label

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

KHAI MẠC NĂM THÁNH MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN

KHAI MẠC NĂM THÁNH MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN

Chiều ngày 28/11/2019, Linh mục đoàn Giáo phận đang tĩnh tâm năm đã cùng với Đức Giám mục Giáo phận và Đức TGM Marek Zalewski, vị Đại diện Tòa Thánh dâng lễ tại nhà thờ Chánh tòa để khai mạc Năm thánh mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận.


Mở đầu thánh lễ, Đức Giám mục Giáo phận Giuse Trần Văn Toản đã thay mặt giáo phận chúc mừng Đức TGM Marek Zalewski, vị Đại diện Tòa Thánh đã đến thăm mục vụ Giáo phận, và Đức cha Giuse cũng kêu mời mọi người tạ ơn Chúa với Giáo phận nhân dịp trong đại này. Đáp lại lời chúc mừng, Đức TGM Marek Zalewski đã vui mừng cám ơn và dành nhiều lời tốt đẹp dành cho Giáo phận. Đặc biệt, ngài đã chuyển lời thăm hỏi từ ĐTC Phanxico đến Giáo phận Long Xuyên.


Bài giảng của Đức TGM Marek Zalewski:


Một phần thiết yếu để trở thành một người môn đệ của Đức Giêsu Kitô là sẵn sàng yêu thương. Đã bao lần chúng ta nghe bằng tai và bằng con tim của mình những lời trong đoạn Tin mừng hôm nay, “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).

Tất nhiên, đây là những lời của Chúa chúng ta. Những lời đó được ban ra không phải như một sự gợi ý hay như một sự lựa chọn, giống như điều gì đó mà nếu ta thấy phù hợp thì làm, còn không thì thôi. Đó thực sự là một lệnh truyền, một lời thách đố chúng ta phải thực hành ngày này qua ngày khác, cho tới hơi thở cuối cùng. Có lẽ chúng ta sẽ đồng ý rằng, nói thì dễ hơn làm.

Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng, giáo huấn của Đức Kitô không phải là một triết lý hay một lý thuyết, nhưng đó là một lối sống, một cách yêu thương, được biểu lộ bằng lời nói và việc làm. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, đó là giáo huấn căn bản của Đức Kitô, và đó là công việc đầy thách đố đối với chúng ta, vì nó có thể và thậm chí là một nguyên nhân của đau khổ và cái chết.

Chúng ta có thể hỏi: Đức Kitô đã yêu như thế nào? Trước hết, yêu không tính toán, ngay cả khi việc yêu không tính toán đó đã dẫn đến đau khổ và cái chết trên thập giá. Thật vậy, Đức Kitô đã sống và chết cho người khác và Ngài không bao giờ làm ngơ trước những lời kêu cứu của những người nghèo khổ và túng quẫn. Ngài đã chữa lành cho những người bệnh, mở mắt cho người mù, cho kẻ chết sống lại, và tha tội cho những tội nhân.

Nói cách khác, Đức Kitô đã sẵn sàng chia sẻ những đau khổ và niềm vui của những người xung quanh Ngài. Nguyên tắc chủ đạo của Đức Kitô là, “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6, 37).

Đức Kitô có thể hiểu và hy vọng ở những người khác, cả khi xem ra có nguyên nhân cho sự chán nản hoặc tuyệt vọng. Qua tình yêu tự hiến của mình, Đức Kitô đã chia sẻ trọn vẹn thân phận con người của chúng ta, thậm chí, đến tột cùng của đau khổ và chết cho những người Ngài yêu thương.

Tình yêu của Đức Kitô đã và là một sự hiến tặng chính mình cách liên tục và hào phóng. Quả thế, trước khi hiến mạng sống mình trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao ban Mình và Máu Ngài trong bữa tiệc ly như một quà tặng vĩnh cửu cho những người có thể tin vào Ngài, sống theo giáo huấn và mẫu gương mà Ngài đã sống cách trọn vẹn trong cuộc sống của Ngài. Giáo huấn và mẫu gương đó là: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Lời mời gọi dành cho mỗi chúng ta là, mỗi ngày, chúng ta hãy noi gương Đức Kitô. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng biết được những gì chính yếu phải làm trong những hoàn cảnh nhất định của cuộc sống, cho nên, hãy tạo cho mình có được sự can đảm và sức mạnh để thực hành những gì chúng ta cảm thấy mình được mời gọi.

Chúng ta được hứa về sự hiện diện luôn mãi của Chúa Thánh Thần, Đấng đang sống và hoạt động trong Giáo hội, trong các Bí tích của Giáo hội, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, và trong cuộc sống của chúng ta, để hỗ trợ chúng ta trong cuộc chiến đấu để làm điều tốt. Ngay cả đôi khi hoặc thường xuyên thất bại, chúng ta cũng không được từ bỏ những nỗ lực của mình.

Chúng ta không thể thực sự yêu người khác nếu chúng ta thiếu đôi tai và trái tim rộng mở trước những nhu cầu của họ. Chúng ta có thể nhìn thấy cái đốm hay cái rác trong mắt người khác và từ chối giúp đỡ họ, trong khi thực tế chúng ta lại bỏ sót hay không thấy cái xà trong mắt của chính mình. Theo bước chân của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi thể hiện sự quan tâm thực sự đến hạnh phúc và lợi ích của người khác, ngay cả đối với những người mà chúng ta có thể thấy họ không có sức hấp dẫn đối với chúng ta.

Chân phước Charles de Foucauld tự gọi mình là “người anh em phổ quát”, và đó cũng là mục tiêu của chúng ta: một người anh chị em đối với tất cả những ai có nhu cầu, dù họ ở gần hoặc xa chúng ta.














Đức Thánh Cha Phanxicô: Mối đe dọa nghiêm trọng nhất là đánh mất ý nghĩa sống

Đức Thánh Cha Phanxicô: Mối đe dọa nghiêm trọng nhất là đánh mất ý nghĩa sống

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ sự sống, như khẩu hiệu chuyến viếng thăm Nhật và lưu ý đặc biệt đến nhiều người Nhật ngày nay đánh mất ý nghĩa sống. Ngài nhắc rằng cần phải yêu quý sự sống, kinh tế kỹ thuật thôi không đủ; cần có tình yêu Chúa Kitô để nhận ra sự sống thật ý nghĩa, và phát triển nó trong sự phục vụ tha nhân.
Hồng Thủy - Vatican
Sau chuyến tông du viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản từ ngày 19-26/11, Đức Thánh Cha đã trở lại Roma vào chiều hôm qua 26/11 và sáng nay ngài vẫn gặp gỡ hàng ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô như mọi sáng thứ Tư khác.
Thay vì bài giáo lý, Đức Thánh Cha đã thuật lại các hoạt động của ngài trong chuyến viếng thăm hai quốc gia này. Đức Thánh Cha đặc biệt đề cao chứng tá của Giáo hội tại Thái Lan và Nhật Bản, dù là một thiểu số, nhưng vẫn là chứng tá mạnh mẽ của Tin Mừng qua hoạt động bác ái của mình.
Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm qua tôi trở về sau chuyến viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản; tôi rất biết ơn Chúa về món quà đó. Tôi muốn một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Chính quyền và Giám mục của hai quốc gia này, những người đã mời tôi và chào đón tôi rất nồng nhiệt, và trên hết là cảm ơn người dân Thái Lan và người dân Nhật Bản. Chuyến thăm này đã gia tăng sự gần gũi và tình cảm của tôi đối với những dân tộc này: xin Chúa chúc lành và ban cho họ được thịnh vượng và hòa bình.
Thái Lan: khuyến khích chung sống hòa hợp giữa các thành phần khác nhau
Thái Lan là một vương quốc cổ kính nhưng được hiện đại hóa mạnh mẽ. Khi gặp Quốc vương, Thủ tướng và các cấp chính quyền, tôi đã tôn vinh truyền thống văn hóa và tinh thần phong phú của người Thái, dân tộc của “nụ cười xinh đẹp”, dân tộc mỉm cười. Tôi đã khuyến khích họ dấn thân vì sự hòa hợp giữa các thành phần khác nhau của quốc gia, cũng như để sự phát triển kinh tế có thể mang lại lợi ích cho mọi người và xoa dịu những vết thương của sự bóc lột, đặc biệt là phụ nữ và trẻ vị thành niên. Phật giáo là một phần không thể thiếu trong lịch sử và cuộc sống của người dân nước này, vì vậy tôi đã đến thăm Đức Tăng Thống của các Phật tử, tiếp tục con đường tôn trọng lẫn nhau mà các vị tiền nhiệm của tôi đã khởi xướng, để lòng từ bi và tình huynh đệ có thể gia tăng trên thế giới. Theo nghĩa này, cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn, diễn ra tại trường đại học lớn nhất nước này, rất có ý nghĩa.
Chứng tá bác ái của Giáo hội tại Thái Lan
Chứng tá của Giáo hội tại Thái Lan cũng được tỏ ra qua các hoạt động phục vụ bệnh nhân và những người rốt cùng. Trong số này có Bệnh viện Saint Louis nổi tiếng mà tôi đã đến thăm và khuyến khích nhân viên y tế và gặp gỡ một số bệnh nhân. Sau đó, tôi dành những thời gian cho các linh mục và tu sĩ, cho các giám mục, và cả cho các tu sĩ dòng Tên. Ở Bangkok tôi đã cử hành thánh lễ với tất cả Dân Chúa tại Sân vận động Quốc gia và sau đó là với giới trẻ tại nhà thờ chính tòa. Ở đó chúng tôi đã cảm nghiệm rằng trong gia đình mới được Chúa Giêsu thành lập cũng có những khuôn mặt và tiếng nói của người dân Thái.
Nhật Bản: “Bảo vệ mọi sự sống”
Sau đó tôi đến Nhật Bản. Khi đến Tòa Sứ thần ở Tokyo, tôi đã được các giám mục của nước này chào đón và ngay sau đó tôi đã chia sẻ với các ngài thách đố của người mục tử của một Giáo hội rất nhỏ, nhưng là người mang nước hằng sống, Tin Mừng của Chúa Giêsu.
“Bảo vệ mọi sự sống” là khẩu hiệu chuyến viếng thăm Nhật Bản của tôi, một đất nước mang vết thương của vụ thả bom nguyên tử và là người phát ngôn cho toàn thế giới về quyền căn bản sống và hòa bình. Tại Nagasaki và Hiroshima tôi đã dừng lại cầu nguyện, đã găp một vài người sống sót sau thảm kịch và gia đình của các nạn nhân, và tôi đã lập lại lời lên án mạnh mẽ về vũ khí hạt nhân và sự giả hình khi nói về hòa bình mà lại chế tạo và bán bom đạn chiến tranh. Sau thảm kịch đó, Nhật Bản đã thể hiện một khả năng phi thường để chiến đấu cho sự sống; và mới đây, họ cũng đã làm như vậy, sau ba thảm họa vào năm 2011: động đất, sóng thần và tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân.
Đe dọa nghiêm trọng là mất ý nghĩa sống
Để bảo vệ sự sống thì cần phải yêu quý nó, và ngày nay, mối đe dọa nghiêm trọng, ở các nước phát triển nhất, là sự đánh mất ý nghĩa sống. Các tài nguyên kinh tế thôi thì không đủ, công nghệ thôi không đủ, cần có tình yêu của Chúa Cha mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta và cho chúng ta. Tình yêu đã đem lại sức sống cho chứng tá của các vị tử đạo, như các vị tử đạo ở Nagasaki, thánh Phaolô Miki và 25 người bạn; tình yêu đã nâng đỡ chân phước Justo Takayama Ukon và nhiều người nam nữ vô danh, những người đã giữ vững niềm tin trong thời gian dài bị đàn áp.
Vượt qua sợ hãi và đóng kín
Nạn nhân đầu tiên của sự trống rỗng, thiếu ý nghĩa sống là những người trẻ tuổi, vì vậy đã có một cuộc gặp gỡ ở Tokyo dành riêng cho họ. Tôi lắng nghe những câu hỏi và ước mơ của họ; tôi khuyến khích họ cùng nhau chống lại mọi hình thức bắt nạt, và vượt qua nỗi sợ hãi và đóng kín, bằng cách mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, trong cầu nguyện và phục vụ tha nhân. Tôi đã gặp những người trẻ tuổi khác tại Đại học "Sophia", cùng với cộng đồng học thuật. Trường đại học này, giống như tất cả các trường Công giáo, được đánh giá cao ở Nhật Bản.
Mở lòng ra với thông điệp Tin Mừng
Ở Tokyo, tôi có cơ hội đến thăm Nhật Hoàng Naruhito, tôi muốn tái bày tỏ lòng biết ơn của mình với nhà vua; và tôi đã gặp Chính quyền và ngoại giao đoàn. Tôi hy vọng về một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, đặc trưng bởi sự khôn ngoan và chân trời mở rộng. Vẫn trung thành với các giá trị tôn giáo và đạo đức của mình, và mở lòng ra với thông điệp Tin Mừng, Nhật Bản có thể là một quốc gia hàng đầu vì một thế giới công bằng và hòa bình hơn và vì sự hòa hợp giữa con người và môi trường.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy phó thác Thái Lan và Nhật Bản cho sự tốt lành và quan phòng của Thiên Chúa.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Suy nghĩ về cách người Nhật tổ chức Thánh Lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại Tokyo 25-11-2019

Suy nghĩ về cách người Nhật tổ chức Thánh Lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại Tokyo 25-11-2019





Vào chiều ngày thứ hai 25 tháng 11 vừa qua tại hội trường thể thao Tokyo Dome (Nhật Bản), ĐTC Phan-xi-cô đã đến dâng thánh lễ đại trào cùng với hàng trăm linh mục và trên 50 ngàn giáo dân đến tham dự. Những ai theo dõi thánh lễ này, đều có chung một cảm nhận là khung cảnh và bầu không khí diễn ra thánh lễ thật trang nghiêm, long trọng, sốt sắng và có những nét đặc trưng “Nhật Bản”. Có người đã không ngần ngại thốt lên, “Ôi trên cả tuyệt vời!”.
 
thanhle.jpg

Tuyệt vời không phải do những vòng hoa sặc sỡ, những bảng hiệu bắt mắt, những giàn âm thanh hoành tráng, những cờ quạt biểu ngữ rợp trời, những đội kèn-trống vĩ đại, những tiếng vỗ tay nồng nhiệt, những bài phát biểu rườm rà lê thê vv. là những điều mà chúng ta dễ dàng được chứng kiến trong các buổi lễ Công giáo hiện nay. Ở đây có thể nói ấn tượng về buổi lễ, chính là một sự trang nghiêm thanh thoát, sâu lắng được diễn tả thông qua khung cảnh, màu sắc chủ đạo và sự tối giản của buổi lễ.

Qua quan sát kỹ, chúng ta nhận thấy rằng bối cảnh diễn ra buổi lễ rất đơn giản nhưng không kém phần hiện đại. Trên lễ đài, phía sau ghế vị chủ tế là cây Thánh giá màu trắng vươn cao khoảng từ 10-12 m. Bên dưới có ba bức phông làm nền, bức chính giữa dài hơn và cao hơn một chút. Chính giữa không gian cử hành thánh lễ là một bàn thờ chưng bày sáu cây nến và một thánh giá nhỏ cao khoảng 30 cm. Phía sau bàn thờ là ghế ngồi của ĐTC, dựa vào một tấm nền cao có gắn huy hiệu Giáo hoàng. Bục giảng được bố trí đặt phía bên trái của lễ đài. Ngoài ra, ban tổ chức cũng có đặt phía bên phải lễ đài một tượng Đức Mẹ bằng đồng cao khoảng 1m20. Không hoa, không nến. Tất cả chỉ có thế. Rất đơn giản.       

Về màu sắc, có thể thấy ngay màu trắng chính là màu chủ đạo của buổi lễ. Toàn thể lễ đài đều sáng lên màu trắng biểu tượng cho sự thanh khiết, thánh thiện. Kế đến là phẩm phục của ĐTC Phan-xi-cô và các vị giám mục, linh mục đồng tế cũng toàn màu trắng. Riêng ca đoàn thì mặc đồng phục đen, gồm đủ mọi tuổi tác, thành phần tham gia. Chỉ có một sự khác biệt về màu sắc, đó là tấm thảm đỏ, đó có thể là màu hồng-y, được trải dài suốt từ phía dưới lên trên lễ đài. Màu đỏ hồng y đã nói lên sự kính trọng và sự tiếp đón đặc biệt đối với vị Cha chung của Hội thánh khi ngài là đấng nhân danh Chúa đến với đoàn chiên.

Diễn tiến buổi lễ cũng diễn ra một cách bình thường như bao thánh lễ khác. Riêng bài phát biểu cám ơn sau thánh lễ của ĐTGM Kikuchi của Tokyo cũng rất ngắn, chỉ chừng 3 phút. Sau khi cám ơn xong, ĐTGM Tokyo cũng được vị đại diện của ĐTC trao quà lưu niệm. Thánh lễ kết thúc trong sự hân hoan tột cùng của mọi người, và dư âm của buổi lễ đọng lại trong tâm trí chúng ta về một cách tổ chức lễ nghi Công giáo của người Nhật. Không ồn ào, không phô trương, không hình thức, nhưng sâu lắng và thánh thiện.

Chúng ta biết rằng người Nhật luôn đề cao sự đơn giản, họ coi đó như một triết lý sống. Họ quan niệm lối sống tối giản sẽ đem lại hạnh phúc, tự do và sự bình an cho con người. Vì thế, trong việc tổ chức lễ nghi hay sự kiện tôn giáo, người Nhật cũng muốn thể hiện triết lý “sống tối giản” của họ. Đối với họ, sự đơn giản cũng là một cái đẹp phản ánh sự trong suốt của tinh thần và sự bình an của nội tâm.

Sự đơn giản nhẹ nhàng trong lễ nghi phụng vụ của người Nhật vừa qua đã gợi cho chúng ta suy nghĩ về khuynh hướng của người Công giáo chúng ta tại nhiều nơi hiện nay thích tổ chức những lễ lạy quá thiên về hình thức bên ngoài.   

Một tác giả đã kể lại câu chuyện sau: Ngày 11 tháng 6 năm 2003, một ngày lịch sử của Giáo hội Hoa Kỳ, và cũng là một ngày vinh dự cho Giáo hội Việt Nam, một linh mục gốc Việt Nam, linh mục Đaminh Mai Thanh Lương, được tấn phong Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange, bang California. 

“Trong thánh lễ tấn phong, có Hồng y Roger Mahony, tổng giám mục Los Angeles, một số tổng giám mục, giám mục Hoa Kỳ, và hai giám mục đến từ Việt Nam, Giám mục Nguyễn Văn Yến, giám mục Phát Diệm, và Giám mục Nguyễn Văn Sang, giám mục Thái Bình. Nhiều quan khách từ phía chính quyền, các đại diện tôn giáo bạn. Hàng trăm linh mục, phó tế, nam nữ tu sỹ, đại diện giáo dân, và hàng ngàn khách mời danh dự.

“Một biến cố lịch sử như vậy, nhưng tất cả các nghi thức đều được diễn ra một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, và hết sức trật tự. Điều khiến cho nhiều linh mục, tu sỹ nam nữ, giáo dân Việt Nam, và có lẽ cả hai vị giám mục đến từ Việt Nam phải hết sức bỡ ngỡ là trong suốt thánh lễ và mọi nghi thức tấn phong, Hồng y Mahony không hề phát biểu một câu. Ngài chỉ mặc phẩm phục Hồng y và quỳ chầu lễ. Tất cả các tổng giám mục, giám mục khác cũng ai nấy tham dự một cách hết sức trầm lắng. Và người giám lễ hôm đó không phải là một giám mục, đức ông, linh mục, hoặc tu sỹ, nhưng là một nữ giáo dân.

 
“Tân Giám Mục Mai Thanh Lương trong bài cám ơn cuối thánh lễ cũng rất vắn tắt và không một kể lể rườm rà. Cũng không có ông, bà chủ tịch đại diện các hội đoàn, đoàn thể. Không có đại diện chính quyền. Không có đại diện các tôn giáo bạn lên ngỏ lời chào mừng. Dĩ nhiên, có buổi tiếp tân sau đó tại hội trường nhà xứ dành cho hồng y, các tổng giám mục, các giám mục, các linh mục, tu sỹ nam nữ, các đại diện chính quyền, các đại điện các tôn giáo bạn, các quan khách, và giáo dân. Nhưng đó chỉ là một cuộc tiếp tân hết sức đơn giản”. [1]

Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận có lần cũng đã đề cập đến mười căn bệnh làm băng hoại người Công giáo, trong đó ngài nhắc đến căn bệnh phô trương chiến thắng, như sau:

“Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng pháp gọi là ‘triomphalisme’; người Mỹ cũng có từ ngữ ‘show up’. Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế…Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về! Hãy cai chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?

“Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, Cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự”. [2]

Quả vậy, có nhiều trường hợp người tín hữu chúng ta dễ dàng bị lôi kéo vào cái vòng xoay của một thứ đạo mà tên gọi của nó có nhiều cách để gọi, chẳng hạn đạo-hình-thức, đạo-phô-trương, đạo-sinh-hoạt, đạo-lễ-nghi, đạo-hội-đoàn vv.

Đức HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc nhở chúng ta là hãy đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa. Bởi vì khi chúng ta quá say mê làm những việc-của-Chúa, việc-của-cộng đoàn, việc-của-đoàn thể thì sẽ dễ dàng bỏ qua đời sống nội tâm, lơ là việc kết hiệp với Chúa, khô khan ít cầu nguyện, và không quan tâm tới thực thi bác ái đối với tha nhân. Khi đạo của chúng ta chỉ hời hợt bên ngoài với những việc làm thiên về phô trương, hoành tráng, cao ngạo, đua chen, hình thức thì lúc đó chúng ta đang sa đà vào cái thực trạng này là chúng ta có-đạo-nhưng-không-có-Chúa.

Chúng ta biết rằng, hình thức là cách thế để chuyển tải nội dung, nhưng nếu hình thức bị lạm dụng thì nội dung sẽ cằn cỗi hay bị biến thể. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta vẫn nghe vị chủ thế đọc một cách dõng dạc rằng, “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến  muôn đời” (Kinh Nguyện Thánh Thể II). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người tổ chức cuộc lễ lại cố làm mọi sự thật hoành tráng để làm cho mình được vinh danh, nổi bật hơn là để làm cho “Sáng Danh Chúa”.
Thánh lễ là Phụng vụ thờ phượng Thiên Chúa, cho nên tất cả mọi hoạt động phải quy về Thiên Chúa trong và nhờ Chúa Ki-tô. Chính Chúa Giê-su, khi nói về sự thờ phượng Thiên Chúa, cũng đã nhắc nhở chúng ta: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,19-24). Chúa nói như vậy cũng hàm ý là sự thờ phượng của chúng ta phải biết chọn lọc, cái gì là cái chính, điều gì là phụ thuộc. Nền tảng của sự tôn thờ của chúng ta không thể đánh đổi lấy danh thơm, tiếng tốt của trần gian. Đó là khuynh hướng tục hóa việc đạo của chúng ta.

Xin được nhắc lại lời của Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, như sau: “Hãy cai chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?” [2] ./.

Aug. Trần Cao Khải

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Ngày thứ 3 trong tuần tĩnh tâm năm


Ngày thứ 3 trong tuần tĩnh tâm năm





Ngày thứ 3 trong tuần tĩnh tâm

Buổi sáng, quý Đức cha và linh mục đoàn Giáo phận đã dâng lễ để tạ ơn và thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ của các linh mục, những cha mẹ còn sống cũng như người đã qua đời. Trong dịp này, để sống theo Năm Mục vụ của HDGMVN, Đức cha Giáo phận cũng nhắc nhớ anh em linh mục cầu nguyện cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ đang gặp khó khăn. Nguyện xin Thánh gia luôn đồng hành cùng các gia đình.


Bước vào giò cầu nguyện thứ 4, Đức cha giảng phòng nói về chủ đề Bách Hại. Ngài dựa vào đoạn Tin mừng của Thánh Mt 5,1-12a để nói về lời chúc phúc cho người bách hại vì sự công chính.

Hãy dám sống công chính nếu có bị bách hại. Ngài nhắn nhủ anh em Linh mục hãy cố gắng làm theo thánh ý Chúa, và từ bỏ ý riêng, và nhất là dám khước từ những gì mình đang được hưởng để theo Chúa. Điều đó sẽ làm cho linh mục hạnh phúc. Linh mục cần đón nhận Chúa là gia nghiệp đời mình. Một câu hỏi được đặt ra là: ta cảm nhận thế nào câu nói khi hiến thân là khi được nhận lãnh? Linh mục là người được thánh hiến, được huấn luyện để trọn thuộc về Chúa. Vậy nếu có yếu đuối thì nhận cố gắng hoán cải.

Linh mục cũng như mọi người đang sống trong một thế giới của thời đại thông tin bùng nổ nên những yếu đuối của linh mục dễ bị thổi phồng lên làm cho linh mục bị tổn thương, bị kết án. Chính điều này làm cho linh mục mất hết tinh thần và thông tin sai lạc và cường điệu sẽ xóa sạch mọi cố gắng của linh mục. Tuy nhiên, khi linh mục dám chấp nhận để hoán cải, không đổ lỗi cho ai thì sẽ được Chúa chúc phúc.

Đức cha kêu mời anh em linh mục cầu xin Chúa cho chúng ta nhận ra lời mời gọi của Chúa mỗi ngày qua những dấu chỉ của Chúa gửi đến.



Giờ sinh hoạt mục vụ

Giờ cầu nguyện thứ 5: TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI MỤC TỬ (1Pr 5, 1-4)
 Đức cha nhắc nhở đến bổn phận chăm sóc đàn chiên, theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh. Linh mục cần ý thức mình là chứng nhân của niềm hy vọng. Linh mục ý thức sứ mệnh của mình trong việc chăm sóc đàn chiên của Chúa, và phải thánh hóa bản thân.

Đức cha nhắc lại lời của DTC Phanxico: Linh mục có lúc cần đi trước đàn chiên để dẫn lối và chở che, đi giữa để đồng hành và đi sau đàn chiên để đàn chiên được tiến bước.

Người giáo dân cần linh mục có trái tim biết yêu thương, trung thực, chứ không phải là giao tiêp giỏi, nói hay, dáng vẻ đẹp. Cần biết phân biệt điều chính và điều phụ, biết lắng nghe, chăm sóc họ và biết tin tưởng giáo dân của mình để họ cộng tác với mình. Hãy có cái nhìn bao quát và xa hơn, biết cần làm gì cho đàn chiên của mình.

Đời sống của LM ở vùng nghèo đến đâu cũng không thiếu thốn gì bởi giáo dân có nghèo đến đâu cũng vẫn yêu và hy sinh cho người mục tử của mình. Chúa không bao giờ để cho linh mục phải đói khổ nếu linh mục hy sinh cho đàn chiên của Chúa. Linh mục nên khơi lên nơi người tín hữu niềm hy vọng, đừng thất vọng, đừng buồn chán. Hãy biết thay đổi bản thân mình trước khi muốn thay đổi người khác. Phần thưởng của linh mục là chính Chúa.

5 giờ hướng ý suy niệm của Đức cha giảng phòng cũng đã kết thúc. Chắc chắn anh em linh mục đã được đánh động rất nhiều qua những gợi ý này. Xin Chúa cho anh em chúng con biết biến đổi đời sống và bắt đầu lại mỗi ngày, để chúng con trở thành người mục tử như lòng Chúa mong ước.


Giây phút lắng đọng tâm hồn 


Lời cám ơn kết thúc 


Ngày thứ hai trong Tuần Tĩnh tâm năm

Ngày thứ hai trong Tuần Tĩnh tâm năm





Khởi đầu ngày tĩnh tâm thứ 2, anh em linh mục đoàn cùng nhau thánh hóa đầu ngày bằng giờ đọc Kinh sáng và suy gẫm 30’ theo gợi ý của Cha giáo Gioan Vũ Ngọc Khôi.

Sau đó, anh em cùng dâng lễ cầu nguyện cho Đức Cha cố Micae và 120 Linh mục đã qua đời kể từ khi thành lập Giáo phận năm1960 cho đến ngày hôm nay. Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Giáo phận Giuse đã nhắc nhở em em linh mục dâng lời tạ ơn Chúa vì Người đã gửi các Giám mục và Linh mục đến để phục vụ Giáo phận. Đồng thời Đức cha cũng dâng lời tạ ơn các vị tiền bối đã xây dựng Giáo phận trong suốt 60 năm vừa qua. Chính sự tận tâm và nhiệt thành của các ngài mà Giáo phận đã phát triển kể cả về đời sống đức tin cũng như các cơ sở vật chất.

Đề tài suy niệm thứ 2, Đức cha giảng phòng đã chia sẻ với anh em Linh mục chủ đề : Loan báo Tin mửng cho người nghèo. Đức cha nhấn mạnh đến việc loan báo là băng bó những tấm lòng tan nát bằng việc an ủi và những công việc cụ thể. Linh mục cần có thái độ lắng nghe, đồng hành và động viên để giúp chữa lành những vết thương của người nghèo. Hãy biết quan tâm đến người nghèo vì họ là chính Chúa Giêsu; quan tâm đến người nghèo là đứng về phía Thiên Chúa.

Đức cha kết thúc giờ chia sẻ thứ 2 bằng việc gợi ý giúp anh em Linh mục xét mình qua các câu hỏi:
Tôi quan tâm đến việc loan báo Tin mừng cho người nghèo thế nào? Tôi có thấy hình dạng của Chúa Giêsu nơi những người nghèo không? Chúng ta thường quên chăm lo cho người nghèo trong khi chính họ lại chăm lo cho chúng ta.

Đề tài suy niệm thứ 3: Nước trời như viên ngọc quý. Đức cha diễn giải tại sao người chủ ruộng lại bán đi thửa ruộng có viên ngọc quý? Có thể là họ không biết được giá trị hoặc không quan tâm. Viên ngọc quý là chính Chúa Giêsu. Liên tưởng đến khía cạnh mục vụ, Đức cha nhấn mạnh rằng khi chúng ta đánh mất con người là giáo dân của ta tức là ta đánh mất viên ngọc quý. Nếu khi làm mục vụ, người linh mục chỉ chú trọng đến hình thức và luật lệ, thì rất có thể Chúa sẽ lấy dân đã trao cho ta để trao cho người khác. Hãy biết làm nổi bật Dân của Chúa hơn là nổi bật các tổ chức. Linh mục là người đã được thánh hiến để yêu mến con người trong Giáo hội, nếu quên đi con người, chính con người sẽ làm ta đau khổ. Mỗi anh em linh mục cần nhớ rằng, những ơn lành mà ta có được như ngày hôm nay là do công sức và cầu nguyện của biết bao nhiêu người; và hạnh phúc của linh mục là luôn được đồng hành với Dân Chúa.

Kết thúc ngày tĩnh tâm thứ 2, anh em cùng Chầu Thánh Thể và lắng đọng tâm hồn sau một ngày sống với Chúa và với nhau. Cám tạ Chúa đã gìn giữ và ban muôn ơn lành cho chúng con 2 ngày vừa qua.








Đức Thánh Cha thăm đại học Sophia của dòng Tên ở Nhật Bản

Đức Thánh Cha thăm đại học Sophia của dòng Tên ở Nhật Bản

1574761158746.jpg
Trong bài nói chuyện tại đại học Sophia, Đức Thánh Cha nhắc rằng đại học không chỉ là nơi đào tạo tri thức nhưng còn là nơi một xã hội văn minh và hy vọng có thể được hình thành. Ngài cũng khuyến khích đồng hành với người trẻ và giúp đỡ người nghèo; giáo dục đại học chất lượng không là đặc quyền của số ít, nhưng phải phục vụ công bằng và ích chung.
Hồng Thủy - Vatican
Thứ ba 26/11 là ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm Nhật Bản của Đức Thánh Cha. Lúc quá 7 giờ, Đức Thánh Cha đã từ giã các nhân viên Tòa Sứ thần Tokyo và đến đại học Sophia của dòng Tên cách đó hơn 3 km.
Đại học Sophia
Đại học Sophia là đại học Công giáo được các tu sĩ dòng Tên thành lập vào năm 1913. Thật ra đại học này đã có nguồn gốc từ hơn 450 năm trước, khi nhà truyền giáo dòng Tên – thánh Phanxicô Xaviê – đến Nhật Bản vào năm 1549 với ý tưởng truyền bá Kitô giáo và thành lập một trường đại học. Năm 1908, theo ý muốn của Đức Giáo hoàng Pio X, 3 tu sĩ dòng Tên đã đến Nhật để thành lập đại học Công giáo đầu tiên tại nước này.
Đặc tính quốc tế
Hiện tại đại học Sophia có 8 khoa và 18 phân ngành và liên kết với khoảng 300 đại học tại 59 quốc gia. Đây là một trong những đại học hàng đầu của Nhật. Đại học có một đặc tính quốc tế nổi bật; trong số 13 ngàn sinh viên của đại học, có khoảng 1500 sinh viên ngoại quốc; đội ngũ giáo sư gồm 1400 người thuộc 21 quốc gia. Chủ tịch và viện trưởng đại học là tiến sĩ Yoshiaki Terumichi, còn cha Tsutomu Sakuma là Chưởng ấn đại học.
Đến đại học, Đức Thánh Cha dâng lễ riêng với cộng đoàn dòng Tên tại nhà nguyện của Trung tâm Văn hóa. Sau đó Đức Thánh Cha dùng bữa sáng và gặp cộng đoàn Học viện Massimo, thăm các linh mục cao niên và đau bệnh.
Thăm đại học Sophia
Đến 10 giờ, Đức Thánh Cha được cha giám tỉnh tỉnh dòng Tên ở Nhật và cha Chưởng ấn tháp tùng đến thăm đại học. Đức Thánh Cha đã phát biểu trước các sinh viên, giáo sư và nhân viên của đại học.
Mong ước kiến tạo một xã hội nhân bản, cảm thông và thương xót hơn
Trước hết Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui gặp gỡ các giáo sư và sinh viên của đại học. Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “dù cộng đoàn Kitô giáo Nhật Bản chỉ là thiểu số nhưng sự hiện diện của họ được nhìn nhận” và chính ngài cũng nhận thấy sự tôn trọng dành cho Giáo hội Công giáo. Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “dù sự hiệu quả và trật tự là nét đặc trưng của xã hội Nhật, nhưng chúng ta nhận thấy rằng người ta khao khát tìm kiếm một điều gì đó hơn nữa: đó là mong ước sâu thẳm kiến tạo một xã hội nhân bản, cảm thông và thương xót hơn.”
Vai trò quan trọng của các trung tâm học thuật
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cao việc nước Nhật có thể hợp nhất tư tưởng và tôn giáo của châu Á với nhau và tạo ra một nền văn hóa với một bản sắc cụ thể. Các trung tâm học tập, suy tư và nghiên cứu tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong nền văn hóa ngày nay. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các trung tâm học tập cần duy trì quyền tự chủ và tự do của chúng, như là một dấu hiệu của một tương lai tốt hơn. Ngài giải thích: “Vì các trường đại học vẫn là nơi chính yếu, nơi các nhà lãnh đạo tương lai được đào tạo, tất cả bề rộng kiến thức và văn hóa cần truyền cảm hứng cho tất cả các khía cạnh của các tổ chức giáo dục, khiến chúng ngày càng bao quát hơn và có khả năng tạo ra các cơ hội và thăng tiến xã hội.”
Đại học Sophia: nơi hình thành xã hội tốt hơn và tương lai hy vọng hơn
Dựa trên từ Sophia, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là sự Khôn ngoan. Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta luôn cần sự Khôn ngoan thực sự để sử dụng các nguồn lực của chúng ta theo cách xây dựng và hiệu quả. Nói về Nhật Bản hiện tại như là một xã hội cạnh tranh và công nghệ, Đức Thánh Cha đề nghị đại học Sophia “không chỉ là một trung tâm đào tạo tri thức, mà còn là nơi mà một xã hội tốt hơn và một tương lai đầy hy vọng có thể được hình thành.”
Bảo vệ ngôi nhà chung
Đề tài bảo vệ ngôi nhà chung và căn tính quốc tế của đại học cũng được Đức Thánh Cha đề cập đến. Ngài nói: “Tình yêu thiên nhiên, nét điển hình của các nền văn hóa châu Á, phải được thể hiện trong sự quan tâm thông minh và dự đoán để bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.” Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc rằng “ngay từ khi được thành lập, đại học Sophia đã trở nên phong phú nhờ sự hiện diện của các giáo sư từ các quốc gia khác nhau, đôi khi thậm chí từ các quốc gia có xung đột với nhau. Tuy nhiên, mọi người đều đoàn kết bởi mong muốn cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho giới trẻ Nhật Bản.”
Đại học Sophia luôn nổi bật bởi căn tính nhân văn, Kitô giáo và quốc tế. Đức Thánh Cha tin tưởng rằng căn tính của đại học sẽ luôn được củng cố, “để những tiến bộ công nghệ tuyệt vời ngày nay có thể được sử dụng để phục vụ một nền giáo dục nhân văn, có trách nhiệm với môi trường hơn.”
Sinh viên biết phân định
 Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng truyền thống của thánh Inhaxio mà trên đó đại học Sophia đặt nền tảng, phải linh hứng cho cả giáo viên và sinh viên để tạo ra một bầu khí khuyến khích sự suy tư và phân định. Ngài nói: “Không có sinh viên nào của đại học này tốt nghiệp mà không học cách lựa chọn, cách có trách nhiệm và tự do, những gì mà theo lương tâm là điều tốt nhất.” Mỗi sinh viên có thể đối mặt ngay cả với những trường hợp phức tạp nhất, và biết được hành vi của mình là đúng và nhân bản, có nhận thức và có trách nhiệm, như những người kiên quyết bảo vệ cho người yếu thế.
Quan tâm đến người trẻ
Nói về người trẻ, những thế hệ mới, tương lai của Giáo hội và thế giới, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo hội hoàn vũ quan tâm với hy vọng nơi những người trẻ tuổi trên khắp thế giới. Sứ vụ của đại học Sophia là “chú trọng vào những người trẻ tuổi, những người không chỉ nhận được một nền giáo dục có phẩm chất, nhưng còn tham gia vào nền giáo dục này, khi đưa ra các ý tưởng và chia sẻ tầm nhìn và hy vọng cho tương lai”.
Giáo dục đại học chất lượng không là đặc quyền của một số ít
Đồng hành với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề cũng là một ưu tiên phù hợp với truyền thống Kitô giáo và nhân văn của đại học Sophia. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đại học phải luôn sẵn sàng tạo ra một quần đảo có khả năng liên kết những người bị cảm thấy tách biệt về mặt xã hội và văn hóa. Ngài nói: “Những người bị gạt ra ngoài lề nên được kết hợp một cách sáng tạo vào cuộc sống và chương trình giảng dạy của trường đại học, trong nỗ lực mang lại một phương pháp giáo dục nhằm giảm khoảng cách và sự cách biệt.” Đức Thánh Cha thêm nói thêm: “Giáo dục đại học chất lượng thay vì được coi là đặc quyền của một số ít, thì nó phải đi kèm với nhận thức là người phục vụ công bằng và ích chung.”
Đức Thánh Cha còn mời gọi các bạn trẻ, các giáo sư và nhân viên của Đại học Sophia “tìm kiếm và truyền bá sự Khôn ngoan thiêng liêng và mang lại niềm vui và hy vọng cho xã hội ngày nay.”
Những lời cuối cùng Đức Thánh Cha dành để cảm ơn tất cả nhân dân Nhật Bản vì sự tiếp đón thân thiện đã dành cho ngài trong chuyến viếng thăm này.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

ĐTC gặp các nạn nhân của “Tam Đại Họa - Triple Disaster”

ĐTC gặp các nạn nhân của “Tam Đại Họa - Triple Disaster”

Thứ Hai 25/11/2019, ĐTC bước sang ngày thứ ba chuyến tông du tại Nhật Bản. Vào lúc 9 giờ 50’, từ Tòa Khâm Sứ, ĐTC đến trung tâm Bellesalle Hanzomon để gặp các nạn nhân của “Tam Đại Họa - Triple Disaster”, nạn nhận của trận động đất mạnh 9 độ richter, sau đó đã tạo ra sóng thần và vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào tháng 3 năm 2011.
Ngọc Yến - Vatican News
Bellesalle Hanzomon là một trong những trung tâm hội nghị quan trọng của thủ đô Nhật Bản, nó còn  được sử dụng làm không gian cho triển lãm, tiệc chiêu đãi và hội nghị quốc tế, mỗi năm có khoảng 11 nghìn sự kiện được tổ chức tại đây. Sảnh chính có sức chứa hơn 800 người.
Khi đến nơi, ĐTC được Đức Tổng Giám mục Tokyo và Giám mục Sendai, giáo phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất và sóng thần, đón tiếp tại lối vào của Bellesalle Hanzomon. ĐTC tiến tới chào 10 nạn nhân của Tam Đại Họa.
Sau khi lắng nghe chứng từ của Toshiko, Tokuun và Matsuki, đại diện cho các nạn nhân của Tam Đại Họa, ĐTC đã có bài diễn văn.
Đau khổ và hy vọng một tương lai tươi sáng
ĐTC cho biết, đối với ĐTC, đây là thời điểm quan trọng trong chuyến tông du tới Nhật Bản. ĐTC cám ơn mọi người đã đón tiếp ngài, đặc biệt cám ơn Toshiko, Tokuun và Matsuki, đại diện cho các nạn nhân của Tam Đại Họa bày tỏ nỗi đau khổ của các nạn nhân, nhưng đồng thời cũng nói lên niềm hy vọng cho một tương lai tươi sáng.
Tiếp đến, ĐTC cám ơn chính quyền và những người đã giúp tái thiết thảm họa. Những người hảo tâm  không chỉ tại Nhật mà từ khắp nơi trên thế giới đã ứng cứu kịp thời ngay sau thảm họa. ĐTC cũng nhấn mạnh rằng việc trợ giúp cần phải tiếp tục chứ không chỉ giới hạn trong một thời gian ngắn.  Không ai “tái xây dựng” một mình; không ai có thể bắt đầu lại một mình. Điều cần thiết là có một bàn tay giúp đỡ, một bàn tay huynh đệ, có thể trợ giúp không chỉ vật chất mà cả cái nhìn và hy vọng.
Tình liên đới của người Nhật
ĐTC ca ngợi tinh thần liên đới của người dân Nhật: “Tám năm sau thảm họa, Nhật Bản đã cho thấy một dân tộc có thể hiệp nhất như thế nào trong tình liên đới, kiên nhẫn và khả năng chịu đựng. Tôi mời quý vị tiến về phía trước mỗi ngày, từng chút một, để xây dựng tương lai dựa trên tình liên đới và cùng nhau dấn thân, cho chính cuộc sống của quý vị, cho con cháu và cho các thế hệ mai sau”.
Công nghệ không phải là thước đo duy nhất cho sự phát triển của con người
Liên quan đến thảm họa, ĐTC nói về tiến bộ của công nghệ: “Thời đại của chúng ta bị cám dỗ cho rằng tiến bộ công nghệ là thước đo cho sự phát triển của con người. ‘Kiểu mẫu công nghệ’ phát triển này định hình cuộc sống của mọi người và sự vận hành của xã hội và thường dẫn đến một chủ nghĩa giản lược, chạm đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội của chúng ta. Vì thế, điều quan trọng là phải dừng lại, suy nghĩ và tự hỏi: Chúng ta là ai? Và có lẽ quan trọng hơn, chúng ta muốn trở thành ai? Mô hình thế giới nào, loại di sản nào chúng ta muốn để lại cho những người đến sau chúng ta? Trí tuệ và kinh nghiệm của người già, cùng với sự dấn thân và nhiệt huyết của người trẻ, có thể giúp hình thành một tầm nhìn khác, một cái nhìn trân trọng món quà của cuộc sống và tình liên đới với anh chị em chúng ta trong một gia đình đa sắc tộc và đa văn hóa”.
Trách nhiệm đối với thế hệ tương lai
“Khi chúng ta nghĩ về tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta, chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta không thể đưa ra những quyết định hoàn toàn ích kỷ. Chúng ta phải có trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai. Tất cả chúng ta, mỗi người với chính văn hóa và kinh nghiệm, chính sáng kiến và khả năng của mình cùng nhau cộng tác như những dụng cụ của Chúa để chăm sóc công trình sáng tạo”.
Kết thúc bài huấn dụ, ĐTC nhắc nhở: “Anh chị em thân mến, để việc phục hồi và tái thiết sau thảm họa được tiếp tục, cần phải có nhiều bàn tay và nhiều trái tim hợp nhất như thể là một. Bằng cách này, những người đã gánh chịu thảm kịch sẽ nhận được hỗ trợ và biết rằng họ không bị lãng quên. Họ biết rằng nhiều người chia sẻ nỗi đau của họ và sẽ tiếp tục mở rộng bàn tay huynh đệ để giúp đỡ. Một lần nữa, tôi có lời khen và cám ơn tất cả những ai đã cố gắng làm nhẹ gánh nặng của các nạn nhân. Lòng trắc ẩn này sẽ giúp cho mọi người tìm thấy hy vọng, sự ổn định và an toàn cho tương lai”.
Sau bài bài diễn văn, ĐTC được đưa tới Hoàng cung Tokyo Nhật Bản để gặp riêng Nhật hoàng Naruhito. 

Photogallery

ĐTC gặp nạn nhân của “Tam Đại Họa - Triple Disaster”