label

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

ĐTC: Kitô hữu mà không có niềm vui thì chỉ là tù nhân của những nghi thức

ĐTC: Kitô hữu mà không có niềm vui thì chỉ là tù nhân của những nghi thức

Đừng xấu hổ khi bày tỏ niềm vui được gặp Chúa, đừng tách mình ra khỏi buổi lễ mà mọi người cử hành khi họ nhận thấy Thiên Chúa gần gũi với mình. Tin Mừng sẽ chỉ đến với mọi dân nước nếu chúng ta có những nhà truyền giáo tràn đầy sức sống và niềm vui. Niềm vui ấy cũng sẽ tiếp diễn trên “bàn cơm gia đình".
Trần Đỉnh, SJ – Vatican News
Niềm vui của việc trở thành Kitô hữu là điều Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong bài giảng hôm nay tại nhà nguyện thánh Marta. Suy tư của ngài khởi đi từ bài đọc thứ nhất trích sách Samuel, nói về việc vua David và dân Israel vui mừng hân hoan vì Hòm Bia Giao Ước trở lại Giêrusalem.
Lễ mừng của dân chúng vì Thiên Chúa ở gần họ
Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng Hòm Bia đã bị lấy mất, nên việc Hòm Bia trở lại thực sự là niềm vui lớn cho toàn dân. Dân chúng thấy rằng Chúa ở gần họ và vì thế, họ tổ chức lễ mừng. Và vua David dẫn đầu đoàn rước, dâng lễ toàn tiêu với một con bò và một con bê béo. Cùng với dân chúng, David đã reo hò, đã hát và nhảy múa hết sức mình.
Đó là một bữa tiệc, tiệc của niềm vui, vì dân chúng thấy Thiên Chúa ở cùng họ. Còn David thì sao? Ông nhảy múa. Ông nhảy trước mặt mọi người, ông thể hiện niềm vui không chút thẹn thùng; đó là niềm vui thiêng liêng của cuộc gặp gỡ với Chúa: Chúa đã trở lại với chúng ta, và điều này làm chúng ta rất vui mừng. David không nghĩ rằng mình là vua, rằng nhà vua phải tách khỏi dân chúng, phải giữ "sự uy nghiêm" của mình, phải giữ khoảng cách ... David yêu mến Chúa, nhà vua rất vui vì việc rước Hòm bia trở về. Ông thể hiện niềm hạnh phúc này bằng việc nhảy múa và ca hát như tất cả mọi người. Niềm vui ấy cũng đến với chúng ta khi “chúng ta ở cùng Thiên Chúa”, có lẽ trong giáo xứ, trong các xóm làng, mọi người cũng tổ chức ăn mừng.
Và Đức Thánh Cha nói về một chương khác trong lịch sử Israel: khi cuốn sách luật được tìm thấy vào thời Nehemiah, "tất cả mọi người đã khóc vì vui sướng", và họ còn tiếp tục ăn mừng tại nhà của mình nữa.
Khinh miệt sự vui mừng
Tiếp nối câu chuyện của David, Đức Thánh Cha nói về việc ông trở về nhà và gặp bà Mi-khan, một trong những người vợ của ông, và cũng là con gái của vua Saul. Nàng đã mắng ông với thái độ khinh bỉ: “anh có thấy xấu hổ khi nhảy nhót như một kẻ vô danh tiểu tốt, giống như một kẻ trong đám dân ấy không?”
Nói về cách hành xử này của Mi-khan, Đức Thánh Cha cho rằng:
Bà đã tỏ rõ sự khinh miệt đối với thứ “tôn giáo chân chính” và với sự bộc phát của niềm vui khi được ở cùng Thiên Chúa. Và David đã giải thích với bà rằng: Tôi vui mừng vì Hòm Bia Thiên Chúa đã trở về, và trước nhan Thiên Chúa, tôi sẽ vui đùa.” Và Kinh Thánh nói rằng bà Mi-khan không có con cho đến ngày bà qua đời. Thiên Chúa đã trừng phạt bà vì điều này. Một Kitô hữu không có niềm vui trong lòng, thì cũng chẳng có hoa trái hay kết quả gì.
Những nhà truyền giáo vui vẻ tiến về phía trước
Và Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng lễ mừng ấy không chỉ được thể hiện về mặt tinh thần, mà còn phải trở nên dịp sẻ chia.
Sau khi chúc lành cho dân chúng, David đã “phân phát cho toàn dân, cho tất cả đám đông Israel, đàn ông cũng như đàn bà, mỗi người một cái bánh ngọt, một phần thịt và một cái bánh nho”, để mọi người ăn mừng tại nhà riêng của họ. Lời Thiên Chúa không xấu hổ về bữa tiệc ấy.
Nhưng Đức Thánh Cha cũng cảnh báo nguy cơ vui quá đà và tin rằng đó là tất cả. Ngài cũng nhắc nhớ rằng: trong Tông Huấn "Evangelii Nuntiandi", Thánh giáo hoàng Phaolô VI cũng nói về điều này và mời gọi chúng ta hãy sống vui mừng. Trước khi kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
Giáo hội sẽ không tiếp bước, Tin Mừng sẽ không tiến triển với những nhà truyền giáo buồn bã và cay đắng. Việc loan báo Tin Mừng chỉ vươn xa với những nhà truyền giáo vui tươi và đầy sức sống.
Và Đức Thánh Cha thúc giục mọi người:
Hãy sống niềm vui và hân hoan khi lãnh nhận Lời Chúa, hãy trở thành những Kitô hữu vui tươi, niềm vui giúp chúng ta tiến bước. Hãy biết vui mừng và đừng trở nên giống như Mi-khan, đừng trở nên những Kitô hữu hình thức, những Kitô hữu làm nô lệ cho những nghi thức.

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÓN XUÂN CANH TÝ TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY




NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÓN XUÂN     CANH TÝ TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

 Đi ngang khu vực thánh đường, dường như mọi người đã cảm nghiệm được sắc xuân bởi những ánh đèn đủ sắc màu, nhưng càng tiến về cổng thánh đường không khí xuân càng rộn ràng hơn nữa với cổng chào mừng xuân Canh Tý 2020, sắc hoa và những chú chuột như đang đón chào, mời gọi mọi người đến với Chúa xuân. Ngoài phần kích thích về thị giác Cha sở và Hội đồng mục vụ đã mời gọi toàn thể giáo dân chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Xuân, qua việc lãnh nhận bí tích hòa giải. Để tạo sự thuận tiên cho mọi người “tắm tất niên tâm hồn” các cha đã ngồi tòa vào buổi chiều ngày 29 Al và tối 30 Al cho những ai không kịp lãnh nhận bí tích hòa giải vào ngày 29.
Mọi người đều tích cực đến tòa hòa giải và quyết tâm tẩy rửa tâm hồn đón Chúa xuân. Chả thế mà ngày 01 tết người dự lễ và rước lễ có thể đạt gần 100%.
Bên cạnh đó cha còn chuẩn bị cho những gia đình nghèo của giáo xứ có một cái tết ấm êm vui xuân như gạo, gia vị, bánh mứt, nước ngọt...
     Một niềm vui đặc biệt là năm nay trong thánh lễ tất niên có Đức cha về dâng thánh lễ tạ ơn cầu nguyện cho quí cha cố, cho giáo phận và cách riêng cho giáo dân giáo xứ Cần Xây. Ngài tặng đến từng người bản sao cây Thánh giá mà Ngài đang đeo kèm theo lời chúc tết và mời gọi cộng đồng dân chúa cùng sống tốt ơn đức tin, sống hòa tan như hình Chúa Giêsu trên cây Thánh giá.    
Thánh lễ Tân niên rất đông người tham dự Cha sở nói về năm Canh Tý và cầu chúc mọi người sống khôn ngoan, biết cám ơn như những bạn Tý của năm nay. Bên cạnh đó cha Bề trên dòng Thánh Gia trong giảng lễ cũng nhắc mọi người hãy vui lên và phó thác cho Thiên Chúa đừng quá lo cho ngày mai mà quên đi điều kiện để trở về quê hương đích thực của mình. Hãy sống tâm tình tương quan của 3 ngày xuân và thể hiện trong cả năm. Ngày mùng 1 là tương quan với Thiên Chúa: kính thờ và cảm tạ để Ngài lo lắng và chăm sóc mình. Ngày mùng 2 thể hiện sự tương quan với nhau giữa người còn sống cũng như người đã qua đời. Ngày mùng 3 là tương quan với đất trời, thánh hóa công việc, môi trường đó là nguồn sẽ mang lại của ăn hàng ngày cho chúng ta.
Ngày mùng 2 tết thánh lễ kính nhớ ông bà tổ tiên và cầu nguyên cho cha mẹ những người còn sống để tỏ lòng hiếu thảo. Trong thánh lễ những bài hát về tình mẹ cha đã làm cảm kích và đánh động lòng người. Nhiều đôi mắt ngấn lệ trong tình yêu thương cha mẹ, nhưng cũng có những đôi mắt ngấn lệ vì chưa làm tròn chữ hiếu với cha mẹ và những người đã khuất. Trong bài giảng cha sở cũng nhắc đi nhắc lại hãy sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ và ai là người thảo hiếu người đó cũng là người yêu mến Thiên Chúa.
Ngoài những tâm tình trên giáo xứ còn tổ chức vui chơi cho mọi người đó là ca nhạc và xổ số xuân tối mùng 1 tết. Các lô trúng đã được trao từ giải khuyến khích đến giải độc đắc bao gồm nồi lẩu, bộ nồi, bộ đồ lau nhà và độc đắc là một máy giặt. Xin cầu chúc mọi người gặt hái được nhiều hồng phúc và bình an trong năm mới Canh Tỵ này.

Thiên Sinh
            Một số hình ảnh chuẩn bị đón xuân


















MỪNG TUỔI CHÚA




VỊ ĐẠI DIÊN LÊN CHÚC TUỔI CHA SỞ, CHA PHÓ, QUÍ CHA





TĂNG QUÀ QUÍ CHA



LỘC ĐẦU XUÂN



CHA SỞ, CHA PHÓ XUỐNG CHÚC TUỔI GIÁO DÂN

TRAO LỘC ĐẦU XUÂN


Đức Thánh Cha chúc Tết âm lịch các dân tộc Á châu

Đức Thánh Cha chúc Tết âm lịch các dân tộc Á châu

Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng ngày 22/01, Đức Thánh Cha đã chúc mừng Năm Mới âm lịch các nước sẽ mừng Năm Mới vào ngày 25/01, trong đó có Việt Nam.
Hồng Thủy - Vatican
Đức Thánh Cha chào, chúc mừng và cầu nguyện cho các nước sẽ mừng Năm Mới vào ngày 25/1. Ngài nói:
"Ngày 25/01 tới đây, tại vùng Viễn Đông và tại một vài nơi trên thế giới, hàng triệu người nam nữ sẽ mừng Năm Mới âm lịch.
Tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em. Tôi đặc biệt cầu chúc các gia đình sẽ trở thành nơi giáo dục các đức tính: hiếu khách, khôn ngoan, tôn trọng lẫn nhau; và hòa hợp với công trình sáng tạo.
Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho hòa bình, cho việc đối thoại và đoàn kết giữa các quốc gia. Đó là những món quà mà thế giới ngày nay cần hơn bao giờ hết."

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

CHÚC MỪNG NĂM MỚI





 Xuân đến rồi!! 
                      Xuân đến rồi!! 
Với Niềm Hân Hoan Đón Mùa Xuân Mới Canh Tý

 Chúng con, toàn thể Ban biên tập, Cha sở, Cha phó, Hội đồng mục vụ 
GIÁO XỨ CẦN XÂY 

Chân thành Kính Chúc 
 Quí đọc giả, Quí Đức cha, Quí cha, Quí tu sĩ nam nữ, toàn thể mọi người và bà con giáo dân giáo xứ Cần Xây

 NĂM MỚI CANH TÝ
An Bình - Hạnh Phúc - Thịnh Vượng - Trường Thọ 
Trong sự quan phòng của Thiên Chúa. 
  
Chúng con tha thiết nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc,
Để những Lời Cầu Chúc của chúng con được thể hiện trọn vẹn 
trên từng người, từng gia đình và xin Chúa Xuân ở mãi trên quí vị



Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Chọn lựa "gây sốc" của Chúa là đứng về phía chúng ta

ĐTC Phanxicô: Chọn lựa "gây sốc" của Chúa là đứng về phía chúng ta

Giống như thánh Gioan Baotixita, chúng ta hãy để chính mình ngạc nhiên về "điều mới lạ chưa từng thấy" của Thiên Chúa: nơi Chúa Giêsu, Người đã liên đới với chúng ta, và cứu nhân loại bằng việc gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phê-rô hôm Chúa Nhật thứ hai Mùa Thường Niên. Ngài cũng bày tỏ ước mong hội nghị Berlin về Libia sẽ có những kết quả tốt đẹp.
Trần Đỉnh, SJ – Vatican News
Trong một ngày nắng đẹp tại quảng trường thánh Phê-rô, ĐTC đã cùng chia sẻ với các tín hữu về đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan trong phụng vụ hôm nay.
Trang Tin Mừng hôm nay (Ga 1,29-34) tiếp tục nói với chúng ta về sự tỏ lộ của Chúa Giêsu. Thật ra, sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Người đã được Chúa Thánh Thần thánh hiến và có tiếng từ trời phán: “Đây là con ta yêu dấu của Ta” (Mt 3, 16-17). Khác với các sách Tin Mừng khác, Tin Mừng thánh Gioan không mô tả sự kiện này, nhưng lại cho chúng ta thấy chứng từ của thánh Gioan Tẩy Giả. Chính ông là người đầu tiên làm chứng về Chúa Kitô. Chính Thiên Chúa đã gọi ông để ông chuẩn bị cho điều này.
Bắt đầu từ Chúa Giêsu, Con Chiên đầy lòng thương xót
Thánh Gioan Baotixita nhận ra Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa", Đấng đến để xóa tội trần gian. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh: lời chứng của Gioan mời gọi chúng ta đặt lòng Thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Chúa Ki-tô, làm trung tâm đời sống đức tin của mình.
Hãy luôn khởi đi từ Chúa Giêsu, Con Chiên đầy lòng thương xót mà Chúa Cha đã ban tặng cho chúng ta. Chúng ta hãy để mình ngạc nhiên một lần nữa trước chọn lựa đứng về phía chúng ta của Thiên Chúa. Ngài đứng về phía chúng ta để liên đới với chúng ta là những tội nhân, và để cứu tất cả thế giới khỏi sự dữ bằng cách mang lấy tất cả mọi trách nhiệm nơi mình.
Không còn là nô lệ của sự dữ, mà là con cái của Chúa
Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy biết học thánh Gioan Baotixita, hiểu biết thâm sâu hơn nữa về Chúa Giêsu ngang qua Tin Mừng và biết dừng lại để chiêm ngưỡng một hình ảnh hay một biểu tượng có khuôn mặt của Chúa Ki-tô.
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình biết mọi điều về Người. Nhưng không phải thế. Hãy dừng lại ở những trang Tin Mừng, và cũng có thể chiêm ngưỡng một biểu tượng, một bức tranh về Chúa Ki-tô, khuôn mặt Cực Thánh của Người. Chúng ta hãy chiêm ngắm Người bằng đôi mắt và hơn thế nữa, bằng con tim. Hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta và nói với chúng từ bên trong: “Chính Ngài đó! Chính Ngài là Con Thiên Chúa trở nên con chiên và hiến mình vì tình yêu. Chỉ một mình Người mang lấy, chịu đau khổ, chuộc lại tất cả tội của mỗi người chúng ta, tội của cả thế giới, và tội của chính tôi.” Ngài mang lấy tất cả nơi mình để giải thoát chúng ta, để chúng ta được tự do, không còn là nô lệ của sự dữ nữa. Đúng là chúng ta vẫn còn là những tội nhân khốn khổ, nhưng chúng ta không còn là nô lệ nữa. Không, chúng ta không còn là nô lệ, nhưng chúng ta là những người con, con cái của Thiên Chúa.
Sau cùng, Đức Thánh Cha xin Đức Trinh Nữ Maria khẩn cầu để chúng ta cũng có "sức mạnh để làm chứng cho Chúa Giêsu, và loan báo về Người bằng lời nói và "bằng một cuộc đời đã được giải thoát khỏi sự dữ".

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

ĐGH Phanxicô: "Tôi thà hy sinh mạng sống hơn là thay đổi luật độc thân linh mục"

ĐGH Phanxicô: "Tôi thà hy sinh mạng sống hơn là thay đổi luật độc thân linh mục"





Tòa thánh Vatican tuyên bố quan điểm của Đức Giáo hoàng Phanxicô chống lại tình trạng “độc thân tùy chọn” để ủng hộ lập trường của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng y Sarah trong cuốn sách sắp xuất bản về việc độc thân linh mục. Đức Thánh cha Phanxicô đã diễn tả cách rõ ràng lập trường của ngài khi trích dẫn câu nói nổi tiếng của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI: “Tôi thà hy sinh mạng sống, hơn là thay đổi luật độc thân linh mục.”


Ngày 13/01, ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã đưa ra lời nhắc nhở trên của Đức Thánh cha Phanxicô sau chuyến tông du từ Panama trở về nhân ngày Giới trẻ Thế giới, để hưởng ứng cuốn sách mới của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, về luật độc thân linh mục.

Sách nguyên gốc tiếng Pháp “Từ Sâu Thẳm Tâm Hồn Chúng Tôi - Des profondeurs de nos coeurs” được phát hành do nhà xuất bản Fayard và bản tiếng Anh “From the Depths of Our Hearts” do nhà xuất bản Ignatius. Hiện tại, mọi người có thể đăng ký trước để mua Bản tiếng Anh sẽ phát hành vào ngày 20/02. Còn bản tiếng Pháp sẽ phát hành vào ngày 15/01.

Đức Bênêđictô XVI đã viết lời giới thiệu trong cuốn sách: “đó là ‘một đóng góp’ trong sự vâng phục hiếu thảo đối với Đức Thánh cha Phanxicô và nhận ra cách thế mà Đức Thánh cha Phanxicô tái khẳng định việc độc thân linh mục như kỷ luật trong Giáo hội.”

Dưới đây là lời hưởng ứng của Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh về cuốn sách: 

Để trả lời câu hỏi của các nhà báo, ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã tuyên bố như sau: Trong cuộc đối thoại với các nhà báo khi từ Panama trở về, Đức Giáo hoàng Phanxicô nêu lên lập trường về việc độc thân linh mục: “Một câu nói của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI xuất hiện trong tâm trí: tôi thà hy sinh mạng sống mình, hơn là thay đổi luật độc thân linh mục.” Và Đức Thánh cha Phanxicô nói thêm: “Theo tôi, độc thân là một ân ban cho Giáo hội. Tôi không đồng ý cho phép độc thân tùy chọn, không. Chỉ có rất ít trường hợp còn sót lại ở những vùng xa nhất - Tôi nghĩ đến Quần đảo Thái Bình Dương khi ở đó có nhu cầu mục vụ, người mục tử phải nghĩ đến các tín hữu.” Còn về việc chủ đề này liên quan đến Thượng Hội đồng gần đây về vùng Pan-Amazon và việc truyền giáo, Đức Thánh cha Phanxicô đã nói trong phiên họp cuối cùng: “Tôi rất hài lòng khi chúng ta đã không trở thành tù nhân của những nhóm đặc thù trong Thượng Hội đồng, những nhóm chỉ muốn nhìn thấy những điều này, điều nọ đã được quyết định về tính nội tại của Giáo hội và phủ nhận cấu trúc của Thượng Hội đồng là những xem xét mà chúng ta đã đưa ra trong bốn chiều kích: mục vụ, văn hóa, xã hội và sinh thái.”

Khi các phương tiện truyền thông cố minh họa một sự khác biệt giữa Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI về vấn đề độc thân linh mục, Tòa Thánh nhắc rằng: Đức Thánh cha  Phanxicô cho biết việc độc thân linh mục không phải là tùy chọn.
Hơn nữa, trong ánh sáng của Tông huấn sắp tới của Thượng hội đồng về Amazon, dự kiến sẽ được phát hành vào đầu tháng tới, Tòa Thánh đã nhắc lại cách mà Thượng Hội đồng - theo Đức Giáo hoàng Phanxicô – là không giảm xuống một hoặc hai vấn đề, nhưng trong cả bốn chiều kích nói trên.
 Dung Hạnh chuyển ngữ từ Zenit.org
Nguồn: hdgmvietnam.com

Tinh thần truyền giáo trên giường bệnh của thiếu nữ 15 tuổi, Natalys Vidal Menéndez

Tinh thần truyền giáo trên giường bệnh của thiếu nữ 15 tuổi, Natalys Vidal Menéndez

Sinh tại Cuba, Natalys Vidal Menéndez qua đời vì một khối u não khi chỉ mới tròn 15 tuổi. Một cuộc đời ngắn ngủi nhưng không vì thế ngăn cản Natalys thực hiện ước mơ truyền giáo như Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh mà Natalys yêu mến và quyết tâm học theo mẫu gương sống đời truyền giáo âm thầm trong bốn bức tường của đan viện Cát Minh.
Ngọc Yến - Vatican
Không cần phải đi khắp thế nơi trên thế giới để đóng góp cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Từ sâu thẳm của một tâm hồn nữ tu dòng Kín Cát Minh, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chứng minh điều đó với cả thế giới. Vì luật dòng, vì không đủ sức khỏe để đi xa, tu sĩ trẻ Cát Minh đã dành trọn cuộc đời, cùng với đau khổ do bệnh tật và cầu nguyện dâng hiến tất cả cho các nhà truyền giáo.
Từ nơi vị thánh vĩ đại người Pháp, thiếu nữ người Cuba, Natalys Vidal Menéndez dường như đã học được mọi thứ. Noi gương Thánh Têrêsa, từ khi còn rất nhỏ, Natalys đã có một khát khao cháy bỏng, muốn cống hiến hết mình cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, môi trường sống của cô không giống thành phố Lisieux, quê hương của thánh nữ Têrêsa. Sinh ra trong một gia đình vô thần, vùng đất cộng sản, Natalys biết Chúa nhân một lần đi qua một con hẻm gần nhà, và vì tò mò cô đẩy cửa của một nhà nguyện nhỏ nằm trên con hẻm này. Tại nhà nguyện này, Chúa đã mời gọi Natalys, trở thành Kitô hữu. Đáp lại lời mời gọi của Chúa, cô trở thành Kitô hữu. Đức tin của cô bắt đầu được lớn lên, cô dành trọn thời gian rảnh rỗi để đọc Kinh thánh, điều này khiến cha mẹ cô sợ hãi lo lắng cho số phận của cô. Và cha mẹ càng lo lắng hơn nữa, khi cô báo cho mẹ ước muốn trở thành một nữ tu, mẹ cô nói cô bị điên.
Tuy nhiên, cô gái bé nhỏ nhưng với tính cách mạnh mẽ này không có thời gian để nản trí. Từ khi Hội Nhi đồng Truyền giáo ra đời ở Cuba, Natalys đã hăng say tham gia vào tổ chức này. Vào những năm 1990, tự do nói về Chúa vẫn còn nguy hiểm ở đất nước này và ký ức tập thể vẫn còn ghi dấu nơi các tín hữu bị gửi đến các trại lao động vì đã tuyên xưng đức tin. Natalys không hề sợ hãi, cô chia sẻ cho mọi người sống gần bên một cách đơn giản về Lời Chúa đã nuôi dưỡng cô như thế nào.
Tuy nhiên, căn bệnh u não đã ngăn cản sức năng động tươi trẻ của Natalys. Nhưng cũng chính vào thời điểm đó, Natalys đã biết rõ cuộc đời và sự thánh thiện của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Noi gương thánh nữ, Natalys bắt đầu ngoan ngoãn thực hành những bài học từ ngôi trường đan viện Cát Minh này. Nếu từ bốn bức tường Nhà Kín, Thánh Têrêsa đã thay đổi thế giới, thì không có gì ngăn cản Natalys làm điều tương tự từ giường bệnh. Từ gường bệnh cô thực hành những lời khuyên của Thánh Têrêsa. Cô mơ một giấc mơ rất cụ thể đó là: Hội Nhi đồng Truyền giáo có thể được thiết lập trong tất cả Giáo phận của Cuba. Với lòng tín thác, cô dâng mọi đau khổ cho sứ vụ “Hội Nhi đồng Truyền giáo có mặt khắp mọi nơi ở Cuba”. Cô hăng say lặp lại lời này với người bạn Felito, người giáo dân đã khởi xướng hoạt động này tại đất nước của Fidel Castro.
Vào ngày 02 tháng 7 năm 1995, thiếu nữ trẻ đã qua đời trong bình an khi chưa tròn 16 tuổi. Hoa trái của một mùa xuân truyền giáo mới đã nở hoa từ đời sống cầu nguyện và hy sinh của nhà truyền giáo âm thầm: Hội Nhi đồng Truyền giáo Cuba nhận được hàng chục lá thư từ các giám mục mong muốn tổ chức này được thành lập trong các giáo phận.
Trong gia đình, cuộc đời ngắn ngủi của Natalys cũng đã gây ảnh hưởng mạnh và đem lại hoa trái: cha mẹ cô đã trở thành Kitô hữu và người anh đã chọn trở thành linh mục. "Cầu nguyện là linh hồn của công cuộc loan báo Tin Mừng", ĐTC Phanxicô đã nói như vậy vào Ngày Thế giới Truyền giáo. Không nghi ngờ gì nữa, cuộc sống của thiếu nữ Cuba có tinh thần truyền giáo của thánhTêrêsa Hài Đồng Giêsu làm chứng cho điều này.

Đức Hồng y Filoni kết thúc sứ vụ Tổng trưởng Bộ Truyền giáo

Đức Hồng y Filoni kết thúc sứ vụ Tổng trưởng Bộ Truyền giáo

2019.05.24 visita in Sri Lanka del cardinale Fernando Filoni, prefetto della Congregazione per l'evangelizzazione dei popoli
Ngày 15/01 hôm qua, Đức Hồng y Fernando Filoni đã kết thúc sứ vụ lãnh đạo Bộ Truyền giáo và sẽ bắt đầu sứ vụ mới trong vai trò Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem.
Hồng Thủy - Vatican
Audio
Từ sứ vụ đến với muôn dân đến sứ vụ giữa muôn dân
Trong buổi chia tay Bộ Truyền giáo, Đức Hồng y nhận định rằng ngày nay cần phải tái loan báo Tin Mừng, không chỉ tại các ‘xứ truyền giáo' truyền thống nhưng cả ở các lục địa truyền giáo cổ xưa. Từ sứ vụ đến với muôn dân, ngày nay nó trở thành sứ vụ giữa muôn dân. Ngài nói rằng nếu trong quá khứ, việc loan báo Tin Mừng chỉ dành cho các linh mục và tu sĩ, thì ngày nay có sự tham gia đặc biệt của giáo dân, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách là thành viên của các phong trào và các nhóm của giáo hội: trong số họ - được Chúa Thánh Thần thúc giục - cũng có những đôi vợ chồng và gia đình có con cái, tham gia nhiệt thành vào công việc truyền giáo: đây là một lý do tuyệt vời để hy vọng.”
Đức Hồng y cũng nhắc lại trách nhiệm lớn lao của Bộ đối với hơn 1200 đơn vị giáo hội tại các châu lục Á, Phi, Mỹ và châu Đại Dương. Ngài giải thích rằng chính để tương tác với các Giáo hội trẻ, trong gần 9 năm đứng đầu Bộ Truyền giáo, ngài đã thực hiện khoảng 50 chuyến đi để gặp gỡ và lắng nghe các Giáo hội địa phương, với mục đích giúp họ hiểu hoạt động của Bộ và đồng thời cũng để hiểu các nhu cầu của họ. Việc lắng nghe này là cần thiết để bổ nhiệm các giám mục, những mục tử thích hợp cho các cộng đoàn địa phương.
Nói “không” với chính mình để phục vụ Giáo hội một cách tự do hơn
Trong lời chào từ biệt Đức Hồng y nguyên Tổng trưởng của Bộ Truyền giáo, Đức tổng giám mục Giampietro Dal Toso, đồng Tổng Thư ký Bộ truyền giáo, đã đề cao kinh nghiệm, sự sáng suốt và khôn ngoan của Đức Hồng y trong vai trò Bộ trưởng, một vai trò khó khăn và tế nhị trong việc bổ nhiệm các giám mục. Chính sự khôn ngoan và kinh nghiệm đó đã hướng dẫn việc chọn lựa của ngài trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Và Đức cha nhận định rằng sự hướng dẫn đáng tin cậy này có nền tảng là chính cuộc sống từ bỏ mình của Đức Hồng y, nghĩa là nói “không” với chính mình để phục vụ Giáo hội một cách tự do hơn. (Fides 14/01/2020)

Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh có nữ Thứ trưởng đầu tiên: Francesca Di Giovanni

Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh có nữ Thứ trưởng đầu tiên: Francesca Di Giovanni

2020.01.15 Francesca Di Giovanni, nuova sotto-segretario della Sezione per i Rapporti con gli Stati  ONU
Ngày 15/01/2020, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm tiến sĩ Francesca Di Giovanni làm Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh phụ trách về các quan hệ đa phương.
Vatican News
Audio
Nữ Thứ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Tòa Thánh
Tiến sĩ Francesca Di Giovanni sinh năm 1953 tại Palermo, tốt nghiệp ngành luật. Bà đã thực tập thêm về ngành công chứng và làm việc trong lĩnh vực hành chính-pháp lý tại Trung tâm quốc tế của Opera di Maria, một phong trào thuộc Focolari.
Bà Di Giovanni đã làm việc tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh từ gần 27 năm. Từ ngày 15/09/1993, bà bắt đầu làm việc như viên chức của Phân bộ Ngoại giao của Phủ Quốc vụ khanh. Bà phục vụ trong phân bộ các quan hệ đa phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến di dân và tị nạn, công pháp quốc tế về nhân đạo, truyền thông, công pháp quốc tế về tư nhân, tình trạng nữ giới, sở hữu trí tuệ và du lịch.
Hai Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh
Đây là chức vụ mới trong Phân bộ Ngoại giao của Tòa Thánh và cũng là lần đầu tiên một phụ nữ giữ chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh. Với bổ nhiệm này, từ nay Phân bộ Ngoại giao của Tòa Thánh có hai Thứ trưởng. Trước đó, sau khi bổ nhiệm Đức ông Antoine Camillieri làm Sứ thần Tòa Thánh tại Etiopia, ngày 24/10 năm ngoái Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức ông Mirosław Stanisław Wachowski, người Ba Lan, làm Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh đặc trách về các quan hệ song phương.
Quyết định sáng tạo của Đức Thánh Cha
Trả lời phỏng vấn của Vatican News và báo Osservatore Romano, bà Di Giovanni cho biết bà ngạc nhiên khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng. Bà chia sẻ rằng trong vai trò mà bà không bao giờ nghĩ đến này, bà sẽ cố gắng dấn thân hơn để đáp lại sự tin tưởng của Đức Thánh Cha.
Bà Thứ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh cũng nhận định rằng sự kiện lần đầu tiên một phụ nữ được bổ nhiệm vào chức vụ điều hành trong Phủ quốc vụ khanh là một quyết định sáng tạo của Đức Thánh Cha, nó cho thấy một dấu hiệu về sự quan tâm đối với phụ nữ. Nhưng bà khẳng định: “Trách nhiệm gắn liền với công việc hơn là với thực tế rằng tôi là một phụ nữ.” (REI 15/01/2020)

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Tổng quát về quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và các quốc gia

Tổng quát về quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và các quốc gia

Trong lĩnh vực quan hệ song phương, hiện nay Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao đầy đủ với hầu hết các quốc gia.
Hồng Thủy - Vatican
Audio
Vào năm 1900, chỉ khoảng 20 quốc gia có qua hệ ngoại giao với Tòa Thánh; đến năm 1978, con số này đã lên tới 84 và năm 2005 là 174. Với Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, số các nước này tăng lên đến 180 và với Đức Giáo hoàng Phanxicô, con số này đã tăng lên 183.
Bên cạnh con số 183 nước kể trên, Liên hiệp châu Âu và Hội Hiệp sĩ Malta cũng có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Có khoảng 90 Đại sứ quán có trụ sở ở Roma, bao gồm Liên hiệp châu Âu và Hội Hiệp sĩ Malta.
Những quốc gia cuối cùng có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh
Các quốc gia cuối cùng thiết lập quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh là quốc gia non trẻ Nam Sudan (2013), Maurice (2016) và Myanmar (2017). Vào năm 2016, sau nghị quyết 67/19 của Liên Hợp Quốc tháng 11 năm 2012 cho phép nước này trở thành quan sát viên thường trực, “quan hệ đặc biệt” của Toà Thánh với Nhà nước Palestine trở thành quan hệ ngoại giao đầy đủ với Thỏa thuận toàn cầu được ký vào tháng 6 năm 2015 bắt đầu có hiệu lực.
Trong số các quốc gia mà Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao, có cả Đài Loan, tuy nhiên, kể từ năm 1979, không còn Sứ thần thường trú, mà chỉ có một “xử lý thường vụ tạm thời”.
Các nước chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh
Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao với 12 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Á và là đa số Hồi giáo. Trong số các nước này, có 8 nước không có bất kỳ đặc sứ nào của Vatican, đó là Afghanistan, Ả Rập Saudi, Bhutan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Maldives, Ôman và Tuvalu. Tuy nhiên có các đại diện tông tòa tại các cộng đoàn Công giáo địa phương nhưng không đối với chính phủ, tại bốn quốc gia khác: hai ở châu Phi là Comoros và Somalia, và hai ở châu Á là Brunei và Lào.
Một tình trạng đặc biệt là Việt Nam, các cuộc đàm phán đã chính thức bắt đầu để đi đến các mối quan hệ ngoại giao đầy đủ, và đến cuối năm 2011, một đại diện của Vatican không thường trú đã được bổ nhiệm để liên hệ với chính quyền Hà Nội.
Đối với Kosovo, hiện tại Tòa Thánh giới hạn trong việc bổ nhiệm một đại diện tông tòa, đó là Sứ thần tại Slovenia. (REI 09/01/2020)

Suy tư của Đức Giáo hoàng Biển Đức về luật độc thân linh mục

Suy tư của Đức Giáo hoàng Biển Đức về luật độc thân linh mục

Đức nguyên Giáo hoàng và Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phụng tự đã suy tư về chủ đề độc thân linh mục trong một cuốn sách. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về chủ đề này nhiều lần.
Andrea Tornielli - Vatican
Một cuốn sách về chức linh mục mang chữ ký của Đức nguyên Giáo hoàng Joseph Ratzinger và Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự, sẽ được xuất bản tại Pháp vào ngày 15/01. Những đoạn được báo Le Figaro đăng trước cho thấy rằng với đóng góp của mình, các tác giả tham gia vào cuộc tranh luận về luật độc thân và về khả năng phong chức linh mục cho những người nam đã kết hôn. Đức Giáo hoàng Ratzinger và Đức Hồng y Sarah - tự định nghĩa mình là hai giám mục "trong sự vâng phục con thảo đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô", đang "tìm kiếm sự thật" trong một "tinh thần yêu quý sự hiệp nhất của Giáo hội" - bảo vệ kỷ luật độc thân và đưa ra những lý do mà theo quan điểm của các ngài, các ngài khuyên không nên thay đổi luật này. Vấn đề độc thân được nói đến trong 175 trang của cuốn sách, với hai bản văn, một của Đức Giáo hoàng và một của Đức Hồng Y, cùng với phần giới thiệu và kết luận được ký bởi cả hai tác giả.
Trong văn bản của mình, Đức Hồng y Sarah nhắc lại rằng "có một mối liên hệ bản thể - bí tích giữa chức linh mục và đời sống độc thân. Bất kỳ việc làm nào làm suy yếu liên kết này sẽ đặt vấn đề về huấn quyền của Công đồng và của các Giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI. Tôi cầu xin Đức Giáo hoàng Phanxicô bảo vệ chúng ta cách dứt khoát khỏi khả năng này bằng cách phủ quyết bất kỳ sự làm suy yếu nào về luật độc thân linh mục, ngay cả khi chỉ giới hạn ở một khu vực này hoặc một khu vực khác". Hơn nữa, Đức Hồng y Sarah còn miêu tả khả năng phong chức cho những người nam đã có vợ là "một thảm họa mục vụ, một sự nhầm lẫn về giáo hội học và sự tối tăm trong sự hiểu biết về chức linh mục".
Trong phần trình bày ngắn gọn của mình, khi suy tư về chủ đề này, Đức Biển Đức XVI quay trở lại cội nguồn Do Thái của Kitô giáo, khẳng định rằng chức linh mục và độc thân đã được hợp nhất kể từ khi bắt đầu "giao ước mới" của Thiên Chúa với nhân loại, được thiết lập bởi Chúa Giêsu. Và ngài nhắc lại rằng "trong Giáo hội cổ xưa", nghĩa là trong thiên niên kỷ thứ nhất, đã có "những người nam đã kết hôn có thể lãnh nhận bí tích truyền chức chỉ khi họ cam kết tiết chế tình dục".
Độc thân linh mục không và chưa bao giờ là một tín điều. Đó là một kỷ luật giáo hội của Giáo hội Latinh, nó tượng trưng cho một món quà quý giá, như tất cả các Giáo hoàng sau này xác định. Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương cho phép khả năng phong chức linh mục cho những người nam đã kết hôn và ngoại lệ cũng đã được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cho phép đối với Giáo hội Latinh trong Tông Hiến “Anglicanorum coetibus” – các nhóm Anh giáo, dành cho các mục sư Anh giáo xin hiệp thông với Giáo hội Công giáo "Anglicanorum coetibus" dành riêng cho các mục sư Anh giáo, những người muốn hiệp thông với Giáo hội Công giáo; tài liệu dự liệu việc chấp nhận những người nam đã kết hôn, trong từng trường hợp cụ thể, lãnh nhận chức linh mục, theo các tiêu chí khách quan được Tòa Thánh phê chuẩn".
Cũng đáng ghi nhớ rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã nhiều lần thể hiện ý kiến của mình về chủ đề này. Khi còn là một Hồng y, trong cuộc trò chuyện với Rabbi Abraham Skorka, ngài đã giải thích rằng ngài ủng hộ việc duy trì tình trạng độc thân: “với tất cả các ưu và nhược điểm, trong mười thế kỷ đã có nhiều kinh nghiệm tích cực hơn là sai lỗi. Truyền thống có giá trị và hiệu lực.” Trong cuộc đối thoại với các nhà báo trên chuyến bay từ Panama trở về Roma hồi tháng 1 năm ngoái, Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng trong các Giáo hội Công giáo Đông phương, lựa chọn độc thân hoặc kết hôn trước khi chịu chức phó tế là có thể; nhưng ngài nói thêm, liên quan đến Giáo hội Latinh: “Tôi nhớ câu nói của thánh Phaolô VI: Tôi thà hy sinh sự sống của mình hơn là thay đổi luật về độc thân. Nó xuất hiện trong đầu tôi và tôi muốn nói điều đó, bởi vì đó là một câu nói can đảm, trong một thời điểm khó khăn hơn thế này, những năm 1968/1970 ... Cá nhân tôi nghĩ rằng độc thân là một món quà dành cho Giáo hội. Thứ hai, tôi không đồng ý với việc cho phép việc độc thân tùy chọn, không.” Trong câu trả lời của mình, ngài cũng nói về cuộc tranh luận giữa các nhà thần học về khả năng miễn trừ cho một số vùng xa xôi, như các đảo ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngài nói rõ, “tôi không có quyết định đó. Quyết định của tôi là: độc thân tùy chọn trước khi chịu chức phó tế. Nó là một ý kiến của tôi, một cái gì đó cá nhân, tôi sẽ không làm điều đó, điều này rõ ràng. Nó là điều đã đóng lại, đúng không? Có lẽ. Nhưng tôi không muốn đến trước mặt Chúa với quyết định này.”
Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazon được tổ chức vào tháng 10 năm 2019 và chủ đề này đã được tranh luận ở đó. Như có thể thấy ở tài liệu chung kết, có những giám mục đã hỏi về khả năng phong chức linh mục cho các phó tế vĩnh viễn đã kết hôn. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là vào ngày 26 tháng 10, trong bài phát biểu kết thúc Thượng Hội đồng, Đức Giáo hoàng, sau khi đã theo dõi tất cả các giai đoạn của các bài phát biểu và thảo luận trong hội trường, đã không đề cập đến bất kỳ cách nào về chủ đề phong chức linh mục cho người nam đã kết hôn, kể cả chỉ nói qua. Thay vào đó, ngài nhắc lại bốn chiều của Thượng hội đồng: đó là sự hội nhập văn hóa; chiều kích sinh thái; chiều kích xã hội; và cuối cùng là chiều kích mục vụ, điều bao gồm tất cả. Cũng trong bài phát biểu đó, Đức Thánh Cha đã nói về sự sáng tạo trong các sứ vụ mới và về vai trò của phụ nữ; và khi đề cập đến việc thiếu giáo sĩ ở một số khu vực truyền giáo, ngài nhắc rằng có nhiều linh mục từ một quốc gia đã đến với thế giới thứ nhất, ví dụ, Hoa Kỳ và Châu Âu, và không có đủ linh mục để gửi đến khu vực Amazon của cùng quốc gia đó.”
Cuối cùng, điều quan trọng là Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong khi cảm ơn các phương tiện truyền thông, đồng thời cũng yêu cầu họ giúp đỡ: “trong việc phổ biến Tài liệu chung kết, họ sẽ tập trung trên hết vào các khía cạnh, là phần quan trọng hơn, phần mà Thượng hội đồng thực sự diễn tả tốt nhất: chiều kích văn hóa, chiều kích xã hội, chiều kích mục vụ và chiều kích sinh thái. Sau đó, Đức Giáo hoàng đã mời họ tránh rơi vào nguy cơ tập trung vào việc “bên nào thắng và bên nào thua” khi nhìn vào những gì được quyết định liên quan đến các vấn đề kỷ luật.