label

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ VÀ MỪNG NGỌC KHÁNH CHA CỐ THIÊM


THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ
VÀ MỪNG NGỌC KHÁNH CHA CỐ THIÊM


Sáng 29/6/2019 hai Đức cha Giuse Trần Văn Toản Giám mục chính tòa và Đức cha Trần Xuân Tiếu nguyên Giám mục chính tòa Long Xuyên cũng như trên 50 cha đã về giáo xứ Cần Xây dâng thánh lễ đồng tế mừng kính hai Thánh tông đồ Phêrô – Phaolô, đồng thời cầu nguyện, chúc mừng bổn mạng cha Phaolô Trần Văn Khoa cha sở giáo xứ Cần Xây, bề trên Tu viện Nguồn Sống, Giám đốc nhà Hưu dưỡng Cần Xây, cũng như mừng Ngọc khánh linh mục (84 tuổi đời, 60 năm linh mục) cha cố Phêrô Thiêm đang sống tại nhà hưu dưỡng Cần Xây. Bắt đầu thánh lễ ông Chủ tịch hội đồng giáo xứ đã đọc lời chúc mừng cha sở, cha cố, quí vị trong ban Hội đồng mục vụ có bổn mạng cũng như quí giáo dân đã chọn hai thánh làm bổn mạng. Ban đại diện thay mặt toàn thể giáo dân dâng hoa chúc mừng lên hai Đức cha, cha sở, cha cố. Trong bài giảng Đức cha chánh nhắc đi nhắc lại về món nợ tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho mọi người và kêu gọi từng người hãy noi gương hai Thánh tông đồ đáp trả tình yêu Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
  Chúng ta cùng cầu nguyện cho cha sở, cha cố, quí cha có bổn mạng hôm nay và cầu nguyện cho nhau trong thánh lễ này.
Một số hình ảnh trong thánh lễ.









Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 
CHA SỞ 

Kinh dâng lên cha đóa hoa lòng

Hôm nay 29-06 lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ bổn mạng của cha sở 
Phaolô TRẦN VĂN KHOA

Toàn thể giáo dân Cần Xây xin chúc mừng bổn mạng Cha sở, nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều hồng ân và sức khỏe để cha giúp xứ đạo ngày càng đi lên. Chúng con sẽ cầu nguyện thật nhiều cho cha trong thánh lễ 9 giờ 30 sáng nay kính trọng thể hai thánh do Đức cha Chánh địa phận Giuse Trần Văn Toản chủ tế tại Giáo xứ Cần xây
                                                            Giáo dân Cần xây

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Linh mục Venezuela dâng lễ thu hút như siêu sao ca nhạc hát

Chuyện lạ bốn phương: Linh mục Venezuela dâng lễ thu hút như siêu sao ca nhạc hát



Cha Luis Antonio Salazar, linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn đã rất nổi tiếng sau khi xây dựng một mạng xã hội để rao giảng Kinh Thánh trên Instagram.

Ngài còn nổi tiếng hơn nữa sau khi tham gia vào các cuộc biểu tình chống tên độc tài Nicolás Maduro và công khai ủng hộ cho lãnh tụ đối lập Juan Guaido. Ngài tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ trong lớp áo dòng của mình. Người ta có thể thấy ngài ban phép lành cho những người biểu tình; và một lúc sau cũng có thể thấy cảnh ngài bị cảnh sát rượt chạy chung với người dân.

Cha Salazar nói:

“Nếu mọi người ra đường, bạn cũng phải ra đường với họ. Như thế, mới gọi là đồng hành”.

Cha Salazar được kể là một người rất đẹp trai. Thực tế là ngài đã từng tham gia vào cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới tại Caracas trước khi đi tu.

Hai năm trước đây, cha Salazar đã bắt đầu sử dụng iPhone của mình để quay một loạt video với tên gọi là “Sống Phúc Âm” một chương trình truyền hình hiện đại về thần học phát vào mỗi thứ Bảy, lôi cuốn hơn 30,000 người theo dõi trên Instagram.

Các video của ngài thường dài không quá một phút thảo luận về một loạt các đề tài như sự bình an nội tâm, cuộc thương khó Chúa Kitô, tội lỗi. Gần đây hơn là các đề tài về công lý và hòa bình cũng như sự tham gia vào cuộc sống chính trị của người Công Giáo. 

Các thánh lễ về công lý và hòa bình của ngài mỗi cuối tuần lôi cuốn hàng ngàn những người trẻ là những người thích được chụp hình selfie chung với ngài sau các thánh lễ.

Carol Alvarez, 23 tuổi, sinh viên, người phải cuốc bộ mỗi tuần hơn 10km để tham dự các thánh lễ của cha Salazar trong một nhà thờ treo đầy các ảnh tượng Đức Mẹ, nói.

“Đối với tôi, ngài là linh mục siêu sao nhạc rock, vị linh mục của ngàn năm mới này” 

 

Thư mục vụ của Đức Giám mục giáo phận tháng 07/2019


XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN TÔNG ĐỒ
VỚI TINH THẦN THAM GIA, HIỆP THÔNG
VÀ ĐỒNG TRÁCH NHIỆM VÌ SỨ VỤ

Anh chị em thân mến!

​Ngày 31 tháng 7 năm nay là kỷ niệm năm thứ 160 (1859-2019) cuộc tử đạo của hai thánh Tử Đạo Long Xuyên, Thánh Linh Mục Phêrô Đoàn Công Quý và thánh giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng. Cũng tháng 7 này, Ủy Ban Giáo Dân giáo phận tổ chức tuyên hứa nhận nhiệm vụ của Hội Đồng Mục Vụ giáo Xứ trong toàn giáo phận. Trong bầu khí giáo phận đang hướng về kỷ niệm 60 năm thành lập, Thư mục vụ tháng 7 có chủ đề, giáo phận Long Xuyên xây dựng cộng đoàn tông đồ với tinh thần Tham Gia Hiệp Thông Đồng Trách Nhiệm vì Sứ vụCông đoàn tông đồ ở đây được hiểu là cộng đoàn giáo phận, giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn tu sĩ, cũng như các tập thể và đoàn hội đạo đức trong giáo phận. 

Trước hết, chúng ta dùng Lời Chúa để chiếu dọi vào chủ đề của Thư mục vụ.

1) Trong Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintô, thánh Phaolô khẳng định: “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng làm mọi sự trong mọi người” (1Cor 12, 4). Như vậy, có nhiều ơn gọi trong hội thánh Chúa Kitô. Mỗi ơn gọi đều phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Mọi ơn gọi đều hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Và tất cả mọi ơn gọi đều quy hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận không trừ ai, đều được mời gọi, theo hoàn cảnh độc đáo của mình, để cùng xây dựng giáo phận Long Xuyên một cách hiệp nhất trong đa dạng.

2) Tiếp theo lời khẳng định trên, Thánh Phaolô còn xác quyết: “Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể” (1Cor 12, 12)Hiệp nhất trong đa dạng nhằm tiếp tục chương trình của Thiên Chúa dành cho nhân loại một cách phong phú và độc đáo. Toàn thể giáo phận Long Xuyên được mời gọi “Tham gia hiệp thông đồng trách nhiệm vì sứ vụ” để tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô, là xây dựng Nước Thiên Chúa trên phần đất miền đồng bằng sông Cửu Long.

3) Giáo hội thời sơ khai được mô tả trong Công Vụ Tông Đồ (2, 42-46) là:“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”. Áp dụng mô hình trên vào giáo phận Long Xuyên, mọi cộng đoàn Kitô Hữu thuộc giáo phận còn được mời gọi sống mầu nhiệm Chúa Kitô theo 3 khẩu hiệu giám mục của các giám mục tiên khởi của giáo phận. Đó là “Chúa Kitô trong anh chị em – Christus in Vobis”, “Giới răn mới – Mandatum Novum” và “Xin cho chúng nên một - Ut Sin Unum”.

Từ ánh sáng Lời Chúa trên đây, toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận được mời gọi xây dựng giáo phận, cũng như mỗi giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn, hội đoàn.., phải là gia đình của Thiên Chúa với những ý thứcsau đây:

• Ý thức rằng: Gia đình của Thiên Chúa phải là một cộng đoàn cầu nguyện để hiệp thông với Thiên Chúa, để tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý, và để tìm về Thiên Chúa là nguồn gốc và là cùng đích.

• Ý thức rằng: Gia đình của Thiên Chúa phải là một cộng đoàn yêu thương và phục vụ huynh đệ để sống hiệp nhất và chia sẻ trong cộng đoàn.

• Ý thức rằng: Gia đình của Thiên Chúa phải là một công đoàn sứ vụ, tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô là biến đổi thế giới này thành “Trời mới Đất mời nơi công lý ngự trị”.

• Ý thức rằng: Gia đình của Thiên Chúa phải là một cộng đoàn đang đồng hành với con người thời đại, đặc biệt là với những người thành tâm thiện chí khác niềm tin, khác triết lý sống; họ cũng đang được mời gọi thuộc về Nước Thiên Chúa.

• Ý thức rằng: Gia đình giáo phận Long Xuyên phải là một cộng đoàn sống hiện tại nhưng hướng về tương lai; sống hiện tại để chia sẻ niềm vui mừng với tin mừng Chúa Kitô Phục Sinh; hướng về tương lai để chia sẻ niềm hy vọng đón chờ ngày Chúa Quang Lâm trong ngày sau hết.

Với những ý tưởng trên, xin được đề nghị những điểm nhấn tu đức, mục vụ và loan báo Tin Mừng của giáo phận trong tháng 7:

1) Toàn thể giáo phận, các giáo xứ giáo họ, đặc biệt là các đoàn hội đạo đức tại các giáo xứ, sẽ học hỏi và sống những hướng dẫn của HĐGMVN “về một số lưu ý trong đời sống đức tin”, để cộng đoàn của chúng ta thực sự là một cộng đoàn cầu nguyện trong tinh thần và chân lý;

2) Riêng với các thành viên của Hội Đồng Mục Vụ giáo Xứ, hãy tích cực tham dự các cuộc huấn luyện do Ủy Ban Giáo Dân tổ chức để đào tạo nhân sự tông đồ giáo dân cho nhiệm kỳ mới 2019-2023, và lễ tuyên hứa sẽ được tổ chức tại Đài Đức Mẹ Tân Hiệp vào ngày 30/7/2019, nhờ đó sẽ cộng tác với hàng linh mục và tu sĩ để phục vụ “Nước Thiên Chúa”;

3) Các linh mục là anh trưởng trong gia đình giáo xứ giáo họ, sẽ tích cực thi hành bổn phận và trách nhiệm trong tinh thần khiêm tốn phục vụ của Chúa Kitô, cụ thể là đồng hành với các đoàn hội đạo đức trong cộng đoàn của mình.

4) Các linh mục cùng với các tu sĩ và các tông đồ giáo dân trong cộng đoàn hãy tích cực phát huy các cuộc hội họp theo quy chế hay nội quy. Đây là một hình thức thể hiện tinh thần tham gia hiệp thông đồng trách nhiệm vì sứ vụ rõ nét. Trong các cuộc hội họp này, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong cộng đoàn cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau suy tư, cùng nhau tìm ý Chúa, cùng nhau quyết định hành động, phân công, điều phối và lượng giá…;

5) Giáo phận cổ vũ sự công tác của các Kitô hữu với những người thành tâm thiện chí có bất cứ niềm tin nào, đang theo bất cứ triết lý sống nào, để xây dựng một xã hội công bình, yêu thương, và phát triển, cụ thể là qua các công trình từ thiện bác ái tại địa phương.

Anh chị em thân mến,
Hai thánh tử đạo, thánh Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng là bổn mạng của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ trong giáo phận, và cũng là bổn mạng của Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể giáo phận Long Xuyên. Hồng ân Tử Đạo của các Ngài là hoa trái của tinh thần“Sự tham gia hiệp thông đồng trách nhiệm vì sứ vụ”. Tinh thần này cũng phải trở thành gương mẫu cho sự cộng tác giữa hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của giáo phận. Xin các Ngài chúc lành cho giáo phận chúng ta, đặc biệt cho các Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ trong giáo phận, và cho Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của giáo phận.
Trong Chúa Kitô!

+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo Phận Long Xuyên

Thiệp mời:Thánh lễ truyền chức linh mục

Thiệp mời:Thánh lễ truyền chức linh mục


Đức Tổng Giám mục Pontier rời Marseille để về làm cha xứ thường

Đức Tổng Giám mục Pontier rời Marseille để về làm cha xứ thường


Đức Tổng Giám mục Georges Pontier rời chức Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp về làm một cha xứ bình thường
Năm nay 76 tuổi, Đức Tổng Giám mục Pontier rời chức vụ Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp để về làm cha xứ họ đạo bình thường ở giáo phận Toulouse. Ngạc nhiên.
Cha rời Marseille lòng thanh thản?
Tôi ra đi với tấm lòng biết ơn với những gì tôi sống ở thành phố đặc biệt đa dạng này. Tôi rất thích các cuộc gặp gỡ với các cộng đoàn hồi giáo, do thái, Armenia, Liban, Irak, Melkit, tín hữu Đông phương…
Cuộc đối thoại có hiệu quả?
Có hiệu quả nhiều với người hồi giáo vì có nhiều vấn đề thực tế. Có những cuộc gặp gỡ giữa gia đình công giáo và hồi giáo. Chúng tôi có các trường công giáo có sỉ số học sinh hồi giáo rất cao và mỗi sáu tuần có các linh mục, các giáo sĩ hồi giáo đến nói chuyện với học sinh. Gặp gỡ giữa người công giáo và hồi giáo thường rộng lớn hơn giữa người công giáo và các tôn giáo khác, nhưng tất cả đều mang kết quả vì vấn đề lớn là chúng ta không hiểu nhau, không biết nhau và có thành kiến với nhau. 
Đâu là các niềm vui và thành công của cha?
Tôi muốn nói đến bầu khí thân ái ở nhà xứ, một tình huynh đệ giữa các linh mục. Sự hiện diện của chúng tôi cũng rất đáng kể ở các bệnh viện, một tinh thần làm việc chung với các sinh viên, các người tốt nghiệp trẻ thu hút rất nhiều người.
Chúng ta biết tình trạng tài chánh của giáo phận cha rất mong manh…
Chúng tôi sống nhờ tiền quyên góp. Chúng tôi quyên góp được 2 triệu âu kim mỗi năm và số tiền cũng không giảm. Nhưng chúng tôi không được trừ thuế vì nhà nước bỏ thuế trên tài sản, những ai cho theo diện này họ không cho nữa. Và chúng tôi cũng lo về việc các ân nhân của chúng tôi ngày càng già vì thế số tiền cho sẽ giảm. Nhưng chúng tôi không ở trong tình trạng đáng lo. Chúng tôi xử lý ngân sách lành mạnh. Chúng tôi trả lương hàng tháng cho 180 linh mục và khoảng bốn mươi giáo dân. 
Marseille là một giáo phận khó điều hành?
Chúng tôi ở một thành phố nghèo, chúng tôi ít có các tín hữu kitô được đào tạo như các thành phố khác, nhưng lòng mộ đạo của giáo dân Marseille rất lớn. Chúng tôi có các cộng đoàn bình dân cũng như giới khá giả, họ có tinh thần dấn thân rất cao. Họ có nhiều sáng kiến để giúp người nghèo, người di dân, người vô gia cư, người mù chữ và có nhiều sáng kiến để giải quyết vấn đề. 
Cha có nhiều hối tiếc?
Chúng tôi mong xã hội Marseille và Giáo hội hợp tác với nhau trong việc đón nhận người di dân. Đó là những người sống trong thảm cảnh nhân loại, họ buộc lòng phải ra đi. Chúng ta không có chương trình đón nhận, chúng ta chỉ phản ứng tùy theo trường hợp với cái tối thiểu nhất. Chúng ta tỏ ra lạnh lùng đón tiếp để người khác đừng tới nữa. Đối với tôi, việc thiếu chương trình này thật đáng tiếc. Nơi tín hữu kitô có nhiều người dấn thân nhưng cũng có những người cự lại. Có một khác biệt giữa hình ảnh một thành phố thường được mô tả là thành phố đón nhận nhưng trên thực tế tôi thấy có những chuyện cự lại. 
Cha có thể làm nhiều hơn với tín hữu kitô của mình?
Nhưng chúng tôi cũng cần xã hội dân sự hỗ trợ. Để có nhiều gia đình đón nhận người di dân thì cần cả xã hội hợp tác và chính quyền lo về mặt quản trị và tài chánh để giúp các gia đình này. Ở đây chúng tôi có một chương trình với người tin lành, 30 gia đình dấn thân cùng với các giáo xứ ở Marseille, chúng tôi hy vọng có 100 gia đình. Nhưng có từ 400 đến 500 trẻ em di dân. Phải có một chương trình chung giữa Quốc gia, các chính trị gia và dân chúng. 
Cha đòi hỏi một cố gắng phi thường…
Đón nhận ai về nhà mình là thay đổi chính mình. Mình thay đổi hình ảnh, lý luận, thay đổi các sợ hãi của mình. Thu hẹp vào mình thì thật kinh khủng. 
“Người ta sẽ không còn gọi tôi là ‘Đức ông’ nữa, như thế lại là tốt hơn.” 
Giáo dân không đông, ơn gọi hiếm, Giáo hội bị rúng động vì tai tiếng ấu dâm. Cha còn lý do nào để hy vọng?
Hy vọng trong Chúa Kitô! Điều này cho tôi khả năng nhìn thấy những gì chúng ta sống ngày hôm nay không phải là những cái gì chết, nhưng sẽ tái sinh. Chúng ta được mời gọi để thanh tẩy theo tinh thần kitô trong đời sống chứ không phải cuộc sống hai mặt đã tồn tại. Chúa không vắng mặt trong các vụ lạm dụng tình dục. Thử thách này không làm khô héo những chuyện tốt đẹp chúng ta sống, như các vụ rửa tội của người lớn hay các ơn gọi. Chúng ta chấp nhận có những chuyện không thể chấp nhận, chúng ta phải nhìn chúng trước mặt, phải lắng nghe nạn nhân và phải làm sao để những chuyện này không xảy ra nữa. Chỉ có sự thật mới làm chúng ta tự do. Chúng ta phải sáng tạo để sống một cách mới đức tin của mình trong một xã hội đa dạng như xã hội hiện nay. Bổn phận của chúng ta là phải nuôi dưỡng các cuộc tranh luận của xã hội về chính trị, về đạo đức sinh hóa và về nhân chủng học. 
Giáo hội thật sự bị lung lay sâu đậm vì tai tiếng ấu dâm không?
Chắc chắn. Đây là một thảm kịch. Từ năm 2000, chúng tôi đã thiết đặt một nơi chốn để lắng nghe, để báo động các trường hợp, để phòng ngừa, để đào tạo. Và đã mang đến thành quả. Chúng tôi đã bước qua một giai đoạn. Chúng tôi không còn nhìn nhau như kẻ thù, cùng với các nạn nhân, chúng tôi hiểu chúng tôi sẽ cùng nhau thoát ra. 
Cha sẽ làm gì sau ngày 30 tháng 6, ngày cha rời giáo phận Marseille?
Tôi sẽ đi Toulouse làm cha phó họ đạo Saint Jérôme ở trung tâm thành phố, nơi chúng tôi lắng nghe, tiếp nhận và giải tội. Tôi kết thúc 31 năm giám mục, nó đánh dấu một kiểu quan hệ với giáo dân, có một bộ lọc khoảng cách. Giáo dân sẽ không còn gọi tôi là “Đức ông” (Monseigneur), như thế sẽ tốt hơn nhiều vì gọi như thế tạo ra một rào cản. Ước mong của tôi bao giờ cũng là gặp những người bình thường, giản dị.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn
)

ĐTC tiếp 500 bác sĩ Công Giáo quốc tế

ĐTC tiếp 500 bác sĩ Công Giáo quốc tế

ĐTC mời gọi các bác sĩ Công Giáo, noi gương Chúa Giêsu, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, khích lệ, an ủi, nâng dậy và mang lại hy vọng cho họ.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-6-2019 dành cho 500 thành viên Liên đoàn quốc tế các Hiệp Hội bác sĩ Công Giáo, nhân dịp lễ Thánh Hiến Liên đoàn cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
 Những cử chỉ của Chúa Giêsu khi chữa bệnh
 Trong bài huấn dụ nhân dịp này, ĐTC gợi lại những cử chỉ và cách thức của Chúa Giêsu khi chăm sóc các bệnh nhân và những người đau khổ: Chúa đến gần, động chạm, đối thoại, khởi sự một hành trình thoa dịu, an ủi, hòa giải và chữa lành cho những người bệnh. Chúa không bao giờ chỉ chữa trị một phần, nhưng toàn diện con người; Chúa cũng kêu gọi và sai đi.
 Noi gương Chúa Giêsu y sĩ
 ĐTC nói: ”Là những bác sĩ tin nơi Chúa, và là thành phần của Giáo Hội, anh chị em được kêu gọi theo học tại trường của Chúa Giêsu, vị y sĩ và là người anh em của những người đau khổ. Anh chị em được kêu gọi trở nên gần gũi với những người đang trải qua những lúc thử thách vì bệnh tật. Anh chị em được kêu gọi chữa trị, trong tinh thần tế nhị và tôn trọng phẩm giá, cũng như sự toàn vẹn thể lý và tâm lý của con người. Anh chị em được kêu gọi chăm chú lắng nghe, để đáp lại bằng những lời thích hợp, làm cho những cử chỉ chữa trị có tinh thần nhân bản và nhờ đó hữu hiệu hơn”.
 Các bác sĩ tôn trọng hồng ân sự sống
 ĐTC cũng nói rằng “Chúng ta phải nhớ, chữa trị có nghĩa là tôn trọng hồng ân sự sống từ khởi đầu cho đến lúc kết thúc. Chúng ta không phải là sở hữu chủ: sự sống được ủy thác cho chúng ta và các bác sĩ là những người phục vụ sự sống.. Phương thức hành động của một bác sĩ Công Giáo là liên kết khả năng nghề nghiệp chuyên môn với khả năng cộng tác và luân lý đạo đức nghiêm túc. Và tất cả những điều ấy có lợi cho các bệnh nhân cũng như cho môi trường nơi anh chị em hoạt động. Chúng ta biết rằng rất nhiều khi chất lượng của một khu vực trong nhà thương không hệ tại có nhiều máy móc và dụng cụ, nhưng tùy thuộc mức độ nghề nghiệp chuyên môn và tình người của bác sĩ trưởng và của toán bác sĩ hoạt động trong khu vực”

Đừng rước lễ như thói quen, nhưng luôn như lần đầu được rước Chúa

Đừng rước lễ như thói quen, nhưng luôn như lần đầu được rước Chúa

Chúa Giêsu cảm thương dân chúng đói khát sau một ngày mệt nhọc và Người yêu cầu các môn đệ cho họ ăn. Yêu cầu của Chúa có vẻ bất ngờ, vượt khả năng của các môn đệ, nhưng Chúa muốn họ vượt qua kiểu lý luận thường tình “thân ai nấy lo”, để biết sống chia sẻ, từ những điều nhỏ bé mà Chúa ban cho chúng ta.
Hồng Thủy - Vatican
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 23.06, dựa trên đoạn Tin Mừng thuật lại phép lạ hóa bánh ra nhiều, ĐTC nhấn mạnh rằng sự kiện này bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với dân người. Đồng thời cử chỉ này cũng báo trước về bí tích Thánh Thể, bí tích tình yêu, Chúa ban chính Mình Máu Người để cứu độ thế giới. ĐTC nhắc các tín hữu đừng lãnh nhận Thánh Thể cách thụ động hay như thói quen, nhưng tin vào Mình Máu Thánh Chúa và để mình được tình yêu của Người biến đổi, trở nên thánh thiện với Chúa và nên thiện ích cho tha nhân.
Bài huấn dụ của ĐTC
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, tại Ý và những nước khác, Giáo Hội cử hành lễ trọng kính Mình và Máu Chúa Kitô, Corpus Domini. Tin Mừng tường thuật với chúng ta câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Lc 9,11-17) xảy ra bên bờ hồ Galilê. Chúa Giêsu nói với hàng ngàn người và chữa lành các bệnh tật. Khi chiều đến, các môn đệ đến gần Chúa và thưa với Người: “Xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn” (c. 12). Cả các môn đệ cũng mệt mỏi. Thật sự là họ đang ở một nơi hoang vắng và để mau thức ăn thì dân chúng phải đi vào trong các làng mạc. Chúa Giêsu nhận ra điều này và trả lời: “Chính các con hãy cho họ ăn” (c. 13a). Những lời này làm cho các môn đệ kinh ngạc. Họ không hiểu và có lẽ họ cũng bực mình nữa; họ đáp lại: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này” (c.13b).
Hoán cải: từ lý luận“thân ai nấy lo” đến biết chia sẻ
Nhưng Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hoán cải thật sự, từ lý luận “thân ai nấy lo” đến ý tưởng chia sẻ, bắt đầu từ những điều bé nhỏ mà Chúa quan phòng trao cho chúng ta. Và ngay lập tức Chúa tỏ cho thấy rõ điều Người muốn làm. Người nói với các môn đệ: “Các con hãy cho họ ngồi xuống thành từng nhóm khoảng 50 người” (c.14). Rồi Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, hướng mắt về Cha trên trời, dâng lời cầu nguyện và chúc tụng, rồi bắt đầu bẻ bánh và phân chia cá, và trao cho các môn đệ để họ phân phát cho đám đông. Và thức ăn đã không hết, dù tất cả đều được ăn và no nê.
Quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa
Phép lạ này – rất quan trọng, đến nỗi tất cả các Thánh sử đều thuật lại – diễn tả quyền năng của Đấng Mêsia và đồng thời cũng diễn tả lòng thương xót của Người đối với dân chúng. Cử chỉ phi thường đó không chỉ là một trong những dấu hiệu tuyệt vời trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, mà còn trình bày trước điều sẽ xảy ra vào ngày cuối, việc tưởng niệm lễ hy sinh của Người, đó là Thánh Thể, bí tích Mình và Máu của Người được trao ban vì ơn cứu độ của thế giới.
Thánh Thể là sự tổng hợp tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu, một hành động đơn nhất của tình yêu đối với Chúa Cha và anh em. Cũng ở đó, giống như phép lạ hóa bánh ra nhiều, Người dâng lời cầu nguyện và chúc tụng Chúa Cha, bẻ bánh và trao cho các môn đệ; và Người cũng làm như thế đối với rượu. Nhưng vào giây phút đó, vào đêm trước cuộc Thương khó, Người muốn để lại trong cử chỉ này một Chứng từ của Giao ước mới và vĩnh cửu, tưởng niệm muôn đời cuộc Vượt qua tử nạn và phục sinh của Người.
Hãy rước lễ như lần đầu
Mỗi năm, Lễ Mình Máu Thánh mời gọi chúng ta sống lại sự ngạc nhiên và niềm vui vì món quà tuyệt vời của Chúa, đó là Thánh Thể. Chúng ta hãy đón nhận Thánh Thể với lòng biết ơn, không phải cách thụ động, hay như là thói quen, nhưng thật sự làm sống động lại lời thưa “amen” – tôi tin – nơi Thân Mình Chúa Kitô. Khi linh mục nói “Mình Thánh Chúa Kitô”, chúng ta thưa “amen”: lời thưa xuất phát từ trái tim với xác tín. Đó là Chúa Giêsu, là Chúa Giêsu Đấng cứu độ tôi, là Chúa Giêsu đến ban cho tôi sức mạnh để sống. Chúng ta đừng rước lễ như thói quen, mỗi lần rước lễ chúng ta hãy làm như lần rước lễ đầu.
Rước kiệu Thánh Thể
Cách diễn tả niềm tin vào Thánh Thể của Dân thánh Chúa là những cuộc rước kiệu Thánh Thể mà trong ngày lễ trọng này được thực hiện khắp nơi trong Giáo hội Công giáo. Chiều nay tôi cũng sẽ cử hành Thánh lễ tại khu vực Casal Bertone của Roma và sau đó là cuộc rước kiệu. Tôi mời gọi tất cả anh chị em tham dự, cả trong tinh thần, qua radio và tivi. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta, với đức tin và tình yêu, bước theo Chúa Giêsu, Đấng chúng ta thờ lạy trong Thánh Thể.
Đức tin anh hùng
Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước cho nữ tu Maria Carmen Lacaba Andía và 13 nữ tu Tây Ban Nha khác thuộc dòng thánh Phaxicô Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội vào ngày thứ bảy hôm qua tại Madrid. Các nữ tu này đã bị giết vì sự thù ghét đức tin trong các năm từ 1936-1939. ĐTC nói: “Những nữ tu dòng Kín này, như các trinh nữ khôn ngoan, chờ đợi vị Hôn Phu Thần linh với đức tin anh hùng. Sự tử đạo của các chị là lời mời gọi tất cả chúng ta trở nên mạnh mẽ và kiên cường, đặc biệt trong giờ phút thử thách.”

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Thánh lễ tại Camerino: Những ai đến gần Thiên Chúa không quỵ ngã nhưng tiếp tục bước đi

Đức Thánh Cha - Thánh lễ tại Camerino: Những ai đến gần Thiên Chúa không quỵ ngã nhưng tiếp tục bước đi

Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến? Thiên Chúa nhớ đến chúng ta và chữa lành những ký ức đau thương của chúng ta bằng thứ dầu của hy vọng. Người gần gũi để nâng đỡ chúng ta từ bên trong, giúp chúng ta trở thành những người dựng xây sự thiện hảo, những người an ủi các tâm hồn. Những gánh nặng cuộc sống không còn trên vai chúng ta nữa: Thánh Thần, Đấng mà chúng ta gọi tên Người và chạm vào hai vai mỗi lần làm dấu thánh giá, sẽ đến để thêm sức, khuyến khích và đỡ nâng những gánh nặng nề của chúng ta. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh như thế trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, 16-06-2019, trong chuyến viếng thăm của ngài tại giáo phận Camerino, nơi đã bị những trận động đất tàn phá nặng nề cách đây đúng 3 năm.
ĐTC - Thánh lễ tại Camerino: Ai đến gần Thiên Chúa không quỵ ngã nhưng tiếp tục bước đi
Trần Đỉnh, SJ – Vatican News
Chúng ta nhỏ bé và bất lực trước đau khổ nhưng quý giá trước mặt Thiên Chúa
Khởi đi từ câu hỏi trong Thánh Vịnh thứ 8 trong phụng vụ lễ Chúa Ba Ngôi: "Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến?” (8,5), Đức Thánh Cha cho thấy những thực tại của chúng ta khi đối diện với đau khổ và giá trị của chúng ta trước mặt Thiên Chúa.
"Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến?" Những lời này đã đến trong tâm trí tôi khi tôi nghĩ về anh chị em. Đối mặt với những gì anh chị em đã phải thấy và phải chịu, đứng trước những căn hộ và tòa nhà bị đánh sập thành những đống đổ nát, câu hỏi này đến với tôi: con người là chi? Con người là chi, nếu những gì ta nâng lên đều có thể sụp xuống ngay lập tức? Con người là gì nếu hy vọng của nó có thể tan thành tro bụi? Con người là chi? Câu trả lời dường như đến trong vế tiếp theo: con người là chi mà Chúa cần nhớ đến? Chúng ta với tất cả yếu đuối và mỏng manh của phận người vẫn được Thiên Chúa nhớ đến. Trong sự không chắc chắn mà chúng ta cảm thấy cả bên trong lẫn bên ngoài, Thiên Chúa cho chúng ta một điều chắc chắn: Người nhớ đến chúng ta. Người nhớ đến, nghĩa là Người hướng con tim mình về phía chúng ta, nghĩa là chúng ta ở nơi con tim của Người. Trong khi nơi đây có quá nhiều thứ mau chóng bị rơi vào quên lãng, thì Thiên Chúa không để chúng ta bị chìm vào lãng quên. Trong đôi mắt Người, không một ai bị khinh khi, nhưng mỗi người có một giá trị vô hạn: chúng ta nhỏ bé dưới gầm trời này và bất lực khi mặt đất chuyển rung, nhưng đối với Thiên Chúa, chúng ta quý giá hơn bất cứ điều gì khác.
Ghi nhớ là từ chìa khoá cho cuộc đời này. Chúng ta hãy xin ơn để mỗi ngày biết ghi nhớ rằng Thiên Chúa không lãng quên chúng ta, rằng chúng ta là những đứa con yêu dấu của Người, độc nhất và không thể thay thế: ghi nhớ điều ấy sẽ cho ta sức mạnh để không từ bỏ trước những thất bại của cuộc sống. Chúng ta cần phải nhớ mình đáng giá bao nhiêu, khi đứng trước cám dỗ sống một đời buồn bã hay tiếp tục đào xới những điều tồi tệ mà có lẽ sẽ chẳng khi nào kết thúc. Những ký ức tồi tệ ấy đến, ngay cả khi chúng ta không nghĩ về chúng; nhưng chúng chỉ để lại nỗi u sầu và hoài cổ. Nhưng đúng là rất khó khăn để thoát khỏi những ký ức tồi tệ! Ngay cả với Thiên Chúa, đưa Israel ra khỏi Ai Cập còn dễ hơn việc lấy Ai Cập khỏi con tim của Israel.
Thánh Thần xức dầu hy vọng trên chúng ta
Để giải phóng con tim mình khỏi những ký ức tiêu cực giam giữ, khỏi những hối tiếc làm tê liệt, ta cần một ai đó giúp mang lấy những gánh nặng trong lòng mình. Hôm nay Chúa Giêsu nói rằng có nhiều thứ chúng ta không "có sức chịu nổi" (x. Ga 16,12). Đứng trước những yếu đuối và giới hạn của chúng ta, Người làm gì? Người không cất đi những gánh nặng ấy, như chúng ta vẫn thường mong tìm những giải pháp nhanh chóng và hời hợt. Không! Người ban cho chúng ta Thánh Thần. Chúng ta cần Ngài vì Ngài là Đấng An Ủi, nghĩa là Đấng không để chúng ta một mình giữa những đau khổ và gánh nặng cuộc đời này. Chính Ngài biến đổi ký ức nô lệ của chúng ta thành ký ức tự do, vết thương của quá khứ thành tưởng nhớ ơn cứu độ. Ngài làm cho chúng ta những gì Ngài đã làm cho Đức Giêsu: những đau đớn của Người, những vết thương khủng khiếp mà sự dữ đã ghim vào, nhờ quyền năng của Thánh Thần đã trở thành những máng chuyển lòng thương xót, trở thành những vết thương mà trong đó tình yêu của Thiên Chúa tỏ lộ, một tình yêu làm trỗi dậy, một tình yêu làm hồi sinh. Đây là những gì Chúa Thánh Thần thực hiện khi chúng ta mời Ngài đi vào những vết thương của chúng ta. Ngài sẽ xức dầu hy vọng vào những ký ức tồi tệ, bởi chính Thánh Thần là Đấng tái tạo hy vọng.
Thánh Thần khiến chúng ta bay ra khỏi “cái tổ” buồn rầu và sợ hãi
Hy vọng. Hy vọng gì đây? Đó không phải là một hy vọng mau qua. Hy vọng trần thế mau qua và luôn có ngày hết hạn: chúng được làm từ các nguyên liệu thế trần, và sớm muộn gì cũng đi đến buồn thảm. Hy vọng của Thánh Thần là hy vọng dài lâu bởi nó dựa trên lòng trung tín của Thiên Chúa. Hy vọng của Thánh Thần không phải chủ nghĩa lạc quan đâu. Hy vọng ấy sâu xa hơn, và nhen nhóm nơi con tim ta sự chắc chắn rằng: chúng ta thật quý giá vì được thương yêu. Hy vọng ấy khắc ghi niềm tin tưởng rằng chúng ta không lẻ loi. Chính hy vọng ấy mang lại bình an và niềm vui bên trong, bất kể những điều xảy ra bên ngoài. Đó là niềm hy vọng có nền tảng và gốc rễ vững chắc đến nỗi không bão tố nào của cuộc đời này có thể nhổ bật. Đó chính là niềm hy vọng mà thánh Phao-lô đã nói hôm nay: hy vọng ấy không làm ta thất vọng (Rm 5: 5), nhưng mang lại sức mạnh để vượt qua mọi gian truân (c.2-3). Khi chúng ta gặp gian truân và bị tổn thương, chúng ta dễ "làm tổ" nơi những nỗi buồn và sợ hãi của chúng ta. Ngược lại, Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi cái tổ ấy, Ngài khiến chúng ta phải bay, và tỏ lộ cho chúng ta định mệnh tuyệt vời mà chúng ta được sinh ra. Hãy mời Ngài đến. Hãy xin Ngài đến với chúng ta và Ngài sẽ ở gần bên chúng ta.
Ba Ngôi là một Thiên Chúa gần gũi
Gần gũi là từ thứ ba và cũng là từ cuối cùng tôi muốn chia sẻ với anh chị em. Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi không phải là một vấn đề thần học cho bằng là mầu nhiệm tuyệt vời về sự gần gũi thân mật của Thiên Chúa. Ba Ngôi cho chúng ta biết rằng chúng ta không có một Thiên Chúa đơn độc trên thiên đàng, xa xôi và hờ hững; Không! Người là Cha đã ban cho chúng ta Con của Người, Đấng đã trở thành con người như chúng ta, và là người gần gũi hơn với chúng ta, giúp ta mang lấy gánh nặng cuộc sống, và gửi cho chúng ta Thánh Thần của chính Người. Ngài là Thần Khí đến với tinh thần của chúng ta và an ủi chúng ta từ bên trong, mang đến cho chúng ta sự dịu dàng của Thiên Chúa. Cùng với Thiên Chúa, những gánh nặng cuộc sống không còn trên vai chúng ta nữa: Thánh Thần, Đấng mà chúng ta gọi tên Người và chạm vào hai vai mỗi lần làm dấu thánh giá, sẽ đến để thêm sức cho chúng ta, để khuyến khích chúng ta, để đỡ nâng những gánh nặng nề. Cần rất nhiều sức mạnh để sửa chữa hơn là xây dựng lại, để bắt đầu lại hơn là khởi sự, để hòa giải hơn là đồng thuận. Đây chính là sức mạnh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Vì vậy, bất cứ ai đến gần với Thiên Chúa sẽ không phải thất vọng, Người ấy tiến lên: bắt đầu lại, củng cố lại và xây dựng lại.
Ghi nhớ, sửa chữa và xây dựng lại
Anh chị em thân mến, hôm nay tôi đến để ở gần anh chị em; Tôi ở đây để cầu nguyện với anh chị em, xin Thiên Chúa nhớ đến chúng ta, bởi không ai lãng quên những ai đang gặp gian lao. Tôi khẩn cầu Thiên Chúa của hy vọng  cho những điều bất ổn trên mặt đất này không làm lay chuyển sự chắc chắn mà chúng ta có bên trong. Tôi khẩn cầu Thiên Chúa của sự gần gũi, xin Người khơi dậy những cử chỉ gần gũi. Trận động đất đã trôi qua gần ba năm và có lẽ sau lần đầu tiên gây sửng sốt lòng người và truyền thông, người ta chẳng còn mấy quan tâm đến và những lời hứa hẹn cũng vì thế bị lãng quên, còn sự thất vọng sẽ càng một tăng thêm. Xin Thiên Chúa thúc đẩy để chúng ta biết ghi nhớ, sửa chữa lại, xây dựng lại và cùng nhau thực hiện nhưng không bao giờ quên những ai khổ đau.
Hãy mang lấy thánh giá của nhau và hãy an ủi nhau
Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến? Thiên Chúa nhớ đến chúng ta và chữa lành những ký ức đau thương của chúng ta bằng dầu của hy vọng. Người gần gũi để nâng đỡ chúng ta từ bên trong, giúp chúng ta trở thành những người dựng xây sự thiện hảo, những người an ủi các tâm hồn. Ai cũng có thể đóng góp một chút thiện ích mà không cần chờ cho đến khi có người khởi xướng. Ai cũng có thể an ủi người khác mà không cần chờ cho đến khi vấn đề của người ấy được giải quyết. Con người là chi? Lạy Chúa, đó chính là giấc mơ vĩ đại mà Chúa vẫn hằng nhớ tới. Xin hãy cho chúng con biết ghi nhớ rằng mình sống trong thế giới là để mang tới niềm hy vọng và sự gần gũi, bởi chúng con là con cái của Chúa, Thiên Chúa của mọi ủi an (2 Cr 1,3).