label

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

Căng thẳng giữa Giáo hội Đức và Rôma tăng cao

Căng thẳng giữa Giáo hội Đức và Rôma tăng cao







Hội đồng Giám mục Đức không nhận “một lệnh nào” của Tòa Thánh, nhưng là một “thông báo trái ngược”.

 

 

 

Tổng giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức phát biểu trước các quan khách tại buổi tiệc hàng năm Saint-Michel của Giáo hội Công giáo Đức (Berlin, 4-9-2023). ANDERSEN /AFP

 

Vatican gặp khó khăn trong việc áp đặt lên hàng giám mục Đức việc trì hoãn cuộc cải cách nhằm thiết lập cơ chế đồng quản lý của các giáo phận với giáo dân.

 

Sự đối đầu giữa Vatican và Giáo hội Đức tiếp tục căng thẳng. Những ép buộc và cưỡng bách Rôma áp đặt buộc các giám mục Đức phải đình chỉ hội nghị của họ, diễn ra vào tuần này tại Augsburg, cuộc bỏ phiếu về quy chế của ủy ban thượng hội đồng áp đặt để các giám mục đồng quản lý các giáo phận với giáo dân.

 

Được thành lập trong mỗi giáo phận, các ủy ban này, “cơ quan tư vấn và quyết định”, bao gồm các giáo dân công giáo được bầu một cách dân chủ, sẽ có thẩm quyền đồng quản lý giáo phận với giám mục, ngoài các vấn đề bí tích: họ quản lý trách nhiệm trong giáo phận, phân định về các vấn đề luân lý, đặc biệt là việc quản lý đời sống của các linh mục. Các ủy ban này cũng sẽ có thẩm quyền xét xử ở cấp giáo phận, khu vực và liên bang.

 

Quyết định đưa ra cơ chế đồng quản lý giáo sĩ-giáo dân này đã được thượng hội đồng quốc gia của Giáo hội, Das Synodal Weg thông qua vào tháng 9 năm 2022. Quy chế của “các ủy ban thượng hội đồng” đã được thông qua vào tháng 11 năm 2023 và sẽ được 61 giám mục Đức bỏ phiếu tuần này để được xác nhận, sau đó sẽ được áp dụng vào năm 2026. Sau nhiều cảnh báo rõ ràng được Rôma đưa ra trong những tháng gần đây, nhưng không có hiệu lực – gồm hai thư của Đức Phanxicô (tháng 6 năm 2019, tháng 11 năm 2023) – ngày 16 tháng 2, Tòa Thánh đã phải hành động với thẩm quyền để ngăn chặn bối cảnh này qua thư cảnh báo vừa gởi đến Hội đồng Giám mục Đức.

 

Bức thư ngày 16 tháng 2 được giáo hoàng phê chuẩn và đã được ba cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội ký: các hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, hồng y Victor Manuel Fernandez, bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin và hồng y Robert Francis Prevost, bộ trưởng bộ Giám mục.

 

Trong bức thư này, Rôma phát triển ba lập luận để phản đối việc thành lập các ủy ban quản lý giáo phận mới. Lý do thứ nhất hoàn toàn mang tính pháp lý: “Giáo luật hiện hành không quy định” những trường hợp như vậy. Điều này sẽ làm cho sự tồn tại của họ trở nên “không hợp lệ”. Lý do thứ hai liên quan đến “thẩm quyền” của các hội đồng giám mục. Theo Rôma, họ không có quyền “phê duyệt” những đạo luật như vậy. Hội đồng Giám mục Đức không nhận “một lệnh nào” của Tòa Thánh, nhưng là một “thông báo trái ngược”.

 

Lý do thứ ba là lý do đặc biệt của riêng nước Đức. Ở đất nước này có một tổ chức giáo dân công giáo được công nhận, Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức (ZdK), một tổ chức hùng mạnh của giáo dân công giáo có liên quan đến việc quản lý Giáo hội về mặt thế tục. Trong bức thư này, Rôma từ chối không cho họ quyền thực hiện, cùng với Hội đồng Giám mục thành lập các ủy ban thượng hội đồng mới này. Vatican nghĩ rằng trách nhiệm phải thuộc về một cơ cấu khác: Hiệp hội các Giáo phận Đức (VDD), cơ quan này sẽ bỏ phiếu “nhất trí” để công nhận các ủy ban thượng hội đồng. Một điều kiện không thể thực hiện được, Rôma biết điều này vì có bốn giám mục Đức phản đối.

 

Lý do thứ tư “mang tính học thuyết” – không thể thương lượng với Vatican – đã được nói đến trong thư Rôma ngày 23 tháng 1 năm 2023, lúc đó được Quốc vụ khanh Pietro Parolin, hồng y Ladaria Ferrer lúc đó phụ trách bộ Giáo lý Đức tin, và hồng y Marc Ouellet, bộ Giám mục ký. Họ cho rằng ủy ban thượng hội đồng này đã trực tiếp đặt vấn đề về sứ mệnh và quan niệm của “giám mục” như Công đồng Vatican II đã định nghĩa năm 1964. Giám mục đảm nhận “chức năng của chính Chúa Kitô, là thầy, là mục tử và linh mục” với toàn bộ trách nhiệm về “các mục vụ giảng dạy và quản lý” trong giáo phận của họ.

 

Thông báo hoãn bỏ phiếu với các ủy ban bất hòa này đã làm ngạc nhiên Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức, một tổ chức hùng mạnh của giáo dân công giáo. Bà chủ tịch Irme Stetter-Karp nghĩ rằng nếu Giáo hội công giáo Đức dừng con đường đồng nghị, họ sẽ không có “cơ hội thứ hai”. Nhất là bà đặt Vatican trước “mâu thuẫn” của chính mình: một mặt, Vatican “chặn đứng” tiến trình đồng nghị ở Đức, mặt khác, Vatican khuyến khích tiến trình này ở mức độ toàn cầu với thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ kết thúc vào tháng 10 sắp tới.

 

Bà Irme Stetter-Karp không sai. Một trong những biện pháp được Thượng hội đồng thế giới chọn vào tháng 10 năm ngoái thực sự liên quan đến các cơ cấu đồng quản lý tương tự như các ủy ban của giáo phận Đức! Vì thế, bằng cách trì hoãn cuộc bỏ phiếu này, các giám mục Đức đang chờ đợi Thượng hội đồng thế giới về tính đồng nghị mở đường cho cuộc cải cách, vốn trên thực tế sẽ đặt một số quyền lực của giám mục dưới sự kiểm soát của giáo dân.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)

ĐTC Phanxicô và Ucraina, sự gần gũi hàng ngày với sự tử đạo của một dân tộc

 

ĐTC Phanxicô và Ucraina, sự gần gũi hàng ngày với sự tử đạo của một dân tộc



Đã có nhiều lời kêu gọi hòa bình và vô số sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô, người mà trong suốt hai năm không bao giờ quên cầu nguyện và hỗ trợ một quốc gia bị kéo vào cơn “điên cuồng” của chiến tranh.

Isabella Piro

​ Một lời cầu nguyện không ngừng và chân thành để cầu xin hòa bình ở Ucraina: đó là lời cầu nguyện mà Đức Thánh Cha chưa bao giờ ngừng dâng lên Chúa trong hai năm xung đột đang diễn ra này bởi vì "chiến tranh luôn là một thất bại, luôn luôn là một thất bại". Một "thất bại thực sự của con người", bởi vì "chỉ có nhà sản xuất vũ khí mới 'chiến thắng'". "Bị giày xéo" là một tính từ đau đớn mà Đức Thánh Cha thường dùng để định nghĩa về đất nước mà tiếng gầm rú của bom đạn vẫn tiếp tục vang lên kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Kể từ ngày khủng khiếp đó, "với trái tim tan nát", Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho hòa bình vào mọi dịp có thể.

Nhiều Ngày Cầu nguyện đã được kêu gọi trong hai năm này: ngày đầu tiên bắt đầu từ ngày 26 tháng 1 năm 2022, khi căng thẳng giữa Nga và Ucraina chưa bùng nổ hoàn toàn, nhưng đã gây ra nhiều lo ngại. Lần cầu nguyện và ăn chay thứ hai diễn ra sau đó vài tháng, vào ngày 2 tháng 3: đó là Thứ Tư Lễ Tro và Đức Thánh Cha xin các tín hữu "hãy cảm thấy tất cả là anh em" để "cầu xin Thiên Chúa chấm dứt chiến tranh". Đức Thánh Cha dâng lời cầu xin tương tự với Mẹ Thiên Chúa vào ngày 25 tháng 3 năm 2022, khi chủ sự cử hành sám hối tại đền thờ Thánh Phêrô, với hành động thánh hiến cho Trái Tim Vẹn sạch của Đức Maria: chống lại một "cuộc chiến tàn khốc" gây ra đau khổ, sợ hãi và mất tinh thần ở nhiều người, "cần có sự hiện diện của Thiên Chúa và sự chắc chắn về ơn tha thứ của Thiên Chúa”. Năm sau đó, vào ngày 27 tháng 10 năm 2023, một Ngày sám hối, ăn chay và cầu nguyện khác đã được thực hiện và trong ngày đó ​​Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu xin sự giúp đỡ của Đức Maria để đạt được hòa bình: "Chúng con cầu xin lòng thương xót, lạy Mẹ của lòng thương xót; cầu xin hòa bình, lạy Nữ hoàng hòa bình! Xin hãy đánh động tâm hồn những người bị kẹt trong hận thù, hoán cải những người châm ngòi và kích động xung đột. Xin lau khô nước mắt trẻ em, trợ giúp những người cô đơn và người già, hỗ trợ những người bị thương tích và bệnh tật, bảo vệ những người phải rời bỏ quê hương và những người thân yêu nhất của họ, an ủi những người chán nản, làm sống lại niềm hy vọng".

Hai năm qua của Ucraina được đánh dấu bằng những cột mốc bi thảm, những sự kiện kinh hoàng và chết chóc: ngày 24 tháng 4 năm 2022 là Lễ Phục sinh theo lịch Giuliano, nhưng cũng đúng hai tháng sau khi cuộc xung đột bùng nổ. Một lần nữa, Đức Thánh Cha – sau khi đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng – đã yêu cầu mọi người "gia tăng  cầu nguyện cho hòa bình và hãy can đảm để nói rằng hòa bình là có thể". Hai tháng sau, vào ngày 5 tháng 6, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cuộc chiến ở Ucraina đạt đến "bước ngoặt" kịch tính kéo dài một trăm ngày. Và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời kêu gọi của mình về "các cuộc đàm phán thực sự, các cuộc đàm phán cụ thể để có lệnh ngừng bắn và một giải pháp bền vững". Ngài nói: "Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu tuyệt vọng của những người đang đau khổ, chúng ta hãy tôn trọng sự sống con người", bởi vì chiến tranh là "một cơn ác mộng, một sự phủ nhận giấc mơ của Thiên Chúa".

Trong khi đó nhiều tháng trôi qua và tin tức quốc tế không ngừng viết những trang cay đắng đầy nước mắt và sự hủy diệt. Tháng xung đột thứ sáu bắt đầu vào ngày 24 tháng 8 năm 2022, một cột mốc quan trọng khác đối với Ucraina. Và chính đất nước này là nơi Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ đến vào cuối buổi Tiếp kiến ​​chung sáng thứ Tư: "Chiến tranh là sự điên rồ", ngài nhấn mạnh, trong khi cầu nguyện cho các tù nhân, người bị thương, trẻ em, người tị nạn và "nhiều người vô tội" đang phải trả giá cho sự điên rồ này. Tháng 11 đến và đánh dấu chín tháng chiến tranh: nhân dịp này, Đức Thánh Cha viết một lá thư cho dân tộc Ucraina, gọi họ là "dân tộc cao quý và tử đạo", đảm bảo với họ về sự gần gũi của ngài "bằng trái tim và lời cầu nguyện" và đưa ra lời cảnh báo có giá trị cho mọi dân tộc: "Đừng quen thuộc với chiến tranh".

Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, Đức Thánh Cha không ngừng đưa ra lời kêu gọi về việc "làm im tiếng vũ khí" và chấm dứt "cuộc chiến vô nghĩa". Vào ngày 24 tháng 2 năm 2023, đúng một năm sau khi xung đột bùng nổ, Đức Thánh Cha đã tham dự buổi chiếu bộ phim tài liệu "Freedom on Fire: Ukraine's Fight for Freedom", do đạo diễn Evgeny Afineevsky giới thiệu tại Vatican. Ngài nói: "Hôm nay là một năm của cuộc chiến này, chúng ta hãy nhìn vào Ucraina, hãy cầu nguyện cho người dân Ucraina và hãy mở lòng với nỗi đau. Chúng ta đừng xấu hổ khi đau khổ và khóc lóc, vì chiến tranh là sự hủy diệt".

Nhiều tháng trôi qua, một mùa hè nữa lại đến, vẫn còn dưới bom đạn. Đức Thánh Cha không bao giờ quên tình hình nhân đạo khó khăn ở Ucraina, càng trở nên trầm trọng hơn do sáng kiến ​​vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen bị đình trệ. Trong buổi đọc kinh Truyền tin ngày 30 tháng 7 năm 2023, Đức Thánh Cha nhắc nhở thế giới rằng "chiến tranh phá hủy mọi thứ, kể cả lúa mì" và điều này thể hiện "một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với Thiên Chúa", "bởi vì lúa mì là món quà của Người để nuôi sống nhân loại". Do đó, ngài kêu gọi lắng nghe "tiếng kêu của hàng triệu anh chị em đang đói khát", một tiếng kêu "thấu đến trời".

"Chiều kích tử đạo" của Ucraina cũng được Đức Thánh Cha nhắc lại vào ngày 6 tháng 9 năm 2023, trong buổi tiếp kiến các giám mục của Thánh Hội đồng Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina. Sự gần gũi và tham gia chia sẻ là những cảm xúc được Đức Thánh Cha bày tỏ, cùng với "nỗi đau vì cảm giác bất lực mà người ta trải qua khi đối mặt với chiến tranh". Trên hết vì một trong những kết quả đáng buồn nhất của nó đó là "tước đi nụ cười của trẻ em". Vào đầu năm 2024, trong lá thư gửi Đức Tổng Giám mục trưởng của Kyiv-Halych, Sviatoslav Shevchuk, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ những cảm xúc quan ngại tương tự đối với "một tình huống ngày càng trở nên tuyệt vọng". Ngài hy vọng rằng tình hình ở Ucraina không trở thành "một cuộc chiến bị lãng quên" và cộng đồng quốc tế dấn thân "trong việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình".

Lời kêu gọi tương tự cũng vang lên vào ngày 8 tháng 1 năm nay, trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh: "Thật không may, sau gần hai năm chiến tranh ở quy mô rộng lớn, nền hòa bình mà nhiều người mong muốn vẫn chưa thể tìm được chỗ đứng trong các tâm trí và trái tim, bất chấp vô số nạn nhân và sự tàn phá to lớn. Chúng ta không thể để kéo dài cuộc xung đột mà ngày càng trở nên khốc liệt, gây tổn hại cho hàng triệu người, nhưng cần chấm dứt thảm kịch đang diễn ra thông qua đàm phán, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Ngoài việc cầu nguyện và kêu gọi, Đức Thánh Cha còn đích thân hành động nhân danh hòa bình, nhằm gần gũi với cả hai bên liên quan: vào ngày 25 tháng 2 năm 2022, ngài đã đến trụ sở Đại sứ quán Liên bang Nga cạnh Tòa Thánh để bày tỏ mối lo ngại của ngài về sự bùng nổ của chiến tranh. Vài ngày sau, vào ngày 16 tháng 3, ngài đã có cuộc điện đàm với Đức Thượng phụ Kirill của Mátxcơva và toàn nước Nga, cùng nhau "ngăn chặn ngọn lửa" của cuộc chiến, được thúc đẩy "bởi mong muốn, như các mục tử của dân tộc của họ, chỉ ra con đường hòa bình". Và trong nhiều tháng, Đức Thánh Cha cũng đã có một số cuộc trò chuyện qua điện thoại với tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky, người được ngài tiếp kiến ​​vào tháng 5 năm 2023.

Những nỗ lực của Đức Thánh Cha nhằm chấm dứt xung đột cũng được thấy qua việc ​​Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám mục Bologna và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã viếng thăm với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha tại Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ba sứ mạng diễn ra vào năm 2023 với niềm hy vọng mà Đức Thánh Cha không bao giờ mất đi; đó là chúng ta có thể khởi đầu "những con đường dẫn đến hòa bình".

Hai vị Hồng y khác - Chánh Cơ quan Từ thiện của Đức Thánh Cha, Konrad Krajewski, và Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Michael Czerny - được Đức Thánh Cha cử đến Ucraina với tư cách là đại diện của ngài để mang lại tình liên đới và gần gũi với những người tị nạn và nạn nhân của chiến tranh. Vào tháng 5 năm 2023, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã đến thăm Vorzel, Irpin và Bucha, nơi ngài đã cầu nguyện trước ngôi mộ tập thể gần nhà thờ Chính Thống giáo Thánh Anrê. Một cử chỉ để nhắc lại, theo bước Đức Thánh Cha, "sự tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh".

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2024

TRỞ VỀ CỘI NGUỒN

 

TRỞ VỀ CỘI NGUỒN

(Những hình ảnh ba ngày xuân tại giáo xứ Cần Xây)

          Năm nay các thánh lễ trong ba ngày tết tại giáo xứ Cần Xây rất đông hầu như chật kín cả nhà thờ, hai bên hành lang và không gian cuối thánh đường. Riêng thánh lễ chiều ngày 2 tại đất thánh dù ban tổ chức đã chuẩn bị rất nhiều ghế nhưng vẫn không đủ. Thánh lễ ngày mùng 3 thánh hóa công việc và làm phép xe, chỉ tính xe không đã kín sân thánh đường. Những điều này làm tôi cảm thấy vui vì tết vẫn là ngày xum họp và dù cho trăm công ngàn việc, tứ tán khắp nơi nhưng mọi người vẫn biết trở về cội nguồn. Gia đình là nền tảng và là nơi chúng ta muốn trở về, đừng để gia đình thành nơi hoang mạc, nơi khô cằn tình cảm, nơi chỉ còn hận thù vì đất đai, tiền bạc, đố kỵ, tranh giành, cãi cọ, chém giết lẫn nhau, nơi không ai muốn trở về. Cảm động hơn nữa, thánh lễ ngày mùng 2 cầu cho ông bà tổ tiên. Trong thánh lễ sáng những bài thánh ca về tình cha, tình mẹ vang lên và bài giảng của cha phó nói về sự hiếu thảo, một câu chuyện kể về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, với một câu hỏi mà người cha chỉ hỏi 4 lần con cái đã gắt mắng cha mình, trong khi đó, lúc còn nhỏ cũng câu hỏi đó, con đã hỏi cha 23 lần mà người cha vui vẻ trả lời con trong yêu thương làm nhiều người cảm động rơi lệ. Thánh lễ chiều tại đất thánh còn cảm động hơn nữa. Các gia đình, anh em, con cái, cháu chắt đã quây quần bên ngôi mộ người thân của mình một cách hết sức thân thương, cảm giác như không còn cách trở âm dương. Đúng thật, trở về cội nguồn, nếu gia đình là nguồn yêu thương, nâng đỡ, là bến đỗ, là nơi nương tựa đón mời các thành viên trở về dù thành công hay thất bại. Giáo xứ Cần Xây năm nay mọi người trở về rất đông, không chỉ là niềm vui cho các gia đình mà còn là niềm vui cho giáo xứ.

          Cầu chúc mọi người trở về trong yêu thương và ra đi trong thương nhớ. Hãy xây dựng gia đình thành tổ ấm để trở về. Thiên Chúa và giáo xứ cũng mong chờ những đứa con trở về trong thánh thiêng và trong hiện diện. Chúc mọi người trong năm mới này nhiều sức khỏe, bình an, yêu thương, tha thứ và thánh đức.

Thiên sinh




Ấm lòng với những người nằm xuống






Thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm và làm phép xe







Mừng tuổi Chúa






Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

HÌNH ẢNH VÀ CHƯƠNG TRÌNH TẾT CON RỒNG TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

 HÌNH ẢNH VÀ CHƯƠNG TRÌNH TẾT  CON RỒNG TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY














Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người năm 2024

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người năm 2024

  •  
  •  


WHĐ (09.02.2024) – Hôm mồng 08.02, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video nhân Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người lần thứ X.

Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập và giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2015, khi ngài đề cập đến việc Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (UISG- International Union Superiors General) và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam (USG - Union of Superiors General) tổ chức Ngày này vào ngày mồng 08.02. Được ấn định cử hành hằng năm vào ngày 08.02, mà theo lịch Phụng vụ, nhằm lễ nhớ thánh nữ Josephine Bakhita, vốn là nạn nhân của nạn buôn người, trở thành tín hữu Công giáo, gia nhập dòng Bác Ái thánh Canossa, và được phong thánh năm 2000.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cử Ngày Thế giới chống nạn buôn người vào ngày 30.07.

Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:


SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN
VÀ SUY
 TƯ CHỐNG NẠN BUÔN NGƯỜI

Lần thứ X, ngày mồng 08 tháng 02 năm 2024

Hành trình vì nhân phẩmLắng nghe, Ước mơ, và Hành động

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, trong Phụng vụ chúng ta mừng Lễ nhớ Thánh Josephine Bakhita, đồng thời chúng ta cũng cử hành Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người lần thứ X. Tôi thành tâm hiệp ý tham gia với anh chị em trên khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ, những người đang nỗ lực chống lại thảm kịch mang tính toàn cầu này.

Chúng ta hãy cùng nhau bước theo bước chân của Thánh Bakhita, vị nữ tu người Sudan mà ngay từ thời thơ ấu đã bị bán làm nô lệ và là nạn nhân của nạn buôn người. Chúng ta hãy nhớ đến những bất côngnhững đau khổ mà phải ngài phải chịu, nhưng cũng nhớ đến sức mạnhhành trình giải thoát và tái sinh vào một cuộc sống mới của ngài. Thánh Bakhita khuyến khích chúng ta mở rộng đôi mắt và đôi tai để nhìn thấy những người không được nhìn thấy, lắng nghe những người không có tiếng nói, nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, và hành động chống lại nạn buôn người cũng như mọi hình thức bóc lột.

Trên thực tế, hoạt động buôn người thường không bị phát hiện. Cũng nhờ những phóng viên dũng cảm, các phương tiện truyền thông đã đưa ra ánh sáng những hình thức nô lệ hiện đại, nhưng nền văn hóa thờ ơ đã khiến chúng ta mất đi sự nhạy cảm. Chúng ta hãy giúp nhau để phản ứng, mở rộng cuộc sống và con tim của mình cho rất nhiều anh chị em hiện đang bị đối xử như nô lệ. Chẳng bao giờ là quá trễ để quyết định làm điều đó.

Tạ ơn Chúa, có rất nhiều người trẻ tham gia vào Ngày Thế giới chống nạn buôn người này. Sự nhiệt tình và dấn thân của họ chỉ đường cho chúng ta: họ nhắc nhở chúng ta rằngđể chống lại nạn buôn ngườichúng ta phải lắng nghe, ước mơ và hành động.

Trước hết, điều thiết yếu là lắng nghe những người đang đau khổ. Tôi nghĩ đến những nạn nhân của chiến tranh và xung đột, đến những người chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, đến những người bị cưỡng bức di cưvà đến những người bị bóc lột tình dục hoặc lao động, nhất là phụ nữ và các bé gái. Mong sao chúng ta lắng nghe tiếng kêu cứu của họ và để cho mình bị chất vấn bởi những câu chuyện của họ. Cùng với các nạn nhân và giới trẻ, một lần nữa chúng ta hãy mơ ước về một thế giới nơi tất cả mọi người có thể sống trong tự do và nhân phẩm.

Tiếp đến, thưa anh chị em,  nhờ quyền năng Thánh Thần của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hãy biến ước mơ này thành hiện thực thông qua những hành động cụ thể chống lại nạn buôn người. Chúng ta hãy nhiệt tâm cầu nguyện và tích cực hành động vì chính nghĩa bảo vệ nhân phẩm bằng cầu nguyện và hành động với tư cách cá nhân và trong gia đình, trong giáo xứ và cộng đoàn tu trì, trong các hiệp hội và phong trào giáo hội, cũng như trong các lãnh vực đời sống xã hội và chính trị khác nhau.

Chúng ta biết rằng cuộc chiến chống nạn buôn người có thể giành thắng lợi nhưng chúng ta cần phải giải quyết tận gốc rễ vấn đề và diệt trừ nguyên nhân của nó. Vì vậy, tôi khuyến khích anh chị em đáp lại lời mời gọi biến đổi này, để tưởng nhớ Thánh Josephine Bakhita, biểu tượng của tất cả những người, dù không may bị rơi vào cảnh nô lệ, vẫn có thể giành lại tự do. Đó là lời kêu gọi hành động, huy động mọi nguồn lực trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người và khôi phục phẩm giá trọn vẹn cho những ai từng là nạn nhân của thảm trạng này. Nếu nhắm mắt bịt tai, nếu không hành động thì chúng ta sẽ phạm tội đồng lõa.

Tôi chân thành cảm ơn tất cả những ai tham gia cử hành Ngày nàyTôi ưu ái ban phép lành cho những ai dấn thân chống lại nạn buôn người và mọi hình thức bóc lột để xây dựng một thế giới huynh đệ và hòa bình.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, ngày mồng 08 tháng 02 năm 2024

Lễ nhớ Thánh Josephine Bakhita.

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (08. 02. 2024)

Phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh thường trú đầu tiên tại Việt Nam

 

Phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh thường trú đầu tiên tại Việt Nam

  •  
  •  


PHỎNG VẤN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI
- ĐẠI DIỆN TÒA THÁNH THƯỜNG TRÚ ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM

Linh mục Giuse Tạ Minh Quý
và Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam

WHĐ (08.02.2024) – Như đã đưa tin, ngày 23.12.2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Sau đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên với ngài trên cương vị mới.

CBCV’s media interviews His Grace Marek Zalewski
The first Resident Pontifical Representative in Vietnam

Hanoi, February 2024

(Transcribed and translated by Tâm Bùi,
edited by Fr. Joseph Vũ)

1. Your Excellency! Thank you for being here with us. We are so happy to have this interview with you. The first interview that you are in the new chapter. On December 23, 2023, the Holy Father appointed you as the first Resident Pontifical Representative in Vietnam. Could you share with us your feelings about this appointment?

Trọng kính Đức cha! Cảm ơn Đức cha đã hiện diện nơi đây với chúng con. Chúng con rất vui khi được phỏng vấn đức cha. Vào ngày 23.12.2023, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm đức cha làm Đại diện Tòa Thánh thường trú đầu tiên tại Việt Nam. Đức cha có thể chia sẻ với chúng con cảm nhận của cha về bổ nhiệm này được không?

ĐTGM Marek Zalewski: First of all, thank you for this interview. I would like to greet all Catholic bishops, priests, religious men and women, and all Catholic communities in Vietnam. You asked me about the feeling. First, the feeling I had was joy, joy to be appointed as residence papal representative in Vietnam. As you know, in the last 5 years, I have been traveling from Singapore to Vietnam. Now I have in Hanoi my residence, my office. This gives me not only joy but also hope for a better future for my office here for working with Catholic bishops for the good of the church in Vietnam.

Trước hết, cảm ơn cha phỏng vấn. Tôi xin chào quý đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam. Cha hỏi tôi về cảm nhận. Đầu tiên, cảm giác của tôi là niềm vui, niềm vui được bổ nhiệm làm Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam. Như cha đã biết, trong 5 năm qua, tôi di chuyển qua lại từ Singapore và Việt Nam. Bây giờ tôi có chỗ ở, văn phòng tại Hà Nội. Điều này mang lại cho tôi không chỉ niềm vui mà còn hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho văn phòng của tôi ở đây để làm việc với Hội đồng Giám mục vì lợi ích của Giáo hội tại Việt Nam.

 

2. Since this is the first time the Holy See has a Resident Pontifical Representative in Vietnam, could you explain the role of the Resident Pontifical Representative and its distinction between other diplomatic roles as Apostolic Delegate and Apostolic Nuncio?

Vì đây là lần đầu tiên Tòa Thánh có Đại diện thường trú tại Việt Nam, Đức cha có thể giải thích vai trò của Đại diện Tòa Thánh thường trú và sự khác biệt giữa các vai trò ngoại giao khác như Đại diện Tòa thánh và Sứ thần Tòa thánh không?

 

ĐTGM Marek Zalewski: With pleasure, it’s a relatively easy distinction because the diplomatic world all ambassadors, counselors and international law make practically three distinctions concerning the life of diplomacy. When two countries have full diplomatic relations. We call envoy ambassador or apostolic nuncio. If a nuncio is residing in a country is called Resident Apostolic Nuncio. If it is covered only a country from another country called not Resident Apostolic Nuncio. In my case in Vietnam, I am called resident pontifical representative because there is no diplomatic relation between the government of Vietnam and the Holy See. This is the reason I am here, not as a Diplomat without immunities and privileges. But my office permanent office in Hanoi so practically I work and I am considered as Apostolic Nuncio. Apostolic delegates instead are the Pope's Representatives that can visit any country any time but they don't have resident and they don't have permanent office in that countries.

Vâng, rất vui lòng, điều này rất dễ phân biệt bởi vì trong giới ngoại giao, các đại sứ, tham tán và công ước quốc tế đều đưa ra ba điểm khác biệt trong ngành ngoại giao. Khi hai nước có quan hệ ngoại giao toàn diện. Chúng tôi gọi là đại sứ hoặc sứ thần Tòa Thánh. Nếu một sứ thần đang cư trú tại một quốc gia thì được gọi là Sứ thần Tòa Thánh thường trú. Nếu sứ thần chỉ coi sóc một quốc gia từ một quốc gia khác được gọi là Sứ thần Tòa thánh không thường trú. Trong trường hợp của tôi ở Việt Nam, tôi được gọi là Đại diện Tòa Thánh thường trú vì Chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh vẫn chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Đây là lý do tôi ở đây, không phải tư cách là nhà ngoại giao với quyền miễn trừ và đặc quyền ngoại giao. Nhưng văn phòng của tôi thường trú tại Hà Nội nên thực tế tôi làm việc và được coi là Sứ thần Tòa Thánh. Thay vào đó, các Đại diện Tông tòa là đại diện của Giáo hoàng có thể đến thăm bất kỳ quốc gia nào vào bất kỳ lúc nào nhưng không được cư trú và không có văn phòng thường trú tại quốc gia đó.

 

3. How would your appointment impact the relationship between Vietnam and the Vatican, and how would it affect the Church in Vietnam?

Việc bổ nhiệm của Đức cha sẽ tác động đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican như thế nào, và cả đối với Giáo hội tại Việt Nam?

ĐTGM Marek Zalewski: I think that my appointment can only improve these relations which are already good because maybe you remember we started almost 12 years ago to have frequent contact. In 2010, I was established to join a working group between the Holy See and the government of Vietnam. Then, the first non-resident representative was appointed monsignor Leopoldo Girelli in 2011 and I am his successor. I came to Singapore in 2018 with the title also as not resident representative for Vietnam. Now my title change, improved let's say like this. I can stay, I can have my office in Hanoi. So the relations will be even stronger better and more trustworthy for the church, for the government. Here I have to say my gratitude, express my gratitude to the government of Vietnam. Because of their openness and tolerance, we achieved this level that even 10 years ago was impossible. Even to think that the Holy Father, the Vatican, will have a permanent office in Hanoi. I'm grateful also to Vietnamese Bishops for their collaboration, understanding, helping they offer to me. Because the office is new, I have to organize many things. But with the help of God, help of bishops and acceptance help of the government I think everything is possible.

Tôi nghĩ rằng việc bổ nhiệm của tôi chỉ có thể cải thiện những mối quan hệ vốn đã tốt đẹp này vì có lẽ cha còn nhớ chúng ta đã bắt đầu liên lạc thường xuyên cách đây gần 12 năm. Năm 2010, tôi được bổ nhiệm để tham gia nhóm làm việc giữa Tòa Thánh và Chính phủ Việt Nam. Sau đó, Đại diện không thường trú đầu tiên được bổ nhiệm là Đức cha Leopoldo Girelli vào năm 2011 và tôi là người kế vị ngài. Tôi đến Singapore vào năm 2018 với tư cách cũng là Đại diện không thường trú của Việt Nam. Bây giờ chức vụ của tôi đã thay đổi, hay nói cách khác là được cải thiện. Tôi có thể ở lại, tôi có thể có văn phòng ở Hà Nội. Vì vậy, các mối quan hệ sẽ càng vững mạnh hơn, tốt đẹp hơn và đáng tin hơn đối với Giáo hội, đối với Chính hủ. Ở đây tôi phải nói lời cảm ơn, cảm ơn Chính phủ Việt Nam. Nhờ sự cởi mở và đón nhận của họ, chúng ta đã đạt được mức quan hệ mà ngay cả 10 năm trước cũng không thể có được. Hay thậm chí là nghĩ đến việc Đức Giáo hoàng, Tòa Thánh sẽ có văn phòng thường trực tại Hà Nội. Tôi cũng biết ơn Hội đồng Giám mục Việt Nam vì sự cộng tác, hiểu biết và giúp đỡ của quý đức cha dành cho tôi. Vì văn phòng mới nên tôi phải sắp xếp nhiều thứ. Nhưng với ơn trợ giúp của Chúa, sự giúp đỡ của Hội đồng Giám mục và sự hỗ trợ của Chính phủ, tôi nghĩ mọi thứ đều có thể thực hiện được.

 

4. Since September 2018, you have made many pastoral visits in Vietnam, what do you think about the life of faith of the faithful in Vietnam?

Kể từ tháng 9.2018, Đức cha đã thực hiện nhiều chuyến thăm mục vụ tại Việt Nam. Vậy Đức cha có suy nghĩ gì về đời sống đức tin của các tín hữu tại Việt Nam?

ĐTGM Marek Zalewski: Yes, thank you for this question. It is very important for the life of the church. I have been 36 times in Vietnam in this last 5 years, excluded the two years of Covid because during the covid time I didn't travel. Which is a good record I think I have visited almost all diocese and my impression was always positive about the church in Vietnam. The church is young, enthusiastic, faithful to the Gospel. And I hope the Catholics will remain, will follow this line, will follow Jesus Christ, his Commandments. Although they will be tempted by many other proposals, social media, and false promises. But I think we should remember that the true way is the way that Jesus Christ shows us.

Vâng, cảm ơn cha vì câu hỏi này. Điều này rất quan trọng đối với đời sống của Hội Thánh. Tôi đã đến Việt Nam 36 lần trong 5 năm qua, không tính 2 năm Covid vì trong thời gian Covid tôi không thể di chuyển. Đó là một thành quả tốt, tôi nghĩ rằng tôi đã đến thăm hầu hết các giáo phận và ấn tượng của tôi luôn tích cực về Giáo hội tại Việt Nam. Một Hội Thánh trẻ trung, nhiệt thành và trung tín với Tin Mừng. Và tôi hy vọng người Công Giáo sẽ tiếp tục, sẽ đi theo đường lối này, sẽ bước theo Chúa Giêsu Kitô, và giữ các Điều Răn của Ngài. Mặc dù họ sẽ bị cám dỗ bởi nhiều thứ khác, bởi mạng xã hội và những lời hứa hão huyền. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên nhớ rằng con đường thật là con đường mà Chúa Giêsu Kitô chỉ cho chúng ta.

 

5. What is your hope for the diplomatic between Vietnam and the Holy See?

Đức cha hy vọng điều gì vào mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh?

ĐTGM Marek Zalewski: Diplomacy between the Holy See and Vietnam has changed also in recent years. From the time when was practically impossible to have formal contacts between the government of Vietnam and the Holy See. Now we have permanent residence of the pope’s representative in Vietnam. So it's a huge historical achievement. But this was possible because we are committed to be tolerant, to understand each other,  to be good citizens and good Catholics. This is possible with goodwill. We should follow the Gospel. We should announce, we should be missionaries in our own country. But at the same time we have to try also to respect the civil law and be a good citizens. So this relations has have improved. And in the future I hope will improve even better. My hope, not only my personal hope but also the Holy See’s hope, is that one day we could have full diplomatic relations with Vietnam. This will be great achievement and will be good news for everyone.

Chính sách ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam cũng đã thay đổi trong những năm gần đây. Từ lúc thực tế không thể có được những liên lạc chính thức giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh. Đến giờ đây chúng ta có nơi thường trú của Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam. Vì vậy, đó là một thành tựu lịch sử to lớn. Nhưng điều này có thể thực hiện được vì chúng ta cam kết sẽ cảm thông, thấu hiểu, trở thành những công dân tốt và những người Công Giáo tốt. Điều này có thể thực hiện được bằng thiện chí. Chúng ta nên bước theo Tin Mừng, nên rao truyền, nên là những nhà truyền giáo trên đất nước của mình. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải cố gắng tôn trọng luật pháp và trở thành một công dân tốt. Vì vậy, mối quan hệ này đã được cải thiện. Và trong tương lai tôi hy vọng sẽ còn cải thiện tốt hơn nữa. Niềm hy vọng của tôi, không chỉ hy vọng của cá nhân tôi mà còn là hy vọng của Tòa Thánh, là một ngày nào đó chúng ta có thể có quan hệ ngoại giao toàn diện với Việt Nam. Đây sẽ là một thành quả tuyệt vời và sẽ là một tin vui cho mọi người.

 

6. Do you have any message for the faithful in Vietnam?

Đức cha có điều gì nhắn gửi đến các tín hữu Việt Nam không?

ĐTGM Marek Zalewski: Yes, I have one. First of all, I would like to express my gratitude I have mentioned at the beginning of this interview that I am very grateful to the government, to the Catholic Bishops’ Conference, to all Catholics in Vietnam. Because each time you receive me with great, joy, satisfaction and respect. I am representing the Holy Father in your country and really the Catholics here receive me and treat me as was the pope. So this give me great pleasure. My message is simple: try to be good Catholics, faithful to the gospel of Jesus Christ, joyful because when we are joyful, the people will follow us. And very important that we express our faith in concrete deeds, in charitable job, in respect for others not only with words. At the end I would like to wish to all of you a happy and blessed Lunar New Year to your families, to all Catholics communities, to the Catholic Bishops. May Almighty God bless you and bless our country Vietnam.

Vâng, tôi muốn nói một điều. Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn mà tôi đã đề cập ở đầu cuộc phỏng vấn này rằng tôi cảm ơn Chính phủ, Hội đồng Giám mục Việt Nam, tất cả cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam. Bởi vì mỗi lần tôi được đón tiếp với niềm hân hoan, hài lòng và kính mến nồng nhiệt. Tôi đại diện cho Đức Thánh Cha ở đất nước này và thực tế các tín hữu ở đây đã đón tiếp tôi và chăm sóc tôi như Đức Giáo hoàng. Vì thế, điều này mang lại cho tôi niềm vui lớn. Thông điệp của tôi rất đơn giản: hãy cố gắng trở thành người Công Giáo tốt, trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Hãy hân hoan vì khi chúng ta hân hoan thì mọi người sẽ theo chúng ta. Và điều quan trọng là chúng ta thể hiện niềm tin của mình bằng những việc làm cụ thể, trong công việc bác ái, trong sự tôn trọng người khác chứ không chỉ bằng lời nói. Cuối cùng, tôi xin chúc tất cả mọi người một Tết Nguyên đán vui tươi và ân phúc đến với gia đình quý vị, đến tất cả các cộng đoàn Dân Chúa, tới Hội đồng Giám mục. Xin Thiên Chúa toàn năng ban phúc lành cho quý vị và chúc lành cho đất nước Việt Nam chúng ta.

(Cập nhật lúc 09g25 ngày 09.02.2024)