiện diện cũng như cho các anh chị em tín hữu trên thế giới, tham dự qua các đài phát thanh và truyền hình, và các phương triện truyền thông khác, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
Liền đó, Đức Thánh Cha đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu. 

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Vọng Phục Sinh và rửa tội

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Vọng Phục Sinh và rửa tội

Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 20-4-2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 8 dự tòng gồm 4 người Ý, và những người còn lại đến từ 4 nước: Ecuador, Albani, Peru, và Indonesia.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
 Người lớn nhất 61 tuổi là một phụ nữ Indonesia và người trẻ nhất 21 tuổi là một thanh niên người Ý.
 Đồng tế với ĐTC có 25 Hồng Y, 40 GM và 350 linh mục trước sự tham dự của khoảng 8 ngàn tín hữu.
 Như thường lệ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô, từ tiền đường đền thờ tiến lên bàn thờ chính.
 Bài giảng của ĐTC
 Hành trình bị chặn đường
 Trong bài giảng, ĐTC đã phân tích tâm trạng và thái độ của các phụ nữ mang thuốc thơm đến mộ Chúa: các bà e sợ hành trình của mình sẽ vô ích vì có tảng đá lớn chặn lối vào mộ. ĐTC nhận định rằng ”hành trình của các phụ nữ ấy cũng là hành trình của chúng ta, giống như hành trình cứu độ, qua đó nhiều khi nó đụng vào tảng đá chặn đường: tội lỗi, bất trung. Nhưng rồi chúng ta khám phá thấy hành trình của chúng ta không vô ích, không đụng phải tấm bia mộ. Một câu nói đã đánh động các phụ nữ và thay đổi lịch sử: ”Tại sao các bà tìm Người sống giữa người chết?” (Lc 24,5). Tại sao các bà có thái độ cam chịu và nhượng bộ thất bại?”
 Phục sinh là lễ loại bỏ các chướng ngại
 ĐTC xác quyết rằng ”Phục Sinh là lễ loại bỏ các tảng đá. Thiên Chúa tháo gỡ những tảng đá cứng nhất mà những hy vọng và mong đợi của chúng ta đụng phải, đó là sự chết, tội lỗi, sợ hãi và tinh thần thế tục. Và ĐTC nói thêm rằng: ”Tối hôm nay, mỗi người chúng ta được kêu gọi tìm lại trong Đấng Hằng Sống Người loại bỏ khỏi tâm hồn những tảng đá nặng nhất. Nhất là chúng ta hãy tự hỏi: đâu là tảng đá của tôi cần phải loại bỏ, tảng đá ấy là gì?
 Đừng than vãn hoặc cam chịu
 Cũng trong bài giảng, ĐTC cũng cảnh giác rằng ”nhiều khi chính tảng đá thiếu tin tưởng, thiếu tín nhiệm ngăn chặn hy vọng của chúng ta. Khi ta cứ chiều theo ý tưởng: mọi sự không ổn, và chẳng bao giờ hết những điều tệ hại, thì chúng ta sẽ có thái độ cam chịu, cho rằng sự chết mạnh hơn sự sống và chúng ta sẽ có thái độ ngờ vực, buông xuôi và nản chí. Từng viên đá một, chúng ta dựng lên một tượng đài với những bất mãn, một cái mồ chôn hy vọng. Chúng ta than trách cuộc đời, làm cho cuộc sống tùy thuộc những lời than vãn và bệnh hoạn về tinh thần... Nhưng Thiên Chúa không ở trong sự cam chịu. Ngài đã sống lại, đừng tìm Chúa ở đó vì bạn sẽ không bao giờ thấy Ngài!
 Hãy nhìn như Chúa nhìn
 ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn được nhìn cuộc sống như Chúa nhìn, Đấng luôn thấy trong mỗi người chúng ta một cốt tủy đẹp không thể xóa bỏ. Trong tội lỗi, Chúa thấy những người con trỗi dậy; trong sự chết, Chúa thấy những người anh em cần hồi sinh; trong sầu muộn, Chúa thấy những tâm hồn cần an ủi.”
 Để Chúa ở trung tâm cuộc sống
 Và ĐTC mời gọi mọi người ”hãy dành cho Chúa Hằng Sống chỗ đứng trung tâm trong cuộc sống của mình. Chúng ta hãy xin ơn đừng để mình bị dòng đời, và biển cả của các vấn đề cuốn trôi đi; đừng đụng vào những tảng đá của tội lỗi và những tảng đá ngầm của sự thiếu tin tưởng và sợ hãi” (Rei 20-4-2019) 

Photogallery

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Vọng Phục Sinh và rửa tội