label

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Chân dung linh mục qua hình ảnh Đức giáo hoàng Phanxicô



Chân dung linh mục qua hình ảnh Đức giáo hoàng Phanxicô
Chúa nhật IV Phục Sinh được gọi là Chúa nhật Chúa chăn chiên lành và là Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Dĩ nhiên là cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ nhiệt tình và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa để dấn thân trong đời sống linh mục và tu sĩ, nhưng đừng quên còn phải cầu nguyện cho chính các linh mục, để họ sống đúng với ơn gọi cao quý Chúa đã ban và trở thành những mục tử như lòng Chúa ước mong.
Đức giáo hoàng Phanxicô mới thi hành thừa tác vụ thánh Phêrô được một tháng nhưng đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt nơi lòng người. Qua hình ảnh của ngài, có thể thấy được những nét đẹp trong chân dung linh mục mà Dân Chúa ước mong. Cha Roger Landry, bình luận viên của cơ quan thông tấn EWTN về Mật nghị hồng y 2013, đã tóm tắt những nét chính trong chân dung linh mục qua hình ảnh Đức giáo hoàng Phanxicô.
Trước hết là sự đơn giản trong đời sống linh mục. Dù các linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo, nhưng các ngài được kêu gọi sống đời giản dị. Đáng tiếc là nhiều khi, người tín hữu không cảm nhận được điều này khi thấy hàng giáo sĩ đi những loại xe đắt tiền, ra vào những nhà hàng sang trọng, và nhà ở của linh mục đầy những thiết bị xa hoa. Lối sống của Đức giáo hoàng Phanxicô khi là hồng y ở Buenos Aires chắc hẳn là lời mời gọi các linh mục xét lại cách sống của mình: ngài ở trong một căn hộ nhỏ thay vì ở dinh thự giám mục, sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi xe hơi với tài xế riêng.
Thứ hai, trong suốt thời gian làm Tổng giám mục Buenos Aires, ngài phê phán mạnh mẽ những linh mục có lối sống “hai mặt”. Năm 2010, trong cuốn El Jesuita, cuốn sách hình thành từ những cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về câu nói quen thuộc của một số tín hữu: “Tôi tin Chúa nhưng tôi không tin các linh mục”, Đức hồng y Bergoglio đã thẳng thắn trả lời: “Nhiều linh mục sống không xứng với lòng tin của các tín hữu”. Ngài muốn thay đổi điều đó bằng cách kêu gọi, giúp đỡ, đòi hỏi các linh mục sống đúng với căn tính của mình.
Gắn liền với đòi hỏi trên là sự sòng phẳng. Người ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Tân giáo hoàng, ngay hôm sau khi được bầu, đã ghé nhà trọ để đích thân trả tiền phòng và lấy đồ. Không chỉ đơn giản là một cử chỉ đẹp, đó còn là dấu chỉ thực sự về quan niệm sống bình đẳng với mọi người, không cho phép mình nhận bất cứ sự ưu đãi nào.
Điều thứ tư là việc sử dụng quyền bính. Như ngài đã nhấn mạnh trong bài giảng khai mạc thừa tác vụ thánh Phêrô, quyền bính của linh mục là để phục vụ, để chăm sóc và bảo vệ con người, cách riêng là những người nghèo, yếu đuối, bị bỏ rơi. Giống như vị Mục tử nhân lành, linh mục phải trở thành tôi tớ chứ không phải ông chủ của người khác. Đây là điều hoàn toàn ngược lại với quan niệm tìm kiếm địa vị và lợi lộc trong hàng giáo sĩ.
Thứ năm, Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các linh mục trở thành những người có lòng thương xót. Trong cuốn El Jesuita, bất cứ khi nào có linh mục xin ngài cho lời khuyên, ngài đều trả lời : “Hãy biết thương xót”. Châm ngôn của ngài Miserando atque eligendo (Được chọn và được thương xót) làm nổi bật ơn gọi của chính ngài, phát xuất từ cảm nghiệm về lòng Chúa thương xót năm 17 tuổi khi đi xưng tội vào ngày lễ thánh Matthêu, vị tông đồ bị coi là kẻ tội lỗi công khai nhưng lại được Chúa kêu gọi. Trong huấn từ đầu tiên khi đọc kinh Truyền Tin, ngài nhấn mạnh rằng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta không mệt mỏi, đó cũng là lời mời gọi các linh mục không ngừng ban tặng lòng thương xót của Chúa cho mọi người, trong cử hành bí tích cũng như trong đời sống hằng ngày.
Thứ sáu, ngài kêu gọi các linh mục sống tinh thần phụng vụ đích thực. Chúng ta biết ơn Đức Bênêđictô XVI về những cải tổ phụng vụ. Đức Phanxicô sẽ tiếp tục sự cải tổ đó. Đức Bênêđictô XVI chịu ảnh hưởng của Romano Guardini, Đức Phanxicô cũng từng viết luận án tiến sĩ về Romano Guardini. Tuy nhiên đối với ngài, điều quan trọng là chiều kích nội tâm chứ không chỉ là những thay đổi bên ngoài. Chính Chúa Giêsu, chứ không phải linh mục, mới là trung tâm của phụng vụ, linh mục phải giúp cộng đoàn tập trung vào Chúa Giêsu hơn là vào bản thân mình. Đúng như Đức Bênêđictô XVI nói, nếu phụng vụ chỉ là hành động của con người, là những show biểu diễn cá nhân, thì nó sẽ hết sức nghèo nàn và không thể dẫn chúng ta vào thế giới của Thiên Chúa.
Cuối cùng, Đức giáo hoàng Phanxicô muốn đào tạo các linh mục thành những sứ giả hăng say của Tân Phúc Âm hóa. Trong cuốn El Jesuita, ngài nói đến cơn cám dỗ muôn thuở của các linh mục là chỉ muốn làm nhà quản trị thay vì là mục tử. Linh mục không thể chỉ đóng khung trong nhà xứ của mình nhưng cần “bước ra để gặp gỡ người dân”, nhất là những con chiên lạc. Trong thời đại mà nhiều linh mục bị nhận chìm trong công việc quản trị và bàn giấy, ngài thúc đẩy các linh mục hãy đặt sứ vụ truyền giáo làm ưu tiên hàng đầu của mình.
Chiêm ngắm vị giáo hoàng được chọn làm mục tử của Giáo hội phổ quát, thiết nghĩ là cách cụ thể để mỗi linh mục “khơi dậy ân huệ Thánh Thần” đã lãnh nhận trong ngày chịu chức, rà soát lại đời sống của mình, để có thể sống đúng và sống đẹp theo hình ảnh Đấng chăn chiên lành.
 
Thiên Triệu

MẸ THƯƠNG CỨU TRỢ KẺ LỠ BƯỚC SA CHÂN

XIN MẸ THƯƠNG CỨU TRỢ KẺ LỠ BƯỚC SA CHÂN!



... Câu chuyện tại một cứ điểm truyền giáo nơi một nước ở Châu Mỹ La Tinh và do một nữ thừa sai y tá người Ý kể lại.

Vào thời kỳ đó tôi phục vụ tại nhà thương mang tên Thánh nữ Philomena. Tôi phụ giúp nơi phòng giải phẫu. Một ngày, tôi chứng kiến cảnh tượng như sau.

Một người đàn ông trẻ tuổi - tạm gọi là anh Antonio. Anh Antonio lập gia đình từ hơn 5 năm qua. Vợ anh - tạm gọi là chị Teresa. Gia đình anh chị nghèo nhưng sống ngay chính và chuyên cần làm việc. Vợ chồng thương yêu nhau và cùng tận tụy chăm sóc đàn con 4 đứa.

Một buổi sáng, anh Antonio ra đi làm việc như thường lệ. Chẳng may trên đường đi, anh bị lọt giữa một cuộc chạm súng. Anh trúng đạn bị thương và ngã xuống đất bất tỉnh, dở sống dở chết. Anh được chở đến nhà thương và được mang ngay vào phòng cấp cứu. Chính tôi là người tiếp nhận anh hôm ấy.

Tôi nhận ra tình trạng trầm trọng nên vội vã mời bác sĩ giải phẫu đến. Sau mấy phút khám nghiệm, bác sĩ quyết định đưa anh vào phòng mổ. Cuộc mổ kéo dài và thật cam go. Viên đạn chạm đến cột xương sống. Các bác sĩ thành công trong việc cứu anh thoát chết nhưng từ nay, anh sẽ không bao giờ còn có thể bước đi trên đôi chân của mình. Anh sẽ mãi mãi ngồi ghế lăn.
Lúc hồi tỉnh sau cuộc giải phẫu, anh Antonio mở đôi mắt và trông thấy gương mặt vợ hiền cùng với 4 đứa con đang đứng chung quanh giường. Trước đó, vị bác sĩ giải phẫu đã cẩn thận giải thích cho người vợ biết chồng chị may mắn được cứu sống nhưng không thể sử dụng đôi chân. Rồi bác sĩ nói thêm:
- Xin chị tỏ ra thật gan dạ và can đảm. Có thế mới giúp được anh cũng can đảm chấp nhận thử thách. Chị ráng chờ cơ hội thuận tiện và khôn khéo nói sự thật cho chồng chị biết.

Chị Teresa hứa làm theo lời bác sĩ dặn. Chị dấu kín nổi lo lắng và điềm tĩnh đối đầu với hoàn cảnh mới. Những ngày sau đó, chị Teresa đã lợi dụng được dịp tốt để nói sự thật với chồng. Chị nhỏ nhẹ nói thêm:
- Anh đừng bận tâm gì hết. Em sẽ cố gắng lo lắng cho gia đình, chăm sóc anh và dưỡng dục con cái.

Nhưng người chồng còn quá trẻ để dễ dàng chấp nhận một thực tế quá phũ phàng. Nguyên cái ý nghĩ phải ngồi xe lăn suốt cuộc đời còn lại đủ khiến anh kinh hoàng và rơi vào hố thẳm tuyệt vọng.

Tôi nhận ra ngay thảm trạng. Anh Antonio còn quá yếu để đương đầu với thử thách. Có thể còn có nguy cơ chạm tới tính mạng nữa là đàng khác. Tôi liền nghĩ ra một diệu kế giúp anh thắng vượt đau khổ. Tôi chuẩn bị tinh thần bằng một tuần cửu nhật dâng lên Đức Bà Mân Côi. Mỗi ngày tôi sốt sắng tham dự Thánh Lễ. Sau tuần chín ngày, tôi mạnh dạn đề nghị với anh cùng tôi lần hạt Mân Côi. Tôi cũng bắt đầu nói với anh về ý nghĩa sự đau khổ. Đau khổ chấp nhận với trọn tình yêu sẽ vô cùng đẹp lòng THIÊN CHÚA và Đức Mẹ MARIA. Kêu cầu cùng Đức Mẹ chắc chắn chúng ta sẽ được Đức Mẹ thương nhận lời.

Anh Antonio lặng lẽ nghe tôi nói. Sau đó tôi kiên nhẫn dạy anh học biết các Kinh Kính Mừng, Lạy Cha và Sáng Danh. Rồi tôi tặng anh Tràng Chuỗi Mân Côi và dạy anh cách thức phải lần hạt như thế nào.

Từ đó, cứ mỗi lần có dịp vào phòng để mang thuốc cho anh, tôi đều trông thấy anh Antonio đang sốt sắng lần chuỗi Mân Côi. Anh lần chuỗi với trọn tâm tình thảo mến của người con dâng lên Mẹ Hiền. Anh thật sự bám víu vào Kinh Mân Côi để khỏi phải rơi vào hố thẳm tuyệt vọng. Chính với hình ảnh trong tay nắm chặt Tràng Chuỗi Mân Côi mà anh Antonio rời bệnh viện Thánh Nữ Philomena trên chiếc ghế lăn kèm theo ánh mắt lóng lánh niềm hy vọng ngời sáng.

Bẵng đi một thời gian tôi không có tin tức về anh Antonio và gia đình anh. Cho đến một ngày, tôi vào siêu thị để mua sắm như thường lệ. Chị Teresa đến chào tôi và mời tôi theo chị về nhà. Tôi làm theo ý muốn của chị. Về đến nhà, tôi ngạc nhiên trông thấy anh Antonio đang ngồi chơi với mấy đứa con. Tôi vui mừng hỏi cho biết lý do. Anh Antonio sung sướng cho tay vào túi, rút ra Tràng Chuỗi Mân Côi, đưa lên môi kính cẩn hôn rồi âu yếm áp Tràng Chuỗi Mân Côi vào ngực. Đó là lý do cuộc khỏi bệnh lạ lùng của anh Antonio. Anh cũng cho tôi biết, mỗi ngày anh đều lần hạt cầu nguyện cùng Đức Bà Mân Côi cho mọi người.

(”Il Settimanale di Padre Pio”, n.40, 5-10-2003, trang 10)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Bình an cho anh em (30.4.2013 – Thứ ba Tuần 5 Mùa Phục sinh)



Bình an cho anh em 
Lời Chúa: Ga 14, 27-31a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”
Suy nim:
Con người thời nay gần như có mọi sự.
Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng,
đó là bình an ở nơi tâm hồn.
Nhiều người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử.
Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc.
Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình.
Con người nôn nóng đi tìm bình an.
Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở.
Bình an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng từ phía con người?
Tự sức con người có thể tạo ra bình an cho mình, gia đình và thế giới không?
Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi,
Đức Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ.
“Thầy để lại bình an cho anh em.
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27).
Bình an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu
khi Thầy sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (c. 28).
Bình an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu phục sinh
khi Ngài hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi:
“Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26).
Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy.
Đời sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió,
nhưng là bình an giữa những sóng gió.
“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.
Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu.
“Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng
nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37).
Đức Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an.
Nhưng Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài.
Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền mong manh
của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không?
Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi Thánh lễ
có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta không?
Cầu nguyn:

Giữa những ồn ào của đám đông,
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại,
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng,
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó,
trầm lắng và bình an.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

THƯ MỤC VỤ Đức Giám Mục Giáo Phận Tháng 5 năm 2013

THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 5 năm 2013
 
NOI GƯƠNG MẸ MARIA,
GIÁO PHẬN THỰC HIỆN CUỘC LỮ HÀNH ĐỨC TIN
THEO SỰ HƯỚNG DẪN CỦA CHÚA THÁNH THẦN
 
          Anh chị em thân mến,
          Trong bầu khí hân hoan mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của năm Đức Tin (19.5) và của Tháng Hoa tôn kính Mẹ Maria, tôi thân ái gửi đến anh chị em thư mục vụ tháng Năm có chủ đề “Theo gương Mẹ Maria, giáo phận thực hiện cuộc Lữ Hành Đức Tin dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”.
 
          1. Trên nền tảng Lời Chúa, Thánh Công đồng Vaticanô II và sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã tuyên xưng niềm tin vào vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc lữ hành Đức Tin của các Kitô hữu. Trong cuộc lữ hành này, Chúa Thánh Thần là nguyên lý tái sinh (GH 7) để biến đổi con người thành một thụ tạo mới (MV 37, GLHTCG số 737) sống đời sống mới (TG 15). Nhờ được biến đổi, họ được Chúa Thánh Thần chứng thực là Con Thiên Chúa (GH 4), là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Như vậy, họ có thể tuyên xưng niềm tin: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó…”(Lc 4, 18).
          Cụ thể, Chúa Thánh Thần bằng nhiều ân huệ khác biệt, đã là nguyên lý của sự hiệp nhất trong Giáo Hội, đồng thời Ngài hoạt động tích cực trong mọi thành phần Dân Chúa (GH 22). Thực vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, các giám mục trở thành thầy dạy đức tin, thành thượng tế của giao ước mới, và thành người lãnh đạo phục vụ cộng đoàn (GM 2). Hiệp thông với các giám mục, các linh mục được Chúa Thánh Thần thánh hiến để tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô trên trần gian (LM 15, 18). Là nguồn gốc của đời sống thánh hiến, Chúa Thánh Thần giúp các tu sĩ sống và trung thành với những lời khuyên phúc âm trong đức ái toàn vẹn (DT 2; GH 39). Còn đối với giáo dân, họ được Chúa Thánh Thần thánh hóa để trở thành muối, thành men giữa lòng thế giới (TĐGD 1).
          Chúng ta có Mẹ Maria là một mô hình tuyệt vời về tác động của Chúa Thánh Thần. Thực vậy, Mẹ Maria được Chúa Thánh Thần bao phủ (GH 63), để trở thành đền thờ của Ngài (GH 53; GLHTCG số 721), trở thành Eva mới (GLHTCG số 726), với sứ vụ là thụ thai Ngôi Hai Thiên Chúa (GH 52; GLHTCG 722). Hiện diện trong phòng tiệc ly, Mẹ Maria hiệp thông với Giáo Hội chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1, 14), và cùng với Giáo Hội thi hành sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.
          Theo ý nghĩa này, Công Đồng Vaticanô II tuyên xưng: “Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ” (GH 4; x. 1 Cor 3, 16; 6, 19).
 
          2. Đường Hướng Tu Đức: Để Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
          Theo gương Mẹ Maria, giáo phận Long Xuyên thực hiện cuộc lữ hành Đức Tin với đường hướng tu đức để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Hình ảnh đẹp mà giáo phận muốn họa lại trong đời sống và sinh hoạt tu đức của mình là sự ngoan ngoãn của các Kitô hữu thời sơ khai (Cv 2,42-47). Theo hình ảnh này, mọi thành phần dân Chúa của giáo phận, giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, và giáo dân, chúng ta trở nên ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
          Thứ nhất, chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần dẫn ta đến sự thật trọn vẹn (x. Ga 14,26). Ngoan ngoãn với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta hiệp thông với Hội Thánh cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa, đọc ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại. Ở đây, chúng ta đón nhận ơn rất quí trọng của Chúa Thánh Thần là Ơn Hoán Cải nhờ biết đón nhận sự thật từ Chúa Thánh Thần. Như vậy, Sám Hối và Hòa Giải chính là thái độ ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta đến sự thật.
          Thứ hai, cùng với Sám Hối và Hòa Giải, chúng ta cũng hãy để Chúa Thánh Thần biến đổi ta trở nên giống Chúa Kitô, có khả năng tự hiến tế và trở nên quà tặng. Trở nên quà tặng chính là mầu nhiệm Chúa Kitô, Ngài là món quà của Thiên Chúa trao tặng cho con người, và cũng là của lễ con người dâng lên Thiên Chúa. Cuộc lữ hành này là tác động của Chúa Thánh Thần bắt đầu bằng bí tích Thánh Tẩy, rồi bí tích Thêm Sức, và tột đỉnh là bí tích Thánh Thể. Theo ý nghĩa này, đời sống thiêng liêng của Kitô hữu chính là được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để họ có thể diễn đạt được tình yêu của Thiên Chúa đang trao tặng chính mình.
          Cuối cùng, chúng ta cũng hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta đi vào cuộc chiến đấu với những dục vọng của xác thịt. Đây là sự chọn lựa giữa tinh thần của Tin Mừng (Gl 5,22) và tinh thần của thế gian (Gl 5, 19-21). Đây là cuộc chiến liên lỷ kéo dài suốt cuộc đời ta, và là cuộc chiến quyết liệt không thể có thỏa hiệp. Tuy nhiên, ngoan ngoãn trở thành chiến sĩ của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ có được những hoa trái của Thánh Thần. Đó là tình yêu cứu độ của Chúa Kitô từ cây thập giá, là niềm vui nảy sinh từ những hy sinh tự nguyện, và là sự tư do của con cái Thiên Chúa nếm trước hạnh phúc Phục Sinh.
          Đức Mẹ cũng đã tự nguyện với lời “Xin Vâng” để Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
 
          3. Đường hướng mục vụ của tháng Năm – Xây dựng cộng đoàn Hiệp Thông
          Theo mô hình giáo hội sơ khai, giáo phận chúng ta thực hiện đường hướng mục vụ xây dựng cộng đoàn hiệp thông.
          Trước hết, cộng đoàn chúng ta phải được xây dựng thành cộng đoàn hiệp thông theo mô hình qui tụ của Giáo Hội sơ khai. Đó là những cuộc qui tụ để tuyên xưngcử hành niềm tin vào Chúa Kitô Vượt Qua đang hiện diện trong cộng đoàn. Một cách cụ thể, các cộng đoàn giáo xứ, giáo họ phải được xây dựng thành một cộng đoàn hiệp thông với những cuộc qui tụ nhân danh Chúa Phục Sinh để học hỏi và suy niệm Lời Chúa, để cử hành phụng vụ và thực hiện các sinh hoạt đạo đức, và để chia sẻ cảm nghiệm thiêng liêng. Các cuộc qui tụ này sẽ là cơ hội để cộng đoàn đón nhận những hoa trái của Thánh Thần là “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”.
          Đây cũng còn là sự hiệp thông theo mô hình đối thoại của Công đồng Giêrusalem. Với đường hướng này, các cuộc hội họp của cộng đoàn là cơ hội để mọi người trong cộng đoàn sống niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh đang hiện diện trong anh chị em. Để sống niềm tin này, đòi hỏi cộng đoàn phải cộng tác với Chúa Thánh Thần xóa bỏ các ranh giới chia rẽ và kỳ thị trong các cuộc hội họp. Hơn thế nữa, các cuộc hội họp trong cộng đoàn phải được tổ chức thành những cơ hội để cộng đoàn đối thoại với nhau và cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần. Đây cũng phải là sự hiệp thông của tập đoàn tính trong sứ vụ phục vụ cộng đoàn với công thức “Thánh Thần và chúng tôi quyết định”.
          Cuối cùng, chúng ta cũng xây dựng một cộng đoàn hiệp thông theo mô hình thi hành sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Giáo Hội thi hành sứ vụ khởi từ Ngày Lễ Ngũ Tuằn với lời chứng của các tông đồ, đến đời chứng nhân của các tín hữu sống giới luật yêu thương, kể cả những cái chết chứng nhân của các vị tử đạo, và nổi bật là các cuộc hành trình truyền giáo của thánh Phaolô. Theo mô hình này, mỗi người và mọi người, với ơn sủng riêng từ Chúa Thánh Thần, đều có trách nhiệm loan truyền niềm tin Chúa Kitô Phục Sinh và gieo trồng niềm hy vọng Phục Sinh. Theo mô hình này, giáo phận cần nâng cao ý thức cho mọi thành phần Dân Chúa về sứ vụ Loan Báo Tin Mừng với chọn lựa: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”.
          Đức Mẹ cũng đã cùng với Giáo Hội thời sơ khai xây dựng cộng đoàn Hiệp Thông để tuyên xưng niềm tin, cử hành niềm tin, sống niềm tin và loan truyền niềm tin vào Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loai.
          Hiệp thông với Đức Cha Cố Gioan Baotixita, tôi xin dâng anh chị em lên Đức Mẹ như những bông hoa sống động, và xin được đồng hành với anh chị em trong cuộc lữ hành đức tin dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng tôi nguyện xin phúc lành của Thiên Chúa xuống trên anh chị em.
         
+ GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
 

Chương trình của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Chương trình của
Ðức Thánh Cha Phanxicô


Vatican (SD 25-4-2013) - Trong năm 2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô chỉ thực hiện 1 cuộc viếng thăm duy nhất tại nước ngoài, đó là tại Brazil nhân ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 28, tiến hành tại Rio de Janeiro từ ngày 23 đến 28 tháng 7 năm 2013.
Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên trong cuộc gặp gỡ giới báo chí hôm 25 tháng 4 năm 2013. Cha không loại trừ sự kiện trước cuối năm 2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô có thể công bố thông điệp đầu tiên của ngài, và cha Lombardi nhắc lại rằng Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 16 đã chuẩn bị tài liệu về đề tài đức tin.
Cũng trong cuộc họp báo, Linh Mục Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Ðức nguyên Giáo Hoàng Biển Ðức 16 sẽ từ Castal Gandolfo dọn về Ðan viện Mẹ Giáo Hội ở nội thành Vatican trong khoảng từ cuối tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 năm 2013. Trong khi đó, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục cư ngụ tại Nhà trọ Thánh Marta. Hiện thời dường như Ðức Thánh Cha không muốn thay đổi nơi ở, cho dù đây không phải là một quyết định chung kết.
Trong những ngày qua, tiến sĩ Alberto Gasbarri, đặc trách chuẩn bị các chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại nước ngoài, cũng là giám đốc hành chánh của Ðài Vatican, đã đến Rio de Janeiro, để xác định những chi tiết trong cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha Phanxicô.
Cha Lombardi nói: "Chương trình sẽ theo sự nhạy cảm của Ðức Giáo Hoàng". Sự hiện diện của ngài được xác nhận trong lễ nghi tiếp đó, đàng Thánh giá, buổi canh thức và thánh lễ bế mạc sáng chúa nhật 28 tháng 7 năm 2013 tại Cánh đồng đức tin ở khu vực Guaratiba. (SD 25-4-2013)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm đi ngược dòng đời



Hãy mở toang cánh cửa cuộc sống cho Thần Khí của Thiên Chúa và hoạt động hướng dẫn biến đổi của Người. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm đi ngược dòng đời và làm chứng cho Người.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ như trên 44 bạn trẻ lãnh nhận Bí tích Thêm Sức và gần 200.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự thánh lễ tại quảng trường thánh Phêrô sáng Chúa Nhật Hộm qua. Đây cũng là buổi gặp gỡ của Đức Thánh Cha với 70.000 bạn trẻ đã hay đang chuẩn bị lãnh Bí tích Thêm Sức về Roma hành hương trong Năm Đức Tin.

Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có Đức Cha Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, Đức Cha José Octavio Ruiz Arenas và 380 Linh Mục. Ban giúp lễ gồm 15 thầy dòng Rogazionisti. Ngoài ca đoàn Sistina còn có ca đoàn Mater Ecclesiae phụ trách phần thánh ca. Tham dự thánh lễ có gần 200.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ, và đề nghị với các bạn trẻ ba tư tưởng ngắn gọn giúp suy tư về cuộc sống chứng nhân kitô và lòng can đảm mà Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu trong bí tích Thêm Sức. Ngài nói: Bài đọc thứ hai trình bầy thị kiến rất đẹp của thánh Gioan: đó là cảnh trời mới đất mới và thành Thánh từ Thiên Chúa mà xuống. Tất cả đều mới mẻ, được biến đổi thành điều thiện, vẻ đẹp và chân lý; không còn than khóc và sầu thương nữa... Đó là hành động của Chúa Thánh Thần: Người đem chúng ta tới với sự mới mẻ của Thiên Chúa; Người đến với chúng ta và canh tân mọi sự, Người biến đổi chúng ta. Thần Khí biến đổi chúng ta. Và thị kiến của thánh Gioan nhắc cho chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều đang trên đường tiến về thành Giêrusalem trên trời, là sự mới mẻ vĩnh viễn đối với chúng ta; và đối với toàn thực tại nó là ngày hạnh phúc, trong đó chúng ta sẽ có thể trông thấy gương mặt của Chúa, gương mặt tuyệt vời xinh đẹp biết bao của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có thể sống với Người luôn mãi trong tình yêu của Người. Đức Thánh Cha giải thích thêm về sự mới mẻ nói trên:

Các con thấy không, sự mới mẻ của Thiên Chúa không giống các sự mới mẻ của trần gian, là những điều tất cả đều tạm thời, qua đi và người ta luôn tìm kiếm thêm. Sự mới mẻ mà Thiên Chúa ban cho cuộc sống chúng ta vĩnh viễn, và nó không chỉ ở trong tương lai, khi chúng ta sẽ ở với Người, mà cả hiện nay nữa: Thiên Chúa đang đổi mới mọi sự, Chúa Thánh Thần thực sự biến đổi chúng ta và qua cả chúng ta Người muốn biến đổi thế giới trong đó chúng ta đang sống. Chúng ta hãy mở cửa ra cho Thần Khí, hãy để cho Người hướng dẫn, hãy để cho hoạt động liên lỉ của Thiên Chúa biến chúng ta thành những con người mới, được linh hoạt bởi tình yêu của Thiên Chúa, mà Thánh Linh ban cho chúng ta! Thật đẹp biết bao, nếu mỗi người trong chúng ta, vào ban chiều có thể nói rằng hôm nay tại trường học, ở nhà, trong nơi làm việc, được Thiên Chúa hướng dẫn tôi đã thực thi một cử chỉ yêu thương đối với bạn tôi, đối với cha mẹ tôi, đối với một cụ già! Đẹp biết bao, phải không!

Tư tưởng thứ hai Đức Thánh Cha đề nghị với các bạn trẻ là điều thánh Phaolô và thánh Barnaba khẳng trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Công Vụ: ”Chúng ta phải bước vào trong vương quốc của Thiên Chúa qua nhiều khổ đau” (Cv 14,22). Ngài nói:

Con đường của Giáo Hội và cả con đường cuộc sống cá nhân kitô của chúng ta nữa, không luôn luôn hạnh phúc, nhưng gặp các khó khăn và các khổ đau khốn khó. Theo Chúa, để cho Thánh Linh biến đổi các vùng đen tối của chúng ta, các thái độ hành xử không theo ý muốn của Thiên Chúa và gột rửa các tội lỗi của chúng ta, là một con đường gặp biết bao nhiêu chướng ngại, bên ngoài chúng ta, trong thế giới chúng ta sống, và cả ở bên trong chúng ta nữa, trong con tim, thường không hiểu chúng ta. Nhưng các khó khăn và các khổ đau ấy là phần của con đường giúp đạt tới vinh quang của Thiên Chúa, như đối với Chúa Giêsu, là Đấng đã được vinh hiển trên Thập Giá; chúng ta sẽ luôn luôn gặp chúng trong cuộc sống! Nhưng đừng nản lòng: chúng ta có sức mạnh của Thần Linh giúp chiến thắng các khổ đau khốn khó ấy.

Tư tưởng thứ ba là lời mời gọi Đức Thánh Cha hướng tới các bạn trẻ lãnh bí tích Thêm Sức và tất cả mọi người: hãy vững vàng trên con đường đức tín với niềm hy vọng vững chắc nơi Chúa. Đó là bí mật con đường của chúng ta. Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm đi ngược dòng đời. Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ:

Hỡi các bạn trẻ, các con hãy nghe rõ đây: hãy đi ngược dòng đời, điều này khiến cho con tim được mạnh mẽ, nhưng cần phải có can đảm đi ngược dòng đời và Chúa ban cho chúng ta sự can đảm ấy. Không có các khó khăn, khổ đau khốn khó, hiểu lầm nào phải khiến cho chúng ta sợ hãi, nếu chúng ta sống kết hiệp với Thiên Chúa như cành nho gắn chặt vào thân nho, nếu chúng ta không đánh mất đi tình bạn với Người, nếu chúng ta luôn ngày càng dành chỗ cho Người trong cuộc sống chúng ta. Cả khi và nhất là nếu chúng ta cảm thấy nghèo nàn, yếu đuối, tội lỗi, bởi vì Thiên Chúa ban sức mạnh cho sự yếu đuối của chúng ta, ban phong phú cho sự nghèo nàn của chúng ta, ban ơn hoán cải và ơn tha thứ cho tội lỗi chúng ta. Chúa thương xót biết bao, nếu chúng ta đến với Người, Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng nơi hành động của Thiên Chúa! Với Chúa chúng ta có thể làm các điều trọng đại; Người sẽ làm cho chúng ta cảm thấy niềm vui là môn đệ người, chứng nhân của Người. Các con hãy đánh cuộc với các lý tưởng to lớn, với các điều trọng đại; là tín hữu kitô chúng ta không được Chúa tuyển chọn cho các điều bé nhỏ, các con hãy luôn luôn đi xa hơn nữa, hướng tới các điều cao cả; hỡi các bạn trẻ, các con hãy chơi cuộc sống cho các lý tưởng lớn lao!

Các bạn thân mến, chúng ta hãy mở tang cánh cửa cuộc sống cho sự mới mẻ của Thiên Chúa, là Đấng ban Thánh Thần cho chúng ta, để Người biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở thành mạnh mẽ trong các khốn khó, để Người củng cố sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa, ở vững vàng trong Người: đó là một niềm vui đích thật. Ước gì được như vậy!

Tiếp đến là nghi thức lập lại các lời hứa rửa tội, và ban Bí tích Thêm Sức. Đức Thánh Cha mời toàn cộng đoàn cầu nguyện cho các bạn trẻ, rồi ngài đặt tay trên họ xin Thiên Chúa đổ tràn đầy bẩy ơn của Chúa Thánh Thần trên họ. Sau đó từng bạn trẻ một tiến lên với cha mẹ đỡ đầu để Đức Thánh Cha xức dầu thánh trên trán cho họ, trong khi cha hay mẹ đỡ đầu đặt tay phải trên vai người con thiêng liêng của mình.

Vào phần hiệp lễ Đức Thánh Cha đã cho 44 thanh thiếu niên và hàng trăm tín hữu rước lễ, trong khi các Phó tế trường Truyền Giáo và 200 Linh Mục đồng tế đã cho tín hữu chịu Mình Thánh Chúa.

Sau lời nguyện cuối lễ có hai bạn trẻ, một thanh niên đến từ Buenos Aires và một thiếu nữ Italia, đã lên cám ơn Đức Thánh Cha và nói lên niềm hãnh diện là tín hữu kitô được Chúa Kitô sai đi làm chứng nhân cho Người, và cùng các bạn trẻ thế giới được sống kinh nghiệm của Giáo Hội đại đồng.

Trước khi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã phó thác tất cả mọi người hiện diện và các bạn trẻ mới lãnh nhận bí tích Thêm Đức cho Đức Mẹ. Ngài nói: Đức Trinh Nữ Maria dậy cho chúng ta biết ý nghỉa

của cuộc sống trong Thánh Thần và việc tiếp nhận sự mới mẻ của Thiên Chúa vào trong cuộc sống. Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; mỗi một tín hữu kitô đều được mời gọi tiếp nhận Lời Chúa, tiếp nhận Chúa Giêsu vào trong lòng mình, và đem Chúa đến cho mọi người. Mẹ Maria đã cầu khấn Thánh Thần cùng với các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly. Cả chúng ta nữa, mỗi khi chúng ta tụ họp nhau cầu nguyện, chúng ta được nâng đỡ bởi sự hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu, để nhận ơn của Thần Linh và có sức mạnh làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh. Cha đặc biệt nói điều này với các con là các bạn trẻ vừa mới lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Xin Mẹ Maria giúp các con chú ý tới điều Chúa xin các con, luôn sống và bước đi theo Chúa Thánh Thần.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho các nạn nhân vụ sập nhà máy bên Bangladesh. Ngài bầy tỏ tình liên đới và gần gũi với gia đình các nạn nhân đang khóc thương người thân của họ. Ngài tha thiết kêu gọi các giới hữu trách bảo vệ phẩm giá và an ninh cho giới nhân công.

Sau cùng ca đoàn đã cất Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và Đức Thánh Cha đã ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau khi thay áo lễ Đức Thánh Cha đã đi xe díp ra quảng trường chào các bạn trẻ và tín hữu giữa tiếng vỗ tay và hoan hô liên tục của các bạn trẻ réo gọi tên ”Phanxicô”. Nhiều bạn trẻ cầm các bàn tay có ngón cái giơ lên để nói rằng ”Đức Thánh Cha là số một.” Các bà mẹ thì đua nhau đưa con nhỏ của mình cho các vệ binh bế đến để cho Đức Thánh Cha hôn và vuốt đầu các em. Ngài cũng xã xuống xe đến chào thăm và hôn các người tàn tật ngồi trên xe lăn.
Linh Tiến Khải

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Bản đúc kết Thường huấn linh mục Giáo tỉnh Hà Nội đợt II



Bản đúc kết Thường huấn linh mục Giáo tỉnh Hà Nội đợt II
GP THANH HÓA (26.04.2013) – Trong ba ngày, từ 23–25/4/2013, tại Tòa Giám mục Thanh Hóa, các linh mục trong Giáo tỉnh Hà Nội đã sống trong bầu khí huynh đệ gia đình thân thương. 477 linh mục thuộc mọi thế hệ khác nhau, từ những đấng cao niên đáng kính đến những linh mục trẻ vừa bước vào đời linh mục, từ các giáo phận miền núi đến đồng bằng, từ miền ngược đến miền xuôi, tất cả cùng về đây sống tình gia đình. “Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui”. Ngày thứ nhất còn e dè lạ lẫm, ngày thứ hai đã trở thành thân quen và ngày thứ ba chia tay trong lưu luyến.
Những bài thuyết trình của quý Đức cha nhằm tới bốn chiều kích của chương trình đào tạo linh mục: Nhân bản, Thiêng liêng, Tri thức và Mục vụ.
Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Bắc Ninh, đã giúp hồi tâm xét mình trong tinh thần Năm Đức Tin. Ngài mời gọi các linh mục cùng duyệt lại mối tương quan của linh mục với Chúa, với bề trên, với anh em linh mục và với giáo dân. Những câu chuyện đơn sơ mà chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, gợi ra những bài học thực hành cụ thể, giúp linh mục nhìn lại mình.
Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã giúp các tham dự viên nhìn lại quan niệm về vai trò người giáo dân trong bề dày của lịch sử, từ cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy cho đến đời sống hiện đại, từ Công đồng Vatican I đến Vatican II, từ Giáo Luật 1917 đến Giáo Luật 1983. Nếu bí tích Thánh tẩy trao cho người giáo dân sứ mạng cộng tác mật thiết với hàng giáo sĩ, thì vai trò của họ lại bị hiểu sai hoặc đánh giá thấp. Công đồng Vatican II đã có những cố gắng để dành cho người giáo dân sự quan tâm và mời gọi họ cộng tác trong việc xây dựng Giáo hội và tham gia truyền giáo. Tuy nhiên, ngày hôm nay, vẫn cần phải đặt câu hỏi, người giáo dân đang đứng ở đâu trong các cộng đoàn địa phương.
Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Phát Diệm, người vừa tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tại Rôma tháng 10 năm 2012, đã chia sẻ với anh em linh mục bầu khí sôi động của những khóa họp cũng như những ý kiến của các giám mục trên toàn thế giới. Đức cha phân tích khái niệm Tân Phúc âm hóa theo ý Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đồng thời trình bày những nhận định về tình hình hiện nay của xã hội và Giáo hội tại Việt Nam, nhất là cách thực hành đức tin của số đông tín hữu Việt Nam. Trong bối cảnh đó, mọi người cần phải canh tân đời sống, linh mục cũng như giáo dân. Tân Phúc âm hóa không phải là một “sản phẩm” mới mà Giáo Hội tung ra “thị trường tôn giáo”, nhưng phải khởi đi từ việc mỗi người gặp gỡ thân tình và cá biệt với Đức Giêsu, gắn bó với Người và thực thi lời Người dạy.
Cha Piô Ngô Phúc Hậu, với đề tài “Kể chuyện Chúa Giêsu cho người Việt Nam” đã chia sẻ những kinh nghiệm truyền giáo đối với anh chị em lương dân. Những câu chuyện bình dị, những lối so sánh rất đời thường nhưng chứa đựng những nội dung giáo lý thâm sâu, giúp cho người nghe dễ đón nhận Đức Giêsu.
Chương trình thường huấn cũng diễn tả khía cạnh hiệp thông trong thể thao, qua trận đấu bóng giao hữu giữa các linh mục giáo phận Vinh và giáo phận Thanh Hóa. Cả hai đội đều ngang tài ngang sức. Những “thày cả” hằng ngày quen với kinh lễ, mục vụ khi ra sân cỏ trở thành những cầu thủ điêu luyện, thành thạo, quyết tâm thi đấu vì “màu cờ sắc áo”. Sau hai hiệp, kết quả hòa 1-1. Sau khi đá luân lưu, đội chủ nhà Thanh Hóa giành chiến thắng trong những tiếng hò reo vang dậy của các cổ động viên. Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đã trao cúp danh dự cho đội chiến thắng.
Chương trình văn nghệ “Hát cho nhau nghe” buổi tối 24-4 là cơ hội để các linh mục thể hiện tài năng. Những vần thơ, những điệu hò câu hát tuy không chuyên nghiệp nhưng được hát lên với cả tấm lòng, mang theo những trăn trở buồn vui của đời dâng hiến. Thế mới biết, các linh mục không chỉ lo mục vụ, mà còn thành thạo trong thơ ca, trữ tình trong văn nghệ và tài giỏi điều khiển nhạc cụ các loại khác nhau. Những tiết mục được trình bày nói lên niềm vui của đời dâng hiến, vẻ đẹp của hành trình dấn thân và hạnh phúc của người phục vụ. Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa và các em thiếu nhi cũng góp những tiết mục “cây nhà lá vườn” rất vui nhộn và ý nghĩa.
Trong những ngày thường huấn, có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, và các giám mục trong Giáo tỉnh. Các ngài hiện diện để đồng hành và lắng nghe anh em linh mục, đồng thời thể hiện mối quan tâm của chủ chăn đối với những người cộng sự của mình.
Mục đích của tuần thường huấn là giúp cho anh em linh mục lắng nghe tiếng Chúa, nghe các bề trên và nghe những ý kiến chia sẻ của nhau. Những giờ hội thảo nhóm là cơ hội để anh em nói lên những trăn trở suy tư của mình cũng như những khó khăn gặp phải trong khi thi hành bổn phận mục vụ. Các linh mục tham dự chia làm 10 nhóm hội thảo, mỗi nhóm từ 40 đến 45 người. Những ý kiến rất đa dạng và cũng rất chân thành mang tính xây dựng và xuất phát từ lòng yêu mến Giáo hội. Đặc biệt, đây là những nhận định và ý kiến của các linh mục về chính mình. Xin tổng hợp những ý kiến hội thảo thành 4 loại như sau:
1- Những nhận định về hiện trạng đời sống đức tin của Giáo hội Việt Nam
Tạ ơn Chúa đã ban cho người tín hữu Việt Nam những đức tính tốt đẹp như yêu mến Giáo hội, yêu mến chiều chuộng các linh mục và các tu sĩ; vui mừng vì trong Giáo hội luôn có những linh mục nhiệt thành thánh thiện và tận tâm phục vụ. Tuy vậy, ai cũng nhận thấy đức tin có phần sa sút nơi nhiều cộng đoàn tín hữu. Càng ngày càng phổ biến hiện tượng người công giáo thực hành những điều mê tín dị đoan. Việc đi lễ ngày Chúa nhật cũng như các thực hành đạo đức truyền thống bị coi nhẹ. Đây đó cũng có những linh mục còn thái độ cha chú, cửa quyền hách dịch, xa cách giáo dân. Giới trẻ và thiếu nhi bị lãng quên, không được quan tâm trong giáo xứ. Tại nhiều nơi, việc sống đạo chỉ được hiểu là thực hành kinh lễ ở nhà thờ, không quan tâm đến người ngoài công giáo và những phong trào công ích xã hội. Có những nơi quá chú trọng đến việc xây cất và tổ chức kiệu rước mà coi nhẹ việc học hỏi giáo lý và công việc bác ái.
2- Ước mơ về một mô hình giáo xứ lý tưởng
Rất nhiều ý kiến mong ước xây dựng một giáo xứ theo mô hình gia đình, nơi đó các thành viên đều bình đẳng và yêu thương nhau. Người giáo dân được mời gọi tham gia xây dựng và phát triển giáo xứ, chung tay với cha xứ thực hiện những hoạt động mục vụ như dạy giáo lý, lập các hội đoàn. Hình ảnh cha xứ lý tưởng cũng được nhắc tới. Đó phải là một linh mục nhiệt tâm, gần gũi giáo dân, thăm viếng gặp gỡ giáo dân và lương dân trong làng. Linh mục cũng cần lắng nghe ý kiến của giáo dân, đối thoại với họ trong tình gia đình. Ngài cũng phải lo soạn bài giảng chu đáo để có thể nuôi dưỡng giáo dân bằng Lời hằng sống và làm cho phụng vụ có sức hấp dẫn giới trẻ và anh chị em lương dân.
3- Những thao thức
Rất nhiều anh em linh mục trăn trở về tình trạng đức tin của người công giáo hiện nay. Các lớp giáo lý rất khó thu hút học viên, vì tâm lý chung là ngại học giáo lý. Làm thế nào để huấn luyện các tín hữu có một đức tin trưởng thành, quan tâm đến giới trẻ và thiếu nhi. Đã có những sáng kiến mang lại kết quả tốt đẹp như cha xứ tổ chức các buổi gặp gỡ các giáo chức, các doanh nhân công giáo, chia sẻ với họ về đức tin. Tại nhiều giáo xứ đã thường xuyên có lớp dạy Thánh Kinh và giáo lý cho người trưởng thành. Đa số những ý kiến nêu lên những trở ngại trong việc huấn luyện đức tin.
4- Những đề nghị
Hội thảo cũng là lúc anh em linh mục nói lên những để nghị với các vị chủ chăn của mình. Anh em mong muốn Hội đồng Giám mục Việt Nam hay các giám mục trong Giáo tỉnh có những hướng dẫn cụ thể trong việc dạy giáo lý, nên chăng có tài liệu giáo lý hôn nhân và dự tòng thống nhất trong Giáo tỉnh. Cần có thời gian để trao đổi những vấn đề thường xuyên gây tranh cãi như bí tích Hôn nhân. Các linh mục cũng mong ước các chủ chăn cần có những kế hoạch mục vụ cụ thể hữu hiệu và cũng cần khơi lên nơi mọi linh mục lòng nhiệt thành mục vụ. Một vài ý kiến mong ước việc chuyển xứ được thực hiện sao cho hợp tình hợp lý và đem lại những ích lợi mục vụ.
Đợt II của chương trình thường huấn linh mục Giáo tỉnh Hà Nội năm 2013 được tổ chức tại Tòa Giám mục Thanh Hóa. Đức giám mục và linh mục đoàn của Thanh Hóa đã thể hiện lòng mến khách qua việc tiếp đón rất chu đáo và nhiệt tình. Đặt chân tới Tòa giám mục Thanh Hóa, ai mà không ấm lòng khi đọc thấy dòng chữ ghi ở cổng vào Tòa giám mục “Mỗi vị khách là một hồng ân”. Vâng, trong những ngày ngày, Thanh Hóa được đón tiếp 477 hồng ân đến từ 10 giáo phận. Nếu các linh mục là máng thông ơn Chúa, thì chắc chắn qua các ngài, giáo phận Thanh Hóa còn được đón nhận nhiều ân khác nữa.
Thánh lễ tạ ơn lúc 10 giờ sáng ngày 25/4/2013 do Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh ở Việt Nam, chủ sự. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, ngài nhấn mạnh đến sứ mạng truyền giáo của mỗi người trong Giáo hội, nhất là của các linh mục là những thừa tác viên Lời Chúa. Hôm nay cũng là ngày lễ kính Thánh Máccô thánh sử, Đức Tổng giám mục mời gọi các linh mục chuyên cần học hỏi Lời Chúa và thực hành lời ấy trước khi rao giảng cho các tín hữu: “Noi gương Thánh Máccô, anh em hãy đi vào cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng để gặp gỡ Đức Giêsu, nhờ đó mà chúng ta trở nên hiện thân của Người giữa trần gian”.
Chương trình thường huấn đã khép lại, mỗi linh mục trở về nhiệm sở của mình. Vẫn còn đó những âu lo và khó khăn thử thách, nhưng chắc chắn mỗi tham dự viên phần nào trải nghiệm được tình hiệp thông giữa anh em linh mục, nhất là được ơn Chúa tác động và biến đổi. Ước mong các linh mục trong Giáo tỉnh được tiếp thêm những nghị lực trong sứ mạng tông đồ, hăng say dấn thân, đem lại những mùa gặt mới trên quê hương Việt Nam thân yêu.







Thanh Hóa, 25/4/2013
(Ảnh: gpthanhhoa.org)
 
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo hội không phải là một cơ cấu hành chính mà là câu chuyện về tình yêu”



Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo hội không phải là một cơ cấu hành chính mà là câu chuyện về tình yêu”
WHĐ (25.04.2013) – Giáo hội không phải là một cơ cấu hành chính, nhưng là câu chuyện về tình yêu. Nếu “Giáo hội lập ra các cơ quan và trở nên phần nào quan liêu, Giáo hội sẽ đánh mất bản chất chính yếu của mình và có nguy cơ biến thành một tổ chức phi chính phủ. Nhưng Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ.
Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại ý tưởng trên trong Thánh Lễ sáng thứ Tư 24-04 tại nhà nguyện của Nhà khách Thánh Martha. Trong số những người hiện diện, có các nhân viên của Viện Giáo vụ (IOR). Vì vậy Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Giáo hội là một câu chuyện về tình yêu ... Nhưng ở đây các nhân viên IOR ... tôi xin lỗi, … có những thứ cần thiết, cần có các văn phòng... Vâng! Nhưng chỉ cần đến một mức độ nào đó: như một sự trợ giúp cho câu chuyện về tình yêu này. Nhưng khi tổ chức chiếm vị trí ưu tiên, tình yêu sẽ rơi xuống hàng thứ yếu và Giáo hội, đáng buồn thay, sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ. đây không phải là con đường đi tới”.
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay kể lại câu chuyện cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên phát triển và gia tăng số môn đệ. Đức Thánh Cha nói, đó là điều tốt, nhưng điều đó có thể đẩy người ta đến chỗ “mặc cả” để có “nhiều người hơn tham gia vào liên doanh này. Thay vào đó, con đường mà Chúa Giêsu muốn cho Giáo hội của Người đi theo con đường khác: con đường của những khó khăn, con đường thập giá, con đường của bách hại... Và điều này khiến chúng ta tự hỏi: Giáo hội này là gì đây, Giáo hội của chúng ta như thế chẳng có vẻ gì giống như một nghiệp đoàn của con người”. Giáo hội là “điều gì hơn thế nữa”. Không phải các môn đệ đã xây dựng Giáo hội. Họ chỉ là những sứ giả được Chúa Giêsu sai đi và Chúa Kitô cũng được Chúa Cha sai đi. Giáo hội được sinh ra từ trái tim của Chúa Cha, Đấng đã có ý tưởng này –hay đúng hơn, đã có tình yêu này– là câu chuyện về tình yêu, đã bắt đầu và cứ kéo dài mãi mà vẫn chưa kết thúc. Chúng ta đang ở giữa câu chuyện về tình yêu ấy: mỗi người chúng ta là một mắt xích trong chuỗi tình yêu ấy. Và nếu chúng ta không hiểu được điều này, chúng ta cũng chẳng hiểu gì về Giáo hội.
Giáo hội không phát triển nhờ sức mạnh của con người: một số Kitô hữu đã có những sai lầm vì lý do lịch sử, họ đã đi sai, họ đã có quân đội, và họ tiến hành những cuộc chiến tranh tôn giáo: đó là một câu chuyện khác, không phải là câu chuyện về tình yêu này. Cả chúng ta cũng phải học –qua những sai lầm của mình– để biết câu chuyện về tình yêu diễn tiến ra sao. Nhưng diễn tiến thế nào? Như Chúa Giêsu đã nói: như hạt cải, nó lớn lên như men trong bột, chẳng ồn ào. Giáo hội phát triển từ dưới lên, một cách tiệm tiến”.
Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Khi Giáo hội tự mãn về số lượng và cơ cấu hành chính, thiết lập các cơ quan và một cách nào đó trở thành bộ máy hành chính, khi đó Giáo hội đánh mất bản chất của mình và rơi vào nguy cơ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ nhưng là câu chuyện về tình yêu.”
Đức Thánh Cha kể: “Một vị lãnh đạo quốc gia hỏi rằng đoàn vệ binh giáo hoàng to lớn như thế nào”; nhưng Giáo hội không phát triển “nhờ quân đội, mà nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, vì Giáo hội không phải là một tổ chức. Không, Giáo hội là một người mẹ. Ở đây có rất nhiều bà mẹ, trong Thánh Lễ này. Các chị em cảm thấy thế nào nếu có ai đó hỏi chị em: ‘Bà có phải quản gia trong nhà bà không? Không, tôi là người mẹ’. Giáo hội là Mẹ. Và chúng ta ở giữa một câu chuyện về tình yêu được kể bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần; và chúng ta, tất cả chúng ta cùng với nhau, là một gia đình trong Giáo hội Mẹ của chúng ta.
 
Minh Đức

Ngày phán xét thúc đẩy chúng ta sống giây phút hiện tại tốt lành và bác ái hơn



Ngày phán xét không làm cho chúng ta sợ hãi, nhưng thúc đẩy chúng ta sống giây phút hiện tại tốt lành hơn, biết nhận ra Chúa nơi các anh chị em nghèo túng và yêu thương trợ giúp họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 24-5-2013. Trong số các đoàn hành hương hiện diện và được ngồi hai bên khán đài có phái đoàn 55 tín hữu Việt Nam, do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn hướng dẫn. Đức Thánh Cha đã chào phái đoàn như sau:

Tôi thân ái chào các khách hành hương Việt Nam của tổng giáo phận thành phố Hồ Chi Minh, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.

Trong hài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm, như viết trong Kinh Tin Kinh: ”Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Đức thánh Cha nói: Lịch sử loài người đã bắt đầu với việc tạo dựng người nam và người nữ giống hình ảnh của Thiên Chúa, và kết thúc với việc phán xét sau hết của Chúa Kitô. Thường khi chúng ta quên hai cực này của lịch sử, và nhất là niềm tin vào việc trở lại của Chúa Kitô và ngày phán xét sau hết đôi khi không rõ ràng và vững vàng trong tim của các kitô hữu. Trong cuộc sống công khai Chúa Giêsu đã thường dừng lại trên thực tại này của lần trở lại sau cùng.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã suy tư về ba dụ ngôn giúp mình giải ý nghĩa của tín lý này: đó là dụ ngôn 10 trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn các nén bạc và văn bản nói về ngày phán xét sau hết. Cả ba văn bản đều thuộc diễn văn của Chúa Giêsu về ngày tận thế trong Phúc Âm thánh Mátthêu.

Với việc Lên Trời Con Thiên Chúa đã đem nhân tính của chúng ta mà Người đã nhận lấy lên gần Thiên Chúa Cha, và muốn kéo tất cả chúng ta đến với Người, muốn kêu gọi toàn thế giới được đón nhận trong vòng tay rộng mở của Thiên Chúa, để khi lịch sử kết thúc, toàn thực tại được giao cho Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, có ”thời gian tức khắc” giữa biến cố Chúa Kitô đến lần đầu và lần cuối, là thời gian chúng ta đang sống. Dụ ngôn mười trinh nữ nằm trong bối cảnh của ”thời gian tức khắc” này (x. Mt 25,1-13).

Đây là mười trinh nữ đang chờ Chàng Rể tới, nhưng chàng đến chậm và các cô thiếp ngủ. Khi nghe báo Chàng Rể đang tới, tất cả các cô chuẩn bị tiếp đón Chàng, nhưng trong khi các cô khôn ngoan có dầu để châm cho đèn, thì các cô khờ dại bị tắt đèn vì không có dầu; và trong khi họ tìm cách đến với Chàng Rể thì các trinh nữ khờ dại thấy cửa vào phòng tiệc cưới đã đóng. Họ kiên trì gõ cửa nhưng đã qúa muộn, Chàng Rể trả lời: Ta không biết các ngươi. Chàng Rể là Chúa, và thời gian chờ đợi Người tới là thời gian Chúa cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, với sự thương xót và lòng kiên nhẫn, trước ngày Chúa đến lần sau hết; đó là một thời gian tỉnh thức, thời gian trong đó chúng ta phải giữ cho đèn của đức tin, đức cậy và đức mến được cháy sáng, trong đó chúng ta phải giữ cho con tim rộng mở cho sự thiện, cho vẻ đẹp và cho tình bác ái; đó là thời gian sống theo Thiên Chúa, bởi vì chúng ta không biết ngày giờ cuộc trở lại của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha giải thích giáo huấn của dụ ngôn như sau:

Điều đòi hỏi chúng ta là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, được chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ đẹp, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu; nó có nghĩa là biết trông thấy các dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, giữ cho đức tin của chúng ta được sống động, với lời cầu nguyện, với các Bí tích, tỉnh thức để đừng ngủ, để đừng quên Chúa. Cuộc sống của các kitô hữu ngủ là một cuộc sống buồn sầu, không phải là một cuộc sống hạnh phúc. Kitô hữu phải là người hạnh phúc, với niềm vui của Chúa Giêsu. Chúng ta đừng ngủ!

Dụ ngôn thứ hai là dụ ngôn các nén bạc, khiến chúng ta suy tư về tương quan giữa việc chúng ta dùng các ơn nhận được từ Thiên Chúa như thế nào và việc trở lại của Người, trong đó Người sẽ hỏi chúng ta đã dùng các ơn ấy ra sao (x. Mt 25,14-30). Chúng ta biết rõ dụ ngôn: trước khi đi xa, ông chủ trao cho mỗi đầy tớ vài nén bạc, để chúng được sử dụng trong lúc ông vắng nhà. Ông giao cho người thứ nhất năm nén, người thứ hai hai nén và ngươi thứ ba một nén. Trong thời gian ông đi vắng hai người dầu tiên làm cho các nén bạc sinh lợi, trong khi người thứ ba thích chôn nén bạc của mình và trả lại nguyên vẹn cho chủ. Khi chủ về ông xét xử công việc của họ: ông khen ngợi hai người đầu, trong khi người thứ ba bị đuổi ra ngoài trong tối tăm vì anh ta đã dấu nén bạc vì sợ hãi, và khép kín trong chính mình. Một kitô hữu khép kín trong chính mình, chôn dấu tất cả nhữmg gì Chúa đã ban cho không là một kitô hữu. Đó là một kitô hữu không cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa đã ban cho họ. Đức Thánh Cha giải thích giáo huấn của dụ ngôn như sau:

Điều này nói với chúng ta rằng sự chờ đợi Chúa trở lại là thời gian của hành động - chúng ta đang sống trong thời gian hành động - thời gian, trong đó sinh hoa trái các ơn Chúa ban cho chúng ta, không phải cho chính chúng ta, nhưng là cho Chúa, cho Giáo Hội, cho những người khác, là thời gian trong đó luôn tìm cách gia tăng sự thiện trong thế giới. Và một cách đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng ngày nay, điều quan trọng là không khép kín trong chính mình, bằng cách chôn dấu nén bạc, các phong phú tinh thần, trí tuệ, vật chất của mình, tất cả những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng phải mở ra, liên đới, chú ý tới người khác. Trong quảng trưởng tôi trông thấy nhiều người trẻ, có đúng thế không? Có nhiều người trẻ phải không? Người trẻ ở đâu rồi? Với các con là những người còn đang ở lúc khởi đầu của con đường cuộc sống cha xin hỏi: Các con đã nghĩ tới các nén bạc Thiên Chúa đã ban cho các con chưa? Các con đã nghĩ có thể dùng chúng để phục vụ tha nhân chưa? Đừng chôn dấu các nẻn bạc! Hãy đánh cá chúng trên các lý tưởng lớn, các lý tưởng rộng mở con tim, các lý tưởng phụng sự khiến cho các nén bạc của các con phong phú. Cuộc sống không được ban cho để chúng ta khư khư giữ nó cho chính mình, mà được ban để chúng ta cho đi. Các người trẻ thân mến, hãy có một tâm hồn cao thượng! Đừng sợ hãi mơ tưởng các điều vĩ đại!

Sau cùng là một lời liên quan tới sự phán xét sau hết, trong đó được miêu tả lần đến thứ hai của Chúa, khi Người sẽ phán xét tất cả mọi người kẻ sống và người chết (x. Mt 25,31-46). Hình ảnh được thánh sử dùng là hình ảnh của người mục tử tách chiên khỏi dê. Bên phải được đặt những người đã hành động theo ý muốn của Thiên Chúa, cứu giúp tha nhân đói khát, khách lạ, trần truồng, yếu đau, bị cầm tù - tôi đã nói ”khách lạ”: tôi nghĩ tới tất cả các người nước ngoài ở trong giáo phận Roma này, chúng ta phải làm gì cho họ? - trong khi đi về bên trái là những kẻ đã không cứu giúp tha nhân. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa sự phân cách này như sau:

Điều này nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ bị Thiên Chúa phán xử theo tình bác ái, theo cách chúng ta sẽ yêu thương các anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người yếu đuối và cần được giúp đỡ. Chắc chắn chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta được biện minh, chúng ta được cứu rỗi nhờ ơn thánh, vì một hành động của tình yêu thương nhưng không của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn đi trước chúng ta; một mình chúng ta không thể làm được gì. Đức tin trước hết là một ơn mà chúng ta đã nhận được. Nhưng để mang hoa trái ơn thánh Chúa luôn luôn đòi hỏi chúng ta rộng mở cho Người, câu trả lời tự do và cụ thể của chúng ta. Chúa Kitô đến để đem lại cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng cứu thoát. Chúng ta được yêu cầu tín thác nơi Người, đáp trả lại ơn tình yêu của Người với một cuộc sống tốt lành, gồm các hành động được linh hoạt bởi đức tin và tình yêu thương.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến nhìn vào sự phán xét sau hết không bao giờ làm chúng ta sợ hãi; đúng hơn nó thúc đẩy chúng ta sống hiện tại tốt lành hơn. Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta thời gian này với lòng thương xót và sự kiên nhẫn, để chúng ta học nhận biết Người mỗi ngày nơi các anh chị em nghèo túng và bé nhỏ, để chúng ta làm việc thiện và tỉnh thức trong lời cầu nguyện và trong tình yêu thương. Ước chi vào cuối cuộc đời mình và khi lịch sử kết thúc Chúa có thể thừa nhận chúng ta như các đầy tớ tốt lành và trung tín của Người.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào người trẻ và khuyến khích họ tận dụng mọi khả năng và tài khéo Chúa ban để xây dựng Nước Chúa, Giáo Hội rất cần đến họ. Sau cùng ngài cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải