label

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Chúc mừng cha sở Giáo xứ Cần Xây kỷ niệm 29 năm linh mục


CHÚC MỪNG CHA SỞ GIÁO XỨ CẦN XÂY 
PHAOLÔ TRẦN VĂN KHOA 
KỶ NIỆM 29 NĂM THỤ PHONG LINH MỤC
Linh mục Phaolô Trần Văn Khoa được sinh ra trong một gia đình có nếp sống đạo đức, là người con út trong số 7 anh em. Bảy người này, có 2 người hiến dâng cho Chúa đó là Linh mục Trần Văn Khoa và một người chị tu dòng Mân Côi. Thường trong gia đình con út là người được nhiều quyền lợi, sự cưng chiều và ỉ lại vào cha mẹ, nhưng nghe nói cậu út này là một người đặc biệt sinh ra trong giờ cọp, ngày cọp và tuổi cọp nên có sự mạnh mẽ tự lập, cũng không thích được bao bọc mà thích sống cuộc sống dâng hiến, phục vụ. Thế là cậu đã từ bỏ gia đình để sống đời dâng hiến và hôm nay là ngày kỷ niệm 29 năm chịu chức linh mục. Nếu chỉ nhìn bằng con số 29 năm chưa phải là dài nhưng nhìn lại cuộc đời của cha để đạt được ân sủng tuyệt vời của Chúa trao ban thì quá dài. Với 69 năm tuổi đời, 29 năm linh mục, 30 năm học tập, tu luyện thăng trầm theo thời gian, nhất là những năm tháng mịt mù sau giải phóng. Khi làm thầy giúp xứ ở Núi Tượng, một nơi hẻo lánh thiếu thốn trong điều kiện sống, tương lai chưa thấy gì, tưởng rằng không trụ nổi. Ngài đã phải thốt lên trong bài “tình chúa thương con”,“Khi đời lắm chông gai, tình người quá hững hờ. Xin Ngài thương nâng đỡ Chúa ơi. Đường đời quá xa xôi, mịt mờ giữa biển khơi. Xin Ngài thương dẫn lối Chúa ơi” nhưng cha đã vượt qua và còn tích lũy được nhiều tác phẩm Thánh ca cảm nghiệm được tình Chúa, đi vào lòng người làm hành trang cho cha bước đi tới cánh đồng lúa chín.
Trong bài chia sẻ thánh lễ mừng 29 năm sáng nay, cha phó Nguyễn Đức Thịnh như xuất thần khi nói và cảm nghiệm về chân dung của người linh mục với ba tiêu chí căn bản và cần thiết: Ban bí tích; Tìm kiếm các linh hồn; Sống thánh thiện. Đặc biệt hơn, khi làm một cha sở thì càng trở nên quan trọng. Một câu truyện mà cha kể lại: “Ngày kia có một nhóm linh mục vào yết kiến Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan - Phaolô II, các linh mục từng người lại hôn nhẫn, ai cũng giới thiệu chức danh: Bề trên tu viện, viện sĩ, giáo sư…đến vị linh mục đi sau cùng nhỏ nhẹ nói, con là linh mục chính xứ ở một vùng quê hẻo lánh. Đức Giáo Hoàng quỳ xuống hôn tay vị linh mục và nói: “ôi con là một người tuyệt vời”. Đúng thiệt, linh mục xứ là đầu tầu của giáo Hội, Giáo Hội thịnh hay suy, thành công hay thất bại đều có đóng góp quan trọng của các linh mục chính xứ. Linh mục Trần Văn Khoa đã sống, làm tròn sứ mệnh của Chúa và Giáo hội trao phó khi ở các nơi được phân tới (Núi tượng, An Hòa, Cần Xây).
Xin chúc mừng cha nhân ngày kỷ niệm 29 năm thụ phong linh mục. Đường còn dài, còn lắm gian truân, toàn thể mọi người trong giáo xứ Cần Xây trong ngày hôm nay cầu nguyện thật nhiều cho cha và sẽ tiếp tục cầu nguyện cho cha trong bước đường tương lai. Cầu chúc cha có nhiều sức khỏe, nhiều hồng ân, vượt qua mọi khó khăn, phó thác trong bàn tay Thiên Chúa, cũng như cục đất sét Chúa muốn nặn gì người tôi trung của Chúa luôn vui.
Thiên sinh


Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

GIÁO DÂN CÓ THỂ LÀM GÌ GIÚP CÁC LINH MỤC ?

GIÁO DÂN CÓ THỂ LÀM GÌ GIÚP CÁC LINH MỤC ?

Có thể nói, không một giáo dân nào mà lại không sẵn sàng cộng tác với linh mục trong việc phục vụ cộng đoàn. Chỉ cần cha xứ “ới” một tiếng là có nhiều người tình nguyện đến để giúp ngài.


Có thể nói hầu hết giáo dân VN đều có lòng quý mến và tôn trọng các linh mục trong Hội thánh. Điều đó cũng dễ hiểu, vì bất cứ ở đâu và bất cứ thời đại nào, linh mục luôn có một sứ vụ, vai trò và vị trí đặc biệt đối với cộng đoàn Ki-tô hữu, như Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium / LG) về chức linh mục đã khẳng định:
  “Nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dt 5, 1-10) để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước“ (LG số 28). Thánh Công Đồng cũng nhắc thêm cho các linh mục nói chung về trách nhiệm của mình trong Giáo Hội là ‘Phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh họ ra cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn’(ibid, no 28)”. [1]
Quả vậy, trong đời sống đạo của tín hữu, linh mục luôn là nhân tố cần thiết không thể thiếu vắng được, vì: 
“Linh mục là người thay mặt các đấng bậc bề trên trong Hội thánh để trực tiếp chăm sóc tín hữu về mặt thiêng liêng. Cụ thể, khi có nhu cầu về bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, Hoà Giải và Xức Dầu thánh, giáo hữu không thể chạy đến với Đức Giáo Hoàng, hay các Hồng y, Giám mục mà phải tìm đến các linh mục đang trực tiếp coi sóc mình ở các giáo xứ địa phương.  
“Do đó, nếu không có linh mục thì giáo dân sẽ không có đời sống bí tích, tức là  mất hẳn nguồn tiếp tế lương thực thần linh để nuôi dưỡng  đức tin và lãnh nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Ngoài ra, cũng không có ai trực tiếp giảng dạy lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội cho giáo dân nếu không có linh mục thay mặt  cho Giám mục để làm sứ vụ quan trọng này”. [2]   
Xét như vậy ta thấy rằng trong khi các mục tử gánh vác nhiệm vụ quá lớn lao và quan trọng đối với cộng đoàn như thế, thì đối lại, về phía giáo dân, chúng ta cũng phải có bổn phận giúp đỡ các ngài, hầu các ngài có thể chu toàn trách vụ mình. Sự giúp đỡ của chúng ta đối với linh mục có thể liệt kê ra 3 công việc chính:
Thứ nhất là cầu nguyện cho các ngài; thứ hai là cộng tác và đồng hành với các ngài trong công việc cộng đoàn; thứ ba là chia sẻ vật chất và tinh thần.
* Giáo dân có thể giúp đỡ các linh mục bằng việc cầu nguyện cho các ngài
Ngày 25-5-2019 vừa qua, trên trang conggiao.info có đăng bài “Khẩn thiết cầu nguyện cho các linh mục” trong đó có đoạn viết như sau:
“Bà Kathryn Jean Lopez, chuyên viên nghiên cứu kỳ cựu của National Review Institute và là tổng biên tập của tạp chí National Review, ngày 21 tháng 5 vừa qua, lên tiếng kêu gọi khẩn thiết cầu nguyện và hy sinh cho các linh mục.
“Thực vậy, Lopez trích dẫn cha John Hardon, dòng Tên, người trong bài ‘Giá trị lời cầu nguyện và việc hy sinh cho các linh mục’ đã viết rằng ‘Không lời lẽ nào tôi có thể sử dụng lại quá mạnh mẽ để quả quyết rằng chức linh mục Công Giáo cần lời cầu nguyện và việc hy sinh hơn bao giờ hết kể từ biến cố Canvariô’. Vị linh mục này suy niệm về 30 năm giảng dạy các linh mục, sống với các linh mục ‘và gian khổ vì các ngài, yêu thương các ngài và cùng đau khổ với các ngài’. 
“Ngài viết thêm: ‘Hết vị thánh này đến vị thánh khác đều đã quả quyết rằng mục tiêu chính của ma quỉ ở trên thế gian này là linh mục Công giáo. Các linh mục cần, lạy Chúa các ngài cần xiết bao, các ơn thánh đặc biệt của Thiên Chúa. Chúng ta tự hỏi, tại sao cần phải cầu nguyện cho các ngài? Chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục và giám mục vì đây là thực hành của Giáo hội đã có từ thời các Tông đồ. Nó là một vấn đề chân lý mặc khải. Nó là lệnh truyền của Thiên Chúa’ ”. [3]
Thiết nghĩ, việc cầu nguyện cho các linh mục cũng đã được các tín hữu chúng ta thực hành rất thường xuyên và chu đáo. Chẳng hạn, mỗi thứ năm hàng tuần, mỗi thứ năm đầu tháng, rồi hàng năm vào CN Chúa Chiên Lành (CN IV Phục Sinh), Hội thánh nhắc nhở tín hữu phải quan tâm đến việc cầu nguyện cho các linh mục. Đây được coi là bổn phận quan trọng và khẩn thiết của mọi thành phần trong Hội thánh.
Thực vậy, không có “nghề” nào cao trọng, thánh đức bằng “Nghề linh mục”. Nhưng cũng không có “nghề” nào khó khăn, phức tạp, nhiều nguy cơ cám dỗ, nhiều cạm bẫy bằng “Nghề linh mục”.
Một vị Giám mục đã chia sẻ như sau: “Chúng ta biết rằng, từ một cậu bé chập chững đi vào Tiểu Chủng Viện với cả một trời bí mật bao trùm trên con đường ơn gọi cho đến lúc lớn khôn, trưởng thành dần dần, chú rồi thầy, rồi mới đến cha, bao nhiêu là thử thách, bao nhiêu là cố gắng, bao nhiêu là kiên nhẫn đợi chờ. Quá khứ nặng nề ấy chúng ta đã vượt qua, nhưng đàng trước, là bổn phận, là trách nhiệm. Đời sống linh mục có vẻ đầy đủ, có khi khá huy hoàng, nhưng là đời sống hy sinh, phục vụ quên mình, thì làm sao không đau khổ. Trách nhiệm chồng chất, trách nhiệm trong sự đều đều đến kinh sợ, và trước tiên, là đời sống cô độc.
“Có thể ví cuộc đời linh mục với thân phận con gà treo, tuy bên ngoài đầy đủ thức ăn nước uống, nhưng phải đứng im trong ô chuồng không cựa quậy, trong một không gian chật hẹp, mỗi ngày có bổn phận đẻ cho chủ một quả trứng, không được đi đó đi đây, không được bươi móc như các con gà khác, vì nếu được tự do thong thả thì mất trứng. 
“Trong xã hội vật chất và hưởng thụ, người ta bảo đời sống linh mục như vậy là gò bó, không thoải mái. Nhưng có đời sống nào trên trần gian này hoàn toàn thoải mái? Công nhân, thợ thuyền, giáo chức, nông dân, thương gia, sinh viên…, mỗi người cũng phải nai lưng làm việc, phải chu toàn mọi trách nhiệm của mình, phải đấu tranh vật lộn với đời và phải tuân thủ mọi lề luật. Chỉ có lúc ngủ quên hay chết, chớ không bao giờ nói đến chuyện thoải mái, nếu mỗi người muốn sống nghiêm chỉnh theo căn tính của mình.
“Còn hơn thế nữa, linh mục là người của muôn người, được sai đi để phục vụ, để làm đầy tớ thiên hạ, thế tất phải sống đời hy sinh, còn lâu và còn xa mới nói đến chuyện thoải mái vô tư trong đời sống mục vụ. Đúng như Cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”. Bị ăn, thế tất phải hao mòn thân xác và tinh thần”. [4]
LM Ngô Tôn Huấn, trong bài “Giáo dân có thể giúp ích hay làm hư các linh mục cách nào?” đã giải thích thêm về việc cần thiết phải cầu nguyện cho các linh mục:
“Như mọi người đều biết là, linh mục rất cần thiết cho Giáo Hội và cho giáo dân vì không có linh mục thì không có các bí tích quan trọng và cần thiết như Hòa Giải, Thánh Thể và Xức Dầu bệnh nhân. Do đó,  điều cần thiết trước tiên là phải cầu nguyện nhiều cho các linh mục để các ngài  trở nên  đích thực là Đức Kitô thứ hai (Alter Christus) như các thánh Giáo Phụ xưa đã dùng danh hiệu này để nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của linh mục trong sứ mệnh là Tông Đồ, là chứng nhân cho Chúa Kitô trong trách nhiệm dạy dỗ, thánh hóa và chăm sóc giáo dân được trao phó cho mình phục vụ về mặt thiêng liêng. Với trọng trách này, linh mục là người thân cận nhất thay mặt cho Giám mục để ‘chăn chiên’ theo gương Chúa Kitô, Đấng Chăn Chiên Lành”. [1]   
* Giáo dân có thể giúp đỡ các linh mục bằng sự cộng tác và đồng hành với các ngài trong công việc cộng đoàn
Có thể nói, không một giáo dân nào mà lại không sẵn sàng cộng tác với linh mục trong việc phục vụ cộng đoàn. Chỉ cần cha xứ “ới” một tiếng là có nhiều người tình nguyện đến để giúp ngài. Họ ý thức rằng đây là việc chung, là việc có liên quan cộng đoàn, là bổn phận mà bất kỳ người tín hữu nào cũng ước muốn tham gia thực hiện.
Bên cạnh những giáo dân thường xuyên tham gia việc giáo xứ như Hội đồng Mục vụ GX và các thành viên trong các hội-đoàn-nhóm của giáo xứ, còn rất nhiều giáo dân âm thầm khác, họ chiếm đa số giáo dân trong cộng đoàn. Những người này thuộc đủ ngành nghề khác nhau trong xã hội, từ công nhân lao động đến thành phần trí thức như bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, chuyên viên vv. Chắc chắn khi các linh mục có nhu cầu cộng tác hay giúp đỡ cách nào đó, thì những thành phần “vô danh” này sẽ sẵn sàng phục vụ vô điều kiện. Ai cũng nhận thức được rằng đây là bổn phận chứ không do lợi lộc hay tiếng tăm gì. Vấn đề là giáo xứ và cha xứ có sẵn sàng mở rộng cửa đón nhận họ không?
Nhiều người than phiền rằng đó đây vẫn còn tình trạng quan liêu trong cách sử dụng người cộng tác. Vẫn còn phe nhóm trong việc chọn người, trong việc phân công phân nhiệm. Vẫn còn thành kiến hay định kiến này nọ giữa cha xứ và giáo dân khiến cho việc cộng tác bị trở ngại vv. Vậy để mọi giáo dân cảm thấy thoải mái để có thể đồng hành cùng với vị mục tử và với mọi thành phần Dân Chúa trong việc phục vụ Chúa và Hội thánh, thiết nghĩ giáo xứ và cha xứ nên mở rộng cửa đón nhận sự cộng tác của mọi người, đồng thời mọi giáo dân hãy sẵn sàng tham gia cộng tác khi giáo xứ có nhu cầu, coi đó như bổn phận thiết yếu nhằm giúp đỡ các linh mục chu toàn nhiệm vụ đối với cộng đoàn.
* Giáo dân có thể giúp đỡ các linh mục qua việc chia sẻ vật chất, tinh thần
Ngoài việc thường xuyên cầu nguyện cho các linh mục, tham gia việc giáo xứ, cộng tác với cha xứ trong mục vụ cộng đoàn, tín hữu còn có thể giúp đỡ các linh mục cả về vật chất lẫn tinh thần nữa.
Trước hết về vật chất, chúng ta đóng góp qua việc xin lễ để linh mục dâng lễ cầu nguyện theo ý chỉ. Việc xin lễ là một phương cách giúp đỡ linh mục một cách thiết thực và đơn giản nhất. Mặc dù các ngài không hoàn toàn sinh sống bằng bổng lễ nhưng đây là một hình thức đóng góp của giáo dân đối với mục tử đồng thời cũng là biểu lộ sự chia sẻ nhằm nâng đỡ các mục tử hoàn thành việc phục vụ cộng đoàn. Bên cạnh việc xin lễ, giáo dân cũng có thói quen vào các dịp lễ Tết này nọ, mang quà biếu các linh mục, xem đó như là biểu lộ tấm lòng yêu mến và hiếu thảo của con cái thiêng liêng trong gia đình giáo xứ. Đây cũng được coi như một sự giúp đỡ mà phần đông tín hữu chúng ta rất quan tâm...
Về tinh thần, nhiều giáo dân rất thao thức đối với công việc mục vụ giáo và sẵn lòng góp ý với các linh mục trong giáo xứ khi cần thiết. Một vài nơi thực hiện “Hộp thư góp ý” như ngoài xã hội người ta thường làm, nhưng cách chung hầu hết các nơi giáo dân chỉ có thể “Góp ý bằng miệng!”. Sự góp ý này đôi khi có thể khiến linh mục khó chịu và phản ứng không thuận lợi. Trong việc này, thiết nghĩ, nếu cha xứ và giáo dân tìm được tiếng nói chung và nhất là mục tử biết lắng nghe tiếng con chiên thì chẳng có việc gì là khó khăn và bất khả thi cả./.   

Aug. Trần Cao Khải
- - - - - - - - - - - - - - - -
[1] LM Phx Ngô Tôn Huấn (Hoa Kỳ), bài “Giáo dân có thể giúp ích hay làm hư các linh mục cách nào?”, nguồn: conggiaovietnam.net
[2] LM Phx Ngô Tôn Huấn (HK), bài “Linh mục cần thiết ra sao trong giáo hội?”
[3] Vũ Văn An, VietCatholic News 24-5-2019, nguồn: conggiao.info
[4] ĐGM Phê-rô Nguyễn Soạn, bài “Linh mục, người là ai?”, VietCatholic News 28/02/2005


Biết mình sắp chết, chủng sinh Michal Los xin được phong chức

Biết mình sắp chết, chủng sinh Michal Los xin được phong chức




Đứng trước cái chết, ước nguyện của chủng sinh Michal Los đã được toại nguyện ngày thứ sáu 24 tháng 5. Bị ung thư ở giai đoạn cuối, chủng sinh Michal Los người Ba Lan được Đức Giám mục Marek Solarczyk, giám mục phụ tá giáo phận Krakow phong chức.
 
 MichaelLos_2.jpg

Đứng trước cái chết, ước nguyện của chủng sinh Michal Los đã được toại nguyện ngày thứ sáu 24 tháng 5. Bị ung thư ở giai đoạn cuối, chủng sinh Michal Los người Ba Lan được Đức Giám mục Marek Solarczyk, giám mục phụ tá giáo phận Krakow phong chức.

Chủng sinh Michal Los, 31 tuổi thuộc Dòng Hèn mọn Chúa Quan Phòng, một dòng chuyên lo cho người nghèo, nhất là những người khuyết tật, huấn nghệ cho họ trong giáo xứ hay trong sứ mạng, chủng sinh Michal mong nhận được bí tích chịu chức và ít nhất được dâng thánh lễ một lần trong đời trước khi chết.

Nhờ đặc ân của Đức Phanxicô, chủng sinh Michal đã nhận chức phó tế và sau đó được chịu chức linh mục. Sau khi chịu chức, tân linh mục trẻ đã cám ơn thân nhân có mặt trong buổi lễ truyền chức của mình.

Ngày chúa nhật tiếp đó, tân linh mục đã dâng thánh lễ đầu tiên của mình trên giường bệnh.

Hình ảnh thánh lễ truyền chức cảm động của chủng sinh Michal Los.

MichaelLos_5.jpg

MichaelLos_7.jpg

MichaelLos_9.jpg

MichaelLos_10.jpg

MichaelLos_4.jpg

MichaelLos_3.jpg


MichaelLos_8.jpg

MichaelLos_6.jpg

MichaelLos_11.jpg

 MichaelLos_1.jpg

MichaelLos_13.jpg

MichaelLos_14.jpg

MichaelLos_12.jpg

MichaelLos_15.jpg

MichaelLos_16.jpg

MichaelLos_17.jpg

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 28.05.2019) 


Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

ĐOÀN CON GIÁO XỨ CẦN XÂY DÂNG MẸ ĐÓA HOA


 ĐOÀN CON GIÁO XỨ CẦN XÂY DÂNG MẸ ĐÓA HOA


Hòa trong không khí của người Công giáo Việt Nam cũng như Giáo hội hoàn vũ tưng bừng, rộn rã bước vào mùa dâng hoa kính Đức Mẹ. Giáo xứ Cần Xây trong những ngày lễ Chủ nhật của tháng năm, từng người dự lễ cầm hoa lên dâng kính Mẹ. Riêng chủ nhật cuối tháng các em thiếu nhi đại diện giáo xứ tiến hương và tiến hoa lên Đức Mẹ. Trước các buổi dâng hoa và tiến hoa cha sở hướng mỗi người gửi tâm tình nơi mẹ cũng như nói vế các sắc hoa:
Con dâng Mẹ ngàn hoa tươi thắm
Cả tâm tình và tấm lòng con
Đây màu hoa đỏ sắt son
Như dòng bửu huyết của con Chúa Trời.
Màu hoa tím cùng Người tế lễ
Bao đau thương dâu bể ngậm ngùi
Theo con từng bước lên đồi
Đồng công cứu chuộc giữa trời Can vê.

Bông hoa trắng kiêu sa diễm lệ
Hương trinh nguyên vương nhẹ gót chân
Nữ vương xinh đẹp tuyệt trần
Hai vầng Nhật Nguyệt muôn phần kém xa.

Con xin dâng đóa hoa vàng thắm
Màu hoa tươi thắm đậm yêu thương
Phong lan, Cúc, Phượng hoa Hồng
Đoàn con chung một tấm lòng dâng lên.
Cũng xin nhắc lại việc làm này đã được Đức Thánh Cha Piô VII khuyến khích, Đức Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức này. Đức Thánh Cha Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, nhấn mạnh “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ vũ”. Và năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã nêu lên những giá trị cao quý của việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm:
“Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số I).
Cũng xin dâng lên Mẹ những đóa “hoa lòng” thánh thiện: những gương sáng, những việc lành, những nghĩa cử bác ái với tha nhân trong đời sống thường ngày, những kinh nguyện chung mỗi tối trong gia đình. Xin cho những đóa hoa chúng con tiến dâng được kết trái nhân đức, những nhân đức trọn lành mà suốt đời Mẹ đã thi hành vâng theo ý Chúa. Từ trời cao, xin Mẹ cầu cùng Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo xứ Cần Xây, cho đoàn con cái sốt mến thành tâm hướng về Mẹ trong tháng hoa đầy hương sắc và dạt dào tâm tình con thảo.
Thiên Sinh








Ba khủng hoảng của Giáo hội


Ba khủng hoảng của Giáo hội




“Cơn bão toàn diện ” (A perfect storm), thành ngữ tiếng Anh mô tả cuộc khủng hoảng tác hại trên Giáo hội công giáo. Trận cuồng phong làm rung chuyển Giáo hội tích tụ nhiều yếu tố nặng nề làm tăng thêm sức mạnh của nó.

 
Ở đây chữ “perfect” của tiếng Anh không có nghĩa là “hoàn hảo” nhưng là “toàn diện”, “trọn vẹn”. Đó là cơn bão toàn diện. Các lý do của cơn bão không phải do gần đây cũng không phải ở bề mặt. Các lời giải thích muốn làm giảm cơn choáng của Giáo hội công giáo thành âm mưu xoàng xỉnh của những người “bảo thủ” muốn chống một giáo hoàng cải cách, các lời giải thích này quá đơn giản. Đúng là giáo hoàng Argentina này đã thay đổi phong cách và tầm nhìn của giáo hoàng. Điều đáng kể là sóng thần đã nổ ra năm năm sau cuộc bầu chọn Đức Phanxicô ngày 13 tháng 3 năm 2013. Giữa gốc rễ của các vấn đề đã có từ trước triều giáo hoàng của ngài. Sự hỗn loạn này có khả năng kéo dài. Nếu hôm nay còn quá sớm để ước tính mức độ các hệ quả, nhưng có thể năm 2018 – cũng như năm 1054, năm xảy ra vụ ly giáo lớn lao của Phương Đông, hay năm 1517 của cuộc cải cách tin lành – sẽ là năm nằm trong biên niên sử của Giáo hội. Thêm nữa một số các giám chức gọi trận động đất này là trận “thanh tẩy” thì trong đó lại ẩn giấu một đức tính nghịch lý. Đức tính này cảm nhận được trong hàng ngũ  giáo dân: sự rung chuyển làm mất uy tín thể chế công giáo nhưng nó lại kích thích đức tin kitô, củng cố sự gắn kết của cộng đoàn chung quanh các mục tử chân chính và nhất quán. Đó là một Giáo hội được đổi mới có thể tái sinh từ sự hạ thấp này.

Trước khi phân tích sự kiện này, điều quan trọng là phải xem lại ẩn ý của hiện tượng. Nó liên kết ít nhất ba động lực riêng biệt cho đến nay: một là cấu trúc, một là trí tuệ và một là đạo đức.

Yếu tố đầu tiên là yếu tố cấu trúc đụng đến sự khó khăn của việc thay đổi quản trị trong hệ thống cai quản giáo triều thế tục Rôma. Đức Phanxicô, người có sức hấp dẫn đã thay đổi, nhưng ngài tự cắt đứt mình khi ngài đả kích  một phần lớn ban quản trị mà đa số là người Ý. Đức Bênêđictô XVI cũng thất bại trong cuộc cải cách tương tự ở giáo triều, một thất bại giải thích phần nào cho việc từ nhiệm của ngài. Đức Gioan-Phaolô II cuối cùng cũng đầu hàng. Do đó ở trung tâm Vatican luôn có cuộc đối đầu liên tục không phải giữa nhóm bảo thủ và tiến bộ, nhưng giữa hai quyền lực tối cao: một là giáo hoàng được chọn, một là nhóm mà trong thời gian mật nghị người ta gọi là “đảng giáo triều”. Đó là “quản trị” theo đúng nghĩa của thuật ngữ Mỹ. Trung tâm quản trị của ngài chính yếu là người Ý. Văn phòng kỹ thuật áo chùng này bảo đảm sự trường kỳ của thể chế đứng trước các lập dị có thể có của giáo hoàng. Loại Quốc gia trong Quốc gia này, so sánh với đẳng cấp hành chánh ở Pháp, họ có thể là người bảo thủ hay tiến bộ tùy theo chính sách của giáo hoàng, nhưng họ canh giữ để thể chế được trường tồn. Vatican là vật sở hữu của họ. Đối với họ, các giáo hoàng nếu không phải là người Ý thì vẫn là người nước ngoài. Đức Karol Wojtyłsau một phần tư thế kỷ ở ngôi giáo hoàng vẫn bị gọi là “giáo hoàng Ba Lan.” Đức Phanxicô bằng cách tấn công trực diện nhiều lần “các bệnh” của giáo triều, ngài đã mất đi phần nào sự hỗ trợ cho các dịch vụ của mình. Họ im lặng. Ở Ý, người ta không có thói quen chỉ trích công khai giáo hoàng.

Làn sóng tấn công cơ bản thứ nhì là về mặt trí tuệ: nó phản đối các quan điểm trái ngược về những gì Giáo hội công giáo nên là, trong sứ mạng, trong phong cách của mình. Với cuộc tranh luận trọng tâm: chủ nghĩa hiện đại trong Giáo hội và thẩm quyền của giáo hoàng. Vấn đề này đã tiềm ẩn ở Công đồng Vatican I năm 1869, ngay sau khi các Quốc gia giáo hoàng bị mất. Năm 1963, vấn đề này lại được nêu lên rõ ràng khi mở công đồng hiện đại Vatican II. Và lại được đưa ra một lần nữa trong lần chuyền tiếp giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô. Giáo hoàng Bênêđictô, người bảo vệ Công đồng Vatican II từ chối “phá vỡ” truyền thống Giáo hội. Ngài muốn dung hòa cái cũ và cái hiện đại. Nhưng chủ nghĩa cải cách cấp tốc của Đức Phanxicô, về “tính làm việc đồng đội” trong Giáo hội, chỗ đứng của những người đồng tính và ngày mai, hôn nhân của các linh mục đã khơi lên các đối nghịch cũ. Tuy nhiên trên lãnh vực này, người bảo thủ, người tiến bộ không cùng ở trong một chiến trường cải cách về cơ cấu.

Làn sóng thứ ba là đạo đức: việc tiết lộ các vụ tai tiếng có tầm mức rộng lớn toàn cầu, các linh mục ấu dâm trong những năm 2000 và vụ cấm nói của các giám mục trong việc quản trị các vụ này từ năm 2015, đã tạo cuộc khủng hoảng về uy tín của thẩm quyền đạo đức cả bên ngoài và bên trong Giáo hội. Nhưng ở đây cũng vậy, vấn đề đến từ rất xưa. Luôn có các vụ bê bối đạo đức trong Giáo hội. Các vụ được phát triển trong một bí mật tội lỗi chống lại trẻ em vô tội và các nạn nhân từ những năm 1950 với cuộc cách mạng tình dục ở Mỹ. Trong những năm 2000, các vụ này đã công khai bùng nổ ở Ai-len và Boston. Ở đây Đức Phanxicô đương đầu cùng một thách đố giống Đức Bênêđictô XVI, người đầu tiên đã có can đảm đưa vấn đề này ra công khai dù phải trả bất cứ giá nào. Và ở đây, trong vấn đề này, các người “bảo thủ” cũng không phải lúc nào cũng ở nơi chúng ta có thể hình dung được.

Hiếm khi một doanh nghiệp nào, dù công giáo không phải là một doang nghiệp, lại chịu cùng lúc và bị đánh thẳng vào đích làm mất quân bình bởi một sự kết hợp hung bạo của ba mũi nhọn loại này, cấu trúc, trí tuệ, đạo đức. Khác biệt, ba hồ sơ gây tranh cãi này có nhịp điệu và nơi chốn diễn tả rất khác nhau. Nhưng bây giờ chúng lại liên kết trong một chiến trường toàn cầu, kèm theo một sự nhầm lẫn chung của trái tim và tâm trí. Tinh thần của các nhóm, hàng giáo sĩ, hàng ngũ cấp cao ủ rủ tang tóc. Tại các nước có các vụ tai tiếng, con số chủng sinh đã giảm trong mùa tựu trường năm 2018 ở các chủng viện. Một số người công giáo còn đi xa hơn đến mức, họ xin bỏ tên ra khỏi sổ rửa tội. Cách đây hai mươi năm, vào thời Đức Gioan-Phaolô II, niềm tự hào là người công giáo ở cao điểm, nhưng bây giờ giáo dân lại cảm thấy xấu hổ mình là người công giáo. Đức Phanxicô còn cho đây là là hành động của “ma quỷ”. Tháng 10 năm 2018, ngài xin tín hữu đọc kinh mân côi để tránh sự xuống cấp này. Nhưng làm thế nào mà giới công giáo, được tiếng khôn ngoan và có trật tự đã xuống đến mức như thế này năm 2018?

1,4% linh mục là ấu dâm

Ba tia lửa cùng châm ngòi đốt. Tia đầu tiên đến từ Chi-Lê khi Đức Phanxicô đến thăm nước này vào tháng 1 năm 2018, trước khi ngài đến Pê-ru. Ở đó, ngài nhận một sự tiếp đón lạnh lùng, phạm một vài vụng về đối với các nạn nhân của các linh mục ấu dâm. Điều này đã mở ra một cuộc tranh cãi tiết lộ vụ tai tiếng ấu dâm và đồng tính ở tầm mức rộng lớn, được một số giám mục đồng tình bao che.  Trên máy bay về Rôma, Đức Phanxicô đặt tất cả sức mạnh của mình trên cán cân, công khai bênh vực Hội đồng Giám mục Chi-Lê. Sự thật nhanh chóng làm cho quan điểm của ngài không thể bảo vệ được. Để tìm lối thoát, vào giữa tháng 5, ngài triệu tập các giám mục Chi-Lê về Vatican. Ở đây, 34 trong số 50 giám mục đệ đơn từ chức tập thể. Sau đó Đức Phanxicô tiếp các nạn nhân và quyết định gởi giám mục Charles Scicluna qua Chi-Lê điều tra. Và giám mục Scicluna đã có một báo cáo khủng khiếp, xác nhận những nỗi sợ hãi đáng sợ nhất. Vào mùa thu, các hình phạt giáng xuống, bao gồm cả việc trục xuất khỏi chức thánh nhiều giám mục. Việc quản lý hỗn loạn vụ Chi-Lê đã làm suy yếu đáng kể hào quang của Đức Phanxicô ở Châu Mỹ La Tinh. Trên hết, ở phạm vi thế giới, nó chứng minh việc sử dụng lời nói dối công khai đã tồn tại trong Giáo hội công giáo. Và từ đó có nghi ngờ.

Tia lửa thứ nhì lần này đốt lên ở Mỹ. Ngày 15 tháng 8 năm 2018, tổng công tố viên của bang Pennsylvania công bố một bản báo cáo cho biết trong 70 năm có 301 linh mục công giáo – hai phần ba trong số họ đã qua đời – đã lạm dụng trên 1000 nạn nhân. Thực tế của những con số này đã được biết đến. Một cuộc khảo sát có tầm mức lớn hơn đã được Hội đồng John Jay của Tòa Hình sự New York (John Jay College of Criminal Justice) thực hiện trên toàn nước Mỹ năm 2004. Cuộc khảo sát cho biết từ năm 1950 đến năm 2002 có  4 400 linh mục ở Mỹ đã bị kết án vào tội lạm dụng trên trẻ vị thành niên, như thế có khoảng 4 % trong 110 000 linh mục làm sứ vụ trong thời gian này, với con số nạn nhân khoảng 11000 nạn nhân. Nhưng trong bối cảnh của vụ Chi-Lê, các thống kê của báo cáo Pennsylvania có tác dụng của một quả bom, dù năm 2017, chỉ có hai trường hợp ấu dâm được phát hiện trong số 2500 linh mục của sáu giáo phận của tiểu bang. Sự náo động truyền thông và rối loạn đạo đức đã tạo phản ứng dây chuyền. Có đến năm tiểu bang khác ở Mỹ đã quyết định bắt đầu các cuộc điều tra tương tự, và cần từ một đến hai năm để làm công việc điều tra này. Vào cuối tháng 9 năm 2018, tại Đức, Hội đồng Giám mục công giáo dẫn đầu bằng cách công bố số liệu riêng của mình: giữa năm 1946 và 2014, có ít nhất 3 677 trẻ em, đa số là các em bé trai dưới 13 tuổi đã là nạn nhân của 1670 giáo sĩ. Một tỷ lệ 4,5 % các linh mục trong khoảng thời gian khủng hoảng này. Tại Pháp, một số người yêu cầu một ủy ban quốc hội cũng làm một cuộc điều tra tương tự. Giáo hội Ba Lan cũng công bố một bản báo cáo. Chung chung, Tòa Thánh ước tính khoảng 1,4 % số linh mục ấu dâm trên toàn cầu. Một thiểu số, nhưng một thiểu số như thế cũng đã là quá.

Tia lửa cuối cùng thứ ba là tia lửa đốt cháy hỗn hợp đã rất bùng nổ này, đó là vụ Viganò, được đặt theo tên của Giám mục Carlo Maria Viganò, cựu sứ thần Tòa Thánh ở Mỹ từ năm 2011 đến năm 2016. Trước khi vượt Đại Tây Dương đi Mỹ, Giám mục Viganò là tổng thư ký Thành đô Vatican, người trách nhiệm quản lý tất cả hồ sơ các sứ thần trên thế giới. Giám mục là một trong số người biết nhiều tin tức, rành guồng máy Giáo hội công giáo và những người điều hành guồng máy này. Ngày 25 tháng 8 năm 2018, trong một bức thư ngỏ, Giám mục “ý thức” vai trò giám chức của mình, phá vỡ bí mật giáo hoàng, Giám mục yêu cầu … Đức Phanxicô từ chức. Đáng kể Giám mục đổ lỗi Đức Phanxicô bao che tác phong đồng tính của Hồng y Theodore McCarrick, cựu Tổng Giám mục giáo phận Washington năm nay đã 88 tuổi. Dưới áp lực truyền thông và sau vụ ấu dâm, ngày 28 tháng 7 – 2018, Đức Phanxicô bỏ tước vị hồng y của Hồng y McCarrick và buộc hồng y phải sống đời sống ăn năn. Nhưng cơ sở tấn công của Giám mục Viganò là ở chỗ khác. Giám mục cho rằng Đức Phanxicô đã biến cựu hồng y McCarrick là người cố vấn chính của mình trong các vấn đề ở Mỹ, nhất là việc bổ nhiệm các giám mục ủng hộ cho phong trào LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới). Giám mục Viganò cũng tố cáo có sự tồn tại của “vận động hành lang đồng tính” ở Vatican và trong Giáo hội, Giám mục đưa ra nhiều chỉ dẫn nhằm mục đích “lật đổ” giáo điều công giáo trong lĩnh vực này. Do đó, Giám mục Viganò cầu khẩn “tất cả các giám mục phá vỡ văn hóa im lặng” về đồng tính của một phần giáo sĩ. Đức Giáo hoàng từ chối không nói “một lời” về bức thư này. Nhưng hai tháng sau khi bức thư được công bố, không một phủ nhận nghiêm trọng nào về cơ sở của lời buộc tội, cụ thể là sự tồn tại và ảnh hưởng của các mạng đồng tính trong Giáo hội. Chỉ có Hồng y Canada Marc Ouellet, bị chất vấn qua một bức thư ngỏ thứ nhì của Giám mục Viganò vào đầu tháng 10, đã công khai chống lại việc Đức Phanxicô biết thông tin về hồng y McCarrick. Tuy nhiên, trong câu trả lời của mình, Hồng y Oellet công nhận một phần thực tế của vấn đề do Giám mục Viganò nêu ra. Đồng điệu với nhiều nhân vật của Vatican cùng xác nhận tất cả những gì mọi người đều biết dưới lớp áo phủ: bản chất của sự kiện Giám mục Viganò tố cáo là chính xác.

Vụ Viganò
Dù sao Vatican cũng đưa ra một chiến lược để phản ứng lại bức thư của Giám mục Viganò. Tuần lễ đầu tiên là các tấn công cá nhân nhắm đến sự “trả thù” của Giám mục Viganò. Mười ngày sau, tuyến tấn công thứ nhì là: Giám mục Viganò ở trong tay những người “bảo thủ” chống Đức Phanxicô ở Mỹ, đã thao túng Giám mục để làm suy yếu các vụ cải cách. Cuối tháng 9, tuyến tấn công thứ ba và tuyến này bây giờ rất tích cực: trách nhiệm của các vụ thuần phong này không chỉ thuộc về Đức Phanxicô mà một phần là của Đức Bênêđictô XVI và đặc biệt dưới triều Đức Gioan-Phaolô II. Ngoài vòng thân cận của Rôma, các nhân vật am tường ở Mỹ đều từ chối ý tưởng yêu cầu  giáo hoàng từ chức, nhưng cho rằng Tòa Thánh phải đối diện với ba khủng hoảng của Giáo hội, về thực chất đó là các vấn đề nghiêm trọng mà sứ thần công kích. Trong số các nhân vật này có Hồng y DiNardo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ và linh mục Dòng Tên Mỹ Thomas J. Reese rất có ảnh hưởng, người thân cận với Đức Phanxicô.

Chúng ta đang ở thời điểm tháng 10 năm 2018. Nhiều dấu hiệu cho thấy Đức Phanxicô, không thể cho giám mục Viganò, người tố cáo mình là hợp lý, ngài cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Ngày 12 tháng 10, ngài chấp nhận để hồng y Donald Wuerl, Tổng Giám mục giáo phận Washington từ chức, nhân vật chủ chốt của tất cả quá khứ này và có liên hệ đến tài liệu của giám mục Viganò. Tháng 2 năm 2019, Đức Phanxicô đã triệu tập các chủ tịch các Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới về Vatican họ để đối diện với cơn bão này. Hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng là hành động chưa từng có trong việc điều hành guồng máy của Vatican.

Cuối cùng, có một dữ liệu khác rất cần thiết và chính yếu để hiểu vụ Viganò. Thật kỳ lạ, nhiều người bây giờ tấn công sứ thần theo kiểu công kích cá nhân (ad hominem) thì trong vụ “VatiLeaks” năm 2010 đã khen ngài sáng suốt. Vụ bê bối này đã cho thấy các bức thư được chuyền đến một cách bí ẩn từ văn phòng Đức Bênêđictô XVI đến báo chí Ý, qua người quản lý của ngài, với rất nhiều người trung gian rất được tin dùng ngày nay. Một trong các bức thư nổi tiếng này, là bức thư do sứ thần Viganò ký khi ngài làm tổng thư ký Thành đô Vatican và chỉ gởi riêng cho Đức Bênêđictô XVI. Ngài kịch liệt đả kích các hoạt động tài chánh nghi ngờ – đặc biệt là hối lộ – mà ngài thấy trong việc quản lý của Tòa Thánh. Bị giáo triều ruồng bỏ, Giám mục Viganò được Đức Bênêđictô XVI bảo vệ và đã đề cử Giám mục Viganò làm sứ thần ở Mỹ.

Mỗi triều giáo hoàng đều trải qua các chống đối kịch kiệt và các vụ tấn công mạnh mẽ, nhưng sẽ là ngắn gọn nếu nghĩ rằng Giám mục Viganò là hình ảnh của một kẻ thù của Đức Phanxicô, bị môi trường bảo thủ Mỹ lèo lái, và dĩ nhiên là công cụ hóa việc chiến đấu của họ. Sự trung thực về trí tuệ đòi hỏi phải thừa nhận nơi vị sứ thần này là người có lương tâm, dám can đảm tố cáo những gì mình thấy không hoạt động đúng trong Giáo hội, đến mức chịu mất đi quyền lợi của mình trong sự nghiệp giáo sĩ. Những người có nghị lực tinh thần như thế rất hiếm trong môi trường các giám mục, nơi đức vâng lời buộc phải im lặng và từ đó là hèn nhát… Nếu Giám mục Viganò bị mất uy tín và suy yếu vì đòi Đức Phanxicô từ chức, thì giám mục vẫn được các bạn đồng nghiệp công nhận là người “liêm chính” – thậm chí còn cho là người “cứng nhắc” vì tính nghiêm nhặt của giám mục. Giám mục viết trong bức thư tháng 8:

“Chúng ta phải có can đảm phá vỡ văn hóa bí mật và công khai thú nhận sự thật mà chúng ta giấu kín. Điều quan trọng là phải đánh bạt sự cấm nói, qua đó các giám mục, các linh mục đã tự bảo vệ mình dù có hại cho giáo dân […] cấm nói ở đây không khác gì cấm nói của mafia”.

Do đó thật sai lầm khi phác họa cuộc khủng hoảng này thành cuộc chiến giữa người bảo thủ và tiến bộ, mà từ đó có thể phân loại khác nhau theo bản chất của các hồ sơ. Vụ Viganò đúng hơn là phiên tòa công khai về sự bất nhất của Giáo hội với đòi hỏi đạo đức mà Giáo hội chủ trương.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 27.05.2019)


UNESCO: Không nhất thiết bảo tồn nguyên trạng nhà thờ Bùi Chu

UNESCO: Không nhất thiết bảo tồn nguyên trạng nhà thờ Bùi Chu


Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nói quyết định hạ giải nhà thờ đã được lãnh đạo và giáo dân cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn bị từ lâu.
 
 
Michael Croft, Trưởng Đại diện văn phòng UNESCO tại
Việt Nam. Ảnh: Viết Tuân.
 
Chiều 24/5, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trả lời VnExpress về tranh luận việc bảo tồn hay xây mới nhà thờ chánh toà Bùi Chu (Nam Định).

- Quan điểm của ông về tranh luận bảo tồn hay xây mới nhà thờ chính toà Bùi Chu giữa các kiến trúc sư và linh mục, giáo dân địa phương?

- Nhà thờ Bùi Chu hiện chưa nằm trong danh mục di sản văn hoá quốc gia hay di sản được UNESCO công nhận. Thông thường, chúng tôi không tham gia trực tiếp vào những câu chuyện như vậy, nhưng nhà thờ Bùi Chu nhận được sự quan tâm sâu sắc của công chúng, đặc biệt là các kiến trúc sư. Đây là cuộc tranh cãi giữa bảo tồn và phát triển, một thực tế mà Việt Nam đang phải đối mặt. Chúng tôi cũng nhận được đơn kiến nghị của các kiến trúc sư về việc này. Vì vậy, ngày 7/5, tôi gửi đề nghị được đến nhà thờ để tìm hiểu cụ thể và được lãnh đạo giáo phận Bùi Chu chấp thuận.

Ngày 10/5, chúng tôi khảo sát nhà thờ. Ngoài đại diện UNESCO, đoàn có một kiến trúc sư, một chuyên gia di sản, một chuyên gia kỹ thuật 3D, đã tìm hiểu thực trạng công trình, lịch sử xây dựng, những lần trùng tu và thảo luận với lãnh đạo giáo phận.

Sau chuyến làm việc, chúng tôi hiểu rằng, quyết định hạ giải nhà thờ đã được lãnh đạo và người dân giáo phận cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn bị từ lâu. Các quyết định được đưa ra có sự điều chỉnh để đảm bảo hài hoà các yếu tố như sự an toàn của giáo dân, quyền được hành lễ và bảo tồn di sản. Những tính toán này luôn có sự góp ý của nhà chức trách tỉnh Nam Định và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để chọn cách tối ưu.

Tuy nhiên, truyền thông và mạng xã hội khi bàn luận về vấn đề này lại ít nói tới yếu tố quan trọng hàng đầu là an toàn của giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng của họ. Việc bảo tồn những cấu kiện kiến trúc nhà thờ phải được đặt cạnh tính tiếp nối và liên tục của việc thực hành tín ngưỡng tại địa điểm được giáo dân coi là linh thiêng này.

- Sau chuyến khảo sát, ông đánh giá như thế nào về thực trạng nhà thờ Bùi Chu hiện nay?

- Không cần phải là người có chuyên môn về kiến trúc, chỉ quan sát bằng mắt thường cũng thấy rõ sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình này: Nền móng nhà thờ đã sụt lún khoảng 60-70 cm, tường phía trước bị nứt toác thành hai mảng, cấu trúc gỗ và mái mục nát. 

Hơn nữa, nhà thờ đã được xây dựng từ năm 1884, trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam còn lạc hậu nên khó có thể đặt mục đích công trình sẽ trường tồn mãi theo thời gian. Bằng chứng là Bùi Chu không được xây bằng đá cổ như các nhà thờ châu Âu mà chỉ bằng những vật liệu được tận dụng tối đa ở địa phương. Các cấu kiện gỗ cũng không phải là tốt nhất. 

- Nhà thờ chính toà Bùi Chu cần được bảo tồn ra sao?

- Bảo tồn nhà thờ Bùi Chu cần được nhìn nhận theo nghĩa rộng hơn. Trước tiên, phải đảm bảo an toàn cho giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng của họ. Bảo tồn di sản phải bao gồm cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Đừng nên tuyệt đối hoá bằng mọi giá chỉ bảo tồn di sản vật thể của công trình. 

Bởi những yếu tố vật thể không thể tồn tại vĩnh viễn theo thời gian. Qua năm tháng, có những thứ phải mất đi. Nhưng các di sản phi vật thể là giá trị lịch sử,  thực hành văn hoá, tín ngưỡng gắn với cộng đồng địa phương thì sẽ được trao truyền từ đời này sang đời khác. Sự tiếp nối dòng chảy văn hoá đôi khi còn quan trọng hơn việc bảo tồn di sản vật chất. 
 
BuiChu.jpg
Bức tượng chúa Giêsu Vua trên đỉnh nhà thờ cũ dự kiến sẽ được đưa sang vị trí tương tự ở nhà thờ mới. Ảnh: Giang Huy.

Trong chuyến thăm nhà thờ, chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận sự trân trọng, lòng thành kính của các giáo dân nơi đây với nhà thờ của họ. Vì vậy, những quyết định của họ với công trình cần được tôn trọng. 

Trong trường hợp cần thiết giữ lại các kiến trúc nhà thờ Bùi Chu, cũng không nhất thiết phải bảo tồn nguyên trạng. Bởi còn có nhiều hình thức khác để lưu giữ lịch sử, ký ức gắn với nhà thờ như giữ nền móng nhà thờ hoặc chi tiết đặc trưng nào đó, quét 3D, số hoá... 

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của giáo phận để gìn giữ tối đa cấu trúc và nền móng ban đầu của nhà thờ trong kế hoạch hạ giải và tái thiết công trình. Đồng thời, giáo phận cũng sẽ số hoá để lưu trữ các cấu kiện kiến trúc nguyên bản của nhà thờ cho thế hệ mai sau.

UNESCO sẽ hỗ trợ kỹ thuật, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình trùng tu nhà thờ Bùi Chu.

- Làm cách nào để bảo tồn hệ thống nhà thờ hàng trăm năm ở Việt Nam nhưng chưa được công nhận là di sản, thưa ông?

- Sau chuyến khảo sát đến nhà thờ Bùi Chu, chúng tôi có cuộc làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và cam kết sẵn sàng hợp tác để xây dựng kế hoạch bảo tồn các di sản là công trình tôn giáo một cách hệ thống và chủ động, thay vì giải quyết từng sự việc riêng lẻ. 

UNESCO và nhà chức trách Việt Nam đều thống nhất rằng cần thiết phải có hệ thống kiểm kê, bảo tồn các nhà thờ có giá trị như Bùi Chu. 

Việt Nam cần rà soát lại Luật Di sản văn hoá, mời những người có uy tín ở các tôn giáo khác nhau để sửa đổi quy định liên quan đến việc công nhận di tích là công trình tôn giáo. 

Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1884 bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận, đã qua hai lần trùng tu vào năm 1974 và 2000. Hiện nhiều chỗ bên trong nhà thờ đã xuống cấp. Ở bên ngoài, mỗi khi trời mưa, một bên nhà thờ lại bị ngập nước.

Nhiều giáo dân địa phương cho biết, mỗi khi đến nhà thờ cầu nguyện, hành lễ, họ thường lo lắng bởi vật liệu có thể rơi xuống, gây nguy hiểm cho mọi người. Có diện tích nhỏ (khoảng 1.350 km2) nhưng giáo phận Bùi Chu có tới hơn 412.000 giáo dân.

Đầu tháng 5/2019, hay tin giáo phận Bùi Chu sẽ hạ giải nhà thờ vào ngày 13/5, 25 kiến trúc sư đã gửi đơn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đề nghị can thiệp giữ lại nhà thờ.

Ngày 10/5, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện, Trưởng ban xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu ký thông báo hoãn việc hạ giải nhà thờ chính tòa. Tuy nhiên, giáo phận chưa bàn phương án xây dựng nhà thờ mới ra sao hoặc bảo tồn nhà thờ cũ thế nào.

Viết Tuân
(vnexpress.net 24.05.2019)