label

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

CÁO PHÓ BÀ TƯ THỪA KHU 5

 CÁO PHÓ 




                        Một người con của giáo xứ

Bà MARIA NGUYỄN THỊ NA, sinh năm 1934
Hiện ngụ tại khu 5, giáo xứ Cần Xây
Đã được Chúa gọi về lúc 23 giờ ngày 29/08/2023
HƯỞNG THỌ 89 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 19 giờ ngày 30-08-2023
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 9 giờ ngày 01-09-2023, sau đó an táng tại đất thánh giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà MARIA sớm hưởng thánh nhan Chúa

Đức Thánh Cha: Giáo lý không phải là một tảng đá không thể thay đổi

 

Đức Thánh Cha: Giáo lý không phải là một tảng đá không thể thay đổi







Đức Thánh Cha nhấn mạnh bản chất năng động của giáo lý Giáo hội, theo đó giáo lý không phải là một tảng đá không thay đổi được.

 

Trước hết về tính toàn diện, Đức Thánh Cha nhắc lại những gì ngài luôn nhấn mạnh trong suốt thời gian diễn ra Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon: “Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người”. Ngài khẳng định tầm quan trọng của việc tạo ra không gian cho mọi người, bất kể xu hướng tính dục, và phê bình việc tập trung quá mức vào các hành vi vi phạm tính dục, nhưng lại bỏ qua các tội khác. Cần phải có một cách tiếp cận nhạy cảm và giàu tưởng tượng về mặt mục vụ để đồng hành với những cá nhân trong hành trình thiêng liêng.

 

Cuộc trò chuyện tiếp tục liên quan đến những căng thẳng đang có trong Giáo hội, bao gồm thái độ phản đối giáo lý của Công đồng Vatican II. Ngài nhấn mạnh bản chất năng động của giáo lý Giáo hội, theo đó giáo lý không phải là một tảng đá không thay đổi được, nhưng là một thực thể đang phát triển. Ngài đưa ra những ví dụ lịch sử mà giáo lý đã thay đổi như về án tử hình, vũ khí hạt nhân và chế độ nô lệ.

 

Tiếp đến, Đức Thánh Cha bày tỏ sự lo ngại về sự xâm chiếm quá mức tinh thần thế tục vào đời sống tôn giáo. Ngài cảnh báo không được thoả hiệp với các giá trị cốt lõi với sự quyến rũ của các hệ tư tưởng thế tục. Ngài đi xa hơn nữa khi đề cập đến những thách đố đặt ra bởi một xã hội tràn đầy đặc tính “khiêu dâm” và tác động của các vấn đề như nội dung khiêu dâm trong thời kỹ thuật số.

 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ sự mong đợi của ngài đối với Thượng hội đồng sắp tới, một cuộc gặp gỡ của các vị lãnh đạo Giáo hội để thảo luận về những vấn đề quan trọng. Đức Thánh Cha nói Thượng hội đồng không phải là phát minh riêng của ngài, nhưng đúng hơn Thượng hội đồng nhằm khôi phục tính hiệp hành trong Giáo hội, một khái niệm đã được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI ủng hộ. Như thế, chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn các cuộc thảo luận, và Thượng hội đồng không thiên về chính trị hay tập trung vào phiếu bầu.

 

Nguồn: Vatican News

Diễn văn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Cuộc họp Thường niên lần thứ XIV của Mạng lưới các nhà Lập pháp Công giáo quốc tế

 

Diễn văn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Cuộc họp Thường niên lần thứ XIV của Mạng lưới các nhà Lập pháp Công giáo quốc tế

  •  
  •  


WHĐ (28.08.2023) – Sáng hôm 26.08, tại Điện Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Cuộc họp Thường niên lần thứ XIV của Mạng lưới các nhà Lập pháp Công giáo quốc tế (International Catholic Legislators’ Network - ICLN), với chủ đề: “Cuộc đấu tranh giữa các quyền lực lớn, chiếm hữu doanh nghiệp và kỹ trị: Câu trả lời mang tính Kitô đối với các xu hướng phi nhân tính”.


ICLN là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2010 nhằm giáo dục, trao quyền và kết nối một thế hệ lãnh đạo Kitô mới đang phục vụ tại các cơ quan công quyền, bất kể đảng phái chính trị, bằng việc cung cấp cho họ sự đào tạo về phương diện tâm linh và giáo lý cũng như những cơ hội kết nối toàn cầu.

ICLN cũng tham gia vào việc giúp xây dựng cầu nối giữa các nhà lãnh đạo chính trị, các quốc gia, các tổ chức phi lợi nhuận, và các Giáo hội trong một thế giới đang chìm trong khủng hoảng.

Dưới đây là nội dung diễn văn chào mừng của Đức Thánh Cha:



DIỄN VĂN CHÀO MỪNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ XIV
CỦA MẠNG LƯỚI CÁC NHÀ LẬP PHÁP CÔNG GIÁO QUỐC TẾ

Thứ Bảy, ngày 26. 08. 2023

Kính thưa Đức Hồng y,
Thưa quý vị,
Xin chào mừng Anh chị em thân mến trong Đức Kitô!

Tôi hân hoan chào đón anh chị em nhân Cuộc họp Thường niên lần thứ XIV tại Frascati. Tôi cảm ơn anh chị em đã ghé thămvà bày tỏ lòng biết ơn vì những lời sâu sắc ngài Chủ tịch dành cho tôi.

Chủ đề mà anh chị em chọn cho cuộc họp năm nay, “Cuộc đấu tranh giữa các quyền lực lớn, chiếm hữu doanh nghiệp và kỹ trị: Câu trả lời mang tính Kitô đối với các xu hướng phi nhân tính, đề cập đến những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, hiện nay “mô hình kỹ trị thống trị” (dominant technocratic paradigm) đặt ra những vấn nạn sâu sắc về “vị trí con người và hoạt động của họ trong thế giới” (Thông điệp Laudato Si’, 101).


Chắc chắn một trong những khía cạnh đáng quan ngại nhất của mô hình này, với tác động tiêu cực của nó đối với con người cũng như đối với hệ sinh thái tự nhiên, chính là sự quyến rũ tinh vi của nó đối với tinh thần con người, nó ru ngủ con người – và nhất là giới trẻ - lạm dụng quyền tự do của mình. Chúng ta thấy điều này khi cả nam lẫn nữ đều được khuyến khích thực hiện quyền kiểm soát, thay vì quản lý có trách nhiệm những “đối tượng” vật chất hoặc kinh tế, các tài nguyên thiên nhiên của ngôi nhà chung của chúng ta, hoặc ngay cả của nhau. Sự đối tượng hoá như thế, cuối cùng tác động tiêu cực đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, có thể diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua những lựa chọn hằng ngày tuy có vẻ trung lập nhưng “trong thực tế lại là những quyết định liên quan đến loại hình xã hội mà chúng ta muốn xây dựng” (Thông điệp Laudato Si', 107).


Khi anh chị em tìm cách trả lời cho vấn nạn này và nhiều thách thức liên quan đến nó, bằng việc cổ võ giáo huấn xã hội Công giáo – đặc biệt là tính trung tâm của giá trị và phẩm giá mà chính Thiên Chúa ban tặng cho mỗi con người – tôi muốn thừa nhận rằng chính cơ cấu tổ chức của anh chị em có thể đưa ra một hệ quy chiếu hữu ích, vì anh chị em là một mạng lưới quốc tế và anh chị em mô tả mục tiêu của mình là tìm cách “kết nối trong tình thân hữu một thế hệ mới các nhà lãnh đạo Kitô can đảm”.


Mục tiêu của mạng lưới nào cũng là để “kết nối” mọi người, giúp họ nhận thức được rằng họ thuộc về một điều gì đó lớn hơn chính họ. Thật vậy, đây là mục tiêu mà nhiều nền tảng truyền thông xã hội đã tuyên bố và chắc chắn có nhiều điều tốt đẹp được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải cảnh giác, vì thật đáng buồn, là trong số những kênh truyền thông nàycó nhiều xu hướng “phi nhân tính” do kỹ trị gây ra, chẳng hạn như việc cố tình phổ biến thông tin sai lệch về con người – tin giả, kích động thái độ thù hận và chia rẽ – tuyên truyền “đảng phái” và giảm lược các mối tương quan giữa con người với nhau thành những thuật toán đơn thuần, chưa kể đến việc nuôi dưỡng những cảm thức sai lầm về sự thuộc về, nhất là ở giới trẻ, điều này có thể dẫn đến sự cô lập và cô đơn. Việc lạm dụng các cuộc gặp gỡ ảo một cách méo mó này chỉ có thể được khắc phục bằng một nền văn hóa gặp gỡ đích thực, vốn bao hàm lời kêu gọi tôn trọng và lắng nghe nhau cách triệt để, ngay cả đối với những người có quan điểm rất khác biệt với chúng ta. Ngay ở điểm này, mạng lưới của anh chị em cũng có thể đưa ra một ví dụ, bởi chưng anh chị em đang cố gắng thu hút mọi người từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ nhau một cách chân thành.

Tuy nhiên, việc kết nối mạng không chỉ có nghĩa là kết nối mọi người lại với nhau; mà còn có nghĩa là cho phép họ hợp tác để đạt được mục tiêu chung. Chúng ta có thể nghĩ đến các môn đệ đầu tiên, được Chúa Giêsu mời gọi cùng nhau thả lưới để đánh được một mẻ cá lớn (x. Lc 5, 1-11); và chúng ta có thể mô tả mạng lưới như là những công cụ được sử dụng theo cách thế chung để hiện thực hóa mục tiêu chung.


Hai khía cạnh thiết yếu này – kết nối mọi người và mục tiêu chung – mô tả đặc điểm công việc của anh chị em đồng thời phản ánh chính đời sống của Giáo hội, Dân Chúa được mời gọi sống cả sự hiệp thông lẫn sứ mạng. Chính hai yếu tố này, một “hướng tâm” và một “ly tâm” của đời sống Kitô hữu, được sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, hiệp nhất mọi người với nhau trong tình hiệp thông huynh đệ đồng thời hướng họ ra bên ngoài, trong sứ mạng chung là vui mừng loan báo Tin Mừng. Như vậy, một mạng lưới Kitô đích thực tự nó đã là câu trả lời cho “các xu hướng phi nhân tính”, bởi vì mạng lưới này không chỉ hướng tới những sự thật mang tính giải thoát cuộc sống con người, mà còn tìm cách biến những sự thật này thành những khuôn mẫu cho bối cảnh hoạt động của con người. Do đó, bằng việc duy trì một mạng lưới Công giáo quốc tế đích thực, anh chị em sẽ thể hiện một cách đáng tin về một giải pháp thay thế cho chế độ chuyên chế kỹ trị, vốn lôi kéo anh chị em của chúng ta chỉ biết chiếm đoạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên lẫn bản chất của con người, đồng thời làm suy giảm khả năng đưa ra quyết định và sống cuộc sống tự do đích thực của họ (x. Thông điệp Laudato Si', 108).


Tôi nguyện xin Chúa Thánh Thần truyền cảm hứng và hướng dẫn những nỗ lực của anh chị em trong việc hình thành một thế hệ lãnh đạo mới, những nhà lãnh đạo Công giáo được đào tạo bài bản và trung thành, tận tâm cổ võ giáo huấn xã hội và đạo đức của Giáo hội trong lãnh vực công cộng. Được như thế, chắc chắn anh chị em sẽ góp phần vào việc xây dựng vương quốc của Thiên Chúa.

Xin Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc gìn giữ anh chị em, và xin Thiên Chúa Toàn năng chúc lành cho những nỗ lực của anh chị em và làm cho những nỗ lực ấy sinh hoa kết trái. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (26.08.2023)

Thư gửi học sinh, sinh viên Công giáo nhân dịp năm học mới 2023 – 2024

 

Thư gửi học sinh, sinh viên Công giáo nhân dịp năm học mới 2023 – 2024

  •  
  •  

THƯ GỬI HỌC SINH, SINH VIÊN CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP NĂM HỌC MỚI 2023 – 2024

Các con học sinh, sinh viên rất thân mến,

Được đi học là một ân huệ, một may mắn và niềm vui. Vào thời điểm khởi đầu năm học mới năm nay, cha muốn gửi tới các con những tâm tình, hy vọng khơi lên trong chúng con động lực để bước vào năm học mới. Các con hãy sống thật với mình và bước đi trên con đường Chúa dành cho các con, khi sống có trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

– BIẾT mình – SỐNG THẬT với chính mình

Ngày nay, con người biết đủ thứ nhưng lại rất ít biết mình, ra sức học cao hiểu rộng nhưng học để nhận biết bản thân thì chẳng mấy ai ý thức. Nhân loại chạy đua trong công cuộc khám phá vũ trụ, nhưng lại ít để tâm chinh phục chính mình. Guồng quay đó dẫn đến thực trạng nhiều bạn trẻ sống trong sự mập mờ về nhận thức bản thân, lạc vào mê cung những mơ mộng đan dệt, ảo tưởng, loay hoay tìm cách thể hiện, mong cầu sự công nhận tán thưởng từ người khác mà quên đi giá trị đích thực.

“Con tìm gì thế?” (Ga 1,38). Chúa Giê-su đã, đang và vẫn còn ngoảnh lại hỏi đích danh từng người chúng ta. Nghe chừng đơn giản nhưng là bước tiên quyết cho hành trình tìm kiếm ý nghĩa đời mình. “Tôi là ai? Tôi khao khát điều gì? Mục đích của đời tôi là gì?” – Biết mình là khởi đầu của mọi khôn ngoan và là điều kiện tiên quyết của mọi thay đổi nội tâm. Nhận thức được cái tôi hiện tại và cái tôi lý tưởng được mời gọi trở thành, con người mới lớn lên trong ý thức làm chủ bản thân, và lớn lên trong tự do để chịu trách nhiệm về bản thân.

Trên hành trình đi tìm câu trả lời, cha mời gọi các con nhìn nhận những trăn trở nơi trái tim mình. Hãy thật lòng lắng nghe tiếng nói của con tim, ý thức về hiện tại – quá khứ – tương lai để nhận ra khát khao như con bướm muốn phá vỡ chiếc kén, để thoát ra khỏi sự tù túng của tự lừa dối bản thân, để sống thật với chính mình.

Các con thân mến, Chúa Giê-su không bao giờ lên án chúng ta, nhưng Ngài khích lệ và nâng đỡ chúng ta. Ngài tin tưởng các con ngay cả khi các con không còn tin vào chính mình. Hãy can đảm biết mình, để có thể thỏa sức dấn thân và tự do bước theo lối riêng để thực thi sứ mạng mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho từng người.

– BƯỚC ĐI trên con Chúa đường dành cho mình

Hành trình sống chỉ bắt đầu khi các con hiểu biết chính mình, đồng thời có khả năng phân định để sống đúng với phẩm chất, cá tính, để tự do chọn lựa và bước đi trên con đường của riêng mình.

Ra khỏi vùng an toàn, lược bỏ những thói quen xấu và vượt lên chính mình, nhờ đó có thể tiến xa hơn. Hãy mạnh dạn suy tư, trau dồi tri thức để sẵn sàng phục vụ khi Chúa muốn.

Tập không chủ quan và không thỏa mãn về bản thân ở mức độ phù hợp. Đó là động lực kéo các con ra khỏi vũng bùn của tự cao. Luôn trăn trở thao thức vươn lên sẽ làm cho cuộc sống bớt đơn điệu, đồng thời tạo niềm vui trong cuộc sống hiện tại.

Hướng thượng và không từ bỏ khát vọngHãy khát khao không ngừng nghỉ. Một khi hài lòng tìm đến sự an nhàn, thôi không mong chờ những điều cao cả, khi ấy các con đang rơi vào tình trạng hôn mê. Các con đừng sợ để sống cho những gì cao quí hơn.

– TRÁCH NHIỆM tiếp thu tri thức

Tuổi trẻ là thời gian bừng sáng của tri thức. Tri thức chỉ triển nở khi được đón nhận như một trách nhiệm. Như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, các con hãy tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng mạo hiểm, học vị không chỉ là bằng cấp để theo đuổi hạnh phúc cá nhân, nhưng còn là nhiệm vụ cống hiến cho một xã hội công bằng và tiến bộ hơn. Các con hãy học tập để khám phá ra Thiên Chúa chính là cuội nguồn của mọi tri thức nhân loại.

Tại Việt Nam, vẫn còn nhiều thanh thiếu niên ở tuổi các con mà không có may mắn được đến trường. Vì thế, các con phải biết trân trọng và có trách nhiệm với việc học của mình. Học không phải chỉ vì bố mẹ bắt ép hay vì tấm bằng đảm bảo cho công việc sau này, mà học là trách nhiệm từng người chúng con với bản thân, với gia đình và xã hội. Ý thức như thế, tinh thần Tin Mừng cứu độ sẽ được chứng thực và loan truyền qua chính đời sống thật của các con.

Cha mong ước và cầu chúc các con tìm ra con đường mà Thiên Chúa dành cho mình. Ước mong mỗi hành động, lời nói của các học sinh, sinh viên đều mang âm hưởng hy vọng. Dù trong bối cảnh nào, các con cũng đừng bất mãn, nhưng dấn thân học hỏi. Xin Chúa Thánh Thần thôi thúc trí khôn, thắp sắng ngọn lửa tình yêu nơi tâm hồn các con.

Để kết thúc, cha mượn lời của vị cha chung – Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các con: “Các con hãy ôn lại quá khứ để học bài học lịch sử, và chữa lành những vết thương cũ đôi khi còn tái phát. Hướng tới tương lai để nuôi dưỡng lòng hăng hái, để làm cho những giấc mơ nảy mầm, khơi lên những viễn tượng và làm cho niềm hy vọng nở hoa. Bằng cách đó, chúng ta được hiệp nhất, có thể học hỏi lẫn nhau, sưởi ấm con tim, khơi động tâm trí với ánh sáng của Phúc âm, và thêm sức mạnh mới cho đôi tay của mình” (Christus Vivit 199).

Một lần nữa, cha cầu chúc các con bước vào năm học mới với niềm vui và tâm tình tạ ơn Chúa vì ân huệ được đi học. Xin Ngài chúc lành cho các con, hôm nay và mãi mãi.

Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2023

+ Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (26.08.2023)

Cái nhìn tổng quát về Giáo hội Mông Cổ trước chuyến viếng thăm của ĐTC

 

Cái nhìn tổng quát về Giáo hội Mông Cổ trước chuyến viếng thăm của ĐTC



Từ ngày 31/8 đến ngày 4/9/2023, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Mông Cổ, một Giáo hội nhỏ bé với chỉ hơn kém 1.500 tín hữu. Tuy thế, Giáo hội Mông Cổ là một Giáo hội sống động, với con số tín hữu tăng đều và với các hoạt động bác ái và đối thoại liên tôn.

Vatican News

Lịch sử Giáo hội Mông Cổ

Kitô giáo lần đầu tiên được loan báo đến Mông Cổ thông qua các Kitô hữu thuộc phái Nestorio của truyền thống Syriac cổ vào khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10. Tuy nhiên, trong suốt những thế kỷ tiếp theo, Kitô giáo không hiện diện liên tục tại nước này.

Công giáo được truyền bá đến Mông Cổ vào thế kỷ 13, dưới thời Đế quốc Mông Cổ. Nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên được phép vào Mông Cổ là linh mục dòng Đa Minh người Pháp Barthélémy de Crèmone, người đã đến Karakorum vào năm 1253 trong một phái đoàn ngoại giao thay mặt cho Vua Pháp.

Kitô giáo biến mất sau khi sự thống trị của người Mông Cổ ở Viễn Đông chấm dứt, và xuất hiện trở lại khi hoạt động truyền giáo bắt đầu ở Trung Quốc vào giữa thế kỷ 19.

Sau khi Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ thân Liên Xô được thành lập, mọi sự hiện diện của Kitô giáo đều bị loại bỏ hoàn toàn. Sau khi chế độ Cộng sản kết thúc và sau quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Mông Cổ vào đầu những năm 1990, quyền tự do tôn giáo đã được thiết lập, và các nhà truyền giáo Công giáo được phép trở lại.

Năm 1992, Cộng hòa Mông Cổ mới được thành lập, ra đời từ cuộc Cách mạng Dân chủ năm 1990, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, và điểm Truyền giáo “sui iuris” của Ulaanbaatar được thành lập và được giao phó cho Dòng Truyền giáo Trái Tim Vẹn sạch Đức Mẹ, được gọi là các nhà truyền giáo Scheut.

Giáo hội bé nhỏ nhưng sống động

Khi 3 nhà truyền giáo đầu tiên của cộng đoàn Scheut đến Mông Cổ vào năm 1992, ở đây chưa có một Kitô hữu nào cư trú, và việc thành lập Giáo hội phải bắt đầu từ con số không, giữa những khó khăn về văn hóa và ngôn ngữ.

Công việc tông đồ của các nhà truyền giáo Scheut, được hỗ trợ bởi Giáo hội Mông Cổ, đã sinh kết quả, với sự gia tăng, tuy ít nhưng đều đặn, số người theo Công giáo tại đất nước Phật giáo chiếm đa số, và số người trẻ Công giáo Mông Cổ trở thành linh mục và tu sĩ.

Từ 14 tín hữu Mông Cổ vào năm 1995, hiện nay Giáo hội nước này đã có khoảng 1.500 tín hữu rải rác tại 8 giáo xứ và một nhà nguyện, được hướng dẫn bởi 1 Giám mục, 25 linh mục, bao gồm 2 linh mục người Mông Cổ, 6 chủng sinh, 30 nữ tu, 5 nam tu, 35 giáo lý viên; họ thuộc 30 quốc tịch khác nhau.

Hoạt động của Giáo hội Mông Cổ 

Giáo hội Mông Cổ điều hành một học viện kỹ thuật, 2 trường tiểu học và hai trường mẫu giáo, một phòng khám y tế cung cấp dịch vụ điều trị và thuốc men cho người nghèo, một trung tâm dành cho người khuyết tật và hai viện tiếp nhận người già bị bỏ rơi và người già nghèo.

Mỗi giáo xứ cũng đã bắt đầu các dự án từ thiện bổ sung cho các dự án của Caritas Mông Cổ, bằng cách mở các bếp cung cấp bữa ăn và cơ sở giặt giũ, đồng thời tổ chức các khóa dạy nghề cho phụ nữ.

Tương quan với chính quyền

Giáo hội Mông Cổ có các tương quan tốt với chính quyền; điều này được thể hiện qua thỏa thuận được ký kết giữa Đại sứ Mông Cổ cạnh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh, để tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa bằng việc mở Văn khố mật của Tòa Thánh cho các nhà nghiên cứu của Mông Cổ.

Tương quan với các tôn giáo khác

Tương quan với các tôn giáo khác, đặc biệt là các lãnh đạo Phật Giáo, cũng là điều nổi bật của Giáo hội Mông Cổ trong đối thoại liên tôn.

Những thách đố

Giáo hội Mông Cổ cũng có những thách đố. Thách đố mục vụ chính của Giáo hội Mông Cổ là giúp đỡ các tín hữu Mông Cổ đào sâu đức tin của họ và làm cho đức tin trở nên phù hợp hơn với cuộc sống hàng ngày của họ.

Thách đố thứ hai là thúc đẩy sự hiệp thông và tình huynh đệ giữa các nhà truyền giáo thuộc các dòng tu khác nhau, và với các cộng đồng Kitô giáo khác trong nước, hầu hết là những người theo đạo Tin Lành.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Giáo hội ở Mông Cổ gặp thách đố trong việc loan báo Tin Mừng cho xã hội Mông Cổ, nơi 40% dân số nói rằng họ là người vô thần.