label

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

CÁO PHÓ: Ông Cố Đaminh Trần Văn Tiên (Thân phụ Đức cha Trần Văn Toản Giám mục Giáo phận Long Xuyên)

 

CÁO PHÓ: Ông Cố Đaminh Trần Văn Tiên







CÁO PHÓ

 

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2)

 

 

Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh,

Tòa Giám mục Long Xuyên kính báo:

 

ÔNG CỐ ĐAMINH TRẦN VĂN TIÊN

 

Thân phụ Đức Cha Giuse Trần Văn Toản

 Giám mục giáo phận Long Xuyên

 

Đã hoàn tất cuộc đời dương thế ngày 27/04/2023

Hưởng thọ 98 tuổi

 

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

- 20g00’ Thứ Sáu ngày 28/04:

Thánh lễ Cầu nguyện tại Gx. Thạch Đà, Xóm Mới, Sài Gòn

 

- 8g00’ Thứ Bảy ngày 29/04:

Thánh lễ Cầu nguyện tại Gx. Thạnh An, GP. Long Xuyên

 

- 11g00’ Thứ Bảy ngày 29/04:

Thánh lễ An táng tại nhà thờ Gx. Hợp Tiến, ấp B2. GP.Long Xuyên

 

XIN HIỆP Ý CẦU NGUYỆN

CHO ÔNG CỐ ĐAMINH ĐƯỢC CHÚA ÂN THƯỞNG NƯỚC TRỜI

 

TGM LONG XUYÊN KÍNH BÁO


Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

ĐTC Phanxicô: Các thừa tác vụ của giáo dân là phục vụ chứ không để kiêu ngạo tự mãn

 

ĐTC Phanxicô: Các thừa tác vụ của giáo dân là phục vụ chứ không để kiêu ngạo tự mãn







Sáng 22/4/2023, gặp gỡ các tham dự viên phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, với chuyên đề về “Giáo dân và thừa tác vụ trong Giáo hội hiệp hành”, Đức Phanxicô nhắc rằng nhiều thừa tác vụ, việc phục vụ, nhiệm vụ và chức vụ mà giáo dân có thể đảm nhận trong Giáo hội không bao giờ được trở nên “tự quy chiếu”, nhưng luôn là “những hình thức phục vụ tha nhân” nhằm “biến đổi xã hội”.

 

 

Phục vụ tha nhân và Chúa Kitô nơi họ

Ngỏ lời với các tham dự viên, Đức Thánh Cha trích dẫn nhiều lần tông huấn Evangelii gaudium, và nói rằng “ý muốn phục vụ tha nhân và Chúa Kitô nơi họ” là “động lực thực sự thúc đẩy mọi tín hữu khi đảm nhận bất kỳ nhiệm vụ nào của Giáo hội, bất kỳ sự dấn thân nào để làm chứng tá Kitô giáo trong thực tế mà họ sống.”

 

Thừa tác vụ không giới hạn của Giáo hội

Đề cập đến chủ đề của phiên họp khoáng đại, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng khi nói đến các thừa tác vụ, chúng ta nghĩ ngay đến các thừa tác vụ “đã được thiết lập” như đọc sách, giúp lễ, giáo lý viên. Nhưng những thừa tác vụ này, ngài nhấn mạnh, “không hoàn toàn thi hành hết thừa tác vụ của Giáo hội, một thừa tác vụ rộng lớn hơn và liên quan đến tất cả các tín hữu kể từ các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên”.

 

Đặc điểm chung của các thừa tác vụ là “sứ vụ và phục vụ”

Đức Thánh Cha nhắc rằng thừa tác vụ giáo dân bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội và các ơn Chúa Thánh Thần. Chức tư tế chung của mọi người đã được rửa tội được thể hiện trong các thừa tác vụ. Từ các đặc sủng của Chúa Thánh Thần, “thừa tác vụ của Giáo hội không thể chỉ giới hạn trong các thừa tác vụ đã được thiết lập mà thôi”. Ngay cả ngày nay, cũng như trong các cộng đồng nguyên thủy, “trước những nhu cầu mục vụ cụ thể, mà không cần đến việc ban các thừa tác vụ, các mục tử có thể ủy thác cho giáo dân một số chức năng thay thế nhất định, nghĩa là các việc phục vụ có thời hạn”, ví dụ như cho “việc công bố lời Chúa” hay “việc trao Mình Thánh Chúa”. Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các thừa tác vụ như bác ái đối với người nghèo và người di dân, gần gũi với các gia đình.

 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng các thừa tác vụ này có điểm chung là “sứ vụ và phục vụ”, là sự thể hiện sứ vụ duy nhất của Giáo hội và tất cả đều là những hình thức phục vụ tha nhân. (CSR_1600_2023)

 

Hồng Thủy - Vatican News

THÁNH LỄ TẠ ƠN VÀ NHẬN SỨ VỤ GIÁM MỤC CHÍNH TÒA CỦA ĐỨC CHA LOUIS NGUYỄN ANH TUẤN

 THÁNH LỄ TẠ ƠN VÀ NHẬN SỨ VỤ GIÁM MỤC CHÍNH TÒA

CỦA ĐỨC CHA LOUIS NGUYỄN ANH TUẤN

Ban Truyền thông Giáo phận Hà Tĩnh 

WGPHT (21.04.2023) - Vào lúc 8h00′, sáng thứ Bảy ngày 22/4/2023, Thánh lễ tạ ơn và nhận sứ vụ Giám mục Chính tòa của Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn đã diễn ra long trọng, trang nghiêm và sốt sắng tại Nhà thờ Chính tòa Văn Hạnh, xã Thạch Trung, Tp. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.


Video Thánh lễ nhận sứ vụ Giám mục Chính tòa Hà Tĩnh của Đức cha Louis

Niềm vui và lời tạ ơn trong thánh lễ hôm nay được nhân lên gấp bội đối với Giáo phận Hà Tĩnh khi có sự hiện diện và hiệp thông đầy tôn quý của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô tại Việt Nam; Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Nguyên Tổng Giám mục Hà Nội; Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Sài Gòn; Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Hà Hội; Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giáo phận Huế; quý Đức cha; Đức ông; quý Viện phụ; quý cha Tổng Đai diện; quý bề trên các hội dòng; quý cha Giám đốc Chủng Viện; quý cha trong và ngoài Giáo phận; quý thầy phó tế; quý chủng sinh; tu sĩ; quý đại diện chính quyền các cấp; quý ân nhân; quý khách và mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Hà Tĩnh.


Video Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng: Chúng ta cần có mục tử đề làm gì?

Thánh lễ hôm nay, nói lên sự quan phòng kỳ diệu và yêu thương của Thiên Chúa. Đồng thời nói lên trái tim hiền phụ của Đức Thánh Cha đối với đoàn chiên Giáo phận Hà Tĩnh. Chúa không muốn đoàn chiên Giáo Phận Hà Tĩnh rời vào tình cảnh đoàn chiên không người chăn dắt nên đã gửi đến cho Giáo phận một vị mục tử nhân lành để chăm sóc và hướng dẫn con cái Ngài trong hành trình đức tin.


Video Giáo phận Hà Tĩnh - Hành trình ân phúc

Thánh lễ hôm nay cũng là khúc trường ca gói trọn niềm tri ân, cảm tạ tình thương Chúa, tri ân Đức cha Louis đã không quản ngại sứ vụ mục tử nặng nề để đón nhận sứ mạng Giám mục Chính tòa giáo Phận Hà Tĩnh.

Ngày lễ hôm nay cũng là chuỗi hồng ân Đức cha Louis dâng lời tạ ơn Chúa vì ngài được Chúa đưa về lại cố hương thân thương để làm Giám Mục Chính tòa.


Video Tiểu sử Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn - Giám mục Chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh

Xin Chúa luôn đồng hành và ban cho Đức cha nhiều ơn thánh để Đức cha chèo lái con thuyền Giáo phận vượt trùng khơi trong giai đoạn lịch sử nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức này. Xin Chúa cũng ban ơn gìn giữ Giáo phận Hà Tĩnh luôn được bình an và hiệp nhất, biết yêu mến, kính trọng và vâng phục các đấng chủ chăn.

Thánh lễ kép lại trong niềm vui mừng khôn tả của đối với Giáo Phận Hà Tĩnh. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – Quan thầy Giáo phận, nguyện xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành trên Đức Cha Louis và mọi thành phần Dân Chúa Giáo Phận Hà Tĩnh luôn bước đi trong hiệp nhất và bình an.

Nguồn: giaophanhatinh.org

(Cập nhật lúc 22h00, ngày 22.04.2023)

Giáo hội Hungary trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

 

Giáo hội Hungary trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha



Thứ Sáu tới đây, ngày 28/4/2023, Đức Thánh Cha sẽ lên đường bắt đầu 3 ngày viếng thăm Hungary. Lịch sử Giáo hội ở Hungary gắn chặt với lịch sử của Nhà nước Hungary được thành lập bởi Thánh vương Stephano I của Hungary (969 - 1038), một nhà truyền giáo và bổn mạng của Hungary, với tước hiệu “Vua Tông đồ”. Là một Giáo hội năng động trong nhiều lĩnh vực và sống động với các phong trào giáo dân, nhưng Giáo hội Hungary cũng đối diện với nhiều thách đố, đặc biệt là vấn đề tục hoá.

Hồng Thủy - Vatican News

Khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Hungary sắp tới là “Chúa Kitô là tương lai của chúng ta”.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha đến Hungary. Vào tháng 9/2021, ngài đã đến thủ đô Budapest của Hungary để chủ sự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52. Nhưng cuộc viếng thăm đó không được xem là một cuộc viếng thăm chính thức khi ngài chỉ dừng lại Hungary chưa tròn 8 tiếng đồng hồ. Thực tế, đây chỉ là một chặng dừng chân trước khi viếng thăm Slovakia 3 ngày. Do đó, chuyến viếng thăm Hungary lần này rất được người dân Hungary mong chờ và chính Đức Thánh Cha cũng chờ đợi để gặp mọi thành phần của Giáo hội và xã hội Hungary.

Trong số 9 triệu 731 ngàn dân của Hungary, có gần 6 triệu tín hữu Công giáo, chiếm 61,2% dân số, trong khi tín hữu Tin Lành chiếm 15% và 18% là những người vô thần. Nhóm sắc tộc chính tại Hungary là Hungary, kế đến là người Rom và người Đức.

Giáo hội Hungary được thành lập từ thế kỷ XI

Lịch sử Giáo hội ở Hungary gắn chặt với lịch sử của Nhà nước Hungary được Thánh vương Stephano I của Hungary (969 - 1038), một nhà truyền giáo và bổn mạng của Hungary, với tước hiệu “Vua Tông đồ” thành lập. Được thánh hiến ngày 25/12/1000, Vua Stephano không chỉ tổ chức đời sống chính trị của dân tộc khi hợp nhất 39 quận thành một vương quốc duy nhất, nhưng cả đời sống tôn giáo khi đặt nền móng cho nền văn hoá Kitô giáo vững chắc của quốc gia. Dưới triều đại của ngài, nhiều nhà thờ và đan viện đã được xây cất, trong đó có đan viện thánh Martino nổi tiếng của dòng Biển Đức ở Pannonhalma và 10 giáo phận được thành lập, trong đó có giáo phận Esztergom, trụ sở của Tổng Giám mục và Giáo chủ Hungary.

Khi Vua Stephano qua đời, Hungary đứng giữa cuộc chiến giữa Đế chế Roma và Giáo hoàng về việc bổ nhiệm các chức sắc cao cấp của Giáo hội và cả chính Đức Giáo hoàng. Hungary đã đứng về phía Đức Giáo hoàng. Vào thời gian này, Nhà nước và Giáo hội được hợp nhất và dưới triều Vua Thánh Louis Cả, vào thế kỷ XIV, Hungary có thêm các giáo phận mới như Nagyvárad, Nitra (ngày nay thuộc Slovakia), Csanád e Nagyszeben (ngày nay là Sibiu, ở Rumani).

Trong thời kỳ Cải cách Tin lành, phần lớn người Hungary đã từ bỏ Công giáo, nhưng nhiều người cũng đã quay trở lại sau khi Hungary bị sáp nhập vào Đế quốc Áo, vào thế kỷ 17, nhờ hoạt động của các nhà truyền giáo tại các vùng lãnh thổ mà Áo chiếm được. Nhân vật chính của cuộc Cải cách Công giáo trong nước là Đức Hồng y Péter Pázmány (1570-1637), Dòng Tên, Tổng Giám mục của Esztergom và người sáng lập Đại học Nagyszombat, đại học Công giáo Hungary đầu tiên, ngày nay là Trnava ở Slovakia. Vào thế kỷ XVIII, Nữ hoàng Maria Theresa và con trai, Joseph II của Áo đã trục xuất nhiều dòng tu khỏi lãnh thổ của Đế quốc Áo, bao gồm cả Hungary.

Ngày nay Giáo hội Hungary có 17 giáo phận và thực thể tương đương, với 2.048 giáo xứ và 168 trung tâm mục vụ, do 37 giám mục và 1.967 linh mục coi sóc, trong đó có 1.644 linh mục triều và 323 linh mục dòng. Giáo hội cũng có 287 đại chủng sinh, 62 tu huynh, 579 nữ tu và 97 thành viên tu hội đời, 2.302 giáo lý viên. Giáo hội quản lý và điều hành 565 cơ sở giáo dục với 156.194 học sinh và 228 cơ sở bác ái và xã hội.

Quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Hungary

Hai năm sau khi Đế quốc Áo-Hung tan rã, vào năm 1920, Toà Thánh và Hungary độc lập đã thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ này kéo dài cho đến cuộc chiếm đóng của Xô Viết vào năm 1945. Giữa hai quốc gia không ký hiệp định nào nhưng chỉ có một Cam kết vào năm 1927 để hướng dẫn các tiến trình bổ nhiệm giám mục và giáo hạt quân đội.

Thời cộng sản

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Hungary bị Xô Viết chiếm đóng và biến cố này cũng đánh dấu sự khởi đầu của cuộc bách hại chống Giáo hội. Nhiều lãnh đạo Công giáo đã bị cầm tù hoặc bị giết (một số vị đã được tuyên phong chân phước sau năm 1989). Giáo hội bị tước đoạt tài sản, trường học bị quốc hữu hóa (1948), các dòng tu bị giải thể (1950) và vào năm 1957, một điều khoản khiến Tòa thánh không thể bổ nhiệm người điều hành các giáo phận. Biện pháp này sau đó bị bãi bỏ bởi thỏa thuận ký ngày 15/9/1964 tại Budapest. Thoả thuận mới nhìn nhận quyền của Toà Thánh trong việc bổ nhiệm các giám mục nhưng dành cho chính phủ quyền từ chối.

Đức Hồng Y József Mindszenty

Một nhân vật hàng đầu trong cuộc kháng chiến chống chế độ cộng sản là Đức Hồng Y József Mindszenty (1892-1975). Ngài là Tổng Giám mục của Esztergom và Giáo chủ của Hungary từ năm 1945, được Đức Piô XII phong làm Hồng y vào năm 1946. Năm 1948, ngài đã bị bắt, bị tra tấn và bị kết án, sau một phiên tòa mang tính trình diễn, vì “phản quốc, gián điệp và buôn bán tiền tệ”. Được giải thoát trong cuộc nổi dậy năm 1956, sau tám năm tù, ngài được tị nạn chính trị tại đại sứ quán Mỹ ở Budapest và trong nhiều năm, đã từ chối lời mời tìm nơi trú ẩn ở Vatican. Ngài chỉ đến Vatican vào năm 1971 nhưng sau đó định cư ở thủ đô Vienna của Áo và qua đời ở đó vào năm 1975. Năm 1991, hài cốt của ngài được chuyển từ Mariazell, nước Áo, về Esztergom, và được chôn cất trong hầm mộ của Vương cung thánh đường. Nhân dịp viếng mộ của ngài vào năm 1991, Đức Gioan Phaolô II đã định nghĩa đó là “một chứng tá về lòng trung thành với Chúa Kitô, với Giáo hội và về tình yêu đất nước”. Ngày 12/2/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận những nhân đức anh hùng của Đức Hồng Y Mindszenty và do đó đã tuyên bố ngài là Đấng Đáng kính.

Thời hậu cộng sản

Sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, Giáo hội có thể tái hoạt động hoàn toàn nhờ luật mới về tự do tôn giáo được đưa ra vào năm 1990. Ngày 9/2/1990, Chính phủ Hungary nối lại quan hệ ngoại giao với Toà Thánh. Trong những năm tiếp theo, hai bên đã ký hai thỏa thuận quan trọng khác: một về hỗ trợ tôn giáo cho lực lượng vũ trang và cảnh sát biên phòng, được ký năm 1994, và một về tài trợ cho các hoạt động dịch vụ công cộng và các hoạt động tôn giáo thuần túy được thực hiện bởi Giáo hội Công giáo và về một số vấn đề về tài sản. Vấn đề tài sản được sửa đổi vào năm 2013 để điều chỉnh cho phù hợp với Hiến pháp mới năm 2011. Năm 1991, Quốc hội của Budapest cũng đã bỏ phiếu về luật hoàn trả tài sản của Giáo hội đã bị tịch thu sau chiến tranh, và năm sau đó về đề xuất tài trợ của Nhà nước cho các Giáo hội.

Trong bối cảnh mới này, Thánh Gioan Phaolô II đã viếng thăm Hungary hai lần: từ ngày 16 đến 20/8/1991 và 6 đến 7/9/1996. Cũng chính thánh nhân đã cử hành lễ tuyên phong chân phước đầu tiên cho một người Hungary sau khi cộng sản sụp đổ, đó là Đức cha Vilmos Apor, một Giám mục đã bị lính Xô Viết sát hại vào thứ Sáu Tuần Thánh năm 1945 (2/4). Các vị tử đạo khác dưới thời cộng sản được tuyên phong chân phước trong những năm sau đó.

Trong số các sự kiện nổi bật của Giáo hội Hungary trong thập niên đầu hậu cộng sản là việc cử hành Một Ngàn năm Hungary, trong năm 2000-2001, để kỷ niệm 1.000 năm Hungary được rửa tội bởi Thánh Stephano. Một sự kiện khác là Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Budapest ngày 12/9/2021 để kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52.

Những thách đố của Giáo hội Hungary 

Sự sụp đổ của chế độ cộng sản đánh dấu sự tái sinh của Giáo hội ở Hungary. Với khoảng 6 triệu tín hữu Công giáo, chiếm khoảng 61% dân số, Giáo hội Công giáo Hungary rất năng động trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về giáo dục. Trong những năm này, nhiều dòng tu đã trở lại Hungary: hiện tại có hơn 100 dòng. Một điểm tích cực khác của Giáo hội Hungary là sự sống động của các phong trào giáo dân.

Tiến trình tục hoá

Trong số những thách đố chính mà các Giám mục Hungary lưu ý đó là tiến trình tục hoá đang diễn ra tại nước này. Trong dịp các Giám mục Hungary về Vatican vào năm 2008, Đức Biển Đức XVI đã lưu ý về điều này. Thực tế đầu tiên bị ảnh hưởng là gia đình. Đức Thánh Cha đã khẳng định, “ngay cả ở Hungary cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”. Điều này thể hiện qua việc suy giảm các cuộc hôn nhân, nhưng lại gia tăng các vụ ly hôn, việc sinh sản giảm sút và việc thực hành phá thai phổ biến (được hợp pháp từ năm 1956).

Gia đình

Và chính xác việc bảo vệ gia đình là một trong những trọng tâm mục vụ chính của Giáo hội Hungary. Giáo hội đã tranh đấu mạnh mẽ để chống lại tất cả các sáng kiến ​​​​nhằm sửa đổi tình trạng pháp lý của hôn nhân tại Hungary, ví dụ như luật năm 2009 công nhận các kết hợp đồng tính.

Bảo vệ căn tính và gốc rễ Kitô

Các giám mục cũng đã nhiều lần lên tiếng, qua các tuyên bố và tài liệu mục vụ, về việc bảo vệ cội nguồn Kitô giáo của châu Âu và căn tính Công giáo của Hungary đang bị đe dọa bởi “chủ nghĩa tân ngoại giáo”, chủ nghĩa khoái lạc và “những ý tưởng tự do cấp tiến” đang tìm cách áp đặt “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” trên đất nước, như các ngài đã nêu lên trong một lá thư mục vụ vào năm 2009.

Năm 2011, chính phủ đã thông qua Hiến pháp mới có Lời tựa công nhận rõ ràng vị trí ưu việt của Kitô giáo trong lịch sử của đất nước, và xác định Kitô giáo là một “yếu tố cấu thành và thống nhất của quốc gia Hungary”. Sau đó Luật Cơ bản cam kết rằng Nhà nước bảo vệ theo hiến pháp sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên (mặc dù việc phá thai vẫn được hợp pháp). Chính phủ cũng đưa ra luật giáo dục mới, có hiệu lực vào năm 2013, đưa các giờ học tôn giáo tùy chọn vào trong các trường công lập.

Hoạt động bác ái xã hội của Giáo hội Hungary

Hungary cũng quảng đại hoạt động trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông. Nhiều sáng kiến ​​được đưa ra để hỗ trợ cộng đồng Kitô hữu nạn nhân của cuộc xung đột Syria. Bên cạnh đó còn có sự trợ giúp cho những người tị nạn trong các trại tị nạn của khu vực, không phân biệt tín ngưỡng. Giáo hội quảng đại chào đón hàng ngàn người tị nạn Ucraina sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/2/2022.

Các vấn đề khác ở trung tâm mối quan tâm mục vụ của Giáo hội Hungary là sự nghèo đói và loại trừ xã ​​hội. Đặc biệt, cần lưu ý trong bối cảnh này là sự dấn thân quan trọng của Giáo hội vì người Rom, những người chiếm gần 10% dân số Hungary. Trong nhiều năm, Giáo hội địa phương đã đi đầu trong việc hội nhập họ vào cơ cấu xã hội và đưa họ đến với nền giáo dục. Hơn nữa, Giáo hội đã thực hiện bản dịch đầu tiên gồm Kinh Thánh và nghi thức Thánh lễ sang tiếng Lovari, ngôn ngữ được người Rom sử dụng rộng rãi.

ĐTC chủ sự khoá họp đầu tiên của tân Hội đồng Hồng y cố vấn

 

ĐTC chủ sự khoá họp đầu tiên của tân Hội đồng Hồng y cố vấn



Thứ Hai 24/4/2023, Đức Thánh Cha đã chủ sự khoá họp đầu tiên của tân Hội đồng Hồng y cố vấn sau khi ngài đổi mới cơ chế của Hội đồng này vào ngày 7/3/2023. Hội đồng Hồng y cố vấn gồm 9 Hồng y, nên được gọi tắt là C9.

Vatican News

Hội đồng Hồng y cố vấn đã được Đức Thánh Cha thành lập ngày 28/9/2013, gồm 9 Hồng y, để trợ giúp ngài trong việc điều hành Giáo hội Hoàn vũ và cải cách Giáo triều Rôma. Công việc cải cách Giáo triều Roma được thực hiện qua Tông hiến mới Praedicate Evangelium, được Đức Thánh Cha công bố vào ngày 19/3 vừa qua.

Khoá họp đầu tiên của Hội đồng C9 trước đây diễn ra vào ngày 1/10/2013 và khoá họp sau cùng vào tháng 12/2013, trong đó đặc biệt thảo luận về giai đoạn châu lục của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành.

Các thành viên

Các thành viên của tân Hội đồng Hồng y cố vấn gồm các Hồng y: Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh; Fernando Vergez Alzaga, Chủ tịch Phủ Thống đốc Thành Vatican; Fridolin Ambongo Angry, Tổng Giám mục Kinshasa; Oswald Gracias, Tổng giám mục Bombay; Sean Patrick O'Malley, Tổng Giám mục Boston; John Joseph Omella Omella, Tổng giám mục Barcelona; Gerald Lacroix, Tổng Giám mục Québec; Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg; Sergio da Rocha, Tổng Giám mục San Salvador de Bahia. Thư ký của Hội đồng là Đức Tổng Giám mục Marco Mellino, Giám mục hiệu tòa của Cresima.

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

VÀI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ LỄ AN TÁNG CỦA ÔNG CỐ HỒ VĂN TRIẾU THÂN PHỤ CỦA THẦY HỒ NGUYỄN THÁI

 

VÀI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ LỄ AN TÁNG CỦA ÔNG CỐ HỒ VĂN TRIẾU

THÂN PHỤ CỦA THẦY HỒ NGUYỄN THÁI

          Sáng nay đi dự thánh lễ an táng của ông cố Hồ Văn Triếu tôi thấy có một nét đẹp và cũng trùng hợp với bài giảng của cha giảng lễ. Nét đẹp của cha giảng có vẻ siêu nhiên hơn: là cuộc sống, là hoàn thành sứ vụ, là sống lại với Chúa Phục sinh. Nét đẹp của tôi có vẻ trần thế hơn là có nhiều cha đồng tế, có nhiều tu sĩ nam nữ, có nhiều giáo dân ở các nơi đến dự nhưng tại giáo xứ thì rất khiêm tốn. Dù là nét đẹp trần đời nhưng không phải gia đình nào cũng có được và lại rất hiếm họi ở giáo xứ Cần Xây. Nét đẹp này hiện diện, vì gia đình ông cố có anh làm linh mục và có con là thầy trong dòng OFM. Hơn nữa sự giao tiếp của các thành viên trong gia đình với cộng đồng rất rộng.

          Từ khi tôi về Cần Xây cho đến nay chỉ có 4 ông bà cố và hình như tập trung vào những gia đình có truyền thống ơn gọi. Phải chăng Cần Xây quá thiếu ơn gọi, truyền thống các gia đình lại ít gieo mầm ơn gọi. Lẽ ra giáo xứ Cần Xây phải là nơi sản sinh ơn gọi, vì nơi đây có các cha nhà Hưu dưỡng, có 3 nhà dòng, lại rất gần với Tòa Giám mục. Những nơi này là điểm sáng kích thích ơn gọi, nhưng có lẽ cuộc sống mạnh nhà ai nhà ấy sống, thiếu tính cộng đồng, chẳng cần quan tâm ai đã làm lu mờ nét đẹp. Cũng từ tình trạng này, mà trong các tang lễ việc viếng thăm, đọc kinh, thánh lễ an táng cũng chỉ có một nhóm người  thường xuyên đi đọc kinh, đi lễ, đi thăm hỏi còn đại đa số giáo dân ít khi thấy tham gia.

          Hãy khơi lại nét đẹp này để cộng đồng tính ở giáo xứ Cần Xây được phát huy. Hãy gieo mầm ơn gọi để giáo xứ Cần Xây có nhiều Linh mục, Tu sĩ đóng góp cho Giáo Hội. Hãy bước ra khỏi nhà của mỗi gia đình để đến thăm hỏi những bệnh nhân, tang quyến, tham dự thánh lễ tiễn đưa của các gia đình khác.

          Hãy làm ngay để các gia đình có sự sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với nhau ở từng khu xóm và cả trong giáo xứ. Cầu chúc cộng đồng tính được triển nở trong giáo xứ Cần Xây này.

Thiên Sinh






Hàng vạn con tim Giáo phận Vinh hân hoan chào đón Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam khóa I năm 2023

 

Hàng vạn con tim Giáo phận Vinh hân hoan chào đón Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam khóa I năm 2023

  •  
  •  


HÀNG VẠN CON TIM GIÁO PHẬN VINH HÂN HOAN CHÀO ĐÓN HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM KHÓA I NĂM 2023

Nt. Maria Trần Thị Diệu Huyền
Hội dòng Mến Thánh Giá Vinh

WHĐ (16.04.2023) - Theo Biên bản Đại hội lần thứ XV, Hội nghị thường niên khóa I năm 2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ diễn ra tại Tòa Giám mục Xã Đoài, Giáo phận Vinh từ ngày 17 đến ngày 21.04.2023. Trong những ngày gần đây, công tác chuẩn bị của mọi thành phần trong Giáo phận Vinh đang diễn ra cách nhộn nhịp, khẩn trương. Và cho đến lúc này, mọi thứ dường như đã sẵn sàng để chào đón quý Đức Cha và các phái đoàn của các Giáo phận. Cũng trong dịp này, Giáo phận sẽ vinh dự được đón tiếp sự hiện diện trân quý từ phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh đến gặp gỡ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Có thể nói rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, sau hơn 170 năm thành lập, Giáo phận Vinh được diễm phúc đón tiếp và đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên cho Hội đồng Giám Mục Việt Nam; vì thế, niềm hân hoan trào dâng được toát lên từ khung cảnh cho đến lòng người!

Khi nào cũng vậy, cái lần đầu tiên luôn mang đến cho con người cảm giác nôn nao chờ đợi và rồi, nó cũng sẽ khắc lại dấu ấn sâu sắc khi nó đi qua. Để có khởi động tươi mới này, Giáo phận Vinh đã kinh qua một chặng đường lịch sử dài với nhiều khó khăn, nhưng không bao giờ thiếu sự chuyển cầu của Đức Mẹ và sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dừng lại một thoáng, ngược dòng huyền sử về với “thượng nguồn lưu dấu những giọt ân sủng thuở hồng hoang của Giáo đoàn Vinh”.

Hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên phần đất giáo phận Vinh có thể là rất sớm. Chính xác là vào năm 1629, tức là 2 năm sau khi nhà truyền giáo vĩ đại Đức cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đặt chân lên Cửa Bạng - Thanh Hoá. Năm 1659, Toà Thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên ở Việt Nam: Giáo phận Đàng Trong và Giáo phận Đàng Ngoài. Phần đất giáo phận Vinh khi đó thuộc Giáo phận Đàng Ngoài. Hai mươi năm sau, tức năm 1679, Toà Thánh lại chia giáo phận Đàng Ngoài thành Giáo phận Đông Đàng Ngoài và Giáo phận Tây Đàng Ngoài, phần đất Nghệ-Tĩnh-Bình thuộc Giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Năm 1846, Giáo phận Vinh được thành lập, tách từ Giáo phận Tây Đàng Ngoài, gọi là Giáo phận Nam bên Bắc Kỳ về sau gọi là Giáo phận Vĩnh, rồi Giáo phận Vinh. Vào năm thành lập, Giáo phận có một giám mục, 35 linh mục Việt Nam, 4 thừa sai, 75 thầy giảng, 69 chủng sinh, 220 nữ tu, 18 giáo xứ và 66.350 giáo dân. Ngày 15.08.1892, Đức cha Louis Pineau Trị dâng hiến Giáo phận cho Đức Mẹ. Từ đó đến nay, Giáo phận luôn bước đi dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Hồn Xác Lên Trời.

Ngày 24.11.1960, Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam và nâng các giáo phận tông toà lên hàng chính toà. Giáo phận Vinh cũng được nâng lên vào ngày này và thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội.

Trong quá trình hình thành và phát triển, giáo đoàn Vinh luôn phải bước đi trong sóng gió bão bùng của những cơn bách hại dữ dội. Có lúc bị bình địa ở nhiều nơi, tưởng chừng như Hạt giống Tin Mừng mãi mãi bị chôn vùi, thế nhưng, sau cơn bão, bình minh lại rực sáng trên giáo phận. Để đến hôm nay, Giáo phận Vinh tự hào đứng vững trong lòng Giáo Hội và giữa xã hội, ngày càng thăng tiến về các chiều kích siêu nhiên cũng như tự nhiên. Nhìn từ lăng kính đức tin, tất cả là hồng ân nhiệm mầu của Thiên Chúa!

Dù là một Giáo phận lớn mạnh nhưng vì điều kiện cơ sở vật chất mà Giáo phận Vinh “chưa một lần” có cơ hội được đón tiếp và tổ chức kỳ họp thường niên cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kể từ ngày thành lập. Đây là nỗi ưu tư của các vị cha chung Giáo phận qua các thời kỳ cũng như niềm khao khát của đoàn con cái trong Giáo phận qua muôn thế hệ. Có lẽ, ai cũng thấu rõ, Giáo phận Vinh được sinh ra và lớn lên nơi đất mẹ Nghệ-Tĩnh-Bình, một eo đất hẹp nhất của đất nước, mảnh đất nghèo khó và khắc nghiệt nhất, mảnh đất nổi tiếng với thương hiệu “gió Lào cát trắng, đất khô cằn sỏi đá, đồng chua nước mặn, rốn bão tâm lũ”, đến nỗi có ai đó đã thốt lên:

“Ôi! Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng cả mặt người”

Và như cố linh mục thi sĩ Phanxicô Xaviê Võ Thanh Tâm, từng là Tổng Đại diện Giáo phận Vinh, đã cảm thán:

“Quê tôi gạt sỏi tìm cơm
Hết mưa thôi hạn lại cơn bão gần”

Có phải vì hoàn cảnh không ưu đãi mà có những ấp ủ, dự tính lớn của Giáo phận đã ngủ vùi trong một tiết đông dài đằng đẵng? Dù gì đi nữa, một trong những ước nguyện lớn nhất của Giáo phận nay đã đến lúc được thành toàn.


Ngôi nhà Trung Tâm Mục Vụ bề thế của Giáo phận nay đã được mọc lên sừng sững tại giáo đô Xã Đoài, trở thành địa điểm phục vụ cho mọi sinh hoạt lớn nhỏ trong Giáo phận và sẽ là nơi đón tiếp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Hội nghị thường niên kỳ I-năm 2023. Công trình lịch sử này là điểm hẹn đáp ứng các sinh hoạt chung như cử hành phụng vụ, tĩnh tâm, thường huấn, đào tạo không chỉ cho linh mục, tu sĩ, mà còn cả giáo dân, các Hội đồng Mục vụ và các hội đoàn.

Có thể nói đây là một “Ngôi nhà bằng gạch đá” được xây dựng nên bởi những “con người bằng da bằng thịt”. Ẩn bên trong những lớp gạch đá chất chồng lên nhau là sự đồng tâm chung sức của mọi thành phần Dân Chúa thuộc Giáo phận ở trong nước cũng như hải ngoại, từ quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Thầy Chủng Sinh, Quý Tu sĩ nam nữ, tổ thợ, quý ông già bà lão cho đến các trẻ thơ. Những góp nhặt nhỏ bé của mỗi người trong bậc sống của mình, có thể là từ lời kinh, tiếng hát, tâm sức, công sức hay là những đóng góp vật chất, đều góp phần tạo nên sự hiện hữu của Trung Tâm Mục Vụ. Như vậy, có thể ví von rằng Ngôi nhà Chung này là kết tinh của “trí lực, tâm lực, vật lực và thể lực” của gia đình Giáo phận!

Thật là một niềm hạnh phúc dạt dào và tròn đầy khi thấy Giáo phận đang từng ngày được đổi mới và lột xác. Trong không khí hân hoan chào đón quý Đức cha và các phái đoàn đến với Giáo phận Vinh, hàng vạn con tim trong Giáo phận đang kết nối trong tình hiệp thông hướng về Giáo đô Xã Đoài, nơi sẽ diễn ra biến cố lịch sử trọng đại này. Tới đây, Thánh lễ Tạ ơn và Khánh thành Trung tâm Mục vụ Giáo phận trong ngày Bế mạc (ngày 21/4/2023) Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam diễn ra tại Giáo phận Vinh hứa hẹn sẽ quy tụ mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận. Với biến cố trọng đại này, “Đường về Giáo đoàn Vinh” sẽ ngày càng rộng mở hơn trên mọi phi lộ, từ vô hình đến hữu hình.



Thư mời tham dự Thánh lễ Tạ ơn và Khánh thành Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vinh, Hình: gpvinh.com

Nhìn lại chặng đường lịch sử dài của Giáo phận được viết bởi “Thiên ân” và “thiện nhân”, đoàn con cái của Giáo phận Vinh qua muôn thế hệ sẽ cất cao “Khúc cảm tạ” bởi hồng ân Thiên Chúa quá dư tràn đã tuôn gội chứa chan trên mảnh đất khô hạn. Qua bao thế hệ, con cái Vinh luôn thâm tín rằng, ơn Trên đã được nhận lãnh là qua lời chuyển cầu và sự bảo trợ mạnh thế của Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời, quan thầy của Giáo phận. Vì thế, trước thềm sự kiện trọng đại này, giáo đoàn Vinh xin cất cao khúc hoan ca được muôn người mộ mến: “Tràn ngập niềm vui, đoàn con Mẹ dâng lời ca hát. Hợp cùng Thiên quốc, tung hô Mẹ - Mẹ Giáo phận Vinh. Mẹ hằng phù giúp cho Giáo phận qua cơn nguy biến. Ánh dương bình minh chiếu sáng khắp Giáo phận Vinh thanh bình”.

VIDEO GIỚI THIỆU VỀ TRUNG TÂM MỤC VỤ GIÁO PHẬN VINH

 VIDEO GIỚI THIỆU VỀ TRUNG TÂM MỤC VỤ GIÁO PHẬN VINH

Ban Truyền thông – Xã hội
Giáo phận Vinh

GPVO (15/04/2023) – Trung tâm Mục vụ Giáo phận – ngôi nhà chung của giáo đoàn Vinh – đã sẵn sàng cho lễ Tạ ơn Khánh thành vào ngày 21/4/2023.


Đây sẽ là nơi diễn ra các sự kiện lớn của Giáo phận như tĩnh tâm, thường huấn, hội thảo, huấn luyện dành cho linh mục, tu sỹ, giáo dân, các đoàn thể Công giáo, các sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật cấp Giáo phận.

Đây cũng là nơi đào tạo của Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan 23 và là nơi làm việc của các ban ngành của Giáo phận.

Xin tri ân lòng quảng đại và nhiệt tâm vì Nhà Chúa của bà con trong và ngoài Giáo phận, trong nước cũng như hải ngoại.

Giờ là lúc chúng ta có thể cùng nhau cất lên khúc ca tạ ơn:

“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

(Thánh vịnh 117,1)

“Ví như CHÚA chẳng xây nhà,
thợ nề vất vả cũng là uổng công”

(Thánh vịnh 127,1)

===> Hướng tới Thánh lễ Tạ ơn Khánh thành Trung tâm Mục vụ Giáo phận và Bế mạc hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam diễn ra tại Giáo phận Vinh từ ngày 17-21/4/2023.

Nguồn: gpvinh.com

ĐTC Phanxicô: Khi loan báo về Chúa thì sẽ gặp Người

 

ĐTC Phanxicô: Khi loan báo về Chúa thì sẽ gặp Người



Trưa thứ Hai Thiên Thần, thứ Hai trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Theo bài học của các phụ nữ loan báo về Chúa Phục Sinh, Đức Thánh Cha khẳng định: "Chúa Giêsu đến gặp chúng ta trong khi chúng ta loan báo về Người."

Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm nay làm cho chúng ta sống lại cuộc gặp gỡ của các phụ nữ với Chúa Giêsu Phục Sinh vào buổi sáng Phục Sinh. Như thế cũng nhắc chúng ta rằng chính họ, các nữ môn đệ, là những người đầu tiên nhìn thấy và gặp Người.

Chúng ta có thể hỏi: tại sao lại là họ? Vì một lý do rất đơn giản: vì họ là những người đầu tiên đến mộ. Giống như tất cả các môn đệ, họ cũng đau khổ vì câu chuyện của Chúa Giêsu dường như đã kết thúc; nhưng, không giống như những người khác, họ không ở nhà tê liệt vì buồn bã và sợ hãi: vào sáng sớm, lúc mặt trời mới ló rạng, họ mang theo dầu thơm để tôn kính xác Chúa Giêsu. Ngôi mộ đã được niêm phong và họ tự hỏi ai có thể dời tảng đá rất nặng đi (xem Mc 16:1-3). Tuy nhiên, ước muốn của họ muốn thực hiện cử chỉ yêu thương đó sẽ chiến thắng mọi thứ. Họ không nản lòng, họ thoát ra khỏi nỗi sợ hãi và nỗi thống khổ của họ. Đây là con đường đi tìm Đấng Phục Sinh: ra khỏi nỗi sợ của chúng ta, ra khỏi nỗi phiền muộn của chúng ta.

Chúng ta cùng dừng lại ở cảnh được mô tả trong Tin Mừng: các phụ nữ đến, nhìn thấy ngôi mộ trống và “vừa sợ vừa vui mừng”, bản văn nói như vậy – họ chạy đi “báo tin cho các môn đệ Người” (Mt 28:8). Giờ đây, ngay khi họ đi loan báo điều này, Chúa Giêsu đến gặp họ. Chúng ta hãy lưu ý rõ điều này: Chúa Giêsu gặp họ khi họ đi loan báo về Người. Điều này thật đẹp: khi chúng ta loan báo về Chúa thì Chúa đến gặp chúng ta. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cách để ở gần Chúa là giữ Người ở gần chúng ta; bởi vì, khi chúng ta nói và loan báo về Người, thì những lời phán xét và chỉ trích sẽ ập đến, và có thể chúng ta không biết cách trả lời một số câu hỏi hoặc sự khiêu khích nào đó, và vì vậy tốt hơn là không nói luôn và đóng mình lại. Không, đây không phải là điều tốt. Ngược lại, Chúa đến gặp chúng ta trong khi chúng ta loan báo về Người. Đây là điều mà các phụ nữ dạy chúng ta: Chúa Giêsu gặp chúng ta khi chúng ta làm chứng cho Người.

Hãy lấy một ví dụ. Đôi khi chúng ta nhận được những tin tuyệt vời, chẳng hạn như sự ra đời của một em bé. Vì vậy, một trong những điều đầu tiên chúng ta làm là chia sẻ tin vui này với bạn bè. Và, bằng cách kể lại nó, chúng ta cũng lặp lại với chính mình và cách nào đó cũng làm cho nó sống lại trong chúng ta. Nếu điều này xảy ra đối với tin vui, thì nó còn đúng hơn nữa đối với Chúa Giêsu, không chỉ vì một tin vui, thậm chí cũng không chỉ là tin tốt nhất về sự sống, mà còn là chính sự sống, “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25). Mỗi khi chúng ta loan báo điều đó, không phải bằng tuyên truyền hay lôi kéo theo đạo – loan báo là chuyện khác mà tuyên truyền lôi kéo là chuyện khác – mỗi khi Kitô hữu loan báo với sự tôn trọng và yêu thương, như món quà đẹp nhất để chia sẻ, thì Chúa Giêsu càng ở trong chúng ta hơn.

Chúng ta tiếp tục nhìn những người phụ nữ trong Tin Mừng: có tảng đá niêm phong nhưng họ vẫn đi đến mộ; có cả thành phố đã nhìn thấy Chúa Giêsu trên thập giá, dầu vậy họ vẫn vào thành để tuyên bố Người vẫn sống. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu, không trở ngại nào có thể ngăn cản chúng ta loan báo về Người. Ngược lại, nếu chúng ta giữ niềm vui của Người cho riêng mình, có lẽ vì chúng ta chưa thực sự gặp Người.

Anh chị em thân mến, trước kinh nghiệm của phụ nữ, chúng ta tự hỏi: lần cuối cùng tôi làm chứng cho Chúa Giêsu là khi nào? Tôi phải làm gì hôm nay để những người tôi gặp nhận được niềm vui từ lời loan báo về Người? Và một lần nữa: ai đó, khi nghĩ đến tôi, có thể nói: người này có bình an không, có hạnh phúc không, có tốt không vì đã gặp Chúa Giêsu không? Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta trở nên những sứ giả hỉ hoan của Tin Mừng.

Sau kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha cảm ơn những lời chúc mừng Phục Sinh, đặc biệt là những lời cầu nguyện dành cho ngài! Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, xin Thiên Chúa trả công cho từng người.

Đức Thánh Cha cũng lặp lại lời chúc mừng Phục Sinh. Ngài chúc tất cả mọi người sống niềm vui của đức tin trong những ngày Bát Nhật Phục Sinh này, và kiên trì cầu nguyện xin ơn hoà bình cho tất cả thế giới, đặc biệt cho dân tộc tử đạo Ucraina.