label

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Linh mục Cantalamessa: "Các vụ tai tiếng ư? Giáo hội ngày nay trong sạch hơn ngày xưa"

 

Linh mục Cantalamessa: "Các vụ tai tiếng ư? Giáo hội ngày nay trong sạch hơn ngày xưa"


  • Linh mục Raniero Cantalamessa, 86 tuổi, Dòng Capuxinô, người giảng cho Phủ Giáo hoàng sẽ là hồng y trong công nghị ngày 28 tháng 11 sắp tới: “Luôn phục vụ giáo hoàng, nhưng tôi tiếp tục sống trong đan viện ẩn tu. Tôi chưa bao giờ thay đổi học thuyết, tôi luôn dựa vào Phúc âm.”
 

RanieroCantalamessa.jpg

 

Như thường lệ và cũng như nhiều người khác, Linh mục Raniero Cantalamessa theo dõi Kinh Truyền Tin trên đài truyền hình, cha nghe Đức Phanxicô xướng tên mình trong số 13 tân hồng y trong công nghị ngày 28 tháng 11 sắp tới. Cha nói với trang Vatican Insider: “Tôi sẽ nghĩ ai đó khác nếu tôi không mang tên họ không thể nào nhầm lẫn như vậy”.

 

Nhà thần học, học giả, tác giả nhiều sách, nổi tiếng trên đài truyền hình Ý RAI, cha cũng có mặt trên mạng xã hội và có hàng ngàn người theo dõi bài giảng của mình. Cha Cantalamessa gần như là một ngôi sao trên web, trừ việc cha vẫn sống như một ẩn sĩ. Điều mà cha sẽ tiếp tục làm sau khi nhận mũ đỏ. Mọi người đều đồng ý việc cha được bổ nhiệm làm hồng y: “Đó là người của Chúa!” Nhưng cũng không thiếu các lời chỉ trích: “Tôi không mất tinh thần”. Ngay cả các vụ bê bối trong Giáo hội cũng không làm cha bực mình: “Chúng ta không nhận ra Giáo hội ngày nay trong sạch hơn ngày xưa rất nhiều”, cha khẳng định với tư cách của một sử gia.

 

Xin cha cho biết suy nghĩ đầu tiên của cha khi cha nghe tên cha trong danh sách các tân hồng y?

 

“Vượt qua ngạc nhiên ban đầu, tôi nghĩ gần như đó là do công việc phục vụ của tôi cho Chúa là loan báo Lời Chúa cho Phủ giáo hoàng và các nơi khác trên thế giới. Vì thế Đức Phanxicô muốn nâng tầm quan trọng của việc tuân giữ Lời Chúa trong Giáo hội hơn là tưởng thưởng cá nhân tôi.”

 

Cha phục vụ đã hơn bốn mươi năm và qua ba triều giáo hoàng. Có bao giờ cha nghĩ cuối cùng sẽ kết thúc với chiếc mũ đỏ không?

 

“Tôi không nghĩ, nhưng tôi biết trong những năm gần đây, một vài người trong Dòng Capuxinô đã có suy nghĩ này. Tôi luôn chia sẻ niềm xác tín của nhà thuyết giáo vĩ đại dòng Phanxicô San Bernardino ở Siena. Khi có tin cha sẽ thành giám mục và mọi người đang xôn xao ủng hộ, có lần cha lên bục giảng và ngậm nửa ngón tay rồi giảng. Đến một lúc, cha hỏi: “Anh chị em có hiểu tôi nói gì không?” Mọi người trả lời: “Không!” Cha kết luận: “Vì thế tôi phải nói với anh chị em, nếu anh chị em muốn tôi làm giám mục nửa miệng”. Thành thật mà nói, tôi không gặp nguy cơ này vì các giáo hoàng tôi phục vụ, các ngài luôn để tôi được tự do khi giảng, các ngài không bao giờ ra chủ đề hay xin đọc bài giảng trước khi tôi giảng. Ngay cả với bài giảng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô là bài giảng được các phương tiện truyền thông chú ý nhất.”

 

Cha ở đan viện, làm thế nào cha có thể dung hòa với nhiệm vụ cha được gọi?

 

Tôi thuộc vào danh sách các hồng y trên 80 tuổi, như thế sẽ không có công việc hay nhiệm vụ gì đặc biệt, vì thế cuộc sống của tôi sẽ không thay đổi nhiều. Tôi sẽ tiếp tục sống trong ẩn viện Tình Thương xót Chúa ở Cittaducale với một số tu sĩ Dòng Clara mà theo một nghĩa nào đó, tôi là tuyên úy của họ. Như ý của Đức Thánh Cha, tôi tiếp tục là người giảng cho Phủ giáo hoàng. Tôi đang chuẩn bị cho các bài giảng Mùa Vọng.”

 

Cha đã sống ba triều giáo hoàng: xin cha nói về thời gian dài này và về ba giáo hoàng. Xin cha cũng cho chúng con biết một trong các  ẩn dụ đặc trưng các bài giảng của cha…

 

Trước hết, tôi muốn nhắc lại, trong trường hợp của tôi, theo một nghĩa nào đó, các vai trò đã bị đảo ngược: chính các giáo hoàng là người giảng cho tôi và cho mọi người trong Giáo hội. Mặc dù bận rất nhiều việc trong ngày, nhưng các ngài, trong thời gian Mùa Chay, Mùa Vọng, mỗi thứ sáu các ngài đều dành thì giờ để nghe bài suy niệm của một linh mục trong Giáo hội công giáo (Đức Gioan-Phaolô II đã làm trong suốt 25 năm)!

 

Nhưng những người ngạc nhiên nhất là một số bạn trong các giáo phái Tin lành và Phúc âm, vì với họ, người quan trọng nhất trong buổi lễ phụng vụ là người giảng. Điều này đã thay đổi một số ý tưởng của họ có về Giáo hoàng.

 

Và theo ẩn dụ, tôi sẽ mô tả ba giáo hoàng như thế nào đây. Tôi cố gắng để làm, nhưng tôi sợ đơn giản hóa luôn có nguy cơ không tốt: Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, một nhân cách vĩ đại đã sống cả đời trước sự hiện diện của thế giới và sự hiện diện của Thiên Chúa; Đức Bênêđictô XVI, một tâm hồn cao quý và đồng thời cũng vô cùng khiêm tốn, một phối hợp hiếm có, ít nhất là ở mức độ chúng ta đã thấy ở ngài; Đức Phanxicô, người  của Thánh Linh, người không làm những chuyện mới, nhưng làm cho các chuyện thành  mới. Người của thế giới, nhà thần học, người mục tử, nếu cả cuộc đời các ngài có thể gói gọn trong một chữ.”

 

Có người nói cha đã thay đổi “học thuyết” trong những năm gần đây. Cha trả lời sao?

 

“Tôi biết chính xác các bài giảng của tôi. Tôi xin trả lời ngay, giáo lý của tôi luôn giống nhau vì dựa trên Phúc Âm và trên Chúa Giêsu-Kitô vì vậy nó sẽ như thế cho đến cuối đời tôi. Tranh cãi không làm tôi sợ vì người đi giảng không mong chờ lời của mình được mọi người chấp nhận và đánh giá cao, điều quan trọng là những gì tôi nói đều phù hợp với cảm nhận của tôi trong hoàn toàn tự do, không điều kiện”.

 

Cha cũng biết một số bài giảng của cha đã thành chủ đề bị chỉ trích…

 

Tôi nghĩ đó là chỉ trích một trong các bài giảng của tôi ở Phủ giáo hoàng khi nói về Đức Trinh nữ. Tôi xin làm rõ điều này: tôi không có ý định xem thường hình ảnh Đức Mẹ và chỉ trích những người công giáo tôn kính Mẹ, vì tôi là một trong số họ. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, cùng với Mẹ Maria phải có Chúa Giêsu và cả Thiên Chúa Ba Ngôi, điều mà nhiều người công giáo quên. Các anh em các Giáo hội Kitô khác có thể cho bạn biết tôi đã cố gắng hết sức để họ khám phá ra Đức Maria trong trọn vinh quang của Mẹ.”

 

Chúng ta đang sống ở thời buổi của các vụ bê bối tài chính và có nhiều người phàn nàn về sự mờ ám trong Giáo hội. Cha nghĩ sao? Cha sẽ nói gì với các giáo dân cảm thấy mình bị lạc hướng?

 

Trong nhiều năm tôi là giáo sư Lịch sử nguồn gốc kitô giáo tại Đại học Công giáo và cả sau này, tôi còn xử lý Lịch sử Giáo hội. Điều này có nghĩa là tôi không quá bất ngờ trước các vụ tai tiếng hiện nay. Nhìn vào các chuyện trong thời gian rất giới hạn đời sống của mình, thế kỷ của mình, chúng ta không nhận ra, Giáo Hội ngày nay “trong sạch” hơn nhiều thế kỷ trước: thoát khỏi quyền lực, hào nhoáng, giàu có, độc tài, mưu đồ chính trị và điều quan trọng nhất là không kém phần phong phú như các thánh ngày xưa. Thực tế là các vụ bê bối ngày nay được đưa lên mặt báo và được báo cáo (ngày càng do sáng kiến của chính thể chế) tự nó đã là một tiến bộ lớn. Tôi nhớ đã đọc suy nghĩ này trong quyển  tiểu thuyết của tác giả Bruce Marshall, người Scotland: “Chúa Giêsu nhặt các mảnh gỗ sần sùi và tồi tàn nhất ngài tìm thấy và từ người thợ mộc nhân hậu, như Ngài đã học ở Thánh Giuse cha Ngài, Ngài đã đóng một con thuyền mà nó đi được suốt hai mươi thế kỷ!”.

 

Trong bài giảng cuối cùng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cha tập trung về coronavirus đang làm cả thế giới đau khổ. Làm thế nào chúng ta có thể đối phó trong thời điểm đại dịch này?

 

Chúng ta tất cả đều mất mát trong thảm họa này, chỉ trong một thời gian ngắn đã làm thay đổi thế giới và làm cho chúng ta quay trở lại với bầu khí của cuộc thế chiến vừa qua. Đức Phanxicô nỗ lực hết sức và tận dụng mọi cơ hội để nói đại dịch là dịp  để hoạch định một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Trong các bài giảng Mùa Vọng tiếp theo của tôi, theo cách nhỏ của tôi, tôi cũng cố gắng suy ngẫm về đại dịch, nhưng chỉ là dịp để nói lại một số lẽ thật và thực tế chưa được nói: cái chết, đời sống vĩnh cửu, sự hiện diện của Chúa Kitô nhập thể trong con thuyền bão tố của chúng ta. Tất cả những chuyện không nhất thiết phải công bố mà không phân định cho một thế giới đã quá kiệt quệ và bối rối, nhưng sẽ là điều nghiêm trọng nếu các tín hữu chúng ta giữ im lặng.”

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 01.11.2020/ lastampa.it, Salvatore Cernuzio, 2020-10-31)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét