label

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

ĐTC chủ sự Cử hành Thống hối và thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ

 

ĐTC chủ sự Cử hành Thống hối và thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ



Lúc 5 giờ chiều thứ Sáu 25/3/2022, lễ Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã chủ sự Cử hành Thống hối khai mạc sáng kiến truyền thống “24 giờ cho Chúa”. Trong buổi cử hành Thống hối này Đức Thánh Cha đã thánh hiến Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ.

Hồng Thủy - Vatican News

Sáng kiến “24 giờ cho Chúa” năm nay có khẩu hiệu: “Nhờ Người chúng ta được tha thứ tội lỗi” (xem Cl 1,13-14).

Cử hành Thống hối

Cử hành Thống hối được bắt đầu với phần Phụng vụ Lời Chúa. Bài đọc thứ nhất trích từ thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côlôxê (1,9-14), trong đó thánh tông đồ khẳng định rằng Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm. Chúng ta được tha thứ tội lỗi và được ơn cứu chuộc nhờ Đức Kitô.

Bài Phúc Âm thánh Luca thuật lại sự kiện thiên thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,26-38). Trong bài giảng, Đức Thánh Cha chia sẻ về ba câu thiên thần nói với Đức Mẹ trong sự kiện Truyền tinbài giảng của Đức Thánh Cha trong Cử hành Thống hối

Trong bài Tin Mừng hôm nay thiên thần Gabriel ba lần lên tiếng và nói với Đức Trinh Nữ Maria.

Trọng tâm của bí tích giải tội là ơn tha thứ của Chúa

Lần đầu tiên khi chào Đức Mẹ, thiên thần nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Lý do Đức Mẹ mừng vui, lý do của niềm vui, được mặc khải trong vài từ: Đức Chúa ở cùng bà. Thưa anh chị em, hôm nay anh chị em có thể nghe cùng những lời này nói với anh chị em; mỗi khi anh chị em đến với ơn cứu độ của Thiên Chúa, anh chị em có thể xem những lời này được nói với anh chị em, bởi vì ở đó Chúa nói với anh chị em: “Ta ở cùng con.” Chúng ta rất thường hay nghĩ rằng Xưng tội là chúng ta cúi đầu đến với Thiên Chúa. Nhưng trên hết, chúng ta không phải là những người trở về với Chúa; chính Người là Đấng đến thăm chúng ta, đến đổ tràn ân sủng của Người cho chúng ta. Xưng tội là cho Chúa Cha niềm vui lại nâng chúng ta đứng dậy. Trọng tâm của điều chúng ta sẽ trải nghiệm không phải là tội lỗi của chúng ta, nhưng là ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta hãy thử tưởng tượng nếu tội lỗi của chúng ta là trung tâm của bí tích, thì nó hầu như lệ thuộc vào chúng ta, vào sự ăn năn thống hối của chúng ta, vào những nỗ lực của chúng ta, vào những cam kết của chúng ta. Nhưng ngược lại, chính Chúa ở trung tâm, Người giải thoát chúng ta và giúp chúng ta đứng dậy.

Bí tích Hoà giải - bí tích của niềm vui

Chúng ta hãy trả lại quyền tối thượng cho ân sủng và cầu xin ơn để hiểu rằng bí tích Hoà giải trên hết không phải là chúng ta bước đến với Chúa, nhưng là vòng tay của Người ôm lấy chúng ta, làm chúng ta kinh ngạc và cảm động.  Như xảy ra với Mẹ Maria ở Nadarét, chính Chúa bước vào nhà chúng ta và mang một niềm kinh ngạc và niềm vui mà chúng ta chưa từng biết. Trước tiên chúng ta hãy nhìn mọi sự theo quan điểm của Thiên Chúa: sau đó chúng ta sẽ khám phá lại lòng yêu mến của mình đối với bí tích Hoà giải. Chúng ta cần điều này, bởi vì mọi sự tái sinh nội tâm, mọi sự đổi mới thiêng liêng đều bắt đầu từ đó, từ ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chớ gì chúng ta đừng lơ là đối với bí tích Hòa giải, nhưng tái khám phá nó như là bí tích của niềm vui. Vâng, của niềm vui, bởi vì sự xấu hổ vì tội lỗi của chúng ta trở thành cơ hội để để cảm nghiệm vòng tay ấm áp của Chúa Cha, sức mạnh dịu dàng của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành chúng ta, và “sự dịu dàng từ mẫu” của Chúa Thánh Thần. Đó là trọng tâm của bí tích Hoà giải.

"Hãy vui lên, Chúa ở cùng bạn"

Và các anh em linh mục thân mến, những người là thừa tác viên ơn tha thứ của Thiên Chúa, hãy trao cho những người đến với anh em niềm vui của lời loan báo này: Hãy vui lên, Chúa ở cùng bạn. Hãy bỏ qua một bên sự cứng nhắc, những trở ngại và sự nghiêm khắc; chớ gì anh em là những cánh cửa mở rộng để đến với lòng thương xót. Đặc biệt trong bí tích Hoà giải, chúng ta được mời gọi hành động nhân danh vị Mục tử Nhân lành, người ôm các con chiên của mình vào lòng và nâng niu chúng. Chúng ta được mời gọi trở thành những máng chuyển thông ân sủng tuôn đổ nước hằng sống của lòng thương xót của Chúa Cha vào những trái tim khô cằn.

Đừng sợ!

Lần thứ hai thiên thần nói với Mẹ Maria. Mẹ cảm thấy bối rối trước lời chào của thiên thần, và vì vậy thiên thần nói với Mẹ, “Đừng sợ” (câu 30). Trong Kinh Thánh, bất cứ khi nào Thiên Chúa hiện ra với những ai đón nhận Người, Người rất thích thốt lên những lời đó: Đừng sợ! Người nói với ông Ápraham (x. St 15,1), lặp lại với ông Isaác (x. St 26,24), với ông Giacóp (x. St 46,3), v.v. và với cả thánh Giuse (x. Mt 1,20) và Mẹ Maria. Bằng cách này, Thiên Chúa gửi cho chúng ta một thông điệp rõ ràng và an ủi: một khi cuộc sống của chúng ta được rộng mở hướng đến Thiên Chúa, thì nỗi sợ hãi không còn có thể kìm hãm chúng ta nữa. Anh chị em thân mến, nếu tội lỗi của anh chị em làm anh chị em sợ hãi, nếu quá khứ của anh chị em làm anh chị em lo lắng, nếu vết thương của anh chị em không lành, nếu những thất bại liên tục làm anh chị em nản lòng và anh chị em dường như mất hy vọng, thì đừng sợ. Thiên Chúa biết những yếu đuối của anh chị em và Người vĩ đại lớn lao hơn những lỗi lầm của anh chị em. Người yêu cầu anh chị em một điều duy nhất: đừng giữ những yếu đuối và đau khổ của mình trong lòng. Hãy mang chúng đến với Người, đặt chúng trước mặt Người và, từ chỗ là lý do khiến tuyệt vọng, chúng sẽ trở thành cơ hội để phục sinh. Đừng sợ!

Bám chặt vào Thiên Chúa

Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta: Mẹ trút sự lo lắng của mình cho Thiên Chúa. Lời loan báo của thiên thần là lý do khiến Mẹ lo sợ. Thiên thần đã đề xuất với Mẹ một điều không tưởng và vượt quá khả năng của Mẹ, một điều mà Mẹ không thể giải quyết một mình: sẽ có quá nhiều khó khăn, rắc rối với luật Môsê, với thánh Giuse, với người dân trong thị trấn và với dân tộc của Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ Maria không phản đối. Những lời đó - đừng sợ - đã đủ đối với Mẹ; lời bảo đảm của Thiên Chúa là đủ đối với Mẹ. Mẹ bám chặt vào Thiên Chúa, như chúng ta muốn làm chiều nay. Tuy nhiên, chúng ta thường làm ngược lại. Chúng ta bắt đầu từ sự chắc chắn của chính mình và khi chúng ta không còn sự chắc chắn, chúng ta chạy đến với Chúa. Trái lại, Đức Mẹ dạy chúng ta bắt đầu từ Thiên Chúa, tin tưởng rằng bằng cách này, mọi sự khác sẽ được ban cho chúng ta (x. Mt 6,33). Mẹ mời gọi chúng ta đi đến nguồn mạch, đến với Chúa, Đấng là phương thuốc tối hậu chống lại nỗi sợ hãi và trống rỗng trong cuộc sống. Có một cụm từ rất hay được viết bên trên một tòa giải tội tại đây, ở Vatican, nhắc nhở chúng ta về điều này. Những lời này thưa với Thiên Chúa, “Quay lưng lại với Chúa là vấp ngã, trở lại với Chúa là trỗi dậy, ở trong Chúa là có sự sống” (xem thánh Augustino, Soliloquies I, 3).

Sự trấn an bảo đảm của con người là không đủ

Trong những ngày này, các bản tin và cảnh chết chóc vẫn tiếp tục tràn vào nhà của chúng ta, trong khi bom đang phá hủy nhà của nhiều anh chị em Ucraina không có khả năng tự vệ. Cuộc chiến tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, và gây ra đau khổ cho tất cả mọi người, khiến mỗi chúng ta đều sợ hãi và lo lắng. Chúng ta cảm nhận được sự bất lực và sự kém cỏi của mình. Chúng ta cần được nghe, “Đừng sợ”. Tuy nhiên, sự trấn an bảo đảm của con người là không đủ. Chúng ta cần sự gần gũi của Thiên Chúa và sự chắc chắn về ơn tha thứ của Người; chỉ có điều đó giúp loại bỏ sự ác, giải trừ oán hận và khôi phục sự bình an cho tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy trở về với Chúa và với ơn tha thứ của Người.

Chúng ta cần Thần Khí yêu thương

Lần thứ ba thiên thần lại nói với Đức Maria, ngài nói với Mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc 1,35). Đó là cách Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử: bằng cách ban chính Thần Khí của Người. Vì trong những việc quan trọng, sức lực của chúng ta là không đủ. Tự bản thân chúng ta, chúng ta không thể thành công trong việc giải quyết những mâu thuẫn của lịch sử hay thậm chí của chính trái tim chúng ta. Chúng ta cần sự khôn ngoan và quyền năng dịu dàng của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Linh. Chúng ta cần Thần Khí yêu thương, Đấng xua tan hận thù, xoa dịu cay đắng, dập tắt lòng tham và đánh thức chúng ta khỏi sự lãnh đạm. Chúng ta cần tình yêu của Thiên Chúa, vì tình yêu của chúng ta thật mong manh và không đủ. Chúng ta cầu xin Chúa nhiều điều, nhưng chúng ta thường quên xin Người điều quan trọng nhất và điều Người mong muốn ban cho chúng ta nhất: đó là Thánh Thần, sức mạnh của tình yêu thương. Thật vậy, nếu không có tình yêu, chúng ta có thể cống hiến điều gì cho thế giới? Người ta nói rằng một Kitô hữu không có tình yêu thương giống như một cây kim không dùng để khâu: nó đâm vào chúng ta, nó gây thương tích, và nếu nó không dùng để may, để đan hoặc vá, thì nó trở thành vô ích. Đây là lý do tại sao chúng ta cần tìm thấy trong ơn tha thứ của Thiên Chúa sức mạnh của tình yêu thương: đó là chính Thần Khí đã ngự xuống trên Mẹ Maria.

Biến đổi trái tim của chúng ta trước

Nếu chúng ta muốn thế giới thay đổi, thì trước hết trái tim của chúng ta phải biến đổi. Để điều này xảy ra, chúng ta hãy để cho Đức Mẹ nắm lấy tay chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, nơi Thiên Chúa cư ngụ, “Trái tim con người duy nhất không bị hoen ố”. Mẹ “đầy ân sủng” (câu 28), và do đó không mang tội lỗi. Nơi Mẹ không có dấu vết của sự ác và do đó, với Mẹ, Thiên Chúa đã có thể bắt đầu một lịch sử cứu độ và hòa bình mới. Ở đó, lịch sử đã sang trang. Thiên Chúa đã thay đổi lịch sử bằng cách gõ cửa Trái tim của Mẹ Maria.

Thánh hiến cho Mẹ: hành động tin tưởng của những người con

Hôm nay, được canh tân bởi ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể gõ cửa Trái tim vẹn sạch của Mẹ. Hiệp nhất với các Giám mục và các tín hữu trên thế giới, tôi mong muốn long trọng mang tất cả những gì chúng ta đang trải qua hiện nay đến với Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria. Tôi muốn tái thánh hiến Giáo hội và toàn thể nhân loại cho Mẹ, và thánh hiến cho Mẹ cách đặc biệt dân tộc Ucraina và dân tộc Nga, những người với lòng con thảo, tôn kính Mẹ như một người Mẹ. Đây không phải là công thức ma thuật nhưng là một hành động tâm linh. Đó là một hành động tràn đầy tin tưởng của những người con, những người, giữa cảnh khốn khó của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa đang đe dọa thế giới của chúng ta, hướng về Mẹ của mình, một lần nữa đặt tất cả nỗi sợ hãi và đau đớn vào trái tim Mẹ và phó thác chính mình cho Mẹ. Nó có nghĩa là đặt vào trái tim tinh khiết và không tì vết đó, nơi Thiên Chúa được phản chiếu, gia sản vô giá của tình huynh đệ và hòa bình, tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là, để Mẹ, người Mẹ mà Chúa đã ban cho chúng ta, có thể bảo vệ chúng ta và gìn giữ chúng ta.

Sẵn sàng tham dự vào kế hoạch của Thiên Chúa

Mẹ Maria đã thốt lên những lời tốt đẹp nhất mà thiên thần có thể thưa lại với Thiên Chúa: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (câu 38). Mẹ không chấp nhận một cách thụ động hay cam chịu, nhưng là ước muốn sống động vâng lời Thiên Chúa, Đấng có “kế hoạch hoà bình chứ không phải kế hoach bất hạnh” (Gr 29,11). Đó là sự tham dự hết lòng với kế hoạch hoà bình Thiên Chúa dành cho thế giới. Chúng ta thánh hiến chính mình cho Mẹ Maria để tham dự vào kế hoạch này, để chúng ta hoàn toàn sẵn sàng với kế hoạch của Thiên Chúa. Sau khi thưa “Fiat” - Xin vâng - Mẹ của Thiên Chúa đã lên đường đi đến một miền đồi núi xa xôi để viếng thăm người chị họ đang mang thai (xem Lc 1,39). Xin Mẹ hướng dẫn hành trình của chúng ta: xin Mẹ hướng dẫn bước đi của chúng ta qua những lối đi dốc đá và gian nan của tình huynh đệ và đối thoại, trên con đường của hoà bình.

Nghi thức Hoà giải

Trong nghi thức hoà giải, sau khi Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức thống hối chung, hơn 100 linh mục đã giải tội cho các hối nhân. Đức Thánh Cha cũng đến một toà giải tội để xưng tội và giải tội cho một số tín hữu.

Kinh nguyện thánh hiến

Sau khi kết thúc nghi thức hoà giải, Đức Thánh Cha đến trước tượng Đức Mẹ đọc kinh Thánh hiến cho Trái tim vô nhiễm của Đức Mẹ. Kinh nguyện này đã được Đức Thánh Cha gửi đến tất cả các giám mục trên thế giới, và yêu cầu các ngài cùng với các linh mục hướng dẫn các tín hữu đọc kinh này trong ngày 25/3/2022 để thánh hiến toàn nhân loại và đặc biệt là hai nước Nga và Ucraina cho Đức Mẹ.

Lời xác tín: Mẹ yêu thương; sự hiện diện của Mẹ mang lại an bình

Kinh nguyện bắt đầu với xác tín: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con, trong thời gian thử thách này, chúng con chạy đến cùng Mẹ. Mẹ là Mẹ, Mẹ yêu thương chúng con và Mẹ biết chúng con: không có nỗi lo lắng nào trong lòng chúng con mà Mẹ không thấy. Lạy Mẹ của lòng thương xót, nhiều lần chúng con đã cảm nghiệm được sự dịu dàng quan phòng của Mẹ, sự hiện diện của Mẹ mang lại an bình, bởi vì Mẹ luôn hướng dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu, Hoàng tử của hòa bình.”

Lời thống hối: Chúng con đã lạc xa con đường hoà bình

Kinh nguyện cũng là lời thống hối: “Nhưng chúng con đã đi lạc khỏi con đường hòa bình”. “Chúng con không thực hiện cam kết hoà bình, chúng con đang phản bội ước mơ hòa bình của các dân tộc và hy vọng của những người trẻ.” “Chúng con chọn phớt lờ Thiên Chúa, sống với sự giả dối của mình, dung dưỡng sự gây hấn, giết hại sự sống và tích trữ vũ khí.” “Chúng con đã xé nát khu vườn trái đất bằng chiến tranh, và với tội lỗi, chúng con đã làm tổn thương trái tim của Cha trên trời.” “Và với sự xấu hổ, chúng con kêu cầu: Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con!”

Lời khẩn cầu: Mẹ là Mẹ của con, lẽ nào Mẹ không ở đây?

Kinh nguyện là những lời khẩn cầu: “Xin Mẹ nhắc nhở chúng con rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng con, nhưng vẫn tiếp tục nhìn đến chúng con bằng tình yêu thương, mong muốn tha thứ cho chúng con và một lần nữa nâng chúng con dậy.”

“Xin nhắc nhớ mỗi người chúng con: ‘Mẹ là Mẹ của con, lẽ nào Mẹ không ở đây?’ Mẹ biết cách tháo gỡ những mớ rối của trái tim chúng con và những nút thắt của thời đại chúng con. Chúng con đặt niềm tin nơi Mẹ. Chúng con chắc chắn rằng, đặc biệt là trong thời điểm thử thách, Mẹ không coi thường những lời cầu xin của chúng con nhưng đến giúp đỡ chúng con.”

“Lạy Mẹ, xin những giọt nước mắt của Mẹ lay động trái tim chai đá của chúng con. Ước gì những giọt nước mắt của Mẹ làm nở hoa nơi thung lũng khô cằn do lòng thù hận của chúng con. Và giữa tiếng gầm của vũ khí, lời cầu nguyện của Mẹ dẫn chúng con đến hòa bình.”

Ý nguyện thánh hiến

Và Đức Thánh Cha bày tỏ ý nguyện thánh hiến: “Lạy Mẹ, giờ đây chúng con mong muốn được chào đón Mẹ bước vào cuộc đời và lịch sử của chúng con. Vào giờ này, nhân loại, đang kiệt quệ và hoảng hốt, đang ở dưới chân thập giá với Mẹ. Nhân loại đang cần phó thác chính mình cho Mẹ, và qua Mẹ, thánh hiến mình cho Chúa Kitô. Dân tộc Ucraina và dân tộc Nga, những người tôn kính Mẹ với tình yêu lớn lao, giờ đây hướng về Mẹ, trong khi Trái tim của Mẹ thổn thức cho họ và cho tất cả các dân tộc bị giết hại bởi chiến tranh, đói kém, bất công và khốn cùng.”

“Vì vậy, Lạy Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của chúng con, chúng con xin long trọng phó thác và thánh hiến chúng con, Giáo hội và toàn thể nhân loại, đặc biệt là nước Nga và nước Ucraina cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Xin chấp nhận cử chỉ này mà chúng con thực hiện với lòng tin tưởng và tình yêu, để xin cho chiến tranh chấm dứt và mang lại hòa bình cho thế giới.”

Lòng thương xót của Thiên Chúa đổ tràn trên Trái đất

Đức Thánh Cha kết thúc kinh nguyện với ước nguyện: “Nhờ lời cầu bầu của Mẹ, ước gì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đổ tràn trên Trái đất và nhịp đập ngọt ngào của hòa bình trở lại đánh dấu những ngày của chúng con.” "Mẹ đã dệt nên nhân tính cho Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con trở thành những nghệ nhân của sự hiệp thông. Mẹ đã bước đi trên con đường của chúng con, xin dẫn chúng con trên những nẻo đường của hòa bình."

ĐTC Phanxicô: Hãy huỷ bỏ chiến tranh trước khi nó xoá sổ nhân loại khỏi lịch sử

 

ĐTC Phanxicô: Hãy huỷ bỏ chiến tranh trước khi nó xoá sổ nhân loại khỏi lịch sử



Trưa Chúa Nhật 27/3/2022, sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha lại nhắc đến tình hình chiến tranh ở Ucraina. Ngài lặp lại lời kêu gọi ngưng chiến, "huỷ bỏ chiến tranh trước khi nó xoá sổ nhân loại khỏi lịch sử."

Hồng Thủy - Vatican News

Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi cuộc xâm lược Ucraina bắt đầu, từ chiến tranh bạo tàn và vô nghĩa, cuộc chiến như mọi cuộc chiến, là sự thất bại đối với tất cả, đối với tất cả chúng ta. Cần phải từ chối chiến tranh, nơi các cha mẹ chôn cất con cái, nơi con người sát hại anh em mình mà không thèm nhìn đến họ, nơi những kẻ quyền lực quyết định và người nghèo chết.”

Ngài lên án chiến tranh: “Chiến tranh không chỉ tàn phá hiện tại, mà còn là tương lai của một xã hội. Tôi đã đọc rằng kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công vào Ucraina, cứ hai trẻ em thì một em đã phải rời khỏi đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc hủy hoại tương lai, gây ra những tổn thương nặng nề cho những người nhỏ bé và vô tội nhất trong chúng ta. Đây là tàn tích của chiến tranh, một hành động man rợ và phạm thánh!”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chiến tranh không thể là điều gì đó không thể tránh khỏi: chúng ta không được quen thuộc với chiến tranh! Ngược lại, chúng ta phải chuyển sự phẫn nộ của ngày hôm nay thành cam kết của ngày mai. Bởi vì, nếu chúng ta bước ra khỏi biến cố này như trước đây, cách nào đó chúng ta sẽ là người có tội. Đứng trước nguy cơ tự hủy diệt, nhân loại cần hiểu rằng đã đến lúc phải xóa bỏ chiến tranh, xóa bỏ nó khỏi lịch sử loài người trước khi chính nó xóa sổ con người khỏi lịch sử.”

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho mọi nhà lãnh đạo chính trị suy nghĩ về điều này, dấn thân vì điều này, và khi nhìn vào Ucraina đang bị giày xéo, họ hiểu rằng mỗi ngày chiến tranh, tình hình tồi tệ hơn đối với tất cả mọi người. Do đó, Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi: “Đủ rồi, hãy dừng lại, hãy ngừng tiếng súng, chúng ta hãy giải quyết nghiêm túc vì hòa bình! Chúng ta hãy cầu nguyện thêm nữa, không mệt mỏi, với Nữ Vương Hòa bình, người mà chúng ta đã thánh hiến nhân loại, đặc biệt là nước Nga và nước Ucraina, với sự tham gia đông đảo và mãnh liệt, và tôi cảm ơn tất cả các bạn về điều này.” Đức Thánh Cha và các tín hữu cùng đọc kinh Kính Mừng cầu nguyện với Đức Mẹ.

Chúa Nhật 27/3/2022 cũng là ngày kỷ niệm 2 năm Đức Thánh Cha chủ sự giờ cầu nguyện đặc biệt tại quảng trường thánh Phêrô cho đại dịch chấm dứt. Ngài nói rằng hôm nay tại đây mọi người cùng cầu nguyện cho chiến tranh ở Ucraina chấm dứt.

Các tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin được tặng một cuốn sách về buổi cầu nguyện. Đức Thánh Cha nói rằng cuốn sách là lời mời gọi cầu nguyện trong mọi thời khắc khó khăn, để không sợ hãi nhưng luôn vững tin vào Chúa.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

CÁC GIÁM MỤC VÀ GIÁO PHẬN VIỆT NAM NĂM 2022

 CÁC GIÁM MỤC VÀ GIÁO PHẬN VIỆT NAM NĂM 2022

 

Văn phòng HĐGMVN

 



 

I. GIÁO TỈNH HÀ NỘI

1. Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng

Gm. Chính tòa: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri

Thành lập Giáo phận: 1913

Địa chỉ: Tòa Giám Mục Lạng Sơn; 04 Văn Miếu, P. Chi Lăng, TP. Lạng Sơn

Điện thoại: 0205 381 0367

 

2. Giáo phận Hưng Hóa

Gm. Chính tòa: Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Gioan Maria Vũ Tất

Thành lập: 1895

Địa chỉ: Tòa Giám Mục Hưng Hóa; 70 Lê Lợi, Sơn Tây, Hà Nội

Điện thoại: 0243 383 2453 - Fax: 0243 383 4461

 

3. Giáo phận Bắc Ninh

Gm. Chính tòa: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ.

Gm. Phó: Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang

Thành lập: 1883

Địa chỉ: Toà Giám Mục Bắc Ninh; 537 Ngô Gia Tự, Tiền An, Tp. Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh

Điện thoại: 0222 382 1438

 

4. Tổng Giáo phận Hà Nội

Gm. Chính tòa: Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên

Gm. Nghỉ hưu: Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
 

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Laurensô Chu Văn Minh

Gm. Nghỉ hưu: Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt

Thành lập: 1679

Địa chỉ: Toà Tổng Giám Mục Hà Nội; 40, phố Nhà Chung - Hà Nội

Điện thoại; 0243 825 4424 107 - Fax: 024 3928 5073

 

5. Giáo phận Hải Phòng

Gm. Chính tòa: Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Thành lập: 1679

Địa chỉ: Tòa Giám Mục Hải Phòng; 46, Hoàng Văn Thụ, TP. Hải Phòng

Điện thoại: 0225 374 5387

 

6. Giáo phận Thái Bình

Gm. Chính tòa: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB

Thành lập: 1936

Địa chỉ: Toà Giám Mục Thái Bình; 6, Trần Hưng Đạo, Tp.Thái Bình

Điện thoại: 0227 383 1361 - Fax: 0227 834 5344

 

7. Giáo phận Bùi Chu

Gm. Chính tòa: Đức cha Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu

Thành lập: 1848

Địa chỉ: Toà Giám Mục Bùi Chu; Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định

Điện thoại: 0228 3887 514 – Fax: 0228 3887 521

 

8. Giáo phận Phát Diệm

Gm. Giám quản: Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến

Thành lập: 1901

Địa chỉ: Toà Giám Mục Phát Diệm; 75 Phát Diệm Đông, Kim Sơn, Ninh Bình

Điện thoại: 0229 386 2058 – 0229 372 4896

 

9. Giáo phận Thanh Hóa

Gm. Chính tòa: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường

Thành lập: 1932

Địa chỉ: Toà Giám Mục Thanh Hoá; 50 Nguyễn Trường Tộ, Phường Trường Thi, TP. Thanh Hoá 

Điện thoại: 0237 385 3138 - Fax: 037 371 3599

 

10. Giáo phận Vinh

Gm. Chính tòa: Đức cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long

Gm. Phụ tá: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên

Thành lập: 1846

Địa chỉ: Tòa Giám Mục Vinh; Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An

Điện thoại: 0238 386 1171 - Fax: 0238 386 1215 

 

11. Giáo phận Hà Tĩnh

Gm. Giám quản: Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn

Thành lập: 2018

Địa chỉ: Văn Hạnh, Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh

Điện thoại: 0865 165 167

 

II. GIÁO TỈNH HUẾ

1. Tổng Giáo phận Huế

Gm. Chính tòa: Ðức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh

Gm. Nghỉ hưu: Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng

Gm. Nghỉ hưu: Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể

Thành lập: 1850

Địa chỉ: Toà Tổng Giám Mục Huế; 6, Nguyễn Trường Tộ, Huế

Điện thoại: 0234 3831 967 – Fax: 0234 383 3656 

 

2. Giáo phận Đà Nẵng

Gm. Chính tòa: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh

Thành lập: 1963

Địa chỉ: Toà Giám Mục Đà Nẵng; 156 Trần Phú, TP. Đà Nẵng - HT 143

Điện thoại: 0236 382 6628 – Fax: 0236 387 1856

 

3. Giáo phận Qui Nhơn

Gm. Chính tòa: Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn

Thành lập: 1659

Địa chỉ: Toà Giám Mục Qui Nhơn; 116 Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn 

Điện thoại: 0256 3824 360 - Fax: 0256 382 8955

 

4. Giáo phận Kontum

Gm. Chính tòa: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Michael Hoàng Đức Oanh

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung

Thành lập: 1932

Địa chỉ: Toà Giám Mục Kontum; 146 Trần Hưng Đạo, Kontum

 

5. Giáo phận Nha Trang

Gm. Chính tòa: Đức cha Giuse Võ Đức Minh

Thành lập: 1957

Địa chỉ: Toà Giám Mục Nha Trang; 22 Trần Phú, Nha Trang - HT 42

Điện thoại: 0258 352 3842 - Fax: 0258 352 2494

 

6. Giáo phận Ban Mê Thuột

Gm. Giám quản: Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Thành lập: 1967

Địa chỉ: Toà Giám Mục Ban Mê Thuột; 104 Phan Chu Trinh - TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk

Điện thoại: 0262 3817622

 

III. GIÁO TỈNH SÀI GÒN

1. Giáo phận Đà Lạt

Gm. Chính tòa: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh 

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Antôn Vũ Huy Chương

Thành lập: 1960

Địa chỉ: Toà Giám Mục Đà Lạt; 9 Nguyễn Thái Học, P.1, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng

Điện thoại: 0263 382 2415 & 0263 383 6139

 

2. Giáo phận Phan Thiết

Gm. Chính tòa: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Thành lập: 1975

Địa chỉ: Toà Giám Mục Phan Thiết; 422 Trần Hưng Đạo, TP. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: 0252 381 9560 - Fax: 0252 381 9560

 

3. Giáo phận Phú Cường

Gm. Chính tòa: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ

Thành lập: 1965

Địa chỉ: Toà Giám Mục Phú Cường; 104 Lạc Long Quân, P. Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương

Điện thoại: 0274 382 2860 - Fax: 0274 382 1266

 

4. Giáo phận Xuân Lộc

Gm. Chính tòa: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo

Thành lập: 1965

Địa chỉ: Toà Giám Mục Xuân Lộc; 210 Hùng Vương, Xuân Bình -TX Long Khánh, Đồng Nai

Điện thoại: 0618 603 127 - Fax: 0251 378 4053 

 

5. Giáo phận Bà Rịa

Gm. Chính tòa: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm

Thành lập: 2005

Địa chỉ: Toà Giám Mục Bà Rịa; 227 CMT8, Ph. Phước Hiệp, TP. Bà Rịa, Bà Rịa-Vũng Tàu

Điện thoại: 0251 373 7873

 

6. Tổng Giáo phận Sài Gòn

Gm. Chính tòa: Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng

Gm. Nghỉ hưu: Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Thành lập: 1844

Địa chỉ: Toà Tổng Giám Mục Tp. HCM; 180 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP. HCM

Điện thoại: 028 3930 3828 & 028 3930 0368 

Fax: 028 3930 0598

 

7. Giáo phận Mỹ Tho

Gm. Chính tòa: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Thành lập: 1960

Địa chỉ: Toà Giám Mục Mỹ Tho; 32 Hùng Vương, Phường 7, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang

Điện thoại: 0273 387 3299 - Fax : 073 3887 249

 

8. Giáo phận Vĩnh Long

Gm. Chính tòa: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai

Thành lập: 1938

Địa chỉ: Toà Giám Mục Vĩnh Long; 103 Đường 3/2, Vĩnh Long

Điện thoại: 0270 3824 016

 

9. Giáo phận Long Xuyên

Gm. Chính tòa: Đức cha Giuse Trần Văn Toản

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu

Gm. Nghỉ hưu: Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần

Thành lập: 1960

Địa chỉ: Toà Giám Mục Long Xuyên; 80/1 Bùi Văn Danh, P. Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang

Điện thoại: 0296 384 1903 – 384 6917 - Fax: 0296 384 4569

 

10. Giáo phận Cần Thơ

Gm. Chính tòa: Đức cha Têphanô Tri Bửu Thiên

Thành lập: 1955

Địa chỉ: Toà Giám Mục Cần Thơ; 12 Nguyễn Trãi, P. An Hội, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

(Cập nhật lúc 08h20 ngày 21.03.2022)

 

Tòa Giám Mục Đà Lạt: Thông báo về Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc và Cha Đaminh Nguyễn Chu Truyền

 

Tòa Giám Mục Đà Lạt: Thông báo về Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc và Cha Đaminh Nguyễn Chu Truyền

  •  
  •  


TÒA GIÁM MỤC ĐÀ LẠT
9, Nguyễn Thái Học - Đà Lạt - Lâm Đồng - Việt Nam
Điện thoại: 84.263.3822415 - Email: vptgmdl@gmail.com

Đà Lạt, ngày 23 tháng 03 năm 2022

THÔNG BÁO

Kinh gửi: Quí Cha, Quí Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh, Quí Ông Bà Anh chị em Giáo dân trong Gia đình Giáo phận.

Thể theo ý của Đức Cha Giáo phận, Văn Phòng xin thông báo về vụ việc hoạt động của Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc trong những ngày gần đây và Quyết định của Đức Giám mục nhắc nhở cha Đaminh Nguyễn Chu Truyền.

Trong những ngày gần đây, Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc xuất hiện tại nhiều Giáo phận, từ Bắc chí Nam, cả ở những điểm nóng như trong Thánh lễ trao Pallium cho Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng tại Nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn ngày 19/02/2022 (Nhóm có làm clip 335, 336 đưa lên mạng kiểu “vận động theo thời vụ” như vốn làm xưa nay, trái với cách thức của Tin mừng). Ngoài những sự thể “cổ xưa kiểu quỷ ám, lăn lộn, la hét” để yêu cầu các đấng bậc trừ quỷ như một thứ thách thức và tự biện minh, nay “Chúa Cha còn nói con nghe” trong bối cảnh Giáo Hội Hiệp Hành, tự khoe khoang “nhiều điều Chúa Cha mặc khải cho Nhóm mà các Đức Cha không biết...”. Những việc làm của Nhóm, đi đâu tự tiện quay phim đến đó và đưa lên mạng theo ý đồ của mình, càng lúc càng gây xáo trộn cả về mặt an ninh xã hội tại nhiều địa phương, gây cớ vấp phạm và chia rẽ; mức độ càng lúc càng tỏ ra ngoan cố và ở phạm vi rộng lớn hơn.

Về phần cha Đaminh Nguyễn Chu Truyền, trước đây ngài đã từng cam kết bằng văn bản là không liên lạc với chị Thương, không chữa bệnh trừ quỷ, nhưng rồi chính ngài đã tự vi phạm bất chấp những cảnh cáo của Bản quyền.

Trước đây, ngài cũng đã được định hướng đến ở nơi quy định tại Đan viện Châu Sơn, Đơn Dương để suy nghĩ và cầu nguyện, nhưng ngài cũng đã bất tuân phục, tự rời khỏi nơi quy định.

Trước tình hình mới với những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như đã nêu trên, sau khi tham khảo Ban Tư vấn, Đức Giám mục Giáo phận đã gửi văn thư cho cha Đaminh khẩn thiết yêu cầu ngài:

- Lập tức rời khỏi Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc, không liên lạc với chị Thương nữa (người tự xưng mình là thư ký truyền tiếng nói của Chúa Cha một cách ngoan cố và là nguyên nhân đầu mối của những sai lầm), cũng không chữa bệnh trừ quỷ như trước đây ngài đã cam kết;

- Trở về và ở tại Đan viện Châu Sơn, Đơn Dương như ngài đã xin và đã đến ở trong thời gian từ tháng 09 đến tháng 10/2020, để suy nghĩ, cầu nguyện và hồi tâm sửa mình;

- Nếu ngài không tuân phục và muốn được tự do để sống và hoạt động theo ý riêng của ngài, chính ngài có thể làm đơn xin giải bậc giáo sĩ (hồi tục) và Giáo phận sẽ giúp ngài hoàn tất thủ tục để đạt được ý nguyện.

- Nếu không, Giáo phận sẽ phải áp dụng thêm những biện pháp giáo luật, không loại trừ việc “giải bậc giáo sĩ”.

Đấy là nội dung sự việc liên quan đến Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc trong những ngày gần đây và đặc biệt đến Cha Đaminh. Xin Quí Cha, Quí Cộng đoàn dòng tu và toàn thể anh chị em giáo dân trong Gia đình Giáo phận tiếp tục hiệp thông cầu nguyện, xin Thiên Chúa là Cha nhân từ ban cho ngài được ơn soi sáng và phân định để đi đến những quyết định đẹp ý Chúa, ích lợi cho Hội Thánh, trong sự hiệp nhất cùng một đức tin.

Văn Phòng Tòa Giám mục Đà Lạt