label

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Thông báo về Thánh Lễ đặc biệt tại linh địa Đức Mẹ La Vang

Thông báo về Thánh Lễ đặc biệt tại linh địa Đức Mẹ La Vang





Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục TGP. Huế, sẽ dâng Thánh lễ đặc biệt dâng Việt Nam và toàn thế giới cho Thiên Chúa nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ La Vang để được vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Thánh lễ sẽ được cử hành vào lúc 08 giờ 00, ngày 26.04.2020, Chúa Nhật III Phục Sinh, tại Thánh Đại La Vang, Việt Nam.


 
 

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

KITÔ HỮU VÀ VẤN ĐỀ TIỀN BẠC

KITÔ HỮU VÀ VẤN ĐỀ TIỀN BẠC

Ai cũng biết rằng trong đời sống thường ngày của chúng ta, tiền bạc là một phương tiện không thể thiếu được, vì nhờ nó mà ta có thể thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Chẳng hạn: Tiền mua gạo, tiền mua lương thực thực phẩm, tiền mua thuốc men chữa bệnh, tiền mua sắm quần áo, đồ dùng cần thiết, tiền để có phương tiện đi lại giao lưu, gặp gỡ, thăm viếng người thân, bạn bè, tiền để tổ chức cưới hỏi, ma chay, tiệc tùng lễ mừng sinh nhật vv… Tắt một lời, tiền không phải là tất cả, nhưng hầu như tất cả mọi việc thì rất cần tiền!
 
tienbac.jpg
Người ta kể rằng khi về hưu, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ có một bài viết tựa đề Hiểu đời, là một tâm sự tuổi già, nói về sức khỏe, về tiền bạc, về cuộc sống… Dưới đây là đoạn trích về tiền trong bài viết của ông:

“Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn.

“Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó”.

Ngày nay, người ta truyền tai nhau “bài vè” rất châm biếm về tiền bạc, như sau:

Tiền là tiên là phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân,
Là cái cân của công lý.

Ông bà ta ngày xưa còn nói mạnh thế này: “Có tiền mua tiên cũng được. Nói như thế để thấy rằng dường như tiền bạc có một sức mạnh vạn năng. Vì thế mới có câu: “Mạnh vì gạo/ bạo vì tiền” hay câu khác: “Miệng nhà giàu có gang có thép”.

Tiền mạnh như thế nhưng trước sau như một, tiền chỉ đáng là một tên đầy tớ tốt mà thôi. Nếu tiền làm chủ ta, thống trị đời ta thì hiển nhiên là biết bao bi kịch sẽ xảy ra.

Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết đến vụ án ly hôn nổi tiếng giữa hai vợ chồng ông bà chủ tập đoàn ca-phê Trung Nguyên với câu nói nổi tiếng của ông chủ ca-phê này, đó là câu “Tiền nhiều để làm gì?”.

Còn nhớ ngày 20-2-2019, trong phiên tòa xét xử ly hôn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên, không ngừng tranh cãi gay gắt về khối tài sản cả 10 ngàn tỷ đồng và trách nhiệm của hai bên. Quá bực bội và thất vọng, ông chủ Trung Nguyên đã lớn tiếng thốt lên với vợ: “Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”.

Câu nói này nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội với nhiều ý kiến khác nhau. Người ta không ngừng đặt ra những câu hỏi và suy ngẫm về giá trị thật sự của đồng tiền, liệu tất cả có đáng để hai người từng là vợ chồng đầu ấp tay gối, nay lại tranh nhau đến "sứt đầu mẻ trán" hay không?

Riêng đối với người Ki-tô hữu, tiền bạc cũng rất cần như bao người khác, nhưng chúng ta sống theo tinh thần của Tin Mừng, nên sẽ có sự chọn lựa khác cho riêng mình. Đó là không ham mê tiền bạc, không tôn thờ tiền bạc và biết khôn ngoan trong sử dụng tiền bạc.

Ki-tô hữu và lý do không ham mê tiền bạc

Thông thường con người tìm mọi cách để có tiền vì cần tiền để tiêu xài, nhưng sau đó thì bị đồng tiền thu hút và họ rơi vào vòng xoáy của cơn mê tiền bạc. Đúng như người xưa thường nói “Đồng tiền liền khúc ruột”. Nghĩa là đối với người ta tiền bạc trở nên người bạn thiết thân không thể nào rời bỏ được. Nó được xem là da thịt của mình, là máu mủ ruột rà của mình, là sự sống của mình…

Kinh nghiệm cho thấy, ham mê tiền bạc là một cám dỗ không trừ một ai. Càng có quyền hành, càng có địa vị, càng có chức tước càng dễ bị lôi kéo vào cơn mê tiền bạc. Đó chẳng những là một tính xấu nguy hiểm mà còn là một nguy cơ khiến ta sống ngược lại với Tin Mừng của Chúa.

ĐGM GB Bùi Tuần (hưu dưỡng Gp Long Xuyên) đã chia sẻ về vấn đề này, như sau: [1]

“Cần tiền là chuyện không tránh được, nhưng mê tiền là tính xấu, đầy nguy hiểm.

Nguy hiểm vì nó dễ làm cho con người trở nên cứng cỏi, thiếu bác ái với người nghèo, giống như người giàu có trong Phúc Âm đã xử tệ với người hành khất tên La-da-rô (x. Lc 16, 19-31).

Nguy hiểm vì nó dễ xúi con người phạm những tội bất công hại người, tương tự như trường hợp Giu-đa bán Chúa (x. Mt 26, 15).

Nguy hiểm vì nó dễ làm cho con người trở nên loại Pha-ri-sêu giả hình tỏ vẻ đạo đức, ‘kinh kệ dài dòng, nhưng lại nuốt trôi gia tài những bà góa’ (x. Mt 23, 14).

Nguy hiểm vì nó dễ làm ta coi thường những sự thánh, giống như những người đổi chác tiền bạc mà Chúa đã đuổi ra khỏi đền thờ (x. Mt 21, 12-16).

Nguy hiểm, vì nó cũng dễ đẩy ta vào số phận chết không kịp chuẩn bị, như người phú hộ nọ trong Phúc Âm đang lúc mải miết tính toán tiền bạc, thì thần chết ập tới lôi đi (x. Lc 12, 16-21).

“Trong một thế giới mà ảnh hưởng của đồng tiền bao trùm quá rộng từ kinh tế, chính trị, văn hóa, đến cả luân lý, đạo đức, thì những lời cảnh cáo của Chúa sẽ bị coi như lạc lõng. Chúa biết, nhưng Người đã nói: ‘Dù trời đất qua đi, Lời Ta sẽ không qua đi bao giờ’ “ (Lc 21, 23).  

ĐTC Phan-xi-cô, trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 18-10-2018 tại nhà nguyện thánh Marta, đã nhắc đến ba cách thức sống nghèo trong đời sống của người Ki-tô hữu, trong đó ngài nhấn mạnh là người môn đệ phải sống nghèo với con tim không dính bén với giàu sang.

Ngài giải thích: Cách thức sống nghèo đầu tiên của người môn đệ là không dính bén với tiền bạc và sự giàu có. Đó là điều kiện để bắt đầu hành trình của người môn đệ. Nó bao hàm một “con tim khó nghèo”, đến nỗi nếu trong việc tông đồ, cần những tổ chức và cơ cấu mà dường như cho thấy sự giàu có, hãy sử dụng chúng thật tốt – nhưng đừng dính bén.

Thực thế, người thanh niên giàu có trong Tin Mừng đã làm Chúa Giêsu cảm động nhưng anh không thể theo Người bởi con tim anh dính bén với của cải. Nếu ai muốn theo Chúa Giêsu, hãy chọn con đường nghèo khó và nếu giàu có thì đó là bởi Thiên Chúa đã ban nó để phục vụ người khác, nhưng con tim thì đừng dính bén. Người môn đệ không sợ nghèo khó, mà ngược lại, người ấy cần phải sống nghèo. [2]

Chúng ta nhớ lại Lời Chúa phán: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26).

Ki-tô hữu và lý do không tôn thờ tiền bạc

Nhiều người có nhiều tiền nhưng họ làm chủ nó và sử dụng nó vào những việc đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Trái lại, có rất nhiều người khác có tiền, quý tiền, mê tiền và tôn thờ tiền bạc như thần tượng của mình. Thay vì họ làm chủ tiền bạc thì đàng này, tiền lại sai khiến và khống chế họ.

Là Ki-tô hữu, chúng ta phải luôn cảnh giác trước nguy cơ rơi vào cái não trạng coi tiền là tất cả, là thần-tài, là vua, là chúa mà mình phải thờ.

“Chúng ta đều biết rằng trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã khuyến cáo và kêu gọi thật mạnh mẽ: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13). Chúa không cấm chúng ta làm ra tiền, Chúa cũng không cấm chúng ta để dành tiền của trong ngân hàng, mà Chúa nhắc nhở Ki-tô hữu luôn chú ý không được trở nên nô lệ của tiền bạc, không để mình trở thành kẻ làm tôi của thần Mammon.

“Tiền bạc và của cải là phương tiện chứ không là ông chủ. Đó là vị trí đúng đắn nhất của nó. Thật buồn cho Ki-tô hữu nào thay đổi vị trí đúng đắn của tiền bạc, nghĩa là đặt tiền bạc của cải vật chất thành trung tâm điểm của cuộc sống, thành ông chủ của chính họ”. [3]

Thánh Phao-lô cũng quan tâm nhắc bảo chúng ta về vấn đề tiền bạc. Ngài viết trong thư gửi cho Ti-mô-thê, như sau: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác, là lòng tham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6, 10).

Ngạn ngữ Pháp có câu “Tiền bạc là tên đầy tớ trung thành nhưng lại là ông chủ gian ác”. Điều đó có nghĩa là nếu ta để cho tiền bạc làm chủ mình thì nó sẽ chỉ huy cả con người và cuộc sống mình theo ý hướng xấu của nó. Kinh nghiệm đời người cho thấy chữ “tiền” thì luôn đi đôi với “bạc”, tức là bạc tình, bạc nghĩa, bạc phúc, bạc ơn. Có thể nói, hơn phân nửa những vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra hàng ngày đều xuất phát từ tiền bạc.


Có một câu chuyện thế này. Cách đây nhiều năm, một nguyệt san xuất bản tại Luân Đôn có yêu cầu độc giả đưa ra một định nghĩa về tiền bạc và cho biết độc giả nào đưa ra câu định nghĩa hay nhất sẽ được thưởng. Tòa soạn đã nhận được cả ngàn câu định nghĩa và đây là câu định nghĩa đã trúng giải nhất.

Tiền bạc là giấy thông hành đại đồng, với nó chúng ta có thể đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, trừ lên trời là không được, với nó chúng ta có thể mua được mọi sự, trừ hạnh phúc.  

Thánh Giacôbê đã nói về số phận người giàu có thế này: “Quả thế, mặt trời mọc lên tỏa ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc làm của họ” (Gc 1, 11).

Ngài viết tiếp: “Giờ đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ như lửa thiêu hủy xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các ngươi đã gian lận, mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi…” (Gc 5, 1–4).

Ki-tô hữu và việc sử dụng tiền bạc

Mọi người bất kể là ai đều có bổn phận làm việc để kiếm tiền nuôi thân và gia đình, tất nhiên họ có quyền giữ tiền và có quyền tiêu tiền. Đó là việc thường tình trong đời sống con người. Vấn đề quan trọng đặt ra cho mỗi chúng ta, đó là nguồn gốc tiền bạc mà chúng ta có và cách mà ta sử dụng nó như thế nào.   

Trước hết, Chúa Giê-su cảnh giác chúng ta về lòng tham. Vì lòng tham thì vô đáy. Không phải người nghèo mà không tham. Cũng không phải người giàu có là hết tham. Mọi người đều có lòng tham. Người tham ít, người tham nhiều. Người tham cách này, người tham cách khác. Trong Tin Mừng Lu-ca, Chúa đã nhắc nhở thế này: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15).

Chúng ta biết, tham lam là một trong bảy mối tội đầu. Do lòng tham nên ta có thể kiếm tiền một cách bất chính. Vì tham nên ta có thể ăn gian, nói dối trong kinh doanh buôn bán. Vì tham nên ta có thể lường gạt bằng mọi thủ đoạn để cái túi của mình đầy tiền. Vì tham nên ta có thể vi phạm đức công bằng và bác ái một cách nặng nề. Vì tham nên ta có thể hy sinh tất cả để bảo toàn quyền lợi bất chính của mình.

Người tham lam lại thường là người hà tiện nữa. Hà tiện chứ không phải là tiết kiệm. Hà tiện cũng hiểu theo nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn, bần tiện. Vì hà tiện nên ta không dám chi tiêu để giúp đỡ tha nhân hay làm việc công ích. Vì hà tiện nên ta chỉ muốn thu tích cho đầy túi mà không biết cho đi, ban phát. Vì hà tiện mà ta làm ngơ không ngó ngàng gì tới cảnh khó nghèo, túng thiếu của người lân cận.

Trong Tin Mừng, Chúa đã nhắc bảo: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20). Đối với Chúa, chúng ta có nhiều của cải hay có ít, điều đó không quan trọng. Vấn đề chính yếu là chúng ta không tôn thờ tiền bạc, không tham lam thu tích cho mình nhiều của cải, không kiếm tiền của cách bất chính, không hà tiện chắt bóp thái quá…Bởi như thế thì chúng ta khó lòng mà sống thanh thoát để tìm kiếm sự công chính trên trời.

Đối với Ki-tô hữu, Chúa luôn khuyến khích chúng ta biết ăn ở rộng rãi, sống quảng đại và sẵn sàng chia sẻ tiền của vật chất cho người anh em thiếu thốn. Vì chúng ta tâm niệm rằng: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Thánh Phao-lô đã giảng giải rất rõ thế này: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép : kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2Cr 8, 13 - 15).

Lời Chúa còn đây: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi  trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12, 33-34) ./.

Aug. Trần Cao Khải

Quảng trường đầy và Quảng trường trống

Quảng trường đầy và Quảng trường trống





Đức Phanxicô một mình ở Quảng trường Thánh Phêrô chiều thứ sáu 27 tháng 3 trong buổi ban phép lành Cho thành phố Rôma và cho Thế giới, Urbi et Orbi. (Vatican Media)
Nhật ký làm việc của linh mục Federico Lombardi trong thời kỳ khủng hoảng. Hàng tuần
Linh mục Federico Lombardi, cựu giám đốc Radio Vatican và Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho chúng ta cái nhìn của ngài về thời kỳ chúng ta đang sống.
Hàng triệu và hàng triệu người ở Ý và trên khắp thế giới đã theo dõi giây phút Đức Phanxicô cầu nguyện qua đài truyền hình và qua các phương tiện truyền thông. Con số người nghe là ngoại thường. Không có gì đáng ngạc nhiên. Dĩ nhiên bối cảnh tự nó đã bù đắp cho sự vắng mặt của giáo dân và của xã hội qua hệ thống truyền thông.
Hơn nữa, và trên hết, bối cảnh này làm cho lời nói và hình ảnh của Đức Phanxicô đáp ứng với các mong chờ sâu đậm để được an ủi, để tìm ánh sáng trong thời điểm tối tăm, tìm nâng đỡ trong thời điểm không chắc chắn.
Khi Đức Phanxicô bắt đầu dâng thánh lễ buổi sáng ở Nhà nguyện Thánh Marta – một trong các sáng kiến đầu tiên và đặc nét sáng tạo riêng triều giáo hoàng của ngài – thì ngay lập tức kênh truyền hình Ý TV 2000 xin được trực tiếp truyền hình thánh lễ để nhiều người được tham dự giây phút cầu nguyện cảm động với Đức Giáo hoàng. Sau đó tôi nhớ đã có cuộc thảo luận với chính Đức Giáo hoàng và suy nghĩ xem chuyện này có nên làm hay không.
Kết luận lúc đó là không phát hình trực tiếp, vì ngược với các buổi lễ công cộng, thánh lễ buổi sáng có nét thân mật và riêng tư, đơn giản và tự phát để người dâng lễ cũng như người tham dự không cảm thấy mình đang ở trước mắt mọi người. Dĩ nhiên có một vài hình ảnh, một vài đoạn ngắn của bài giảng được phát ra nhưng không phải toàn bộ thánh lễ. Tất nhiên cũng không thiếu dịp các buổi lễ của Đức Phanxicô được đưa ra cho công chúng xem qua các phương tiện truyền thông.
Hôm nay tình hình đã thay đổi. Ở Nhà nguyện Thánh Marta dù rất nhỏ cũng không còn tín hữu và gần như Đức Phanxicô dâng thánh lễ một mình, thì thánh lễ lại được truyền hình trực tiếp và có rất nhiều người theo dõi, họ được nâng đỡ và an ủi, họ kết hiệp với ngài trong lời cầu nguyện và được ngài mời gọi “hiệp thông thiêng liêng” vì họ không thể đi lễ để được rước Mình Thánh Chúa. Mầu nhiệm thiêng liêng vẫn là một, nhưng cách tham dự đã khác. Khi giảng, Đức Phanxicô thích nhìn thẳng vào người đang có mặt và đối thoại với họ. Nhưng bây giờ ánh mắt và giọng nói của ngài đã được kỹ thuật làm truyền thông hóa, nhưng nội dung vẫn luôn chạm đến tâm hồn người nghe. Không còn đám đông hiện diện, nhưng đám đông ở đó và thật sự kết hiệp qua Thiên Chúa, Đấng chết đi và sống lại.
Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta
Và khoảnh khắc khi Đức Phanxicô nói và cầu nguyện ở Đền thờ thánh Phêrô hay ở Quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống vắng cũng tương tự vậy và còn sâu đậm hơn.
Đã bao nhiêu lần trong những năm qua, chúng tôi đã tổ chức những buổi càng ngày càng có các con số giáo dân tham dự ấn tượng: 50, 100, 200 000 người  … tràn ngập quảng trường từ đường Via della Conciliazione đến dòng sông Tibre… Nơi tập trung không biết bao nhiêu cuộc họp đông đảo… Trong thế kỷ qua, chúng ta dần dần học thêm, để thêm vào sự hiện diện thể lý này sự hiện diện đông đảo của những người, nhờ đài truyền thanh rồi đến truyền hình, rồi thêm các phương tiện truyền thông mới đã mở rộng các cuộc tụ họp đông đảo này lan đến các nơi khác trên thế giới. Phép lành cho thành phố Rôma và cho thế giới Urbi et Orbi, đặc biệt dưới thời Đức Gioan-Phaolô II trong các lần chúc lễ Giáng Sinh và Phục Sinh đã được phát với hàng chục ngôn ngữ, làm cho chúng ta hiểu, sự tập họp ở quảng trường là trọng tâm, trọng tâm của một tập họp lớn hơn, trải rộng ra trên tất cả các châu lục, hiệp nhất với nhau trong mong muốn được nghe chỉ một thông điệp cứu rỗi qua tiếng nói của Giáo hoàng.
Bây giờ chúng ta thấy một quảng trường hoàn toàn trống vắng nhưng tập họp lại rất lớn, tập họp không còn là tập họp của thể lý nhưng tập họp thiêng liêng, và tập họp này có thể còn nhiều hơn, sâu đậm hơn bất cứ các tập họp nào khác. Đức Giáo hoàng có thể một mình ở Quảng trường Thánh Phêrô hay trong Nhà nguyện Thánh Marta, nhưng Giáo hội hoàn vũ, một tập họp giáo dân thật sự mạnh và hiệp nhất qua mối quan hệ sâu đậm được cắm rễ trong  đức tin và trong quả tim con người.
Quảng trường trống vắng, nhưng ở đó chúng ta cảm nhận sự hiện diện rất dày đặc và các vòng ôm của các quan hệ thiêng liêng của tình yêu, của lòng lân tuất, của đau khổ, của khao khát, của hy vọng… đây là dấu chỉ mạnh sự hiện diện của Thần Khí, Đấng gắn kết trong “Nhiệm Thể” Chúa Kitô. Một thực tại thiêng liêng thể hiện khi có sự tập hợp hiệp nhất về mặt thể lý và hiện diện, nhưng một sự hiện diện khác, không ràng buộc vào thể lý, nhưng ngược thay ở thời buổi chúng ta, lại được trải nghiệm một cách mạnh hơn và hiển nhiên hơn.
Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô trong đêm tối: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)

virus corona không phải là một hình phạt của Thiên Chúa

Hội đồng các Giáo hội Thế giới: virus corona không phải là một hình phạt của Thiên Chúa

Nhân dịp Phục Sinh, Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) đã gửi một sứ điệp cho các tín hữu, khẳng định Đức Kitô đã chiến thắng sự chết; và virus corona không phải là một hình phạt của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và sự sống.
Ngọc Yến - Vatican
Các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô Thế giới mời gọi các tín hữu tin tưởng vào sự Phục sinh cứu độ của Đức Kitô, Đấng thực sự đã sống lại: “Ngay cả trong những thời điểm khó khăn mà nhân loại đang trải qua, Phục Sinh nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa trong Đức Kitô tiếp tục yêu thương và quan tâm đến thế giới, vượt qua cái chết bằng sự sống, chinh phục nỗi sợ hãi và sự bất ổn bằng niềm hy vọng”.

Hội đồng các Giáo hội nhấn mạnh: “Nhiều người trong chúng ta đang trải qua nỗi sợ hãi và bất an, thương tổn, cách ly, cô đơn và thậm chí cả cái chết của các thành viên trong gia đình và cộng đoàn. Mặc dù đau thương như thế, thì sứ điệp mà Lễ Phục Sinh mang lại cho chúng ta vẫn tiếp tục là một sứ điệp vui mừng, can đảm và hy vọng”.

Đối với những người bị cám dỗ giải thích tình trạng hiện nay như là một hình phạt và sự biểu lộ giận dữ của Thiên Chúa, các vị lãnh đạo Các Giáo hội Kitô nhắc nhớ chính sứ điệp Phục Sinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là một Thiên Chúa Tình yêu, nguồn sự sống, không phải sự chết, vì như Tin Mừng của Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17) (CSR_2490_2020)
 

Truyền hình trực tiếp Lễ Lòng Chúa Thương Xót do ĐTC Phanxicô cử hành

Truyền hình trực tiếp Lễ Lòng Chúa Thương Xót do ĐTC Phanxicô cử hành


Chúa Nhật 19/4/2020 kính trọng thể Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần ở Sassia, Trung tâm Lòng Chúa Thương Xót của giáo phận Rôma. Vatican News Tiếng Việt sẽ truyền hình trực tiếp Thánh lễ này.
Ngọc Yến - Vatican
Theo thông báo của Phòng Báo chí Tòa Thánh: Vào lúc 11 giờ sáng Chúa nhật giờ Rôma (16 giờ Việt Nam) ngày 19 tháng Tư năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại nhà thờ mà cách đây 25 năm Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót.
Link tham dự trực tiếp: https://youtu.be/5NLch477MWw
Vào ngày 23/4/1995, tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần ở Sassia, Thánh Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót. Kết thúc Thánh lễ, Thánh Gioan Phaolô II đã làm phép bức ảnh Chúa Giêsu Thương Xót được tôn kính trong Nhà thờ này. Và sau đó ngày 30/4/2000, dịp Năm Thánh, Thánh Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina lên bậc hiển thánh và chính thức thiết lập và ấn định ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa dựa theo yêu cầu của Chúa Giêsu với thánh Faustina Kowalska. Lễ được cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Kể từ đó việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa phát triển sâu rộng trên khắp Giáo hội hoàn vũ.
Năm năm sau ngày thiết lập Lễ Lòng Chúa Thương Xót, Thánh Gioan Phaolô II đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự Thánh lễ này và đồng thời thực hành các điều kiện thông thường như xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.
Như vậy, năm nay kỷ niệm 20 năm Lễ Lòng Chúa Thương Xót được thiết lập, vào Chúa nhật thứ II Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót và sau đó ngài sẽ chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần, cách Quảng trường Thánh Phêrô khoảng 5 phút đi bộ.

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Chúa Giêsu bị đâm cạnh sườn bên phải hay bên trái

Chúa Giêsu bị đâm cạnh sườn bên phải hay bên trái





Trích sách Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin
Vị trí nhát đòng

Nhát đòng đã đâm vào chỗ nào của cạnh sườn? Một truyền thống vững chắc đặt vị trí của nó ở phía bên phải ngực và đó là sự kiện hết sức quan trọng. Vì ý kiến chung kể cả thời của chúng ta đây, là đặt trái tim ở bên trái, đó là điều sai lệch. Thực chất trái tim nằm ở giữa về phía trước, trên cơ hoành, giữa hai lá phổi, sau tấm chắn ức sườn, trong trung thất trước. Chỉ có mỏm tim là rõ ràng lệch về bên trái, nhưng đáy của nó vượt quá về bên phải xương ức.

Truyền thống về nhát đòng ở bên phải có hai dấu tích làm dẫn chứng: Thánh Augustinô viết trong tác phẩm Kinh Thánh Thiên Chúa: “Người ta đã mở cửa nơi cạnh sườn bên phải Người, quả thực đây hẳn là vết thương, khi cạnh sườn Người bị đóng đinh đã bị lưỡi đòng gây thương tích.” Đức Giáo Hoàng Innôcentê III viết: “Chén được đặt bên phải các của lễ, như thể chứa đựng máu mà chúng ta tin là đã chảy ra tràn trề từ cạnh sườn bên phải của Đức Kitô.”

Nhưng chúng ta hãy căn cứ vào đoạn Tin Mừng: Một người lính lấy giáo đâm thủng cạnh sườn, tức thì máu và nước chảy ra. Bác sĩ Pierre Barbet đã dựa vào khoa giải phẫu và việc thử nghiệm để giải thích câu Tin Mừng này, hãy xem những khoa này trả lời ra sao.

Tấm khăn liệm rõ ràng có những dấu vết của vết thương ở cạnh sườn bên trái, mà hình in trên tấm khăn là hình đã bị đảo ngược, nên tử thi đã chịu vết thương ở bên phải.

Thật là điều kỳ lạ, mặc dù thành kiến thông thường vẫn cho là tim bên trái, đang khi chỉ có mỏm tim là ở đó thôi, nhưng người ta vẫn không bao giờ chọc tức bác sĩ Pierre Barbet về vấn đề cạnh sườn. Hơn nữa, không bao giờ người ta phản đối ông về sự kiện những người được in dấu thánh. Kỳ thực, Thánh Phanxicô Assisi mang vết thương bên phải sườn. Nhưng sau Ngài lại có những người được in dấu thánh với vết thương cạnh sườn bên trái, chẳng hạn như chị Theresa Neumann… Vì thế, người ta tìm nhiều cách giải thích vấn đề mà chẳng giải thích được đến nơi đến chốn. Ví dụ như: người được in dấu thánh vết thương cạnh sườn trái là được định vị vết thương đối diện với vết thương của Đức Giêsu mà người đó đang chiêm ngắm. Theo bác sĩ Pierre Barbet thì nên tôn trọng tính mầu nhiệm của các hiện tượng đó hơn là đề xuất những lý thuyết có vẻ khoa học.

Trên vết in phía trước của tấm khăn liệm, người ta nhìn từ phía bên trái (do đó là ở phía phải của tử thi) thấy một dòng máu lớn, một phần bị che lấp trên mép ngoài thân, do một miếng vải mà các nữ tu dòng Clara Chambery đã may vào sau lần bị cháy năm 1532. Vệt máu này ở phía trên có bề rộng 6 cm và chảy xuống như gợn sóng rồi thu hẹp dần với chiều cao 15 cm. Mép trong của tấm khăn bị đứt đoạn một cách kỳ lạ bởi những lỗ khuyết tròn, mà thoạt đầu không thể giải thích được đối với một dòng máu trên một tử thi bất động và dựng đứng. Bờ máu này không lan ra một cách thuần nhất và còn cho thấy một vài chỗ không có.

 vetthuong_01.jpg

Xem xét trên tấm khăn liệm bằng mắt thường, một vệt máu chảy đọng dưới vết thương cạnh sườn và đọng lại quanh thắt lưng, cho thấy có một lượng máu lớn tràn ra khi bị đâm và tiếp tục chảy khi đã hạ xác và di chuyển xác. Dòng máu này tiếp tục chảy và tụ lại vòng quanh thắt lưng như có một vòng đai chặn lại không cho chảy lan xuống dưới thắt lưng. Theo vị trí vết thương, ngọn giáo đã xuyên qua cạnh sườn, đâm thấu vào tâm nhĩ phải. Chỉ từ tâm nhĩ phải mới có nhiều máu chảy ra như vậy; các nơi khác của tim không có được lượng máu lớn như vậy.

 vetthuong_02.jpg 

vetthuong_03.jpg

Mũi giáo đi chếch từ dưới lên ở phía lồng ngực phải, đâm xiên xé toạc màng ngoài tim, đi vào tâm nhĩ phải. Phân tích vết máu tại cạnh sườn trên tấm khăn liệm, xác nhận có máu và nước dịch huyết thanh; máu và nước chảy ra cùng lúc không hoà lẫn vào nhau. Máu chảy từ tâm nhĩ phải và huyết thanh chảy từ màng ngoài tim, xảy ra đồng thời khi ngọn giáo đâm vào, chứng tỏ Người trong tấm khăn liệm đã chịu đau đớn cùng cực do tràn dịch màng ngoài tim bởi các chấn thương trầm trọng của các trận đòn tàn khốc và việc vác thập giá nặng nề.

 vetthuong_04.jpg

Với hình âm bản ba chiều, người ta nhìn thấy rõ vết thương cạnh sườn nằm bên phải Người trong tấm khăn liệm, vị trí vết thương nằm ngay dưới bờ ngực.

Trích từ sách Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin
Gioakim Nguyễn


CÁO PHÓ: CHA CỐ PHÊRÔ TRƯƠNG PHÚ THỊN

CÁO PHÓ: CHA CỐ PHÊRÔ TRƯƠNG PHÚ THỊNH





CÁO PHÓ

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2)


Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh,
TGM giáo phận Long Xuyên kính báo:

CHA CỐ PHÊRÔ TRƯƠNG PHÚ THỊNH

Sinh ngày: 8-10-1953
đã trở về Nhà Cha đêm ngày 14//04/2020
Hưởng thọ 67 tuổi, và 28 năm Linh mục

Thi hài Cha được quàn tại giáo họ Vô Nhiễm, kinh C1, Thạnh Thắng, Vĩnh Thạnh

Thánh Lễ An táng sẽ được cử hành vào lúc 9g00' sáng thứ Năm, 
ngày 16/04/2020, tại nhà thờ giáo họ Vô Nhiễm,
kinh C1, Vĩnh Thạnh, CT. Gp. Long Xuyên

Xin quý cha trong giáo phận dâng 3 Thánh lễ cầu cho linh hồn Cha Cố Phêrô.
Xin anh chị em cầu nguyện cho Cha Cố Phêrô mau về hưởng Tôn nhan Chúa.

(VÌ CÁCH LY XÃ HỘI TRONG THỜI ĐẠI DỊCH COVID -19,
NÊN ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VÀ LINH MỤC ĐOÀN
SẼ DÂNG LỄ CẦU NGUYỆN CHO CHA CỐ PHÊRÔ SAU NÀY)

Long Xuyên ngày 15/04/2020 
      Văn phòng Tòa Giám mục 

Phêrô Nguyễn Văn Kiệt
Linh mục Chưởng Ấn

LƯỢC SỬ LINH MỤC PHÊRÔ TRƯƠNG PHÚ THỊNH
Tên thánh, tên gọi: Phêrô Trương Phú Thịnh
Sinh ngày: 8-10-1953
Tại: Phủ Lý, Hà Nam
Vào Tiểu chủng viện năm: 1965, thuộc giáo phận: Long Xuyên
Vào Đại Chủng viện Long Xuyên năm: 1973
Chịu chức linh mục ngày: 30-1-1992, Tại: nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên
Do Đức cha: GB. Bùi Tuần

 Cha đã phục vụ tại:
- Ông Chưởng: 1992-1995
- Cù Lao Giêng: 1995-2000
- Chợ Mới: 2000-2009
- Đức Mẹ Vô Nhiễm C1: 2009 - 2020
- Qua đời ngày: 14/04/2020

ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

Trong thời gian đại dịch hiện nay, Giáo hội tại Việt Nam và rất nhiều nơi trên thế giới phải tạm dừng các cử hành cộng đồng và hạn chế tập trung. Ở hoàn cảnh này, các tín hữu phải tham dự trực tuyến các cử hành phụng vụ và không thể rước Mình Thánh Chúa như khi tham dự Thánh lễ chung cùng cộng đoàn như trước đây. Với những câu hỏi và ưu tư về cử hành và nhận lãnh Bí tích Thánh Thể trong hoàn cảnh hiện nay, Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam giải thích như sau:

1. Thực hành “rước lễ thiêng liêng” là gì?
Rước lễ thiêng liêng là một thực hành đạo đức của người Kitô hữu đã có từ lâu đời (thế kỷ XII) và trải qua hàng thế kỷ cho đến nay, trong đó, theo mô tả của thánh Tôma Aquinô, họ “ước ao cháy bỏng lãnh nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và trìu mến ôm lấy Người” vào lúc và trong hoàn cảnh không thể hiệp thông Thánh Thể cách Bí tích được (rước lễ/ hiệp lễ Bí tích). Rước lễ thiêng liêng còn được gọi là rước lễ nội tâm, rước lễ trong lòng, rước lễ thần bí hay rước lễ vô hình vì không có dấu chỉ nào rõ rệt và hữu hình (có thể nhìn thấy) như trong hiệp lễ Bí tích.

Thực hành rước lễ thiêng liêng được sử dụng chủ yếu trong hai trường hợp: [i] Chuẩn bị cho việc tiến đến bàn thánh mà lãnh nhận Thánh Thể trong tương lai (Trent, Sess. 13, c. 8); [ii] Không thể rước lễ Bí tích được do những ngăn trở về thể lý (già yếu, đau bệnh), luân lý (tội trọng, mắc vạ tuyệt thông, mắc một hình phạt giáo luật, không giữ chay Thánh Thể) hay hoàn cảnh (chiến tranh, dịch bệnh, bị bách hại).

Không những cho phép các tín hữu rước lễ thiêng liêng khi tham dự Thánh lễ trực tuyến, mà Hội Thánh còn mong muốn cho các tín hữu có lòng ao ước rước lễ thiêng liêng, bất cứ lúc nào trong ngày khi không thể rước lễ thực thụ, với những lời cầu nguyện riêng của mình hay với các lời kinh truyền thống trong Hội Thánh, dẫu rằng hình thức này không thể sánh ví được với hành động đón nhận chính Chúa Giêsu Thánh Thể vào tâm hồn mình cũng như ít toàn hảo theo cách Bí tích hơn là rước lễ Bí tích.

Đối với các Bí tích nói chung và Bí tích Thánh Thể nói riêng, tín hữu nào đã chuẩn bị tâm tình xứng đáng, thì tuy không lãnh Bí tích thực sự họ vẫn nhận được những công hiệu của Bí tích đó do lòng ước ao muốn lãnh nhận và sẽ nhận lãnh khi có cơ hội (Summa Theologica III, q.80, a.11,c.). Đó là lý do ngay từ thời cổ đại, Giáo hội đã công nhận những người tử đạo dù chưa được Rửa tội nhưng cũng đã trở thành Kitô hữu rồi. Mặc dù thân xác họ chưa lãnh nhận nước Rửa tội, nhưng họ đã lãnh Bí tích Rửa tội bằng niềm khao khát. Ngoài ra, mỗi khi thực hiện hành vi rước lễ thiêng liêng, tín hữu sẽ nhận được ơn xá từng phần (x. Enchiridion Indulgentiarum (1999), “Concessiones” 8, §2, 1°). Đối với nhiều vị thánh, các ngài không thỏa mãn ngay cả khi đã lãnh nhận Thánh Thể mỗi ngày trong Thánh lễ. Vì thế, việc rước lễ thiêng liêng trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của họ vì giúp lôi kéo họ thường xuyên đến gần sát với Chúa hơn.

Liên quan đến thực hành này, xin nhắc lại ở đây lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/04/2003):
Bí tích Thánh Thể được xem như chóp đỉnh của tất cả các Bí tích, vì Bí tích Thánh Thể luôn thể hiện một cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Với một niềm tin sâu sắc, một trong những tác giả thời danh của truyền thống Byzantin, đã diễn tả chân lý này khi bàn đến Bí tích Thánh Thể: “Như thế mầu nhiệm này thật hoàn hảo, khác với mọi nghi thức khác, và nó dẫn thẳng đến chóp đỉnh của mọi ơn ích, vì đó cũng là cứu cánh tuyệt đỉnh của mọi cố gắng con người. Bởi vì chúng ta gặp chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm ấy, và chính Thiên Chúa kết hợp với chúng ta bằng một mối liên kết hoàn hảo nhất.”. Chính vì thế mà vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước Bí tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp. Cũng chính vì thế đã khai sinh một cách thức “rước lễ thiêng liêng”, được phổ biến tốt đẹp từ nhiều thế kỷ trong Giáo Hội và rất được các bậc thầy thánh thiện về đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết: “Khi bạn không thể rước lễ trong Thánh lễ được thì bạn hãy rước lễ thiêng liêng vậy, vì đó là một cách thức mang lại nhiều lợi ích [...]; bằng cách đó bạn ghi khắc trong lòng tình yêu sâu xa với Chúa chúng ta” (số 34).

2. Khi hiện diện trong nhà nguyện có lưu giữ Mình Thánh Chúa, có được rước Mình Thánh đang lưu giữ nơi Nhà tạm lúc tham dự Thánh lễ trực tuyến không?

Không được. Lý do là vì có sự khác biệt rõ rệt về cả giá trị lẫn thực tại giữa hành vi tham dự Thánh lễ thực sự và tham dự Thánh lễ trực tuyến:   
[1] Tham dự Thánh lễ trực tuyến chỉ là phương thế để kết hợp với Chúa Kitô, là sự thông hiệp Thánh lễ cách thiêng liêng qua phương tiện truyền thông [truyền thanh và truyền hình] vốn được khuyến khích cho những trường hợp vì một lý do nào đó (già yếu, đau bệnh) hay trong một hoàn cảnh nào đó (chiến tranh, dịch bệnh, bị bách hại) mà không thể hiện diện cách thể lý tại nơi cử hành Thánh lễ (nhà thờ/ nhà nguyện), tức là tín hữu không thể đến nhà thờ/ nhà nguyện để tham dự vào cử hành Thánh Thể cùng với cộng đoàn Giáo hội sống động ở đó (GLCG, số 1322). Đây là lý do mà ĐGH Bênêđictô XVI viết rằng: “Về giá trị của việc tham dự Thánh lễ bằng phương tiện truyền thông, những người nghe truyền thanh hay xem truyền hình nên biết rằng, theo những hoàn cảnh bình thường, họ không chu toàn luật buộc tham dự Thánh lễ. Những hình ảnh sống động có thể cho thấy đúng sự kiện, nhưng không thật sự tái diễn sự kiện ấy. Trong khi việc những người cao tuổi và bệnh nhân tham dự Thánh lễ qua truyền thanh và truyền hình là một điều rất đáng khen, không thể nói như vậy đối với những người nghĩ rằng các phương tiện truyền thông miễn cho họ khỏi đến nhà thờ và thông phần với cộng đoàn Thánh Thể giữa lòng Hội Thánh sống động” (Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 57). Trả lời cho một câu hỏi tương tự như vấn nạn trên, cha Edward MacNamara cho rằng: “Trong tình trạng cách ly như hiện nay,  tham dự Thánh lễ trực tuyến là rất tốt […]. Đó là một thời khắc cùng với vị chủ tế cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, và thực hiện một hành động dâng hiến thiêng liêng và rước lễ thiêng liêng với hy tế Thánh Thể. Tuy nhiên, như thế không phải là tham gia Thánh lễ thật sự, vốn đòi buộc phải có sự hiện diện hữu thể, và như vậy, không phải là thực hành phụng vụ đúng đắn khi cho rước lễ trong một Thánh lễ trực tuyến” (Edward MacNamara, “Distribution of Communion During a TV Mass”, từ Zenit.org [07/04/2020]).       
   
[2] Tham dự Thánh lễ trực tuyến là một thực hành đạo đức chứ không phải là cử hành phụng vụ. Một việc đạo đức thì không bao giờ gắn với hiệp thông Thánh Thể cách Bí tích. Trong khi đó, Giáo hội cho phép và khuyến khích các tín hữu rước Chúa Kitô “hiện diện cách đích thực, chân thực, và theo bản thể trong Bí tích Thánh Thể” khi tham dự thực sự vào cử hành phụng vụ Thánh lễ như một sự tham dự Thánh lễ cách toàn hảo hơn vào Hy tế Thánh Thể để họ có thể tiếp nhận một cách dồi dào hơn hoa trái của Hy lễ Cực Thánh” (x. Mediator Dei, 118; Indulgentiarum Doctrina, 18-19; Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 55; GL 918; Qui chế tổng quát Sách Lễ Rôma, Lời mở đầu, số 13). Còn bên ngoài phụng vụ Thánh lễ, trong những hoàn cảnh đặc biệt, tín hữu có thể rước lễ Bí tích trong 2 trường hợp cử hành phụng vụ sau: [i] Cử hành phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ; và [ii] Nghi thức thăm viếng và đưa Mình Thánh bệnh nhân (x. GL 918; Nghi thức Hiệp lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, 16-50; Nghi thức Xức dầu Bệnh nhân và việc Săn sóc họ theo Mục vụ, 46-47).

Như vậy, thánh Tôma Aquinô giải thích (St. Thomas Aquinas, Summa theologica III, Q. 80, a.), nếu như trong Hội Thánh có hai cách rước lễ  là rước lễ thực thụ (in re) và rước lễ thiêng liêng [bằng lòng ước ao] (in voto), thì ứng với việc tham dự vào Hy tế Thánh Thể, tín hữu sẽ lãnh nhận Mình [và Máu Thánh] trong chính Thánh lễ họ tham dự nhằm làm nổi bật sự liên kết giữa việc rước lễ với Hy lễ; còn ứng với việc tham dự Thánh lễ trực tuyến, tức thông hiệp Thánh lễ cách thiêng liêng, thì tín hữu chỉ rước lễ thiêng liêng mà thôi, cho dù trong nhà nguyện có lưu giữ Mình Thánh. Do đó, như cha Edward McNamara đã giải thích, rước lễ trong một Thánh lễ trực tuyến không phải là thực hành phụng vụ đúng đắn.

Nếu muốn rước lễ Bí tích thì có thể thực hiện ngay sau khi Thánh lễ [trực tuyến] kết thúc, hoặc vào một thời điểm thích hợp khác, và luôn tuân theo các nghi lễ đã được Giáo hội phê chuẩn liên quan đến thực hành cho rước lễ ngoài Thánh lễ. Giáo hội có hai hình thức tương tự nhưng khác nhau của nghi lễ này: “Nghi lễ cho bệnh nhân rước lễ”, và “Nghi lễ cho rước lễ ngoài Thánh lễ với việc cử hành Lời Chúa”. Trong bối cảnh của một cộng đoàn tu sĩ có Mình Thánh được lưu giữ trong nhà nguyện, nghi lễ thứ hai phải được sử dụng (x. Edward MacNamara).

3. Thừa tác viên có có thể đến từng nhà để cho các tín hữu rước Mình Thánh không?

Việc thừa tác viên của Hội Thánh đến từng nhà để cho rước lễ thuộc về thực hành trao Mình Thánh ngoài Thánh lễ. Thực hành này được quy định như sau:   

[1] Bộ Giáo Luật (1983):

“Hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ trong chính Thánh Lễ. Tuy nhiên, nếu có người xin với lý do chính đáng, thì có thể cho rước lễ ngoài Thánh Lễ, miễn là giữ các nghi thức phụng vụ”. ( Số 918); “(1) Các Kitô hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ dưỡng bằng việc rước lễ như của ăn đàng; (2) Cho dù ngày ấy họ đã rước lễ rồi, cũng rất nên cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng sống của họ bị lâm nguy; (3) Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, nên cho họ rước lễ nhiều lần, vào những ngày khác nhau” (Số 921); “Không được khoan giãn việc đem của ăn đàng cho bệnh nhân. Các chủ chăn phải cẩn thận canh chừng để các bệnh nhân được bổ dưỡng khi còn tỉnh trí” (Số 922).

[2] Huấn Thị Rước Lễ và Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ (1973):

Các tín hữu được rước lễ trong Thánh Lễ đang được cử hành, “tuy nhiên, các linh mục không được từ chối cho một tín hữu rước lễ, khi người này vì một lý do hợp pháp xin được rước lễ ngoài Thánh lễ” (số 14); “Có thể cho rước lễ vào bất cứ giờ hay ngày nào. […] Tuy nhiên: a) vào thứ Năm thánh, chỉ có thể cho rước lễ trong Thánh lễ; có thể cho người bệnh rước lễ vào bất cứ giờ nào trong ngày này; b) vào thứ Sáu thánh, chỉ có thể cho rước lễ trong cử hành tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, có thể cho người bệnh mà không thể tham dự vào cử hành phụng vụ được rước lễ vào bất cứ giờ nào trong ngày này; c) vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh chỉ đưa Của Ăn đàng cho người hấp hối” (số 16).

[3] Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân và việc Săn Sóc Họ theo Mục Vụ (1972):

“Các vị coi sóc linh hồn phải lo sao cho những người đau yếu và những người già lão, mặc dầu không đau yếu nặng và không đến nỗi nguy tử, được năng rước lễ, hơn nữa được rước lễ hàng ngày khi có thể được, nhất là trong mùa Phục sinh; việc trao Mình Thánh Chúa có thể thực hiện vào bất cứ lúc nào. […] Những người giúp đỡ bệnh nhân và người già cả cũng có thể rước lễ cùng với người mà họ chăm sóc trong cùng một nghi lễ phụng vụ.” (số 46)
Từ những tài liệu đã được trích dẫn, chúng ta nhận ra rằng, theo ý muốn của Hội Thánh, việc trao Mình Thánh Chúa bên ngoài Thánh lễ đòi hỏi phải có lý do chính đáng/ lý do hợp pháp và đòi hỏi này phải được tuân giữ một cách nghiêm ngặt. Lý do chính đáng để cho/ được rước lễ bên ngoài Thánh lễ, các chuyên viên Giáo Luật giải thích: đó là những người không thể tham dự cử hành Thánh Thể do đau bệnh, già yếu hoặc do không có linh mục cử hành Hy lễ Tạ ơn (x. John B. Beal, et al.(eds.), New Commentary on the Code of Canon Law (2000), 1112-13).

Như thế, đối với những người đau bệnh, già yếu, hay đang trong cơn nguy tử, thừa tác viên của Hội Thánh  đến từng nhà/ bệnh viện để cho họ rước lễ ngoài Thánh lễ là thực hành bình thường. Nhưng đối với những người mạnh khỏe, Hội Thánh khuyên bảo một cách mạnh mẽ (maxime commendatur) rằng các tín hữu hãy rước lễ trong chính Thánh lễ. Họ chỉ có thể rước lễ ngoài Thánh lễ trong hai trường hợp: [i] khi làm công việc chăm sóc bệnh nhân/ người già yếu và tham dự vào nghi thức trao Mình Thánh Chúa cho những người này; [ii] khi không có linh mục đến dâng lễ, chẳng hạn tại những vùng xa xôi hẻo lánh và đặc biệt vào ngày Chúa nhật, họ quy tụ thành cộng đoàn phụng vụ tại một nơi xứng hợp (nhà thờ/ nhà nguyện) để cùng nhau “Cử hành phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ” dưới sự chủ tọa của một thừa tác viên hợp pháp do thánh chức hay do được Bản quyền cho phép.

Vì thế, hoàn cảnh đại dịch (Covid-19) hiện nay không phù hợp cho việc đi đến từng nhà để cho các tín hữu rước Mình Thánh Chúa. Cụ thể, trong hoàn cảnh này:

1/ Về kỷ luật Hội Thánh: Việc các linh mục hoặc thừa tác viên rước Mình Thánh Chúa đi từ nhà này sang nhà khác để trao cho tất cả các tín hữu (cả người đau bệnh và già yếu lẫn những người khỏe mạnh nhưng ngăn trở vì cấm cách do nguy cơ lây nhiễm) không  phù hợp “ngôn ngữ phụng vụ” đối với nhu cầu mục vụ bệnh nhân, không xứng hợp với hoàn cảnh đòi buộc để “Cử hành phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ”, cũng không đáp ứng lý do chính đáng vì thiếu linh mục cử hành Hy lễ Tạ ơn. Thực hành này có vẻ mang lại tiện ích cho nhu cầu tạm thời nhưng có nguy cơ đánh mất tính thánh thiêng nền tảng của cử hành bí tích. 

​2/ Về yếu tố xã hội: Việc các linh mục hoặc thừa tác viên đi đến từng nhà và đi nhiều nhà có thể cản trở qui định cách ly xã hội để phòng tránh lây nhiễm cộng đồng. Thực hành này có vẻ đáp ứng giãn cách xã hội khi không tập trung đông người nhưng có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, gây hoang mang đối với những cộng đồng dân cư chung quanh.    

3/ Về nguyên tắc luân lý: Việc các linh mục hoặc thừa tác viên đi đến từng nhà và đi nhiều nhà trong giai đoạn tạm dừng các cử hành cộng đồng/ tập trung tại giáo xứ vì nguy cơ lây nhiễm không đáp ứng nguyên tắc “ad impossibilia nemo tenetur” (nghĩa là không ai bị bó buộc làm điều bất khả). Sáng kiến tổ chức cho các tín hữu rước Mình Thánh Chúa tại nhà có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm cho chính thừa tác viên. Hơn nữa, xét về đức ái, thực hành này có thể không phải là chọn lựa tốt hơn so với việc khích lệ các tín hữu tham dự Thánh lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng vì chúng ta biết rằng tín hữu nào đã chuẩn bị tâm tình xứng đáng, thì tuy không lãnh Bí tích thực sự (in re) họ vẫn nhận được những công hiệu của Bí tích đó do lòng ước ao muốn lãnh nhận (in voto). Khao khát Chúa Kitô cũng chính là hiệp thông với Ngài. 

TM. Ủy ban Phụng tự
Linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS