label

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

Xúc động và mang khẩu trang, giáo dân mời linh mục dâng thánh lễ tại gia

Xúc động và mang khẩu trang, giáo dân mời linh mục dâng thánh lễ tại gia

  •  
Nhiều giáo phận, giáo dân mời linh mục về dâng thánh lễ tại gia và họ theo đúng quy định bảo vệ. Ngày thứ bảy 16 tháng 5, báo La Croix đến dự một trong các thánh lễ này ở Paris.


Ông bà Dominique và Florence không do dự một giây khi đọc bài phỏng vấn linh mục Yann Vagneux trên báo La Croix ngày 30 tháng 4. Linh mục Vagneux thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, bình thường cha sống ở Bénarès, Ấn Độ nhưng trong thời gian cách ly, cha về Paris sống hai tháng cách ly với gia đình, cha cho biết trong khi chờ đợi được dâng thánh lễ với giáo dân, cha sẵn lòng đến nhà giáo dân để dâng thánh lễ như cha vẫn thường làm ở Argentina và Ấn Độ.
Vì thế hai vợ chồng bác sĩ về hưu cùng với sáu người bạn trong chuyến đi Ấn Độ năm 2018 của họ đã mời cha Vagneux đến nhà dâng thánh lễ, họ giải thích: “Chúng tôi thiếu Mình Thánh Chúa. Thời gian sống cách ly đã làm chúng tôi ý thức các cộng đoàn kitô hữu ở Amazon hay ở các nơi khác họ đã khổ như thế nào khi chỉ gặp linh mục một hoặc hai lần một năm.”
Trong phòng ăn ở căn hộ của hai vợ chồng ở quận 6 thành phố Paris, họ dọn bàn thờ, trải khăn trắng và thắp hai ngọn nến, ghế được sắp cách nhau một mét và để sẵn dung dịch cồn sát trùng.
Mang khẩu trang, mỗi người nói lên tình cảm của mình với nước Ấn Độ và họ sống thời gian cách ly không có Mình Thánh Chúa này như thế nào.
Bà Chantal khám phá Ấn Độ năm 2018, bà mang hộp để đựng Mình Thánh Chúa đem về cho người mẹ lớn tuổi của mình đã không được rước lễ từ hai tháng nay.
Bà Florence, bác sĩ về hưu, trong thời gian cách ly, bà hướng dẫn qua điện thoại cho các người di dân gặp khó khăn và các phụ nữ mang thai trong các trại hoặc các cô làm điếm không gia cư, không thức ăn vì không có khách hàng.
Còn về phần ông Dominique ở giáo xứ Saint-Sulpice thì mỗi 15 ngày ông gởi bản thông tin hỗ trợ giáo dân, ông viết cảm hứng từ các bài giảng trong thánh lễ hàng ngày của Đức Phanxicô và làm theo lời khuyên của một cha xứ, cha xin các gia đình cầu nguyện vào một giờ cố định với các bài đọc trong ngày.
Mệt mỏi khi theo dõi thánh lễ trên màn hình
Ông bà Bernard và Marie-Anne biết cha Vagneux, cũng như biết Linh mục Dòng Tên Pierre Ceyrac (1914-2012) truyền giáo ở Ấn Độ, hai ông bà tiếp tục bảo trợ các em bé ở thành phố ổ chuột Madras. Bà Françoise vẫn còn mê Ấn Độ từ ngày bà đi hưởng tuần trăng mật cách đây 40 năm, bà cho biết bà mệt mỏi khi xem lễ trên màn hình.
Còn bà Emmanuelle, chị cả của linh mục Yann thì rất thích thời gian sống cách ly với em mình mà từ “36 năm nay” hai chị em không còn ở chung, bà mừng vì hàng ngày được dự thánh lễ em mình làm. Bà ở trong nhóm các thiện nguyện viên điện thoại cho các người lớn tuổi để an ủi họ trong thời gian cách ly này.
Những người ở đây đều cảm nhận không những mình thiếu Mình Thánh Chúa mà còn thiếu sự họp  nhau qua nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo hội.”
Linh mục Vagneux thường có thói quen dâng lễ cho các cộng đoàn nhỏ ở Bénarès Ấn Độ, các linh mục truyền giáo ở các vùng không có nhà thờ nên họ đã quen dâng thánh lễ trong nhà giáo dân, cha cho biết: “Nếu tôi là linh mục xứ ở Pháp, tôi sẽ xin giáo dân đến dâng lễ ở nhà họ và mời những người sống đơn độc đến dự.”
Lời cầu nguyện lớn của Giáo hội
Linh mục Vagneux nhấn mạnh: “Không có một thánh lễ nào gọi là thánh lễ riêng vì Chúa Kitô tận hiến mình cho tất cả mọi người. Lời cầu nguyện của thánh lễ là lời cầu nguyện lớn của Giáo hội, lời cầu nguyện mang tính cộng đoàn nhất.”
Mọi người đều được mời gọi theo hoàn cảnh, theo cách họ phân định tiếng gọi của Thần Khí. Cha nói tiếp: “Hiện nay làn sóng đại dịch đã giảm dần và chúng ta đã thấy những gì đã thay đổi, những gì đã bị phá hủy và nhiều tiếng gọi mới bắt đầu xuất hiện.”
Trong lời cầu nguyện giáo dân, mỗi người đều dâng lời cầu nguyện riêng của mình nhưng tất cả đều cầu nguyện cho người dân Ấn Độ, những người có khi phải đi bộ cả ngàn cây số để về nhà họ.
Sau khi rước lễ bằng tay, mọi người sốt sắng cầu nguyện, ý thức mình đã từ lâu thiếu Mình Thánh Chúa, bây giờ họ được no thỏa. Điều này đã được cha Vagneux xác nhận trong bữa ăn điểm tâm thân tình, cha nhắc lại lời của nhà thần nghiệm Thụy Sĩ Maurice Zundel: “Ngài đã đưa chúng ta đến điểm cụ thể nhất, điểm cơ bản nhất của đời sống thể xác, trong nhu cầu ăn uống. Và Ngài dạy chúng ta ăn một cách thánh thiện, một cách thần thánh, rước lễ từ hình hài mong manh của bánh đến Vua vĩnh cữu muôn đời.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét