Niềm vui đời Linh mục
Chức tư tế của Giao ước mới gắn liền với Thánh Tâm Chúa Giêsu, vì “trong lúc tình yêu xúc động nồng nàn không thể sánh ví được, Chúa đã lập ra chức vụ linh mục Công giáo, khác nào một dòng máu yêu mến đã vọt lên bởi Trái Tim Cực Thánh Chúa” (Kinh Thày cả Thượng phẩm). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có sáng kiến đặt ngày lễ Thánh Tâm Chúa hằng năm là ngày xin ơn thánh hoá các linh mục, ngõ hầu các ngài trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Linh Mục. Nhờ không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân, linh mục thừa tác trở nên hiện thân của Chúa Giêsu giữa lòng cuộc đời.
Một tác giả đã nói: “Hạnh phúc lớn nhất ta đạt được, đó là khi đem hạnh phúc cho người khác”. Cùng một chiều hướng ấy, Thánh Phanxicô, vị thánh nghèo quê ở Assisi quả quyết: “Chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Như thế, linh mục là người hạnh phúc, vì trọn cuộc đời của ngài là dấn thân hy sinh vì hạnh phúc của tha nhân. Hạnh phúc của linh mục được chính Chúa Giêsu bảo đảm: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau” (Mc 10,29-30). Và, Chúa hứa với những ai can đảm chịu thử thách gian nan: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).
Lý tưởng của đời linh mục là dấn thân phục vụ con người. Sứ mạng này đem lại cho linh mục hạnh phúc và niềm vui. Khi sống bậc độc thân, linh mục hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu và thuộc về Giáo Hội với một con tim không san sẻ. Ngài dành mọi tâm huyết, nghị lực và cố gắng để phục vụ noi gương Chúa Giêsu. Mặc dù đây đó, vì sự yếu đuối của thân phận thụ tạo, có những linh mục không trung thành với ơn gọi của mình, nhưng không vì thế mà hình ảnh linh mục bị biến dạng và đời linh mục mất đi niềm vui. Niềm vui của linh mục không phải chỉ là một viễn ảnh xa xôi, nhưng luôn hiện hữu lan toả trong đời sống và trong khi thi hành sứ vụ.
Trong thời gian họp Công đồng Vaticanô II, một nghị phụ là Đức cha Marius Maziers đã có một bài thuyết trình về niềm vui đời linh mục. Trước đó, Đức cha Maziers đã đọc bản thảo “Sắc lệnh về thừa tác và đời sống linh mục”, và ngài thấy ý niệm “niềm vui” chưa được nhắc tới trong bản thảo này. Sau bài thuyết trình của ngài, niềm vui của linh mục đã được đưa vào bản văn chính thức của Công đồng hai lần ở phần kết thúc. Trong bài thuyết trình, Đức cha Maziers đã nêu bật niềm vui của các linh mục ở 5 khía cạnh sau:
– Niềm vui vì được xức dầu thánh hiến. Nhờ bí tích Truyền chức, linh mục được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Đấng Cứu độ và Thượng tế để phục vụ Dân Chúa. Thừa tác này là nguồn mạch của niềm vui lớn lao, vì nó đặt linh mục trong mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, đến nỗi trở nên bạn hữu nghĩa thiết với Người (x. Ga 15,15). “Thày nói với anh em điều đó, đề niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Ga 15,11). Nếu Thánh Phaolô quả quyết rằng, Chúa Thánh Thần là niềm vui của mọi tâm hồn Kitô hữu (Gal 5,22), thì niềm vui còn lớn lao hơn bao nhiêu nơi tâm hồn linh mục!
– Niềm vui vì là tác nhân loan báo Tin Mừng: Nội dung lời loan báo là “Tin vui”, là “Phúc Âm”, là tin giải phóng con người khỏi thất vọng u sầu. Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Tôi viết cho anh em điều này để niềm vui của anh em được nên trọn” (1 Ga 1,4). Niềm vui ấy, người loan báo Tin Mừng cảm nhận nơi chính cuộc đời mình, trước khi thông truyền cho người khác, kể cả trong lúc gặp gian nan thử thách. Tác giả sách Công vụ Tông đồ kể lại, khi bị đánh đòn, các tông đồ ra khỏi Công nghị, vui mừng vì thấy mình xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu (x. Cv 5,41).
– Niềm vui vì là người cử hành Màu nhiệm Phục sinh. Qua thánh lễ dâng hằng ngày, linh mục cùng với cộng đoàn “loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại và mong đợi Chúa lại đến”. Thánh lễ là nguồn vui của linh mục và của cộng đoàn Kitô hữu. Trong mọi hoàn cảnh, linh mục nhân danh cộng đoàn để dâng lễ hằng ngày, để nuôi dưỡng niềm hy vọng cậy trông của các tín hữu. Cũng vậy, các bí tích do linh mục cử hành đều thể hiện niềm vui thiêng liêng: niềm vui được tái sinh (Thánh tẩy), được tha thứ (Giao hoà), được chữa lành (Xức dầu) và được kết hợp giao duyên (Hôn phối).
– Niềm vui vì là hiện thân của Đức Giêsu phục sinh giữa lòng cuộc đời. Đức Giêsu phục sinh đã ngỏ lời với các tông đồ: “Bình an cho anh em, đừng sợ!”. Khi linh mục đến làm phép nhà hoặc cử hành bí tích Xức dầu tại tư gia, ngài chào mọi người bằng công thức: “Bình an cho nhà này!”. Qua lời chào chúc này, linh mục làm chứng Chúa Đức Giêsu đang hiện diện để đem bình an và niềm vui cho cả gia đình.
– Niềm vui vì được sai đến với cộng đoàn Dân Chúa. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi. Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Linh mục vừa là người được sai đi để loan báo niềm vui, vừa là chứng nhân của niềm hân hoan vui mừng, vì xác tín mình đang sống trong thời Chúa thi ân giáng phúc. Ngài có thể tuyên bố một cách xác tín với mọi người: Dưới gầm trời này, ngoài danh Đức Kitô Giêsu, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ (x. Cv 4,12). Sách Công vụ Tông đồ kể lại chứng từ vui tươi của các tông đồ: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,46-47).
Linh mục là người loan báo niềm vui. Tuy vậy, linh mục chỉ thực sự đem lại niềm vui khi đã sống và cảm nghiệm niềm vui nơi chính cuộc sống và sứ mạng của mình. Chúng ta hãy đọc thêm Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” của Đức Phanxicô để hiểu thêm. Đức Thánh Cha quả quyết, diễn tả niềm vui là một trong những điều kiện căn bản để sứ mạng loan báo Tin Mừng đem lại những hiệu quả thiết thực. Một hình ảnh linh mục ủ dột, bi quan chán nản không thể phù hợp với sứ mạng của những chức tư tế Tân ước do Chúa Giêsu thiết lập.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân linh mục Ngài ban cho Giáo Hội. Ước chi mỗi linh mục luôn là chứng nhân của niềm vui trong lòng xã hội và Giáo Hội hôm nay, để rồi khi linh mục hiện diện ở một nơi nào, thì nơi đó tràn đầy ân sủng và hạnh phúc.
––––––––––––––––––––––––––––Sách tham khảo: “Mgr Marius Maziers et le Concile Vatican II (1962-1965)”,tác giả là Đức cha Dominique Lebrun, Tổng giám mục Rouen, Pháp, nxb Osmose 2012.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét