label

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Nhà trừ quỷ dòng Đa Minh cảnh báo: Xem nội dung khiêu dâm, quyến luyến tội lỗi nguy hơn bị quỷ nhập

Nhà trừ quỷ dòng Đa Minh cảnh báo: Xem nội dung khiêu dâm, quyến luyến tội lỗi nguy hơn bị quỷ nhập




Quỷ nhập, như ta thấy trong các phim của Hollywood, là những biểu hiện đầy kịch tính của ma quỷ. Tuy nhiên, đó không phải là phương pháp chủ yếu của chúng. Một linh mục dòng Đa Minh và cũng là một nhà trừ quỷ đã cảnh báo rằng mối đe dọa lớn hơn và phổ biến hơn đối với phần rỗi của một người là các chước cám dỗ phạm tội của ma quỷ.
 
 

“Các biểu hiện thường gặp nhất của ma quỷ là chước cám dỗ, điều đó xảy ra nhiều hơn đáng kể so với tình trạng quỷ nhập,” Cha Jean Dermine, OP nói với thông tấn xã CNA.

Với kinh nghiệm trong hơn 25 năm, vị chuyên gia trừ quỷ giải thích rằng quỷ nhập không phải là một mối đe dọa tinh thần như các chước cám dỗ. Một người bị quỷ ám vẫn có thể có những “tiến bộ tâm linh phi thường”, và thậm chí một ngày nào đó có thể là một thánh nhân.

Lý do là vì thông thường quỷ nhập vào cơ thể của một người không có sự đồng thuận của người đó. Vì thế, việc bị quỷ nhập tự nó không làm cho nạn nhân trở nên đáng bị chê trách về mặt đạo đức.

Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không được đánh giá thấp tầm nguy hiểm của chước cám dỗ. Nó không đầy kịch tính như trong trường hợp quỷ nhập, nhưng nó nguy hiểm hơn nhiều cho linh hồn chúng ta”.

Ngài khích lệ rằng “Chống lại chước cám dỗ là điều đơn giản”, mặc dù có thể không phải luôn luôn là dễ dàng. “Bạn phải tránh xa dịp tội, và tất nhiên, bạn phải có một đời sống Kitô sâu đậm; nghĩa là bạn phải cầu nguyện, bạn phải cố gắng cư xử đúng đắn, và yêu thương những người bạn gặp mỗi ngày cũng như những người mà bạn đang sống chung với họ.”

Cha Dermine cho biết hình thức phổ biến nhất tiếp theo của mánh khoé ma quỷ là tình trạng trầm cảm, xuống tinh thần. Trên đường đời, ai trong chúng ta đôi khi cũng gặp phải nhiều vấn đề, có thể là vấn đề sức khỏe, kinh doanh, hoặc gia đình. Nhiều vấn đề không thể giải thích được bằng những nguyên nhân tự nhiên.

Nếu nguyên nhân của những hiện tượng ấy là do ma quỷ phá phách, những vấn đề này được gọi là “preternatural” hay “phi phàm” và có thể phải cần đến sự hỗ trợ của một nhà trừ quỷ.

Cha Dermine cho biết: “Đây là hành động phi thường phổ biến nhất của ma quỷ”, trong khi chước cám dỗ được coi là một hành động “bình thường” của quỷ.

Ngài cảnh báo rằng chúng ta không nên vội vã kết luận những vấn đề về thể chất hoặc đau khổ là do ma quỷ phá phách, bởi vì rất thường là những vấn đề ấy có thể lý giải bởi các nguyên nhân tự nhiên.

Nếu ai đó đã đi khám bác sĩ, hoặc gặp một tâm lý gia, mà vẫn không tìm được lời giải thích tự nhiên nào, thì họ mới nên tìm đến một chuyên gia trừ quỷ. Đó là lý do “khi một người đến và yêu cầu trợ giúp một vấn đề cụ thể, điều đầu tiên nhà trừ quỷ phải hỏi là: anh/chị có gặp bác sĩ chưa?”.

Cha Dermine, là người Canada trong vùng nói tiếng Pháp. Ngài đã sống ở Italia một thời gian ngắn trước khi được thụ phong linh mục vào năm 1979. Từ khi trở thành một nhà trừ tà vào năm 1994, ngài phục vụ trong Tổng Giáo Phận Ancona-Osimo của Ý.

Ngài đã nói chuyện về cuộc đời của một chuyên gia trừ quỷ trong khóa học thứ 14 về trừ tà và những lời cầu nguyện giải thoát, được tổ chức bởi Đại học Giáo hoàng Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ và tổ chức GRIS (Nhóm Thông Tin Và Nghiên Cứu Về Xã Hội Tôn Giáo).

Khóa học kéo dài một tuần, được tổ chức vào tháng Năm vừa qua, không nhắm đào tạo các nhà trừ quỷ mới, nhưng được thiết kế để cung cấp những thông tin tổng quát cho các linh mục và giáo dân về trừ tà là gì và các chủ đề liên quan. Cha Dermine nói rằng nhiều giáo dân tham dự khóa học theo yêu cầu của các giám mục của họ, để họ có kiến thức nhằm hỗ trợ tốt hơn và cho các linh mục trừ tà.

Cha Dermine nói với CNA rằng bài thuyết trình của ngài trong dịp này cũng đề cập đến một số những sai lầm phổ biến của một số nhà trừ quỷ, tiêu biểu là sự nhầm lẫn giữa các hiện tượng phi phàm do quỷ gây ra, với các biểu hiện của đặc sủng siêu nhiên xuất phát từ Thiên Chúa.

“Có một sự khác biệt rất quan trọng. Chúng ta có bản tính con người và không thể biết những gì mà không thông qua các giác quan của chúng ta.”

“Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để hoạt động theo một cách nhất định. Nếu bạn có những nhận thức ngoại cảm (extra-sensorial perceptions), và những thứ đại loại như thế, và chúng không nhằm trợ giúp hay kích hoạt một thành quả siêu nhiên, thì những điều đó không thể đến từ Thiên Chúa”. Những người có những nhận thức như thế thường được mô tả là những “đồng cốt” (mediums) trong nền văn hóa thế tục.

Theo Cha Dermine, những loại ngoại cảm hay những biểu hiện phi phàm như thế có thể là “một nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề” cho con người, và do đó, họ cần đến sự giúp đỡ của một chuyên gia trừ quỷ.

Vị linh mục nhận định rằng việc tổ chức các khóa học về trừ tà, cho các linh mục và giáo dân được lựa chọn, có một giá trị văn hóa, vì trừ tà thường là một chủ đề bí ẩn, vì vậy điều quan trọng là nhận thức chính xác về trừ tà nên được phổ biến trong xã hội.

“Hầu hết những người đến đây, không nhất thiết phải có ý định trở thành một nhà trừ quỷ, nhưng trên hết là muốn hiểu rõ vấn đề,” ngài nói.

Đặng Tự Do

GIÁO HẠT LONG XUYÊN: GIAO LƯU THÁNH CA LẦN THỨ 3

GIÁO HẠT LONG XUYÊN:
GIAO LƯU THÁNH CA LẦN THỨ 3

Sáng ngày 29/12/2019, giáo hạt Long Xuyên đã tổ chức Giao lưu Thánh ca với chủ đề: Tri ân tình Chúa, cám ơn tình người.

Tham dự buổi Giao lưu có khoảng 400 ca viên từ các giáo xứ trong giáo hạt Long Xuyên và các ca đoàn thuộc giáo hạt Tân Thạnh và Rạch Giá.





















Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

THƯ MỤC VỤ THÁNG 1/2020 GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

THƯ MỤC VỤ THÁNG 1/2020

GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
60 NĂM THÀNH LẬP (1960 – 2020)

Anh chị em thân mến

Thế là giáo phận bước vào năm kỷ niệm 60 năm thành lập 1960-2020. Đây phải là năm Tạ Ơn – Tạ Tội –và Dấn Thân.

Lời Chúa được chọn trong logo của giáo phận là ‘Anh Em là Muối Cho Đời” (Mt 5, 13). Nhưng trước hết, chính Chúa Kitô là muối của Thiên Chúa Cha cho nhân loại, Ngài đã đến trở thành Emmanuel hiện diện trong lịch sử nhân loại, để hoạt động phục vụ con người, để biểu lộ tình yêu cao độ nhất của Thiên Chúa cho con người, và trở thành ơn giải thoát con người khỏi vòng nô lệ của Satan, khỏi tội lỗi, đau khổ và sự chết. Với lời “Anh em là muối cho đời”, Chúa Kitô mời gọi các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian cho đến ngày Chúa đến; nghĩa là, các Kitô hữu trở thành hiện thân của Chúa Kitô là muối cho đời

Theo William Barcley, muối có 3 phẩm tính đặc biệt. Trước hết, muối được liên kết với sự thánh thiện vì nó xuất phát từ hai nguồn tinh khiết nhất: mặt trời và biển cả. Là muối thế gian, người Kitô hữu phải phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô là sự tinh sạch thánh thiêng. Kế đến, Muối là chất thông dụng nhất để bảo tồn thực phẩm khỏi hư thối. Là muối thế gian, người Kitô hữu hiện diện với Chúa Kitô để bảo tồn và nâng cao tiêu chuẩn đạo đức, và làm cho người khác trở nên tốt hơn. Và thứ ba, muối cho thêm hương vị. Là muối thế gian, Kitô giáo phải tăng thêm hương vị cho đời từ Tin Mừng của Chúa Kitô, đó là bình an, niềm vui, và hy vọng.

Với những suy tư trên, toàn thể cộng đoàn dân Chúa được mời gọi sống tâm tình tạ ơn vì giáo phận được hưởng những phẩm tính của Muối từ chính Chúa Kitô, trong Lời Chúa, trong Bí Tích, và trong Tình yêu quan phòng của Ngài trong lịch sử 60 năm của giáo phận. Giáo phận cũng tạ ơn các vị tiền bối đã là hiện thân của Chúa Kitô là muối cho giáo phận. Các ngài là giám mục, là tu sĩ, là giáo dân. Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cũng hướng về những con người địa phương với nền văn hóa Miệt Vườn, với niềm tin đa dạng và phong phú, và với lòng hiếu khách của những người miền Tây Nam Bộ đã cho giáo phận được cùng đồng hành trong 60 năm qua. Chúng ta cũng không thể không tri ân đối với thiên nhiên tươi đẹp và phì nhiêu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, và từ thiên nhiên này, chúng ta được đón nhận, được nuôi sống, có môi trường hoạt động và thể hiện niềm tin của mình. Quả thật, trong 60 năm qua, Giáo phận được hưởng những phẩm chất của muối, có những tâm hồn tinh trong là gương mẫu sống, giáo phận được bảo tồn trong các tiêu chuẩn đạo đức của nhiều lương tâm ngay thẳng, giáo phận được hưởng hương vị của bình an, niềm vui, và niềm hy vọng từ nhiều cuộc đời dấn thân. Để tạ ơn Chúa, tạ ơn con người, Giáo phận cùng thực hiện lời Chúa dạy: “Con hãy về với thân quyến con và tường thuật cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và xót thương con” (Mc 5, 19).

Cùng với tâm tình tạ ơn, giáo phận cũng sống tâm tình tạ tội và sám hối, vì đã mất chất muối trong đời Kitô hữu. “Nếu muối đã lạt, thì người ta lầy gì mà ướp cho mặn lại được” (Mt 5, 13). Trong cuộc sống, trong tác vụ, và trong vai trò của mình trong hội thánh và trong thế giới, không phải không có những lần chúng ta, là giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, đã để mình bị cướp mất chất mặn của muối. Đó là lúc chúng ta làm cho khuôn mặt của Đức Kitô bị lem nhọ trong cái nhìn của tha nhân, nghĩa là người Kitô hữu không còn biểu hiện cho sự tinh sạch, không còn tác dụng làm cho đời trở nên tốt hơn, không còn đem lại bình an, niềm vui và hy vọng. Trong năm kỷ niệm này, giáo phận bày tỏ sự sám hối và canh tân, để được Muối Chúa Kitô ướp măn lại, kẻo “nó chỉ còn quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5, 13).

Để bày tỏ tâm tình tạ ơn và tạ tội, giáo phận được mời gọi quyết tâm dấn thân tiếp tục là muối cho đời, cụ thể trong năm 2020 này.

Trước hết, từ 3 khẩu hiệu của 3 giám mục tiên khởi của giáo phận Long xuyên, Chúa Kitô trong anh chị em - Christus in Vobis, Giới răn mới – Mandatum Novum – Xin cho chúng nên một - Ut Unum Sint, giáo phận đi vào ba định hướng cho cuộc hành trình đức tin: (*) Sống màu nhiệm Chúa Kitô – (*) Xây dựng gia đình Thiên Chúa – và (*) Phục vụ con người

Kế tiếp, từ kinh nghiệm lịch sử 60 năm hiện diện trên phần đất miền đồng bằng sông Cửu Long, giáo phận đề ra 5 điểm nhấn mục vụ: (*) Đào tạo và thường huấn hàng giáo sĩ và tu sĩ; (*) Đào tạo và thường huấn người giáo dân tông đồ; (*) Thi hành Sứ Vụ Loan báo Tin Mừng; (*) Thực hiện công cuộc bác ái; (*) Dấn thân vào lãnh vực giáo dục giới trẻ ngày nay.

Và, một cách cụ thể, năm 2020 giáo phận “tham gia hiệp thông đồng trách nhiệm” trong sứ vụ kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận với những sinh hoạt điển hình sau đây:

1/ Đào sâu đức tin – Học hỏi về giáo phân để yêu mến Chúa Kitô và giáo hội của người tại địa phương Long Xuyên trong sự hiệp nhất với giáo hội hoàn vũ trong Thiên Chúa Ba Ngôi, như cành nho gắn liền vào thân nho (Ga 15, 5)

2/ Cử hành đức tin –  Thực hiện Lòng đạo đức bình dân theo hướng dẫn của giáo phận để hướng về phụng vụ nhờ đó tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý (Ga 4,24)

3/ Sống đức tin –  Bằng các hành động Bác ái, cụ thể là thực hiện lòng thương người, thương xác bảy mối thương linh hồn bảy mối. nhờ đó, chúng ta đang phục vụ Chúa trong anh chị em, và phục vụ anh chị em là hình ảnh của Chúa Kitô (Mt 25, 35-36)

4/ Xây dựng cộng đoàn Đức tin – Nỗ lực tổ chức công đoàn giáo phận, giáo xứ, giáo họ, công đoàn tu sĩ…thành gia đình của Thiên Chúa theo mô hình hiệp thông giáo hội sơ khai (Cv 2,42-47).

5/ Loan truyền Đức tin – Cộng tác với nhau trong các cộng đoàn và với toàn thể giáo phận “vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19)

Chúng ta phó thác năm kỷ niệm thành lập giáo phận cho Chúa, để qua lời bầu cử của Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình, của hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng, và của các vị tiền bối của giáo phận ở trên trời chúc lành cho giáo phận chúng ta.

Chúng ta sẽ gặp nhau trong ngày lễ Bổn Mạng Giáo phận, Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình tại Trung Tâm Hành Hương Hòn Chông để lãnh ơn toàn xá đầu năm Dương Lịch 1/1/2020.

+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo phận Long Xuyên

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

GIÁNG SINH 2019 TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY


GIÁNG SINH 2019 TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho người thiện tâm” đó là chủ đề cha Bề trên Dòng Thánh Gia Phạm Thế Nhung giảng trong thánh lễ đêm Giáng sinh, cũng là tâm ý của cha sở “để Chúa được vinh danh nơi những người thiện tâm tìm đến”. Vì thế, ngay từ tuần thứ nhất mùa vọng ngài đã cho tiến hành trang hoàng nhà thờ, làm hang đá, tập hoạt cảnh diễn nguyện, đồng thời chuẩn bị tâm hồn giáo dân qua bí tích hòa giải. Cơ bản, tuần thứ ba hang đá đã gần hoàn thành và những người thiện tâm đã tìm đến với bí tích hòa giải.  Bên cạnh những giáo dân, còn rất nhiều người các tôn giáo bạn cũng đến tham quan, cầu nguyện và trầm trồ khen ngợi về việc chuẩn bị lễ Giáng sinh. Sự thành công mau chóng này xin chân thành cám ơn cha sở, mọi người trong giáo xứ, những người quảng đại đã đóng góp cọng rơm cho Chúa, đặc biệt là ông chủ tịch hội đồng giáo xứ và những anh em hy sinh công sức của mình để thực hiện.
Chủ đề hang đá năm nay là đi theo ánh sao như ba Vua năm xưa. Từ ngoài cổng những ngôi sao rực rỡ lấp lánh hướng vào trung tâm, càng tiến dần về trung tâm Thánh đường bầu trời như mở ra, cây cối rộn rã hơn, lấp lánh hơn, những cục đá nho nhỏ xuất hiện và càng lớn dần khi đến hang đá chính nơi Chúa sinh ra. Cũng tại điểm Chúa sinh ra này, cây thông bừng sáng lên, các ánh sao đều dừng lại với sáu cây đèn lúc nào ngọn lửa cũng phất phới. Đây cũng là những cây pháo bông được bắn ra khi tượng Chúa Hài đồng được đặt vào hang đá và mọi người hát vang bài “Hát khen mừng Chúa Giáng sinh ra đời”.
Hình thức của đêm Giáng sinh thật đẹp và thành công với ban tổ chức, nhưng tâm điểm của đêm giáng sinh không dừng lại ở những rộn ràng, lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài mà cha sở và cha giảng lễ mời gọi mọi người hãy dừng lại nơi máng cỏ với tâm hồn thiện chí và vinh danh Thiên Chúa để tìm sự bình an trong tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng. Chúa đã đến cách đây 2019 năm nhưng sự bình an còn chưa có ở rất nhiều nơi kể cả thành phố nơi Chúa sinh ra. Tại sao thế? Hay là không có sự bình an. Chúng ta đọc từ từ và thật kỹ lại câu “Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Câu này có 2 điều kiện, muốn được bình an phải biết làm vinh danh Chúa và đồng thời phải là người thiện chí và có tâm hồn ngay thẳng. Làm gì có sự bình an khi con người ngày nay quên Chúa, Phủ nhận Chúa, chạy theo danh vọng, vật chất tiền tài, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống cho mình và có thể làm bất cứ thứ gì kể cả điều xấu và tội lỗi miễn sao đạt được mục đích của mình. Chỉ những chuyện nhỏ thôi, người tin Chúa nhưng lại thờ Thần tài, ông Địa, xem bói toán, bỏ xem lễ, bỏ đọc kinh, đuổi Chúa ra khỏi gia đình, phá thai, hôn nhân rối rắm, không quan tâm đến những người anh em trong giáo xứ như thăm hỏi khi ốm đau, đọc kinh cầu nguyện khi chết…chỉ biết sống cho chính mình, không bao giờ biết quay lại, vậy thì cả hai điều kiện đều không có. Xem Chúa kém quyền năng hơn Thần tài, ông Địa, cũng không biết hồi tâm thì làm gì có sự bình an. Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng và hãy trở về với Chúa đi để được sự BÌNH AN.
Bài viết và hình ảnh: Thiên Sinh
Hang đá đang được làm


Chủ tịch HĐGX đang leo cây treo đèn, để làm CTHĐGX Cần Xây phải biết leo cao và tiên phong trong công việc























Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH

Chúc mừng GIÁNG SINH năm 2019


Trong không khí tưng bừng chào đón kỷ niệm con Thiên Chúa Giáng Sinh. Ban biên tập, Cha sở, cha phó, Hội đồng mục vụ Giáo xứ Cần Xây kính chúc qúi đọc giả Giáng Sinh nhiều niềm vui, an lành và đón nhận được nhiều hồng ân từ chúa Hài nhi

"Hãy để Mẹ ngủ" là cảnh Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thích

"Hãy để Mẹ ngủ" là cảnh Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thích





Ngài nói rằng: hang đá Giáng sinh là Tin mừng sống động, là Tin mừng tại gia, là lời khẩn nài: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!


Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vào ngày sinh nhật 17 tháng 12 của ngài, ngài đã được cho xem một cảnh Giáng Sinh độc đáo với tựa đề “Hãy để Mẹ ngủ” Hình ảnh này đang được lan truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội năm nay. Cảnh tượng này diễn tả Mẹ Maria đang ngủ và Thánh Giuse đang ẵm Hài nhi với dáng vẻ thật trẻ con: vươn vai, duỗi tay, có vẻ còn ngái ngủ.

Đức Thánh Cha nói rằng hình ảnh này cho thấy “sự dịu dàng của một gia đình, của một cuộc hôn nhân.”
Ngài đã hỏi: “Bao nhiêu người trong các con, vợ chồng trong đêm phải thay nhau chăm sóc con trẻ đang quấy, nó cứ khóc, khóc và khóc suốt?” Thế rồi Ngài xác định đây đích thực là thông điệp của cảnh Chúa giáng sinh.
Và chúng ta cũng có thể mời Thánh gia đến nhà mình, là nơi có niềm vui và lo âu, là nơi mỗi ngày chúng ta thức dậy, ăn uống và ngủ nghỉ bên những người thân yêu. Máng cỏ là Tin Mừng của gia đình.

Năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì truyền thống bài trí cảnh Chúa giáng sinh. Ngài đã tới Greccio nơi Thánh Phanxicô tạo nên “cảnh Giáng Sinh sống động” đầu tiên và đã ban hành một tông thư giải thích về biểu tượng và mục đích của hang đá.

Ngài cũng đã tham quan cuộc triển lãm tại Vatican trưng bày 100 cảnh trí Giáng Sinh từ khắp nơi trên thế giới.

Tại buổi Triều yết chung, ngài nói việc bài trí cảnh Chúa giáng sinh là cách “đơn sơ nhưng hiệu quả” để chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón mừng Sinh nhật Chúa Giêsu.


“Thật vậy, máng cỏ “như Tin Mừng sống động” (Tông thư Dấu chỉ Tuyệt vời, 1). Máng cỏ mang Tin Mừng đến những nơi con người sinh sống: gia đình, trường học, nơi làm việc, chỗ hội họp, bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà tù và quảng trường.

Chính ở đó, nơi chúng ta sống, máng cỏ nhắc cho chúng ta điều thiết yếu này: Thiên Chúa không mãi mãi là Đấng vô hình trên thiên đàng nhưng đã đến trần gian, đã trở thành người, thành một trẻ thơ.

Trưng bày cảnh Chúa giáng sinh là cử hành sự gần gũi của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn luôn cận kề dân Người, nhưng khi đã nhập thể và hạ sinh, Ngài trở nên gần, rất gần, rất gần gũi với con người.

Làm hang đá là cử hành sự gần gũi của Thiên Chúa, là để tái khám phá Thiên Chúa có thật, cụ thể, đang sống động và hít thở. Thiên Chúa không phải là ông chủ xa cách hay vị thẩm phán vô cảm, nhưng đúng hơn, Người là Tình Yêu hạ mình, Đấng đã cúi xuống trên chúng ta. Trẻ Thơ trong máng cỏ thông truyền sự dịu dàng của Người cho chúng ta.

Một số bức tượng diễn tả Hài Nhi với đôi tay giang rộng nhằm nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đến để ôm lấy nhân loại chúng ta.

Tốt đẹp biết bao khi đứng trước máng cỏ và phó thác đời ta cho Thiên Chúa, nói với Người về những con người và hoàn cảnh mà ta quan tâm, cùng với Người ta kiểm điểm lại một năm sắp qua, chia sẻ với Người những hoài bão và lo lắng của ta.

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta chiêm ngắm cảm nghĩ của Mẹ Maria và Thánh Giuse “khi Hài Nhi giáng sinh trong cảnh khó nghèo: có niềm vui nhưng cũng có âu lo.”

Và giữa những điều mà Đức Thánh Cha gọi là “nhịp sống hằng ngày đôi lúc bận rộn,” máng cỏ là “lời mời gọi chiêm niệm.”

“Nó nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc dừng lại. Bởi lẽ chỉ khi chúng ta biết tụ họp với nhau [quanh máng cỏ], chúng ta mới có thể nhận biết điều gì là quan trọng trong cuộc sống. Chỉ khi chúng ta loại bỏ tiếng ồn ào của thế giới khỏi căn nhà của mình, chúng ta mới thực sự mở lòng lắng nghe Thiên Chúa, Đấng ngỏ lời trong thinh lặng.

Đề cập đến những nhân vật khác nhau được đặt trong một số cảnh trí Giáng Sinh, Đức Thánh Cha nói: “Hang đá nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giêsu đến trong cuộc đời thật của chúng ta và đây là điều quan trọng.”

Đức Thánh Cha khuyến khích hãy luôn luôn làm hang đá Giáng sinh, “vì việc này nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã đến với chúng ta, Người sinh ra cho chúng ta, Người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống này, Người là con người giống chúng ta, Người làm chính mình trở nên người giống chúng ta.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không còn đơn độc vì Người sống với chúng ta.
Việc làm máng cỏ Giáng Sinh không làm sự việc thay đổi như phép lạ, nhưng nếu chúng ta đón nhận Người, mọi việc đều có thể thay đổi.

Tôi hy vọng rằng việc trưng bày cảnh Giáng sinh sẽ là dịp mời Đức Giêsu đi vào cuộc sống của chúng ta. Làm hang đá trong nhà, khác nào chúng ta mở cửa và nói: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến!” Việc đó làm cho lời mời Đức Giêsu đến trong cuộc đời chúng ta trở nên gần gũi hiện thực.

Bởi lẽ nếu Người cư ngụ trong đời ta, sự sống được tái sinh. Và nếu sự sống được tái sinh, thì đây đích thực là lễ Giáng Sinh.
Chúc tất cả anh chị em Giáng Sinh vui vẻ!
Dung Hạnh (Theo Aleteia)
Nguồn: 
hdgmvietnam.com


Những sự kiện lớn nhất của Giáo hội trong thập niên 2010

Những sự kiện lớn nhất của Giáo hội trong thập niên 2010





Khi một thập kỷ mới bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 năm 2020, Kênh truyền thông công giáo CNA (Catholic News Agency) đã đưa ra một số sự kiện quan trọng nhất của Giáo hội trong thập niên 2010.


Sau đây là một số sự kiện quan trọng mang tính lịch sử của 10 năm qua:

1. Năm 2013: Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố nghỉ hưu
Khi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố nghỉ hưu vào tháng 2 năm 2013, ngài là vị giáo hoàng đầu tiên rời bỏ chức vụ của mình kể từ năm 1415. Ngài nói rằng: trong thời gian còn lại của cuộc đời, ngài sẽ “phục vụ Giáo hội của Chúa bằng đời sống cầu nguyện.”


Đức Giáo hoàng Phanxicô, vị Giáo Hoàng đầu tiên ở Châu Mỹ Latinh, được bầu kế nhiệm
Sau khi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từ chức, Hội đồng Hồng Y đã bầu Hồng y Jorge Bergoglio, Tổng Giám mục Buenos Aires, làm Giáo Hoàng. Ngài lấy danh hiệu là Phanxicô. Ngài là người Châu Mỹ Latinh đầu tiên, và cũng là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu vào chức vị Giáo Hoàng.


2. Năm 2014: Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được phong thánh

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã được phong chân phước vào năm 2011 bởi người kế vị của ngài là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Còn Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã được phong chân phước vào năm 2000, bởi Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.


Cả hai đã được phong thánh cùng nhau bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII là người có công triệu tập Công đồng Vatican II. Còn Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là Giáo hoàng đầu tiên của Nước Ba Lan, là giáo hoàng trị vì lâu nhất kể từ Công đồng Vatican II. Trong thánh lễ phong thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ca ngợi “sự phục vụ không mệt mỏi, sự hướng dẫn tâm linh, và chứng tá phi thường về sự thánh thiện” của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

3. Năm 2015: Đức Giáo hoàng Phanxicô phát hành Tông Huấn Amoris Laetitia

Tông huấn mục vụ hôn nhân và đời sống gia đình của Đức Giáo hoàng Phanxicô được viết ra để hướng dẫn cho những người sống ơn gọi gia đình cũng như cho những mục tử của họ, và cũng để nhằm giải quyết những thách đố đặc thù trong đời sống gia đình thời hiện đại.


4. Năm 2016: Mẹ Têrêsa Calcutta được phong thánh
Mẹ Têrêsa Calcutta là một trong số các nhân vật Công giáo nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Mẹ đã qua đời năm 1997 sau nhiều thập kỷ phục vụ giữa những người nghèo ở Ấn Độ và trên thế giới, cùng với hội dòng của mình, Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái. Mẹ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh vào ngày 4/9/2016.


5. Năm 2019: Cựu Hồng Y Theodore McCarrick bị Tòa Thánh buộc hồi tục


Qua vụ việc McCarrick, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra một chuẩn mực mới trong việc điều tra các cáo buộc lạm dụng hoặc có hành vi tình dục sai trái của hàng giáo sĩ, tu sĩ. (Theo CNA)
Văn Việt (Hdgmvn)