label

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Lần đầu tiên từ 125 năm Đức Giáo Hoàng tiếp các Giám Mục Công Giáo Cũ

Lần đầu tiên từ 125 năm Đức Giáo Hoàng tiếp các Giám Mục Công Giáo Cũ



VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi đào sâu quan hệ đại kết và sự cộng tác giữa các tín hữu Công Giáo và Công Giáo cũ để đáp ứng tình trạng khủng hoảng tinh thần trong xã hội ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 30-10-2014, dành cho Phái đoàn của Hội đồng quốc tế các GM Giáo Hội Công Giáo cũ, quen gọi là Liên minh Utrecht. Giáo Hội này qui tụ những tín hữu ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo sau Công đồng chung Vatican I hồi năm 1870 vì không chấp nhận tín điều ĐGH được ơn bất khả ngộ khi tuyên tín. Đa số tín hữu Công Giáo cũ sống tại Đức, Hòa Lan, Áo, Thụy Sĩ và Cộng hòa Tiệp. Tổng số tín hữu Công Giáo cũ trên thế giới vào khoảng 115 ngàn người, theo thống kê năm ngoái.

Giáo Hội Công Giáo và Công Giáo cũ bắt đầu đối thoại thần học từ 48 năm nay (1966) và đây là lần đầu tiên kể từ 125 năm nay, ĐGH tiếp kiến một đoàn GM thuộc các Giáo Hội này.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận những tiến bộ mà Ủy ban đối thoại giữa Công Giáo và Công Giáo cũ đã đạt được, qua việc xác định những điểm đồng thuận và những dị biệt giữa hai bên. Nhưng ngài cũng bày tỏ đau buồn vì qua dòng thời gian đã có thêm những bất đồng nảy sinh. ĐTC nói: “Những vấn đề thần học và Giáo Hội học nảy sinh giữa chúng ta thời chia cách nay lại trở nên khó vượt thắng hơn vì sự cách biệt rộng lớn hơn giữa chúng ta về vấn đề thừa tác vụ và phân định luân lý”.

Theo ĐTC, thách đố hiện nay đối với hai bên là kiên trì đối thoại thần học và đồng hành với nhau, cầu nguyện chung và cộng tác trong tinh thần hoán cải sâu xa đối với tất cả những gì Chúa Kitô muốn cho Giáo Hội. Trong sự chia cách này, từ cả hai phía đều có những tội nặng và lỗi lầm phàm nhân. Trong tinh thần tha thứ cho nhau và thống hối, nay chúng ta cần củng cố ước muốn hòa giải và hòa bình.

ĐTC cũng cổ võ sự cộng tác giữa các tín hữu Công Giáo và Công Giáo cũ để đáp ứng cuộc khủng hoảng tinh thần sâu đậm đang đè nặng trên các cá nhân và xã hội. Hiện nay có sự khao khát nồng nhiệt đối với Thiên Chúa, có ước muốn sâu xa phục hồi ý nghĩa cuộc sống và có nhu cầu cấp thiết phải làm chứng tá đầy sức thuyết phục về chân lý và các giá tri Phúc Âm. Trong lãnh vực này chúng ta có thể nâng đỡ và khích lệ nhau, nhất là trên bình diện các giáo xứ và các cộng đoàn địa phương” (SD 30-102014)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

THÔNG BÁO: THƯỜNG HUẤN GIÁO LÝ VIÊN DỰ TÒNG 2014

THÔNG BÁO: THƯỜNG HUẤN GIÁO LÝ VIÊN DỰ TÒNG 2014


Trọng kính Quý Cha,

Để tiếp tục chương trình đào tạo năm 2014, Ban Giáo Lý Giáo Phận sẽ tổ chức một ngày thường huấn cho các Giáo Lý Viên dạy Dự Tòng.

1. Đối tượngTu sĩ, giáo dân (quý cha có thể tham dự)

2. Thời điểm và địa điểm: để thuận tiện cho việc đi lại, chúng con xin sắp xếp như sau:

Dành cho 5 Giáo Hạt: Vĩnh An, Vĩnh Thạnh, Tân Hiệp, Tân Thạnh, Rạch Giá
+ Thứ ba, ngày 4 tháng 11 năm 2014
+ Địa điểm: Nhà thờ Thạnh An, Kinh D Phố

- Dành cho 3 Giáo Hạt: Châu Đốc, Long Xuyên và Chợ Mới
+ Thứ tư, ngày 5 tháng 11 năm 2014
+ Địa điểm: nhà Thờ Năng Gù

Riêng Giáo Hạt Hà Tiên sẽ sắp xếp sau.

3. Thời giantừ 8 giờ đến 15 giờ (3 giờ chiều)

4. Nội dung chính

- Đề tài 1: Thờ cúng tổ tiên, ông bà
- Đề tài 2: Đi tìm Chúa qua các tôn giáo và Kitô giáo
- Trao đổi chung hoặc theo nhóm

5. Không phải đóng góp (Ban giáo lý lo tài liệu và ăn uống)

* Kính xin quý Cha đăng ký nơi các cha Đặc trách Giáo Lý Hạt sớm nhất có thể.
* Xin quý Cha Đặc trách cho chúng con biết tổng số người đăng ký vào trước ngày thứ bảy, 1/11, để chúng con kịp lo in tài liệu và chuẩn bị bữa ăn trưa.

Chúng con xin hết lòng cám ơn.


 TM. Ban Giáo Lý Giáo Phận

Linh mục Vinh Sơn Nguyễn văn Thanh

Không có tiến bộ đại kết nào mà không cần đổi mới nội tâm


Không có tiến bộ đại kết nào mà không cần đổi mới nội tâm
WHĐ (27.10.2014) – Hôm thứ Sáu 24-10, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến một phái đoàn của tổ chức Orientale Lumen ở Hoa Kỳ, trong dịp phái đoàn này hành hương đến Roma.
Ngỏ lời với phái đoàn đại kết này, Đức Thánh Cha nói: “Mi cuộc hành hương Kitô giáo không chỉ là sự dời chỗ trong không gian địa lý nhưng trước hết là cơ hội canh tân nội tâm để đến gặp Chúa ... Chiều kích này là điều cần thiết để đạt được hoà giải  hiệp thông trọn vẹn đối với những ai bước theo Chúa Kitô. Không thể có tiến bộ đại kết mà không đổi mới từ bên trong, mà không nỗ lực trung thành với Chúa Kitô và Thánh ý Người hơn nữa”.
Đức Thánh Cha cũng bày tỏ vui mừng khi biết được mục đích cuộc hành hương của phái đoàn là nhằm tôn vinh hai vị thánh giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Đức Thánh Cha nói rằng đó là sự ca ngợi những đóng góp to lớn của hai vị thánh này đối với công cuộc phát triển và thắt chặt hơn nữa những mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo các Giáo hội Chính thống giáo. Chắc chắn tấm gương sáng ngời của hai vị thánh làm cho chúng ta thêm phong phú, vì các ngài luôn làm chứng về nhiệt tình say mê với công cuộc hiệp nhất Kitô giáo.
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô xin phái đoàn cầu nguyện cho ngài trong cuộc hành hương này, để nhờ sự chuyển cầu của các đấng thánh tiền nhiệm của tôi  theo ý Chúa, tôi có thể hoàn thành sứ vụ phục vụ sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha xin phái đoàn chuyển lời chào thân ái đến Đức Thượng phụ Constantinopolis, mà ngài sẽgặp trong một tháng nữa nhân dịp viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
(VIS)

Minh Đức

Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn sự đóng góp của Đức Biển Đức 16

Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn sự đóng góp của Đức Biển Đức 16



VATICAN. ĐTC Phanxicô nhiệt liệt ca ngợi và cám ơn sự đóng góp của ĐGH Biển Đức 16 cho thần học và khoa học, qua các giáo huấn, tấm gương và hoạt động của Người.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây sáng ngày 27-10-2014 tại trụ sở Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học ở nội thành Vatican, nhân dịp khánh thành bức tượng bán thân bằng đồng của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 tại đây. Hiện diện tại buổi lễ có các HY, GM, LM và cũng như các thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh. ĐTC nói:

”Pho tượng bán thân này của Đức Biển Đức 16 gợi lại trước mắt mọi người con người và khuôn mặt của ĐGH Ratzinger yêu quí. Tượng cũng gợi lại tinh thần của Người: tinh thần các giáo huấn, tấm gương, công trình, lòng tận tụy của Người đối với Giáo Hội, và cuộc sống ”đan tu” của Người hiện nay. Tinh thần này không phai mờ với thời gian, trái lại sẽ trở nên lớn lao và mạnh mẽ từ đời này sang đời khác. Biển Đức 16: một vị Đại Giáo Hoàng. Vĩ đại vì sức mạnh và trí thông minh thấu triệt của Người, thấu triệt vì sự đóng góp quan trọng của Người cho nền thần học, vĩ đại vì lòng yêu mến của Người đối với Giáo Hội và con người, vĩ đại vì nhân đức và lòng đạo đức của Người. Như anh chị em biết, lòng yêu mến của Người đối với sự thật không chỉ giới hạn vào thần học và triết học, nhưng còn cởi mở đối với các khoa học. Lòng yêu mến của Người đối với khoa được được biểu lộ qua sự quan tâm đối với các nhà khoa học, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch, nền văn minh và tôn giáo”.

ĐTC cũng nhắc lại sự kiện lần đầu tiên ĐGH Biển Đức 16 đã mời một vị Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học tham dự Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giáo (10-2012), với ý thức về tầm quan trọng của khoa học trong nền văn hóa hiện đại.

ĐTC mời gọi mọi người cảm tạ Thiên Chúa vì món quà Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới qua triều đại của ĐGH Biển Đức.

Cũng trong diễn văn, ĐTC đề cập đến đề tài khóa họp vừa kết thúc của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học về sự tiến hóa của ý niệm thiên nhiên. Ngài nhấn mạnh rằng Thiên Chúa và Chúa Kitô đang đồng hành với chúng ta và hiện diện cả trong thiên nhiên, như thánh Phaolô Tông đồ đã quả quyết trong diễn văn tại Diễn trường ở thành Athènes Hy Lạp: “Thực vậy chúng ta sống trong Thiên Chúa, chúng ta cử động và hiện hữu trong Chúa” (Cv 17,28).

ĐTC cũng nhận xét rằng khi đọc trong sách Sáng thế trình thuật về việc sáng tạo, chúng ta có nguy cơ tưởng tượng Thiên Chúa như một pháp sư, với chiếc đũa thần, làm mọi sự. Nhưng không phải như vậy. Thiên Chúa đã tạo dựng các sinh vật và để cho chúng phát triển theo các qui luật nội tại mà Chúa ban cho mỗi loại, để chúng phát triển, để đạt tới mức độ viên mãn. Chúa ban cho các sinh vật của vũ trụ sự tự trị đồng thời nơi chúng, Chúa đảm bảo sự hiện diện liên tục của Ngài, mang lại sự hiện hữu cho mỗi thực tại”.

Theo chiều hướng đó, ĐTC khẳng định rằng Big-Bang, vụ nổ vĩ đại mà ngày nay người ta coi là ở nơi nguồn gốc thế giới, không hề mâu thuẫn với sự can thiệp sáng tạo của Thiên Chúa nhưng đòi phải có sự kiện ấy. Sự tiến hóa trong thiên nhiên không tương phản với ý niệm sáng tạo, vì sự tiến hóa giả thiết có sự sáng tạo các hữu thể tiến hóa” (SD 27-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

“Relatio Synodi”: những điểm còn chưa đồng thuận


Relatio Synodinhững điểm còn chưa đồng thuận
WHĐ (21.10.2014) – Sau hai tuần nhóm họp, Đại hội Ngoại thường lần thứ III Thượng Hội đồng Giám mục do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập vừa bế mạc vào Chúa nhật 19-10 với việc thông qua “Relatio Synodi” (bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng) và Sứ điệp gửi các gia đình trên thế giới.
Theo yêu cầu của Đức Thánh Cha, các cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng đã diễn ra trong bầu khí rất tự do và thẳng thắn. Thực sự đã có cuộc trao đổi ý kiến về những vấn đề hiện sinh liên quan đến hôn nhân và gia đình, và không hề có việc sắp đặt hay vận động.
Bản Relatio Synodi gồm 62 số, được các nghị phụ thông qua bằng cách bỏ phiếu từng số (với kỹ thuật điện tử). Có hai chọn lựa: thuận hay chống (placet/non placet). Để được thông qua, mỗi số trong tài liệu này phải đạt được đa số hai phần ba của 183 nghị phụ có mặt bỏ phiếu thuận.
Kết quả, có 3 số không đạt được điều kiện trên là các số 52, 53 và 55. Tuy nhiên Đức Thánh Cha vẫn quyết định cho công bố toàn văn bản Relatio Synodi (với cả các con số phiếu thuận và phiếu chống của từng số), nhằm cho thấy rõ ràng bức tranh toàn cảnh của cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng và mức độ các nghị phụ đồng ý hay không đồng ý về nội dung của từng số. Hơn nữa bản Relatio Synodi này vẫn chỉ là một tài liệu làm việc các Giáo hội địa phương sẽdùng để thảo luận trong năm tới, cho đến Thượng Hội đồng Giám mục Khoá thường lệ thứ 14 về gia đình sẽ diễn ra vào tháng Mười 2015.
Nếu nội dung của số 51 được thông qua (với 155 phiếu thuận so với 19 phiếu chống) như sau: Những trường hợp mà những người ly dị tái hôn phải đối mặt cũng đòi phải được xem xét cách cẩn trọng  tôn trọngtránh những kiểu nóivà thái độ có thể làm cho họ cảm thấy bị phân biệt đối xửHọ phải được khuyến khích tham gia vào đời sống Giáo hội.Việc chăm sóc những người này không làm suy giảm đức tin của các cộng đoàn Công giáo cũng như niềm tin vào tínhbất khả phân ly của hôn nhân. Trong thực tế, chăm sóc như vậy là thực hiện một hành động bác ái”; thì số tiếp theo (52) là số gây tranh cãi nhất trong 62 số của Relatio Synodi và không được thông qua (104 phiếu thuận so với 74 phiếuchống). Nội dung số này đề cập khả năng cho phép những người ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tíchThượng Hội đồngsuy tư về khả năng cho phép những người ly dị tái hôn được lãnh nhận bí tích Giải tội và bí tích Thánh Thể. Một sốnghị phụ ủng hộ các lề luật hiện hành dựa trên cơ sở mối liên quan giữa việc rước lễ và sự hiệp thông với Giáo hộicũng như giáo huấn của Giáo hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân. Những vị khác ủng hộ việc cho phép những người ly dị tái hôn rước lễ trong một số hoàn cảnh cụ thể  với những điều kiện rất chặt chẽ, đặc biệt là đối với các trường hợp không thể đảo ngược được hoặc các trường hợp có liên quan đến nghĩa vụ đạo đức đối với con cái sẽ bị ảnh hưởng một cách bất công khác. Trước khi lãnh nhận bí tích phải có một thời gian sám hốitheo hướng dẫn củaĐức giám mục giáo phậnVấn đề này phải được xem xét kỹ lưỡngmặc dù ý thức được sự khác biệt giữa tình trạng tội lỗi khách quan  những hoàn cảnh giảm khinhĐiều này giả thiết rằng việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành độngcó thể được giảm bớt hay xoá b do thiếu hiểu biếtsơ suấtdo áp lực, sợ hãi, do thói quen, do tâm lý bất ổndo các nhân tố tâm lý hay xã hội (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo1735).
Số kế tiếp (53) cũng không được thông qua (112 phiếu thuận so với 64 phiếu chống), nói về hai hình thức rước lễ như sau: Một số nghị phụ cho rằng người ly dị và tái hôn có thể rước lễ thiêng liêng cách hiệu quảCác nghị phụ khác đặt câu hỏi tại sao họ không được rước lễ thực sự ngay lúc này. Vì thế vấn đề này cần phải đào sâu để làm rõ tính đặc thù của cả hai hình thức rước lễ và mối liên kết của chúng với thần học về hôn nhân.
Cuối cùngcũng không được thông qua là số nói về đồng tính luyến ái (55)với 118 phiếu thuận so với 62 phiếu chống,như sau: Một số gia đình có thể có thành viên có khuynh hướng tính dục hướng đến người đồng giới. Thượng Hộiđồng vừa suy tư v cách chăm sóc mục vụ cho những người đang sống trong tình trạng nàyvừa vẫn ghi nhớ giáo huấn của Giáo hội: “Tuyệt đối không có bất cứ cơ sở nào để coi sự kết hợp đồng tính là tương đương, kể cả có một chút tương tự nào đó với kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình… Tuy nhiên, những người nam và người nữ cókhuynh hướng đồng tính phải được đón nhận với sự tôn trọng và tế nhị[Tuy nhiên], cần tránh mọi dấu hiệu phân biệt đối xử bất công đối với họ” (Bộ Giáo lý Đức tin).
Để hiểu được chủ đề này nhạy cảm như thế nào, điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả khi một số nào đó lặp lại những gì Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo hay Bộ Giáo lý Đức tin đã nói, cũng không hẳn sẽ đạt được đa số hai phần baphiếu thuận.

Minh Đức

Đức Thánh Cha nhóm Công nghị Hồng Y

Đức Thánh Cha nhóm Công nghị Hồng Y



VATICAN. Sáng 20-10-2014, ĐTC đã chủ tọa công nghị Hồng Y về tình hình các tín hữu Kitô tại Trung Đông và quyết định về việc phong Hiển thánh.

Tham dự công nghị bắt đầu lúc 9 giờ sáng tại Hội trường Thượng HĐGM cũng có các vị Thượng Phụ và một số Giám Mục.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nói: ”Chúng ta có cùng ước muốn hòa bình và ổn định tại Trung Đông và ý chí cổ võ giải pháp cho các cuộc xung đột bằng cách đối thoại, hòa giải và dấn thân chính trị. Đồng thời chúng ta muốn gia tăng sự trợ giúp có thế cho các cộng đồng Kitô để hỗ trợ họ ở lại vùng miền ấy.

”Như tôi đã có dịp lập lại nhiều lần, chúng ta không thể có thái độ cam chịu khi nghĩ đến miền Trung Đông không còn Kitô hữu nữa, những người từ 2 ngàn năm nay đã tuyên xưng danh Chúa Giêsu tại đó. Những biến cố gần đây, nhất là tại Irak và Siria, gây lo âu rất nhiều. Chúng ta chứng kiến một hiện tượng khủng bố có chiều kích không thể tưởng tượng được trước đây. Bao nhiêu anh chị em chúng ta bị bách hại và đã phải rời bỏ gia cư, cả trong tình thế tàn bạo. Dường như người ta đánh mất ý thức về giá trị sự sống con người, con người dường như không đáng kể gì nữa, và người ta có thể hy sinh con người cho những lợi lộc khác. Rất tiếng là tất cả những điều đó xảy ra trong sự dửng dưng của bao nhiêu người.

Và ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tình trạng bất công này, không những đòi lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng còn cần phải có câu trả lời thích hợp từ phía cộng đồng quốc tế. Tôi chắc chắn rằng với sự phù trợ của Chúa, từ cuộc gặp gỡ hôm nay, sẽ có những suy tư giá trị và những đề nghị để có thể giúp anh chị em chúng ta đang chịu đau khổ và đáp ứng cả thảm trạng suy giảm sự hiện diện của Kitô giáo tại miền đất nơi Kitô giáo được khai sinh và phổ biến.

Đức Hồng Y Parolin
Tiếp lời ĐTC, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tường trình trước công nghị về khóa họp mới đây tại Vatican, từ ngày 2 đến 4-10 vừa qua của các vị Sứ thần Tòa Thánh ở Trung Đông, các đại diện Tòa Thánh tại LHQ ở Genève và New York cùng với các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh về sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Trung Đông.

Trước tiên các vị bàn về tình trạng không thể chấp nhận được tại Trung Đông do cái gọi Nhà Nước Hồi giáo, một thực tài chà đạp công pháp và dùng những phương pháp khủng bố để mưu toan mở rộng quyền bính: giết người hằng loạt, chém đầu những kẻ nghĩ khác họ, bán phụ nữ ở chợ, xung các trẻ em vào các cuộc chiến đấu, tàn phá các nơi thờ phượng.. Tình trạng đó khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ gia cư đi lánh nạn nơi khác, trong những điều kiện bấp bênh, chịu bao đau khổ về thể lý và tinh thần. Khi lên án rõ ràng những vi phạm đó, không những đối với công pháp quốc tế về nhân đạo, nhưng cả về các nhân quyền sơ đẳng nhất, người ta cũng tái khẳng định quyền của người tị nạn được trở về đất nước của mình và sống trong phẩm giá, trong an ninh. Đó là quyền phải được cộng đồng quốc tế và các quốc gia hỗ trợ và bảo đảm. Điều có liên hệ ở đây là những nguyên tắc căn bản như giá trị sinh mạng và phẩm giá con người, tự do tôn giáo, sự sống chung hòa bình và hòa giữa các cá nhân và giữa các dân tộc.

ĐHY Parolin cũng nhấn mạnh rằng các cuộc xung đột ở Trung Đông là một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định quốc tế. Hòa bình ở Trung Đông không thể tìm kiếm bằng những chọn lựa đơn phương áp đặt bằng võ lực.

ĐHY nhắc đến lời ĐTC lên án nạn buôn bán võ khí là một trong những nguyên nhân tạo nên nhiều nạn nhân ở Trung Đông và cộng đồng quốc tế không thể nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề này.

ĐHY Quốc vụ khanh nói đến nạn xuất cư của các tín hữu Kitô ra khỏi Trung Đông, vai trò của Giáo Hội và của cộng đồng quốc tế. Ngài kêu gọi đi tới và giải quyết tận căn những nguyên nhân gây ra các vấn đề hiện nay và cổ võ con đường đối thoại và thương thuyết vì con đường bạo lực chỉ đưa tới tàn phá, đồng thời ĐHY xác quyết rằng việc bảo vệ các tín hữu Kitô và tất cả các nhóm tôn giáo và chủng tộc thiểu số cần phải đặt trong bối cảnh bảo vệ con người và tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo và tự do lương tâm.

Đề cập đến thảm trạng của bao nhiêu người tị nạn, như một nửa dân số Siria đang cần được cứu trợ về nhân đạo, ĐHY Parolin nói: Giáo hội khuyến khích cộng đồng quốc tế quảng đại đáp ứng thảm trạng này, và về phần mình, Giáo hội cũng đóng góp, đặc biệt qua các Caritas địa phương và các cơ quan cứu trợ Công Giáo, giúp đỡ các nạn nhân, không những các tín hữu Kitô, nhưng tất cả những người đang chịu đau khổ.

Trong công nghị, ĐTC đã ấn định ngày phong hiển thánh cho chân phước LM Joseph Vaz là 14-1-2015, trong chuyến viếng thăm của ngài tại Sri Lanka từ 13 đến 15-1 năm tới. Thánh nhân từ Ấn Độ đến truyền giáo tại Sri Lanka trong thời kỳ người Hòa Lan bách hại các tín hữu Kitô tại đảo này. (SD 20-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Lễ phong chân phước cho Đức Phaolô 6

Lễ phong chân phước cho Đức Phaolô 6 và bế mạc Thượng HĐGM thế giới




VATICAN. Sáng chúa nhật 19-10-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trước sự hiện diện của 80 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô để tôn phong ĐGH Phaolô 6 lên bậc chân phước đồng thời bế mạc Thượng Hội đồng Giám Mục khóa đặc biệt thứ 3 sau 2 tuần tiến hành với chủ đề ”Những thách đố về việc mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu thật đẹp, có gần 200 nghị phụ, hàng trăm Hồng Y và GM Italia và các nước khác về dự lễ phong chân phước, và gần 1 ngàn linh mục ngồi trong khu vực riêng trước thềm Đền thờ. Đặc biệt lúc 10 giờ sáng, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, trong phẩm phục đồng tế, tiến ra lễ đài và ngồi nơi hàng ghế cạnh các Hồng y đồng tế. Các tín hữu đã vỗ tay nồng nhiệt chào đón ngài.

Khi tiến ra bàn thờ, ĐTC Phanxicô đã đến chào vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài.

Đứng cạnh ĐTC trên bàn thờ là 6 chức sắc của Thượng HĐGM và có thêm 4 vị GM, Hồng Y có liên hệ đặc biệt với vị tân chân phước, đó là ĐGM giáo phận Brescia nguyên quán của Đức Phaolô 6, ĐHY Scola kế nhiệm Người trong chức vụ TGM Milano, ĐHY Re cùng thuộc giáo phận Brescia và sau đùng là ĐHY Vallini giám quản Roma.
Áo lễ ĐTC Phanxicô mặc cũng là áo lễ ĐGH Phaolô 6 nhận được trong dịp ngài mừng sinh nhật thứ 80 và chén lễ cũng là chén mà Đức Phaolô 6 đã dùng.

Trong số các tín hữu hiện diện trong thánh lễ, đặc biệt có 3 ngàn tín hữu từ giáo phận Milano và 5.300 người khác từ giáo phận Brescia của Đức chân phước Giáo Hoàng, trong khi các chủng sinh của hai giáo phận này đảm nhận việc giúp lễ.

Đầu thánh lễ, sau kinh thương xót, Đức Cha Monari, GM giáo phận Brescia, cùng với Cha Antonio Marrazzo, dòng Chúa Cứu Thế là thỉnh nguyện viên án phong, đã tiến lên trước ĐTC xin ngài tiến hành việc phong chân phước cho Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô 6, Giáo Hoàng. Trong dịp này, tiểu sử của Đức Phaolô 6 cũng được trình bày.
Tóm lược tiểu sử vị tân chân phước

Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 tên là Giovanni Battista Montini, sinh cách đây 117 năm (26-9 năm 1897) tại làng concesio, giáo phận Brescia, bắc Italia. Thân phụ ngài vốn là một luật sư, làm chủ báo ”Công dân Brescia” (Il Cittadino di Brescia) và sau này làm đại biểu của 3 khóa quốc hội thuộc đảng nhân dân Italia.

Thầy Montini thụ phong linh mục năm 1920, lúc mới 23 tuổi, tốt nghiệp triết học và dân luật ở Roma, và giáo luật ở Milano. Gia nhập trường ngoại giao Tòa Thánh rồi năm 1923 được gửi đi làm tùy viên ở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Varsava, thủ đô Ba Lan. Nhưng chẳng bao lâu vì sức khỏe yếu, cha trở về Roma và phục vụ tại Phủ quốc vụ khanh và dần dần được giao phó nhiều trách nhiệm hơn. Đồng thời cha cũng làm tuyên úy cho liên hiệp các sinh viên đại học Công Giáo Italia. Cha cố gắng giúp các sinh viên Công Giáo thấm nhuần các giá trị để có thể kháng cự lại ảnh hưởng của phong trào sinh viên phát xít. Cha cũng dạy về lịch sử ngành ngoại giao Tòa Thánh tại Giáo Hoàng đại học Laterano ở Roma.

Sau 28 năm phục vụ tại Vatican, cuối tháng 11 năm 1952, cha Montini được Đức Giáo Hoàng Piô 12 bổ làm Quyền Quốc vụ khanh Tòa Thánh đặc trách thường vụ, và 2 năm sau ngài được bổ nhiệm làm TGM giáo phận Milano là giáo phận lớn nhất tại Âu Châu.

Đức TGM Montini dành trọn 8 năm để tái thiết và tổ chức lại giáo phận Milano bấy giờ đang ở trong tình trạng rất khó khăn và bấp bênh về kinh tế cũng như do hiện tượng di cư từ miền nam Italia, sự lan tràn chủ nghĩa vô thần và mác xít nơi giới lao động. Đức Montini tìm kiếm sự đối thoại và hòa giải với mọi lực lượng xã hội và khởi sự công trình Kitô hóa thực sự nơi giới công nhân, nhất là qua hiệp hội công nhân Công giáo Italia, gọi tắt là Acli.
Sau khi ĐGH Gioan 23 qua đời hồi tháng 6 năm 1963, ĐHY Montini được bầu làm Giáo Hoàng. Ngài là vị giáo hoàng cuối cùng đội triều thiên 3 tầng; và 5 tháng sau, ngài long trọng đặt triều thiên này trên bàn thờ ở Đền thờ Thánh Phêrô như một dấu chỉ từ bỏ ”vinh quang và quyền lực phàm nhân”.

Đứng trước một thực tại xã hội ngày càng có xu hướng tách rời khỏi linh đạo, và bị tục hóa, đứng trước một quan hệ khó khăn giữa Giáo Hội và thế giới, Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã luôn biết chứng tỏ đâu là những con đường đức tin và nhân đạo, qua đó có thể tiến tới một sự cộng tác liên đới với nhau để mưu công ích.
Ngài cố gắng duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo, trước sự kiện một đàng phe siêu bảo thủ tố giác ngài là cởi mở thái quá, nếu không muốn nói là theo phe duy tân, và đàng khác có những phe giáo sĩ gần gũi với các chủ trương xã hội chủ nghĩa, thì phê bình ĐGH là bất động.

Đức Phaolô 6 đã mở đầu thói quen viếng thăm mục vụ tại các đại lục từ Thánh Địa với cuộc gặp gỡ Đức Thượng Phụ Chính Thống Athenagoras, cho tới Ấn độ, LHQ, Fatima, Thổ nhĩ kỳ, Colombia, Genève và Uganda, Viễn Đông, Australia và Đại dương châu, và rất nhiều cuộc viếng thăm khác ở Italia.
Ngài công bố 7 thông điệp, bắt đầu là thông điệp Ecclesiam Suam cách đây đúng 50 năm, và sau cùng là thông điệp Humanae vitae, Sự sống con người, về hôn nhân và điều hòa sinh sản.
Đức Phaolô 6 đã áp dụng các giáo huấn của Công đồng và tiếp tục công trình canh tân Giáo Hội, thiết lập Ngày Hòa Bình thế giới. Ngài cũng chịu đau khổ nhiều vì cuộc khủng hoảng nơi các chi thể của thân mình Giáo hội và đáp lại bằng sự can đảm thông truyền đức tin, bảo đảm đạo lý chắc chắn trong một thời kỳ có nhiều đảo lộn ý thức hệ.

Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 qua đời ngày 6-8-1978 tại Castel Gandolfo, sau một cơn bệnh ngắn, hưởng thọ 81 tuổi.
Sau khi ĐTC đọc công thức phong chân phước, thánh tích của Đức Phaolô 6 được nữ tu Giacomina Padrini, cùng với nước người cầm hoa nến tháp tùng rước lên bàn thờ. Thánh tích này là một mảnh áo của Đức Phaolô 6 bị thấm máu vì ngài bị mưu sát ngày 28-11 năm 1970 trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Manila, Philippines.
Bài giảng của ĐTC

”Chúng ta vừa nghe một trong những câu thời danh nhất trong toàn Tin Mừng: ”Vậy hãy trả lại cho Cesar điều gì thuộc về Cesar, và trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Trước sự khiêu khích của những người Biệt Phái, là những người có thể nói là muốn khảo hạch Chúa Giêsu về đạo và kéo vào chỗ sai lầm, Ngài trả lời bằng một câu nói mỉa mai và khéo léo ấy. Đó là một câu trả lời hiệu nghiệm mà Chúa gửi cho tất cả những người đặt vấn đề lương tâm, nhất là khi có liên quan tới lợi lộc, của cải và uy tín, quyền hành và danh tiếng của họ. Và điều này vẫn luôn xảy ra trong mọi thời đại.

Chắc chắn điều mà Chúa Giêsu nhấn mạnh là phần hai trong câu nói: ”Và hãy trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa”. Điều này có nghĩa là - đứng trước bất kỳ loại quyền bính nào - cần nhìn nhận và tuyên xưng rằng chỉ một mình Thiên Chúa là chúa tể của loài người, và không có ai khác. Đây là một sự mới mẻ ngàn đời cần phải tái khám phá mỗi ngày, vượt thắng sự sợ hãi mà nhiều khi chúng ta cảm thấy trước những điều ngạc nhiên về Thiên Chúa.

Chúa không sợ những điều mới mẻ! Vì thế, Ngài liên tục làm cho chúng ta ngạc nhiên, mở ra và dẫn đưa chúng ta vào những con đường chưa được nghĩ tới. Chúa đổi mới chúng ta, nghĩa là liên tục làm cho chúng ta 'trở nên mới'. Một Kitô hữu sống Tin Mừng là ”một sự mới mẻ của Thiên Chúa” trong Giáo Hội và trong thế giới. Và Thiên Chúa yêu mến ”sự mới mẻ ấy” dường nào! ”Hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa” có nghĩa là cởi mở đối với Thánh Ý Chúa và tận hiến cuộc sống của chúng ta cho Chúa, và cộng tác vào Nước từ bi, yêu thương và an bình của Ngài.

Đây chính là sức mạnh đích thực của chúng ta, là men khơi dậy sức mạnh và là muối mang lại hương vị cho mỗi cố gắng của con người chống lại thái độ bi quan thịnh hành mà thế giới đang đề nghị cho chúng ta. Đây chính là niềm hy vọng của chúng ta vì niềm hy vọng nơi Thiên Chúa không phải là một sự trốn chạy thực tại, không phải là một cớ thoái thác: đó là hoạt động trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Ngài. Chính vì điều này mà Kitô hữu nhìn thực tại tương lai, thực tại của Thiên Chúa, để sống trọn vẹn cuộc sống - với đôi chân đặt vững trên mặt đất - và can đảm đáp lại vô số những thách đố mới.

Chúng ta đã thấy điều này trong trong những ngày Thượng HĐGM khóa đặc biệt - Sinodo có nghĩa là đồng hành. Thực vậy, các vị chủ chăn và giáo dân từ các nơi trên thế giới đã mang đến Roma này tiếng nói các Giáo hội địa phương của họ để giúp các gia đình ngày nay tiến bước trên con đường Tin Mừng, với cái nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu. Đó là một kinh nghiệm lớn trong đó chúng ta đã sống công nghị tính và cộng đoàn tính và chúng ta đã cảm thấy sức mạnh của Chúa Thánh Linh hướng dẫn và luôn canh tân Giáo Hội, Giáo Hội không ngừng được kêu gọi mau mắn chữa trị các vết thương rướm máu và khơi lên niềm hy vọng cho bao nhiêu người không có hy vọng.
Vì hồng ân Thượng HĐGM này và vì tinh thần xây dựng mà mọi người mang lại, cùng với thánh Phaolô Tông Đồ: ”chúng ta hãy luôn cảm tạ Thiên Chúa cho tất cả anh chị em, nhắc nhớ anh chị em trong kinh nguyện của chúng tôi” (1 Ts 1,2). Và Chúa Thánh Linh, trong những ngày làm việc này, đã ban cho chúng ta quảng đại hoạt động với tinh thần tự do đích thực và với tinh thần sáng tạo khiêm tốn, xin Chúa tháp tùng hành trình, trong các Giáo Hội trên toàn trái đất, chuẩn bị chúng ta tiến hành Thượng HĐGM thế giới khóa thường lệ vào tháng 10 năm 2015. Chúng ta đã gieo vãi và chúng ta sẽ còn tiếp tục gieo vãi trong kiên nhẫn và kiên trì, chắc chắn rằng Chúa sẽ làm tăng trưởng điều mà chúng ta đã gieo vãi (1 Cr 3,6).

Chân phước Phaolô 6
Trong ngày phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 hôm nay, tôi nhớ đến những lời của Người, khi thành lập Thượng HĐGM: ”Khi chú ý xem xét những dấu chỉ thời đại, chúng ta tìm cách thích ứng cuộc sống và các phương pháp .. với những nhu cầu gia tăng ngày nay và với những hoàn cảnh biến đổi của xã hội” (Tông thư Tự Sắc Apostolica sollicitudo).

Đối với vị Đại Giáo Hoàng, là Kitô hữu can đảm và là tông đồ không biết mệt mỏi này, trước Thiên Chúa ngày hôm nay, chúng ta chỉ có thể nói một lời rất đơn sơ cũng như lời chân thành và quan trọng này: cám ơn Người! Xin cám ơn Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 yêu quí và được yêu mến của chúng con! Cám ơn vì chứng tá khiêm tốn và ngôn sứ của Người về lòng yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội!

Trong nhật ký riêng, Vị Đại Hoa Tiêu của Công đồng này, sau khi bế mạc Công đồng đã ghi chú: ”Có lẽ Chúa đã gọi tôi và ủy cho tôi công tác phục vụ này không phải vì tôi có tài năng nào đó, hoặc để tôi cai quản và cứu vãn Giáo Hội khỏi những khó khăn hiện nay, nhưng để tôi chịu đau khổ cách nào đó vì Giáo Hội, và để rõ ràng là Chúa, chứ không ai khác, là vị đang hướng dẫn và cứu vãn Giáo Hội” (P. Macchi, Paolo VI nella sua Parola, Brescia 2001, pp.. 120-121). Trong sự khiêm tốn sáng ngời này, sự cao cả của Chân Phước Phaolô 6 đã biết hướng dẫn một cách khôn ngoan và sáng suốt tay lái con thuyền Phêrô mà không bao giờ đánh mất niềm vui và tín thác nơi Chúa, giữa lúc một xã hội tục hóa và thù nghịch đang xuất hiện ở chân trời.

Đức Phaolô 6 thực sự đã biết trả lại cho Thiên Chúa những gì là của Thiên Chúa khi dành trọn cuộc đời của Người cho ”sự dấn thân thánh thiêng, trọng đại và rất quan trọng: đó là tiếp tục trong thời gian và mở rộng sứ mạng của Chúa Kitô trên trái đất” (Bài Giảng lễ đăng quang: Insegnamenti I, 1963, p.26), bằng cách yêu mến Giáo Hội và hướng dẫn Giáo Hội để ”Giáo Hội đồng thời là người mẹ yêu thương của tất cả mọi người và là ngừơi ban phát ơn cứu độ” (Thông điệp Ecclesiam Suam, Lời Tựa).

Ý nguyện và kinh Truyền Tin

Trong các ý nguyện được xướng lên trong phần lời nguyện giáo dân có lời cầu xin Chúa thánh hóa sự kết hiệp của các đôi vợ chồng Kitô bằng ơn thánh sự hiện diện của Chúa và xin Chúa cho phẩm giá của các trẻ em và người già được bảo vệ trong mỗi gia đình; xin Chúa làm cho mọi người được biết sự khôn ngoan của thập giá Chúa nhờ chứng từ của các vị tử đạo và những người bị bách hại; xin cho các nhà lãnh đạo chính trị và tất cả những kẻ cường quyền từ bỏ con đường oán hận và chiến tranh.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin. Ngài chào thăm các tín hữu hành hương từ Italia và nhiều nước, cũng như các phái đoàn chính thức, và đặc biệt là các tín hữu từ các giáo phận Brescia, Milano và Roma có liên hệ đặc biệt tới cuộc sống và sứ vụ của ĐGH Montini.

ĐTC cũng nói rằng ”Đức tân Chân phước là người hăng say nâng đỡ sứ vụ truyền giáo cho dân ngoại, bằng chứng đặc biệt là Tông Huấn Evangelii nuntiandi của Người, qua đó Người muốn thức tỉnh đà tiến và sự dấn thân cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Cần đặc biệt để ý đến khía cạnh này trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Phaolô 6, nhất là hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền giáo.

ĐTC không quên đề cao lòng sùng kính sâu xa của Đức Chân Phước Phaolô 6 đối với Đức Mẹ. Dân Kitô giáo luôn biết ơn vị Giáo Hoàng này vì Tông Huấn Marialis cultus về lòng tôn sùng Đức Mẹ và vì đã tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Giáo Hội nhân dịp bế mạc khóa III của Công đồng chung Vatican 2.

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN (19.10.2014 – Chúa nhật 29 Thường niên, Năm A – Chúa nhật Truyền giáo)

ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN
Lời Chúa: Lc 24, 44-53
Khi hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông. Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này. Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.” Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
Suy nim:
Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã làm một điều quan trọng,
đó là đào tạo những chứng nhân.
Hội Thánh tương lai phải được xây nền vững chắc
trên những con người có kinh nghiệm cá nhân
về cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Chính vì thế Ngài đã hiện ra cho Simon,
cho hai môn đệ về Emmau, cho các tông đồ.
Ngài cho họ xem chân tay và Ngài đã ăn bánh
để họ đừng nghi Ngài là ma.
Hơn nữa Ngài còn soi sáng cho họ
để họ hiểu những lời Kinh Thánh nói về Ngài.
Các môn đệ đã là chứng nhân, đã tử đạo
để làm chứng cho điều mình xác tín.
Mỗi năm Hội Thánh dành một ngày Chúa Nhật
để nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận của mình,
bổn phận truyền giáo cho thế giới.
“Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”
Chúng ta phải tiếp tục sứ mạng của các tông đồ,
vinh dự đứng vào hàng ngũ các chứng nhân.
Ðể truyền giáo, chúng ta phải quen thân với Chúa Giêsu,
có kinh nghiệm gặp gỡ Ngài thật sâu lắng,
sống cái chết của Ngài mỗi ngày
và nếm được niềm vui phục sinh Ngài ban tặng.
Ðể truyền giáo cần có nhiều tình yêu:
tình yêu đối với Chúa Giêsu và đối với con người.
Chính vì mến yêu Ngài
mà ta muốn Ngài được mọi người nhận biết.
Chính vì mến yêu mọi người
mà ta muốn chia sẻ hạnh phúc mình đang hưởng.
Thế giới hôm nay đầy lạc thú và hưởng thụ,
nhưng vẫn là một thế giới buồn.
Buồn vì nạn phá thai, ly dị, tự tử;
buồn vì hận thù, thất vọng và lo âu.
Nhiều bạn trẻ tìm quên trong vui chơi, nghiện ngập,
vì không thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Như thế truyền giáo là loan báo tin vui
cho một thế giới buồn.
Ðức Thánh Cha đã nhắn nhủ giới trẻ:
“Hội Thánh ủy thác cho giới trẻ nhiệm vụ hô to lên
cho thế giới biết niềm vui vì gặp được Ðức Kitô...
Hãy đi rao giảng Tin Mừng giải thoát.
Hãy là những điều ấy với tâm hồn hân hoan.”
Chúng ta không thể là những chứng nhân buồn.
Chính cuộc sống của ta phải đầy ắp niềm vui,
sự lạc quan và sự sống của Chúa Phục Sinh.
Chỉ như thế chúng ta mời hy vọng đáp ứng
những đòi hỏi gay gắt của thế giới
đang bước vào đệ tam thiên niên kỷ.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ