label

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

THƯỜNG HUẤN LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN 2019

THƯỜNG HUẤN LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN 2019

Từ ngày 03 -06/06/2019, hơn 200 linh mục Triều và Dòng đang phục vụ trong giáo phận đã quy tụ về Tòa Giám mục để dự khóa thường huấn thường kỳ.


Chủ đề thường huấn năm nay được Đức cha giáo phận và Ban nghiên huấn chọn để thuyết trình là Lòng Đạo Đức Bình Dân. Đây là một chủ đề rất gần gũi và thiết thực trong đời sống của các linh mục cũng như người giáo dân trong giáo phận. Vì thế, các buổi thuyết trình và hướng ý các đề tài thảo luận được anh em linh mục góp ý sôi nổi và rút ra được nhiều điều thiết thực và bổ ích. Để giúp các linh mục có cái nhìn bao quát về lòng đạo đức bình dân đang nở rộ như việc đi hành hương, giáo phận đã mời cha Giuse Nguyễn Bá Long, cha giáo ĐCV Thánh Quý Cần Thơ và Cha Anrê Lương Vĩnh Phú, Giám đốc Trung tâm hành hương Đức Mẹ Tàpao, trình bày về Trung Tâm Hành Hương Cha Phanxico Trương Bửu Diệp tại Tắc Sậy, và TTHH Đức Mẹ Tapao, Phan Thiết. Qua phần trình bày của cha khách mời, anh em linh mục đã hiểu biết thêm về lòng đạo đức bình dân đang nở rộ trong đời sống giáo dân như thế nào, từ đó, có thể điều chỉnh và hướng ý để người giáo dân không đi lạc đường và sai lạc với ý muốn của giáo hội.

ĐÚC KẾT
THƯỜNG HUẤN LINH MỤC ĐOÀN 
GIÁO PHẬN LONG XUYÊN


DẪN NHẬP
Trọng tâm Khóa Thường huấn Linh mục đoàn năm nay xoay quanh chủ đề: lòng đạo đức bình dân, dưới sự hướng dẫn của toàn bộ tập Chỉ Nam HƯỚNG DẪN VỀ LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN VÀ PHỤNG VỤ, NGUYÊN TẮC VÀ ĐỊNH HƯỚNG, thuộc Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí tích ban hành năm 2001. Mục đích nhằm “bảo đảm cho việc tăng trưởng và phát huy của Phụng vụ...và làm sao cho mọi người không thờ ơ đối với các hình thức đạo đức khác của Dân Chúa” (HDVLĐĐBDVPV. số 1)

Nội dung của Khóa Thường Huấn này được tổ chức theo gợi ý của Đức Cha Giuse, Giám mục giáo phận, và của Ủy ban Linh mục-Chủng sinh–Ơn gọi trong giáo phận. Các tham dự viên gồm hơn hơn 200 linh mục của giáo phận Long xuyên, được qui tụ về Tòa Giám mục LX từ ngày 3 tháng 6 đến ngày 5 tháng 6, để cùng thảo luận học hỏi nội dung này. Ngoài ra còn có sự cộng tác của cha Anrê Lương Vĩnh  Phú, chia sẻ về Trung tâm Hành Hương Thánh Mâu Tàpao, đến từ giáo phận Phan thiết, linh mục Giuse Nguyễn Bá Long đến từ giáo phận Cần thơ, chia sẻ về Trung tâm Hành hương Truyền giáo Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, Tắc sậy. Linh mục Tổng Đại Diện Luy G. Huỳnh Phước Lâm, cùng với quí Linh mục trong Ban Nghiên Huấn của giáo phận nhà. Tất cả làm cho những ngày học hỏi, chia sẻ, suy tư và cầu nguyện thêm phong phú.

A. Tổng quát về Khóa Thường Huấn Linh Mục Đoàn GPLX.
Chương trình của Kỳ Thường huấn khởi sự từ 5:00 với Kinh Sáng, suy niệm và Thánh lễ cho tới 19:00 với Chầu Thánh Thể, đọc Kinh tối. Mọi người đều tham gia tích cực và làm cho những nội dung được đề cập đến trong các buổi thuyết trình và thảo luận, được lưu tâm trong Cuốn Chỉ Nam Hướng Dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ trở nên sống động và thiết thực.


Dẫu khác biệt nhiều vể tuổi tác, văn hoá, giáo dục và xã hội, chúng ta cùng nhất tâm làm nên một cộng đoàn của những môn đệ Chúa Kitô. Quanh Ngài, tình huynh đệ triển nở thật tự nhiên vì chỉ có một đức tin, một lòng mến và một niềm hy vọng. Các Linh mục cùng chia sẻ những ưu tư thao thức trong việc thi hành những sinh hoạt mục vụ ở giáo xứ của mình; cùng thảo luận học hỏi và đặt vấn nạn để đào sâu hiểu biết; cùng chia sẻ những bữa ăn cũng như những giờ giải trí, thể thao; cùng suy niệm những giá trị Tin mừng trong thánh lễ. Tất cả tạo nên một bầu khí vui tươi, thân ái và thanh thản.

Hẳn nhiên, phần lớn thời gian được dùng cho việc đào sâu kiến thức về những hướng dẫn của Giáo hội. Các thuyết trình viên như dụng cụ của Thiên Chúa đã khai sáng cho chúng ta nhiều điều. Nhờ đó, một khi xác tín được những Hướng dẫn của Giáo hội, chúng ta có thể góp phần vào việc khắc sâu cho cộng đoàn giáo dân lòng đạo đức bình dân đúng theo ý Giáo hội.

B. Đúc kết Nội dung Thường Huấn
1. LM. Đaminh Hoàng Quốc Việt:
"Hướng dẫn về Lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ". Sau khi cha thuyết trình viên (TTV) trình bày tổng quát mang tính giới thiệu các nội dung sẽ học hỏi, ngài đã nhấn mạnh đến phần Nguyên tắc và Định hướng của Giáo hội trong Chỉ nam này. Theo dòng lịch sử của thời gian, dẫu cho có những cách thế biểu lộ lòng đạo đức bình dân thiếu chuẩn xác, dẫu cho những thế hệ trước nhiều khi lúng túng và hoài nghi về những giá trị của việc đạo đức bình dân mình thực hiện, thì Phụng vụ Thánh luôn là điểm qui chiếu, để điều chỉnh những suy nghĩ lệch lạc, hoặc thái quá của những hình thức biểu lộ lòng đạo đức bình dân. Sự canh tân bắt đầu từ sau Công đồng Vaticano II qua Hiến chế về Phụng vụ - Sacrosanctum Concilium-. Trong đó, Công đồng trình bày: “tương quan giữa Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân tránh đối lập, cũng không tương đương; ý thức tầm quan trọng của Phụng vụ nhưng không hạ giá lòng đạo đức bình dân, đồng thời cũng tránh thiên về việc đề cao lòng đạo đức bình dân trên các cử hành phụng vụ (HD số 51, 52,53,54). Kết thúc phần những Nguyên tắc chung này, Hiến chế về Phụng vụ Thánh khẳng định: “những việc đạo đức của Dân Chúa...cần phải được điều chỉnh cho hòa hợp với Phụng vụ, để một cách nào đó xuất phát từ Phụng vụ, đưa Dân Chúa vào Phụng vụ, vì tự bản chất, Phụng vụ cao hơn các việc đạo đức rất nhiều.” (HD số 58).

Ngoài ra, tập Chỉ nam Hướng dẫn này cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc huấn luyện cho giáo sĩ và giáo dân, cho thấy những nguyên nhân gây mất quân bình, gây căng thẳng giữa Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, lúc nào cũng cần phải tái khám phá, nhất là cần có một sự huấn luyện về lòng đạo đức bình dân nhằm tạo nên “một linh đạo hài hòa và có phẩm chất”, (HD số 59). Vì chúng ta cần truyền thụ những giá trị không phải như một sự sao chép, nhưng như một sự trung thành đầy sáng tạo.

Tiếp theo, Linh mục TTV trình bày chương III: Nguyên tắc Thần học để lượng giá và canh tân lòng đạo đức bình dân. Vì mọi sinh hoạt phượng tự của Giáo hội đều phải qui về sự “hiệp thông với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần”, qua đó cho ta biết mọi sinh hoạt phụng thờ Thiên Chúa như một cuộc gặp gỡ, đối thoại với Chúa Cha, Đấng là khởi sự công trình Cứu độ, với Chúa Con, Đấng đã hoàn tất kế hoạch Cứu độ và với Chúa Thánh Thần, vì chính Ngôi Ba đã: “đổ tràn trên họ tinh thần nghĩa tử..., nhờ đó họ có được thái độ con thảo như Chúa Kitô” (x. Rm 8,15-17).

Dưới ánh sáng và các nguyên tắc vừa nêu trên, chúng ta nhận thấy lòng đạo đức bình dân rất nhạy cảm với Phụ tính của Chúa Cha. Lòng đạo đức bình dân tập trung vào Chúa Kitô. Lòng đạo đức bình dân thích suy ngắm các mầu nhiệm Thương khó Chúa Kitô; lòng đạo đức bình dân cũng hướng tới Chúa Thánh Thần. Vì vậy, giáo hữu cần ý thức để củng cố lòng đạo đức của mình bằng tính chất đặc biệt của việc cầu nguyện, là gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi, Tin mừng hóa lòng đạo đức bình dân để thấy sự hiện diện của Thánh Thần xuyên qua những huấn quyền của Giáo hội. Sao cho lòng đạo đức bình dân làm nổi bật lên tính chất và nền tảng của biến cố Phục sinh của Chúa Kitô, để cuối cùng dẫn đưa các giáo hữu tiến đến việc tham dự trọn vẹn vào bí tích Thánh Thể, mà tột đỉnh là tham dự vào Tam nhật Thánh và thánh lễ ngày Chúa nhật.

Linh mục TTV không quên đề cập đến vai trò của Giáo hội trong những biểu hiện của lòng đạo đức bình dân, vì đó là lòng đạo đức bình dân của Giáo hội. Dựa vào Lời Chúa, những huấn quyền, các nguyên tắc, Giáo hội đồng hành với mọi thành phần Dân Chúa, trong chức tư tế chung của mọi Kitô hữu, và nhiều sinh hoạt đạo đức bình dân khác nữa, Giáo hội hướng dẫn Dân Chúa dần dà đi vào tiến trình hội nhập văn hóa của Phụng vụ đã nói về chủ đề lòng đạo đức bình dân này.

2. LM. Gioan Vũ Ngọc Khôi:
Giờ đây, chúng ta đi vào PHẦN II: NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG NHẰM TẠO SỰ HÀI HÒA GIỮA LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN VÀ PHỤNG VỤ, mà ta gọi là phần mục vụ thực hành cụ thể. Những định hướng này cách chung gồm những chỉ dẫn liên quan đặc biệt hơn đến lãnh vực mục vụ về Phụng vụ. Những lãnh vực mục vụ về Phụng vụ này được chia thành bốn chương, theo thứ tự phân chia của cuốn Chỉ nam Hướng dẫn, đó là các chương: chương IV đề cập đến Năm Phụng vụ; chương V nói tới lòng sùng kính Đức Maria; chương VI là việc tôn kính các thánh và các chân phước; chương VII trình bày việc cầu nguyện cho người đã qua đời và chương VIII nói về các đền thánh và các cuộc hành hương.

-Ý kiến thảo luận: Có rất nhiều điều cần được giải đáp được các tham dự viên nêu ra, nhằm tránh chồng chéo cho những việc mục vụ tại các giáo xứ hiện nay. Nào đóng đinh, táng xác, dâng hoa ở cung thánh được phép không, nào cử hành các nghi thức tuyên hứa các hội đoàn xen vào thánh lễ.v.v…Có những hình thức tạm gọi là “duy phụng vụ”, hoặc co ý xem thường những sinh hoạt thể hiện đạo đức bình dân; nhưng cũng có những “duy đạo đức bình dân” mà coi thường phụng vụ thánh. Những đan xen như thế làm cho các vị mục tử lâm vào tình trạng khó xử, vì không biết bỏ cái nào, giữ điều gì. Có nên chăng, giáo quyền địa phương cần bàn soạn để đi đến thống nhất trong sinh hoạt mục vụ địa phương. Tránh mỗi nơi làm mỗi khác, hoặc để xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Có thể giáo hữu hiện nay đang đi vào tình trạng giống như thời Giáo hội sơ khai, vừa muốn rửa tội vào Kitô giáo, nhưng cũng muốn giữ lại việc cắt bì và giữ luật Môsê. Họ không muốn đánh mất đi những thứ đối với họ là vô giá từ thời cha ông để lại, đã giúp họ giữ và sống đạo trong một thời gian lâu dài.

Dựa vào những nguyên tắc và định hướng của văn kiện này, ta nhận thấy Huấn quyền đưa ra tính ưu thế của Phụng vụ trên các hình thức phụng tự khác; tính cao quí và hợp pháp của lòng đạo đức bình dân; nhu cầu cần tránh mọi hình thức đối lập giữa Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, tránh những lẫn lộn có thể đưa đến những lễ nghi lai tạp. Dĩ nhiên là không thể đề cập đầy đủ tất cả mọi biểu hiện của lòng đạo đức bình dân khắp nơi được, vì thông thường, đạo đức bình dân lại ảnh hưởng văn hóa và các sắc dân ở nhiều nơi, mỗi nơi mỗi khác. Cứ xoay sở mà không có định hướng của Giáo hội đang canh tân từng ngày cho phù hợp với Công đồng Vatican II, thì chắc chắc chúng ta đang làm chậm đi bước đi canh tân này.
Sau đây, để có thêm phần xác tín về những việc thực hành mục vụ đạo đức bình dân nói trên, chúng ta cùng nhau đi vào nội dung thuyết trình của LM. Anrê về Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.

3. Linh mục Anrê Lương Vĩnh Phú:
“VÀI KINH NGHIỆM MỤC VỤ TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO, GIÁO PHẬN PHAN THIẾT”. Sau khi được chia sẻ về những sinh hoạt mục vụ của Trung tâm hành hương, và nói tới những hình thức biểu hiện không lành mạnh, đôi khi mất trật tự, trộm cắp khi quá đông người, ngay cả thiếu sự tin tưởng đậm chất mê tín của một số người đến đây, vị thuyết trình dẫn chúng ta đi ngay vào những biểu hiện tốt lành đầy đức tin và lòng yêu mến, mà những người đang phụ trách muốn hướng dẫn cho khách hành hương khi đến nơi đây tôn kính Mẹ Maria. Đặc biệt quan tâm đến xu hướng muốn xem đây là cơ hội để giáo dục đức tin cho mọi người, Kitô hữu và cả dân ngoại. Một định hướng đúng đắn rõ ràng từ giáo phận làm an lòng nhiều người.
Ngay từ những năm đầu (1998-1999), khi dòng người hành hương tuôn về Đức Mẹ Tàpao mỗi ngày một đông, Đức Cố Giám Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi, nguyên Giám mục Giáo phận Phan Thiết, đã nhận ra nhu cầu giáo dục đức tin cho khách hành hương tại đây. Nhờ sự hướng dẫn và giúp đỡ ngay từ đầu của giáo phận, nên khách hành hương có thể an tâm đến đây cầu nguyện, tham dự thánh lễ, tĩnh tâm, viếng Đức Mẹ.

Cách riêng, có Thánh Lễ được cử hành vào sáng ngày 13 hằng tháng tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao hiện nay được coi như là bằng chứng của những nỗ lực lớn lao của Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi. Các Đức Cha tiếp theo (Đức Cố Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, và hiện nay là Đức Cha Thomas Nguyễn Văn Trâm, Giám Quản Tông Tòa Giáo phận Phan Thiết) đã và đang duy trì truyền thống tốt đẹp này. Nhờ vậy mà bà con hành hương luôn được quan tâm chăm sóc, nhất là về đời sống đức tin, qua các Thánh lễ và giáo huấn của các linh mục.

Trung tâm ở đây còn lo lắng đáp ứng những nhu cầu thông thường ăn nghỉ, vệ sinh, đến việc tham dự những thánh lễ của khách hành hương, bằng cách xây dựng nơi ăn ở sinh hoạt cho những nhu cầu bình thường ấy. Rồi đến nơi tiếp khách, chỗ gửi xe, chỗ có nhiều bóng mát. Đặc biệt năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao, Ban Giáo lý của giáo phận đã tổ chức trình bày giáo lý về Thánh Mẫu học, xen kẽ với những giờ cầu nguyện. Mục đích là để cổ vũ lòng yêu mến sùng kính Mẹ. Cũng có nghĩa là hướng lòng đạo đức bình dân ấy về Thiên Chúa Ba ngôi. Đó là linh đạo của Trung Tâm Thánh Mẫu này: Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu. Linh mục TTV cho rằng: “Từ các buổi học hỏi giáo lý này, chúng con mong ước chẳng những có thể bồi đắp thêm cho các tín hữu những kiến thức về đức tin mà còn giúp họ tiếp tục thể hiện các cử chỉ, hành thường được gọi là đạo đức bình dân, như được liệt kê ở trên, với một ý thức sâu sắc hơn và phù hợp với đức tin Công Giáo”.
Vị thuyết trình viên còn nói đến giá trị thiêng liêng được ghi rõ của Bản Quy Chế Điều Hành TTTMTP:
          Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ TàPao là công trình được khởi xướng, hình thành và an bài bởi Thiên Chúa Ba Ngôi, qua Mẹ Maria và qua những con người trong những hoàn cảnh lịch sử đặc thù… Vì thế, trước hết và trên hết, mọi công việc kiến thiết và sinh hoạt mục vụ nơi đây phải nhắm tới việc tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, qua Mẹ Maria.
         
- Ý kiến đúc kết của các nhóm: dựa vào chỉ dẫn của Giáo hội như thế, sẽ tránh được những chuyện không hay, mê tín, buôn thần bán thánh, thiếu sự tôn kính thật đối với Mẹ Maria và với Chúa...
- Rõ ràng với cách quan tâm của các vị phụ trách Trung tâm Thánh Mẫu này, cộng với một số việc do Huấn quyền khuyến khích trong việc sùng kính Đức Trinh nữ Maria, như suy niệm Lời Chúa, Lần chuỗi Mân côi, các cuộc cung nghinh Mẹ Maria, Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao đang dần dần hướng mọi Kitô hữu và khách hành hương đến với Thiên Chúa, đấng là Cha giàu lòng thương xót.

Và vị thuyết trình viên kết luận: “Giáo hội thừa nhận rằng các việc đạo đức bình dân có một giá trị nhất định trong đời sống đức tin của Kitô hữu, và xem chúng như một cách thế sâu sắc diễn tả đức tin của dân Chúa. Thật vậy, dù luôn khẳng định vị trí ưu việt và không gì có thể thay thế Phụng Vụ được, Giáo Hội cũng dạy rằng đời sống thiêng liêng của Dân Chúa không chỉ giới hạn trong việc tham dự Phụng Vụ Thánh mà còn được nuôi dưỡng bằng những việc đạo đức khác nữa”
(x. Hiến chế PV, 12-13).
4. Linh mục Giuse Nguyễn Bá Long:
“KHAI SINH VÀ PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG TRUYỀN GIÁO PHANXICÔ XAVIÊ TRƯƠNG BỬU DIỆP”, GIÁO PHẬN CẦN THƠ.  Sau khi trình bày đôi nét về tiểu sử cha Fx. Trương Bửu Diệp và những thời kỳ hình thành nên Trung tâm Hành hương Tắc Sậy, LM. Thuyết trình viên đã nói đến những sinh hoạt đạo đức bình dân, thánh lễ hằng ngày của trung tâm này. Khách hành hương đến viếng, cầu nguyện mỗi ngày mỗi tăng.

Đặc biệt, từ sau khi chính thức tuyên bố tiến trình phong thánh cho cha, thì Đức cha Stephanô đã nhìn nhận và tuyên bố cha Phanxicô Xaviê là Đầy Tớ Chúa, và cho phép phổ biến hình ảnh, kinh cầu nguyện cũng như tiểu sử của cha Phanxicô Xaviê trong Giáo phận mình. Đồng thời lập hồ sơ và gửi tất cả những tài liệu, chứng từ đến Bộ Tuyên Thánh Roma.

Những phục vụ của Trung tâm cho khách hành hương: Trung tâm hiện thời có nhà vãng lai (miễn phí) cho khách hành hương; về phần thiêng liêng có linh mục giải tội cho những ai có nhu cầu, có Thánh Lễ vào giờ nhất định cho khách hành hương, đồng thời cũng có những Thánh Lễ riêng cho những đoàn hành hương có yêu cầu. Riêng việc phục vụ ăn uống thì Trung Tâm chưa giải quyết được vì nhiều lý do khách quan. Hầu hết khách hành hương đều cảm thấy Trung Tâm mỗi ngày một cải tiến tốt hơn và tạo thoải mái hơn, không còn nạn chèo kéo mua bán của những người bán rong. Thỉnh thoảng Trung Tâm cũng phục vụ các khóa huấn luyện  giáo dân trong Hạt Bạc Liêu.

Những hiệu quả thiêng liêng: Nhiều người nhờ dịp này được ơn trở lại. Nhiều người dùng dịp này như cuộc hành hương mùa chay để hãm mình. Đặc biệt là nhiều anh em người lương cảm nghiệm được đức tin và tìm được đức tin qua sự bầu cử của cha Phanxicô. Trong tương lai Trung Tâm sẽ có những buổi Tĩnh Tâm cho các Đoàn có nhu cầu, hoặc tập huấn cho các đoàn, các giới. Nét đặc thù của Trung Tâm Hành Hương Phanxicô Trương Bửu Diệp:
  • Cha Diệp người miền Nam chưa được phong thánh
  • Vùng đất cực nam của đất nước. 
  • Người tham dự có đủ mọi thành phần: lương & giáo, tội lỗi & đạo đức, đời & đạo…
Các linh mục hữu trách của trung tâm hành hương này đã và đang nỗ lực để dẫn dắt tâm tình của người đến hành hương vào việc sống đạo bằng cách làm chứng cho Chúa trong đời sống mình, theo gương cha Phanxicô Xavie.

Ý kiến đúc kết thảo luận của các nhóm:
-Dưới ánh sáng của Huấn giáo thì đền thánh, hành hương trở thành nơi qui tụ với nhiều sắc thái thánh thiêng hơn là một thứ lễ hội, vốn đang làn tràn ở nhiều nơi khác. Đồng thời, cũng giúp cho nhiều người khi đến đó, họ cũng cần phải gia tăng việc cầu nguyện, hy sinh, làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo..., hơn là chỉ đến để xin xỏ điều gì đó cho mình mà thôi. Và ngay cả vấn đề giữ trật tự xung quanh, an ninh được bảo đảm, tránh được cướp bóc lặt vặt, chỗ gửi xe, chỗ vệ sinh sạch sẽ, Âu đây một tín hiệu tốt lành cho khách hành hương.

- Qua những gì vị Linh mục Thuyết trình chia sẻ, chúng ta nhận thấy lòng đạo đức bình dân trong các cuộc hành hương của Trung tâm này, có những điểm qui chiếu về những nguyên tắc và định hướng của Huấn giáo. Thật vậy, một mặt chính Giáo hội ý thức mình đang “trên đường hành hương dưới thế”, mặt khác Giáo hội cũng công nhận tính chính đáng của hình thức đạo đức bình dân, và khuyến khích việc này trong nhiều thế kỷ qua. Trải qua bao thăng trầm trong lịch sử cho tới ngày nay, hành hương vẫn bảo tồn được những đặc tính chủ yếu, nói lên tính chân thực của hành hương Kitô giáo. Đó là: chiều kích cánh chung, chiều kích lễ hội, chiều kích phụng tự, chiều kích tông đồ và chiều kích hiệp thông.

- Cuộc hành hương nào cũng cần được khởi sự và kết thúc bằng một thời gian cầu nguyện, nhất là cử hành thánh lễ, có thể trong đền thánh hay trong nhà thờ tại nơi xuất phát hành hương. Đây là cơ hội để các tín hữu dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho họ đến được với cuộc hành hương này, cũng là cơ hội để họ cầu xin Chúa, qua sự chuyển cầu của các thánh, giúp họ sống đạo và làm chứng cho Chúa tốt hơn trong đời sống thường ngày khi họ trở về nhà.

          - Gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa cứu độ luôn luôn là điều mà mọi người cần nhớ đến khi trở về nhà sau hành hương.
- Giáo hội được phong phú hơn nhờ những hình thức biểu lộ lòng đạo đức bình dân của các dân tộc mọi vùng miền trên thế giới, vì đạo đức bình dân luôn gắn liền với sắc thái văn hóa của một dân tộc. Vì vậy, thật khó có thể nói văn hóa đạo đức bình dân ở giáo hội châu Phi, phải giống như châu Âu hay châu Mỹ. Hay những thực hành đạo đức bình dân ở châu Á, cần phải làm giống y như ở châu Phi. Do đó, Giáo hội cần phải đón chào những gì mà con người trong thế giới này đang khao khát được biểu hiện, Giáo hội hướng dẫn để định hướng chứ không loại trừ. Rồi Giáo hội làm hoàn hảo chúng bằng Tin mừng Đức Giêsu, bằng Phụng vụ thánh. Máu của các chứng nhân luôn sản sinh ra nhiều hạt giống tốt tươi trong mùa màng của Thiên Chúa. Các cuộc hành hương cần ý thức nhận ra chân lý này.

5. LM. Luy G. Huỳnh Phước Lâm:
THỰC HÀNH LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN TRONG GIÁO PHẬN LONG XUYÊN” Thuyết trình viên dựa vào Chỉ Nam “Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ” mà theo đó, lòng đạo đức bình dân “chỉ những biểu hiện phụng tự mang tính cách cá nhân hay cộng đồng mà trong khuôn khổ đức tin Kitô giáo, diễn tả trước hết, không phải là theo các thể thức Phụng Vụ, nhưng vay mượn những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một dân tộc hay một sắc tộc, nghĩa là thuộc văn hóa của họ” (HD Số 9). Sách Giáo lý Công giáo của Hội thánh Công giáo cũng đề cập tới lòng đạo đức bình dân tương tự như vậy.

Từ đó, Linh mục thuyết trình viên đề cập đến những sắc thái khác nhau của lòng đạo đức bình dân đang được thực hành trong giáo phận Long xuyên. Như lòng sùng kính Đức Kitô trong Năm Phụng vụ. Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh. Có trang trí Vòng lá Mùa Vọng, cắm 4 cây nến tím hồng trên vòng lá, làm hang đá, trang trí Cây Noel, Kiệu Chúa Hài đồng, diễn nguyện Canh thức...Còn Mùa Chay, Mùa Phục sinh: việc Xức tro, Kinh nguyện, Đi chặng đàng Thánh giá, Tôn thờ Mình Thánh Chúa, Hôn Chân, Diễn lại cuộc Thương Khó Chúa Kitô...là rất tốt. Nhưng cẩn thận theo những chỉ dẫn của Huấn giáo. Tránh những cách biểu lộ cảm xúc nhất thời chóng qua trong các biểu hiện này. Việc tôn sùng Chúa Kitô còn được thể hiện qua việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, đến với việc sùng kính Lòng Thương xót Chúa.

Kế tiếp, vị thuyết trình nói đến việc tôn kính Đức Mẹ Maria qua các hình thức như: Đọc Kinh Truyền tin ban trưa, tổ chức Tháng Hoa, đọc kinh liên gia, treo ảnh tượng Đức Mẹ, kiệu Đức Bà, xây Hang đá, kính Đức Mẹ vào thứ bảy đầu tháng, hành hương Đức Mẹ Hòn Chông, hành hương Đài Đức Mẹ Tân hiệp, Hội Đức Mẹ Tận hiến...

Linh mục thuyết trình viên còn đề cập đến những hình thức tôn kính các thánh. Cụ thể là Thánh Cả Giuse ở giáo xứ An Bình kinh F, hai thánh Tử đạo ở Châu Đốc và Cù lao Giêng, thánh Vinh sơn ở giáo xứ Trung Thành, cùng các thánh khác nữa. Chỉ Nam Hướng dẫn này cũng nói rõ: “việc tôn kính các thánh cách chân chính không chỉ là thêm nhiều hành động bên ngoài, nhưng đúng hơn là thực hành một lòng yêu mến nhiệt thành và hữu hiệu” (HD số 212), thể hiện trong chứng từ một cuộc sống Kitô hữu gương mẫu.
Hành hương nhằm mục đích noi gương các vị tử đạo? Hành hương là tập sống tinh thần tử đạo mỗi ngày, có phải là điều mà giáo dân tập sống mỗi khi họ có cơ hội đến với những nơi như Đền Thánh hay địa điểm hành hương ở nhiều nơi.

Ở phần sau cùng, Linh mục TTV nói đến những việc thực hành truyền thống liên hệ với các cử hành bí tích và các nghi thức Kitô giáo khác. Như qui tụ đọc kinh cầu nguyện cho người qua đời, đọc kinh giỗ ông bà cha mẹ..., viếng nghĩa trang trong các dịp lễ Các Đẳng Linh hồn, làm phép các ảnh tượng, làm phép nhà mới, làm phép đồ vật thờ kính...Còn lại là phần việc của các vị mục tử trong lãnh vực này: “Các mục tử cần phải phân định để nâng đỡ và ủng hộ lòng đạo đức bình dân, và nếu cần, để thanh luyện và điều chỉnh cảm thức tôn giáo tiềm ẩn dưới những việc sùng kính này, để liệu sao cho người ta tiến triển trong việc nhận biết những mầu nhiệm của Đức Kitô. Việc thực hành những hình thức đạo đức này là theo sự chăm sóc và xét đoán của các Giám mục, và theo những quy định chung của Hội Thánh” (GLHTCG, số 1676).

-Ý kiến đúc kết từ các nhóm: đọc kinh gia đình tránh ăn uống ăn uống, tiệc tùng, lạm dụng vòng hoa trong các đám tang, thiếu sự cầu nguyện, bầu khí ồn ào khó tập trung vào kinh nguyện...Trang trí hình thức bên ngoài thì cần thiết, nhưng tránh phô trương. Có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khu xóm này với khu xóm khác khi làm hang đá giáng sinh. Có nơi việc Ngắm nguyện Thương khó CGS thì tổ chức rầm rộ, còn nghi thức của Phụng vụ Tuần Thánh thì ít chú ý đến. Rất nhiều những việc không lành mạnh, không làm nổi bật đặc điểm của sinh hoạt đạo đức bình dân, khiến chúng ta cần phải đặt lại vấn đề, sao cho tất cả đều làm tăng thêm đức tin, lòng mến đối với Mẹ Maria, Các Thánh, mà không quên dẫn giáo dân đến với đối tượng tối thượng là Thiên Chúa.
Cách riêng đối với việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Hiến chế về Giáo hội có ghi rằng: “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ, và noi gương các nhân đức”. (GH 67)

C. Kết luận:
Nhiều lúc chúng ta dễ bi quan vì xem ra mình chưa làm được gì. Nhiều người bức xúc khi thấy mặt trái của những hình thức biểu hiện lòng đạo đức bình dân ở đây đó. Nhưng cũng chính từ đó, chúng ta càng thâm tín hơn con đường Đức Giêsu đã đi. Ngài làm cho Nước Thiên Chúa đến bằng cách biến đổi từng đơn vị nhỏ bé. Hãy làm cho các gia đình chúng ta thành những người thực thi lòng xót thương và tha thứ qua những biểu hiện lòng đạo đức bình dân. Hãy làm cho giáo xứ chúng ta nên dễ mến và biết đối thoại trong yêu thương khi thực hành lòng đạo đức bình dân song song với những việc phụng vụ. Những điều đó nằm trong tầm tay chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ thấy bộ mặt cộng đoàn biến đổi, bởi lẽ chính Thánh Thần mới canh tân bộ mặt trái đất. Nước Thiên Chúa không hiển thị viên mãn ngay lập tức. Nước Thiên Chúa như hạt mầm lớn lên thành cây. Nước Thiên Chúa đi liền với sự kiên nhẫn. Và đó chính là con đường hành động của Thiên Chúa. Thực hành lòng đạo đức bình dân theo đúng Chỉ Nam của Giáo hội cũng chính là học để kiên nhẫn, tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ không ngừng. Mong sao đây là điều các linh mục luôn ý thức khi tham dự khóa thường huấn này.
Mới đây Đức cha Giuse, giám mục giáo phận đã lên tiếng mời gọi chúng ta cố gắng làm nổi bật lên tính thánh thiêng của những việc đạo đức bình dân, nhất là trong các cuộc hành hương. Đức cha mời gọi chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và ngài cũng chân thành cám ơn mọi người đã cùng nhau sống tình huynh đệ Linh mục cụ thể trong những ngày qua. Thật đúng là những ngày hồng ân. Thiên Chúa muốn nhờ đó để tăng sức cho chúng ta là những môn đệ của Chúa, hăng say nhiệt tình sống nêu gương cho giáo dân biết sống, làm chứng cho Giáo hội của Chúa ngay tại đây và lúc này.
                      Long Xuyên, ngày 05 tháng 6 năm 2019
                             UB Linh mục-Chủng sinh-Ơn gọi












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét