label

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ VÀ QUÍ ÔNG TRONG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ
VÀ QUÍ ÔNG TRONG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ
Kính dâng lẵng hoa chúc mừng

Trong hai ngày 28 và 29-06 lễ Thánh Phêrô và Thánh PhaoLô tông đồ bổn mạng của cha sở 
PhaoLô Trần Văn Khoa
và của quí ông trong Hội đồng mục vụ cũng như rất nhiều quí ông trong giáo xứ :

Toàn thể giáo dân Cần Xây xin chúc mừng bổn mạng Cha sở và quí ông, nguyện xin Thiên chúa ban nhiều hồng ân và sức khỏe để cha sở và quí ông giúp xứ đạo ngày càng đi lên. Chúng con cầu nguyện thật nhiều cho cha sở, quí ông trong thánh lễ chúa nhật kính trọng thể hai thánh và 29/6 chính lễ. Năm nay do sức khỏe cha sở không được tốt nên thánh lễ âm thầm hơn vì thế mọi người càng chú tâm cầu nguyện cho cha sớm bình phục
                                                            Giáo dân Cần xây

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Thông báo về việc thêm các lời cầu mới vào Kinh cầu Đức Bà

Thông báo về việc thêm các lời cầu mới vào Kinh cầu Đức Bà





Đức Hồng y Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã thông báo về việc thêm các lời cầu mới vào Kinh cầu Đức Bà.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự - HĐGM VN

thong-bao-ve-viec-them-cac-loi-cau-moi-vao-kinh-cau-duc-ba.jpg

THƯ GỬI QUÝ CHỦ TỊCH CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
VỀ VIỆC THÊM CÁC LỜI CẦU MỚI
VÀO KINH CẦU ĐỨC BÀ

Vatican, ngày 20 tháng 6 năm 2020,
 Lễ Trái Tim vô nhiễm Đức Trinh Nữ Maria,

Kính thưa quý Đức cha,

Đang khi bước đi trên những nẻo đường lịch sử như một lữ khách hành hương tiến về Thành đô Giêrusalem thiên quốc để được kết hiệp muôn đời với vị Hiền Phu và Đấng Cứu độ là Đức Kitô, Hội Thánh luôn tin tưởng phó thác vào Đức Maria, người đã vững tin vào Lời Thiên Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta biết, ngay từ thời khai nguyên Hội Thánh, các môn đệ của Chúa Giêsu đã ca tụng Mẹ Maria là người “có phúc hơn mọi người nữ” và vẫn luôn cậy nhờ lời Mẹ chuyển cầu.

Không thể kể hết những tước hiệu và lời khẩn cầu mà lòng sùng mộ của các Kitô hữu đã dành cho Đức Trinh Nữ Maria suốt bao thế kỷ qua, như một đặc ân và bảo đảm để đến với Chúa Kitô. Trong thời buổi hiện tại mang đầy dấu vết của tâm trạng bất ổn và xao động, đoàn Dân Thiên Chúa lại càng sốt sắng cậy trông vào Mẹ với tâm tình tràn đầy mến yêu và tín thác.

Nhận ra về tâm tình này và đón nhận những ước nguyện đã bày tỏ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ước muốn đưa thêm ba lời cầu vào bản kinh vẫn được gọi là “Kinh cầu Đức Bà Loreto”, lời cầu “Đức Mẹ đầy lòng thương xót” được đặt sau lời cầu “Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh”, lời cầu “Đức Mẹ là lẽ cậy trông” đặt sau lời cầu “Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa”, và lời cầu “Đức Bà nâng đỡ di dân” đặt sau lời cầu “Đức Bà bào chữa kẻ có tội”.

Cùng với những lời cầu chúc tốt lành và lòng kính trọng, xin gửi thư này để quý Đức cha biết và áp dụng.

Trong Chúa,

ĐHY Robert Sarah
Bộ trưởng

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức thăm nhà cũ và viếng mộ song thân

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức thăm nhà cũ và viếng mộ song thân

Thứ Bảy 20/06, Đức Biển Đức XVI đã dành khoảng 45 phút để thăm ngôi nhà nơi ngài lưu ngụ trong thời gian làm giáo sư tại đại học từ năm 1969-1977. Sau đó ngài đã đến nghĩa địa Ziegetsdorf để viếng mộ song thân của ngài.


Hồng Thủy - Vatican News
Thăm nhà cũ tại Pentling
Thứ Bảy 20/06, Đức Biển Đức XVI đã thăm những nơi chốn của gia đình mà ngài đã không thăm từ năm 2006, chuyến thăm chính thức nước Đức lần cuối cùng. Trước hết, ngài thăm nhà của ngài ở Pentling, nằm ở ngoại ô của Regensburg, và đã ở lại đây khoảng 45 phút. Đây là nơi ngài lưu ngụ trong những năm là giảng viên Tín lý tại Đại học, từ năm 1969-1977, trước khi được bổ nhiệm làm tổng giám mục giáo phận Munchen và Fresing. Hiện nay ngôi nhà là trụ sở của Học viện Biển Đức XVI; tại đó có lưu giữ di sản thần học của ngài.
Viếng mộ song thân
Sau đó,  ngài đến viếng nghĩa địa Ziegetsdorf, viếng nơi an nghỉ của cha mẹ và chị. Ngài đã cầu nguyện và rảy nước thánh trên phần mộ của những người thân.
Nơi an nghỉ của song thân của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI
Nơi an nghỉ của song thân của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI
Gặp Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Đức
Trong ngày thứ Bảy này Đức Biển Đức đã có một số cuộc gặp gỡ, trong đó có gặp Đức tổng giám mục Nikola Eterovic, Sứ thần Tòa Thánh ở Đức, đến từ thủ đô Berlin, người được ngài bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Thượng Hội đồng giám mục. Đức Sứ thần bày tỏ niềm vui được chào thăm Đức nguyên Giáo hoàng tại Đức, dù là trong tình cảnh khó khăn của gia đình. Ngài cũng nhận xét rằng Đức Biển Đức cảm thấy khỏe khi ở Regensburg.
Đức Sứ thần tại Đức cảm ơn “Đức giám mục, các cộng sự của ngài, các tín hữu Công giáo tại thành phố xinh đẹp này và cả mọi cư dân vì sự tôn trọng và tình bạn của họ, để Đức nguyên Giáo hoàng cảm thấy như ở nhà tại thành phố này và tại Bavaria.”
Hoạt động trong ngày Chúa Nhật 21/06
Trong ngày Chúa Nhật 21/06, ngày cuối cùng tại Bavaria, ban sáng Đức Biển Đức  cử hành Thánh lễ với Đức ông Georg. Ban chiều ngài đã đến viếng nhà thờ chính tòa giáo phận Regensburg và cầu nguyện tại nhà nguyện thánh Wolgangs, bổn mạng của giáo phận. Thực tế là từ ngày 21-27/06, giáo phận Regensburg mừng lễ thánh bổn mạng.
Trở về Roma vào thứ Hai 22/06
Ông Clemens Neck, phát ngôn viên của giáo phận Regensburg, nói với hãng tin Công giáo Đức KNA rằng sáng thứ Hai 22/06, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI sẽ trở về Vatican trên chuyến bay khởi hành từ sân bay Munich, kết thúc cuộc viếng thăm Đức ông bào huynh Georg Ratizinger đang bệnh nặng, bắt đầu từ thứ Năm 18/06.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

BẾ MẠC KHÓA THƯỜNG HUẤN LINH MỤC

BẾ MẠC KHÓA THƯỜNG HUẤN LINH MỤC

Sáng nay, ngày cuối cùng trong khóa Thường huấn Linh mục. Quý cha đã hiệp nhất với Đức Giám mục giáo phận dâng lễ mừng trọng thể Thánh Gioan Baotixita, bổn mạng của Đức cha Cố GB. Bùi Tuần và của rất nhiều cha trong gia đình giáo phận.



Mở đầu Thánh lễ, Cha Tổng Đại diện Luy. G Huỳnh Phước Lâm đã thay mặt quý cha chúc mừng bổn mạng Đức cha Cố Gioan Baotixita. Đáp lời, Đức cha Cố cũng có bài chia sẻ ngắn gọn và xin anh em linh mục và giáo phận cầu nguyện cho ngài trong những ngày này.




Vào buổi chuyên đề, Cha Micae Lê Xuân Tân tiếp tục thuyết trình chủ đề 4 với tên gọi Căn tính Linh mục. Tiếp sau đó, quý cha thảo luận nhóm khoảng 30 phút và các cha đại diện cho 5 nhóm của 9 giáo hạt đã trình bày các ý kiến trong 4 buổi thảo luận vừa qua.



Sau cùng, Đức cha Giuse Trần Văn Toản đã lượng giá và nhận định về khóa Thường huấn và thông báo một số hoạt động mục vụ trong những tháng còn lại của năm 2020.




Cha Tổng Đại diện thay mặt cám ơn quý Đức cha và những người phục vụ

Trước bữa cơm trưa kết thúc 3 ngày thường huấn, anh em linh mục đã Chầu Thánh Thể để tạ ơn Chúa. Nguyện xin Chúa Giêsu tiếp tục đồng hành và trợ lực anh em linh mục chúng con trong đời sống hiến dâng và phục vụ. 

NGÀY THỨ HAI TRONG KHÓA THƯỜNG HUẤN

NGÀY THỨ HAI TRONG KHÓA THƯỜNG HUẤN

Ngày thứ 2 trong khóa thường huấn, quý cha cùng nhau đọc kinh sáng và nguyện gẫm. Sau đó, anh em cùng với Đức cha giáo phận dâng thánh lễ để cầu nguyện cho Đức cha Cố Micae cùng các linh mục phục vụ giáo phận đã qua đời. Đức cha Giuse nhắc nhở anh em linh mục sống Bí tích Thánh Thể và cần nhận ra những thiếu sót và lỗi lầm khi cử hành Bí thánh Thánh Thể mà không có tâm tình sốt sáng, không chuẩn bị tâm hồn.


Bước vào buổi thuyết trình 2&3, Cha Giuse Nguyễn Hữu Tường và Cha Phêrô Nguyễn Văn Kiệt trình bày Kim Chỉ Nam của Bộ Giáo sĩ với phần Linh Đạo Linh Mục. Đây là được coi là phần xương sống của tác vụ linh mục. Qua việc sống Linh đạo Linh mục, các Linh mục sẽ giúp giáo dân nên thánh và cũng giúp chính Linh mục được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Trong khóa thường huấn này, TGM cũng tạo điều kiện để các cha được lấy máu xét nghiệm.











KHAI MẠC KHÓA THƯỜNG HUẤN LINH MỤC NĂM 2020

KHAI MẠC KHÓA THƯỜNG HUẤN LINH MỤC NĂM 2020

Sáng nay ngày 22/06/2020, hơn 200 linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ, giáo họ đã quy tụ về Tòa Giám mục để tham dự 3 ngày Thường huấn định kỳ. Trong khóa thường huấn này, Đức cha và quý cha đọc lại và học hỏi sâu rộng hơn về Kim Chỉ nam của Bộ Giáo sĩ.




Đúng 9g00, các linh mục đã tập trung tại hội trường để khai mạc khóa thường huấn. Sau phút thánh hóa mở đầu,  Đức Giám mục giáo phận Giuse Trần Văn Toản đã dành 30 phút để định hướng cho các linh mục ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thường huấn. Đức cha đã nói lên 6 điểm quan trọng mà linh mục cần được thường huấn để điều chỉnh lại cuộc sống của mình.

1/ Kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân
2/ Nguy cơ coi mình như một công chức của Hội thánh
3/ Thách đố của nền văn hóa thời đại
4/ Sức hấp dẫn của quyền lực và sự giầu có
5/ Thách đố của đời sống độc thân
6/ Đặt lai vấn đề về lòng tận tụy, và sự kiên trì bị mai một đi.

Sau đó, Cha Đại diện Lê Xuân Tân giới thiệu sơ lược về Kim chỉ nam của Bộ Giáo sĩ, tài liệu học hỏi trong 3 ngày thường huấn.


Ban chiều, đề tài 1 có tên Thường Huấn được cha Giuse Bùi Thanh Minh triển khai. Và tiếp đến ,quý cha thảo luận nhóm với các câu hỏi được Cha Thuyết trình gợi ý.



Buổi tối, các linh mục quây quần bên nhau trong giờ Chầu Thánh Thể và xét mình xưng tội.




Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng

2020.06.18 Benedetto XVI con il fratello Georg Ratzinger
Thứ Năm 18/06, chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Ý cất cánh từ phi trường Ciampino ở thủ đô Roma đã đưa Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức trở về Đức để thăm anh trai của ngài là Đức ông Georg Ratzinger, 96 tuổi, đang bệnh nặng.
Hồng Thủy - Vatican News
Đây là chuyến đi đầu tiên ngoài nước Ý của Đức Biển Đức kể từ khi ngài từ nhiệm vào năm 2013.
Trước khi Đức nguyên Giáo hoàng rời đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican, nơi ngài cư trú từ 7 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến chào thăm ngài.
Tháp tùng Đức nguyên Giáo hoàng trên chuyến bay có Đức tổng giám mục Georg Gainswein, Thư ký riêng của ngài; Phó chỉ huy Hiến binh Vatican; bác sĩ và y tá của ngài, và một nữ tu.
Thông cáo của giáo phận Regensburg
Vào khoảng 11:45, Đức Biển Đức đã đến phi trường thành phố Munich và được Đức cha Rudolf Voderholzer của Regensburg chào đón và tháp tùng về Regensburg. Đức Biển Đức sẽ ở lại chủng viện giáo phận trong thời gian này. Giáo phận Regensburg yêu cầu dân chúng tôn trọng cuộc viếng thăm cá nhân này và giữ cho nó có tính cách riêng tư giữa hai anh em. Đó ý muốn của hai anh em cao niên và không muốn có hình ảnh, hay xuất hiện công khai hay có cuộc gặp gỡ nào khác.
Những ai muốn bày tỏ sự tham gia của mình, được mời gọi cầu nguyện trong thinh lặng cho hai anh em.
Thời gian ngài trở lại Roma chưa được xác định.
Tuyên bố của Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức
Đức cha Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, đã bày tỏ ý muốn đồng hành với Đức nguyên Giáo hoàng và anh của ngài. Trong thông cáo về sự kiện này, Đức cha Bätzing nói: “Với niềm vui và sự kính trọng lớn lao, tôi chào đón Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đến Đức. Chúng tôi rất vui vì ngài, một thành viên của Hội đồng giám mục của chúng tôi trong nhiều năm, đã trở về quê hương, mặc dù dịp này là một ngày buồn. Đức nguyên Giáo hoàng muốn gần gũi với anh trai của mình, Đức ông Georg Ratzinger, vì sức khỏe của Đức ông đã yếu nhiều.”
“Từ tận đáy lòng, tôi cầu chúc Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI có thời gian tốt đẹp ở Đức và có sự nghỉ ngơi cần thiết để chăm sóc anh mình một cách riêng tư. Tôi sẽ đồng hành với ngài và cuộc hành trình của anh Georg của ngài bằng lời cầu nguyện.”
Tình thân giữa hai anh em
Đức ông George Ratzinger nguyên là chỉ huy trưởng của ca đoàn nhà thờ chính tòa Regensburger. Đức nguyên Giáo hoàng và anh trai của mình rất gắn bó với nhau. Hai anh em cùng chịu chức linh mục ngày 29/06/1951. Những năm trước đây khi còn khỏe, Đức ông Georg vẫn đến Vatican vào dịp sinh nhật của Đức Biển Đức. Năm 2008, khi thành phố Castel Gandolfo trao quyền công dân danh dự cho bào huynh của ngài, Đức Biển Đức đã nói: “Từ khi sinh ra, anh tôi không chỉ là người đồng hành nhưng còn người hướng dẫn đáng tin. Anh luôn là điểm định hướng và quy chiếu rõ ràng và quyết tâm trong các quyết định của mình.”
Chuyến trở về Đức của Đức nguyên Giáo hoàng bất ngờ và gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng thật ra ngài đã quyết định đi Regensburg một thời gian ngắn để thăm bào huynh, sau khi đã hội ý với Đức Thánh Cha Phanxicô. Lý do là vì tình trạng sức khỏe của Đức ông bào huynh của ngài đã xấu đi rất nhiều trong những ngày qua. (CSR_4722_2020)

THÔNG BÁO THÁNH LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC NĂM 2020

THÔNG BÁO THÁNH LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC NĂM 2020


Đức Giám mục Giáo phận sẽ phong chức linh mục cho 11 thầy phó tế vào lức 09g00' ngày 09/07/2020 tại nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp. Xin ông bà anh chị em tham dự và cầu nguyện cho các tiến chức


Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Lễ Mình Máu Thánh Chúa của ĐTC Phanxicô

Bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa của ĐTC Phanxicô

Lúc 9:45 sáng Chúa Nhật, 14/6 giờ Roma, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ trọng thể kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô với sự hiện diện của khoảng 50 người, trong đền thờ Thánh Phêrô.


Chuyển ngữ: Mai Kha, SJ - CTV Vatican News
Nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh em đi” (Đnl 8,2). Anh em phải nhớ: Lời Chúa hôm nay bắt đầu với lời mời gọi này của ông Mô-sê. Sau đó, ông Mô-sê khẳng định: “Anh em hãy ý tứ đừng quên Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 8, 14). Kinh Thánh được trao tặng cho chúng ta để không quên Thiên Chúa. Như thế, quan trọng biết bao để ghi nhớ khi chúng ta cầu nguyện! Như lời Thánh Vịnh đã nói: “Lạy Chúa, con tưởng nhớ bao việc Ngài làm,
tưởng nhớ những kỳ công thuở trước” (Tv 77,12). Cũng tưởng nhớ những điều kỳ diệu Chúa đã làm trong cuộc đời chúng ta.
Quan trọng là ghi nhớ những điều tốt đẹp đã lãnh nhận, nếu không nhớ, chúng ta trở nên xa lạ với chính mình, chúng ta “quên đi” rằng mình hiện hữu; khi không ghi nhớ, chúng ta bị trốc rễ khỏi lòng đất đang nuôi dưỡng ta và bị cuốn đi như lá khô trong gió. Ngược lại, ghi nhớ là củng cố những tương quan, là cảm nghiệm mình là một phần của lịch sử, là thở cùng nhịp với một dân tộc. Ghi nhớ không phải là một điều riêng tư, mà là con đường kết nối chúng ta với Chúa và với tha nhân. Chính bởi điều này, trong Kinh Thánh, nhớ đến Thiên Chúa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cha kể cho con nghe, như được kể lại trong trình thuật: “Mai ngày khi con anh em hỏi anh em rằng: ‘Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị?’ Anh em sẽ trả lời cho con anh em: ‘Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pha-ra-ô bên Ai-cập, nhưng Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập. Trước mắt chúng ta, Đức Chúa đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ lớn lao và khủng khiếp’” (Đnl 6,20-22).
Nhưng ở đây cũng có một vấn đề: sẽ thế nào nếu sự thông truyền các ghi nhớ ấy bị gián đoạn? Và rồi, làm thế nào để nhớ những gì chỉ được nghe nói lại mà không có kinh nghiệm? Thiên Chúa hẳn đã biết trí nhớ của chúng ta mong manh và khó khăn như thế nào và Ngài đã làm cho chúng ta một điều chưa từng nghe nói, Ngài để lại cho chúng ta một tưởng niệm. Thiên Chúa không chỉ để lại lời nói, bởi sẽ rất dễ quên những gì được nghe. Thiên Chúa không chỉ để lại Kinh Thánh, bởi rất dễ quên nhưng gì chúng ta đọc. Thiên Chúa không chỉ để lại những dấu chỉ, bởi ta có thể quên cả những gì đã nhìn thấy. Nhưng Thiên Chúa để lại cho chúng ta Của Ăn, và rất khó để quên đi một hương vị. Ngài để lại cho ta Bánh, nơi đó Ngài hiện diện, thật và sống động, với tất cả hương vị tình yêu của Ngài. Khi rước Bánh, chúng ta có thể nói: “Đây chính là Chúa, Ngài đã nhớ đến tôi!”. Bởi thế Đức Giê-su đã dặn dò chúng ta: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,24). Anh em hãy làm: Bí tích Thánh Thể không chỉ đơn thuần là tưởng nhớ, nhưng là một hành động: đó là cuộc Vượt Qua của Đức Chúa đang diễn ra vì chúng ta. Trong Thánh lễ, cái chết và phục sinh của Đức Giê-su diễn ra trước mắt chúng ta. Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy: anh em hãy họp nhau và như một cộng đoàn, một dân tộc, một gia đình, anh em cử hành Bí tích Thánh Thể để nhớ đến Thầy. Chúng ta cũng hãy làm như thế, đó là tưởng nhớ đến Chúa và để cho trí nhớ bị tổn thương của chúng ta được chữa lành.
Trước tiên là chữa lành trí nhớ mồ côi của chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thời đại nhiều mồ côi. Cần chữa lành trí nhớ mồ côi. Nhiều người có trí nhớ bị thiếu hụt lòng thương cảm và bị những nỗi thống khổ thiêu đốt, gây ra bởi những người để con tim mình mồ côi, trong khi đáng lẽ ra phải thể hiện đức ái. Như thế, cần phải quay trở lại để thay đổi quá khứ, nhưng không thể. Tuy vậy, Thiên Chúa có thể chữa lành những tổn thương như thế, đặt vào trí nhớ chúng ta một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu của Chúa. Bí tích Thánh Thể ban tặng cho chúng ta tình yêu tín trung của Chúa Cha, để chữa lành tình trạng mồ côi của chúng ta. Ban cho chúng ta tình yêu của Chúa Giê-su, đã biến đổi ngôi mộ từ tình trạng cùng đường sang điểm khởi phát và đồng thời biến đổi đời sống chúng ta. Ban cho chúng ta tình yêu của Chúa Thánh Thần, để an ủi và chăm sóc những tổn thương, bởi Ngài không bao giờ để chúng ta đơn côi.
Với Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa cũng chữa lành trí nhớ tiêu cực của chúng ta, trí nhớ tiêu cực nhiều lần đến trong trái tim chúng ta. Chúa chữa lành trí nhớ tiêu cực này, trí nhớ khiến chúng ta luôn quy về lỗi lầm khi mọi sự không như ý và để lại trong tâm trí nỗi thất vọng rằng chúng ta chẳng là gì, chỉ là sai lỗi, rằng chúng ta “lầm lạc”. Chúa Giê-su đến để nói cho chúng ta rằng không phải như thế, Ngài nhắc nhớ ta rằng chúng ta thật sự quý giá vì chúng ta được mời dự bàn tiệc của Chúa, Ngài muốn chúng ta đồng bàn với Ngài. Không chỉ bởi Chúa rộng lượng, nhưng Ngài thực sự yêu mến chúng ta vì đã nhìn thấy chúng ta tốt lành và đẹp đẽ. Thiên Chúa biết rằng sự dữ và tội lỗi không phải là căn tính của chúng ta, nhưng là những căn bệnh và lây nhiễm. Chúa đến để chữa lành ta nhờ Bí tích Thánh Thể, nơi chứa kháng thể cho trí nhớ bị nhiễm bệnh tiêu cực của chúng ta. Với Chúa Giê-su, chúng ta có thể được miễn nhiễm với sự thất vọng. Đôi khi, luôn hiện ra trước mắt chúng ta những vấp ngã, chán nản, và vấn đề, từ gia đình tới công việc, những ước mơ chưa thành. Nhưng sức nặng ấy không làm chúng ta quỵ ngã bởi, từ tận sâu thẳm, luôn có Chúa Giê-su bổ sức cho chúng ta bằng tình yêu của Ngài. Đó chính là sức mạnh của Bí tích Thánh Thể, giúp biến đổi chúng ta thành những người có Chúa, sứ giả niềm vui chứ không phải tiêu cực. Chúng ta có thể tự hỏi khi chúng ta đi dự Thánh Lễ, chúng ta đem lại gì cho thế giới? Chúng ta rước Chúa và rồi lại tiếp tục ca thán, tiếp tục phê phán và tiếp tục than khóc sao? Điều này không giúp ích gì cả, nhưng niềm vui của Chúa có sức biến đổi cuộc đời.
Sau cùng, Bí tích Thánh Thể chữa lành trí nhớ khép kín của chúng ta. Những tổn thương chúng ta mang lấy nơi nội tâm gây ra vấn đề không chỉ cho mình mà còn cho tha nhân. Chúng khiến chúng ta sợ sệt và nghi ngờ, thoạt đầu làm chúng ta khép kín, dần già trở nên hoài nghi và vô cảm. Chúng khiến ta trở nên xa lạ và kiêu căng trong tương quan với tha nhân, làm cho chúng ta nghĩ rằng như thế là chúng ta đang kiểm soát được mọi thứ. Nhưng thực ra đó là sự giả dối, bởi chỉ có tình yêu mới chữa lành từ tận gốc rễ sự sợ sệt và giải thoát chúng ta khỏi nỗi khép kín cầm tù chúng ta. Đức Giê-su đã làm như thế, Ngài đến với chúng ta bằng sự dịu dàng, nơi sự mỏng dòn của Bánh Thánh Thể, nơi tấm Bánh được bẻ ra để phá vỡ sở thích ích kỷ của chúng ta, và Đức Giê-su đã làm như thế khi trao ban chính Ngài để nói với chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta biết mình, chúng ta mới có thể tự do khỏi những ngăn trở nội tâm, khỏi những bại liệt nơi con tim. Đức Giê-su, hiến mình cho chúng ta dưới dạng của ăn, mời gọi chúng ta không uổng phí cuộc đời vào những thứ vô ích đang tạo ra sự lệ thuộc và trống rỗng nội tâm. Bí tích Thánh Thể dập tắt nơi chúng ta lòng khát khao vật chất và khơi lên trong chúng ta ước muốn phục vụ; nâng chúng ta lên khỏi tâm lý an toàn dễ chịu và gợi nhắc rằng chúng ta không chỉ lo cho mình no ấm mà chúng ta còn là đôi tay của Chúa để phục vụ tha nhân. Lúc này đây, thật cấp bách để chăm lo cho những ai đang đói ăn và đói nhân phẩm, cho những ai đang không có việc làm để duy trì cuộc sống. Và cần hành động cách cụ thể, cụ thể như Tấm Bánh mà Chúa Giê-su ban tặng chúng ta. Chúng ta cần sự cảm thông thực sự, cần sợi dây liên đới đích thực và đúng nghĩa. Đức Giê-su, nơi Bí tích Thánh Thể, Ngài đến gần chúng ta, vậy chúng ta cũng đừng để người thân cận phải đơn côi!
Anh chị em thân mến, chúng ta tiếp tục cử hành việc Tưởng niệm có sức mạnh chữa lành trí nhớ của chúng ta, đó là Thánh Lễ. Đó là kho tàng để chúng ta đặt vào vị trí hàng đầu trong Giáo Hội và trong cuộc sống. Đồng thời, chúng ta tái khám phá lòng sùng kính Thánh Thể, điều tiếp tục thực hiện nơi chúng ta việc cử hành Thánh Lễ. Chính lòng sùng kính này nâng đỡ chúng ta, chữa lành ta chúng từ bên trong, điều chúng ta thực sự rất cần, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Vật lộn với Thiên Chúa là một ẩn dụ của việc cầu nguyện

ĐTC Phanxicô: Vật lộn với Thiên Chúa là một ẩn dụ của việc cầu nguyện

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung được truyền chiếu trực tiếp tại Thư viện Dinh Tông Tòa vào sáng thứ Tư 10/06/2020, khi suy tư về cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã giải thích về cách cầu nguyện của tổ phụ Gia-cóp khi ông “vật lộn” với Thiên Chúa cả đêm và sau đó đã thay đổi: từ con người tinh ranh, tự tin, không biết đến ân sủng và lòng thương xót, ông đã khám phá ra sự mỏng dòn yếu đuối của mình và khám phá mình được bao bọc bởi lòng thương xót của Chúa.


Hồng Thủy - Vatican News
Cầu nguyện không luôn dễ dàng, thường đòi chúng ta chiến đấu với Chúa và nhận ra sự yếu đuối và mỏng dòn của mình trước Chúa và ý muốn của Người. Nhưng chính trong cuộc chiến này và trong thương tích của chúng ta mà chúng ta cảm thấy sức mạnh chữa lành của ân sủng và tăng trưởng trong đức tin. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin ơn luôn mở lòng mình ra với cuộc gặp gỡ với Chúa, với sự hoán cải của tâm hồn và với nhiều phúc lành mà Chúa muốn ban cho chúng ta.
Buổi tiếp kiến tại thư viện Dinh Tông Tòa
 Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Gia-cóp: người biết sử dụng sự tinh ranh để thành công
Sách Sáng thế, thông qua những sự kiện trong cuộc đời của những người sống vào các thời đại xa xôi, kể cho chúng ta những câu chuyện mà trong đó chúng ta có thể thấy phản chiếu cuộc sống của chúng ta. Trong loạt truyện về các tổ phụ, chúng ta cũng thấy chuyện một người đã biến sự tinh ranh thành năng khiếu nổi nhất của mình: đó là ông Gia-cóp. Câu chuyện Kinh Thánh cho chúng ta biết về mối quan hệ khó khăn giữa Gia-cóp với anh trai Esau. Ngay từ khi còn nhỏ, giữa họ đã có sự cạnh tranh và sự cạnh tranh này sẽ không bao giờ được khắc phục. Gia-cóp là em của người anh song sinh nhưng bằng sự lừa dối, ông đã cướp đi phước lành và món quà của cha mình là Isaac dành cho người con trưởng (x. St 25,19-34). Đó chỉ là lần đầu tiên trong một loạt nhiều thủ đoạn mà người thủ đoạn này có khả năng làm. Ngay cả tên gọi “Gia-cóp” có nghĩa là tính cách của người biết hành động không thẳng thắn, nghĩa là gian xảo khi hành động.
Thành công nhờ sự tinh ranh khéo léo
Buộc phải chạy trốn anh trai của mình, trong cuộc đời, ông dường như thành công trong mọi nỗ lực. Ông có kỹ năng kinh doanh: ông trở nên rất giàu có, trở thành chủ sở hữu của một đàn gia súc thật lớn. Với sự kiên trì và kiên nhẫn, ông có thể kết hôn với cô con gái xinh đẹp nhất của Laban, người ông thực sự yêu. Gia-cóp - chúng ta sẽ nói với ngôn ngữ hiện đại - là một người "tự mình xoay sở", anh ta có thể chinh phục mọi thứ anh ta muốn bằng tài khéo và sự tinh ranh. Nhưng ông thiếu mối quan hệ sống động với nguồn cội của mình.
Cuộc vật lộn với Thiên Chúa
Một ngày nọ, ông nghe thấy tiếng gọi của quê nhà, của quê hương xa xưa của mình, nơi người anh Esau có lẽ vẫn sống, người anh trai mà ông luôn có mối quan hệ rất tồi tệ. Gia-cóp lên đường và trải qua một hành trình dài với một đoàn người và thú vật đông đảo, cho đến khi ông đến điểm dừng chân cuối cùng, tại suối Jabbok. Ở đây, sách Sáng Thế cung cấp cho chúng ta một trang đáng nhớ (x. 32,23-33). Sách nói rằng vị tổ phụ, sau khi đã đưa tất cả người dân và gia súc của mình băng qua suối, một mình ở lại trên bờ đất dân ngoại. Và ông nghĩ: điều gì chờ đợi ông vào ngày hôm sau? Anh trai Esau đã bị ông cướp quyền trưởng nam sẽ có thái độ nào? Tâm trí của Gia-cóp là một cơn lốc của những suy nghĩ ... Và, khi trời tối, đột nhiên một người lạ tóm lấy ông và bắt đầu chiến đấu với ông. Sách Giáo lý giải thích: "Truyền thống tu đức của Giáo hội đã thấy trong câu chuyện này biểu tượng của việc cầu nguyện như một cuộc chiến của đức tin và chiến thắng của sự kiên trì" (GLHTCG, 2573).
Cuộc chiến diện đối diện với Chúa 
Ông Gia-cóp đã chiến đấu suốt đêm, không lúc nào buông tay đối thủ. Cuối cùng, ông đã chiến thắng, bị đối thủ của mình tấn công vào dây thần kinh tọa, và kể từ đó ông bị khập khiễng suốt đời. Vị đô vật bí ẩn đó hỏi tên vị tổ phụ và nói với ông: "Ông sẽ không còn được gọi là Gia-cóp, mà là Israel. Ông không còn là người hành động như trước nhưng thẳng thắn. Ông được đổi tên, thay đổi cuộc đời, thay đổi cách sống. Ông sẽ được gọi là Israel bởi vì ông đã chiến đấu với Chúa và với con người và ông đã chiến thắng!" (c. 29). Rồi Gia-cóp  cũng hỏi người kia: "Hãy cho tôi biết tên của ngài." Người đó không tiết lộ cho ông biết tên, nhưng thay vào đó đã chúc lành cho ông và ông Gia-cóp nhận ra rằng ông đã gặp Thiên Chúa "diện đối diện" (x. cc. 30-31).
Sau cuộc vật lộn, ông Gia-cóp được biến đổi
Vật lộn với Chúa là một ẩn dụ của việc cầu nguyện. Những lần khác, Gia-cóp đã cho thấy mình có khả năng đối thoại với Chúa, cảm thấy Chúa hiện diện thân thiện và gần gũi. Nhưng vào đêm đó, qua một cuộc chiến đấu kéo dài và thấy mình gần như không chịu nổi, vị tổ phụ đã thay đổi. Đổi tên, đổi cách sống và đổi nhân cách. Ông được biến đổi. Lần đó ông không còn làm chủ được tình hình – sự tinh ranh của ông không hữu dụng, ông không còn là chiến lược gia và người biết tính toán nữa, Chúa đưa ông trở lại với sự thật về con người phàm nhân, run rẩy và sợ hãi. Lần đầu tiên, Gia-cóp không có gì khác để trình bày với Thiên Chúa hơn là sự yếu đuối và bất lực của mình. Và chính ông Gia-cóp này đã nhận được phước lành từ Thiên Chúa, và với chúc lành này ông khập khiễng đi vào miền đất hứa: dễ bị tổn thương và bị tổn thương, nhưng với một trái tim mới. Có lần kia tôi nghe nói về một ông lão - một người tốt, một Kitô hữu tốt, nhưng là người tội lỗi! – rất tin tưởng vào Thiên Chúa. Và ông nói: “Thiên Chúa sẽ giúp tôi; Chúa không để tôi đơn độc. Tôi sẽ vào Thiên đàng, khập khiễng, nhưng tôi sẽ vào.”  Trước đây, ông tự tin, dựa vào sự khôn lanh sắc sảo của mình; ân sủng không thấm nhập được vào con người ông; ông không cảm nhận lòng thương xót; không biết thế nào là lòng thương xót. Ông nghĩ: “Tôi ở đây. Tôi ra lệnh” không cần lòng thương xót. Nhưng Thiên Chúa đã cứu những gì đã mất. Người giúp ông hiểu rằng ông còn giới hạn, ông là người tội lỗi cần lòng thương xót và Người cứu độ ông.
Cuộc hẹn trong đêm tối cuộc đời với Chúa
Tất cả chúng ta đều có một cuộc hẹn trong đêm với Chúa, trong đêm tối của cuộc đời chúng ta, trong nhiều đêm của cuộc đời chúng ta: những khoảnh khắc đen tối, những khoảnh khắc tội lỗi, những khoảnh khắc mất phương hướng ... Ở đó, luôn luôn có một cuộc hẹn với Chúa. Chúa sẽ làm chúng ta ngạc nhiên vào lúc chúng ta không mong đợi Người, khi chúng ta thấy mình thực sự cô đơn. Cũng trong đêm đó, khi chiến đấu với người lạ, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta chỉ là những người nghèo hèn, nhưng ngay lúc đó, khi cảm thấy mình nghèo hèn, chúng ta sẽ không phải sợ hãi: bởi vì lúc đó, Chúa sẽ đặt cho chúng ta một cái tên mới, chứa đựng ý nghĩa của cả cuộc đời chúng ta, nó sẽ thay đổi trái tim của chúng ta và ban cho chúng ta phước lành dành cho những người để mình được Chúa biến đổi. Đây là một lời mời tốt đẹp hãy để chúng ta được Chúa biến đổi. Chúa biết làm điều đó thế nào, bởi vì Người biết mỗi người trong chúng ta. Mỗi chúng ta đều có thể nói: “Lạy Chúa, Chúa biết con. Lạy Chúa, Chúa biết con. Xin hãy biến đổi con".

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ'

Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ'

  •  
  •  
Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ'
Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
I. Tha Thứ được gì?
Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa không có lợi cho hôn nhân lành mạnh. Truyền thông đang làm giảm giá trị của lòng chung thủy, sự bền vững và sự sinh sản. Chúng ta đang dần quen với sự vui thích tức thời một cách ích kỷ. Nền văn hóa sự chết đang làm xói mòn tính toàn vẹn của gia đình và vấn đề này có tác động đến mọi thế hệ: trẻ em lớn lên trong gia đình không lành mạnh dường như không có khả năng tự tạo dựng một gia đình lành mạnh cho mình. Ngày nay, vì nhiều lí do khác nhau, nhiều người có ý định lựa chọn kết hôn nhưng không đủ trưởng thành, không đủ tự do hay chưa chuẩn bị đủ – về cá nhân, trí tuệ, cảm xúc và đạo đức – để làm điều này.
Một số nhà xã hội học tin rằng 50% những cuộc hôn nhân bắt đầu vào năm 2015 có khả năng sẽ kết thúc bằng việc ly hôn.
Ngoại tình là một trong hai nguyên nhân đứng hàng thứ đầu của li dị (gần 26%) theo thống kê các tòa án nhân dân các cấp (Hà nội mới Online ngày 6.7. 2011).
II. Nên hay không nên tha thứ khi chồng ngoại tình?
Chồng ngoại tình. Trước một cú sốc lớn như vậy - vừa đau khổ vừa thất vọng vì bị lừa dối - bạn lại băn khoăn vấn đề “Nên hay không nên tha thứ khi chồng ngoại tình?”
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, hầu hết những cặp vợ chồng biết tha thứ cho nhau thì gia đình của họ luôn hạnh phúc và bền vững. Tuy nhiên, tha thứ hay không tha thứ trong hoàn cảnh này thực sự là một quyết định không dễ dàng chút nào.
Trong cú sốc tình cảm này, không ít bạn nghiêng về ý kiến: “Không bao giờ có chuyện tha thứ. Đã phản bội nhau tức là kẻ thù của nhau”. Nhưng cũng không ít bạn cho rằng tha thứ sẽ cảm thấy thanh thản hơn vì “đánh kẻ chạy đi, đâu ai đánh người chạy lại”.
Một giám đốc Công ty thám tử tư uy tín và chuyên nghiệp nọ cho biết: “Là người trong cuộc, khi vấp phải những tổn thương quá lớn về mặt tình cảm, bạn sẽ không đủ tỉnh táo để nhìn nhận mọi việc một cách khách quan. Còn sự phản bội đôi khi lại được xúc tác bởi hoàn cảnh, đôi khi, chính những kẻ phản bội cũng không hiểu được vì sao lại có thể hành động phũ phàng đến thế. Bởi vậy, bạn nên đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu cho rõ sự việc và đưa ra quyết định tha thứ hay không tha thứ cho kẻ ngoại tình một cách khách quan, tránh những ân hận về sau.”
Xem xét vấn đề một cách toàn diện để có cái nhìn khách quan nhất thì đó chỉ là một khoảnh khắc yếu lòng.
Bạn có thể cho nhận định này là ngớ ngẩn, nhưng đó là sự thật. Vì rốt cuộc thì chàng của bạn cũng là con người bình thường mà thôi, cũng có những khuyết điểm, cũng có lúc mạnh mẽ, lúc yếu đuối. Khi bị đặt vào những hoàn cảnh mất tự chủ như khi uống rượu say, rất nhiều đàn ông đánh mất mình, thậm chí còn không biết người phụ nữ họ vừa “chung giường” có phải vợ/ bạn gái hay không. Hãy suy nghĩ thật kỹ, liệu một lần như thế đã đáng để bạn đánh đổi mối quan hệ hay cuộc hôn nhân giữa hai người? Dĩ nhiên, nếu anh ta lặp đi lặp lại việc lừa dối bạn thì lại là chuyện khác.
III. Đàn ông có tha thứ khi vợ mình ngoại tình?
Mới đây, một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 15.000 người đàn ông bị phản bội đã được thực hiện. Kết quả là hơn 70% trong số họ chọn giải pháp tha thứ.
Với câu hỏi: “Tại sao lại tha thứ cho kẻ phản bội?”, 92% cho rằng những bằng chứng về tội ngoại tình thường không đủ thuyết phục, vì rất ít khi bắt được “tại trận”; hoặc không nỡ li hôn vì tình yêu vẫn còn và càng không muốn con mất mẹ. Chỉ có 8% kiên quyết muốn tiến hành thủ tục li hôn mà không chấp nhận bất cứ lí do nào.
Tuy nhiên, 91% đàn ông vẫn cho rằng bị “cắm sừng” là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời họ. Chỉ 9% nghĩ điều xấu nhất trong đời không phải chuyện ngoại tình mà còn có những chuyện đau đớn hơn, như bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn chấn thương nghiêm trọng hoặc một người thân yêu đột ngột qua đời.
Phỏng vấn:
1. Không thể tha thứ, bởi …
a. “Chỉ những người nhu nhược mới bỏ qua chuyện vợ ngoại tình. Mình không thể chấp nhận cái cảnh vợ mình mang người đàn ông khác về làm những chuyện đồi bại trên chính chiếc giường thân thuộc của hai vợ chồng trong khi mình chạy vạy ngoài xã hội vì cái gia đình ấy. Chuyện đó thật khủng khiếp! Đành rằng người chồng có lỗi khi mải mê công việc “bỏ quên” người vợ thì người vợ nên trò chuyện trực tiếp với chồng mình để tìm hướng giải quyết chứ không phải lấy chuyện ‘ăn nem’ ra đánh đổi hạnh phúc rồi cuối cùng lại đổ lỗi cho người chồng. Thật khó chấp nhận! Khi người vợ ngoại tình tức là cô ấy không còn sự tôn trọng, thương yêu chồng của mình nữa. Và như vậy thì không đáng để mình tha thứ.” (Một hướng dẫn viên du lịch).
b. "Nếu là tôi, tôi sẽ không thế tha thứ nếu vợ mình ngoại tình, nhất là người vợ đó lại bỏ tất cả con cái, gia đình chạy theo người tình. Như vậy thì còn níu kéo thêm làm gì nữa. Ly hôn là cách giải quyết tốt nhất.” (Một kỹ sư thiết kế nội thất).
c. “Người phụ nữ ngoại tình là kẻ ích kỷ, không coi trọng hạnh phúc gia đình, không đoan chính. Bạn mà tha thứ thì sẽ còn bị cô ta tiếp tục bị cắm sừng. Mà biết đâu cô ta còn lấy tiền của bạn để nuôi tình nhân. Vì thế, theo tôi, nếu vợ ngoại tình thì người chồng nên dứt bỏ ngay như cắt một u nhọt, thà chịu đau một lần rồi thôi. Tha thứ vì trách nhiệm để rồi hai vợ chồng luôn sống quãng đời còn lại trong giả dối thì đó là bi kịch bởi thật khó để bất kì người đàn ông nào có thể quên đi nỗi đau bị phản bội.” (Một nhân viên văn phòng).
2. Có thể tha thứ nếu …
a. “Không phải tự nhiên mà vợ ngoại tình. Tôi nghĩ rằng trong một gia đình nếu người phụ nữ ngoại tình thì chắc chắn trước đó đã có vấn đề gì đó xảy ra. Bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo giúp bạn có quyết định đúng. Biết đâu nỗi lầm đó từ phía bạn, hoặc vợ bạn có nỗi khổ riêng khi đi ngoại tình mà bạn chưa hiểu, chưa thể cảm thông chia sẻ với cô ấy.” (Một nhân viên kinh doanh).
b. “Nếu đưa ra quyết định ly hôn ngay khi biết vợ ngoại tình, bạn chưa đáng mặt một người đàn ông. Phá bỏ rất dễ, xây dựng và xây đẹp mới khó. Hãy tìm hiểu câu chuyện với những chứng cứ thật xác đáng và cần biết nguyên nhân rõ ràng. Điều quan trọng nhất là gia đình êm ấm, con cái thuận hoà. ‘Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại’, nếu có thể tha thứ được thì hãy tha thứ! Đó mới là điều người đàn ông nên hướng tới.” (Một giáo viên).
c. Còn tùy thuộc vào người vợ và nỗi đau của bạn: “Mình thấy khi vợ ngoại tình thì việc đầu tiên bạn cần suy nghĩ xem là mức độ như thế nào. Nếu chỉ mới mức độ ban đầu chưa quá nghiêm trọng, bạn vẫn còn yêu vợ thì có thể nhẹ nhàng tìm cách kéo vợ về. Còn nếu vợ bạn đã “lún sâu” vào chuyện ấy thì bạn nên suy xét tới nhiều yếu tố khác nữa như việc bạn có thể quên đi “vết nhơ” ấy của vợ mình hay không nữa. Mình có hai người bạn, anh bạn thứ nhất của mình chọn cách tha thứ vì trách nhiệm, sau đó người vợ của anh ta thật sự hối hận, thương yêu gia đình hơn nhưng anh ta vẫn không thể quên nỗi đau bị phản bội nên gia đình anh ta không một phút nào bình yên. “Sóng ngầm” đó mới thật sự đáng sợ! Một anh bạn khác của tôi cũng có vợ ngoại tình, dù chỉ mới mức độ “cảm nắng” nhưng anh chồng vội vàng ly hôn mặc cho người vợ cố gắng giải thích, cầu xin tha thứ. Sau khi ly hôn, anh ta mới nhận ra sai lầm rằng chính anh ta là người đã phá nát gia đình chính mình chứ không phải người vợ ngoại tình kia.” (Một kĩ sư xây dựng).
d. “Mình cũng nghĩ tha thứ hay không còn phụ thuộc vào mức độ ngoại tình của người vợ. Khi người vợ thật sự ăn năn, mọi chuyện không bao giờ tái diễn nữa, bạn thật sự tha thứ được thì nên tha thứ. Tất nhiên, khi bạn đã tha thứ rồi thì bạn hãy để quá khứ ngủ yên, bạn bắt đầu xây dựng lại tình yêu mới với cô ấy” (Một nhân viên kinh doanh).
Các chuyên gia tâm lí đều khuyên những người đàn ông có vợ ngoại tình rằng: Nếu thực lòng bạn không muốn mất người mình yêu vào tay kẻ khác thì không những nên tha thứ mà cần tìm cách sống hòa thuận như khi chưa có chuyện gì xảy ra. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ nguyên nhân của việc vợ ngoại tình để khắc phục. Cho dù quan điểm riêng của bạn thế nào, khi trong thực tế, tỷ lệ ngoại tình ngày càng gia tăng như tên lửa ở cả hai giới, thì bạn không thể đối xử với nó chỉ bằng một cách cứng nhắc là ly hôn.
IV. Tha thứ cho người và cho ta
Trong cuộc sống luôn có những điều mà ta chẳng bao giờ hài lòng, có những lời nói khiến ta bị tổn thương, có những cách đối xử làm mình buồn rười rượi… nhưng bạn đừng nên giữ những điều không vui ấy mãi trong lòng. Biết tha thứ để vui sống là điều đáng để chúng ta quan tâm.
1. Học cách tha thứ
Biết tha thứ cho những người làm ta đau đớn sẽ mang lại một cảm giác yên bình mà ta không thể có được khi ôm lấy mối hận thù. Ngoài ra, tha thứ còn làm ta khoẻ mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Một nghiên cứu tại Đại học Hope ở Michigan, Mỹ, đã cho thấy con người bị căng thẳng về tim mạch đáng kể khi họ hình dung kế hoạch trả thù những người làm đau mình. Nhưng sức ép sẽ giảm đi rất nhiều khi họ mường tượng đến cảnh tha thứ cho những người phạm lỗi. Các nhà khoa học tại Đại học Stanford cũng tìm thấy những ai biết thứ tha có các cơn giận dữ và triệu chứng stress ít hơn rất nhiều so với những người giữ mãi mối hận.
Để vết thương mau lành, hãy làm theo những lời khuyên sau:
2. Đừng đợi nhận được lời xin lỗi
Thông thường chúng ta rất biết cách bảo vệ lẽ phải của mình: “Không lý gì tôi phải tha thứ cho hắn trước trừ phi hắn thừa nhận sai phạm và xin lỗi tôi.”
Nhưng nếu chúng ta chấp nhận tha thứ trước khi nhận được lời xin lỗi thì chúng ta sẽ tránh được tình trạng tâm trí bị đeo đẳng bởi cơn giận dữ trong khoảng thời gian dài. Thường thì chính chúng ta mới là người gánh chịu các thiệt hại do sự tức giận gây ra. Điều này có khác gì bạn tự mình đặt niềm vui, sự thanh thản dễ chịu của bản thân vào tay người khác?
3. Tìm cách thông cảm với sự xúc phạm
Người ta có thể đã hành động vì sự vô tâm, nỗi lo sợ hoặc niềm đau của chính họ. Có một câu nói rằng: Đằng sau bất kỳ hành động thô lỗ nào, thường là một chuyện đau lòng. Hãy tự đặt mình vào vị trí của người lầm lỗi, hoặc viết một bức thư cho chính mình dưới quan điểm của họ.
4. Đừng quên bản thân cũng từng gây ra không ít lỗi lầm
Thường sẽ đau đớn hơn rất nhiều khi chính mình phải suy ngẫm về lỗi lầm của mình. Nhưng cần phải làm thế để tìm lại sự cân bằng. Nhìn vào sự thật này để thấy rằng người khác có thể tha thứ cho mình thì tại sao mình không thể làm điều này nhỉ?
5. Làm mới sự tha thứ
Những cảm giác đau đớn sẽ vẫn tồn tại cho dù bạn đã bỏ qua chuyện cũ. Có những lúc bạn sẽ cần phải làm mới lại sự tha thứ của mình. Nhưng vượt qua sự hận thù sẽ làm bạn thảnh thơi bước tiếp. Nghiên cứu cũng cho thấy những ai tha thứ sẽ cảm thấy nỗi đau không còn nặng nề như trước.
6. Đưa bản thân vào danh sách tha thứ
Cuối cùng, tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho bản thân. Tha thứ cho người và quan trọng là tha thứ cho chính bản thân sẽ giúp chúng ta cân bằng trong cuộc sống. Tha thứ và rút ra những bài học cho mình là cách tạo nên sự thanh thản thông minh.
Trích sách Nhịp Sống Tin Mừng, Số 32Nguồn: WGPSG