label

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Chương trình tuần thánh tại giáo xứ Cần Xây

 CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY



ĐHY Tổng trưởng Bộ Tu sĩ: tu sĩ là chứng tá sự thiện mỹ của Thiên Chúa

ĐHY Tổng trưởng Bộ Tu sĩ: tu sĩ là chứng tá sự thiện mỹ của Thiên Chúa




Trong thư gửi các tu sĩ nam nữ nhân dịp kỷ niệm 25 năm thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II ban hành Tông huấn Đời sống thánh hiến, Đức Hồng y João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ, khuyến khích các tu sĩ làm chứng cho sự cao đẹp của Chúa Ki-tô bằng sự phục vụ vui tươi của mình.
 

thanh-hien.jpg
 

Các tu sĩ tham dự Thánh lễ Ngày Đời sống thánh hiên (Vatican Media)

 

Thiện mỹ là một trong những đặc tính của Thiên Chúa. “Nếu Thiên Chúa là sự thiện mỹ và Chúa Giê-su là Đấng toàn mỹ nhất giữa con cái loài người thì việc được thánh hiến cho Chúa là điều tốt đẹp. Tu sĩ được kêu gọi làm chứng tá cho sự thiện mỹ của Thiên Chúa.” Đức Hồng y Braz de Aviz nhận định: “Trong một thế giới có nguy cơ chìm vào sự tàn bạo đáng lo ngại, via pulchritudinis (con đường của vẻ đẹp) dường như là cách duy nhất để đi đến sự thật hoặc làm cho nó trở nên đáng tin cậy và hấp dẫn.”

 

Trong thư, Đức Hồng y cảm ơn các tu sĩ đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và ngài bày tỏ tình liên đới với họ “trong gian khổ và chịu đựng” không chỉ vì đại dịch mà cả trong những biến cố thường ngày của cộng đồng dân sự và xã hội, và mời gọi họ trở thành các chứng nhân để đánh thức ý nghĩa hy vọng nơi tất cả mọi người.

 

Đời sống thánh hiến quan trọng đối với sứ mạng của Giáo hội

 

Đức Hồng y Braz de Aviz nhắc lại rằng trong Tông huấn Đời sống thánh hiến, được ban hành năm 1996, các nghị phụ của Thượng Hội đồng giám mục lần thứ IX, nhiều lần khẳng định rằng “đời sống thánh hiến nằm ở trung tâm của Giáo Hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo Hội.”

 

Dù tông huấn được ban hành trong thời kỳ vô cùng bất ổn, và thiếu sự dấn thân, tài liệu xác định chắc chắn căn tính của đời sống thánh hiến: là “một biểu tượng của Chúa Kitô biến hình”. Do đó Đức Hồng y kêu gọi các tu sĩ kết hợp chiều kích thần linh và con người trong việc phục vụ hàng ngày, kết hợp giữa “sự thiện mỹ tuyệt vời cần được chiêm ngưỡng và sự nghèo nàn đau khổ cần được phục vụ.”

 

Tương quan

 

Từ đó Đức Hồng y suy tư về đặc tính trung tâm của “mối tương quan” trong đời thánh hiến. Trước hết, đời sống thánh hiến được hình thành trong và nhờ sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi và nó hướng các tu sĩ tìm kiếm “sự thánh thiện của cộng đoàn: không phải của những người cô độc hoàn hảo, nhưng của những tội nhân nghèo, những người hàng ngày chia sẻ và trao cho nhau lòng thương xót và sự hiểu biết.”

 

Có cùng những tình cảm của Chúa Giê-su

 

Tiếp đến Đức Hồng y lưu ý rằng tông huấn Đời sống thánh hiến trình bày một “yếu tố mới” trong việc huấn luyện đào tạo các tu sĩ. Việc đào tạo trong đời sống tu trì nhắm giúp con người “có cùng những tình cảm của chính Chúa Con, Đấng vâng phục, người Tôi tớ đau khổ, con Chiên vô tội.” Ngài nói: “Người Kitô hữu chúng ta tin vào một Thiên Chúa nhạy cảm: Người nghe tiếng kêu rên của kẻ bị áp bức và lắng nghe lời van xin của bà góa; đau khổ với con người và vì con người. Chúng ta muốn tin rằng đời sống thánh hiến, với nhiều đặc sủng, chính là biểu hiện của sự nhạy cảm này. (CSR_2130_2021)

 

Hồng Thủy

(vaticannews.va 26.03.2021)

  

Số tín hữu Công giáo gia tăng: 1 tỷ 345 triệu

Số tín hữu Công giáo gia tăng: 1 tỷ 345 triệu




Ngày 25 tháng 3 Văn phòng Thống kê trung ương của Giáo hội đã công bố Niên giám Tòa Thánh năm 2021 và Niên giám Thống kê năm 2019. Theo Niên giám thống kê năm 2019, từ năm 2018 đến năm 2019, số người được rửa tội chiếm 17,7% dân số thế giới. Trong cùng thời kỳ, số linh mục tăng nhưng số chủng sinh, tu sĩ nam và nữ lại giảm.

 

 

Năm 2019 Giáo hội có 1 tỷ 345 triệu tín hữu, tăng 16 triệu, tương đương với 1,12% so với năm 2018. Mức tăng này gần bằng với mức tăng của dân số thế giới (1,08%) trong năm 2018, nên số tín hữu Công giáo trên thế giới vẫn ổn định ở mức 17,7%.

Số tín hữu tăng tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ vượt mức tăng của dân số ở các châu lục này. Trong khi đó số tín hữu ở châu Âu có giảm nhẹ so với tổng dân số gần như cố định ở châu lục này. Tại châu Đại dương, số tín hữu tăng tương ứng với mức tăng của dân số châu lục.

Số giám mục ổn định

Đến cuối năm 2019, Giáo hội có 5.364 giám mục, giảm 13 vị so với năm 2018. Số giám mục tại châu Âu và châu Mỹ chiếm 68,8% tổng số giám mục thế giới, Á châu chiếm 15,2%, Phi châu chiếm 13,4% và châu Đại dương là 2,6%.

Số linh mục gia tăng

Số linh mục triều và dòng trong hai năm 2018 đến 2019 tăng 271 vị, từ 414.065 lên 414.336. Tỷ lệ phần trăm số linh mục châu Phi và châu Á gia tăng trong năm 2019 so với năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ linh mục châu Âu giảm đáng kể: năm 2018, châu lục này có 170.936 vị, chiếm 41,3%, sang năm 2019, tỷ lệ giảm xuống còn 40,6%.

Số tu sĩ và chủng sinh giảm

Số nam tu sĩ không phải linh mục giảm nhẹ trên toàn thế giới, từ 50.941 trong năm 2018 xuống còn 50.295 trong năm 2019. Tuy nhiên sự suy giảm này chủ yếu ở châu Âu, châu Mỹ và châu Đại dương.

Số nữ tu suy giảm đáng kể, từ 641.661 nữ tu xuống còn 630.000 nữ tu trong năm 2019, tương đương 1,8%. Trong khi đó, số nữ tu tại châu Phi tăng 1,1%, tiếp đến là Đông Nam Á, tăng 0,4%.

Số chủng sinh trong năm 2019 cũng giảm so với năm 2018: từ 115.880 thầy xuống còn 114.058, tương đương 1,6%. Đặc biệt số chủng sinh tại châu Mỹ giảm 2,6% và tại châu Âu giảm 3,8%. Á châu là châu lục có đông chủng sinh nhất, tiếp đến là châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và châu Đại dương. (CSR_2192_2021)

Hồng Thủy - Vatican News

 

ĐTC Phanxicô: Mẹ Maria ở bên cạnh những người qua đời đơn độc trong đại dịch

 

ĐTC Phanxicô: Mẹ Maria ở bên cạnh những người qua đời đơn độc trong đại dịch

Tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, tại buổi tiếp kiến ​​chung ngày 24/3/2021, Đức Thánh Cha suy tư về cầu nguyện trong sự hiệp thông với Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng mà Ngài đã ban cho chúng ta "như là người Mẹ, không phải như nữ thần, không phải là đồng cứu chuộc". Và thái độ của Mẹ là một "giáo lý sống" cho mọi Ki-tô hữu. Đức Thánh Cha khẳng định rằng, là người Mẹ, Mẹ Maria ở bên những người qua đời đơn độc, không có người thân an ủi.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 24/3, trước ngày lễ Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã suy tư về vai trò của Mẹ Maria trong đời sống cầu nguyện.

Trước hết Đức Thánh Cha nhắc rằng mọi kinh nguyện Ki-tô giáo đều theo mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giê-su. Là Chúa Con nhập thể, Chúa Giê-su không chỉ dạy chúng ta cầu nguyện nhưng như Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và con người, Chúa còn không ngừng chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha.

Và Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giê-su, cũng là Mẹ của Giáo hội, Mẹ của chúng ta, chăm sóc cho chúng ta với tình yêu của người mẹ. Mẹ che chở chúng ta dưới áo choàng của Mẹ. Khi chúng ta cầu nguyện, đọc kinh Kính Mừng, Mẹ cầu bầu cho chúng ta, những người tội lỗi và những người đang hấp hối, đưa chúng ta đến gần Chúa Giê-su Con của Mẹ. Như Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá của Chúa Giê-su, kết hiệp với nỗi đau bị bỏ rơi của Người, Mẹ cũng gần gũi yêu thương, như một người Mẹ, bên cạnh những người lạc lối hay không có người cầu nguyện cho họ. Mẹ gần bên những anh chị em qua đời không có người thân bên cạnh.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha lưu ý rằng con đường chính yếu trong việc cầu nguyện của Ki-tô giáo là nhân tính của Chúa Giê-su. Nếu Ngôi Lời không nhập thể và cho chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa khi tham dự vào tương quan Cha Con của Người với Chúa Cha, thì sự tin tưởng trong lời cầu nguyện Ki-tô giáo sẽ là vô nghĩa.

Vai trò trung tâm của Chúa Ki-tô trong việc cầu nguyện của Ki-tô giáo

Tiếp đến Đức Thánh Cha nêu bật vai trò trung tâm của Chúa Ki-tô trong mọi hình thức cầu nguyện của Ki-tô giáo. Chúa là Đấng Trung gian, là cầu nối mà qua đó chúng ta đến với Chúa Cha (xem GLCG 2674). Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất: không có những người đồng cứu độ cùng với Chúa. Người là Đấng Trung gian tuyệt đối. Mỗi kinh nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa nhờ Chúa Ki-tô, với Chúa Ki-tô và trong Chúa Ki-tô và được thực hiện nhờ sự chuyển cầu của Người. Chúa Thánh Thần mở rộng sự trung gian của Chúa Ki-tô qua mọi thời và mọi nơi: không có danh nào khác mà nhờ đó chúng ta có thể được cứu độ (xem Cv 4,12). Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.

Nhờ sự trung gian duy nhất của Chúa Kitô, những danh khác mà các Kitô hữu cầu khẩn khi cầu nguyện và sùng kính được có ý nghĩa và giá trị, trên hết là danh Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giê-su. Mẹ có một vị trí đặc biệt trong đời sống của các Kitô hữu, và do đó, cả trong lời cầu nguyện của họ, bởi vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu.

Odigitria, Đấng chỉ đường đến với Chúa Giê-su

Đức Thánh Cha nhắc lại truyền thống của các Giáo hội Đông phương thường miêu tả Mẹ Maria bằng từ tiếng Hy Lạp Odigitria, “người chỉ đườngđến với Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ. Đức Thánh Cha nói về bức họa cổ Odigitria tại nhà thờ chính tòa Bari ở miền nam nước Ý. Bức họa mô tả Đức Mẹ bế Chúa Giê-su mình trần; sự trần trụi đó cho thấy Chúa Giê-su, một con người, sinh bởi Đức Maria, là Đấng Trung gian. Và Đức Mẹ chỉ cho thấy Đấng Trung gian: Mẹ là Odigitria.

Mẹ Maria: nữ tỳ khiêm hạ của Chúa Giê-su

Tuy Mẹ Maria hiện diện trong khắp các biểu tượng của Ki-tô giáo, đôi khi rất nổi bật, nhưng luôn liên quan đến Con của Mẹ và nối kết với Người. Đức Thánh Cha nhận xét: Đôi tay, đôi mắt, cách ứng xử của Mẹ là một “bài giáo lý” sống động, luôn chỉ ra bản lề, trung tâm: đó là Chúa Giêsu. Đức Maria hoàn toàn hướng về Người (xem GLCG 2674), đến mức chúng ta có thể nói rằng Mẹ giống như một môn đệ của Chúa hơn là một người Mẹ. Trong tiệc cưới Cana Mẹ đã bảo: “hãy làm theo lời Người bảo”. Mẹ luôn luôn chỉ cho thấy Chúa Ki-tô.; Mẹ là môn đệ đầu tiên.

Đây là vai trò mà Mẹ Maria đã hoàn thành trong suốt cuộc đời trần thế của Mẹ và Mẹ luôn luôn giữ vai trò này: là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa, không có gì khác hơn. Tại một thời điểm nào đó trong các sách Phúc âm, Mẹ gần như biến mất; nhưng rồi Mẹ lại xuất hiện vào những thời khắc quan trọng hơn, chẳng hạn như tại Cana, khi Con Mẹ, nhờ sự can thiệp quan tâm của Mẹ, thực hiện “dấu lạ” đầu tiên của Người (x. Ga 2,1-12), và sau đó dưới chân thập giá trên đồi Golgotha.

Dưới sự che chở của Mẹ

Tình mẫu tử của Mẹ Maria được Chúa Giê-su mở rộng cho toàn thể Giáo hội khi Người giao phó Mẹ cho môn đệ yêu quý của Người, ngay trước khi hy sinh trên Thánh giá. Kể từ khi đó, tất cả chúng ta đã được quy tụ dưới áo choàng của Mẹ, như được mô tả trong một số bức bích họa hoặc tranh ảnh thời Trung cổ.

Đức Thánh Cha nhắc đến câu tiền xướng bằng tiếng Latinh - sub tuum praesidium confugimus, sancta Dei Genitrix: Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, và ngài giải thích: Đức Mẹ che chở, như người Mẹ, đấng mà Chúa Giêsu đã phó thác cho chúng ta, tất cả chúng ta; nhưng như một người Mẹ, không phải như nữ thần, không phải như người đồng cứu chuộc. Đức Thánh Cha nhận định rằng lòng đạo đức Kitô giáo luôn dành cho mẹ những danh hiệu đẹp đẽ, như người con đối với người mẹ: người con nói với người mẹ mình yêu quý bao điều tốt đẹp! Nhưng chúng ta hãy cẩn thận: những điều Giáo hội, các thánh nói về Mẹ không loại bỏ Chúa Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất. Ngài là Đấng Cứu Chuộc duy nhất.

Mẹ ở bên chúng ta trong giờ lâm tử

Đức Thánh Cha nói tiếp: Từ tình cảm của người con, chúng ta cầu nguyện với Mẹ bằng một số cách diễn đạt trực tiếp với Mẹ, được trình bày trong các sách Phúc âm: "đầy ơn phúc", "được chúc phúc giữa các phụ nữ" (xem GLCG 2676 tt.). Tước hiệu "Theotokos", "Mẹ Thiên Chúa", được Công đồng Ê-phê-sô nhìn nhận, cũng sớm được thêm vào kinh Kính Mừng. Và, giống như điều xảy ra trong Kinh Lạy Cha, sau lời ngợi khen, chúng ta thêm lời khẩn cầu: chúng ta cầu xin Mẹ cầu nguyện cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, để Mẹ cầu bầu với sự dịu dàng của Mẹ, "bây giờ và trong giờ lâm tử của chúng ta". Giờ đây, trong những tình huống cụ thể của cuộc sống, và trong giây phút cuối cùng, để Mẹ đồng hành với chúng ta - như là người Mẹ, người môn đệ đầu tiên - trong hành trình dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

Mẹ Maria luôn hiện diện bên giường bệnh của những người con rời xa cõi đời này. Nếu ai đó thấy mình đơn độc và bị bỏ rơi, thì Mẹ là người Mẹ, Mẹ đang ở gần, như Mẹ đã ở cạnh Con Mẹ khi mọi người đã bỏ rơi Người.

Trong đại dịch Covid 19, khi nhiều người qua đời đơn độc trong các bệnh viện vì tình trạng cách ly xã hội, Mẹ Maria đã hiện diện, gần gũi với những con người không may kết thúc cuộc hành trình trần thế trong tình trạng bị cô lập, không có sự an ủi gần gũi của những người thân yêu. Mẹ Maria luôn ở đó, bên cạnh chúng ta, với tình mẫu tử dịu dàng của Mẹ.

Mẹ luôn lắng nghe lời cầu xin của chúng ta

Đức Thánh Cha khẳng định: Những lời cầu nguyện với Mẹ không phải là vô ích. Người phụ nữ "xin vâng", người đã sẵn sàng đón nhận lời mời của thiên thần, cũng đáp lại lời khẩn cầu của chúng ta, lắng nghe tiếng nói của chúng ta, ngay cả những tiếng nói vẫn giữ chặt trong lòng, không có sức mạnh để bộc phát ra nhưng Thiên Chúa biết rõ hơn chúng ta. Mẹ lắng nghe chúng như một người Mẹ.

Kết thúc bài giáo lý Đức Thánh Cha nói: Giống như và hơn bất kỳ người mẹ tốt lành nào, Mẹ Maria bảo vệ chúng ta trong nguy hiểm, Mẹ quan tâm đến chúng ta, ngay cả khi chúng ta bị những lo lắng của mình lấn át và lạc hướng trong cuộc hành trình, và chúng ta không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng cả ơn cứu độ của chúng ta. Mẹ Maria ở đó, cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện cho những người không cầu nguyện. Để cầu nguyện với chúng tôi. Tại sao? Vì Mẹ là Mẹ của chúng ta.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban.

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Thăm phòng tiệc ly của Đức Giêsu

 

Thăm phòng tiệc ly của Đức Giêsu




 

Từ cửa Sion đi dọc theo hướng con đường nhỏ độ mươi thước là đến một nơi đặc biệt: mộ vua Đa–vít[1], nhà tiệc ly, Basilica of Sion, Basilica of Dormition (Nhà thờ Đức Mẹ Ngủ), xa xa là nhà thượng tế Cai–pha (hiện nay là nhà thờ Gà Gáy thánh Phêrô – Gallicantu). Vì thế đây cũng là nơi quan trọng cho ngày tĩnh tâm với chủ đề: Đức Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn tại Nhà Tiệc Ly.

 

Vào thời Đức Giêsu, nơi này xa trung tâm của dinh Philatô, nhưng gần nhà thượng tế Cai Pha. Là thành ở trên cao nên không có nguồn nước dồi dào như các nơi dưới thung lũng quanh thành Giêrusalem. Nằm ở địa thế cao nhất xa trung tâm nội thành, trên ngọn núi Sion, người ta xây những căn nhà không chỉ cho khách hành hương mỗi khi về thành thánh, nhưng họ còn thiết kế những căn phòng rộng rãi ở trên lầu. Nơi đây các nhóm có thể ăn uống, hoặc sinh hoạt chung với nhau. Bởi đó khi chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua, chính Đức Giêsu đã chỉ cho các môn đệ đến chỗ này để dọn lễ Vượt Qua cho cả nhóm.

 

Thực vậy, theo truyền thống Kitô giáo, đây là phòng tiệc ly mà Đức Giêsu và các môn đệ ăn bữa Vượt Qua – bữa Tiệc Ly. Tên của căn phòng hiện nay được đặt theo La Tinh: Coenaculum nghĩa là phòng ăn tối, tiếng Anh là Upper Room hay Cenacle. Cũng theo Tin Mừng, trước ngày lễ ngũ tuần vì các môn đệ sợ người Do Thái, nên họ tụ họp tại phòng này, các cửa đều đóng kín. Chúa Giêsu phục sinh đầu tiên hiện ra với các ông tại phòng này, lần thứ hai cũng tại phòng này khi có mặt của Tôma (Ga 20,19–23). Đặc biệt đây cũng là nơi các môn đệ nhận được Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Nhờ đó họ bắt đầu nói được các tiếng khác nhau (Cv 2,1–4).

 

Phòng tiệc ly là một phần của nhà thờ “Holy Zion” hay cũng được gọi là Nhà thờ các tông đồ trên núi Sion, được xây năm 390. Thời thế kỷ 15–16, nơi đây cũng là khu vực dành cho những người nghèo hoặc những ai muốn tham dự thánh lễ theo nghi thức Rôma. Trước giờ ở đây do các cha dòng Phanxicô quản lý. Bởi đó suốt thời Trung Cổ, đoàn hành hương thường cư trú tại đây. Hiện nay, Tòa Thánh tiếp tục giao cho dòng Phanxicô quản lý các địa điểm thánh. Nhà Dòng có nhiều chỗ trọ và hỗ trợ cho đoàn hành hương.

 

Khi ở trong phòng tiệc ly, tôi phấn khởi chiêm ngắm, lắng nghe và nguyện cầu với nhóm môn đệ của Đức Giêsu. Đặc biệt tại căn phòng này, tại bữa tiệc ly trong ngày thứ năm Tuần Thánh, tôi xin Đức Giêsu trao cho nhiều ân sủng thiêng liêng để bắt đầu hành trình với Ngài trong cuộc khổ nạn.

 

1. Những lần tiên báo cuộc khổ nạn

Tôi lật lại Tin Mừng để lắng nghe những lần Thầy tiên báo đến cái chết đang chờ tại Giêrusalem. Tin Mừng nói Thầy tiên báo đến ba lần. Nếu số “3” ám chỉ số nhiều thì chắc hẳn Thầy rất nhiều lần nói đến cuộc khổ nạn tại Giêrusalem. Bởi đó là biến cố quan trọng, vì giờ Thầy phải đau khổ, phải chịu chết là sứ mạng Thiên Chúa Cha trao phó cho Thầy, nên Thầy thường xuyên thổ lộ điều ấy cho các môn đệ của mình. Phần các ông vẫn chẳng thể hiểu Thầy muốn nói gì, vì điều ấy nằm ngoài suy luận, phán đoán của bất kỳ ai.

 

Quả thực, khi Thầy lặp lại nhiều lần về biến cố Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, phải chịu nhiều đau khổ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dạy, Thầy muốn các môn đệ can đảm để bước theo Thầy. Thầy muốn các ông hiểu rằng theo Thầy không chỉ được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, mà còn cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau (Mc 10,30). Các ông chỉ thích hiểu vế đầu, còn phận ngược đãi, bị bách hại là điều các ông làm ngơ không hiểu.

 

Rồi việc gì đến cũng đến. Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu cùng các môn đệ dọn bữa và ăn tiệc ly cùng với nhau. Chỉ Thầy biết rõ đây là bữa ăn sau cùng, bởi giờ của Người đã đến, giờ Người phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha (Ga 16,28). Nên trong bữa tiệc thân tình này, thầy Giêsu cho các môn đệ thấy Cuộc Khổ Nạn đang chờ Thầy ngoài kia: nội trong đêm nay người ta sẽ bắt Mục Tử và đàn chiên sẽ toán loạn.

 

Lúc chiều Thầy dặn các ông đi chuẩn bị cho nhóm ăn Lễ Vượt Qua. Phần chính yếu của Lễ này là ăn thịt con chiên Vượt Qua. (Xh 12,21–28). Thầy sai Phêrô và Gioan đi chuẩn bị. Theo cha Nguyễn Công Đoan SJ[2], thực ra Thầy đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Thầy đã mượn một căn phòng lớn trên lầu và chủ nhà đã trang bị mọi thứ. Thầy còn nhờ người ra đón các môn đệ với mật hiệu là “người đàn ông mang vò nước.” Thế là bữa tiệc hôm nay bí mật, chỉ có Thầy với trò trong căn phòng trên lầu yên ắng.[3] Nơi đó chỉ còn nghe tiếng Thầy nói những lời sau cùng, thỉnh thoảng nghe những lời bàn tán của các môn đệ.

 

2. Bữa Tiệc Vượt Qua

Tiệc tùng bao giờ cũng cho người ta niềm hứng khởi vui mừng. Đó lại là tiệc lễ Vượt Qua của người Do Thái để tưởng nhớ đêm cuối họ ở bên Ai Cập. Họ giết chiên để ăn bữa tối cuối cùng trên đất khách quê người. Sau đêm nay, họ sẽ được giải phóng khỏi cảnh nô lệ áp bức, họ sẽ được trở về vùng đất của cha ông, nơi tràn trề sữa và mật. Kể từ ngày trở về quê hương, năm nào họ cũng mừng lễ Vượt Qua với nhau tại Giêrusalem, nơi đền thờ để sát tế con chiên tạ ơn Giavê đã giải phóng dân tộc. Do đó Lễ Vượt Qua là đại lễ ăn mừng chiến công.

 

Tuy nhiên sao đêm nay ở căn phòng trên lầu này, Thầy lại nói về một biến cố mà Thầy gọi là “giờ của Con Người”: Giờ khổ nạn. Đây là buổi Tiệc Ly vào chiều tối ngày thứ Năm Tuần Thánh. Tôi chiêm ngắm Thầy vào bàn cùng các môn đệ, ngồi xuống hàn huyên tâm sự. Các môn đệ ngạc nhiên khi nghe Thầy nói: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình.” Lời Thầy lại tiên báo về cái chết đang đến gần. Các môn đệ vẫn ngơ ngác, không hiểu.

 

a. Rửa chân, câu chuyện về tinh thần phục vụ

Trong lúc này Gioan kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động của Thầy dành cho các môn đệ: thầy Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Các môn đệ càng ngạc nhiên đến lạ lùng, Phêrô còn ngăn xin Thầy đừng rửa cho ông. Thầy nói nếu Thầy không rửa cho ông, ông sẽ chẳng được chung phần với Thầy. Được chung chia cuộc sống với thầy Giêsu là điều Phêrô hằng mong ước, thế là ông vâng lời để Thầy đổ nước lên chân.

 

Trước khi ra đi chịu khổ hình, Thầy muốn để lại cho các môn đệ một mẫu hình về tinh thần phục vụ. Giêsu là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các ông, thì các ông chẳng lẽ lại không thể rửa chân cho nhau. Một biểu tượng, một gương mẫu dành cho những ai kết thân với Thầy. Bài học ấy vẫn hợp cho mọi thời đại, nhất là thời con người cần đến lòng thương xót của Chúa phải bằng hành động cụ thể từ các môn đệ của thầy Giêsu. Cúi xuống để đụng chạm đến những mảnh đời thấp cổ bé miệng, đau đớn tột cùng, đòi người môn đệ một tình yêu đủ lớn, lớn dành cho Thầy Giêsu, lớn dành cho chính người anh em đồng loại.

 

Căn phòng chỉ còn tiếng róc rách của nước đang rửa sạch những bàn chân rám bụi vì những ngày rong rủi cùng Thầy. Trời càng về khuya, buổi tiệc càng là nơi thầy Giêsu diễn tả về tình yêu, một tình yêu của người sắp ra đi dành cho người ở lại. Nếu hỏi tôi ấn tượng điều gì nhất khi ngồi trong căn phòng Tiệc Ly để nhìn ngắm Thầy và các môn đệ, thì chắc tôi trả lời là tình yêu. Đó cũng là điều cần thiết khi tôi đang còn ở giữa thế gian; đó cũng là điều răn mới Thầy muốn để lại trước khi Thầy được tôn vinh trên Nước của Người.

 

b. Thầy Giêsu lập phép Thánh Thể, bí tích của tình yêu

Thế là bữa tiệc bắt đầu. Ai cũng im lặng, chỉ mình Thầy “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Rồi đến cuối bữa ăn thầy Giêsu cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22,19). Lời Thầy nói đầy thống thiết, như muốn trao cho các ông sự sống của chính thịt máu mình, nhờ đó các ông có sự sống nơi mình. Một sáng kiến của tình yêu mà thầy Giêsu muốn để lại cho Giáo Hội: Bí tích Truyền Chức thánh và bí tích Thánh Thể. Tại nơi đây, Thầy là thượng tế tối cao dâng thánh lễ đầu tiên bằng chính máu thịt của Thầy hiến tế vì các môn đệ. Nhờ bí tích này mà Thầy vẫn hằng hiện diện với nhân loại nơi hình bánh đơn sơ.

 

Tôi hỏi Thầy tại sao thời đại hôm nay nhiều người không thích đến nhà thờ tham dự thánh lễ, không niềm nở với Mình Thánh Chúa? Thầy Giêsu im lặng nhìn về phía các môn đệ, Thầy mời tôi suy nghĩ tiếp. Tôi chợt nhớ đến lời nhận xét của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Nếu người ta ý thức được tầm quan trọng của thánh lễ, của bí tích Thánh Thể, ắt hẳn người ta đã phải xếp hàng dài để chờ vào nhà thờ.” Phải chăng đó là nguyên do? Tôi vò đầu suy nghĩ, rồi cũng tạm gác qua một bên vấn đề ấy để lắng nghe một hung tin mà Thầy sắp nói.

 

c. Giuđa phản bội

Chưa hết ngỡ ngàng với những lời Thầy vừa nói, các môn đệ xốn xang khi nghe Thầy nói có kẻ sẽ nộp Thầy. Ai vậy, kẻ nào dám tra tay làm việc động trời như thế? Lúc này bên ngoài phòng tiệc ly, các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Đức Giêsu (Lc 22,2), thì chính trong nhóm các môn đệ lại có người tiếp tay làm việc đó. Thù trong giặc ngoài, đau lòng! Nhưng biết làm sao được khi Xatan nhập vào Giuđa Ítcariốt và khiến y đến gặp giới lãnh đạo tôn giáo để tìm cách bắt thầy Giêsu. Dĩ nhiên họ rất mừng và đồng ý cho y số tiền. Y đã bán đứng Thầy với giá 30 đồng bạc cho tay quân dữ.[4] 

 

Thử tưởng tượng chung một bàn ăn, thầy Giêsu kín đáo và tế nhị để báo người môn đệ sẽ phản bội Thầy. Ông là người đã cùng Thầy chia cơm sẻ bánh, giờ lại giơ gót đạp Thầy. Công lao Thầy gọi để huấn luyện, kết thân, giờ đây ông bội nghĩa vong ơn, tiếp tay cho giặc. Thế là khi ăn xong miếng bánh Thầy trao, Giuđa Ítcariốt liền ra đi, ông lao vào đêm tối để bắt tay với Xatan phản bội Thầy.

 

d. Di chúc của thầy Giêsu

Ngoài trời bóng tối bao trùm mặt đất, thỉnh thoảng những bầy quạ gọi nhau về tổ, nghe vang cả một vùng trời. Những cơn gió thổi hắt lên từ thung lũng Kítrôn và Silwan khiến căn phòng thêm lạnh lẽo. Nhưng tất cả những lời trăn trối của Thầy khiến ấm lòng người ở lại. Các môn đệ ngồi nghe từng lời Thầy nói, từng điều Thầy căn dặn. Từng lời của Thầy văng vẳng biến cố ngày mai người ta sẽ tra tay giết Thầy. Thầy chỉ còn ở với các môn đệ ít lâu nữa thôi. Các ông không hiểu điều ấy, bởi nơi Thầy đến bây giờ các ông không thể đến được.

 

Trong thời khắc chia ly, Thầy thực sự muốn trao cho các môn đệ một điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34–35). Tôi nghe Thầy lặp lại lời này nhiều lần cho các môn đệ, cho chính tôi và cho cả bạn nữa, vì đó là tinh thần, là di chúc then chốt của Thầy. Nhờ đó mà sau này di chúc ấy giúp các ông đồng tâm nhất trí với nhau, cùng nhau loan báo Tin Mừng thầy Giêsu đã chết và đã phục sinh.

 

Cầu chuyện của Thầy còn dài, Thầy muốn nói hết những điều cần thiết cho các môn đệ và cho những ai đi theo Thầy. Tôi cảm ơn thánh Gioan là người tựa vào lòng Thầy trong bữa tiệc Ly, đã ghi lại tất cả lời Thầy bữa hôm đó.[5] Rồi khi đọc lại, tôi nghe Thầy kể tiếp nào là việc Phêrô sẽ chối Thầy, lời Thầy cáo biệt, Thầy là cây nho thật[6], nào là tương quan của các môn đệ với thế gian, Đấng Bảo Trợ[7] sẽ đến, và quan trọng là Thầy sẽ mau trở lại và sau cùng là lời cầu nguyện đặc biệt của Thầy với Chúa Cha dành cho các môn đệ. (x. Ga chương 14–17) 

 

Trời lúc này đã về đêm khuya, trong thành cũng yên vắng chỉ còn vài ánh đèn chiếu ra từ những căn phòng đang chuẩn bị cho lễ Vượt Qua. Bữa tiệc nào cũng tàn, cũng tới lúc chia ly. Lúc này thầy Giêsu không còn tiên báo hoặc giải thích cho các môn đệ thêm về Cuộc Khổ Nạn nữa, nhưng chính là lúc cuộc thương khó bắt đầu. Rời căn phòng chất chứa nhiều kỷ niệm của đêm Thầy trò hàn huyên tâm sự, tôi được mời gọi để cùng với Thầy và các môn đệ đi sang bên kia suối Kítrôn, cách phòng tiệc chừng độ một cây số. Ai cũng yên lặng bước đi, tiến về chỗ vườn Cây Dầu, nơi Thầy bị bắt.

 

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh

 

Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh




 

BỔ NHIỆM GIÁM QUẢN TÔNG TÒA GIÁO PHẬN HÀ TĨNH

 

WHĐ (19.03.2021) - Hôm nay, ngày 19 tháng 03 năm 2021, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

 

Đức thánh cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P. từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính toà Giáo phận Hà Tĩnh; đồng thời, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục hiệu tòa Catrum và đang là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh “trống tòa và theo ý Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).

 

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

 

 

Tiểu sử Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P.

 

▪ Sinh ngày 02 tháng 02 năm 1945 tại giáo xứ Làng Anh (Nghi Phong, Nghi Lộc) Nghệ An

 

▪ Ngày 15 tháng 08 năm 1964: Vào Tập viện dòng Đa Minh tại Vũng Tàu

 

▪ 1965 – 1972: Học triết học và thần học tại Học viện Đa Minh Vũng Tàu và Thủ Đức

 

▪ 1968 – 1971: Học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp Cử nhân Triết học Đông Phương

 

▪ Thụ phong linh mục ngày 08 tháng 08 năm 1972 tại Sài Gòn

 

▪ 1972 – 1978: Du học tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) và tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học Tây phương

 

▪ 1978 – 1979: Học chính trị kinh doanh tại Đại học Genève, Thụy sĩ

 

▪ 1981 – 1986: Giáo sư tại Phân khoa Thần học Lima, Péru.

 

▪ 1984 – 1991: Giáo sư và Giám đốc Học vụ của Học viện Thần học Gioan XXIII, Lima, Péru

 

▪ 1989 – 1994: Trung tâm nghiên cứu Bartolomé de Las Casas, Lima, Péru

 

▪ Năm 1994: Tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Luân lý tại Phân khoa Thần học Đức Mẹ Lên Trời, São Paulo, Brazil

 

▪ 1996 – 2004: Giáo sư tại Phân khoa Xã hội thuộc Đại Học Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô, Roma

 

▪ 2004 – 2007: Giám Đốc Học vụ của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam

 

▪ Ngày 13 tháng 05 năm 2010, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Vinh. Được truyền chức Giám mục ngày 23 tháng 7 năm 2010, khẩu hiệu Giám mục: “Sự thật và Tình yêu”

 

▪ Ngày 22 tháng 12 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, tách ra từ Giáo phận Vinh và Đức cha Phaolô được bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa tiên khởi của Giáo phận Hà Tĩnh

 

▪ Tại Đại hội lần thứ XI (4-8/10/2010) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Công lý và Hòa bình được thành lập, Đức Cha Phaolô được bầu làm Chủ tịch Ủy ban trong nhiệm kỳ đầu tiên, 2010-2013. Tại các Đại hội lần thứ XII (7-11/10/2013) và XIII (3-7/10/2016), Đức Cha Phaolô tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

-----------

 

Tiểu sử Đức Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn

 

 

▪ Sinh ngày 26 tháng 12 năm 1962 tại Quảng Nam, Đà Nẵng

 

▪ 1969 – 1979: Học các trường Lasan Mossard, Lasan Taberd Saigon, Trần Quốc Tuấn

 

▪ 1979 – 1984: Học Đại học Tổng hợp (Khoa học Tự nhiên) Tp. HCM, tốt nghiệp Cử nhân Toán-Tin học

 

▪ 1993 – 1999: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon

 

▪ Thụ phong Linh mục ngày 30 tháng 06 năm 1999 tại nhà thờ Chánh Toà Đức Bà Sài Gòn

 

▪ 1999 – 2001: Linh mục phụ tá giáo xứ Phú Nhuận, trợ giảng sinh ngữ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

 

▪ 2001 – 2006: Học tại Học viện Gia Đình Gioan-Phaolô II (Đại học Lateranensis), Roma; tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học (S.T.D) chuyên biệt về Hôn nhân và Gia đình

 

▪ 2006: Học về Đào tạo Ơn gọi tại Đại học Gregoriana, Roma

 

▪ 2006 – 2014: Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. HCM

 

▪ 2007 – 2013: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. HCM

 

▪ 2007 – 2017: Trưởng ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. HCM; Thư ký Uỷ Ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

 

▪ 2007 – 2017: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của TGP Saigon - Tp. HCM

 

▪ 2009 – 2014: Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (Giáo tỉnh Saigon)

 

▪ 2014 – 2018: Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

 

▪ Ngày 25 tháng 08 năm 2017 được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh (hiệu toà Catrum). Được truyền chức Giám mục ngày 14 tháng 10 năm 2017, khẩu hiệu Giám mục: “Này con đây”

 

▪ Ngày 19 tháng 03 năm 2021, Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Hà Tĩnh

 

▪ Tại Đại hội lần thứ XIV (30/9/2019 – 04/10/2019) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Luy được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Toàn văn Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi

 

Toàn văn Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi

Ngày 19/3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi năm 2021.

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày thế giới cầu nguyện 

THÁNH GIUSE: ƯỚC MƠ CỦA ƠN GỌI

Anh chị em thân mến!

Năm đặc biệt kính nhớ thánh Giuse đã được bắt đầu vào ngày 8 tháng 12 năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày công bố thánh Giuse là Quan thầy của Giáo hội hoàn vũ, (xem Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao, 8/12/2020). Về phần tôi, tôi đã viết Tông thư Patris Corde, với mục đích giúp “gia tăng tình yêu của chúng ta đối với vị Đại Thánh này”. Thánh Giuse là một nhân vật phi thường, nhưng đồng thời là đấng “rất gần gũi với kinh nghiệm của con người chúng ta”. Ngài đã không làm những điều kỳ diệu, ngài không có những đặc sủng độc đáo, cũng không có vẻ gì đặc biệt trong mắt những người gặp gỡ ngài. Ngài không nổi tiếng cũng không đáng chú ý: các sách Tin Mừng không tường thuật lời nói nào của ngài. Tuy thế, qua cuộc sống bình thường, ngài đã thực hiện những điều phi thường đối với Thiên Chúa.

Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn (xem 1 Sm 16,7), và nơi thánh Giuse, Người nhận ra tấm lòng của một người cha có thể trao ban và tạo nên sự sống giữa những thói quen hàng ngày. Các ơn gọi có cùng mục tiêu này: tạo nên và canh tân sự sống mỗi ngày. Thiên Chúa ao ước uốn nắn tâm hồn của những người cha, người mẹ: tấm lòng rộng mở, có khả năng thực hiện những sáng kiến vĩ đại, quảng đại hiến thân, cảm thông khi an ủi những lo âu và kiên định trong việc củng cố hy vọng. Ngày nay, ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến rất cần những đức tính này, trong những thời điểm được đánh dấu bởi sự mong manh nhưng cũng bởi những đau khổ do đại dịch, đã tạo nên những bấp bênh và sợ hãi về tương lai và chính ý nghĩa của cuộc sống. Thánh Giuse đến gặp chúng ta theo cách dịu dàng của ngài, như một trong những “vị thánh ở nhà bên cạnh”. Đồng thời, chứng tá mạnh mẽ của ngài có thể hướng dẫn chúng ta trên hành trình của mình.

Thánh Giuse gợi cho chúng ta ba từ khóa cho ơn gọi của mỗi cá nhân. Đầu tiên là ước mơ. Mọi người đều mơ ước có cuộc sống trọn vẹn, có ý nghĩa. Đúng là chúng ta nuôi dưỡng những hy vọng lớn lao, những khát vọng cao cả mà những thành công nhất thời - như sự thành công, tiền bạc và giải trí - không thể nào thỏa mãn được. Nếu chúng ta yêu cầu mọi người diễn đạt ước mơ cuộc đời của họ chỉ bằng một từ, sẽ không khó hình dung ra câu trả lời: “được yêu”. Chính tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, bởi vì nó bày tỏ mầu nhiệm của sự sống. Thật vậy, chúng ta chỉ  sự sống nếu chúng ta cho đi; chúng ta chỉ thực sự sở hữu nó khi chúng ta quảng đại trao ban. Thánh Giuse có nhiều điều để nói với chúng ta về vấn đề này, bởi vì, qua những giấc mơ mà Thiên Chúa đã linh hứng cho ngài, ngài đã biến cuộc đời mình thành một món quà.

Các sách Tin Mừng thuật lại với chúng ta bốn giấc mơ (xem Mt 1,20; 2,13.19.22). Đó là những lời kêu gọi của Chúa, nhưng không dễ dàng để chấp nhận chúng. Sau mỗi giấc mơ, thánh Giuse phải thay đổi kế hoạch của mình và chấp nhận rủi ro, hy sinh kế hoạch riêng của mình để làm theo những kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng mà ngài hoàn toàn tín thác. Chúng ta có thể tự hỏi, "Tại sao lại đặt quá nhiều tin tưởng vào một giấc mơ mình thấy vào ban đêm?" Mặc dù một giấc mơ được coi là rất quan trọng trong thời cổ đại, nó vẫn chỉ là một điều nhỏ bé khi đối mặt với thực tế cụ thể của cuộc sống. Tuy nhiên, Thánh Giuse đã để cho mình được hướng dẫn bởi những giấc mơ của mình mà không do dự. Tại sao? Vì lòng ngài hướng về Thiên Chúa; tâm hồn ngài đã hướng chiều về Thiên Chúa. Một dấu hiệu nhỏ cũng đủ để “cái tai nội tâm” chú tâm của ngài nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa. Điều này cũng áp dụng cho tiếng Chúa gọi chúng ta: Thiên Chúa không thích mặc khải mình một cách ngoạn mục, gây áp lực cho sự tự do của chúng ta. Chúa truyền đạt kế hoạch của Người cho chúng ta một cách nhẹ nhàng. Người không làm chúng ta bị choáng ngợp bởi những viễn cảnh chói lọi nhưng lặng lẽ nói vào sâu thẳm trái tim chúng ta, đến gần chúng ta và nói với chúng ta bằng những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Theo cách này, như đã làm với thánh Giuse, Thiên Chúa đặt trước mắt chúng ta những chân trời sâu sắc và bất ngờ.

Thật vậy, những giấc mơ của thánh Giuse đã dẫn ngài đến những trải nghiệm mà ngài không bao giờ tưởng tượng được. Trải nghiệm đầu tiên đã gây bất ổn cho việc hứa hôn của ngài, nhưng làm cho ngài trở thành cha của Đấng Cứu Thế; trải nghiệm thứ hai khiến ngài phải chạy trốn sang Ai Cập, nhưng đã cứu được mạng sống của gia đình mình. Sau  giấc mơ thứ ba báo trước việc ngài trở về quê hương, giấc mơ thứ tư khiến ngài thay đổi kế hoạch một lần nữa, đưa ngài đến Nazareth, nơi Chúa Giê-su sẽ bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa. Giữa tất cả những biến động này, thánh Giuse đã tìm thấy can đảm để làm theo ý Thiên Chúa. Trong ơn gọi cũng thế: Lời kêu gọi của Thiên Chúa luôn thúc giục chúng ta bước bước đầu tiên, hiến thân, tiến về phía trước. Không thể có niềm tin nào không có rủi ro. Chỉ bằng cách tín thác phó thác chính mình vào ân sủng, bỏ qua một bên những chương trình và sự tiện nghi của riêng mình, chúng ta mới có thể thực sự thưa “vâng” với Thiên Chúa. Và mọi tiếng thưa “vâng” đều mang lại kết quả bởi vì nó trở thành một phần của một kế hoạch lớn hơn mà chúng ta chỉ nhìn thấy những chi tiết, nhưng là điều mà Nghệ sĩ Thần linh biết và thực hiện, để biến mọi cuộc đời trở thành một kiệt tác. Theo nghĩa này, thánh Giuse là một ví dụ nổi bật về việc chấp nhận các kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự chấp nhận của ngài là sự chấp nhận chủ động: không bao giờ miễn cưỡng hay cam chịu. Thánh Giuse “chắc chắn không cam chịu một cách thụ động, nhưng chủ động một cách can đảm và vững vàng” (Patris Corde, 4). Xin ngài giúp mọi người, đặc biệt là những người trẻ đang phân định, biến ước mơ của Thiên Chúa dành cho họ thành hiện thực. Xin ngài khơi dậy trong họ lòng can đảm để thưa “vâng” với Thiên Chúa, Đấng luôn làm ngạc nhiên và không bao giờ gây thất vọng.

Từ thứ hai đánh dấu hành trình của thánh Giuse và hành trình của ơn gọi là phục vụ. Các sách Tin Mừng cho thấy thánh Giuse đã sống hoàn toàn vì người khác chứ không bao giờ sống vì chính mình. Dân thánh của Thiên Chúa gọi thánh nhân là người phối ngẫu thanh khiết nhất; điều này cho thấy khả năng yêu thương của ngài, không giữ lại điều gì cho riêng mình. Bằng cách giải phóng tình yêu khỏi mọi sự chiếm hữu, ngài sẵn sàng cho một sự phục vụ thậm chí còn hiệu quả hơn. Sự chăm sóc yêu thương của ngài đã trải dài qua nhiều thế hệ; sự bảo vệ chu đáo của ngài đã khiến ngài trở thành Đấng Bảo trợ của Giáo hội. Là một người biết cách thể hiện ý nghĩa của sự tự hiến trong cuộc sống, thánh Giuse cũng là đấng bảo trợ cho người chết lành. Tuy nhiên, sự phục vụ và hy sinh của ngài chỉ có thể thực hiện được bởi vì chúng được nâng đỡ bởi một tình yêu lớn hơn: “Mọi ơn gọi đích thực đều được sinh ra từ việc tự hiến, là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng đòi hỏi phải có sự chín chắn như vậy. Dù ơn gọi của chúng ta là gì, kết hôn, độc thân hay sống trinh khiết, việc cho đi chính mình sẽ không thành toàn nếu nó chỉ dừng lại ở sự hy sinh; nếu thế, thay vì trở thành một dấu chỉ của vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu, việc cho đi chính mình sẽ có nguy cơ trở thành biểu hiện của bất hạnh, buồn bã và thất vọng”(sđd, 7).

Đối với Thánh Giuse, phục vụ - như một biểu hiện cụ thể của việc trao tặng chính mình - không chỉ đơn giản là một lý tưởng cao đẹp, mà đã trở thành một quy tắc cho cuộc sống hàng ngày. Ngài cố gắng tìm kiếm và chuẩn bị một nơi mà Chúa Giê-su có thể chào đời; ngài đã làm hết sức mình để bảo vệ Chúa khỏi cơn thịnh nộ của vua Hêrôđê bằng cách sắp xếp một chuyến đi vội vã sang Ai Cập; ngài lập tức trở về Giêrusalem khi Chúa Giê-su bị lạc; ngài đã nuôi sống gia đình bằng công việc của mình, ngay cả khi ở đất nước xa lạ. Tóm lại, ngài thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau với thái độ của những người không nản chí khi cuộc sống không diễn ra như họ mong muốn; ngài cho thấy sự sẵn lòng điển hình của những người sống để phục vụ. Bằng cách này, thánh Giuse đã chào đón những cuộc hành trình thường xuyên và thường bất ngờ của cuộc đời: từ Nazareth đến Belem để điều tra dân số, rồi sang Ai Cập và lại về Nazareth, và hàng năm lên Giêrusalem. Mỗi lần như thế, ngài đều sẵn sàng đối mặt với hoàn cảnh mới mà không phàn nàn, luôn sẵn sàng cộng tác giúp đỡ để giải quyết tình huống. Chúng ta có thể nói rằng đây là đôi tay dang rộng của Chúa Cha đang vươn tới Con của Người trên trái đất. Thánh Giuse không thể không trở thành mẫu mực cho mọi ơn gọi, được kêu gọi trở thành những bàn tay cần cù của Chúa Cha, dang rộng ra với con cái của Người.

Vì vậy, tôi thích nghĩ về Thánh Giuse, người bảo vệ Chúa Giêsu và Giáo hội, như người bảo vệ các ơn gọi. Trên thực tế, từ sự sẵn lòng phục vụ của ngài đã nảy sinh sự quan tâm bảo vệ. Sách Tin Mừng cho chúng ta biết “thánh Giuse đã trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập” (Mt 2,14); điều này cho thấy sự quan tâm khẩn thiết của ngài đến lợi ích của gia đình mình. Ngài không lãng phí thời gian để lăn tăn về những điều ngài không thể kiểm soát, nhưng để dành toàn bộ sự quan tâm cho những người được giao phó cho ngài. Sự quan tâm chu đáo ấy là dấu chỉ của một ơn gọi đích thực, là chứng từ của một đời sống được đánh động bởi tình yêu Thiên Chúa. Thật là một tấm gương đẹp về đời sống Ki-tô hữu mà chúng ta nêu lên khi chúng ta từ chối theo đuổi tham vọng hoặc ham mê ảo tưởng của mình, nhưng thay vào đó quan tâm đến những gì Chúa đã giao phó cho chúng ta qua Giáo hội! Sau đó Thiên Chúa ban Thánh Thần và sự sáng tạo của Người trên chúng ta; Người thực hiện điều kỳ diệu nơi chúng ta, như Người đã làm nơi thánh Giuse.

Cùng với lời kêu gọi của Thiên Chúa, điều biến ước mơ lớn nhất của chúng ta thành hiện thực và lời đáp lại của chúng ta, được tạo nên từ sự phục vụ quảng đại và sự chăm sóc chu đáo, có một đặc điểm thứ ba trong cuộc sống hàng ngày của thánh Giuse và ơn gọi Ki-tô hữu của chúng ta, đó là lòng trung thành. Thánh Giuse là “người công chính” (Mt 1,19) hằng ngày kiên trì âm thầm phục vụ Thiên Chúa và các kế hoạch của Người. Vào một thời điểm đặc biệt khó khăn trong cuộc đời, ngài đã suy nghĩ kỹ càng về những việc phải làm (xem câu 20). Ngài không để mình bị sự vội vàng áp đảo. Ngài không khuất phục trước sự cám dỗ để hành động hấp tấp, chỉ đơn giản là làm theo bản năng của mình hoặc hành động bộc phát. Thay vào đó, ngài suy xét mọi thứ một cách kiên nhẫn. Ngài biết rằng thành công trong cuộc sống được xây dựng dựa trên sự trung thành thường xuyên với những quyết định quan trọng.. Điều này được thể hiện qua sự kiên trì miệt mài khi ngài là một người thợ mộc khiêm tốn (x. Mt 13,55), một sự kiên trì thầm lặng, không tạo nên tin tức gì trong thời đại của ngài, nhưng đã truyền cảm hứng cho cuộc sống hàng ngày của vô số người cha, người lao động và người Kitô hữu trong hàng thế kỷ. Bởi vì ơn gọi – cũng như cuộc sống - chỉ trưởng thành chín chắn nhờ sự trung thành hàng ngày.

Sự trung thành như vậy được nuôi dưỡng như thế nào? Dưới ánh sáng lòng thành tín của Thiên Chúa. Những lời đầu tiên mà Thánh Giuse đã nghe trong giấc mơ là lời mời gọi đừng sợ, vì Thiên Chúa luôn trung thành với những lời hứa của Người: “Giuse, con vua Đavít, đừng sợ” (Mt 1,20). Đừng sợ: những lời này Chúa cũng nói với bạn, người chị em quý mến, với bạn, người anh em thân yêu, bất cứ khi nào bạn cảm thấy điều đó, ngay cả khi đang bấp bênh và do dự, bạn không thể trì hoãn ước muốn dâng cuộc đời mình cho Chúa. Người lặp lại những lời này khi, có lẽ bạn đang ở đó, giữa những thử thách và hiểu lầm, cố gắng làm theo ý muốn của Người mỗi ngày. Đó là những từ bạn sẽ nghe thấy lại, dọc hành trình ơn gọi của bạn, khi bạn quay trở lại mối tình đầu của mình. Đây là một điệp khúc đồng hành với tất cả những người - như thánh Joseph - thưa vâng với Chúa bằng cuộc sống của họ, qua sự trung thành của họ mỗi ngày.

Sự trung thành này là bí mật của niềm vui. Một bài thánh ca trong phụng vụ nói về “niềm vui trong suốt” hiện diện trong ngôi nhà ở Nazareth. Đó là niềm vui của sự đơn sơ, niềm vui được trải nghiệm hàng ngày bởi những ai quan tâm đến điều thực sự quan trọng: sự gần gũi trung thành với Thiên Chúa và với người lân cận. Thật tốt biết bao nếu bầu khí, đơn sơ và rạng rỡ, điều độ và đầy hy vọng này tràn ngập khắp các chủng viện, nhà dòng và nhà xứ của chúng ta! Đó là niềm vui tôi cầu chúc cho các bạn, những người anh chị em, những người đã quảng đại biến Thiên Chúa thành ước mơ của cuộc đời anh chị em, phục vụ Người trong những người anh chị em của anh chị em qua sự trung thành, điều là bằng chứng hùng hồn trong thời đại của những lựa chọn và cảm xúc phù du, những thứ không mang lại niềm vui bền vững. Xin thánh Cả Giuse, Đấng bảo vệ các ơn gọi, đồng hành với anh chị em bằng trái tim phụ tử của ngài!

Roma, đền thờ Gioan Laterano, 19 tháng 3 năm 2021, lễ trọng thánh Giuse

Phanxicô