label

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Tổng giáo phận Sài Gòn: “Tấm vé nghĩa tình” - Siêu Thị Mini 0 đồng

Tổng giáo phận Sài Gòn: “Tấm vé nghĩa tình” - Siêu Thị Mini 0 đồng






Dự án “Thương quá Sài Gòn ơi” của Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) hỗ trợ người lao động khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Tp. Hồ Chí Minh, thông qua chương trình Siêu Thị Mini (STMN) 0 đồng.

 

 

Vào lúc 7g ngày 26-7-2021, tại địa điểm số 35 Độc Lập, P. Tân Thành, quận Q. Tân Phú (Trường Phan Bội Châu), STMN 0 đồng được khai trương, phục vụ miễn phí cho 200 người  (qua hình thức tấm phiếu), thuộc gia đình lao động khó khăn không phân biệt tôn giáo, trong địa bàn phường Tân Thành, quận Q. Tân Phú; mỗi phiếu có mệnh giá 400.000 đồng. Đây là “Tấm vé nghĩa tình”.

 

 

Riêng với Q. Tân Phú, Dự án của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã tài trợ 1000 phiếu mua hàng cho những gia đình khó khăn, bao gồm cả những người dân ở xóm trọ, người lang thang cơ nhỡ ở khu vực thuộc 05 phường của Q. Tân Phú. Gồm các phường: Tân Thành, Hòa Thạnh, Tân Quý, Tân Sơn Nhì và Phú Thọ Hòa.

 

STMN 0 đồng mở cửa phục vụ từ 7g đến 15g30, trong suốt 5 ngày liên tục. Tức từ ngày 26-7 cho đến 30-7-2021. Mỗi ngày phục vụ một phường, mỗi phường có 200 phiếu mua hàng. Người có phiếu thực hiện các quy định của Ban tổ chức đưa ra, thực hiện quy tắc 5K để phòng tránh lây lan dịch bệnh, đồng thời thực hiện các quy định khác để tôn trọng lợi ích chung của mọi người.

 

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ cho biết: : “Việc quan tâm chăm lo cho người nghèo khó là nghĩa cử bác ái của đời sống Giáo hội Công giáo. STMN 0 đồng được xây dựng từ nguồn tài chánh được đóng góp từ tấm lòng hảo tâm của các Gíao phận, giáo xứ, của rất nhiều người đã đáp lời kêu gọi của Đức Tổng giám mục (TGM), Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), cứu trợ cho người dân Thành phố trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid. Chương tình STMN 0 đồng đã được phối hợp nhịp nhàng giữa các Đơn vị. Đơn vị phối hợp thuộc chính quyền và đoàn thể Q. Tân Phú; đơn vị tổ chức là công ty PNJ và đơn vị tài trợ là GHCG.

 

Ngày khai trương siêu thị có sự quan tâm, hiện diện của ông Nguyễn Công Thành - Phó chủ tịch (PCT) Q. Tân Phú, bà Chung Thủy Tiên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Q. Tân Phú, PCT phường Tân Thành, Linh mục (Lm) Giuse Đào Nguyên Vũ – Chánh Văn phòng HĐGMVN và Lm. Giuse Ngô Vũ Anh Tuấn.

 

Ông Huỳnh Văn Tẩn – Phó Ban tổ chức STMN 0 đồng, thuộc công ty PNJ, là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức và thực hiện STMN 0 đồng cho biết: “Mô hình ST 0 đồng là chuỗi hoạt động nằm trong chiến dịch “Vòng tay Việt”, được thực hiện dưới sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Sở Công thương TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Thành Đoàn TP. HCM và sự đồng hành của Hội Nữ Doanh nhân TP. HCM (Hawee) và của  Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA). Ông Tẩn cũng bày tỏ niềm vui được sự đồng hành của Giáo hội Công Giáo”.

 

Những sự phối hợp trên tạo sự thuận lợi cho công ty PNJ được phép chuyển tải và được cung ứng nguồn hàng nhu yếu phẩm cung cấp cho STMN 0 đồng. Nhất là trong hoàn cảnh bị giãn cách, phong tỏa hiện tại.

 

Lm. Giuse Ngô Vũ Anh Tuấn cho biết Thực hiện đề án “Thương quá Sài Gòn ơi!” từ ngày 14-7-2021 đến nay, tại Văn phòng HĐGMVN đã nhận được nhiều cuộc gọi đến cần sự giúp đỡ vì hoàn cảnh khốn khổ. Mặc dù mạng lưới bác ái tại các giáo xứ hoạt động tích cực, nhưng có thể có những nơi không thể đến được. Sự ra đời của STMN 0 đồng như cánh tay nối dài của GH đến với người nghèo khó. Lm nhắn nhủ những người đang khó khăn hãy liên hệ nơi các nhà thờ Công giáo; hoặc qua chính quyền địa phương, các phường đang phát phiếu mua hàng STMN 0 đồng, để nhận sự giúp đỡ.

 

“Tấm vé nghĩa tình” này xuất phát từ tình thương của nhiều người đã gởi những đóng góp về nơi Văn phòng HĐGMVN, hy vọng mang đến sự an ủi phần nào nỗi đau thương khốn khổ mà người dân nghèo đang phải gánh chịu do đại dịch Covid gây ra. Nhiều người nhận tấm vé này đã tâm sự về hoàn cảnh khổ. Một chị kể: “thất nghiệp mấy tháng nay, không có tiền còn phải nuôi cha mẹ già yếu và một đứa cháu.” Có gia đình cả hai vợ chồng đều thất nghiệp. Rất nhiều hoàn cảnh khó khăn...kể không hết!

 

Thuận lợi và khó khăn

Chương trình STMN 0 đồng gặp sự thuận lợi: Được địa phương phấn khởi, lập danh sách và phát phiếu cho các gia đình khó khăn. Còn người nghèo khó thì rất vui vì được chọn lựa những mặt hàng gia đình đang cần trong số hơn 30 loại xếp trên kệ của siêu thị.

 

Hiện tại, để STMN 0 đồng hoạt động được cũng khá khó khăn. Vì chỉ những xe chuyển hàng có mã Code mới được vận chuyển, lưu thông; bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đang gặp khó khăn nên có thể hạn chế trong việc cung ứng hàng cho STMN 0 đồng.

 

Lời kết

“Tấm vé nghĩa tình” - STMN 0 đồng được đến tay dân nghèo khó là nhờ “Vòng tay Việt”. GHCG xin gởi lời cảm ơn đến tất cả những người đã chung tay, chung lòng nhân ái thực hiện chương trình này. Cách riêng, xin cảm ơn Ban tổ chức PNJ đã đóng góp rất hiệu quả cho STMN 0 đồng và công ty có đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, hy sinh tận tụy vì cộng đồng.

Tiến Hương

Nguồn: tgpsaigon.net

  

THƯƠNG CHO NHỮNG PHẬN ĐỜI

THƯƠNG CHO NHỮNG PHẬN ĐỜI

Lm. Biển Xanh

WGPCT (28.7.2021) - Sau 3 lần nạn Covid 19 xảy ra tại Việt Nam, hầu hết mọi sinh hoạt của xã hội và Giáo hội đều bị ảnh hưởng. Cuộc sống của con người thay đổi và thậm chí là đảo lộn rất nhiều. Dù vậy, nhìn chung những sinh hoạt của con người vẫn diễn ra tương đối ổn định. Tuy nhiên, khi dịch Covid 19 xuất hiện lần 4 thì đáng sợ và có nhiều hình ảnh rất thương tâm, nhất là những phận đời bất hạnh.

Trước hết, hình ảnh những em bé bị dương tính Covid 19 tự lên xe cứu thương một mình trong cô đơn đau xót. Không phải em bị cha mẹ bỏ rơi nhưng vì dịch bệnh làm cho em cô đơn, đau đớn như vậy. Cha mẹ em đã bị dương tính trước đó, bà ngoại cũng đang điều trị… thật đáng thương cho phận đời thơ ấu.

Tiếp đến, hình ảnh 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An trên quảng đường dài hơn 1000km. Trước khi vào Nam họ hy vọng tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn nhưng vì dịch bệnh kéo dài dẫn đến nguồn thu nhập cạn kiệt và đành phải bán chiếc điện thoại của cô con gái để mua 2 chiếc xe đạp, để gia đình cùng nhau đèo về quê. Hy vọng của họ bị tước lấy vì dịch bệnh Covid tai hại này… thật đáng thương cho phận đời của cả gia đình.


Ngoài ra, hình ảnh một người đàn ông gầy guộc đi bộ 12 ngày từ Buôn Mê Thuột về nhà người chị ở Bình Phước trên đoạn đường gần 200 km. Khi những ngày giãn cách xã hội, phương tiện xe cộ không còn và chính bản thân anh cũng không có tiền vì anh bị tai nạn, và những ngày tháng qua nằm dưỡng bệnh nên không làm ra tiền… thật đáng thương phận đời của một người không nơi nương tựa.

Tiếp theo, một anh thanh niên từ Huế vào Nam tìm việc làm phù hợp để mong thay đổi cuộc sống. Tiếc rằng, vào Nam chưa bao lâu thì dịch bệnh kéo dài nên không ai thuê mướn và cuối cùng đành đi bộ từ Trà Vinh về Huế, một đoạn đường rất dài. Trên lưng là một ba lô chứa thùng mì tôm. Khi đói bụng, ghé vào bất cứ nhà nào xin một ít nước xôi và mượn cái tô để trụng mì ăn… thật đáng thương cho phận đời của người kém may mắn.

Sau cùng, tại một công ty nọ xảy ra việc trộm cắp, khi bị bắt thì hai anh thanh niên nói: “Chúng tôi không có trộm cắp máy móc hay đồ quý giá mà chỉ lấy mấy gói mì tôm và ít vật dụng để ăn và sống qua ngày, vì những ngày nay chúng tôi không có gì ăn…” Nghe nói vậy, chủ công ty không những tha cho hai anh thanh niên mà còn tặng cho họ thêm một vài món đồ vì trong ví của họ có thẻ sinh viên, năm thứ… trường… thật đáng thương cho phận đời của những người gặp bước đường cùng.

Trên đây là những phận đời đáng thương được nhìn thấy qua phương tiện truyền thông. Còn biết bao hoàn cảnh khó khăn khác như già cả, bệnh tật, đói khát, thiếu thốn, không nơi nương tựa của bà con ở miền quê mà chúng ta chưa nhìn thấy hoặc nhận ra…

Dù vậy, chúng ta hãy tạ ơn Chúa và cám ơn đời. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã dựng nên ngày và đêm. Sau những giờ khắc của đêm tối thì sẽ bừng lên ánh sáng của ban ngày. Cám ơn đời vì sau đau khổ sẽ tìm thấy tia hy vọng. Trước những khó khăn của biến cố thì có biết bao tình thương từ những người hữu trách và ân nhân xa gần trợ giúp mua vé tàu, hoặc xin đi nhờ xe, hoặc góp tiền để trợ giúp v.v. Hầu giúp cho những phận đời đau khổ được về quê bình an, đoàn tụ với gia đình. Xin Chúa ban cho họ sức khỏe, nghị lực và những ơn cần thiết để họ đi hết quảng đời phía trước trong niềm hy vọng của ánh sáng ngày mới tươi đẹp hơn. Xin Chúa trả công cho những tâm hồn quảng đại bác ái và ban cho họ những điều thiện hảo của Chúa ở hiện tại và mai sau.

Nguồn: gpcantho.com 

6 cách để người Công giáo giữ tâm hồn bình an

 

6 cách để người Công giáo giữ tâm hồn bình an


  •  
  •  

Di etonastenka|Shutterstock

6 CÁCH ĐỂ NGƯỜI CÔNG GIÁO GIỮ TÂM HỒN BÌNH AN

Tác giả: Magnús Sannleikur
Chuyển ngữ: Maria Ngọc Tỷ
Nguồn: aleteia.org (26.7.2021)

WHĐ (29.7.2021) - Những ý tưởng này có thể truyền cảm hứng cho bạn để sống với sự bình an mà Đức Kitô đã hứa để lại cho những ai theo Người.

Trong những thời khắc khó khăn này, có nhiều người cảm thấy mất phương hướng và bên cạnh đó, họ không thể tìm thấy sự bình an đến từ Đức Kitô. Vậy, 6 ý tưởng sau đây có thể giúp chúng ta khám phá lại “món quà” mà Chúa Giêsu đã trao ban cho nhân loại, trước khi Người lên trời về cùng Cha Người: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14, 27)

1. HÃY TRÁNH XA CƠN LỐC CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Các giác quan của chúng ta thường xuyên bị tấn công bởi những lời nói, âm thanh và hình ảnh. Chúng ta cần phải tách mình ra khỏi cảm giác hỗn loạn ấy, để tìm được sự nghỉ ngơi trong Đức Kitô. Thoát khỏi sự hỗn loạn, cho phép chúng ta tạo ra một bầu khí thinh lặng, mà chính nơi đó lời cầu nguyện được phát sinh.

“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!” (Tv 46, 11). Nghiện điện thoại thông minh, máy tính hay các loại khác như máy tính bảng, tivi…; tức là chúng ta bước vào một thế giới, nơi ngự trị bởi sự ảo tưởng và phi thực tế. Thật vậy, ngay cả khi chúng ta có xu hướng không thừa nhận điều này: chúng ta đã dần trở thành nô lệ cho những công nghệ mà ban đầu chúng được tạo ra để phục vụ con người.

Tất nhiên, không phải mọi thứ trên các phương tiện truyền thông đều xấu, và chúng ta không thể để ngỏ hoàn toàn lĩnh vực này cho những người chối từ hoặc phớt lờ Tin Mừng. Nhưng đừng tự đánh lừa chính mình: Nếu chúng ta dành nhiều thời gian cho các nội dung trực tuyến hơn là dành thời giờ cầu nguyện cùng Chúa; chúng ta cần xem xét lại những sự ưu tiên của mình. Và nào có ai trong chúng ta, thỉnh thoảng không cần cân bằng lại cuộc sống của chính mình?

2. SỐNG PHỤNG VỤ, ĐỪNG TRANH LUẬN KHÔNG NGỪNG

Phụng vụ của Giáo Hội là phương tiện khởi đầu, là nguồn mạch dẫn chúng ta vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta nên thận trọng để không làm hỏng đi phụng vụ bằng việc “chính trị hóa” qua những cuộc tranh luận bất tận. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên phản ứng với những gì mà chúng ta cho là không phù hợp; luôn có nhiều cơ hội cho chúng ta đẩy mạnh phụng vụ để nên xứng hợp hơn với sự cao cả của Thiên Chúa, và thật tiếc nếu chúng ta bỏ lỡ những cơ hội ấy.

Mặc khác, việc tranh cãi về những điều thiêng liêng không phải là không có nguy hiểm. Nếu một số nghi thức hoặc phong tục bị lỗi thì cuối cùng cũng sẽ bị bỏ rơi. Có sự đa dạng hợp pháp trong cách diễn đạt phụng vụ của Giáo Hội, và không phải mọi thực hành phụng vụ được chấp nhận cũng đều làm hài lòng tất cả mọi người. Có lẽ đối với chúng ta, những gì có vẻ là thiếu sót thực sự có một phần giá trị.

Trong mọi trường hợp, một đời sống thánh thiện là bằng chứng tuyệt hảo nhất cho sự biến đổi cách mạnh mẽ của phụng vụ được cử hành đúng đắn. Không thể có sự thánh thiện nếu không có đức ái, và đức ái thì không áp đặt, không nuôi hận thù, và “không đi tìm tư lợi” (1Cor 13, 5).

3. HÃY CHỐNG LẠI TINH THẦN TRANH CHẤP

Đôi khi, chúng ta được mời gọi để đưa ra lời chứng cách điềm tĩnh nhưng thẳng thắn về đức tin của mình, nhưng không phải là ngày nào cũng thế. Nói chung, tốt hơn là bạn nên tránh tham gia vào các cuộc tranh luận gay gắt với những người khác tôn giáo hoặc với những người anh chị em “mỏng giòn” hơn.

“Anh hãy nhắc nhở lại những điều đó, trước mặt Thiên Chúa, hãy tha thiết khuyên người ta đừng cãi chữ: chuyện không có ích lợi gì, chỉ làm cho người nghe phải diệt vong.” (2 Tm 2, 14)

Thay vào đó, chúng ta hãy làm chứng nhân cho thập giá Đức Kitô được thể hiện bằng hành động của chúng ta, sao cho có sức thuyết phục với những người cần phải xác tín.

Sự kiềm chế càng trở nên cần thiết khi xảy ra những cuộc tranh cãi liên quan đến giáo lý hoặc thể chế của Giáo Hội. Những vấn đề ấy thường khó giải quyết và không có sẵn câu trả lời. Việc giải quyết chúng chỉ khơi dậy lên sự tức giận không cần thiết.

Khi bắt đầu một cuộc thảo luận, chúng ta hãy tránh những kiểu luận điệu không hay và hãy khuyến khích một cuộc đối thoại lành mạnh xoay quanh “… những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.” (Pl 4, 8)

4. ĐÁNH GIÁ ĐÚNG VAI TRÒ CỦA CHÍNH TRỊ

Như những công dân khác, chúng ta phải chu toàn nghĩa vụ công dân của mình và với tư cách là người Kitô hữu, thật tốt khi chúng ta rao giảng thông điệp của Đức Kitô đến toàn thể cộng đồng.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng đừng chính trị hóa mọi sự. Luôn có thời gian và địa điểm cho chính trị, cũng như mọi thứ khác.

Hãy nhớ rằng không có phong trào chính trị hay ý thức hệ nào nói lên đức tin của chúng ta. Tóm lại, “Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.” (Tv 146, 3), nhưng chúng ta hãy nhớ rằng: “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3, 20).

5. ĐỪNG ĐỂ ANH CHỊ EM CHÚNG TA VẤP NGÃ VÌ NHỮNG SỰ GÂY CHIA RẼ

Cái chết và ơn cứu rỗi của Đức Giêsu trên thập giá bị người đời cho là “sự ô nhục” (1 Cr 1, 23; Gl 5, 11). Việc công bố về Đấng Cứu Thế bị đóng đinh là chướng ngại đối với nhiều người.

Con đường đến với Đức Kitô thật không hề dễ dàng. Do đó, chúng ta hãy cố gắng đừng làm xáo trộn con đường của anh chị em mình bằng những từ ngữ gây chia rẽ, đặc biệt là khi họ quan tâm đến những vấn đề không là nền tảng quan trọng cho sự cứu rỗi.

“Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã.” (Rm 14, 13).

Tất nhiên, đôi khi chúng ta cần phải nói lên những điều chính trực, thẳng thắn. Nhưng đã biết bao lần chúng ta làm tổn thương Đức Kitô và người thân cận khi viện cớ là nói thẳng, nói thật?

Không phải tất cả sự thật khi nói ra đều tốt, đặc biệt là khi những lời đó có thể làm tổn thương đến anh chị em chúng ta. Thường thì việc giữ im lặng sẽ tốt hơn và sẽ ít làm giảm đi giá trị của Tin Mừng, so với việc đưa ra những nhận xét thái quá không cần thiết.

6. DÀNH NGÀY CHÚA NHẬT CHO CHÚA, KHÔNG PHẢI CHO THẾ GIAN

Các ngày Chúa Nhật là cơ hội để chúng tạm dừng mọi thứ và để kín múc nguồn ánh sáng của Thiên Chúa và sau đó chiếu tỏa ra thế giới. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua cơ hội này, chúng ta thường thích chơi thể thao, chạy các việc vặt hoặc không làm gì cả.

Tất nhiên, việc đáp ứng một số nhu cầu trong đời sống hằng ngày là chính đáng, nhưng sẽ rất tốt nếu bạn tách riêng ngày Chúa Nhật ra, tận dụng nó để thực hiện các việc thúc đẩy sự suy gẫm và ca ngợi Chúa. Điều này sẽ giúp chúng ta bổ sung lại nguồn năng lượng và để ta cảm nếm được sự sống vĩnh cửu.

Có lý do đằng sau điều răn “giữ ngày Chúa Nhật”. Suy cho cùng, chúng ta là những thụ tạo được nhập thể vào thời gian. Nếu chúng ta không cho Thiên Chúa thời gian để gặp gỡ chúng ta và ở với chúng ta, chúng ta sẽ không có sự mật thiết với Ngài.

Chúng ta hãy cố gắng làm cho ngày Chúa Nhật trở thành một ngày dành riêng để tạ ơn Thiên Chúa và ca tụng danh Ngài là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, Ngài là Đấng Toàn Năng! (Thánh Vịnh 91, 4).

Linh mục làm gì trong những ngày cách ly?

Linh mục làm gì trong những ngày cách ly?


  •  
  •  


LINH MỤC LÀM GÌ TRONG NHỮNG NGÀY CÁCH LY?

Maria Mỹ Dung

GPBMT (28.7.2021)  - Ngày 22-7-2021, gần 200 linh mục, tu sĩ đã tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến để chung tay góp sức với ngành Y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.

Trong thư gửi tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô định nghĩa Linh mục là “Người được chọn giữa loài người, được đặt lên lo việc Thiên Chúa thay cho loài người” (Dt 5,1). Hoặc theo một lối diễn đạt khác: Linh Mục là “thừa tác viên” của Giáo Hội, là người được đào tạo để trở nên như vị thầy, như nhà giáo dục đức tin. Linh mục là thầy dạy, không phải dạy văn hóa, dạy thể thao, hay dạy kinh doanh, nhưng dạy điều quan trọng nhất là “Sống Đức Tin”, dạy cách bước theo Chúa Kitô, dạy cách làm môn đệ Chúa Kitô để được cứu rỗi (trích các bài giảng tĩnh tâm linh mục trong năm giáo dục Kitô giáo 2008 - GM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô lại nói rằng: “chúng tôi chứa đựng kho tàng Đức Kitô trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4,7). Quả thực đúng như vậy, linh mục là con người mỏng giòn, yếu đuối, ‘dễ vỡ’,… nhưng Thiên Chúa đã yêu thương chọn-gọi-huấn luyện và trao ban cho một sứ vụ đặc biệt, để con người mỏng giòn ấy tỏa ngát hương thơm của Đức Kitô cho mọi người và toàn thế giới. (Nguồn: dongten.net).

Vì vậy, tự bản chất, Linh mục là người của Chúa, thuộc về Chúa, nên không thể chỉ sống cho bản thân mình mà là cho dân Chúa. Sứ mạng cao đẹp của Linh mục là cứu giúp các linh hồn và là ‘khí cụ’ ban phát ơn giao hòa và sức sống của Thiên Chúa cho dân Chúa.

Trong cộng đoàn, Linh mục là dấu chỉ hữu hình cho sự hiệp nhất, là ‘cầu nối yêu thương’ giữa mọi thành phần dân Chúa và là tấm gương phản chiếu hình ảnh Đức Kitô một cách rõ nét nhất…

Dù mang thân phận mỏng giòn, nhưng tự bản chất đã được Thiên Chúa Thánh hiến qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, để trở thành người của Chúa, sẽ tiếp nối công việc của Đức Kitô là “thánh hóa dân Thiên Chúa” bằng chính đời sống và thừa tác vụ của mình.

Hơn nữa, Linh mục còn được mời gọi để trở nên Alter Christus, đóng vai trò của Đức Kitô Mục Tử giữa đoàn dân Thiên Chúa, nên người Linh mục được mời gọi phát huy ý thức để nhận ra mình là thành phần của Giáo Hội. Vì vậy, có thể nói đời sống Linh mục là hành trình “vác thập giá của Đức Giêsu chịu đóng đinh”, một hành trình đến để thi hành thánh ý Chúa Cha; một hành trình yêu cho đến cùng (Ga 13,1); một hành trình trở nên “tấm bánh bị nghiền nát, phân phát cho nhiều người… miễn sao Đức Kitô được rao giảng và “cánh cửa Nước Trời được mở ra cho muôn người được vào. (Nguồn: dongten.net).

Một Linh mục người Mỹ, thuật lại câu chuyện truyền giáo của mình như sau:

“Tôi đã trở thành một nhà truyền giáo.

Sau khi tôi lãnh nhận chức linh mục vào năm 2006 tại thành phố Chicago ở Hoa Kỳ, tôi được bài sai đi làm cha sở một xứ đạo xa xôi mang tên Tổng lãnh thiên thần Micae thuộc Nong Bua Lamphu, Thái Lan.

Bên cạnh nhà thờ là Trung tâm HIV/AIDS Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trung tâm có nhà mồ côi gồm 21 em, trong đó có 19 em trai và 2 em gái tuổi từ 5 đến 15, và nhà chăm sóc bệnh nhân HIV giai đoạn cuối.

Ở đây tôi nhận ra rằng những nhà truyền giáo như thầy Damien, các soeurs, và bản thân tôi phải làm như thế nào để phục vụ các anh em đang đau khổ với căn bệnh HIV/AIDS.

Trong vai trò là cha sở giáo xứ Micae, có sự gắn kết về tinh thần cũng như không gian liền kề với nhà mồ côi Mẹ Têrêxa và Trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vấn đề HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng trong công tác mục vụ của giáo xứ. Sau một thời gian phục vụ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì nhận ra có nhiều người trước kia không đến nhà thờ dự lễ vì sợ bị lây nhiễm HIV, giờ đây cũng đã đến nhà thờ thường xuyên.

Câu chuyện truyền giáo của tôi chỉ là những công việc nho nhỏ, đơn sơ như thế thôi. Nhưng đối với tôi, đó chính là bản chất của việc làm truyền giáo, có nghĩa là làm cho Chúa Giêsu Kitô được nhận biết và yêu mến qua lời nói cũng như qua việc làm. Niềm hạnh phúc của tôi là đã giúp cho những người sống xung quanh biết rằng Đức Kitô là ai, và hiểu rằng Ngài là lý do cho tất cả những gì tôi đang dấn thân trong cuộc sống”…

Nhưng, đó là câu chuyện của những nhà truyền giáo.

Còn hiện nay, chúng ta đang sống trong đại dịch Covid-19, nhiều nơi đang bị phong tỏa, bị cách ly nghiêm ngặt. Các linh mục phải làm gì?

Hồi cuối tháng 4/2020, trả lời phỏng vấn của báo Quan sát viên Roma, Đức Hồng y Stella đã nói:

“Lịch sử Kinh Thánh nhiều lần thuật lại với chúng ta những tình huống khủng hoảng nặng nề và bi kịch đối với người dân, trong đó ngay cả Đền thờ cũng bị phá hủy và không thể thực hành việc thờ phượng. Những lời của ngôn sứ Giêrêmia đã diễn tả tình cảnh tuyệt vọng này: “Ngay cả ngôn sứ và tư tế cũng đang lang thang khắp xứ và không biết phải làm gì” (14:18). Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh dường như vô vọng này, Thiên Chúa đề nghị những không gian khác để ca ngợi và phục vụ Người”.

Đức Hồng y Stella nói thêm: “Mỗi linh mục tốt lành sẽ có thể khám phá ra công thức của riêng mình, cử chỉ của chính mình, từ sự thúc đẩy nội tâm của người mục tử và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, những điều buộc các ngài phải hoạt động và tỉnh thức giữa dân tộc của mình, theo phong tục văn hóa và phụng vụ từ mỗi quốc gia. Tôi thực sự mong muốn một ngày nào đó khi chúng ta thoát khỏi đại dịch vô tận này, chúng ta có thể nghĩ đến các linh mục với lòng biết ơn và tình cảm tương tự như những người mà ngày nay rất nhiều người nói về bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, nhân viên thực thi pháp luật hiện diện trên chiến trường cho đến độ anh hùng”. (Nguồn: Vatican News).

Thực tế đã nảy sinh những sáng kiến mục vụ độc đáo chưa từng có trong Giáo hội Công giáo trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Nhiều linh mục tỏ ra dũng cảm phi thường để phục vụ đời sống thiêng liêng cho người Công giáo trên khắp hoàn cầu. Trong đó có nhiều linh mục đã hy sinh khi phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện hay tại giáo xứ của mình. Những hình ảnh đẹp ấy cho thấy sự quan tâm của các mục tử đối với giáo dân trong thời khắc kinh hoàng nhất, vẫn thấy được sự hiện diện của các linh mục, những người sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên.

Tại TGP Sài Gòn, Cha chánh xứ Vĩnh Hòa, với bộ trang phục bảo hộ phòng dịch theo đúng yêu cầu y tế, đã đến thăm bà con trong khu vực cách ly. Khi đến trước mỗi nhà, ngài đứng ngoài cửa dặn dò: “Cha xứ đến thăm gia đình đây, mọi người hãy an tâm ở yên trong nhà, đừng đi ra ngoài, gia đình nhận chút quà của cha xứ gởi nhé”. Ngài còn dùng phần tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để chia sẻ những phần quà đến bà con nghèo đang sống trong giáo xứ Vĩnh Hòa, không phân biệt tôn giáo, để phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của bà con. (Nguồn: tgpsaigon.net).

Tại Giáo phận Xuân Lộc, những “Túi rau nghĩa tình” xuất hiện trên cánh cổng mỗi nhà ở địa bàn giáo xứ Xuân Khánh, bất kể lương, giáo. Đó là sáng kiến của Cha sở nhà thờ Xuân Khánh đó! Bó rau ngày thường chẳng đáng là bao, nhưng trong đại dịch lại quý hơn “kim cương hột xoàn”. Quý hơn cả, chính là tấm lòng của người tặng. Mồng tơi xanh nấu với tôm khô, ngọt ngào biết bao!
(Nguồn: giaophanxuanloc.net).

Tại Giáo phận Ban Mê Thuột, linh mục GB. Nguyễn Minh Hảo - Trung Tâm Sắc Tộc, Nhà Thờ Mẫu Tâm, cùng với một số linh mục đã lên tiếng kêu gọi chia sẻ khó khăn với người dân Sài Gòn. Thế là những món quà đơn sơ từ tấm lòng yêu thương chân tình, có gì cho nấy: một bịch gạo, một bó rau, một nải chuối, một vài trái chanh… gom lại thành 3 xe tải lớn. Tất cả đã được chuyển đến sớm nhất cho bà con ở Sài Gòn. (Nguồn: tgpsaigon.net).

Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng: lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang…” (Thư kêu gọi của Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN).

“Hãy đi và hãy làm như vậy!”. Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu với mỗi người chúng ta qua dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu” (Lc 10,25-37).

Đáp lại lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse - Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn - ngày 22-7-2021, gần 200 linh mục, tu sĩ đã tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến -nơi điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid- để chung tay góp sức với ngành Y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.

Các linh mục, tu sĩ đã can đảm ra đi, chèo ra chỗ nước sâu, đầy nguy hiểm với lòng nhiệt thành, với tình yêu thương nồng cháy của con tim dâng hiến mà không cần “vốn liếng” nào khác ngoài Chúa Quan Phòng. Vượt qua tất cả những lo lắng sợ hãi, các linh mục đã và vẫn tiếp tục lên đường. Nơi đây họ thấy, họ thấu cảm với sự vất vả kiệt lực của các bác sĩ và nhân viên y tế - những con người ngày đêm chiến đấu với tử thần để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Trong các bệnh viện, các linh mục không được phép trực tiếp chữa trị bệnh nhân, nhưng họ sẵn sàng đảm nhận tất cả mọi công việc; Từ các khâu hậu cần, vận chuyển đồ đạc, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, phụ thay tã, thay drap giường, lau chùi máy móc,... Không nề hà bất cứ việc gì trong bộ đồ bảo hộ nóng nực và rất khó chịu. Ngoài giờ làm việc, các linh mục còn chăm sóc giúp các bệnh nhân sống lạc quan, ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ, tập luyện sức khoẻ thể chất và tinh thần để mau bình phục. (Nguồn: tgpsaigon.net).

Xin Chúa Thánh Thần phù trợ các linh mục để các ngài can đảm dấn thân trong hành trình “vác thập giá của Đức Giêsu chịu đóng đinh”, một hành trình đến để thi hành thánh ý Chúa Cha; một hành trình yêu cho đến cùng (Ga 13,1); một hành trình trở nên “tấm bánh bị nghiền nát, phân phát cho nhiều người…

Nguồn: gpbanmethuot.com/ 

Thư của đức Tổng Giám Mục Thành phố Hồ Chí Minh gửi cộng đoàn dân Chúa

 

Đức TGM Giuse Nguyễn Năng: Thư mục vụ “Thầy chạnh lòng thương” ngày 27.7.2021


  •  
  •  


TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 27-07-2021

Kính gửi quí cha và cộng đồng Dân Chúa Tổng giáo phận

Quí cha và anh chị em thân mến,

Trong những ngày này, tình hình đại dịch tại thành phố ngày càng nghiêm trọng. Số ca nhiễm và tử vong ngày càng tăng cao; lệnh giãn cách xã hội ngày càng siết chặt hơn với hy vọng sớm chấm dứt chuỗi lây lan. Điều đó có nghĩa là cuộc sống của rất nhiều người dân ngày càng khó khăn hơn, tiếng kêu cứu của những người nghèo đói ngày càng thống thiết hơn, nỗi ưu tư lo lắng ngày càng nặng nề hơn.

Trước tình cảnh này, chính Chúa lên tiếng: “Thầy chạnh lòng thương đám đông… họ không có gì ăn” (Mc 8, 2). “Thầy chạnh lòng thương” dịch sát là “ruột gan Thầy quặn đau”. Ruột gan chúng ta cũng quặn đau. Lúc này làm sao chúng ta còn có thể lừng khừng dửng dưng trước những đau khổ về tinh thần cũng như thể xác của anh chị em chúng ta!

1. Tôi mời gọi tất cả mọi người, mọi gia đình và cộng đoàn cầu nguyện nhiều hơn, khẩn thiết hơn, tin tưởng phó thác hơn. Virus vô hình dường như đang cười nhạo mọi tự kiêu tự mãn của con người. Chúng ta hãy quì xuống, hãy cúi đầu, hãy khẩn khoản nài xin Chúa thương xót toàn thể nhân loại.

2. Cùng với lời cầu nguyện, tôi mời gọi anh chị em tích cực hơn, năng động hơn, dấn thân hơn, nhiệt tình hơn, để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn đau khổ. Cũng như các Tông đồ khi xưa, chúng ta dễ phủi tay trốn trách nhiệm: “Xin Thầy cho giải tán dân chúng đi”. Thầy quặn đau, nên Thầy không giải tán, mà lại ra lệnh: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6, 37).

3. Chỉ có các cha xứ và các gia đình mới biết được những người nghèo khổ đang ở tản mát khắp nơi trong địa bàn giáo xứ. Vì thế, mặc dù không thể ra khỏi nhà trong thời gian giãn cách, xin quí cha, các đoàn thể và các gia đình hãy tìm kiếm cho ra những người khó khăn, không phân biệt tôn giáo. Người nghèo khó vẫn có đó, nhưng âm thầm ẩn khuất đâu đó, khó nhận ra nếu không tinh ý; tiếng kêu của họ thều thào yếu ớt, khó nghe được nếu ta không thính tai.

4. Các cha chánh xứ trước hết hãy tổ chức và huy động nguồn lực trong giáo xứ của mình để giúp đỡ các gia đình khó khăn, như nhiều giáo xứ và dòng tu đã làm. Khả năng của anh chị em chỉ là “năm chiếc bánh và hai con cá”, nhưng trong khi chúng ta làm tính chia, chính Chúa sẽ lại làm tính nhân. Trong công việc này, vai trò của cha chánh xứ mang tính quyết định. Chúng ta đóng cửa nhà thờ, chứ không đóng cửa lòng.

Chúng ta còn có sự hỗ trợ từ sự giúp đỡ của các giáo phận theo lời mời gọi của Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Vì thế, các giáo xứ báo cho Ban Caritas của Tổng giáo phận biết các nhu cầu cụ thể, và cha Chánh Văn phòng của Hội đồng Giám mục sẽ phối hợp với Caritas Tổng giáo phận để cung cấp những nhu cầu thiết yếu sao cho hài hòa cân đối.

5. Ngoài việc “cho kẻ đói ăn”, các môn đệ Chúa Kitô còn có bổn phận “yên ủi kẻ âu lo”. Nỗi lo âu kéo dài tạo nên áp lực tâm lý rất lớn, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi buông xuôi, thậm chí thất vọng. Có những người trong gia đình chào nhau đi cách ly, nhưng sau thời gian ngắn, người ở nhà nhận lại chỉ còn là một hũ tro. Trong những ngày qua, đã có nhiều người tuyệt vọng tự tìm đến cái chết. Xin quí cha và anh chị em chủ động gọi điện thoại thăm hỏi khích lệ những người đang đau khổ. Quí cha hãy kiên nhẫn lắng nghe tâm sự của những người không còn biết bám víu vào đâu.

Những ngày tháng này, hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự hiệp thông cụ thể với nhau. Quí cha và cộng đoàn giáo xứ, các đoàn thể, hãy sử dụng mạng xã hội để kết nối, chia sẻ thông tin, khích lệ nâng đỡ nhau. Mỗi người hãy là dụng cụ cho lòng thương xót của Chúa, hãy là môi miệng của Chúa, đôi tay đôi chân của Chúa.

Anh chị em thân mến,

Đây là thời điểm Chúa đang tập cho chúng ta thoát ra khỏi mình để nghĩ tới tha nhân. Chúng ta đừng trốn trách nhiệm khi hỏi “Ai là anh em của tôi?”; trái lại, hãy “tỏ ra mình là người thân cận” với người đau khổ (x. Lc 10, 25-37). “Vào buổi xế chiều của cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu” (Thánh Gioan Thánh Giá).

Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót ban bình an cho nhân loại. Nguyện xin Đức Maria là Mẹ nhân loại và thánh Giuse, Đấng bảo vệ Hội Thánh, gìn giữ anh chị em.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục

ĐTC mơ về một thế giới có nhiều bánh, nước, thuốc và việc làm

 

ĐTC mơ về một thế giới có nhiều bánh, nước, thuốc và việc làm



Trong sứ điệp gửi đến ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, nhân Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực diễn ra tại Roma từ ngày 26 đến 28/7, Đức Thánh Cha nói ngài “mơ về một thế giới có nhiều bánh, nước, thuốc và việc làm”, và khẳng định “chính những lợi ích kinh tế, khép kín và quyền lực, đã ngăn cản khả năng phác họa ra một hệ thống lương thực vì công ích, liên đới và cống hiến cho nền văn hóa gặp gỡ”.

Ngọc Yến – Vatican News

Trong sứ điệp, trước hết, Đức Thánh Cha nói đến hiện trạng của thế giới, đặc biệt về lương thực: “Đại dịch cho thấy những hệ thống bất công đang phá hoại sự hiệp nhất như một gia đình nhân loại của chúng ta. Những anh chị em nghèo của chúng ta, và Trái đất, Ngôi nhà chung của chúng ta, đang kêu khóc vì những thiệt hại do chúng ta gây ra, do việc sử dụng và lạm dụng vô trách nhiệm những điều tốt lành mà Chúa đã đặt trong đó, đòi hỏi một sự thay đổi tận gốc”.

Đức Thánh Cha chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng này: “Chúng ta phát triển các công nghệ mới để có thể tăng khả năng sinh hoa trái của hành tinh, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục khai thác thiên nhiên đến mức tận diệt nó. Điều này cho thấy chúng ta không chỉ mở rộng sa mạc bên ngoài mà còn các sa mạc tinh thần bên trong. Chúng ta sản xuất đủ thức ăn cho mọi người, nhưng nhiều người lại không có thức ăn hàng ngày. Đây là một tội vi phạm nhân quyền. Vì vậy, bổn phận của mọi người là phải giải quyết tận gốc bất công này qua các hành động cụ thể và thói quen tốt, cũng như qua các chính sách địa phương và quốc tế”.

Theo Đức Thánh Cha, trong quan điểm này, việc chuyển đổi hệ thống lương thực một cách cẩn thận và đúng đắn đóng một vai trò quan trọng, cần phải được định hướng để chúng có thể tăng khả năng phục hồi, tăng cường kinh tế địa phương. Bởi vì, nếu chúng ta muốn đảm bảo quyền cơ bản đối với mức sống xứng hợp và thực hiện các cam kết của chúng ta để đạt được mục tiêu không còn nạn đói, thì sản xuất lương thực thôi thì chưa đủ. Cần phải có một tâm thức mới và một cách tiếp cận toàn diện mới và thiết kế các hệ thống lương thực bảo vệ Trái đất và đặt nhân phẩm ở trung tâm của cuộc sống con người.

Bên cạnh đó, cần phải khôi phục vị trí trung tâm của khu vực nông thôn, nơi phụ thuộc vào việc đáp ứng nhiều nhu cầu cơ bản của con người. Ngoài ra, còn phải quan tâm đến gia đình, bởi vì gia đình là một thành phần thiết yếu của hệ thống lương thực. Trong gia đình người ta học cách tận hưởng trái đất, không lạm dụng nó và khám phá ra những công cụ tốt nhất để khuyến khích lối sống tôn trọng lợi ích cá nhân và tập thể. Cần phải có các sáng kiến đáp ứng đầy đủ nhu cầu của phụ nữ nông thôn, thúc đẩy việc làm của thanh niên và cải thiện công việc của nông dân ở các vùng nghèo và xa nhất.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng, cuộc khủng hoảng mà toàn thể nhân loại đang phải đối diện thực sự là một cơ hội duy nhất để tham gia vào các cuộc đối thoại chân thực, táo bạo, can đảm, giải quyết tận gốc hệ thống lương thực bất công. Trách nhiệm của cuộc gặp gỡ này là thực hiện giấc mơ về một thế giới, trong đó bánh ăn, nước uống, thuốc và việc làm luôn dồi dào và những người rốt cùng được hưởng.

Về phần Giáo hội, Đức Thánh Cha nói, Toà Thánh sẽ phục vụ mục đích cao cả này, cống hiến những đóng góp, hợp lực và ý chí, hành động và quyết định sáng suốt. Đức Thánh Cha ước mong cuộc gặp gỡ tái tạo hệ thống lương thực này sẽ đưa mọi người đến việc cùng nhau xây dựng một xã hội hoà bình và thịnh vượng, và gieo hạt giống an bình cho phép chúng ta bước đi trong tình huynh đệ đích thực.( CSR_5208_2021)