label

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

THÁNH LỄ RƯỚC LỄ BAO ĐỒNG CHO 26 EM GIÁO XỨ CẦN XÂY

 THÁNH LỄ RƯỚC LỄ BAO ĐỒNG CHO 26 EM GIÁO XỨ CẦN XÂY

Sáng nay 26/02/2022 giáo xứ Cần xây đã long trọng tổ chức thánh lễ rước lễ bao đồng cho 26 em. Sau nhiều tháng học hỏi giáo lý các em đã thấu hiểu và quyết tâm tuyên hứa với Chúa, trung thành với Ngài, hăng say ra đi loan truyền và làm chứng cho Chúa giữa đời. Đây cũng là một bước đánh dấu sự trưởng thành của các em chuẩn bị bước vào giai đoạn sóng gió. Chính vì thế, trước khi tung cánh bay cao, các em đã cám ơn cha mẹ đã sinh ra mình, nuôi dưỡng mình nên người, đồng thời các em cũng xin lỗi cha mẹ vì những lỗi lầm trong quá trình lớn lên. Bên cạnh đó, các em cũng hứa với cha mẹ sẽ là những người con ngoan hiền và trở thành người hữu dụng cho gia đình và cả xã hội. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các em, chúc các em trung thành với những lời mình cam kết. 

Thiên Sinh






Nhận thánh kinh là lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời


Hứa trung thành với Chúa và ra đi loan báo tin mừng

Xin lỗi và hứa với cha mẹ sẽ trở thành người con ngoan

Tuyên xưng đức tin








Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Đoàn đại biểu Ủy Ban Giáo Dân tham dự Hội nghị Quốc tế về giáo dân

 

Đoàn đại biểu Ủy Ban Giáo Dân tham dự Hội nghị Quốc tế về giáo dân

  •  
  •  


ĐOÀN ĐẠI BIỂU ỦY BAN GIÁO
THAM DỰ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ GIÁO DÂN

Lm. Antôn Hà Văn Minh

WHĐ (24.02.2023) - Ngày 21-2-2023 đoàn đại biểu Ủy Ban Giáo Dân trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Giáo phận Long Xuyên, chủ tịch Ủy Ban Giáo Dân, Cha Antôn Hà Văn Minh, Thư Ký Ủy Ban Giáo dân, Ô. Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái, Đại diện Giáo dân trong Ủy Ban Giáo dân, đã về đến Việt Nam sau ba ngày tham dự hội nghị do Bộ Giáo Dân, Gia đình và Sự sống tổ chức với chủ đề: Các Mục tử và người Tín hữu giáo dân được mời gọi cùng nhau tiến bước (Pastors and lay faithful called to go forward together) từ ngày 16-18/2/2023 tại Vatican.

Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Giáo phận Long Xuyên, chủ tịch Ủy Ban Giáo Dân, gặp Đức Thánh Cha

Cha Antôn Hà Văn Minh, Thư Ký Ủy Ban Giáo dân, gặp Đức Thánh Cha Phanxicô

Ô. Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái, Đại diện Giáo dân trong Ủy Ban Giáo dân, gặp Đức Thánh Cha Phanxicô

Mục đích của hội nghị theo Đức Hồng y Kevin Farrell, chủ tịch Thánh Bộ “Bộ Giáo Dân, Gia đình và Sự sống” phát biểu trong bài khai mạc là: Khai sáng rõ hơn trách nhiệm liên quan đến tất cả mọi người đã được rửa tội trong Giáo hội. Mọi thành phần Dân Chúa, mục tử cũng như giáo dân, cùng chia sẻ đầy đủ trách nhiệm đối với cuộc sống, sứ mệnh, chăm sóc, quản lý và phát triển của Dân Chúa. Cần phải vượt ra khỏi hình thức 'ủy quyền' hoặc sự 'thay thế' mà người giáo dân nhận được từ các mục tử và được gọi là “sự ủy thác” trong một số công việc ...” Hội nghị này muốn cùng nhau khám phá lời kêu gọi “cùng nhau tiến bước” trong việc đảm nhận trách nhiệm trong Giáo hội.


Thật vậy, Giáo hội mà chủ thể của Giáo Hội là cộng đoàn có cùng một tinh thần, cùng một đức tin và cùng một sứ mạng, do đó Giáo Hội là một cộng đoàn duy nhất. Vì thế, mọi người trong Giáo hội phải là một 'chủ thể' tích cực: tất cả được mời gọi cùng nhau tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Hội nghị này mong muốn các mục tử đón nhận và đồng hành với các sáng kiến của người giáo dân với sự tin tưởng rằng, tất đều mong muốn cho Tin Mừng của Chúa Kitô được lan tỏa đến với muôn dân, và Giáo Hội Chúa chính là nhà đáng tin cậy để mọi người tìm đến.

Đức hồng y hy vọng rằng trong hai ngày lắng nghe, đối thoại và trao đổi sẽ mang lại nhiều hữu ích, và có thể giúp cho mỗi tham dự viên khi trở về đất nước của mình, phát huy vai trò của tất cả các thành phần Dân Chúa, hầu tất cả nhiệt tình sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội.

Với mục đích này, hội nghị bàn về tầm quan trọng của tinh thần đồng trách nhiệm bắt nguồn từ ơn gọi rửa tội của mọi tín hữu. Ngày đầu tiên (16/20) của hội nghị đã tiến hành với hai bài thuyết trình chính:

1. Trong bài thuyết trình đầu tiên, Fr. Luis Navarro, Hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Dòng Thánh Giá, đã cống hiến cho các tham dự viên một suy tư về nền tảng và bản chất của tinh thần đồng trách nhiệm của người tín hữu giáo dân cũng như ơn gọi và sứ mệnh của họ trong xã hội. “Giáo dân là thành viên của xã hội dân sự: nhưng họ không phải là thành viên thụ động của xã hội đó, mà là những người xây dựng xã hội đó, trong gia đình, trong công việc, trong văn hóa, trong thế giới vô tận của các mối quan hệ con người, nói tóm lại, trong thế giới của sự thay đổi. Người Giáo dân cũng được nhìn như một Chúa Kitô khác bởi vì họ là những phần tử sống động của Giáo hội: được kêu gọi trở thành linh hồn của thế giới, như bức thư gửi Diognetus đã bày tỏ điều đó"

2. Bài thuyết trình thứ hai của Carmen Peña Garcia, Giáo sư Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Comillas ở Madrid. Khi suy tư về các lĩnh vực và cách thức thực hiện tính đồng trách nhiệm của giáo dân, bà nhắc lại rằng “từ việc khẳng định thừa tác vụ giáo dân bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội và nguyên tắc hiệp hành, cần phải tiếp tục tiến lên trong sự đồng trách nhiệm của giáo dân. Sự tham gia có trách nhiệm của giáo dân vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Một chi tiết cần lưu ý: Từ những dấn thân tích của giáo dân trong đời sống của giáo xứ cho tới việc tham gia cách bình thường vào các cơ cấu của Giáo Hội thông qua việc đào tạo phù hợp với mục đích của công việc tại Giáo phận, cũng như tại giáo triều Roma, đã mang đến cho các hoạt động Giáo Hội một sự phong phú có “tính giáo dân”, nhờ đó tránh được sự cám dỗ của “chủ nghĩa giáo quyền quá mức'.

Ngày thứ hai của Hội nghị với chủ đề: “tầm quan trọng của việc đào tạo dành cho những người đã được rửa tội”, để giúp họ tái khám phá ơn gọi và các đặc sủng của mình, hầu có thể tiến tới việc đồng trách nhiệm trong công việc của Giáo Hội có thể trở thành hiện thực.

3. Giáo Sư Hosffman Ospino, trình bày đầu tiên của ngày thứ hai, với chủ đề: để có sự đồng trách nhiệm hiệu quả, cần phải đào tạo giáo dân một cách đầy đủ. Hồng y Gérald Lacroix, Tổng Giám mục Địa phận Quebec, cũng đề cập đến sự cần thiết của việc đào tạo giúp cho mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau tiến về phía Chúa, và đặc biệt để “tái khám phá chức tư tế của những người đã được rửa tội để tất cả mọi người, người Công giáo, các thừa tác viên có chức thánh, và các thành viên của đời sống thánh hiến, có thể tham gia hữu hiệu hơn vào đời sống của Giáo Hội”.

Sau bài thuyết trình là những chia sẻ kinh nghiệm đào tạo trong các lãnh vực mục vụ khác nhau. Shoy Thomas, thuộc phong trào Giới trẻ Chúa Giêsu quốc tế, đã nói về việc đào tạo người trẻ: “Nếu việc đào tạo đóng một vai trò quan trọng trong hành trình mục vụ, thì cũng quan trọng không kém là tiến trình đồng hành, sự hiện diện của các gia đình mở cửa cho người trẻ và quyền tự do phạm sai lầm và học hỏi từ chúng, khuyến khích và hỗ trợ chúng, mang đến cơ hội." Sau đó, Benoît và Véronique Rabourdin từ Cộng đồng Emmanuel của Pháp đã nói về việc đào tạo như một hành động biến đổi mang lại động lực truyền giáo cho các cặp vợ chồng với các cặp vợ chồng khác và gia đình với các gia đình khác. Andrea Poretti, một người Argentina từ Cộng đoàn của Sant'Egidio, bày tỏ quan điểm của mình về sự hình thành liên tục của tất cả những người làm công tác xã hội: "Không có cách nào để chạm đến trái tim của người khác nếu chúng ta vẫn khép kín trong chính mình. Đào tạo cũng có nghĩa là nâng cao tầm nhìn của một người, có thể nhìn thấy và đáp ứng với lòng trắc ẩn đối với rất nhiều nhu cầu". Cuối cùng, José Prado Flores, từ Mexico, tập trung vào chứng từ của mình về tầm quan trọng của việc công bố mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ và là Chúa đã được các Tông đồ loan báo trong các bài giảng Kerygma, để bắt đầu lại việc đào tạo những người đã chịu phép rửa đã xa rời Giáo Hội. Thông qua những tiếng nói được bày tỏ bởi những người tham gia khác nhau, một cuộc trao đổi kinh nghiệm và nhu cầu mục vụ trong lĩnh vực đào tạo đã bắt đầu.

4. Đức Tổng Giám mục Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, thuyết trình phần hai của ngày hội nghị 17-2. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần bắt đầu đào tạo cách sâu sắc dành cho các mục tử để họ học cách tránh xa thái độ gia trưởng, bởi vì “tất cả chúng ta phải học từ sự hiệp thông giữa chúng ta, giáo dân và mục tử.” Thay vì châm ngòi cho sự đối lập giữa giáo sĩ và giáo dân, chúng ta nên tìm kiếm những cách thức cộng tác và đồng trách nhiệm ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn. Sau đó, Fr. Miguel Garrigós Domínguez, đến từ Tây Ban Nha đã trình bày kinh nghiệm đào tạo của mình, cũng như Sônia Gomes de Oliveira, đến từ Brazil, người đã nói về các dự án liên quan đến việc chuẩn bị hôn nhân và kinh nghiệm về "Năm Giáo dân" ở Brazil. Để kết thúc, trong giây phút chia sẻ và đối thoại, H.E. Đức ông. Richard Moth, thuộc Hội đồng Giám mục Anh đã trình bày "Niềm tin vào chính trị," một kinh nghiệm hình thành chính trị cho những người trẻ tuổi; Đức ông. Jean de Dieu Raoelison, thuộc Hội đồng Giám mục Madagascar, đã trình bày việc đào tạo giáo lý viên cho những vùng nghèo nhất của đất nước. Đáp lại mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và câu hỏi của nhiều người khác...


Sáng ngày 18-2-2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc hội nghị với tâm tình chia sẻ: “Giáo Hội còn một chặng đường dài phía trước để sống như một thân thể, như một dân tộc chân chính được hiệp nhất bởi cùng một niềm tin vào Chúa Kitô Cứu Thế, được làm sống động bởi cùng một Thần Khí thánh thiện và hướng đến cùng một sứ vụ loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa chúng ta”.

Đức Thánh cha ưu tư: “Bi bi kịch của Giáo hội là Chúa Giêsu cứ gõ cửa, nhưng đứng từ bên trong gõ ra, để mong chúng ta cho Người được ra ngoài! Rất nhiều khi, chúng ta trở thành một Giáo hội “cầm tù”, không cho Chúa ra ngoài, giam giữ Người như “của riêng mình”, trong khi Chúa đến vì sứ mạng và muốn chúng ta trở thành những nhà truyền giáo. Theo quan điểm này, chúng ta có thể tiếp cận đúng đắn vấn đề chia sẻ trách nhiệm cho người giáo dân”. Vì thế, Đức Thánh cha nhấn mạnh: “chúng ta phải hiểu đúng đắn về vấn đề chia sẻ trách nhiệm cho người giáo dân trong Giáo hội. Nhu cầu nâng cao vai trò của giáo dân không phải dựa trên một số mới lạ về thần học, hoặc do thiếu linh mục, càng không phải là mong muốn bù đắp cho sự bỏ bê của họ trong quá khứ. Thay vào đó, nó dựa trên một tầm nhìn đúng đắn về Giáo hội, là Dân Thiên Chúa, trong đó giáo dân, cùng với các thừa tác viên được thụ phong, hoàn toàn là một thành phần Dân Chúa. Do đó, các thừa tác viên được thụ phong không phải là ông chủ, họ là những người phục vụ: mục tử, không phải ông chủ. Điều này có nghĩa là tái khám lại về một ‘Giáo hội học toàn diện’, giống như Giáo hội học của các thế kỷ đầu tiên, khi mọi người với tư cách thành viên trong Chúa Kitô đều hợp nhất với nhau, nhờ sự hiệp thông siêu nhiên với Người và với anh chị em của chúng ta” . Sự chia sẻ trách nhiệm giữa giáo dân và mục tử sẽ giúp vượt qua sự phân rẽ, nỗi sợ hãi và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Bây giờ là lúc để các mục tử và giáo dân cùng nhau tiến bước, trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội và ở mọi nơi trên thế giới! Giáo dân không phải là ‘khách’ trong Giáo hội; đó là nhà của họ và họ được kêu gọi chăm sóc ngôi nhà của họ. Giáo dân, và đặc biệt là phụ nữ, phải được đánh giá cao hơn về các kỹ năng cũng như về những món quà có tính nhân bản và tinh thần mà họ mang lại cho đời sống của các giáo xứ và giáo phận. Họ có thể hỗ trợ bằng ngôn ngữ ‘hàng ngày’ của mình trong việc loan báo Tin Mừng bằng cách tham gia vào các hình thức rao giảng khác nhau. Họ có thể hợp tác với các linh mục trong việc đào tạo trẻ em và thanh thiếu niên, giúp đỡ các cặp đính hôn chuẩn bị cho hôn nhân, và đồng hành với các cặp vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình. Họ phải luôn luôn được hỏi ý kiến bất cứ khi nào các sáng kiến mục vụ mới được lên kế hoạch ở mọi cấp độ, địa phương, quốc gia và toàn cầu. Họ nên có tiếng nói trong các hội đồng mục vụ của các Giáo hội địa phương và nên có mặt trong các văn phòng giáo phận. Họ có thể hỗ trợ trong việc đồng hành thiêng liêng với các giáo dân khác và đóng góp vào việc đào tạo các chủng sinh và tu sĩ”

Cuối cùng Đức Thánh cha tỏ bày: “Tôi ước ao biết bao rằng, tất cả chúng ta có thể ấp ủ trong trí óc và tấm lòng của chúng ta về Giáo Hội! Một Giáo hội hướng tới sứ mệnh, nơi mọi người hiệp lực và cùng nhau bước đi loan báo Tin Mừng. Một Giáo hội gắn kết chúng ta lại với nhau qua việc chúng ta là Kitô hữu đã được rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa Giêsu. Một Giáo hội được đánh dấu bởi tình huynh đệ giữa giáo dân và các mục tử, khi tất cả cùng làm việc với nhau mỗi ngày trong mọi lĩnh vực của đời sống mục vụ, vì tất cả họ đều đã được rửa tội. Tôi khuyến khích anh chị em cổ võ trong các Giáo hội của mình tất cả những gì anh chị em đã nhận được trong những ngày này, để cùng nhau tiếp tục canh tân Giáo hội và hoán cải truyền giáo”.

Hội nghị kết thúc trong tình huynh đệ và mỗi đại biểu ra về mang nhiều hoài bão mong sao cho Giáo Hội tại địa phương sẽ có nhiều sách lược để thăng tiến vai trò giáo dân và kiến tạo môi trường để người giáo dân cùng chia sẻ trách nhiệm với hàng giáo sĩ trong các công việc thuộc về đời sống Giáo Hội, để Tin Mừng Chúa Kitô được lan tỏa khắp nơi.

Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ khai mạc Mùa Chay 2023

Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ khai mạc Mùa Chay 2023



Chiều thứ Tư Lễ Tro 22/02/2023, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ khai mạc Mùa Chay thánh, với nghi thức xức tro tại Đền thờ Thánh nữ Sabina ở Roma. Đức Thánh Cha mời gọi thực hiện ba cử chỉ truyền thống của Mùa Chay: cầu nguyện, bố thí và ăn chay.

Văn Yên, SJ - Vatican News

Đoàn rước thống hối

Từ Vatican, Đức Thánh Cha đã đến Nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức, và từ đây lúc 4 giờ 30 chiều, ngài chủ sự cuộc rước thống hối tới đền thờ Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Roma.

Trong đoàn rước với Đức Thánh Cha, có nhiều Hồng y, Giám mục, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Bề trên Tổng quyền của 2 dòng liên hệ. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng Thánh lễ, khởi đi từ câu Kinh thánh “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6, 2), Đức Thánh Cha giải thích: Với những lời này, Tông đồ Phaolô giúp chúng ta đi vào tinh thần của Mùa Chay. Mùa Chay thực sự là “thời gian thuận lợi” để trở về với những gì thiết yếu, để trút bỏ tất cả những gì đè nặng lên chúng ta, để được giao hòa với Thiên Chúa, và để thắp lại ngọn lửa Thánh Thần ẩn dưới lớp tro tàn bản tính nhân loại yếu đuối của chúng ta. Đây là mùa ân sủng để thực hành điều Chúa yêu cầu chúng ta ở đầu bài đọc một hôm nay: “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12).

Nghi thức xức tro bắt đầu cuộc hành trình trở về và mời gọi chúng ta thực hiện hai điều: trở về với sự thật về chính mình và trở về với Chúa và anh chị em chúng ta.

Trở về với sự thật về chính mình

Đầu tiên, trở về với sự thật về chính chúng ta. Tro nhắc nhở chúng ta về thân phận chúng ta là ai và chúng ta từ đâu đến. Điều này đưa chúng ta trở lại với sự thật thiết yếu của cuộc sống chúng ta: Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chúng ta là công trình của bàn tay Người. Chúng ta có sự sống, trong khi Chúa  sự sống. Người là Đấng Tạo Hóa, trong khi chúng ta là đất sét mong manh do tay Người làm ra. Chúng ta đến từ đất và chúng ta cần Trời; chúng ta cần Chúa. Với Chúa, chúng ta sẽ trỗi dậy từ tro bụi, nhưng không có Người, chúng ta chỉ là bụi đất. Khi khiêm tốn cúi đầu để nhận tro, chúng ta được nhắc nhở về sự thật này: chúng ta thuộc về Chúa; chúng ta thuộc về Người. Vì Thiên Chúa “lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2,7); chúng ta hiện hữu bởi vì Thiên Chúa đã thổi vào chúng ta hơi thở sự sống. Là một Người Cha dịu dàng và thương xót, Thiên Chúa cũng trải qua Mùa Chay, vì Người quan tâm đến chúng ta; Người đợi chúng ta; Chúa đang chờ đợi sự trở về của chúng ta. Và Người không ngừng thúc giục chúng ta đừng tuyệt vọng, ngay cả khi chúng ta sa ngã trong bụi đất yếu đuối và tội lỗi, vì “Người quá biết chúng ta được nhồi nắn bằng gì, hẳng Người nhớ: Chúng ta chỉ là cát bụi” (Tv 103,14).  Người nhắc chúng ta rằng chúng ta là cát bụi. Thiên Chúa biết, trong khi chúng ta lại thường quên về điều đó khi nghĩ rằng chúng ta tự đủ, mạnh mẽ và bất khả chiến bại.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Mùa Chay là thời gian nhắc nhớ chúng ta: ai là Đấng Tạo Hóa và ai là thụ tạo, để tuyên xưng rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa, để chúng ta cởi bỏ sự giả vờ cho mình là tự đủ và muốn đặt mình làm trung tâm.

Bên cạnh đó, Mùa Chay cũng là thời điểm thuận lợi để hoán cải, trước hết là thay đổi cái nhìn của chúng ta về chính chúng ta, để nhìn vào bên trong chính chúng ta: bao nhiêu điều chi phối và hời hợt làm chúng ta sao nhãng khỏi những điều quan trọng, bao nhiêu lần chúng ta tập trung vào những ước muốn của mình hoặc vào những gì chúng ta thiếu, mà lại quên ôm lấy ý nghĩa hiện hữu của chúng ta trong thế giới này.

Mùa Chay là thời gian của sự thật để cởi bỏ những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo hàng ngày để xuất hiện cách hoàn hảo trước con mắt của thế giới; và cũng để chiến đấu, như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Tin Mừng, chống lại sự dối trá và đạo đức giả, không phải của người khác mà là của chính chúng ta.

Trở về với Chúa và anh chị em

Đức Thánh Cha nói đến điều thứ hai: việc xức tro cũng mời gọi chúng ta trở về với Chúa và với anh chị em. Thật vậy, nếu chúng ta trở về với sự thật chúng ta là ai và nhận ra rằng mình không thể tự đủ nơi chính mình, thì chúng ta khám phá ra rằng chúng ta tồn tại chỉ nhờ các mối tương quan: mối tương quan nguyên thủy với Chúa và mối tương quan sống còn với người khác. Do đó, lớp tro mà chúng ta xức trên đầu hôm nay cho chúng ta biết rằng bất kỳ giả định nào về sự tự mãn đều sai lầm và việc thần tượng hóa bản thân là huỷ hoại và nhốt chúng ta trong chiếc lồng của sự cô độc. Ngược lại, cuộc sống của chúng ta trước hết là một mối tương quan: chúng ta đã nhận được nó từ Thiên Chúa, từ cha mẹ, và chúng ta luôn có thể đổi mới và tái sinh nó nhờ Chúa và nhờ những người bên cạnh chúng ta.

Đức Thánh Cha nhắc lại: Mùa Chay là thời gian thuận lợi để làm sống lại các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân: mở lòng ra để cầu nguyện trong thinh lặng và thoát ra khỏi pháo đài của cái tôi khép kín của chúng ta, phá vỡ xiềng xích của chủ nghĩa cá nhân và khám phá lại, qua gặp gỡ và lắng nghe những người cùng bước đi bên cạnh chúng ta mỗi ngày, và học lại cách yêu thương họ như anh chị em.

Đức Thánh Cha nói đến ba thực hành trong Mùa Chay: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh. Nhưng, như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta đừng theo những nghi thức bên ngoài, nhưng là diễn tả một sự đổi mới của con tim. Bố thí không phải là một cử chỉ vội vàng để thanh tẩy lương tâm, mà là chạm đến nỗi đau khổ của người nghèo bằng chính đôi tay và nước mắt của mình; cầu nguyện không phải là nghi thức, mà là một cuộc đối thoại chân lý và tình yêu với Chúa Cha; ăn chay không phải là một kiểu cách đơn thuần, mà là một cử chỉ mạnh mẽ để nhắc nhở trái tim chúng ta về những gì quan trọng và những gì sẽ qua đi.

Nếu chúng ta khiêm tốn đặt mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa, thì việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay không còn là những cử chỉ bên ngoài, nhưng bày tỏ con người thật của chúng ta: là con cái Thiên Chúa và anh chị em của nhau. Bố thí, cử chỉ bác ái, sẽ thể hiện lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những người gặp khó khăn, nó sẽ giúp chúng ta quay nhìn người khác; cầu nguyện sẽ nói lên ước muốn sâu xa của chúng ta là được gặp Chúa Cha, khiến chúng ta trở về với Người; ăn chay sẽ là nơi tập luyện thiêng liêng để, một cách vui vẻ, từ bỏ những gì dư thừa và làm chúng ta ra nặng nề, để nội tâm trở nên tự do hơn và trở về với sự thật về chính mình hơn.

Lời mời gọi lên đường

Đức Thánh Cha mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cúi đầu và nhận tro, chúng ta hãy làm cho tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng.

Hãy đặt mình trong hành trình làm việc bác ái: chúng ta có bốn mươi ngày thuận tiện để nhắc nhở rằng chúng ta không nên bị giới hạn trong giới hạn chật hẹp của nhu cầu cá nhân của chúng ta và để khám phá lại niềm vui không phải trong việc tích lũy của cải, mà là quan tâm đến những người gặp khó khăn và đau khổ.

Hãy đặt mình trong hành trình cầu nguyện: chúng ta được ban cho bốn mươi ngày thuận tiện để trả lại quyền tối thượng của cuộc sống chúng ta cho Chúa, để trở lại đối thoại với Người một cách hết lòng, chứ không chỉ trong những giây phút rảnh rỗi của chúng ta.

Hãy đặt mình trong hành trình ăn chay: chúng ta có bốn mươi ngày thuận tiện để gặp gỡ nhau, để từ bỏ sự độc tài của những chương trình luôn đầy ắp, của những việc phải làm, của những đòi hỏi của cái tôi ngày càng hời hợt và cồng kềnh, và để lựa chọn những gì quan trọng .

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích: Chúng ta đừng lãng phí ân sủng của thời gian thánh này: chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá và bước đi, hãy quảng đại đáp lại những tiếng mời gọi mạnh mẽ của Mùa Chay. Ở cuối cuộc hành trình, với nhiều niềm vui, chúng ta sẽ gặp Chúa của sự sống, Đấng duy nhất sẽ làm cho chúng ta sống lại từ tro bụi.

Nghi thức xức tro

Sau bài giảng, trong nghi thức xức tro, Đức Thánh Cha đã được xức tro trước, sau đó ngài đã xức tro cho các Hồng y và một số tín hữu, trong khi 12 linh mục Đa Minh và Biển Đức xức tro cho các tín hữu hiện diện.

 

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Thư Mục vụ tháng 03/2023 của Đức Giám mục giáo phận Long Xuyên

 

Thư Mục vụ tháng 03/2023 của Đức Giám mục giáo phận




THƯ MỤC VỤ THÁNG 3-2023

GIỮA TINH THẦN SÁM HỐI VÀ CANH TÂN

TRONG MÙA CHAY THÁNH CỦA GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

THIÊN CHÚA VUI THÍCH HIỆN DIỆN

 

 

 

 

Anh chị em thân mến!

Hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, chúng ta đã bắt đầu bước vào Mùa Chay thánh của Năm Thánh kỷ niệm 50 năm cung hiến Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên. Chính vì thế, chủ đề của thư mục vụ Mùa Chay là “ Giữa Tinh Thần Sám Hối Trong Mùa Chay Thánh Của Giáo Phận Long Xuyên, Thiên Chúa Vui Thích Hiện Diện”.

 

Trước hết, chúng ta cần ý thức rằng: Mùa Chay của Giáo Hội là một cuộc tĩnh tâm thường niên, nhằm sám hối và canh tân, để cử hành mầu nhiệm nền tảng nhất của niềm tin Kitô giáo. Niềm tin đó là Chúa Giêsu đã Phục Sinh từ cõi chết và hôm nay Ngài vẫn đang là Đấng Kitô, Chúa chúng ta. Vì là mầu nhiệm nền tảng của đức tin, nên mầu nhiệm này trở thành ý nghĩa và động lực của cuộc hành trình đức tin, trong đó mọi tín hữu, đặc biệt là các dự tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong đêm vọng phục sinh, được mời gọi không ngừng đào sâu đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin, và loan truyền đức tin này. Như vậy, ta đang biến năm tháng cuộc đời trần gian này trở thành một Mùa Chay của chính mình, để trong bầu khí cộng đoàn, ta cử hành mầu nhiệm khổ nạn của Đức Kitô trong cuộc đời ta, và hướng về mầu nhiệm phục sinh ở cuối cuộc hành trình đời ta.

 

Như vậy, sám hối và canh tân phải là cách sống trong Mùa Chay của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Long Xuyên. Cách sống này được biểu hiện qua các tập tục và truyền thống của Giáo Hội, cụ thể được thực hiện trong bầu khí của Giáo Phận Long Xuyên.

 

Hiện tình của Giáo Phận Long Xuyên: Giáo Phận Long Xuyên hiện đang có 162 giáo xứ, 59 giáo họ biệt lập và 26 giáo điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Đây là những cộng đoàn tín hữu đang được phục vụ bởi hàng giáo sĩ là linh mục, là phó tế do Đức Giám Mục sai đến và được sự cộng tác của đông đảo các tu sĩ được bề trên gửi tới. Sự hiện diện của hàng giáo sĩ và tu sĩ gắn liền với sinh hoạt đạo đức Mùa Chay trong cộng đoàn, hiện đang là một nhân tố quan trọng có tính quyết định cho các sinh hoạt Mùa Chay và những hiệu quả thiêng liêng cho cá nhân và tập thể. Đây cũng là những cộng đòan tín hữu còn thiết tha gắn bó với sinh hoạt phượng tự của Mùa Chay. Nhiều tín hữu sốt sắng tham dự các việc đạo đức bình dân trong mùa chay, đặc biệt là trong Tuần Thánh. Và nhiều hội đoàn và cá nhân đang tích cực tham gia vào các công cuộc từ thiện bác ái tại địa phương. Ngoài ra, hầu hết các cộng đoàn tín hữu trong Giáo Phận đang làm nổi bật tầm quan trọng của bầu khí cộng đoàn trong việc tổ chức các sinh hoạt đạo đức và bác ái mùa chay. Ở đây chúng ta nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng khó có thể thiếu được của Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, của các Giới, của các Đoàn Hội Đạo đức và của các gia đình Công Giáo trong giáo xứ, giáo họ.

 

Từ những sắc thái đặc biệt trên, thư mục vụ đưa ra nhửng đề xuất cho các sinh hoạt tu đức, mục vụ và loan báo Tin Mừng của Giáo Phận trong Mùa Chay:

 

Với hàng giáo sĩ: các linh mục đã được thánh hiến qua bí tích Truyền Chức Thánh để trở thành hiện thân của Chúa Kitô mục tử hiện diện và phục vụ đoàn chiên của Chúa. Vì thế, thiết tha xin quý cha:

1/ Là mục tử đi tiền phong trước cộng đoàn: sẽ rất ích lợi nếu biết thỉnh ý hiệp hành với Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ để đề ra sinh hoạt mùa chay và cùng phân công thực hiện để đem lại lợi ích thiêng liêng, trước tiên cho chính linh mục và sau là cho cộng đoàn tín hữu.

 

2/ Là mục tử hiện diện giữa cộng đoàn: sẽ rất cần thiết nếu biết dành thời gian cầu nguyện (tâm nguyện) trước Chúa Giêsu Thánh Thể và tham dự các sinh hoạt phượng tự mùa chay với cộng đoàn.

 

3/ Là mục tử khiêm tốn đi sau phục vụ cộng đoàn: biểu hiện bằng cách siêng năng ngồi tòa giải tội, thăm viếng các kẻ liệt trong giáo xứ, giáo họ, và quan tâm đặc biệt đến các gia đình khô khan nguội lạnh, trễ nải, rối hôn phối…

 

Với các tu sĩ: Mùa chay là cơ hội thuận tiện cho các tu sĩ trong ơn gọi đời sống thánh hiến thực hiện một cuộc tĩnh tâm trong cuộc sống thường nhật. Chính vì thế, các tu sĩ được khích lệ sống gần gũi:

 

1/ Gần gũi với Chúa bằng dành giờ cầu nguyện riêng (tâm nguyện) với Chúa, đặc biệt là trước Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

2/ Gần gũi với nhau bằng dành thời gian cho nhau để gặp gỡ, lắng nghe và phân định nhằm xây dựng Nước Thiên Chúa hiện diện ngay trong cộng đoàn tu của mình.

 

3/ Gần gũi với tha nhân bằng cách tiếp xúc với dân cư tại địa phương, lương cũng như giáo, với ý thức đây là cơ hội để mình gặp gỡ chính Chúa Kitô đang vác thánh giá trong cuộc đời anh chị em giáo dân cũng như dân cư tại địa phương.

 

Với các hội đoàn và các giới trong giáo xứ, giáo họ: dưới sự hiệp hành của các vị phụ trách, và với trách nhiệm của ban điều hành của các đoàn hội và các giới, mọi thành viên được cổ vũ:

 

1/ Tổ chức và tham dự tĩnh tâm Mùa Chay để hòa giải với Chúa và anh chị em, để canh tân đời sống đạo đức trở nên thánh thiện hơn.

 

2/ Tham dự các giờ kinh nguyện để cầu nguyện cho những người khô khan nguội lạnh, cụ thể là trong giáo xứ, giáo họ, được ơn sám hối và canh tân.

 

3/ Thăm viếng các gia đình trong địa bàn giáo xứ, giáo họ, đặc biệt các gia đình có người già cả, đau yếu, liệt lào…

 

Với toàn thể dân Chúa trong Giáo Phận:

1/ Để nhắc nhớ mình đã được thánh hiến qua bí tích Rửa Tội, là kết quả của cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, các cộng đoàn được khích lệ cử hành nghi thức rẩy nước thánh trên cộng đoàn trước Thánh Lễ Chúa Nhật, thay vì cử hành nghi thức sám hối đầu Thánh Lễ. Đồng thời cũng khích lệ các nhà thờ, nhà nguyện trong Giáo Phận có bình đựng nước thánh gắn ngay tại các cửa ra vào để các tín hữu sử dụng làm Dấu Thánh Giá trên mình trước khi bước vào nhà thờ, nhà nguyện.

 

2/ Cổ vũ mọi Kitô hữu sống sám hối và canh tân qua việc lãnh nhận bí tích Giải Tội. Cũng cổ vũ các giáo xứ, giáo họ tổ chức mời các cha khách đến ngồi tòa, tạo điều kiện cho mọi người có thể lãnh nhận bí tích Giải Tội cách dễ dàng không e ngại.

 

3/ Sống tinh thần chay tịnh mùa chay của bài Tin Mừng ngày thứ tư lễ tro là cầu nguyện, chay tịnh và bác ái yêu thương. Đặc biệt cổ vũ sống bác ái yêu thương, là tha thứ và hòa giải, là quan tâm và gần gũi, là phục vụ và chia sẻ.

 

Anh Chị em thân mến,

Chúa đã vui thích hiện diện trong lịch sử nhân loại và đã dấn thân bước trên con đường khổ nạn để phục sinh nhằm mời gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ. Ngày nay, Giáo Phận Long Xuyên tin rằng Chúa vẫn đang tiếp tục vui thích hiện diện trong Giáo Phận, khi Giáo Phận trở thành một đoàn người lữ hành sống sám hối và canh tân trong cuộc hành trình đức tin.

 

Xin Chúa Giêsu Khổ Nạn và Phục Sinh, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria cùng hai Thánh Quý - Phụng, giúp cho chúng ta luôn xác tín rằng, Thiên Chúa luôn vui thích đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình sám hối và canh tâm của Mùa Chay Thánh 2023.

 

+ Giuse Trần Văn Toản

Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên

Giám mục phụ tá Los Angeles bị bắn chết

 

Giám mục phụ tá Los Angeles bị bắn chết





Ngày 18/02/2023, Đức cha David O'Connell, Giám mục phụ tá của Los Angeles, được biết đến là người kiến tạo hoà bình, dấn thân cho người nghèo và người nhập cư, được tìm thấy đã chết do bị bắn, ở ngoại ô vùng Hacienda Heights.

 

 

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles bày tỏ sự bàng hoàng và đau buồn vì sự qua đời đột ngột của Đức cha David O'Connell. Ngài viết: “Tôi vô cùng đau buồn báo tin, Đức David O'Connell, Giám mục Phụ tá của chúng ta đã qua đời đột ngột”. Và ngài cho biết Đức cha O’Connell là một người kiến tạo hòa bình với tâm hồn dành cho người nghèo và người nhập cư, say mê xây dựng một cộng đoàn nơi sự thánh thiêng và phẩm giá của mỗi cuộc sống con người được tôn trọng và bảo vệ.

 

Đức Tổng Giám mục Gomez nói ngài sẽ rất nhớ Đức cha O'Connell, một “người bạn tốt”, một người cầu nguyện sâu sắc và có lòng yêu mến Đức Mẹ rất nhiều, đồng thời xin mọi người cầu nguyện cho Đức cố Giám mục và cho gia đình của ngài. Đức Tổng Giám Mục Gomez kết luận: “Xin Đức Mẹ Guadalupe che chở Đức cha trong chiếc áo choàng hiền mẫu của Mẹ, và xin các thiên thần dẫn ngài vào thiên đàng, và xin cho ngài được yên nghỉ”.

 

Sáng Chúa nhật, trong một tuyên bố khác, Đức Tổng Giám Mục Gomez viết: “Sáng sớm hôm nay, chúng tôi được biết từ văn phòng cảnh sát trưởng Los Angeles, xác nhận cái chết của Đức cha Phụ tá David O'Connell ngày hôm qua là một vụ giết người. Chúng tôi vô cùng lo lắng và đau buồn trước tin tức này. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Đức cha và gia đình của ngài. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho những người thực thi pháp luật khi họ tiếp tục cuộc điều tra về tội ác khủng khiếp này. Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu và làm Mẹ chúng ta trong giờ phút đau buồn này”.

 

Đức cha O'Connell được tìm thấy đã chết vào khoảng một giờ chiều trong một ngôi nhà ở vùng ngoại ô Hacienda Heights, cách trung tâm Los Angeles 30 km về phía đông. Ngài bị bắn vào ngực. Cảnh sát đang tiếp tục điều tra vụ sát hại.

 

Đức cố Giám mục O'Connell, sinh năm 1953, tại Cork, Ailen. Ngài học thần học tại Đại học All Hallows ở Dublin, và được thụ phong linh mục cho Tổng Giáo Phận Los Angeles vào năm 1979. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Phụ tá Los Angeles vào năm 2015.

 

Ngọc Yến - Vatican News

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Thánh Cha Phanxicô: Giám mục phải có phép Toà Thánh khi cho phép cử hành Thánh lễ theo nghi lễ cũ

 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Giám mục phải có phép Toà Thánh khi cho phép cử hành Thánh lễ theo nghi lễ cũ

  •  
  •  


ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ:
GIÁM MỤC PHẢI CÓ PHÉP TOÀ THÁNH
KHI CHO PHÉP CỬ HÀNH THÁNH LỄ THEO NGHI LỄ CŨ

Hồng Thủy - Vatican News

Vatican News (21.02.2023) – Trong một phúc chiếu ban hành ngày 21/2/2023, Đức Thánh Cha nhắc lại cách rõ ràng rằng các Giám mục chỉ được cho phép sử dụng các nhà thờ giáo xứ cho các nhóm cử hành Thánh lễ tiền công đồng, cũng như cho các linh mục được thụ phong sau ngày 16/7/2021 được sử dụng sách lễ tiền Công đồng sau khi được phép của Tòa Thánh.

Phúc chiếu của Đức Thánh Cha được ban hành sau khi gặp Đức Hồng y Arthur Roche, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích ngày 20/2/2023.

Hai vấn đề được nói đến trong phúc chiếu, gồm (1) việc sử dụng các nhà thờ giáo xứ và khả năng thành lập các giáo xứ tòng nhân cho các nhóm cử hành theo sách lễ năm 1962, được Đức Gioan XXIII ban hành trước Công đồng chung Vatican II, và (2) việc sử dụng sách lễ này bởi các linh mục được thụ phong sau ngày 16/7/2021, đã được Đức Thánh Cha thiết lập trong tự sắc “Traditionis custodes” - Người gìn giữ Truyền thống -, được ban hành vào tháng 7/2021.

Hai vấn đề này đã được giải thích cách khác nhau và là đề tài của các cuộc thảo luận gần đây, cả trên các phương tiện truyền thông.

Trong thực tế, tự sắc “Traditionis custodes” đã nói rõ: đây là hai trường hợp hạn chế mà giám mục, trước khi quyết định, phải xin phép Bộ Phụng tự, là cơ quan, theo tự sắc, thi hành thẩm quyền của Tòa Thánh về vấn đề này. Do đó, Bộ Phụng tự, tùy theo hoàn cảnh, sẽ cho phép Đấng Bản quyền giáo phận.

Sau khi nhắc lại rằng hai trường hợp trên thuộc quyền miễn chuẩn của Toà Thánh và do đó, các Giám mục có nghĩa vụ phải xin phép Tòa Thánh, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Nếu một giám mục giáo phận cho phép miễn chuẩn trong hai trường hợp nêu trên, ngài có nghĩa vụ thông báo cho Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, cơ quan sẽ đánh giá từng trường hợp”. Do đó, đối với các phép ban cho các nhà thờ giáo xứ, việc thành lập các giáo xứ riêng và sử dụng sách lễ cổ cho các linh mục được thụ phong sau tháng 7/2021 đã được bản quyền giáo phận thiết lập mà không có sự đồng ý của Toà Thánh, Giám mục phải xin phép Bộ Phụng tự. (CSR_784_2023)

Nguồn: vaticannews.va/vi

Phúc Âm không phải là "một đảng phái chính trị, một ý thức hệ, một câu lạc bộ

Tiếp kiến chung 22/02/2023 - ĐTC Phanxicô: Phúc Âm không phải là "một đảng phái chính trị, một ý thức hệ, một câu lạc bộ"



Trong buổi tiếp kiến chung ngày 22/02/2023, Đức Thánh Cha nói rằng "Phúc Âm không phải là ý tưởng, cũng không phải là một ý thức hệ: Phúc Âm là một lời loan báo đánh động trái tim và khiến bạn thay đổi tâm hồn. Nhưng nếu bạn ẩn náu trong một ý tưởng, trong một ý thức hệ, hoặc cánh tả hoặc cánh hữu hoặc trung lập, bạn đang biến Phúc Âm thành một đảng phái chính trị, một ý thức hệ, một câu lạc bộ."

Hồng Thủy - Vatican News

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 22/2/2023, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc loan báo Tin Mừng. Đây là bài giáo lý thứ 5 trong loạt bài về lòng say mê loan báo Tin Mừng - lòng nhiệt thành tông đồ.

Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu Phục Sinh sai chúng ta đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ và làm phép rửa và Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta sức mạnh để đón nhận và thực hiện sứ mạng này.

Mục tiêu chính của việc loan báo là giúp mọi người dễ dàng gặp gỡ Chúa Kitô. Vì lý do này, Đức Thánh Cha nói rằng để hoạt động rao giảng Tin Mừng của chúng ta luôn thúc đẩy cuộc gặp gỡ này, điều cần thiết là tất cả chúng ta - mỗi người, với tư cách cá nhân và với tư cách là một cộng đoàn Giáo hội - lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Trong mọi thời đại, Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn việc loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, giúp Giáo hội phân định các dự án mục vụ và khuyến khích Giáo hội đi vào thế giới trong niềm hân hoan loan truyền đức tin. Ngài cảnh giác rằng nếu Giáo hội không cầu xin Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ tự khép kín, tạo ra những chia rẽ, những cuộc tranh luận vô ích và kết quả là sứ vụ rao giảng Tin Mừng dần dần bị biến mất.

Loan báo Tin Mừng là tạo cho người khác cơ hội gặp gỡ, biết và yêu mến Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng say mê loan báo Tin Mừng, hôm nay chúng ta bắt đầu từ những lời của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Đấng Phục Sinh nói “hãy đi”, không phải để tuyên truyền các tín điều hay chiêu dụ tín đồ, nhưng để làm cho muôn dân trở thành môn đệ, nghĩa là cho mọi người cơ hội tiếp xúc với Chúa Giêsu, biết và yêu mến Người. Hãy đi và làm phép rửa: rửa tội có nghĩa là dìm xuống và do đó, trước khi là một hành động phụng vụ, nó diễn tả một hành động quan trọng: dìm cuộc đời mình trong Chúa Cha, trong Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần; cảm nghiệm mỗi ngày niềm vui về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng gần gũi với chúng ta như một người Cha, một người Anh, một Thần Khí đang hoạt động trong chúng ta, trong chính tinh thần của chúng ta.

Việc loan báo Tin Mừng chỉ được thực hiện nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ - và cả với chúng ta – “Hãy đi!”, Người không chỉ truyền đạt một lệnh truyền. Không. Người cũng thông truyền Chúa Thánh Thần, bởi vì chỉ nhờ Người, nhờ Thần Khí, chúng ta mới có thể đón nhận và thi hành sứ vụ của Chúa Kitô (x. Ga 20,21-22). Thực vậy, các Tông Đồ, vì sợ hãi, ở trong Phòng Tiệc Ly đóng kín cho đến khi Lễ Ngũ Tuần đến và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các ông (x. Cv 2,1-13). Vào giây phút đó, sự sợ hãi đã tan biến. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, những ngư dân, hầu hết là mù chữ, sẽ thay đổi thế giới. Lời của Chúa Thánh Thần, sức mạnh của Người sẽ đưa họ tiến bước để thay đổi thế giới. Do đó, việc loan báo Tin Mừng chỉ được thực hiện trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng đi trước các nhà truyền giáo và chuẩn bị tâm hồn họ: Người là “động lực loan báo Tin Mừng”.

Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng

Chúng ta khám phá ra điều này trong sách Công vụ Tông đồ, trong đó, ở mỗi trang, chúng ta thấy nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng không phải là Phêrô, Phaolô, Stêphanô hay Philipphê, mà là Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, trong sách Công vụ có thuật lại một thời điểm quan trọng trong giai đoạn khởi đầu của Giáo hội; điều này cũng có thể cho chúng ta biết rất nhiều điều. Để rồi, cũng như hôm nay, bên cạnh những niềm an ủi không thiếu những hoạn nạn, niềm vui đi kèm với những lo lắng. Có một điều lo lắng đặc biệt là phải cư xử thế nào với những người ngoại giáo đến với đức tin, với những người không thuộc dân tộc Do Thái. Họ có buộc phải tuân giữ những đòi hỏi của Luật Môsê hay không? Đó không phải là vấn đề đơn giản đối với họ. Do đó, giữa những người tin rằng việc tuân giữ Lề Luật là không thể thiếu và những người không tin điều này, hình thành hai nhóm. Để phân định, các Tông đồ tập hợp tại nơi được gọi là “Công đồng Giêrusalem”, công đồng đầu tiên trong lịch sử. Làm thế nào để giải quyết vấn đề nan giải? Họ có thể tìm kiếm một sự thỏa hiệp giữa truyền thống và sự canh tân đổi mới: tuân giữ một số giới luật và bỏ qua những luật lệ khác. Tuy nhiên, các Tông đồ không đi theo sự khôn ngoan của con người để tìm kiếm một sự cân bằng ngoại giao giữa bên này và bên kia; họ không theo cách này nhưng theo hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã đi trước họ, ngự xuống trên dân ngoại cũng như trên họ.

Nguyên tắc loan báo Tin Mừng

Đức Thánh Cha nói tiếp: Và do đó, loại bỏ hầu hết mọi nghĩa vụ liên quan đến Lề Luật, họ truyền đạt các quyết định cuối cùng; họ viết thế này: được đưa ra “bởi Chúa Thánh Thần và bởi chúng tôi” (xem Cv 15,28). Quyết định được đưa ra bởi Chúa Thánh Thần cùng với chúng tôi. Các Tông đồ luôn hành động như thế. Cùng nhau, không chia rẽ, mặc dù có những nhạy cảm và quan điểm khác nhau, họ lắng nghe Chúa Thánh Thần. Và Người dạy một điều mà ngày nay vẫn có giá trị: mọi truyền thống tôn giáo đều hữu ích nếu nó tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng quyết định lịch sử của Công đồng đầu tiên, quyết định cũng có lợi cho cả chúng ta, được thúc đẩy bởi một nguyên tắc, nguyên tắc loan báo Tin Mừng: mọi việc trong Giáo hội phải phù hợp với các yêu cầu của việc loan báo Tin Mừng; không phải theo quan điểm của những người bảo thủ hay cấp tiến, mà theo sự kiện là Chúa Giêsu đến với cuộc sống của mọi người. Do đó, mọi sự lựa chọn, sử dụng, cấu trúc và truyền thống phải được đánh giá trên nền tảng rằng chúng có lợi cho việc rao giảng Chúa Kitô hay không.

Phúc Âm không phải là một đảng phái chính trị

Khi các quyết định được tìm thấy trong Giáo hội, chẳng hạn như sự chia rẽ về ý thức hệ: “Tôi bảo thủ bởi vì… tôi cấp tiến bởi vì…”. Nhưng Chúa Thánh Thần ở đâu? Hãy lưu ý rằng Phúc Âm không phải là ý tưởng, cũng không phải là một ý thức hệ: Phúc Âm là một lời loan báo đánh động trái tim và khiến bạn thay đổi tâm hồn. Nhưng nếu bạn ẩn náu trong một ý tưởng, trong một ý thức hệ, hoặc cánh tả hoặc cánh hữu hoặc trung lập, bạn đang biến Phúc Âm thành một đảng phái chính trị, một ý thức hệ, một câu lạc bộ của mọi người. Phúc Âm luôn ban cho bạn sự tự do này của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong bạn và đưa bạn tiến tới. Và ngày nay chúng ta cần nắm lấy sự tự do của Phúc Âm và để cho Thần Khí thúc đẩy chúng ta tiến bước.

Chúa Thánh Thần giúp phân định

Theo cách này, Chúa Thánh Thần soi sáng con đường của Giáo Hội. Thật vậy, Người không chỉ là ánh sáng của các tâm hồn, Người còn là ánh sáng hướng dẫn Giáo hội: Người làm sáng tỏ, Người giúp phân biệt, phân định. Vì lý do này, cần phải thường xuyên cầu khẩn Người; chúng ta hãy làm điều đó ngay hôm nay, vào đầu Mùa Chay. Bởi vì, là một Giáo hội, chúng ta có thể có thời gian và không gian được xác định rõ ràng, các cộng đoàn, tổ chức và phong trào được tổ chức tốt, nhưng nếu không có Chúa Thánh Thần, mọi thứ vẫn vô hồn. Nếu Giáo hội không cầu nguyện với Người và không khẩn cầu Người, thì Giáo hội sẽ tự thu mình lại trong những cuộc tranh luận vô ích và mệt mỏi, mang lấy những thái độ phân cực, trong khi ngọn lửa truyền giáo bị tắt đi. Thật đáng buồn khi thấy Giáo hội chỉ giống như một quốc hội. Không. Giáo hội là điều gì đó khác hơn. Giáo Hội là cộng đoàn những người nam nữ tin và loan báo Chúa Giêsu Kitô, nhưng do Chúa Thánh Thần tác động chứ không phải do lý trí riêng. Chúa Thánh Thần khiến chúng ta ra đi, thúc đẩy chúng ta loan báo đức tin để củng cố chúng ta trong đức tin, thúc đẩy chúng ta đi truyền giáo để tái khám phá xem chúng ta là ai. Vì thế, Thánh Tông đồ Phaolô khuyến cáo: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (1 Ts 5,19). Chúng ta hãy thường xuyên cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, khẩn cầu Người, xin Người, mỗi ngày, đốt lên ánh sáng của Người trong chúng ta. Chúng ta hãy làm điều đó trước mỗi cuộc gặp gỡ, để chúng ta trở thành tông đồ của Chúa Giêsu đối với những người chúng ta gặp gỡ. Đừng dập tắt Thần Khí trong cộng đoàn Kitô hữu, cũng như trong mỗi người chúng ta.

Ánh sáng của Chúa Thánh Thần

Anh chị em thân mến, như là một Giáo hội, chúng ta hãy khởi hành và tái khởi hành từ Chúa Thánh Thần. “Điều chắc chắn quan trọng là trong các kế hoạch mục vụ của mình, chúng ta bắt đầu từ các cuộc điều tra xã hội học, từ các phân tích, từ danh sách những điều khó khăn, từ danh sách các kỳ vọng và phàn nàn. Chúng ta cần làm điều này để biết rõ thực tế. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều là bắt đầu từ những kinh nghiệm của Chúa Thánh Thần: đây là điểm khởi hành thực sự. Và do đó, cần phải tìm kiếm những kinh nghiệm này, liệt kê chúng, nghiên cứu và giải thích chúng. Một nguyên tắc cơ bản, trong đời sống thiêng liêng, được gọi là ưu tiên của an ủi so với sự sầu khổ. Trước tiên, có Chúa Thánh Thần an ủi, hồi sinh, soi sáng, lay động; rồi sẽ có sự thất vọng, đau khổ, bóng tối, nhưng nguyên tắc để hành động trong giờ phút tăm tối là ánh sáng của Chúa Thánh Thần" (C.M. MARTINI, Evangelizzare nella consolazione dello Spirito, 25/09/1997).

Tôi có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không?

Đây là nguyên tắc để hành động khi gặp những điều chưa hiểu, khi có những điều bối rối, thậm chí trong nhiều tình huống đen tối; đây là điều quan trọng. Chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có mở lòng với ánh sáng này không, chúng ta có dành chỗ cho nó không: tôi có cầu xin Chúa Thánh Thần không? Có bao nhiêu người trong chúng ta cầu nguyện với Chúa Thánh Thần? Bạn cầu nguyện với Đức Mẹ, với các thánh, với Chúa Giêsu, đôi khi, với Chúa Cha. Còn với Chúa Thánh Thần? Bạn không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho trái tim bạn rung động, Đấng đưa bạn tiến tới, là niềm an ủi, nâng đỡ ước muốn loan báo Tin Mừng, truyền giáo của bạn sao?”. Tôi đặt cho anh chị em câu hỏi này: Tôi có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không? Tôi có để mình được Người hướng dẫn không, Đấng mời gọi tôi đừng khép mình lại mà hãy mang Chúa Giêsu đến, để làm chứng cho sự trỗi vượt của niềm an ủi của Thiên Chúa trên sự hoang tàn của thế giới? Xin Đức Mẹ, Đấng đã hiểu rõ điều này, giúp chúng ta hiểu điều nó. Cảm ơn anh chị em.