label

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Chương trình viếng thăm Iraq của Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Chương trình viếng thăm Iraq của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày 8/2/2021 Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chuyến viếng thăm Iraq của Đức Thánh Cha trong các ngày từ 5-8/3 sắp tới. Ngài sẽ thăm các thành phố Najaf, Ur, Erbil, Mosul và Qaraqosh, nơi ngài sẽ viếng thăm nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội Al-Tahira đã bị Nhà nước Hồi giáo đốt phá sau khi nhóm này nắm quyền kiểm soát thị trấn vào năm 2014.

Hồng Thủy - Vatican News

Ngày thứ nhất 5/3/2021

Đức Thánh Cha sẽ rời Roma vào sáng thứ Sáu 5/3 và đến phi trường thủ đô Baghdad vào ban chiều.

Sau nghi thức tiếp đón chính thức tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ hội kiến với Thủ tướng Iraq tại phòng VIP của phi trường. Tiếp đến Đức Thánh Cha sẽ đến Dinh Tổng thống, viếng thăm xã giao Tổng thống; tại đây sẽ có nghi thức chào đón chính thức. Sau đó Đức Thánh Cha sẽ gặp các đại diện chính quyền xã hội và lãnh đạo dân sự, và thành viên ngoại giao đoàn.

Cuối ngày thứ nhất của chuyến viếng thăm Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Cứu độ của Giáo hội Công giáo Syro.

Ngày thứ hai 6/3/2021

Sáng thứ Bảy 6/3 Đức Thánh Cha sẽ rời Baghdad đi Najaf. Sau khi thăm xã giao Đại Giáo trưởng Sayyid Ali Al-Husayni Al-Sistani ở Najaf, ngài sẽ đáp máy bay đến Nassirya tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn ở bình nguyên Ur.

Vào ban chiều, sau khi trở về thủ đô Baghdad, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa thánh Giuse ở Baghdad, 1 trong 11 nhà thờ chính tòa tại nước này.

Ngày thứ ba 7/3/2021

Sáng Chúa Nhật 7/3 Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đi Erbil. Đến phi trường ngài sẽ được chính quyền dân sự và tôn giáo của miền tự trị Kurdistan của Iraq chào đón trước khi đáp trực thăng đến Mosul, thành phố trong nhiều năm nằm trong tay của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Tại đây ngài sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc chiến ở Hosh al-Biraa (Quảng trường Nhà thờ).

Sau đó Đức Thánh Cha đáp trực thăng đến Qaraqosh ở vùng bình nguyên Ninive, bị Nhà nước Hồi giáo chiếm từ năm 2016. Tại đây ngài sẽ viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Sau khi bị đốt vào năm 2014, Nhà thờ hiện đã được trùng tu và đang chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha sẽ đọc Kinh Truyền Tin tại nhà thờ chính tòa này.

Sau trưa Đức Thánh Cha sẽ trở lại Erbil và cử hành Thánh lễ tại sân vận động “Franso Hariri” và sau đó trở về thủ đô Baghdad.

Ngày thứ tư 8/3/2021

Sáng thứ Hai 8/3, sau nghi thức từ biệt, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Roma và dự kiến sẽ đến phi trường Ciampino của Roma vào cuối ngày.

Chuyến viếng thăm Iraq của Đức Thánh Cha có khẩu hiệu “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”, trích từ Tin Mừng thánh Matthêu. Logo của chuyến viếng thăm mô tả Đức Thánh Cha giơ tay chào nước Iraq, được thể hiện bằng bản đồ và các biểu tượng của nó, cây cọ và sông Tigris và Euphrates. Logo cũng cho thấy một con chim bồ câu trắng, một cành ô liu trên mỏ của nó, một biểu tượng của hòa bình, bay trên các lá cờ của Tòa thánh và Cộng hòa Iraq. Phía trên hình ảnh, khẩu hiệu của chuyến thăm được viết bằng 3 ngôn ngữ Ả Rập, tiếng Kurd và tiếng Can-đê. (CSR_985_2021)


Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

ĐTC Phanxicô mời gọi hãy truyền ngọn lửa “tình yêu thương xót” của Chúa Giê-su

 

ĐTC Phanxicô mời gọi hãy truyền ngọn lửa “tình yêu thương xót” của Chúa Giê-su

Nhân kỷ niệm 90 năm Chúa Giê-su Thương xót hiện ra lần đầu với thánh nữ Faustina Kowalska, Đức Thánh Cha đã viết thư cho Đức cha Piotr Libera của giáo phận Plock ở Ba Lan và cộng đoàn giáo phận, và nói rằng chúng ta được kêu gọi truyền ngọn lửa “tình yêu thương xót” của Chúa Giê-su.

Hồng Thủy - Vatican News

Thánh Faustina đã ghi lại trong nhật ký của mình cuộc hiện ra ở Plock. Chị nói rằng Chúa Giêsu mặc áo trắng hiện ra với chị, với hai tia sáng xuất phát từ ngực ngài, một tia đỏ và một tia sáng nhạt. Chị kể rằng Chúa Kitô đã yêu cầu chị tạo một bức ảnh của Người với dòng chữ “Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.”

Phổ biến ảnh Lòng Chúa Thương xót

Đức Thánh Cha nhắc lại những lời thánh Faustina được nghe vào ngày 22 tháng 2 năm 1931: “Hãy vẽ một bức tranh theo mẫu con thấy, với chú thích: Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa. Ta mong muốn hình ảnh này được tôn kính trước tiên trong nhà nguyện của con và sau đó là trên toàn thế giới.”

Hình ảnh Lòng Chúa Thương xót đầu tiên được họa sĩ Eugeniusz Kazimirowski vẽ. Sau khi thánh Faustina qua đời, các họa sĩ khác đã vẽ các bức ảnh theo lời chị miêu tả. Bức ảnh Lòng Chúa Thương xót đã phổ biến khắp thế giới.

Cầu xin ơn thương xót

Trong thư Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu “cầu xin ơn thương xót”, để cho lòng thương xót của Chúa Ki-tô “bao trùm và thấm nhập chúng ta,” để có “can đảm trở về với Chúa Giêsu, gặp gỡ tình yêu và lòng thương xót của Người trong các Bí tích,” và để “cảm nhận sự gần gũi và dịu dàng của Người,” để chúng ta “có thể có thêm khả năng thương xót, nhẫn nại, tha thứ và yêu thương.”

Truyền ngọn lửa tình yêu thương xót của Chúa Giê-su

Đức Thánh Cha lưu ý rằng thánh Gioan Phaolô II, “Tông đồ của Lòng Chúa Thương xót”, đã muốn sứ điệp tình yêu thương xót của Thiên Chúa đến với mọi người trên thế giới. Ngài trích dẫn lời thánh Gioan Phaolô II trong cuộc viếng thăm Łagiewniki năm 2002: “Ngọn lửa của lòng thương xót này cần được truyền lại cho thế giới. Trong lòng nhân từ của Thiên Chúa, thế giới sẽ tìm thấy hòa bình và nhân loại sẽ tìm thấy hạnh phúc!” Và chính ngài khẳng định: “Đây là một thách đố đặc biệt đối với giáo phận Plock, được ghi dấu bởi sự mặc khải này”, đối với mỗi người.

Thư của Đức Thánh Cha kết thúc với lời mời gọi: “Hãy truyền ngọn lửa tình yêu thương xót của Chúa Giê-su. Hãy trở nên dấu hiệu về sự hiện diện của Người giữa anh chị em.” (CSR_1322_2020)


ĐTC Phanxicô: Không bao giờ đối thoại với ma quỷ

 

ĐTC Phanxicô: Không bao giờ đối thoại với ma quỷ

Trưa Chúa Nhật 21/02/2021, từ cửa sổ dinh Tông tòa, Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã có bài huấn dụ ngắn dựa theo Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay.

Ngọc Yến - Vatican News

Cuộc đời Chúa được Thánh Thần hướng dẫn

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: “Hôm thứ Tư, với nghi thức xức tro sám hối, chúng ta đã bắt đầu hành trình Mùa Chay. Hôm nay, Chúa nhật I của mùa phụng vụ này, Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường để sống cách hiệu quả 40 ngày dẫn đến việc cử hành hàng năm của Lễ Phục Sinh. Đó là hành trình Chúa Giêsu đã thực hiện. Thánh Maccô mô tả tóm tắt hành trình này như sau: Trước khi bắt đầu rao giảng, Chúa Giêsu rút lui bốn mươi ngày trong hoang địa, chịu Satan cám dỗ (Mc 1, 12-15). Thánh sử nhấn mạnh rằng ‘Thần Khí đẩy Người vào hoang địa’ (c. 12). Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Người ngay sau khi chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan, nay cũng chính Thần Khí đó đẩy Người vào hoang địa, đối diện với Tên Cám Dỗ để chiến đấu chống ma quỷ. Cả cuộc đời Chúa Giêsu được đặt dưới dấu hiệu Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng linh hoạt, linh hứng và hướng dẫn Người”.

Hoang địa là nơi Chúa nói với con người

Tới đây, Đức Thánh Cha giải thích cụm từ “hoang địa”. Theo Đức Thánh Cha, trong Kinh Thánh “hoang địa” là môi trường tự nhiên, nhưng rất quan trọng về mặt biểu tượng. Hoang địa là nơi Thiên Chúa nói với tâm hồn con người, và là nơi lời cầu nguyện được đáp lời, đó là hoang địa của sự cô đơn, nơi con tim tách rời khỏi những điều khác và chỉ trong sự cô đơn con tim mới mở ra với Lời Chúa. Nhưng đó cũng là nơi thử thách và cám dỗ, nơi Tên Cám Dỗ lợi dụng sự yếu đuối và nhu cầu của con người, để lén lút thay thế tiếng Chúa bằng tiếng giả dối của nó.

Thực tế, 40 ngày ở hoang địa là thời gian bắt đầu “cuộc đấu” giữa Chúa Giêsu và ma quỷ, sẽ kết thúc bằng cuộc Khổ nạn và Thánh giá. Toàn sứ vụ của Chúa Kitô là một cuộc chiến đấu chống lại Thần dữ, thể hiện trong các hành động: chữa lành bệnh tật, trừ quỷ cho người bị ám, tha tội. Sau giai đoạn đầu, Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Người nói và hành động với quyền năng của Thiên Chúa, dường như ma quỷ thắng thế, khi Con Thiên Chúa bị từ chối, bị ruồng bỏ, và cuối cùng bị bắt và kết án tử. Thực tế, cái chết là “hoang địa” cuối cùng phải băng qua để đánh bại Satan và giải thoát tất cả chúng ta khỏi quyền lực của nó.

Phải ý thức sự hiện diện của ma quỷ

Áp dụng Tin Mừng vào đời sống thực tế, Đức Thánh Cha nói: “Mỗi năm, vào đầu Mùa Chay, Tin Mừng về những lần Chúa Giêsu bị cám dỗ trong hoang địa nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống của người Kitô hữu, theo bước chân của Chúa, là một trận chiến chống lại ác thần. Điều này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã sẵn sàng đối mặt với Tên Cám Dỗ và đã đánh bại hắn; đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta rằng ma quỷ cũng có khả năng hành động trên chúng ta với những cám dỗ của nó. Chúng ta phải ý thức sự hiện diện của kẻ thù xảo quyệt này, kẻ đang tìm cách để chúng ta bị án phạt đời đời, tìm sự thất bại của chúng ta. Cùng với đức tin, cầu nguyện và sự sám hối, ân sủng Chúa bảo đảm cho chúng ta chiến thắng kẻ thù”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều: Trong các cám dỗ, Chúa Giêsu không bao giờ đối thoại với ma quỷ. Hoặc là Chúa trục xuất ma quỷ hoặc là Chúa kết án nó nhưng không bao giờ Chúa đối thoại với nó. Và trong hoang địa, dường như có một cuộc đối thoại bởi vì ma quỷ đưa ra ba đề nghị và Chúa đã trả lời. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời bằng lời của mình. Chúa trả lời bằng Lời Chúa, với ba đoạn Kinh Thánh”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người rằng, điều này cũng phải được áp dụng cho chính chúng ta. Khi ma quỷ bắt đầu dụ dỗ chúng ta với những lời như: hãy nghĩ điều này, làm điều kia…Những lời ma quỷ đã nói với bà Eva. Bà Eva đã trả lời, đối thoại với ma quỷ. Nếu chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ bị đánh bại. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Hãy nhớ rõ điều này trong tâm trí và con tim: với ma quỷ, không bao giờ đối thoại, chỉ có Lời Chúa”.

“Trong Mùa Chay, giống như Chúa Giêsu, Thánh Thần cũng đẩy chúng ta vào hoang địa. Đây không phải là một nơi chốn, mà là một chiều kích hiện sinh. Trong hoang địa này, với thinh lặng, lắng nghe lời Chúa, chúng ta được hoán cải thực sự. Đừng sợ hoang địa, hãy tìm thêm những giây phút để cầu nguyện, thinh lặng, để bước vào trong chính chúng ta. Chúng ta được mời gọi đi trên con đường của Thiên Chúa, làm mới lại những lời hứa trong bí tích Thánh Tẩy: từ bỏ Satan, mọi công việc và mọi cám dỗ của Satan”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý bằng lời mời gọi mọi người phó thác nơi sự chuyển cầu của Mẹ Maria.

Kỷ niệm 90 năm Chúa Giêsu trao sứ điệp lòng thương xót Chúa cho Thánh Faustina Kowalska

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chào thăm các tín hữu hành hương đang hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài chào đặc biệt các tín hữu Ba Lan: “Hôm nay, tôi hướng về đền thánh Płock ở Ba Lan, nơi cách đây 90 năm, Chúa Giêsu đã hiện ra với Thánh Faustina Kowalska, trao phó cho thánh nữ một sứ điệp đặc biệt về lòng thương xót của Thiên Chúa. Qua Thánh Gioan Phaolô II, sứ điệp đã đến với toàn thế giới và không gì khác hơn là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại, Đấng ban cho chúng ta lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn bằng cách nói bằng đức tin: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Ngài”.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

CÁO PHÓ (Bà ba Sinh khu 6)

 CÁO PHÓ 

Một người con của giáo xứ
 

Bà MARIA HỒ THỊ NẾT sinh năm 1934.
Hiện ngụ tại khu 6, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 10 giờ 10 ngày 19/02/2021
HƯỞNG THỌ 88 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 19 giờ ngày
19-02-2021
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 22-02-2021, sau đó an táng tại đất thánh giáo xứ Cái Đôi
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà MARIA sớm hưởng thánh nhan Chúa

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÓN XUÂN TÂN SỬU TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

 

NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÓN XUÂN 

TÂN SỬU TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

Cho dù dịch bệnh đang hoành hành đây đó trên một số vùng của đất nước, nhưng giáo xứ Cần Xây vẫn chủ động phòng tránh bằng mọi cách có thể, đồng thời tạo hình thức và bầu không khí vui chơi an toàn để hòa trong bầu khí linh thiêng của đất trời chào đón xuân Tân Sửu 2021.

Hai con trâu vàng, cây mai, cây đào biểu tượng của mùa xuân và năm Tân sửu đã được cha Phó Nguyễn Trung Khiết thực hiện đặt phía trước nhà thờ. Bên cạnh đó: cờ, hoa, đèn cũng được trang trí làm cho khung cảnh thánh đường thêm lộng lẫy, sống động. Tuy nhiên, công tác chính vẫn là lo cho các gia đình nghèo có điều kiện ăn tết bằng những phần quà bao gồm: Gạo, mì, dầu ăn, bánh mứt, thịt, hiện kim… Không để bất cứ gia đình nào đón tết trong khó khăn, trên 50 phần quà đã được gửi đến các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngoài lo lắng về vật chất,  giáo xứ cũng tạo điều kiện cho mọi người tắm gội tâm hồn đón Chúa xuân bằng việc xưng tội vào chiều và tối 30 Al. Được tắm gội nên các thánh lễ ngày đầu xuân dường như trên 90% người dự lễ đón nhận bí tích Thánh thể

Thánh lễ đầu xuân với lời ca rộn ràng, vui tươi của bài Thánh ca Nhập lễ đã đưa cộng đoàn phụng vụ bước vào Thánh lễ tạ ơn cầu bình an cho năm mới thật linh thiêng. Cuối thánh lễ là nghi thức mừng tuổi Chúa, chúc tuổi quí cha và mọi người, với tâm niệm xin Chúa ban cho nhà nhà được hạnh phúc, mỗi người tìm thấy sự bình an nội tâm, được vững vàng trong Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, và hăng say tìm kiếm Nước Trời.

Ngày mùng 2 kính nhớ ông bà tổ tiên, những bài thánh ca nói về chữ hiếu đã đi vào lòng người, nhắc nhở mỗi người phải thảo hiếu với ông bà, cha mẹ. Trong bài giảng cha sở Trần Văn Khoa cũng nói về một số thực trạng đã và đang hiện hành: rất nhiều con cái bất kính với cha mẹ, quên đi bổn phận làm con, chửi cha, mắng mẹ thậm chí đánh và giết cha mẹ. Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Hãy trân trọng cha mẹ như lời sách Huấn ca (3,3.12-16) đã nhắc nhở mỗi người chúng ta phải biết yêu mến và kính trọng cha mẹ có như vậy mới làm đẹp lòng chúa.

 “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng. Hỡi kẻ làm con hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi còn sống. Trí khôn người có suy giảm, con hãy nể vì, đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng. Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính. Vào ngày bĩ cực, công việc con sẽ được nhớ đến, như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi. Người lộng ngôn, khinh cha, dể mẹ là xúc phạm đến Thượng đế, kẻ t tạo nên họ”.

Thánh lễ ban chiều tại đất thánh cũng rất đông và đất thánh hôm nay không còn là nơi thương khóc đau buồn mà là nơi niềm vui âm dương hòa hợp được thể hiện với bông hoa, nhang đèn, sự qui tụ hiếu nghĩa của con cháu, quây quần bên người thân đã chết. Hình ảnh thật đẹp và đầy tính nhân văn.

Ngày mùng ba thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm, làm phép xe. Buổi tối có văn nghệ, xổ số xuân, nhiều phần thưởng đã được trao cho người trúng thưởng.

Ba ngày xuân thật tuyệt vời tại giáo xứ Cần Xây, thánh lễ nào cũng đông và đó cũng là sự mong đợi của nhiều nơi không có thánh lễ vì dịch bệnh, xin chúa cứu chữa và cho dịch bệnh sớm chấm dứt.

Ảnh hưởng của dịch bệnh năm nay hoa ít hơn, nhưng cũng đủ sắc màu và hương thơm vì hoa là một thứ không thể thiếu trong ngày tết. Nhìn vào hoa với một chút suy tư: Những đóa hoa với trách nhiệm là tỏa hương thơm và khoe sắc cho đời, mỗi người chúng ta là những bông hoa được mọc lên từ vườn đời đang khoe sắc với hương thơm. Mỗi loài hoa đều mang một hương sắc và vẻ đẹp riêng, chúng ta cũng vậy, đều mang một nét riêng không ai giống ai. Đã là hoa thì phải tỏa hương sắc, hương của sự tốt lành, hương của sự thánh thiện, hương đẹp của cách sống…  Nếu bông hoa của chúng ta tỏa hương trong cuộc đời, chúng ta sẽ làm cho thế giới này thay đổi, chúng ta sẽ làm cho hình ảnh của Đức Giêsu rõ nét trong mọi người và chúng ta sẽ làm cho hình ảnh của Giáo hội là thân thể huyền nhiệm của Chúa Giêsu tỏa sáng. Mùa xuân sẽ chấm dứt, hoa sẽ tàn, nhưng bông hoa của mỗi người sẽ duy trì hương sắc đẹp đẽ, thơm tho đến cho mọi người nhất là các lương dân, có như vậy bông hoa mùa xuân cuộc đời sẽ không bị mất đi giá trị trong vườn hoa muôn sắc.

Thiên Sinh

Một số hình ảnh ngày xuân






Thánh lễ đầu xuân



Mừng tuổi Chúa




Chúc tuổi quí cha và mọi người

Tặng quà quí cha






Thánh lễ ngày 2 tại đất thánh














Thánh lễ ngày 3 và làm phép xe












Thư ngỏ của ĐHY Koch về rước lễ chung giữa Công giáo và Tin lành

 

Thư ngỏ của ĐHY Koch về rước lễ chung giữa Công giáo và Tin lành





 

Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã công bố một thư ngỏ hôm 9/2/2021 vừa qua, trả lời cho những lời phê bình của phía Tin lành Đức về lập trường của Tòa Thánh không chấp nhận việc các tín hữu Công giáo và Tin lành rước lễ chung bao lâu hai bên chưa có sự hiệp nhất trong cùng một đức tin.

 

Hồi tháng Chín năm 2019, Nhóm làm việc chung giữa Công giáo và Tin lành Đức (OAK) đã công bố một văn kiện dài 26 trang tựa đề “Cùng nhau tại bàn tiệc của Chúa”, khuyến khích các tín hữu Công giáo và Tin lành rước lễ chung, trong sự tôn trọng các truyền thống phụng vụ của nhau. Đức cha Georg Bätzing, Giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và cũng là đồng chủ tịch Nhóm làm việc chung soạn văn kiện này, đã tuyên bố hồi năm ngoái rằng trong Đại hội Công giáo và Tin lành vào năm tới, các tín hữu Công giáo và Tin lành sẽ rước lễ chung trong các thánh lễ Công giáo và Tiệc ly Tin lành. Bộ giáo lý đức tin đã gửi thư bác bỏ lập trường này.

 

Gần đây, Đức Hồng y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã phê bình nhiều điểm trong tài liệu “Cùng nhau tại bàn tiệc của Chúa”. Phản ứng lại, giáo sư Volker Leppin thuộc Tin lành, và giảng dạy tại đại học Tuebingen, đã phê bình lập trường của Đức Hồng y Koch và cho rằng Đức Hồng y thiếu đối thoại.

 

Trong thư ngỏ, được hãng tin Công giáo Đức phổ biến hôm 9/2 vừa qua, Đức Hồng y Koch bác bỏ lời phê bình là ngài thiếu đối thoại, đồng thời Đức Hồng y cám ơn những cố gắng của nhóm làm việc chung nhắm vượt qua những vấn đề gây còn chia rẽ giữa Công giáo và Tin lành. Đức Hồng y Koch khẳng định rằng “sự vượt thắng các vấn đề ấy chỉ có thể diễn ra trong tinh thần thực tiễn và trách nhiệm, đối chiếu với thực tại cụ thể của các Giáo hội”.

 

Đức Hồng y Koch nêu rõ sự cách biệt lớn giữa lập trường của nhóm làm việc chung cho rằng hiện nay có sự cùng đồng thuận giữa các Giáo hội về việc cùng rước lễ chung và thực tại cụ thể trong các Giáo hội Tin lành. Đức Hồng y nêu ví dụ: Giáo hội Tin lành ở bang Hessen-Nasau vốn chủ trương: “tất cả những ai đến dự lễ đều được mời lên rước lễ, cả những người không rửa tội cũng được rước lễ.” Đức Hồng y đặt câu hỏi: “Như vậy làm sao nhóm làm việc chung có thể quả quyết có sự liên hệ giữa phép rửa tội và việc rước lễ Công giáo hoặc bữa Tiệc ly theo Tin lành, khi mà những người chưa rửa tội cũng được rước lễ?”

 

Đức Hồng y Koch nhấn mạnh rằng: “Nếu nhóm làm việc chung quả quyết việc nhìn nhận phép rửa tội của nhau, Công giáo và Tin lành, là nền tảng của đại kết, và việc rước lễ chung, vậy thì tại sao lại cho cả những người không rửa tội được rước lễ?

 

Và Đức Hồng y Koch nhắc lại lập trường của Công giáo là chỉ có thể rước lễ chung nếu có sự hiệp nhất trong cùng một đức tin.

 

G. Trần Đức Anh, O.P.

Nguồn: Radio Veritas

 


Do đại dịch, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích sửa đổi cách thức Xức tro

 

Do đại dịch, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích sửa đổi cách thức Xức tro


 

Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã công bố một ghi chú, chỉ rõ việc thay đổi mà các linh mục phải theo trong khi cử hành nghi thức khai mạc Mùa Chay: đeo khẩu trang và đọc công thức chỉ một lần.

 

Tình hình sức khỏe do virus corona tiếp tục đòi hỏi một sự chú ý cả trong lĩnh vực phụng vụ. Vì vậy, trong cái nhìn của Mùa chay sắp tới, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã cho công bố những quy định cần phải tuân giữ, đối với những ai tham dự nghi thức Xức tro, thứ Tư 17/02.

 

Theo đó, sau khi làm phép tro và rảy nước thánh, linh mục hướng đến các tín hữu đang hiện diện và đọc “một lần công thức như trong Sách lễ Roma: ‘Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’, hoặc ‘Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về tro bụi’”. Tiếp theo, “linh mục lau tay và đeo khẩu trang, rồi xức tro cho các tín hữu tiến đến với linh mục, hoặc chính linh mục đến chỗ của các tín hữu để xức tro cho họ”. Ghi chú kết luận: “Linh mục xức tro lên đầu mỗi người và không đọc gì thêm”.

Ngọc Yến - Vatican News

Nguồn: Vatican News


Thứ Năm, 11 tháng 2, 2021

CHÚC MỪNG NĂM MỚI TÂN SỬU

  


Với Niềm Hân Hoan Đón Mùa Xuân Mới Tân Sửu

 Chúng con, toàn thể Ban biên tập, Cha sở, Cha phó, Hội đồng mục vụ 
GIÁO XỨ CẦN XÂY 

Chân thành Kính Chúc 
 Quí đọc giả, Quí Đức cha, Quí cha, Quí tu sĩ nam nữ, toàn thể mọi người và bà con giáo dân giáo xứ Cần Xây

 NĂM MỚI TÂN SỬU
An Bình - Hạnh Phúc - Thịnh Vượng - Trường Thọ 
Trong sự quan phòng của Thiên Chúa. 
  
Chúng con tha thiết nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc,
Để những Lời Cầu Chúc của chúng con được thể hiện trọn vẹn 
trên từng người, từng gia đình và xin Chúa Xuân ở mãi trên quí vị

ĐTC Phanxicô chúc mừng Tết nguyên đán các nước

ĐTC Phanxicô chúc mừng Tết nguyên đán các nước



Vào cuối buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 10/2/2021 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc Tết đến hàng triệu người, từ Trung Quốc đến Việt Nam, Hàn Quốc, vào ngày 12/2 tới đây.

Hồng Thủy - Vatican News

Sau bài giáo lý, Đức Thánh Cha chúc mừng Tết Nguyên đán các nước ở vùng Viễn Đông và những nơi khác trên thế giới. Ngài nói: “Hàng triệu người sẽ đón Tết Nguyên đán vào thứ Sáu, ngày 12 tháng Hai tới đây. Tôi xin gửi đến tất cả anh chị em và gia đình lời chúc chân thành và lời cầu chúc năm mới sẽ mang lại những hoa trái của tình huynh đệ và liên đới.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhủ: “Vào thời điểm đặc biệt này, khi chúng ta đang rất lo lắng về việc đối mặt với những thách thức của đại dịch gây ảnh hưởng đến con người về thể chất và tinh thần, nhưng cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, tôi hy vọng rằng mọi người đều có thể được tràn đầy sức khỏe và sự bình an trong cuộc sống.”

Đừng quên người nghèo và người yếu đuối nhất

Cuối cùng, trong khi mời gọi cầu nguyện cho ơn hòa bình và mọi điều tốt đẹp khác, Đức Thánh Cha muốn nhắc nhở mọi người rằng những điều này đạt được nhờ lòng tốt, sự tôn trọng, tầm nhìn xa và lòng dũng cảm. Ngài mời gọi: “Đừng bao giờ quên ưu tiên chăm sóc những người nghèo nhất và yếu đuối nhất.”

Cầu nguyện cho nạn nhân của thảm họa lở sông băng ở miền Bắc Ấn Độ

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân trong thảm họa lở sông băng ở miền Bắc Ấn Độ, gây ra lũ lụt dữ dội tàn phá các địa điểm xây dựng của hai nhà máy điện. Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu nguyện cho những công nhân đã chết, cho gia đình của họ và tất cả những người bị thiệt hại và bị thương.”